Feeds:
Bài viết
Bình luận

Posts Tagged ‘Ái Duy’

Tống cựu nghinh tân

Ái Duy

.

Một ngày cuối năm đẹp trời nọ sau vài cuộc vui trong hòa bình, người ấy bỗng dưng thú nhận với tôi điều mà anh ta tưởng và muốn rằng có thể chôn kín mãi mãi.

Lý do cho sự kiện quan trọng này là anh không muốn giấu em bất kỳ điều gì. Trước đó, tôi vẫn tưởng với người ta mình là duy nhất, đầu tiên lẫn cuối cùng còn khúc giữa cắt liệng không tính. Cũng như, tôi vẫn tưởng lòng mình mặc kệ như bãi cát sau mỗi con sóng cồn cào mùa đông, nước rút đi để lại sự phẳng lì không dấu vết nhưng hóa ra nó lại lởm chởm và nứt nẻ đến vậy. Bởi, điều ấy còn hơn cả sóng thần.

Tống cựu nghinh tân - Truyện ngắn của Ái Duy  - ảnh 1

Những ngày giáp tết bận rộn đang dần trôi qua càng lúc càng nhanh như chạy đua nước rút, khoảng thời gian thích hợp để từ chối các cuộc gọi, cuộc hẹn, và vùi đầu vô những công việc không tên nhưng hiện diện khắp nơi trong tầm mắt. Từ trong nhà ra ngoài ngõ xuống phố chợ. Nhặt cái chổi cái giẻ cái xô nước lên là tự khắc biến thành cô tiên mang tên Dọn dẹp cau có và xác xơ. Bước vô bếp nồi niêu chai lọ khua lên trong điệu rock and roll thần dân vua Táo như tội đồ khổ sai của chính mình. Ra đường tuyền màu hoa đào hoa cúc hoa mai nhưng nhìn ai cũng nhớn nhác như đang bị cuốn

trong một lực đẩy của vũ trụ. Nhưng thà cứ được quay cuồng như vậy đã là may. Thi thoảng điên lên khỏi dọn thừa gì vứt luôn cho khuất mắt, xe rác tháng chạp vất vả nhất trong năm.

Mỗi sáng sớm vào lúc 4 giờ 45 tôi vẫn tỉnh giấc trước đó ít phút nằm chờ nghe tiếng ting ting từ cái điện thoại, biết vẫn y hẹn với nó nơi bãi biển quen thuộc. Nó, đứa bạn gái cũ mòn. Chờ, và biết mình chờ cái gì rất cụ thể đôi khi đã là mong manh hạnh phúc. Ai chưa từng trải qua cái cảm giác sắp mở mắt ra và tự hỏi ủa mình dậy để làm gì, nhắm mắt ngủ tiếp đi chớ có gì chờ đón mình đâu thì hãy vui nhanh lên đi. Tôi với cái thói quen đi qua nhiều năm nay bốn mùa mưa nắng bão táp gió giông không thay đổi. Đúng giờ xuất hành đến từng phút, đúng bãi tắm đến từng mét ngang, đúng cả chỗ đậu xe máy trước công viên. Về nhà công việc đầu tiên là kéo màn cửa, nấu ấm nước nóng pha trà… Đôi khi sự trật tự ngăn nắp bên ngoài là để bù trừ che đậy cho sự ngổn ngang bên trong, và ngược lại. Nên chi tôi không bao giờ muốn trở thành kẻ thuyết giảng theo khuôn mẫu.

Vài khuôn mặt quen sẽ xuất hiện ở địa điểm như đã hẹn này, thân thuộc đến nỗi không cần mở miệng chào lấy lệ cũng được, chỉ đợi vắng mới hỏi. Trời vẫn chập choạng chưa sáng hẳn, nó sẽ đứng đợi tôi ở gốc cây tra bị cưa cụt mấy cành thấp rồi cùng đi xuống bãi cát. Trước lúc bình minh biển rất vắng người. Hai đứa cùng bơi ra xa, thả mình trôi lênh đênh ngửa mặt nhìn trời có sóng nước làm nệm. Ánh dương đầu ngày như hào quang rọi vào thẳm sâu tối tăm của tâm hồn xua đi tà ý. Nó khác tôi từ xuất thân cho tới tính cách đến vẻ bề ngoài. Nghĩ gì nói đó, ghét ai thì ghét ra mặt, sẵn sàng đánh trả, rượu uống được một mình, và không bao giờ lạc đường; còn tôi thì thua chắc toàn tập.

Sáng nay nó không nhắn tin, ra bãi cũng không gặp. Thỉnh thoảng cũng có ngày như vậy xong lỏn lẻn báo lại là thức khuya quá hoặc say quá ngủ quên. Nhưng rồi cả ngày cũng không thấy nó nói gì, chấm hỏi trong inbox cũng không thấy dấu hiệu đã đọc.

Mãi đến khuya tôi mới nhận điện thoại từ đứa con gái út của nó, ngập ngừng hỏi mẹ con có đi với cô không.

***

Nó đi một hơi không về nhà hai ngày liền, không liên lạc cũng chẳng để lại bất kỳ thông tin nào, bỏ một ông chồng, một đứa con gái, và một con chó bơ vơ trong căn nhà rộng. Trong bếp vẫn lủ khủ hũ lọ thịt ngâm mắm, tôm chua, kim chi và dưa món các thứ, rổ cải xanh to đùng chưa kịp muối nằm héo rũ trong góc nhà, mớ lá chuối và dây lạt cuộn tròn ném trên bàn chưa tháo ra. Trong bồn rửa còn cái nồi cơm đang ngâm nước và mỡ đóng váng trong chậu chén tô đĩa đầy ngập. Ngoài sân xe máy vẫn dựng đó, còn có cả bộ drap giặt phơi tự bao giờ đang tung tăng như diều sắp đứt dây trong nắng gió.

Tôi đâu có chịu trách nhiệm về sự mất tích này khi chồng con của nó hỏi như tra:

– Từ trước tới giờ bà ấy đi đâu cũng bảo là đi với cô, sao lại bảo không biết. Vô lý thế. Nhà thì bao việc.

– Ba bữa này ai chẳng bận, rảnh đâu mà rủ rê. Đi đâu làm gì chớ.

– Mẹ con lúc nào cũng nhắc cô. Thậm chí còn dặn sau này mẹ mà mất thì cứ gặp cô xin hình thờ là có ngay nữa là. Nghĩ sao tết nhứt ai cũng ở nhà lo công chuyện mà bỏ đi vậy trời.

– Gâu gâu gâu grừ grừ grừ… – chắc con chó không đi ăn chực nhà khác được.

Phòng riêng của nó trên lầu vẫn còn y nguyên, dây sạc điện thoại vẫn tòn teng trong ổ cắm, bộ đồ mặc nhà vắt hững hờ, cái xắc tay quẳng chỏng chơ, thấy cánh cửa tủ áo mở hé chắc cũng đã được kiểm tra nhiệt tình rồi. Cứ như chủ nhân của chúng ra đầu ngõ mua chanh ớt chớ không phải biền biệt đã hai hôm.

Nó còn có chỗ đi đâu bí mật sao, người đàn bà sáu chục ký tóc nhuộm quanh năm ruột để ngoài da ăn to nói lớn cười giòn. Nên chi không hề đọc thấy sự lo lắng ưu tư nào quanh cái sự biến mất này ngoại trừ chút bực bội hậm hực từ người thân. Nhưng cái người thân này nó cũng lạ lắm. Tiếng từ dưới nhà vọng lên.

– Mẹ mày đi chơi với cái lão mà hay nhắn tin điện thoại mỗi sáng sớm chứ gì? Bởi, bày đặt, đi biển cái gì, đi khách sạn thì có.

– Sao con biết được. Mà chú ấy bên Mỹ cơ.

– Đồ đàn bà thúi. Có giỏi thì đi luôn đừng về.

– Bố cũng đi suốt sao nói mẹ, về tới nhà là nôn mửa say vật ra.

– Mày cũng y như con gái mẹ mày…

Nghe cái xoảng của ly chén bể, chắc vì nhà đang có khách nên tạm ngưng nhẹ nhàng kiểu này thôi.

Nó kể với tôi rất nhiều lần về một đời làm vợ phí phạm, nhưng sao tôi chỉ nhớ mỗi chi tiết kinh dị có dạo đêm đêm đi ngủ ở ngay trong nhà mình nó vẫn phải thủ theo một khúc củi để sẵn bên gối nằm. Để tự vệ. Tự vệ với chính người từng đầu ấp tay gối. Gần đây nhất nó còn nói, “buổi tối không ngủ được nằm vắt tay lên trán tui hay nhớ lời bà”. Cứ tưởng là lời hay ý đẹp gì, ai dè câu tiếp “nhớ bà từng nói, đã đến mức đó thì ly dị đi càng sớm càng tốt”. Nghe mà chột dạ quá. Sao tôi có thể nói như vậy được khi đời mình xưa giờ chưa bỏ ai mà toàn khiến cho người ta chịu bỏ mình. Nhưng vì sao nó lại bỏ qua cơ hội đập đi xây lại cuộc đời làm vợ đúng nghĩa khi vẫn còn có thể? Luôn luôn, ở cái tuổi nào cũng vậy, câu trả lời thường nằm ngoài lý do bản thân dù không ai có thể sống thay mình.

Tôi thò mặt vào giữa hai tia mắt gườm nhau như đấu chưởng của thân nhân người mất tích:

– Nhà mình có báo công an không? Tôi đã gọi hỏi hết những người quen rồi.

– Tôi khắc biết xử lý. Cám ơn, cô về nhá.

– Bực bà già quá đi mất, chẳng nói chẳng rằng tự dưng bốc hơi. Vâng cô về, có gì gọi cho con nhé.

Sau lưng tôi:

– Kỳ cục thiệt, mẹ biến đi đâu vậy trời, bố, không lẽ… hay tới bệnh viện hỏi thử?

– Bày đặt. Cọp vật không chết, lẽ lẽ cái gì. Đi được thì về được.

– Nhỡ mẹ bị… Alzheimer quên đường về thì sao bố?

– Vớ vẩn, mẹ mày mà lạc. Mày đi đâu đấy con kia?

– Con kiếm cái gì cho con chó, nó đói quá hóa rồ rồi kìa.

– Chó chó chó, chó hơn người à. A lô a lô, đứa nào đấy, ừ anh mày nghe đây. Rồi rồi anh ra ngay, quán Tư Quởn hả, gọi trước đi, tết nhứt cái gì, Đ.M qua nay không có hạt cơm trong bụng.

– Bố nhớ cầm chìa khóa nhà theo đấy, về khuya đập cửa chửi bới ầm ĩ cả xóm không có mẹ ai mở cửa cho.

– Con này láo nhỉ.

– Con phải làm ca đêm đấy.

***

Tôi với nó được trận cười như điên, chắc nhờ chuốc nhau say dù tửu lượng của phụ nữ khó biết chính xác. Nó còn liên tục chùi nước mắt sống ứa ra nữa.

– Thôi tui về. Thiệt ra đêm đó nản quá tui đi bộ xuống dưới biển ngồi một mình, thèm nhảy xuống nước dễ sợ. Thì tắm chớ làm gì. Thấy bảo vệ tới dòm chừng miết nên cũng tội cháu nó đành phải đứng dậy bỏ đi. Cám ơn hai ngày đêm xả hơi cho khách không mời này nha. Xả sạch hết trọi không còn gì.

– Lỡ chơi rồi, ở lại qua tất niên đã chớ.

– Không được, mai gói bánh, 30 còn có đám giỗ. Tiếc ghê.

– Sáng đi tắm biển lại hen.

– Ờ. Vậy mà bà bắt tui ở nhà, đời nào cha con ổng chịu dậy giờ đó để mà ra biển tìm chớ.

– Về rồi giải thích sao? Ổng tưởng bà theo trai đó.

– Càng tốt. Tưởng chỉ có mấy ông theo gái thôi sao.

– Rồi đưa mông vô trước?

– Còn lâu.

Nó nhẹ hều đi về, bỏ mặc tôi nặng trịch hoang mang.

Đúng y như rằng, 30 phút sau nó nhắn “cha con lão hỏi đi đâu về đó, tui lớn tiếng nói đi chơi, xong im re hết luôn, kkkkkkk”. Tôi nhắn lại, “dọn tết vui vẻ”. Nó trả lời liền, “không thành vấn đề vì đã dọn mình xong trước rồi”. Nghe thì có vẻ hả hê lắm chỉ có điều tâm trạng này chắc cũng

không còn mới mẻ gì với nó cả bởi thường xuyên quay lại như chu kỳ.

***

Thực ra cái sự từ chối nghe điện thoại, hủy lịch hẹn, lạnh nhạt tương tác, dọn dẹp bỏ đi hoặc đoạn tuyệt các thứ… không phải và không thể nào để chấm dứt một mối quan hệ tình cảm đã có tuổi đời mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm… Đơn giản chỉ là phân vân dừng lại vì thất thế, tự ti và tổn thương của kẻ đang nắm thế thượng phong bỗng chốc phát hiện ra mình trở thành con rối từ đời nào. Không phải ai cũng nhận ra dù mơ hồ. Có người mãi mãi chấp nhận làm con rối và cùng song hành, cũng có người thoát ra nhưng lại cứ dung dưỡng nó, để nó sai khiến. Và tôi đã vứt nó đi hết lần này tới lần khác, dù đó là những con rối cứu rỗi.

Sắp hết năm cũ rồi, dù sao thì xuân cứ đến cứ đi…

Read Full Post »

Thảo nguyên sau cánh cửa

Truyện ngắn Ái Duy

Như thường lệ, sau khi đã chuẩn bị xong xuôi hành trang lên đường đi đâu đó tôi mới ghé nhà ba má báo cáo. Biết chắc đầu tiên sẽ nghe ba càm ràm đi gì mà đi miết, đôi khi cũng bị làm mặt giận ít ngày, và thi thoảng thì được cho thêm lộ phí vào giờ chót. Má thì khác, lúc thì toa rập giấu ba, bộ ổng không biết mày bao nhiêu tuổi rồi sao, lúc thì mừng vui khuyến khích đi đi con, thậm chí còn không giấu vẻ ganh tị. Qua được ải song thân, dù đôi khi buộc phải nói dối hoặc cãi bướng mà thấy nhẹ nhõm như đặt được một chân lên máy bay. Nhiều khi nghĩ cũng mắc cười, sao thấy mình hoài không lớn nổi trong mắt ba má. (more…)

Read Full Post »

Bãi Xép

Truyện ngắn của Ái Duy
13418625_1225826587436872_5517941925758896125_o
Khi hai người đi xe máy xuống hết đèo thì cơn bão cũng vừa kịp tan. Nó, cơn bão vừa đi qua ấy đã cuốn họ vào giữa, gầm thét ra oai rồi hung hãn cuồn cuộn lao lên phía trước.
Nhờ không ngừng lại và vẫn lì lợm tiếp tục hành trình mà họ đã xuyên qua nó một cách ngoạn mục. Bầu trời sau bão bỗng trở nên quang đãng và trong trẻo một cách kỳ lạ, nắng dát vàng ươm.
“Cơn bão đâu rồi, anh? Không còn chút dấu vết nào của nó nữa”.
“Ừ, nó muốn đi đâu đó thì đi”.
“Cơn bão, không phải con mèo con chó đâu”.
“Ừ, kệ nó. Mình không sao rồi”.
“Kinh khủng thật. Ban nãy giữa đỉnh đèo em đã nghĩ đến cảnh mình bị hất tung lên giữa không trung, rồi bay là là đáp xuống vực”.
“Dù gì thì mình cũng sẽ bay cùng nhau mà”.
“Lại kệ. Em muốn dừng lại nghỉ một chút. Kệ luôn không?”.
“Mình đang cách cái thị trấn gần nhất độ hơn 10 km thôi. Ráng chút nữa, dừng dọc đường nắng lắm”.
Người đàn bà đang nhìn quanh quất chợt thấy một con đường mòn ẩn hiện bên phải quốc lộ nên bật thốt “Có một lối rẽ kìa anh, chỗ đó mát”. Người đàn ông nhìn theo hướng tay chỉ, “Là một ngã xuống biển em à”. “Ô có biển gần đây sao? Hay mình ghé ra đó chơi chút?”. “Ừ thì đi, anh chưa biết chỗ này
Họ luôn hăm hở trước những con đường mới, những ngã rẽ bất chợt, những nơi không có nhiều con mắt thế gian. Xe máy chạy chật vật trên con đường mòn hẹp rí, cây dại mọc tràn va quệt rào rạo, gặp cát lún chao qua đảo lại như say.
“Hết đường rồi em”.
“Ủa sao kỳ vậy?”.
“Muốn đi ra biển phải băng qua cái rừng dương trước mặt”.
“Em muốn ra biển. Biển chắc rất gần đây thôi”.
“Ừ anh cũng đã nghe mùi biển. Vậy mình bỏ xe đây đi tiếp”.
Họ bắt đầu đi bộ xuyên qua rừng dương, thấp thoáng màu xanh của biển trời xa xa như những ô cửa vẫy gọi. Giữa trưa đứng bóng tịnh không thấy bóng người, vài chú giông hay rắn mối sột soạt xẹt ngang rồi mất hút. Chỉ có tiếng sóng đang vỗ về rù quyến và bầy lá hoan ca trên những hàng cây. Từng lùm từng bụi xương rồng bàn chải, bồn bồn, hoa ngũ sắc đan xen. Và rồi một thảm hoa muống biển tím rịm dày đặc đột ngột xuất hiện trải dài như dẫn lối.
Biển mở toang trước mắt, phẳng lặng, xanh thăm thẳm trong suốt màu ngọc thạch. Cuối chân trời mây trắng bồng bềnh ánh lên màu xà cừ. Từng cơn sóng lăn tăn trườn lên mềm mỏng nũng nịu. Bãi cát mịn như nhung, trắng phau phau không một vết gợn mơn man in dấu từng bước chân. Hai dãy đá đen huyền bí lô xô nhô cao ôm gọn bãi biển hình cánh cung chừng 500 mét vào lòng, nửa kín đáo nửa mời gọi. Thanh bình, hoang sơ và khoáng đạt, tưởng chừng như chưa có ai đặt chân tới đây.
“Đẹp tuyệt, không thể tưởng tượng ra có một nơi hoang vu lại đẹp kỳ lạ dường này”.
Người đàn bà như tỉnh lại sau giây phút lịm đi vì hân hoan, sững sờ lẩm bẩm rồi hối hả băng mình lao về phía biển.
“Em chỉ muốn lăn tròn cuộn trong cát, em muốn nhảy ùm xuống nước, em muốn ôm hết vào lòng, làm sao đây…”
Người đàn ông lững thững theo sau, không rời mắt khỏi những bước đi ấy, mỉm cười độ lượng. Từ lâu, họ vẫn cùng đi bên nhau, cùng nhìn về một hướng.
“Em cứ làm tất cả những gì em muốn ở đây”.
“Đây là đâu vậy anh?”.
“Anh nhớ rồi, hồi lâu có đọc, đây là Bãi Xép”.
“Bãi Xép? Tên gì tội nghiệp vậy?”.
“Vì nó nhỏ và nằm lọt thỏm giữa hai ghềnh đá, tách biệt, không giao du với biển lớn, không thuận tiện giao thông”.
“Vậy là bị thiên hạ bỏ quên riết nên thành Xép luôn?”.
“Ừ. Như ga xép, gác xép…”
“… vợ Xép nữa”. “Tào lao”.
Người đàn bà phá ra cười, “Người ta hoa nhường nguyệt thẹn vầy đây mà xép xép cái gì chứ. Nó phải đáng gọi là bãi Tiên sa Thánh lặn. Đi sửa bản đồ đây”.
“Một cái tên hoa mỹ có khi làm hỏng người đẹp đó”.
“Thì… ta sẽ đặt tên cho nó là bãi Tùy Duyên, bãi Sau Bão, bãi Lạc Lối… chẳng hạn, miễn không là Xép, đừng là Xép”.
“Được rồi. Anh sẽ gọi nó là bãi Tùy em”.
“Tùy anh”.
“Ừ ừ… Sau bãi đá này là một ngọn đồi thấp xanh mướt, em có muốn lên đó ngắm cảnh không?”.
“Muốn”. Thiếu điều nàng nhảy dựng lên trong phấn khích.
Họ dẫn nhau chạy lúp xúp lên đồi, mặt trời rơi lại phía sau lưng. Nắng quá đỗi dịu dàng, mây đùn lên một góc trời mát rượi.
“Không có ai trên này cả, ôi, không một bóng người”, nàng hét ầm lên, cuống quýt chạy qua chạy lại như một con thỏ sổng chuồng, rồi đổ người xuống mặt cỏ bằng phẳng êm mát như lụa lấm tấm những vạt hoa vàng li ti lăn mấy vòng. Cỏ thơm mát quá. Gió ngọt quá. Hoa vàng quá. Trời đất mênh mông quá. Như trong cổ tích, chắc chắn là mình lạc vào xứ thần tiên rồi, mình sắp bay bổng lên rồi, nàng tự nhủ.
“Ngọn đồi này chính là một tinh cầu tí hon. Nhưng em không phải là hoàng tử Bé, đừng nhìn em như vậy”.
“Chỉ có em và anh”, người đàn ông vùi mặt sau gáy nàng, quấn riết. Bầu trời rất gần, còn biển xanh như tơ trời thì vắt ngang tầm mắt xa xa dưới kia.
“Một ngày nào đó, Bãi Xép sẽ khác, sẽ nổi tiếng, phải không anh”.
“Khi có nhiều người biết rồi tìm đến, và điều đó cũng xứng đáng thôi”.
“Khi đó nếu mình quay lại, chắc gì còn được nằm ngửa trên đồi nhìn trời biển như vầy”.
“Không sao, nếu lúc đó có rất đông người đi nữa thì anh cũng vẫn sẽ ôm em và hôn em như bây giờ mà”.
“Lúc đó em bảy chục tuổi”.
“Ừ. Lúc đó mình đang đi hưởng tuần trăng mật”.
Nàng phải ngồi bật dậy để giũ tràng cười sặc sụa.
“Chết mất”.
“Anh chưa bao giờ nói dối em”.
“Nhưng anh cũng không cần phải nói quá thật như vậy mà”.
Trời đột ngột đổ mưa. Cả ngọn đồi trống trơ chỉ có vài bụi cây thấp lè tè. Họ dìu nhau chạy đến dựa vào một vách đá dưới chân đồi. Mưa rắc lên tóc lên mặt mát lạnh, nàng vuốt nước mưa cười vang nắc nẻ.
“Hay mình cùng tắm mưa đi, lâu rồi em chưa tận hưởng cảm giác này”.
Người đàn ông lặng lẽ cởi cái áo khoác đang mặc ra, kéo đầu nàng úp vào ngực mình, dang tay choàng cái áo phủ kín nàng lại. Dường như nàng có cựa quậy vì bất ngờ, nhưng sau cùng cũng ngoan ngoãn vòng tay qua lưng người đàn ông, nhắm mắt áp má cảm nhận từng nhịp tim và hơi thở gấp gáp.
“Em có lạnh không?”.
Nàng lắc đầu nguầy nguậy, nước mắt đã dâng bờ mi. Nàng không còn nghĩ ra cái gì vào lúc này nữa. Mà có gì phải nghĩ ngợi, chỉ cần như thế này là đủ rồi. Ngoài kia trời vẫn mưa, cứ mưa. Không biết tinh cầu có còn quay không. Họ đứng dựa vào nhau khá lâu như vậy.
Nhiều, rất nhiều năm sau đó nàng không bao giờ quên cái giây phút bị cầm tù dưới mưa này, không hành động không ngôn từ nhưng đó là sự ấm nồng, sự chở che, là sự hòa quyện… Cho dù nàng đã quên sạch sẽ rất nhiều thứ vô tình lẫn cố ý.
Dứt mưa, họ luyến tiếc giã từ Bãi Xép, nhắm hướng rừng dương dắt tay đi ra.
Có hai bóng người một nam một nữ đang đi tới từ đó, có lẽ cũng nhìn thấy họ từ xa nên hai người ấy cũng giãn nhau ra. Nàng và người đàn ông của mình có chút phân vân.
“Anh X.”, người đàn ông sửng sốt kêu lên khi lại gần, khẽ buông tay nàng ra rồi nhìn qua người phụ nữ đi cùng X. Cú buông tay rất khẽ nhưng lại khiến nàng như người bước hụt.
Người tên X. cũng hốt hoảng không kém khi được nhận ra, “Y. hả”, và lập tức đưa mắt thầm đánh giá ước lượng nàng rất nhanh.
Họ ngượng ngập và đồng lõa chào nhau. Y. nói nhỏ bên tai nàng, X. là anh rể của anh. Tất nhiên người phụ nữ đi cùng không phải là bà chị của anh rồi, nàng nghĩ.
Hai người đàn ông bá vai nhau ra một góc vắng trao đổi thỏa thuận gì đó, vẻ thông cảm hiểu biết. Họ cùng cười thành tiếng, vỗ vai nhau như bạn bè lâu ngày mới gặp. Hai người đàn bà còn lại lạnh nhạt ngắm cảnh chờ đợi.
Anh trở lại kéo nàng đi ra nhanh, mặc ông anh rể dẫn người phụ nữ lạ ấy đi xuống
Bãi Xép.
Nàng cười buồn, “Anh X. nói gì với anh vậy?”.
“Không có gì. Chuyện bình thường thôi”.
Chắc là chuyện muôn đời của đàn ông, trong đó những người đàn bà sẽ trở thành nhân vật phụ, nàng thầm nghĩ, và khó khăn để nhận ra, cái đầu mình đang rỗng tuếch.
Rồi họ cùng im lặng đi ngược lên đường. Bãi Xép, chắc chắn không phải là thiên đường của riêng nàng và Y. nữa rồi.
***
15 năm sau, người đàn bà trở lại nơi này, một mình.
Bãi Xép nhờ một cơ duyên giờ đã vang danh thiên hạ, tấp nập người xe vội vã tìm đến vội vã ra đi. Con đường mòn ẩn hiện xuyên qua rừng dương nay đã được mở rộng thành đường bê tông, xe bus đi từ quốc lộ vào tận nơi. Có thêm nhà chòi nghỉ chân và ăn uống, một dãy dù bằng xi măng hình cái nấm kèm ghế trên bãi cát, vài bảng quảng cáo giá cả các loại dịch vụ.
Trưa đứng bóng, người đàn bà thả bộ ra biển, vẫn cái màu xanh huyền hoặc, vẫn bãi cát dài trống trênh bỏng rát không có ai, hệt như ngày xưa. Đang 41 độ ngoài trời nắng, họa có điên mới lang thang ra bãi sa mạc này. Và nếu có chắc cũng chẳng ai nhận ra người đàn bà bịt khẩu trang, đội mũ rộng vành, mặc áo chống nắng, đeo kính đen che nửa mặt đang đi vẩn vơ.
Mùa mưa chưa tới, cỏ hoa trên đồi xác xơ khô ráp nghe cả mùi khen khét, gốc rễ lởm chởm nhoi nhói dưới chân, từng mảng đất trọc già nua lộ ra đầy muộn phiền.
Vách đá ngày nào hai người trốn mưa cầm tù nhau vẫn còn, trơ trơ ra đó.
Y. đang ở đâu, có bao giờ trở lại đây không?
Bãi Xép, muôn đời vẫn là Bãi Xép, không có gì thay đổi, ít nhất là trong khoảnh khắc này.
Chắc cũng không ít người như nàng từng muốn đổi tên cho nó mà đành bất lực. Nhưng biết đâu đó lại là điều may mắn, cho ít nhất hai người.
Bãi Xép, 8.2016

(more…)

Read Full Post »

Sóng tựa như mây

Ái Duy

Kenji Croman Photography. Kenji Croman is a wave photographer located in Honolulu Hawaii.

Kenji Croman Photography. Kenji Croman is a wave photographer located in Honolulu Hawaii.

 

Biển động.
Một tuần lễ liền tôi không dám xuống nước, chỉ đi dọc bờ cát ấm rồi ngồi lại trên bờ ngắm sóng khơi khơi đón bình minh.
Sóng, từng cơn sóng dồn dập, ngạo nghễ vươn cao cuộn xoáy lại rồi quật đánh rầm xuống, rền vang bất tận tung bọt trắng xóa tràn bờ. Bầu trời mù mịt, mây xám nặng nề giăng mắc.. Tận cuối chân trời mới thấy ửng được chút ánh dương hồng. Tôi luôn mặc sẵn đồ bơi khi ra khỏi nhà lúc 5 giờ sáng như thường lệ, với hy vọng biển đã dịu cơn thịnh nộ cho mình được vùi vào lòng dịu êm. Toàn hoài công. Tôi sợ.

(more…)

Read Full Post »

Hóa thân

 

 

Truyện ngắn của ÁI DUY

 

hoanghonque1

 

Năm lên ba tuổi Mỵ theo mẹ về ở đậu trong dãy nhà ngang sau lưng một cái am thờ Ông Hoàng Bà Chúa, nghe nói đã được xây dựng trên hai chục năm và hưng thịnh nhất là thời kỳ sau 1954, lúc lớp lớp người có tiền của rời miền Bắc di cư vào Nam. Mẹ con Mỵ trôi dạt đến xứ người không nơi nương tựa, được bà cụ Đồng là người chủ am thương tình cho ở không lấy tiền; cốt có người tin cậy bầu bạn và làm không công công việc nhà bếp mỗi khi am cúng kiếng rồi sau đó được hưởng phần còn lại. Cụ không con, chỉ có cậu con trai nuôi hiền lành tên Điền. (more…)

Read Full Post »

Hun hút đường mây

Truyện ngắn của ÁI DUY
vy da 1
Đúng kỳ hạn, con chim thiên di có cái tên là Trân lại bay về phương nam trú đông đón xuân; rồi sau đó lại chập choạng vỗ cánh tiếp tục ngược đường bắt đầu một chu kỳ thường niên mới. Bao nhiêu là giông bão sao Trân vẫn không khác mấy một con chim lạc bầy, yếu ớt, gắng gỏi lặn lội miên man trên cung đường thiên mệnh. Tóc lỉa chĩa tém ót, da dẻ xanh trong, có cảm giác như ánh nắng cũng đi xuyên qua được cái cơ thể mảnh dẽ ấy.

(more…)

Read Full Post »

Đã từng như thế

 

      Truyện ngắn của ÁI DUY

 

Tranh Lê Thiết Cương.

Tranh Lê Thiết Cương.

 

Đã từng như thế, khi Xuân là một cô gái hai mươi mốt, lần đầu xa nhà để bắt đầu cuộc sống tự lập của một giáo viên ở ngôi trường tiểu học duy nhất của một làng bị bỏ quên ở ven sông. Ngôi làng ấy thậm chí có những người cả đời chưa hề qua sông lên thị trấn và những con quạ chao chác ở hai bên triền sông đông hơn rất nhiều lượng khách qua lại bến đò ngang mỗi ngày. Bên này sông là chỗ dừng chân cuối cùng của khách từ thị trấn lên. Bên kia sông tre đan rậm rì bao phủ như một bức cổ thành, dòng sông uốn lượn vây bủa và một con đò ngang hay trở chứng cùng với ông già chống đò nghễnh ngãng đủ làm thoái chí bất kỳ ai có ý định đi qua. (more…)

Read Full Post »

Không buồn

 

Truyện ngắn của ÁI DUY

Tranh Le Thiet Cuong

Tranh Le Thiet Cuong

Bắt đầu từ một biến cố mang tính lịch sử trong đời người, tôi được hân hạnh làm quen với rất nhiều người, trong đó có chị Nga. Chị đến với tôi vì nhiều lẽ, thứ nhất là để san sẻ chia buồn, thứ hai nhân danh người cùng cảnh ngộ, thứ ba chắc là vì tò mò bởi trước đó tôi và chị hầu như chỉ mới nghe nói về nhau. Tôi cũng đã từng bày tỏ qua trung gian sự khâm phục một phụ nữ mạnh mẽ tài ba dám thay đổi số phận, còn chị thì gởi lời hâm mộ đến người có tài lạt mềm buột chặt.Tuy nhiên, cũng phải đến lần thứ năm thứ bảy khi mọi chuyện đã lắng xuống tôi mới thực sự nghe, nhìn, và cảm về người đàn bà này qua những gì mà chị tự bộc lộ.

(more…)

Read Full Post »

Những bức bình phong

Truyện ngắn của Ái Duy

 Những bức bình phong

Khi đi ngang qua một bức tường cũ kỷ, đổ nát và xiêu vẹo để bước vào gian nhà chính, chị Nghi hơi dừng lại một chút rồi nói với tôi: “Ngày xưa, nó là một bức bình phong rất đẹp”. (more…)

Read Full Post »

Ngang Qua Mà Nhớ

Ái Duy

thunglunghong-151009

 

Có lẽ lúc đó đã quá nửa đêm, căn phòng trọ Ở vùng đồi núi thung lũng này lại không có đồng hồ treo tường, dường như Như bị đánh thức bởi một cái gì đó rờn rợn mơ hồ đang lan tỏa trong không gian bốn bề tịch mịch yên ắng. (more…)

Read Full Post »

Older Posts »