Feeds:
Bài viết
Bình luận

Posts Tagged ‘Ngô Đình Hải’

Ngô Đình Hải

Chất xong mấy cây mai, cho quá giang xe tải về trồng lại. Ba Đực thở phào. Mai năm nay đẹp, giá lại thấp hơn năm ngoái, vậy mà ít khách. Chắc năm rồi làm ăn khó, người ta để tiền, mua những thứ cần thiết hơn cho ba ngày Tết. Tánh Ba Đực ngang, đói thì chịu, nhứt định không phá gía! Công lao cực khổ cả năm trời, bán đổ bán tháo lão xót, thà đem về dưỡng cho năm sau…

Đã quá trưa 30, chợ bắt đầu thưa người. Ba Đực đứng tần ngần ngắm hai cây mai đẹp nhứt để lại, hy vọng từ giờ tới chiều, có người mua, vớt cú chót rồi về. Lão lẩm nhẩm hát, bài hát lão thích nhứt hồi trẻ: “Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa…”*

Có mai nở là có mùa xuân. Thấy mai là thấy Tết. Ba Đực nhớ những ngày ở rừng. Những ngày ở gần cái chết. Sự sống ở màu vàng mai, làm thoát ra khỏi cái u ám, cái tối tăm đe doạ của bạt ngàn cây lá. Mai không có mùi thơm. Mai mang mùi bình yên, mùi của sự sống. Cái mùi làm cho buổi sớm thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Ba Đực không ngửi mà cảm thấy rất rõ, sau mỗi phiên gác đêm, trong cái chòi nhỏ ven rừng. Mùi mai trong gió, trong hơi thở của rừng. Ba Đực mang theo, làm thành cái nghề mới.

Tiếng con Lành phía sau:

– Dọn sớm vậy cậu Ba?

– Ừa, sớm gì nữa, cho nó đỡ cực! Sớm là bây kìa. Bữa nay cũng mần nữa ha?

– Làm gì có, thiên hạ về với gia đình hết rồi, ế độ ra chơi với cậu thôi… – Cúng kiến gì chưa? – Chưa cậu ơi, còn cậu?

– Qua hả? Khoẻ re, có một mình với mấy con chó, về tới dưới, mần thịt con gà là xong. Mình nghèo, lo kiếm ăn, ông bà khuất mày, khuất mặt, đâu có chấp! Lành im lặng một lát, rồi ngập ngừng: – Tui cũng mình ên! Buồn đứt ruột! Vô tui chơi đi cậu Ba, chiều về…

– Thôi! Qua già rồi…

– Đừng thôi mà cậu Ba, cậu làm không được thì tui…làm cho cậu! Tui năn nỉ mà…Coi như xả xui cuối năm đi cậu…

Vừa nói, Lành vừa nắm tay Ba Đực lắc lắc. Thấy con nhỏ gần muốn khóc, Ba Đực cầm lòng không đặng. Lão ngó ra chỗ khác, rồi gật:

– Vô trước đi, chút qua vô

– Thiệt nghen, thề nghen cậu Ba…

Ba Đực lại gật lia lịa. Lành đi khuất, tự nhiên lão cũng thấy bồn chồn. Lâu rồi, không gần đàn bà, giờ nhắc cũng thèm. Hồi thiếu uý, dính hết 1 năm cải tạo! Ba Đực mới 22, ra tù lủi về quê, sống cu ky với mấy công ruộng, ông bà gìa để lại. Anh em tứ tán, thân ai nấy lo. Có con bồ thì vượt biên mất biệt! Ba Đực chán đời, ở vậy mà sống.

Làm ruộng thất, Ba Đực lên vườn, trồng mai bán Tết, cũng có ăn. Năm nào 23 Tết, đem mấy chục gốc mai lên đúng chỗ này, ăn dầm nằm dề, bán lai rai tới 30 thì rút. Ngồi bán ngắm thiên hạ sắm Tết cũng vui. Riết rồi ghiền cái không khí Tết của chợ. Mấy năm trước không, năm nay lại có thêm con Lành. Chỗ Ba Đực bán, nhè ngay đầu hẻm nhà trọ của nó. Lành bán bia ôm và đi khách luôn ở cái quán tuốt ngoài đường rầy xe lửa. Chiều qua, quán nghỉ. Lành lang thang chán, mò về ngang qua chỗ bán mai của Ba Đực.

Đúng lúc lão đang nướng con khô sặc ăn cơm. Mùi thơm lừng. Con Lành ghé vô làm quen, rồi ăn cơm với lão luôn. Chập tối, khách coi mai đông, nó cũng líu lo chào mời, phụ với Ba Đực tới khuya, còn tự nguyện đi mua cho lão tô mì gõ, rồi mới chịu đi ngủ… Ngồi trầm ngâm một lát, chừng như hài lòng với quyết định của mình. Ba Đực đứng phắt dậy, gửi 2 cây mai cho bạn hàng bên cạnh. Dắt chiếc Dream dông xuống dốc Cầu Bông, mua con vịt quay, mấy ổ bánh mì với lít rượu đế. Về lại chỗ bán. Ba Đực cột thêm miếng ván phía sau yên, chất một cây lên đó. Còn lại một cây, Ba Đực lục túi lấy cuốn sổ, kiếm cái số nhà, rồi kêu tay xe ôm quen. Tay này ngày thường chở người. Tết chở cây kiểng kiếm ăn. Ba Đực đưa cho hắn tiền và cái địa chỉ, dặn: –

Nói với thầy Tân là cây mai này tui biếu thầy chơi Tết. Chúc thầy ăn Tết vui vẻ, năm sau gặp.

Ba Đực chỉ mới biết thầy Tân mấy năm sau này. Lần nào lên bán cũng gặp. Thầy có vẽ thích và rành về mai. Chắc hồi trẻ phong lưu lắm. Có thầy ghé qua, Ba Đực cũng pha ấm trà mời. Rảnh thì tiếp chuyện, không thì thầy cứ ngồi đó, nhâm nhi trà mà ngắm mai thoải mái. Thầy Tân nói hồi chiến tranh, gia đình thầy không còn ai trong cái Tết năm nào. Thầy lưu lạc luôn từ đó! Cái ấm cúng, cái hạnh phúc của gia đình thầy, như chỉ chờ mai nở mà hiện về. Ngồi giữa những chậu mai đầy hoa của Ba Đực, thầy như sống lại được những ngày tháng êm đềm cũ. Chỉ có vậy, chưa bao giờ nghe thầy hỏi mua. Mai bây giờ là cái thú, cái khoe sự sung túc. Ba Đực biết thầy Tân thích lắm. Ra ngồi chơi thôi, mỗi lần Ba Đực bán đi cây mai đẹp nào, khách chở đi. Thầy Tân đều ngó theo, ánh mắt đầy tiếc rẻ. Nhưng mai quá mắc, mua không nổi so với hoàn cảnh của thầy hiện nay. Ba Đực biết, thầy Tân mượn cớ, có buôn bán, làm ăn gì đâu, mà nhờ mai nở rộ, đặng cầu tài cầu lộc, rồi làm bộ ngó lơ, nuốt nước miếng mà nhịn…

Chào từ giả và chúc tết bạn hàng chung quanh xong. Ba Đực chậm rãi chở cây mai còn lại vô nhà Lành. Hẻm nhỏ, người ta ngồi đầy bên sòng cắc-tê, sì-dách, bầu cua lộ thiên. Phải khó khăn lắm, Ba Đực mới chui vô được tới nơi. Lành đứng đợi sẵn lão trước cửa. Chậu mai bỏ xuống choán gần hết nửa đường đi. Cũng chướng, nhưng thây kệ, Tết mà. Cả con hẻm sáng rực. Lành ngó cây mai, ngó lão, ngạc nhiên. Ba Đực cười: – Để chưng cho có 3 ngày Tết! Căn nhà nhỏ xíu, trống hốc trống hoác. Một cái bàn gỗ ọp ẹp kê sát vách làm bàn thờ. Trên có hình người phụ nữ và cái hủ cốt. Ba Đực để con vịt quay, chai rượu và mấy ổ bánh mì lên đó. Không có giường, chỉ có chiếc chiếu, chắc mới được trãi ra, ngay dưới chân bàn.

– Bà già tui đó, chết năm rồi… – Đốt nhang đi. Có gì cúng nấy!

Lành vói tay cài chốt cửa, thấy Ba Đực nhìn chiếc chiếu có vẽ ngần ngại, nó cười: – Không sao, bà già… quen rồi!… Mùi nhang hăng hắc làm căn phòng thêm ngột ngạt. Ba Đực xá mấy xá, lẩm bẩm mấy câu với người phụ nữ trong hình. Quay lại, con Lành đã cởi quần áo từ hồi nào. Nó kéo Ba Đực nằm xuống, vuốt ve khắp người lão. Thằng đàn ông trong người Ba Đực trỗi dậy. Lão nhìn con Lành nằm tênh hênh bên cạnh. Ngực phập phồng, hai cái đùi bắt chéo, nhô đám lông đen ra ngoài khiêu khích. Con Lành chờ đợi, nó sợ Ba Đực đổi ý, sợ lão từ chối. Sợ bất kỳ cái khái niệm đạo đức nào, bất chợt trỗi dậy trong người lão. Chút…tự ái nghề nghiệp. Cái nghề chết tiệt! Cái nghề được nhắc đến giữa thương cảm và khinh bỉ. Cái nghề luôn bị kẻ nhân danh sự cao cả, cúi xuống nhìn như một thứ rác rưởi. Ba Đực khác. Cái nông dân trong lão nghĩ suy rất đơn giản. Con Lành bán thân như lão bán mai vậy. Ai thích, ai cần thì mua. Sòng phẳng. Mua trong thích thú, vui vẻ, lão sướng. Mua mà ngắm nghía, nâng niu từng cánh hoa, để thấy hết cái đẹp, cái hồn của hoa. Rẻ một chút, lão cũng bán. Còn ngược lại, chờ cái thế kẹt, tàn chợ hoa Tết của lão như bữa nay, mà chê bai, dè bĩu, ép gía, trả tiền như ban ơn. Thứ đó không biết chơi, lão cóc cần. Ba Đực bán mai là bán nguyên cây. Bán cái công cưa cành, tỉa nhánh làm thành cái tướng, cái nổi trội của cây mai giữa muôn ngàn cây khác. Không phải gía, lão đem về. Ăn Tết nghèo thêm một chút, thiếu thốn một chút, đã sao! Tết quê thì có sắm sửa gì đâu. Mồi nhậu thì minh thiên. Chủ yếu là lo cúng kiến cho phải đạo. Ba Đực ngó con Lành, ngó quanh cái phòng lần nữa. Lão chợt xót. Lão nửa muốn nằm úp lên cái thân thể đó, nửa ái ngại muốn đứng lên. Lại lo con Lành tự ái, tưởng lão chê, nó tủi thân. Tội! Ngày mai là ngày đầu năm. Tống cựu nghinh tân. Con Lành thì tân nổi gì, cựu hơn, tơi tả hơn thì có. Lành cứ lặng im vuốt ve Ba Đực. Lành đang rách, đang cần tiền. Nhưng không hiểu sao, giờ này, nằm đây, Lành lại thấy khang khác. Cái hơi đàn ông không còn là để chịu đựng, để chán chường, mà lại là thứ để che chở, để an ủi. Lành chờ cái ôm của Ba Đực. Cái ôm không cần tính tiền! Phần Ba Đực cũng thấy lạ với mình. Ngay từ đầu Ba Đực đã không muốn vô đây. Lão quen sống cu ky một mình, không có đàn bà lâu lắm rồi. Ở quê loay hoay từ sáng tới chiều, hể chịu làm là làm không hết chuyện, làm cho quên ngày tháng, quên cái thiếu thốn, trống vắng trong căn nhà. Tối lại, lai rai vài ly cho dễ ngủ. Tới chừng thấy cần có người bên cạnh, giựt mình ngó lại thì gìa cha nó rồi, thôi nhịn luôn… Bữa nay, con Lành làm lão cao hứng, lão muốn tự thưởng cho mình, một ngày không như mọi ngày cũng đáng. Ba Đực ngó mặt con Lành, ngó cặp mắt lim dim của nó thấy cũng ngộ, lão không đành lòng, lão không muốn nó buồn. Lão ôm lấy nó, lão quên hết chuyện đời, hì hục thở. Lành rướn người, nhích tới nhích lui, đụng chân bàn, cái hủ cốt khua lộp cộp trên đầu… Lâu lắm, Ba Đực mới hoàn hồn. Lành vẫn để mình trần, ngồi tiếp rượu với lão. Nó uống cũng ngọt sớt. Ba Đực thấy vui, thấy bớt lẽ loi hơn mọi năm, bớt chán chường hơn khi nghĩ tới lúc phải về căn nhà với miếng vườn dưới quê. Lành xé cái đùi vịt quay đưa cho lão:

– Ở dưới quê ăn Tết chắc vui hơn trên này hé cậu Ba?

Ở đây buồn lắm, Tết đâu có ai đi chơi bời. Mấy đứa kế bên về quê hết rồi. Tui mà có quê, tui về liền… Ba Đực gạt ngang:

– Tầm phào! Sao không có? Con người mà không có quê hương, xứ sở đâu phải con người. Lành bật cười, cười mà như khóc:

– Tui nè, cậu Ba. Nhiều khi tui cũng không biết tui phải người không nữa. Người sao khổ quá vậy! – Tầm bậy, sông có khúc người có lúc…

– Lúc nào không biết, chứ tới giờ thì… Lành ngưng ngang. Nó rót đầy chung rượu, cầm hai tay đưa Ba Đực đàng hoàng. Chờ lão uống xong, Lành rót cho mình, nó uống còn lẹ hơn Ba Đực. Đặt cái chung xuống chiếu, Lành ngó Ba Đực:

– Để tui kể cho cậu Ba nghe. Bà già tui bỏ quê, lên ở đợ trên này. Thằng chủ nhà, tức là ông gìa tui đó, rù quến quất cho một bụng. Chả hoảng, lập kế cho con vợ đánh ghen, đuổi bà già ra khỏi nhà. Về không được, ở lại lấy gì ăn. Sanh tui xong, bả làm gái nuôi tui. Lớn lên tui làm gái nuôi lại bả. Bà già tui nói “Thà của mình đem bán nuôi thân, còn hơn cho không nó, đã nhục còn mang tiếng ngu, tới quê cũng không dám về”. Tui hỏi “Quê đâu? Mắc mớ gì không về”. Bả nói “Mình nhục đủ rồi, làm nhục ông bà mang tội”. Vậy đó, rốt cuộc quê ngoại, quê nội gì cũng không biết, không có. Tui là cái giống gì, cậu Ba?

Ba Đực im lặng, con Lành kể, lão rót rượu uống. Lành ngưng nói, lặng thinh tiếp rượu Ba Đực. Lão uống tới đâu nó theo tới đó. Chai rượu cạn queo. Ba Đực lôi hết tiền bán mai ra đếm, lẳng lặng đặt một nửa dưới lư hương, nói trống không:

– Ăn Tết vui vẻ… Lúc Ba Đực dắt xe ra, trời đã sẩm tối. Chậu mai trước nhà biến mất. Lành gào lên chửi. Có tiếng giang hồ lao xao:

– Đám Út Nhanh chơi rồi, khỏi kiếm! Ba Đực đẩy Lành vô nhà, kêu đóng cửa lại, lão cười rất nhẹ nhàng với đám đông:

– Chậu mai tệ gì cũng bạc triệu, nói nó đừng bán rẻ quá. Uổng!….

Ra khỏi hẻm. Ba Đực còn tần ngần chưa muốn đi. Còn mấy tiếng nữa là Giao thừa, là hết một năm, là già thêm một tuổi. Ba Đực thở dài, nổ máy. Day lại thấy con Lành tất tả chạy ra, nhảy thót lên xe ngồi. Nó kiếm đâu ra bộ bà ba màu mỡ gà, coi hiền khô. Ba Đực giương mắt ngó, Lành cười: –

Của bà già để dành, đặng về quê, mà chưa bận lần nào… – ….

– Tui về với cậu… – ….

– Thì cũng có người phụ cậu mần con gà, bắc nồi cơm cúng, hay uống rượu với cậu. Lẹ đi, trời tối rồi…

Ba Đực ngước nhìn trời. Ừ, tối. Tối như đêm ba mươi là cùng. Rồi ngày mai trời sẽ sáng. Chắc chắn như vậy…

Ngô Đình Hải

(*Đồn vắng chiều xuân-Trần thiện Thanh)

Read Full Post »

Rượu Xuân

Ngô Đình Hải

chai rượu mới vừa mở nắp

ta uống trong ngày đầu năm

thoảng hương dậy thì con gái

mùi này lâu không thấy mặt

.

chắc xuân ngó ta thấy ghét

nên ít khi ghé hỏi thăm

ngày em bỏ ta đi mất

bàn tay rót rượu bỗng run

.

rượu thì ngày nào chẳng gặp

có uống được nữa hay không

mà xuân tới lui bất tận

còn em biền biệt mù tăm

.

thì rót cho đầy cái nhớ

rồi mơ em về qua ngỏ

nghiêng ly nhìn em thật gần

trong màu hoàng hôn tím đỏ

.

chai rượu còn hơn phân nửa

xuân hỏi uống thêm làm gì

ta chợt khom người xuống mửa

thấy ngày xuân vụn trong thơ

Read Full Post »

TRẦN DZẠ LỮ

Hồi ức DỌC ĐƯỜNG VĂN NGHỆ ( Phần 60)NGÔ ĐÌNH HẢI,NHÀ VĂN RẤT SÀI GÒN

Ngô Đình Hải tốt nghiệp bằng kỹ sư Nông Nghiệp nhưng quên hỏi kỷ là anh đã thực hiện bao nhiêu công trình trên thực địa.? Mà thôi, là chuyện… nhỏ của những kỹ sư nông nghiệp .Nhưng tôi thấy Hải đã làm “thuỷ lợi” trên cánh đồng văn chương một cách cần mẫn với cả trí tuệ, trái tim… khi viết lên tâm tư mình rất người, rất đời và rất Sài Gòn bằng văn phong “tỉnh rụi” của riêng mình, có sức lôi cuốn người đọc đến lạ lùng.Giọng điệu ấy, buộc người đọc phải đọc đi đọc lại nhiều lần không chỉ truyện ngắn, truyện dài, tản văn mà kể cả thơ nữa.Anh chàng này đã từng đọc,sống và đi nhiều nên lối viết rất hiện thực, hiện sinh song không thiếu chất trữ tình, lãng mạn…của một mẫu người có tính cách như Jean-Pall Sartre, Guillaume Apollinaire và Gabri Garcia Marquez cộng lại.

Được biết trước đây, chàng từng là một thanh niên ham học và cũng “quậy” tới bến lúc biết làm thơ tặng nữ sinh.Đã từng là một Hippy Sài Gòn qua cách ăn mặc theo phong trào của thập niên 60.Có lắm nàng “mê tơi “nhưng chàng cũng có nhiều lúc thất thế trong tình trường để chìm trong men rượu…Năm 1968 Hải và Bùi Chí Vinh thành lập nhóm Hồn Trẻ -nơi quy tụ những cây viết đam mê văn nghệ của SG và lục tỉnh Nam Kỳ.Sau năm 75, chàng kỹ sư nông nghiệp trở thành giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn về mua bán xe hơi.Hoạt động thường thường nên Hải không phải là tay giàu có gì.Vả lại,trong người chàng luôn có máu của họ Lục( Lục Vân Tiên )” Giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha” nên chưa sạt nghiệp là may…

Tôi ưa tính bộc trực,thẳng thắn của Hải nên hay ghé 81 hay 64 Trần Quốc Thảo làm vài cốc bia hơi( thập niên 90, thời gian này 81 là nơi tụ hội anh hùng hảo hán văn nghệ thật và cũng đầy văn nghệ dỏm)Ngô Đình Hải thường giao du với các anh em: Vũ Ngọc Giao,Nguyễn Liên Châu,Châu Đăng Khoa,TuấnPolo, Thuỷ , tôi và một số anh chị em khác khi có dịp về SG.Hơn một năm qua không còn dịp gặp Hải và anh em nơi quán cà phê SàiGòn Phố nhưng trong lòng tôi luôn náo nức những buồi sum vầy như thế để ngồi nhắc nhớ ai còn ai mất sau đại dịch quái ác.Tuy vậy, tôi cũng hay liên lạc với Hải qua điện thoại và biết chàng đang viết truyện dài.Mừng thay!Chắc bạn đọc đang chờ đọc tác phẩm của Ngô Đình Hải-người rất Sài-Gòn? Xin giới thiệu truyện ngắn NGỬA dưới đây mà tôi ưa lắm.

NGỬA

Truyện ngắn Ngô Đình Hải

Đoạn đường ban đêm tối và vắng. Tối tới mức gần như đe dọa, bởi những thứ tồi tệ, nghi ngờ, được che đậy bên trong. Bóng tối khoan nhượng và không phân định tốt xấu!

Không ai thấy gì ở bóng tối. Người ta lo lắng, sợ hãi những thứ không thấy đó! Thường là vậy. Nỗi lo sợ với cái thấy được và cái không thấy, hoàn toàn khác nhau. Ở cái không thấy, sự sợ hãi mơ hồ, nhưng lan rộng, bao trùm lên mọi thứ! Nó làm người ta quên, hoặc cố tình quên, là chỉ cần một đốm lửa nhỏ, một chút sáng, soi vào đó, là bóng tối tan biến. Kẻ nhát gan không dám làm. Kẻ gian manh lợi dụng. Bóng tối, tối thêm. Con đường càng lúc càng vắng. Gian trá mãi, lợi dụng cũng cạn kiệt, bóng tối hao mòn. Người ta mới sực nhớ ra, đem trồng một ở đó một cây đèn đường. Có đèn, con đường tự nhiên bớt âm u. Xe cộ bắt đầu qua lại.

Cột đèn non trẻ tự hào vì điều này. Hắn thấy mình như đang thay mặt thượng đế, ban phát ánh sáng cho nhân loại. Như một thứ cứu tinh cho cái sự sống ban đêm của con đường. Ban ngày, khi mặt trời lên, hắn tự cho phép mình nghỉ ngơi, ngủ một giấc dài, mặc kệ thiên hạ. Thế giới của hắn là về đêm. Hắn thích thú, cố đứng thẳng và rọi thật xa. Chỗ nào có sự chiếu cố, ban phát của hắn, chỗ đó mang một hình ảnh khác. Ánh sáng của hắn có sức mạnh của một đạo quân, quét sạch đám âm binh lẩn quẩn. Hắn ngạo nghễ nhìn dòng người, hắn muốn đọc sự biết ơn trên mặt họ. Nhưng ngày qua ngày, điều này không xảy ra. Người ta theo cái vùng sáng của hắn, chui vào và thoát ra thật nhanh. Ai cũng hối hả, không ai để ý, không ai nhớ lại trước đây, khi chưa có hắn. Không ai dừng lại để ngắm, hay hỏi thăm hắn một câu. Có người còn chẳng quan tâm cái ánh sáng từ đâu ra, nói gì tới hắn.

Hắn bắt đầu thấy buồn và cô đơn. Hắn tự nhủ, không cần cái loại qua đường này, chúng thường là những kẻ vong ơn. Hắn dành thời gian để mắt tới những người ở gần hắn nhiều hơn. Những người mà hằng đêm, đi và về, luôn phải nhờ đến sự tận tâm của hắn. Hắn gồng mình chiếu sáng về phía những căn nhà. Như để gửi lời chào, tới những cánh cổng khép mở mỗi ngày và từng con người bên trong đó.

Mãi mê với những thứ này. Cây cột đèn quên mất, cái phía ngay dưới chân mình. Quên rằng hắn có thể thắp sáng cho nhiều thứ trừ… chính hắn. Chỗ chung quanh thân hắn nhập nhoạng. Vẫn còn hiện diện của bóng tối ở đây. Hắn hy vọng họ sẽ nhìn thấy sự hy sinh của hắn, thấy cái thiệt thòi và chịu đựng của hắn. Và khi những thứ hắn tưởng đó, chưa đi tới đâu, thì từ trong cái tối mập mờ chung quanh hắn. Một cặp trai gái còn rất trẻ dừng xe lại. Họ ngồi yên trên đó, thì thầm to nhỏ. Rồi họ hôn nhau, những cái hôn chặt và lâu. Hắn thích thú với vai trò che chắn của mình. Một lát sau, họ rời nhau. Người con gái đi bộ về phía trước. Chắc nhà cô ở gần đâu đây, và cô không muốn người nhà biết chuyện hẹn hò của mình. Chàng trai nhìn theo ngơ ngẩn, đến khi cô đi khuất mới đi. Được vài tối như vậy, rồi thôi. Hắn không gặp lại họ nữa.

Đêm khác, đúng lúc cây cột đèn không ngờ, không chờ đợi. Một gã say lò mò tới, tay vịn vào người hắn, tay kia tuột dây kéo quần, mùi xú uế lẫn mùi rượu bốc lên nồng nặc. Hắn rùng mình, một bên người ướt sũng. Hắn ngạc nhiên, hắn tức tối. Hắn không tin gã say có thể làm điều này với mình. Chưa hết, gã thuận tay ném luôn tờ báo đang cầm, xuống vũng nước vừa xả ra, rồi mới chịu bỏ đi. Thứ nước khai rình ngấm vào trang báo mở sẵn, làm mực nhòe đi và chữ theo đó tan dần…, tan dần. Nhiều người biết gã này. Có người chào gã là nhà thơ. Thì ra vậy. Tối nào gã cũng từ cái quán nhậu bình dân ở đầu đường, về qua đây. Cây cột đèn cũng có cảm tình với cái tướng đi chệnh choạng, bất cần đời của gã. Nhưng làm quen với nhau kiểu này thì tệ quá!

Gã nhà thơ đi khỏi được một lát. Từ bên trong những căn nhà gần đó. Một, rồi hai, ba người đàn bà thò ra, thay phiên nhau. Rất nhẹ nhàng, đặt dưới chân hắn mấy…bịch rác. Một thứ mùi hỗn hợp mau chóng lan ra trong không khí. Người đi đường tránh xa hắn thêm. Vài con chó hoang, ghé qua kiếm miếng ăn, tiện thể cũng xoạc chân, xả thẳng vào hắn không thương tiếc.

Người hắn bong tróc, ngứa ngáy và hôi hám tới mức hắn chỉ dám nhìn ra xa, chứ không dám nhìn lại mình.

Rồi nắng, rồi mưa, rồi năm tháng chất chồng. Cây cột đèn ngày càng tàn tạ. Hắn mơ hồ nhận ra một phần giá trị thực của mình.

Một tối, chàng trai trẻ ghé lại. Một mình. Chàng tần ngần ngó hắn, rồi ngóng về phía con đường lúc trước. Không có cái lưng áo phất phơ. Không còn tiếng bước chân hối hả. Chàng trai nhặt một miếng gạch bể gần đó, rồi bằng tất cả những chất chứa trong lòng, chàng mài lên hắn chữ HẬN. Cơn đau trong người chàng trai trút lên hắn. Cái chữ ám lên thân hắn. Cái chữ đầu tiên hắn mang trong đời. Cái chữ gây ngộ nhận và làm thành một cái tên, lại chẳng mảy may liên can gì đến hắn. Từ đó, người ta nói chuyện về hắn rất thản nhiên: qua khỏi cột đèn HẬN là tới…Kế bên cột đèn HẬN..

.Cái tên vận vào hắn. Giấc mơ về một sự thay đổi lớn dần. Hắn mệt mỏi và chán chường với công việc. Hắn luôn tự hỏi không biết mình còn đứng được bao lâu nữa!

Hắn chỉ còn trông chờ vào một phép lạ. Và rồi cô gái xuất hiện, với cái nhan sắc cũng bầm dập như hắn. Cô như một nhánh cây khô đã lâu không được tưới nước. Cô trôi dạt từ đâu lại không biết. Hắn chỉ nhớ cái buổi chạng vạng sau cơn mưa chiều, những vũng nước còn đọng lại dưới đường. Hắn vừa lên đèn, thì cô đã đứng tựa người vào hắn, lục tìm thỏi son trong chiếc túi nhỏ bên người, bôi lên đôi môi nhợt nhạt. Cô chải lại mái tóc, kéo chiếc áo cho hở thêm bộ ngực nhão nhoét, rồi ngóng ra đường. Cứ chiếc xe nào đi rề rề ngang, cô lại nhoài người ra đón, mời chào như gặp người thân. Không ai dừng hỏi han, cô lại lủi thủi quay vào nép sau lưng hắn. Thì ra cô làm điếm. Hắn đoán già, đoán non, chắc cô làm nghề này cũng khá lâu, trước không biết sao, chứ giờ chắc cùng đường mạt lộ, mới tới kiếm ăn chỗ này…

Vậy mà từ ngày có cô bầu bạn hắn vui. Hắn thấy mình gần với loài người hơn. Hắn chú ý đến sinh hoạt của cô nhiều hơn. Đêm nào cô ra trể, hay bắt được khách, dắt nhau vào cái nhà trọ rẻ tiền nào đó. Hắn bồn chồn, hắn trông ngóng cô trở lại. Hắn thèm được nhìn thấy nụ cười méo xệch và hiếm hoi của cô khi đếm mấy đồng tiền nhàu nát, hay khi cô cúi gằm đầu ăn tô mì gõ, rồi hắt phần nước lèo còn sót vào chân hắn. Từ ngày có cô, những túi rác tự động dời đi nơi khác. Cũng không còn ai ghé xả lên người hắn. Hắn trở lại vững chãi và tự tin hơn. Hắn thầm cảm ơn cô, vì tất cả những thứ cô mang lại, và cầu mong mọi thứ cứ mãi như thế…

Mùa mưa năm đó, có cơn bão lớn vào thành phố, mưa dầm dề từ sáng. Mặt trời lấp ló, mặt trời âm u và mặt trời tắt sớm. Gió ào ào thổi, hàng dây điện chằng chịt trên đầu hắn chao đảo, chạm vào nhau kêu í ới, lửa nhoáng lên từng chập. Hàng dây níu vào hắn, lôi hắn theo. Đất dưới chân hắn rung lên, nứt rạn. Hắn cố hết sức đứng cho khỏi ngã. Nhưng khó quá, lần đầu tiên hắn cảm thấy rõ rệt nhất, sự già nua của mình.

Cơn gió chợt dừng lại, mưa nhẹ hơn rồi dứt. Người hắn nghiêng hẵn về một bên. Chung quanh hắn tối lại, hắn cũng không còn chút ánh sáng nào để phát ra. Hắn như tê liệt. Cứ thế hắn đỗ xuống từ từ. Không biết ngày mai người ta có dựng hắn dậy, hay sẽ mang hắn đi vứt bỏ ở một nơi nào khác. Mặc kệ, đằng nào thì hắn cũng sắp chết. Hắn ngửa mặt lên nhìn bầu trời, mây đen đã tan, mặt trăng sớm còn ở xa, chiếu chút sáng vàng vọt xuống. Hắn thấy trăng đẹp vô cùng. Hắn bắt đầu cầu nguyện. Lòng thành của hắn được chứng. Nàng đang đi về phía hắn. Không ai ra ngoài vào giờ này. Chỉ có cái đói lôi kéo. Nàng nhìn hắn ái ngại, rồi nhìn ra đoạn đường vắng hoe. Hắn nghe tiếng thở dài của nàng. Ông trời chắc cũng nghe. Gã thi sĩ say rượu ngày thường đi ngang là đi một nước. Bữa nay gã chợt dừng lại, ngó nàng đăm đăm. Cô gái lên tiếng trước: “đi không?” Gã gật gật: “…mà bao nhiêu?” “Bao nhiêu cũng được”. Nàng vừa nói vừa kéo gã lại gần. Gã thọc tay vào túi quần, lôi hết mấy đồng tiền trong đó đặt vào tay nàng: “ở đây hả?”. Cả hai sát vào nhau, nhấp nhô. Nàng tựa lưng vào cây cột đèn, nửa đứng nửa ngồi. Gã say trút hết sức lực, hì hục thở. Cây cột đèn trân mình chịu đựng. Mặt trăng trốn mất dạng. Hai cái bóng dính chặt. Rồi cũng xong. Một tay kéo quần, một tay vẫn nắm chặt tiền, nàng nói: “đi…tui mời anh tô mì…” Gã say xua xua tay, rồi gập người ói thốc, ói tháo lên người hắn. Cô gái điếm vỗ vỗ lên cây cột đèn, không biết để cảm ơn hay chào từ biệt, rồi đi thẳng. Gã say ráng đứng dậy, loạng choạng đi theo sau.

Trong đống thức ăn nhầy nhụa gã vừa ói, những thứ thực sự của chính gã vừa trào ra không kiểm soát, cứ nhấp nháy những dòng chữ, thứ chữ không giống chút nào, với cái chữ trên tờ báo, trong vũng nước đái hôm nọ.May mà gã còn ói được..

NĐH

……

thơ chàng:THƠ NGÔ ĐÌNH HẢI

,

DỤ DỖ

hay là mình cứ yêu nhau đi em

để có khóc thì khóc chung một lúc

có giông bão còn nắm tay nhau được

chứ cuốn trôi rồi ai nói ai nghe

hay là mình cứ ở chung đi em

cho năm tháng cạn có nơi nương tựa

cho những đoạn đời cháy trong bếp lửa

biết đâu còn hơi ấm một nồi cơm

hay là mình cứ ngủ chung đi em

nhà còn mái che đâu mà e ngại

hong cây lá ướt cho nhau cùng sưởi

mơ thấy bên ngoài bóng một quê hương

hay là mình cứ đi chung thôi em

xa thật khuất chỗ ta đang mắc cạn

về sông cũ làm lục bình trôi dạt

hoa nở tím buồn cũng bớt cô đơn…

NHANG KHÓI

cuối năm nhớ quá , lên chùa cũ

tìm bóng em ngồi tụng Pháp Hoa

sư hỏi : ” sao không vào mà lễ ?

“thưa : ” thiếu tiếng ai kia niệm Di Đà ! “

chỗ ấy còn thơm hương Bồ Tát

mà , giang hồ bụi cứ theo chân

sợ vô tình chạm tan đi mất

lỡ một hồi kinh với mõ chuông

nam mô , tình dẫu coi như nghiệp

cũng có cho mình được chút duyên

xin gửi khói nhang trong chánh điện

người ở bên ngoài đỡ nhớ thêm .

.BỮA NHẬU GÓP

Đám bạn cũ gặp nhau rủ nhậu

Đứa nào có gì góp nấy

Một tên chìa ra chai rượu gạo

– Tao góp “nước mắt quê hương” cho nó mau say

Cho quên đi cái trống rỗng của tháng ngày

Ly rượu nhỏ lọt thỏm trong lòng bàn tay

– Tao góp mấy tiếng cười

Cho những giấc mơ thấy đường về trong đêm tối

Tên khác dốc cạn ly không nói

Lặng thinh đếm coi còn thiếu mấy chỗ ngồi

– Tao góp thời tuổi trẻ xa xô

iChiến tranh đã qua lâu mà mất mát còn hoài

– Tao góp bằng Tú Tài đôi

Công ăn học đem ra đứng chợ trời

– Tao góp những cuộc tình ngây dại

Yêu mà sợ chiếc khăn sô trên đầu người con gái

Tên khác cúi mặt không nhìn ai

Lẩm bẩm góp câu

– Lũ chúng mình sinh nhầm thời!

Tên nữa móc túi đặt lên bàn mấy tờ tiền giấy

– Tụi mày đừng ngại, trong đó toàn nước mắt và mồ hôi

Tên còn lại cho tao góp với

Cái thứ thèm uống cho trôi

Thứ không thuộc về mình lâu rồi

Thứ người ta định nghĩa là…Cuộc đời!

Có mỗi chai rượu mà chừng đó mồi Phải say thôi!..

.*TIỂU SỬ NGÔ ĐÌNH HẢIKỹ sư Canh Nông, Bắc di cư, sinh Hải Phòng, sống và lớn lên ở Sài Gòn. Nhóm thơ Hồn Trẻ với BCVinh (1968). Viết tự do. Đã xuất bản: Nhỏ ơi(thơ), Đời ơi (thơ), Ngửa (tập truyện ngắn), Còn&Mất (truyện dài).Đang in: Tôi ơi (thơ), Nghiệt (tập truyện), Phù Hư (tập truyện), Giang hồ khô nước mắt (tiểu thuyết).Tôi nghĩ và hy vọng Ngô Đình Hải còn mãi tư duy để đi,sống và viết như câu nói nổi tiếng của nhà hiền triết Descartes: Tôi tư duy nên tôi tồn tại( I think,therefore I am).Trần Dzạ Lữ( Xuyên Mộc 16.10.2021)Hình : Nhà văn NĐH

Read Full Post »

Một lối viết dung dị, cách kể chuyện gần gũi. Những đối thoại, chân dung ta gặp đâu đó mỗi ngày.

Bùi Việt Quý

Những góc khuất số phận lóe lên phút chốc rồi lại chìm vào bóng tối. “Ngửa”, tập truyện ngắn của Ngô Đình Hải – NXB Hội Nhà văn, 2017 – sau 4 tập thơ đã xuất bản, cho thấy một giọng điệu riêng, hài hước mà thâm thúy, gai góc mà nặng tình.

Tác giả cất lên tiếng nói lạ mà quen, có khi như nhát dao cắt ngọt, có khi như hồi chuông dịu lòng, có khi như sấm chớp, cảnh báo tai ương. Sự trải đời, chiêm nghiệm, những ẩn dụ và hình ảnh biểu trưng dễ ở lại với độc giả. Nếu như “Bụi đường” bất ngờ với cơn nôn ói của anh tài xế tuổi 30 sau khi “gần” chị chủ ở căn phòng khách sạn vùng biên thì “Cái giếng nước” là câu chuyện về nỗi cô đơn, về tình yêu từ thuở hoa niên đến lúc lìa đời và cái giếng là chứng nhân, là cứu vớt cho những bi kịch của người trong cuộc và cả cái hồ đồ, nghi ngại, đa đoan của người đời. Truyện “Chó” không chỉ là câu chuyện về người và vật nuôi mà còn là thông điệp về số phận, nỗi ám ảnh của nhân sinh; còn “Vũ khúc đen” bày ra tấn tuồng mỗi người sắm vai, bất chấp thủ đoạn để đạt mục đích chiếm đoạt, đôi chỗ đọc gai người… Với “Tuồng”, “Lâm toilet”, “Hoàn thi sĩ”, “Danh họa”, Ngô Đình Hải cười vào thói đời một cách sâu cay nhưng ý nhị tình người.

Mảng truyện viết về thân phận con người cùng những đẩy đưa của số phận và những bi kịch được tác giả khắc họa thành công. “Ngửa” cũng là hiện thân của sự cô đơn, bất hạnh qua chiếc cột đèn, chứng nhân đời sống thị dân. “Về nhà” là lát cắt hiện thực, ông giáo già từ giã cõi đời quá nhiều kẻ gian lọc lừa người ngay. “Cơm đường, cháo chợ, vợ người ta” thấm đẫm tình người. “Thôi, bỏ đi” có đủ hỷ nộ ái ố, cái đau tột cùng, cay đắng tột cùng đều được giải thoát trong cái kết để trút bỏ oán hờn, dằn vặt…

Tình yêu trong tập truyện này đẹp và buồn, cứ nhói đau và chực rơi nước mắt với “Khuôn mặt” và “Con đường có bao nhiêu lối rẽ”. Chỉ là một lần gặp trên đường, suốt mấy chục năm Dũng mang theo và anh thương quý Chi bởi cô cùng tên và có khuôn mặt giống người con gái ấy. Một chuyện tình học trò đẹp như thơ đến cuối đời vẫn cứ đẹp như người con gái, người đàn bà ấy, dù qua bao nhánh rẽ đau buồn vì đó là tình yêu đích thực: “Rốt cuộc chỉ có ông là không bỏ tôi”…

Nhận xét về tập truyện, nhà văn Nguyễn Trí cho rằng: “Văn chương trong “Ngửa” như một dòng suối ào ạt qua bình nguyên vào mùa lũ, băng băng trôi vào hồn người thưởng ngoạn. Những con chữ được chắt chiu, lạ và độc đáo”. Chừng đó là quá đủ với một đời văn.

(more…)

Read Full Post »

Nguyễn Hữu Khánh là một cây bút văn xuôi quen thuộc của trang xunauvn.org. Mấy tháng nay không thấy anh gửi bài về, cứ tưởng anh bận bịu với công việc, nào dè vài ngày trước đây  mới tình cờ biết tin anh đã qua đời sau một thời gian lâm trọng bệnh. Vậy là lời hứa của anh sẽ trở về Việt Nam giữa năm 2017 này đã bay biến vào hư không. Chỉ biết cầu mong anh sớm siêu thoát ở cõi xa xăm kia…..Xin vĩnh biệt anh.

.

BBT xunauvn.org

Phượng vỹ lưng tròng

.

Ngô Đình Hải

Bạn tôi, Nguyễn hữu Khánh, tác giả của 2 tập truyện: Phượng vỹ lưng tròng (2006) và Màu của dòng sông (2012). Đoạt giải thưởng báo Tin Sớm (1972) với truyện ngắn Không Chờ. Khánh viết chậm mà chắc. Nó có hẹn với tôi, tháng 7 này sẽ mang bản thảo tập truyện thứ 3 về in. Tôi cũng chưa đọc được nó viết gì, thì nó đã mang theo về với đất, mấy hôm trước. Vợ Khánh gọi điện về báo tin trong nước mắt. Nó mới qua được đất Mỹ 5,7 năm sau này. Tưởng đời đã bớt khổ, đâu ngờ… (more…)

Read Full Post »

Mùi hương

Ngô Đình Hải

chenh-venh

Mùi hương

.

mùi hương con gái như khói thuốc
thở mới một lần đã tương tư…

.

Cũng chỉ là thơ, đẹp và lãng đãng không hồi kết. Còn cái thực thì lại như chuyện hồi mới lớn, quen một em nữ sinh trắng da dài tóc. Nhà em bán cá ở chợ. Quen rồi biết, sáng nào em cũng phụ mẹ dọn hàng, bán hàng từ sớm, rồi mới đi học. Thằng con trai ngu ngơ, quý người bạn gái của mình, đã ngẩn người khi tên bạn rắn mắt hỏi sau buổi xem phim với em: có ôm không? Có hôn không? Có nghe mùi gì không?… Mùi hả, hỏi ngộ, có chứ, chỉ không biết gọi là gì…Rồi chia tay, rồi năm ba mối tình tiếp theo, năm bẩy cái mùi con gái khác nhau lẩn quẩn, không phân biệt được. Lâu ngày hình ảnh nhạt nhòa, phấn hương tan tác, nhưng cái mùi đầu tiên thì không quên được, nhất là khi bất ngờ phát hiện ra, nó chẳng xa lạ gì, chỉ là mùi… tanh của cá, nó ám lên tay mỗi lần nắm lấy, ám lên mặt những khi ngồi nhìn ngẩn ngơ, ám lên tóc những lúc chở em, ngồi vắt vẻo phía trước, trên chiếc xe đạp đòn dông, cong người đạp mà thở, mà mê mẫn nó. Nó làm thành cái mùi hương ngọt ngào trên môi, hiếm hoi và tê tái. Để rồi khi mừng vì nhận ra nó, cái mùi mà mình tương tư đó, thì lại đau phát khóc lên được vì nó đã xa… (more…)

Read Full Post »

Ăn cắp

 

Ngô Đình Hải

504450

1/ Sáng nay, ngồi cà phê với mấy tên bạn học. Gần về, một tên móc bóp, moi mãi mới ra được tờ 500 ngàn, xếp kỹ, giấu tuốt bên trong. Có tiếng cười, hắn tỉnh bơ: thằng nào chẳng vậy.
Tên khác phán:
Khi một tên đàn ông quyết định lấy vợ, đồng nghĩa với chuyện hắn chấp nhận, tự biến mình thành một tên…ăn cắp!
Lấy vợ rồi, mỗi lúc mỗi phải hoàn thiện cái kỷ năng đó để tồn tại. Mà ăn cắp chính những thứ của mình mới đau. Từ tiền bạc, tự do, thời gian, kỷ niệm, thói quen…v/v…Tất tần tật…Thứ gì cũng phải ăn cắp! (more…)

Read Full Post »

Âm vọng

(more…)

Read Full Post »

Con chó

Ngô Đình Hải

 con-cho-xau-tinh-500x290
Con chó

Chuông reo vào học. Thằng nhỏ lớp 4 tay cầm ổ bánh mì ăn chưa hết, dáo dác nhìn chung quanh, lật đật chạy… Có tiếng chân chạy theo, một cánh tay thò ra, trước khi khúc bánh mì thừa kịp rơi vào thùng rác. Thằng nọ quay lại: “gì?” Thằng kia ấp úng: “cho tao…về cho chó”. Thằng nọ đưa liền. Hai đứa về chỗ xếp hàng: “nhà mày có chó hả?”…”ừ”… “tao thích chó lắm mà ba tao không cho, nói nuôi chó dơ nhà” …”ừ”…”nó tên gì?”…”ừ”…”lớn chừng nào… hiền hay dữ?”…”ừ…thì”…
Giờ ra
 chơi, thằng nọ nhìn xuống phía sau tìm bạn, thằng kia lủi đi đâu mất từ hồi nào…
Hôm sau thằng nọ vào sớm, ăn vài miếng rồi để dành lại, định bụng chờ, loay hoay sao ổ bánh mì rớt xuống đất, nó lượm lên, phủi phủi rồi xé miếng giấy tập gói lại. Thằng kia ở đâu đứng sẵn. Thằng nọ vừa đưa vừa ái ngại: “chắc không sao, chó ăn mà…hôm qua nó ăn hết không?” …”ừ”…”bữa nào tao về nhà mày thăm nó nha”…”ừ”…
Vào lớp, thằng nọ hí hửng, nó hình dung ra con chó vàng, lông mướt rượt, đang xé từng miếng bánh mì và vẫy đuôi với nó…Giờ chơi, nó chen ngược mấy đứa khác để chạy về cuối lớp, có quá nhiều câu hỏi về con chó chưa được trả lời, chỉ vừa kịp nhìn thấy cái bóng thằng kia vụt qua cửa sau lớp, biến mất. 
(more…)

Read Full Post »

Ngô Đình Hải

anh-nen-hoa-hong-8-3
ừ em
người con gái ở đời tôi
như đã ở
trong căn chòi không có mái
suốt một mùa đông ngửa mặt ngóng mặt trời

(more…)

Read Full Post »

Older Posts »