Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Một, 2020

Lối cũ xuân về

Nguyễn Ngọc Hưng

Ngẩn ngơ lối cũ em về
Mảnh trăng lá lúa hẹn thề kém xanh
Nhạt mùi hoa bưởi hoa chanh
Có còn hương tóc thơm quanh dịu dàng? (more…)

Read Full Post »

Chuột ly hương

 
Trần Bảo Định
 
1.
Đêm Cần Giuộc.
Chuột Cống co ro trú ẩn nơi gò đất tha ma mộ địa. Ngoài trời, trăng tháng Chạp nhả sương tăm tăm mù mặt nước sông và đâu đó, tiếng ai văng vẳng hát câu đồng dao:
Buồn nào hơn buồn xa xứ
Trăm thứ nhớ, trăm thứ vương, trăm thứ thương, trăm thứ tội…
Người ơi! Em xin hỏi:
Bao giờ người trở lại quê xưa?
 
Chạnh lòng, Chuột Cống tặc lưỡi, thở dài – cái thở dài, ly hương!
Thêm lần nữa, Tết trôi qua… Thêm lần nữa, nó luân lạc xứ người. Bồi hồi – hình như có chút gì đó, ngậm ngùi. Nó hồi tưởng:
Chuột Cống sinh ra ở chốn kinh kỳ – cái kinh kỳ, một thời rực rỡ: Hòn ngọc Viễn Đông! 
Quê hương Chuột Cống từng từng lớp lớp nhà cao cửa rộng, tràn ngập ánh đèn đường đêm phố phường… ; và kỹ năng sống của nó, là đào đất xây thành hang ổ làm sở hữu riêng chẳng chung chạ cùng ai. Song, việc chiếm hữu đất xây hang ổ thì nó hoàn toàn không lạm dụng và tham lam, vì nó muốn con –  cháu –  chắt của nó phải biết sống bằng kỹ năng chớ không lệ thuộc sống vào bản năng. Chuột Cống điêu luyện khi di chuyển, như đi, chạy bằng bốn chưn; đào hang, leo tường trèo vách và nhảy cả hai chưn; bơi qua sông rạch, trượt cầu thang hoặc đu dây những lúc gặp phải cảnh ngộ bất trắc. Nơi chốn quê nhà, ở đất địa cũ, Chuột Cống thường dùng gan bàn chưn để đi lại, hoặc đi bằng bàn tay; chưn tay nó, móng vuốt dài và chắc khỏe –  móng vuốt dài và chắc khỏe đó, nó dùng đào hang ổ và cũng là vũ khí chống quân thù xâm lược, bảo vệ lãnh thổ. Chuột Cống, không giấu giếm mà luôn minh định dứt khoát ranh giới lãnh thổ của mình đối với các chủng loài chuột khác.
– Đại ca! Lãnh thổ của Đại ca từ đâu tới đâu, vậy?
Chuột Mái Nhà, mạnh dạn hỏi.
– Cái thằng Chuột Mái Nhà này, ngu vô số kể. Lãnh thổ của Đại ca từ đây, chạy mút chỉ (1) qua bên kia đường chợ Bình Tây chớ tới đâu mà hỏi với han!
Thình lình ngứa miệng, Chuột Nâu đía vô chuyện.
Sài Gòn se sắt lạnh trong cái nồng nàn ấm, nắng phương Nam.
Chuột Cống liếm mép, nhìn bầu trời xanh, và chậm rãi nói rõ chiều kích ranh giới lãnh thổ thuộc về nó là một trăm mét bán kính, tính từ chỗ hang. Dẫu rằng, nó có tham nhưng không vì tham mà nó lạm chiếm cưỡng đoạt lãnh địa của các loài chuột khác giống.
– Đại ca! Không hiểu sao hồi này, chuột nhà ta – nhứt là Chuột Nâu, ngày càng đông và đông đến đỗi, muốn tràn ngập cả Sài Gòn.
Chuột Mái Nhà thắc mắc, và nói có vẽ báo động.
Cười ngất, Chuột Cống buông lời:
– Dễ hiểu thôi!
– Dễ hiểu, là dễ hiểu sao, Đại ca?
Ngứa tai, Chuột Nâu hỏi miết tới.
– Người đông, thì chuột nhiều. Đó là, lẽ tất nhiên để loài gặm nhấm của ta sanh sôi trong điều kiện có nhiều yếu tố địa lợi, nhân hòa, và chưa kể thuận thiên thời.
Rồi, Chuột Cống nói tiếp:
– Sài Gón thôi chiến tranh, và một Sài Gòn sau ngày mở cửa đón du khách bốn phương tụ về; đồng thời ngườì nhập cư ồ ạt tìm sống nơi “đất lành chim đậu” và người tại chỗ, tăng sanh đẻ rất nhanh – nhanh đến chóng mặt.
Chuột Cống nói chắc cứng:
– Về sanh đẻ, người tại chỗ nếu có thua thì chỉ thua loài chuột chúng ta!
Nghe Chuột Cống kiến giải, Chuột Nâu và Chuột Mái Nhà ngẫm nghĩ: “Người đến và ở đông đúc đã tạo ra hằng hà sa số thức ăn, thức uông dư thừa giúp loài chuột sống. Đó là cái ăn, còn cái ở?”. Như có “thần giao cách cảm”, đột nhiên Chuột Cống nói phong long:
– Chẳng rõ Trời hay người cho chuột ta có cái ăn ngon, và cũng cho luôn cái ở rất đàng hoàng, tươm tất.
Chuột Nâu nói theo:
– Lâu đài, dinh thự lẫn nhà cao chọc trời… Sài Gòn xây trên nền kiến trúc từ thời La Mã cổ đại tới thời hiện đại và hậu hiện đại, đã tạo ra không gian ngầm rất thích hợp và đắc địa để loài chuột ta sanh sống.
Chuột Mái Nhà, cảm nhận những điều vừa nghe đại ca Chuột Cống và Chuột Nâu nói, nó có cái gì đó chưa thật được ổn lắm. Bởi, góc nhín sự việc xuất phát từ tập tính, lối sống của mỗi nòi chuột chẳng giống nhau. Ví như, Chuột Cống thích làm hang dưới đất – mà phải là, dưới đất cặp theo chân từng nhà. Vợ chồng son, hang ngắn hẹp và tới lúc, con bầy cháu đống thì hang nới rộng phình to. Chuột Cống chọn ở cận kề kẻ giàu có, Khu Công nghiệp hoặc Công viên. Hiểu ra, chẳng phải Chuột Cống “tham phú phụ bần” mà là, vì Chuột Cống cần nguồn thức ăn dồi dào, thức uống thừa thải (2) để nuôi thân mỗi ngày. Điều quan trọng, Chuột Cống cần nước như người cần không khí. Mất nước, Chuột Cống chết! Với Chuột Nâu, nó làm hang phía ngoài tường nhà, có khi ngoài hiên hoặc dưới những vỉa hè. Người đời ghét, tìm diệt Chuộc Nâu vì nó là kẻ chuyên đào bới… Ngẫm lại, Chuột Mái Nhà, nghĩ: người Sài Gòn gọi nó là Chuột Đen, có lẽ vì thân lông màu xám đen tới đen, bụng xám vàng tới xám; mũi nhọn, tai rộng, đuôi dài chạm tới mũi và nó, khoái ở mái hiên, tầng áp mái hoặc trên mái nhà và trong điều kiện nào đó, nó cũng có thể ở trên cây hay ở chỗ cao nhứt của căn nhà, nên người ta gọi nó là Chuột Mái Nhà chăng? Hơn nữa, nó rất ưa thích thức ăn từ rau củ, các loại trái cây, các loại hạt… thiên hạ thường gọi đùa: Chuột Mái Nhà, là chuột ăn chay hay chuột ăn kiêng!
Chiều xô dãy phố rớt bóng xuống mặt đường.
Lý thú, Chuột Mái Nhà mỉm cười, khẳng định dứt khoát: “Chuột háo ăn ham uống nhưng chưa bao giờ, vì ham uống háo ăn mà chuột bôi mặt cướp giựt, cắn xé nhau và cũng chưa bao giờ, sát hại đồng loại, diệt anh em để giành nhảy bàn độc”!
2.
Ban mai Sài Gòn, nắng ấm.
Chuột Cống, mân mê từng sợi lông cứng ngã nâu màu ửng đỏ và cái lườn bụng nhạt trắng pha vàng; nó lặng ngắm bóng nó in vách tường cao với cái mũi cùn, tai nhỏ và kín và nhứt là, cái đuôi có vảy mà chẳng có lông trên thân thể vạm vỡ, cường tráng. Sự vạm vỡ, cường tráng này được gắn kết cùng đầu óc tinh quái, Chuột Cống đủ lực đánh trả các đối thủ như rắn, mèo… hoặc các chủng vật khác, bảo vệ lãnh thổ. Và, cũng vì vậy, loài chuột tôn vinh Chuột Cống là đại ca!
Mùa Thu và mùa Xuân, Đại ca sinh sản con bầy đàn. Mùa Hè và mùa Đông, Đại ca đẻ con chỉ là đẻ lắt nhắt chơi. Hỏi ra, Đại ca nói: “Mùa nóng nực và lạnh lẽo, sinh sản con dễ yếu đuối, hèn nhát trước kẻ thù”.
Kết án tử chuột, con người lạm quyền đề quyết: Chuột là kẻ tội đồ phá hoại kinh tế và lây bịnh truyền nhiễm! Điều mà từ rất lâu, loài chuột phản kháng dữ dội. Bởi, loài chuột cho rằng: “Trên cõi trần gian nầy, tất cả chúng sinh đều được quyền sống và không kẻ nào, dù là Thượng đế cũng không được quyền nhân danh quyền sống riêng mình, cướp đi quyền sống của chúng sinh khác!”.
Bức xúc, Chuột Mái Nhà hỏi:
– Chuột nhà ta có trước, hay con người có trước trên trần gian, Đại ca!
– Ta không rõ lắm! Có điều, ta biết rõ là giữa gen chuột và người giồng nhau đến kỳ lạ (3), mà trong cõi nhân gian này, chưa có gen chúng sinh nào giống gen người.
 – Đại ca! Gen người giống gen chuột, sao người giết chuột?
Đường thắp đèn, ánh sáng lung linh phố!
Về đêm, loài chuột sinh hoạt và ráo riết kiếm ăn tìm uống. Chuột Cống, tim thắt lại khi nghe Chuột Mái Nhà hỏi: “Sao người giết chuột?”.
Không vội trả lời, Chuột Cống nhấn mạnh tới việc ăn uống:
– Này, Chuột Nâu! Bạn cẩn thận ăn thức ăn người cho không biếu không.
Chuột Cống, chậm rãi nhắc nhở.
– Có ai cho ai không thứ gì bao giờ!
Thừa gió, Chuột Mái Nhà kêu chít chít, nói đệm theo.
Chẳng đợi Chuột Nâu ý kiến, Chuột Cống nghiêm sắc mặt:
– Ta vừa phát hiện con người đang âm mưu sử dụng “Thập ngũ vong ơn” sát hại loài chuột.
Ngơ ngác, Chuột Nâu và Chuột Mái Nhà ngó nhau không biết ất giáp cái quái quỷ gì “Thập ngũ vong ơn” mà Đại ca vừa nói. Chuột Mái Nhà, đầu óc cứ mãi lởn vởn câu hỏi: “Sao người giết ta?”.
Dưới từng vệt sáng lờ mờ nơi đô thị, Chuột Cống nói rõ và cặn kẽ những chiêu thức con người sử dụng “Thập ngũ vong ơn” (4) để đẩy đuổi và giết loài chuột. Thoáng nghe qua rất đơn giản, nhẹ nhàng; song ngẫm cho thấu đáo thì mới thấy cái đơn giản ẩn giấu cái phức tạp, cái nhẹ nhàng ẩn giấu cái đớn đau,… Được đại ca khai quang điểm nhãn, Chuột Nâu và Chuột Mái Nhà thè lưỡi, lắc đầu!
Nhắc lại câu hỏi gắt của Chuột Mái Nhà: “Gen người giống gen chuột, sao người giết chuột?”, Chuột Cống kiến giải:
– Cõi trần gian, chuột hiện hữu trước người và vì hiện hữu trước người, nên gen người giống gen chuột.
– Đại ca nói vậy, thì bọn đệ nghe vậy. Lấy gì chứng minh?
Chuột Nâu và Chuột Mái Nhà, đồng thanh nói.
–  Xưa nay, sau giống trước chớ nào trước lại giống sau!
Nói xong, Đại ca cười khanh khách.
Mưa lâm thâm qua tường nhà cũ, rêu phong.
Bẩy chuột kéo nhau vào căn nhà hoang. Trời chớp giựt.
Chuột Cống ngồi chò hỏ, chống càm và nói tiếp lời kiến giải:
– Người trách trời oán đất, sao cơ cấu chuột trước người. Nhưng, người đâu biết rằng, trời đất sinh chuột ta trước người là để chuột cứu giúp người…
– Sao chuột phải cứu giúp giống người độc ác đó?
Tức khí, Chuột Nâu đâm lời ngang hông.
– Thì, Chuột Nâu cứ nghe Đại ca nói, cái đã!
Chẳng phân bua, Chuột Cống chỉ nói: “Các bạn không biết đó thôi, người là con ruột Trời – nên có câu: “Thiên tử, Thiên hạ”. Hồi lâu, Chuột Cống mở miệng huỵch toẹt: “Thiên tử là con Trời cấp cao, Thiên hạ là con Trời cấp thấp”.
– Vậy, chuột thì…
– … thì là, thú… vật, thôi!
Chuột Mái Nhà và Chuột Nâu, râu xụi lơ, mặt buồn xo và lòng buồn thiu nghe Chuột Cống kết, khi đã luận.
– Trời chơi kiểu bất công, quá!
Chuột Nâu, than.
– Trời, vốn đã bất công; nhưng là, bất công cần thiết để cân bằng sinh thái cho môi trường sống của chúng sinh muôn loài.
Chuột Cống, đỡ lời than Chuột Nâu.
Mưa ngừng hạt. Cầu vòng năm sắc màu sặc sỡ, vắt lưng trời.
Chuột Cống nói:
– Giết chuột, người ngộ nhận chuột là kẻ thù gây tai họa cho người: phá hoại kinh tế, và lây bịnh truyền nhiễm.
Chuột Cống giải thích:
– Ta vốn động vật có vú nhỏ, và là loài gặm nhấm với hàm răng nhọn chắt, sắc bén và dài ra nhanh thật nhanh rất khó chịu. Nếu ta, không cắn xé bất cứ vật gì mà ta bắt gặp cho răng mòn thì ta, sẽ chết mất bởi cái rất khó chịu của răng dài ra nhanh thật nhanh đó!
Thấm và ngấm điều đã nói, Chuột Cống tỏ vẽ thấu đáo chuyện:
– Trời sinh răng dài, mọc nhanh… khiến ta phá mùa màng, vật dụng của con người. Tại sao vậy?
Chuột Cống tự hỏi, và tự trả lời: “Trời sinh tính người, trời biết tính con của mình hễ no cơm ấm áo thì lười việc nhát làm”.
– Vậy, ta phá nhằm kích hoạt người xây!?
– Đúng rồi đó, Chuột Nâu!
Chuột Cống tán thưởng.
– Trời biết tính người thiện – ác cận kề. Ác có thể lên ngôi, tàn sát chuột – “kẻ phá hoại”. Do vậy, vì vòng đời chuột ngắn nên nó được phép đẻ, đẻ liên tu bất tận, đẻ bất kể chết… cũng là cách, ngăn con người diệt chủng loài chuột.
Chứng minh điều đã nói, Chuột Cống khai trước bàn dân thiên hạ, rằng: “Cặp vợ chồng Chuột Cống, sau một năm ái ân sẽ đẻ ra một bầy con, cháu, chắt áng chừng tám trăm. Và, tám trăm con, cháu, chắt đó sau ba năm sẽ đẻ hơn hai triệu con chuột!”.
– Khủng khiếp!
Đột nhiên, Chuột Mái Nhà, la toáng lên.
– Thì, chúng mầy cũng đẻ có kém gì tụi qua!
Phì cười, Chuột Cống liếng thoáng.
Đắc ý, Chuột Nâu gật gù:
– Chỉ có đẻ vậy, chuột mới có khả năng chống lại nạn diệt chủng của con người.
Chuột Mái Nhà, dợm hỏi: “Căn cớ gì, chuột lây binh truyền nhiễm người?” thì liền đó, Chuột Cống nói luôn:
– Trời cho chuột có trước người, là trời có lý lẽ và chủ đích riêng. Lấy gen chuột, trời nghiên cứu cấu tạo gen người. Để chi? Để một khi người mắc bịnh, thì chuột phải hy sinh làm con vật thí nghiệm tìm ra thuốc trị bịnh cho người.
Hừng chí, Chuột Nâu vỗ đùi đeng đéc: 
– Hiểu rồi! Hiểu rồi!
 Ganh Chuột Nâu, Chuột Mái Nhà nóng mũi, tằng hắng: 
– Hiểu sao? Hiểu là sao?
– Là gen người từ gen chuột, không giống nhau mới lạ!
Rồi, Chuột Nâu thong thả, buông tiếng vừa đủ nghe: “Trời, chơi đáo để!”.
– Đó chưa là cái gì “chơi đáo để” mà cái “chơi đáo để” hơn, là…
– … là sao, Đại ca?
Thiếu kiềm chế, Chuột Mái Nhà nhảy tửng vô đốc họng Chuột Cống.
Chuột Cống chồm mình, nheo mắt khinh bạc:
–  Cái “chơi đáo để” của trời là trời buộc – buộc tự nhiên ràng quán tính – , chuột làm nhiệm vụ lây bịnh truyền nhiễm người; với thâm ý, trời tạo điều kiện cho người tìm phương thuốc trường sinh bất tử qua thí nghiệm chuột!
Đường phố xe cộ đông ken, người nhung nhúc. 
Và, khói bụi đô thị trộn lẫn mùi da thịt người… gây ghiện mùi trần ai!
 
3.
Trời, luôn nghĩ tới người!
Người, thì…
Bâng khuâng, Chuột Cống thấm cái huyền bí của trời mà con người chưa hoặc không thấu hiếu. Vì, con người chưa hoặc không thấu hiểu nên khao khát thay trời trị vì. Họ – ngày đêm, lao tâm khổ trí tìm trăm mưu nghìn kế để phá vỡ tất cả những gì vốn đã được lập trình và cần bằng của trời ban tặng cho cuộc sống. Tiếc rằng, tâm mờ trí đục khiến con người ngạo mạn và vĩ cuồng, bất chấp các quy luật tự nhiên là nguồn cơn tạo vạn sự an lành.
Sài Gòn, giờ vẫn là Sài Gòn của mưa nắng hai mùa thương nhớ nhưng lại là, thương nhớ hai mùa chợt nắng chợt mưa và mỗi khi mưa thì mưa lê thê tầm tả, không như ngày xưa, Sài Gòn mưa vội dứt nhanh.
Nắng, lạ lắm; nắng rát, bụi hung và người thi trùm kin mặt mũi, mình mẩy chỉ vỏn vẹn còn ló đôi mắt thất thần như bóng ma di chuyển trên đường. Nắng Sài Gòn, mất hẳn thứ nắng vàng mật ong, thứ nắng tươi tắn tràn lên phố lên cây quang hợp xanh là, trổ bông, kết trái.
Chuột thích nghi mọi hoàn cảnh mới, dù nó phải lìa hang bỏ ổ dưới đất, trèo lên cao vì triều cường hoặc trời thịnh phẫn nộ, đổ cơn mưa. Sài gòn, ngoài hai mùa mưa nắng có thêm những ngày mùa ngập lụt và chuột, bình thản sống ung dung chung với ngập lụt bằng những nụ cười lí lắc.
Song, chuột phải chết – chết vì, lòng người nham hiểm!
Nhiều đêm Chuột Cống bỏ bữa đi xục xạo kiếm cái ăn ở khu chợ Bến Thành. Chuột Cống cô độc ngồi độc ẩm dưới chưn tượng đài Quách Thị Trang (5) ở Bùng binh Quách Thị Trang; nơi mà trước kia, người Sài Gòn gọi là Công viên Diên Hồng với tượng danh tướng Trần Nguyên Hãn uy nghi. Cũng chốn này, Chuột Cống đã từng chứng kiến và không thể nào quên những hừng đông ngày chưa kịp sáng, máu tử tù lênh láng ngấm sâu hồn đất Sài Gòn tại Pháp trường Cát (6). Ngẫm thế sự nghĩ thân phận, Chuột Cống càng thấm thía về lý lẽ của cái mạnh và cái mạnh, luôn đeo bám cái ác. Âu là, cách dùng ác tạo uy không cần tín. Do đó, người thích nhân danh cái có thể không có để giết người.
Chẳng hiểu hương vị rượu cay nồng, hay vì tâm tư thổn thức mà mắt Chuột Cống rưng rưng. Cố kiềm lòng, Chuột Cống không thể – không thể, bởi vì Nam Bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng, chuột vốn có trên dưới mười loài (7). Vậy mà, nay nòi giống chuột chịu cảnh xác xơ, tan rã dưới bàn tay người và tính ra, không còn được mấy loài chuột.
– Bớ… Đại ca! Đại ca ơi, cứu đệ! C…ứu…u…
Tiếng kêu chói lói, hình như là tiếng của Chuột Nâ.
Liệng hủ rượu, Chuột Cống gấp gáp co giò phóng nước đại về hướng phát ra tiếng kêu. Cảnh tượng hãi hùng và khiếp đảm xảy ra trước mắt Chuột Cống: cả bầy Chuột Nâu, mắt trao tráo, trừng trừng; hộc máu mồm, rỉ máu tai…. lăn lộn, giãy giụa trong sân vườn biệt phủ của tên tham quan hay của kẻ trọc phú nào đó. “Vô phương cứu!”, Chuột Cống nghe như tiếng vọng từ âm tỳ địa ngục dội về và nó khóc rống, quỳ xuống ôm xác đồng loại.
Loáng thoáng, mùi thịt ướp vị hương.
– Phải rồi, Đại ca! Chính cái mùi hương thịt ướp vị độc náy đã giết chết cả nhà Chuột Nâu trong cơn đói khát.
Chuột Mái Nhà, vừa chỉ rõ nguồn cơn nguyên cớ, vừa kêu rít rít và vừa khóc thút thít.
Giậm chưn xuống đất, Chuột Cống kêu trời:
– Trời ơi! Thật không ngờ, từ lâu ta cứ tưởng người giỏi giết chuột bằng những chiêu thức “Thập ngũ vô ơn” nào dè người “Túc trí đa mưu” trong từng cách diệt sinh linh…
– Miếng ăn thơm ngon là miếng ăn độc. Người cho không, người cho ăn dễ thì sau khi dễ ăn sẽ phó thác mạng cho người. Đệ đã nói nhiều lần như vậy, với Chuột Nâu!
Giải lý, Chuột Mái Nhà phân bua.
Trên đường về, Chuột Mái Nhà tự tin, nói rằng nó chuyên ăn rau củ, trái cây, thì con người khó mà diệt nó bằng tẩm độc thức ăn động vật. Nghe nói vậy, Chuột Cống dè dặt, khuyên:
– Này đệ! Tự tin nhưng không được chủ quan khinh thường con người.
Ngừng chốc lát, Chuột Cống nói tiếp:
– Họ đã biết tẩm độc vô thức ăn động vật, thì hà cớ gì họ không rành tẩm độc vô thức ăn thực vật!
– Để họ cùng chết sao, Đại ca?
– Trong cái khôn cũng có cái ngu và cái ngu, từ hám lợi lẫn háo danh mà ra. Không có cái ngu nào giống cái ngu nào trong cái khôn con người sở hữu.
Chuột Mái Nhà, lý sự cùn với Đại ca tới khi trời sáng bửng. Lúc sắp chia tay, Chuột Cống vỗ vai Chuột Mái Nhà:
– Này đệ! Gần đây, ta hóng chuyện người dùng hóa chất bảo vệ thực vật. Ta lo cho đệ.
– Lo chi cho mệt, Đại ca!
Liếng thoáng, Chuột Mái Nhà nói thêm:
– Đại ca! Người và đệ, sống chung một nhà. Nếu, đệ ăn thực vật được bảo vệ bằng hóa chất và người cũng ăn như vậy. Đệ ăn phải chết, chắc gì người sống?!
Rồi, chưa tới hai tuần trăng, Chuột Cống nhận hung tin và nỗi buồn rầu được nhơn lên:
“Chuột Mái Nhà, lớp ngộ độc, lớp chết sau khi cả bầy bu ăn mâm trái cây do người cúng ở miếu Thổ thần trong nhiều ngày, trái cây vẫn còn tươi rói!”.
4.
Soi hình qua bóng nước – thứ nước, thừa đục thiếu trong – , Chuột Cống phát hiện hình thù nó quái dị và nó, không là nó của ngày xưa. Mỗi khi thu mình lại, thân Chuột Cống tròn ủm và lông nó chẳng khác nào là gai. Hóa chất do người sáng chế và sử dụng đã giết dòng họ chuột chết rất nhiều, nhưng không là chết hết. May mắn, những con chuột nhờ phước đức ông bà còn sống sót thì lần hồi, nó biến đổi gen và rồi, tế bào chuột từ các loại hóa chất tổng hợp mà thành; đồng thời, thức ăn thức uống của chuột nếu thiếu ướp tẩm hóa chất, nó sẽ không ăn không uống. Và, Chuột Cống dù có tinh ranh, láu lỉnh cỡ não cũng không thể thoát ly sự biến đổi môi trường sống khủng khiếp. Bất lực, Chuột Cống tự nó, biến nó thành cục thịt hóa chất và cục hóa chất đó, di chuyển khắp đô thị nguy nga tráng lệ, gieo rắc mầm bình truyền nhiễm cho người.
Trăng Sài Gòn, ánh vàng trải mặt sông Bến Nghé.
Nhìn trăng, Chuột Cống thẹn lòng và đôi lúc chạnh lòng, nó không muốn tiếp tục hại người dù rằng, cái hại người hôm nay của nó chính là cái của người hại nó hôm qua!
Chuột Cống bỏ đô thị, ra đi.
Lăn tăn sóng, chiếc ghe thương hồ lắc lư, chòng chềnh. Chuột Cống quá giang ghe, những mong về ruộng đồng với hy vọng, tâm hồn hậu tính thiệt thà của người nhà quê cùng thức ăn thức uống ít nhiều còn thanh sạch sẽ giúp tẩy rửa chất độc mà thân thể nó đang mắc phải.
Cung đường thủy trình, bóng chiều lướt thướt.
Mơ màng, Chuột Cống cảm nhận buổi chiều đẹp! Cũng buổi chiều nay – Chiều ly hương, và lần đầu, nhờ nghe cuộc nói chuyện, giữa chủ ghe và gã đi bạn; Chuột Cống mới biết con sông Cần Giuộc mà người đời có lúc gọi là sông Rạch Cát hoặc sông Phước Lộc.
– Sông Cần Giuộc, chỉ là dòng sông nhỏ nhưng lại là dòng sông nhỏ quan trọng.
Lão chủ ghe nói với gã đi bạn, như vậy.
Hồi sau, lão chủ ghe nói cặn kẽ:
– Dòng sông nhỏ Cần Giuộc phát nguồn từ thủy tụ của các kinh rạch Sài Gòn (đoạn ngã ba sông Chợ Đệm tới cầu Ông Thìn, thuộc quận 8 và huyện Bình Chánh) và sau đó, nó chảy vảo địa phận tỉnh Long An (Cần Giuộc, Cần Đước) cho tới lúc, gặp kinh Nước Mặn nối sông Vàm Cỏ thì nó cùng chảy ra sông Soài Rạp về biển.
Gã đi bạn, tỏ vẽ thán phục sự rành mạch đường đi nước bước của Lão chủ ghe.
– Chiều rồi! Chú em mau đi lo bữa cơm chiều đi!
Nhắc lời xong, Lão chủ từ từ bẻ bánh lái ghe tắp mũi vô bờ, dừng nghỉ ăn cơm và đợi con nước cho ghe đi tiếp.
Ngồi chồm hổm, Lão chủ vấn thuốt rê hút.
– Chú em! Mần gì mà “Khói như hun chuột”?
– Dạ! Củi ướt nên khói đặc nghi ngút, cay xè và lan rộng đó, thưa ông chủ!
Gã đi bạn lễ phép, trả lời.
Mùi thịt xào, cá chiên… từ bếp cà ràng, bốc mùi đói quyến rũ theo gió hương chiều. Đã lâu lắm rồi, Chuột Cống và đám chuột đang nằm giấu mình ở mái lá lợp mui ghe, mới có dịp thưởng thức mùi vị thức ăn chân phương ngày cũ. Quên thân phận là kẻ quá giang, Chuột Cống và đám chuột hít hà, kêu rít rít – tiếng kêu hoan hỉ, tưởng đã mất nhưng không ngờ vẫn còn gặp lại.
– Chú em! Chú em, đâu rồi?
Tiếng Lão chủ gọi giựt ngược.
– Dạ! Thưa, tui ở bếp, nè!
– Lũ chuột kêu, chú em có nghe?
– Dạ! Thưa, có nghe!
Lão chủ đứng chống nạnh, trợn mắt phùng mang, hét:
– Có nghe! Sao khộng đập đuổi cái bọn nhơ nhớp, chuyên ăn tàn phá hại?
Chưa đã nư, Lão chủ rống họng: “Cái lũ ‘Làm dơi làm chuột’ (Làm việc mờ ám, không rõ ràng không chính đáng), và lũ nó tưởng ghe của lão là nơi ‘Chuột sa hũ gạo’ (May mắn, gặp được nơi sung sướng một cách tình cờ ngẫu nhiên) chăng?
Giựt nẩy mình, Chuột Cống chẳng thể ngờ lòng người nham hiểm quá độ. Người không những truy sát mạng chuột mà còn tận diệt tinh thần, khiến chuột không đường sống. Người cố tình truyền miệng và dựng bia, cái gì xáu xa nhứt là thuộc về chuột!
Nước ròng rút cạn nước mé sông.
Chuột Cống và bầy chuột mình mẩy bê bết máu, gồng mình hứng trọn từng đòn sào phát ra từ sự cuồng nộ của lão chủ. Gã đi bạn đứng nhìn, chết trâng!
Chiều chầm chậm trôi…
Trời chạng vạng, Chuột Cống dắt bầy chuột nhảy khỏi ghe, chạy trốn.
Đêm Cần Giuộc!
Chuột Cống không trách hành động của Lão chủ ghe mà chỉ tiếc là cuộc đời sẽ ngắn lại, nếu con người vẫn mãi làm hại lẫn nhau!
 …………………………………..
1. Ý nói là xa lắm.
2. Mỗi ngày, Chuột Cống cần lượng thức ăn từ 25 đến 35 gram thực phẩm và thức uống từ 15 đến 30 ml nước.
3. Người và chuột đều có khoảng 30.000 gen, hơn 90% các gen ở người cũng tìm thấy ở chuột. Tế bào người có 23 cặp, tế bào chuột nhắt có 20 cặp, chuột cống có 21 cặp nhiễm sắc thể (chroomsomes). Những mảng AND ở nhiễm sắc thể (NST) số 3 và số 16 của chuột lại lần lượt tìm thấy trong NST số 1-3-4-8-13 và số 3-16-21-22 của người. Phát hiện này cho biết người và chuột có cùng khởi nguồn chung là Eomaia Scansoria, một loài vật cổ xưa nhất, được xem là đại diện cho dòng Eutheria, tổ tiên của loài động vật có vú và nhau. 75 triệu năm trước đây, loài vật này mới tách thành hai chi: chuột và người” (theo DSCKII Bùi Văn Uy).
4. “Thập ngũ vô ơn”, là 15 cách đẩy đuổi và diệt chuột: – Mùi tinh dầu bạc hà – Mùi hăng của tỏi – Khoai tây nghiền thành bột – Nước soda – Bột mì trộn xi măng và muối – Mùi thơm cay nồng của quế – Bột ớt trộn chất tẩy rửa và dầu thực vật – Mù hăng cay nồng bột tiêu – Bộ giặt, xà phòng trộn cơm nguội – Dầu mazut – Mùi hăng amoniac – Mùi của giấm – Phân bò trộn thức ăn – Nhữ chuột ăn phải tóc người – Sóng âm có tần số cao.
5. Quách Thị Trang (1948 – 1963), ngày 25.8.1963, tham gia biểu tình phản đối chính sách bất bình đẳng tôn giáo của chính quyền Sài Gòn. Quách Thị Trang bị bắn chết ngay tại vòng xoay phía trước chợ Bến Thành. Đầu tháng 8.1964, Hội Sinh viên – Học sinh đã tổ chức quyên góp tạc tượng Quách Thị Trang và đúng thời gian 1 năm ngày Quách Thị Trang mất (25.8.1963 – 25.8.1964), tượng dựng lên gần chỗ chị bị bắn chết. Đến 1965, chính quyền Sài Gòn cho xây thêm tượng Trần Nguyên Hãn, danh tướng biểu tượng “Thánh tổ truyền tin” tại Bùng binh Quách Thị Trang. Cuối 2014, cà hai tượng đài đều được di dời để chuẩn bị mặt bằng cho dự án ga tàu điện ngầm tuyến Bến Thành. Tượng quách Thị Trang chuyển đến Công viên Bách Tùng Diệp (Q.1) và tượng Trần Nguyên Hãn chuyển đến Công viên Phú Lâm (Q.6).
6. Pháp trường cát (1965 – 1966), nơi hành quyết công khai nằm phía trái Bùng binh Quách Thị Trang và cạnh tòa nhà Công ty Vận tải Hành khách Đường sắt Sài Gòn (Tòa nhà khánh thành 1914, ban đầu mang tên Bureau du Chemin de fer của Công ty Hỏa xa Đông Dương. Trước 1975, là trụ sở Bộ Giao Thông – Bưu Điện, Sài Gòn). Ngày 29.1.1965, người bị hành quyết đầu tiên là Lê Văn Khuyên (học sinh trường Tư thục Trần Hưng Đạo, có ý kiến cho là sinh viên Đại học Khoa học, Sài Gòn) và tiếp theo, ước độ 182 người bị hành quyết (con số chưa có điều kiện kiểm chứng). Trong đó, Liệt sĩ Trần Văn Đang bị hành quyết ngày 22.6.1965;
thương gia Tạ Vinh bị hành quyết ngày 14.3.1966… Pháp trường cát, trước tháng 9.1965, mỗi lần hành quyết chỉ hành quyết một người nhưng sau thời gian đó, Pháp trường cát nới rộng để đáp ứng việc hành quyết một lần tới ba tử tội.
7. Chuột cống, chuột nâu, chuột đồng lớn, chuột đồng nhỏ,  chuột mái nhà, chuột đàn, chuột bóng, chuột khuy, chuột nhắt, chuột giéc-me (R.ranus germaini).

(more…)

Read Full Post »

Tình yêu trốn vào đêm

Đặng Phú Phong

chiều rơi một bóng chim
dã quỳ giơ tay hứng
ôm hình tướng vô thường
bên kia bờ đá dựng
mặt trời trốn vào đêm
(more…)

Read Full Post »

Khói bếp quê nhà

Nguyễn Đình Sinh


Những ngày gần giáp Tết
Giữa đô thị phồn hoa
Con thấy lòng thổn thức
Da diết nhớ quê nhà… (more…)

Read Full Post »

Mùa xuân

Trần Hoàng Phố

Đó là mùa xuân với lời chúc trong veo
Của đất trời giao hòa
Của lộc biếc trong tim

Đó là lời mừng tuổi
cho thanh xuân linh hồn mãi mãi

Đó là nắng ấm của trái tim sẻ chia
Cho những người mùa xuân bất hạnh

Đó là khi ta thắp hương
trên bàn thờ tổ tiên trong mâm cúng tất niên
Nghe máu linh thiêng chảy về
dạt dào trong tâm tưởng

Đó là khi ta đi chạp mộ cuối năm
Để thấy mình gắn bó với
một vệt nối không dứt với dòng họ tiền nhân
Gắn sự sống với cái chết bao đời

Đó là khi ta cắm
và treo những thiệp chúc tết vào nhánh mai vàng
Để thấy trong lòng mình
Như những cánh bướm lượn bay
trên những cánh hoa mơn mởn xuân

Đó là khi ta về thăm quê nội ngoại
Đặt ít mứt trà bánh chai rượu lên bàn thờ
Thắp ba que hương tưởng nhớ
giòng máu bên mẹ bên cha
Cuộc đời sinh ra ta
Đã có ân cần nuôi dưỡng thương yêu
có mẹ có cha phía nội phía ngoại

Đó là lúc ta ngó lại ngôi nhà mình
Quét vôi lại bức tường ngõ
sơn lại cánh cổng
Dọn dẹp nhà cửa linh hồn tinh tươm đón xuân

Và lòng ta bỗng rộn ràng
khi chuông giao vừa đổ vang
Pháo hoa rực rỡ một góc trời
Một chút linh thiêng cuộc đời làm mắt ta cay
và tim ta bỗng đập nhịp bồi hồi

 

(more…)

Read Full Post »

Năm Bắt Đầu Tân Niên

Trần Vấn Lệ
 
Cây đào bên hàng xóm chìa nhánh sang nhà tôi tất cả lá đã rơi, hình như chồi đang nhú…
Còn cây đào trước ngõ nhà tôi đã có hoa; không nhiều, chỉ vài ba…mà vô cùng thắm thiết!
Thôi, năm cũ, chào biệt.  Năm, bắt đầu:  Tân Niên!

(more…)

Read Full Post »

Xông đất

Kha Tiệm Ly

Vợ chồng Ba Nguy thuộc vào hạng “rớt mồng tơi”. Thông thường, hễ kẻ bần hàn thì thường khép nép, đi đứng rụt rè. Trong bàn tiệc thì ăn chẳng dám gắp miếng ngon, uống chỉ từng hớp nhỏ. Ba Nguy cũng không ngoại lệ. Tết đến, anh bàn với vợ, dù ăn mắm ăn muối gì cũng phải ráng mà mua cho được con gà để Tết ông bà nhạc, chứ “đã bao năm mình “làm thinh” hoài, coi sao được!”. (more…)

Read Full Post »

THÌ THÔI XUÂN ĐẾN CHI
Sáng tác: Vũ Thanh
Trình bày: Hồ Hoàng Yến

Tặng những ai ăn Tết xa nhà, đón xuân xa xứ.
THÌ THÔI XUÂN ĐẾN CHI
Lyric:
I- Chiều mang cơn gió cuối đông về
Buốt vai người lữ thứ
Mùa xuân theo sau rất âm thầm, lộc non thay lá khô
Nghe như hương mùa xuân nhẹ len vào nhịp thở
Chim ca ngoài kia mà sao quá ngỡ ngàng
Sang xuân rồi ư mà giao thừa im vắng?
Đã bao năm rồi, chén xuân riêng mình
Ngồi nhìn xuân bước qua
** ĐK:
Từng mùa xuân đi qua trên lối mòn đời ta
Mẹ giờ nơi xa xăm mắt lệ nhòa thương nhớ
Ôi, biết bao giờ!
Biết đến bao giờ, mới có được mùa xuân ước mơ?
II- Người đi năm tháng đã mỏi mòn
Tóc xanh giờ điểm trắng
Một đời lênh đênh vẫn chưa về, từ khi xa cố hương
Xuân tha hương lẻ loi, thì xuân dầu rực rỡ!
Xuân không người thân, thì xuân đâu có vui
Hoa mai nhà ai gợi bao niềm thương nhớ
Đã không mong chờ. Đã không sum vầy, thì thôi xuân đến chi.
(Music…..)
Đã không mong chờ. Đã không sum vầy
Thì thôi xuân đến chi. (Rebeat 3 times)

Read Full Post »

Cao Thị Hoàng

1.
Từ bao đời, bất chấp lịch sử thăng trầm hay cuộc sống đầy vơi, người Việt luôn lưu giữ và duy trì mỹ tục “Đầu năm, đi chùa lễ Phật”.
Đầu năm, – thời khắc vô thủy vô chung đêm trừ tịch, hương Tết nồng nàn khắp mọi nhà và cũng là lúc, mẹ tôi lo chuẩn bị lục vị: nhang, nến, bông, trà, trái cây và bánh… để sớm mai mùng Một Tết, mẹ dắt tôi lên chùa lễ Phật.
Mẹ dặn:
“Lễ, có nghĩa là nghi thức và trong nghi thức đó, lòng con phải thành, tâm con phải kính với sự ước vọng của riêng con hướng về cõi tâm linh”.
Rồi mẹ nói:
“Mỗi năm, chỉ có một lần Tết và một lần Tết, mình đi chùa lễ Phật trước khi đi chúc Tết người thân, họ hàng, bạn bè, lối xóm”.
Thắc mắc, tôi hỏi mẹ:
“Tại sao?”.
Chậm rãi, mẹ nói:
“Lễ Phật, cốt là để gội rửa tâm hồn và thân thể được thanh sạch, rồi đem cái thanh sách đó đến chúc Tết mọi người, mọi nhà!”.
Nghèo đói, ba lưu lạc đến xứ của mẹ để làm mướn làm thuê. Tại đây, ba mẹ phải lòng nhau và ngoại, ưng bụng nên gả mẹ cho ba rồi bắt ba ở rể. Buổi đầu chưn ướt chưn ráo, ngoại dạy ba cách ăn ở “Nhập gia tùy tụ, đáo xứ tùy nhân” nơi xứ lạ quê người. Ngoại nói: “Xẻo đất cuối của dải đất giáp biển này, –  nôm na gọi là Miệt Thứ. Con nhớ, Miệt Thứ không có thông lệ trộm cướp hay giành giựt bất cứ cái gì thuộc về của người. Nếu muốn, là cầu hoặc xin!”. Ngoại chỉ vẽ thêm: “Cầu xin, trước hết phải thành tâm và cái thành tâm đó, dành cho người rồi mới tới mình”. Hiểu ra, tự lòng ba nhận rõ: “Đi chùa lễ Phật, nếu có cầu xin là cầu xin “Quốc thái dân an” chớ không chỉ là cầu xin điều tốt lành cho riêng mình”.
– Người Miệt Thứ là vậy!
Mẹ khẳng định và ba, lần hồi cảm thụ đầy đủ tấm chơn tình của người Miệt Thứ.
Ở rể mấy mặt con, bao lần Tết đi chùa lễ Phật, ba thấm cái tình nghĩa Miệt Thứ – miền đất xa thiệt xa và nơi đó, bao con rạch chở nặng tình nước nuôi nghĩa đất sinh thành nhưng chưa hề, có tên tuổi.
Lúc nghỉ tay phá rừng làm rẫy, mẹ hay tự sự với ba:
– Mình chưa biết đó thôi!
Chậm rãi, mẹ nhắc chuyện ngày cũ của ngoại:
– Hồi ngoại sắp nhỏ về mần dâu Miệt Thứ nầy, đêm nghe nghe tiếng thú kêu rừng, ngoại thương cha nhớ mẹ: “Đêm đêm ra đứng hàng ba/ Trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn” (ca dao). Và, tận đáy lòng, ngoại mượn gió đưa lời than thở đến cho ai đó còn nấn ná ở lại chốn quê nhà: “Sương khuya ướt đẫm giàn bầu/ Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai?” (ca dao).
Im ắng, không gian rắc buồn quanh lời má.
Gượng cười, mẹ ngoái sang chuyện cần nói:
– Bà ngoại theo ông ngoại về Miệt Thứ thì Miệt Thứ, người ta đã gọi là đất Thập câu!
– Thập câu, nghĩa là gì hả mình?
– Nghĩa là mười con rạch!
Mẹ thuật lại những gì ngoại kể.
– Rạch có tên tuổi hẳn hoi là rạch mà trước đó, đã có người tới khẩn hoang xác lập, như: rạch Xẻo Vẹt, Xẻo Ngát, Chà Và giả, Chà Và thiệt, rạch Ổ Heo, rạch Nằm Bếp, rạch Kim Quy…
Dừng lời chốc lát, mẹ nói tiếp:
– Những rạch chưa có người tới khẩn hoang xác lập, thường thì người ta đặt ra Thứ để dễ bề gọi tên rạch. Về sau, người ta đào kinh và cũng lấy Thứ gọi tên con kinh đào, như ở vùng U Minh Hạ.
Nghe mẹ cắt nghĩa, ba nhẩm tính thứ tự theo từng con rạch: rạch Thứ Nhứt, Thứ hai, Thứ Ba, Thứ Tư… , và từng con kinh: kinh Thứ Một… tới kinh Mười Hai…
– Mình! Thập Câu, sao tui đếm thứ hơn mười?
– Thì, cũng chỉ là ước lệ của người xưa!
“Người xưa”! Hai tiếng nghe sao bùi ngùi quá! Và, hình như, hai tiếng ấy đầm đầm nỗi nhớ lẫn niềm nhắc “Người nay” gìn giữ… Mẹ cắt dòng suy tưởng của ba:
– Làng mình, là cái làng nghèo nhứt trong các làng chạy cặp mé sông Cái Lớn miệt Rạch giá xuống tới Khánh Lâm  vùng Cà Mau. Người làng, chung tay dựng ngôi Chùa Lá và giao Sư Bổn trụ trì.
Lời mẹ nhẹ như gió tháng Chạp đầm khô lầy ráo. Đột nhiên, tiếng mẹ bồi hồi:
– Hằng năm, sau giờ đón Giao Thừa, ngoại chèo ghe đưa mẹ chồng tới lễ Phật ở Chùa Lá và lần nào cũng vậy, mẹ chồng và con dâu đều một lòng cầu xin cho thiên nhiên, cho thiên hạ, rồi mới tới lượt cầu xin cho riêng mình.
Rồi, mẹ nói thơ và câu thơ, là câu hò sông nước miền Tây sông Hậu:
Mẹ chồng lễ Phật, dâu theo
Chùa nghèo trong cái làng nghèo ngày xưa
Thản nhiên bóng đứng giữa trưa
Thời kinh giờ Ngọ cũng vừa tàn nhang
Đầu hồi mai búp nụ vàng
Cuối vườn Xuân đã trổ vàng cánh Xuân
Sau này, cả nhà mẹ theo ba tới Sài Gòn ngụ cư.
Sài Gòn với tên gọi “Hòn ngọc viễn đông” và tôi, choáng ngộp với những ngôi chùa vừa cỗ kín vừa nguy nga, tráng lệ! Mẹ tôi, vẫn giữ nếp xưa ở nhà quê “Đi chùa lễ Phật đầu năm” dù tuổi đã cao, và sức mẹ đuối dần theo tuổi.
2.
Sài Gòn năng động và náo nhiệt.
Song, trong năng động và náo nhiệt đó, Sài Gòn không mất vẽ thanh tao và sâu lắng của hồn lưu dân bốn phương với tâm nguyện sum vầy! Vì mưu sinh, mẹ tôi rời chốn quê và đành lòng xa ngôi chùa làng – ngôi chùa làng trong cái làng nghèo nơi mà ngoại chôn nhau cắt rún mẹ tôi.
Sài Gòn, chùa trải từ lòng phố đến ngoại thành và mỗi quận, huyện đều có những ngôi chùa tiểu biểu địa phương. Người tinh ý sẽ nhận ra điều không thể mà có thể, là sinh hoạt ồn ào đô thị không lấn áp nổi tiếng chuông chùa công phu chiều thanh tịnh của miền Đất Hứa dành cho người luân lạc. Sài Gòn sở hữu cổ tự, như chùa Giác Lâm, chùa Giác Viên, chùa Phụng Sơn… , và cả tân tự, như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Xá Lợi, chùa Nam Thiên nhất trụ… Vì vậy, nói về cảnh chùa thì không nơi nào đặc biệt, độc đáo hơn Sài Gòn; bởi những ngôi chùa ở đây, mang phong cách đặc trưng kiến trúc chùa Phật giáo cổ truyền Nam Bộ; đồng thời, có những ngôi chùa xây dựng theo phong cách kiến trúc hiện đại, song vẫn giữ hồn truyền thống cổ tự!
Sau thời khắc “Tống cựu nghinh tân”, tôi thay mẹ đi hái lộc đầu năm – vì mẹ già yếu. Mẹ dặn:
“Con nhớ chọn hướng xuất hành đầu năm”.
Tôi rụt rè, hỏi:
“Thưa mẹ, biết chọn hướng nào để xuất hành cho hợp với vận tốt của con trong năm?”.
Mẹ bảo: “Con chọn hướng đi về cửa Phật!”.
Nhà mẹ gần chùa Giác Lâm, nên tôi chọn hướng xuất hành đi về cửa Phật chùa Giác Lâm, hái lộc và cũng chắc mẻm là sáng mai mùng Một Tết, tôi theo mẹ đi chùa Giác Lâm và lễ Phật tại đây. Trong lòng tôi hiểu rằng, đi lễ chùa nhằm thọ lộc và hái lộc. Và, như mẹ nói:
“Hái lộc đầu năm đem lại may mắn và người hái lộc sẽ hưởng được tài lộc”.
Thường thì, người Sài Gòn không có thói quen giành hay giựt lộc mà họ, nhường nhau và chọn những cành lộc non rất nhỏ trên những thân cây mạnh mẽ sức sống ở chủng loài cây, như các loại cây sung, sanh, si, đa, lộc vừng…, với ý niệm: lộc là nụ đầu tiên – nụ đầu tiên của mầm non vừa nhú trong cõi trần gian nơi cửa Phật, hẳn là sự tốt lành trong cả năm.
Tôi hỏi mẹ:
“Đó phải chăng là nét đẹp văn hóa của người Việt!?”.
Mẹ cười: “Phải đó con!”, và mẹ cắt nghĩa thêm:
” Thọ lộc của Phật, hái lộc vườn chùa đầu năm là phong tục mang hồn cốt Việt được gìn giữ cũng như được lưu truyền từ đời nầy sang đời khác, nó mang ý nghĩa và giá trị tinh thần”.
Sài Gòn đầu năm, hơi sương và khói hương bảng lảng khiến lòng người nhẹ tênh giữa phố phường thanh sạch. Nhịp thời gian dẫn dụ nhịp bước tôi đi theo mẹ vào chính điện chùa Giác Lâm, lạy Phật. Tần ngần, tôi sửng sờ nhìn bộ tượng Thập bát La hán và lối kiến trúc đặc trưng giống như những ngôi chùa Nam Bộ mà tôi từng đi với mẹ thăm viếng.
Mẹ nói:
“Chùa giác Lâm còn có nhiều tên gọi, như Sơn Can, Cẩm Sơn, Cẩm Đệm…Và, nghe đâu, chùa được xây dựng từ năm 1744”.
Bâng khuâng, lòng những bâng khuâng nhớ người xưa đã dựng lên ngôi cổ tự giữa vùng đất đã xảy ra bao điều dâu bể! Chợt dưng, tôi nhớ mùng Một Tết năm trước, mẹ dất tôi đi thọ lộc và hái lộc chùa Ngọc Hoàng. Hỏi ra, mẹ mới nói:
“Lễ Phật chùa Ngọc Hoàng để mẹ cầu duyên cho con!”.
Bẽn lẽn, tôi kêu: “Trời đất”! Và rồi, mèo nheo với mẹ:
“Mẹ ơi! Con gái của mẹ còn nhỏ… nhỏ xíu vầy, thì cầu duyên cái nỗi gì, hả mẹ?”.
Nghiêm sắc mặt, mẹ nói:
“Lớn tồng ngồng rồi đó, con!”.
Nghe mẹ nói, tôi liên tưởng tới câu hò của người bạn trai ở quê nhà:
 
Anh bưng quả nếp vô chùa
Thắp nhang khấn Phật, thỉnh bùa em đeo
Chẳng biết có hay không, nhưng mẹ cẩn trọng căn dặn tôi:
“Khi sờ tượng ông Tơ, bà Nguyệt thì lòng con phải thành tâm cầu tình duyên và duyên tình ắt sẽ mau kết hợp”.
Rồi, mẹ ân cần nhắc:
“Nhớ nha! Con gái của mẹ!”.
*
Đầu năm mới, nơi cửa Phật, tôi có cảm giác là tôi được tẩy trần, mọi lo toan hay suy tính thiệt hơn… Tất cả, hình như trôi chầm chậm theo tiếng chuông chùa ngân nga trầm mặc. Trong tôi, thanh thản ngưỡng vọng thần linh; bồi hồi biết ơn tiền nhân, tổ tiên đã mở cõi bờ cho con cháu được sống, được có nơi chốn đi về! Và tôi, được lắng lòng chiêm nghiêm giây phút thoát tục:
Tay lần tràng hạt niệm từ
Câu kinh nhật tụng nhuyễn nhừ thời gian…
CTH.
………………………………………………

(more…)

Read Full Post »

Ăn tết muộn

Truyện Ngắn

MANG VIÊN LONG

Trung và Ái My vẫn chọn thị xã vùng biển Ninh Hòa làm nơi ăn Tết như hai năm trước, tuy biết rằng, qua cơn bão số 12 và nhiều cơn lũ tiếp theo, đã làm nhiều xã vùng ven đã nghèo, càng thêm xơ xác, tiêu điều; thị xã cũng bị nhiều ảnh hưởng nặng nề. Cơn bão số 12 đổ bộ vào thị xã Ninh Hòa với sức gió trên 100 km/h, đã khiến hàng nghìn nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng. Các phường Phước Hải, Ninh Diêm, Ninh Thủy nằm ven biển, là nơi hứng chịu thiệt hại nặng nhất của thị xã Ninh Hòa. (more…)

Read Full Post »

Older Posts »