Nguyễn Huỳnh
Tôi yên vị trên xe, lèn chặt bên tôi là một bà buôn chuyến to ngang phốp pháp chứ không phải Nguyễn Xuân Phùng. Tôi không hiểu vì sao tôi và Phùng chen chân mua vé ở bến xe miền Đông, đứa trước đứa sau thì khi cầm được tấm vé mỏng tang vàng xỉn thì tôi đi chuyến xe số 6 còn Phùng chuyến số 5. Phùng lo lắng : “ Như thế này thì làm sao trời, còn đúng 20 đồng!”. Tôi bảo : “ Chia ra đi.”. Vậy là chúng tôi chia đều ra mỗi đứa 10 đồng.
Trước khi tôi đi thi đại học, anh tôi cằn nhằn : “ Mày thi đâu không thi, vào tận Sài Gòn. Mày chưa ra khỏi cái huyện Sông Cầu này, phía bắc chưa bao giờ bước tới đỉnh Cù Mông, phía nam chưa qua khỏi dốc Găng. Vào Sài Gòn lớ ngớ không xe tông thì cũng lạc đường.” Tôi nói : “ Em có thằng Phùng dẫn đi.” Anh tôi :” Không cộng không bằng mấy?” Tôi bảo: “ Nó có ông chú ở Nhà Bè và nó có địa chỉ”. Anh tôi dịu giọng: “ Anh nghe nói nó không thi đại học, ở nhà làm muối mà?”. Tôi không trả lời. Anh móc ra mấy đồng đưa cho tôi bảo : “ Tao chỉ có từng này, đủ mua vé vào Sài Gòn”. Xong anh kéo dưới gầm giường một cái khay to đựng toàn sơn, anh trao cho tôi bốn tuýp sơn dầu bằng ngón chân cái mới nguyên và bảo : “ Đây là tiền về, đủ cho hai đứa. Khi nào thi xong hỏi thăm người ta tìm đến đường Nguyễn Huệ quận 1 bán cho những người mua hàng vặt. Tao vẫn thường làm như vậy khi còn học trong đó.”
Trước anh tôi học Mỹ thuật ở Tp HCM. Ngày đó cha mẹ tôi còn sống, làm ăn khá giả nên lo cho anh học hành tới nơi tới chốn. Tới tôi thì cha mẹ mất, vậy là trời phán cho tôi một câu: Hãy tự sinh, tự diệt! Nếu không có Xuân Phùng thì chắc chắn tôi không thể nào thi đại học được.
Một chiều khi tôi đang ngồi trầm ngâm ở Gành Rau, trước mặt tôi là đầm Cù Mông đang tối dần như tâm trạng của tôi đang dần tối khi mà giấy báo thi đã cầm trong tay nhưng tôi không làm cách nào đi được. Vậy là những đêm, bên ngọn đèn dầu Bịch nhỉ, dưới gốc xoài tỏa tán âm u sau nhà, một thằng người đơn độc dùi mài kinh sử khi ngoài kia, trên Uỷ ban xã đang chiếu phim di động, đang lô tô xổ số hay ít ra bạn cùng trang lứa đang quây quần hát ca inh ỏi, với tôi, trở thành công cốc ư?
Bạn tôi tới ngồi bên tôi, Phùng im lặng và tôi cũng thế. Buồn rầu nhưng tin tưởng. Sau Phùng nói : “ Hay là tao dẫn mày đi?” Tôi ngước nhìn nó. Nó bảo : “ Tao có ông chú ruột ở Nhà bè, tao có địa chỉ. Mày khỏi lo nơi ở và ăn uống”.
Vậy là chúng tôi đi. Trên chuyến xe xuất phát từ Qui Nhơn, Xuân Phùng từ lúc lên xe cho tới khi kết thúc cuộc hành trình nó ngủ lăn lóc như một củ khoai lang lạc loài , còn tôi hồi hộp và khấp khởi cho một chuyến đi xa. Trong suốt hai đêm một ngày, những miền đất xa lạ đã cuốn hút tôi với bao mơ ước cho một tương lai sắp tới. Tôi rất ấn tượng về mạng lưới điện cao thế chạy dọc dài theo quốc lộ, tôi chiêm nghiệm cách mắc hình sao, hình tam giác trên những quảng đường một cách thích thú, đơn giản là tôi học môn vật lý nhưng tới khi thi đại học vẫn chưa từng được thấy cái bóng đèn điện nó ra làm sao !.
Cuối cùng chúng tôi vẫn tìm ra được nhà chú của Phùng. Đó là một căn nhà gỗ, mái lợp bằng những tàu dừa nước. Ngôi nhà ẩn mình sau vô vàn tán lá của những loại cây ăn quả, phía trước là một vuông ao nuôi toàn cá tai tượng. Một cây cầu cũng làm bằng gỗ, soi mình trên mặt ao phẳng lặng. Thanh bình và trong vắt. Chúng tôi tìm tới thì hoàng hôn đã xuống. Khi tôi bước lên cầu bổng rợn người vì một giọng hát vút cao trong tiếng giuta trầm ấm. « Chiều nay hát cho xanh câu yêu đời, cho người tôi mãi … ». Trước mắt tôi, trên khoảng sân trước nhà, bóng một cô gái mặc bộ đồ màu trắng, xõa mái đen bóng trên thân đàn say sưa hát bài Serenat của Schubert . Phùng nói với tôi : « Con Phương ». Rồi quay lại định cất tiếng gọi, tôi kịp kéo Phùng ngồi xuống. Cô gái vẫn hát, giọng nhỏ nhưng cao. Đôi lúc nàng ngẩng mặt lên, trong ánh điện mờ nhạt dưới hiên nhà, tôi thấy một khuôn mặt trắng bợt bạc, yếu đuối đến ma mị.
Phương lớn hơn tôi 3 tuổi, thi rớt đại học thì ở nhà. Phương gọi Xuân Phùng bằng anh theo vai vế, còn tôi thì gọi tên xưng chị. Ngày thi Phùng chở tôi bằng xe đạp trên suốt quãng đường từ Nhà Bè tới quận 3 gần 20 cây số. Buổi trưa khi thi xong môn đầu tiên, tôi và Phùng ngồi dưới gốc cây gần địa điểm thi, ăn bữa cơm trưa trong hai cái cà mèn bằng sắt dùng trong quân đội mà Phương đã cẩn thận chuẩn bị từ sáng sớm, Phương bảo cà mèn có miếng sườn chính tay nàng nướng là của tôi. Chúng tôi vật vạ bên gốc cây chờ tới giờ thi tiếp buổi chiều. Trong buổi trưa nắng như đổ lửa, trong cái không khí ồn ả người xe nờm nợp, Phùng luôn miệng văng tục về cái sự bất công, mắt luôn lườm nguýt những thí sinh được cha mẹ ân cần đưa rước tận nơi, và ái ngại khi quay lại nhìn vào mắt tôi. Riêng tôi trong buổi trưa hè đó, tôi không thấy dòng người đang cuồn cuộn ngược xuôi trước mắt tôi, không nghe cái âm thanh ồn ào hỗn độn của một phố xá đông đúc nơi Sài Thành, tôi nhìn chăm chú vào một cây phượng già sót lại bên lề đường gắng trổ những bông hoa phủ đầy bụi, ký ức vụt qua nhanh trong tôi như ánh chớp nhưng rõ ràng từng chi tiết : Ngôi làng nhỏ bên đầm Cù Mông, dưới tán cây xoài âm u, tập sách tihch1 phân dày cộp của Liên xô, chuyến hành trình xa nhà lần đầu tiên, miếng sườn nướng và Phương, gợi cho tôi một nỗi buồn len lén cùng một niềm tự hào cũng dâng lên từ đó.
Phương hỏi, tôi trả lời : « Cũng được chị. Toán, lý làm tốt, chỉ sợ môn hóa… » Phương nói, ánh mắt xa xăm, da mặt trắng hơn cà dường như trở nên trong suốt : « Nếu đậu thì vào đây ở… » Mắt Phương trở nên đen và nhấp nháy. Tôi khẽ khàng gật đầu và đọc tiếp quyển truyện Bức họa Maja Khỏa Thân trong tủ sách nhà Phương, nàng cũng cuối xuống quyển sách trên tay. Bổng nhiên Phương rùng mình chạy tới bên tôi, nàng gấp lại cho tôi thấy tựa đề quyển sách « Những vì sao » của nhà văn Pháp An phông Đô Đê, vội vàng lật lại chỉ cho tôi một đoạn văn, tôi đọc, cảm giác Phương đang run rẩy bên tôi : « Và trong khi tôi đang cố giải thích cho nàng thế nào là những hôn lễ của các vì sao, thì tôi cảm thấy như có vật gì tươi mát và mịn màng đè nhẹ lên vai tôi. Thì ra đầu nàng, nặng trĩu vì buồn ngủ, đã tựa vào vai tôi với tiếng sột soạt êm ái của những dải đăng ten và mái tóc gợn sóng của nàng. Nàng ngồi yên không nhúc nhích, đầu tựa vào vai tôi như thế cho đến khi những vì sao bắt đầu lu mờ dần và nhoà đi trong những tia sáng đầu tiên của buổi ban mai. Còn tôi, tôi nhìn nàng ngủ, trong đáy lòng hơi xao xuyến một chút, nhưng vẫn giữ được sự thanh khiết của tâm hồn vì đêm sao sáng như thế kia bao giờ cũng đem lại cho tôi những ý nghĩ cao đẹp. Chung quanh chúng tôi, ngàn sao vẫn tiếp tục cuộc hành trình thầm lặng, ngoan ngoãn như một đàn cừu vĩ đại, và đôi lúc tôi có cảm tưởng như một trong những ngôi sao kia, ngôi sao thanh tú nhất, sáng ngời nhất, vì lạc mất đường đã đến tựa đầu vào vai tôi và ngủ giấc yên lành...”
Ngày mai chúng tôi về. Chiều hôm đó Phương mời tôi và Phùng xem phim. Chúng tôi đi vào trung tâm thành phố, cũng bằng đoạn đường Phùng chở tôi đi thi. Tôi chở Phương. Nàng nhỏ nhắn hun hút phía sau, chỉ có ngọn gió xuôi chiều làm vạt áo Phương lòa xòa bên tôi. Phương im lặng và tôi cũng thế. Xuân Phùng đạp xe phăm phăm về phía trước, thỉnh thoảng nó nhăn nhó đứng chờ. Hôm đó rạp chiếu bộ phim mà tôi còn nhớ mãi : Em không thể nói lời từ biệt, một bộ phim tình cảm thời Liên Xô, nói về một đôi vợ chồng ,vì người chồng bị căn bệnh có từ hồi chiến tranh , nên muốn cô vợ ly dị để kiếm hạnh phúc mới, nhưng người vợ vẫn một mức thủy chung. Tới đoạn người chồng cầm ly thuốc độc định uống thì người vợ bắt gặp, không giằng lấy, hô hoán, người vợ chỉ khẽ bào « Anh hãy uống một nữa, hãy để em một nữa ». Tôi bỗng nắm lấy bàn tay Phương, nàng run rẫy trong tay tôi.
Tối hôm đó Phương hát bài Serenat của Schubert dường như trong thổn thức. Tôi gỡ lấy cây đàn trong tay Phương vì sợ Phương khóc thật. Và tôi đàn, Phương như bừng tỉnh và ngây ngất . Tôi đàn tới bản Larima ( Giọt Lệ) và nàng đã khóc. Phương bảo : Nghe sao rưng rức… !
Và chúng tôi về. Tôi yên vị trên xe, lèn chặt bên tôi là một bà buôn chuyến to ngang phốp pháp chứ không phải Nguyễn Xuân Phùng . Tôi và Phùng chia nhau số tiền bán được bốn tuýp màu sơn dầu của anh tôi cho. Sau khi mua vé xe thì mỗi đứa còn lại đúng 10 đồng. Phùng đi chuyến xe số 5, tôi số 6. Trong khi chờ đợi, Phùng ăn hết gối xôi Phương đã ân cần cho mỗi đứa. Tôi không ăn dù đang đói.
Tới Long Khánh, tôi mua 1 ký chôm chôm vậy là hết nhẵn tiền. Tôi phân ra từng trái : Trái nào là Phan Thiết, Phan Rí, Phan Rang, Nha Trang… để ăn dần cho tới khi về đến nơi. Trên đường đi chị to ngang phốp pháp, sau khi ăn uống những bữa chính dọc đường, thỉnh thoảng chị ta có mang cho tôi ổ nủa bánh mì, trái chuối. Trước khi về Phương tặng cho tôi quển truyện Bức họa Maja Khỏa Thân tôi đã đọc dở dang, nàng viết trên trang đầu quyển sách :
Con thiêu thân chết,
Ngàn năm không hối.
Chỉ tiếc anh,
Ngọn lửa vội tàn…
Tôi đọc quyển truyện tằn tiện từng chữ, từng hàng trong suốt hành trình về, giống như những trái chôm chôm của tôi vậy.
Về tới bến xe tôi thấy Phùng đang lả người chờ tôi. Từ bến xe về cái làng quê tôi phải hơn 15 cây số nữa. Nó bảo : “ Đói quá. Để tao đi bán cây viết, ăn rồi tính”. Cây viết quí nó mua định về tặng cho thằng em nó làm quà cho một chuyến đi xa. Phùng đi rồi quay lại, tôi và nó thưởng thức bữa ăn đó cho dù sau này, tôi và nó có những bữa tiệc hoành tráng vẫn không bao giờ quên món bánh xéo nóng bến xe năm nào.
Tôi rớt đại học sát nút. Sau đó tôi vào Trung cấp Xây dựng theo nguyện vọng 2, bỏ lại sau lưng tôi một trời mơ ước, một lời ước nguyện, một hình hài mong manh, con thiêu thân và ngon lửa…
Gần 20 năm sau tôi có dịp vào lại và sống ở Sài Gòn. Tôi tìm gặp Phương. Tất cả đã đổi khác. Không còn con đường đất đỏ, không còn vuông ao và cây cầu in bóng, không còn căn nhà gỗ tĩnh lặng và trong vắt. Phương không còn nhận ra tôi. Tôi phải cố giải thích và khơi gợi những kỹ niệm nhưng tuyệt nhiên người đàn bà già nua, đen đúa với đôi mắt thâm quần trũng sâu cứ lắc đầu quầy quậy. Cả một thời gian sau đó lòng tôi nặng trĩu, vừa oán hờn vừa thương cảm. Tôi hối hận vì quyết định cố tìm gặp Phương.
ĐÔI MẮT.
Xưa…
Đôi mắt em như biển hồ không đáy,
Anh muốn làm ngư ông chết trôi xác mãi mãi chìm.
Đôi mắt em như rừng sâu thăm thẳm,
Anh là gã tiều phu lạc giữa muôn ngàn thảo mộc.
Nay…
Đôi mắt em giờ ráo hoảnh,
Hai hốc giếng hoang.
Anh vẫn là con hổ ngu hoài trong cổ tích,
Nhưng không thấy bóng mình
Trong đáy giếng – mắt em!
(Nhân mùa thi, nhớ về một kỷ niệm buồn, lãng mạn)
Cảm ơn các bạn đã khen. Đó là câu chuyện thật của tôi và của nhiều sĩ tử xứ nẫu trãi qua vào những năm 1983, 84..
Cốt truyện bính thường nhưng đọc cũng thấy được.
Trời ơi ! Đôi mắt . Đôi mắt tuyệt vời như hồ sâu không đáy , như rừng thăm thẳm xanh …
Sao giờ lại ráo hoảnh …hốc giếng hoang . Buồn quá ! Buồn cho đôi mắt . Cho thời gian . Cho lòng người . Cho …
Chuyện đời có vẻ vớ vẫn mà đọc thú vị
Cái kết cũng hợp lý nhưng trữ tình ngoại đề của tác giả ở câu cuối cũng tàn nhẫn quá chăng ?
Truyen rat gan gui voi doi thuong,nhe nhang sau lang
Truyen viet de thuong ma bai tho cuoi truyen doc cung thich
Viết đọc rất dễ chịu bạn ơi,vì đó cũng là những kí ức giống hêt của mình
Ôi sao giống tui quá nhà văn ơi !
Đề tài không mới nhưng truyện vẫn lách để tìm được cái mới trong thể hiện