Feeds:
Bài viết
Bình luận

Posts Tagged ‘Elena Pucillo’

Nguyễn Văn Sâm

Những cây bút nữ bất kỳ là ai, có danh hay chưa tạo được chỗ đứng trong văn học của nước mình, theo tôi đều là những cây bút đặc biệt. Họ có những cái nhìn khác với người viết thuộc tính phái khác. Sâu sắc về mặt tình cảm, nhẹ nhàng trong câu văn, lắm khi có những nhận xét tế nhị bất ngờ làm ngạc nhiên người đọc.

Nhà văn nam, kể cả người nghiêng nhiều về mặt thi ca, có khuynh hướng bộc lộ nhiều về mặt lý trí, Phan Khôi trong bài Tình già chẳng hạn, trong khi đó người viết nữ, ngay cả những bài phê bình, nhận định văn học, ta cũng thấy chan chứa nhiều điều tình cảm. Ba bài nhận định của ba người phê bình nữ Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Cao Thị Hồng trong tập  lấp lánh những tình cảm hơn là các suy luận cần nhiều lý trí, nhức đầu.  Đó là cái điều trời cho riêng phái nữ chăng? Cái phong tư trời xếp đặt để nam phái có  điều để so bì ganh tỵ chăng?

Trong cái chấp nhận tiên thiên đó, tôi đọc tập truyện ngắn Vàng trên biển đá đen của Elena Pucillo Trương. Và tôi thấy rõ hơn tình cảm của người phụ nữ. Ở đây không phải là tình cảm gái trai yêu đương mà là tình cảm của người với người, một cảm thức của con người bằng cái máy tính trước mặt và tấm lòng thương cảm tương thông trước nỗi bất hạnh, nhứt là nỗi bất hạnh của người phụ nữ.

Xin sẽ không làm việc phân tích để giới thiệu nhà văn nữ nầy với người đọc. Việc đó đã có ba cây bút nữ nói trên và biết bao nhiêu người khác nữa trong và ngoài tạp chí Quán Văn, những người khá nổi tiếng đương dạy văn học ở ba miền Bắc Trung Nam, lo việc nầy.

Từ trước đến giờ tôi thường tránh né sự việc nói chuyện bên ngoài tác phẩm khi luận về một tác giả, như kiểu đi tìm tiểu sử thiệt chính xác về ngày sanh tháng đẻ, về dòng dõi, thời đại và cả lý do sáng tác. Tôi đọc tác phẩm và luôn luôn coi tác phẩm là một vật thể kỳ bí để nhìn nó, suy nghĩ về nó rồi giới thiệu với độc giả mong giúp người đọc sau mình hiểu tác phẩm hơn – ít ra là hiểu theo cách nào đó mà người giới thiệu còn để lại chút ít ý tưởng bằng bài viết của mình sau khi độc giả buông bài vừa đọc xuống. Tôi  không đi theo trường phái dòng dõi, huyết thống, cũng không đi theo trường phái xã hội hay bất kỳ triết thuyết nào đó dầu được  theo dõi bởi số đông hay được thổi phồng lên tận mây xanh vào hàng siêu việt. Tôi coi tác phẩm là vật hiện diện tự thân, nó sau khi ra đời, đã có mặt và tách rời khỏi người tạo ra nó, đã đứng ở giữa chợ  đời văn học, dính dáng với tác giả chỉ vì cái ID của nó. Nếu chẳng may nó chẳng có ID như những tác phẩm vô danh tràn đầy trong nền văn học Việt Nam hay tác phẩm có tên người viết nhưng  chẳng ai biết tiểu sử ông/bà ấy cũng chẳng thể đoán định được chính xác  ông/bà ấy sống vào thời nào. Và tôi có bổn phận phải tìm hiểu chính nó và chỉ chính nó mà thôi, bằng cách đọc và ghi lại những cảm tưởng của mình.

Đọc quyển Vàng trên biển đá đen, truyện nầy, rồi đọc truyện kia, chắc hẳn nhiều người như tôi, thỉnh thoảng lật lại cái bìa để kiểm chứng lại coi bài viết nầy văn phong nọ phải chăng của một người ngoại quốc. Kiểm chứng lại vì tôi thấy như là cây bút của người Việt Nam thuần túy. Câu chuyện Việt Nam, bối cảnh Việt Nam, nỗi đau  thương Việt Nam, những éo le tình tiết Việt Nam. Tấm lòng của tác giả tràn đầy xúc cảm Việt Nam. Và nhứt là văn phong Việt, thuần Việt.

Viết đến đây tôi nhớ đến cặp sinh vật huyền thoại, một đàng không mắt mà chân cứng đá mềm, một đàng có mắt rất sáng để chỉ đường phải đi để tránh những nguy hiểm. Và cặp vợ chồng tri kỷ Elena Pucillo- Trương Văn Dân đã ở trong trường hợp đó. Nếu không có những bản dịch đầy chất văn chương được gọt dũa với tình nồng và sự thông hiểu tâm hồn nhau tường tận bằng mấy chục năm yêu thương vợ chồng thì chúng ta không có bản tấu khúc rất Việt Nam Vàng trên biển đá đen của một người phụ nữ đến từ xa xôi của trời Âu nước Ý.

Tôi có nhiều dịp được anh Dân và chị Elena  tiếp chuyện. Chị  ít nói, trầm ngâm thì nhiều, đó là vấn đề ngôn ngữ, nhưng khi chị nói thì chữ dùng ít mà chính xác, lại líu lo rất vui. Tôi hiểu trở ngại chút xíu ngôn ngữ của nhà chồng, nhưng chị có tấm lòng của người vợ yêu quê hương nhiều đau khổ của chồng nên chị nói ra bằng tác phẩm. When we speak, we are afraid our words will not be heard or welcomed. But when we are silent, we are still afraid, so it is better to speak. (Aude Lorde). Và Elena đã nói lên bằng bao nhiêu bài văn của mình. Tất cả đều được chào đón nồng nhiệt.

Một nhà văn nữ nào đó có nói ‘thiên tài thì có tức thời, liền ngay, còn tài năng thì cần phải có thời gian để hình thành. Với tôi, cái thời gian để hình thành đó quá ngắn trong trường hợp Elena Pucillo Truong. Nó không cần thiết phải kiểm nghiệm bằng thời gian mà kéo dài chi cho vô ích!

Và tôi mỉm cười vui: Vào thời đại toàn cầu hóa, chúng ta có một nhà văn Việt đặc biệt: Elena Pucillo Truong cũng như chúng ta có biết bao nhiêu cô dâu ngoại quốc theo phong tục Việt Nam một cách thuần,thục, biết nấu canh kho cá theo kiểu Việt Nam.

Nói theo Khổng Tử xưa: Bất diệc lạc hồ? Thế chẳng vui sao?

Nguyễn Văn Sâm, Tháng Tám 2018

Read Full Post »

Elena Pucillo là nhà văn người Italia, từng dạy tiếng Pháp và văn minh Pháp tại ĐH Milano, Italia. Hiện bà đang dạy tiếng Italia tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh và văn hóa Pháp tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Bà sáng tác truyện ngắn, tùy bút, tản văn bằng tiếng Italia. Tác phẩm của bà đến với bạn đọc việt nam nhờ những bản dịch tiếng Việt của chồng là nhà văn Trương Văn Dân.

Vợ chồng bà thường về thăm quê chồng Bình Định. Có cơ hội được chuyện trò cùng bà nhiều lần nhưng tôi vẫn bất ngờ khi thấy bà thuần thục thứ tiếng Việt phong vị xứ Nẫu. Bởi khi nhắc về Bình Định, nữ nhà văn như hăm hở, say sưa hơn, nhiệt thành sẻ chia về những nơi bà từng đặt chân đến, những con người bà từng gặp. Giáp Tết, tôi kết nối cùng nhà văn Elena Pucillo để nghe bà chia sẻ đôi chút xúc cảm về văn chương, về đất và người quê chồng. Bà hào hứng nói luôn, tôi vẫn hay nói với bè bạn với tất cả tự hào: Tôi là con dâu xứ Nẫu…

* Cái duyên mắc míu của bà với Bình Định đã tự rất lâu, thưa bà?

– Phải bắt đầu từ đâu nhỉ. Phải nói rằng, hầu như mọi sự kết nối của tôi với vùng đất Bình Định bắt nguồn từ mối duyên cùng chồng tôi. Lần đầu gặp anh ấy là từ năm 1972, khi anh ấy là du học sinh vừa đến Italia để học ngành Hóa và Công nghệ dược. Có thể nói cuộc gặp của chúng tôi là do định mệnh. Đến giờ chúng tôi đã quen nhau được 50 năm rồi. Tưởng như một tình cờ nhưng kéo dài cả một đời người…

Anh Dân là người Tây Sơn nên tôi trở thành con dâu đất Tây Sơn. Vì cả hai vợ chồng tôi đều viết văn nên ngoài gia đình chồng, bà con, các anh em trong gia đình thì chúng tôi còn quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ ở Bình Định, như nhà văn Huỳnh Kim Bửu, Mang Viên Long, Cao Văn Tam, Đào Hiếu, Lê Hoài Lương, Mai Thìn, Nam Thi, Trần Như Luận…, đến các nhà giáo, nhà nghiên cứu như Lê Nhật Ký, Trần Xuân Toàn, Châu Minh Hùng… Vợ chồng chúng tôi luôn có nhiều lý do để trở về Bình Định.

Nhà văn Trương Văn Dân và vợ Elena Pucillo.

* Hầu như các sáng tác của bà đều được chồng chuyển ngữ?– Tôi có viết một số bài cho các báo và tạp chí ở Italia nhưng các sáng tác truyện ngắn và tạp bút được xuất bản ở Việt Nam thì đều được chính anh Dân dịch sang tiếng Việt. Tính đến nay, tôi đã xuất bản được 3 tập truyện là Bóng của ngày, Một phút tự do và Vàng trên biển đá đen. Riêng tập Một phút tự do vừa được in lại bằng nguyên tác tiếng Italia Un Istante di libertà, do nhà xuất bản Calibano ấn hành năm 2019 (trong khuôn khổ Giải thưởng của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2016, tác phẩm Một phút tự do (tập truyện ngắn, tùy bút của Elena Pucillo Truong (Italia), bản dịch của Trương Văn Dân được Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh trao tặng thưởng – NV).

* Bà dành khá nhiều sự quan tâm về phụ nữ và văn hóa Việt?

– Đúng vậy. Tôi gắn bó với Việt Nam đủ lâu để thấy mình thực sự hòa vào cuộc sống nơi đây. Và hiểu nhiều hơn về người Việt, nhất là có nhiều đồng cảm với phụ nữ Việt. Bởi thế, từ nhiều năm trước, tôi đã tổ chức nhiều hội thảo ở Italia về Việt Nam với các đề tài “Vai trò phụ nữ và tầm quan trọng của họ trong gia đình Việt Nam”, “Tết Việt Nam, phong tục và truyền thống”, “Đổi mới, phát triển kinh tế Việt Nam sau khi chiến tranh chấm dứt”.

 * Hẳn Bình Định đã tạo nhiều cảm hứng cho sáng tác của bà?

– (Mỉm cười) Tôi là con dâu xứ Nẫu cơ mà! Từ nhiều năm nay, Bình Định và Việt Nam đã là quê hương của tôi. Tôi được chồng và cả gia đình anh giúp hiểu thêm về văn hóa và phong tục đất nước này. Tôi biết câu ca dao Muốn ăn bánh ít lá gai/ Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi, nhưng như bạn thấy đấy, tôi đâu có sợ đường dài! Vì về Bình Định nhiều lần nên tôi cũng đã có cơ hội viết về Bình Định. Như tạp bút Kỳ diệu và tự hào viết về lễ hội Tây Sơn – Bình Định năm 2008; truyện ngắn Trên chuyến tàu về quê ăn Tết viết năm 2011 trong cảm hứng hồi tưởng những chuyến tàu về Bình Định dịp cuối năm, hay Kho tàng của sự im lặng viết năm 2013 sau khi thăm một ngôi chùa ở Quy Nhơn…

Khó có thể dùng phép liệt kê, vì không chỉ trực tiếp đề cập đến Bình Định mà nhiều bài viết của tôi về những chủ đề khác cũng được nuôi cấy từ cảm hứng khi tiếp xúc với đất và người Bình Định.

* Thưa bà, bà thấy đất và người Bình Định như thế nào?

– Ở đây, con người đáng yêu, cảnh vật cũng rất xinh đẹp. Khi về đây, tôi cùng chồng, có khi là những bạn văn của anh ấy hay đi thăm thú một số nơi, như: Hầm Hô, Ghềnh Ráng, Cù Lao Xanh, Eo Gió, các ngôi chùa trên núi… Đặc biệt, tôi rất thích món ăn Bình Định. Mỗi lần về Việt Nam, khi trở lại Italia tôi đều mang theo rất nhiều bánh tráng, nó ngon và tiện lợi. Tôi cũng rất thích bánh xèo Bình Định, bún chả cá, bún sứa, nước mắm… nói theo kiểu của người Bình Định hay nói, là hương vị rất đậm đà.

Người Bình Định cần cù chịu khó, chân thành và hiếu khách, dễ làm người khác cảm mến. Quý nhất là ý thức lưu giữ các giá trị văn hóa, truyền thống hào hùng của lịch sử, nhất là về thời Tây Sơn. Nên mỗi lần đến thăm Bảo tàng Quang Trung, lòng tôi đều lâng lâng xúc động.

* Hình như bà đang ấp ủ nhiều dự định?

– Tôi sắp xuất bản tập truyện ngắn, tản văn Hạt bụi lênh đênh. Tập sách gồm 10 truyện ngắn và 19 tạp bút là góc nhìn về Phật giáo của một người phụ nữ Italia sống và viết ở Việt Nam.

Đặc biệt, mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị vợ chồng tôi in chung một tập truyện. Chúng tôi đã suy nghĩ về điều ấy và quyết định sẽ in chung tập truyện như vậy, thống nhất lấy tựa là Nỗi đau ngọt ngào. Tập truyện gồm 28 truyện ngắn, 15 của anh Dân và 13 của tôi, các truyện xoáy vào chủ đề gia đình. Ngụ ý chúng tôi như tên của tập truyện, là trong gia đình có cả tình yêu và nước mắt, vì gia đình là nơi êm ấm nhất nhưng nếu thiếu “tình” thì có thể mang lại rất nhiều đau khổ hay trở thành “một nơi nguy hiểm để sống”.

Hai tập truyện này, sẽ sớm xuất bản ở Việt Nam. Và có lẽ, chúng tôi sẽ làm một buổi ra mắt sách nho nhỏ ở quê nhà Bình Định, cũng là dịp để gặp lại bạn văn, những người đáng yêu mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, kết duyên bè bạn.

* Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này. Chúc bà và gia đình thật nhiều sức khỏe và bình an, đón một cái Tết đầm ấm, nhiều niềm vui.

VÂN PHI (Thực hiện)

Read Full Post »

(PL)- Ẩn sau khuôn mặt rất Tây với sống mũi cao, mái tóc bạch kim là một tâm hồn đậm chất Việt. Không chỉ ăn được mắm tôm, sầu riêng, Elena Pucillo còn nói chuyện bằng tiếng Bình Định quê chồng khiến bạn bè cười… thâu rầu!

Ngoài dịch sách cho chị Elena Pucillo Truong, anh Trương Văn Dân còn sẵn sàng làm “xe ôm sáu sao” cho vợ. Ảnh: HT

Cặp chồng Việt – vợ Ý Trương Văn Dân và Elena Pucillo vốn là mối tình đầu của nhau. Sau gần 40 năm sống ở Ý, họ đã bỏ ngang tất cả công việc để chuyển hẳn về Việt Nam. Là tiến sĩ ngôn ngữ và văn học nước ngoài, chị Elena Pucillo Truong đi dạy tiếng Ý và Văn hóa Pháp tại Trường ĐH KH-XH&NV TP.HCM, dạy tiếng Ý ở nhạc viện và viết sách bằng tiếng Ý. Anh Trương Văn Dân thì ngoài viết và dịch sách còn kiêm luôn nhiệm vụ làm “Honda ôm” đưa đón vợ đi dạy, dịch sách của vợ sang tiếng Việt.

Người đàn bà Ý “điên”

Ngay từ khi Elena Pucillo còn là một thiếu nữ, biết chị yêu chàng trai người Việt Nam thì bạn bè chị lúc đó rất ngạc nhiên. Họ đoán già đoán non mối tình này không chóng thì chày cũng tan vỡ như không ít đôi Việt-Ý khác. Thế rồi mối tình kéo dài 13 năm trước khi diễn ra đám cưới, họ đâm ra khó hiểu. Và đến khi chị Elena quyết định đến quê chồng sinh sống hẳn thì họ đoán chắc chị “bị điên”.

Hẳn nhiên anh Dân và chị Elena không quan tâm lời người ngoài cuộc bởi tình yêu anh chị dành cho nhau thế nào, tình yêu ấy đến từ đâu thì chỉ có mỗi họ biết rõ. Ngày ấy, anh là chàng du học sinh mới 19 tuổi ngơ ngác đặt chân lên đất Ý. Trong cái TP Milano ấy chẳng biết ông trời có ý đồ gì không mà xui khiến ngày hôm đó cô nữ sinh Elena Pucillo 16 tuổi bỗng đi bơi ở cái hồ bơi xa lắc khu nhà mình với lý do hồ bơi gần nhà bị hỏng. Cuộc gặp tình cờ của anh Dân và chị tại hồ bơi đã để lại trong nhau ấn tượng tốt đẹp. Với anh, chị là một thiếu nữ xinh xắn, đa cảm. Còn với Elena, anh là chàng trai rất hiền lành, chân thành mà cũng đầy ý chí. Sau này cả hai nhận ra họ không thể sống thiếu nhau một khi họ có chung một tâm thức thời đại của một thế hệ trẻ trưởng thành từ hai đất nước cách xa nhau, cùng có lòng nhân hậu và chung tình yêu vô tận với văn chương, nghệ thuật. Là đứa con trong gia đình mà cha mẹ ly hôn, Elena như cảm thấy được bù đắp tình thương với gia đình rất mực gắn bó chan hòa của anh Dân. Và trên hết vượt lên trên mọi sự tầm thường và bình thường, vẻ đẹp của tài năng và tâm hồn chính là hấp lực mà họ đã tìm thấy ở nhau để người này cứ không ngừng trầm trồ về người kia. Anh Dân đã đem điều này vào tản vănMilano – Sài Gòn: Đang về hay sang?: “Elena, lúc nào cũng cô độc, thui thủi, việc gì cũng phải tự lo, thế mà luôn ân cần và vui vẻ, lúc nào cũng muốn mọi người xung quanh được chăm sóc một cách chu đáo. Nhiều lúc tôi nghĩ là cô ta còn “nợ” tôi từ tiền kiếp. Và kiếp này “phải” trả”.

 

“Làm cô dâu Việt rất vui”

Năm 1985, thời ít người nước ngoài đến Việt Nam, nếu có thì đa số là người Liên Xô, nói chi đến đám cưới có chú rể người Việt và cô dâu Tây tóc vàng, da trắng bóc. Thế nên ai gặp Elena cũng “xổ” tiếng Nga. Lần đầu Elena về Bình Định quê chồng, một đám người đủ già trẻ bé lớn xúm quanh xin… sờ chiếc mũi của chị để xem làm thế nào mà nó cao vút được như vậy.

Cha của anh Dân vốn cũng là dược sĩ và giỏi tiếng Pháp nên có thể nói chuyện thoải mái với con dâu bằng tiếng Pháp. Anh Dân cho biết cha chồng và nàng dâu nói chuyện rất hợp và rất quý nhau. Cha chồng còn đặt cho con dâu cái tên tiếng Việt na ná tên thật của Elena là Lê Thị Lê Na. Elena luôn coi cái tên này là kỷ niệm đẹp mà cha chồng ban tặng mình trước khi ông qua đời vào năm 1987.

Chuyện mẹ chồng Việt và cô dâu Ý thoạt tiên mới thật là hài. Elena kể, năm 1990, mẹ chồng sang Ý và ở lại chơi với vợ chồng chị nửa năm. Mẹ chồng, theo lời Elena chỉ biết nói “tiếng Bình Định” chứ không biết nói tiếng Việt. Mà chị trong thời gian đầu mới làm con dâu thì chị chỉ biết tiếng Việt bập bõm. Họ chỉ còn có cách giao tiếp với nhau đến mỏi cả tay nhưng tuyệt đối kiên nhẫn và thông cảm cho nhau. Một lần mẹ chồng nàng dâu đi siêu thị. Cứ Elena bỏ chiếc chảo vào giỏ hàng, sơ suất quay đi thì mẹ chồng len lén đem trả lại quầy hàng. Phải đến mấy lần như thế thì chiếc chảo cũng về được đến nhà trong nỗi hoang mang của cả hai. Thắc mắc của hai bên đã được người thông ngôn là anh Dân làm rõ: Mẹ chồng không hiểu sao con dâu lại lẩn thẩn đi mua làm gì cái chảo bị thủng chằng chịt, còn con dâu không thể giải thích với mẹ chồng rằng chẳng qua chị mua nó để… nướng hạt dẻ. Hiểu ra rồi mẹ chồng, nàng dâu lại ôm nhau cười ngất. Ấy là chuyện của gần 40 năm trước, chứ bây giờ Elena nói tiếng Việt thì khỏi chê!

Người mẹ chân quê thích ăn trầu cau đã thương con dâu mình bằng tình thương hết sức hồn hậu, mộc mạc. Hiểu con dâu sống ở Việt Nam xa quê hương, gia đình và bạn bè thân thương nên bà luôn tìm cách làm cho chị cảm thấy có người thân bên cạnh. Chính bà là người rước vong linh mẹ ruột của Elena ở Ý sang Việt Nam rồi gửi lên chùa nên lúc nào chị cũng cảm thấy ấm áp và không đơn độc trên quê chồng. Cũng trong lần mẹ chồng sang Ý, biết mẹ chồng không quen sử dụng đồ điện, hơn nữa lại là các thiết bị hiện đại nên ngoài việc hướng dẫn cho mẹ từng li từng tí các tiện nghi khác trong nhà, riêng bình nước nóng lạnh giao cho mẹ sử dụng thì chị không yên tâm nên chị trở thành người tắm cho mẹ hằng ngày.

Hiện nay người mẹ chồng đã 94 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn đã chuyển từ Bình Định vào TP.HCM sống với gia đình người con trai cả. Chị và mẹ chồng thường xuyên gặp gỡ chăm lo cho nhau. Mẹ dạy chị nấu ăn hầu hết món Việt. Theo chân mẹ, chị đi thăm rất nhiều chùa và trở thành Phật tử. Mùa Vu Lan mỗi năm, chị lại vừa xốn xang vừa tự hào cài lên ngực áo mình một bông hồng trắng và một bông hồng đỏ. Hỏi cảm xúc khi làm một cô con dâu Việt, Elena cười tươi: “Rất thương và rất vui!”.

Không chỉ làm con dâu Việt mới vui, với Elena làm người Ý hồn Việt càng vui lạ. Chị nghe nhạc Trịnh Công Sơn từ thuở đầu những năm 1970 trên đất Ý. Đi tiệc tùng cứ thích mặc áo dài. Món Việt nào chị cũng ăn ngon lành từ sầu riêng đến mắm tôm. Chị ăn sầu riêng ngon lành đến nỗi anh Dân vốn không ăn được nhưng nhìn tức mà phải tập ăn! Gặp ai chị cũng xởi lởi tay bắt mặt mừng bằng tiếng Việt. Bình thường chị nói giọng Sài Gòn nhưng lúc cao hứng chị phang luôn giọng Bình Định, giọng Quảng, rồi cả giọng Huế khiến mọi người ôm bụng cười.

Rù rì vợ viết, chồng dịch

Một phút tự do là cuốn sách thứ hai do anh dịch cho chị vừa được NXB Văn hóa Văn nghệ phát hành. Họ như đôi chim cúc cu, lặng lẽ yêu và cống hiến cho văn hóa Việt.

Vốn là người nghiên cứu và phát triển dược phẩm với chuyên môn và bằng cấp “xịn” của châu Âu nhưng anh Trương Văn Dân lại rẽ ngang viết và dịch sách. Ngoài sáng tác hai tập truyện ngắn Hành trang ngày trở lạiMilano – Sài Gòn: Đang về hay sang?, anh còn gây ấn tượng cho văn đàn Việt Nam bằng cuốn tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa.Trong tiểu thuyết này, anh lồng ghép vào đường tình và số phận trắc trở của nhân vật chính những vấn đề bức thiết của thời đại. Anh đã chỉ ra một cách nhẹ nhàng mà đầy tính thuyết phục về sự vô nghĩa và phi lý của xã hội công nghiệp hóa và toàn cầu hóa. Anh chỉ rõ những nhu cầu ích kỷ, tham vọng của con người.

Song hành với viết, có một công việc khác đem lại cho anh Dân nhiều hứng thú không kém, đó là dịch tác phẩm của vợ. Cặp vợ chồng này có cách làm việc khá lạ lùng: Vợ không bao giờ hé răng với chồng mình định viết gì, ý tưởng thế nào mà chỉ lặng lẽ viết. Rồi đột ngột vợ đem “trình làng” tất cả với chồng. Lúc đó, người chồng tha hồ đọc, thổn thức và ngạc nhiên với thế giới nội tâm phong phú cũng như trí tưởng tượng tuyệt vời của vợ. Anh nói anh thích đón đợi và tận hưởng những cảm xúc bất ngờ này. Đôi khi anh thấy phảng phất bóng dáng của chính mình qua một vài nhân vật trong các truyện ngắn mà chị dựng nên. Việc chuyển ngữ từ tiếng Ý sang tiếng Việt các sách của chị còn ai hiểu và làm tốt công việc này hơn anh. Cách dịch của anh là cố gắng duy trì nhiều nhất tư duy, cá tính và văn phong của chị. Mà tư duy và văn phong của chị thì nói như nhà văn Dạ Ngân: “Truyện nào cũng dung dị và có dư âm (…) Chúng ta nhìn thấy một trái tim hiểu biết, dịu dàng với một cách tư duy không như người Việt”. Trước Một phút tự do, anh Dân cũng đã dịch cho chị tập truyện Bóng của ngày.

Nếu trong một cuộc hội ngộ văn chương của làng văn Việt bạn nghe một giọng nữ nói tiếng Việt theo cách là lạ, nếu tình cờ bạn đi ngang chung cư Ngô Tất Tố ở quận Bình Thạnh mà trông thấy một tóc đen chở một tóc bạch kim đang cười toe toét bằng xe máy thì đó chính là đôi vợ chồng “cúc cu” Trương Văn Dân và Elena Pucillo Truong.

HỒNG THU

Read Full Post »