Truyện ngắn của ÁI DUY
Đã từng như thế, khi Xuân là một cô gái hai mươi mốt, lần đầu xa nhà để bắt đầu cuộc sống tự lập của một giáo viên ở ngôi trường tiểu học duy nhất của một làng bị bỏ quên ở ven sông. Ngôi làng ấy thậm chí có những người cả đời chưa hề qua sông lên thị trấn và những con quạ chao chác ở hai bên triền sông đông hơn rất nhiều lượng khách qua lại bến đò ngang mỗi ngày. Bên này sông là chỗ dừng chân cuối cùng của khách từ thị trấn lên. Bên kia sông tre đan rậm rì bao phủ như một bức cổ thành, dòng sông uốn lượn vây bủa và một con đò ngang hay trở chứng cùng với ông già chống đò nghễnh ngãng đủ làm thoái chí bất kỳ ai có ý định đi qua.
Nhưng Xuân không có đường lui. Cô đã đứng tần ngần một mình rất lâu bên này sông vào một buổi chiều, với một chiếc xe đạp đằng sau có cột một cái rương gỗ, bối rối đưa mắt tìm một nơi có thể gọi là bến đò. Chỉ có mỗi cái dốc sỏi đổ xuống tận sát mép sông, nước chảy lờ đờ, cạn kiệt trơ những cồn đất nhỏ lổ chổ ở giữa. Xuân dở khóc dở cười tự hỏi hay người ta qua lại bằng cách lội bừa xuống nước. Độ hơn nửa tiếng sau thì có tiếng xe đạp đổ dốc thắng kin kít sau lưng cùng với sự xuất hiện của một người đàn ông trẻ. Nhân là người đầu tiên Xuân gặp và cũng là người duy nhất mà Xuân mang theo trong ký ức sau khi giã từ cái chặng đời ngắn ngủi nơi này.
- Trời đất, sao cô không kêu đò?
- Kêu làm sao?
- Giờ này người làng không còn ai qua lại, ông Tám chắc bỏ đi nhậu rồi. Phải kêu ổng mới chống đò qua chớ. Đò ơi….đò…hú…hú…
Thấy Xuân tròn mắt nhìn Nhân phì cười:
- Tôi tưởng phải hết tuần sau cô mới về nhận nhiệm sở. Quyết định mới gởi xuống trường hôm qua.
- Ơ, vậy anh í thầy là…
- Tôi về trường trước cô ba năm, nhưng bây giờ là hiệu trưởng rồi. Còn khối ghế trống đó, cô muốn lãnh chức gì cũng có, hiệu phó, công đoàn, phụ nữ, tổng phụ trách…đủ hết.
Xuân thấy vui vui trong bụng:
- May lỡ em không phải giáo viên mới thì sao?
- Ha, cô ở đây chừng một tuần lễ thì đến con chim bay ngang cô cũng biết có phải là cư dân địa phương hay không. Nè, để xe đó tôi dắt xuống đò cho, cô tự leo lên được là đã quí lắm rồi.
Có nghĩa là Xuân phải xăn quần lên quá bắp vế, lột guốc cầm tay, phải bấu bàn chân lên từng mảng đất nhèm nhẹp trơn nhẫy các loài thủy sinh để lội ra nơi con đò đang chống sào đợi khách, còn Nhân thì hùng hục quay lên quay xuống vác xe đạp trên vai. Con đò mang hai người khách muộn màng trở đầu qua sông, cây sào chống trong tay ông lão cứ rung lên bần bật mỗi khi phải làm điểm tựa và Xuân phải hai, ba lần chào mới nhận được nơi ông cái gật đầu. Ngang trời những cánh chim vụt liệng buông những thanh âm kỳ quái gióng giã từng hồi bốn tiếng. “Bắt cô trói cột”, Nhân cười cười vào vẻ mặt đang nghệch ra của Xuân. Cô đỏ mặt “Em chưa nghe bao giờ”.
Còn rất nhiều điều mà Xuân chưa biết, chưa hình dung ra ở nơi chốn xa xôi lạ lẫm này. Ví như toàn trường kể cả hiệu trưởng lẫn giáo viên chỉ có năm người, mỗi người nhận một khối lớp, tức một lớp với vỏn vẹn trên dưới ba mươi học sinh. Xuân nhỏ tuổi nhất phải kiêm thêm chức vụ Tổng phụ trách, trưởng ban văn thể, chuyên bị giao nhiệm vụ đi xếp hàng nhận nhu yếu phẩm cho tập thể từ một cửa hàng cách đó hơn năm cây số đường đèo dốc. Trường chỉ có ba phòng học nửa gạch nửa tranh, phòng còn lại lành lặn hơn thì được xử dụng chung làm văn phòng,kho chứa hàng. Một góc phòng được Nhân kê mấy cái tủ hồ sơ quay lưng lại với nhau che được cái giường đơn làm nơi cư ngụ. Có hai giáo viên một nam một nữ là người địa phương, một chị ở xã kế bên không cần ở lại còn Xuân thì được Ủy ban gởi về tá túc chung với mấy chị bên trạm xá.
Nhà Xuân ở thành phố, cách trường 19 cây số, đạp xe về tới nơi mà gặp lúc ngược gió thì cũng mất gần hai tiếng. Đi bằng xe lam phải qua hai chặng nhưng có khi còn lâu hơn bởi đợi cho bác tài lèn chật khách mới chịu xuất bến. Mỗi chiều thứ bảy, cô mới có dịp nhẩn nha trên chiếc xe đạp rong ruổi về nhà, cùng Nhân.
Nhân và cô thường chia tay ở cây số thứ 11, nhà anh cũng ở một vùng ngoại ô nhưng sầm uất, tức là cũng có được khoảng một tiếng đồng hồ huyên thuyên với nhau đủ thứ chuyện trên trời để quên đi mọi chuyện dưới đất. Đôi khi Xuân giật mình vì thấy cả hai có quá nhiều điểm tương đồng, cùng yêu văn học cổ, cùng mê dân ca, thích thể thao, rất dễ dàng nhặt ra những khía cạnh hài hước ở bất kỳ tình huống nào và nhất là, có thể im lặng bao lâu tùy thích khi đang dở câu chuyện. Ngày trước, Nhân lớn lên học hành ở phố, từng là sinh viên năm thứ ba Đại học Khoa học sài Gòn, sau giải phóng anh theo học khóa Sư phạm cấp tốc của tỉnh rồi cùng cha mẹ về quê trông coi nhà từ đường, là anh của ba thằng em trai còn đang đi học phổ thông. Hình như vườn tược ruộng rẫy nhà anh không được màu mỡ cho lắm bởi anh em nhà anh ai cũng cao nhòng ốm nhách, chiếc xe đạp cà khổ của anh thì rền rĩ eo óc quanh năm còn bà mẹ thì hay nhìn vẻ ngoài xuềnh xoàng của Xuân dò xét và ít khi nào niềm nỡ mời cô ở lại ăn cơm đến câu thứ hai. Nhưng Nhân thì khác. Đã có quá nhiều khó khăn trong một môi trường công tác gần như bị bỏ rơi và đôi khi Xuân tự nhủ, nếu không có Nhân thì cũng khó mà tồn tại được cái tập thể gắn bó yêu thương nhau để duy trì sức sống cho cái ngôi trường làng,và cho cả Xuân.
Với học sinh và dân làng,Nhân là một nhà thông thái thứ thiệt bởi cái gì anh cũng biết, cũng xắn tay nhào vô theo đúng cung cách dân miệt vườn. Hơn nữa, Nhân không thua bất kỳ anh trai làng nào về khoản câu cá lội sông hoặc săn chuột đồng. Nhưng trong công việc thì Nhân lại là một con người khác.
- Cô Xuân, sao hôm qua cô đuổi học thằng Tùng?
Tùng là học sinh lớp 4 do Xuân làm chủ nhiệm.
- Nó nghỉ học liền hai hôm không phép.Vô lớp ngủ gục, đánh bạn. Em phạt quì mà nó cứ đứng gườm mặt nên đuổi về luôn, biểu mời phụ huynh lên nói chuyện rồi mới đi học lại.
- Cô biết phụ huynh của nó là ai không?
- Thì…nó ở với ông nội. Em tới nhà mấy lần mà có gặp đâu.
- Ong nội nó là cơ sở hồi ở trong chiến tranh. Nó sanh trên núi, cha mẹ hy sinh cả rồi. Một năm ông nội nó nằm ở bệnh viện huyện hết hai tháng vì vết thương cũ tái phát. Gia tài ông cháu có được hai con bò, không ở nhà chăn để cho nó chết đói à?
Hôm khác có đoàn Thanh tra của phòng Giáo dục huyện về dự giờ. Xuân bị chiếu tướng vì là giáo viên mới. Cô lên lớp cứ như người diễn trò trên sân khấu, lại cộng nhầm bài toán nên nổi cáu coi ban giám khảo ngồi dưới như củ khoai. Đã vậy lũ học trò cứ ngồi đực mặt im thin thít và Xuân chấm dứt luôn tiết học trước 10 phút. Nhân là người nạo cô ra trò ở văn phòng, không còn chỗ cho đoàn thanh tra có ý kiến bổ sung. Xuân bỏ luôn cơm trưa, chui ra sau vườn chuối của trường – nơi sinh sồng của bầy đàn ốc sên mà chỉ thoạt nhìn nó bò cô cũng đã chết khiếp -, ngồi khóc tấm tức một mình gần hết buổi chiều. Hôm đó là thứ bảy, nhắm mọi người đã về hết Xuân mới chùi nước mắt vạch lá lom khom đi ra. Suýt nữa là cô va phải một bóng người đang ngồi thù lù trên cái gốc cây gãy phía ngoài vườn chuối.
Nhân cười hì hì:
- Năm phút nữa mà cô không ra là tôi la làng.
Xuân đi dạy bổ túc văn hóa ở các điểm xa, về khuya cỡ nào cũng không sợ bởi bao giờ cũng có Nhân về cùng, khi thì anh tiện đường thăm bạn, khi thì đi họp, đi kiểm tra. Lắm hôm đi về đến nhà trọ mà vẫn không gặp một bóng người trên đường, hôm sau có bà thím chặn đường nói “Hôm qua thầy cô đi dạy về có chuyện gì vui dữ há, tui đang ngủ mà nghe tiếng cười nói cũng giựt mình thức dậy”.
Nhân đặc biệt có ác cảm với ông phó chủ tịch kiêm trưởng Công an xã. Anh không chịu được vẻ mặt trịch thượng nặng nề và đầy nghi kỵ luôn đi kèm với khẩu súng ngắn dắt bên hông, nhất là lần ông nổ súng đuổi mấy đứa nhỏ ăn trộm cá nuôi trong ao của hợp tác xã. Vô phúc, một đêm về sáng anh tình cờ nhìn thấy ông ra khỏi nhà một người đàn bà nguyên là vợ của một sĩ quan cọng hòa đang đi học tập cải tạo và kẻ ăn đêm nọ cũng kịp nhìn thấy cánh cửa phòng anh đang từ từ khép lại. Đương nhiên anh không phải là người duy nhất biết điều này nhưng từ đó trở đi quan hệ giữa Nhân và ông ta ngày càng thêm căng thẳng.
Trường có một giáo viên bỏ dạy – là chị ở xã kế bên – vì mới lập gia đình theo chồng về thị trấn, mỗi ngày qua lại con sông cứ bị trễ đò, trễ giờ lên lớp. Sáng sáng học trò lại túa ra bến đón từng chuyền đò qua, không thấy cô giáo chúng lại la ó mừng rỡ ôm cặp chạy tứ tán. Chị bỏ ngang xương, hơn tháng sau mới lên trường năn nỉ hiệu trưởng hợp thức hóa giấy tờ.Nhân chặc lưỡi ký liều biết rằng sẽ phải gặp không ít phiền toái. Anh bị gạt tên ra khỏi danh sách đi học Đối tượng Đảng ngay đợt đó.
Những buổi chiều thứ bảy rong ruổi về nhà, cả Xuân và Nhân đều tránh nói về công việc trường lớp. Gia đình của anh cũng đang có chuyện không vui. Một người cậu ruột của Nhân vốn là phi công chế độ cũ đang ở trong trại cải tạo lâm bệnh chết. Đôi lần anh nhắc đến ông bác, bà dì, những người thành đạt ở xứ người sau khi tự bươn chãi kiếm được học bổng đi du học từ trước Giải phóng. Năm đó thư từ bưu phẩm đi Tây đã được thông thương, ba mẹ Nhân không dấu nỗi ước ao thèm muốn khi săm soi những tấm hình màu, những cục xà bông thơm, xấp vải…được gởi về từ bên kia đại dương trước mặt Xuân. Chủ nhật Nhân thường đạp xe xuống thành phố đến nhà Xuân chơi, hòa vào nếp sinh hoạt của gia đình cô một cách thoải mái. Anh phụ Xuân xách nước, chẻ củi, giúp em trai giải bài tập, đánh cờ với ba Xuân và ăn cơm thẳng bụng còn khen ngon rối rít. Rồi cô và Nhân đi chơi, ngồi hàng giờ trên hai cái ghế bố nhìn ra biển với hai ly nước dừa lạt phèo và những câu chuyện vu vơ không đầu không đuôi bắt đầu xuất hiện giữa hai người. Khi sao Hôm bắt đầu mọc trên nền trời dần tím sẫm, Nhân đưa cô về, ân cần và dịu dàng, không hơn.
Một buổi chiều thứ bảy mây đen vần vũ, Nhân mệt mỏi đi về cùng Xuân sau cả một ngày trời họp hành tranh luận vô bổ hết ở xã lại tới phòng Giáo dục. Anh hầu như không để ý đến những tia chớp đang chạy nhoang nhoáng giữa bầu trời và từng đàn chim đang nháo nhào đâm bổ vào các hang hốc, bụi rậm. “Tìm chỗ trú mưa đi anh”, Xuân nhắc đến lần thứ ba Nhân mới sững sốt ngừng xe lại, những giọt mưa đầu tiên đang quất vào mặt họ rát rạt. “Rẽ qua bên trái mau lên, có nhà người quen đó”. Nhân hét lên trong màn mưa còn Xuân vọt xe theo không đắn đo. “Nhà người quen” của Nhân thật ra chỉ là một túp lều chơ vơ ven đường che tạm bợ bằng mấy tấm tôn cũ, có mỗi cái sạp tre ở giữa, chắc được dựng nên để thỉnh thoảng tới mùa thu hoạch có người ở giữ vườn. Chủ nhà chắc mới đi đâu bởi bếp lửa vẫn còn tro ấm. Cô sán lại bên bếp lửa mới được anh khơi lên ngồi run rẩy, nước chảy long tong từ trên tóc xuống tận ngón chân. Mưa vẫn sầm sập như thác đổ, gió thốc vào nhà liên hồi mang theo hơi nước buốt lạnh, sấm sét xé trời và những tia chớp không ngừng nháng lên thứ ánh sáng đe dọa lạnh lẽo.
Nhân quay lại với một ly nước còn nóng trên tay và đặt xuống bên cạnh Xuân. Hình như Nhân đang thổ lộ một điều gì rất quan trọng nhưng cô không thể nghe được bởi tiếng mưa đập xuống mái tôn quá lớn, chỉ đọc được trong đôi mắt anh một cái gì đó rất khó khăn, rất sâu thẳm, rất gần gũi. Có phải từ trong vô thức cô cũng trả lời Nhân bằng một ánh mắt y như thế?
Nhưng Xuân không có thì giờ để nghĩ ngợi. Mái tóc dài ẩm ướt của cô đã rũ vào lòng Nhân còn vòng tay của anh thì quá mạnh mẽ, quá khát khao như đã phải chờ đợi, phải kiềm nén từ rất lâu. Rồi đôi môi nóng ấm của anh phủ khắp khuôn mặt đang lạnh giá và bất động của Xuân. Cháy lên trong cô những ngọn gió bất kham đi qua hoang mạc.
Ký ức của Xuân luôn từ chối khi phải ghi nhớ lại những gì đã xảy ra chóng vánh trong buổi chiều giông gió đầy bất trắc ấy. Nhưng đúng là đã từng như thế khi cô hai mươi mốt tuổi, với một người đàn ông đầu tiên trong đời, với cái cảm giác liều lĩnh bàng hoàng và choáng ngợp của một người không biết bơi lao vào đại dương bằng một mảnh phao nhỏ bé.
Nhưng bản chất của Xuân không phải là một kẻ cuồng tín và hình như Nhân cũng vậy. Những ngày sau đó không cần cố gắng lắm Xuân cũng giữ được sự tự nhiên thoải mái trong quan hệ với Nhân trước mọi người. Những gì cần nói phải chăng Nhân đã trút hết trong tiếng mưa gió gầm rít hôm nào, còn bây giờ Xuân cũng chỉ cần thời gian và khoảng lặng cho cả hai.
Hôm Nhân nhận Quyết định chuyển về làm hiệu phó ở một trường thuộc vùng núi nằm ở phía tây huyện, anh nấn ná ở lại chờ Xuân cùng đi xuống bến đò. Hôm đó trời đẹp, không mưa và họ chia tay nhau ở trước đầu ngõ dẫn vào nhà anh như mọi khi, sau một quãng đường dài im lặng. Nhân giữ ghi đông xe của Xuân lại, nhìn cô thật lâu “Anh sẽ đến nhà thăm em”. Xuân gật đầu, “Khi có dịp”. Rồi cô đạp xe đi ngay, kịp dấu hai giọt nước mắt vừa rơi xuống, biết rằng số phận không dành người đàn ông này cho mình.
Những lần gặp nhau sau đó ở thành phố, Xuân luôn cảm thấy rằng cô chỉ là lý do phụ cho anh có mặt ở nơi này và đi kèm với nó là một cảm giác bất an ngày càng lớn. Các cuộc trò chuyện giữa họ không còn điểm chung nữa và cho dù Xuân có gợi hỏi về môi trường mới nơi anh công tác cũng chỉ nhận được những câu trả lời nhát gừng, lơ đãng. Dường như có một cái gì đó đang manh nha và chiếm lĩnh toàn bộ sức lực con người anh trong lúc này, trông Nhân hốc hác và tiều tụy nhưng cái nhìn thì vẫn thế, cương quyết và mạnh mẽ.
Cuối cùng thì Nhân cũng dành cho cô được toàn quyền quyết định cuôc đời mình trong vòng bốn tiếng đồng hồ. Chạng vạng tối một ngày chủ nhật, anh đột ngột xuất hiện và vội vàng kéo Xuân ra một góc vắng. Những điều mà Nhân trao đổi với cô thật còn hơn sét giữa trời quang.
Nhân đã bắt được một đường dây vượt biên ra nước ngoài và sẽ khởi hành ngay trong đêm nay tại một bãi biển không xa nhà Xuân là mấy. Cha mẹ anh đã bán gần hết ruộng vườn để đặt cược cho tương lai của bốn anh em. Nhân nói rằng, nhờ anh giới thiệu được ba người khác cùng đi nên có được một suất miễn phí, và đó là của Xuân. Mọi việc đã chuẩn bị trót lọt chỉ chờ giờ khởi hành, và Xuân hãy chọn lựa mà không cần có điều kiện gì. Nhân nói thêm, ở nước ngoài người thân của anh sẽ bảo lãnh cho họ ra khỏi trại tỵ nạn trong một thời gian ngắn nhất. Anh vuốt tóc cô, trấn an “Hãy chuẩn bị đi,11 giờ anh quay lại đón em”.
Xuân đã run lẩy bẩy như đang đứng trong vùng địa chấn.Cô không bao giờ hình dung ra sẽ có lúc mình phải đứng trước một sự lựa chọn mang ý ngjhĩa sinh tử như vậy. Quê Xuân vùng biển, thời gian này không thiếu những đoàn người lén lút tổ chức vượt biên hà rầm bất kể sống chết như những con thiêu thân. Vài hôm lại nghe chuyện mua bán bãi, chuyện lừa gạt giết người cướp của, chuyện hải tặc phong ba, rồi người này người kia mất tích hoặc may mắn đặt chân được đến vùng đất hứa. Xuân không nói cho ai trong gia đình biết, cô chỉ lặng người đau đớn nhìn thời gian đi qua. Mười một giờ kém, khi cả nhà đã tắt đèn đi ngủ Xuân quyết định đi ra ngõ, âm thầm dõi trong bóng đêm. Nhân đến thật, có một tia mừng rỡ trên khuôn mặt đang căng thẳng của anh. Xuân nói ngay “Anh đi đi”. Dường như Nhân không chờ đợi một điều như vậy. “Chúc anh may mắn”, cô nói thêm, nước mắt đã ngấp nghé bờ mi.Nhân vẫn không hiểu, “Em đừng sợ, đây là chuyến đi an toàn nhất từ ba tháng nay. Sang bên đó anh sẽ làm tất cả để mình có thể sống đàng hoàng”.Xuân nhắc lại, “Anh đi đi”. “Còn em?”. “Em vẫn sống như từ xưa tới giờ”. “Chẳng lẽ tại anh không bàn bạc trước với em?”. Xuân lắc đầu nhè nhẹ. “Mọi người đang chờ mình, đi với anh đi em”. Xuân quay mặt dợm bước đi. “Khoan đã”, Nhân xoay vai cô lại, giọng chùng xuống, “Em có…có hối tiếc về những gì đã xảy ra giữa anh và em không?”. Xuân nuốt nước mắt, “Em không có gì phải ân hận, phải hối tiếc. Còn anh?”. “Anh rất ân hận, rất đau lòng vì có thể mất em từ đây”. “Đừng nói vậy”. Xuân bỏ chạy vào trong nhà, kịp nhìn Nhân đang chìm vào bóng tối.
Số phận đã dun rủi cho mấy anh em Nhân bình an qua chuyến hải trình lành ít dữ nhiều. Xuân nhận được hơn hai chục lá thư gởi đi từ một trại tỵ nạn ở Philippin trong sáu tháng đầu tiên, sau đó thì cả mấy anh em được bảo lãnh qua Mỹ. Nhân đã nói và làm theo đúng kế hoạch của mình, bốn anh em vừa đi làm vừa đi học không cần trợ cấp, quần quật không dưới mười sáu tiếng mỗi ngày. Trung bình cứ nhận được ba lá thư thì Xuân mới hồi âm một lần, chểnh mảng một cách cố ý. Thư Nhân không có quá khứ, chỉ tạm chấp nhận hiện tại và tưng bừng một tương lai. Xuân tìm mãi chẳng thấy bóng dáng mình đâu trong cái tương lai đó. Đôi lần, thư cạn ý, cô nhắc đến những ngày tháng êm đềm ở trường và Nhân lập tức trả lời “…ngôi trường làng với cây đa bến cũ và một con đò hay trở chứng đến nay còn lưu lại được trong lòng anh là nhờ có em…”. Nhưng đó không phải là một lời hẹn ước. Hai năm sau đó Xuân lấy chồng và đến một thành phố khác. Bà mẹ cau có của Nhân vờ không nhận ra Xuân khi cô đến chào từ biệt. Chút liên hệ mong manh như tơ trời giờ đây cũng không còn.
*
Nếu Nhân trở về vào một ngày rất lâu, rất lâu sau đó và đã trở thành một quí ngài danh giá lịch lãm; hoặc hồi cố hương sống mai danh ẩn tích chờ đến ngày trở về cát bụi.
Và nếu lúc đó Xuân cũng là một quý phu nhân sang trọng kiêu kỳ; hoặc đang vò võ gối chiếc một mình lam lũ bươn chãi nuôi con.
Chắc là sẽ xảy ra vô số những đoạn kết ly kỳ, có hậu hoặc không có hậu. Tận đáy sâu thâm tâm mình Xuân vẫn không nguôi nỗi nhớ mong nhưng cô biết rằng, cái gì đã xảy ra, đã từng như thế thì khó mà có lại lần thứ hai trong đời.
- D
Hay mà phức tạp thật
Sẽ cố viết hay mà đơn giản. 🙂
Chuyện đời thật phức tạp
Thiệt là rầu, phức tạp chi cho khổ. 🙂
À há bây giờ mình mới hiểu vì sao họ chia tay
Nói thiệt là tác giả cũng không hiểu. 🙂
Đúng là ” chuyện tình buồn – chuyện của xa xưa” . Như một đoạn phim quay chậm, về một thời đã qua, đã từng có những tháng ngày nghiệt ngã như thế, và những con người sống đầy” khổ nạn như thế. Thời của biết bao dấu chấm than và dấu hỏi… Chỉ còn biết than trời mà chẳng dám hỏi ai, phải không AD?
Chuyện gợi lên rất nhiều…điều…làm ” sống lại” một thời kỳ…
Đúng là một đoạn phim quay chậm về một thời đã qua, cám ơn góc nhìn của anh Cao Quảng Văn. Chỉ những ai đã từng trải qua một thời như thế mới thấu cảm được thân phận của tình yêu.
Hinh nhu chung ta cung co luc ….Da tung nhu the .
Không như thế này thì như thế khác, không đã từng thì kể cũng buồn Thi Thu nhỉ. 🙂