Ngô Đình Hải
Trời xanh mây trắng lang thang
Tôi ngồi tôi nhớ thương làng quê tôi
( THƯƠNG LÀNG QUÊ )
Một đôi khi chỉ cần chừng đó. Chỉ cần một buổi chiều bình thường, nắng đang đổi màu vàng úa, bỗng thấy tươi hơn, bỗng trở nên lãng đãng, nhẹ nhàng hơn. Mây vẫn trôi trên đầu, và người lữ khách thì ngồi bệt xuống một vỉa hè trên đường phố, mặc kệ tiếng ồn ào xe cộ và bụi khói vậy quanh mà mơ, mà “nhớ nhà châm điếu thuốc / khói huyền bay lên cao (Hồ Dzếnh)”.
Mỗi ngày với muôn vàn cái tất bật lo toan của cuộc sống, nó lặng lẽ cuốn đi, lặng lẽ làm cho ta dễ quên và vô tình hơn. Thì những giây phút hiếm hoi khi bất chợt bắt gặp một hình ảnh, một câu thơ lôi ta ra khỏi thực tại, đưa ta về một miền xa xưa nào đó, trả lại những thứ tưởng đã ngủ yên trong ngăn tủ ký ức và ta lại được nhìn thấy, những năm tháng ngụp lặn trong giấc mơ về một miền quê xa xôi của mình…
Như buổi chiều mở tập thơ “Làng tôi” của Trần Bảo Định. Tôi đọc mà thích thú như đang được ngồi nghe anh tâm sự, với cái lối viết giản đơn và gần gủi. Tập thơ có 82 bài lục bát. Hầu hết là những câu chuyện kể. Trần Bào Định viết về làng quê của anh, một làng quê Nam bộ. “Làng tôi” là những câu chuyện kể…bằng thơ chung quanh cuộc đời anh, chuyện lớn, chuyện nhỏ, chuyện vui, chuyện buồn, quanh quẩn trong một cái làng. Nó đeo đẳng anh mấy mươi năm. Và bây giờ anh mang ra kể lại bằng những câu thơ mộc mạc và chân tình, nó thật thà đến độ làm người đọc thấy được cả ruột gan người viết, và bất kỳ ai đọc cũng sẽ thấy một phần đời mình trong đó. Nó buộc ta phải nhớ, phải lần mò đi tìm tuổi thơ, tìm mình…
Nó có thể giống với chuyện của bất kỳ ai đó và cũng có thể “không giống ai”! Nó cũng có cây đa, giếng nước, có con đò, có dòng sông hiền hòa, có những căn nhà mái lá, dưới đám mây chiều lơ lững ở trên cao, có những cánh cò trắng và đồng lúa ngút ngàn… Thôi thì hãy cứ theo Trần Bảo Định về quê anh trước đã:
làng tôi có rạch Bà Tàu
có cầu Bà Lý, có ao Cây Bần
cầu Ông Tường đến Xóm Mâm
cống Ông Tổng chặn đường thăm Bà Sòm
Vĩnh Bình, Hòa Ngãi lúa thơm
nếp than An Thuận dẻo hơn Vĩnh Hòa…( LÀNG TÔI)
Và:
đàn cò xoải cánh nghiêng trời
bay về tổ ấm trước thời hoàng hôn
côn trùng rỉ rả cô thôn
nhạc đồng quê trổi khúc buồn làng tôi…(CÁNH CÒ CHIỀU)
Làng quê đó là của một thời đã xa, của những tháng năm còn yên ả. Trong khi ở thành thị, tuổi thơ luôn phải thiệt thòi trong cái chật chội, xô bồ và ngột ngạt của những căn nhà san sát nhau. Tôi cũng chơi u, tạt lon, đá dế, đá banh… như mọi đứa trẻ thời bấy giờ. Nhưng cái thú thả diều thì phải lựa những buổi chiều gió lộng, và thường thì chuyến bay của con diều kết thúc bằng cách treo lơ lững trên những đường dây điện giăng chằng chịt, hay đáp xuống nằm yên trên một mái nhà nào đó, đâu thơ mộng và tình tứ như con diều của Trần Bảo Định:
Thả dây diều lướt gió tung
Thả tà áo rớt tuyệt cùng em yêu
Không gian giãy giụa nắng chiều
Thời gian thổn thức môi thều thào hôn ( CÁNH DIỀU )
Rồi hình dung buổi tối sáng trăng, được ngồi ở cái vuông đất trước nhà Trần Bảo Định, thở cái không khí thơm mùi rơm rạ, tiếng ếch nhái kêu vang trên đồng, nhấp một ngụm trà rồi nghe anh kể “chuyện xưa tích cũ”, chuyện cậu bé Trần Bảo Định bị “nhát ma” khi rình mò chuyện… “người lớn” như thế nào:
Nơi ông ở cách nhà tôi
Một con rạch nhỏ, một doi đất biền
Những hình nộm đứng đuổi chim
Ông hù dọa bảo ma đêm hiện hình
Tuổi thơ khờ khạo cả tin
Vắt giò lên cổ chạy thình thịch sau
Gió xào xạc mấy buồng cau
Nhịp tim đập loạn cào cào trong tôi
Nhưng bất ngờ và thú vị hơn khi nghe kể tiếp:
Lớn lên thấu cảm chuyện đời
Nhát ma là cớ ngăn tôi tò mò
Ông thường lui tới cái gò
Lần hồi tôi phát hiện mồ sống ông
Ngách hầm trổ miệng ra sông
Để khi biến động ông dông lẹ làng
Dân thương che giấu cưu mang
Pháp ruồng bố hỏi Tám Hoàng Hiển đâu…(NHỚ ÔNG TÁM HOÀNG HIỂN)
Thì ra là vậy, cũng không phải một, mà là rất…rất nhiều chuyện, anh như là một “chứng nhân” nhìn những thay đổi của làng quê theo từng tuổi tác của mình. Không biết nhờ Trần Bảo Định có một trí nhớ tốt, hay tại cái tình quê nó ăn sâu vào tâm hồn anh, mà hầu như chuyện gì anh cũng nhớ, như chuyện chợ hoa Xuân ở miền quê của anh mỗi dịp Tết về, chuyện cô gái bán hoa gặp tình cờ ở chợ cũng làm anh “cảm” được:
Lo toan nhiều nỗi khó khan
Bán hoa Xuân chợ cuối năm quê nhà
Người vui áo lụa quần là
Em ngồi bó gối áo bà ba đen
…………………………
Chợ hoa Tết ế lạ lùng
Em về cố xứ quảy cùng cực theo ( CUỐI CHỢ HOA XUÂN )
Luôn là thế. “Làng quê” Trần Bảo Định dính chặt với những con người, những sinh hoạt “quê mùa” đầy ắp tình người, nó “rất riêng” mà cũng…”rất chung”, nó “xưa” mà không “xa”, có ai ở quê mà không có lần háo hức mỗi khi có gánh hát về, và tiếng lòng của Trần Bảo Định cũng đi theo từng câu thơ:
trống đình làng thúc bách tôi
băng đồng lội ruộng về coi hát chầu
cằn nhằn em bước theo sau
lầm bầm em hỏi sao lâu tới đình?( TIẾNG TRỐNG ĐÌNH)
Không thể cho là Trần Bảo Định “dễ dãi” khi viết, dù rất khó tìm được những vần thơ bay bỗng, hay những ngôn từ mỹ miều, trau chuốt trong thơ, phần lớn những câu chữ anh dùng là tiếng địa phương Nam Bộ. Anh viết như nói, nó cứ tuôn một mạch theo cái dòng chảy của trí nhớ. Những câu thơ như mang chính hơi thở của nơi sinh ra nó. Nó chân chất như âm thanh ngâm nga của một lão nông lúc nghỉ tay bên bờ ruộng. Những “thúc bách, cằn nhằn, lầm bầm, tối hung, cù bất cù bơ, chổng mông…v/v… Nhiều, nhiều lắm, nó tự nhiên tràn ra, tự nhiên đi vào thơ thản nhiên như nói, nó có thể không… “sang” như người ta thường đòi hỏi trong thơ, nhưng nó tha thiết và “dễ mến”, nó làm nên những câu thơ bình dị. Bình dị chứ không bình dân. Nó làm thành một thứ rất “có duyên” cho thơ Trần Bảo Định. Thiếu nó thơ như con sông thiếu những câu hò mái đẩy đêm trăng:
Bàn tay chai sạm cam lòng
Em hò cố níu ngược dòng thời gian ( ĐÊM TRĂNG NGHE TIẾNG EM HÒ)
Thời gian đã đi qua, làm sao níu? Nhưng nó vẫn ở trong người Trần Bảo Định mà ru theo từng nhịp điệu:
chiều treo sợi khói ngọn cây
mẹ và em đốt đồng cay mắt cùng
hoàng hôn trời tối đã hung
lửa theo gió chạy cháy hừng hực lên…( ĐỐT ĐỒNG)
Đốt đồng là chuyện nhà nông. Là để chuẩn bị cho một một mùa lúa mới. Chỉ có ai từng ở nhà quê mới biết. Nó là một phần của cuộc sống nông thôn, Trần Bảo Định mang nó vào thơ bằng một thứ tình cảm nhẹ như hơi thở của người tình:
mùi rơm rạ thở hơi quen
nửa đêm thức giấc ngỡ em bên mình
hạt thương rụng xuống tượng hình
cây tương tư nở hoa tình tương tư …( ĐỐT ĐỒNG)
Có những thứ không thể cũ, không bao giờ cũ như chuyện tình yêu chẳng hạn. Tình yêu của Trần Bảo Định với cô thôn nữ ngày nào cũng được anh kể mộc mạc trong từng câu chữ:
ánh trăng soi bóng tụi mình
bóng em đè bóng lên hình bóng tôi
nụ hôn vừa chạm làn môi
thì làng quê đã bom rơi, đạn cày ( TIẾNG TRỐNG ĐÌNH)
Chiến tranh lan rộng. Ban đêm ở thành phố, đã nghe âm thanh của tiếng súng nhiều và gần hơn, ánh sáng của hỏa châu che khuất ánh trăng nhiều hơn. Ai cũng đã có những cuộc chia tay vội vã. Những tiễn đưa và chờ đợi nhiều nước mắt. Có chiến tranh là có mất mát. Không có mất mát nào giống mất mất nào ngoại trừ chúng có chung một nỗi đau. Bạn bè mỗi đứa một hướng đời. Lần lượt thưa thớt dần. Trần Bảo Định cũng không thoát được cái nghiệt ngã đó:
đêm chia tay bạn cùng làng
bốn thằng uống hết một can rượu buồn
mặt nhìn mặt rõ cùng hơn
để quên thù hận và hờn oán nhau
nỗi đau ngày một ngấm sâu
quê hương tôi khóc dưới bầu trời xanh
than ôi, từ độ sông Gianh
cắt đôi đất nước phân tranh tương tàn ( ĐÊM CHIA TAY BẠN CÙNG LÀNG)
Rồi khi hết chiến tranh, niềm vui lại hòa lẫn với nỗi buồn, Chồng chất hơn. Và nỗi đau bấy giờ mới thấm! Cái nỗi đau mà trong bom rơi, đạn lạc, người ta ít có đủ thời gian gặm nhấm, giờ thì nó lại ùa về…” Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!(Thâm Tâm)”. Những đứa con vĩnh viễn không còn về với mẹ, với làng quê:
Nắm xương tàn gửi sơn khê
Gửi nơi tù ngục lời thề nước non
Và ngay cả khi:
Anh về trên chiếc xe lăn
Ghé thăm mộ gió những thằng bạn xưa
Nghe hai tiếng “mộ gió” mà xót xa. Thứ mộ không có hài cốt bên trong, thứ mộ hẩm hiu chỉ có ở những nơi chiến tranh đi qua, nó luôn để lại trong lòng người những ngậm ngùi không nói được. Cái đau chờ đợi giờ thay bằng cái đau ngóng tìm:
Còn bao nhiêu bạn bè anh
Vẫn nằm rải rác rừng xanh chưa về ( NGƯỜI CHIẾN BINH TRỞ VỀ)
Có lần tôi nhìn bạn tôi rồi hỏi: “Sao về chiều người người ta hay nhớ, hay thích nhìn về ngày cũ?” Hắn nói: “ Già rồi, phía trước tối thui, có gì vui đâu!” Tôi cười nhạo hắn bi quan, chừng nhìn lại sao thấy mình cũng không khác gì hắn mấy, khi đọc những dòng tâm sự này của Trần Bảo Định:
tuổi cao thích kể chuyện xưa
từng chi tiết kể như chưa kể từng
dù rằng chân yếu tay run
không quên năm tháng đau cùng cực đau
tuổi cao thích kể chuyện đời
những gì từng xảy ở thời mộng mơ
răng long tóc bạc mắt mờ
ngẫm mình vô tích sự chờ giờ đi
tuổi cao thích kể…thồi thì! ( PHÚT TÂM TÌNH )
Mà chẳng thà cứ để rong chơi trong miền tâm tưởng, còn hơn phải đối diện với:
tôi về gõ cửa nhà em
nắng xuân nhảy múa trên thềm rêu xưa
trẻ con rượt đuổi nô đùa
khách ơi, cô đã lên chùa nhiều năm! ( THĂM EM )
Câu chuyện buồn được kể nhẹ nhàng, nhưng đọc vẫn như có gì đó nén ở trong lòng! Gấp tập thơ lại, tự nhiên tôi ích kỷ muốn giữ miền quê trong ký ức đó lại cho riêng mình, muốn nó vẫn đơn sơ mà đáng yêu như thuỡ nào dù biết đó là điều không tưởng, để khỏi phải nhìn thấy sự thay đổi theo thời gian tất nhiên phải có:
máy cày thay thế con trâu
máy bom nước thế tát gàu dai xưa
không còn gieo giống trục bừa
không còn cấy lúa sớm trưa trên đồng
để rồi:
thuốc trừ sâu rải khắp nơi
chất tinh khiết đã ngày vơi một nhiều
văn minh hiện đại bao nhiêu
lòng người cũng giảm bấy nhiêu thật thà ( ĐẾN BAO GIỜ?)
Ai đó nói: “thơ là để cảm, để rung động chứ không phải để mổ xẻ hay phân tích…”
Nghe cũng có lý. Mà tại sao không kìa! Nó chẳng phải đang làm cho ta nhẹ lòng đó sao?… Tập thơ còn dài, còn rất nhiều chuyện không thể đọc hết trong một lần, nó có quá nhiều thứ trong đó làm ta nghẹn… Thôi thì để dành lại đó, hãy để dành cho bạn bè khi đọc “Làng quê” của Trần Bảo Định cũng có được cái không gian hồi tưởng của riêng mình, khi bên ngoài “ chiều treo sợi khói ngọn cây” mà say với cái tình của Trần Bảo Định:
Ta say, chiều sụt sùi mưa
Chiều say, ta khóc khi vừa chạm môi
Mà đời thì chỉ thế thôi
Có chi vĩnh cửu em đòi ngừng say? ( CHIỀU SAY)
Ta say, chiều sụt sùi mưa
Chiều say, ta khóc khi vừa chạm môi
Mà đời thì chỉ thế thôi
Có chi vĩnh cửu em đòi ngừng say? ( CHIỀU SAY)
Chắc chắn là như vậy…
Sài Gòn tối 27/10/2014.
Ngô Đình Hải
Anh Ngô Đình Hải bình thơ chú Trần Bảo Định, em đọc rất thích.
Chúc anh vui.
Chúc chú Định khỏe.
Một cảm giác bùi ngùi tràn ngập tâm hồn khi đọc bài này.
Cảm ơn Nguyễn Trọng Thi đã đọc. Rất vui và mong được gặp bạn ở những bài viết khác. Thân ái.
Chào đồng hương,
Hết thơ tay mặt, văn tay trái, bây giờ đồng hương chuyển sang bình thơ nữa đó sao? Bằng tay nào vậy? Đồng hương dành hết việc của bạn bè rồi.
Bao nhiêu cái TÔI của Trần đại huynh ra đời đã đem cho người đọc nhiều cảm xúc bởi những vầng thơ giản dị đầy tình người. Qua lời bình của đồng hương Bếp cảm nhận ra rằng Làng Tôi của anh Định dườnh như cũng là Làng của Chúng Ta vì nó làm Bếp nhớ lại những ngày xa xưa lúc còn gậm mía, nhấm cóc chấm muối ớt tung tăng đến trường.
Bếp mừng Trần đại huynh “ nội lực “vẫn còn thâm hậu để tiếp tục thai nghén cho ra đời liền tù tì những đúa con mang họ “Tôi” “kháu khỉnh”, mừng Ngô đồng hương bỗng chốc trở thành “bà mụ” mát tay.
Chúc Làng Tôi được mọi người yêu mến, đón chào.
Chào đồng hương. Mừng vì chị vẫn khỏe và còn viết đều. Thế là đủ vui rồi. Thắc mắc của đồng hương làm tôi nhớ tới hồi còn học Trung học, lúc ở nhóm thơ Hồn Trẻ với Bùi Chí Vinh, tôi cũng “còng lưng”, “nặn óc” cả năm trời, làm mấy chục bài thơ tình gửi đăng báo, tốn biết bao nhiêu là tiền mua “cò” để dán, rốt cuộc được đăng một…truyện ngắn! Hihihihi. Chúc đồng hương vui.
Theo tôi, thơ Ngô Đình Hải thiên về duy lý nhiều hơn duy cảm. Vì thế, có lẽ người đọc thơ giảm phần rung cảm. Ngược lại, Ngô Đình Hải rất có duyên khi bình thơ. Anh mạnh dạn làm nhà phê bình văn học xem sao?
”Chiều treo sợi khói ngọn cây” chỉ một câu thơ thôi, cũng vẽ ra được một miền quê làng mạc. Và, Ngô Đình Hải đã nâng ”cái thần khí” Làng tôi làm ấm lòng người .
HƯƠNG CÀ MAU nói đúng. Tôi nghĩ rằng Anh Trần Bảo Định khi viết về “Làng tôi” đã đứng ở… giữa đồng mà viết nên cái cảm xúc mới còn được nguyên vẹn trong từng câu thơ như vậy, Tôi cũng cảm ơn HƯƠNG CÀ MAU đã nhận xét và góp ý chân tình. Tôi rất vui và đón nhận, chỉ có điều, nói thật lòng cho đến giờ phút này, sau từng ấy năm viết lách tôi vẫn không mong mình trở thành…”nhà” gì hết! Chỉ cầu tôi còn viết được, còn được chia sẻ, tâm sự với bạn bè bằng vài câu chữ là đủ vui rồi. Cảm ơn HƯƠNG CÀ MAU lần nữa. Chúc bạn vui.
Nhà thơ viết phê bình cũng hay.
Cảm ơn Đào Trí nhiều lắm. Thú thật tôi vẫn mê được… làm thơ hơn!…Chúc bạn vui
Tinh hoa phát tiết ra ngoài….
Khâm phục chú Định thật lòng.
Tôi “bật mí” một chút với Chút Chít cho vui để chia sẻ, anh Định đang viết rất khỏe, hy vọng chúng ta sẽ được đọc tiếp tập thơ thứ 7,8, 9… và nhiều hơn nữa của anh. Cảm ơn bạn
Làng quê trong kí ức thật đẹp.
Đúng! Chỉ có trong ký ức nó mới thật đẹp và luôn thuộc về bạn! Chính vì vậy tôi thích những câu thơ… “nhà quê” nhưng rất “đẹp” như thế này:
“Chợ hoa Tết ế lạ lùng
Em về cố xứ quảy cùng cực theo “… Cảm ơn Nguyễn Trọng. Chúc bạn vui.
Cảm động khi đọc thơ anh,anh TBD ơi !
Tôi nghĩ là anh TBĐịnh cũng rất cảm động khi đọc được lời “còm” của MVan. Cảm ơn bạn.
Tên của bài phê bình cũng rất khéo chọn. Hay !
” chiều treo sợi khói ngọn cây”… Câu thơ đó. Hình tượng đó đẹp và thơ mộng quá phải không T&T. Cảm ơn bạn.
Đọc bài cảm nhận của Ngô Đình Hải, thấy được ” quê tôi” của anh TBĐ. Nhưng quê đây không chí có lũy tre,sông rạch, rượu nếp than…mà là kỷ niệm mang theo những ngày xa xứ. Đọc, xong bỗng nhớ đến hai câu của Yến Lan mà mình thường ngâm nga trong những tháng ngày lưu lạc :
Chiều nay…mở cửa ra trông
Thấy làng đâu…chỉ thấy lòng mà thôi..
Cảm ơn NDH và chúc mừng một trong nhiều đứa con của anh Trần Bảo Định vừa được khai sinh
Chào anh Trương Văn Dân. Anh chị khỏe không? Lâu quá không có dịp ngồi cà phê bờ kè tán gẫu với anh em nhớ quá Trời! Hôm nào a lô nha anh. Chúc anh chị vui.
Thơ hay mà bình cũng hay.
Tôi cảm ơn Vũng Chua. Tôi vui vì có người bạn đọc luôn có mặt trên từng cây số “tiếp sức” cho những bài viết của mình. Chúc vui
Chúc mừng Trần Bảo Định ra mắt đứa con tinh thần. Con tinh thần càng nhiều càng được hoan nghênh, không cần phải hạn chế.
Bài cảm nhận tập thơ Làng Tôi, khá bao quát và chân tình, Ngô đình Hải viết thỏa đáng và hay. T T T
Tôi cảm ơn lời khen tặng của nhà thơ Triệu Từ Truyền, điều này khích lệ cho người viết rất nhiều. Chúc anh luôn vui, khỏe.
Mot hien tuong doc dao. Cam on anh Ngo Dinh Hai da gioi thieu
Tôi cảm ơn Bic đã đọc mới phải. Chúc vui
Anh NDH viết phê bình cũng “nét” lắm
Hơ! hơ! Vậy sao Kim? Bạn làm tôi mừng quá! Chắc chiều nay tôi phải tự thưởng cho mình một ly vậy. Cảm ơn Kim nhiều.
-Chúc mừng thi phẩm mới – thứ 6 của anh Trần Bảo Định, “Làng tôi”- như đang chạy nước rút đua với thời gian “teo tóp” của anh, là “hơi thở” sống còn, là liệu pháp để anh cầm cự, vững tay chèo vượt sóng…” cơn bịnh” cuồng phong, bằng lời thơ mộc mạc, chân tình, sâu lắng, đầy nổi buồn trăn trở, nhưng cũng rất cởi mở, bày tỏ lòng mình về con người, về quê hương, về chiến tranh và tình yêu thương.trước cuộc đời lắm nổi nghiệt ngã:
“đêm chia tay bạn cùng làng
bốn thằng uống hết một can rượu buồn
mặt nhìn mặt rõ cùng hơn
để quên thù hận và hờn oán nhau…”
(Làng tôi/”Đêm chia tay bạn cùng làng”/TBĐ)
“Ta say, chiều sụt sùi mưa
Chiều say, ta khóc khi vừa chạm môi
Mà đời thì chỉ thế thôi
Có chi vĩnh cửu em đòi ngừng say?”
(Làng tôi/”Chiều say”/TBĐ)
-Cảm ơn anh Ngô Đình Hải đã giới thiệu “Làng tôi”, bằng lối viết đầy cảm xúc, cô đọng sắc nét tâm trạng “vui-buồn” qua cái tôi đọng trong Tập thơ. Có lẽ, “Tôi” này, hay “Tôi” trong (Mẹ tôi-Thầy tôi-Vợ tôi) trước đó của nhà thơ Trần Bảo Định, không còn là cái”Tôi” riêng của Tác giả nữa, mà đã hoà tan thành cái “Tôi”.chung.. đại ngã đầy tính nhân bản!
Chào ông Phó! Đi đâu vắng mấy bữa nay giờ mới thấy ra “trình diện” ha? Cà phê chứ?
Dạ, lo đám tang ông anh vợ em, bị té cầu thang xuất huyết não qua đời tuần trước, nên mấy ngày nay em bận bù đầu anh Hải ơi!
-Đọc thấm lắm, có phải “bài viết” hôm trước lõ… cà phê Nguyễn không anh?(cừ)
Thơ hay mà giới thiệu cũng hay
Ôi! lâu quá mới được gặp lại BNgan! Cảm ơn bạn.
Một bài viết rất khác ”cá tính Ngô Đình Hải” nhưng hay và rất tình nghĩa
với ”Làng tôi”, thôi thúc người đọc tìm đọc thi phẩm.
Tôi thích lối bình thơ của anh.
Tôi cảm ơn và rất vui khi đọc “còm” của lùa vịt. Chúc bạn vui, khỏe.
Khi nhận được bản thảo tập thơ Làng Tôi, Đồng Hoang đã đọc chầm chậm
từ trang đầu tới trang cuối một lần và thỉnh thoảng đọc lại từng đoạn, từng trang
để cảm nhận và chia sẻ những nỗi niềm anh Trần Bảo Định muốn gởi lại
qua những câu thơ mộc mạc, chân tình mà “có duyên” như Ngô Đình Hải nói…
Chúc anh Trần Bảo Định và Ngô Đình Hải vui khỏe,bình an.
Cảm ơn huynh Nguyễn Đồng Hoang. Có dịp anh em phải gặp nhau làm vài ly nghen. Chúc huynh vui.
Suc lam viec cua anh Tran Bao Dinh that kinh khung
Chuc mung anh
Anh Đào ơi! Anh Định chống chọi với với từng cơn đau mỗi ngày mà vẫn viết…Cảm ơn bạn
Giờ thì tôi thấu hiểu, nhà thơ Trần Bảo Định viết những gì xảy ra xung
quanh mình sống, rất đơn giản, thường ngày và rất thật. Lời lẽ bình dị
không trau chuốt, cầu kỳ…đi vào lòng người đọc nhẹ nhàng và ai cũng
thấy có mính trong ấy, đúng với nhận định của Ngô Đình Hải
Nói thế, không có nghĩa nhà thơ thiếu vắng những câu thơ rất thơ:
”Chiều treo sợi khói ngọn cây..”
Ngô Đình Hải đã đưa người đọc đến với thơ Trần Bảo Định bằng sự
rung động chân thực, đẹp và hay hơn. Đặc biệt, ”cái tôi” của nhà thơ
thật ”độc đáo”, chưa ai dám mở đường đi.
Cảm ơn lê thị định tường đã có những cảm nhận rất chân tình. Đúng là một câu thơ rất thơ “”Chiều treo sợi khói ngọn cây..”. Chúc vui
Chưa có tập “Làng tôi” trong tay, nhưng qua những gì nhà văn Ngô Đình Hải giới thiệu, tôi cũng đã phần nào hình dung ra thơ Trần Bảo Định – một dòng thơ chân tình, nghĩa tình, “bình dị nhưng không bình dân” và lần này nhà thơ đã viết về quê mình như đã từng viết về “Vợ tôi”, “Thầy tôi”… Xin chúc mừng “đứa con tinh thần” mới của nhà thơ…
Cảm ơn lời chúc của nhà thơ nguyenhaithao. Chúc anh vui.
Sáng tác không ngừng nghĩ. Kính phục
Tôi cũng nghĩ anh Trần Bảo Định đúng là như vậy. Cảm ơn Mua Ha.
Những lời thơ và lời bình thật hay. MMT sẽ tìm đọc.
Kính chúc hai huynh an vui luôn!
Cảm ơn những lời chân tình của Mộc Miên Thảo. Chúc bạn…có được tập thơ!… Vui nhiều nha.
Tho that DEP..! Binh that HAY..! RB xin thanh that chu’c mung 2 quynh TBD va NDH. “Chieu treo soi kho’i ngon cay” cung nhung van/bai tho duoc tri’ch o day du cho tha’y Tap tho LANG TOI hay va dep… de’n ngan nao! Than chu’c 2 quynh luon vui khoe yeu doi va yeu nguoi… (Doc bai vie’t ve Lang Toi lam cho RB nho’ Hon Da’t qua’ anh Hai oi, hihi. Cho RB goi loi tham tat ca cung nhu xin muon “Chieu Say” de goi den quy’ ace than huu XN loi chao than a’i nhat.)
Chieu ve xe ket freeway
‘Toi ngoi toi nho thuong lang que toi’
Vui……. Xin cam on va than chao!
Chào Rong Bien, lâu mới thấy lại huynh ở đây. Nhớ liên lạc với Sáu Nẫu để kiếm một cuốn Làng Tôi về đọc nha. Chúc huynh vui.
Mừng Trần huynh vừa ”khai hoa nở nhụy” tập thơ ”Làng tôi”.
Cảm ơn Ngô Đình Hải kịp thời điểm và bình thơ ”Làng tôi”, thôi thúc tôi
gấp rút tìm đọc.
Chào lão huynh. Tìm đọc mau mau kẻo…hết! hihihi. Cảm ơn huynh.
Những thi phẩm: Mẹ tôi, Thầy tôi, Vợ tôi… bây giờ Làng tôi, ngần ấy thi phẩm
đã cho ta xác tín rằng, Trần Bảo Định – nhà thơ hội đủ Thần, Khí, Thể, Cách
theo quan niệm của cụ Nguyễn Tư Giản.
Anh có một nội lưc phi thường, vượt qua ”bạo bệnh” để đến với thi ca.
Chúc mừng anh – người bạn học của tôi.
Và, Ngô Đình Hải đã ”chạy” tiếp sức cùng anh trên đường chạy ”Làng tôi”.
thật đẹp, thật trìu mến.
Chào anh Phan Long Côn . Đúng như anh nói anh Trần Bảo Định “có một nội lưc phi thường, vượt qua ”bạo bệnh” để đến với thi ca”. Cảm ơn anh đã đọc. Thân kính.
Chúc mừng anh TBD với tập thơ mới
Cảm ơn Huỳnh Hùng, chắc là anh Trần Bảo Định sẽ tâm sự thêm với ace xunau về tập thơ “Làng tôi”. Tôi cũng như Huỳnh Hùng cũng xin được chúc mừng anh.
Viết hay
Tôi cảm ơn Diệu Thu đã đọc. Chúc vui.