Ngô Đình Hải
Mùi hương
.
mùi hương con gái như khói thuốc
thở mới một lần đã tương tư…
.
Cũng chỉ là thơ, đẹp và lãng đãng không hồi kết. Còn cái thực thì lại như chuyện hồi mới lớn, quen một em nữ sinh trắng da dài tóc. Nhà em bán cá ở chợ. Quen rồi biết, sáng nào em cũng phụ mẹ dọn hàng, bán hàng từ sớm, rồi mới đi học. Thằng con trai ngu ngơ, quý người bạn gái của mình, đã ngẩn người khi tên bạn rắn mắt hỏi sau buổi xem phim với em: có ôm không? Có hôn không? Có nghe mùi gì không?… Mùi hả, hỏi ngộ, có chứ, chỉ không biết gọi là gì…Rồi chia tay, rồi năm ba mối tình tiếp theo, năm bẩy cái mùi con gái khác nhau lẩn quẩn, không phân biệt được. Lâu ngày hình ảnh nhạt nhòa, phấn hương tan tác, nhưng cái mùi đầu tiên thì không quên được, nhất là khi bất ngờ phát hiện ra, nó chẳng xa lạ gì, chỉ là mùi… tanh của cá, nó ám lên tay mỗi lần nắm lấy, ám lên mặt những khi ngồi nhìn ngẩn ngơ, ám lên tóc những lúc chở em, ngồi vắt vẻo phía trước, trên chiếc xe đạp đòn dông, cong người đạp mà thở, mà mê mẫn nó. Nó làm thành cái mùi hương ngọt ngào trên môi, hiếm hoi và tê tái. Để rồi khi mừng vì nhận ra nó, cái mùi mà mình tương tư đó, thì lại đau phát khóc lên được vì nó đã xa…
Có làm một đứa trẻ xa quê. Tuổi thơ quanh quẩn trong con hẻm ngoằn nghèo chật chội. Rời nơi đó ra, những ngày hè chỉ biết lang thang trong Sở thú, bắt từng con dế đi lạc, mà tưởng tới bạn bè cùng lớp đang trồi hụp trên dòng sông, đang chạy dài trên những cánh đồng, kéo theo con diều trong buổi chiều gió lộng, mà thèm. Thèm cái hơi đất ẩm, cái mùi ngai ngái của cỏ mục, cái mùi se se nồng của ngọn gió trên dòng sông, mà thương cho cái thiệt thòi của đứa trẻ thị thành.
Cái mùi đất còn ấm áp và quý báu hơn nữa, khi nó ở cạnh cái mùi lạnh tanh của đá. Thằng bạn đi lính chết trận, xác bỏ trong hòm đóng kín, được đưa về nhà chôn cất. Bạn bè lèo tèo năm bẩy đứa biết tin tới đưa tiễn, ngồi chung quanh cái hòm nó mà uống rượu. Nửa đêm, cha nó lên cơn điên nhớ con, cầm cái xà beng nạy tung nắp hòm để nhìn mặt. Cả đám xúm nhau ngó vào. Không có nó, không có cái xác người nào, chỉ có mấy cục đá xanh bê bết máu và vài miếng vải áo trận dính lên đó. Nó đó, nó chỉ còn lại chừng đó. Mùi tanh và lạnh ngắt xộc vào mũi. Người đứng quanh bỗng dưng cũng tê dại như đá…
Còn nữa, cứ nghe pháo nổ là thấy Tết. Tưởng là như vậy, chỉ khi không còn pháo, mà thay vào đó tiếng nổ trên băng, đĩa và video có hình cả dây pháo dài thượt, hay pháo giả, treo lên cũng lạch tạch và đèn đỏ nhấp nháy. Mới biết là không phải.Tôi không ưa nỗi mấy thứ này, nó chỉ làm nghèo nàn đi kỷ niệm và mờ nhạt những niềm vui. Nó thiếu đi một thứ thiêng liêng, giống như con người thiếu đi cái phần hồn. Đó là mùi pháo, mùi lưu huỳnh cháy, hăng hắc và khó thở, chui vào mũi vào miệng khi pháo nổ. Làm cay xè hai con mắt, nhưng chỉ cần nhắm mắt lại, hít vài hơi là tất cả những buồn vui, những hình ảnh của những ngày xưa cũ lại tràn về…
Gần Tết năm đó, thằng bạn có cái phép đặc biệt 24 giờ, giữa trưa lôi nhau ra hồ con rùa uống rượu đế với hột vịt lộn. Có tay nhà giàu ở gần, cao hứng chơi luôn một băng pháo sau cái cổng sắt, khói chui qua cửa, theo gió ngang qua chỗ ngồi, khói dừng lại trên người hắn, nó không còn là mùi pháo nữa, nó mang mùi chiến trường, mùi của chết chóc, và tay tôi tê cứng khi nghe hắn lẩm bẩm: lại Tết… Đang uống hắn đứng dậy: đi chơi bời đi. Tôi chở hắn lên Gò Vấp, vào động đĩ xóm Cháy. Cả một dãy nhà lụp xụp chứa gái. Hắn chỉ tay vào một em, cô gái ngước nhìn bộ đồ Thủy quân lục chiến của hắn, rồi cúi xuống lắc đầu, một cô khác đứng lên thay. Cô gái nhìn qua tôi, lẳng lặng đi vào một phòng trống, tôi đi theo. Lần đầu tiên trong đời sau khi đã làm cái công việc của giống đực, tôi nằm nán lại, tôi muốn hỏi về chuyện khi nãy. Chồng cô cùng một sắc lính với hắn, chồng chết, cô làm điếm nuôi đứa con nhỏ, cô không ngủ với hắn chỉ vì vậy, cô chỉ muốn giữ lại một chút của riêng mình. Tôi nằm gần bên, nghe trên người cô ngoài mùi mồ hôi, khét rơm rạ cháy, còn có một thứ mùi khác ở tận cùng bên trong, nó thoát ra theo hơi thở, nó lẫn vào trong ánh mắt, mùi của chịu đựng và…sợ hãi!
.
Cà phê cứt chồn
.
Có tên bạn thân, tự nhiên chán thị thành. Bán nhà bán cửa, gom hết vốn về quê mua mấy chục mẫu đất trồng cà phê. Biết tôi học Nông Nghiệp, lâu lâu về Sài Gòn chơi, dắt đi nhậu. Nhờ mua mấy cuốn sách, hỏi vài ba chuyện phân bón, cây cối rồi biến. Bẵng đi một thời gian dài, bất ngờ nghe hắn gọi điện:
Uống cà phê cứt chồn không?…
Ở đâu có?…
Hỏi lạ, đợi đó, tao mang về cho…
Nghe mà sướng, bởi ghiền cà phê, tất nhiên là có nghe, nhưng chưa hề được uống. Hồi đi học, mới tập tành uống cà phê, nghe đồn quán Cheo Leo trong khu Bàn Cờ, bán cà phê chánh hiệu Meilleur Gout, Jean Martin nhưng pha bằng vợt, ngon hết biết, cũng lò mò vô uống. Thấy cũng thơm, cũng ngon, nhưng không thấy… đã lắm. Rồi bạn bè đàn đúm nhiều hơn, ngồi đồng suốt ngày ở mấy quán cà phê Hân, Văn Hoa, đường Trần Quang Khải. Uống thứ cà phê có pha xác cau khô, nước đen nhánh sền sệt, uống vô thấy chát và tê tê ở đầu lưỡi, thêm mấy điếu thuốc Capstan hay Craven A không đầu lọc, lại thấy phê. Uống riết thứ đó rồi ghiền, quên luôn thứ cà phê “gu” Pháp nhẹ nhàng, lịch lãm Martin gì đó…
Sau 1975 thì miễn bàn, có thứ gì uống thứ nấy. Cà phê hiếm, người ta bắt đầu trộn bắp, đậu nành…Thôi thì cũng được đi, có dở một chút, nhưng uống chắc cũng chẳng chết thằng tây nào. Tới giờ thì quá cỡ, hết biết có thứ gì trong cái nước đen đen đó luôn, mà vẫn uống, uống mỗi ngày. Lâu lâu lại nghe phát hiện thêm một vài thứ hóa chất lạ, gây ra bịnh nọ, bịnh kia, ớn thiệt chứ. Kẹt cái, lỡ ghiền phải chịu thôi!
Gần Tết, tên bạn ghé nhà, mang theo cái túi vải nhỏ xíu, cười cười: Cà phê cứt chồn đó…
Có nhiêu hả?…
Chứ mày muốn mấy? Gần kilo hột chứ ít ỏi gì. Thứ này khác thứ cà phê bằng chồn nuôi ở Cầu Đất Đàlạt bán 20 triệu 1 kí. Có chỗ còn rao bán tới 4, 5 chục triệu 1 ký. Ở đâu có mà nhiều vậy. Chồn trên tao là chồn hương tự nhiên, hiếm lắm. Mấy chục mẫu cà phê mùa thu hoạch, chồn lựa ăn toàn trái ngon chín tới, nuốt luôn hột, rồi ỉa dưới gốc. Mướn hết gần ba chục công đi lượm, quét về. Ba trăm ngàn một công ngày chứ mày tưởng rẻ chắc! Rồi chưa tính tiền cái khoản sàng, lựa, rửa sạch sẽ, phơi khô…Nghe nói trong bụng con chồn, có thứ gì đó làm biến đổi mùi vị, cái này chắc mày biết hơn tao…
Thì cũng toàn nghe nói thôi, có tài liệu khoa học khỉ gì đâu…
Coi vậy chứ rang xong chắc cũng còn vài trăm gram. Quý và đắt là tại vậy. Thôi, bỏ đó, đi nhậu đã. Chừng nào rang tính sau, nhớ uống xong cho tao biết ý kiến …
Chiều về, bắc cái chảo, hì hục rang. May mà thứ này hồi ở nông trường Hàng Gòn làm miết nên cũng rành. Hột cà phê nổ lạch tạch tới lần 2, đã nghe mùi thơm lừng. Không dám cho bơ, rượu hay thứ gì khác sợ mất mùi. Bắc chảo xuống, mở quạt thiệt lớn, thổi cho mau nguội với bay hết mấy cái vỏ lụa đã cháy. Đem mướn xay hết 10 ngàn, rồi vế cất. Tối không dám uống thử, sợ lạ mất ngủ.
Khuya dậy sớm, nấu nước, pha một ly, thấy nước màu nâu đỏ trong khe, ngó bộ được đây. Trời tờ mờ sáng, mùi cà phê thoang thoảng. Nhấp một miếng, không đắng lắm, hơi có vị chua và ngai ngái mùi đất. Rồi châm điếu thuốc mà thưởng thức. Tới hết ly cà phê, thấy cồn cào và lâng lâng một chút, chắc tại đói bụng. Tự nghĩ, có gì đặc biệt và ghê gớm lắm đâu. Hay tại quen uống uống ba cái thứ cà phê tào lao, toàn “kí ninh” đắng nghét mất rồi. Cũng giống như lần tình cờ hiếm hoi, được cho ăn bào ngư, vi cá, lại thấy lạt nhách, rồi nhớ con cá lóc nướng có khi còn… bắt mồi hơn!
Ngày Tết, từ quê, tên bạn gọi lên: Uống cà phê cứt chồn thấy sao?… Lạ thì có, phê thì có, nhưng không ngon lắm, chắc tại không quen!… Hắn cười ha hả: thà vậy, tưởng mày nói ngon tuyệt vời, ngon vô địch… là nói dóc! Tao trên này uống toàn cà phê nguyên chất, uống thứ đó thấy cũng y chang, có khi còn ít mùi cà phê hơn, uống cho biết thôi…
Lại tự nghĩ: thiên hạ thiếu cha gì tên giả bộ sành điệu, uống cà phê cứt chồn không chỉ vì hương vị, mà chính vì cái đắt tiền, cái đẳng cấp của nó, rồi nói dóc cho nó sang có sao đâu…
.
Chén cơm rượu
.
Ngày đó tôi còn nhỏ lắm. Nhà có mấy anh em. Cứ sáng sớm mùng 5 tháng năm, má tôi lại múc sẵn cho mỗi đứa một chén nhỏ cơm rượu. Bà nói ăn nó, sẽ giết được hết sâu bọ trong người, quanh năm sẽ không sợ bị đau bụng nữa…Tôi lớn nhất nhà, và thằng em út thì thường không muốn ăn vì có mùi rượu. Hắn chờ má tôi sơ ý là trút hết sang chén của tôi. Tất nhiên là tôi chẳng bao giờ từ chối. Chút nồng cay của rượu, chút ngọt ngào của đường, dịu mềm của nếp, thêm một nắm xôi vò trộn lẫn, từng ấy thứ cứ quyện trên đầu lưỡi, nhai thật chậm và nuốt cũng thật chậm, mà lại mau hết mới lạ. Có hơi men vào người, nó ngầy ngật và hưng phấn cả ngày. Tôi thấy mình lớn và khỏe hơn, tôi tin tưởng mọi con sâu tồi tệ trong bụng đều chết sạch với chén cơm rượu đó.
Rồi má tôi mất. Anh em tôi lớn lên, cũng không còn thiết tha với món cơm rượu mỗi lần Tết Đoạn Ngọ về. Nếu có chỉ là ăn cho có lệ. Tôi cũng không nói với con tôi về loài sâu bọ trong bụng. Chúng sẽ không tin, còn tôi thì lại muốn giữ phần thiêng liêng đó cho mình. Không có má tôi, phương thuốc đó hết linh nghiệm rồi…
Má ơi, thằng con trai bé nhỏ của má giờ đã bạc đầu. Đời nhồi như trái banh và sâu bọ muộn phiền đầy một bụng. Phải chi có chén cơm rượu của má ngày nào, chắc là nó hạnh phúc mà khóc được…
Ngô Đình Hải
Viết về cafe như là một chuyên gia ẩm thực nổi tiếng, đi vào toàn bộ ngóc ngách của nghề.
DDoc ddoan mui lanh tanh cua dda, long toi quan ddau.
Cam on anh dda chia se cam giac. Toi ddoc ma tham thia, thuong them than phan cua nhung nguoi chien si, du o mat tran nao, cung la nhung nguoi ganh chiu nhieu thiet thoi nhut.
(Xin loi toi khong the bo dau dduoc.)
Chuyên đời thường, viết tự nhiên, đọc không chán có vài đoạn nghe ủ ê trong lòng.
Tới tuổi nầy rồi, chắc phải gồng mình mới thấy đời vui há đồng hương?
luôn vui khỏe và an lành nhe đồng hương. Tôi vẫn cứ mơ mình là dân Sài Gòn dù…mất ngủ! Cảm ơn chị đã đọc
Viết thú vị lắm. Giờ chỉ thích đọc cái gì chân thật và nhẹ nhàng. 🙂
được nhà văn thích là vui rồi, hy vọng là thiệt vì không phải… quan nói! Hihihi
Động đỉ xóm cháy ở ngã ba chú ía phải không anh?
Chắc vậy! Cổ Loa, Mai thành…Tôi nhớ ở đó có Khu gia binh, sau bị hỏa hoạn gọi Xóm cháy. Lâu quá rồi, không biết có chính xác không? Chúc bạn vui
Mỗi câu chuyện là một cảnh đời, một góc nhìn, đa dạng& sâu sắc.
là nhớ mà kể cho nhau nghe chơi đỡ buồn. Đời buồn quá. Cảm ơn bạn
Những góc nhìn thật đa dạng
Hương gây mùi nhớ. Truyện cũng như hương anh á.
Cảm ơn bạn. “Để tưởng nhớ mùi hương” của Mai Thảo giờ không còn đơn thuần là cái tựa. Nghĩ cũng hay. Chúc bạn vui.
Hình như anh Hải ” nghề ” hơn khi viết văn xuôi.
Vậy ha? Cảm ơn bạn ưu ái. Chúc bạn vui
Anh Ngô Đình Hải càng viết nhiều (hay đăng tải nhiều hơn) càng cho người đọc thấy sự tinh tế của anh.
Cảm ơn anh. Lâu không gặp. Mong anh vẫn vui khỏe. Hôm nào gặp nhau tám một bữa anh nhé.
Anh thực tế với MÙI HẰNG NGÀY Nghe quen thân thiết TỪ LÂY LAN…”Nghề nghiệp tiếp xúc MÙI Thấm đẫm”Vào da thịt hơi thở KHI CẬN…”Mùi Cà phê THƠM -Mùi Cá Tanh…Cà phê Cứt Chồn chỉ là TÊN”SẮC MÀU GIỐNG chứ đâu phải vậy?”Giống phân Chim ỉa-Ớt Hiểm CAY?Ôi hề gì miễn đừng ĐỘC HẠI?Độc in ít cũng tạm chấp nhận?Bởi THỌ cũng vừa thấy THỎA MÃN?”BIẾT ĐỦ THỨ MÙI dù Nếm qua?”Đàn Ông mà đâu phải đàn bà?”CƠM RƯỢU nữa ăn vào THIỆT ĐÃ!?”SAY SAY NONG NONG Bụng nghe LẠ!?”Cũng Rượu CÒN CƠM ”Xỉn còn Xa?”
Cảm ơn bạn đã đọc và chia sẻ.
CƠM RƯỢU !!!
Hai chữ CƠM RƯỢU làm tôi nhớ Bà Nội của tôi quá.
Bà có bí quyết làm cơm rượu ngọt, dạy má tôi. Không biết tôi có tưởng tượng hay không, nhưng ăn cơm rượu Má làm, tôi vẫn nhớ chén cơm rượu của Nội.
Cám ơn tác giả Ngô Đình Hải khiến tôi xúc động nhớ lại hương vị chén cơm rượu của Nội cùng thời thơ ấu sống bên Bà được Bà thương yêu nuông chìu.
Cảm ơn bạn đã đọc và chia sẻ. Tôi viết cho tôi đỡ nhớ thôi mà. Chúc bạn vui
Mình đọc truyện ngắn Chén cơm rượu mà muốn khóc.
Những góc nhìn thú vị. Đời thường mà sâu sắc.
vui thôi mà Liên Nguyễn. Cảm ơn bạn đã đọc. Chúc bạn vui.
Hay quá. chuyện đời thực hả anh ?
thì vậy! Mà cuộc đời này đã chắc có gì thực đâu, phải không bạn? Chúc bạn vui.
Anh Ngô Đình Hải viết ngắn gọn mà thiệt độc
Chào Mai Hoa, lâu mới gặp lại bạn bè trên xunau. Cảm ơn bạn nhiều lắm. Chúc vui.