Ngô Đình Hải
1/ Sáng nay, ngồi cà phê với mấy tên bạn học. Gần về, một tên móc bóp, moi mãi mới ra được tờ 500 ngàn, xếp kỹ, giấu tuốt bên trong. Có tiếng cười, hắn tỉnh bơ: thằng nào chẳng vậy.
Tên khác phán:
Khi một tên đàn ông quyết định lấy vợ, đồng nghĩa với chuyện hắn chấp nhận, tự biến mình thành một tên…ăn cắp!
Lấy vợ rồi, mỗi lúc mỗi phải hoàn thiện cái kỷ năng đó để tồn tại. Mà ăn cắp chính những thứ của mình mới đau. Từ tiền bạc, tự do, thời gian, kỷ niệm, thói quen…v/v…Tất tần tật…Thứ gì cũng phải ăn cắp!
Nhất là khoản tiền bạc. Này nhé, khi chưa có vợ, có tiền, cứ ung dung đút túi. Cần xài thứ gì cứ lấy ra xài. Có vợ rồi, phải kiếm chỗ nào kín, dấu bớt đi một ít, để có cái mà bù khú, cà phê cà pháo, hay nhậu nhẹt lai rai với bạn bè. Tên nào kiếm được kha khá một chút thì không nói, tên nào lăn lưng ra lảnh đồng lương cố định, coi như tiêu! Hoặc tên nào may mắn, có bà vợ phóng khoáng, biết thông cảm còn đỡ, bằng ngược lại thì hởi ơi!
Nhớ thằng T không? Ra trường chí thú làm ăn. Hai vợ chồng kinh doanh, buôn bán nghe nói khá lắm. Lạ là hắn ít khi gặp bạn bè. Chắc là bận. Bữa nọ, tình cờ đi ngang chỗ của hắn. Nghé vô thăm, chào hỏi vợ hắn tử tế. Hắn vui lắm: chờ tao thay bộ đồ, rồi ra quán cà phê ôn chuyện cũ cho nó thoải mái.
Ban bè lâu không gặp, chuyện trò rôm rả. Chừng tính tiền, hắn dành: để tao, có hai ly cà phê chứ mấy! Thò tay vào túi quần, mặt hắn tái nhợt, lúc đỏ lúc xanh. Vừa thẹn, vừa giận, hắn ấp úng: sao kỳ vậy… Đành cười, móc tiền ra trả: không sao, quên là thường…Hắn lắc đầu: không bao giờ quên, tao lúc nào cũng phải để sẵn tiền, buôn bán mà. Thì ra, lúc nghe rủ, sợ hắn tiêu xài hoang phí, sợ có sẵn tiền lại nhậu nhẹt với bạn bè, quên làm. Nên vợ hắn đã nhanh tay lục túi, vét sạch tiền…Gì không biết, chứ sau bài học này, chắc chắn hắn sẽ trở thành một tay… ăn cắp chuyên nghiệp!
– còn mấy thứ khác?
– thì cứ từ đó mà suy ra. Ra đây ngồi chẳng phải ăn cắp thời gian, ăn cắp thói quen của mình sao? Ngồi làm thơ, cũng phải ăn cắp từng kỷ niệm, ăn cắp mà còn nói láo nữa…
Tên khác phản đối:
– Còn thằng M đó sao. Nó làm quan, có chức, có quyền, có tiền. Lương, lậu gì cũng nộp dư. Ra ngoài, toàn chơi chùa, ăn chùa, uống chùa, nhờ vào công việc và…lời hứa! Nó có thèm… ăn cắp đâu.
– À. có chứ! Chẳng những nó ăn cắp của nó, mà còn ăn cắp luôn của người khác. Cái này lại thuộc về một phạm trù khác, tuần sau bàn tiếp…
Mấy tên ăn cắp đứng dậy, chia tay nhau. Về nhà, lại tiếp tục ăn cắp. Thứ ăn cắp…bắt buộc và dễ chịu!
2/ Sáng nay, lại ra quán cà phê quen sớm. Ngang qua Lăng Ông thì kẹt xe. Sài Gòn nghĩ cũng lạ. Nhiều cái không giống ai. Như cái bịnh ghiền ra đường chẳng hạn. Không biết có gì ngoài đó, mà ai cũng ham. Ngày nghỉ, không chịu ở nhà cho khỏe? Rồi sao thấy giống như hỏi mình, bỗng bật cười. Từ trong lề, một tay nhào ra: “có gì bán không anh?” À! Câu này quen. Nhớ mấy chục năm trước, mình cũng ở một cái lề đường, cũng nói câu này, một ngày không biết bao nhiêu lần! Đưa tay sờ túi áo, định đùa: còn mỗi cái mạng, mua không? Lại sợ tay nọ hiểu lầm, sinh chuyện, im lặng mà đi cho rồi.
Tới nơi, quán đông nghẹt. Mấy tên bạn học đã có mặt từ hồi nào. Thêm một cái lạ nữa. Sài Gòn rảnh thiệt chứ. Đâu phải chỉ có mấy tay già, về hưu ăn ở không, ra đây ôn chuyện cũ giết thì giờ. Còn biết bao nhiêu người khác. Cũng lôi chuyện làm ăn , chuyện yêu đương, chuyện nhà, chuyện cửa, ra quán tuốt. Sáng thì quán cà phê, chiều thì quán nhậu, khỏe re!
Ngồi xuống nghe, vẫn là câu chuyện ăn cắp cũ của tuần trước. Tên trầm ngâm, phát biểu chậm rãi nhất, lại chính là tên giàu có nhất trong đám bạn. Không biết hắn buôn bán, làm ăn kiểu gì mà lên như diều, nhà cửa xe cộ hà rầm. Đang ngon trớn, tự nhiên bị tai biến mạch máu. May mà nhẹ, nằm cả năm. Giờ mò ra cà phê được cũng là hạnh phúc lắm rồi. Tên kế có học vị Tiến sĩ, lại là “con nhà nòi”, giữ chức phó Tổng một Công Ty, kiêm thêm cái chức Trưởng ban nghi lễ, phụ trách tiệc tùng, hội nghị, hiếu hỉ, tang ma…Nói nôm na là “chuyên gia ăn nhậu”. Cả chục ngàn công nhân viên xoay vòng, quanh năm suốt tháng. Mọi chi phí của Công Ty, hắn chỉ vác cái bụng tới ăn, kèm thêm cái phong bì lại quả lúc về là xong. Về hưu, chỉ còn lương, mất đi cái lậu. Tuy không đến nỗi tiếc nhớ, chiều nào cũng lôi cái máy điện thoại bàn ra, gọi vào cái di động cả ngày im hơi, cho nó reng để thấy lại thời…vàng son! Nhưng nói chung cũng hụt hẫng và buồn đứt ruột! Một tên khác, mấy mươi năm công chức, “mũ ni che tai”, ai làm gì làm, cứ phất phơ cho xong việc, cuối tháng lãnh lương đút túi, vợ hắn dân bất động sản, tiền núi. Chỉ cần hắn ở yên đó là đủ. Cả 3 tên, không tên nào chịu nhận là mình ăn cắp! Không ai đi ăn cắp cái thứ mình có sẵn hoặc thừa mứa. Một tên ngồi im lặng nãy giờ. Tên này thì miễn bàn, từ hồi trẻ tới giờ ưa gì làm nấy, chỉ có chơi là giỏi, nên cứ lông bông miết. Bạn bè thương cái khí khái, quý cái tình mà chơi.
Giờ mới thấy hắn lên tiếng:
Đúng, không ông nào phải ăn cắp tiền bạc của mình. Chỉ ăn cắp cái khác. Cái thứ mà mấy ông đang phải ăn cắp mỗi ngày, chính là…cuộc đời của mấy ông đó! Mấy ông nghĩ lại coi, có phải hồi trẻ, tụi mình đứa nào cũng nhiều tham vọng, cũng chấp nhận làm tất cả, để có cái lo cho bản thân và gia đình. Vì nó mà đôi khi phải bán đi sở thích, ham muốn, lòng tự trọng…Người không ưa vẫn phải gần, việc không thích vẫn phải làm. Nhiều khi còn phải diễn, phải vay mượn thứ của người khác làm của mình. Phải sắm tuồng, phải giả dối, phải mặc một cái áo khác, Phải chiều chuộng, nhịn nhục để được việc. Riết rồi mình không còn là mình. Nghĩa là cuộc đời mình đã bán cho những thứ đó mất rồi. Bây giờ, con cái đã lớn, đã yên phần. Coi như mình đã xong bổn phận, và hài lòng với những thứ mình có. Tự mình cho mình cái quyền được sống thoải mái, được làm những thứ mà lúc trước không làm được. Nhưng thực chất chỉ là đi ăn cắp lại phần nào của cuộc đời đã bán trước đây… Còn tôi thì khác, cuộc đời mấy ông đem bán có thu lợi, giờ còn biết chỗ bán mà ăn cắp lại. Chứ còn tôi thì cuộc đời đánh mất từ lâu rồi, mà mất thì biết nơi nào mà tìm, nói gì tới ăn cắp!…
Nói xong, hắn đứng dậy, móc túi lấy tờ 50 ngàn, đặt xuống bàn: tôi góp phần mình, tôi về trước, tuần sau gặp. Một tên nói: cất đi, để tôi mời…Hắn khoát tay: không cần. Rồi cười ha hả quay lưng đi thẳng…
Ngô Đình Hải
Tác giả tả ai đó thôi, nhưng sao đọc tôi thấy bi nhột. Và buồn.
Chỉ một góc nhìn nhỏ mà quán cả thân phận người
Anh Hải viết với cái nhìn cuộc đời thật sắc sảo
Cái này đúng là điển hình văn học.
Trời ơi vậy là biết hết chiêu của quí ông nghen
Viết có tâm quá
Tác giả rất tài khi xây dựng những chi tiết tình huống hay
Chào huynh NĐHải!
Khổng Tử dạy học trò:
Khi ta đúng mà kẻ nào nói ta đúng thì kẻ đó là bạn ta.
Khi ta sai mà kẻ nào nói ta sai thì kẻ đó là thầy ta.
Khi ta sai mà kẻ nào nói ta đúng thì kẻ đó là kẻ thù của ta.
Học trò xin hỏi:
Thưa thầy, nếu khi ta đúng mà kẻ nào nhất định nói ta sai thì sao?
Khổng Tử trả lời:
Thì kẻ đó đích thực là vợ ta chứ còn ai nữa!!!
Hahah.. Thôi thì ta “ăn cắp” của “của ta” cho chắc ăn. Còn mấy “cái thứ nẫu” khác.. thì không dám “đụng tới” đâu quynh NĐHải ơi ơi, sợ sợ quả báo lắm lắm hihi. Thanks huynh đã cho thưởng thức một “tiểu luận” thật lý thú… Chúc luôn vui khỏe và viết hay quynh nhé. Thân!
Rất hiện thực và cũng rất tinh tế. Hay và cũng đau quá.
Câu chuyện đời thường đâu cũng có mà sao thấy xót xa quá.
chắc tại nó thường và nhỏ nhoi quá phải không bạn? Chúc bạn vui
Sao gọi là ”ĂN CẮP”nghe BUỒN!?Cũng Công Sức MÌNH Cho CÁI CHUNG-TỔ ẤM”Gia đình Mình-Vợ-Con”Thế mà GẶP Vợ”Chẳng Cảm Thông!”…Nhón CHÚT Tư Túi ”Vui CÁI RIÊNG”Chẳng dám Công Khai”Ngại GẶP Phiền…”GẶP MIỆNG chì chiết”Vợ KIẾM CHUYỆN!”….YÊU Chồng cũng QUÍ-Thua QUÍ TIỀN!!![Nên Ăn Cắp DẤU DIẾM…CHO ÊM….?Ngang nhiên LẤY càng thêm LÌNH SÌNH?Vợ chồng lục đục thấy phát KINH?Chén bay dĩa ném hết NGHĨA TÌNH?]
cảm ơn bạn đã đọc. Chúc vui
Có thiệt hay sao vậy tác giả. Nếu có thì…buồn quá
sao lại buồn hở Mai Hoa. Vốn nó vậy mà…
Chạnh lòng. Kể cả tôi. . Vì giống tôi quá
tôi thì không phải… giống! Mà chính hắn!…hihihi