
Archive for Tháng Ba, 2018
Thắt thẻo chiều quê
Posted in Văn xuôi, tagged Cao Thị Hoàng on Tháng Ba 31, 2018| 73 Comments »

Tháng giêng lời thì thầm
Posted in Thơ ca, tagged Đặng Phú Phong on Tháng Ba 27, 2018| 8 Comments »

Mai mốt ta về
Posted in Thơ ca, tagged Cao Trọng Quế on Tháng Ba 27, 2018| 21 Comments »
Cao Trọng Quế

Tranh Họa sĩ Thân Trọng Minh
Mai mốt về dưới vầng trăng cổ độ
nhớ đêm xưa còn lắng một khoảng trời
bên dòng sông cánh hoa vàng nở rộ
nước xuôi dòng còn in bóng trăng trôi
Thơ ta viết lời tình còn nguyên mới
gởi cho em ngày biền biệt trùng khơi
thuyền viễn xứ , bến xưa còn chờ đợi
giữa biển đời lắm nẻo sóng chơi vơi ?
Mai ta về yêu thương làm rượu ngọt
rót cho say chếnh choáng với mâm đời
nghe dạ khúc nguyệt cầm gieo thánh thót
uống đi em , cho men dậy bờ môi
Ta đã về bên em lời ước hẹn
dìu đưa nhau đến chốn ít ai tìm
hãy thật lắng trong tận cùng tâm nguyện
siết vòng ôm cho máu chảy về tim
Ừ mai mốt rồi còn mai mốt nữa
tạ ơn đời cho ta được bên em
trời đất rộng , tình cho nhau muôn thủa
mai ta về mầm yêu nở dày thêm …!
Chattanooga 24/03/2016 QA.
Trường thiên tiểu thuyết Tây Sơn Tam Kiệt
Posted in Văn xuôi, tagged Vũ Thanh on Tháng Ba 18, 2018| 33 Comments »
Trường thiên tiểu thuyết Tây Sơn Tam Kiệt của nhà văn Vũ Thanh
Phần 2
NHẤT THỐNG SƠN HÀ
Đoạn kết
“Tư ngộ thiên thọ khánh tiết, thanh thiên ứng luật, hôn chử tại thì. Ngọc thụ phiêu hương, bích đào hiến trường sinh chi quả, ngân thiềm thổ diễm, băng hồ khai phục đán chi hoa. Tử ái nùng nhi khuê các đằng phương, thụy khí sảng nhi vu huy tăng sắc. Cẩn phụng biểu xưng hạ giả. Phục dĩ thụy khí trinh tường, thông uất phụng lân chi thái, quang thiên xiển lãng, chiếu hồi Dực chẩn chi hư, Quế điện truyền hương, tiêu đình dật khánh. Khâm duy Hoàng đế Bệ hạ, tài cao thiên cổ, đức phối lưỡng nghi. Cung thiên phi chấn vũ công. Tây thổ bí hưng vương chi sự nghiệp, thì hạ tứ trần ý đức, đông giao hoàn định quốc chi qui mô. Xích nhật minh nhi ngung nhược hữu phu, thọ tinh diệu nhi chiêm y cộng ngưỡng. Thần Xu điện nhiễu quang phù Vạn Thọ chi bôi, xương hạp vân khai dinh triệt thiên thu chi kính. Tứ tự thường điều ngọc chúc, ức niên vĩnh điện kim âu. Thần đức thiểm Quan thư, nhân tàm Cưu mộc. Trung khổn cận bồi chẩn tọa, bái chiêm bát thiên xuân sơ kỷ chi tiên trù, nội đình mật nhĩ thiều âm, cẩn chúc thiên vạn tuế vô cương chi đỉnh tộ.”
Dịch:
“Nay gặp khánh tiết mừng tuổi thọ của Hoàng đế, khúc nhạc Thanh thương ứng luật hợp tiết, cồn hoa đang độ. Cây ngọc đưa hương, cây bích đào dâng quả trường sinh; trăng bạc nhả ánh trăng trong, hồ băng lại nở hoa buổi sáng. Mây mù sắc tía nồng đượm mà khuê phòng hương nức, khí lành sáng tỏ mà áo xiêm thêm màu. Kính cẩn dâng bài biểu chúc mừng. Cúi lấy khí lành trình điềm tốt, tưng bừng màu sắc con phụng con lân, đầy khắp thiên hạ chiếu về cõi hư không sao Dực sao Chẩn. Ðiện quế truyền hương; sân tiêu tràn điều mừng. Kính nghĩ Hoàng đế Bệ hạ, tài cao thiên cổ, đức hợp với Trời và Ðất. Cung kính thi hành sự trừng phạt của Trời lớn lao chấn động vũ công, đất Tây Sơn đẹp đẽ hưng sự nghiệp đế vương; trần bày đức đẹp vào bản nhạc ca vĩ đại, ở cõi giao phía đông đã định xong qui mô của nước nhà. Mặt trời đỏ rạng mà nghiêm đáng tin (quẻ quan), sao thọ tinh chiếu sáng mà thiên hạ đều cùng ngưỡng lên trông mong nương tựa (thiên Tiểu biền, phần Tiểu nhã trong Kinh Thi). Sao xu của Bắc đẩu điện vây, ánh sáng nổi lên chen mừng Vạn thọ, cửa Trời mây mở, sắc trong thấu triệt mặt kính ngàn thu. bốn mùa thường điều hoà khiến cái đức của vua đẹp như ngọc sáng như đuốc, trong ức năm mãi vững chiếc lọ vàng. (more…)
Đêm nghe Dalida hát
Posted in Thơ ca, tagged Dalida, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh on Tháng Ba 18, 2018| 16 Comments »
Nguyễn Thị Ánh Huỳnh
12 giờ khuya nghe Dalida hát
Giọng ca trầm lúc em chưa dài tóc
Lúc buồn xót chưa làm anh rơi nước mắt
Chỉ toàn vui
Vậy mà tối nay nghe lại bỗng ngậm ngùi
Mưa một trận
Khàn khàn qua sa mạc (more…)
Heo tai xanh
Posted in Văn xuôi, tagged Nguyễn Trí on Tháng Ba 13, 2018| 11 Comments »
Truyện ngắn của Nguyễn Trí

Chân dung nhà văn Nguyễn Trí
Bẩy tuổi mới biết mặt ba. Thời chiến tranh nó vậy. Ba lên Xanh dẫn theo chú và anh biền biệt cho đến ngày thống nhất. Về, ba lại tiếp tục công việc đâu đó trên phố lớn. Tuy con quan, cháu quan, em quan nhưng mà quan cách mạng, vô sản gộc nên Hạnh – đi học về – cũng ống cao ống thấp phụ mẹ từ đồng áng, bếp núc… mác con quan chỉ giúp Hạnh được thầy cô ưu ái khoản trường lớp, nghĩa là học lực dù trung bình yêu yếu vẫn được cất nhắc lên hàng tiên tiến. Thời bao cấp và cấm vận quan cho chí dân ai cũng thắt lưng buộc bụng nên Hạnh mảnh như giấy là tất yếu. Mẹ còn mảnh hơn vì chồng năm thì mười một hoạ mới tạt qua nhà, dạo dạo đôi vòng là lên xe đi tiếp. Cả ông chú cũng nằm riệt đâu đó. Lâu lâu anh Tâm về. Chỉ lúc ấy Hạnh mới cảm nhận được mình có anh. Lúc đầu Hạnh có thắc mắc về ba, nhưng câu trả lời của mẹ muôn đời là ba bận việc cơ quan, bận lắm. Về sau Hạnh không hỏi, ba về cũng không quấn, ba đi Hạnh cũng ừ thì đi. Hạnh biết rõ vì sao ba không về nhà, vì sao ba nhạt. (more…)
ĐỌC VÀNG TRÊN BIỂN ĐÁ ĐEN của Elena Itala Pucillo Truong.
Posted in Nghiên cứu và phê bình văn học, tagged Elena Itala Pucillo Truong., Nguyễn Thị Thanh Xuân, VÀNG TRÊN BIỂN ĐÁ ĐEN on Tháng Ba 12, 2018| 9 Comments »
Nguyễn Thị Thanh Xuân
Có ai đó nói: nhà văn là người biết kể chuyện. Ý đó chắc nhiều người tán đồng, bởi những tác phẩm khởi nguyên của mọi nền văn chương đều tựa vào lối kể. Văn chương kể sẽ còn sống mãi, bởi con người luôn có nhu cầu được kể và nghe kể.
Bạn muốn nghe kể, hãy đến với Vàng trên biển đá đen của Elena Pucillo. Ở ngoài đời, nhà văn người Ý làm dâu Việt Nam này nói líu lo khi gặp bạn, nhưng trên trang viết, bà lúc rộn ràng, lúc âm thầm tiết chế.
Elena Pucillo đã lại mang đến cho chúng ta những mẩu chuyện về nhân thế trong Vàng trên biển đá đen. Cảm thức hương xa (exotique) về một miền Châu Á gió mùa nhiệt đới đã hòa trộn cùng nỗi niềm thân thuộc từ chốn quê chồng mà bà đã chọn để sống và viết lâu nay, kết tủa thành dung nham sáng tạo. (more…)
Dây cà dây muống về rau
Posted in Ẩm thực, Văn xuôi, tagged Phạm Thanh Hà on Tháng Ba 11, 2018| 11 Comments »
Phạm Thanh Hà
Có một lần con tôi, dạo nó còn bé, định nghĩa về rau thế này: Rau, là những cái lá trên mâm. Đơn giản thế, luộc xào nay nấu canh rồi vẫn là lá.
Nhiệm vụ của tôi là mỗi bữa dỗ dành nó ăn thêm mấy chiếc lá, rồi thêm mấy chiếc lá nữa…, nhưng đấy là lúc nó đã biết nói. Dạo ăn cháo hay bột, trẻ em ăn các thứ rau củ xay nhuyễn, tất nhiên chúng chẳng biết gì về rau. Còn các bà mẹ thì hầu hết thấm thía quan điểm ăn rau có lợi cho sức khỏe, nên ngoài việc cố gắng nhuộm màu bát bột hay xanh hóa bữa ăn của con nói chung, của gia đình nói riêng, chỉ lo ép con ăn được nhiều rau cho đủ chất. Rau, được nhìn nhận đầu tiên ở giá trị dinh dưỡng. Vào cái thời phiếu thịt tháng 2 lạng, còn mớ rau muống to cả một vòng tay ôm. Thì giá trị dinh dưỡng ấy mang tính phổ quát
Tôi nhớ một cái bài vè dài loằng ngoàng thời sinh viên, thời mà bọn học khoa Văn căn cứ vào bếp ăn tập thể để đưa ra định nghĩa về khí hậu: “ Nước ta một năm chia ra làm hai mùa, mùa rau muống và bắp cải”. Cái bài vè ấy tên là Trường ca Rau Muống : “ Em ơi mai mốt sẽ già/ chỉ cây rau muống mãi là trẻ trung/ Muống gan dạ muống anh hùng/ muống là cầu nối khắp vùng gần xa/ Cơn bão số tám tràn qua/ đồng bào Nghệ Tĩnh ắt là thiếu rau/ Muống chen lên khắp toa tàu/ muống là tình nghĩa trước sau vẹn toàn/ Nước mình còn lắm gian nan/ còn cây rau muống xếp hàng tiến lên…”… Đại khái thế, rất dây cà ra dây muống.
À đấy, đã muống lại phải cà. Anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương…
Rau Việt Nam bao nhiêu loại, vào ca dao tục ngữ chẳng có bao nhiêu, gió đưa cây cải về trời hay râu tôm nấu với ruột bầu, với một ý nghĩa thật ra không liên quan mấy đến rau. Rau là thứ chẳng thể thiếu, nhưng cứ như không cần…Mời nhau mà nói mời bữa cơm rau thì nghe khiêm tốn nhũn nhặn. Vào mâm cơm, tỏ ra ý nhị cứ phải gắp miếng rau trước, miếng thịt sau… “ Nhìn rau gắp thịt” là cả một sự cợt cười. Lạ thế! Cái sự trọng thịt hơn rau chẳng khác mấy sự trọng nam khinh nữ trong cái xã hội mình.
Mà, người ta vẫn biết, thịt có thể thiếu, chứ rau là không thể. Nhưng thịt là thịt, mà rau vẫn là rau. Rau đi với cỏ, rau cỏ, mà những con gì ăn cỏ thì biết rồi đấy !
Giá như có thể thay đổi điều này, để nhìn rau một cách khác.
Khi tôi nói tôi muốn đặt lại giá trị của cây rau trên mâm, một số người hỏi ngay : Muốn ăn chay à?
Không, tại sao cứ rau là phải chay. Ăn chay tất nhiên rất tốt, và ăn chay cũng có nhiều cách. Tôi kính trọng phương pháp thực dưỡng OHSAWA, chẳng hạn thế, ăn vì sức khỏe, sự thanh tịnh và sáng suốt tâm trí, giúp mọi người có cái nhìn sáng suốt về thực phẩm hữu cơ…Phải là người có tâm thiền mới áp dụng phương pháp thực dưỡng này lâu bền
Nhưng cũng có một cách khác, trong nhiều cách khác nữa, để ăn vì sức khỏe, vì một năng lượng xanh và sạch, tâm trí cũng sáng suốt, cũng chỉ dùng thực phẩm hữu cơ, mà lại không phải vận dụng đến một cách thức nào đó giống như nghi lễ, khi ăn. Thì rau cỏ bình thường trên mâm chính là cách ấy, chỉ có điều, phải ăn rau một cách khác, nghĩ về rau một cách khác.
Ăn bằng xúc cảm, là điều mọi người nên nghĩ lúc ăn rau
Tôi vẫn mong có một cuốn sách về rau, mọi vùng rau Việt, mà chỉ một ngọn lá hay một cái cọng, mọc ở Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ…đã có mùi vị khác nhau. Mọc ở đồng bằng hay vùng cao, cũng khác nhau, mọc đầu hay cuối vụ, thậm chí đầu hay cuối một cơn mưa… cũng khác nhau. Chỉ ví dụ một cây rau cải thôi. Mùa cải ra ngồng, cải ra hoa. mùa cải tỉa, rồi vị cải đắng, và dưa cải chua đôi lúc nhớ nhung như một ám ảnh về thời gian, về những mùa đi, về năm tháng. Rồi cải dưới ruộng, cải trên nương, có biết bao điều để nói về cải (tất nhiên trừ báo lá cải). Người ta cứ nói đặc sản vùng miền kiểu như lợn Mường, gà Đông Tảo, bò Hà Giang, cá sông Đà…, chẳng có gì sai, nhưng so với rau thì nghèo nàn lắm. Rau mới mang đặc trưng vùng miền, rau mới mang phong vị ẩm thực từng vùng. Rau, và cách ăn rau mới thể hiện rõ rệt nhất văn hóa bản địa. Lấy một ví dụ khác, rau đắng, còn thương rau đắng sau hè là cái thứ rau mọc loi nhoi, bé bỏng gần gặn bên nhà. Nhưng miền núi Thanh Hóa có cay lá đắng, cây thân mộc khá cao, lá đem nấu phải giã nát, nấu với thịt băm, hay nội tạng, thêm mẻ, mắm tôm, sả…đắng gắt gao mà đàng hoàng. Vị của canh đắng này rất lạ , chỉ ăn một lần là không quên. Cũng canh đắng, vào chợ Sơn La hỏi lá đắng, dễ đến mấy loại. Xứ này còn cà đắng ở Phù Yên, nhỏ như đầu đũa, tròn trĩnh xinh xắn, nấu được cả với cá hoặc với thịt, đắng êm dịu…Cứ lang thang đi tìm một vị nào đó, chua cay mặn ngọt chát…, từ vùng nọ sang vùng kia, chỉ có tìm ở rau. Một loại rau làm được bao nhiêu món. Có những món không còn tìm thấy nữa trong thực đơn hàng ngày, nhưng nó tồn tại đâu đó trong tâm tưởng. Hôm trước tôi ngồi nghe một phụ nữ rất giàu có, chủ một hiệu vàng, mà lại nói về món chạch khoai, là cái nõn khoai môn, nấu sấu giờ chẳng mấy ai còn biết. Nghe bà ấy tả tỷ mỷ từng công đoạn nấu món chạch khoai này mà cũng thấy rung rung vì cái sự thấu hiểu một món rau đến mức cặn kẽ như thế.
Về cái chuyện ăn, có rau, đủ mọi loại rau, (hay mọi loại thịt, cá ) vẫn là chưa đủ. Cần có một triết lý về sự ăn nữa…Gia vị và cảm xúc đem lại cho rau những giá trị rất lạ lùng. Ở một nhà hàng nọ, tôi ăn món rau bò khai xào, (rau bò khai là thứ rau được coi là đặc sản tỉnh Lạng Sơn ), thường thì rau bò khai người ta hay trộn nộm, hoặc xào tỏi, đến mức tôi nghĩ thứ rau ấy chỉ làm được mấy món ấy. Hóa ra, rau bò khai xào lạc, giống như dưới quê người ta hay xào mướp với lạc, dưa với lạc…, thứ lạc tươi hoặc lạc khô ngâm nước, bỏ vỏ giã dập, là một món quá ngon. Chẳng có gì lạ ở phần nguyên liệu, chỉ là cách kết hợp khác nhau tạo nên sự lạ miệng trong một món ăn. Với rau, rõ là còn quá ít sự đầu tư để tạo một hương vị mới, người ta vẫn chỉ quan tâm rau bẩn, rau sạch, hay giá trị dinh dưỡng của rau. Sử dụng rau như một nguyên liệu chính để tạo ra những món ăn mới mẻ và hấp dẫn còn là chuyện xa xa phía trước. Rau cần những cuộc phiêu lưu mới trong những gian bếp gia đình.
Định vị lại rau trong bữa ăn, ăn rau đúng cách. Không phải chay, mà là ăn rau hữu cơ, cùng với thịt cá hữu cơ, với liều lượng vừa phải và tinh thần tôn trọng thực phẩm ở mức cao nhất… Ước gì chúng ta có thể làm sớm điều này vì nền ẩm thực hỗn tạp đang rất thiếu rau của Việt Nam./. (more…)
Nhân ngãi
Posted in Văn xuôi, tagged Hoàng Thanh Hương on Tháng Ba 4, 2018| 13 Comments »
Truyện ngắn Hoàng Thanh Hương

Tranh đinh trường chinh
Tháng cô hồn, ai cũng e ngại, ai cũng kiêng cữ. Dậu nghe mẹ dạy hồi còn bé xí rằng tháng 7 âm lịch “ai còn mẹ thì đừng làm mẹ khóc/ đừng làm buồn lên mắt mẹ nghe không?”. Dậu nghe thế, hiểu sơ sơ nghĩa là phải thương mẹ nhiều, không được làm mẹ buồn, mẹ khóc thế mới là con cái hiếu thảo. Dậu nghe người già kể rằng hàng năm cứ tháng 7 âm lịch Diêm Vương mở cửa địa ngục cho các linh hồn ma quỷ về trần gian hưởng lộc bố thí, cúng dường của người trần từ ngày 2 đến 14. Ai có người thân đã mất, tháng này sắm sanh cúng lễ chu đáo để báo đáp tình nghĩa. Hương linh lang thang không ai thờ cúng thì các gia chủ đều sắm cho mâm lễ ngoài sân mời đến hâm hưởng mà thỏa mãn, không quấy phá gia chủ… Rồi mẹ dặn Dậu phải kiêng tắm khuya, kiêng phơi quần áo ngoài trời đêm, kiêng đi chơi khuya, kiêng nói to gọi nhau í ới trong đêm vắng, kiêng khua chén khua đũa chập tối, mờ sáng… thôi thì bao nhiêu là kiêng cữ trong tháng cô hồn để tránh ma tà xâm phạm đến nhà cửa, bản thân. Ở đời Dậu chả sợ ma, cũng chả biết ma dạng hình gì, phim ảnh chiếu tùm lum mỗi nước mỗi kiểu ma quỷ, dữ hiền, ghê rợn có hết nhưng đấy chỉ là tưởng tưởng của mấy vị nhà văn, nhà đạo diễn, quay phim còn ma thật Dậu chả gặp bao giờ, dầu cũng từng mong. Dậu chả sợ ma. Dậu sợ người, họ là ma đầu đen. Những kẻ trước mặt Dậu vừa miệng mồm ngọt nhạt như kem như kẹo đấy, Dậu vừa đi khuất lưng, vừa vắng họp là cong môi tâu hớt, phê bình văng vãi. Nên Dậu thích vắng họp, để tìm ra kẻ đối đầu với mình. Miều sẽ nói lại không sót dấu phẩy nào những lời vài kẻ phê bình vùi dập Dậu nơi những cuộc họp dài lê thê chán như con gián với những mặt người quanh quẩn, buồn tẻ. Ma đầu đen đáng sợ gấp tỉ lần ma tưởng tượng. (more…)
Tận tình
Posted in Thơ ca, tagged Chế Diễm Trâm on Tháng Ba 4, 2018| 13 Comments »
Chế Diễm Trâm
Giã từ thơ túi rượu bầu
Trăng mười ba đã bớt màu xanh xao.
Tóc bay mấy độ chênh chao
Ôm nghiêng vai mộng nghe sao dại khờ.
Vàng trăng biết mấy bến bờ
Con đường dốc đá ơ hờ mù tăm.
Cổ nguyệt tiền kiếp xa xăm
Một lần em hát anh nằm chiêm bao.
Thôi thì thôi nhé kiếp nào
Tận tình
muôn thuở trúc đào
đêm xuân…
1.3.2018