Feeds:
Bài viết
Bình luận

Giao cảm

Lệ Thu

.

Hình như có anh về trong bướm trắng

Bay quanh em đôi cánh chớp nhẹ nhàng

Hình như có anh về trong gió ấm

Thoảng vai em như thể cánh tay choàng

Mắt trong suốt anh về tia nắng sáng

vờn yêu thương trên lọn tóc phai màu

Xin anh cứ trở về như thuở trước

Lửa yêu thương còn ủ tận đáy lòng

Miễn đúng là anh, trong hình tướng nào cũng được

Chỉ xin đừng hiện thành người – hư – thực… khiến em đau!

Vì sao ư ? Hẳn là anh cũng biết

Em muốn thiêng liêng giao cảm một linh hồn

Chẳng thực thể nào có thể thay anh được

Kỷ niệm huy hoàng dịu ngọt, Em – Anh

Ta không muốn lời thị phi vấy bẩn

câu chuyện tình Bỉ ngạn* mấy ngàn năm

Vì tình yêu muôn đời vẫn uy nghiêm huyền nhiệm

Khác ngoài kia tính dục thích buông tuồng

Dẫu vẫn biết tạo hoá là sinh nở

Nhưng tình yêu còn mãi chỉ trong hồn!

3.3.2023

Lệ Thu

——–

* Bỉ ngạn: Tên một loài hoa đỏ mọc trên vách đá từ vệt máu của chàng trai đã quên mình cố hái được bông hoa đẹp tặng người yêu. Hoa ấy, theo truyền thuyết, ngàn năm mới nở một lần!

Con heo đất

Nguyên Hạ Lê Nguyễn

.

Hai mẹ con Nhi lầm lũi co ro trong cái lạnh se da của gió đông vào mỗi sáng tinh mơ, khi mọi người còn yên giấc, sáng nào cũng vậy cứ đúng bốn giờ sáng là hai mẹ con rời nhà đi về hướng chợ lớn, ở đó có sạp hàng của mẹ, nguồn sống hàng ngày của mấy mẹ con, cho dù mưa bão giá rét tới cỡ nào bà Năm cũng không hề bỏ bữa chợ

Thỉnh thoảng vài con chó ngái ngủ trong các nhà dọc theo con đường hai mẹ con đi qua đi qua chạy ra sủa vang, hậm hực …rồi khi bước chân hai mẹ con đi xa …chúng lại chui vào nhà trốn mất.

Con đường đến chợ khoảng hai cây số nhưng để cho quãng đường ngắn lại, theo thói quen mỗi ngày …bà Năm luôn kể cho con gái nghe bao mẫu chuyện về cuộc đời bà, những chuyện xa lơ xa lắc đã xảy ra trong cuộc đời gian khổ đã qua, những người thân quen hay cả chuyện hàng xóm…có những câu chuyện mà bà Năm kể đi kể lại nhiều lần mà Nhi vẫn thích nghe, và những bước chân như không còn tê cóng vì gió lạnh , con đường trước mặt không còn dài ra dưới chân.

Đến chợ, hai mẹ con khiêng những thùng hàng gởi trong những lô hàng trong khuôn viên chợ, những lô hàng có cửa sắt kéo, mỗi chiểu khi tan buổi chợ hai mẹ con lại thu vén hàng hóa vào trong những chiếc thùng tôn và đem gởi lại, tiếp nối ngày qua ngày.

Sau khi bày biện đâu đó giúp mẹ và chuẩn bị rời chợ để đến lớp, bà Năm đã chuẩn bị cho con gái bữa ăn sáng mỗi ngày, có khi là tô bún cá nóng hổi, có khi là tô cháo lòng hay đĩa bánh ướt còn bốc khói.

Hôm nay trước mặt hàng của mẹ có người chạy chợ dọn một gian hàng bán những con heo đất và những tượng thờ cúng đúc bằng đất nung sơn đủ màu chói lọi.

Nhi mãi đứng nhìn một gian hàng bán những con heo đất sơn xanh đỏ rất ư là đẹp mắt, những ông thần tài bé xinh , những ông địa bụng bự được sơn vàng sơn đỏ, những bạn hàng chen vào lựa chọn vì thỉnh thoảng gia đình này tận miền Nam đem hàng hóa ra bán vài ngày ở đây rồi lại chạy chợ khác, có khi hàng năm họ chỉ đến đây một vài lần.

Mãi mê nhìn ngắm mấy con heo đất sơn đủ màu xanh đỏ, hai cái má núng nính, hai con mắt được vẽ những sợi mi dài và cái nơ trên cổ trông điệu đàng làm sao.

_Gần tới giờ vào học, con ăn mau lên kẻo trễ

_Mấy con heo đất đẹp quá, sao họ có thể làm đẹp như vậy?

_Con thích lắm sao? nhưng con heo đất là để dành tiền, con có muốn để dành tiền để sau mùa thi đi Huế hay SaiGon thi đại học không ?

_ Mẹ cũng nghĩ như con sao?

_Mẹ cũng đang lo không biết đào đâu ra tiền cho con đi thi các nơi khác khi con thi đậu.

_Thôi cứ tới đâu hay tới đó mẹ ạ, lo xa quá mệt lắm.

Trện đường đến lớp Nhi vẫn nghĩ mãi về con heo đất mũm mĩm với chiếc nơ bé xinh trên cổ…ôi sao mà nó xinh thế.

***

Ngồi trong lớp mà tâm trí Nhi cứ nghĩ mãi về con heo đất và những đồng tiền bé mọn mỗi ngày Nhi sẽ xin mẹ cho vô bụng nó mỗi ngày…Rồi sau mùa thi năm tới Nhi sẽ đập ra …Một món tiền lộ phí cho Nhi lên đường ứng thi vào trường đại học…

Trên đường từ trường đến chỗ mẹ, mấy lần suýt đâm vào những người xung quanh vì Nhi đi quá vội.

vừa đến trước gian hàng mẹ mà không còn nhìn thấy những món đồ xanh đỏ của người bán heo đất…

Lòng Nhi như chùng xuống…bà Năm nhìn con thương cảm .

_Mẹ đã mua cho con một con heo đất đẹp nhất kia rồi, màu đỏ con có thích không?

_ Cám ơn mẹ, màu nào con cũng thích.

_Từ nay mỗi buổi chiều khi ra dọn hàng con lấy chút tiền bỏ vào đó, để dành làm lộ phí cho con đi thi.

một lần bỏ ra một số tiền lớn mẹ chạy không ra.

_ Dạ, con biết rồi.

Tay mân mê hai chiếc má phinh phính của chú heo đỏ với chiếc nơ trắng xinh vẽ đơn sơ ở cồ và chiếc lỗ hình chữ nhật trên lưng mới xinh xắn làm sao…để mở hàng Nhi lựa một đồng bạc giấy còn mới , xếp vuông vức cho vào cái rãnh chữ nhật trên lưng của nàng heo con, Nhi thấy sung sướng lạ kỳ với bao niềm vui nhân rộng.

Rồi từng ngày …trước khi thu dọn hàng giúp mẹ Nhi lại cẩn thận xếp một đồng bạc thật khéo léo bỏ vào, nuôi cho heo chóng lớn nhưng cũng tùy buổi chợ, hôm nào nghe mẹ than là buổi chợ ế hay một ngày mưa dầm…ngày ấy coi như con heo nhịn đói chờ đến hôm sau.

Thường mỗi buổi sáng trước khi bước chân ra khỏi nhà , bà Năm dặn con phải đi sau, bà đi trước một quãng…

Hễ hôm nào gặp người đàn ông quét đường đi ngược chiều với bà là coi như một ngày tốt đẹp, mua may bán đắt.

Nhưng cũng có bữa gặp người đàn bà đi ngược lại với hai mẹ con …lòng bà Năm buồn lắm vì cho rằng hôm ấy sẽ không đắt hàng…

Ngày ấy Nhi cũng không tin về những điều này nhưng thấy mẹ tin tưởng như vậy nên cũng tin theo cho mẹ vui, nhưng vẫn không tin là gặp đàn bà, con gái là “Xui xẻo”.

Trong lúc đang chưng dọn hàng hóa mà có người trả mua thì giá nào cũng bán, nhiều khi chỉ huề vốn hay lời chút xíu cũng bán luôn….cốt là mở hàng cho mau mắn là cả ngày ấy sẽ đắt hàng và ngược lại.

Trong suốt những tháng năm đi bên mẹ Nhi đã được mẹ kể cho bao nhiêu câu chuyện, những thế thái nhân tình cũng có, những buồn vui trong cuộc đời mẹ đã đi qua, nhưng không mấy khi có chuyện gì vui, mà sao chỉ là những tai ương, đói nghèo cơ cực…Thỉnh thoảng Nhi phải nhắc mẹ.

_Mẹ ơi chuyện ấy buồn lắm và con đã nghe rồi.

_ Mẹ ơi, sao số mẹ cực khổ quá, không biết sau này đời con có cực như mẹ không ?

_Mẹ mà cực gì đâu con, có nhiều người còn khổ hơn mình nữa đó con, họ còn không có nhà ở, không con cái, không nơi nương tựa, không được học hành, mẹ con mình là được rồi đó con.các con là một gia tài lớn của mẹ.

_Dạ, con biết rồi, mai mốt con thi đậu…làm có nhiều tiền không cho mẹ đi buôn bán khổ cực nữa.

_Ừ , ráng học giỏi , sau này làm bàn giấy như người ta cho sung sướng tấm thân.

Trong tâm tư mộc mạc của mẹ Nhi ngày ấy là chỉ đi làm bàn giấy, tức là làm văn phòng là sung sướng no đủ, không chạy chợ , buôn bán ế ẩm là sung sướng hơn người và hy vọng sau này con của bà cũng được như vậy.

Nhưng thực tế chỉ vì vốn liếng ít ỏi nên bà Năm chỉ bán những món rẻ tiền, phục vụ cho những người nghèo nên không kiếm được những món tiền hời, nhưng nếu có nhiều vốn và buôn bán những thứ có giá trị hơn thì sẽ thu hoạch khá hơn…gánh hàng hóa thì bé xíu lại phải lo cơm gạo cho mấy đứa con ăn học, làm sao mà khá nổi với thời buổi khó khăn bấy giờ.

Nhiều lần kiểm lại số hàng hóa ít ỏi của mẹ mà sổ nợ của bạn hàng gần hết Nhi cứ thót ruột buồn lo nhưng không làm sao giúp mẹ chỉ biết ráng học và giúp mẹ trong mọi công việc.

***

Những ngày gần giáp Tết…Hai mẹ con lại ráng dậy sớm hơn để chuẩn bị bán Tết và kiếm thêm thu nhập chi tiêu trong dịp Tết…thời gian này bà Năm cho thêm những đồng tiền khá hơn cho con bỏ vào con heo để chuẩn bị cho mù hè năm tới…mỗi ngày Nhi lắc thử thấy đã nặng thêm với niềm vui …Ôi, đồng tiền góp nhặt bằng công sức của hai mẹ con.

_Chiều nay sau khi cúng tất niên xong con kiểm lại hàng còn lại cho gọn ghẽ để đem gởi nghen con.

Bao nhiêu tiền bán được mẹ mua lại số hàng tồn với giá rẻ để sang năm có bán.

_Dạ, mình nghỉ mấy ngày hở mẹ?

_Năm nào cũng tới mùng sáu là mẹ khai hàng

_Vậy con đem con heo đất của con về nhà nghen mẹ, nay nó cũng mập hung rồi.

_ Hay đem về kiểm coi được bao nhiêu rồi đổi tiền chẵn bỏ vào có chỗ bỏ tiền lẻ tiếp.

_Dạ con cũng nghĩ vậy, con cũng muốn biết hơn một năm ny con để dành được bao nhiêu?

Đêm giao thừa năm ấy Nhi đã đập con heo đất…

Những đồng bạc giấy còn mới được xếp gọn gàng chen chúc nhau trong bụng con heo đất, được mấy chị em Nhi trang trọng xếp lại và vuốt cho thẳng nếp và phân theo từng loại, đếm tới đếm lui qua tận đến giao thừa, đếm tiền mãi sang mồng một .

Không năm nào mà mấy mẹ con đón giao thừa vui nhộn như năm ấy chỉ vì những đồng tiền nhỏ nhoi góp nhặt hơn một năm với một hoài bão thật to lớn và một niềm hy vọng vô biên.

Niềm vui được nhân rộng hơn khi mấy chị em nhận những đồng tiền mừng tuổi của mẹ, tuy ít ỏi nhưng cũng được Nhi xếp vào chung với số tiền trong con heo mà Nhi đang có được…cả một gia tài mà chưa bao giờ Nhi nhìn thấy từ lúc lớn khôn…với số tiền này sẽ giúp Nhi có phương tiện ra Huế thi vào trường đại Học, vào Sài gòn ghi danh vào một trường nào mà Nhi sẽ chọn…Hay đi Đà Lạt học…V.V…và V…V…

Chỉ một chút tiền bé mọn mà Nhi đã dệt cho mình biết bao mộng đẹp trong mùa Xuân năm ấy…

Ba ngày Tết trôi nhanh …niềm vui và nỗi háo hức , chờ mấy hôm mẹ đi bán lại sẽ mua cho Nhi con heo khác và số tiền này sẽ đổi thành những đồng tiền lớn hơn hay mở một trương mục ở ngân hàng với tên trương chủ là mình….

Nhi bềnh bồng trong hạnh phúc với những mộng đẹp và nụ cười trong giấc ngủ .

Rạng sáng mồng năm….Mọi người chuẩn bị đi dự lễ mồng Năm ở Phú Phong…

Tiếng gõ cửa nhà ai hay nhà Nhi không rõ…Những tiếng gọi dập dồn…thúc hối

_Chị Năm ơi, dậy mau, chợ cháy hết rồi.

_Cháy ở đâu???

_Cháy đâu từ lúc nửa đêm, chỗ mình không còn gì nữa cả

_Không biết chỗ mình gởi hàng có sao không ?

_Tất cả chỉ còn lại một đống tro tàn, mau chạy xuống coi.

_Trời ơi, tai ương đổ xuống nữa rồi

Mấy mẹ con Nhi vừa chạy về hướng chợ, vừa khóc tỉ tê…Bao nhiêu hàng hóa gởi ở chợ là cả một gia tài bé mọn của gia đình, sau khi bán Tết, Mẹ Nhi đã mua thêm một số hàng hóa của những người bạn hàng chở từ Saigon ra chậm nên bán rẻ hơn giá thường, bà Năm đã mua sẵn và gởi ở chợ để chuẩn bị mồng Sáu Tết là khai hàng…

Nhìn quang cảnh xáo xác của ngôi chợ điêu tàn, tan tác không còn một dấu vết gì của một sự sinh tồn, những tro than và những rác rến , những đổ nát tan hoang…Mấy mẹ con ôm nhau khóc ròng và trở về nhà trong sầu thảm, đau thương.

Để ổn định lại cuộc sống, bà Năm cũng vay mượn của bà con và góp nhặt những gì có thể kiếm được để tạo lại một gánh hàng làm độ nhật…món tiền của Nhi mới dành dụm được từ con heo đất là một cứu tinh cho mẹ mà Nhi nài nỉ mẹ nhận lại để mua thêm hàng hóa…

Những ngày kế tiếp nhìn mẹ vất vả hơn vì thiếu vốn và phải chuyển bán những món hàng rẻ tiền hơn, Nhi không dám xin mẹ cho mình nuôi heo đất nữa và mùa hè năm ấy…Nhi cũng đậu Tú tài, nhưng không dám mở môi xin mẹ cho đi bất cứ vùng nào như dự tính…

Thỉnh thoảng Nhi cũng tiếc nhớ con heo đất và mộng ước không thành …nhưng cũng cam chịu và không hề đòi hỏi gì thêm vì biết mẹ cũng trăm cay ngàn đắng vì không lo được cho con đủ đầy như chúng bạn.

***

Qua bao nhiêu năm tháng trôi qua trong cuộc đời…mỗi lần nhìn thấy con heo đất bày bán trong cửa hiệu, hay các chợ trời của người Hoa, Nhi vẫn muốn mua về làm quà cho con cháu, và thương mến nó biết bao, những con heo đất luôn là món quà lập đi lập lại nhiều lần cho những người thân nhưng người nhận không hiểu vì sao ???

Những con heo đất bây giờ được tân trang bóng bẩy hơn, trên lưng vẫn có cái rãnh chữ nhật để bỏ tiền và dưới bụng lại có thêm một cái cửa sổ tròn để rút tiền ra theo ý muốn chứ không cần đập bỏ như ngày trước.

Hình thức con heo đất ngày nay trang nhã hơn con heo đất của Nhi ngày xưa, tuy hai chiếc má vẫn phinh phính dễ thương, hai má tô hồng, môi son đỏ thắm và vẫn chiếc nơ điệu đàng muôn thuở.con nào cũng xinh quá là xinh.

Trên bàn viết Nhi luôn có sự hiện diện của nó như nhắc mãi cho Nhi một mơ ước không thành và nhớ hoài về người mẹ thân yêu nay đã không còn.

Mỗi ngày Nhi đều bỏ vào con heo đất mấy đồng tiền kiếm được…như để gợi nhớ cho mình một kỷ niệm dấu yêu…Khi bỏ những đồng tiền vào con heo đất bây giờ , Nhi không nghĩ là những đồng tiền ấy để làm chi…thỉnh thoảng lấy ra gởi về quê nhà tặng các bạn bè nào cần giúp đỡ.hay mua quà cáp khi mỗi bận về thăm quê nhà.

Sau khi những đồng tiền ấy rung rinh trong bụng con heo và cần lấy ra thì cũng có những việc cần làm với những đồng tiền bé mọn ấy, cũng chỉ một chút nhỏ mọn để giúp người, gởi biếu những người nào cần giúp đỡ…cũng chính cái tâm của Nhi là giúp người , tưởng nhớ về người mẹ thân thương.

Một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời và nhắc cho Nhi nhận ra rằng chớ nên kỳ vọng vào bất cứ điều gì quá đỗi…Khi sự việc không thành như ý nguyện lại cưu mang một nỗi thất vọng vô biên..

.Con heo đất đập ra để giúp mẹ trong cơn khó nghèo cơ cực và ngưỡng cửa trường đại học xa mờ trong cuộc đời..

.Sau đó Nhi đã lặng lẽ bước chân lên xe hoa giã từ những mơ ước đầu đời…Bước vào những “‘giông gió cuộc đời từ buổi ấy.”

Ôi tuổi thanh xuân và những mơ ước không thành làm thay đổi vận mệnh một cuộc đời …

Ôi con heo đất và những ngày tháng lặng thầm bên bóng mẹ.

Atlanta ( Tưởng nhớ Mẹ và những mơ ước ngày mới lớn)

Nguyên Hạ_ Lê Nguyễn

Nguyễn Thanh Quang

.

Với vị trí địa lý khá đặc biệt của vùng đất Bình Định, từ xa xưa nơi đây trở thành một trung gian kết nối thị trường Đông và Đông Bắc Á với thị trường Nam và Tây Á với các thương cảng: Thị Nại (TK X-XV), Nước Mặn (TK XVII-XVIII), Quy Nhơn (từ TK XIX). Từ đó, một hệ thống nguồn ở Bình Định được hình thành để quản lý, khai thác thuế và trao đổi hàng hóa. Theo Lê Quí Đôn nguồn ở vùng thượng du như là tổng ở đồng bằng.

Câu hát ru Bình Định phổ biến và lưu truyền đến ngày nay:

Ai về nhắn với nậu nguồn

Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên

Một số địa phương vùng Nam Trung bộ cũng cho câu hát ru trên là của quê hương mình, nhưng không thể phủ nhận phương ngữ Bình Định: nậu/nẩu/nẫu. Lại có dị bản thay măng le bằng mít non, nhưng có lẽ măng le hợp lý hơn, vì măng le là đặc sản vùng nguồn, mít non thì nơi nào cũng có. Câu hát ru đã khắc họa hình ảnh một thời giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa miền xuôi với nguồn – nơi cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của, nguồn: ngọn suối, lên nguồn: đi lên các xứ mọi ở trên nguồn [1]. Nguồn ra đời từ thời Lê sơ, dưới thời các chúa Nguyễn nguồn được xác lập với tư cách là một đơn vị hành chính cơ sở đặc biệt tại khu vực trung du và miền núi. Theo ghi chép của Lê Quí Đôn, nguồn ở vùng thượng du như là tổng ở đồng bằng: “Ở thượng lưu gọi là nguồn cũng như ở hạ huyện gọi là tổng… nguồn Cơ Sa gồm 7 thôn phường… nguồn Kim Linh gồm 8 thôn phường… ” [2]. Có thể nói, sự xuất hiện của nguồn là hệ quả của giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa các dân tộc miền núi và người Kinh ở đồng bằng.

Lê Quí Đôn trong Phủ biên tạp lục đánh giá rất cao tính vượt trội về các mặt hàng xứ Quảng mà phần lớn do phủ Qui Nhơn sản xuất như: “thóc gạo, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bông, sáp, đường, mật, dầu sơn, hồ tiêu, cá muối,…” [2]. Đánh giá về sản vật của phủ Qui Nhơn, trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú cũng ghi nhận: “Sản vật có nhiều như trầm hương, tốc hương, sừng tê, vàng, bạc, đồi mồi, châu báu, sáp ong, đường, mật, dầu, sơn, cau tươi, hồ tiêu, cá, muối và các thứ gỗ đều tốt, thóc lúa không biết bao nhiêu mà kể, Ngựa sinh ra ở hang núi có từng đàn đến trăm ngàn con, người Thổ trước đi chợ cỡi ngựa là thường. Núi sông có nhiều thắng cảnh lại có đầm nước nóng bốc lên rất lạ” [3]. Dưới triều Lê, nền kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc chi phối, các chợ địa phương đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động nội thương, đáng chú ý là hoạt động trao đổi, mua bán ở các nguồn. Đầu thế kỷ XVII, Qui Nhơn đã nhanh chóng trở thành vùng đất trù phú của các ngành sản xuất và giữ vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa ở khu vực.

Cư dân miền núi – cư dân bản địa vùng đất Qui Nhơn/Bình Định là các cộng đồng các dân tộc thiểu số: Bana, H’re, Chăm H’roi. Để thuận lợi cho việc cai quản địa bàn cư trú của cư dân bản địa và khai thác thuế khu vực trao đổi, mua bán miền Tây Qui Nhơn/Bình Định, các chúa Nguyễn và đặc biệt là triều Nguyễn đã thiết lập ở đây một hệ thống các nguồn. Nguồn không phải là một đơn vị hành chính chính thức, không có chức năng thực thụ của một cấp hành chính địa phương. TS. Andrew Hardy trong bài viết: ““nguồn” có ba chức năng chính. Đây trước hết là một cái chợ, nối bằng đường sông xuống đồng bằng và bằng đường mòn lên miền núi. Thứ hai, là địa điểm đánh thuế hàng hoá, nơi đây có sự hiện diện của quân đội. Cuối cùng, đây là một đơn vị hành chính, gần tương đương với một tổng ở đồng bằng: vào thế kỷ XIX, 80 sách [4] miền núi được xếp dưới sự quản lý của “nguồn” Phương Kiệu… Tuy nhiên, chức năng chủ yếu và rõ ràng là lâu đời nhất của “nguồn” là kinh tế, có niên đại từ thời Champa. Dưới thời các chúa Nguyễn, chức năng kinh tế tiếp tục làm nền tảng cho những chức năng khác: hoạt động chủ yếu của quan lại triều đình là đánh thuế hàng hoá trong khi các đồn là để bảo vệ cả hoạt động buôn bán lẫn các nguồn thuế mà nó sinh ra. Không còn chức năng kinh tế, các hoạt động khác sẽ trở thành dư thừa” [5].

Theo TS. Trương Anh Thuận trong bài viết Bước đầu nghiên cứu các hệ thống nguồn ở Bình Định trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX. Đối chiếu, so sánh các sử liệu trong Phủ biên tạp lục (soạn 1776), Đại Nam thực lục (soạn từ 1821) và Đại Nam nhất thống chí, dưới thời chúa Nguyễn, toàn bộ khu vực miền núi phủ Qui Nhơn chỉ có 6 nguồn, bao gồm: Hà Nghiêu, Trà Đinh, Trà Vân, Ô Kim, Cầu Bông, Đá Bàn, đến thế kỉ XIX, con số này đã tăng lên 18 nguồn, nhiều nhất so với các địa phương ở Nam Trung bộ lúc bấy giờ, bao gồm: An Tượng, Cầu Bông, Đá Bàn, Đồng Trí, Hà Thanh, Hà Nghiêu, Hà Náo, Hải Đông, Kiều Bông, Lộc Động, Phương Kiệu, Ô Kim, Ô Liêm, Thạch Bàn, Trà Văn (Trà Vân), Trà Bình (Trà Đinh), Trà Sơn, Trà Đính [6]. Sự gia tăng đột biến số lượng các nguồn, chia nhỏ địa hành chính khu vực miền núi phía Tây Bình Định thành nhiều nguồn khác nhau vào thế kỷ XIX, nhằm quản lý sâu sát và khai thác thuế lâm thổ sản của triều đình trung ương đương thời đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Cũng theo TS. Trương Anh Thuận: trong Phủ biên tạp lục và Đại Nam nhất thống chí, cho biết, các nguồn ở Qui Nhơn/Bình Định rất giàu có về lâm, thổ sản quí. Lâm thổ sản tiêu biểu ở các nguồn như sau: An Tượng: lộc nhung; Cầu Bông: lộc nhung; Đồng Trí: lộc nhung, thuốc lá; Hà Thanh: mật ong, sáp ong, chiếu mây, bông, trám, song, dầu vừng, lộc nhung; Hà Nghiêu: lộc nhung; Kiều Bông: lộc nhung; Lộc Động: sáp ong, lộc nhung; Phương Kiệu: lộc nhung; Ô Liêm: sáp ong, mật ong, lộc nhung; Thạch Bàn: lộc nhung; Trà Vân: phong đăng (đuốc dó), sáp ong, lộc nhung; Trà Bình: ngà voi, mật ong, nhựa trám, lộc nhung; Trà Sơn: lộc nhung [7].

Dựa vào lợi thế này, chính quyền chúa Nguyễn và sau này là vương triều Nguyễn đã tận dụng và khai thác triệt để thế mạnh tài nguyên của mỗi nguồn trên địa bàn Qui Nhơn/Bình Định. Trong đó, tập trung vào một số nguồn có tiềm năng cung cấp nhiều loại sản vật khác nhau như: Hà Thanh (cách huyện Tuy Phước hơn 100 dặm về phía Tây Nam, thủ sở ở địa phận hai thôn Quang Thuận và Cảnh Vân), Trà Vân (Tây Bắc huyện Bồng Sơn, cách huyện hơn 60 dặm, giáp huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, thủ sở ở địa phận hai thôn An Đỗ và An Hội), Trà Bình (cách huyện Bồng Sơn hơn 70 dặm lệch về phía Tây Bắc, thủ sở ở địa phận thôn Hưng Nhân),… [8].

Cộng đồng các dân tộc ít người sinh sống tại các nguồn trên địa bàn Qui Nhơn/Bình Định chịu sự quản lý của triều đình trung ương và phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho chính quyền. Ngoài thuế đinh áp dụng cho đàn ông người dân tộc thiểu số từ 18 đến 55 tuổi và thuế sản vật dựa trên tiềm năng, thế mạnh tài nguyên của các nguồn, nhà nước còn áp dụng loại thuế nguồn đánh vào hoạt động lưu thông hàng hóa giữa miền núi và miền xuôi ở các nguồn.

Các chúa Nguyễn khoán cho quan thân cận nắm giữ thủ sở các nguồn, nộp về triều một khoản thu nhất định dựa vào mức giao dịch trao đổi, mua bán, ngoài ra các quan tự đặt ra một khoản thu khác cho mình. Việc thu loại thuế này tại một số nguồn ở phủ Qui Nhơn được Lê Quí Đôn ghi lại trong Phủ biên tạp lục như sau: Nguồn Hà Nghiêu hàng năm tiền thuế 166 quan 5 tiền, cùng thuế thổ ngơi 27 quan 5 tiền, mật ong 10 chĩnh, chiếu mây nhỏ 4 cuộn, bông 99 cân, kỳ hoa miên hoa 3 bao cân nặng 105 quan, trám 52 sọt, song 60 cây, dầu vừng 2 chĩnh, đèn lớn 3.325 chiếc, đèn nhỏ 600 chiếc, sáp ong 67 bát; Hai nguồn Trà Đinh và Trà Vân hàng năm tiền thuế 2.550 quan, trước cấp cho Ngoại tả Trương Phúc Loan, phải nộp bạc tốt 5 hốt, nguồn Trà Vân nộp đèn nhựa trám 150 chiếc; Nguồn Ô Kim hàng năm tiền thuế 749 quan 5 tiền, trước cấp cho Chưởng cơ Noãn, phải nộp bạc tốt 5 hốt; Nguồn Cầu Bông hàng năm tiền thuế 1.500 quan, trước cấp cho Chưởng cơ Khoan, phải nộp bạc tốt 10 hốt, 2 lạng 5 đồng cân; Nguồn Đá Bàn hàng năm tiền thuế 1.000 quan, trước cấp cho Chưởng cơ đạo Lưu đồn là Trường lộc hầu, phải nộp bạc tốt 8 hốt, tiền thổ ngơi 50 quan 2 tiền [9]. Sách Phủ biên tạp lục còn chép về quan tham – Ngoại tả Trương Phúc Loan: “Phúc Loan chuyên quyền hơn 30 năm, tham lam tàn nhẫn, giết chóc rất nhiều. Ăn ngụ lộc ở nguồn Sái, nguồn Thu Bồn, nguồn Trà Đinh, nguồn Trà Vân, nguồn Đồng Hương, mỗi năm thu vào 4,5 vạn” [10].

Qui Nhơn là một trong những địa phương có loại kỳ nam hương tốt nhất. Sách Thiên Nam dư hạ tập cho biết một số nguồn ở phủ Qui Nhơn hàng năm đều cống nạp kỳ nam hương: “Hai nguồn Trà Đinh, Ô Kim huyện Bồng Sơn, thôn Nha Ca, nguồn Cầu Bông huyện Phù Ly và huyện Tuy Viễn đều hằng năm đều cống kỳ nam hương” [11]. Theo thống kê Lệ thuế đầu nguồn ở phủ Qui Nhơn của Lê Quí Đôn trong Phủ biên tạp lục, ba nguồn: Cầu Bông, Trà Đinh, Trà Vân hàng năm nộp thuế tổng cộng là 4.050 quan, chiếm hơn 2/3 tổng số tiền thuế của 6 nguồn phủ Qui Nhơn lúc bấy giờ là 5.866 quan. [12].

Ngoài chức năng là một địa điểm đánh thuế hàng hóa, có sự hiện diện của quân đội và một đơn vị hành chính, các nguồn còn đảm nhận vai trò quan trọng là chợ giao thương, buôn bán giữa miền ngược và miền xuôi. Các nguồn thiết lập ở vùng miền núi, hoạt động như những điểm thu gom hàng hóa và thu thuế đối với hàng hóa di chuyển giữa miền núi và đồng bằng. Ở các nguồn thường có trường sở buôn bán hay trường giao dịch do triều đình lập ra và quản lý. Sách Đại Nam nhất thống chí có đề cập đến sự tồn tại của các trường giao dịch tại một số nguồn ở Bình Định như sau: “Nguồn Thạch Bàn: ở cách huyện Phù Cát hơn 20 dặm về phía Tây, thủ sở ở địa phận hai thôn Thạch Bàn và Hội Sơn. Lại có hai trường giao dịch ở Hà Vị. Nguồn Phương Kiệu: ở cách huyện Tuy Viễn hơn 150 dặm về phía Tây, thủ sở địa phận thôn An Khê, trước có trường giao dịch” [13]. Sách Đại Nam nhất thống chí (soạn năm Duy Tân thứ 3) chép: Các nguồn An Tượng (phía Tây huyện Tuy Viễn), Lộc Động (phía Tây Nam huyện Tuy Viễn), Thạch Bàn (phía Tây huyện Phù Cát), “Niên hiệu Thành Thái thứ 11 (1899) triệt bỏ (thủ sở), lại đặt “mậu dịch thị trường” hiểu dụ cho dân mán đến mua bán…” [14].

Hàng hóa, sản vật từ các vùng rừng núi đều được chuyển đến các nguồn này để trao đổi, buôn bán. Các điểm buôn bán – “chợ nhỏ” ở các vùng lân cận nguồn hoạt động như những điểm thu gom hàng hoá cung cấp trực tiếp cho các nguồn. Ngoài ra, còn có rất nhiều điểm để người Thượng trao đổi hàng hoá, thường là thông qua sự thương lượng không chính thức ở trong làng, phụ thuộc vào vai trò trung gian của già làng, thương nhân người Kinh dựa vào mối quan hệ cá nhân với già làng để củng cố quan hệ buôn bán của họ. Các điểm buôn bán nhỏ trên nguồn được kết nối bởi nhiều nhóm khác nhau, theo mô hình “tiếp sức”, trong đó các nhóm di chuyển hoạt động trong những địa hình mà họ quen thuộc, theo hướng Đông – Tây. Mỗi nhóm di chuyển giữa các điểm buôn bán trên một đoạn của con đường thương mại. Không có nhóm nào hoạt động trên suốt toàn bộ hệ thống, do đó con đường giao thương bảo đảm được tính đa dạng về tộc người của hệ thống buôn nguồn.

Sách Dân làng Hồ của P. Dourisboure (Les Sauvages Bahnars. P. Dourisboure de la Société des Missions Étrangères. Paris 1929) cho biết: Vào năm 1848, trong lúc triều đình đang ra sức bắt đạo dữ dội, các thừa sai phải liên tục ẩn trốn, Giám mục Cuênot Thể – Giám mục Hiệu tòa Métellopolis, Đại diện Tông tòa cai quản Địa phận Đông Đàng Trong, tìm đường đi lên Tây Nguyên rao giảng Phúc âm cho các dân tộc thiểu số, có ghi chép về An Sơn thuộc nguồn Phương Kiệu là một địa điểm trao đổi, buôn bán quan trọng giữa người đồng bằng và người miền núi ở Bình Định: “Cận ranh giới phía Tây của tỉnh này, có địa điểm An Sơn, trung tâm buôn bán lớn giữa người Kinh và người Thượng. Chính địa điểm này vào cuối thế kỷ trước, đã là nơi xuất phát của 3 anh em Tây Sơn chống chúa Nguyễn… Người Kinh buôn bán trên miền Thượng du, di chuyển khắp nơi, từ bộ lạc này đến bộ lạc khác.” [15] và “Suốt dọc ranh giới phía Tây của miền Trung Vương quốc, trong khoảng cách từ hai đến ba ngày đường, các dãy núi rừng do người Thượng cư ngụ, đều thường có thương buôn người Kinh qua lại, trao đổi hàng hóa với thổ dân” [16]. Lệ thuế đầu nguồn trong buôn bán giữa đồng bằng và miền núi chiếm một tỷ lệ quan trọng trong ngân khố để giữ vững chế độ các chúa Nguyễn Đàng Trong. Trong đó, tiền thuế thu được từ các nguồn tại tỉnh Bình Định là 6.255 quan, chiếm khoảng 8% tổng số thuế thu được từ miền núi, đầm hồ, đèo và chợ ở Đàng Trong năm 1774 là 76.467 quan 2 tiền [17].

Tại nguồn Phương Kiệu thế kỷ XVIII, Nguyễn Nhạc đã làm hai nghề: vừa buôn bán với người Thượng vừa thu thuế nguồn cho chính quyền. Nguyễn Nhạc có mối quan hệ chính trị gần gũi với người Thượng cũng như truyền thống của họ và khởi nghĩa Tây Sơn đã bắt đầu từ một trong những nguồn quan trọng ở Đàng Trong – nguồn Phương Kiệu. Địa bạ trấn Bình Định lập năm 1815 cho biết ấp Tây Sơn Nhất – khách hộ ấp thuộc Thời Hòa, huyện Tuy Viễn là quê hương các lãnh tụ Tây Sơn có ghi: “Tháng 9 năm 1819, Gia Long bắt đổi tên ấp Tây Sơn thành An Tây, sau đó lại đổi thành An Sơn” [18]. Hiện nay, ở thị xã An Khê có di tích An Khê Trường, là trung tâm đồn lũy ban đầu của ba anh em nhà Tây Sơn trong buổi đầu khởi nghiệp, An Khê Trường đã được Bộ VHTT&DL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991.

Theo nhân dân địa phương, trường ở đây có nghĩa là trường sở buôn bán, trường giao dịch. Hiện nay, ở phía Nam di tích An Khê Trường còn có khu ruộng trũng mang tên Rộc Trường và cây ké Rộc Trường cao 30m chu vi 4,5m. Đáng chú ý, ở cách di tích An Khê Trường 300m về phía Tây, có một gò đất cao mang tên Gò Chợ, theo nhân dân cho biết là chợ An Khê trước đây.

Đến thế kỉ XIX, mặc dù trong tài liệu do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn không thấy thống kê cụ thể về mức thuế thu được từ các nguồn ở Bình Định qua từng năm. Tuy nhiên, việc tồn tại hệ thống trạm giao dịch tại đây với sự thường trực của quân đội và quan lại triều đình như: “Nguồn Thạch Bàn ở cách huyện Phù Cát hơn 20 dặm về phía Tây, thủ sở hai thôn Thạch Bàn và Hội Sơn. Lại có hai trường giao dịch ở Hà Vị. Nguồn Phương Kiệu ở cách huyện Tuy Viễn hơn 150 dặm về phía Tây, thủ sở ở địa phận thôn An Khê, trước có trường giao dịch, lại có các đồn Trà Đình, Xuân Viên, Tam Giang, Hương Thủy, Trúc Lâm, Vụ Bản, Đài Tiền” [19], là những cứ liệu khoa học cho phép khẳng định triều Nguyễn vẫn tiếp tục duy trì hoạt động trưng thu loại thuế này đối với các nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Qui Nhơn – vùng đất mới được xác lập vào nửa sau thế kỷ XV, nhưng với vị trí địa lý là cửa ngõ của khu vực Bắc Tây Nguyên, ưu thế về đường biển, hệ thống giao thông Đông – Tây và Bắc – Nam thuận lợi (đường thiên lý thượng đi theo chân dãy Trường Sơn, đường thiên lý hạ chạy dọc bờ biển) cùng với sự phong phú về sản vật, đã sớm tạo cho vùng đất này vừa là đầu mối giao thông liên lạc, vừa là trung tâm giao lưu hàng hóa của xứ Đàng Trong, từng là chỗ dựa cho chúa Nguyễn mở cõi về phương Nam và có nhiều đóng góp về kinh tế cho triều Nguyễn sau này, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống nguồn ở Qui Nhơn/Bình Định.

NTQ

CHÚ THÍCH

[1] Huình Thịnh Paulus Của. Đại Nam quấc âm tự vị, Sài Gòn, Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4, rue d’ Adran, 4. 1895.

[2] Lê Quí Đôn Phủ biên tạp lục, tập I. sách viết năm 1776, bản dịch năm 1964, Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 100.

[2] Lê Quí Đôn. Sđd, tr. 337.

[3] Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, Dư địa chí, Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr. 168-169.

[4] Theo Lê Quí Đôn, nguồn (gồm nhiều sách) ở vùng thượng du tương đương với tổng (gồm nhiều xã) ở đồng bằng, như vậy về thứ bậc đơn vị hành chính sách ở vùng thượng du tương đương với xã ở đồng bằng.

[5] Andrew Hardy, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (E.F.E.O). The Nguon in the Hybrid Commercial Economy of Dang Trong, (“Nguồn” trong kinh tế hàng hóa ở Đàng Trong), bản dịch Đào Hùng và Nguyễn Thị Hồng Hạnh.

[6] TS. Trương Anh Thuận. Bước đầu nghiên cứu hệ thống các “nguồn” ở Bình Định trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX.

[7] TS. Trương Anh Thuận. sđd.

[8] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, quyển IX, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr. 37-38.

[9] Lê Quí Đôn. Sđd, tr. 214.

[10] Lê Quí Đôn. Sđd,1977, tr. 336.

[11] Lê Quí Đôn. Sđd,1977, tr. 331.

[12] Lê Quí Đôn. Sđd, tr. 214.

[13] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, quyển IX, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr. 38.

[14] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí tỉnh Bình Định, dịch giả Tu Trai Nguyễn Tạo, NXB Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục, tập số 20, 1964, tr. 57-58.

[15] P. Dourisboure. Les Sauvages Bahnars, P. Dourisboure de la Société des Missions Étrangères. Paris 1929 (Dân làng Hồ, Sài Gòn, 1972), tr. 7.

[16] P. Dourisboure. sđd, tr. 6.

[17] Lê Quí Đôn. Sđd, tr. 9.

[18] Nguyễn Đình Đầu. Địa bạ trấn Bình Định, tập I, lập năm 1815, tr. 476.

[19] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, quyển IX, NXB Khoa học xã hội, 1971, tr. 38.

Quà cho Mẹ

Ái Duy

.

Hồi đó, khi còn là một cậu bé lên mười, mỗi lần có dịp trọng đại và thật đặc biệt, mẹ mới dẫn nó ra cửa hàng cho phép tự tay lựa thoải mái một món đồ chơi theo ý thích. Ở đó, chú nhóc sẽ được bơi trong một thế giới lộng lẫy với niềm đam mê bất tận, bỏ lại sách vở lý thuyết giáo điều. Bởi những cơ hội dành cho con trai của một bà mẹ đơn thân thế này không nhiều nên mẹ nó và cả cô chủ cửa hàng cũng thông cảm cho thằng nhóc tha hồ kén cá chọn canh. Sở thích của một chú bé ngày ấy thực ra chỉ quanh quẩn bên mấy con robot lắp ráp, các bộ đồ chơi mô hình, xe, tàu máy bay điện tử chạy pin. Nó rờ rẫm mân mê, cầm lên đặt xuống, phân vân suy tính, cả tiếng đồng hồ mới rụt rè chỉ cho mẹ con robot cao khoảng bốn tấc bằng nhựa xanh đỏ cao cấp. Cô chủ cửa hàng báo giá, lập tức nét hồ hởi háo hức trong mắt nó tắt lịm. Hơn một trăm ngàn, trong khi một buổi đi chợ hàng ngày của hai mẹ con đâu chừng mười ngàn thôi. Nó lắc đầu nguầy nguậy, nắm tay mẹ kéo qua góc khác. Rồi nó chỉ vào con robot khác nhỏ hơn, lớn tiếng chê bai món đồ mà nó đã kỳ công chọn ra trước đó xấu ình, mau hư, dỏm… Cho đến khi mẹ nó cương quyết giữ lại với lựa chọn ban đầu và trả tiền cho cô chủ thì nó mới thì thầm đầy có lỗi: Đắt quá mẹ ơi.


10 năm sau, vẫn còn là cậu sinh viên quèn ăn đong từng tháng, nó đưa mẹ vào các cửa hàng lớn ở trung tâm thành phố để tìm mua tặng mẹ một cái đồng hồ đeo tay hàng hiệu, cho mẹ tự chọn. Đó là khoản tiền thưởng mà nó nhận được từ một cuộc thi nhỏ và được toàn quyền sử dụng.


Hai mẹ con lượn lờ hàng buổi trời ở các cửa hàng, từ CK qua Tissot, Citizen, Gucci… Chỗ nào nó cũng kéo mẹ tới coi, xong mẹ lại kéo nó đi coi tiếp, cứ ướm vô tay liếc qua mẹ lại chê, cái thì thô kệch quá, cái thì toàn hột xoàn chói quá, hay trẻ trung quá… Cuối cùng, vì ngày đã cạn mà trời mưa quá, còn cả hai thì vừa ướt vừa lạnh vừa đói nên mẹ nó đành đồng ý lấy cái đồng hồ ở cửa hàng đầu tiên ghé vào.


Đó là món tiền lớn nhất đầu tiên trong đời mà con trai kiếm được đã dành để mua quà cho mẹ. Mẹ nó cũng không thể quên ánh sáng hân hoan tắt lịm trong đôi mắt trẻ thơ năm nào. Nên đó là một món quà tràn đầy ký ức yêu thương.

Không đề

Vũ Đình Huy

.

Sài gòn bây giờ chật chội

Không còn chỗ anh thất tình

Anh vẫn ngày ngày lê lết

Cõng nỗi buồn và làm thinh

.

Sài gòn bây giờ heo hút

Anh đi không thấy mặt người

Ơn em vẫn còn đâu đó

Thắp cho anh chút mặt trời

.

Lòng anh bây giờ cố quận

Đi về nhưng quá tha phương

Có đôi khi anh tự hỏi

Là em hay tại con đường

.

Trái đất vẫn quay – anh biết

Và anh chỉ có một đời

Nên anh chẳng thèm nuối tiếc

Nhưng mà buồn quá em ơi .

” Quy Nhơn bé nhỏ “

Mai Văn Hoan

.

Ôi Quy Nhơn , “Quy Nhơn bé nhỏ “ !

Sao mãi giờ ta chưa biết Quy Nhơn

Có xa chi từ đây đến đó

Ta như nghe ai đó dỗi hờn

.

Ôi Quy Nhơn ,” Quy Nhơn bé nhỏ “

Con đường nào ai vẫn thường qua ?

Ngôi nhà nào hiện ai đang ở ?

Xin Quy Nhơn chỉ giúp cho ta !

.

Ôi Quy Nhơn “ Quy Nhơn bé nhỏ “

Ta khát khao gặp được Quy Nhơn

Cùng với ai đuổi bắt còng gió

Chạy tung tăng trên sóng dập dờn

.

Ôi Quy Nhơn , “ Quy Nhơn bé nhỏ “

Ta muốn lên Ghềnh Ráng cùng ai

Đi cùng ai đến bên ngôi mộ

Thắp nén nhang tưởng niệm thiên tài

.

Ôi Quy Nhơn , “ Quy Nhơn bé nhỏ “

Sao chiều nay cứ vang vọng Quy Nhơn

Biển Quy Nhơn con sóng nào vừa vỗ

Ta như nghe có tiếng dỗi hờn

.

Ôi Quy Nhơn , “ Quy Nhơn bé nhỏ “

Vâng , thế nào tôi cũng đến Quy Nhơn !

Chữ viết tay

Đào Thị Thanh Tuyền

.

Tôi có thói quen mỗi cuối năm dọn dẹp lại bỏ đi nhiều thứ, những thứ tồn đọng, lưu cữu từ năm này sang năm kia, lấn cấn, bỏ thì thương, vương thì tội. Năm ngoái thấy tiếc, không nỡ bỏ đi, năm nay lại lôi ra, cân nhắc, đắn đo.

1. Những cuốn sổ ghi chép đời nảo đời nào từng chi tiết lụn vụn, lặt vặt như thưởng tết bao nhiêu, mua sắm thứ gì… Đó là tôi đã đoạn tuyệt nhiều với quá khứ rồi, từ cái thời bao cấp khó khăn, mua bình sữa, cái nôi, thau tắm… tôi cũng ghi sổ hết để so sánh một bên là lương tháng mấy chục đồng, một bên là chi phí cho một đứa bé – thường là cao hơn rất nhiều. Rồi lẩn thẩn, mình lấy đâu ra tiền chi dùng ngần ấy năm? Để rồi ký ức tuôn về ào ạt muốn ngộp thở. Tôi nhất quyết nói lời chia tay quá khứ. Hủy hết. Giữ lại nặng lòng quá! Có ai ngồi tỉ mẩn ngoài mình để nhớ thương, bồi hồi?

Năm nay tôi quyết thanh lý gọn sạch những cuốn sổ ghi chép đã ố vàng đi nhiều. Đa phần là sổ công tác ghi nội dung các cuộc họp, lịch làm việc, linh tinh… Mấy năm trước tôi cố giữ lại, giờ lướt qua lần nữa tôi thấy chẳng để làm gì. Nếu căn cứ so sánh thời giá qua các giai đoạn thì đã có nhà kinh tế, sử học… Ai cần đến tôi?

Tiếp đến tôi lôi chồng vở cũ thời còn làm việc, theo học các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ. Lần lại những trang vở cũ tôi hiểu ra lý do mình giữ nó bao nhiêu năm là vì… chữ viết đẹp quá, và vở thì rất sạch. Tôi lại tiếc lần nữa, chần chừ một lúc, cuối cùng quyết định không lưu nữa.

Tuy nhiên, có những thứ mỗi lần giở ra luôn khiến tôi dừng lại thật lâu. Đó là những lá thư của ba, của anh, của bạn bè mà ngày ấy, thư đi tin lại trong nước cũng phải đến hai tuần là nhanh. Quá khứ tái hiện từng khuôn mặt người, cái cách cầm cây bút và đánh tay viết như thế nào.

Dáng ba ngồi bên bàn viết, lưng thẳng, đầu hơi nghiêng. Ba viết nhanh, chữ hơi khó đọc. Những năm đó tôi đi học xa. Ba kể chuyện gia đình, động viên tôi học hành và luôn trong những lá thư ba ghi cho tôi bao nhiêu tiền kèm câu dặn dò: “Đồng tiền khó kiếm lắm, con giữ lấy mà tiêu dè sẻn”.

Cảm xúc đẩy lên cao, tôi vội vàng xếp những lá thư của ba và chuyển sang xấp thư của bạn bè. Những câu chuyện kể vu vơ, nỗi buồn thời tuổi trẻ, băn khoăn về tương lai… Những dòng chữ quen thuộc quá khiến tôi cảm giác mình đang ngồi trong lớp học, xung quanh bạn bè cắm cúi ghi chép.

Tôi thích nhìn cách mỗi người ngồi viết, quan sát và cảm nhận, để thấy không ai có chữ viết giống ai, cũng như mỗi người mỗi tính, mỗi cuộc đời khác nhau mà mãi sau này, trải nghiệm nhiều tôi mới hiểu hết.

2. Tôi nhớ không nhầm thì mãi đến năm 2000, tôi mới bắt đầu sử dụng email. Và từ đó, những lá thư viết tay gửi qua bưu điện ngày một ít rồi hết hẳn. Không còn thư viết tay nhưng mối quen biết nhiều và đa dạng hơn. Tôi cũng như nhiều người bây giờ gõ phím máy tính hay thao tác hai ngón tay cái trên điện thoại nhoay nhoáy, nhanh hơn viết tay. Thậm chí, có khi tôi lười, bật chức năng giọng nói trên điện thoại, chuyển thành văn bản cho mau thấy!

Một ngày, bỗng nhiên thèm đọc chữ viết tay của bạn bè quá, tôi email cho hai người bạn ở nước ngoài quen qua thế giới ảo. Nội dung, tôi ngỏ ý muốn biết được chữ viết của bạn. Để “làm tin”, tôi lấy giấy ra và viết hai “lá thư” với nội dung, chào bạn, bạn khỏe không, đây là chữ viết của mình, gửi lại cho mình xem chữ viết của bạn với. Tôi vẽ kèm theo các icon mặt cười, trái tim… Tôi viết bình thường, không nắn nót, nhưng chữ vẫn còn đẹp và sạch sẽ, dễ đọc.

Mở ngoặc, ngày xưa nhiều bạn bè biết tôi viết chữ đẹp. Một thời gian dài trong hai năm từ 1984 đến 1986, rảnh rỗi sinh nông nổi, tôi mua giấy carô, mực tàu, ngòi bút lá tre… về đóng thành cuốn rồi kẻ nhạc và chép đến ba tập nhạc dày, hệt như bản in. Đến nỗi, bây giờ mỗi lần giở ra, thằng con trai của tôi cứ há hốc miệng không thể tin được là có những bản nhạc chép tay đẹp như thế, từ mẹ.

Tất nhiên là tôi chụp hình “

” vỏn vẹn hơn hai mươi chữ, kèm vào email gửi đi.

Tôi nhận thư trả lời ngay sau đó mà tôi hình dung ra được bạn đang ngồi trong văn phòng, trước máy tính và cười ngất.

Nội dung thư hồi âm đều giống nhau, kiểu như, mấy chục năm rồi, bạn không viết tay mà suốt ngày ngồi gõ phím nên chữ viết kinh khủng lắm, như cua bò, không thể đọc được. Bây giờ cầm lại cây bút thật khó khăn.

Vậy là tôi không có được cái diễm phúc đọc “nét chữ” để biết “nết người” ở thời đại công nghệ rào rào gõ phím.

3. Tôi thích nhất khoảng thời gian giáp tết, mỗi ngày tranh thủ lúc rảnh tôi xách xe chạy rong, tạt qua chợ tết, chợ hoa, hàng trang trí… Nơi tôi thường ghé lại là chỗ ngồi của mấy anh viết câu đối tết mà tôi hay gọi là “hàng chữ”. Có lần tôi chụp được tấm hình hai đứa bé khoảng ba, bốn tuổi, một bé hai tay bế con chó con, đứng say sưa nhìn anh chàng “thầy đồ” ngồi trên chiếc chiếu rộng, viết chữ thư pháp. Trên cái bàn nhỏ, linh tinh các thứ, bút, giấy, mực…

“Hàng chữ” không đông người đến nhưng năm nào cũng có. Người mua mang về những dòng chữ hy vọng đem lại may mắn, sung túc cho cả năm, người bán cũng muốn chia sẻ chút tài mọn, kiếm ít đồng tiêu tết.

Mấy năm trước đọc báo thấy lao xao chuyện cấm không cho các “thầy đồ” viết chữ trên phố ngày tết ở Văn Miếu, Hà Nội. Vẫn còn lưu trên internet khi tìm thông tin này trên Google. Có những tựa bài báo đọc lên thấy chạnh lòng, như: “Ông đồ cắp chữ chạy khi bị đuổi khỏi vỉa hè”.

Đọc kỹ thông tin cũ mới thấy, để giữ gìn trật tự đô thị, các “hàng chữ” được dời vào khu quy hoạch với các tiêu chuẩn a, b, c, d cho “thầy đồ”. Nhưng, từ khi đi vào quy hoạch thì lại ít người lui tới.

May quá, thành phố tôi ở chưa quy hoạch chuyện này nên tôi hy vọng tết năm nay vẫn còn được lang thang ngắm các “thầy đồ” viết chữ.

Bây giờ mấy ai còn ham cầm đến cây bút và viết ra thành chữ?

Đà Lạt

Phạm Minh Châu

.

Xuống phố

Con đường mỗi sáng

Mưa bay

Thành phố như mơ

Đèn đường

Đêm

Vẫn thức

Lãng đãng

Sương giăng mờ

Thành phố

Cao cao thấp thấp

Buổi sớm

Ẩn hiện trong sương

Vẻ đẹp như tranh thủy mặc

Ôi! Đà Lạt

…Thiên đường.

* Giải ba cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật “ Lâm Đồng chào thế kỷ

XXI” không có giải nhất. T6/2000.

Hôn xin đừng nhắm mắt

Trịnh Sơn

tôi sẽ nói dù chỉ vài lời
chẳng thể nào im lặng
chúng ta còn lại gì nếu ánh sáng biến mất
trong nấm mồ sum vầy mặt trời mặt trăng mặt đất
mặt sáng tươi thiên thần mặt lạnh lùng quỷ dữ
mặt yêu thương mặt oán thù
mặt cười mặt khóc
mặt trẻ mặt già
mặt khôn mặt dại
mặt trái mặt phải
kể cả những vì sao ngỡ như 0 có mặt
trong câu chuyện bất tận mặt mặt mặt mặt nào cũng cố thể hiện mình
kể cả khi vắng mặt

chúng ta còn lại gì nếu nấm mồ thức giấc sau muôn trùng 0 1 1 0 0 0 thì 1
nấm mồ đòi 1 khuôn mặt
để rửa
để có cái mà soi trước gương
để có cái mà vác ra đường
mỗi đêm về ném lên giường

dẫu thế nào tôi cũng phải nói
dù chỉ vài lời

cho đến khi em nhận ra trong vòng tay mình là 1 nấm mồ
rên rỉ cùng em đêm từng đêm là 1 nấm mồ
trên khóe môi người
tình còn có mặt

ts.

Phá

Truyện ngắn của JOSEPH CONRAD

Hiếu Tân dịch

.

Joseph Conrad (Józef Teodor Konrad Korzeniowski) nhà văn Anh gốc Ba lan (1857- 1924). Tác phẩm chính: Chiến thắng (Victory, 1915) Lord Jim, 1900, Tên mật vụ (The Secret Agent, 1907) Một kẻ bị ruồng bỏ (An Outcast of the Islands, 1896), Cuộc đọ kiếm (The Duel), Heart of Darkness, 1899, (Nostromo,1904)

Conrad được coi là một trong những nhà văn viết tiếng Anh hay nhất, là người có phong cách văn xuôi bậc thầy đã đưa những xúc cảm bi kịch của những xứ sở ngoài Anh vào văn chương Anh.

ND

***

Người đàn ông da trắng tì cả hai khuỷu tay lên mui ở khoang đuôi thuyền, nói với ông lái:

“Chúng ta sẽ nghỉ qua đêm ở ngôi nhà của Arsat trong khoảng rừng trống. Bây giờ muộn mất rồi”

Người Mã lai chỉ lầm bầm điều gì không rõ và tiếp tục nhìn cắm xuống dòng sông. Người da trắng tỳ cằm lên hai cánh tay khoanh đặt trên mui thuyền và đăm đăm nhìn luồng nước rẽ trôi phía sau thuyền. Ở cuối con đường thẳng trong rừng bị cắt ngang bởi ánh lấp lánh gay gắt của sông, mặt trời hiện ra chói lòa giữa bầu trời quang đãng, lơ lửng trên dòng nước phẳng lừ sáng loáng như một giải kim loại. Những cánh rừng âm u xám xịt đứng im lặng bất động hai bên dòng nước rộng. Dưới gốc những cây to cao chót vót, những cây cọ nipa không thân mọc lên từ bùn bên bờ thành những cụm lá to rộng rậm rạp, che trên những xoáy nước màu nâu cuồn cuộn. Trong không khí im lìm từng thân cây từng chiếc lá, từng cành, từng tua của những cây leo, từng cánh của những bụi hoa nhỏ xíu.. dường như đang mê đi trong một cảnh bất động hoàn toàn và cuối cùng. Không vật gì động đậy trên mặt sông ngoài tám mái chèo nhịp nhàng khỏa lên xuống làm nước bắn tóe; trong khi ông lái mạnh mẽ và đột ngột vung tay chèo đều đặn sang phải sang trái vạch thành những đường bán nguyệt lóe sáng trên đầu ông. Nước bị khuấy tung bọt trắng trong tiếng kêu róc rách. Và chiếc thuyền chở người đàn ông da trắng, bơi ngược dòng sông trong sự náo động ngắn ngủi do nó tạo ra, dường như đang tiến vào một xứ sở mà ngay cả ký ức về chuyển động cũng đã bị phai mờ vĩnh viễn.

Người đàn ông da trắng, lưng quay về phía mặt trời đang lặn, ngắm nhìn khoảng trống trải mênh mông phía cửa biển. Trong ba dặm cuối cùng của nó, con sông đang ngập ngừng và lờ lững bỗng như không cưỡng nổi sự dụ dỗ từ vẻ phóng khoáng của một chân trời rộng mở, lao thẳng ra biển, lao thẳng hướng đông – cái phương đông neo đậu cả ánh sáng và bóng tối. Đằng sau thuyền, một nghịch âm mơ hồ không rõ rệt, như tiếng kêu liên hồi của loài chim, nhảy cóc trên mặt nước êm và mất hút trong cái im lìm như nín thở của cảnh vật, trước khi vào được đến bờ.

Ông lái dấn mái chèo xuống dòng nước, và giữ nó bằng cánh tay cường tráng, thân người ông nhao về phía trước. Tiếng nước réo ùng ục, và khúc sông đang thẳng bỗng nhiên như xoay đi quanh tâm của nó, những cánh rừng đu đưa nửa vòng và ánh tà dương chiếu chếch mạn thuyền bừng lên rực rỡ, in những bóng người mỏng manh và vặn vẹo trên thuyền thành những vệt dài lên mặt nước sông lấp loáng. Người da trắng quay lại nhìn lên phía trước. Hướng thuyền đã đổi thành vuông góc với dòng sông, và cái mũi thuyền chạm đầu rồng bây giờ nhằm thẳng vào một khe hẹp trong những bụi cây chằng chịt bên bờ sông. Nó lướt qua, chải qua những cành cây con buông rủ từ trên xuống, và biến mất khỏi dòng sông giống như một loài lưỡng cư mảnh mai dời khỏi mặt nước bò lên hang ổ của chúng ở trong rừng.

– 2 –

Con rạch nhỏ giống như một đường hào: ngoằn ngoèo và sâu một cách khó tin, đầy bóng tối ảm đạm dưới một dải hẹp màu xanh dương trong sáng của bầu trời. Mênh mông cây rừng vươn lên cao ẩn mình sau những diềm hoa của những bụi dây leo. Đó đây, bên bóng đen lấp loáng của mặt nước, những bộ rễ xoắn xuýt của những cây cao hiện ra giữa những mảng dương xỉ, đen và tăm tối, oằn oài và bất động, giống như những con rắn bị tóm giữ. Những lời lẽ cộc lốc của mấy người chèo thuyền bị dội lại vang lên giữa những bức tường thực vật dày đặc và tối xẫm. Bóng tối rỉ ra từ giữa những bóng cây, qua mê lộ rối rắm của những kênh rạch, đằng sau những tán lá lặng tờ hình thù kỳ quái; bóng tối bí mật và không gì thắng nổi, cái bóng tối tỏa hương thơm và độc địa của những cánh rừng dày kín mít.

Những người chèo thuyền dùng sào chống ở đoạn nước nông. Con rạch mở ra thành một giải rộng, một cái phá trì trệ lờ đờ. Những cánh rừng lùi xa khỏi bờ đầm lầy để lại một giải cỏ lau bằng phẳng màu xanh nhạt, đóng khung lấy màu xanh dương được phản chiếu của bầu trời. Một tảng mây xốp màu hồng bồng bềnh trên cao, để hình ảnh với sắc màu thanh nhã của nó trôi dưới những chiếc lá nổi trên mặt nước và những bông hoa sen ánh bạc. Một ngôi nhà nhỏ ngất ngưởng trên những chiếc cột cao hiện ra đen ngòm phía xa. Cạnh nó, hai cây cọ nibong cao vút trông như tách ra khỏi cảnh rừng làm nền phía sau, hơi nghiêng trên mái nhà bờm xờm, những tán lá dày của chúng ngả xuống như che chở, gợi một nét dịu dàng buồn bã.

Ông lái giơ mài chèo lên chỉ: “Arsat có nhà. Tôi trông thấy chiếc thuyền của anh ấy buộc giữa các hàng cột”

Những người chân sào chạy dọc mạn ngảnh nhìn qua vai cái mục tiêu của một ngày hành trình. Nếu có thể được, chắc họ đã muốn nghỉ đêm ở một nơi nào khác chứ không phải trong cái phá nổi tiếng về những chuyện ma quái và huyền hoặc này. Hơn nữa, họ không thích Arsat, trước hết vì anh ta là người lạ, và cũng vì anh ta sửa chữa cái nhà sập sệ này và trú ngụ trong đó, tuyên bố rằng anh ta không sợ sống giữa những hồn ma thường ám những nơi hoang vắng. Một người như thế rất có thể làm chệch đường đi của thần số mệnh bằng những lời lẽ báng bổ hay bất cẩn, trong khi những con ma quen thuộc của hắn không dễ bỏ qua những người khách trọ qua đường này, mà chúng đã nóng lòng chờ đợi từ lâu để trút lên họ những cơn giận hiểm ác đối với người chủ của chúng. Người da trắng không lo sợ những chuyện loại đó, họ là những người không có tín ngưỡng và họ liên kết với Chúa Quỷ, người dẫn họ qua những hiểm nguy vô hình của thế giới mà không bị hại. Trước những lời cảnh báo hợp lý, họ có thái độ tự đắc hoài nghi rất khó chịu. Vậy còn biết làm thế nào với họ?

– 3 –

Họ nghĩ vậy, và đè cả sức nặng thân người lên đầu những con sào. Chiếc thuyền lớn lập tức trườn đi êm ru không một tiếng động, về phía giải đất trống của Arsat, cho đến khi nghe những tiếng lộp cộp của những con sào ném xuống, và những tiếng rì rầm cất lên “Lạy đức Ala!” đó là lúc nó đụng nhẹ vào những cọc gỗ cong queo dưới chân ngôi nhà.

Những người chèo thuyền nghếch mặt lên kêu chói tai: “Arsat! Ơ Arsat!” Không có ai ra. Người da trắng bắt đầu trèo lên chiếc thang thô dẫn lên sàn nứa trước cửa nhà. Người lái thuyền nói giọng bực bội: “Chúng ta sẽ nấu ăn trên thuyền và ngủ trên nước”

“Đưa cái chăn và cái giỏ của tôi đây” Người da trắng nói giọng khô khan. Anh ta quỳ trên sàn để nhận cái bọc. Chiếc thuyền bị đẩy ra, và người da trắng đứng dậy, đối diện với Arsat vừa mới từ chiếc cửa thấp của ngôi nhà chui ra. Đó là một chàng trai trẻ khỏe, với bộ ngực nở và đôi cánh tay cuồn cuộn bắp thịt. Anh không mặc gì ngoài một chiếc xarong, để đầu trần. Đôi mắt to, ôn hòa của anh nhìn người da trắng chằm chằm, hăm hở, nhưng giọng của anh điềm tĩnh khi anh hỏi, mà không cần chào.

“Anh có thuốc không, Tuân[1]?”

“Không” Người da trắng giật mình nói “Không. Nhưng sao, ở đây có người bệnh à?”

“Vào mà xem” Arsat trả lời, vẫn với giọng bình thản và hơi quay người, lại chui qua chiếc cửa nhỏ. Người da trắng bỏ rơi cái bọc của mình, đi theo. Trong bóng tối mờ mờ của chỗ ở, trên một chiếc ghế dài bằng tre, một người phụ nữ nằm ngửa duỗi dài dưới một tấm chăn rộng bằng vải bông đỏ. Cô ta nằm ngay đơ như chết, nhưng đôi mắt to mở rộng lóe lên trong bóng tối, trừng trừng nhìn lên những rui mè gày guộc trên mái nhà, bất động và không thấy gì. Cô ta đang sốt cao và rõ ràng là bất tỉnh. Đôi má hơi trũng xuống, đôi môi hé mở, và trên gương mặt còn trẻ có điềm xấu, cái vẻ cứng đờ, cái vẻ chìm sâu trong vô thức của một người sắp chết. Hai người đàn ông đứng nhìn xuống cô trong im lặng.

“Cô ấy ốm đã lâu chưa?” Người du khách nói.

“Đã năm ngày đêm tôi không ngủ” Người Mã lai nói chậm rãi. “Đầu tiên cô ấy nghe có những tiếng gọi cô ấy từ dưới nước và vùng ra khỏi tôi lúc ấy đang giữ chặt cô ấy. Nhưng hôm nay từ lúc mặt trời lên cô ấy không nghe thấy gì nữa. Không nghe thấy cả tiếng tôi. Cô ấy không nhìn thấy gì nữa. Không nhìn thấy cả tôi”

– 4 –

Anh ta im lặng một lúc, rồi khẽ hỏi:

“Anh Tuân, liệu cô ấy có chết không?”

“Tôi sợ thế” Người da trắng nói buồn rầu. Anh biết Arsat đã nhiều năm nay, ở một nơi xa xôi từ những thời gian rắc rối và nguy hiểm, khi đó người ta không coi nhẹ tình bạn. Và từ khi người bạn Mã lai này của anh bỗng dưng đến ngụ trong túp nhà trên cái phá này với một người đàn bà xa lạ, đã nhiều lần anh ngủ lại ở đây, trong những chuyến đi xuôi ngược trên sông. Anh thích người bạn này, anh ta biết cách giữ trung thành trong hội đồng và biết cách sát cánh bên người bạn da trắng chiến đấu không hề sợ hãi. Anh thích anh ta, có lẽ không nhiều như người ta thích một con chó cưng, nhưng dù sao anh vẫn thích anh ta đủ để giúp đỡ mà không vặn hỏi, để đôi khi giữa những cuộc theo đuổi mục đích của mình, có một thoáng nghĩ về người đàn ông cô độc và người đàn bà tóc dài với bộ mặt gan góc và đôi mắt đắc thắng, họ sống ẩn náu với nhau trong rừng, đơn độc và sợ hãi.

Người da trắng ra khỏi lều đúng lúc để nhìn thấy cảnh mặt trời lặn như một đám cháy lớn bị dập tắt dần bởi những bóng tối mau lẹ và lén lút nổi lên như những đám hơi nước đen mờ phía trên những ngọn cây, trải ra trên bầu trời, phủ mờ ánh đỏ ối của những đám mây trôi và ánh chói lọi của ngày đang dần tắt. Phút chốc tất cả các vì sao hiện ra cao tít phía trên cái nền đen xẫm của đất, và cái phá mênh mông này bỗng nhiên lấp lóa những ánh sáng phản chiếu giống như một mảnh vá hình ôvan của trời đêm ném xuống màn đêm của một vùng hoang vu thăm thẳm và vô vọng. Người da trắng lấy ra từ chiếc giỏ bữa ăn tối, và vơ lấy mấy que củi rải rác trên sàn, nhóm lên một ngọn lửa nhỏ không phải để sưởi mà để có chút khói để xua muỗi. Anh quấn chăn và ngồi tựa lưng vào vách sậy của túp lều, đăm chiêu rít thuốc.

Arsat chui qua cửa bằng những bước chân không gây tiếng động đến ngồi xổm bên đống lửa. Người da trắng hơi động đậy đôi chân duỗi dài.

“Cô ấy thở” Arsat nói bằng giọng trầm, chờ đợi câu hỏi. “Cô ấy thở và người nóng rực như lửa. Cô ấy không nói, không nghe, và nóng rực.”

Anh im lặng một hồi, rồi hỏi bằng giọng khe khẽ và đều đều.

– 5 –

“Tuân… liệu cô ấy có chết không?”

Người da trắng nhún vai khó nhọc và lầm bầm ngập ngừng:

“Nếu đó là số phận của cô ấy”

“Không, Tuân, nếu đó là số phận của tôi” Arsat bình tĩnh nói. “Tôi nhìn, tôi nghe, tôi đợi. Tôi nhớ…Tuân, anh còn nhớ những ngày ấy không? Anh còn nhớ anh tôi không?”

“Có” Người da trắng nói. Người Mã lai bỗng đứng dậy và đi vào. Người còn lại ngồi im bên ngoài, nghe thấy giọng nói bên trong lều. Arsat nói. “Em nghe anh. Nói đi em” Tiếp sau giọng anh là im lặng hoàn toàn. “Ôi, Diamelen!” Anh bỗng kêu lên. Sau tiếng kêu ấy là tiếng thở dài sâu. Arsat lại bước ra và sụm xuống chỗ ngồi ban nãy.

Họ ngồi im trước ngọn lửa. Không có tiếng động bên trong lều, không có tiếng động nào gần nó, nhưng xa xa trên phá họ nghe thấy tiếng những người chèo thuyền từng đợt vang vang rõ ràng trên mặt nước êm. Ngọn lửa trên mũi thuyền chập chờn ở khoảng xa. Rồi tắt hẳn. Những tiếng nói ngừng. Đất và nước im lìm trong giấc ngủ vô hình, tưởng như trên thế giới này không còn lại gì ngoài những vì sao lấp lánh chảy bất tận và vô ích qua tịch mịch của đêm đen.

Người da trắng ngó thẳng trước mặt vào đêm tối bằng đôi mắt mở to. Nỗi sợ, sự thôi miên, kích thích và kinh hoàng của cái chết – của cái chết gần kề, không tránh khỏi và không nhìn thấy, làm lắng lại những bồn chồn bất yên của đời anh và khuấy lên những suy tư mơ hồ, sâu kín nhất. Nỗi hoài nghi thường trực về cái ác, nỗi ngờ vực dày vò luôn ẩn núp trong trái tim chúng ta, chảy tan ra thành cái tịch mịch bao quanh anh lúc này – cái tịch mịch thăm thẳm và lì lợm, nó hiện ra ô nhục đáng hổ thẹn, giống như cái mặt nạ lạnh tanh và khôn dò của một thứ bạo lực phi lý. Trong sự xáo trộn mãnh liệt và phù du của cuộc sinh tồn của anh, trái đất được ôm bọc trong cái thanh bình của ánh sao biến thành xứ sở tối tăm của cuộc xung đột dã man phi nhân tính, một mặt trận của những bóng ma khủng khiếp và quyến rũ, oai nghiêm hay đê tiện, vật lộn mãnh liệt để giành giật những trái tim không được bảo vệ của chúng ta – một xứ sở không yên bình và bí hiểm, của những nỗi sợ hãi và những khát vọng không thể dập tắt.

Một tiếng rì rầm ai oán nổi lên trong đêm, một tiếng rì rầm làm ta buồn bã và sửng sốt, như thể những nỗi cô đơn vô tận của những cánh rừng bao quanh đây đang cố thì thầm vào tai anh cái khôn ngoan của sự lãnh đạm dửng dưng kiêu kỳ và mênh mông của nó. Ngập ngừng vang lên và mơ hồ trôi đi trong bầu không khí vây quanh anh, chầm chậm hình thành lời, và cuối cùng êm đềm trôi đi trong dòng chảy rì rầm của những câu nhẹ nhàng và đơn điệu. Anh cựa quậy như người vừa tỉnh ngủ, và hơi thay đổi thế ngồi. Arsat bất động và như một cái bóng, ngồi cúi gục đầu dưới trời sao, đang nói bằng một giọng trầm và mê sảng

– 6 –

‘.. vì chúng ta còn có thể đặt cái nặng nề nhất trong những phiền muộn của chúng ta ở đâu ngoài những trái tim bè bạn? Một người đàn ông thì phải nói về chiến tranh và về tình yêu. Anh, chính anh ấy, Tuân ạ, anh biết chiến tranh là như thế nào, và anh đã thấy trong thời kỳ nguy khốn tôi đã đi tìm cái chết như người ta đi tìm sự sống. Một bài viết có thể bị mất, một lời nói dối có thể được viết ra, nhưng những gì ta đã nhìn tận mắt là sự thật và sẽ còn mãi trong trí óc.’

‘Tôi nhớ’ Người da trắng lặng lẽ nói. Arsat tiếp tục bằng giọng điềm tĩnh ảm đạm.

‘Do đó tôi sẽ nói với anh về tình yêu. Nói trong đêm nay. Nói trước khi cả tình yêu lẫn bóng đêm đều tan biến, và con mắt của ban ngày sẽ nhìn vào nỗi đau của tôi và nỗi xấu hổ của tôi, nhìn vào bộ mặt đen tối của tôi, vào trái tim tan vỡ của tôi.’

Một tiếng thở dài ngắn và yếu ớt, đánh dấu một quãng ngưng hầu như không thể nhận ra, rồi sau đó những lời của anh tiếp tục chảy, không một nhúc nhích, không một cử động.

‘Sau cái thời gian mọi rắc rối và chiến tranh đều đã qua đi, và anh rời khỏi đất nước chúng tôi để tiếp tục theo đuổi các khát vọng của anh, mà chúng tôi, những người dân đảo này không thể hiểu nổi; tôi và anh tôi trở lại làm những thị vệ, những người mang kiếm đi hầu đức vua như trước. Anh biết chúng tôi đều là những người đàn ông chủ gia đình, trong một dòng tộc cai trị và hơn ai hết thích hợp để mang cái biểu trưng của quyền lực trên vai phải của mình. Và trong thời kỳ thịnh vượng Si Dendring đã ban cho chúng tôi nhiều ân sủng, vì chúng tôi trong thời kỳ đau buồn đã tỏ cho ngài thấy xác thực lòng can đảm của chúng tôi. Đó là một thời kỳ thanh bình, một thời của những cuộc săn hươu và những cuộc chọi gà, của những cuộc chuyện trò vô bổ và những cuộc cãi vã ngớ ngẩn, giữa những người đàn ông bụng căng đầy và vũ khí để han rỉ. Nhưng người gieo hạt ngắm nhìn những người trai trẻ non tơ lớn lên không sợ hãi, và những người lái buôn đến rồi đi, ra đi gày guộc trở về béo tốt đi vào dòng sông thanh bình này. Họ cũng mang đến cả những tin tức nữa. Những điều dối trá trộn lẫn với sự thật, do đó không ai biết được khi nào nên vui khi nào nên buồn. Chúng tôi nghe được tin anh cũng từ bọn họ. Họ đã thấy anh ở chỗ này chỗ kia. Và tôi đã vui mừng nghe, vì tôi nhớ những thời gian sôi nổi, tôi luôn luôn nhớ anh, Tuân ạ, cho đến khi mắt tôi không còn nhìn thấy gì trong quá khứ nữa, vì nó đã nhìn thấy con người đang chết ở đây – trong ngôi nhà này.’

– 7 –

Anh dừng lại để kêu lên bằng giọng thầm – thì mãnh liệt “Ôi, Mara bahia! Ôi tai họa!” rồi tiếp tục nói lớn hơn một chút.

“Không có kẻ thù nào tồi tệ hơn và người bạn nào tốt hơn một người anh, Tuân ạ, vì người anh thì hiểu người em, và trong sự hiểu biết thấu đáo có sức mạnh của cái thiện và cái ác. Tôi yêu anh tôi. Tôi đến nói với anh rằng tôi không thể nhìn cái gì khác ngoài một khuôn mặt, tôi không thể nghe cái gì khác ngoài một giọng nói. Anh ấy bảo tôi “ Hãy mở trái tim của em ra để cho cô ấy thấy trong đó có gì, và đợi. Kiên nhẫn là khôn ngoan. Inchi Midah có thể chết hay nhà vua có thể vứt bỏ nỗi sợ một người đàn bà của ngài…Tôi đã đợi! ..Tuân ơi, anh còn nhớ người phụ nữ che mạng và nỗi sợ của đấng quân vương của chúng tôi đối với sự khôn ngoan và tâm tính của nàng. Và nếu nàng muốn người đày tớ của nàng, thì tôi biết làm sao được? Nhưng tôi nuôi dưỡng trái tim đói khát của tôi bằng những cái liếc nhìn chớp nhoáng và những lời lẽ vụng trộm. Ban ngày tôi lảng vảng trên những con đường dẫn đến những nhà tắm, và sau khi mặt trời lặn xuống sau rừng tôi trườn qua những hàng dậu hoa nhài ở sân trong ngôi nhà của những người phụ nữ. Không nhìn thấy nhau, chúng tôi nói với nhau qua mùi hương của những bông hoa, qua màn che của những khóm lá, qua những lá cỏ dài đứng lặng trước môi chúng tôi, sự thận trọng của chúng tôi mới kỹ lưỡng làm sao, tiếng thầm thì của nỗi khao khát của chúng tôi mới e ấp làm sao. Thời gian trôi nhanh và giữa những người phụ nữ có tiếng xì xào – và kẻ thù của chúng tôi trông thấy, anh tôi mặt mày ủ rũ, và tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện giết, và đến một cái chết dữ dội. Chúng tôi thuộc loại người đã muốn là làm – giống như người da trắng các anh. Có những lúc người đàn ông phải quên đi sự trung thành và tôn kính. Sức mạnh và quyền hành được trao cho những người cai trị, nhưng tất cả mọi người đàn ông được phú cho tình yêu và sức lực và lòng can đảm. Anh tôi bảo “Em phải cướp nàng đi từ giữa bọn họ. Chúng ta hai người như một.” Tôi trả lời “Làm sớm đi anh ạ, vì ánh nắng nào không chiếu trên người nàng thì em không thấy ấm áp” Thời cơ của chúng tôi đến khi nhà vua cùng đoàn tùy tùng của ngài ra cửa sông để câu cá bằng đuốc. Có hàng trăm chiếc thuyền, và trên bãi cát trắng giữa sông và rừng, những căn chòi bằng lá được dựng lên cho những người của hoàng gia. Khói bếp trông như một làn sương lam buổi tối, nhiều giọng nói vui vẻ vang lên. Trong khi họ đang chuẩn bị thuyền để đi đánh cá, anh tôi đến nói với tôi “Đêm nay.” Tôi chuẩn bị vũ khí và khi đến giờ thuyền chúng tôi trà trộn vào đám thuyền mang đuốc. Những ánh lửa chiếu sáng rực mặt nước, nhưng đằng sau các thuyền bóng tối vẫn dày đặc. Khi tiếng reo hò nổi lên và sự kích động khiến họ như phát cuồng, thuyền chúng tôi rút ra. Chúng tôi nhúng tắt lửa và bơi thuyền vào bờ, trên bờ lúc này tối đen chỉ còn rải rác đây đó những đốm lửa than lập lòe. Chúng tôi nghe thấy tiếng những nô tỳ trò chuyện trong chòi. Rồi chúng tôi tìm ra một chỗ vắng vẻ và tĩnh lặng. Chúng tôi đợi ở đó. Nàng đến. Nàng đã chạy hối hả dọc mép sông không để lại dấu vết gì, giống như một chiếc lá được ngọn gió đưa ra biển. Anh tôi nói giọng âm u “Ra đón nàng, đưa nàng xuống thuyền.” Tôi bế xốc nàng lên. Nàng hổn hển. Tim nàng đập thình thịch bên ngực tôi. Tôi nói “Tôi giành được nàng từ trong đám người kia. Nàng đến đây theo tiếng gọi của lòng tôi, nhưng đôi tay tôi đưa nàng xuống thuyền cưỡng lại cả ý trời.” Anh tôi nói “Đúng đấy. Chúng tôi là những người đã muốn gì là làm bằng được, và có thể cự lại nhiều người để chống giữ. Lẽ ra chúng tôi nên cướp nàng giữa ban ngày.” Tôi nói “Chúng ta đi thôi.” Khi nàng đã ngồi trong thuyền của chúng tôi, tôi bắt đầu nghĩ đến những người của nhà vua. “Phải đấy, chúng ta đi thôi.”Anh tôi nói “Chúng ta bị truy đuổi, con thuyền này bây giờ là nơi trú ngụ của chúng ta, biển cả là nơi lánh nạn của chúng ta.” Anh ấy vẫn nấn ná trên bờ, và tôi van anh hãy nhanh lên, vì tôi nhớ đến tiếng tim đập của nàng bên ngực tôi, và tôi nghĩ hai người không thể cự lại cả trăm người. Chúng tôi xuất phát, bơi thuyền gần bờ xuôi dòng, và khi chúng tôi qua nhánh sông nơi họ đang đánh cá, tiếng reo hò vang dậy đã ngừng, nhưng tiếng rì rầm của những giọng người nghe như tiếng vù vù của loài côn trùng bay lúc giữa trưa. Những chiếc thuyền thả nổi, cụm vào với nhau, trong ánh đuốc đỏ rực, dưới một màn khói đen. Những con người đang nói về trò vui của mình, những con người khoác lác, tán tụng, châm chọc – những con người ban sáng còn là bạn của chúng tôi nhưng đêm đó đã là kẻ thù. Chúng tôi mau lẹ bơi thuyền qua. Từ nay trên mảnh đất đã sinh ra chúng tôi, chúng tôi không còn người bạn nào nữa. Nàng ngôi giữa thuyền, mạng che mặt, im lặng như bây giờ, không nhìn – như bây giờ – và tôi không hề hối tiếc về những gì tôi đã bỏ lại, vì tôi nghe nàng thở gần bên tôi – như bây giờ tôi đang nghe.’

– 8 –

Anh ngừng lại, nghiêng tai về phía cửa, rồi lắc đầu và tiếp tục.

‘Anh tôi muốn hét lên một tiếng để thách thức, một tiếng thôi, để cho những người kia biết rằng chúng tôi là những kẻ cướp tự do bẩm sinh tin vào cánh tay của mình và tin vào biển cả. Và một lần nữa tôi lại van xin anh vì tình yêu của chúng tôi mà hãy giữ im lặng. Có thể nào tôi không nghe hơi thở của nàng gần gũi bên tôi? Tôi biết cuộc truy đuổi sẽ đến rất nhanh. Anh tôi yêu tôi. Anh ấy nhấn mái chèo xuống nước thật êm nhẹ. Anh ấy chỉ nói “Bây giờ trong người em chỉ còn một nửa người đàn ông, nửa còn lại ở trong người đàn bà kia. Anh sẽ đợi. Khi nào em trở lại là một người đàn ông trọn vẹn, hãy quay về đây với anh, để thét lên lời thách thức. Chúng ta là con cùng một mẹ.” Tôi không trả lời. Tất cả sức lực của tôi và tất cả hồn tôi dồn lên đôi tay đang nắm mái chèo, vì tôi cháy bỏng khao khát được sống với nàng ở nơi an toàn ngoài tầm với của cơn giận dữ của những người đàn ông và mối thù hận của những người đàn bà. Tình yêu của tôi lớn quá, đến mức tôi nghĩ nó có thể dẫn tôi đến một xứ sở nơi không biết đến cái chết, miễn là tôi thoát được hận thù của Inchi Midah và lưỡi gươm của đức vua của chúng tôi. Chúng tôi chèo như điên, thở qua kẻ răng. Những mái chèo ngập sâu dưới làn nước êm. Chúng tôi ra khỏi dòng sông, chúng tôi lướt bay qua những luồng nước thông giữa những chỗ cạn. Chúng tôi đi vòng qua những bờ đá đen, vòng qua những bãi cát nơi biển thầm thì trò chuyện với đất; và ánh lập lòe của cát trắng băng qua mặt nước chớp lóe qua thuyền chúng tôi. Chúng tôi im lặng. Chỉ có một lần tôi nói: “Ngủ đi Diamelean, rồi sắp tới sẽ cần đến toàn bộ sức lực của em đấy.” Tôi nghe giọng nàng ngọt ngào, nhưng tôi không quay đầu lại. Mặt trời lên và đứng yên. Nước rơi rào rào xuống mặt tôi như mưa. Chúng tôi lướt đi trong ánh sáng và hơi ấm. Tôi không ngó nhìn lại, nhưng tôi biết đôi mắt anh tôi, ở phía sau, đang trừng trừng nhìn thẳng phía trước, để con thuyền phóng thẳng như một mũi tên của thổ dân. Không có người chèo thuyền nào, người cầm lái nào giỏi như anh tôi. Nhiều lần chúng tôi đã cùng nhau đoạt giải những cuộc đua trên chính con thuyền này. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi dồn hết sức lực như lúc này, khi chúng tôi cùng chèo với nhau lần cuối cùng. Trên đất nước tôi không có người đàn ông nào mạnh hơn và can đảm hơn anh tôi. Tôi không đủ sức quay đầu lại nhìn anh, nhưng tôi luôn nghe tiếng rít từ hơi thở của anh vang lên càng lúc càng mạnh đằng sau tôi. Anh vẫn không nói. Mặt trời đã lên cao. Ánh nắng đốt lưng tôi như ngọn lửa. Những giẻ sương sườn của tôi muốn nổ tung, nhưng tôi không còn sức hít đủ hơi vào lồng ngực nữa. Lúc đó tôi cảm thấy tôi phải dùng chút hơi cuối cùng để hét lên “Nghỉ anh ơi!” “Tốt!”Anh trả lời, giọng anh cứng cỏi. Anh ấy khỏe. Anh ấy can đảm. Anh ấy không sợ cũng không mệt. Anh tôi…”

– 9 –

Một cơn gió mạnh mà êm, một cơn gió hào sảng và từ tốn, một cơn gió làm những chiếc lá run rẩy, làm những cành cây đu đưa, xuyên qua rừng sâu rối rắm, chạy qua phá phẳng mượt nhấp nhánh ánh sao, và nước giữa những cây cột trơn nhớt mỗi lần đập vào cột lại bắn lên tung tóe. Một luồng hơi ấm mơn trớn khuôn mặt hai người đàn ông và lướt qua thành một âm thanh não nùng – một hơi thở vang và gấp như tiếng thở dài nặng nhọc của mặt đất mê mị.

Arsat tiếp tục bằng một giọng đều đều trầm trầm.

Chúng tôi kéo thuyền lên bãi cát trắng trong một vịnh nhỏ gần một lưỡi đất dài, dường như chắn ngang con đường của chúng tôi, một mũi đất dài mọc đầy cây nhô ra biển. Anh tôi biết chỗ này. Phía bên kia mũi đất có cửa vào một dòng sông. Xuyên qua rừng rậm trên mũi đất sẽ gặp một con đường hẹp. Chúng tôi nhóm lửa nấu cơm. Rồi chúng tôi nằm ngủ trên cát mịn, dưới bóng chiếc thuyền, còn nàng thì ngồi canh gác. Tôi vừa nhắm mắt thì nghe tiếng kêu báo động của nàng. Chúng tôi bật dậy. Mặt trời đã xế, và trong tầm mắt chúng tôi thấy một chiếc thuyền chiến lớn nhiều tay chèo xuất hiện ở cửa vịnh. Chúng tôi nhận ra nó ngay. Đó là chiếc thuyền chiến lớn của nhà vua. Họ đang nhìn lên bờ, và trông thấy chúng tôi. Họ đánh cồng và quay đầu thuyền chiến vào vịnh. Tôi thấy tim mình lịm đi trong lồng ngực. Diamelen ngồi trên cát và che mặt. Không có đường thoát ra biển. Anh tôi cười. Anh ấy có khẩu súng mà anh cho anh ấy trước khi anh ra đi, nhưng chỉ có một nhúm thuốc súng. Anh ấy nói rất nhanh với tôi “Đưa cô ấy chạy theo đường mòn. Anh sẽ chặn chúng lại, vì chúng không có súng tay, và đổ bộ lên đất liền ngay trước mặt một người có súng là có đứa chết chắc. Đưa cô ấy chạy đi. Ở mép rừng bên kia có một ngôi nhà của người đánh cá, và một chiếc xuồng. Anh bắn hết số đạn anh sẽ chạy theo. Anh là người chạy giỏi và chúng ta sẽ chạy thoát trước khi chúng đến. Anh sẽ cầm chân bọn chúng chừng nào còn có thể, vì dù sao cô ấy cũng là phụ nữ, không chạy được cũng không chiến đấu được, nhưng đôi bàn tay yếu ớt của cô ấy đang nắm trái tim em.” Anh ấy nấp sau thuyền. Chiếc thuyền chiến đến gần. Nàng cùng tôi chạy, và khi chạy theo đường mòn tôi nghe tiếng súng nổ. Anh tôi bắn, một..hai..và tiếng cồng im bặt. Sau lưng chúng tôi là im lặng. Giải đất ấy hẹp lắm. Trước khi nghe thấy phát súng thứ ba của anh tôi, tôi trông thấy một bờ cát thoai thoải, và tôi lại trông thấy nước: cửa một con sông lớn. Chúng tôi băng qua trảng cỏ. Chúng tôi chạy xuống mép nước. Tôi thấy một chiếc lều thấp trên bùn đen, và một chiếc xuồng con. Tôi nghe thêm một tiếng súng phía sau lưng. Tôi nghĩ “Đó là phát đạn cuối cùng của anh ấy.” Chúng tôi lao xuống chiếc xuồng, một người đàn ông từ trong lều chạy ra, tôi lao vào anh ta, và chúng tôi ôm nhau lăn trong bùn. Rồi tôi đứng dậy và hắn nằm bất động dưới chân tôi. Tôi không biết có phải tôi đã giết anh ta không. Tôi và Deamelen đẩy chiếc xuồng xuống nước. Tôi nghe tiếng thét phía sau và quay lại thấy anh tôi đang chạy qua trảng cỏ. Nhiều người đuổi bám sát sau anh. Tôi bế bổng nàng lên ném xuống xuồng rồi nhảy lao theo. Quay lại tôi thấy anh tôi đã ngã. Anh ngã rồi lại đứng dậy nhưng bọn người kia đã vây kín quanh anh. Anh ấy gào lên “Anh đến đây”, nhưng bọn kia đã đến gần anh. Tôi nhìn. Quá đông. Rồi tôi nhìn nàng. Tuân ơi, tôi đã đẩy xuồng! Tôi đẩy nó ra chỗ nước sâu. Nàng quỳ lên nhìn tôi. Tôi nói “Cầm lấy mái chèo” trong khi tôi quạt mạnh mái chèo của mình. Tuân ơi, tôi nghe anh ấy kêu! Tôi nghe anh ấy gọi tên tôi hai lần, và tôi nghe những giọng người quát lên “Giết! Đánh” Tôi không quay trở lại. Tôi lại nghe tiếng anh gọi tên tôi vô cùng thống thiết, như thể cả sự sống cùng trút ra với tiếng kêu. Tôi không hề quay đầu lại! Tên tôi.. Anh tôi! Đã ba lần anh gọi tên tôi. Tôi không sợ cho mạng sống của mình. Phải chi nàng không có trên cái xuồng đó! Và phải chăng tôi không thể cùng nàng tìm đến một xứ sở nơi không biết đến cái chết?

– 10 –

Người da trắng ngồi dậy. Arsat đứng lên: một dáng người mờ mờ và câm lặng trên đống than hồng sắp tàn. Trên phá, một màn sương mù là là trôi, chầm chậm xóa đi hình ảnh những ngôi sao nhấp nhánh. Và bây giờ một làn hơi nước trắng đang tỏa rộng che phủ cả mặt đất, trôi lạnh và xám trong bóng tối, những cơn gió xoáy tít cuốn quanh những thân cây tròn và quanh ngôi nhà này, ngôi nhà dường như đang bồng bềnh trên biển ảo mơ hồ và không ngơi nghỉ, dường như nó là vật duy nhất còn sót lại qua cuộc tàn phá của một cơn hồng thủy ma quái ngập dềnh sóng và vô thanh. Xa xa, những ngọn cây nổi bật trên nền trời sáng long lanh trông giống như một giải bờ biển tối tăm ảm đạm và gớm guốc – một giải bờ lừa gạt, nhẫn tâm và kinh tởm.

Giọng nói của Arsat rung mạnh trong bầu không khí thanh bình sâu thẳm:

‘Tôi đã có nàng. Tôi đã giành được nàng. Để giành được nàng tôi dường như đã phải đối đầu với cả loài người. Những tôi đã có nàng, và…’

Những lời nói của anh vang xa vào khoảng không hun hút. Anh ngừng lại và như để lắng nghe những tiếng nói ấy tắt dần ở khoảng cách xa xăm – xa đến vô vọng. Rồi anh nói, giọng âm thầm:

‘Tuân, tôi yêu anh tôi’

Một cơn gió làm anh rùng mình. Cao cao, trên đầu anh, và trên biển sương mù tĩnh lặng, những tàu lá cọ ủ rũ xạc xào một âm thanh tang tóc. Người da trắng duỗi chân. Cằm anh tì xuống ngực. Và anh lầm rầm buồn bã mà không ngửng đầu lên:

“Tất cả chúng ta đều yêu anh ấy”

Arsat bật ra thành tiếng thì thầm mãnh liệt:

“Tôi đã lo ai chết? Tôi muốn bình yên trong riêng trái tim tôi”

Hình như anh nghe thấy có tiếng động trong nhà, anh lắng tai, rồi lặng lẽ bước vào. Người da trắng đứng dậy. Một cơn gió thổi vào buốt lạnh. Những vì sao nhấp nháy mờ nhạt hơn như thể chúng đang rút lui vào chiều sâu thẳm giá băng của không gian vô tận. Sau một cơn gió lạnh là mấy giây im lặng hòan toàn và êm đềm tuyệt đối. Rồi từ sau cánh rừng đen âm u và dập dềnh như sóng hiện ra một cột ánh sáng vàng chói vọt thẳng lên trời và trải rộng ra thành hình dẻ quạt ở chân trời phía đông. Mặt trời đã mọc. Lớp sương mù dềnh lên, tan tác thành nhiều mảnh trôi lềnh bềnh và biến thành những vòng hoa tang mỏng manh bay bay, và cái phá không còn mạng che mặt, nằm, láng bóng và đen nhánh trong những mảng tối dày đặc dưới chân bức tường bằng cây rừng. Một con đại bàng trắng vụt bay lên bằng một đường bay nghiêng chậm chạp gặp ánh mặt trời chói chang nó sáng lóa lên trong khoảnh khắc, rồi bay lên cao nữa, thành một vệt tối và bất động, trước khi mất hút vào bầu trời xanh như thể vĩnh viễn dời xa mặt đất. Người đàn ông da trắng đứng trước cửa ngước mắt nhìn trời, nghe thấy từ trong nhà vọng ra tiếng lầm rầm bối rối và đứt quãng của những lời quẫn trí, kết thúc bằng một tiếng rên lớn. Bỗng nhiên Arsat nháo nhào chạy ra, hai cánh tay giang rộng, rùng mình và đứng lặng hồi lâu với đôi mắt vô hồn. Rồi anh nói:

– 11 –

“Nàng không còn sốt nữa!”

Trước mặt anh mặt trời tròn vành vạnh trên những ngọn cây, chậm rãi lên. Gió nhẹ thổi, một vẻ rực rỡ bừng lên trên phá, lấp lánh trên mặt nước gợn sóng. Rừng ra khỏi những bóng mây buổi sáng, trở nên rõ ràng khác biệt, như thể chúng đang đua nhau chạy đến gần, đột ngột dừng lại trong cái xôn xao của lá, cái đung đưa của cành. Dưới ánh mặt trời tàn nhẫn tiếng thầm thì của cõi sống vô thức như lớn hơn, nói bằng một giọng không ai hiểu nổi, quanh bóng tối lặng câm của nỗi buồn đau kiếp người. Đôi mắt của Arsat nhìn vẩn vơ rồi dán chặt vào mặt trời đang lên.

“Tôi chẳng thấy gì cả”

Anh nói giọng hơi lớn với chính mình.

“Có gì đâu mà thấy”

Người da trắng nói và bước ra đến mép sàn giơ tay vẫy chiếc thuyền của mình. Một tiếng kêu yếu đi qua phá và chiếc thuyền bắt đầu lặng lẽ trườn đi hướng về nơi trú ngụ của người bạn của những hồn ma.

“Nếu anh muốn đi với tôi, tôi sẽ đợi hết buổi sáng” Người da trắng nói, nhìn xa xa trên mặt nước.

“Không, Tuân ạ. Tôi sẽ không ăn hay ngủ trong nhà này, nhưng trước hết tôi phải nhìn thấy con đường của tôi. Bây giờ tôi không nhìn thấy gì cả, không thấy gì cả! Không có ánh sáng, không có hòa bình trên thế giới, nhưng có cái chết, cái chết cho nhiều người. Chúng tôi là con cùng một mẹ, và tôi đã để anh tôi lại giữa những kẻ thù; nhưng bây giờ tôi đang trở lại.”

Anh hít vào một hơi sâu và tiếp tục nói bằng giọng mơ mộng

“Chỉ một chút nữa thôi là tôi sẽ thấy đủ rõ để nghĩ ra – để nghĩ ra. Nhưng nàng đã chết… và , bây giờ tất cả lại tối đen”

Anh vung rộng hai tay để nó rơi xuống bên mình, rồi đứng yên với bộ mặt im lìm bất động và đôi mắt hóa đá, chăm chăm nhìn mặt trời. Người da trắng xuống thuyền. Những chân sào chạy thoăn thoắt dọc mạn, nhìn qua vai vào nơi xuất phát của một hành trình mệt nhọc. Ngồi cao trên đuôi thuyền, đầu quấn khăn trắng, người lái thuyền buồn bã thả cho mái chèo kéo lê dưới nước. Người da trắng tì cả hai cánh tay lên mái cỏ của khoang đuôi, nhìn những ngọn sóng lăn tăn lấp loáng phía sau thuyền. Trước khi con thuyền ra khỏi phá để đi vào con rạch, anh ngước mắt nhìn lên. Arsat vẫn đứng yên không động đậy. Trong ánh nắng tinh khôi sáng tỏ và xuyên thấu, anh vẫn đứng bất động trước nhà và vẫn nhìn qua ánh sáng rực rỡ của một ngày không mây vào bóng tối vô vọng của thế giới.

Bản Tiếng Việt ©: 2009 Hiếu Tân

[1] ‘Tuan’ trong nguyên bản