Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Hai, 2024

Gánh hoa

Võ Miên Trường

Vội vàng

quảy gánh hàng hoa

Hừng đông

chạy chợ bóng nhoà sương lau

Dặt dìu quang gánh gọi nhau

Nắng khuya chưa kịp lên màu thắp đêm

.

Cùng chị

em gánh mùa lên

Lung linh vườn bướm hoa mềm mại lay

Bàn chân lau lách bụi dày

Sỏi reo, lá hát gầy vai gió lùa

.

Đông tàn

mưa rắc hạt thưa

Sắc se áo mỏng

lạnh vừa Xuân ơi

Xôn xao phố chợ hoa người

Mùa vui thần thoại bên đời an nhiên…

(Một nửa chạp rồi

Trả dần tên cho em…)

Read Full Post »

.Quỳnh Iris de Prelle

Tặng chị Phan Hoàng Hà

.

Gói bánh chưng xanh rền

Đêm trăng rằm tháng chạp

nhớ vườn đào xuân

Hà Nội những ngày giáp Tết giêng hai

.

Giữa trái tim Châu âu

cất lời ca Văn Cao

mùa xuân đầu tiên

Yêu thương đầu tiên

Vĩnh hằng duy nhất đầu tiên

Tình yêu

.

Gốc củi già cháy bập bùng bếp lửa

Mảnh vườn xanh đượm khói chiều

quê hương như ý niệm

Tình yêu có thực

Đôi ta có thực

những lời ca có thực

Ngân vang trong vòm ngực thở

.

Người đàn bà nhớ cánh đào xuân

Phai nhoà ký ức

còn lại nguyên

Màu xanh lá

Bánh chưng vuông vắn

Mặt người mùa đông

Tìm thấy nhau ấm áp

Tết nhớ thương và kỷ niệm

Đợi nhau về

Trong căn nhà nhỏ

Yêu thương

Read Full Post »

Ngô Đình Hải

Chất xong mấy cây mai, cho quá giang xe tải về trồng lại. Ba Đực thở phào. Mai năm nay đẹp, giá lại thấp hơn năm ngoái, vậy mà ít khách. Chắc năm rồi làm ăn khó, người ta để tiền, mua những thứ cần thiết hơn cho ba ngày Tết. Tánh Ba Đực ngang, đói thì chịu, nhứt định không phá gía! Công lao cực khổ cả năm trời, bán đổ bán tháo lão xót, thà đem về dưỡng cho năm sau…

Đã quá trưa 30, chợ bắt đầu thưa người. Ba Đực đứng tần ngần ngắm hai cây mai đẹp nhứt để lại, hy vọng từ giờ tới chiều, có người mua, vớt cú chót rồi về. Lão lẩm nhẩm hát, bài hát lão thích nhứt hồi trẻ: “Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa…”*

Có mai nở là có mùa xuân. Thấy mai là thấy Tết. Ba Đực nhớ những ngày ở rừng. Những ngày ở gần cái chết. Sự sống ở màu vàng mai, làm thoát ra khỏi cái u ám, cái tối tăm đe doạ của bạt ngàn cây lá. Mai không có mùi thơm. Mai mang mùi bình yên, mùi của sự sống. Cái mùi làm cho buổi sớm thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Ba Đực không ngửi mà cảm thấy rất rõ, sau mỗi phiên gác đêm, trong cái chòi nhỏ ven rừng. Mùi mai trong gió, trong hơi thở của rừng. Ba Đực mang theo, làm thành cái nghề mới.

Tiếng con Lành phía sau:

– Dọn sớm vậy cậu Ba?

– Ừa, sớm gì nữa, cho nó đỡ cực! Sớm là bây kìa. Bữa nay cũng mần nữa ha?

– Làm gì có, thiên hạ về với gia đình hết rồi, ế độ ra chơi với cậu thôi… – Cúng kiến gì chưa? – Chưa cậu ơi, còn cậu?

– Qua hả? Khoẻ re, có một mình với mấy con chó, về tới dưới, mần thịt con gà là xong. Mình nghèo, lo kiếm ăn, ông bà khuất mày, khuất mặt, đâu có chấp! Lành im lặng một lát, rồi ngập ngừng: – Tui cũng mình ên! Buồn đứt ruột! Vô tui chơi đi cậu Ba, chiều về…

– Thôi! Qua già rồi…

– Đừng thôi mà cậu Ba, cậu làm không được thì tui…làm cho cậu! Tui năn nỉ mà…Coi như xả xui cuối năm đi cậu…

Vừa nói, Lành vừa nắm tay Ba Đực lắc lắc. Thấy con nhỏ gần muốn khóc, Ba Đực cầm lòng không đặng. Lão ngó ra chỗ khác, rồi gật:

– Vô trước đi, chút qua vô

– Thiệt nghen, thề nghen cậu Ba…

Ba Đực lại gật lia lịa. Lành đi khuất, tự nhiên lão cũng thấy bồn chồn. Lâu rồi, không gần đàn bà, giờ nhắc cũng thèm. Hồi thiếu uý, dính hết 1 năm cải tạo! Ba Đực mới 22, ra tù lủi về quê, sống cu ky với mấy công ruộng, ông bà gìa để lại. Anh em tứ tán, thân ai nấy lo. Có con bồ thì vượt biên mất biệt! Ba Đực chán đời, ở vậy mà sống.

Làm ruộng thất, Ba Đực lên vườn, trồng mai bán Tết, cũng có ăn. Năm nào 23 Tết, đem mấy chục gốc mai lên đúng chỗ này, ăn dầm nằm dề, bán lai rai tới 30 thì rút. Ngồi bán ngắm thiên hạ sắm Tết cũng vui. Riết rồi ghiền cái không khí Tết của chợ. Mấy năm trước không, năm nay lại có thêm con Lành. Chỗ Ba Đực bán, nhè ngay đầu hẻm nhà trọ của nó. Lành bán bia ôm và đi khách luôn ở cái quán tuốt ngoài đường rầy xe lửa. Chiều qua, quán nghỉ. Lành lang thang chán, mò về ngang qua chỗ bán mai của Ba Đực.

Đúng lúc lão đang nướng con khô sặc ăn cơm. Mùi thơm lừng. Con Lành ghé vô làm quen, rồi ăn cơm với lão luôn. Chập tối, khách coi mai đông, nó cũng líu lo chào mời, phụ với Ba Đực tới khuya, còn tự nguyện đi mua cho lão tô mì gõ, rồi mới chịu đi ngủ… Ngồi trầm ngâm một lát, chừng như hài lòng với quyết định của mình. Ba Đực đứng phắt dậy, gửi 2 cây mai cho bạn hàng bên cạnh. Dắt chiếc Dream dông xuống dốc Cầu Bông, mua con vịt quay, mấy ổ bánh mì với lít rượu đế. Về lại chỗ bán. Ba Đực cột thêm miếng ván phía sau yên, chất một cây lên đó. Còn lại một cây, Ba Đực lục túi lấy cuốn sổ, kiếm cái số nhà, rồi kêu tay xe ôm quen. Tay này ngày thường chở người. Tết chở cây kiểng kiếm ăn. Ba Đực đưa cho hắn tiền và cái địa chỉ, dặn: –

Nói với thầy Tân là cây mai này tui biếu thầy chơi Tết. Chúc thầy ăn Tết vui vẻ, năm sau gặp.

Ba Đực chỉ mới biết thầy Tân mấy năm sau này. Lần nào lên bán cũng gặp. Thầy có vẽ thích và rành về mai. Chắc hồi trẻ phong lưu lắm. Có thầy ghé qua, Ba Đực cũng pha ấm trà mời. Rảnh thì tiếp chuyện, không thì thầy cứ ngồi đó, nhâm nhi trà mà ngắm mai thoải mái. Thầy Tân nói hồi chiến tranh, gia đình thầy không còn ai trong cái Tết năm nào. Thầy lưu lạc luôn từ đó! Cái ấm cúng, cái hạnh phúc của gia đình thầy, như chỉ chờ mai nở mà hiện về. Ngồi giữa những chậu mai đầy hoa của Ba Đực, thầy như sống lại được những ngày tháng êm đềm cũ. Chỉ có vậy, chưa bao giờ nghe thầy hỏi mua. Mai bây giờ là cái thú, cái khoe sự sung túc. Ba Đực biết thầy Tân thích lắm. Ra ngồi chơi thôi, mỗi lần Ba Đực bán đi cây mai đẹp nào, khách chở đi. Thầy Tân đều ngó theo, ánh mắt đầy tiếc rẻ. Nhưng mai quá mắc, mua không nổi so với hoàn cảnh của thầy hiện nay. Ba Đực biết, thầy Tân mượn cớ, có buôn bán, làm ăn gì đâu, mà nhờ mai nở rộ, đặng cầu tài cầu lộc, rồi làm bộ ngó lơ, nuốt nước miếng mà nhịn…

Chào từ giả và chúc tết bạn hàng chung quanh xong. Ba Đực chậm rãi chở cây mai còn lại vô nhà Lành. Hẻm nhỏ, người ta ngồi đầy bên sòng cắc-tê, sì-dách, bầu cua lộ thiên. Phải khó khăn lắm, Ba Đực mới chui vô được tới nơi. Lành đứng đợi sẵn lão trước cửa. Chậu mai bỏ xuống choán gần hết nửa đường đi. Cũng chướng, nhưng thây kệ, Tết mà. Cả con hẻm sáng rực. Lành ngó cây mai, ngó lão, ngạc nhiên. Ba Đực cười: – Để chưng cho có 3 ngày Tết! Căn nhà nhỏ xíu, trống hốc trống hoác. Một cái bàn gỗ ọp ẹp kê sát vách làm bàn thờ. Trên có hình người phụ nữ và cái hủ cốt. Ba Đực để con vịt quay, chai rượu và mấy ổ bánh mì lên đó. Không có giường, chỉ có chiếc chiếu, chắc mới được trãi ra, ngay dưới chân bàn.

– Bà già tui đó, chết năm rồi… – Đốt nhang đi. Có gì cúng nấy!

Lành vói tay cài chốt cửa, thấy Ba Đực nhìn chiếc chiếu có vẽ ngần ngại, nó cười: – Không sao, bà già… quen rồi!… Mùi nhang hăng hắc làm căn phòng thêm ngột ngạt. Ba Đực xá mấy xá, lẩm bẩm mấy câu với người phụ nữ trong hình. Quay lại, con Lành đã cởi quần áo từ hồi nào. Nó kéo Ba Đực nằm xuống, vuốt ve khắp người lão. Thằng đàn ông trong người Ba Đực trỗi dậy. Lão nhìn con Lành nằm tênh hênh bên cạnh. Ngực phập phồng, hai cái đùi bắt chéo, nhô đám lông đen ra ngoài khiêu khích. Con Lành chờ đợi, nó sợ Ba Đực đổi ý, sợ lão từ chối. Sợ bất kỳ cái khái niệm đạo đức nào, bất chợt trỗi dậy trong người lão. Chút…tự ái nghề nghiệp. Cái nghề chết tiệt! Cái nghề được nhắc đến giữa thương cảm và khinh bỉ. Cái nghề luôn bị kẻ nhân danh sự cao cả, cúi xuống nhìn như một thứ rác rưởi. Ba Đực khác. Cái nông dân trong lão nghĩ suy rất đơn giản. Con Lành bán thân như lão bán mai vậy. Ai thích, ai cần thì mua. Sòng phẳng. Mua trong thích thú, vui vẻ, lão sướng. Mua mà ngắm nghía, nâng niu từng cánh hoa, để thấy hết cái đẹp, cái hồn của hoa. Rẻ một chút, lão cũng bán. Còn ngược lại, chờ cái thế kẹt, tàn chợ hoa Tết của lão như bữa nay, mà chê bai, dè bĩu, ép gía, trả tiền như ban ơn. Thứ đó không biết chơi, lão cóc cần. Ba Đực bán mai là bán nguyên cây. Bán cái công cưa cành, tỉa nhánh làm thành cái tướng, cái nổi trội của cây mai giữa muôn ngàn cây khác. Không phải gía, lão đem về. Ăn Tết nghèo thêm một chút, thiếu thốn một chút, đã sao! Tết quê thì có sắm sửa gì đâu. Mồi nhậu thì minh thiên. Chủ yếu là lo cúng kiến cho phải đạo. Ba Đực ngó con Lành, ngó quanh cái phòng lần nữa. Lão chợt xót. Lão nửa muốn nằm úp lên cái thân thể đó, nửa ái ngại muốn đứng lên. Lại lo con Lành tự ái, tưởng lão chê, nó tủi thân. Tội! Ngày mai là ngày đầu năm. Tống cựu nghinh tân. Con Lành thì tân nổi gì, cựu hơn, tơi tả hơn thì có. Lành cứ lặng im vuốt ve Ba Đực. Lành đang rách, đang cần tiền. Nhưng không hiểu sao, giờ này, nằm đây, Lành lại thấy khang khác. Cái hơi đàn ông không còn là để chịu đựng, để chán chường, mà lại là thứ để che chở, để an ủi. Lành chờ cái ôm của Ba Đực. Cái ôm không cần tính tiền! Phần Ba Đực cũng thấy lạ với mình. Ngay từ đầu Ba Đực đã không muốn vô đây. Lão quen sống cu ky một mình, không có đàn bà lâu lắm rồi. Ở quê loay hoay từ sáng tới chiều, hể chịu làm là làm không hết chuyện, làm cho quên ngày tháng, quên cái thiếu thốn, trống vắng trong căn nhà. Tối lại, lai rai vài ly cho dễ ngủ. Tới chừng thấy cần có người bên cạnh, giựt mình ngó lại thì gìa cha nó rồi, thôi nhịn luôn… Bữa nay, con Lành làm lão cao hứng, lão muốn tự thưởng cho mình, một ngày không như mọi ngày cũng đáng. Ba Đực ngó mặt con Lành, ngó cặp mắt lim dim của nó thấy cũng ngộ, lão không đành lòng, lão không muốn nó buồn. Lão ôm lấy nó, lão quên hết chuyện đời, hì hục thở. Lành rướn người, nhích tới nhích lui, đụng chân bàn, cái hủ cốt khua lộp cộp trên đầu… Lâu lắm, Ba Đực mới hoàn hồn. Lành vẫn để mình trần, ngồi tiếp rượu với lão. Nó uống cũng ngọt sớt. Ba Đực thấy vui, thấy bớt lẽ loi hơn mọi năm, bớt chán chường hơn khi nghĩ tới lúc phải về căn nhà với miếng vườn dưới quê. Lành xé cái đùi vịt quay đưa cho lão:

– Ở dưới quê ăn Tết chắc vui hơn trên này hé cậu Ba?

Ở đây buồn lắm, Tết đâu có ai đi chơi bời. Mấy đứa kế bên về quê hết rồi. Tui mà có quê, tui về liền… Ba Đực gạt ngang:

– Tầm phào! Sao không có? Con người mà không có quê hương, xứ sở đâu phải con người. Lành bật cười, cười mà như khóc:

– Tui nè, cậu Ba. Nhiều khi tui cũng không biết tui phải người không nữa. Người sao khổ quá vậy! – Tầm bậy, sông có khúc người có lúc…

– Lúc nào không biết, chứ tới giờ thì… Lành ngưng ngang. Nó rót đầy chung rượu, cầm hai tay đưa Ba Đực đàng hoàng. Chờ lão uống xong, Lành rót cho mình, nó uống còn lẹ hơn Ba Đực. Đặt cái chung xuống chiếu, Lành ngó Ba Đực:

– Để tui kể cho cậu Ba nghe. Bà già tui bỏ quê, lên ở đợ trên này. Thằng chủ nhà, tức là ông gìa tui đó, rù quến quất cho một bụng. Chả hoảng, lập kế cho con vợ đánh ghen, đuổi bà già ra khỏi nhà. Về không được, ở lại lấy gì ăn. Sanh tui xong, bả làm gái nuôi tui. Lớn lên tui làm gái nuôi lại bả. Bà già tui nói “Thà của mình đem bán nuôi thân, còn hơn cho không nó, đã nhục còn mang tiếng ngu, tới quê cũng không dám về”. Tui hỏi “Quê đâu? Mắc mớ gì không về”. Bả nói “Mình nhục đủ rồi, làm nhục ông bà mang tội”. Vậy đó, rốt cuộc quê ngoại, quê nội gì cũng không biết, không có. Tui là cái giống gì, cậu Ba?

Ba Đực im lặng, con Lành kể, lão rót rượu uống. Lành ngưng nói, lặng thinh tiếp rượu Ba Đực. Lão uống tới đâu nó theo tới đó. Chai rượu cạn queo. Ba Đực lôi hết tiền bán mai ra đếm, lẳng lặng đặt một nửa dưới lư hương, nói trống không:

– Ăn Tết vui vẻ… Lúc Ba Đực dắt xe ra, trời đã sẩm tối. Chậu mai trước nhà biến mất. Lành gào lên chửi. Có tiếng giang hồ lao xao:

– Đám Út Nhanh chơi rồi, khỏi kiếm! Ba Đực đẩy Lành vô nhà, kêu đóng cửa lại, lão cười rất nhẹ nhàng với đám đông:

– Chậu mai tệ gì cũng bạc triệu, nói nó đừng bán rẻ quá. Uổng!….

Ra khỏi hẻm. Ba Đực còn tần ngần chưa muốn đi. Còn mấy tiếng nữa là Giao thừa, là hết một năm, là già thêm một tuổi. Ba Đực thở dài, nổ máy. Day lại thấy con Lành tất tả chạy ra, nhảy thót lên xe ngồi. Nó kiếm đâu ra bộ bà ba màu mỡ gà, coi hiền khô. Ba Đực giương mắt ngó, Lành cười: –

Của bà già để dành, đặng về quê, mà chưa bận lần nào… – ….

– Tui về với cậu… – ….

– Thì cũng có người phụ cậu mần con gà, bắc nồi cơm cúng, hay uống rượu với cậu. Lẹ đi, trời tối rồi…

Ba Đực ngước nhìn trời. Ừ, tối. Tối như đêm ba mươi là cùng. Rồi ngày mai trời sẽ sáng. Chắc chắn như vậy…

Ngô Đình Hải

(*Đồn vắng chiều xuân-Trần thiện Thanh)

Read Full Post »

.

Nguyễn Kim Huy

.

Anh không hiểu mình mắc nợ gì mùa xuân

Mà cứ nôn nao chờ đợi  

.                                                          

Mà cứ đột nhiên trong những cơn mơ

Khi mùa xuân thấp thoáng

Là gương mặt em lại hiện về

Tinh khiết rỡ ràng như lần đầu xuất hiện

Như chưa bao giờ lầm lỗi trong đời

Như từ hôm ấy

Mình nắm tay nhau đi cho đến hôm nay

Như không hề có cuộc chia tay

Chỉ một lần là mãi mãi

Mãi mãi không bao giờ gặp lại

Chỉ còn gương mặt em trong những cơn mơ mùa xuân.

.

Trong cơn mơ anh lại kéo co với mùa xuân

Gồng hết nửa đời người trong trận đấu kiệt sức

Và cảm thấy mình thêm một lần bất lực

Khi phía đầu dây kia

Em hiện lên từ ký ức

Mím môi ghì mùa xuân về phía mình.

.

Không lẽ suốt cuộc đời     

Anh và em và mùa xuân

Vẫn cứ giằng co nhau trong những cơn mơ?

.

– Có khi nào tình cờ em đọc được bài thơ

Và một sớm mai mang đến cho anh mùa xuân trọn vẹn?

Read Full Post »

Nguyên Hạ Lê Nguyễn

.

Những giọt mưa triền miên rơi rơi mãi …Sau hai trận tuyết phủ đầy, những chồi xanh đang ẩn mình chờ nắng mới.

Thời tiết năm nay lạnh giá hơn nhũng năm qua …Thành phố Atlanta ,ngập tràn trong giá buốt ….cái cảm giác gây gây lạnh của những ngày đông tháng giá phủ tràn lên nơi tôi đang sinh sống .

..Bây giờ là cuối tháng Giêng, còn đúng hai tuần nữa là ngày Tết Nguyên Đán của dân tộc tôi ..

.Cái cảm giác lạnh giá làm tâm hồn mỗi người thêm lạnh lẽo …hay do chính nội tâm tôi cảm nhận trước mọi người …ngoài trời mưa vẫn từng cơn trút xuống vạn vật, và đến tuần sau là tiết trời lại bình yên theo mong đợi của những người chờ Tết.

Lòng tôi chạnh nhớ đến những ngày sắp Tết nơi quê nhà …Cũng những ngọn gió hiu hiu …những giọt mưa phùn mát dịu bắt đầu cho một sắc xuân…

Đâu đây…những giọt mưa phùn còn sót lại ,rớt rơi trên cành cây ngọn cỏ , những chồi non còn ẩn mình ngóng đợi nắng xuân sang

.Ngọn gió heo may của những ngày cuối đông cỏn rơi rớt …cảnh vật sau con mưa sẽ tưng bừng rộn rã .hai tuần nữa mọi vật lại bình yên.

Những ngày mưa phùn ,gió bấc đã qua rồi nhường chỗ cho những ngày nắng ráo ,vạn vật chuyển mình để chờ đón chúa xuân..

Thời khắc này làm nôn nao những người sống tha phương, hồi ức trở về trong trí nhớ già nua của người xa xứ…Tất cả hiện rõ như mới hôm qua…trong trí nhớ già nua của chính tôi.

Những ngày giáp Tết ở quê tôi ,đất Bình định dấu yêu hiện ra trước mắt tôi..

Những.ngày xa xưa ấy tôi còn nhớ mãi:

Ôi cảnh tượng thần tiên này làm sao tôi quên được …Ở quê tôi thường bắt đầu dậy lên từ ngày 23 tháng chạp ,tức ngày đưa ông Táo về trời …

Tiếng pháo bắt đầu râm ran từ sau giờ ngọ ,hầu như nhà nào cũng chuẩn bị một phong pháo để tiễn chân ông Táo..

Thường các chủ buôn giàu có thì mâm cao ,pháo tràng ,heo quay, gà luộc….Còn cỡ trung cũng sắm chiếc đầu heo, nồi cháo vịt, ,mâm chè …Với kẻ cùng đinh thì cũng ráng mua bình bông,nải chuối , đĩa thèo lèo…

Mọi nhà đều nổ ran tiếng Pháo tiễn chân Ông táo lên trời…hoài mong người đẹp lòng báo cáo thành quả của mỗi gia đình trong suốt một năm …và mong ơn trên phù hộ cho năm sau mỹ mãn hơn năm cũ.

Các học trò xa nhà lũ lượt trở lại nhà sau một năm xa cách.

Khách tha phương lo gom góp chút tiền gởi về nhà …

Nghoảnh lại, mới hay đã qua hết một năm phiêu bạt …

Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan

Trong lúc gần xa ,pháo nổ ran

Giũ áo Phong sương trên gát trọ

Lặng nhìn thiên hạ đón Xuân sang …

(Thế Lữ)

Bây giờ chúng ta đang chờ đón một cái Tết tha phương ..

.Ngoài kia ,các chợ Tết đã bày bán những hàng hóa xanh xanh ,đỏ đỏ ,những cành mai,cành đào được kết bằng vải lụa hay nylon ,rực rỡ ,vô hồn do bàn tay con người chế tạo …

Hệt như tâm hồn ai dở dang dậy lên một chút bâng khuâng buồn …

Cát bụi tung trời ,đường vất vả .

Còn đời nhưng hãy tạm dừng chân

Tưởng rằng trong chốn xa xăm ấy

Chẳng biết vui buồn đón gió Xuân

(Thế Lữ)

TẾt năm xưa nơi quê nhà là dịp để gia đình đoàn tụ ,mọi người đi làm ăn ở phương xa ,các học sinh đi học xa nhà

Bao người náo nức trở về nhà ăn tết với người thân ,gặp lại cha mẹ ,anh em ,bạn cũ ,Cô láng giềng mỏi mắt chờ mong

.Bao mong đợi hẹn hò ,chỉ mong cho mau đến tết

Bây giờ một mình trên đất khách , Tôi không hề có cái cảm giác mong đợi người thân trở về trong ngày giáp tết, ,không còn thấy cái cảnh chạy kiếm tiền gởi cho con trẻ về xe ,trở về mái nhà thân yêu sau bao tháng ngày xa cách …

Không còn nữa cái cảm giác xôn xao khi ngồi trên chuyến tàu đêm mong cho quãng đường ngắn lại’ cái cảm giác của người thiếu phụ xa quê, hàng năm đưa các con về nhà mẹ ăn Tết…

…Chặng đường dài từ Ga Bình triệu đến ga Diêu trì… đi qua những làng mạc xơ xác mái rạ ,những thôn xóm ẩn mình sau lũy tre xanh ,những mùng mền chiếu gối …được đem ra giặt giũ “tất niên” ,

Vẳng từ xa tiếng kêu eng éc của chú heo thịt béo tròn…nay bị đem ra xẻ thịt ,vài nhà đậu tay nhau, chia nhau mấy cân thịt heo để gói bánh chưng , bánh tét.

,Trong sân nhà vài người cùng nhau chùi lại mấy bộ Lư đồng ,ấm tích ..xa xa vài kẻ đang sửa lại bờ giậu,luống hoa vạn thọ ,,Cắt tỉa mấy cành mai vàng, thược dược, đủ mọi sắc màu rực rỡ sân trước, vườn sau, Tôi lặng lẽ gói ghém nỗi háo hức khi trở lại mái nhà xưa khi mỗi lần Tết đến.

+++

Hàng năm cứ gần ngày Tết đến ,ngoài việc chuẩn bị \bánh mứt ,dưa món ,gói bánh chưng, bánh tét ,Bì nem ,Chả lụa, bánh khô, bánh nổ..

Mẹ tôi còn chuẩn bị cho mỗi đứa con một vài bộ quần áo mới, đôi guốc hoa hoè xanh đỏ ,chiếc vòng đeo tay cùng đôi bông tai óng ánh….là tất cả niềm mong đợi của những đứa trẻ trang lứa với tôi ở thời gian xa xôi ấy , nỗi háo hức mong đợi của đám trẻ nhà quê thuở ấy…là tuổi thơ của chị em tôi.

Khi tiếng pháo giao thừa nổ râm ran …Sau khi đã cúng giao thừa …Thời khắc thiêng liêng bắt đầu năm mới

Mẹ tôi len lén tháo cẩn thận từng chiếc hoa tai lóng lánh đeo vào cho từng đứa con …đặt bên gối mỗi đứa bộ đồ xếp thẳng nếp còn thơm mùi mực in của vải ,đặt dưới chân giường đôi guốc mới vẽ hoa hòe ,hoa sói …

Sáng mồng một… chúng tôi chỉ đặt chân lên nó vài lần trong ba ngày tết ,rồi sau đó “chân đất vẫn hoàn chân đất”

…Chúng tôi thừa biết là từ lúc đó những phẩm vật mẹ tôi dày bao khó khổ mới có được …chúng tôi vờ như đang ngủ say, trong niềm vui bất tận.

Mẹ mua guốc mới ướm vào chân con

Con đi lướt thướt trên giường .

Đợi ngày mồng một ra đường mới tinh .

( Thơ Nguyễn Bính)

Sáng mồng một …Chúng tôi dậy thật sớm mặc vội vàng bộ cánh mới tinh ,chân đi guốc mới ,hoa tai ,vòng tay mới …tất cả đều mới ..

.Vọng từ xa ,,,tiếng pháo vẫn nổ râm ran ..chúng tôi chạy sang cửa các nhà trong xóm tìm nhặt những viên pháo sót nhét đầy túi áo…chạy tìm người đốt hộ..”.vì chúng tôi là con gái “…

.Rồi bọn trẻ chúng tôi, hoan hỉ nhận những phong bao lì xì màu đỏ thắm sau khi làm xong thủ tục

“Lí nhí chúc Xuân ông bà ‘”…

Ba ngày Tết sắp qua mau khi thấy mẹ tôi chuẩn bị “Cúng đưa” ,

Tối ba mươi Mẹ tôi đã nấu nướng mâm cỗ thịnh soạn để :

“làm lễ rước ông bà” ,trong ba ngày này ông bà ,những người đã khuất về ăn Tết với con cháu, ngày nào cũng “cúng cơm bữa ” ngày hai bận

.. Mồng ba Tết, mẹ tôi chuẩn bị đưa ông bà ,đồng thời tiễn những bà con ở các vùng quê về Qui Nhơn chơi tết…,sau bữa cơm này họ trở về quê …

Thường sáng Mồng Ba tết, mẹ tôi đi chợ mua thêm cái chân giò heo nhiều nạt ,con gà mái tơ ,mấy trái khổ qua nhồi thịt ,Đĩa chả trứng vịt cuộn tròn làm chả đỏ chả đen( chả khoanh tròn có nhiều thứ bên trong)

…Con gà sẽ được luộc vùa chín tới, chặt miếng xếp vào đĩa ,cái chân giò nấu với bún Tàu ,bát canh khổ qua nhồi thịt ( món khổ qua luôn phải có ),

Mang ý nghĩa “Cho cái khổ qua đi”…

Thêm món lòng gà xào bánh tráng …

Trong các món trong bữa cơm này tôi thích nhất là món này : tôi sẽ kể sơ cho các bạn cùng quê hương Bình Định có nhớ về món ăn này không ???Lòng gà xào bánh tráng …món ăn nhớ đời mà chắc là không một người dân xứ “nẫu” nào trong chúng ta có thể quên được

Lòng gà được xắt nhỏ , ức gà và chén tiết gà đã luộc :Ướp gia vị gồm củ hành tím ,nước mắm ngon ,chút đường ,tiêu …Bánh tráng mỏng bẻ nhỏ ,Chảo dầu phộng khử thơm với hành tím,xào chín mớ lòng Gà ,vớt ra ,cho thêm dầu vào chiên dòn tan mớ bánh tráng với số lòng Gà đã chín tới ,cháy sém ,vàng ươm ,quyện với mùi hành ngò, tiêu tỏi ,trút ra đĩa ăn nóng ,Giòn tan ,vị cay cay của tiêu đen ,thoảng chút đậm đà của nước mắm ngon ..

.Ôi sao mà ngon quá là ngon ,chúng ta không cần phải ăn nhiều món trong buổi cúng đưa nhà Mẹ tôi ,chỉ cần ăn một món “lòng gà xào bánh tráng ‘ của quê tôi …tôi nghĩ cũng có vài anh xa xứ muốn làm rể cho một nhà người Bình Định

Có lẽ tôi là một người đã được sinh trưởng và lớn lên ở nơi chốn này nên tất cả những tập quán ,đầy tràn niềm luyến nhớ về xứ sở mình nên cảm nhận thế thôi????

,Những món ăn bình dị của xứ sở tôi …chỉ có thế thôi, nhưng,sao mà ngon quá ,sao mà nhớ quá ,sao mà ngậm ngùi nhớ tiếc biết chừng nào mới thôi …. Và nhớ là không quên “nướng hai cái bánh tráng trước khi thắp hương”

+++

Giờ đây nơi chốn xa xăm này ,sống giữa quê người với những phong tục dị biệt …mỗi năm chúng ta được hưởng hai cái tết :Tết Tây và Tết ta

T ất cả những người Việt xa quê cũng cố gắng tập cho con cháu nhớ về CỘI NGUỒN …Hằng năm ,chúng ta cũng sắm về những hàng hóa giống hệt những thứ mà ngày xưa chúng ta từng mua sắm khi mỗi khi Tết đến

,Những chậu cúc vàng nở rộ ,những bánh mứt gói kín đủ màu ,đi qua các cửa hàng quần áo ,chúng ta không phải chen lấn mua cho các con những bộ quần áo mới ,không còn được nhìn thấy con trẻ mừng rỡ khi mặc quần áo mới ,không rộn ràng khi mỗi lần tết đến…

Giờ đây mỗi lần tết đến …

Tôi cũng quen với những thói quen muôn thuở …xếp vào xe tất cả những món quen dùng cho ngày tết ,Tất cả nhũng phẩm vật của một lần mừng xuân mới mà không cần ki cóp từng đồng ,không cần phải tính toán khi mua sắm ,nhưng làm sao còn có được những cảm giác hoan hỉ của những ngày xa xưa ấy …nhưng không có được niềm vui rộn rã của năm xưa…những con , những cháu ở trời Tây không như những đứa trẻ nhà quê ..của thuở năm xưa.Nhiều lần Tết đến mà rơi vào ngày giữa tuần…thì cũng chỉ mình tôi bên mâm cơm ngày Tết…

+++

Tấm lòng của người xa xứ là sự quan tâm đến người thân còn lại bên kia bờ đại dương : góp nhặt từng đồng gởi về cho người thân vui tết…nhiều khi số tiền gởi về :bằng năm, bằng mười số tiền họ mua sắm cho gia đình họ vui tết bên này…không biết có ai hiểu thấu tấm lòng của kẻ tha phương khi mỗi lần Tết đến????

Nỗi nhớ nhung, tấm lòng của kẻ xa nhà thật đằm thắm mà bao người bên kia thấu hiểu: ..nhiều người ki cóp hàng bao nhiêu năm, chỉ đủ chi tiêu cho một lần về quê mình ăn tết, họ trở về với đầy đủ những quà cáp cho người thân…bao hoan hỉ, hay trách cứ của những người được nhận, ( đôi khi còn bị phiền trách vì phẩm chất món quà và đồng tiền chưa như ý họ…)

Nhưng có ai thấu cho kẻ “tha phương cầu thực”, cũng nuốt bao cay đắng , tích góp bao năm cho một lần trở về cố xứ….

Hạnh phúc ngập tràn khi được trở lại quê hương, trở lại mái nhà xưa …sau bao tháng năm xa cách…bao ngày tháng gom góp chắt chiu :” Cho một chuyến về thăm, cho một lần trở lại quê nhà”.

Rồi…khi trở lại…Sau khi bước vào bên kia cánh cửa của sân bay…một lần cuối bị hoạnh hoẹ của nhân viên phi trường đất mẹ…lại bị lột sạch những đồng tiền còn lại…Khi bình yên trong lòng thân bay suốt mấy chục giờ bay xuyên qua nửa vòng trái đất, trở về với công việc, trở về với những lo toan cho hết một kiếp người…

Mai vàng bên ấy

đã

nở

chưa???

Tuần sau là đúng hăm ba

Nhớ đưa ông Táo về thưa Ngọc Hoàng

Bao năm lạc bước chân hoang

Những con chim lạc tha phương chưa về

Đường xa vạn dặm sơn khê

Những mong đón Tết quê nhà dấu yêu

Tha phương

nhớ

Tết

năm xưa…

quê

mình …

———————

Atlanta , Những ngày nhớ Tết

Read Full Post »

Bông vạn thọ

Nguyễn Thị Thanh Hiền

29 Tết, em rủ chị đi ra dọc bờ kè đường Trần Xuân Soạn mua bông Vạn Thọ. Chị bảo: Không, chị không thích cái loài hoa ấy.

Ừ thì chị không thích. Ngày xưa em có thích đâu. Sao già rồi em lại thương những chậu bông Vạn Thọ lạ lùng. Có lẽ chị không có kỉ niệm như em về những mùa Tết cũ. Thủa quê mình mỗi khi Tết về chẳng có muôn chung, nghìn tía cao sang gì mà chỉ toàn bông Thược Dược, bông Sống đời, Mào Gà và cơ man là bông Vạn Thọ. Khắp chợ hoa ở Bến xe, ở công viên Quang Trung đuờng Lê Hồng Phong bán ngập tràn bông Vạn Thọ đấy thôi. Ngày Tết, Ba dắt chị em mình về quê. Quê Nội có con sông Kôn muôn đời lừ lừ chảy. Đi bộ mỏi nhừ chân trên cát sỏi đau buốt, khoả đôi chân nóng ran, đỏ ửng vào dòng nước mát lạnh của sông quê mới hiểu cảm giác sung sướng là thế nào. Con đò ngang năm xưa đưa chị em mình về chắc giờ tấp vào bụi tre nào ngủ vùi, mục nát. Đi qua những cánh đồng mía… những cây mía cong queo đổ rạp xuống đất nghèo mới về được nhà ông bà nội. Em không biết nhà ông bà mình giàu hay nghèo vì ngày xưa hình như không có khái niệm ấy. Em nhớ ngôi nhà ấy trước hiên là một mảnh vườn có 1 chuồng chim bồ câu rù rì, có giếng nước trong bên cạnh trồng cây đu đủ. Vườn đuợc đánh từng luống đất để trồng rau : Rau diếp, cây cà tím, cà chua và nhiều luống hành hương, luống cải. Cứ mỗi xuân về, mảnh vườn ấy có thêm những luống bông Vạn Thọ vàng nở nghi ngút đón chào.

Ngày đó, các loài hoa như Hồng, Lan thật hiếm hoi, cao sang đắt giá. Vườn rặt chỉ bông Vạn Thọ, em vặn vẹo hỏi ông sao chỉ thấy toàn bông Vạn Thọ, sao không là hoa này, hoa kia…

Ông Nội hiền lành, như người có lỗi lúng túng xoa hai tay vào nhau nói:

-Cuối năm, ông gieo bậy ít hạt bông Vạn Thọ chơi Tết thôi, đặng thắp hương ban thờ ba ngày Tết luôn.

Những bông Vạn Thọ vườn ông không biết dỗi. Chúng vươn cao trong nắng, lá xanh mềm mại đu đưa và toả ra mùi hương thơm ngai ngái. Bông vàng tuơi, bông vàng cam, bông bung xoè, bông chúm chím. Vò một nụ hoa, xé đài hoa xanh ra mà thấy hàng trăm cánh hoa như dồn nén, bày tỏ một tấm lòng.

Ông Nội quanh năm đạm bạc rau trái trong vườn, ruộng mía ngoài bãi… Đón Xuân về chỉ là những luống bông Vạn Thọ vàng tươi. Hoa không phụ đất nghèo, nở mênh mang trong nắng. Lời nguyện ước của hoa như thầm thì… Vạn thọ… sống lâu, sống thọ trăm năm.

…Sài Gòn giờ cũng thế. Khắp các miệt vườn lại chở lên những ghe đầy ắp bông Vạn Thọ bán ba ngày Tết. Cái màu vàng dân dã cứ mênh mang như thủa ấy bên nhánh sông quê. Hoa khiêm nhường làm nền để tôn vinh sắc màu của muôn loài hoa khác. Trưa 30 Tết mà không bán hết, nhà vườn sẽ đưa hoa về các Chùa để dọc lối đi hay bày ngay ngắn dưới các gốc cây bên đường. Vạn Thọ vẫn phô sắc hiền, vẫn dâng nàng chúa Xuân chút bình dị mà đầy sức sống của đất nâu. Hoa vẫn thơm ngai ngái, nồng ấm mà ngọt ngào. Không ai phân chất làn hương Vạn Thọ đâu là hương đầu, hương cuối. Trong lòng em, đó là hương vị nguyên chất của Ngày Xưa, của ông bà, ba mẹ mình, của gốc quê hương không thể nào quên.

…Thế giới này, không có gì quyến rũ hơn hương thơm toả ra từ tâm hồn. Và hồn ấy vương vào nắng xuân, nương vào mùi thơm dễ chịu, vào cái màu vàng mênh mang trong nắng của bông Vạn Thọ.

Năm sau, em sẽ lại rủ chị: Chị ơi, đi mua bông Vạn Thọ đi. Nhớ ông quá à!

Và chị sẽ cười khanh khách nói: Ừ thì đi.

Lắm chuyện cái bà cong môi này!

Read Full Post »

.

Nguyễn Hàn Chung

.

Rồi có buồn khi gió cuối đông

đời cứ này xơ xác quán không

màu sương xứ khách buồn thê thiết

lối cũ sum vầy ngoái ngóng trông

.

Chiều nối tay chiều thấm ngón mau

âm giai ai gảy buốt cung làu

.

. Nôn nao tay mỏi choàng lên gió

hiên cây trĩu nhớ dáng em rầu

rớt tiếng u hoài ngơ ngác câu

.

Rồi có buồn khi vẫn quán không

xôn xao nhịp thở buốt muôn trùng

đường thiên lý chạm màu hoang phế

lỗi cũ tay đàn lỡ phím rung

Read Full Post »

Trần Hà Yên

.

Vài hạt mưa lất phất

Rây nhẹ trong nắng chiều

Gió thơm nồng hương tết

Xuân về thật đáng yêu

.

Ôi vui biết bao nhiêu

Những ngày xuân rộn rã

Trong nắng xuân ấm lạ

Vạn vật nảy chồi non

.

Đàn con trẻ lon ton

Trước sân nhà ríu rít

Sương chiều rơi mờ mịt

Hoàng hôn cứ chậm buông

.

Xa vẳng lại tiếng chuông

Nghe bình yên quá đỗi

Ta muốn xuân đừng vội

Đến rồi lại qua nhanh

.

Bao náo nức trong lành

Cứ rộn ràng trước ngõ

Lời yêu thương bỏ ngỏ

Nhờ xuân nói cùng anh!

Read Full Post »

Sài Gòn dáng em

Hồ Thi Ca

.

Anh gặp hương bay trước ngõ nhà

Vội vàng khoác áo bước đi ra

Sài Gòn hương đến chìm vào tóc

Và vướng vào tay vướng vào hoa

.

Anh gặp âm thanh của dòng xe

Âm thanh khói trắng chuyến đi về

Dòng xe thong thả trong đôi mắt

Đôi mắt chạm vào những hàng me

.

Anh gặp Sài Gòn rất trẻ trung

Như thể dáng em lúc đi đường

Tiếng guốc mảnh mai trong lòng phố

Thành phố và em xanh sắc xanh

.

Anh gặp sắc màu của dòng sông

Những con tàu khoẻ dáng công nhân

Sóng vỗ như anh xoè tay vuốt

Tự nhổ neo Sài Gòn đầy khoang

.

Anh gặp tình yêu khi gặp em

Phố phường ngoảnh lại ngó chúng mình

Tóc em hay gió lay nhau mãi

Sài Gòn ơi! Sài Gòn trữ tình!

.

Sài Gòn anh bắt gặp tình ai

Ở trong màu sắc của tiếng đàn

Ở trong rung động về đôi mắt

Khi em nhìn anh với bâng khuâng

Read Full Post »

Những mùa xuân cũ

Ái Duy

.

Cứ mỗi mùa xuân mới đến là lại nhớ lùi dần về những mùa xuân cũ như tìm về một giấc mơ đẹp, một giai điệu đẹp, nó cứ nấn ná ngân nga mãi trong tâm khoảnh khắc ấm áp êm đềm.


Nhớ ngày xưa cha mẹ ở trong xóm lao động nghèo, nhà nhà chạy ăn từng bữa. Nhà mình chị em một bầy lít nhít, đứa nọ cách đứa kia 2 năm tranh nhau chen chúc ra đời. Ba đi làm, má quanh năm suốt tháng tất tả chạy chợ nuôi con, mấy đứa lớn đứa nào cũng chai hông vì ẵm em một bên tha nhau đi chơi. Sau lớn đi lấy chồng ngán con nít, thà xay lúa khỏi bồng em. Cực nhất là mỗi lần chia phần ăn cho lũ con, cái gì cũng phải bằng nhau đều tăm tắp. Tài đến mức, cái bánh tráng phồng cũng bẻ làm hai thẳng băng, trái xoài chín méo xẹo cũng cắt được làm 3, không cách gì lựa được phần nhiều hơn. Hồi đó, lũ con chán nhứt cái điệp khúc “mai mốt ba má mua…” hoặc “từ từ rồi tính sau”. Cả năm, chỉ mong đến Tết để có được 2 bộ đồ mới mặc nhà, 1 bộ đồ Tết mặc đi chơi, vừa có tiền lì xì vừa khỏi bị la rầy, khỏi đi học. Và ăn uống thì tha hồ khỏi chia phần, khỏi giờ giấc.


Những ngày giáp Tết thuở ấy, cái khác đầu tiên là căn phòng khách nhỏ 9 mét vuông. Ngày thường chỉ kê được mỗi cái đi văng nhỏ, cái tủ buffet. Ưu tiên chừa cái nền nhà trống cho con nít nằm bò lê la. Khách tới chơi nhà toàn ngồi đi văng hay bệt xuống sàn. Tết tới, ba sẽ cho khiêng cái đi văng ra ngoài sân, lấy chỗ bày ra 1 bộ bàn ghế xếp tiếp khách vốn ngày thường được cột lại cất kỹ đâu đó. Một cây mai được mang về, quàng lên nó mấy sợi dây đèn màu trang trí. Căn phòng khách bỗng trở nên sang trọng phi thường. Tối lại, lũ con nít nằm lăn lóc say mê coi đèn nhấp nháy, nghe tới nghe lui bài Ly rượu mừng từ cái cassette nhỏ xíu mà lòng rộn rã tưng bừng, vui sao đếm từng ngày từng giờ chờ Tết tới. Nhớ má hay nói, “thấy tụi mày sướng như tiên không, thấy có con ai sướng được vậy không” khi nhìn lũ con nằm sắp lớp dưới nền nhà nghe nhạc ngắm mai. 


Nhớ nồi bánh tét của bà ngoại, còng lưng gói cột cả nửa ngày trời, kê gạch chụm củi nấu ngoài sân nguyên đêm hoa lửa nổ tí tách thơm lừng, rồi sáng sớm trẻ con được phát mỗi đứa 1 cái bánh ú ngon nhất trần đời. Củi gộc to bằng bắp chân để dành cả năm không chẻ ra cất kỹ đâu đó là để dành cho sự kiện này.


Nhớ đủ loại bánh mứt má làm, xong cho vô thẩu lấy băng keo niêm kín nắp chất lên kệ đợi Tết khai hỏa, lũ con ngày nào cũng lượn qua lượn lại chỉ trỏ thèm thuồng ngó. 


Chiều 30 Tết ngày xưa đối với lũ trẻ sao linh thiêng bí ẩn đến vậy, đứa nào cũng được má nấu nước cho tắm gội sạch sẽ, đi nhẹ nói khẽ, rón rén qua lại bàn thờ. Đến chạng vạng là bị cấm tiệt khỏi bước chân ra ngõ luôn, cửa đóng then cài, nội bất xuất ngoại bất nhập. Con nít nhà nào bị nhà đó nhốt lại. Vậy là bầu cua, cá ngựa, lô tô… được bày ra. Tuy không phải năm nào cũng thức nổi chờ đến giao thừa nhưng cho dù có đang ngủ quên thì bao giờ cũng được đánh thức bằng tiếng pháo. Tờ mờ sáng mùng một, chị Hai thảng thốt khều lũ em dậy, thì thào “Tết rồi”. Lũ em cũng mắt nhắm mắt mở lồm cồm bò ngay dậy không đợi kêu tới tiếng thứ hai, “ủa tới Tết rồi hả”, đứa nào cũng hồi hộp trở dậy nhẹ nhàng nhường nhịn, sợ lạng quạng lấn nhau gây lộn xui cả năm.


Thương Tết của những mùa xuân cũ trong ký ức còn nguyên sơ trong trẻo.


Và thương cả Tết còn được bận rộn của xuân này… 

Read Full Post »

Older Posts »