Feeds:
Bài viết
Bình luận

Thành phố xanh màu lá

Nguyên Hạ-Lê Nguyễn

Những con đường mà tôi đã đặt bước chân đầu tiên đến trong thành phố này …êm ả và xanh màu lá, nó không sang trọng, không đẹp như trong huyền thoại của một bài văn tả lúc hưng phấn nhưng nó mang chút mộc mạc và êm đềm…trong tâm hồn tôi.

Buổi sáng đầu tiên thức dậy sớm để chuẩn bị đi làm, hình ảnh dễ thương của những đôi mắt tròn xoe, long lanh, ấm áp, nhìn tôi như mở lời chào người bạn mới quen, bạn tôi đã leo xuống từ những cành thông vững chãi, giương mắt nhìn người bạn mới đến, rồi nhanh nhẹn chạy lắc xắc quanh những bụi cây , bờ cỏ…

Những con sóc màu xám nâu , xuất hiện khắp mọi nơi, vì không ai đuổi bắt nên trở thành dạn dĩ và gần gũi , là hình ảnh thân thương nhất mà tôi gặp trước tiên ở vùng đất mới này, nó thường đi kèm với những cây thông mạnh mẽ, màu xanh của lá, hòa quyện với màu trời trong veo, những chân bước mỹ miều của những con Sóc nhỏ…một bức tranh mộc mạc, ít màu sắc nhưng đầy dung dị, mượt mà .

Tôi nhủ thầm….Mình sẽ chọn thành phố này để làm quê hương thứ hai của mình chăng…Tôi đã chọn thành phố này ở hướng Nam vì gần khu da đen nên giá nhà rẻ hơn phía Bắc là khu tập trung người da trắng… vật giá và nhà đất cao hơn chỗ của tôi.

Công việc và cuộc sống đưa đẩy, những đứa con có thêm bè bạn, những quen thuộc lối đi về, cho dù tại nơi này không cho tôi những kỷ niệm mượt mà trong cuộc đời nhưng vì thói quen, vì khả năng ít ỏi nên tôi cũng không rời xa nó được mặc dù cũng đã có lần tôi muốn thay đổi cuộc sống, thay đổi hình tượng cho cuộc đời mình…và tôi cũng đã có chút thành công tại nơi này. Nên tôi vẫn bám trụ cho tới ngày nay …

Trên những con đường quen thuộc ấy, vết xe tôi đã lăn bánh bao lần suốt bao nhiêu năm qua, từ lúc tôi nhìn cái gì cũng lạ lẫm, cái gì cũng muốn khám phá , như một thực khách trên một chuyến tàu trên một chuyến viễn du….món ăn nào của xứ lạ cũng muốn biết qua, nếm thử….và tôi cũng đã nếm đủ những vị đắng cay và ngọt bùi nơi vùng đất này cùng với các con tôi ở đó….

Những thân quen, những lưu luyến của cây cỏ, những việc làm quen thuộc đã từ từ thấm sâu vào từng tế bào trong cơ thể mà không thể lìa xa….ở đây không tráng lệ như những thành phố xa mà tôi nhìn thấy trong phim ảnh, không tiện nghi như Cali fornia, không rộn ràng như Texas, không đẫm sương mù như những thành phố phía Bắc Mỹ…nhưng những con người sống bình dị, ít đua đòi bon chen và ở đây, những con người địa phương ,bình dân và không kỳ thị chủng tộc như những con người sinh sống ở những nơi sang trọng mà tôi đã từng đọc biết qua sách báo và chuyện kể. ngày đầu tiên mới đến nơi này…đã qua ba thập kỷ… những người da trắng rất đông, sau họ dọn lần về hướng bắc, có lẽ vì sự kỳ thị âm thầm nên họ ra đi…những người dân Việt nghèo như chúng tôi bám trụ và sống hòa mình với người da đen và người Mexico siêng năng khốn khổ hơn người Việt( vì họ không được chính thức được nhập cư, họ không có tấm thẻ xanh như ngượi Việt mới đến, họ không được nhận vào làm chính thức tại các hảng xưởng…sau năm năm họ không được thi lấy quốc tịch Hoa kỳ…niềm mơ ước của biết bao người dân khắp thế giới về cuốn sổ gọi là ” PASS PORT ” của Hoa Kỳ…” Đó cũng chính là niềm tự hào của biết bao người Việt lưu vong …họ bỏ nước ra đi không kể đến mạng sống để chỉ mong hưởng được không khí tự do và có thể phát huy khà năng của mỗi con người và quyền bình đẳng của mỗi con người mà không một đất nước nào trên thế giới có được.., Đó chính là niềm tự hào và biết ơn của chính tôi với quê hương thứ hai mà tôi đang hiện diện.

Thời gian như khói sương…đến chẳng hạn kỳ và ra đi không thốt lời giã biệt…Ngày tôi mới đến thành phố này, tuổi thời gian còn xanh trên mái tóc, chập choạng tuổi bốn mươi, thời gian đẹp nhất của người đàn bà,…bương chải, lăn lộn, tìm tòi, khám phá…bằng tất cả mồ hôi , nước mắt của mấy mẹ con…Thời gian qua nhanh quá…tôi chưa kịp nghĩ hạnh phúc riêng tư cho mình thì…Tóc xanh đã nhuốm sương pha…các con tôi đã lớn khôn và tất cả đã lìa xa chân mẹ….

Thành phố này đã giữ chân tôi với những cột ràng không rõ nét, những gốc thông già không biết đã từng bao nhiêu tuổi, chứng kiến bao tháng ngày hụt hẫng của đôi tay chới với lúc thất thế đớn đau…và những lúc mừng vui vì một lần con tôi vui mừng báo tin vui trong cuộc đời chúng khi chúng ra trường và những ngày chúng thành hôn bên giáo đường với người chúng thương yêu gắn kết.

Bây giờ ngồi nhẩm tính lại những bối cảnh của cuộc đời mình đã đi qua…Vui buồn…Hỉ …Nộ… Ái….lạc…tôi đã có hết rồi sao…Tuổi bảy mươi đã cận kề bên song cửa, chấp chới ngoài kia như nhắc nhở chúng ta … .

Hãy lấy vào những món hàng mà ta đang phơi ngoài sân vào nhà vì hoàng hôn đã xuống….cái khoảng thời gian ít ỏi của bóng chiều ập xuống rất nhanh …giật mình thảng thốt…ơ hay bóng tà dương đang mấp mé bên đèo….

Cuộc đời của mỗi con người như một dòng sông chảy xuôi…êm ả và luân lưu. có khúc rộng, khúc nông sâu, nhưng rồi cũng có hồi xuôi ra biển lớn, những vết hằn trên má, trên môi cũng không xóa nhòa được vết cắt của thời gian….Khoa học và sự sáng tạo của con người cũng giúp chúng ta ” Níu ” lại một chút tháng năm hao hụt nhưng tâm hồn và thực chất trong ta có làm xóa nhòa hết những vết nhăn của thời gian không ????

Mỗi khi nhìn những con sóc nhỏ chạy quanh sân vườn, tôi ao ước hòa chung vào cuộc đời vô tư không thấy tuổi thời gian hằn lên thân thể và cuộc đời chúng…làm sao biết đượcchúng sinh ra từ bao giờ và ra đi tự lúc nào??? Quanh quẩn với những ưu tư về cội nguồn và sự ra đi của một con sóc và tuổi thọ của một cây thông…những hình ảnh thân quen và theo tôi suốt những năm tháng đã qua trong thành phố lạ mà nay đã là thành là thành phố của tôi…màu lá xanh vẫn mờ nhạt trong tâm thức mỗi ngày, mỗi khi rời xa thành phố … ngồi trện máy bay nhìn xuống…qua khung cửa kính của thân bay khi thấy những rừng lá xanh đậm màu quen thuộc, màu lá của thành phố tôi đang sống xanh đậm màu hơn những nơi khác mà máy bay đi qua…

Thành phố Atlanta, một thành phố không sang trọng trong mắt nhìn của mọi người, thủ phủ của người da đen, chính tại nơi này đã vươn lên sự đấu tranh của người da đen vượt qua gông cùm của những nhà quí tộc da trắng…đem lại sự công bằng của quyền được làm người…đôi lúc gặp bạn bè , có người vẫn thường bảo tôi :” tại sao lại sống ở đó ? nhiều người da đen “..tôi thầm nghĩ :

Mình còn có được cái quyền ấy sao…một con người sống từ một quốc gia nhược tiểu, trôi giạt nơi xứ người….tha phương cầu thực…mình lại có cái quyền được kỳ thị kẻ khác sao ta …? “

. Nhưng thực tế ở đây tôi không nhận ra mình bị kỳ thị chủng tộc, sự khinh rẻ của những con người nhiều tiền lắm của…Ở đây tôi thấy mình vẫn hiên ngang trước mọi người và trong công việc giao tiếp hàng ngày đôi lúc những người dân bản xứ lại bảo với tôi rằng : – Mày có kỳ thị tao không ??? _

Tại sao mày kỳ thị tao ??? Tôi đã từng ôm họ vào lòng, ngỏ lời xin lỗi vì đôi khi những ngôn ngữ dị biệt đã làm hai bên hiểu lầm nhau, những tâm hồn bình dị , mau quên và xuề xòa, có những người da đen hiền lành dễ thương, lúc nào cũng mang nặng nỗi buồn và mặc cảm mình là người da đen bị kỳ thị sắc tộc.. . Nhưng cũng vẫn coi chừng vì cũng có nhiều tệ nạn mà ở nơi nào cũng có…chỗ làm việc của tôi, hầu hết phục vụ cho người da đen, nhưng tôi cũng chưa gặp những tình huống nào không giải quyết được, và đôi lúc họ còn sợ những người da màu coi thường họ. .

Họ có biết đâu, trong tấm lòng của những người da màu chúng ta, sống nhờ trên đất nước này…thì chúng ta làm sao hơn được ai đâu mà nói chi những lời sang trọng ấy với ai ….

Nhưng đó là trong tâm thức của mỗi con người, cũng có những người trong chúng ta lại cho mình là cao trọng hơn tất cả thì đó cũng là quyền của mỗi người…

Đã có lần tôi chứng kiến những rẻ khinh của một người da Trắng, khi họ mua một món hàng và khi có người da đen vào đứng cạnh và cũng muốn mua món đó…người da trắng lặng lẽ bỏ đi.trong khi họ đã trả tiền món đồ đó… trong tiếng réo gọi của kẻ bán hàng,

Những cái quay lưng, những cái nhìn xa lánh, lạnh lẽo thiếu tình người…ngay cả những lớp trẻ thế hệ con cái tôi…Sau khi thành đạt ở chốn này…chúng đủ lông đủ cánh cũng lìa xa vùng đất này bỏ lài ‘ Bà già tôi” trong căn nhà hoang vắng …Chúng chuyển về nơi đô hộicho tương lai sáng sủa hơn …Tôi vẫn hoan hỉ mừng vui cùng các con trong niềm đau và sự tủi buồn từng đêm đối diện với căn phòng đơn lẻ…

Các con cháu tôi cũng theo bước chân những gia đình người da trắng dọn về những vùng cao, và những căn nhà rất đắt tiền.

Rồi sau đó cũng có những gia đình người Việt nhiều tiền lắm của dọn theo họ…Sự sinh tồn mãi luân lưu…chỉ còn lại những người già xưa cũ âm thầm trong những căn nhà …của ngày mới đến…

Tôi không làm được như nhiều kẻ tài ba khác… nên bám trụ lại nơi này Tôi đã từng chứng kiến những cảnh đau lòng mà chúng ta chỉ biết âm thầm cúi mặt , bút mực nào tả hết đoạn trường của kẻ lưu vong …

.Ngày trước còn có những nơi có bảng cấm người da màu không được vào một số các nơi giải trí và nhà hàng sang trọng …ở thành phố này tôi chưa bao giờ nhìn thấy.

Thành phố Atlanta là nơi đã cưu mang mấy mẹ con tôi từ những ngày mới đến đất nước này sau một thời gian hưởng trợ cấp tại Hawaii … Bây giờ các con tôi đã thành đạt, những đứa cháu tôi lần lượt ra góp mặt với đời…cũng tại nơi này, một vùng đất quen thuộc với gia đình tôi, tôi đã hít thở không khí tự do.mà không bị coi là mình ” Bị kỳ thị ” khi ra đường hay trong công sở…tại nơi này , chốn thân quen của tôi gần mấy chục năm qua .

Những luyến lưu của con người, cây cỏ, thú vật và những ngọn gió bình yên thổi mát những tháng năm yên ắng của buổi chiều tà… thành phố có những nét gần giống Đà lạt của quê nhà, nhưng không có màu đất đỏ làm lấm gót chân thành phố có bốn mùa rõ rệt và thân quen mỗi con đường mà tôi đã bước qua….Những cây cỏ trong vuồn sau sân trước do chính tay tôi vun quén…Tôi muốn ở lại chón này cho tới ngày tôi ra đi mãi mãi…

Bây giờ tôi chỉ mong sao cuộc đời tôi sẽ được như cuộc đời của con sóc nhỏ , quẩn quanh bên những rặng thông già vững chãi, yên ổn về nơi xa mờ của của thành phố bình yên, một quê hương thứ hai … cho đến ngày nào tôi được trở về quê hương thực sự của mình, .Ở đó tôi sẽ gặp lại những người thân, mồ mả cha mẹ, gặp lại những bạn bè tôi ở đó ..và nhất là gặp lại người tôi mến yêu còn ở đó…

Mỗi ngày đứng bên trong cánh cửa nhìn ra ngoài, cảnh vật bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, rõ nét và êm ả , cho dù thành phố này không nhiều những bông hoa thắm tươi diễm lệ , không có những trung tâm giải trí to lớn, nhưng ở đây đã giúp tôi dưỡng nuôi những đứa con tôi lớn khôn., hoàn thành mộng ước đời tôi, âu .cũng là hạnh phúc lắm thay .

Xin cám ơn thành phố đã cưu mang tôi, thành phố xanh màu lá , xin cám ơn quê hương thứ hai đã dưỡng nuôi mẹ con tôi :

Mùa Xuân.. ôi..

.

.Những cành cao xanh lá

Mỗi bước chân …ghi kỷ niệm mỹ miều

Nỗi cô đơn pha nhạt với nắng chiều

Hoàng hôn phủ ….mình ai thơ thẩn nhặt….

Cám ơn thành phố cho tôi góp mặt

Những thành công và kỷ niệm nhạt nhòa

Thành phố ấy muôn đời tôi nhớ mãi …

Những ơn cao mà thượng đế đã ban

Quê hương thứ hai đã phải cưu mang

Là tôi đó … ân sâu …niềm khát vọng…

Atlanta Tháng Hai 2023

Nguyên Hạ- Lê Nguyễn

Con sẽ về

Trần Dzạ Lữ

.

Con sẽ về dù ngăn sông cách núi(*)

Huế không còn thấy hạt gạo de xưa(**)

Nhưng thơm thảo đến ngàn năm lòng Mạ

Khi ngang hồn rưng rức tiếng ầu ơ…

.

Trên chuyến tàu đậu lại ngọt giấc mơ

Con băng băng qua Trà Am quỳ gối

Đứa giang hồ quy cố hương xưng tội

Bất hiếu này xin Mạ thứ tha cho !

.

Bốn mươi năm đất cũ dang tay chờ

Vậy mà con đi tha phương biền biệt

Bể dâu lắm người ơi, xin thưa thiệt

Bởi óc cùn, chí đụn giữa ngu ngơ…

.

Con sẽ về tắm lại dòng sông thơ

Rất soi bóng kinh thành lúc có Mạ

Người con gái Công Tằng còn thỏ thẻ

Lời như chim? hay lạc bến xa bờ?

.

Sẽ thanh tẩy lòng con nơi thu Huế

Đẹp như chuông thánh thót buổi ưu đàm

Sẽ vô ưu tháng ngày nơi cố xứ

Kệ dương gian còn chộn rộn, tranh giành…

.

Trần Dzạ Lữ

(*) Lấy ý câu nói của Nguyễn Bá Học: Đường đi khó ,không khó vì ngăn sông cách núi/Mà khó vì lòng người ngại núi, e sông…

(**) Gạo De An Cựu nổi tiếng ngày xưa

Bửu Nam

.

1- TỪ THƠ PHẢN CHIẾN ĐẾN TẠP BÚT VÀ THƠ TRỮ TÌNH CHIÊM NGHIỆM

Nguyễn Công Thắng trước 1975 thường làm thơ phản chiến , kêu gọi hoà bình và thể hiện tình tự dân tộc .

Thơ của ông thường đăng trên các tờ báo của học sinh sinh viên tranh đấu và nổi tiếng nhất là bài thơ “Đứa bé và ổ bánh mì” thường được in lại nhiều lần trong các tuyển thi ca của phong trào đô thị .

Bài thơ này với giọng thơ cay đắng chua xót , xót xa,mỉa mai về một lối học vẹt ,tố cáo sự bất công của xã hội đối với trẻ em nghèo và nêu thực trạng của một đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Sau 1975, ông làm thơ ít đi mà chuyên viết về tạp bút có hơi hướng chính luận , báo chí trong hai tập “Con mắt dọc đường” ( Nxb Trẻ,2008)và “Vẩn vơ nơi ga xép “ (Nxb Trẻ 2018)nêu lên nhiều vấn đề xã hội văn hoá mang tính thời sự và có giọng tranh luận, hoặc khơi gợi được nhiều sự suy nghĩ của độc giả.

Tuy vậy, thơ ca gắn bó suốt đời của ông . Nó nói lên nỗi lòng của ông , tâm sự về những trăn trở, thao thức của tâm hồn ông về nhiều mặt của đời sống riêng cũng như đời sống xã hội bề bộn, ngổn ngang chung.

Nhiều bài thơ của ông đã đăng trên các trang văn nghệ của các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ và sau này ông gởi đăng nhiều chùm thơ có chất lượng nghệ thuật tới các tạp chí văn nghệ có uy tín như Tạp Chí Sông Hương, Tạp chí Thơ của Hội Nhà Văn.

Những bài thơ này được ông gom lại trong tập thơ “Ngồi thấy xa xăm và các bài thơ khác” ( Nxb Hội Nhà Văn, 2016 )( NTXX)

2- “NGỒI THẤY XA XĂM VÀ CÁC BÀI THƠ KHÁC”: TẬP THƠ KẾT TINH MỘT ĐỜI NGƯỜI LÀM THƠ

Tập thơ NTXX này là kết tinh của một đời làm thơ của Nguyễn Công Thắng, nó được chọn lọc và tinh tuyển để không có bài nào dở hoặc trung bình. Chỉ vọn vẹn có 29 bài, nhưng tập thơ “Ngồi thấy xa xăm và các bài thơ khác” lại thể hiện một thế giới thơ độc đáo với một bút pháp riêng , điêu luyện trong cách sử dụng và vận hành ngôn từ một cách ma mị trong một thứ nhạc điệu riêng của tâm hồn ,gây được xao xuyến trong lòng người đọc.

Có thể nói thế giới thơ của ông gắn liền với tâm thức thơ đầy nỗi niềm tâm sự của kẻ bị lưu đày ở thế gian, lưu lạc phương xa mưu sinh trong một nghịch cảnh xã hội nhiều biến động. Tâm thức thơ này bị đẩy đưa vào một cõi nhân gian đầy bất trắc phấp phỏng ,và trong cõi người ta này, nhiều ảo tưởng thời thanh xuân của ông bị vỡ tan .

Cho nên tập thơ này của ông , thơ của một người đã già , đã gần đất xa trời, cuối đời ngồi chiêm nghiệm hồi nhớ lại những quãng đời mình đã sống, đã thở , đã mơ , ngay cả một thời trẻ dại xa lắc .

3- VỀ HÌNH THỨC VÀ CÁC THỂ THƠ ĐƯỢC SỬ DỤNG

Về hình thức thơ, Nguyễn Công Thắng sử dụng nhuần nhị và tài hoa các thể thơ cố định 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, thơ lục bát, ( trong đó hai thể thơ lục bát và thơ năm chữ được ông hay dùng). Nhưng điểm nổi bật nhất là ông thích sử dụng thể thơ tự do và chính thể thơ này cái tôi trữ tình chiêm nghiệm của ông tung hoành thoải mái và thể hiện được nhiều nỗi lòng của ông nhất và chính các bài thơ thuộc thể này có đóng góp mang tính cách tân so với các thể thơ cố định.

Về cấu trúc các thể thơ trong tập NTXX ,ta có thể nhận thấy qua thống kê như sau :

-Thơ bốn chữ (1 bài , “Nhiều khi thấy núi”)

-Thơ sáu chữ ( 3 bài,”Mùa thu chết- giã biệt”, “ Về với biển”, “ Từ biệt “)

-Thơ bảy chữ (1 bài,”Đêm nghe sông chảy”)

-Thơ lục bát (5 bài, “ Một mai én nhỏ”, “Đồi núi ngập ngừng”,”Bởi vì”,”Một mình”, “Điệp khúc ru người “)

-Thơ năm chữ (10 bài,” Nhủ thầm trên bước chân”,”Hoa quỳ dại ở Đơn Dương”,” của Tiếng vỗ một bàn tay”,”Chờ em chiều cuối năm” …) đặc biệt trong đó là chùm thơ ngắn 5 chữ “Ngày tháng Huế”( “Cổ thành”,”Bên sông”,Đường áo trắng”, “Hương oanh trảo”, “Trên đồi”, “Mưa qua cầu”)

-Thơ tự do (13 bài, mỗi bài thường hai ba trang, như các bài: “Ban mai thong thả, “Tình khúc “,Người chơi kèn Sa Xô và cơn sốt đen”, “Ngồi thấy xa xăm “, “Blues mưa”,Trò chuyện với đại bàng con”,”Lệ đỏ”,”Bài hành cuối năm Tuất”,”Em và hoa trái”, “Có một ngày vui như thế “, “Khúc nguyện cầu-hạn mặn”,”Xin lỗi,hoa dại”,”Cà phê đen mùa đông”…)

Ngoài ra, có thể nói, thủ pháp sử dụng các điệp ngữ , điệp câu và từ láy tạo nên một điểm nhấn của tính nhạc đặc biệt trong thế giới thơ Nguyễn Công Thắng

4- “CỦA TIN CÒN MỘT CHÚT NÀY…”

Mở đầu tập thơ NTXX là một bài thơ lục bát ngắn 6 câu , “ Một mai én nhỏ “,nhưng là một lời tâm sự đầy tiên cảm về lẽ mất-còn, sự có-không của cuộc đời và thế gian. Nhà thơ tự ví linh hồn mình mình như một cánh én nhỏ trong mùa xuân rộng lớn cuộc đời, một ngày nào đó ,én sẽ lìa đường bay để đến với cõi vĩnh hằng vô tận và tập thơ như một lời chiêu hồn , gọi hồn :

“một mai lạc phố quên đường ,theo con én nhỏ tìm phương mà về,một mai rồi một mai kia,thôi con én nhỏ đã lìa đường bay,

một mai rồi một mai này,tìm con én nhỏ giữa ngày mộng du”

Đây là một bài thơ đầy triết lý chiêm nghiệm mang tính bản thể,nó như được phóng vọt từ cõi vô thức thẳm sâu của cái tôi trữ tình nhà thơ . Với cách sử dụng điệp ngữ thời gian phiếm chỉ một mai ( 6 lần) , biểu tượng chim én ( 3 lần), quên (2 lần), tìm (2 lần), thời gian phiếm chỉ đối lập “rày”, “kia”, phối hợp giữa lạc (phố), quên ( đường) , tìm phương, tìm quên và “cõi mộng du” ,bài thơ dù chỉ 6 câu đã mở ra nhiều cách đọc, và trở nên lung linh đa nghĩa . Tính đa nghĩa cũng là bản chất thế giới thơ của thi sĩ này.

Kết thúc tập thơ cũng là một bài thơ lục bát “ Điệp khúc ru người” đầy nỗi niềm tâm sự mang âm hưởng ca từ của Trịnh Công Sơn và thơ lục bát của tập Lửa Thiêng ( Huy Cận)

“ ru người lạc mấy tao nôi,bơ vơ câu hát, bồi hồi nhịp đưa, ru người phiêu bạt cuối mùa,về nghe lá đổ vườn xưa ngập lòng,ru người qua cuộc bão giông ,còn đây vạt nắng ươm hồng ngày mai, ru người thao thức đêm dài,dịu dàng mưa nhỏ rơi ngoài mái hiên, ru người mắt đẫm lệ phiền,nhân gian thôi cũng một miền xót thương”

Sáu điệp khúc ru người cũng là sáu điệp khúc nhà thơ ru mình qua cuộc bão giông và phiêu bạt thế gian để đọng lại hình ảnh của cái tôi thẳm sâu của nhà thơ “mắt đẫm lệ phiền” và “xót thương cho cõi nhân gian” đã từ biệt, khép lại hồn một tập thơ .

Thơ đối với thi sĩ là thế giới còn lại lắng đọng trong tâm thức để :

“ tôi còn ngồi giữa cỏ cây, vu vơ hát tặng tháng ngày đảo điên(…) ,tôi còn ru mãi tình thơ, dù thời xanh chỉ một thời thoáng qua(…)bỏ quên ngày tháng phiêu bồng, tôi còn ở lại giữa miền nhân gian” ( bài lục bát “bởi vì”)

Đôi khi,nhà thơ đã dự cảm: “về trong bụi đỏ sương ngàn, cõi trăm năm bỗng bàng hoàng mây qua” ( bài thơ lục bát “ đồi núi ngập ngừng”)

Nguyễn Công Thắng đã từ giã cõi thế gian tháng 12 năm 2021 của năm rồi, năm năm sau khi tập thơ NTXX này được ấn hành.

Thơ lục bát của Nguyễn Công Thắng điêu luyện không kém gì thơ của Huy Cận, nhưng rõ ràng mang một dấu ấn riêng vì thế giới thơ của ông đã trải qua tâm thức hiện sinh và đã phần nào chịu ảnh hưởng của thơ lục bát của Bùi Giáng, Hoài Khanh, Nguyễn Đức Sơn … một kiểu thơ lục bát về thân phận con người .

5- THƠ 5 CHỮ , 6 CHỮ , THƠ CỦA SỰ CHIÊM NGHIỆM TRONG CÕI LẶNG “BUỒN TỚI BAO GIỜ “

Thơ năm chữ cũng là kiểu thơ thi sĩ ưa thích, nó thể hiện sâu xa sự chiêm nghiệm từ một thế giới cảm xúc lắng đọng được kết tinh :

“nhè nhẹ nhè nhẹ thôi,bụi lên mờ ký ức,tiếng đàn xưa đã bặt,giữa huyên náo chợ đời(…)nhè nhẹ nhè nhẹ thôi, lá khô ngoài hiên vắng,người ngồi im với bóng, môi đau đã xa lời,nhè nhẹ bàn chân ơi “ ( bài thơ”nhủ thầm trên mỗi bước chân”)

Hoặc đầy tính triết lý chiêm nghiệm thiền , mang tính dự cảm về cái chết để lại sự lẻ loi cho người vợ yêu dấu trong bài thơ “ Tiếng vỗ một bàn tay”:

“vỗ vào đêm thinh lặng,nghe một tiếng thở dài(…) vỗ mây xa biền biệt,rớt lại tiếng hư không (…), vỗ bàn tay lẻ đôi, nghe vọng về tiếng khóc “

Các vùng đất Đơn Dương và Huế , nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sống và sáng tác, cũng là vùng đất thẩm mỹ đối với thơ 5 chữ của Nguyễn Công Thắng, tuy nhiên ông chú ý những nét hết sức đặc biệt của các vùng đất đó. Chẳng hạn vùng Đơn Dương ông ghi lại ấn tượng cảm xúc hoa quỳ vàng:

“thoáng rồi xa xa mãi,Đơn Dương ơi Đơn Dương,rực vàng hoa quỳ dại,chiều vàng trôi trên đường(…) Đơn Dương ơi Đơn Dương, thoáng rồi xa biền biệt,trái thông rơi ngẩn ngơ,miền hoa quỳ tha thiết, để bâng khuâng bây giờ”( Hoa quỳ dại ở Đơn Dương)

Riêng Huế là nơi Nguyễn Công Thắng đã từng sống hơn mười năm , từ thời học lớp 12 C Quốc Học, cho đến 4,5 năm ở Đại Học và 4 năm dạy ở trường ĐHSP Huế, gốc gác thân sinh của Thắng cũng là người Huế gốc , vùng Kim Long, nên ngày tháng ở Huế đối với ông trở thành một ký ức thẳm sâu . Ông đã viết 6 bài thơ 5 chữ ngắn, 4 câu, mang tên chung là “Ngày Tháng Huế”, dù mỗi bài đều có nhan đề riêng. Chẳng hạn như bài “Cổ Thành” dưới đây, ông khắc họa nét nhấn “màu rêu thẩm cổ tích”và “tiếng chim rơi trong cô tịch cổ thành”:

“chiều nào như chiều xưa,rêu thẩm màu cổ tích,tiếng chim rơi cô tịch,vang động cả miền xanh”

Hoặc hình ảnh và màu sắc thật đẹp trong bài “đường áo trắng” : “đường xanh thơm lá ngọc, áo trắng về như mây,phượng đỏ

bừng nắng hạ,đường tương tư thở dài”

Mưa cũng là đặc sản Huế trong bài thơ” Mưa qua cầu”

“mưa mù sông mù phố,qua cầu lạnh bàn tay,buồn mưa không vuốt kịp ,để trôi theo sông dài”

Bài thơ 6 chữ “Về với biển” là bài thơ ghi lại quãng thời gian ông sống và dạy học ở Đại học Sư Phạm Quy Nhơn năm 1981,cũng là bài thơ khá hay ,tâm sự nỗi lòng : “từ ấy ta về ở biển, buồn vui gởi lại phố xưa,hay đâu nhiều đêm bãi vắng, sóng xô buồn tới bao giờ”

6- THƠ TỰ DO, SỰ TUNG HOÀNH NGANG DỌC THOẢI MÁI CỦA CÁI TÔI HOÀI NIỆM VÀ NHỮNG CẢM XÚC LIÊN TƯỞNG ĐỘC ĐÁO CỦA THI SĨ

Thơ tự do là thể thơ Nguyễn Công Thắng ưa thích , chiếm đến 13 bài trong tập thơ NTXX , chính tính tự do dài ngắn không đều của các câu thơ, sự dàn trải kéo dài văn bản,cho phép kết hợp tính truyện với tính thơ,ít bị vướng bận bởi vần điệu ,nên nhà thơ bày tỏ được nhiều nỗi lòng và ngỏ được cõi tâm sự .

Một phần khác,thể thơ này rất phù hợp để thể hiện thế giới hoài niệm như tên bài thơ được lấy để mang nhan đề chung của tập thơ , bài “Ngồi thấy xa xăm “ dưới đây . Bài thơ này rất dài chiếm đến 5 trang giấy và chia làm 14 khổ thơ . Có thể nói đây là bài thơ hay và để đời của Nguyễn Công Thắng, nó vừa mang tính kép: cảm xúc hoài niệm về thế giới tuổi thơ trong lúc tuổi đã xế chiều,kết hợp với tính chiêm nghiệm sâu xa về sự thật đời sống trong giọng điệu u hoài.

Thời gian nghệ thuật của bài thơ “Ngồi thấy xa xăm “được lồng ghép giữa hiên tại và quá khứ, nó lại gắn với không gian thiên nhiên qua ánh nhìn trẻ thơ. Nó cũng gắn kết với không gian xã hội với nhiều kiểu người gây ấn tượng cảm xúc mạnh trong tâm trí nhà thơ tuổi nhỏ như “ông già đẩy xe kem sống lưu lạc không vợ con”,”cô hàng xóm có giọng nói ngân nga”,”ông giáo già khuôn mặt khắc khổ”,”anh gù dở hơi nhảy lò cò mua vui””,anh nghệ sĩ ghi ta ốm o ca bài mùi mẫn”. Bên cạnh đó là thế giới người thân, với những hình ảnh “anh tôi tập hút thuốc, nhổ giò, cái mền đắp chung thiếu trước hụt sau”,”mẹ tôi ngồi dịu dàng đơm lại khuy nút áo bị đứt”,ba tôi ngồi gối đầu nặng trĩu gánh gia đình, gởi nỗi nhớ nhung trong ánh nhìn thiết tha vào đám mây trắng bay về cố xứ… Cấu trúc thời gian nghệ thuật bài thơ chia làm hai lớp : từ hiện tại trở về với quá khứ, với cái hình ảnh “tôi thấy” ( thật ra ,là tôi hồi nhớ, tôi hồi tưởng) , lặp lại trong 9 khổ thơ. Bên cạnh đó,lớp thời gian từ quá khứ trở về với hiện tại với cái nhìn và giọng điệu chua xót, thế giới trẻ thơ vỡ tan với cái chết, sự tàn lụi đau buồn với hình ảnh giờ một ông già ngồi lại lặng yên nhớ lại một quá khứ không xa,mang vẻ sầu muộn khác: cái thị xã miền Trung buồn hiu đêm vọng về tiếng súng với nỗi bơ vơ đám trẻ lớn lên thời chiến, cô gái hàng xóm đã trải đời , giờ như một bông hoa tàn rũ,chàng nghệ sĩ ốm o đã trở thành kẻ nát rượu, anh tôi đã chết trong chiến tranh, mẹ tôi cũng đã không còn để đơm trong bàn tay ấm chiếc nút áo đứt lìa…

Các đoạn lặp : ngồi lặng yên và xa xăm trải dài, phía sau đôi mắt mệt mỏi,phía sau sương khói, phía sau muộn phiền, tôi thấy..ở khổ 1 và khổ 12 tạo nên một kiểu nhạc điệu hồi tưởng rất hay . Cái thế giới trẻ thơ là một thế giới kỷ niệm dịu ngọt trong cuộc đời đôi khi cay đắng , phong ba. Ở thế giới đó, tụi dứa dại, và đám cây mắc cỡ cũng sống như con người với thủ pháp nhân hoá, ở thế giới đó ,cái tôi trữ tình như được vũ trụ hóa , tôi nhập vào gió, vào đám dứa dại, vào hoa mắc cỡ, vào lũ chuồn chuồn, vào những trái ổi non, vào lũ bong bóng mưa tung tăng ca hát trước hiên nhà và tâm hồn trẻ thơ nhà thơ cũng như xanh non cùng lũ ổi và ca hát cùng lũ bong bóng. Cái thế giới đẹp đẽ với con sông trong lành và tôi đang ngụp lặn, với cánh đồng mía Quảng Ngãi ngút ngàn, mùa ép mía cả đất trời thơm tho.

Dù tất cả thế giới thơ trẻ đó đã biến mất không tăm tích ,nhưng sâu thẳm trong tận đáy ký ức cái tôi nhà thơ,thế giới đẹp đẽ trẻ thơ đó vẫn hiện diện đâu đó trong cái bóng kỷ niệm thân yêu.

Bài thơ tự do “Người chơi kèn sa xô và cơn sốt đêm”, có cách dùng từ mới lạ như cơn sốt đêm, cơn sốt đỏ bầm, nỗi buồn và tiếng kèn khê khét , bức tường câm,đặc biệt cái tôi trữ tình của người thi sĩ nhập thân vào người nghệ sĩ, nhập thân vào ánh đèn màu, nhập vào tiếng kèn sa xô thổi thổn thức , quay cuồng trong đêm ngột ngạt tạo nên một không khí thơ mới lạ phảng phất kiểu thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền những năm 59, 60 của thế kỷ trước .

Mỗi bài thơ tự do của Nguyễn Công Thắng đều thể hiện một kiểu tâm trạng,một khoảnh khắc riêng của cái tôi trữ tình và có một giọng điệu riêng.

Chẳng hạn bài “ Ban mai thong thả” thể hiện một kiểu tâm trạng yên bình trong khoảnh khắc ban mai thong thả,ở cái tuổi đã lục tuần, uống với bạn bè một tách trà, trò chuyện trong tĩnh lặng, nói những lời nhẹ nhàng làm ấm lòng nhau , thay những lời ồn ào làm đau lòng nhau thuở trước.Đó là lúc tâm hồn đánh thức khóm tường vi để thấy vầng sáng ấm khuôn mặt và linh hồn ban mai hiển hiện trong vị hương trà thơm hương núi đồi và hương tường vi trước sân, vầng sáng ấm áp trên khuôn mặt bạn bè… Tuy vậy cái thế giới bình yên , tĩnh lặng đó rất mong manh, một lúc nữa dòng đời hối hả ùa tới, cơn gió lo âu thổi qua và tất cả biến tan. Bài thơ như là một sự kêu gọi hãy trân trọng lưu giữ khoảnh khắc bình yên hạnh phúc đáng quý trước khi nó biến mất.

Mỗi bài thơ tự do của Nguyễn Công Thắng có một cái hay riêng. Bài “Có một niềm vui như thế” ghi lại khoảnh khắc bạn bè tuổi xế , tóc chớm bạc tự bao giờ,gặp gỡ nhau bên ly bia , nhắc lại một trời kỷ niệm, thời sáng trong như lá non tươi xanh tháng Giêng,nhắc lại nỗi thiết tha kỳ vọng của năm xưa , giờ thành chuyện chắp vá không đâu của người đãng trí… Cạn ly để nhớ những người bạn đã bỏ đi, những người bạn đã mất, nhắc lại chuyện giấc mơ thanh xuân, đau xót đã chưa thành hiện thực , để chỉ cười, để chỉ thương nhau , để thấy một ngày quá vui bên nhau ngật ngưỡng nhưng vẫn thấy nhói lòng . Các điệp ngữ “thôi,cạn ly này để nhớ mình có một thời như thế”, hoặc lặp đi lặp lại câu “một ngày vui đến nhói lòng” tạo một giọng điệu xót xa khi thế giới ảo tưởng vỡ tan.

Nhiều bài thơ tự do hay như “Blues mưa”, Cà phê đêm mùa đông, “Tình khúc”, “Bài

hành năm Tuất …

Nguyễn Công Thắng cũng có những bài thơ tự do mang âm hưởng xã hội như “Khúc nguyện cầu hạn mặn”, hoặc bài mang âm hưởng giao hoà với thiên nhiên bị lãng quên trong thế giới đô thị hóa như bài “Xin lỗi ,hoa dại”, hoặc mang tính triết lý như bài “Đến và đi và…”

7-

TẠM KẾT : THỂ GIỚI THƠ NGUYỄN CÔNG THẮNG- MỘT HỒN THƠ ĐỘC ĐÁO VÀ TẠO ĐƯỢC NHỮNG DƯ BA

Có thể nói dù sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Công Thắng chỉ để lại một tập thơ mỏng , chỉ 72 trang, 29 bài , nhưng đa phần là bài đọc được, một số bài khá hay , vài bài hay . Tập thơ duy nhất NTXX của ông thể hiện được một hồn thơ độc đáo với vũ trụ hoài niệm và giọng thơ trữ tình chiêm nghiệm đa cung bậc, để lại nhiều dư ba xao xuyến trong lòng người đọc và gợi mở nhiều cảm xúc , nhiều chân lý đời sống được chiêm nghiệm sâu xa.

Xưa ,Nguyễn Công Thắng thường ao ước sự nghiệp thơ ca của mình để lại “một chút gì làm tin”

Thưa vâng ,theo tôi,thơ ông đã để lại những bài thơ gan ruột cho đời với nghệ thuật thơ điêu luyện, tài hoa!

-Bửu Nam-

Những ngày đầu Xuân Quý Mão

Có thể là hình minh họa về một hoặc nhiều người và văn bản

Tất cả cảm xúc:

5252

Ngày thơ & Nhà thơ

Lê Đức Dục

Kính thưa mười vạn nhà thơ trong một ngày thơ

Kính thưa trăm tập thơ mỗi ngày bình quân xuất bản

Kính thưa trăm nhà thơ chức sắc xủng xoảng

Kính thưa ngàn nhà thơ in vạn bản mỗi tập thơ

.

Kính thưa nhà thơ khoe in một trăm lẻ sáu bài thơ xuân

(In trang trọng trên bảy mươi hai tờ báo tết)

Kính thưa một vạn nhà thơ long lanh lẫm liệt

Card visit thơ in kèm theo mười chín chức danh 🙂

.

Kính thưa một vạn nhà thơ có thẻ hội viên

Kính thưa mười tám vạn nhà thơ đang khát khao có thẻ

Kính thưa đã đủ chưa hỡi vạn nhà thơ xứ sở

Áo rách thi ca, áo gấm thi hào

Và che mặt, thơ buồn nôn thơ ở ẩn

Thơ cợt đùa trêu ghẹo phận cần lao

.

Thơ quốc doanh, thơ tỉa lông tỉa cánh

Đây là nhà thơ -và thi sĩ gào to 🙂

Trên gác cũ con thạch sùng chắt lưỡi

Thơ bây giờ chắt lưỡi thiếu mẻ kho

.

Trả cho thơ về cọng rêu lá cỏ

Trả cho thơ về thăm thẳm lặng im

Móa, xin thơ đừng ồn ào như chợ vỡ

Có nhẽ nào thơ giả được kái kon tim ???

Bài thơ cho tuổi sáu mươi

Nguyễn Kim Huy

.

Tuổi sáu mươi, tôi trở lại bản thân mình

Đứa trẻ nhà quê sinh ra da khét nắng

Miếng sữa mẹ đầu đời thơm mùi khoai mùi sắn

Chén mắm cá cơm cá nục mặn mòi mỗi bữa tôi ăn

Tuổi sáu mươi, tôi dừng lại những băn khoăn

Làm sao trả được hết ơn cuộc đời, ơn mẹ cha sinh ra, ơn những người giúp tôi khôn lớn

Và tự nhủ mình thôi nguôi giận nguôi hờn

Những ai đó có khi làm mình buồn tủi

Tôi ngồi gỡ những kỷ niệm đời tôi

Như người đánh cá chăm chú gỡ những con cá mắc lưới

Con cá to, con cá khoẻ

Càng giãy dụa càng mắc sâu

Những kỷ niệm càng đẹp, càng khắc khoải cùng nhau

Càng rối bời tấm lưới lòng tôi giăng trải

Ngày còn thơ nơi xóm nhỏ tôi mê hoa mê trái

Suốt ngày lội dọc sông Trầu

Bắt con cá rô, hái chùm dủ dẻ

Trong nắng mai lên căng ngực hít gió đồng

May lớn lên tôi không trở thành kẻ lông bông

Cũng học hành, cũng có nghề có nghiệp

Có anh em bạn bè, có vợ có con có cháu đời mai sau nối tiếp

Nhưng ngọn gió điệp trùng phóng khoáng trên cánh đồng ngợp lúa vàng xưa vẫn nhiều khi làm tôi trăn trở khát khao

Những tự do không trói buộc hồn mình

Dẫu biết nói làm sao cho nỗi niềm tôi cạn tỏ?

Nói làm sao cho cạn tỏ nỗi niềm tôi

Bài thơ này tôi viết cho tuổi sáu mươi, mai tôi thành người khác

Mai tôi hát bài ca lão giả

Bên khúc sông xưa lồng lộng gió đồng

Dọc bờ sông vẫn nở nhiều hoa trái

Bước qua đó là lòng tôi thắm lại

Tôi làm cuộc trở về nguyên vẹn những niềm mơ…

7.12.2022 – NKH

.

Thiêu hủy bài thơ

Nguyễn Hoàng Anh Thư

.

Tựa như bạn đánh rơi
từng con số thật nặng
như giá xăng
từng cây số được xếp chồng trong túi áo

Tựa như bạn đánh rơi phụ âm cuối
sự mát lạnh từ vầng trăng
và đêm chẳng thể viết thành lời
sau giấc mơ
trăn trối

Tựa như chiếc bóng nằm nghiêng trên lưỡi cuốc
trong giấc mơ của cha
xới lên từng giọt mồ hôi
tựa như nhọc nhằn từng nụ cười
bạn không thể đánh rơi
nỗi lo của mẹ

Thiêu hủy bài thơ
và rút từng lời nói
của thời gian
như sáng nay đã khuyết một góc đường
có chùm trạng nguyên vừa trụi lá
bạn sẽ đổ lỗi cho một số lý do
về cái máy tính bị tắt nghẽn
và bạn sẽ biết
tình yêu cuộc sống
lớn hơn mười ngón tay
hơn sự phàn nàn
về số tiền lương ít ỏi mà bạn nhận cuối tháng
bạn hãy chấp nhận
tham gia với đám đông
để đi tìm cầu vồng
mọc sớm

Thiêu hủy bài thơ
tựa như điều bạn đang đợi chờ
và không thể nói
tôi đang rơi
vào cơn buồn ngủ

và chẳng có bài thơ nào kể lại cho bạn nghe
về câu chuyện thiên đường
hay địa ngục

Trần Vấn Lệ

Sài Gòn mưa xưa đẹp: ào ào xuống, hết liền! Nay, Sài Gòn hết duyên? Mưa liên miên từ Tết…

Mưa phùn và giá rét giống giống ngoài Bắc ghê! Mưa nhiều lúc não nề: Mưa gì ướt cả mắt!

Ai cũng chối mình khóc, làm sao chối được gương? Cái mặt soi buồn buồn, phấn son tô bỗng nhạt.’

Phải nói như hờn mát! Mình hờn mát với mình… còn hơn là làm thinh! Trời ơi mưa buồn quá..

Me Sài Gòn rụng lá, mưa rụng lá nhiều thêm! Đường Duy Tân chắc quên những đôi nhân tình cũ?

Ờ nhỉ mà ai nhớ người đang đi trong mưa? Chuyến vượt biên bao giờ, không bao giờ đến bến!

Những lời tình tự hẹn… tất cả thành mưa rồi? Chờ chờ hoài một người không về cho thấy mặt!

… thì mưa bay vào mắt chớ biết bay vào đâu!

*

Sài Gòn nhiều nhà lầu. Nhiều nhà không có mái… Anh ơi buồn em trải che mưa cây sầu riêng…

Ước chi có anh bên hứng em mưa trên tóc! Ước chi em được khóc trên bờ vai cố nhân…

Sài Gòn đang vào Xuân, mưa phùn từ hôm Tết. Chuông Nhà Thờ ngân mệt… bây giờ nhường gió mưa!

Trần Vấn Lệ

(9:17am, 02.02.2023)

Nguyễn Thanh Quang

.

​Tiến trình hình thành chữ Quốc ngữ ở Việt Nam từ khi khởi thảo đến khi hoàn tất khoảng hai thế kỷ. Dựa vào những tư liệu hiện có, người ta đã chia ra làm bốn thời kỳ: thời kỳ phôi thai, thời kỳ hình thành, thời kỳ phát triển và thời kỳ hoàn tất. Bình Định, vinh dự là vùng đất phôi thai, sáng tạo chữ Quốc ngữ (TK XVII), truyền bá, phát triển chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ (TK XIX-XX), nơi “dòng sông chữ Việt” không ngừng chảy.

​Chữ Quốc ngữ ra đời từ các giáo sĩ dòng Tên trong thế giới nhà thờ Công giáo, thâm nhập vào cuộc sống, xã hội như một đột phá, một cách mạng về chữ viết, được hoàn thiện dần và trở thành chữ viết Quốc gia, vai trò quyết định là những trí thức Việt Nam, những nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà khoa học, các cộng đồng cư dân, là Nhà nước Việt Nam độc lập. Chữ Quốc ngữ có tác động toàn diện và rất mạnh đến sự phát triển của văn hóa Việt Nam.

Từ Cư sở Nước Mặn

​Trong địa hạt tôn giáo, các miền truyền giáo tại Việt Nam được các thừa sai dòng Tên ở Macao thuộc tỉnh dòng Nhật Bản thành lập, ở Đàng Trong vào năm 1615 [1] và ở Đàng Ngoài vào năm 1627 [2].

​Đầu thế kỷ XVII, Xứ Quảng là một miền đất chung bao gồm cả Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, được coi là nơi mở đầu trang sử khai đạo chính thức ở Việt Nam. Do vậy, các học giả nghiên cứu về lịch sử chữ Quốc ngữ thường cũng tính thời điểm khởi nguyên công việc sáng chế loại chữ mới này ở Việt Nam mà cụ thể là ở Đàng Trong, ở Xứ Quảng vào năm 1615, khi các nhà truyền giáo dòng Tên mở đạo ở Việt Nam và hoạt động của họ được ghi lại trong các tài liệu lưu trữ khá đầy đủ. Tuy nhiên, xét riêng về phương diện lịch sử chữ Quốc ngữ, thời điểm quan trọng nhất phải là khi thiết lập cư sở Nước Mặn, thuộc phủ Qui Nhơn (ngày nay thuộc xã Phước Quang, Tuy Phước, Bình Định) vào năm 1618.

Những bản dịch các văn bản Ki-tô giáo đầu tiên ra tiếng Việt có từ năm 1618 tại cư sở Nước Mặn. Tại đây, linh mục Bề Trên Buzomi cùng Pina và Borri nhờ đến sự giúp đỡ rất hữu hiệu của một văn nhân Việt Nam trẻ tuổi uyên bác về chữ Hán có tên rửa tội là Phê-rô. Bản phúc trình của cư sở ghi: “Người ấy (một nhân sĩ thân quen với đoàn truyền giáo) có một người con trai mười sáu tuổi, là thanh niên lanh lợi và thông minh nhất trong vùng; anh này lại viết chữ Hán rất đẹp, được dân chúng hâm mộ vô cùng… Anh tên thánh rửa tội là Phê-rô, nhờ có tài hay chữ nên giúp linh mục rất nhiều trong việc dịch kinh Pater noster, Ave Maria, Credo và Mười Điều Răn ra tiếng địa phương…”[3].

​Trong bức thư đề ngày 17.12.1621 Gaspar Luiz chép: “Cuốn giáo lý mà người ta đã biên soạn bằng tiếng Đàng Trong, giúp ích rất nhiều, vì không những trẻ em học thuộc lòng sách đó, mà người lớn cũng học…” [4]. Theo linh mục Léopold Cadière, quyển sách giáo lý nầy được sáng tác bằng ngôn ngữ Đàng Trong [chữ Nôm]…. Ban đầu tiếng Việt được phiên âm bằng mẫu tự châu Âu để cho các thừa sai tiện dùng kèm với chữ Nôm người Việt sử dụng, dần dần bản phiên âm tiếng Việt bằng mẫu tự châu Âu trở thành hình thái đầu tiên ghi âm Latin hóa ngôn ngữ Việt Nam, một hình thái chữ Quốc ngữ “tiền Đắc Lộ”. Chúng ta có được một số chứng từ về những hình thái đầu tiên của việc Latin hóa trong Bản tường trình của linh mục Borri [5].

Tập sách “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” là những ghi chép của linh mục Christoforo Borri, xuất bản bằng tiếng Ý lần đầu tiên năm 1631, chữ Quốc ngữ Borri đã sử dụng trong đó là chữ Latin hoá được ông ghi chép khi ông ở Nước Mặn với hai linh mục Buzomi và Pina từ năm 1618 đến 1621. Theo tác giả Hoàng Xuân Việt: “Ông Thanh Lãng đã đếm được trong bản dịch của Bonifacy có đến 94 từ Quốc ngữ, và trong một tài liệu viết tay, ông viết: “Có rất nhiều chữ mang hình thức hệt như ngày nay. Thí dụ: tui, biết, Macao, mọi, càn.v.v…”” [6].

​Hội An là điểm xuất phát truyền giáo buổi đầu, lập giáo đoàn tại Nước Mặn – cư sở truyền giáo tiên khởi do các linh mục Buzomi, Pina, Borri đảm nhiệm, các giáo sĩ đã đi tiên phong trong việc sáng chế ra chữ Quốc ngữ. Poulo Cambi/Qui Nhơn là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ – chữ Quốc ngữ “tiền Đắc Lộ”.

Đến Nhà in Làng Sông

Ba nhà in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam: Nhà in Nhà Chung (Sài Gòn) của giáo phận Tây Đàng Trong, Nhà in Làng Sông (Qui Nhơn) của giáo phận Đông Đàng Trong và Nhà in Kẻ Vĩnh (Hà Nội) của giáo phận Tây Đàng Ngoài.

Báo cáo tình hình giáo phận Đông Đàng Trong năm 1872, viết năm 1873 của Giám mục Charbonnier, có ghi: giáo phận có 3 nhà thuốc và 1 nhà in [7]. Báo cáo hiện tình giáo phận Đông Đàng Trong năm 1885 của Giám mục Van Camelbeck Hân, về thiệt hại nhân sự và cơ sở vật chất do Văn Thân như sau: “cơ sở vật chất bị phá hủy 17 cô nhi viện, 10 phước viện, 4 nông trại, 2 tiểu chủng viện, 2 nhà phát thuốc, 1 nhà in,…” [8].

Căn cứ các báo cáo này, nhà in Làng Sông của giáo phận Đông Đàng Trong có trước thời điểm năm 1872, bị phá hỏng năm 1885. Có thể nhà in Làng Sông được xây dựng cùng thời với nhà in Nhà Chung của giáo phận Tây Đàng Trong (1867) [9] và nhà in của giáo phận Tây Đàng Ngoài [10]. Ấn phẩm của Mémorial Làng Sông/Qui Nhơn ra số cuối cùng tháng 12.1953.

Một trang Mémorial thống kê sách đã in của nhà in Làng Sông năm 1910 có 36 đầu sách, trong đó 25 đầu sách chữ Quốc ngữ, số còn lại là tiếng Pháp. Chia thành 4 nội dung: Sách trường học, sách giáo lý, sách cầu nguyện – đạo đức và các sách khác. Sách học được xếp mục đầu tiên với những loại sách như: Phép đánh vần (tái bản lần thứ 5), Con nít học nói (tái bản lần thứ 3), Ấu học (tái bản lần thứ 3), Trung học, Địa dư Sơ lược. Bản kê có ghi giá tiền từng đầu sách.

Trong năm 1922, nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng Báo Lời thăm mỗi tháng hai số, mỗi số ra 1.500 bản và phát hành cả Đông Dương. Tổng cộng ấn phẩm của nhà in Làng Sông/Qui Nhơn trong năm lên đến 63.185 ấn phẩm với 3.407.000 trang in [11].

Đáng chú ý, nhà in Làng Sông đã in nhiều loại sách của các cây bút Quốc ngữ nổi tiếng ở Nam Bộ lúc bấy giờ như: Chuyện đời xưa (tái bản lần thứ 2) của Trương Vĩnh Ký; Chuyện giải buồn (2 tập) của Pierre Lục; 30 đầu sách của Lê Văn Đức gồm nhiều thể loại: Tây hành lược Ký, Đi bắt ăn cướp (tuồng), Tìm của báu (tiểu thuyết), Chúa Hài Nhi ở thành Nadarét (kịch), Du lịch Xiêm….

Nhà in Làng Sông (Qui Nhơn) cùng với Nhà in Nhà Chung (Sài Gòn), và Nhà in Kẻ Vĩnh (Hà Nội), là ba cơ sở in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, đã có những đóng góp đáng kể trong việc phát triển, truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ nửa sau thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX.

Hệ thống Trường Quốc ngữ Đông Đàng Trong

Việc chữ Hán bị bãi bỏ trong kỳ thi cử năm 1915 ở Bắc kỳ và chấm dứt trên cả nước năm 1919 ở Trung kỳ đã tạo điều kiện thuận lợi cho chữ Quốc ngữ đi vào trường học. Năm 1917, Toàn quyền Đông Dương – Albert Sarraut ký Quyết định thành lập Bộ Học chính tổng quy (Règlement général de s’Instruction publique). Năm 1924, Toàn quyền Đông Dương – Merlin ký Quyết định đưa chữ Quốc ngữ vào dạy 3 năm đầu cấp tiểu học.

Dưới thời Pháp thuộc (1924-1945), ở tỉnh lỵ và vài huyện lớn có trường Tiểu học, các tỉnh lớn có trường Sơ học hay Tiểu học dành riêng cho nữ sinh. Trung bình, mỗi tỉnh có từ 2-4 trường Tiểu học, mỗi trường có từ 100 đến vài trăm học sinh. Các thành phố lớn có trường Cao đẳng tiểu học, như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Lạng Sơn (Bắc kỳ); Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Qui Nhơn (Trung kỳ); Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ (Nam kỳ).

Ở Trung kỳ có 3 trường thi Hương ở: Huế, Vinh và Bình Định, khi đặt ách đô hộ, thực dân Pháp cũng mở tại nơi này 3 trường công lập đầu tiên gọi là trường Collège. Trước năm 1920, Qui Nhơn có trường Pháp – Việt (Ecole Franco Annamite) từ lớp 5 (Cours enfantin) trở lên. Niên khóa 1921-1922, mở thêm lớp Đệ nhất niên (Cour Première année), đổi tên là Ecole plein exercice de Qui Nhơn, bắt đầu có hệ cao đẳng Tiểu học (Primaire supérieur). Sau đó, lấy tên trường Collège de Qui Nhơn, có 10 lớp cho 10 cấp học, dạy bằng tiếng Pháp, trừ môn Hán văn và Quốc văn. Trường Collège de Qui Nhơn thu nhận sĩ tử của 9 tỉnh Trung kỳ, từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên. Số thí sinh dự thi vào lớp Đệ nhất niên có đến hơn 1.000 người, nhưng trúng tuyển chỉ 50 thí sinh, trong đó có 5 thí sinh người dân tộc.

Từ năm 1910 – 1930, giáo dục Quốc ngữ được hình thành có tính chất hệ thống. Ngoài hệ thống trường công lập, còn có hệ thống trường do Giáo hội Công giáo xây dựng. Tờ Mémorial de Qui Nhơn tháng 5 năm 1924 có in bức “Thơ chung về sự thành lập trường Quấc ngữ” của Giám mục Đamianô [12]. Ngoài ra, để đôn đốc các linh mục quản xứ, Giám mục Đamianô cũng đã có “Lời riêng cùng các Cha” [13].

Theo thống kê trong Mémorial de Qui Nhơn tháng 2 năm 1927, Địa phận Đông Đàng Trong có tất cả 57 trường. Trong đó, Hội An 1 trường, Quảng Nam 4 trường, Tam Kỳ 3 trường, Bồng Sơn 8 trường, Tây Bình Định 8 trường, Đông Bình Định 15 trường, Phú Yên 2 trường, Khánh Hòa 8 trường, Phan Rang 4 trường; Bình Định, chiếm hơn một nửa số lượng trường cả địa phận: 31/57 trường. Thống kê trong Mémorial de Qui Nhơn tháng 5 năm 1928, Địa phận có 1.576 học sinh, trong đó Bình Định có 939 học sinh, chiếm gần 2/3 học sinh toàn địa phận; bình quân 30 học sinh/trường, riêng trường Gagelin, Kim Châu, Bình Định số lượng học sinh đông gấp 6 lần bình quân: 182 học sinh.

Và “Trường Thơ Loạn”

​Văn học nghệ thuật đã góp phần quan trọng trong việc truyền bá và phát triển chữ Quốc ngữ. Tiêu biểu như: Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Của, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Tự Lực Văn Đoàn, phong trào Thơ mới,…

​Phong trào thơ mới chỉ hình thành hơn mười năm (1930-1945), nhưng đã khép lại dòng văn học quy phạm, chuẩn mực. Với sự bùng nổ của ngôn từ đã đem đến một thi pháp mới, đưa thơ Việt Nam vào quỹ đạo của văn học thế giới. Nếu nói thơ mới mở ra một cuộc cách mạng trong thi ca, thì có thể xem “Trường Thơ Loạn” là hiện tượng độc đáo và bí ẩn nhất của phong trào thơ mới. Khởi nguồn của trường thơ này chính là nhóm thơ Bình Định: Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn, Chế Lan Viên (Long, Lân, Qui, Phụng). Dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng dòng thơ ấy đã băng qua bầu trời thi ca Việt Nam như vầng sáng, vừa rực rỡ vừa kinh dị, báo hiệu sự phát triển và phá cách của thơ hiện đại [14].

Cùng với nền giáo dục Quốc ngữ, một hệ trí thức mới được sản sinh, góp phần đáng kể vào sự nghiệp chấn hưng văn hóa dân tộc. Kể từ sau năm 1945, chữ Quốc ngữ đã trở nên không thể thay thế trong công cuộc truyền bá, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám thành công đã đưa lại địa vị ngôn ngữ chính thức của Quốc gia cho tiếng Việt – chữ Quốc ngữ. Từ đó, tiếng Việt đã phát triển nhanh chóng, toàn diện, có ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các ngôn ngữ thiểu số ở Việt Nam. Và Qui Nhơn/Bình Định – nơi “dòng sông chữ Việt” chảy xuyên suốt từ lúc phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XVII đến giai đoạn truyền bá, phát triển chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.

​NTQ

CHÚ THÍCH:

[1] Nicola da Costa “Annua do Collegio de Macao desde Janeiro de 615 ate o outro de 616”, đề ngày 17.01.1616 tại Macao (ARSI, JAP-SIN, Vol.114, trang 1-9).

[2] Alexandre de Rhodes, Divers Voyages et Mission, Cramoisy 1653, trang 91.

[3] Báo cáo năm 1618 của Francesco Eugenio đề ngày 21.01.1619 tại Macao trong Lettere Annue Del Japonne, China, Goa, et Ethiopia, Lazaro Scoriggio, Napoli 1621, trang 400-401.

[4] BAVH, Juillet-Déc. 1931, Lettre du Père Gaspar Luis sur la Concincina, trang 127-128.

[5] BAVH, Juillet-Déc. 1931, trang 420.

[6] Hoàng Xuân Việt, Tìm hiểu lịch sử chữ Quốc ngữ, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007, tr. 125.

[7] AMEP. Donatien Éveillard (1835-1883) Fiche Individuelle, la fiche biographique, Numéro: 795.

[8] AMEP. Rapport des Évêques, Rapport n0 41, Mgr Charbonnier, Cochinchine Orientale, 1873.

[9] AMEP. Rapport n0 8, Mgr Isidore Comlombert, Cochinchine Occidentale, le 15 Octobre 1893.

[10] Giám mục Puginier. Báo cáo địa phận Tây Đàng ngoài năm 1873 có một nhà in thạch bản và hai nhà in typô (Kẻ Vĩnh, Kẻ Sở).

[11] AMEP. Rapport des Évêques, Rapport n0 553. MGR. Gallioz, Chapitre VI, Groupe des Missions de Cochinchine et du Cambodge .

[12] Xem Mission de Quinhon, Mémorial de Quinhon 1924, Imp. Làng Sông 1924, tr. 67.

[13] Xem Mission de Quinhon, Sđd, tr. 24-69.

[14] Võ Như Ngọc, Trường Thơ Loạn – Thi pháp tượng trưng đa ký hiệu, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020, tr. 20.

Lục bát tháng Giêng

Nguyễn Thị Thúy Ngoan

.

Tháng giêng cựa mình tách vỏ

Mần xanh ứa nhựa non tơ

Mưa giăng ướt đầm nỗi nhớ

Hoa đào bung cánh ngẩn ngơ

.

Khát khao chờ mùa xuân mới

Mẹ ươm hạt giống sang mùa

Hoa mai, hoa hồng, hoa cúc

Điệu đà khoe sắc trong mưa

.

Kỉ niệm nhớ bến sông xưa

Cánh buồm thuận dòng căng gió

Chờ nhau xuân về gõ cửa

Trầu têm cánh phượng thêm nồng

.

Nắng non trời đất ánh hồng

Cánh đồng mạ xanh ruộng ngấu

Lời chào mừng xuân nồng hậu

Nghiêng xuống tháng Giêng ngọt ngào!

25/01/2023

Tháng Giêng

Vũ Lệ Hương

,

Mùa xuân dệt tấm lụa hồng

Quàng lên bầu trời xanh thắm

Mắt ai mơ màng say đắm

Tóc mềm thơm ngát hương đưa.

.

Gót hồng qua khu vườn xưa

Bướm ong vẽ vòng ẩn dụ

Môi thơm ngọt ngào thức giấc

Ta về phố cũ xanh rêu.

.

Hoa hồng lặng im không nói

Dội về nỗi nhớ quê xưa

Miền quê một thời thơ trẻ

Tầm xuân thơm dọc lối về!

.

Tháng giêng thả trần đam mê

Hạt mầm ươm từ mùa trước

Đàn ai ngọt mềm như nước

Xôn xao bốn phía mùa xuân.

.

Bao lo toan chợt trong ngần

Mưa bay nảy chồi muôn lối.

Ai khép đông tàn hờn dỗi

Em về gõ cửa tháng giêng!