Vũ Thanh
Trường thiên tiểu thuyết dã sử Việt Nam
Phần 2
NHẤT THỐNG SƠN HÀ
*
Hồi thứ hai mươi hai
Đỉnh núi Bà, kỳ nữ vọng phu hóa thạch
Hoàng Đế thành, Nguyễn Nhạc khóc chuyện nồi da
*
Sáng hôm sau Nguyễn Huệ cùng các tướng lãnh tiễn vua Thái Đức và Tiết chế Nguyễn Lữ xuống thuyền trở về lại Quy Nhơn. Không khí buổi tiễn đưa nặng nề đến nghẹt thở, từ tướng lãnh đến binh sĩ đều cảm thấy một sự rạn nứt trong nội bộ Tây Sơn nên chẳng ai muốn nói cười. Ba ngàn bộ binh theo lối đèo Hải Vân và bốn trăm chiến thuyền chở năm ngàn thủy quân rời khỏi Phú Xuân xuôi dòng Hương Giang ra cửa Thuận An. Vũ Văn Nhậm cùng một trăm chiến thuyền với hai ngàn quân rẽ ra bắc để trấn thủ Đồng Hới, số còn lại dong buồm về cửa Thử, Quy Nhơn. Mùa đông năm đó, Nguyễn Lữ cùng một số thuộc hạ lên đường vào Gia Định.
Sự bất lực trước đứa em út ở Phú Xuân đã làm tổn thương lòng tự ái, cũng như sự lo sợ về quyền lực và uy tín của Nguyễn Huệ ngày một lên cao đã khiến tâm tình Nguyễn Nhạc thay đổi lớn. Nhà vua suốt ngày chỉ biết uống rượu và đắm chìm sâu hơn trong những cuộc vui chơi trụy lạc do Bùi Đắc Tuyên bày vẽ. Tâm tình nhà vua lại nóng giận thất thường khiến cho triều thần ai nấy đều lo ngại và sợ hãi. Trong một buổi thiết triều, nhơn thấy nhà vua đang lúc tươi tỉnh, quan Lễ bộ Trần Trọng Vĩ qùy xuống tâu:
– Thần nghe bậc minh quân thường phải lánh xa kẻ tiểu nhân và tửu sắc. Bệ hạ xưa nay vốn là vì minh chúa, xin vì sự an nguy của xã tắc và hạnh phúc của bá tánh thiên hạ mà giảm bớt chuyện say sưa.
Vua Thái Đức hỏi:
– Chung quanh trẫm đều là những bề tôi trung trực, quan lễ bộ thấy điều gì mà khuyên trẫm phải lánh xa kẻ tiểu nhân?
Trọng Vĩ tâu:
– Mấy năm gần đây, thần thấy Bùi hộ giá vẫn thường chủ xướng những thú vui không mấy thanh bạch để mua vui cho Bệ hạ. Từ khi ra Bắc trở về, chuyện tửu sắc lại có phần trầm trọng hơn, xin Bệ hạ suy nghĩ lại để bá tánh được nhờ.
Bùi Đắc Tuyên đứng hầu kế bên lớn tiếng cãi:
– Vậy ra ông cho tôi là tên tiểu nhân bên cạnh Hoàng thượng phải không? Hoàng thượng là vì minh quân cai trị một nước, chẳng lẽ một vài trò tiêu khiển cũng không được huởng thụ nữa hay sao?
Trọng Vĩ đứng lên nhìn thẳng mặt Bùi Đắc Tuyên đáp:
– Làm vua một nước thì có quyền hưởng thụ, nhưng những trò tiêu khiển của ông bày ra sẽ hại cả sơn hà xã tắc, ông biết chưa?
Vua Thái Đức xua tay lớn tiếng:
– Các khanh đừng cãi vả nữa, trẫm tự biết mình phải làm gì mà.
Bùi Văn Nhật tâu:
– Mấy hôm nay Nguyễn Thung muợn cớ say sưa lang thang khắp nơi chưởi bới và nói những lời hết sức phạm thượng. Thần đã cho bắt giam hắn lại.
Thái Đức hỏi:
– Hắn chửi bới cái gì?
– Dạ, những điều hắn nói hạ thần không dám nói ra.
– Cứ nói ra ta nghe thử.
– Dạ hắn nói những lời phỉ báng, còn rêu rao Bệ hạ hãm hại hắn thì nay gặp qủa báo bị chính em ruột mình âm mưu hãm hại trở lại..
Nghe nhắc đến nỗi đau tâm phế của mình, cơn giận trong lòng vua Thái Đức lại bùng lên:
– Làm sao nó biết những điều này?
Bùi Văn Nhật sợ hãi tâu:
– Dạ… Việc này khắp Quy Nhơn mọi người đều biết…
Nhà vua hét lên:
– Bắt hắn đem chém ngay trước cửa thành để răn chúng. Ai nói đến việc này lập tức xử chém ngay cho ta, bất kể thân sơ.
Văn Nhật do dự:
– Dạ…
– Còn vâng dạ gì nữa. Thi hành ngay cho ta.
Bùi Văn Nhật thấy nhà vua nóng giận cực độ thì hoảng sợ, vội cáo lui, đi ngay xuống nhà ngục sai quân đem Nguyễn Thung ra trước cửa thành chém đầu thị chúng. Trên đường bị dẫn đi, Nguyễn Thung vừa cười vừa chưởi bới vang trời, buộc quân sĩ phải dùng vải nhét miệng ông ta lại. Lý do dẫn đến cái chết của Nguyễn Thung đã khiến cho lòng dân chúng ở Quy Nhơn xôn xao. Khắp nơi rì rầm bàn tán về việc anh em Tây Sơn bất hòa. Tuy lệnh trên đưa xuống xử chém ngay những ai nói đến việc này, nhưng vẫn có một số người lén lút rêu rao câu chuyện hiềm khích giữa vua Thái Đức và Long Nhương tướng quân. Họ còn lén lút truyền nhau câu chuyện về những chiếc tàu sắt có gắn đại bác của Tây dương từ nước Pháp Lãng Sa sang giúp Nguyễn Ánh đang lênh đênh ngoài khơi biển Đông. Nếu tinh ý, người ta sẽ nhận ra những kẻ phao tin đó hoàn toàn lạ mặt không biết đến từ phương nào, và những tin tức của họ ngầm ý đào sâu hố chia rẽ giữa ba anh em nhà Tây Sơn.
Những tin tức xấu này đã khiến dân tâm Quy Nhơn và cả Nam Hà dao động và lo sợ. Nhưng người lo sợ nhất chính là quan Tổng tài Huyền Khê, một người từ thuở khai sơn đã cùng Nguyễn Thung sánh vai với vua Thái Đức trong những ngày phát khởi. Một hôm trong một buổi thiết triều nhà vua hỏi Huyền Khuê:
– Tình hình quốc khố lúc này thế nào?
Huyền Khuê tâu:
– Muôn tâu Bệ hạ. Nhờ đức lớn của Bệ hạ mấy năm nay mưa thuận gió hòa cho nên lương thực không thiếu, nhưng vì chiến tranh liên miên nên phần dự trử cũng không được nhiều lắm.
– Tiền bạc, khí tài thì sao?
– Muôn tâu, còn rất ít.
Cơn bực tức lại nổi lên trong lòng vua Thái Đức, ông hỏi:
– Việc ta sai ngươi cho người mang chiếu chỉ ra bảo thằng Huệ đem nộp những thứ của cải châu báu lấy được ở Thăng Long đến nay ra sao rồi, sao không nghe báo lại?
Huyền Khuê sợ hãi tâu:
– Muôn tâu, hạ thần đã hai lần sai người mang chiếu chỉ của Hoàng thượng ra Phú Xuân nhưng Nguyên soái vẫn giữ im lặng không chịu thi hành.
Vua Thái Đức tức giận bảo Lê Công Miễn:
– Viết ngay một tờ chiếu nữa, sai người mang ra Phú Xuân bảo Nguyễn Huệ phải cấp tốc mang theo số châu báu hồi trào gặp trẫm. Bất tuân ta sẽ xử tội không tha.
Lê Công Miễn tuy lòng không muốn nhưng đành phải thảo ngay một tờ chiếu. Viết xong dâng lên cho vua đọc, nhà vua vò nát tờ chiếu lớn tiếng:
– Viết lại! Viết lại! Phải dùng cách nói mạnh bạo, cứng rắn hơn để răn đe nó. Viết kiểu này làm sao bắt nó về được! Buộc nó sau khi tiếp chỉ phải trở về ngay. Kỳ hạn đến đầu năm tới mà không có mặt tại Quy Nhơn cùng số tài vật ta sẽ hưng binh vấn tội.
Công Miễn đành dùng lời lẽ cứng rắn viết lại tờ chiếu. Đọc xong, vua Thái Đức dặn Bùi Văn Nhật:
– Ngươi sai kẻ tâm phúc mang gấp ra Phú Xuân đưa tận tay Nguyễn Huệ cho ta.
Bùi Văn Nhật tuân mệnh sai viên Đô úy Trần Cung cấp tốc thi hành. Ra đến Phú Xuân, Trần Cung gặp Nguyễn Huệ tuyên chỉ. Huệ làm lễ tiếp chỉ xong đứng lên quắt mắt nhìn Trần Cung nói lớn:
– Ngươi về tâu lại với Hoàng thượng, việc Phú Xuân còn bề bộn lắm, xứ Bắc Hà bọn Trịnh Bồng và Nguyễn Hữu Chỉnh đang làm loạn, khi nào thu xếp xong ta sẽ hồi trào phục mệnh. Còn số châu báu lấy được ở Thăng Long ta đã dùng vào việc cải cách Thuận Hóa hết rồi, đừng hỏi tới nữa.
Trần Cung bắt gặp tia nhìn như điện của Nguyễn Huệ thì khiếp hãi trong lòng vội vã cáo từ trở về Quy Nhơn. Nghe Trần Cung báo lại, vua Thái Đức liền đùng đùng nỗi giận vỗ án hét lớn:
– Đúng là nó muốn tạo phản rồi, nếu không hưng binh trị tội nó thì còn gì thể thống triều đình nữa. Thái bảo Phạm Văn Tham mau thống lãnh hai vạn bộ binh, Đô đốc Nguyễn Văn Kim lãnh một vạn thủy quân ra Thuận Hóa bắt thằng phản nghịch về đây cho ta.
Trần Trọng Vĩ vội qùy xuống tâu:
– Xin Hoàng thượng hãy dằn cơn nóng giận. Dù sao thì Nguyên soái và Hoàng thượng cũng là chỗ cốt nhục thâm tình, việc lại chưa nghiêm trọng đến mức phải xuất sư động mã làm tổn hại đến tình nghĩa anh em. Huống chi lúc này đang mùa đông giá, việc hành quân trên bộ hay trên biển đều khó khăn. Thần xin vì Hoàng thượng, đích thân ra Phú Xuân để phân rõ lợi hại với Nguyên soái. Hoàng thượng hãy tỏ cho hết tình, sau đó nếu Nguyên soái vẫn bất tuân lệnh chỉ thì sang xuân hưng binh vấn tội sau cũng chưa muộn.
Nhà vua chưa hết giận nói:
– Ta năm lần bảy lược hạ chỉ triệu hồi nó không thèm nghe, như vậy còn chưa hết tình hết nghĩa với nó là gì. Ta lại nghe nói từ sau khi ta về Quy Nhơn, nó ngày đêm chiêu binh, mộ lính, sửa sang thành lũy, tự ý tuyển người phong chức mà không hỏi qua ta một lời. Nếu nó không có ý lập nước riêng phản lại ta thì để làm gì? Hay là ngươi muốn mượn cớ đi sứ để theo về với nó chống đối lại ta?
Trần Trọng Vĩ bình tĩnh đáp:
– Hạ thần có nghe bọn Trịnh Bồng và Cống Chỉnh đang làm loạn đánh nhau dành giựt Thăng Long, bởi vậy việc Nguyên soái chiêu mộ binh mã chẳng qua là phòng khi hữu sự. Hạ thần chỉ vì lợi ích của Tây Sơn mà nói lời hơn thiệt chứ nhất thiết không phải là hạng ăn ở hai lòng. Xin Hoàng thượng minh giám.
Các quan văn võ như Bùi Văn Nhựt, Lê Công Miễn, Huỳnh Văn Thuận, Triệu Đình Tiệp, Phạm Văn Tham, Nguyễn Văn Kim… đều đồng loạt qùy xuống lên tiếng can ngăn:
– Lời của quan Lễ bộ là chính ngôn, xin Hoàng thượng dằn cơn nóng giận mà minh xét.
Vua Thái Đức thấy tất cả các quan đều lên tiếng can nên cơn giận cũng giảm bớt, vua nói:
– Các khanh đã nói thế thì ta hãy tạm hoãn việc hưng binh, nhưng quan Lễ bộ hãy mang chiếu chỉ của trẫm ra Phú Xuân triệu hồi nó lần nữa. Nếu còn cãi lệnh ta nhất định hưng binh vấn tội, chừng đó các khanh không ai được nhiều lời nữa. Bãi triều!
Các quan lạy tạ buồn bã lui ra. Hôm sau Trần Trọng Vĩ mang chiếu chỉ lên đường ra Phú Xuân lần nữa. Nguyễn Huệ tiếp chỉ xong tức giận lớn tiếng:
– Ta có tội gì mà hưng binh để vấn. Ta vào sinh ra tử đánh nam dẹp bắc mang về cả giang san cho anh ấy là tội à? Ta đã từng khẳng định với Hoàng thượng là việc thống nhất sơn hà ta nhất quyết phải làm, dù chết ta cũng phải làm, không có gì ngăn cản nổi ta đâu. Ông hãy về tâu lại lời ta nói, đợi ta lấy luôn Bắc Hà dâng lên cho, Hoàng thượng cứ ngồi trên cao mà hưởng phước đi.
Trọng Vĩ thở dài than:
– Tôi biết Nguyên soái ở vào thế tiến thoái lưỡng nan cho nên chúng tôi đã nhiều lần can gián nhưng Hoàng thượng không nghe. Ai cũng biết nếu phải động tới binh đao thì thật là một tai họa lớn cho sơn hà xã tắc và uy tín của Tây Sơn, nhưng mọi người đã hết cách rồi. Hay Nguyên soái cứ về ra mắt Hoàng thượng một lần cho yên chuyện?
Ánh mắt Nguyễn Huệ long lên:
– Ta mà về Quy Nhơn thì hai tay sẽ bị trói chặt, non sông này sẽ còn loạn lạc và chia cắt mãi mãi. Ta thà trái mệnh vua để lo cho đất nước, cho dân tộc, cho hạnh phúc của trăm họ. Đem chuyện binh đao ra mà hù dọa được ta sao?
Trần Văn Kỷ vội lên tiếng can:
– Nguyên soái chớ nóng giận mà tổn hại đến tình anh em. Ngài Lễ bộ xin trở về cùng bá quan cố gắng khuyên can Hoàng thượng.
Trọng Vĩ nói:
– Tất cả chúng tôi sẽ cố gắng, chỉ sợ Hoàng thượng vì thể diện mà không chịu nghe lời can. Hơn nữa, lúc này khắp nơi dân chúng đều xôn xao vì chuyện bất hòa giữa Hoàng thượng và Nguyên soái.
Ngô Văn Sở nói:
– Ông và các quan cứ tận hết sức mà can gián, bất đắc dĩ phải động binh đao, tôi cho rằng cũng không thiệt hại gì cho lắm đâu.
Trọng Vĩ ngạc nhiên hỏi:
– Tư mã nói vậy là sao?
Ngô Văn Sở cười đáp:
– Tất cả tướng lãnh Tây Sơn đều ở đây thì còn ai ở Quy Nhơn cầm quân ra trận mà các ông lo?
Trọng Vĩ nói:
– Hôm trước Hoàng thượng đã ra lệnh cho Thái bảo Phạm Văn Tham chỉ huy bộ binh, Đô đốc Kim chỉ huy thủy quân định cử binh ra Phú Xuân đấy.
Nguyễn Huệ nhìn Ngô Văn Sở:
– Toàn bộ quân lính Tây Sơn ở Quy Nhơn đều là quân tinh nhuệ do ta huấn luyện, đám tân binh Thuận Hóa không phải là đối thủ của họ đâu, ông đừng khinh thường.
Văn Sở khẽ míu mày:
– Chẳng lẽ họ quay giáo đâm lại Nguyên soái, người huấn luyện, cùng vào sinh ra tử lại thương yêu họ như anh em hay sao?
Nguyễn Huệ thở dài:
– Chỉ sợ Hoàng thượng dùng sự an nguy của gia đình họ để ép buộc mà thôi.
Trần Trọng Vĩ giật mình nói ngay:
– Cả gia đình của Nguyên soái nữa đó, e rằng Hoàng thượng sẽ dùng họ để gây áp lực.
Bùi Thị Xuân nói:
– Nếu việc ấy xảy ra tôi tin cũng không có gì nguy hiểm lắm đâu.
– Vì sao?
– Vì hai chú tôi đâu lẽ nào để em gái và cháu mình bị hại.
Trọng Vĩ vẫn tỏ ra lo lắng:
– Nhưng tâm tình Hoàng thượng lúc này hỉ nộ thất thường, chỉ sợ..
Nguyễn Huệ bình thản nói:
– Ông cứ trở về phục mệnh, mọi chuyện tôi tự có cách giải quyết.
Trần Trọng Vĩ cáo từ trở về Quy Nhơn. Trần Mỹ Tuyết đón anh bên ngoài nói:
– Anh em lâu ngày mới được gặp nhau, anh hãy nán lại Phú Xuân với em một ngày, mai hãy về cũng chưa muộn.
Trọng Vĩ nói:
– Không được. Hoàng thượng truyền lệnh phải về ngay trước Tết để phục mệnh. Dịp khác anh em ta hàn huyên.
Mỹ Tuyết nói:
– Hay anh Cả ở lại Phú Xuân làm việc với Nguyên soái đi. Em thấy chí của Nguyên soái thật ca xa, to lớn như cánh chim bằng. Phú Xuân mới là nơi để anh lập chí tiến thân đó.
– Nói bậy! Anh đã hứa trước mặt Hoàng thượng là sẽ trở về phục mệnh, đâu thể nuốt lời.
– Nhưng lỡ xảy ra chiến tranh, anh nghĩ thành Hoàng Đế có thể giữ vững dưới sức tiến công vũ bão của Nguên soái hay sao?
Trọng Vĩ trấn an em gái:
– Cho nên anh mới cần phải trở về để cùng bá quan cố gắng khuyên giải Hoàng thượng thu hồi lệnh đòi Nguyên soái, hầu tránh khỏi can qua.
Mỹ Tuyết bịn rịn:
– Vậy thì anh đi đi. Nhớ bảo trọng.
Trong khi đó Nguyễn Huệ hỏi Trần Văn Kỷ:
– Lá thư mời La Sơn phu tử ông đã thảo xong chưa?
– Dạ rồi, Nguyên soái có thể xem qua.
Nguyễn Huệ mở thư đọc. Thư rằng:
” An nam Đại nguyên soái kính gởi cho La Sơn phu tử nhã giám
Đã lâu nay nghe tiếng Phu tử, đức tuổi đều cao, kinh luân sẵn có. Chính tôi muốn tới nhà gặp mặt để thõa lòng tìm kiếm khó nhọc. Nhưng vì kẻ sinh phương Tây, người lánh cõi Bắc, chẳng phải như Sằn Dã, Nam Dương gần gũi, có thể nghe tiếng sấm mùa xuân mà đánh thức Ngọa long.
Vậy đặc biệt sai hai đình thần đem vật mọn đến (vàng năm nén, lụa hai tấm), gọi là tỏ lòng thành thô sơ. May chi, Phu tử không lấy thế làm lạ, bỏ cái nhã thú lâng lâng, nghĩ tới lòng tôi chân thành đau đáu mà bỏ cày, quẳng câu, cáng đáng lấy sự nghiệp Y, Khương.
Không những riêng nước tôi may mắn mà mười hai thừa tuyên ở Bắc cũng rất được may. Chớ làm tôi thất vọng, mong Phu tử lượng cho.
Nay kính thư
Thái Đức nguyên niên thứ chín, tháng mười hai ngày mười tám.”[1]
Huệ đọc xong gật đầu nói:
– Hay lắm. Ai có thể thay ta đi gặp ông ấy?
Trần Văn Kỷ nói:
– Lại bộ Hồ Đồng và Đô đốc Võ Đình Tú là thích hợp nhất.
Huệ nói:
– Võ Đình Tú phải huấn luyện tân binh. Tôi muốn nhờ tướng quân Nguyễn Huỳnh Đức đi thế.
Nguyễn Huỳnh Đức từ khi bị bắt ở Gia Định vẫn theo trong quân của Nguyễn Huệ nhưng chưa có dịp gì để lập công đền ơn, nghe Huệ nhắc đến mình, Huỳnh Đức vội chắp tay nói:
– Tôi từ theo Nguyên soái vẫn chưa làm được việc gì để đền ơn tri ngộ, nay được Nguyên soái giao cho việc này, tôi nhất định sẽ cùng Hộ bộ cố gắng hoàn thành sứ mạng.
Huệ nói:
– Nếu chỉ là việc đi sứ thì sao xứng với tài ba của tướng quân. Sau chuyến đi sứ, tôi còn muốn cậy ông ở lại Nghệ An cùng Nguyễn Văn Duệ trấn thủ vùng biên cương này. Xin chớ để sơ suất.
Nguyễn Huỳnh Đức nói:
– Tôi nhất định hoàn thành mọi sứ mệnh của Nguyên soái giao cho.
– Vậy thì hai người chuẩn bị lên đường ngay đi.
Văn Kỷ hỏi:
– Nay đã sắp Tết Đinh Mùi, hay ta đợi sang xuân hãy đi.
Huệ nói:
– Không, nên đi cho kịp đến nơi vào dịp Tết để ông ta nhận thấy sự qúi trọng của mình.
Hồ Đồng và Huỳnh Đức liền chuẩn bị mang lễ vật ra Nghệ An. Huệ dặn Ngô Văn Sở:
– Phần ông thì mau ra Đồng Hới giúp Vũ Văn Nhậm một tay.
Ngô Văn Sở hiểu ý mỉm cười rồi lãnh mệnh ra đi. Mọi người vừa ra khỏi thì Mỹ Tuyết đưa Tín Nhi và Hoài Quân bước vào. Huệ hỏi:
– Đám tang của bá mẫu đã xong rồi phải không? Tôi xin lỗi Hoài Quân và anh Tiểu Phi vì không thể đến dự.
Hoài Quân nói:
– Nguyên soái trăm công ngàn việc, chúng tôi hiểu mà.
– Hoài Quân từ nay ở lại Phú Xuân chứ? Tôi giao cho hai người một căn phủ đệ trong thành để tiện công việc.
Tín Nhi buồn bã nói:
– Giao thì nhận, nhưng chờ sau khi ta đi Núi Bà trở về đã.
Huệ ngạc nhiên hỏi:
– Có chuyện gì xảy ra với chị Đoan Trang phải không?
Hoài Quân rơi lệ nói:
– Trước khi Hoài Quân rời Núi Bà ra cửa Hàn chăm sóc cho Mẹ, chị ấy đã rất suy sụp. Mới đây nghe anh em báo ra là hai mẹ con chị ấy đã chết trong một đêm dông bão.
Mỹ Tuyết thảng thốt hỏi:
– Cả hai mẹ con à?
Hoài Quân nức nở:
– Nghe nói đêm ấy trời nổi cơn mưa lớn, dông gió, sấm chớp đầy trời. Mọi người trong vùng đều nghe một tiếng sấm rất lớn trên đỉnh núi sau nhà. Sáng hôm sau mới hay hai mẹ con chị Đoan Trang đã chết đứng như hóa băng trên đỉnh núi cạnh hòn đá lớn.
Hoài Quân kể tới đây không cầm được lòng, bật lên khóc òa. Trần Mỹ Tuyết cũng xúc động òa lên khóc theo. Nguyễn Huệ im lặng một lúc lâu, cố nuốt xuống bụng nỗi nghẹn ngào đang dâng lên cổ mình và nói:
– Thật đáng thương và đáng kính thay cho người kỳ nữ. Tiếc rằng ta không thể trở về Quy Nhơn lúc này để kính nàng một lạy. Phải báo cho Hoàng thượng biết để phong tặng nàng bốn chữ “Tiết Hạnh Khả Phong”.
Tín Nhi nói:
– Việc đó ta sẽ thay ngươi. Còn một người phụ nữ nữa cũng đáng liệt vào hàng kỳ nữ và cũng xứng đáng nhận bốn chữ vàng đó.
– Ai nữa vậy?
– Ngươi còn nhớ viên tướng Ngô Cảnh Hoàn của đội Tiền Trạch chận đánh chúng ta rồi bị chết ở bến sông Thúy Ái gần Thăng Long không?
– Nhớ. Chuyện thế nào?
– Lúc Ngô Cảnh Hoàn chết, cả nhà ông ta ai cũng kêu gào than khóc rất thảm thiết, chỉ có người thiếp trẻ rất xinh đẹp là Phan Thị Thuấn, mới hai mươi tuổi, là vẫn nói cười như thường. Mọi người đều cười chê, cho rằng nàng là hạng vô tình nghĩa. Đến kỳ bách nhật, Phan thị sửa soạn rất lộng lẫy, cho mời mấy nhà sư ra bến Thúy Ái để làm đàn chay tế chồng. Chay đàn xong, nàng nói với người nhà: “Công việc của thiếp đã xong, từ đây thiếp xin theo chồng. Nhơn vì hài cốt của tướng quân không được mai táng, xin mọi người đừng mai táng thiếp làm gì”. Nói xong nhảy xuống bến sông tự vận chết theo chồng. Bấy giờ mọi người mới hiểu rõ sự trinh liệt của nàng ta.
Nguyễn Huệ và Trần Mỹ Tuyết nghe xong không khỏi ngậm ngùi. Mỹ Tuyết cảm khái:
– Đàn bà trên thế gian thì nhiều, nhưng để thành kỳ nữ như chị Đoan Trang và nàng Phan thị thì chẳng mấy ai. Mai mốt tướng công có làm chủ Thăng Long xin đừng quên truy tặng tiết tháo của nàng ta.
Nguyễn Huệ gật đầu tán đồng. Tín Nhi nói:
– Lẽ ra ta từ cửa Hàn về thẳng cửa Thử nhưng có vài chuyện quan trọng cần báo với ngươi nên mới ra đây.
Trần Mỹ Tuyết biết hai người có chuyện quan trọng muốn bàn bạc nên cầm tay Hoài Quân nói:
– Đi, chị đưa em vào ra mắt Công chúa Ngọc Hân.
Nguyễn Huệ chờ họ đi khỏi mới hỏi:
– Chuyện gì?
– Gần đây có một số kẻ lạ mặt len trong dân chúng phao tin đồn thất thiệt nhằm chia rẽ anh em Tây Sơn nhà ngươi, không biết bọn này thuộc phe nào, ta đã cho anh em truy lùng nhưng chưa tìm ra manh mối.
– Có thể là của bọn Nguyễn Ánh mà cũng có thể là của Nguyễn Hữu Chỉnh.
– Theo ta biết Nguyễn Ánh còn ở Xiêm La chưa có động tịnh gì, vậy chắc là của Cống Chỉnh rồi.
– Ta cũng nhĩ vậy. Hiện hắn đã được Lê Chiêu Thống rước từ Nghệ An về dẹp bọn Trịnh Bồng và phong cho tước Bằng trung công. Hắn hiểu rõ tình hình Quy Nhơn nên muốn phá cho anh em ta xích mích để hắn có thời gian củng cố Bắc Hà mà làm Chúa một cõi.
– Con người này đúng là tay gian hùng số một. Nhưng hắn có thực tài đấy chứ.
Huệ mỉm cười:
– Tài chứ. Hắn chỉ nhận của ta hai mươi lạng vàng mà có thể mộ quân, tuyển lính đánh dẹp được bọn Trịnh Bồng thì phải biết.
– Ngươi định xử trí hắn thế nào?
– Trước mắt cứ để hắn dẹp hết bọn Phùng Cơ, Tích Nhưỡng cho rảnh nợ. Một khi dẹp xong bọn đó rồi, hắn thế nào cũng nghênh ngang tự phụ làm chúa Thăng Long, chừng đó ta ra trị hắn một cách danh chánh ngôn thuận. Việc trước mắt bây giờ là lo ổn định chuyện nội bộ.
– Ta thấy Trần Trọng Vĩ vừa rời Phú Xuân, Hoàng thượng có thái độ thế nào?
Huệ thở dài chán nản:
– Không khéo sẽ phải động tới binh đao.
– Nếu việc ấy xảy ra, chúng ta phải xử trí thế nào cho phải?
– Nếu đã không tránh được thì đành phải tiên hạ thủ vi cường. Đánh một đòn sấm sét thị uy để Hoàng thượng chịu phép mà chấp thuận cho ta tự do hành động.
– Không thể điều đình hòa giải hay khuyên nhủ gì được sao?
– Chưa thị uy thì không thể buộc Hoàng thượng chấp nhận hòa giải được. Đành chịu cảnh vỏ đậu nấu củ đậu một phen cho dứt khoát mọi vấn đề.
– Còn Anh Bảy? Không giúp gì được à?
– Được, nhưng phải sau khi chứng tỏ cho Hoàng thượng biết mình cứng rắn và thật sự mạnh hơn anh ấy. Ta tin rằng Hoàng thượng khi kém thế sẽ nhờ anh Bảy tiếp cứu, ngươi cho người cấp báo cho ta biết, ta sẽ sai Lê Văn Hưng phục kích bắt sống cả đoàn quân tiếp viện, chừng đó Hoàng thượng mất hết hy vọng thì việc anh Bảy đứng ra giảng hòa mới có hiệu qủa.
– Quân lính đã bị Hoàng thượng rút hết về Quy Nhơn, lỡ phải đánh nhau ngươi nghĩ số tân binh Thuận Hóa có thể chống cự nổi với đoàn quân thiện chiến kia không?
Huệ mím môi suy nghĩ một lát đáp:
– Quân Quy Nhơn tổng cộng có đến ba vạn, chúng ta hiện chỉ có hơn vạn tân binh. Ta phải gấp rút vét hết dân đinh Thuận Hóa mới có thể tương đồng lực lượng. Nhưng nếu thật sự giao chiến e ngọc đá đều tan. Cho nên..
Tín Nhi nhìn bạn:
– Cho nên phải làm công tác tâm lý chiến.
Huệ cười tươi vỗ vai bạn:
– Ngươi thật đã nhìn thấu hết gan ruột của ta. Việc này giao cho ngươi, thành bại nên hư của Tây Sơn đều tùy thuộc vào công tác này, ngươi phải cố gắng hết sức mới được.
Tín Nhi qủa quyết:
– Ta nhất định làm được, vì dù sao anh em binh sĩ Quy Nhơn họ vẫn coi ngươi như ruột thịt, lẽ nào họ quay giáo đâm lại ngươi. Cho nên ta sẽ ngầm bảo họ đây chỉ là trận đánh thị uy của ngươi thôi chứ không phải chuyện tranh dành ngôi báu hay quyền lực. Ta nghĩ họ sẽ hiểu thấu đại nghĩa mà tự động tháo chạy khi đối trận.
Nguyễn Huệ nói:
– Còn một công tác vận động nữa cũng không kém phần hiệu qủa..
– Là Quốc mẫu phải không?
Huệ vỗ vai bạn khen lần nữa:
– Tài lắm. Không hổ là tri kỷ của Long Nhương.
Tín Nhi cười:
– Có khó gì mà không đoán ra. Ta vẫn nghe Hoàng thượng là người con chí hiếu, mà Quốc mẫu thì thương ngươi nhất nhà, nếu có người báo cho Quốc mẫu biết tình trạng xích mích đến phải đổ máu giữa hai anh em ngươi, thế nào Quốc mẫu cũng tìm cách khuyên Hoàng thượng nhượng bộ giảng hòa.
– Hoàng thượng là người mưu trí đa đoan, làm việc gì cũng tính toán kỹ càng mọi lẽ. Chỉ sợ anh ấy bịt kín hết các đầu mối, giam giữ hết con tin thì việc sẽ trở nên phức tạp lắm đấy, ngươi đừng tưởng dễ.
Tín Nhi suy nghĩ một lát hỏi:
– Trường hợp như vậy, chị Lan và mấy cháu ở Càn Dương ngươi tính sao? Nếu để Hoàng thượng dùng họ uy hiếp ngươi thì khó đấy.
– Ngươi vào núi Bà xong tìm cách đưa họ về đây. Trường hợp họ đã bị quản thúc, ngươi liên lạc với anh em Bùi Văn Nhật cứu họ ra.
*
Phan Sinh vì muốn lưu giữ hình ảnh người thiếu phụ bế con chờ chồng hóa đá nên đã cho xây ngôi mộ của mẹ con Đoan Trang như một pho tượng đứng theo tư thế khi mẹ con nàng chết. Dưới chân là một bệ đá vuông dùng làm nơi hương khói, có tấm bia ép dính vào chân tượng. Trên tấm bia chàng khắc mấy câu thơ bằng chữ Hán:
Khả liên trung trinh nữ
Kim thạch vọng phu tình
Bách niên đồng tạc dạ
Vạn kỷ nhật nguyệt minh
Bên dưới là bốn câu thơ bằng chữ Nôm:
Thương ai tấc dạ vàng son
Bế con lên đứng đầu non đợi chồng
Trăm năm vẹn chữ tâm đồng
Ngàn năm hóa đá tạc lòng trung trinh[2]
Khi Tín Nhi và Hoài Quân lên đến nơi đã thấy Phan Sinh ngồi một mình im lặng trước ngôi mộ. Chàng đã ngồi như thế hơn mười ngày nay rồi, không thiết gì đến việc ăn uống, kể từ sau khi lo xây xong ngôi mộ chí. Hai vợ chồng Tín Nhi đem hoa qủa và nhang đèn dâng lên rồi lạy trước mộ xong đến qùi bên cạnh Phan Sinh. Hoài Quân không dằn được lòng mình đã òa lên nức nở khóc. Hai hàng lệ cũng từ từ chảy trên má Tín Nhi. Phan Sinh vẫn giữ im lặng. Con người thư sinh mặt đẹp như ngọc giờ đây đã biến thành một cái xác gầy nhom không còn thần sắc, tóc râu lõa xõa rối bời trong làn gió lạnh cuối đông. Thật lâu, Tín Nhi đặt tay lên vai Phan Sinh nói:
– Em có mang theo rượu, anh em mình uống vài chung nhé?
Phan Sinh chậm rải gật đầu. Tín Nhi rót rượu, đưa một chung cho Phan Sinh:
– Chúng ta uống ly này cho tấm gương trinh liệt của chị Đoan Trang.
Phan Sinh lặng lẽ uống cạn. Tín Nhi rót chung thứ hai:
– Chung này để tiếc thương mẹ con người kỳ nữ.
Phan Sinh lặng lẽ uống cạn. Tín Nhi rót chung thứ ba:
– Chung này chứa đựng cả bể trầm luân, mình uống cạn đi để cõi hồng trần không còn những oan nghiệt, khổ đau nữa.
Họ im lặng uống cạn. Tín Nhi đổ sạch rượu trong bầu xuống đất cho đến giọt cuối cùng xong ném bầu rượu ra xa, chàng nói:
– Tất cả rồi cũng về trong lòng đất. Anh không cần phải tự hành hạ mình nữa, nếu không, tình trạng này kéo dài tất anh sẽ chết, chẳng hóa ra là mình góp thêm sự oan khiên vào trần thế ư?
Phan Sinh chợt lên tiếng:
– Chết là trở về trong lòng đất như chú vừa nói, có gì phải sợ?
– Nhưng cái chết của anh để lại thêm một nỗi oan khiên cho trần thế.
– Chú có thấy nét tuyệt mỹ toát ra từ bức tượng này không?
– Thấy.
– Nó được tạo thành bởi nỗi oan khiên. Cùng cực của oan khiên! Cùng cực của tuyệt mỹ!
– Nhưng chỉ nên có một. Nếu thêm nữa, trần gian này sẽ biến thành địa ngục của khổ đau. Cho nên anh phải quên đi để trở về vui với cuộc sống.
Phan Sinh nhìn ngôi mộ đá một cách say mê, giọng mơ màng:
– Quên sao được mà quên. Chú chưa nhìn thấy hình ảnh của nàng bế con đứng ngóng chồng trong bóng chiều tà, dưới hàng dương, bên bờ biển xanh sóng vỗ. Bức tranh tuyệt mỹ ấy không thể xuất hiện trên thế gian lần nào nữa. Đó là món qùa mà hóa công ban tặng cho trần thế, duy nhất một lần, và anh là người duy nhất may mắn nhìn thấy được. Hình bóng của nàng, trái tim kim thạch của nàng, khối tình chung thủy của nàng, lòng kiên trinh của nàng… Ôi!.. Những thứ ấy chú bảo anh làm sao quên được.
Tín Nhi và Hoài Quân đăm đăm nhìn Phan Sinh với ánh mắt thông cảm. Phan Sinh tiếp tục nói như trong mơ:
– Lúc nàng còn sống, anh cứ thầm trách hóa công sao lại nhẫn tâm đem một nhan sắc tuyệt trần, một tâm hồn cao thượng như thế quẳng vào vũng trầm luân để đày đọa nàng đến độ. Nhưng giờ đây anh chợt nhận ra mình đã sai. Vì từ sự cùng cực của trớ trêu, đau khổ đó, nay đã biến nàng trở thành một hình tượng thiêng liêng, cao đẹp nhất trần đời. Cho hay khi hóa công xem vạn vật như sô cẩu cũng đã có hậu ý tốt lành.
Đêm đã xuống, làn gió cuối đông từ biển thổi lên lạnh như cắt vào da thịt. Hoài Quân co rúm người lại nói với Phan Sinh:
– Lạnh qúa! Anh hãy về nhà, mai trở lại cũng được.
Phan Sinh nói:
– Gió đêm lạnh lắm, Tín Nhi đưa Hoài Quân về trước đi, anh ngồi một lát nữa sẽ xuống sau.
– Hình như trời sắp mưa, anh xuống núi cùng với tụi này đi.
– Đi trước đi. Anh muốn được yên tĩnh một lúc nữa.
Tín Nhi thấy Hoài Quân run lên cầm cập vì lạnh thì miễn cưỡng dìu vợ đứng lên, bế nàng phóng nhanh xuống núi. Trong vòng tay chồng, Hoài Quân vừa run vừa nói:
– Lạnh như thế mà một người có vẻ thư sinh ốm yếu như anh Phan Sinh lại có thể chịu đựng được, thật lạ kỳ.
– Đó là nhờ sức mạnh của tình yêu và lòng ngưỡng mộ.
– Trước kia anh ấy yêu say đắm chị Đoan Trang phải không?
– Còn hơn cả say đắm. Nói đúng hơn đó là một sự tôn thờ tuyệt đối.
Cả hai về đến nhà thì trời bắt đầu nổi gió lớn và đổ mưa như trút nước. Những tia chớp và những tiếng sấm nổ vang động cả không gian. Hoài Quân nói:
– Mưa gió thế này làm sao anh ấy chịu đựng nổi, anh lên núi bắt ảnh xuống đi.
Tín Nhi cũng có linh cảm bất tường nên vội vã phóng người ra khỏi nhà băng mình trở lại đỉnh núi. Mưa vẫn như trút nước, gió mạnh làm những hạt mưa càng dữ dội hơn. Những tia chớp lóe lên kèm theo những tiếng sấm vẫn vang động cả bầu trời đêm. Khi Tín Nhi sắp lên tới đỉnh núi thì một tia sét rất mạnh xẹt xuống đỉnh núi gần hòn đá, tiếp theo là một tiếng sấm kinh hồn nổ lên khiến cho Tín Nhi như muốn bị dội ngược trở lại. Chàng tăng tốc độ, băng mình thật nhanh lên chỗ ngôi mộ. Phan Sinh vẫn ngồi im lặng trong cơn mưa loạn gió cuồng, mặt vẫn hướng thẳng về ngôi mộ đá. Tín Nhi vội vã đưa ngón tay nơi mũi của Phan Sinh, sau một thoáng giật mình, chàng lặng lẽ qùi xuống trước mặt pho tượng đá si tình kia lạy bốn lạy.
Với thân xác lạnh cứng như băng đá trong thế ngồi đó, từ nay Phan Sinh sẽ đối diện mãi mãi với người thiếu phụ mình tôn thờ cho đến thiên thu. Con người chí tình của làng Phương Phi này chết đi mang theo tiếng sáo tuyệt trần nhưng đã để lại cho nhân gian một khối tình si vạn kỷ cùng hai câu ca dao được truyền tụng mãi trong dân gian:
Chiều chiều vượn hú trên ngàn
Hồng chung Ông Núi, sáo làng Phương Phi.
Đời sau có thơ khóc Phan Sinh:
….Ngày ngày qùy đó khóc than
Thiên thu chẳng muốn cùng nàng phân ly
Quyết lòng sắt đá tri tri
Chí tình hồn kẻ cuồng si thành thần
Nhập vào tinh tú sông Ngân
Xác thân hóa thạch dưới chân tượng nàng
Quy Nhơn có Núi Cát Vàng[3]
Có Linh Phong tự, có Nàng Vọng Phu
Ai về nghe lại lời ru
Tiếng huyền cầm vẫn thiên thu nhớ người[4]
…..
***
[1] La Sơn Phu Tử – Hoàng Xuân Hãn.
[2] Trường thi Hòn Vọng Phu – Vũ Thanh.
[3] Tức núi cát Trường Châu – Bán đảo Phương Mai.
[4] Xin tìm đọc Trường thi Hòn Vọng Phu – của Vũ Thanh, để chia xẻ niềm thương tiếc với những con người có tâm hồn cao thượng này.
Ghiền Tây Sơn Tam Kiệt và phục Vũ Thanh quá. Theo dõi phần 2 Nhất thống Sơn Hà tới hồi thứ năm thì không biết tìm đâu ra để mà giải cơn ghiền. Chú Bác nào có chia sẻ với
[…] Ngàn năm hóa đá tạc lòng trung trinh[2] […]
Kỳ công . Phục !
Cảm ơn Trọng Thi.
[…] Thái Đức nguyên niên thứ chín, tháng mười hai ngày mười tám.”[1] […]
Tiểu thuyết lịch sử bây giờ hiếm người đeo đuổi.
Dù sao mình vẫn phải viết Song Huong ạ. Nếu không người Việt chỉ biết đọc tiểu thuyết Tàu, xem phim Tàu riết rồi, dân Việt sẽ trở thành dân Tàu hết đấy. Những ai có lòng với sự mất còn của văn hóa dân tộc, nên ủng hộ VT, đừng nói những điều bi quan và thoái chí như vậy.
Anh Thành ơi,
Lịch sử Bếp có đọc nhưng tiểu thuyết nầy mở cho Bếp thấy rõ hơn tâm tính của những bậc anh hùng quê hương mình., hay quá là hay.
À, cho Bếp biết những tài liệu anh đọc để dựa vào đó mà viết được không?
Nhớ gửi tiếp bài sau mau mau để Bếp theo dõi nghen. Nóng ruột đọcc lắm đó.
Chúc anh và cả nhà vui khoẻ, anh sáng tác hăng say trên mọi lãnh vực nghen.
Chào chị Ngọc Nga. Tài liệu thì nhiều lắm biết đâu mà kể. Nếu muốn đọc tác phẩm Én Liệng Truông Mây thì order trên Amazon.com hoặc vào trang http://taysontamkiet.com/ mà theo dõi hàng ngày. Phải đọc qua ELTM thì khi đọc Nhất Thống Sơn Hà mới thấy hết cốt chuyện. Chúc vui vẻ.
Hồi trẻ Bếp có đọc Tiêu Sơn Tráng Sĩ và Lữa Cháy Thành Phiên Ngung, tới bây giờ cũng còn thấy hay dù đã quên gần hết cốt chuyện (vì lúc đó Bếp còn nhỏ lắm chắc cũng khoảng 12, 13 tuổi gì đó..). Nay đọc bút pháp lẫn kết cấu của anh, Bếp có cảm tưởng anh và tác giả 2 chuyện trên là một (Bếp quên tên tác giả hai chuyện đó rồi). Không biết có phải là anh không?
Không phải tôi đâu chi Nga ơi. Hình như là của Sơn Linh.
Viết thật công phu,nhưng chưa đọc hết nên chưa hình dung được câu chuyện sẽ diễn tiến như thế nào ?
Cái này gọi là nhử mồ đó chuyen ơi. Khi sách ra mắt, tìm đọc từ đầu là biết ngay. Vui vẻ nhé.
Nhử nhưng không có tiền mua vậy thì nhử cũng như không Vũ Thanh ơi.
Viết công phu.
Chào chị Ngọc Nga. Tài liệu thì nhiều lắm biết đâu mà kể. Nếu muốn đọc tác phẩm Én Liệng Truông Mây thì order trên Amazon.com hoặc vào trang http://taysontamkiet.com/ mà theo dõi hàng ngày. Phải đọc qua ELTM thì khi đọc Nhất Thống Sơn Hà mới thấy hết cốt chuyện. Chúc vui vẻ.
Thì ráng nhịn một bửa nhậu là có tiền chứ gì Vũng Chua ơi.
Viet hay nhung hien dai hoa qua,nhat la phuong dien ngon ngu
Có người từng chê là văn viết cổ lỗ sỉ, giống Tàu qúa đó Hoa daklak ơi. Cảm bạn đã góp ý.
Anh Vũ Thanh,
Anh xem thử vài hàng tôi trích dẫn để xem lời nhận xét của bạn Hoa daklak có hợp lý không:
…”Tín Nhi nhìn bạn:
– Cho nên phải làm công tác tâm lý chiến.
Huệ cười tươi vỗ vai bạn:
– Ngươi thật đã nhìn thấu hết gan ruột của ta. Việc này giao cho ngươi, thành bại nên hư của Tây Sơn đều tùy thuộc vào công tác này, ngươi phải cố gắng hết sức mới được.”…
Thời Tây Sơn (cuối thế kỷ 18) tôi thực sự không biết người ta nói chuyện có dùng từ “công tác” chưa, nhưng theo chỗ tôi biết thì cụm từ “tâm lý chiến” mà người Mỹ thường gọi là “psychological warfare” (hay PSYWAR) lần đầu được dùng là trong Thế chiến Thứ hai, dù khái niệm này đã có từ xa xưa…
Mong anh vẫn sung sức sáng tác.
Cảm ơn sự góp ý tỉ mỉ của Quế Sơn. Vũ Thanh sẽ sửa lại chỗ này theo ý các bạn. Mong các bạn cứ thẳng thắn đóng góp ý kiến như thế để tác phẩm của VT được hoàn chỉnh hơn. Chuác các bạn nhiều niềm vui.
Quá sức công phu.
Cảm ơn Lethivinh, Hoài Thu và Nguyễn Thân đã đọc bài viết của tôi. Chúc các bạn một ngày vui vẻ.
Một công trình thật đồ sộ
Nhạc hay ,rất chuyên nghiệp.
Cảm ơn Khungcuahep. Chúc vui vẻ.
Rất mong được gặp lại anh và đọc tác phẩm mới.
Thật đa tài.
Thân chào các bạn. Cảm ơn những lời khen tặng đầy khích lệ. Vũ Thanh vui lắm lắm. Đang cố gắng hoàn tất bộ thứ 2 NHẤT THỐNG SƠN HÀ trong trường thiên TÂY SƠN TAM KIỆT để ra mắt bạn đọc khắp nơi trước lễ hội Đống Đa năm 2016, cho kịp với tình hình bọn Tàu đang hăm he lấn chiếm lãnh thổ quê hương chúng ta.. Rất mong sự đón nhận của tất cả bạn hữu khắp nơi, để tinh thần của Quang Trung Đại Đế bừng lên trong lòng con dân Việt tộc trước họa ngoại xâm.
Gởi tặng các bạn nhạc phẩm Đá Vọng Phu viết cho Trường thi Hòn Vọng Phu Bình Định, do nữ ca sĩ Lê Tuyền của Quy Nhơn trình bày nhân ngày ra mắt tập thơ tại Quy Nhơn năm 2012. Mời các bạn thưởng thức:
Và video do Hồ Hoàng Yến thu âm:
Thơ nhạc đều hay
Nhật tân ..nhật nhật tân.
Chúc mừng anh Vũ Thanh
Rất công phu. Phục !
Viết hấp dẫn hơn bộ trước.
Một lời tấu một đầu rơi!Vui buồn Vua Chúa phận người mỏng manh!Uy Quyền biểu tượng Sức Mạnh!Sàm tấu khích bác nẩy sinh Chiền Tranh!”Nồi da xáo thịt”đôi đàng! Anh ngồi hưởng thụ em gian nan đời! Tình yêu ngưỡng mộ sinh sôi…Cái Si mê ấy giết người không hay!?Cái Tình yêu là Đỉnh Ngai!Cho người tình lụy mãi hoài ngàn sau…”Truyện Tình lồng trong bối cảnh Lịch Sử …Rất hay,rất cuốn hút, đầy lý lẽ liên kết các sự việc với nhau…Nhất là phần sau đầy tình cảm riêng tư.Xuyên qua bài viết…Nói lên khái niệm một cái Tình….?”
Tác giả Vũ Thanh dùng thể đối thoại để chuyển tải câu chuyện, tôi thấy rất sống động và hấp dẫn.
Cái này sẽ đạt kỷ lục guiness VN
Quá công phu,bái phục