Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘Uncategorized’ Category

Nguyễn Thanh Quang

.

Với vị trí địa lý khá đặc biệt của vùng đất Bình Định, từ xa xưa nơi đây trở thành một trung gian kết nối thị trường Đông và Đông Bắc Á với thị trường Nam và Tây Á với các thương cảng: Thị Nại (TK X-XV), Nước Mặn (TK XVII-XVIII), Quy Nhơn (từ TK XIX). Từ đó, một hệ thống nguồn ở Bình Định được hình thành để quản lý, khai thác thuế và trao đổi hàng hóa. Theo Lê Quí Đôn nguồn ở vùng thượng du như là tổng ở đồng bằng.

Câu hát ru Bình Định phổ biến và lưu truyền đến ngày nay:

Ai về nhắn với nậu nguồn

Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên

Một số địa phương vùng Nam Trung bộ cũng cho câu hát ru trên là của quê hương mình, nhưng không thể phủ nhận phương ngữ Bình Định: nậu/nẩu/nẫu. Lại có dị bản thay măng le bằng mít non, nhưng có lẽ măng le hợp lý hơn, vì măng le là đặc sản vùng nguồn, mít non thì nơi nào cũng có. Câu hát ru đã khắc họa hình ảnh một thời giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa miền xuôi với nguồn – nơi cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của, nguồn: ngọn suối, lên nguồn: đi lên các xứ mọi ở trên nguồn [1]. Nguồn ra đời từ thời Lê sơ, dưới thời các chúa Nguyễn nguồn được xác lập với tư cách là một đơn vị hành chính cơ sở đặc biệt tại khu vực trung du và miền núi. Theo ghi chép của Lê Quí Đôn, nguồn ở vùng thượng du như là tổng ở đồng bằng: “Ở thượng lưu gọi là nguồn cũng như ở hạ huyện gọi là tổng… nguồn Cơ Sa gồm 7 thôn phường… nguồn Kim Linh gồm 8 thôn phường… ” [2]. Có thể nói, sự xuất hiện của nguồn là hệ quả của giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa các dân tộc miền núi và người Kinh ở đồng bằng.

Lê Quí Đôn trong Phủ biên tạp lục đánh giá rất cao tính vượt trội về các mặt hàng xứ Quảng mà phần lớn do phủ Qui Nhơn sản xuất như: “thóc gạo, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bông, sáp, đường, mật, dầu sơn, hồ tiêu, cá muối,…” [2]. Đánh giá về sản vật của phủ Qui Nhơn, trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú cũng ghi nhận: “Sản vật có nhiều như trầm hương, tốc hương, sừng tê, vàng, bạc, đồi mồi, châu báu, sáp ong, đường, mật, dầu, sơn, cau tươi, hồ tiêu, cá, muối và các thứ gỗ đều tốt, thóc lúa không biết bao nhiêu mà kể, Ngựa sinh ra ở hang núi có từng đàn đến trăm ngàn con, người Thổ trước đi chợ cỡi ngựa là thường. Núi sông có nhiều thắng cảnh lại có đầm nước nóng bốc lên rất lạ” [3]. Dưới triều Lê, nền kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc chi phối, các chợ địa phương đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động nội thương, đáng chú ý là hoạt động trao đổi, mua bán ở các nguồn. Đầu thế kỷ XVII, Qui Nhơn đã nhanh chóng trở thành vùng đất trù phú của các ngành sản xuất và giữ vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa ở khu vực.

Cư dân miền núi – cư dân bản địa vùng đất Qui Nhơn/Bình Định là các cộng đồng các dân tộc thiểu số: Bana, H’re, Chăm H’roi. Để thuận lợi cho việc cai quản địa bàn cư trú của cư dân bản địa và khai thác thuế khu vực trao đổi, mua bán miền Tây Qui Nhơn/Bình Định, các chúa Nguyễn và đặc biệt là triều Nguyễn đã thiết lập ở đây một hệ thống các nguồn. Nguồn không phải là một đơn vị hành chính chính thức, không có chức năng thực thụ của một cấp hành chính địa phương. TS. Andrew Hardy trong bài viết: ““nguồn” có ba chức năng chính. Đây trước hết là một cái chợ, nối bằng đường sông xuống đồng bằng và bằng đường mòn lên miền núi. Thứ hai, là địa điểm đánh thuế hàng hoá, nơi đây có sự hiện diện của quân đội. Cuối cùng, đây là một đơn vị hành chính, gần tương đương với một tổng ở đồng bằng: vào thế kỷ XIX, 80 sách [4] miền núi được xếp dưới sự quản lý của “nguồn” Phương Kiệu… Tuy nhiên, chức năng chủ yếu và rõ ràng là lâu đời nhất của “nguồn” là kinh tế, có niên đại từ thời Champa. Dưới thời các chúa Nguyễn, chức năng kinh tế tiếp tục làm nền tảng cho những chức năng khác: hoạt động chủ yếu của quan lại triều đình là đánh thuế hàng hoá trong khi các đồn là để bảo vệ cả hoạt động buôn bán lẫn các nguồn thuế mà nó sinh ra. Không còn chức năng kinh tế, các hoạt động khác sẽ trở thành dư thừa” [5].

Theo TS. Trương Anh Thuận trong bài viết Bước đầu nghiên cứu các hệ thống nguồn ở Bình Định trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX. Đối chiếu, so sánh các sử liệu trong Phủ biên tạp lục (soạn 1776), Đại Nam thực lục (soạn từ 1821) và Đại Nam nhất thống chí, dưới thời chúa Nguyễn, toàn bộ khu vực miền núi phủ Qui Nhơn chỉ có 6 nguồn, bao gồm: Hà Nghiêu, Trà Đinh, Trà Vân, Ô Kim, Cầu Bông, Đá Bàn, đến thế kỉ XIX, con số này đã tăng lên 18 nguồn, nhiều nhất so với các địa phương ở Nam Trung bộ lúc bấy giờ, bao gồm: An Tượng, Cầu Bông, Đá Bàn, Đồng Trí, Hà Thanh, Hà Nghiêu, Hà Náo, Hải Đông, Kiều Bông, Lộc Động, Phương Kiệu, Ô Kim, Ô Liêm, Thạch Bàn, Trà Văn (Trà Vân), Trà Bình (Trà Đinh), Trà Sơn, Trà Đính [6]. Sự gia tăng đột biến số lượng các nguồn, chia nhỏ địa hành chính khu vực miền núi phía Tây Bình Định thành nhiều nguồn khác nhau vào thế kỷ XIX, nhằm quản lý sâu sát và khai thác thuế lâm thổ sản của triều đình trung ương đương thời đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Cũng theo TS. Trương Anh Thuận: trong Phủ biên tạp lục và Đại Nam nhất thống chí, cho biết, các nguồn ở Qui Nhơn/Bình Định rất giàu có về lâm, thổ sản quí. Lâm thổ sản tiêu biểu ở các nguồn như sau: An Tượng: lộc nhung; Cầu Bông: lộc nhung; Đồng Trí: lộc nhung, thuốc lá; Hà Thanh: mật ong, sáp ong, chiếu mây, bông, trám, song, dầu vừng, lộc nhung; Hà Nghiêu: lộc nhung; Kiều Bông: lộc nhung; Lộc Động: sáp ong, lộc nhung; Phương Kiệu: lộc nhung; Ô Liêm: sáp ong, mật ong, lộc nhung; Thạch Bàn: lộc nhung; Trà Vân: phong đăng (đuốc dó), sáp ong, lộc nhung; Trà Bình: ngà voi, mật ong, nhựa trám, lộc nhung; Trà Sơn: lộc nhung [7].

Dựa vào lợi thế này, chính quyền chúa Nguyễn và sau này là vương triều Nguyễn đã tận dụng và khai thác triệt để thế mạnh tài nguyên của mỗi nguồn trên địa bàn Qui Nhơn/Bình Định. Trong đó, tập trung vào một số nguồn có tiềm năng cung cấp nhiều loại sản vật khác nhau như: Hà Thanh (cách huyện Tuy Phước hơn 100 dặm về phía Tây Nam, thủ sở ở địa phận hai thôn Quang Thuận và Cảnh Vân), Trà Vân (Tây Bắc huyện Bồng Sơn, cách huyện hơn 60 dặm, giáp huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, thủ sở ở địa phận hai thôn An Đỗ và An Hội), Trà Bình (cách huyện Bồng Sơn hơn 70 dặm lệch về phía Tây Bắc, thủ sở ở địa phận thôn Hưng Nhân),… [8].

Cộng đồng các dân tộc ít người sinh sống tại các nguồn trên địa bàn Qui Nhơn/Bình Định chịu sự quản lý của triều đình trung ương và phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho chính quyền. Ngoài thuế đinh áp dụng cho đàn ông người dân tộc thiểu số từ 18 đến 55 tuổi và thuế sản vật dựa trên tiềm năng, thế mạnh tài nguyên của các nguồn, nhà nước còn áp dụng loại thuế nguồn đánh vào hoạt động lưu thông hàng hóa giữa miền núi và miền xuôi ở các nguồn.

Các chúa Nguyễn khoán cho quan thân cận nắm giữ thủ sở các nguồn, nộp về triều một khoản thu nhất định dựa vào mức giao dịch trao đổi, mua bán, ngoài ra các quan tự đặt ra một khoản thu khác cho mình. Việc thu loại thuế này tại một số nguồn ở phủ Qui Nhơn được Lê Quí Đôn ghi lại trong Phủ biên tạp lục như sau: Nguồn Hà Nghiêu hàng năm tiền thuế 166 quan 5 tiền, cùng thuế thổ ngơi 27 quan 5 tiền, mật ong 10 chĩnh, chiếu mây nhỏ 4 cuộn, bông 99 cân, kỳ hoa miên hoa 3 bao cân nặng 105 quan, trám 52 sọt, song 60 cây, dầu vừng 2 chĩnh, đèn lớn 3.325 chiếc, đèn nhỏ 600 chiếc, sáp ong 67 bát; Hai nguồn Trà Đinh và Trà Vân hàng năm tiền thuế 2.550 quan, trước cấp cho Ngoại tả Trương Phúc Loan, phải nộp bạc tốt 5 hốt, nguồn Trà Vân nộp đèn nhựa trám 150 chiếc; Nguồn Ô Kim hàng năm tiền thuế 749 quan 5 tiền, trước cấp cho Chưởng cơ Noãn, phải nộp bạc tốt 5 hốt; Nguồn Cầu Bông hàng năm tiền thuế 1.500 quan, trước cấp cho Chưởng cơ Khoan, phải nộp bạc tốt 10 hốt, 2 lạng 5 đồng cân; Nguồn Đá Bàn hàng năm tiền thuế 1.000 quan, trước cấp cho Chưởng cơ đạo Lưu đồn là Trường lộc hầu, phải nộp bạc tốt 8 hốt, tiền thổ ngơi 50 quan 2 tiền [9]. Sách Phủ biên tạp lục còn chép về quan tham – Ngoại tả Trương Phúc Loan: “Phúc Loan chuyên quyền hơn 30 năm, tham lam tàn nhẫn, giết chóc rất nhiều. Ăn ngụ lộc ở nguồn Sái, nguồn Thu Bồn, nguồn Trà Đinh, nguồn Trà Vân, nguồn Đồng Hương, mỗi năm thu vào 4,5 vạn” [10].

Qui Nhơn là một trong những địa phương có loại kỳ nam hương tốt nhất. Sách Thiên Nam dư hạ tập cho biết một số nguồn ở phủ Qui Nhơn hàng năm đều cống nạp kỳ nam hương: “Hai nguồn Trà Đinh, Ô Kim huyện Bồng Sơn, thôn Nha Ca, nguồn Cầu Bông huyện Phù Ly và huyện Tuy Viễn đều hằng năm đều cống kỳ nam hương” [11]. Theo thống kê Lệ thuế đầu nguồn ở phủ Qui Nhơn của Lê Quí Đôn trong Phủ biên tạp lục, ba nguồn: Cầu Bông, Trà Đinh, Trà Vân hàng năm nộp thuế tổng cộng là 4.050 quan, chiếm hơn 2/3 tổng số tiền thuế của 6 nguồn phủ Qui Nhơn lúc bấy giờ là 5.866 quan. [12].

Ngoài chức năng là một địa điểm đánh thuế hàng hóa, có sự hiện diện của quân đội và một đơn vị hành chính, các nguồn còn đảm nhận vai trò quan trọng là chợ giao thương, buôn bán giữa miền ngược và miền xuôi. Các nguồn thiết lập ở vùng miền núi, hoạt động như những điểm thu gom hàng hóa và thu thuế đối với hàng hóa di chuyển giữa miền núi và đồng bằng. Ở các nguồn thường có trường sở buôn bán hay trường giao dịch do triều đình lập ra và quản lý. Sách Đại Nam nhất thống chí có đề cập đến sự tồn tại của các trường giao dịch tại một số nguồn ở Bình Định như sau: “Nguồn Thạch Bàn: ở cách huyện Phù Cát hơn 20 dặm về phía Tây, thủ sở ở địa phận hai thôn Thạch Bàn và Hội Sơn. Lại có hai trường giao dịch ở Hà Vị. Nguồn Phương Kiệu: ở cách huyện Tuy Viễn hơn 150 dặm về phía Tây, thủ sở địa phận thôn An Khê, trước có trường giao dịch” [13]. Sách Đại Nam nhất thống chí (soạn năm Duy Tân thứ 3) chép: Các nguồn An Tượng (phía Tây huyện Tuy Viễn), Lộc Động (phía Tây Nam huyện Tuy Viễn), Thạch Bàn (phía Tây huyện Phù Cát), “Niên hiệu Thành Thái thứ 11 (1899) triệt bỏ (thủ sở), lại đặt “mậu dịch thị trường” hiểu dụ cho dân mán đến mua bán…” [14].

Hàng hóa, sản vật từ các vùng rừng núi đều được chuyển đến các nguồn này để trao đổi, buôn bán. Các điểm buôn bán – “chợ nhỏ” ở các vùng lân cận nguồn hoạt động như những điểm thu gom hàng hoá cung cấp trực tiếp cho các nguồn. Ngoài ra, còn có rất nhiều điểm để người Thượng trao đổi hàng hoá, thường là thông qua sự thương lượng không chính thức ở trong làng, phụ thuộc vào vai trò trung gian của già làng, thương nhân người Kinh dựa vào mối quan hệ cá nhân với già làng để củng cố quan hệ buôn bán của họ. Các điểm buôn bán nhỏ trên nguồn được kết nối bởi nhiều nhóm khác nhau, theo mô hình “tiếp sức”, trong đó các nhóm di chuyển hoạt động trong những địa hình mà họ quen thuộc, theo hướng Đông – Tây. Mỗi nhóm di chuyển giữa các điểm buôn bán trên một đoạn của con đường thương mại. Không có nhóm nào hoạt động trên suốt toàn bộ hệ thống, do đó con đường giao thương bảo đảm được tính đa dạng về tộc người của hệ thống buôn nguồn.

Sách Dân làng Hồ của P. Dourisboure (Les Sauvages Bahnars. P. Dourisboure de la Société des Missions Étrangères. Paris 1929) cho biết: Vào năm 1848, trong lúc triều đình đang ra sức bắt đạo dữ dội, các thừa sai phải liên tục ẩn trốn, Giám mục Cuênot Thể – Giám mục Hiệu tòa Métellopolis, Đại diện Tông tòa cai quản Địa phận Đông Đàng Trong, tìm đường đi lên Tây Nguyên rao giảng Phúc âm cho các dân tộc thiểu số, có ghi chép về An Sơn thuộc nguồn Phương Kiệu là một địa điểm trao đổi, buôn bán quan trọng giữa người đồng bằng và người miền núi ở Bình Định: “Cận ranh giới phía Tây của tỉnh này, có địa điểm An Sơn, trung tâm buôn bán lớn giữa người Kinh và người Thượng. Chính địa điểm này vào cuối thế kỷ trước, đã là nơi xuất phát của 3 anh em Tây Sơn chống chúa Nguyễn… Người Kinh buôn bán trên miền Thượng du, di chuyển khắp nơi, từ bộ lạc này đến bộ lạc khác.” [15] và “Suốt dọc ranh giới phía Tây của miền Trung Vương quốc, trong khoảng cách từ hai đến ba ngày đường, các dãy núi rừng do người Thượng cư ngụ, đều thường có thương buôn người Kinh qua lại, trao đổi hàng hóa với thổ dân” [16]. Lệ thuế đầu nguồn trong buôn bán giữa đồng bằng và miền núi chiếm một tỷ lệ quan trọng trong ngân khố để giữ vững chế độ các chúa Nguyễn Đàng Trong. Trong đó, tiền thuế thu được từ các nguồn tại tỉnh Bình Định là 6.255 quan, chiếm khoảng 8% tổng số thuế thu được từ miền núi, đầm hồ, đèo và chợ ở Đàng Trong năm 1774 là 76.467 quan 2 tiền [17].

Tại nguồn Phương Kiệu thế kỷ XVIII, Nguyễn Nhạc đã làm hai nghề: vừa buôn bán với người Thượng vừa thu thuế nguồn cho chính quyền. Nguyễn Nhạc có mối quan hệ chính trị gần gũi với người Thượng cũng như truyền thống của họ và khởi nghĩa Tây Sơn đã bắt đầu từ một trong những nguồn quan trọng ở Đàng Trong – nguồn Phương Kiệu. Địa bạ trấn Bình Định lập năm 1815 cho biết ấp Tây Sơn Nhất – khách hộ ấp thuộc Thời Hòa, huyện Tuy Viễn là quê hương các lãnh tụ Tây Sơn có ghi: “Tháng 9 năm 1819, Gia Long bắt đổi tên ấp Tây Sơn thành An Tây, sau đó lại đổi thành An Sơn” [18]. Hiện nay, ở thị xã An Khê có di tích An Khê Trường, là trung tâm đồn lũy ban đầu của ba anh em nhà Tây Sơn trong buổi đầu khởi nghiệp, An Khê Trường đã được Bộ VHTT&DL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991.

Theo nhân dân địa phương, trường ở đây có nghĩa là trường sở buôn bán, trường giao dịch. Hiện nay, ở phía Nam di tích An Khê Trường còn có khu ruộng trũng mang tên Rộc Trường và cây ké Rộc Trường cao 30m chu vi 4,5m. Đáng chú ý, ở cách di tích An Khê Trường 300m về phía Tây, có một gò đất cao mang tên Gò Chợ, theo nhân dân cho biết là chợ An Khê trước đây.

Đến thế kỉ XIX, mặc dù trong tài liệu do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn không thấy thống kê cụ thể về mức thuế thu được từ các nguồn ở Bình Định qua từng năm. Tuy nhiên, việc tồn tại hệ thống trạm giao dịch tại đây với sự thường trực của quân đội và quan lại triều đình như: “Nguồn Thạch Bàn ở cách huyện Phù Cát hơn 20 dặm về phía Tây, thủ sở hai thôn Thạch Bàn và Hội Sơn. Lại có hai trường giao dịch ở Hà Vị. Nguồn Phương Kiệu ở cách huyện Tuy Viễn hơn 150 dặm về phía Tây, thủ sở ở địa phận thôn An Khê, trước có trường giao dịch, lại có các đồn Trà Đình, Xuân Viên, Tam Giang, Hương Thủy, Trúc Lâm, Vụ Bản, Đài Tiền” [19], là những cứ liệu khoa học cho phép khẳng định triều Nguyễn vẫn tiếp tục duy trì hoạt động trưng thu loại thuế này đối với các nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Qui Nhơn – vùng đất mới được xác lập vào nửa sau thế kỷ XV, nhưng với vị trí địa lý là cửa ngõ của khu vực Bắc Tây Nguyên, ưu thế về đường biển, hệ thống giao thông Đông – Tây và Bắc – Nam thuận lợi (đường thiên lý thượng đi theo chân dãy Trường Sơn, đường thiên lý hạ chạy dọc bờ biển) cùng với sự phong phú về sản vật, đã sớm tạo cho vùng đất này vừa là đầu mối giao thông liên lạc, vừa là trung tâm giao lưu hàng hóa của xứ Đàng Trong, từng là chỗ dựa cho chúa Nguyễn mở cõi về phương Nam và có nhiều đóng góp về kinh tế cho triều Nguyễn sau này, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống nguồn ở Qui Nhơn/Bình Định.

NTQ

CHÚ THÍCH

[1] Huình Thịnh Paulus Của. Đại Nam quấc âm tự vị, Sài Gòn, Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4, rue d’ Adran, 4. 1895.

[2] Lê Quí Đôn Phủ biên tạp lục, tập I. sách viết năm 1776, bản dịch năm 1964, Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 100.

[2] Lê Quí Đôn. Sđd, tr. 337.

[3] Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, Dư địa chí, Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr. 168-169.

[4] Theo Lê Quí Đôn, nguồn (gồm nhiều sách) ở vùng thượng du tương đương với tổng (gồm nhiều xã) ở đồng bằng, như vậy về thứ bậc đơn vị hành chính sách ở vùng thượng du tương đương với xã ở đồng bằng.

[5] Andrew Hardy, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (E.F.E.O). The Nguon in the Hybrid Commercial Economy of Dang Trong, (“Nguồn” trong kinh tế hàng hóa ở Đàng Trong), bản dịch Đào Hùng và Nguyễn Thị Hồng Hạnh.

[6] TS. Trương Anh Thuận. Bước đầu nghiên cứu hệ thống các “nguồn” ở Bình Định trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX.

[7] TS. Trương Anh Thuận. sđd.

[8] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, quyển IX, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr. 37-38.

[9] Lê Quí Đôn. Sđd, tr. 214.

[10] Lê Quí Đôn. Sđd,1977, tr. 336.

[11] Lê Quí Đôn. Sđd,1977, tr. 331.

[12] Lê Quí Đôn. Sđd, tr. 214.

[13] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, quyển IX, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr. 38.

[14] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí tỉnh Bình Định, dịch giả Tu Trai Nguyễn Tạo, NXB Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục, tập số 20, 1964, tr. 57-58.

[15] P. Dourisboure. Les Sauvages Bahnars, P. Dourisboure de la Société des Missions Étrangères. Paris 1929 (Dân làng Hồ, Sài Gòn, 1972), tr. 7.

[16] P. Dourisboure. sđd, tr. 6.

[17] Lê Quí Đôn. Sđd, tr. 9.

[18] Nguyễn Đình Đầu. Địa bạ trấn Bình Định, tập I, lập năm 1815, tr. 476.

[19] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, quyển IX, NXB Khoa học xã hội, 1971, tr. 38.

Read Full Post »

Quà cho Mẹ

Ái Duy

.

Hồi đó, khi còn là một cậu bé lên mười, mỗi lần có dịp trọng đại và thật đặc biệt, mẹ mới dẫn nó ra cửa hàng cho phép tự tay lựa thoải mái một món đồ chơi theo ý thích. Ở đó, chú nhóc sẽ được bơi trong một thế giới lộng lẫy với niềm đam mê bất tận, bỏ lại sách vở lý thuyết giáo điều. Bởi những cơ hội dành cho con trai của một bà mẹ đơn thân thế này không nhiều nên mẹ nó và cả cô chủ cửa hàng cũng thông cảm cho thằng nhóc tha hồ kén cá chọn canh. Sở thích của một chú bé ngày ấy thực ra chỉ quanh quẩn bên mấy con robot lắp ráp, các bộ đồ chơi mô hình, xe, tàu máy bay điện tử chạy pin. Nó rờ rẫm mân mê, cầm lên đặt xuống, phân vân suy tính, cả tiếng đồng hồ mới rụt rè chỉ cho mẹ con robot cao khoảng bốn tấc bằng nhựa xanh đỏ cao cấp. Cô chủ cửa hàng báo giá, lập tức nét hồ hởi háo hức trong mắt nó tắt lịm. Hơn một trăm ngàn, trong khi một buổi đi chợ hàng ngày của hai mẹ con đâu chừng mười ngàn thôi. Nó lắc đầu nguầy nguậy, nắm tay mẹ kéo qua góc khác. Rồi nó chỉ vào con robot khác nhỏ hơn, lớn tiếng chê bai món đồ mà nó đã kỳ công chọn ra trước đó xấu ình, mau hư, dỏm… Cho đến khi mẹ nó cương quyết giữ lại với lựa chọn ban đầu và trả tiền cho cô chủ thì nó mới thì thầm đầy có lỗi: Đắt quá mẹ ơi.


10 năm sau, vẫn còn là cậu sinh viên quèn ăn đong từng tháng, nó đưa mẹ vào các cửa hàng lớn ở trung tâm thành phố để tìm mua tặng mẹ một cái đồng hồ đeo tay hàng hiệu, cho mẹ tự chọn. Đó là khoản tiền thưởng mà nó nhận được từ một cuộc thi nhỏ và được toàn quyền sử dụng.


Hai mẹ con lượn lờ hàng buổi trời ở các cửa hàng, từ CK qua Tissot, Citizen, Gucci… Chỗ nào nó cũng kéo mẹ tới coi, xong mẹ lại kéo nó đi coi tiếp, cứ ướm vô tay liếc qua mẹ lại chê, cái thì thô kệch quá, cái thì toàn hột xoàn chói quá, hay trẻ trung quá… Cuối cùng, vì ngày đã cạn mà trời mưa quá, còn cả hai thì vừa ướt vừa lạnh vừa đói nên mẹ nó đành đồng ý lấy cái đồng hồ ở cửa hàng đầu tiên ghé vào.


Đó là món tiền lớn nhất đầu tiên trong đời mà con trai kiếm được đã dành để mua quà cho mẹ. Mẹ nó cũng không thể quên ánh sáng hân hoan tắt lịm trong đôi mắt trẻ thơ năm nào. Nên đó là một món quà tràn đầy ký ức yêu thương.

Read Full Post »

Trần Vấn Lệ

.

Ngày Cuối Tháng Chạp

​.
Trời trong xanh biếc sắp ra Giêng

em dễ thương ghê vẫn diu hiền

nắng mới làm em hồng má thắm

hoa cười em cái miệng thêm duyên…

.


Mở bài thơ mới cho em, đó

Em chẳng chê thơ quá đỗi thường

Ờ nhỉ thơ anh đâu có tệ

vì em…, anh chỉ nói yêu thương!
.

Hai đứa tôi đang chào tháng Chạp

chào: “đưa người không đưa sang sông…”

Em ơi hãy ngó khu rừng biếc

hãy ngó dòng sông nước rất trong…

.


Có thể vội vàng tôi thiếu chữ

nhưng thơ như thế có ai ngờ?

Thâm Tâm, tôi nhắc và ba chút

Tống Biệt Hành nghe thế đủ chưa?
.

Ờ nhỉ nếu đừng Chinh-Chiến-

Hậnchúng mình đâu có lúc nao nao?

Sáng dìu em bước lên đồi cỏ

chợt nhớ Quê Hương, muốn nghẹn ngào!

.

Tôi nắm áo em hôn chút gió

Tôi cầm lược chải tóc em bay

Tôi ôm trời được tôi ôm siết

Ôm cả Sài Gòn buổi sáng nay!

.
Nắng Lạnh

.
Mùa Đông Mỹ…là tuyết!

Mùa Đông Mỹ…là mưa

Thỉnh thoảng nắng lưa thưa

Mịt mờ thường sáu tháng!

.
Mùa Đông Mỹ trống vắng

Nắng không ấm mùa Đông!

Nước lạnh quá đóng băng

Sông lạnh quá hẹp lại…


Biển thì như chiếu trải

Rộng không biết tới đâu

Biển không phải biển dâu

Biển cũng không biển lận!
.

Mùa Đông Mỹ màu trắng

Trắng như núi bạc tình

Trắng trắng bạch rừng xanh

Trắng…mắt nhìn trắng lạnh!


Mùa Đông thèm bên cạnh

có con mèo nằm kề

có con chó xun xoe

có con chim đứng hót…

.
Những người không Tổ Quốc

Không ai thích mùa Đông

nhưng nhìn ra cánh đồng

thấy mênh mông hiu quạnh…


Nắng có mà nắng lạnh


Trần Vấn Lệ

Read Full Post »

Dung Thị Vân

.

PHÚT BÂNG KHUÂNG TRÒN KHUYẾT

1-

Cảm ơn em đã gợi cho ta

Ngôn từ

Làm nên tuyệt phẩm

2-

Em đến hay đi

Là chuyện của thế nhân

Là chuyện của tình trần muôn thuở

3-

Em đến hay đi

Có ý nghĩa gì

Của phút bâng khuâng tròn khuyết

4-

Ta quen rồi

Nên chẳng hướng nào vội vã 

Em chưa quen nên có thể bàng hoàng

5-

Ta và em

Là biển trời tách biệt

Em về đi kẻo gió lạnh đông về

6-

Em về đi 

Bóng tà dương hai nẻo

Ta quay về mặc áo rét nàng Bân

7-

Em về đi 

Làm gì có trăm năm 

Làm gì có tình nhân mà hò hẹn

8-

Em về đi 

Dẫu biết rằng hai nẻo

Ta quay về nhắm mắt hỏi càn khôn

9-

Em về đi 

Làm gì có hoàng hôn

Mà trở lại phút ban đầu hạnh ngộ

DUNG THỊ VÂN

Read Full Post »

Mùi Bà

Phạm Đức Mạnh

Con không được biết mùi Bà

Khi con chưa có – Bà xa mãi rồi

Chỉ còn lại chiếc bình vôi

Thời gian in bóng Bà ngồi góc sân

.

Mặc cho gió rét nàng Bân

Bà ôm đói khổ bước chân ra đồng

Lưng Bà cõng cả mùa đông

Âm u đất tủi nhìn không thấy trời

.

Ngày con cất tiếng chào đời

Ngôi nhà vắng tiếng à ơi của Bà

Bao lần gặng hỏi Mẹ Cha

Bao nhiêu câu hỏi chỉ là hỏi thôi !

.

Giờ con mãi mãi mồ côi

Lênh đênh phận bạc nổi trôi thăng trầm

Con chìm trong biển đời câm

Đắng màu dĩ vãng, loang bầm nỗi đau

.

Con đành lùi đợi kiếp sau

Ôm bình vôi ướp trầu cau mùi Bà

Ôm miền hư ảo xót xa

Lời ru nhớ khóc thấm nhòa thời gian…

Phạm Đức Mạnh

27.05.2021

Read Full Post »

Thư Không Dán Tem

Trần Vấn Lệ

.

Có bao giờ em lạnh hơn bây giờ không em?

Anh biết có hỏi thêm…thì em cũng im lặng!

.

Cả thành phố không nắng.  Tuyết tuyết phủ khắp rừng…

Mưa…Trời mưa rưng rưng, giống mưa phùn ở Huế!

.

Con sông Hương đầy lệ, nó biết nó về đâu.

Bài thơ rồi, mấy câu, không viết thêm nữa được!

.

(Khi không anh dừng bước ngay trong lúc trời mưa

Khi không có bài thơ, gửi cho em chi vậy?)

Read Full Post »

Đường hoa

Trần Ngọc Tuấn

ĐƯỜNG HOA

Con đường Tịnh Độ

Thênh thang

Ưu phiền rơi rụng

Bình an nẩy mầm

.

QUA RỒI

Qua rồi những tuổi cùng tên

Xe đưa thảm rải, lênh đênh phận người

Qua rồi thưa gởi chào mời

Thong dong chân bước giữa trời mưa hoa

.

HOA NÚI

Cánh rung

Theo ánh trăng soi

Góc đèo lặng lẽ

Cuối trời dâng hương

Read Full Post »

Trần Bảo Định

Tôi ngồi trên cây cầu cây gie ra bến nước, lòng bồi hồi nhớ mẹ.

Dáng mẹ gầy và khô đét, che bởi tấm áo vải thô vá đùm, vá đụp.
Tóc mẹ, sợi đau sợi cực.

Đầu mẹ, đội nón lá chằm đã tưa rách, phai màu.
Bên hông, mẹ đeo cái giỏ đụt.

Chưn mẹ, bước dò từng bước, lách qua những khe buội dừa nước mọc sum suê trên những dải đất bùn ven sông.
Mẹ tôi, nhẫn nại thò tay vô từng bộng dừa, mò bắt từng con cá bống…

Mười năm.
Mười năm rồi, ít ỏi gì!
Mười năm, tôi xa nhà
Mười năm.
Mẹ tôi, lóng ngóng chờ tin, đợi gặp mặt con.

Đêm châu thổ miền Tây.
Bóng tối đan khói sương chằng chịt sông rạch.

Hàng hàng lớp lớp những tàu lá dừa nước bảo vệ và che chắn cái chết cho những đứa con ra đi vì đất nước.

Thuở đó, lứa tuổi như tôi thừa ngây thơ, lắm ước mơ.
Mỗi lần thương nhớ mẹ, tôi không thể nào không thương nhớ cá bống dừa quê.

Và, cũng không thể nào quên câu hò của người em gái nhà bên, khi đi cùng tôi câu cá bống dừa vào những đêm tràn con nước lớn:

Ví dầu tình bậu muốn thôi

Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra

Bậu ra, bậu lấy ông câu

Bậu câu cá bống chặt đầu kho tiêu

Kho tiêu, kho mỡ, kho hành

Kho ba lạng thịt (bậu) để dành, bậu ăn!

(Ca dao)

Tiếng hò của em vang xa tràn khắp mặt nước sông đêm.
Ở quê tôi, mùa nào cũng có cá bống.

Và, chẳng phải một mình cá bống dừa, có rất nhiều loại cá bống khác, như: bống sao, bống trứng, bống xệ, bống mật, bống cát, bống mú, bống bọt…

Nhà văn Trần Bảo Định

Nhưng, không có bống nào thịt ngon bằng bống dừa; không có bống nào yêu thương con và thủy chung với cội nguồn hơn nó.
Khi tiết trời cuối hạ đầu thu, bống dừa cái vào mùa chịu đực. Nó nhả ra mùi dục tình lan theo dòng nước và từng bầy bống dừa đực bơi ngược theo làn nước đó, tìm gặp và giao phối.

Một bụi dừa nước có nhiều bập dừa, mỗi bập dừa có lõm kẹt dừa, lõm kẹt dừa là khoảng cách giữa bập và bắp dừa, tạo thành cái vũng nước, khi nước ròng cạn nước mé sông. Đây chính là tổ ái ân, nơi đẻ trứng, nở con trong cuộc tồn sinh nòi giống.
Mùa trứng nở rộ, cá bống dừa con nhỏ li ti, cơ man nào đếm xuể, nó đeo bám từng bẹ bập dừa đen hị chẳng khác chi đám bù mắc bu cắn ngứa ngái, nổi mận đỏ sần mình!

Mùa trăng trung thu chuyển về đêm 21. Nghĩa là, đêm 21 vào nửa đêm trăng mới mọc, thì bầy cá bống con trưởng thành, nó xa mẹ, xa quê… nó bơi vào cõi tự do, đất rộng sông dài, đến xứ người lập nghiệp. Nó không phải đi ‘’tha phương cầu thực’’ mà nó đi dựng giang sơn mới.

Nói nghe thì dễ như vậy, chớ thiệt ra cũng lắm đoạn trường và chết chóc. Kẻ thù trực tiếp của nó là, bọn cá lóc. Kẻ thù tiềm tàng và lâu dài là, lũ cá trê.

Cá lóc táp, thường săn mồi trên mặt nước.
Cá trê gậm nhấm, săn mồi dưới đáy nước.
Cá lóc đi ăn vào ban mai, đầu hôm.
Cá trê đi ăn vào lúc hoàng hôn, chạng vạng tối.

Hình như, bống dừa nắm vững quy luật, đặc tính kẻ thù; nó có thói quen đi ăn giữa trưa và xế bóng! Nó bơi lưng chừng dòng nước, nghêu ngao nơi ‘’góc chết’’ giữa đôi bờ sinh tử. Kẻ thù dù ngó thấy, cũng chẳng thể mần được gì. Bởi, cá lóc bắt con mồi bằng động tác ‘’táp’’ trong trạng thái ‘’động’’của con mồi; cá trê bắt mồi bằng động tác ‘’gậm’’ trong trạng thái ‘’tĩnh’’ của con mồi. Cá bống dừa không có sức mạnh, nanh vuốt để ngăn chặn hay đánh trả kẻ thù. Nó, khôn cũng không; dại cũng chẳng có. Chỉ là, nó ‘’biết’’ để giữ bổn mạng và bảo tồn nòi giống.

Thương những con bống dừa rời quê mẹ đến đất khách, lập nghiệp không thành. Nó không có tập quán quay lại cố hương dù rằng, tận đáy tâm hồn nó không quên cố thổ. Nó chấp nhận cuộc sống ‘’lang bạt kỳ hồ’’ ở nang tàu mo cau mục, miếng ván bể, miểng gáo dừa khô hoặc chà cây nơi ngọn rạch, hốc vàm… làm chốn dung thân.

Sống trong môi trường mới, buộc nó phải thích nghi và vì thích nghi, lần hồi nó thay đổi chất bống dừa: thịt không còn dẻo và ngọt; dáng dấp, màu sắc không còn lưng đen đũi, lườn trăng trắng, mùa thụ thai bụng mang trứng ốc nốc như thời bống đương sống rừng dừa nước. Nhiều khi, nó xa lạ với chính nó, đau khổ biết chừng nào!

Đời mẹ tôi chưa hề có được cục đất chọi chim, nói chi đến ruộng công ruộng mẫu.

Vì, không có đất nên mẹ phải làm nghề hạ bạc để sinh nhai; dẫu rằng cái nghề nầy người ta không coi trọng.
Mình mẩy, áo quần, chài lưới còn lấm bùn đất, còn ướt chèm nhẹp thì còn tiền; khô ráo, sạch sẽ thì, tiền sạch trơn. Mẹ mong có dịp đổi nghề nhưng làm gì có dịp để mẹ tôi đổi nghề trong cái xã hội kim tiền đầy rẫy bất công ‘’kẻ ăn không hết, người lần không ra!’’.

Ngày đó, tôi non nớt lắm, thiệt thà hỏi mẹ:
– Sao mẹ muốn bỏ nghề bám sông nước chài lưới?

Mẹ nói, từ ngày ba con bỏ đi, một mình mẹ không cam nổi tay lưới, mái chèo. Vả lại, hồi ông ngoại còn sống, ông ngoại thường dặn:

– Mần cái nghề hạ bạc, bắt cá sống bán cá chết, nghèo mạt lút đầu. Giàu một đời chẳng có, nói chi giàu đến ba đời.

Sau nầy, tôi sống sông hồ thời loạn, nhiều đêm ăn bụi ngủ bờ, tôi hiểu ra điều mẹ nói và hiểu thêm vì sao người đời bảo: ‘’Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá!’’.

Tôi mỗi ngày một lớn, mẹ mỗi ngày một già. Khi tôi lên mười, sức mẹ yếu dần, buông nghề chài lưới và chuyển sang bắt cá bống dừa bằng tay hoặc bằng đặt lọp.

Tôi ngây ngô, hỏi mẹ:
– Mẹ! Có bao giờ mẹ thấy hà bá không, mẹ?

– Hà bá, hà bạ…gì con! Mấy tay có chữ, tự xưng ‘’nho sĩ, sĩ phu’’ chi chi đó, lấy điển tích Tàu bày vẽ hù dọa dân nghèo dốt chữ cúng bái, thờ phượng. Có thiệt đâu mà thấy! Chẳng qua là tích Phùng Di, một tay có tài trị thủy. Bởi sinh nghề tử nghiệp, ông ta chết chìm dưới sông khi thuyền lật úp. Trời thương, phong chức Hà Bá giữ sông.

Tôi ngây thơ hỏi:
– Vậy Phùng Di là thần sông hả mẹ?
Mẹ gật đầu cười, nét cười của mẹ tôi ngày ấy trông thật bình yên.

Cá bống dừa ngửi mùi thúi bỏ đi, ngửi mùi tanh thì, nửa đi nửa ở. Cái mùi tanh tanh nó như vừa muốn xua đuổi, vừa muốn níu kéo. Và rồi, mùi tanh đó quyến rũ con cá bống dừa bất kể chết sống cũng chui vô.

Biết vậy, nước ròng mẹ chặn ngách kẹt bập dừa, thò tay bắt cá bống. Nước lớn, mẹ gài lọp ven mé dừa nước để bắt bống dừa.
Chẻ thân cây sống lá dừa nước phơi một nắng, cắt thành từng khúc dài độ 3 đến 4 tấc, dùng dây lạt dừa bền tròn đường kính khoảng 1 tấc đến 1 tấc 2, sao cho vừa nửa cái gáo dừa khô, khoét lỗ tròn lớn bằng ngón chưn cái hoặc nhỉnh hơn một chút, ngay giữa mặt gáo. Hai đầu lọp, đặt hom phía trong, phía ngoài cài ngược hai đầu gáo dừa mần nắp đậy lợp. Bống chui vô lọt tót, chạy ra kẹt hom.

Mẹ tách đôi cua đồng dùng làm mồi, treo bên trong giữa thân lọp. Mùi tanh là mùi quyến rủ bống dừa. Từng con thong thả chui vô lọp, sóng nước miên man êm ả, vỗ về!

Cuối đời mẹ sống nhờ bống kèo.
Tôi vô tích sự, mãi miết chạy theo mộng, bỏ thực của đạo làm con. Ngày tôi về, mẹ tôi đã ra người thiên cổ!

Chiều nay, một buổi chiều cuối năm, buồn cạn nước sông quê. Tôi ngột ngạt như bống dừa kẹt hom lọp.
Mười năm!

Mười năm, vật đổi sao dời, rừng dừa nước ngày xưa từng là: ‘’Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù’’, nay bị chặt rụng đầu chết sạch bởi, lòng tham vô tận của con người: lấn sông, lấp rạch mần dự án ‘’phân lô, bán nền’’!
Rừng dừa nước biến mất, cá bống dừa bị hủy diệt.

Giờ thì, bống dừa nhân tạo thay bống dừa thiên nhiên. Và, biết đâu bống dừa nhân tạo chính là mầm chết thuộc về con người được báo trước qua căn bịnh ung thư, cũng có thể lắm chớ!

Tôi sợ tôi biến chất như bống dừa sống ‘’lang bạt kỳ hồ’’.
Tôi run sợ, tôi mất gốc, ngay trên gốc của mình. Một con bống dừa không có tập quán quay lại cố hương!
Tôi ngồi trên cây cầu cây gie ra bến nước. Buổi chiều trôi chầm chậm, kéo lê từng sợi nắng trải dài bên kia sông.

Bỗng dưng, tôi chạnh lòng nhớ mẹ.
Tôi bật khóc, sụt sùi!

Tôi khóc mẹ tôi
Tôi khóc tôi
Hay, tôi khóc cho tàn kiếp bống dừa quê!?

Read Full Post »

Email Xanh

Nguyễn Thị Ánh Huỳnh

Đã chữ điền hơn

Đã trái xoan hơn

Trút hết giọt nước mắt cuối cùng

Cơn mưa giã từ

Dung nhan thành phố

.

Và mùa xuân đang ở đâu đó

Dạo trở về phát những tấm card xanh

Hứng được danh thiếp rồi

Sợ kẽ tay mình không giữ được sương

Reply thế nào cho cuộc viếng âm thầm

Khi xanh thẫm nhoi lên từ đụn rác

Khi chim thả rơi

Cây mọc mái nhà

.

Xin gieo nắm hạt vào bao la

Mai sau cánh rừng che chở

Gởi mấy hạt cho giấc ngủ

Mong thấy người về bên môi

Tặng thêm hai hạt cho mắt

Để được nhìn bằng ánh sáng lệ rơi

.

Và cuối cùng còn một hạt lẻ loi

Phần dành cho – mơ mòng duy nhất

Khi gió thổi bay đi sẽ biết

Người yêu thương đang ở hướng nào

NTAH

Read Full Post »

Rượu Xuân

Ngô Đình Hải

chai rượu mới vừa mở nắp

ta uống trong ngày đầu năm

thoảng hương dậy thì con gái

mùi này lâu không thấy mặt

.

chắc xuân ngó ta thấy ghét

nên ít khi ghé hỏi thăm

ngày em bỏ ta đi mất

bàn tay rót rượu bỗng run

.

rượu thì ngày nào chẳng gặp

có uống được nữa hay không

mà xuân tới lui bất tận

còn em biền biệt mù tăm

.

thì rót cho đầy cái nhớ

rồi mơ em về qua ngỏ

nghiêng ly nhìn em thật gần

trong màu hoàng hôn tím đỏ

.

chai rượu còn hơn phân nửa

xuân hỏi uống thêm làm gì

ta chợt khom người xuống mửa

thấy ngày xuân vụn trong thơ

Read Full Post »

Older Posts »