Tác giả : Alessandro Baricco
Người dịch : Quế Sơn
Nhà xuất bản Trẻ, năm 2000, 130 trang.
Nguyên tác tiếng Ý ”SETA”, nhà xuất bản R.C.S., Milan, Ý, 1996.
Bản tiếng Việt dựa trên bản tiếng Pháp, ”SOIE”, nhà xuất bản Albin Michel, Paris, 1997 và tham khảo bản tiếng Ý.
(Chú ý: Xin đừng lộn với cuốn “Lụa” cũng của A. Baricco do người khác dịch và do công ty văn hóa Nhã Nam (Hà Nội) xuất bản năm 2007.)
Bản in của Nxb Trẻ đã tuyệt bản, nhưng nếu thích, các bạn có thể đọc nó toàn bộ trên mạng : http://www.vnfreelance.net/pub/Lua.pdf hay vào Google tìm thì có vài bản khác dễ đọc hơn.
Ðôi lời của tác giả :
“Đây không phải một cuốn tiểu thuyết. Cũng không phải một câu chuyện thuật lại. Đây là một truyện. Bắt đầu từ một người đàn ông từng đi xuyên thế giới rồi dừng chân lại bên hồ, một cái hồ nằm sẵn đó, như vậy đó, vào những ngày nhiều gió. Người đàn ông mang tên Hervé Joncour. Tên hồ, chẳng ai biết. Ta có thể nói đây là một truyện tình. Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì có lẽ đáng gì đâu mà đem ra kể. Trong truyện này còn có những nỗi khát khao và những niềm đau khổ, những điều mà ai cũng biết rõ hoàn toàn nhưng tên gọi thật cho những điều đó chẳng ai tìm được bao giờ. Và dù sao đi nữa, đây không phải tình ái. (Cách làm này cũ quá rồi. Khi người ta không tìm ra tên gọi để nói lên những điều này nọ, người ta dùng truyện. Kiểu làm này được xài hoài. Từ nhiều thế kỷ nay.)
Tất cả mọi truyện đều có âm nhạc riêng. Truyện này có âm nhạc trắng. Nói lên điều này quan trọng lắm, vì âm nhạc trắng là một loại nhạc kỳ cục, đôi khi làm ta chưng hửng: nhạc diễn một cách dịu dàng, nhạc múa một cách chậm chạp. Khi nhạc được diễn hay, ta tưởng ta đang nghe niềm im lặng tấu lên, và những người múa nó thật tuyệt vời, ta nhìn họ và có cảm tưởng họ có múa đâu, họ bất động mà. Thật cực kỳ khó khăn, cái âm nhạc trắng này.
Chẳng còn gì đáng nói thêm. Có lẽ nên nói cho chính xác thì truyện này xảy ra vào thế kỷ thứ 19 : như vậy không ai nghĩ mình sẽ tìm thấy trong truyện máy bay, máy giặt hay những nhà phân tâm học. Mấy thứ đó không có ở đây. Một dịp khác, có lẽ.”
A. BARICCO
Alessandro Baricco sinh năm 1958 ở thành phố Torino, Ý. Tiểu thuyết đầu tay của ông, ”Castelli di rabbia” (Những lâu đài của sự giận dữ), được giải thưởng văn học ở Y (Campiello) và Pháp (Médicis étranger, 1995). Tác phẩm thứ hai là ”Oceano mare”(Đại dương biển) được giải thưởng Viareggio và Palazzo del Bosco ở Ý. Tiểu thuyết ”Lụa” mới ra đời (1996) đã được công chúng Ý và châu Âu đón nhận nồng nhiệt và chỉ trong vòng một năm sau được dịch ra khoảng 16 thứ tiếng, kể cả tiếng Nhật, và sau đó trở thành một “best seller” trên thế giới cũng như được chuyển thành một tác phẩm điện ảnh cùng tên (2007). Tới nay thì đã có hơn 50 bản dịch trên thế giới.
Sau “Lụa” là các tiểu thuyết hay kịch mang tên “City” (“Thành phố”), “Novecento” (“Một ngàn chín trăm”), “Senza sangue” (“Không lấm máu”, Quế Sơn dịch, Nxb Trẻ, 2008), “Omero, Iliade” (“Sử thi Iliade của Homère”), “Questa storia” (“Câu chuyện này”), “Emmaus” và “Mr Gwyn” (xuất bản năm 2011). Ngoài ra ông còn viết sách trong lãnh vực nghiên cứu âm nhạc và triết học.
Ông được xem là một trong những nhà văn tiêu biểu của thế hệ mới ở Ý.
Ông có sang thăm Việt Nam năm 2010, được đông đảo bạn đọc ngưỡng mộ đến gặp gỡ và trao đổi thú vị trong hai buổi giao lưu ở Hà Nội và Tp HCM.
Người dịch
1.-
Dù người cha đã hình dung anh sẽ có một tương lai rực rỡ trong quân đội, Hervé Joncour cuối cùng lại kiếm sống bằng một nghề khác thường, cái nghề không phải xa lạ, như một sự trớ trêu kỳ cục, với các nét sắc sảo dễ thương của tướng mạo anh, để lộ ra một sự đổi giọng nữ mơ hồ.
Để sống, Hervé Joncour mua và bán tằm.
Ta đang ở vào năm 1861. Flaubert viết tiểu thuyết Salammbô, đèn điện còn là một giả thuyết và Abraham Lincoln, bên kia bờ Đại dương, đang tiến hành một cuộc chiến tranh mà ông sẽ không thấy hồi kết thúc.
Hervé Joncour ba mươi hai tuổi.
Anh mua, và anh bán.
Những con tằm.
2.-
Trong thực tế, Hervé Joncour mua và bán tằm khi tằm còn là trứng bé tí xíu, màu xám hay vàng, bất động và tưởng như chết. Chỉ cần một lòng bàn tay đủ nắm hàng ngàn trứng như thế.
“Đó là điều ta gọi là nắm một tài sản trong tay.”
Vào những ngày đầu tháng năm, trứng nở ra con sâu tằm ăn lá dâu để lớn lên thành tằm, ăn suốt ba mươi ngày, ăn rào rào, ăn bỗ bã; tằm chín thì thu mình kéo kén, hai tuần sau thì thân tằm bị tách ra khỏi kén vĩnh viễn, để lại đàng sau một di sản tương đương, nếu tính bằng sợi, một ngàn thước tơ sống, nếu tính bằng tiền, một số lượng to tát quan Pháp: với điều kiện là mọi sự được tiến hành theo đúng phép tắc, bài bản, và phải ở một vùng miền nam nước Pháp, như trường hợp của Hervé Joncour.
Lavilledieu là tên cái thị trấn nơi Hervé Joncour sinh sống.
Hélène, tên người vợ anh.
Họ không có con.
3.-
Những trận dịch bệnh càng ngày càng tàn phá ngành chăn tằm ở châu Âu. Để tránh những sự tác hại, Hervé Joncour phải đi mua trứng tằm bên kia bờ Địa Trung Hải, tận Syrie và Ai Cập. Đó là khía cạnh phiêu lưu đặc thù của nghề anh. Hàng năm vào những ngày đầu tháng giêng, anh lên đường. Anh băng qua một ngàn sáu trăm dặm trên biển và tám trăm cây số trên bộ. Anh ra tay chọn trứng, trả giá, thu mua. Rồi anh quay lưng, băng qua tám trăm cây số đường bộ và một ngàn sáu trăm dặm đường biển, về đến cái thị trấn nhỏ Lavilledieu thường vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng tư, thường kịp giờ dự lễ trọng trong nhà thờ.
Anh còn làm việc suốt hai tuần nữa cho trứng vào bao bì và đem bán.
Thời gian còn lại trong năm, anh nghỉ ngơi.
4.-
– Và châu Phi, nó ra sao? người ta hỏi anh.
– Mệt mỏi.
Anh có một ngôi nhà lớn nằm ngoài thị trấn một chút và một xưởng nhỏ ở trung tâm, ngay trước mặt ngôi nhà bỏ hoang của ông Jean Berbek.
Jean Berbek, một ngày đẹp trời nào đó bỗng nổi hứng quyết định từ nay về sau không mở miệng nói gì nữa. Ông giữ lời hứa. Vợ và hai đứa con gái bỏ ông ra đi. Ông chết. Nhà ông chẳng ai muốn mua và như thế bây giờ thành nhà hoang.
Mua và bán tằm, nội việc này thôi cũng mang lại cho Hervé Joncour hàng năm một số lợi tức đủ bảo đảm cho anh và vợ một cuộc sống tiện nghi thoải mái mà ở tỉnh lẻ người ta dễ cho là sang trọng, xa hoa. Anh hưởng thụ của cải mình một cách kín đáo, và anh thấy mình hoàn toàn lạnh nhạt trước cái viễn tượng không xa thực tế lắm là anh có thể trở nên thực sự giàu có. Ngoài ra, anh là một trong những người thích làm khán giả trước chính cuộc đời của mình, mọi tham vọng sống cuộc đời mình được xem là không thích đáng, là lạc lầm.
Ta sẽ nhận ra là những người như thế lặng ngắm số mệnh mình cùng một cách như phần lớn những người khác lặng ngắm một ngày mưa.
5.-
Nếu được hỏi, Hervé Joncour có lẽ trả lời rằng cuộc đời anh sẽ tiếp tục như thế mãi mãi. Tuy nhiên, vào những năm đầu thập niên sáu mươi, trận dịch bệnh tằm gai, sau khi đã làm cho số trứng tằm nuôi ở châu Âu trở thành vô dụng, lan tràn sang bên kia biển, tận châu Phi và ngay sang cả Ấn Độ, theo lời một số người. Năm 1861, Hervé Joncour trở lại quê nhà sau chuyến đi xa thường lệ, mua về một số trứng mà hai tháng sau mới biết bị nhiễm bệnh gần hết. Đối với Lavilledieu cũng như các thành phố khác đã dựa trên nền sản xuất tơ lụa mà làm giàu, năm đó tưởng như báo hiệu sự bắt đầu cho sự suy sụp, tàn cuộc. Khoa học tỏ ra bất lực trong việc tìm hiểu những nguyên nhân gây dịch bệnh. Và khắp mặt đất, tận những vùng xa xôi hẻo lánh, tưởng như bị giam hãm, đày đọa bởi cái phù phép, tai ương không lời giải thích đó.
– Không phải khắp mặt đất đâu, Baldabiou nói nhẹ nhàng, không khắp đâu, và rót một chút nước lạnh vào ly rượu anizét của mình.
6.-
Hai mươi năm trước Baldabiou là người vừa đặt chân đến cái thị trấn này thì đi ngay tới văn phòng viên thị trưởng, vào thẳng trong chẳng thèm loan báo, và đặt lên bàn giấy tấm khăn quàng bằng lụa màu hoàng hôn rồi hỏi viên thị trưởng.
– Ông biết cái gì đây không ?
– Chuyện đàn bà.
– Sai. Chuyện đàn ông: tiền.
Viên thị trưởng sai người tống cổ ông ra ngoài. Chẳng sao, ông cho dựng lên một nhà máy sợi ở phía dưới thị trấn gần bờ sông, một trại chăn tằm cạnh rừng và một nhà thờ nhỏ dành cho nữ thánh Agnès nằm ở ngã ba đường đi về Viviers. Ông thu dụng khoảng chục người thợ, gởi mua từ Ý về một cỗ máy bằng gỗ trông bí hiểm, toàn bánh xe và guồng máy không à, và không nói gì thêm suốt bảy tháng. Rồi ông trở lại văn phòng viên thị trưởng, đặt ngay ngắn trên bàn giấy ba chục ngàn quan Pháp bằng những tờ giấy bạc lớn.
– Ông biết cái gì đây không ?
– Tiền.
– Sai. Đây là bằng chứng ông là một thằng ngu.
Rồi ông thu xếp lại các tờ giấy bạc, bỏ vào ví và làm bộ đi ra.
Viên thị trưởng chận lại.
– Tôi phải làm cái quái gì đây ?
– Không gì cả: và ông sẽ là thị trưởng một thành phố nhỏ giàu có.
Năm năm sau, Lavilledieu có bảy nhà máy sợi và trở thành một trong những trung tâm hàng đầu châu Âu trong ngành chăn tằm và dệt lụa. Không phải tất cả những nhà máy đó đều thuộc quyền sở hữu của Baldabiou đâu. Các chức sắc, thân hào và các địa chủ trong vùng đã theo chân ông trên bước đường phiêu lưu công nghiệp lạ lùng này. Ông chẳng bao giờ giấu nghề, lúc nào cũng chia sẻ những bí mật với mọi người trong bọn họ. Ông thấy vui thích làm như vậy hơn là làm ra tiền xúc không hết. Chỉ dạy. Và có những điều bí mật để kể ra. Ông ta như thế đó, cái ông Baldabiou này.
7.-
Baldabiou cũng là người mà tám năm về trước đã làm thay đổi cuộc đời Hervé Joncour. Đó là vào thời kỳ những trận dịch bệnh đầu tiên phát khởi những đợt tấn công vào công cuộc chăn tằm ở châu Âu. Không tỏ ra bối rối chút nào, Baldabiou để tâm xem xét tình hình và rút ra kết luận là không thể giải quyết vấn đề này, chỉ còn cách là đi vòng tránh nó thôi. Ông có ý nhưng thiếu người, một người. Khi trông thấy Hervé Joncour đi ngang trước quán cà phê Verdun, lịch sự trong bộ quân phục thiếu úy bộ binh, đĩnh đạc với tướng bộ một quân nhân đang nghỉ phép, ông biết mình đã tìm ra người đó. Lúc đó Hervé Joncour hai mươi bốn tuổi. Baldabiou mời anh về nhà, mở rộng dưới mắt anh một tập bản đồ địa lý mang đầy những tên ngoại lai xa lạ và nói:
– Chúc mừng cậu. Rốt cuộc cậu cũng tìm ra một công việc đứng đắn.
Hervé Joncour ngồi nghe một hồi cái chuyện dài về tằm, về trứng, về những Kim Tự Tháp và những chuyến hải hành. Rồi anh nói :
– Tôi không thể làm được.
– Tại sao ?
– Vì hai hôm nữa hết hạn nghỉ phép, tôi phải lên lại Paris.
– Nghề lính ?
– Dạ phải. Cha tôi đã quyết định như thế.
– Chuyện dễ.
Ông dẫn Hervé Joncour đi thẳng tới nhà cha anh.
– Ông biết ai đây không ?
– Thằng con tôi.
– Nhìn kỹ hơn đi.
Viên thị trưởng thả người dựa vào lưng ghế bành bằng da, và bắt đầu đổ mồ hôi.
-Thằng con trai tôi, Hervé, hai ngày nữa trở lên Paris, một tiền đồ sáng giá trong quân đội chúng ta đang chờ đón nó, nếu Thượng Đế và nữ thánh Agnès muốn thế.
– Đúng. Có điều Thượng Đế thì bận rộn chỗ khác và thánh Agnès* không ngửi được lính tráng.
Một tháng sau Hervé Joncour lên đường đi Ai Cập. Anh đi biển trên con tàu mang tên Adel. Trong các cabin mùi nấu nướng bay từ bếp vào, có một người Anh khoe mình đã từng đánh nhau trong trận Waterloo, chiều tối ngày thứ ba của chuyến đi người ta thấy các con cá heo loé sáng ở chân trời như những con sóng say, ở bàn cò quay con số mười sáu cứ ra hoài.
Anh trở lại nhà hai tháng sau – ngày chủ nhật đầu tiên của tháng tư, vừa kịp giờ dự lễ trọng – với hàng ngàn trứng tằm gói trong bông đặt trong hai hộp lớn bằng gỗ. Anh có hàng lô chuyện để kể. Nhưng khi chỉ có Baldabiou và anh ngồi lại với nhau, điều ông ta muốn nghe là:
– Cậu kể tôi nghe về những con cá heo.
– Cá heo?
– Cái lần mà cậu thấy chúng nó.
Baldabiou, ông ta như thế đó.
Chẳng ai biết được tuổi thật của ông.
——* Theo truyền thuyết, là một trinh nữ 13 tuổi theo đạo Thiên chúa, bị lính giết vứt xác ở ngoại thành La Mã (năm 303), dưới thời Hoàng đế Dioclétien (245-313), sau trở thành nữ thánh bảo trợ cho các trinh nữ. (Chú thích của người dịch)
8.-
– Không phải khắp mặt đất đâu, Baldabiou nói nhẹ nhàng, không khắp đâu, và rót một chút nước lạnh vào ly rượu anizét.
Đêm tháng tám, hơn nửa đêm rồi. Vào giờ này, Verdun đã đóng quán từ lâu theo thường lệ. Ghế được lật ngửa, đặt ngay ngắn trên bàn. Cái quày rượu, ông đã lau chùi, và những chỗ còn lại cũng vậy. Chỉ còn tắt đèn rồi đóng cửa. Nhưng Verdun đợi: Baldabiou đang nói chuyện.
Hervé Joncour ngồi bất động trước mặt ông, điếu thuốc tắt ngấm còn trên môi, lắng nghe. Giống như tám năm trước, anh để cái ông này ung dung viết lại số mệnh mình. Tiếng nói ông đến tai anh nhỏ nhẹ và rõ ràng, bắt nhịp theo từng ngụm rượu anizét đều đặn. Không ngừng nghỉ, tiếng nói kéo dài một lèo nhiều phút. Điều cuối cùng nói ra là:
– Không có chọn lựa nào cả. Nếu ta muốn tiếp tục sống, phải đi xuống đó.
Im lặng.
Verdun chống cùi chỏ lên quày rượu, giương mắt nhìn hai người kia.
Baldabiou tìm cách uống thêm một ngụm rượu anizét nữa, từ đáy cốc.
Hervé Joncour đặt điếu thuốc lá lên mép bàn trước khi nói :
– Và cái xứ Nhật ấy, nó nằm ở đâu, nói cho chính xác?
Baldabiou giơ cây gậy bằng gỗ song lên trời, chỉ về hướng bên kia mái nhà thờ Saint-Auguste.
– Ngả đó, thẳng một đường.
Ông nói.
– Tận chân mây cuối trời.
……………………………………….
12.-
Hervé Joncour ra đi với tám chục ngàn quan bằng vàng và ba cái tên ông Baldabiou đã tìm ra đưa cho anh: một người Tàu, một người Hà Lan và một người Nhật. Anh qua biên giới gần thành Metz, đi xuyên qua vùng Wurtemberg và vùng Bavière, vào nước Áo, lên thành Vienne rồi thành Budapest bằng tàu lửa, tiếp tục đi đến thành Kiev. Anh cưỡi ngựa băng qua hai ngàn cây số vùng thảo nguyên Nga, vượt rặng núi Oural, tiến vào vùng Sibérie, mất hết bốn chục ngày nữa anh mới tới hồ Baikal mà người dân địa phương gọi là: biển. Anh xuôi giòng sông Amour, đi dọc theo biên giới Tàu cho đến bờ Đại dương, và khi tới đó anh nằm dài mười một ngày ở hải cảng Sabirk chờ đợi một con tàu của bọn buôn lậu Hà Lan đưa anh tới Capo Teraya nằm ở bờ biển phía tây nước Nhật. Đi bộ trên những con đường phụ, anh xuyên qua các tỉnh Thạch Xuyên, Hộ Sơn, Tân Tích, vào sâu trong tỉnh Phúc Đảo và khi đến gần thành phố Bạch Xuyên thì anh đi vòng tránh nó bằng ngả phía đông rồi chờ suốt hai ngày một người đàn ông mặc đồ đen bịt mắt anh lại và dẫn anh đi cho tới một ngôi làng nằm giữa những ngọn đồi anh ngủ lại qua đêm, và sáng hôm sau anh thương lượng mua trứng tằm với một người đàn ông không mở miệng một lời và khuôn mặt được che kín bằng một khăn phủ bằng lụa. Đen. Khi mặt trời lặn, anh giấu trứng tằm trong hành lý, quay lưng về phía nước Nhật và sửa soạn lên đường về quê nhà.
Anh vừa mới qua khỏi mấy nếp nhà cuối cùng trong làng thì một người đàn ông chạy theo chận anh lại. Hắn nói với anh điều gì đó với một giọng kích động và kiên quyết, rồi với cả sự nhã nhặn pha lẫn cứng rắn, bắt anh quay trở lại.
Hervé Joncour không nói được tiếng Nhật và không thể hiểu ông ta nói gì. Nhưng anh đoán ra là Nguyên-Mộc muốn gặp anh.
13.-
Một tấm vách bằng giấy bản kéo lướt qua và Hervé Joncour bước vào. Nguyên-Mộc ngồi xếp bằng trên sàn nhà, ở một góc lùi xa nhất của gian phòng. Ông ta mặc một chiếc áo rộng màu sẫm và không đeo một thứ trang sức nào cả. Chỉ có một dấu hiệu thấy được ông ta có uy quyền là một người đàn bà nằm dài bên cạnh, đầu gối lên đùi ông, mắt nhắm ghiền, đôi tay che dấu dưới bộ áo rộng thùng thình màu đỏ trải xung quanh người nàng, như một ngọn lửa trên mặt chiếu màu tro. Nguyên-Mộc chậm rãi dùng tay lùa tóc nàng : trông như ông đang vuốt ve bộ lông một con thú quý hiếm, và đang ngủ.
Hervé Joncour đi xuyên gian phòng, chờ chủ nhân ra hiệu rồi ngồi xuống đối diện ông. Cả hai người giữ im lặng, nhìn thẳng vào mắt nhau. Một người đầy tớ đi vào, lặng lẽ như không, đặt trước mặt họ hai tách trà. Rồi biến đi. Bây giờ Nguyên-Mộc mới bắt đầu nói, bằng tiếng mẹ đẻ, giọng đều đều đơn điệu, pha loãng với một thứ giọng kim giả tạo một cách khó chịu. Hervé Joncour lắng nghe. Anh cứ nhìn thẳng vào mắt Nguyên-Mộc, và trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, ngay anh cũng không để ý đến, hạ ánh mắt mình xuống khuôn mặt người đàn bà.
Đó là khuôn mặt một cô gái trẻ.
Anh đưa mắt lên.
Nguyên-Mộc ngưng nói, cầm một trong hai tách trà đưa lên miệng, chờ một lát rồi nói:
– Ông thử kể tôi nghe ông là ai.
Ông nói câu này bằng tiếng Pháp, hơi kéo lê những nguyên âm, với một giọng khàn khàn, thật sự của mình.
14.-
Trước một con người gần như bất khả xâm phạm nhất ở Nhật, chúa trùm tất cả những gì thiên hạ xoay sở đem lậu ra khỏi đảo quốc, Hervé Joncour cố kể mình là ai. Anh nói bằng tiếng mẹ đẻ, phát âm chậm rãi, không biết chính xác Nguyên-Mộc có hiểu được anh không. Theo bản năng, anh bỏ qua mọi thận trọng, cứ kể lại không bịa cũng không giấu tất cả những gì có thật, giản dị thế thôi. Anh kể ra những chi tiết nhỏ nhặt và những biến cố mấu chốt cùng một giọng đều đều, đơn điệu và rất ít điệu bộ, như thể tập tành theo cái nhịp không vui, lãnh đạm, thảng thốt của một người đọc danh sách những đồ vật sống sót sau cơn hỏa hoạn. Nguyên-Mộc lắng nghe, không một thoáng phản ứng nào lộ ra trên khuôn mặt điềm tĩnh, lạnh lùng của mình. Mắt ông nhìn đăm đăm cặp môi của Hervé Joncour như thể đôi môi ấy là những hàng cuối cùng của một lá thư vĩnh biệt. Trong gian phòng, mọi sự đều im ắng và bất động đến nỗi cái gì xảy ra thình lình, dù tự nó chẳng có gì, cũng thành to lớn, vô hạn.
Bỗng dưng,
vẫn nằm im không động đậy,
cô gái trẻ này,
mở mắt.
Hervé Joncour không ngừng nói nhưng theo bản năng đưa ánh mắt về phía nàng, và cái anh thấy, vẫn không ngừng nói, cái anh thấy là đôi mắt ấy không có dáng phương đông, và đôi mắt ấy với một cường độ làm bối rối nhìn thẳng vào anh : như thể đôi mắt ấy chẳng làm gì khác cả ngay từ lúc đầu, dưới mí mắt khép. Hervé Joncour cố giữ vẻ tự nhiên, đưa mắt sang chỗ khác, ráng tiếp tục câu chuyện, không để lộ ra cái gì khác lạ trong giọng nói. Anh chỉ ngừng khi anh chợt thấy lại cái tách trà đặt trên sàn, trước mặt anh. Anh cầm đưa lên môi, uống từ từ chậm rãi. Rồi anh bắt đầu nói lại, sau khi đặt tách trà xuống chỗ cũ, trước mặt mình.
15.-
Nước Pháp, những chuyến hải hành, hương thơm từ những cây dâu ở thị trấn Lavilledieu, tàu lửa chạy bằng hơi nước, giọng nói của Hélène. Hervé Joncour tiếp tục kể chuyện đời mình như thể anh chưa bao giờ làm thế trong đời mình. Cô gái trẻ vẫn nhìn anh đăm đăm, với một sự mãnh liệt khiến anh cảm thấy bó buộc phải dùng những lời lẽ có ý nghĩa, đáng ghi nhớ. Gian phòng từ bây giờ hình như đã rơi trượt vào một trạng thái tĩnh lặng cố định khi bất thình lình, và không gây ra một tiếng động hay một âm thanh nhỏ nào, cô gái để một bàn tay trượt ra khỏi tấm áo, trượt từ từ trên chiếu, trước mặt nàng. Hervé Joncour thấy, từ khóe mắt mình, cái đốm sáng này, thấy nó vuốt nhẹ tách trà của Nguyên-Mộc rồi, một cách lạ thường, tiếp tục trượt dần dần đến cái tách trà thứ hai, rồi chụp nó không chút do dự, cái tách mà anh đã uống, nhẹ nhàng cầm lên và đưa về phía nàng. Nguyên-Mộc không ngừng nhìn, dù một chút xíu, vào đôi môi của Hervé Jonncour, mặt không đổi sắc.
Cô gái nhấc đầu lên một chút.
Lần đầu tiên ánh mắt nàng rời khỏi Hervé Joncour để sang tách trà.
Chậm rãi, nàng xoay nó dưới môi cho đến ngay chỗ anh đã đặt môi uống.
Khép mắt nửa chừng, nàng uống một ngụm.
Nàng đưa tách rời môi.
Nhẹ nhàng đặt nó trở lại chỗ cũ.
Kéo tay vào dưới lớp áo.
Gối đầu lên đùi Nguyên-Mộc.
Đôi mắt mở, đăm đăm nhìn mắt Hervé Joncour.
16.-
Hervé Joncour còn nói lâu lắm. Anh chỉ ngừng khi Nguyên-Mộc đưa mắt nhìn chỗ khác và hơi nghiêng người chào anh.
Im lặng.
Bằng tiếng Pháp, hơi kéo lê những nguyên âm, giọng khàn khàn, thật sự của mình, Nguyên-Mộc lên tiếng.
– Nếu ông muốn trở lại đây lần nữa, tôi rất vui đón tiếp ông.
Lần đầu tiên, ông ta mỉm cười.
– Trứng ông mua được chẳng có giá trị gì hết. Toàn trứng cá.
Hervé Joncour hạ ánh mắt. Trước mặt anh, tách trà của anh. Anh cầm lên, xoay tròn, xem xét nó như thể anh muốn tìm cái gì đó trên cái đường chỉ viền màu ở mép tách. Khi anh tìm được, anh ấn môi mình lên đó, và uống cạn chén. Rồi anh đặt tách trà xuống trước mặt và nói:
– Tôi biết.
Nguyên-Mộc bật cười, tỏ vẻ khoái trá.
– Vì thế mà ông trả bằng vàng giả, phải không?
– Tôi trả đúng những gì tôi mua.
Nguyên-Mộc tỏ vẻ nghiêm nghị trở lại.
– Khi ông rời đây, ông sẽ nhận được những gì ông muốn.
– Khi tôi ra khỏi cái đảo này, toàn mạng, ông sẽ nhận đúng số vàng thuộc phần ông. Tôi hứa danh dự.
Hervé Joncour không chờ câu trả lời. Anh đứng lên, đi lùi vài bước, rồi cúi người chào.
Đôi mắt cô gái cứ nhìn theo mắt anh, hoàn toàn câm nín. Đó là điều cuối cùng anh thấy trước khi ra khỏi gian phòng.
17.-
Sáu ngày sau, ở Cao-cương, Hervé Joncour lên một chiếc tàu của bọn buôn lậu Hà Lan đưa anh về lại Sabirk. Từ đó, anh đi ngược lên, dọc theo biên giới Tàu cho tới hồ Baikal, băng qua bốn ngàn cây số vùng đất Sibérie, vượt rặng núi Oural, đến lại thành Kiev rồi lên tàu lửa đi suốt châu Âu, từ đông sang tây, và như thế sau một cuộc hành trình về nước dài ba tháng, cuối cùng anh đến Pháp. Ngày chủ nhật đầu tiên của tháng tư – vừa kịp giờ dự lễ trọng – anh về đến cửa ngõ vào Lavilledieu. Anh dừng chân, tạ ơn Thượng đế và đi bộ vào thị trấn, đếm từng bước chân để mỗi bước có một tên gọi, để mà không bao giờ quên được bước chân mình.
– Nó ra sao, cái xứ sở ở chân mây cuối trời đó? Baldabiou hỏi anh.
– Vô hình, vô ảnh.
Người vợ Hélène, anh tặng cho nàng một áo dài bằng lụa nhưng nàng chẳng bao giờ mặc cả, nàng ngượng. Nếu nắm chặt tấm áo đó trong lòng bàn tay, ta có cảm tưởng chẳng nắm gì cả giữa những ngón tay.
18.-
Những trứng tằm Hervé Joncour mang từ Nhật về – cả hàng trăm trứng bám trên những phiến vỏ cây dâu – đều tỏ ra hoàn toàn lành mạnh. Năm đó, sự sản xuất tơ lụa trong vùng Lavilledieu đạt kết quả đặc biệt, về số lượng cũng như chất lượng. Hai nhà máy sợi khác được mở thêm, và Baldabiou cho xây một tu viện sát với ngôi nhà thờ nhỏ Sainte-Agnès. Ông muốn xây nó hình tròn, chẳng ai hiểu rõ tại sao, và giao phó dự án này cho một kiến trúc sư người Tây Ban Nha tên là Juan Benitez, khá có tiếng trong lãnh vực xây quảng trường đấu bò mộng hình tròn.
– Tất nhiên, không đổ cát ở trung tâm tu viện, nhưng một cái vườn. Và nếu có thể được, treo đầu cá heo thay vì đầu bò mộng, ở lối ra vào.
– Dạ thưa ông, cá heo ?
– Một loại cá, Benitez, hiểu không ?
Hervé Joncour tính toán sổ sách và biết ra là anh bây giờ giàu có. Anh mua ba chục mẫu tây đất nằm ở phía nam nhà anh, và cặm cụi suốt mấy tháng hè ngồi vẽ kiểu một công viên mà sau này ai đi dạo ở đấy sẽ thấy lòng mình tĩnh lặng và thanh thản. Anh tưởng tượng nó sẽ vô hình, vô ảnh như một cõi tận cùng cuối trời cuối đất. Mỗi buổi sáng anh đi bộ đến tận quán Verdun, ngồi nghe những câu chuyện đầu hè cuối ngõ xảy ra trong cái thành phố nhỏ này hay liếc qua những tờ báo đến từ Paris. Buổi tối, anh ngồi rất lâu dưới hiên cổng, bên cạnh người vợ Hélène. Nàng đọc một quyển sách, nghe to và rõ, và anh cảm thấy sung sướng vì anh tự nhủ thầm trên đời này chẳng có được một cái giọng hay hơn giọng nàng.
Anh ba mươi ba tuổi vào ngày 4 tháng chín 1862.
Đời đổ mưa, đời anh, trước mắt anh, cảnh tượng lặng lẽ.
Xin phép chú Quế Sơn cho con được download Lụa bản PDF.
Mong lại có cơ hội trao đổi nhiều hơn với Chú, và về “Quế Sơn” ạ.
Con chúc Chú sức khỏe, luôn nhiệt huyết với nghề và cho ra nhiều tác phẩm & bản dịch “tâm huyết” như Lụa!
Lâm Uyên..
Xin lỗi bạn Ba Lô trả lời trễ vì hôm nay mới thấy phản hồi của bạn.
Nếu download “Lụa” thì nên theo địa chỉ này:
https://quesonlua.wordpress.com/
vì nó là bản đầy đủ chú thích, sạch lỗi chính tả…
Chúc sức khỏe.
ĐÔI LỜI VỀ CUỐN “LỤA”
Nhiều bạn mấy hôm nay hỏi tôi về cuốn “Lụa”, đại để xoay quanh hai chuyện 1) Tại sao có đến 2 bản dịch tiếng Việt, và 2) Bản của Nxb Trẻ (Quế Sơn dịch) in năm 2000 đã tuyệt bản, ở nhà sách hiện nay chỉ còn bản của công ty Nhã Nam liên kết với Nxb Văn học (Tố Châu dịch), in năm 2007, vậy có đáng mua đọc và để dành trong tủ sách gia đình không?
Câu 1 thì không khó cho tôi trả lời : Theo chỗ tôi biết, trước khi Việt Nam gia nhập Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (Berne Convention for the protection of literary and artistic works) vào năm 2004, thì hầu hết các sách nước ngoài dịch và in ở VN đều không mua bản quyền gốc. “Lụa” in năm 2000 cũng không phải là ngoại lệ. Sau này, công ty Nhã Nam đã mua được bản quyền “Lụa” và họ đã tổ chức dịch và xuất bản năm 2007. Nxb Trẻ dù có muốn tái bản “Lụa” (đã in năm 2000) cũng không được nữa.
Câu 2 thì không dễ cho tôi, bởi vì khó tránh khỏi sự chủ quan nặng nề, vì câu hỏi hàm ý so sánh kết quả việc làm của mình với người khác, dù sách in đã tuyệt bản nhưng ai cũng có thể đọc bản dịch của tôi trên mạng (tuy nó vẫn mang vài lỗi đánh máy xuất xứ từ bản in năm 2000). Nhưng tôi thấy không gì tốt hơn là copy lại đây một bài báo đăng trên Tuần san Thanh Niên cho “rộng đường dư luận”, vì tôi cảm thấy tác giả bài báo đặt vấn đề và hiểu vấn đề khá sít sao, xung quanh chuyện “ồn ào” một thời về “Lụa”.
“Khổ thân “Lụa”, khổ thân Baricco!”
HẢI MIÊN , Tuần san THANH NIÊN, 17-10-2007
“Ta có thể nói đây là một truyện tình. Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì có lẽ đáng gì đâu để mà đem ra kể… Và dù sao đi nữa, đây không phải tình ái”, đó là lời cảnh báo gắt gỏng của nhà văn Alessandro Baricco về tác phẩm Lụa của ông. Nhưng rồi chúng ta đã “tiếp thu” nó như thế nào, trong cách làm Lụa, đọc Lụa và viết về Lụa?
Xuất bản tại VN lần đầu vào năm 2000, của NXB Trẻ, nhưng cuộc chào đời lần một ấy lặng lẽ im lìm và chỉ gây hân hoan cho những đôi mắt tinh tường dạo đó. Phải chờ đến lần xuất bản thứ hai này, của Nhà xuất bản Văn học và Nhã Nam, với cái bìa đỏ có người đàn bà giấu mặt khoác áo Kimono trễ cổ, thì Lụa mới trở nên nổi tiếng.
(Photo) Nhà văn Alessandro Baricco
Sự nổi tiếng này, rủi ro thay, không là vinh danh mà là một tai nạn cho Lụa, cho tác giả Baricco.
Một cách chú ý, từ hình thức bìa một cho đến những câu trích dẫn ở bìa hai, những người làm sách đã lưu ý – mặc định cho độc giả rằng, Lụa là một câu chuyện gợi dục tinh tế và ám ảnh/ Một câu chuyện tình làm tan nát cõi lòng” (trích dẫn từ bìa hai). Thì cũng chẳng sai đâu, nhưng chỉ lớp váng bề mặt đó thôi, đâu làm nên được giá trị của Lụa?
Lướt qua những bài điểm sách của các báo và tạp chí gần đây, hầu hết không tờ nào bỏ qua Lụa. Có lẽ cuốn sách mỏng, được PR tốt cộng với câu chuyện tình huyền ảo và văn phong lạ lẫm, mơ hồ là hấp lực để những người viết báo gõ tay xuống bàn phím, quyết định viết ra những gì họ đã đọc được, cảm được, nghe được, hay tư duy được.
“Câu chuyện tình tay ba vượt đại dương”, với cái subtitle như vậy, một tạp chí văn hoá đã không tiếc lời ca ngợi mối tình tay ba ấy, giữa cô gái trẻ Đông phương, chàng Henvér Joncour và vợ chàng. “Người cho rằng câu chuyện tình này thật “sến”. Người lại quả quyết cuốn sách gợi tình một cách sống động. Người lại mênh mang về thân phận những người phụ nữ…”.
Một đoạn trích trong bài báo trên, để thay cho những bài báo khác ở những tờ báo khác cũng với tinh thần chị em song sinh như vậy, để bạn đọc phần nào hình dung được các cây bút điểm sách đang nói gì về Lụa.
“Sến”, “gợi tình một cách sống động”, “thân phận những người phụ nữ”, tất cả đang bị câu chuyện tình tay ba vượt đại dương, mà tác giả chỉ mượn đó như một tấm toan để vẽ nên những hoa văn chìm ẩn, những “mật ngữ” của riêng mình, làm cho lạc lối.
Thực ra, Baricco sử dụng câu chuyện ấy như một cái đinh để ông treo lên bức tranh tư tưởng và thẩm mỹ của ông, một bức tranh không thể nhìn thấy, chỉ có thể lờ mờ nhận ra bằng cảm nghiệm và suy tưởng. Và thay bằng viết/ phân tích/ bình luận/ phát biểu cảm nghĩ… về bức tranh ấy, người ta lại om sòm ca ngợi về cây đinh treo tranh!
Tôi đồ rằng, khi hoàn chỉnh Lụa, Baricco đã có e sợ tình trạng này, nên trong phần lời tác giả (trong bản in của NXB Trẻ – 2000), ông đã nói trắng ra một cách khí có phần gắt gỏng: “Ta có thể nói đây là một truyện tình. Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì có lẽ đáng gì đâu để mà đem ra kể… Và dù sao đi nữa, đây không phải tình ái!”.
Thế nhưng, mặc cho lời cảnh báo gắt gỏng của Baricco, chúng ta vẫn cứ đẩy nó vào thư mục những tiểu thuyết diễm tình, chúng ta vẫn không tích cực động não hơn.
Đây không chỉ là một câu chuyện tình (éo le ba xu – theo như cách của ai đó), vì nếu chỉ có thế, thì cuốn tiểu thuyết ngắn vài chục nghìn chữ này có đáng gì đâu để mà nó và tác giả của nó được cả thế giới vinh danh?
Với Lụa, thế giới không vinh danh một mối tình tay ba làm tan nát cõi lòng, mà thế giới vinh danh một thành tựu về văn phong, thứ văn phong lạ lẫm, giàu nhạc tính, tinh tế, mơ hồ và mờ ảo, vô cùng đặc sắc, chỉ xuất hiện cùng với Baricco, thế giới vinh danh một cuốn sách với hình thức mỏng mảnh của mình lại ẩn chứa, bao hàm trong nó bao nhiêu tầng lớp ý nghĩa, với một tư tưởng chủ đề (hay thông điệp) khó nắm bắt mà không ai dám chắc được mình đã hiểu đúng và hiểu hết, cảm đúng và cảm hết về Lụa.
Nó như một tinh thể đa diện mà mỗi khi chúng ta đem ra soi dưới một nguồn sáng, thì cái ánh sáng lấp lánh chúng ta nhìn thấy, nhận được từ nó cứ mỗi lần lại khác, trong mỗi nguồn ánh sáng lại khác, với mỗi người nhìn lại khác. Đến nỗi phải nói rằng: dù có rất nhiều cách hiểu sai và thiếu, nhưng không có một cách hiểu nào là đúng và đủ (tuyệt đối) cho Lụa.
Bìa cuốn Lụa của NXB Văn học … và của NXB Trẻ
Một câu chuyện tình huyền ảo, dịu dàng và tinh tế như vẻ đẹp của Lụa, đó là điều ai cũng nhận thấy sau khi đọc cuốn sách này. Nhưng Baricco muốn nói gì sau câu chuyện ấy? Về nỗi đam mê, khát khao, và đau khổ? Sức mê hoặc của văn hoá phương Đông và dấu ấn mà nó để lại trong tâm hồn phương Tây?
Ai dám chắc cái mê lộ ái tình mà nàng thiếu phụ trẻ phương Đông đã lôi cuốn chàng Joncour nước Ý bước vào không phải là cái mê lộ mà người phương Tây đã bị (hay được) phương Đông dẫn dụ?
Những cuộc viễn du của Joncour đến nước Nhật cùng trời cuối đất, lúc đầu là vì tiền, nhưng sau đó thì không phải thế nữa, chàng đến với phương Đông chính vì nỗi mê hoặc phương Đông. Nỗi mê hoặc ấy có duyên cớ sâu xa từ đâu?
Có phải vì một phương Đông chưa nhiễm bệnh, như những cái trứng tằm khoẻ mạnh của họ, trong khi ở châu Âu, những ổ trứng tằm đã lan tràn nhiễm dịch – tìm về cái tinh khiết và thuần khiết phương Đông để cứu vãn cái thời kỳ bước đầu băng hoại của phương Tây, thời kỳ đời sống công nghiệp đã làm nhiễm bệnh đời sống văn hoá châu Âu?
Và còn nhiều cách hiểu nữa. Nhưng dù có bao nhiêu suy đoán, thì cũng chắc gì ta đã hiểu đúng, hiểu hết những gì tác giả muốn nói?
Từ những gì người ta đang làm với Lụa trong lần xuất bản mới ở VN, từ những gì người ta đang viết về Lụa trên các báo, dễ thấy rằng, với văn chương chúng ta không thiếu những đôi mắt nhìn, chúng ta chỉ thiếu những đôi mắt có cái nhìn xuyên thấu.
Bi kịch là, những ánh mắt xuyên thấu thì im lặng thưởng thức cho riêng mình, còn những đôi mắt nhìn thì vội vã, ồn ào hoà giọng, cất tiếng.
Bởi thế nên, dù cái tựa bài báo đã đặt như vậy, nhưng với tình hình làm sách, viết về sách này, thì đâu chỉ khổ thân mỗi mình Lụa, khổ thân mỗi mình Baricco?
Tiểu thuyết Lụa (tựa tiếng Ý: Seta) của Alessandro Baricco, một nhà văn tiêu biểu của thế hệ mới. Seta ra đời vào năm 1996, được độc giả Ý đón nhận nồng nhiệt. Trong vòng một năm sau, tác phẩm được dịch ra 16 thứ tiếng (kể cả tiếng Nhật). Đến nay, con số đó đã là trên 30 thứ tiếng. (Nguồn: Lụa, bìa 4, NXB Văn học).
Lụa của NXB Trẻ được xuất bản năm 2000, với bản dịch của dịch giả Quế Sơn – dịch từ bản tiếng Pháp có tham khảo bản tiếng Ý. Dù là một bản dịch qua ngôn ngữ trung gian, nhưng người đọc vẫn cảm nhận được Lụa như là một thành tựu văn phong không chỉ của Baricco mà của cả văn chương thế giới.
Lụa của NXB Văn học và Nhã Nam xuất bản năm 2007, bản dịch của Tố Châu, không rõ được chuyển ngữ từ ngôn ngữ nào.
Ngoài khác nhau về bìa, dịch giả, giữa hai ấn bản Lụa còn có điểm khác nhau quan trọng: Lụa của NXB Trẻ chỉ đăng một phần bức thư của người vợ giả danh thiếu phụ Nhật gửi Hervé Joncour, phần lớn bức thư đã bị cắt bỏ vì lý do thuần phong mỹ tục. Trong ấn bản của nhà xuất bản Văn Học toàn bộ bức thư rất dài ấy được giữ nguyên.
Hải Miên – Tuần San Thanh Niên.
Đường link bị trục trặc rồi anh Quế Sơn ơi
Tôi mới thử link này, nó vẫn “chạy” mà :
Click to access Lua.pdf
Cuon truyen nay toi da xem roi,hap dan lam. Phong cach dich cua anh Que Son cung rat chuan xac va duoc Viet hoa lam cho nguoi doc cam thay de chiu
Cám ơn cô B Ngan, tuy đã đọc lâu rồi nhưng vẫn bỏ công viết một lời ‘com’ ưu ái.
Anh Que Son dich rat hay
Cám ơn anh (chị) Thanh Huy về lời khen.
Ôi! Lụa, cuộc tình và cuộc đời.
65 chương thật hấp dẫn
Cám ơn anh Quế Sơn đã dịch.
Tôi thấy vui được biết anh đã chịu khó đọc hết.
Biet them mot tacgia moi nua roi,ong nay viet cung hay lam,nhung tiec la chi doc duoc lom bom mot vai doan
Anh Nguyen Tan nếu thích thì có thể đọc “Lụa” toàn bộ trên mạng, theo đường link :. http://www.vnfreelance.net/pub/Lua.pdf hay các links khác có trong Google.
Cảm ơn anh Quế Sơn đã giúp mọi người biết he hé thêm một nền văn hóa
Cám ơn anh. Rất nhiều người vẫn tiếp tục âm thầm làm công việc như tôi.
Tuy mới chỉ là những trang đầu nhưng đọc rất thú vị ! Cám ơn anh Quế Sơn đã chia xẻ cho bạn bè cùng thưởng thức những tác phẩm hay của nứơc ngoài được anh dịch thuật lại ! chúc mừng & chuc anh vui khỏe nhé!
Cám ơn lời chúc của chị KL. Mong chị sẽ đọc hết cuốn “Lụa” trên mạng; chị sẽ không thấy tiếc thì giờ bỏ ra đâu. Cuốn này càng đọc càng thấy hay, chứ không phải ngược lại. Mong anh, chị luôn được vui, khỏe.
Cảm ơn “Lụa” được dịch bởi anh. Chúc mừng nhà dịch giả Quế Sơn và mong những tác phẩm hay được dịch bởi anh được nhiều người ưa thích. Chúc anh vui khỏe.
Cám ơn lời chúc của anh RB. Tôi vẫn đang cố gắng tiếp tục, nếu sức khỏe cho phép ngồi lâu ở bàn làm việc.
Truyện khá thú vị .Một cái tựa đề mềm mại nhưng nội dung là sự cứng rắn , khôn ngoan trong nghề nghiệp .Một cuộc đời thành công và hạnh phúc ! Trang 14.15.16 diễn tả thật nhẹ nhàng về một nỗi xao xuyến bất ngờ của hai con người rất hay .
Chúc anh Quế Sơn vui và khỏe nhé .
Cám ơn cô YD. Truyện còn 50 chương nữa mới hết ! Những chương đầu được trích đăng ở đây chỉ là…khai vị, nên những nỗi đau không có tên gọi còn nằm ở những trang sau…
Đọc “LỤA” như những mản đời dĩ vãng gắn kết nhiều “hoài niệm”…ý thật sâu như những nốt nhac đời . Rất thâm trầm nhưng phản phất…”cô đơn” ! Đọc lướt qua hơi khó hiểu nhưng cô đọng lặng lẽ như phả vào “hơi thiền”…Cảm ơn anh Quế Sơn, chúc vui !
@Tặng anh QUẾ SƠN !
Thả gió vào thơ động tới trăng
Xả bao nhiêu sự hóa thân tằm
Ngàn dâu-dâu bể…say thành bướm
Hỉ giữa đường trăng ghé bến trăng !
Cám ơn anh NNT về bài thơ tặng. Truyện còn 50 chương ngắn nữa… và nó là một bài thơ dài, theo sự cảm nhận của tôi, cho nên khi dịch, tôi cố gắng hết sức không làm mất đi chất thơ của nguyên tác, bằng cách khai thác rất nhiều luật hài âm của tiếng Việt.
Lâu rồi tôi mới được đọc một truyện của tác giả phương Tây đương đại. Lạ. Mới. Mới lạ cả về nội dung và hình thức. Cần có thời gian để ngẫm nghĩ và tiêu hóa.
Ai muốn viết cái gì đó cho ra hồn cũng phải đọc và học thật nhiều, nếu không sẽ tốn công phát minh lại cái xe cút-kít.
Cảm ơn dịch giả Quế Sơn.
Đúng đó anh Nam Thi à. Mong rằng các nhà sáng tạo có được sự từng trải và tinh thần khiêm cung của anh để họ có thể cho ra những tác phẩm hay, mới, lạ…thỏa lòng người đọc hay tồn tại với thời gian.
Mong anh bỏ chút thì giờ đọc hết “Lụa” (còn 50 chương ngắn nữa), vì, theo ý tôi, nó xứng đáng để anh đọc. “…Một cuốn sách dịch từng gây dư luận rất đậm trong năm 2000 là cuốn ‘Lụa’ của Alessandro Baricco, bản dịch Quế Sơn, NXB Trẻ 2000…” (Thủy Lê, báo Lao Động, 23/1/2002, mục Văn hóa). Trong buổi giao lưu ở SG năm 2010, phần lớn các câu hỏi đặt ra cho Baricco từ nhiều độc giả người Việt đều xoay quanh cuốn “Lụa”.(được tường thuật khá nhiều trên các báo hồi đó.), chứ không phải hai cuốn khác của ông đã dịch sang tiếng Việt (“Không lấm máu” và “Đại dương biển”).
Vì chú thích nằm ở cuối chương 7 về nữ thánh Agnès hiện ra lộn xộn, không thể đọc được (xin lỗi bạn đọc), tôi xin ghi nó lại đây:
* Theo truyền thuyết, là một trinh nữ 13 tuổi theo đạo Thiên chúa, bị lính giết vứt xác ở ngoại thành La Mã (năm 303), dưới thời Hoàng đế Dioclétien (245-313), sau trở thành nữ thánh bảo trợ cho các trinh nữ. (Chú thích của người dịch)
(Nếu anh Hiển sửa lại được trong bản văn thì hay lắm. Xin cám ơn anh trước.)
Đã chỉnh sửa,cảm ơn anh Quế Sơn.
Mình cũng đã xem qua hai bản dịch ,bản dịch của Quế Sơn có lẽ dễ đọc hơn.
Cám ơn anh đã cho nhận xét ưu ái.
Em đã xem cuốn sách này cách đây cũng khá lâu . Hay và thú vị lắm
Cám ơn chị AT đã phản hồi.