Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘Xứ Nẫu, Người Nẫu’ Category

Nguyễn Thanh Quang

 

Việc ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, công đầu được ghi nhận bởi ba nhà truyền giáo dòng Tên tại cư sở tiên khởi Nước Mặn: Francesco Buzomi (Ý), Francisco de Pina (Bồ) và Cristoforo Borri (Ý). Tuy nhiên, vai trò của Linh mục Bề trên Buzomi với chữ Quốc ngữ chưa được đánh giá khách quan, công bằng…

​Chỉ dẫn của dòng Tên khi các thừa sai đi truyền giáo, ghi cụ thể: “… Cha tìm hiểu ngôn ngữ mà các dân tộc ấy dùng để nói; nếu có nhiều ngôn ngữ, thì hãy chú ý ghi ngôn ngữ nào được sử dụng nhiều nhất, chủ yếu là trong giới bình dân. Cha tìm hiểu về chữ mà họ dùng để viết; về các chữ này, cha tìm cách hỏi những văn sĩ ưu tú mà cha gặp được, để ghi lại một bản chữ cái, kể cả những dấu nối và dấu phân câu mà họ dùng; cha cũng chú ý ghi lại bằng mẫu tự Latin tương ứng với cách phát âm, để ta có thể so sánh…”.

​Việc Latin hóa các hệ thống chữ viết không dùng mẫu tự Latin đã trở thành thông dụng và được xem như “truyền thống” của các thừa sai dòng Tên. Các thừa sai khi đến truyền giáo ở một đất nước nào, thì việc đầu tiên là học ngôn ngữ của nước đó. Muốn học ngôn ngữ bản địa, trước hết các thừa sai phải dùng mẫu tự Latin ghi âm tiếng nói của địa phương, đồng thời tiến hành biên soạn từ điển và ngữ pháp ngôn ngữ của đất nước đó. Các từ điển và ngữ pháp thường căn cứ theo mẫu các sách từ điển và ngữ pháp của tiếng Latin.

Dòng Tên Tỉnh dòng Nhật Bản bị chi phối bởi Bồ Đào Nha, trụ sở của dòng lúc ấy được đặt tại các lãnh địa của người Bồ ở Goa và Macau.Các nhà truyền giáo đương thời thuộc các quốc gia khác, phải được thụ huấn một thời gian trước khi lên đường đi truyền giáo. Vùng hoạt động truyền giáo của Tỉnh dòng bao gồm Trung Hoa, Nhật Bản, Macau và các vùng liền kề, trong đó có Đại Việt, thuộc quyền bảo trợ của Bồ Đào Nha. Nhân sự của Tỉnh dòng gồm nhiều quốc tịch, như: Ý, Pháp, Bồ, Nhật… trong đó đa số là người Bồ Đào Nha.

​Nhờ sự bảo trợ của Trần Đức Hòa, Khám lý Tuần phủ Qui Nhơn, cư sở tiên khởi của dòng Tên tại Đại Việt được thành lập tại Nước Mặn (Residentia di Pulocambi) vào Tháng 7 năm 1618. Từ năm 1618 – 1620, tại cư sở Nước Mặn có các nhà truyền giáo: Linh mục Pina (Bồ), Linh mục Borri (Ý), tu huynh Diaz (Bồ) và Linh mục Buzomi (Ý) là Bề trên của cư sở. Năm 1625, cư sở Nước Mặn của Linh mục Bề trên Buzomi có các linh mục: Gaspar Luis, Majorica và các tu huynh K’ieou, Nishi.

​Cha Bề trên Buzomi chú trọng thực hiện cụ thể Chỉ dẫn của Nhà dòng về việc tìm hiểu, học hỏi ngôn ngữ bản địa. Sử liệu dòng Tên cho biết, những năm 1618 – 1620 các thừa sai làm việc ở Nước Mặn, Đàng Trong là những người đầu tiên học và biết tiếng Việt.

​Theo Báo cáo thường niênnăm 1618, tại cư sở Nước Mặn có một thanh niên mười sáu tuổi, lanh lợi và thông minh, giỏi Hán văn, được dân làng yêu mến, là một tân tòng, tên thánh rửa tội là Phêrô. Dưới sự giám sát của cha Buzomi, anh giúp các thừa sai biên dịch sang tiếng địa phương quyển sách giáo lý gồm các kinh: Lạy Cha, Kính Mừng, Tin Kính, Mười điều răn… mà các Kitô hữu đã thuộc. Hiện nay, quyển sách giáo lý ấy chưa được tìm thấy, các nhà nghiên cứu cho rằng sách được soạn bằng chữ Nôm. Theo Linh mục Léopold Cadière, quyển sách giáo lý nầy được biên soạn bằng ngôn ngữ Đàng Trong, loại ngôn ngữ phổ thông (chữ Nôm)… Song song với việc biên soạn bằng chữ Nôm, sách cũng được phiên âm bằng mẫu tự Latin để các thừa sai được tiện dùng.

​Báo cáo thường niên năm 1619, chép: “Các thừa sai dòng Tên ở Nước Mặn là những người đầu tiên chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ hơn bất cứ điều gì khác”. Cha Buzomi thành lập một trường học tại cư sở Nước Mặn, chọn một thầy giáo xuất sắc về chữ Hán và chữ Nôm để làm việc tại trường nhằm giúp các thừa sai trong việc nghiên cứu và ghi âm tiếng Việt, hoặc dịch các tài liệu cho các thừa sai.

Ba Linh mục dòng Tên đầu tiên tại cư sở Nước Mặn được ghi nhận có những đóng góp ban đầu trong việc dùng mẫu tự Latin ghi âm tiếng Việt, sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là: Bề trên Buzomi, Pina và Borri.

+ Francisco de Pina: Đến Đàng Trong năm 1617, chết năm 1625. Pina có 8 năm truyền giáo ở Đàng Trong. Bức thư được cho là của linh mục Pina viết tại Dinh Chiêm năm 1623, bằng tiếng Bồ, xen lẫn vài cụm từ Latin, Nhật hay Mã Lai và vài tiếng Việt Nam được ghi bằng mẫu tự Latin. Pina được ghi nhận là người nói tiếng Việt giỏi nhất trong các nhà truyền giáo lúc bấy giờ.

+ Cristoforo Borri: Đến Đàng Trong năm 1618, rời Đàng Trong năm 1622. Bốn năm ở Nước Mặn, Borri đã để lại một số câu từ “Quốc ngữ tiền Đắc Lộ” trong tác phẩm nổi tiếng: Relatione della nuova missione delli PP. della Compagnia di Giesù al Regno della Cocincina (Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong). Ông Thanh Lãng đếm trong bản dịch của Bonifacy có đến 94 từ Quốc ngữ, và trong tài liệu viết tay có rất nhiều chữ mang hình thức hệt như ngày nay. Thí dụ: tui, biết, mọi, càn…

+ Francesco Buzomi sinh năm 1574 tại Napoli (Ý), giáo sư thần học. Ông đến Macau năm 1608, sau đó qua Nhật. Năm 1615 đến Đại Việt, lúc đầu ông làm việc với người Công giáo Bồ ở cửa Hàn (Đà Nẵng), người Công giáo Nhật ở Hội An (Quảng Nam). Năm 1617 vào Nước Mặn, học tiếng Việt và bắt đầu truyền giáo cho người Việt. Với khả năng tổ chức tốt, ông đã sớm tìm kiếm những cộng tác viên ưu tú người Nhật, người Việt để giúp các giáo sĩ dòng Tên đến Đàng Trong học tiếng Việt. Từ năm 1618 – 1629, Linh mục Buzomi làm Bề trên cư sở Nước Mặn. Năm 1929, cùng với các thừa sai khác, Buzomi bị chúa Nguyễn trục xuất khỏi Đàng Trong, sang truyền giáo tại Cambodia (1629-1634). Năm 1934, từ Cambodia Linh mục Buzomi về Macau. Năm 1635 – 1639, Buzomi trở lại Đàng Trong với tư cách Bề trên miền truyền giáo. Năm 1639, lệnh chúa nguyễn Phước Lan trục xuất các thừ sai. Theo Linh mục Đỗ Quang Chính: “Francesco Buzomi… qua đời tại Áo Môn vì bệnh, ngày 01.7.1639”.

Linh mục Alexandre de Rhodes nhận định: cha Buzomi là vị tông đồ đích thực của Đàng Trong, người đã tận tụy lo việc truyền giáo, hoạt động trong hơn hai mươi năm với một sự kiên trì đáng được khen ngợi, ca tụng. Ngày 13.7.1626, Linh mục Buzomi viết một bức thư bằng tiếng Ý dài 4 trang gửi cho Linh mục Mutio Vitelleschi, Bề trên cả dòng Tên. Trong thư có một số chữ Quốc ngữ được viết theo lối cách ngữ như ngày nay:

Trình độ hiểu biết sâu sắc nghĩa từ tiếng Việt và tài năng điển chế từ ngữ tiếng Việt của Linh mục Buzomi trong thư kể trên được Đỗ Quang Chính ghi nhận:

“Trong thư nầy, Buzomi tỏ ra không tán thành các từ Thiên, Thượng Đế, Thiên Chủ Thượng Đế, Ngọc Hoàng; vì không chỉ rõ Đấng Tối cao theo giáo lý Công giáo (như Thiên, Thượng Đế), hoặc chỉ một thứ tín ngưỡng đã xuất hiện từ lâu ở Việt Nam (Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng Thượng Đế), hoặc cụm từ có tính cách hoàn toàn Trung Hoa (Thiên Chủ Thượng Đế), nên Buzomi ngã theo cách dùng từ ngữ Thiên Chúa , vừa vắn, vừa hợp với văn hóa xã hội Việt Nam, vì hai từ Thiên và Chúa đã quá quen thuộc trong xã hội nầy”.

Linh mục Đỗ Quang Chính cũng nhận định chữ Quốc ngữ của Linh mục Buzomi tiến bộ hơn so với các giáo sĩ cùng thời, trong thư 1626: “Nhìn vào những chữ Quốc ngữ của Buzomi, mặc dầu ít, nhưng đã thấy tiến triển, nếu đem so sánh với lối viết của João Roiz, C. Borri, Đắc Lộ, Gaspar Luis và Antonio de Fontes từ năm 1626 trở về trước”.

Thế nhưng, Linh mục Đỗ Quang Chính nêu danh sách gần mười vị góp công sáng tạo chữ Quốc ngữ thời kỳ đầu, gồm: Francisco de Pina, Cristoforo Borri, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa, Alexandre de Rhodes, Filippo Marini, Bento Thiện, Igesico Văn Tín, mà không có tên Francesco Buzomi trong danh sách này!

Linh mục Daniello Bartoli (1608-1685) – Nhà sử học dòng Tên (cùng thời với Buzomi và Pina) nhận xét về trình độ hiểu biết tiếng Việt của Buzomi vào năm 1623 như sau: “Ngoài ra, với trí nhớ sâu sắc như một thiên tài cùng với sự nhiệt tình tuyệt vời của cha đã giúp cho cha học nhanh ngôn ngữ đó [Đàng Trong], nắm bắt tính đa nghĩa của từ, tính chất của các dấu nhấn và cung giọng được thể hiện theo ý muốn. Nhờ vậy, trong một thời gian ngắn, cha đã biên soạn từ vựng và luật mẹo ngữ pháp tốt đẹp”. Bartoli còn cho biết khả năng ngôn ngữ Đàng Trong của Buzomi và Pina: “Cha Pina và cha Buzomi là những thừa sai nắm bắt được ngôn ngữ thông dụng của Đàng Trong, có thể thuyết giáo, trao đổi với các nhân sĩ và các vị sãi, trong các việc riêng tư hay trong nơi công hội”.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu – Linh mục Roland Jacques đưa ra nhận định: “Nhà chép sử dòng Tên Bartoli cho rằng Buzomi sáng tác một hệ thống văn phạm và ngữ vựng. Một trong những chứng lý là một bức thư viết năm 1622 mà chúng tôi không thể tìm ra. Có thể có sự lẫn lộn với Pina chăng…”!

Bức thư bằng tiếng Bồ của Pina viết tại Đàng Trong năm 1622, gửi cha Giám sát dòng Tên là Jérónimo Rodrigues “senior”, chép: “Tại Pulo Cambi [Nước Mặn], cha Buzomi có ba ông sãi làm thay cha hết mọi việc. Vì thế, nếu xảy ra chuyện gì, hoặc có công việc gì phải điều hành hay chuyển tin tức quan trọng, cha phái một thông dịch viên, hay một trong ba ông sãi… Khi giờ giáo lý kết thúc, cha ra về, còn họ thì ở lại hoặc để ôn tập, hoặc để chuyện trò với các dự tòng”.

Vai trò của Buzomi trong việc ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin sáng tạo chữ Quốc ngữ được ghi nhận khá mờ nhạt so với các nhà truyền giáo cùng thời, với lý lẽ thông thường được đưa ra là: cha Buzomi khi giao dịch hoặc giảng giáo lý cha dùng thông ngôn, nên cho rằng Buzomi không nói được tiếng Việt.

Việc Linh mục Buzomi thường xuyên sử dụng thông ngôn chứng tỏ Linh mục là người cẩn trọng, hơn nữa là một Bề trên, Buzomi còn có nhiều công việc khác. Chính Linh mục Buzomi đã cho biết trong bức thư viết vào tháng 5 năm 1622 gởi cho cha “kinh lược sứ”: “Ngôn ngữ xứ này rất khó vì ý nghĩa của nó được phân biệt bằng thanh điệu hơn là từ ngữ. Tôi bị bệnh lâu ngày và làm việc liên tục, điều đó không cho phép tôi chờ đợi qua thời gian dài. Do đó, khi dạy giáo lý, tôi luôn sử dụng thông ngôn. Tôi hỗ trợ anh ta và gợi ý cho anh ta từng bước một những gì anh ta phải nói và hướng dẫn anh ta nếu có điều gì có thể bị hiểu nhầm. Và như thế những gì anh được nói, nó có giá trị như chính tôi đã nói”.

Sử gia Bartoli đã ghi nhận: “Khi Linh mục không đủ tự tin vào khả năng ngôn ngữ của mình để rao giảng chân lý đức tin, Linh mục dùng thông ngôn, người mà trước đó đã được Linh mục đào tạo vững vàng về kiến thức đức tin để có thể giải nghĩa cho dân chúng. Trước tiên Linh mục cố gắng diễn đạt bằng ngôn ngữ của mình, sau đó thông ngôn người Đàng Trong nói lại bằng ngôn ngữ Đàng Trong của anh bằng những từ diễn đạt chính xác ý nghĩa, nói được như bản sao của bản chính”.

Linh mục Borri, một trong hai thừa sai (Borri và Pina) được cho là nói thạo tiếng Việt vào thời điểm 1620. Tuy nhiên, Borri bối rối, từ chối dạy giáo lý cho Bà vợ sứ thần được cử đi sứ Cambogia khi bà xin học giáo lý để được rửa tội trước khi lên đường. Linh mục Borri viết: “…Sau đó, tôi xin lỗi bà vì tôi không thể đáp ứng ngay lập tức ước nguyện thánh thiện và đúng đắn của bà, vì cho dù tôi đã có chút ít hiểu biết về ngôn ngữ Đàng Trong, tuy nhiên không đủ để giảng dạy những điều cao thượng và những mầu nhiệm cao cả của Kitô giáo. Vì thế, tôi xin bà nên đợi Cha Buzomi, trong một vài ngày nữa sẽ từ Đà Nẵng trở về cùng với một thông ngôn tài giỏi, nhờ đó bà sẽ được hướng dẫn thỏa đáng và sẽ làm cho bà hài lòng về ước nguyện thánh thiện của bà… Nhờ người thông ngôn này cùng với tính siêng năng, cần mẫn và chú tâm học giáo lý vào hai giờ buổi sáng và hai giờ buổi chiều trong suốt 15 ngày, bà đã học đầy đủ giáo lý của đạo thánh chúng ta. Bà cảm kích việc Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người vì yêu thương nhân loại. Sau khi được cha Buzomi giảng giải giáo lý, bà đã được rửa tội tại nhà thờ Nước Mặn cùng với hai mươi lăm người phụ nữ khác. Bà chọn thánh Ursula làm bổn mạng”. Tự thuật của Borri đã chứng minh việc Linh mục Bề trên Buzomi sử dụng thông ngôn là cần thiết; các thừa sai dù thông thạo tiếng Việt nhưng chưa đủ khả năng truyền đạt giáo lý, những chân lý về đạo cho người Việt.

Cần lưu ý, các thừa sai thường phải học ngôn ngữ của nơi đến truyền giáo là để giải tội. Việc xưng tội và giải tội là chuyện hoàn toàn “riêng tư” của người xưng tội và Linh mục giải tội, không thể có người thứ ba phiên dịch. Các Linh mục nghe hiểu người xưng tội xưng những tội gì, thì mới có thể giải tội được.

Linh mục Buzomi còn có vai trò đặc biệt đối với trường dạy Quốc ngữ đầu tiên cho các nhà truyền giáo tại Nước Mặn và là thầy dạy tiếng Việt tại Nước Mặn cho các Linh mục: Emmanuel Borgès (Bồ) và Giovanni di Leira (Ý) (đến 1622), Gaspar Luis (Bồ) và Girolamo Majorica (Ý) (đến 1624). Linh mục Girolamo Majorica là học trò của Buzomi tại Nước Mặn từ năm 1624 – 1629. Năm 1632, ông đến Đàng Ngoài, làm Bề trên giáo đoàn Đàng Ngoài, ông qua đời năm 1656 tại Thăng Long. Trong khoảng 30 năm hoạt động truyền giáo ở Đại Việt (cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài) ông đã khởi xướng và chủ biên tới 48 tác phẩm lớn nhỏ bằng chữ Nôm. Hiện nay, Thư viện Quốc gia Paris lưu trữ 15 cuốn với 4.200 trang. Mỗi trang có từ 9 đến 12 dòng, mỗi dòng có từ 30 đến 34 chữ Nôm, tổng cộng có 1.400.000 chữ. Có thể nói, Girolamo Majorica là “nhà Nôm học”, một hiện tượng độc đáo trong lịch sử ngôn ngữ và văn học Việt Nam, ông có một chỗ đứng thật đặc biệt, đại diện cho văn xuôi Nôm thế kỷ XVII.

Với tư cách là Bề trên, Linh mục Buzomi triển khai chỉ dẫn các thừa sai, vừa là người tổ chức, vừa là người đôn kiểm, giám sát, vừa là người đồng hành, vừa là thầy dạy tiếng Việt. Ông đã tham gia việc nghiên cứu và sáng tạo chữ Quốc ngữ một thời gian khá dài – trên 20 năm ở Đàng Trong, thời gian đầu cùng với Linh mục Pina, Linh mục Borri và một số người Việt tại Nước Mặn, thời gian sau với các Linh mục: Emmanuel Borgès,Giovanni di Leira, Gaspar Luis và Girolamo Majorica…

Linh mục Bề trên Buzomi là nhân vật số một trong buổi đầu truyền giáo của dòng Tên ở Đàng Trong. Giống như Pina và Borri, Buzomi cũng chỉ ký âm tiếng Việt, biên soạn từ vựng và luật mẹo ngữ pháp sử dụng cho riêng mình học tiếng Việt, cả ba nhà truyền giáo tiên phong chưa làm được công việc mà sau đó các giáo sĩ Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa và Alexandre de Rhodes thực hiện, đó là biên soạn Từ điển. Thế nhưng, không thể phủ nhận vai trò đặc biệt quan trọng của Linh mục Bề trên Buzomi đối với việc ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin sáng tạo ra “chữ Quốc ngữ tiền Đắc Lộ” cùng hai giáo sĩ Pina và Borri tại cư sở tiên khởi Nước Mặn.

​​​​​​​​​​NTQ

Read Full Post »

Nguyễn Thanh Quang

.

​Tiến trình hình thành chữ Quốc ngữ ở Việt Nam từ khi khởi thảo đến khi hoàn tất khoảng hai thế kỷ. Dựa vào những tư liệu hiện có, người ta đã chia ra làm bốn thời kỳ: thời kỳ phôi thai, thời kỳ hình thành, thời kỳ phát triển và thời kỳ hoàn tất. Bình Định, vinh dự là vùng đất phôi thai, sáng tạo chữ Quốc ngữ (TK XVII), truyền bá, phát triển chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ (TK XIX-XX), nơi “dòng sông chữ Việt” không ngừng chảy.

​Chữ Quốc ngữ ra đời từ các giáo sĩ dòng Tên trong thế giới nhà thờ Công giáo, thâm nhập vào cuộc sống, xã hội như một đột phá, một cách mạng về chữ viết, được hoàn thiện dần và trở thành chữ viết Quốc gia, vai trò quyết định là những trí thức Việt Nam, những nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà khoa học, các cộng đồng cư dân, là Nhà nước Việt Nam độc lập. Chữ Quốc ngữ có tác động toàn diện và rất mạnh đến sự phát triển của văn hóa Việt Nam.

Từ Cư sở Nước Mặn

​Trong địa hạt tôn giáo, các miền truyền giáo tại Việt Nam được các thừa sai dòng Tên ở Macao thuộc tỉnh dòng Nhật Bản thành lập, ở Đàng Trong vào năm 1615 [1] và ở Đàng Ngoài vào năm 1627 [2].

​Đầu thế kỷ XVII, Xứ Quảng là một miền đất chung bao gồm cả Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, được coi là nơi mở đầu trang sử khai đạo chính thức ở Việt Nam. Do vậy, các học giả nghiên cứu về lịch sử chữ Quốc ngữ thường cũng tính thời điểm khởi nguyên công việc sáng chế loại chữ mới này ở Việt Nam mà cụ thể là ở Đàng Trong, ở Xứ Quảng vào năm 1615, khi các nhà truyền giáo dòng Tên mở đạo ở Việt Nam và hoạt động của họ được ghi lại trong các tài liệu lưu trữ khá đầy đủ. Tuy nhiên, xét riêng về phương diện lịch sử chữ Quốc ngữ, thời điểm quan trọng nhất phải là khi thiết lập cư sở Nước Mặn, thuộc phủ Qui Nhơn (ngày nay thuộc xã Phước Quang, Tuy Phước, Bình Định) vào năm 1618.

Những bản dịch các văn bản Ki-tô giáo đầu tiên ra tiếng Việt có từ năm 1618 tại cư sở Nước Mặn. Tại đây, linh mục Bề Trên Buzomi cùng Pina và Borri nhờ đến sự giúp đỡ rất hữu hiệu của một văn nhân Việt Nam trẻ tuổi uyên bác về chữ Hán có tên rửa tội là Phê-rô. Bản phúc trình của cư sở ghi: “Người ấy (một nhân sĩ thân quen với đoàn truyền giáo) có một người con trai mười sáu tuổi, là thanh niên lanh lợi và thông minh nhất trong vùng; anh này lại viết chữ Hán rất đẹp, được dân chúng hâm mộ vô cùng… Anh tên thánh rửa tội là Phê-rô, nhờ có tài hay chữ nên giúp linh mục rất nhiều trong việc dịch kinh Pater noster, Ave Maria, Credo và Mười Điều Răn ra tiếng địa phương…”[3].

​Trong bức thư đề ngày 17.12.1621 Gaspar Luiz chép: “Cuốn giáo lý mà người ta đã biên soạn bằng tiếng Đàng Trong, giúp ích rất nhiều, vì không những trẻ em học thuộc lòng sách đó, mà người lớn cũng học…” [4]. Theo linh mục Léopold Cadière, quyển sách giáo lý nầy được sáng tác bằng ngôn ngữ Đàng Trong [chữ Nôm]…. Ban đầu tiếng Việt được phiên âm bằng mẫu tự châu Âu để cho các thừa sai tiện dùng kèm với chữ Nôm người Việt sử dụng, dần dần bản phiên âm tiếng Việt bằng mẫu tự châu Âu trở thành hình thái đầu tiên ghi âm Latin hóa ngôn ngữ Việt Nam, một hình thái chữ Quốc ngữ “tiền Đắc Lộ”. Chúng ta có được một số chứng từ về những hình thái đầu tiên của việc Latin hóa trong Bản tường trình của linh mục Borri [5].

Tập sách “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” là những ghi chép của linh mục Christoforo Borri, xuất bản bằng tiếng Ý lần đầu tiên năm 1631, chữ Quốc ngữ Borri đã sử dụng trong đó là chữ Latin hoá được ông ghi chép khi ông ở Nước Mặn với hai linh mục Buzomi và Pina từ năm 1618 đến 1621. Theo tác giả Hoàng Xuân Việt: “Ông Thanh Lãng đã đếm được trong bản dịch của Bonifacy có đến 94 từ Quốc ngữ, và trong một tài liệu viết tay, ông viết: “Có rất nhiều chữ mang hình thức hệt như ngày nay. Thí dụ: tui, biết, Macao, mọi, càn.v.v…”” [6].

​Hội An là điểm xuất phát truyền giáo buổi đầu, lập giáo đoàn tại Nước Mặn – cư sở truyền giáo tiên khởi do các linh mục Buzomi, Pina, Borri đảm nhiệm, các giáo sĩ đã đi tiên phong trong việc sáng chế ra chữ Quốc ngữ. Poulo Cambi/Qui Nhơn là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ – chữ Quốc ngữ “tiền Đắc Lộ”.

Đến Nhà in Làng Sông

Ba nhà in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam: Nhà in Nhà Chung (Sài Gòn) của giáo phận Tây Đàng Trong, Nhà in Làng Sông (Qui Nhơn) của giáo phận Đông Đàng Trong và Nhà in Kẻ Vĩnh (Hà Nội) của giáo phận Tây Đàng Ngoài.

Báo cáo tình hình giáo phận Đông Đàng Trong năm 1872, viết năm 1873 của Giám mục Charbonnier, có ghi: giáo phận có 3 nhà thuốc và 1 nhà in [7]. Báo cáo hiện tình giáo phận Đông Đàng Trong năm 1885 của Giám mục Van Camelbeck Hân, về thiệt hại nhân sự và cơ sở vật chất do Văn Thân như sau: “cơ sở vật chất bị phá hủy 17 cô nhi viện, 10 phước viện, 4 nông trại, 2 tiểu chủng viện, 2 nhà phát thuốc, 1 nhà in,…” [8].

Căn cứ các báo cáo này, nhà in Làng Sông của giáo phận Đông Đàng Trong có trước thời điểm năm 1872, bị phá hỏng năm 1885. Có thể nhà in Làng Sông được xây dựng cùng thời với nhà in Nhà Chung của giáo phận Tây Đàng Trong (1867) [9] và nhà in của giáo phận Tây Đàng Ngoài [10]. Ấn phẩm của Mémorial Làng Sông/Qui Nhơn ra số cuối cùng tháng 12.1953.

Một trang Mémorial thống kê sách đã in của nhà in Làng Sông năm 1910 có 36 đầu sách, trong đó 25 đầu sách chữ Quốc ngữ, số còn lại là tiếng Pháp. Chia thành 4 nội dung: Sách trường học, sách giáo lý, sách cầu nguyện – đạo đức và các sách khác. Sách học được xếp mục đầu tiên với những loại sách như: Phép đánh vần (tái bản lần thứ 5), Con nít học nói (tái bản lần thứ 3), Ấu học (tái bản lần thứ 3), Trung học, Địa dư Sơ lược. Bản kê có ghi giá tiền từng đầu sách.

Trong năm 1922, nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng Báo Lời thăm mỗi tháng hai số, mỗi số ra 1.500 bản và phát hành cả Đông Dương. Tổng cộng ấn phẩm của nhà in Làng Sông/Qui Nhơn trong năm lên đến 63.185 ấn phẩm với 3.407.000 trang in [11].

Đáng chú ý, nhà in Làng Sông đã in nhiều loại sách của các cây bút Quốc ngữ nổi tiếng ở Nam Bộ lúc bấy giờ như: Chuyện đời xưa (tái bản lần thứ 2) của Trương Vĩnh Ký; Chuyện giải buồn (2 tập) của Pierre Lục; 30 đầu sách của Lê Văn Đức gồm nhiều thể loại: Tây hành lược Ký, Đi bắt ăn cướp (tuồng), Tìm của báu (tiểu thuyết), Chúa Hài Nhi ở thành Nadarét (kịch), Du lịch Xiêm….

Nhà in Làng Sông (Qui Nhơn) cùng với Nhà in Nhà Chung (Sài Gòn), và Nhà in Kẻ Vĩnh (Hà Nội), là ba cơ sở in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, đã có những đóng góp đáng kể trong việc phát triển, truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ nửa sau thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX.

Hệ thống Trường Quốc ngữ Đông Đàng Trong

Việc chữ Hán bị bãi bỏ trong kỳ thi cử năm 1915 ở Bắc kỳ và chấm dứt trên cả nước năm 1919 ở Trung kỳ đã tạo điều kiện thuận lợi cho chữ Quốc ngữ đi vào trường học. Năm 1917, Toàn quyền Đông Dương – Albert Sarraut ký Quyết định thành lập Bộ Học chính tổng quy (Règlement général de s’Instruction publique). Năm 1924, Toàn quyền Đông Dương – Merlin ký Quyết định đưa chữ Quốc ngữ vào dạy 3 năm đầu cấp tiểu học.

Dưới thời Pháp thuộc (1924-1945), ở tỉnh lỵ và vài huyện lớn có trường Tiểu học, các tỉnh lớn có trường Sơ học hay Tiểu học dành riêng cho nữ sinh. Trung bình, mỗi tỉnh có từ 2-4 trường Tiểu học, mỗi trường có từ 100 đến vài trăm học sinh. Các thành phố lớn có trường Cao đẳng tiểu học, như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Lạng Sơn (Bắc kỳ); Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Qui Nhơn (Trung kỳ); Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ (Nam kỳ).

Ở Trung kỳ có 3 trường thi Hương ở: Huế, Vinh và Bình Định, khi đặt ách đô hộ, thực dân Pháp cũng mở tại nơi này 3 trường công lập đầu tiên gọi là trường Collège. Trước năm 1920, Qui Nhơn có trường Pháp – Việt (Ecole Franco Annamite) từ lớp 5 (Cours enfantin) trở lên. Niên khóa 1921-1922, mở thêm lớp Đệ nhất niên (Cour Première année), đổi tên là Ecole plein exercice de Qui Nhơn, bắt đầu có hệ cao đẳng Tiểu học (Primaire supérieur). Sau đó, lấy tên trường Collège de Qui Nhơn, có 10 lớp cho 10 cấp học, dạy bằng tiếng Pháp, trừ môn Hán văn và Quốc văn. Trường Collège de Qui Nhơn thu nhận sĩ tử của 9 tỉnh Trung kỳ, từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên. Số thí sinh dự thi vào lớp Đệ nhất niên có đến hơn 1.000 người, nhưng trúng tuyển chỉ 50 thí sinh, trong đó có 5 thí sinh người dân tộc.

Từ năm 1910 – 1930, giáo dục Quốc ngữ được hình thành có tính chất hệ thống. Ngoài hệ thống trường công lập, còn có hệ thống trường do Giáo hội Công giáo xây dựng. Tờ Mémorial de Qui Nhơn tháng 5 năm 1924 có in bức “Thơ chung về sự thành lập trường Quấc ngữ” của Giám mục Đamianô [12]. Ngoài ra, để đôn đốc các linh mục quản xứ, Giám mục Đamianô cũng đã có “Lời riêng cùng các Cha” [13].

Theo thống kê trong Mémorial de Qui Nhơn tháng 2 năm 1927, Địa phận Đông Đàng Trong có tất cả 57 trường. Trong đó, Hội An 1 trường, Quảng Nam 4 trường, Tam Kỳ 3 trường, Bồng Sơn 8 trường, Tây Bình Định 8 trường, Đông Bình Định 15 trường, Phú Yên 2 trường, Khánh Hòa 8 trường, Phan Rang 4 trường; Bình Định, chiếm hơn một nửa số lượng trường cả địa phận: 31/57 trường. Thống kê trong Mémorial de Qui Nhơn tháng 5 năm 1928, Địa phận có 1.576 học sinh, trong đó Bình Định có 939 học sinh, chiếm gần 2/3 học sinh toàn địa phận; bình quân 30 học sinh/trường, riêng trường Gagelin, Kim Châu, Bình Định số lượng học sinh đông gấp 6 lần bình quân: 182 học sinh.

Và “Trường Thơ Loạn”

​Văn học nghệ thuật đã góp phần quan trọng trong việc truyền bá và phát triển chữ Quốc ngữ. Tiêu biểu như: Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Của, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Tự Lực Văn Đoàn, phong trào Thơ mới,…

​Phong trào thơ mới chỉ hình thành hơn mười năm (1930-1945), nhưng đã khép lại dòng văn học quy phạm, chuẩn mực. Với sự bùng nổ của ngôn từ đã đem đến một thi pháp mới, đưa thơ Việt Nam vào quỹ đạo của văn học thế giới. Nếu nói thơ mới mở ra một cuộc cách mạng trong thi ca, thì có thể xem “Trường Thơ Loạn” là hiện tượng độc đáo và bí ẩn nhất của phong trào thơ mới. Khởi nguồn của trường thơ này chính là nhóm thơ Bình Định: Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn, Chế Lan Viên (Long, Lân, Qui, Phụng). Dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng dòng thơ ấy đã băng qua bầu trời thi ca Việt Nam như vầng sáng, vừa rực rỡ vừa kinh dị, báo hiệu sự phát triển và phá cách của thơ hiện đại [14].

Cùng với nền giáo dục Quốc ngữ, một hệ trí thức mới được sản sinh, góp phần đáng kể vào sự nghiệp chấn hưng văn hóa dân tộc. Kể từ sau năm 1945, chữ Quốc ngữ đã trở nên không thể thay thế trong công cuộc truyền bá, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám thành công đã đưa lại địa vị ngôn ngữ chính thức của Quốc gia cho tiếng Việt – chữ Quốc ngữ. Từ đó, tiếng Việt đã phát triển nhanh chóng, toàn diện, có ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các ngôn ngữ thiểu số ở Việt Nam. Và Qui Nhơn/Bình Định – nơi “dòng sông chữ Việt” chảy xuyên suốt từ lúc phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XVII đến giai đoạn truyền bá, phát triển chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.

​NTQ

CHÚ THÍCH:

[1] Nicola da Costa “Annua do Collegio de Macao desde Janeiro de 615 ate o outro de 616”, đề ngày 17.01.1616 tại Macao (ARSI, JAP-SIN, Vol.114, trang 1-9).

[2] Alexandre de Rhodes, Divers Voyages et Mission, Cramoisy 1653, trang 91.

[3] Báo cáo năm 1618 của Francesco Eugenio đề ngày 21.01.1619 tại Macao trong Lettere Annue Del Japonne, China, Goa, et Ethiopia, Lazaro Scoriggio, Napoli 1621, trang 400-401.

[4] BAVH, Juillet-Déc. 1931, Lettre du Père Gaspar Luis sur la Concincina, trang 127-128.

[5] BAVH, Juillet-Déc. 1931, trang 420.

[6] Hoàng Xuân Việt, Tìm hiểu lịch sử chữ Quốc ngữ, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007, tr. 125.

[7] AMEP. Donatien Éveillard (1835-1883) Fiche Individuelle, la fiche biographique, Numéro: 795.

[8] AMEP. Rapport des Évêques, Rapport n0 41, Mgr Charbonnier, Cochinchine Orientale, 1873.

[9] AMEP. Rapport n0 8, Mgr Isidore Comlombert, Cochinchine Occidentale, le 15 Octobre 1893.

[10] Giám mục Puginier. Báo cáo địa phận Tây Đàng ngoài năm 1873 có một nhà in thạch bản và hai nhà in typô (Kẻ Vĩnh, Kẻ Sở).

[11] AMEP. Rapport des Évêques, Rapport n0 553. MGR. Gallioz, Chapitre VI, Groupe des Missions de Cochinchine et du Cambodge .

[12] Xem Mission de Quinhon, Mémorial de Quinhon 1924, Imp. Làng Sông 1924, tr. 67.

[13] Xem Mission de Quinhon, Sđd, tr. 24-69.

[14] Võ Như Ngọc, Trường Thơ Loạn – Thi pháp tượng trưng đa ký hiệu, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020, tr. 20.

Read Full Post »

 

                                                                                                  Lê Ngân (khảo cứu)

73_QTrung

Theo sử liệu, chỉ trong vòng 4 năm (từ 1786 đến 1789) Tây Sơn đã ba lần đánh ra Bắc Hà tiến phạm Thăng Long vào các năm: Bính Ngọ (1786), Mậu Thân (1788) và Kỷ Dậu (1789).Diễn biến của ba trận đánh trên đã được Hoàng Lê Nhất Thống Chí (HLNTC) thuật lại với đầy đủ chi tiết diễn biến trận mạc cùng tên các võ tướng Tây Sơn đã giúp Nguyễn Huệ và sau này là Quang Trung làm nên chiến thắng từng trận. (more…)

Read Full Post »

Lê Ngân

Đặng tướng công nêu trong gia phả Đặng tộc và trong các di bản đời Tây Sơn ở Lương Xá là nhân vật lịch sử có hai tên trãi qua hai triều đại:Đô đốc Đặng Tiến Đông đời Lê Trịnh (1738-1787)và cũng là Đô đốc Đặng Tiến Giản đời Tây Sơn từ sau năm 1787”.Từ kết quả khám phá lai lịch của Đặng tướng công ở Lương Xá như trên đã có cơ sở để tìm hiểu thêm về một số tồn tại xung quanh nhân vật này.       

(more…)

Read Full Post »

MẤY DÒNG HỒI TƯỞNG
(Hồi ức của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh về Quy Nhơn- Bình Định)

01-Giao-Phan-QuyNhon-ChinhToa-00-Old-3

Thế rồi tôi đỗ tiểu học đứng khá cao trong toàn tỉnh. Tiếng gọi của Quy Nhơn, của muôn nghìn mơ ước, lúc này là lúc tôi nghe rõ nhất. Sóng của biển ấy, điệu thì thầm của bãi rừng dương liễu ấy, sao mà từ đã mấy năm qua cứ mãi vang vọng vào hồn tôi.
Khi lớn lên, nói với ai tôi cũng hay bảo: mình vào trường Quốc Học Quy Nhơn với một trái tim trong trắng. Câu nói có vẻ đầy thơ, nhưng thực sự là như vậy đó. Chỉ với cái lẽ rất đơn giản: nó là trái tim của học trò non trẻ – nó là niềm trong trắng của trăm đổi mong chờ. (more…)

Read Full Post »

Quy Nhơn 1936

.
(HỒI KÝ CỦA NHÀ VĂN VÕ HỒNG)

34148828

Quy Nhơn ngày đó phố xá còn rải rác sơ sài. Con đường chính là đường Gia Long chạy dọc suốt chiều dài của thành phố. Chạy song song với đường Gia Long là đường Jules Ferry và Bolevard O’ denhal. Đại lộ O’ denhal có đặc điểm đặc biệt là chạy rất thẳng. chạy xuống biển. Đường rộng, giữa mặt đường dựng một hàng trụ điện cao, kiến trúc theo kiểu các thành phố lớn bên Pháp, nghĩa là trụ điện tỏa ra hai nhánh mang hai ngọn đèn chiếu xuống hai nửa mặt đường . (more…)

Read Full Post »

Vũ Thanh

tải xuống

Trường thiên tiểu thuyết dã sử Việt Nam

Phần 2

NHẤT THỐNG SƠN HÀ

*

Hồi thứ hai mươi hai

 

Đỉnh núi Bà, kỳ nữ vọng phu hóa thạch

Hoàng Đế thành, Nguyễn Nhạc khóc chuyện nồi da

*

  (more…)

Read Full Post »

Chúc Mừng Năm Mới 2015

.Happy-New-Year-2015-Beautiful-Wallpapers

 

 

Nhân dịp chào đón năm 2015, Ban biên tập xunauvn.org xin kính chúc quý thân hữu và quý bạn đọc  một năm mới an lành, thịnh vượng và thật nhiều hạnh phúc!

 

Read Full Post »

(PL)- Ẩn sau khuôn mặt rất Tây với sống mũi cao, mái tóc bạch kim là một tâm hồn đậm chất Việt. Không chỉ ăn được mắm tôm, sầu riêng, Elena Pucillo còn nói chuyện bằng tiếng Bình Định quê chồng khiến bạn bè cười… thâu rầu!

Ngoài dịch sách cho chị Elena Pucillo Truong, anh Trương Văn Dân còn sẵn sàng làm “xe ôm sáu sao” cho vợ. Ảnh: HT

Cặp chồng Việt – vợ Ý Trương Văn Dân và Elena Pucillo vốn là mối tình đầu của nhau. Sau gần 40 năm sống ở Ý, họ đã bỏ ngang tất cả công việc để chuyển hẳn về Việt Nam. Là tiến sĩ ngôn ngữ và văn học nước ngoài, chị Elena Pucillo Truong đi dạy tiếng Ý và Văn hóa Pháp tại Trường ĐH KH-XH&NV TP.HCM, dạy tiếng Ý ở nhạc viện và viết sách bằng tiếng Ý. Anh Trương Văn Dân thì ngoài viết và dịch sách còn kiêm luôn nhiệm vụ làm “Honda ôm” đưa đón vợ đi dạy, dịch sách của vợ sang tiếng Việt.

Người đàn bà Ý “điên”

Ngay từ khi Elena Pucillo còn là một thiếu nữ, biết chị yêu chàng trai người Việt Nam thì bạn bè chị lúc đó rất ngạc nhiên. Họ đoán già đoán non mối tình này không chóng thì chày cũng tan vỡ như không ít đôi Việt-Ý khác. Thế rồi mối tình kéo dài 13 năm trước khi diễn ra đám cưới, họ đâm ra khó hiểu. Và đến khi chị Elena quyết định đến quê chồng sinh sống hẳn thì họ đoán chắc chị “bị điên”.

Hẳn nhiên anh Dân và chị Elena không quan tâm lời người ngoài cuộc bởi tình yêu anh chị dành cho nhau thế nào, tình yêu ấy đến từ đâu thì chỉ có mỗi họ biết rõ. Ngày ấy, anh là chàng du học sinh mới 19 tuổi ngơ ngác đặt chân lên đất Ý. Trong cái TP Milano ấy chẳng biết ông trời có ý đồ gì không mà xui khiến ngày hôm đó cô nữ sinh Elena Pucillo 16 tuổi bỗng đi bơi ở cái hồ bơi xa lắc khu nhà mình với lý do hồ bơi gần nhà bị hỏng. Cuộc gặp tình cờ của anh Dân và chị tại hồ bơi đã để lại trong nhau ấn tượng tốt đẹp. Với anh, chị là một thiếu nữ xinh xắn, đa cảm. Còn với Elena, anh là chàng trai rất hiền lành, chân thành mà cũng đầy ý chí. Sau này cả hai nhận ra họ không thể sống thiếu nhau một khi họ có chung một tâm thức thời đại của một thế hệ trẻ trưởng thành từ hai đất nước cách xa nhau, cùng có lòng nhân hậu và chung tình yêu vô tận với văn chương, nghệ thuật. Là đứa con trong gia đình mà cha mẹ ly hôn, Elena như cảm thấy được bù đắp tình thương với gia đình rất mực gắn bó chan hòa của anh Dân. Và trên hết vượt lên trên mọi sự tầm thường và bình thường, vẻ đẹp của tài năng và tâm hồn chính là hấp lực mà họ đã tìm thấy ở nhau để người này cứ không ngừng trầm trồ về người kia. Anh Dân đã đem điều này vào tản vănMilano – Sài Gòn: Đang về hay sang?: “Elena, lúc nào cũng cô độc, thui thủi, việc gì cũng phải tự lo, thế mà luôn ân cần và vui vẻ, lúc nào cũng muốn mọi người xung quanh được chăm sóc một cách chu đáo. Nhiều lúc tôi nghĩ là cô ta còn “nợ” tôi từ tiền kiếp. Và kiếp này “phải” trả”.

 

“Làm cô dâu Việt rất vui”

Năm 1985, thời ít người nước ngoài đến Việt Nam, nếu có thì đa số là người Liên Xô, nói chi đến đám cưới có chú rể người Việt và cô dâu Tây tóc vàng, da trắng bóc. Thế nên ai gặp Elena cũng “xổ” tiếng Nga. Lần đầu Elena về Bình Định quê chồng, một đám người đủ già trẻ bé lớn xúm quanh xin… sờ chiếc mũi của chị để xem làm thế nào mà nó cao vút được như vậy.

Cha của anh Dân vốn cũng là dược sĩ và giỏi tiếng Pháp nên có thể nói chuyện thoải mái với con dâu bằng tiếng Pháp. Anh Dân cho biết cha chồng và nàng dâu nói chuyện rất hợp và rất quý nhau. Cha chồng còn đặt cho con dâu cái tên tiếng Việt na ná tên thật của Elena là Lê Thị Lê Na. Elena luôn coi cái tên này là kỷ niệm đẹp mà cha chồng ban tặng mình trước khi ông qua đời vào năm 1987.

Chuyện mẹ chồng Việt và cô dâu Ý thoạt tiên mới thật là hài. Elena kể, năm 1990, mẹ chồng sang Ý và ở lại chơi với vợ chồng chị nửa năm. Mẹ chồng, theo lời Elena chỉ biết nói “tiếng Bình Định” chứ không biết nói tiếng Việt. Mà chị trong thời gian đầu mới làm con dâu thì chị chỉ biết tiếng Việt bập bõm. Họ chỉ còn có cách giao tiếp với nhau đến mỏi cả tay nhưng tuyệt đối kiên nhẫn và thông cảm cho nhau. Một lần mẹ chồng nàng dâu đi siêu thị. Cứ Elena bỏ chiếc chảo vào giỏ hàng, sơ suất quay đi thì mẹ chồng len lén đem trả lại quầy hàng. Phải đến mấy lần như thế thì chiếc chảo cũng về được đến nhà trong nỗi hoang mang của cả hai. Thắc mắc của hai bên đã được người thông ngôn là anh Dân làm rõ: Mẹ chồng không hiểu sao con dâu lại lẩn thẩn đi mua làm gì cái chảo bị thủng chằng chịt, còn con dâu không thể giải thích với mẹ chồng rằng chẳng qua chị mua nó để… nướng hạt dẻ. Hiểu ra rồi mẹ chồng, nàng dâu lại ôm nhau cười ngất. Ấy là chuyện của gần 40 năm trước, chứ bây giờ Elena nói tiếng Việt thì khỏi chê!

Người mẹ chân quê thích ăn trầu cau đã thương con dâu mình bằng tình thương hết sức hồn hậu, mộc mạc. Hiểu con dâu sống ở Việt Nam xa quê hương, gia đình và bạn bè thân thương nên bà luôn tìm cách làm cho chị cảm thấy có người thân bên cạnh. Chính bà là người rước vong linh mẹ ruột của Elena ở Ý sang Việt Nam rồi gửi lên chùa nên lúc nào chị cũng cảm thấy ấm áp và không đơn độc trên quê chồng. Cũng trong lần mẹ chồng sang Ý, biết mẹ chồng không quen sử dụng đồ điện, hơn nữa lại là các thiết bị hiện đại nên ngoài việc hướng dẫn cho mẹ từng li từng tí các tiện nghi khác trong nhà, riêng bình nước nóng lạnh giao cho mẹ sử dụng thì chị không yên tâm nên chị trở thành người tắm cho mẹ hằng ngày.

Hiện nay người mẹ chồng đã 94 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn đã chuyển từ Bình Định vào TP.HCM sống với gia đình người con trai cả. Chị và mẹ chồng thường xuyên gặp gỡ chăm lo cho nhau. Mẹ dạy chị nấu ăn hầu hết món Việt. Theo chân mẹ, chị đi thăm rất nhiều chùa và trở thành Phật tử. Mùa Vu Lan mỗi năm, chị lại vừa xốn xang vừa tự hào cài lên ngực áo mình một bông hồng trắng và một bông hồng đỏ. Hỏi cảm xúc khi làm một cô con dâu Việt, Elena cười tươi: “Rất thương và rất vui!”.

Không chỉ làm con dâu Việt mới vui, với Elena làm người Ý hồn Việt càng vui lạ. Chị nghe nhạc Trịnh Công Sơn từ thuở đầu những năm 1970 trên đất Ý. Đi tiệc tùng cứ thích mặc áo dài. Món Việt nào chị cũng ăn ngon lành từ sầu riêng đến mắm tôm. Chị ăn sầu riêng ngon lành đến nỗi anh Dân vốn không ăn được nhưng nhìn tức mà phải tập ăn! Gặp ai chị cũng xởi lởi tay bắt mặt mừng bằng tiếng Việt. Bình thường chị nói giọng Sài Gòn nhưng lúc cao hứng chị phang luôn giọng Bình Định, giọng Quảng, rồi cả giọng Huế khiến mọi người ôm bụng cười.

Rù rì vợ viết, chồng dịch

Một phút tự do là cuốn sách thứ hai do anh dịch cho chị vừa được NXB Văn hóa Văn nghệ phát hành. Họ như đôi chim cúc cu, lặng lẽ yêu và cống hiến cho văn hóa Việt.

Vốn là người nghiên cứu và phát triển dược phẩm với chuyên môn và bằng cấp “xịn” của châu Âu nhưng anh Trương Văn Dân lại rẽ ngang viết và dịch sách. Ngoài sáng tác hai tập truyện ngắn Hành trang ngày trở lạiMilano – Sài Gòn: Đang về hay sang?, anh còn gây ấn tượng cho văn đàn Việt Nam bằng cuốn tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa.Trong tiểu thuyết này, anh lồng ghép vào đường tình và số phận trắc trở của nhân vật chính những vấn đề bức thiết của thời đại. Anh đã chỉ ra một cách nhẹ nhàng mà đầy tính thuyết phục về sự vô nghĩa và phi lý của xã hội công nghiệp hóa và toàn cầu hóa. Anh chỉ rõ những nhu cầu ích kỷ, tham vọng của con người.

Song hành với viết, có một công việc khác đem lại cho anh Dân nhiều hứng thú không kém, đó là dịch tác phẩm của vợ. Cặp vợ chồng này có cách làm việc khá lạ lùng: Vợ không bao giờ hé răng với chồng mình định viết gì, ý tưởng thế nào mà chỉ lặng lẽ viết. Rồi đột ngột vợ đem “trình làng” tất cả với chồng. Lúc đó, người chồng tha hồ đọc, thổn thức và ngạc nhiên với thế giới nội tâm phong phú cũng như trí tưởng tượng tuyệt vời của vợ. Anh nói anh thích đón đợi và tận hưởng những cảm xúc bất ngờ này. Đôi khi anh thấy phảng phất bóng dáng của chính mình qua một vài nhân vật trong các truyện ngắn mà chị dựng nên. Việc chuyển ngữ từ tiếng Ý sang tiếng Việt các sách của chị còn ai hiểu và làm tốt công việc này hơn anh. Cách dịch của anh là cố gắng duy trì nhiều nhất tư duy, cá tính và văn phong của chị. Mà tư duy và văn phong của chị thì nói như nhà văn Dạ Ngân: “Truyện nào cũng dung dị và có dư âm (…) Chúng ta nhìn thấy một trái tim hiểu biết, dịu dàng với một cách tư duy không như người Việt”. Trước Một phút tự do, anh Dân cũng đã dịch cho chị tập truyện Bóng của ngày.

Nếu trong một cuộc hội ngộ văn chương của làng văn Việt bạn nghe một giọng nữ nói tiếng Việt theo cách là lạ, nếu tình cờ bạn đi ngang chung cư Ngô Tất Tố ở quận Bình Thạnh mà trông thấy một tóc đen chở một tóc bạch kim đang cười toe toét bằng xe máy thì đó chính là đôi vợ chồng “cúc cu” Trương Văn Dân và Elena Pucillo Truong.

HỒNG THU

Read Full Post »

Bí ẩn núi Tam Tòa

Hoàng Trọng

.

Núi Tam Tòa (P.Hải Cảng, TP.Quy Nhơn, Bình Định) có nhiều di tích nhưng ít người biết đến như đền thờ Uy Minh vương, tường lũy cổ bằng đá và nhiều câu chuyện hoang đường về sự linh thiêng

Tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi Tam Tòa - Ảnh: Hoàng Trọng

Tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi Tam Tòa – Ảnh: Hoàng Trọng

(more…)

Read Full Post »

Older Posts »