MẤY DÒNG HỒI TƯỞNG
(Hồi ức của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh về Quy Nhơn- Bình Định)
Thế rồi tôi đỗ tiểu học đứng khá cao trong toàn tỉnh. Tiếng gọi của Quy Nhơn, của muôn nghìn mơ ước, lúc này là lúc tôi nghe rõ nhất. Sóng của biển ấy, điệu thì thầm của bãi rừng dương liễu ấy, sao mà từ đã mấy năm qua cứ mãi vang vọng vào hồn tôi.
Khi lớn lên, nói với ai tôi cũng hay bảo: mình vào trường Quốc Học Quy Nhơn với một trái tim trong trắng. Câu nói có vẻ đầy thơ, nhưng thực sự là như vậy đó. Chỉ với cái lẽ rất đơn giản: nó là trái tim của học trò non trẻ – nó là niềm trong trắng của trăm đổi mong chờ.
Không hiểu sao mà giữa thành phố biển ấy, trong ngôi nhà một tầng của thầy trợ Huyến ở phố Ô đăng đan mà tôi được cô nhận cho ở trọ đi học năm thứ nhất trương Quốc Học Quy Nhơn, đêm trăng nhìn ra động cát mênh mông ôm lấy dãy phòng các lớp nối dài, xa phía sau kia là núi vắng, có bao điều tuổi nhỏ của tôi nhớ mãi không nguôi. Tuy tôi vẫn thấy có những điều mình chưa hiểu được bao nhiêu mà nó vẫn lởn vởn trong tâm can mình hàng tối sau khi học bài xong không ngủ được.
Trên Bình Định tôi nghe câu chuyện lấy ná cao su bắn vỡ bóng đèn ở thành phố Quy Nhơn, mà mãi mấy năm sau xuống học Quy Nhơn, cậu bé ngoan ngoãn là tôi mới vỡ nhẽ – Để chống sự tàn tệ của chủ nhà máy và để chào mừng ngày mồng 1 tháng 5, công nhân Nhà máy điện thành phố biểu tình đình công. Anh chị em phối hợp với học sinh yêu nước Trường Quốc học, một cuộc đi bắn vỡ bóng đèn điện bằng ná cao su đã rộ lên một số con đường trong đêm tối…Tôi cũng chỉ nghĩ được: À, sự thật và cái hay là thế – Sau này tôi đã biết rằng bắn tắt đèn đường chỉ là một việc làm trong bao nhiêu việc làm khác. Khi tuổi trẻ của tôi biết rằng đó là những ngày bùng lên ngọn lửa dũng khí của nhà trường sau mười năm được dựng lên trên một bờ biển nam trung bộ này, lòng tôi càng cảm phục. Tôi tự nói với tôi: Đúng đây là sức mạnh của tuổi thanh xuân được dấy lên thành truyền thống của các cuộc đời đi học.
Tôi vẫn không quên trên chiếc giường xếp trong ngôi nhà tranh chật chội của bố tôi, có đêm thầy Tôn Thất Cự, anh ruột anh Nguyễn Văn Vỹ, ra chơi và ngủ lại. Dưới ngọn đèn dầu leo lét, thầy chuyện trò nhỏ nhẹ với bố tôi về cụ Phan Sào Nam đi Nhật đông du bị Tây bắt đưa về Bến Ngự quản thúc. Có chiều chạng vạng, trên võng bố tôi nằm kể đi kể lại cho mẹ tôi và tôi nghe chuyện ông Đồng Sĩ Bình hoạt động cộng sản bị Nam Triều Tiên và Pháp giam giữ ở nhà ngục Quy Nhơn. Và tôi không quên một trưa nắng gắt trong thành Bình Định, bọn mật thám cùng lính khố xanh lục soát tứ tung nhà thầy Cự, rồi chúng bắt giải thầy đi. Một người thầy, và một người bạn của gia đình tôi đã ra đi, đi đâu, bao giờ sau đây sẽ trở lại? Một ngày nào đó của cái thị trấn Bình Định yên tĩnh xinh xắn này, bọn lính Tây nghe nói chúng đã đi bắn thử súng liên thanh ở phủ Bồng Sơn, huyện Phù Cát, giờ lại bắn thử vào góc ngôi thành cổ này.Súng tiểu liên và trung liên chãng chân đứng thấp lè tè ở mép ao sen vừa trụi lá trụi hoa, nhả đạn dồn dập vào vách gạch ngôi thành. Có người xầm xì: chúng nó dọa cộng sản. Nhưng dù sao tôi thấy trái tim nhỏ của tôi lúc đó cũng dội lên lời nói căm ức: bắn chết người, thì chúng nó quả là tụi bất nhân!
Lòng trẻ thơ chỉ mới biết nói như vậy.
Song đó là sự thật của một nỗi lòng. Vì nó yêu thương miếng đất này của nó, nó yêu thương những con người gần gũi này của nó. Nó bắt đầu biết mê say cái đẹp, và biết ghét bỏ cái bẩn thỉu, xấu xa.
Cậu bé ham học và thích tập tễnh làm thơ Đường như bố từng dạy, là tôi, mang theo mình những tâm trạng ấy vào lớp đầu của trường Quy Nhơn – Quốc học.
Vào trường, nó còn nhỏ thôi giữa lớp lớp nắng hè chưa chịu vội chuyển sang thu, mà gió biển đông thổi vào cũng oi bức dữ. Nhưng có thầy, có bạn, có bài học mới, có bài làm tới tấp chiếm cả nhiều đêm hôm và giờ nghỉ, có khuya mê đọc nhẩm cả bài hóa, bài địa trên gối trắng còn ướt đẫm mồ hôi. Sách truyện, sách thơ vơ vét mượn đọc thêm không ít. Có nhiều đêm, vác chiếu ra bờ biển cát trải nằm ngủ để nghe cho gần thêm sóng biển hát theo nhịp điệu của đại dương. Biển đập vào dãy đá hoa cương Gành ráng cũng là một bản hợp tấu thôi thúc lòng ta. Rạng đông vác chiếu về cũng hãnh diện với đường phố là người dược đi ngủ đêm ngoài bãi cát.
Ở đây tôi muốn được nói luôn đến hai thầy đã bắt đầu chấp cánh cho tôi. Đó là những vị thầy học làm cho trời đất của tấm lòng, của trí tuệ tôi chỉ từ mấy năm tháng mới vào trường mà sớm tự thấy được mở mang theo một đường rồi đây sẽ còn sáng mãi.
Môn học tôi yêu nhất là văn chương. Môn học tôi sợ nhất là Toán. Một thầy dạy văn chương cho tôi là giáo sư Đoàn Nồng. Thầy dạy toán là giáo sư Lê Ấm.
Thầy Đoàn Nông là người huế, nói giọng êm thấm của sông Hương. Thầy bình dị, nhưng là người hiếu học, mê văn thơ và nghệ thuật. Bài giảng của thầy có tầm cao nơi văn phong và có giá trị cổ điển. Phải chăng thầy đã để tất cả tấm lòng thầy vào lời phân tích cái đẹp nhân văn của đôi bài tập đọc trích từ tác phẩm lớn của các tác giả? Cho nên ý nghĩa con người của các đoạn văn, mẫu thơ mấy thế kỷ, thập kỷ qua mà văn học đã tự nhận làm minh chứng đựơc truyền tới cho tâm hồn con trẻ chúng tôi mau lẹ. Nhờ thông qua kiến thức thẩm mỹ của chính bản thân thầy. Tôi nhớ mãi những chân trời cuộc sống mà thầy Nông đã thắm thiết trao cho chúng tôi hồi đó .
Thầy Lê Ấm có cái giọng trầm đất Quảng rất nghiêm mà dễ mến. Thầy đi dạy mặc áo dài đen. Con người thầy nhiều lúc có cái im lặng chỉnh tề của lương tri và của suy nghĩ. Bài giảng toán và việc chấm toán của thầy, tôi tự ngẫm thấy có ý vị của bậc thầy muốn chuyển giao những gì cao quý của các định lý toán học khoa học cho các lớp học trò đang cần có những kiến thức phổ thông. Mọi lời dạy dỗ của thầy đều là trách nhiệm và niềm tin mà thầy muốn các tuổi thư sinh cũng phải biết thấm nhuần. Nên suốt mấy năm thầy dạy là môn tôi lo ngại nhất, tôi rất kính trọng đức độ và những tri thức của thầy. Tôi yên tâm thấy con đường mình đương đi là con đường thầy đã mở. Ngày đó càng cảm phục yêu thương thầy Lê Ấm của tôi, khi tôi đọc một tư liệu kê danh sách các cuốn sách mà Pháp thực dân và bọn Nam Triều Tiên cấm lưu hành có tên mấy cuốn sách do nhà yêu nước Phan Chu Trinh soạn. Tư liệu in thêm tên người đứng ra xuất bản là Lê Ấm, tên thầy giáo sư dạy toán của chúng tôi. Lại cũng từng biết thầy Ấm là con rể của cụ Phan. Thành ra thầy của tôi cũng là một ánh lửa quý báu biết chừng nào.
Đầu óc và tâm hồn, tự thấy giàu thêm. Lòng biết lãng mạn yêu gần yêu xa, mắt biết nhìn vào sự thật, và vào bao cái tưởng là không thật. Trí tưởng tượng cũng được nâng lên với tuổi. Sự mơ mộng đựơc cởi mở ra nhiều góc độ không ngờ, nó cho tôi thêm nhiều mẫu đời mới mẻ hẳn của bản thân mình. Bước vào cổng trường giữa hai hàng phi lao và cây tứ quí, dở mũ chào thầy hiệu trưởng Bularăng va thầy tổng giám thị Huỳnh Văn Gi, và cũng có một hôm quên khuấy cất mũ chào đến nỗi bị thư của Ban giám hiệu gửi lên tận bố tôi ở tận Bình Định phê bình tôi.
Nhưng có một điều tôi nhớ mãi là: vào lớp, coi như được bước vào một khung trời mới đầy ánh sáng của tuổi này thời thơ trẻ. Gặp thầy là được gặp người thi ôn mở cửa hiểu biết, học hỏi cho ta. Bạn học là những kẻ đồng hành, có cùng một đường đi, có cùng một hay nhiều mơ ước, có những nụ cười tươi thấm như nhau, mỗi cái bá vai bá cổ là một lần tìm kiếm ở nhau những sự đồng tình.
Nên Võ Đình Quỳnh rủ tôi lên ngôi nhà bố bạn xây ở chếch cửa trường một tý, ngôi nhà hai tầng mái bằng đầu tiên ở Quy Nhơn, là rủ nhau đánh bóng bàn, cười tôi cầm vợt bằng tay trái nhưng “tiu”thì ai cũng khó bắt bóng, cũng là dạy nhau làm toán khó, nhắc nhau làm luận cho hay để được thầy cho điểm tốt. Võ Xán người quê Bình Định, nước da ngăm ngăm đen, dáng đi lanh lợi, vẫn là bạn thân cùng học tiểu học trên trường Bình Định mấy năm về trước. Nay xuống đây ngồi học một bàn. Nhưng chí lớn và hành động yêu nước không có chút phiêu lưu của Xán, mười năm sau, vào những ngày cách mạng thành công, những ngày tổng khởi nghĩa tôi mới biết. Quả là bạn của nhau mà dễ đâu đoán được hết lòng nhau. Rồi bạn Lê Bá Hoan, con người thấp bé có cái cười nhẹ thoáng, nhưng vẫn có những thứ gì khó đóan được ẩn kín trong đôi mắt đen nhánh. Tôi thích Hoan ở điệu bộ dễ cười song lại dễ mắc cỡ. Bùi Tòng, Bùi Bá là hai anh em ruột từ Phú Phong gần cao nguyên xuống đất biển này cùng học chung một lớp với mình: Nguyễn Hữu, học giỏi trong các lớp cao đẳng tiểu học Quy Nhơn, người cùng sinh ra ở Đà Lạt rừng núi như tôi, bây giờ đang là một bác sĩ giỏi ở xa quê, chưa biết bao giờ mới gặp bạn lại được. Mịch Quang và Huỳnh Văn Cát có lớn tuổi hơn chút ít, nhưng có ai ngờ sau này là nhà sáng tác, nghiên cứu và nhà nghệ sĩ được yêu quý của nền nghệ thuật sân khấu quê hương ta. Kể lại năm ba tên người để thắm thiết tấm lòng thương nhớ bạn ở Quy Nhơn, chứ làm sao kể hết được các bạn đồng liêu đồng tuế của tôi.
Các thầy của tôi, tôi còn nhớ mãi. Các thầy là những miếng đất vô vàn ấm áp, hàng ngày hàng tháng trao cho tôi và cho chúng tôi nhiều chất dinh dưỡng ô cùng giá trị của cuộc đời. Nhiều thầy đã cho tôi những vốn kiến thức và những lượng thông tin văn học, khoa học, nhân văn không bao giờ tính hết được cho các tuổi mới biết ngập ngừng đi vào tìm cuộc đời và sự sống.
Nhiều giờ phút lại thấy các thầy và vốn liếng của sách vở, của tình nghĩa bạn, thầy là tất cả. Có thầy như thầy Hòa, hiền hòa, tiếng nói nhỏ nhẹ như con gái, ới học sinh thì mở rộng tấm lòng thanh thản tuổi thanh niên của thầy, nên chúng tôi điều yêu mến. Sau khai giảng mấy tháng, thầy ốm nặng qua đời. Học trò chúng tôi dưới nắng mùa gay gắt rủ nhau băng động cát dài leo sườn núi bẻ cành lá, bẻ hoa dại kết những vòng hoa tang kính cẩn xếp hàng đi đưa linh cửu thầy về phần mộ.
Thầy Trần Cảnh Hảo người quê Quảng Tri, thầy giỏi chữ nhỏ và tốt nghiệp Sư phạm tiếng Pháp. Thầy nghiêm nhưng xem chúng tôi như những người em. Một bài luận tôi làm nói đôi điều mình mơ ước được thầy cho điểm cao nhất lớp.Nhưng thầy có phong cách giảng dạy chúng tôi thấy có tính nhân văn riêng của thầy lúc đó. Với bài mơ ước đó của tôi, thầy bàn với các thầy giáo lớp dưới cho một số học snh giỏi lên nghe. Nguyễn Viết Lãm là một học sinh lớp dưới tôi được nghe đoi bài luận khá của tôi. Mãi sau này, Lãm viết thư cho tôi hoặc gặp lại tôi, cũng thân mến nhắc với nhau những buổi được nghe tôi đứng trước bảng đen đọc bài luận của tôi cho đại biểu anh chị em các lớp đến nghe như vậy. Riêng tôi cũng chẳng bao giờ quên được những giờ phút êm ái ấy với thầy, với bạn. Và cũng nên nói: với mình nữa.
Thầy Nguyễn Vỹ yêu mến tôi từ ngày tôi mới vào trường. Tiết dạy Pháp văn của thầy cũng là những giờ giảng giải tận tình caí đẹp của ngữ văn. Buổi học của thầy cũng là buổi học sinh im lặng chăm chú nghe và ghi nhận cho chính xác những gì mình tiếp thu được của bình giảng và của kho tàng mỹ học thầy biết tự vun trồng và thầy trao lại cho các tuổi thiếu niên những năm ba mươi. Năm 1986 được gặp lại thầy Vỹ ở ngày hội trường 90 năm Quốc học- Huế, thầy đã hơn 80 tuổi và thầy vỗ vai tôi âu yếm cười nói “ người học trò giỏi”. Tôi cảm ơn thầy.
Còn thầy giáo Máctanh, còn vợ thầy bà giáo Máctanh con gái cụ Đayđê, giám đốc học chính, còn thầy Tú Thọ, thân sinh anh Xuân Diệu, thầy dạy chữ nho cho chúng tôi mỗi thứ năm đến, và nhiều thầy khác nữa…Tôi nghĩ các thầy cũng đều là những người sẵn sàng mở đầu thời gian thực là có chữ nghĩa cho tôi và là những mảng trời xanh biếc trao cho tôi nắng gió của Quy Nhơn.
Anh Nguyễn Minh Vỹ đã từng thay thầy Cự dạy hè tôi một số mùa hè tại trên Bình Định. Anh có đưa về cho chúg tôi những kín đáo nào đó chăng từ Huế sông Hương núi Ngự, nơi anh còn học vài lớp cuối cùng cao đẳng tiểu học và từ những sóng gió nào đó của quê ta mà anh đã biết, mà chúng tôi còn nhỏ tuổi hơn chưa biết. Anh nói chuyện văn chương, sử địa, mà có gợi thêm co các học sinh hè như tôi và Hoan (Chế Lan Viên) đôi khía cạnh của nhân bản chủ nghĩa mới mà chúng tôi có vẻ đã chờ mong. Nghe anh chưa sâu, hiểu anh chưa hết, nhưng người thanh niên từ Huế vào như anh Vỹ có truyền cảm cho anh chị em nhỏ chúng tôi, một đôi khoảnh trời sáng trong mà lòng mình từng ít biết. Dù sao mức rung động của mình cũng sáng trong, và sức tiếp nhận cũng mau mắn, tinh tượm. Gia đình anh và gia đình tôi là hai gia đình bè bạn, nên tôi dễ gần gũi với anh như gần gũi với thầy Tôn Thất Cự vậy. Phải chăng anh có cách của anh để đưa cách mạng đến cho tuổi chúng tôi? Cách của anh có dạng chắc tay, nhưng không phải có duyên nợ trữ tình. Tập Nắng Xuân, của anh Vỹ tập hợp bài xuất bản ở Quy Nhơn năm 1937 nói gì vậy? Tôi cho là nó nói nhiều. Anh đã in một cách thật khỏe khoắn ở đây bài thơ sao anh không về chơi thôn vỹ của Hàn Mặc Tư trên các trang giấy mùa xuân này: – Thuyền ai đậu bến sông trăng đó? – Có chở trăng về kịp tối nay?
Quy Nhơn lúc tôi mới xuống đi học cũng là thành phố có nhà thơ Hàn Mặc Tử – Nguyễn Trọng Trí là nhà thơ lớp trước chúng tôi một chút, nhưng cũng là nhà thơ lớn nằm trong cao trào thơ mới. Lúc tôi đi học, thì ông là ông thông đạc điều, nhà ở cái phố nối phố Giuyn phery không xa cách nhà tôi ở trọ lắm. Anh được sinh ra ở Tam Tòa gần thị xã Đồng Hới, thuộc Quảng Bình quê gốc của tôi. Thơ anh chưa xuất bản thành tập lúc bấy giờ, nhưng những bài đã đăng trên báo và cuộc đời riêng cũng như sức khỏe của anh được bàn luận nhiều và anh được vô cùng yêu mến. Tôi và Chế Lan Viên khi ở Quy Nhơn cũng nhủ khi về nhà bố mẹ trên Bình Định đều hay nói chuyện với nhau về thơ Hàn Mặc Tử và về việc cất cánh bay của thơ anh trong những năm tháng ấy của phong trào thơ mới. Mãi đến khi tôi đã ra Hà Nội học, thì mới nhận được tập thơ đầu của anh gởi tặng tôi với lời đề tặng của một người anh: tập Gái Quê. Sự có mặt đáng trọng của anh trong thơ nói chung và trong thơ của Bình Định – Quy Nhơn là một điều lòng tôi ghi nhớ sâu sắc.
Quách Tấn quê tự Bình Khê cũng là một học sinh kỳ cựu của trường Quốc học Quy Nhơn. Anh lớn hơn Hàn Mặc Tử ba tuổi. Sáng tác anh từ xưa có cái hồn Việt Nam của một giọng thơ Đường. Cho nên người ta thích gọi Quách Tấn là nhà thơ cổ điển trước khi anh cho ra tập Mùa Cổ điển. Nhưng sáng tác phẩm của anh cũng là hoa quả của cái nắng ngày nay, của Bình Định – Quy Nhơn và đất nước. Trong nhịp mới của các thập kỷ chúng ta đang sống, một phong độ nho sĩ cũng có thể nói lòng mình một cách không cũ: Năm ngoái trời mưa nương bóng mận – Năm nay mận nở luống song nhau… Mười năm trước, ngày tôi ghé thăm anh tại Nha Trang, anh biếu tôi tập bản thảo thơ anh dịch Nhật Ký trong tù của Bác Hồ.
Tôi vào lớp năm thứ nhất trường Quy Nhơn thì Xuân Diệu đã tốt nghiệp cao đẳng tiểu họ ra trường và đã ra Hà Nội học cấp trung hoc trường Bưởi. Tôi chưa gặp Xuân Diệu những tháng năm tôi học Quy Nhơn. Thơ Diệu cũng là những xao xuyến trữ tình của thơ và của tài năng một nhà thơ trẻ Quy Nhơn, Bình Định đi ra với đời. Tôi yêu quý giá trị trữ tình thơ ấy. Tôi biết Diệu từ lúc vào Huế học tiếp năm thứ ba trung học, Diệu trở thành bạn thân của Cận. Huy Cận là bạn thân của tôi từ ngày đầu tôi rời Quy Nhơn ra học trường Quốc học Huế. Tôi gần Xuân Diệu nhất là từ lúc Diệu rời Huế bắt đầu học khoa luật trường Đại học Đông Dương. Các cuộc đời văn học của chúng tôi đi với nhau từ thời gian đó.
Chế Lan Viên và tôi gắn bó với nhau trong tình nghĩa láng giềng, nhà sát cạnh nhau ngày bé tuổi, và trong tình thơ ca với những đổi trao thân thiết đôi ba khám phá nhỏ nhoi trong cuộc sống làm thơ, thư và thơ gửi qua gửi lại cho nhau nhiều năm tháng xa xưa không chán. Tâm sự với nhau nhiều nên cang hiểu biết đời và bao ước mơ, trằn trọc của bạn. Đi đường dài ra học Hà Nội, chính tôi đã chạy in Điêu tàn tại đất văn vật ngàn năm này cho Chế Lan Viên, và cặm cụi với tuổi mười bảy của mình đi phát hành tập thơ tại Thăng Long đây cho bạn. Đó là những thời buổi lòng tôi không thể nào quên.
Quy Nhơn – Bình Định còn có các nhà thơ Yến Lan, Vương Linh, Nguyễn Viết Lãm, Phạm Hổ, nhà văn xuôi Nguyễn Thành Long mà tôi cho có nhiều chất thơ và chất trữ tình hiện thực của Bình Định, của miền Trung v.v… cũng đều là người của trương Quy Nhơn và của các năm tháng sôi động ấy ở đất nước mình.
Những ngày ở trường Quy Nhơn tôi còn viết bên cạnh thơ ca những truyện ngắn như Vườn Phật chiều hôm, Ba trái tim cùng nhịp… mà gửi được đăng ở Văn học tạp chí của các cụ Dương Quảng Hàm – Dương Tụ Quán tại Hà Nội vào cuối năm 1934, đầu 1935. lòng tôi thương nhớ Bình Định – Quy Nhơn và trường Quốc học Quy Nhơn mãi mãi sẽ còn là sâu đậm. Từ những ngày tuổi nhỏ, nên nó càng thiết tha. Cho đến những thập kỷ sau này tôi có những bài thơ viết về Bình Định – Quy Nhơn mà tôi từng muốn ghi vào đó đôi nỗi niềm đầm ấm nhất của đời mình. Như những bài thơ: Nhớ biển (1962), Cây me, cái giếng (1976), Gió chiều phương Mai (1978), Thăm đường cũ, ngày tuổi nhỏ (1978), Về thăm Quy Nhơn (1979 – 1985), mãi là đất trẻ (1986)…
Tôi nhớ tôi đã viết bài thơ Thăm đường cũ, ngày tuổi nhỏ lúc tôi trở lại cách đây mười hai năm, ghé thăm con đường nhỏ ngày xưa mà tôi đã ở trọ học năm học cuối cùng, nó chẳng xa trường Quốc học Quy Nhơn là mấy.
N.X.S.
Trần Xuân Toàn sưu tầm
Anh Ngô Thành Hùng nói cũng có lí quá
Hồi ức kỷ niệm đẹp Thẩy trò Tình cảm -Tấm lòng Nhận và Cho Với Thầy”Trò giỏi -phần thưởng đó!”Không uổng công lao dạy học trò!Với Trò”Thầy vầng trăng tỏa…Của Đạo Lý-Nhân Nghĩa-Văn thơ Là Mặt Trời-trái tim máu lửa!Phấn đấu học tập trong Danh dự Trò giỏi nhờ CácThầy chăm lo ”Không thành Danh cũng thành Nhân”đó!Hồi ức về Thầy về Trường cũ…Là niềm vui lớn chưa từng có”Gương sáng Các Thầy cho ước mơ…Tập tểnh vào Nghề Bút -Văn thơ Mong được có chút gì nho nhỏ”Như là hồi ký viết cho thỏa..”Tuổi trẻ thường mơ..”Đi đây đi đó ..” Qui Nhơn -Bình Định”Trời Văn Xứ Võ?
Xin cẩn thận cho , lịch sử trường College de Qui nhơn, có thể tham khảo nhiều trên internet. qua bao dâu bể mãi dến sau này..thế hệ 9X mới có trường Quốc Học Qui Nhơn.
Thế hệ Quách Tấn, Chế lan Viên….là học sinh của College de QN.
Làm gì có trường Quốc học Qui nhơn. Vừa rồi, khoảng tháng 4/2015 có nhiều tài liệu, kể cả các Thầy đã dạy từ lâu và nhiều CHS lớn tuổi đều khẳng định Không có tên trường Quốc học.
Bài viết làm cho thành phố Qui Nhơn thêm đậm đà chất văn hóa,chất nhân văn.
Một sự sơ suất chăng. Nhưng rất nhiều lần lặp lại, đã hạ thấp tình cảm trong bài viết. Thật tiếc.
Qui Nhơn là một thành phố đẹp đẽ,nơi xứng là đất võ trời văn.