Quế Sơn dịch
Nguyên tác tiếng Đan Mạch: Forförerens Dagbog trong tập: Enten-Eller (Hoặc là-Hoặc là), xuất bản lần đầu năm 1843 ở Copenhagen, Đan Mạch.
Bản tiếng Việt dựa trên bản dịch tiếng Anh: The Seducer’s Diary, Nhà xuất bản Princeton University Press, New Jersey, Mỹ, bản in năm 1997; và tham khảo thêm bản dịch tiếng Pháp: Le Journal du séducteur, Nxb. Gallimard, Paris, Pháp, bản in năm 2011.
Phuong Nam Book và Nxb Văn Học liên kết xuất bản, tháng 6-2015, 286 trang.
Các trích đoạn đăng dưới đây đã có sự đồng ý của Phuong Nam Book.
Sua passion’ predominante
è la giovin principiante
(Don Giovanni, aria no.4)
Niềm đam mê nổi trội của ông ta
là chinh phục các cô gái trẻ mới biết yêu
(Don Giovanni, khúc đơn ca số 4) [1]
Trích đoạn 1.-
(Nhân vật xưng tôi ở chương mở đầu này là người phát hiện và sao chép lại cuốn nhật ký của «anh ta», tức kẻ mị tình mang tên Johannes. Quế Sơn)
Ngoài những thông tin đầy đủ về mối quan hệ giữa anh ta và Cordelia [2], nhật ký còn có thêm vài sự mô tả sinh động ngắn gọn được đặt xen lẫn chỗ này, chỗ kia. Và anh ta luôn luôn ghi “NB” [3] ở bên lề những đoạn mô tả đó. Chúng chẳng có liên hệ gì với câu chuyện của Cordelia nhưng chúng đã cho tôi một ý tưởng sống động về ý nghĩa của một thành ngữ mà anh ta thường dùng, dù là trước đó tôi đã hiểu nó một cách khác: “Ta phải luôn luôn thủ sẵn dây cước để câu cá”. Nếu như tập trước của nhật ký này rơi vào tay tôi thì chắc là tôi đã tìm thấy nhiều đoạn mô tả khác mà anh ta gọi bên lề là: actiones in distans [4], bởi vì chính anh ta nói ra là Cordelia đã chiếm cứ tâm trí anh ta quá nhiều khiến anh ta thực sự không có thời giờ để nghĩ đến chuyện khác.
Không lâu sau khi đã bỏ rơi Cordelia, anh ta có nhận từ nàng vài bức thư mà anh ta gởi trả lại không thèm mở ra. Chúng cũng nằm trong những bức thư mà Cordelia trao lại cho tôi. Do nàng đã bóc chúng ra trước nên tôi tự cho phép mình sao chép lại. Nàng đã không bao giờ kể ra nội dung những thư này với tôi, nhưng hễ khi nào nàng đề cập đến mối quan hệ giữa mình với Johannes thì nàng thường ngâm lên một câu thơ ngắn, theo chỗ tôi biết là của Goethe, — một câu thơ có vẻ mang những ý nghĩa khác nhau đối với nàng, do tùy vào tâm trạng của nàng khi này lúc nọ, và tùy vào cách thức khác nhau mà tâm trạng đó xui khiến nàng ngâm câu thơ:
Gehe, Hãy đi đi,
Verschmähe Hãy coi thường
Die Treue, Lòng chung thủy,
Die Reue Niềm hối tiếc
Kommt nach Sẽ theo sau [5]
Đây là những bức thư:
Anh Johannes của em,
Em sẽ không bao giờ gọi anh là “Johannes của em”, bởi vì em biết rõ anh đã không hề là “của em”, và em đã bị trừng phạt khá khắc nghiệt do để cho tâm hồn mình vui thú với ý nghĩ này; thế nhưng, em thực sự vẫn gọi anh là “của em”: kẻ mị tình của em, kẻ lừa dối của em, kẻ thù của em, tên sát nhân của em, nguyên do nỗi bất hạnh của em, mộ phần cho niềm vui sướng của em, vực thẳm tai ương của em. Em gọi anh là “của em” và tự gọi em là “của anh”, và cũng như ngày xưa đó, những lời gọi tha thiết này đã làm anh vui tai, anh đã nghiêng mình một cách hãnh diện để tỏ lòng yêu quý em, thì hôm nay chúng sẽ nghe ra như một lời nguyền rủa chính anh, một lời nguyền rủa vang vọng từ bây giờ cho đến thiên thu. Anh đừng tỏ ra vui mừng với cái suy nghĩ là em có ý định đeo bám anh hay lăm le cầm một con dao găm để làm trò cười trước mặt anh! Anh cứ lẩn trốn ở bất cứ nơi nào anh muốn, em vẫn là em của anh; anh có đi đến tận cùng trời cuối đất thì em vẫn là em của anh. Anh có yêu cả trăm cô gái khác thì em vẫn là em của anh — thật vậy, thậm chí vào giây phút rời bỏ trần gian này, em là của anh. Chỉ riêng cách ăn nói mà em sử dụng đối với anh chắc chắn chứng tỏ trước anh rằng em là của anh. Anh đã tỏ ra bạo gan lừa dối một con người theo một cách mà anh trở thành tất cả đối với em, đến nỗi em chỉ cảm thấy vui sướng khi làm nô lệ cho anh. Em là của anh, của anh, của anh, em là lời nguyền độc của anh.
Cordelia của anh
Anh Johannes của em,
Ngày xưa có một người đàn ông giàu có, sở hữu những đàn bò, đàn cừu lớn nhỏ không kể xiết. Và có một đứa con gái nhỏ tội nghiệp, nó chỉ có độc nhất một con cừu non mà nó tự tay cho ăn, cho uống. Anh là người đàn ông giàu có đó, rạng rỡ với tất cả vẻ đẹp lộng lẫy của thế gian; em là đứa con gái tội nghiệp đó, cả tài sản có được thì không gì khác ngoài tình yêu của em thôi. Anh đã nắm lấy tình yêu đó, đã vui hưởng nó. Rồi dục vọng vẫy gọi anh, và anh liền hy sinh ngay cả chút ít tài sản mà em có đó — nhưng anh chẳng hy sinh chút gì từ của riêng anh. Ngày xưa có một người đàn ông giàu có, sở hữu những đàn bò, đàn cừu đông đúc. Và có một đứa con gái nhỏ tội nghiệp, nó chỉ sở hữu một tình yêu của mình.
Cordelia của anh
Anh Johannes của em,
Vậy thì chẳng có chút hy vọng nào phải không? Tình yêu của anh không bao giờ thức dậy một lần nữa sao? Anh đã yêu em trước đây, em biết chứ, dù là em không biết điều gì đã làm em tin chắc như vậy. Em sẽ đợi chờ anh, dù thời gian có kéo dài đến đâu đi nữa; em sẽ chờ đợi anh, chờ cho tới khi nào anh chán yêu các cô gái khác. Khi đó thì tình yêu anh dành cho em sẽ sống dậy từ huyệt mộ, và em sẽ yêu anh như thường lệ, như trước đây, ôi anh yêu, như ngày xưa đó! Anh Johannes ơi, sự lạnh lùng nhẫn tâm đối với em có phải là bản chất thực sự của anh không? Tình yêu của anh, trái tim rộng lượng của anh, không lẽ chỉ là một điều bịa đặt, một sự lừa dối cố ý hay sao? Bây giờ anh có trở lại con người thật của anh chưa? Xin anh hãy tỏ ra kiên nhẫn với tình yêu của em; xin anh hãy tha thứ vì em cứ tiếp tục yêu anh.Em biết tình yêu của em là một gánh nặng cho anh, nhưng chắc chắn sẽ có một ngày anh sẽ quay về với Cordelia của anh. Cordelia của anh đây! Xin anh hãy nghe lời khẩn cầu này! Cordelia của anh.
Cordelia của anh
Mặc dù Cordelia không có được trình độ hiểu biết mà nàng ngưỡng mộ nơi anh chàng Johannes của mình, nhưng thấy rõ là nàng không phải là không biết thích nghi với hoàn cảnh. Tâm trạng của nàng được biểu lộ rõ ràng trong từng lá thư, dù đôi khi lối diễn đạt của nàng thì có phần mù mờ. Điều này đặc biệt đúng trong lá thư thứ hai, người ta phải suy đoán hơn là thực sự hiểu những ý nghĩ của nàng, nhưng dưới mắt tôi, khuyết điểm này càng làm cho ta xúc động nhiều hơn.
Trích đoạn 2.-
(Nhân vật xưng tôi trong nhật ký ở đây là Johannes, đang ra sức tìm gặp lại trong kinh thành Copenhagen cô gái mà anh ta thoáng thấy một lần ngoài phố… sau này anh ta mới biết cô tên là Cordelia. Quế Sơn)
Chân dung S. Kierkegaard (1813-55)
Ngày 20 tháng tư
Một điều kiện chủ yếu trong mọi sự hưởng thụ lạc thú chính là phải tự giới hạn. Hình như là tôi sẽ không tìm ra được ngay tin tức về cô gái đang choán đầy tâm hồn và trí óc tôi đến nỗi cảm giác thiếu thốn cứ lan tỏa ra mãi. Nhưng giờ thì tôi sắp sửa bình tâm được đây, bởi vì tôi thấy cũng có sự dịu ngọt trong trạng thái cảm xúc tối tăm và mơ hồ nhưng mãnh liệt này. Tôi bao giờ cũng thích nằm trong chiếc thuyền vào một đêm trăng tỏ lênh đênh trên một trong những cái hồ đẹp của chúng ta. Tôi cuộn buồm, gác mái chèo, tháo bánh lái, ngả lưng nằm dài và đưa mắt nhìn lên vòm trời đăm đăm. Khi sóng lắc nhẹ con thuyền, khi gió thổi mây trôi mau, và vầng trăng khi mờ, khi tỏ, tôi thấy được cõi lòng mình thanh thản trong cảnh trăng nước thao thức này; sóng nước đu đưa khiến tôi nguôi ngoai, sóng vỗ mạn thuyền nghe như lời ru đều đều, mây bay vội vã, ánh sáng và bóng tối luân phiên thay đổi, tất cả làm tôi ngất ngây đến nỗi tôi nằm mơ mà mắt mở thao láo. Bây giờ tôi vẫn nằm cùng kiểu như vậy, sau khi đã cuộn buồm và tháo bánh lái, và thấy mình bồng bềnh trong vòng tay của niềm khao khát và nỗi ngóng chờ nôn nao; niềm khao khát và nỗi ngóng chờ thì càng lúc càng nguôi ngoai, càng lúc càng làm tôi vui sướng: chúng nâng niu tôi như đứa trẻ. Ở phía trên tôi là vòm trời chứa chan hy vọng; hình bóng của cô gái trôi giạt trước mắt tôi như hình bóng của vầng trăng mờ ảo, khi thì làm tôi chóa mắt với ánh sáng, khi thì làm tôi mù lòa với bóng tối. Ôi, thích thú biết bao để mình đu đưa như thế theo dòng nước đang trôi, ôi vui thú làm sao để mình đu đưa ngay tự bên trong mình.
Ngày 21 tháng tư
Ngày nối ngày qua đi, và tôi cũng chẳng tiến được bước nào. Những cô gái trẻ vẫn gây cho tôi nhiều khoái cảm hơn bao giờ hết, vậy mà tôi lại không thấy ham muốn để mình vui thú. Tôi tìm nàng khắp nơi. Việc này khiến tôi trở nên không biết điều, mắt nhìn thì ngẩn ngơ, tâm tình thì mất hứng. Những ngày trời đẹp sẽ sớm đến nơi chốn này, các đường phố, các ngõ hẻm sẽ náo nhiệt lên và người ta sẽ làm những chuyện cợt nhả nhỏ nhặt mà vào mùa đông, trong những sinh hoạt vui chơi của giới thượng lưu, người ta sẽ phải trả giá khá đắt, bởi vì một cô gái trẻ có thể quên đi rất nhiều thứ nhưng không quên một tình huống nào đó. Đúng là cuộc sống vui chơi của giới thượng lưu tạo cho tôi cơ hội tiếp xúc với phái đẹp, nhưng nó thì không thích hợp để bắt đầu một chuyện tình. Trong những sinh hoạt như thế, từng cô gái đều được canh giữ, tình huống thì nhạt nhẽo và cứ lập đi lập lại, và họ thì không cảm thấy một cơn sốc khoái cảm nào. Nhưng một khi họ ra ngoài phố thì y như ra ngoài biển rộng, và do đó mọi sự sẽ tác động đến họ mạnh hơn, và mọi sự cũng sẽ bí ẩn hơn. Tôi sẽ sẵn sàng bỏ ra một trăm đồng rix-dollar [6] cho một nụ cười từ một cô gái đang đi qua phố, nhưng không đến mười đồng để nhận một cái bắt tay của nàng trong một buổi tiệc sang trọng: cũng là tiền đấy nhưng thuộc hai loại hoàn toàn khác nhau. Khi cuộc phiêu lưu tình ái bắt đầu thì ta tìm con người liên quan đó ở các buổi tiệc. Ta có sự thông đồng bí mật với nàng, và điều này thì hấp dẫn lắm đấy; đó là sự kích thích mãnh liệt nhất mà tôi biết. Nàng không dám nói về điều này, vậy mà nàng nghĩ về nó; nàng không biết người ta đã quên nó hay không; người ta đánh lừa nàng khi thì bằng cách này, khi thì bằng cách kia. Năm nay sự thu hoạch của tôi thì ít ỏi; cô gái trẻ này chiếm cứ tâm trí tôi quá nhiều. Theo một nghĩa nào đó, lợi lộc có được thì chẳng bao nhiêu nhưng tôi quả có triển vọng giành được lô độc đắc.
Ngày 5 tháng năm
Ôi cái tình cờ chết tiệt! Tôi đã không hề nguyền rủa em vì sự xuất hiện của em, tôi nguyền rủa em vì em không ra mặt chút nào. Hay có phải điều này có lẽ được cho là một trong những sáng kiến mới của em, ôi em, một hữu thể không thể hiểu nổi, người mẹ vô sinh của vạn vật, một tàn dư duy nhất còn lại từ cái thời kỳ khi mà tính tất yếu sinh ra sự tự do và sự tự do để cho mình bị lừa gạt trở về nằm trong bụng mẹ lần nữa? Ôi cái tình cờ chết tiệt! Ôi em, người bạn tâm tình độc nhất của tôi, một con người mà tôi cho rằng xứng đáng vừa làm đồng minh, vừa làm kẻ thù của tôi, bao giờ cũng không thay đổi dưới những dáng vẻ đổi thay của em, bao giờ cũng không thể hiểu được, bao giờ cũng là một điều bí ẩn! Ôi em, người mà tôi yêu thương với tất cả sự đồng cảm trong tâm hồn, là người mà hình ảnh tôi tự tạo mình theo [7], sao em không ra mặt? Tôi không ăn mày ai, tôi không khúm núm xin xỏ em xuất hiện theo cách này hay cách nọ, bởi vì một sự tôn sùng như thế sẽ thực sự là một sự sùng bái thần tượng và sẽ không dễ chịu gì đối với em. Tôi thách thức em ra đọ sức, sao em vẫn không xuất hiện? Hay có phải con lắc của vũ trụ đã ngừng chuyển động, có phải điều bí ẩn của em đã tỏ lộ, và cả em nữa, có phải em đã buông mình xuống giữa lòng biển cả vĩnh hằng? Một ý tưởng kinh khiếp! thế gian sẽ đi đến chỗ dừng lại vì buồn chán! Ôi cái tình cờ chết tiệt! tôi đang đợi chờ em đây! Tôi không muốn thắng em bằng cách nhân danh những nguyên tắc này nọ, hay bằng những gì mà mấy thứ đồ ngốc gọi là tính cách — không đâu, tôi dứt khoát sẽ là nhà thơ của em! Tôi không muốn làm nhà thơ cho bất cứ ai khác; ôi, em hãy hiện ra đi, và tôi sẽ là nhà thơ của riêng em. Tôi sẽ ăn lấy, ăn để bài thơ của chính mình, và tôi sẽ nuôi dưỡng mình bằng thực phẩm ấy. Hay có phải em thấy tôi không xứng đáng? Tương tự như người vũ nữ ở các đền đài nhảy múa để tôn vinh thần thánh, tôi cũng hết lòng giúp đỡ em; tôi thì ăn mặc mỏng manh, tay không, nhanh nhẹn, mềm mỏng, tôi từ bỏ tất cả; tôi không sở hữu bất cứ cái gì; tôi không ham muốn sở hữu cái gì; tôi không yêu thích cái gì; tôi không có gì để mất — nhưng nhờ đó mà không chừng tôi trở nên xứng đáng hơn với em, một người từ lâu chắc đã chán tước đoạt từ người khác những gì họ yêu thích, chán với những tiếng than van khiếp nhược, chán với những lời cầu xin hèn hạ của họ. Hãy làm tôi kinh ngạc đi em — tôi sẵn sàng rồi đấy. Không có đánh cược đâu — chúng ta hãy đọ sức với nhau vì danh dự thôi mà. Hỡi trời cao đất dày, hãy cho tôi thấy nàng, hãy chỉ cho tôi một khả năng mà đối với tôi thì có vẻ bất khả; hãy chỉ cho tôi tìm thấy nàng giữa bóng tối của chốn âm cung, và tôi sẽ đưa nàng về dương thế [8]. Hãy để nàng căm ghét tôi, khinh rẻ tôi, lạnh lùng với tôi, hãy để nàng yêu một kẻ nào khác — tôi không sợ đâu, nhưng hãy khuấy động mặt nước [9], hãy phá tan sự im lặng. Bỏ tôi đói khát kiểu này thì thật là xấu hổ, tuy thế mà em cứ tưởng mình mạnh mẽ hơn tôi cơ chứ.
Ngày 6 tháng năm
Mùa xuân đang đến. Cây lá khắp nơi đâm chồi nẩy lộc, và các cô gái cũng vậy. Những tấm áo choàng của họ được xếp sang một bên, và cái áo choàng màu lục của tôi nữa có lẽ cũng được cất vào tủ. Đây là hậu quả của việc làm quen với một cô gái ngoài đường phố chứ không phải trong giới thượng lưu, nơi mà ta biết được ngay lập tức tên nàng, gia đình nàng, nơi nàng sống, nàng có đính hôn chưa. Điều cuối này là một thông tin cực kỳ quan trọng đối với tất cả những kẻ cầu hôn điềm tĩnh và kiên định, đơn giản là vì họ không bao giờ nảy ra ý nghĩ đem lòng yêu một cô nàng đã đính hôn. Một kẻ đi thong dong ngoài phố như thế rồi sẽ bị rơi vào nỗi đau khổ chết người nếu như anh ta ở địa vị tôi; anh ta sẽ bị suy sụp hoàn toàn nếu anh ta thành công trong nỗ lực tìm ra những thông tin cần thiết, và nhất là anh ta còn được tặng thêm chi tiết là nàng ta đã đính hôn. Tuy vậy, chuyện này không làm tôi bận tâm nhiều lắm. Vấn đề đính hôn không là cái gì ngoài một sự khó khăn mang tính hài hước. Tôi không sợ những sự khó khăn cả hài hước lẫn bi thảm; tôi chỉ sợ những sự khó khăn langweilige [10]. Cho tới bây giờ tôi đã không có lấy dù là một mẫu tin nhỏ, dẫu cho tôi chắc chắn đã bỏ công lục lạo mọi thứ, và tôi nhiều lần đã cảm nhận sự thật trong lời thơ của thi sĩ:
Nox et hiems longœque viœ, sœvique dolores
Mollibus his castris, et labor omnis inest [11]
Đêm, bão tố, những hành trình khổ ải,
Đủ đau thương doanh trại ái ân này.[12]
Có lẽ nàng không sống trong thành phố Copenhagen này đâu; có lẽ nàng đến từ vùng quê nào đó, có lẽ, có lẽ — tôi có thể nổi điên lên mất với tất cả những cái có lẽ này, và tôi càng nổi điên thì lại càng có nhiều cái có lẽ. Tôi luôn luôn có sẵn tiền bạc để có thể lên đường đi đây, đi đó bất cứ lúc nào. Tôi đã hoài công tìm nàng ở nhà hát, ở những buổi hòa nhạc, những buổi khiêu vũ, những buổi đi dạo. Theo một nghĩa nào đó, tôi cảm thấy vui lòng: một cô gái trẻ mà tham dự nhiều vào những trò tiêu khiển như thế thì thường thường không đáng để ta chinh phục; trong phần nhiều trường hợp, cô ta thiếu hẳn tính cách độc đáo mà đối với tôi, đó là và vẫn là một conditio sine qua non[13]. Tìm ra được một Preciosa[14] giữa những cô “Gyp-xi” thì không khó hiểu bằng tìm được nàng ở những buổi chợ phiên, nơi mà người ta đưa ra bán những cô gái trẻ — trời ơi, điều này được nói ra không có ác ý mà, tất nhiên là vậy rồi!
- Don Giovanni là một vở nhạc kịch (opera) của nhà soạn nhạc thiên tài người Áo, Mozart (1756-91) dựa trên nhân vật huyền thoại có nguồn gốc Tây Ban Nha là Don Juan, một kẻ chinh phục phụ nữ vô đạo và tàn nhẫn, được đưa lên sân khấu lần đầu tiên vào năm 1787, và đến nay vẫn còn được trình diễn trên thế giới. Kierkegaard ca ngợi đó là “một tác phẩm không tì vết, đạt tới sự hoàn hảo liên tục.”
Câu hát tiếng Ý được Kierkegaard trích dẫn này là một phần của câu đầy đủ như sau: “Delle vecchie fa conquista/ Pel piacer di porle in lista/ Sua passion’ predominante/ È la giovin principiante.” (Ông ta chinh phục các mụ già chỉ để làm dài bảng danh sách; nhưng niềm đam mê nổi trội của ông ta là chinh phục các cô gái trẻ mới biết yêu.)
Khúc đơn ca số 4 là một trong những “aria” nổi tiếng và được ưa chuộng nhất của Mozart, qua đó tên đầy tớ Leporello diễn tả và liệt kê số đàn bà, con gái mà ông chủ mình, Don Juan, đã chinh phục được, ví dụ như ở Ý: 640, Đức: 231, Pháp: 100… nhưng ở Tây Ban Nha, con số đó lên đến 1003!
(Tất cả chú thích là của người dịch, trừ có vài chỗ ghi khác)
- Cordelia cũng là tên một tên nhân vật chính trong vở bi kịch nổi tiếng ra đời năm 1606, King Lear (Vua Lear) của nhà soạn kịch vĩ đại người Anh, William Shakespeare (1564-1616). Ông vua già Lear yêu thích hai cô con gái đầu vì họ giỏi nịnh bợ ông, ruồng bỏ cô gái út là Cordelia vì tính trung thực của nàng… vì thế mà dẫn đến những hậu quả khủng khiếp cho vương triều cũng như số phận của ông và của nhiều người khác…
- 3. Viết tắt của “Nota Bene” (tiếng La-tinh) có nghĩa là đánh dấu, ghi lại rõ ràng hay “Chú ý!” (lời ghi trước một nhận xét quan trọng để người đọc chú ý).
- 4. Tiếng La-tinh, có nghĩa: sự tương tác giữa hai vật thể cách xa nhau, không qua trung gian nào hết.
- 5. Thơ tiếng Đức trong nguyên tác, của nhà văn lớn người Đức, J.W. von Goethe (1749-1832). (Dịch theo bản dịch tiếng Anh, trang 15).
- 6. Một đơn vị tiền tệ bằng bạc đúc, lưu hành ngày trước ở các nước Bắc Âu, trong đó có Đan Mạch.
- 7. Ở đây tác giả quy chiếu đến việc Chúa Trời tạo ra con người theo hình ảnh mình, vào ngày thứ sáu thuở khai thiên lập địa. Sáng Thế Ký 1: 26, 27 : “Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,
Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.”
(Theo bản dịch Cựu Ước của “Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ”)
- Theo thần thoại Hy Lạp, Orpheus, nhà thơ và nhạc sĩ, xuống tận địa ngục để tìm người vợ, Eurydice, bị rắn cắn chết, và được phép dẫn vợ về dương thế với điều kiện không được nhìn nàng trước khi qua khỏi ngưỡng cửa địa ngục. Orpheus bỗng dưng quên mất điều kiện này, ngoái đầu nhìn Eurydice đang đi phía sau quá sớm, và nàng biến mất vĩnh viễn!
- Ở đây tác giả quy chiếu đến Phúc âm theo thánh John (Giăng hay Gioan), chương 5:2,3,4 :“Tại Giêrusalem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Hipri gọi là Bếtdatha. Hồ này có năm hành lang. Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó, (chờ cho nước động, vì thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống hồ khuấy nước lên; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi. ” (Theo bản dịch Tân Ước của “Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ”,
http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/vnbible/vngioan/gioan05.htm )
Giêrusalem= Jerusalem; Cửa Chiên= Sheep Gate; Hipri= Hebrew; Bếtdatha= Bethesda
- 10. Tiếng Đức trong nguyên tác, có nghĩa: buồn nản, chán ngắt…
- 11. Thơ tiếng La-tinh của Ovid, thi sĩ danh tiếng người La Mã (43 trước Công nguyên-17 hay 18) trong bài thơ dài “Ars Amatoria”(The Art of Love, Nghệ thuật yêu đương).
- Nhật Chiêu dịch thơ, theo bản dịch tiếng Anh, trang 38. Ovid ví tình yêu như một thứ nghĩa vụ quân sự: “Militiae species amor est” (Love is a kind of military service).
- 13. Tiếng La-tinh trong nguyên tác, có nghĩa: điều kiện thiết yếu.
- 14. Nhân vật nữ chính người “Gyp-xi” (gypsy) trong vở hài kịch cùng tên “Preciosa” (1821) của nhà biên kịch người Đức Pius Alexander Wolff (1782-1828), phần nhạc đệm do nhà soạn nhạc danh tiếng Carl Maria von Weber (người Đức, 1786-1826) viết.
*******************************************************************************
Chú Quế Sơn ơi. Cháu là một sinh viên khoa văn trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Cháu đọc được tác phẩm này nhờ một cô giáo trong khoa cháu giới thiệu. Cháu vì quá yêu thích nên cũng đã tìm đến thầy Phan Nhật Chiêu để tìm hiểu thêm về tác phẩm cũng như tác giả. Quả thật đây là một kỳ công nghệ thuật, và cháu thật sự nể phục chú khi chuyển ngữ sang tiếng Việt. Cháu rất muốn được nói chuyện với chú để hiểu hơn về tác phẩm này, liệu chú có thể nào dành thời gian cho cháu được không ạ? Thật sự cháu đã tìm chú rất lâu rồi, hôm nay cháu thật may mắn vì đã đến trang này và nhìn thấy chú trả lời các độc giả. Nếu chú đồng ý, đây là Email của cháu, furininsky@gmail.com. Cháu hi vọng sẽ được cùng chú đi vào thế giới tác phẩm. Cháu cảm ơn chú. Cháu chào chú ạ.
Anh Hiển viết mail báo nên tôi mới biết thư này.
Tôi sẽ liên lạc với cô Hiền vào cuối tuần vì những ngày này tôi đang bận
quá.
Bản dịch của anh Quế Sơn thật công phu và tài hoa. Đọc làm mình nhớ lại những gì xảy ra từ những năm 60, ngót năm mươi năm trước, với bạn bè và các thầy dạy Triết ở Đại học Văn khoa Huế và Sài Gòn. Về Soeren Kierkegaard và các triết gia hiện sinh… nhớ các vị Lê Tôn Nghiêm, Lâm Ngọc Huỳnh, Trần Văn Toàn, Nguyễn Văn Trung và nhiều vị khác…
Xin cảm ơn anh, cảm ơn thật nhiều! Chúc anh vui khỏe…`
Cám ơn lời ưu ái của anh CQV.
Tôi đoán là anh đã đọc toàn bộ “NKKMT”, chứ không chỉ hai trích đoạn ở trên.
(Tôi ở xa nên vẫn chưa cầm được quyển sách trên tay).
Tôi thấy vui khi biết Kierkegaard đã làm anh nhớ lại những năm tháng sinh viên ham mê và sôi động (ngay giữa thời chiến tranh ác liệt) với những người thầy nổi tiếng đó.
Mong anh mạnh khoẻ và sáng tác được nhiều.
Mới mua vì lời giới thiệu của dịch giả. Sẽ đọc ngay tối nay anh Quế Sơn ơi.
Cám ơn bạn BNgan đã quan tâm.
Đây lá tiểu thuyết ra đời cách đây 168 năm, do một triết gia viết. Triết gia này lại được xem là ông tổ của triết thuyết hiện sinh (trước triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre, Nobel 1964, cả trăm năm). Tôi nghĩ bạn BNgan nếu có những cảm nhận gì sau khi đọc xong thì vui lòng chia sẻ đôi lời với anh chị em Xứ Nẫu… Mong lắm thay.
Chần chừ mãi tôi mới dám “còm”. Chắc chắn tôi sẽ tìm mua để đọc, dù không biết là mình sẽ hiểu và cảm thông đến đâu, câu chuyện của một gã mị tình sống ở một nơi xa lắc và cách nhau gần 2 thế kỷ! Cũng từ suy nghĩ này tôi thực sự “bái phục” dịch giả Quế Sơn đã quá…”can đảm” khi chọn một tác phẩm kinh điển hóc búa và hoàn toàn xa lạ với cuộc sống thực của mình để dịch. Cảm ơn anh với bao nhiêu công sức để đưa tác phẩm này tới độc giả, để thấy dù thời gian và không gian có cách xa mấy thì con người ở đâu, thời nào chuyện tình yêu cũng luôn có những cái rất gần với nhau… Chúc anh vui khỏe.
“…để thấy dù thời gian và không gian có cách xa mấy thì con người ở đâu, thời nào chuyện tình yêu cũng luôn có những cái rất gần với nhau…”
Có lẽ cũng nghĩ như bạn NĐH nên Nhật Chiêu đã đề nghị tôi dịch tập trường thi “Ars Amatoria” (The Art of Love”, “Nghệ thuật yêu đương”) ra đời cách đây hơn 2.000 năm của nhà thơ La Mã danh tiếng, Ovid (43 trước Công nguyên- 17 hay 18) nhưng tôi chưa dám nhận lời!
Nhân tiện, tôi mới được biết anh Nhật Chiêu sẽ diễn thuyết về “Nhật ký kẻ mị tình” này vào sáng 01-8-2015 (cần xác định lại ngày, giờ cho chắc) trong khuôn khổ sinh hoạt “Cà phê Thứ bảy” (19 B Phạm Ngọc Thạch, Q.3). Nếu bạn dự thì nên đi sớm để có chỗ ngồi tốt vì mỗi lần Nhật Chiêu nói chuyện thì có rất đông văn nghệ sĩ, trí thức, sinh viên cao học về văn học… đến nghe.
Cám ơn bạn đã bỏ công viết lời “com” dài.
Chưa tìm thấy ngoài Quy Nhơn anh Quế Sơn ơi.
Thế thì tôi nghĩ có lẽ bạn Datnguen nên vào website này của Phương Nam để đặt mua (họ giao tận nhà mà) :
http://nhasachphuongnam.com/nhat-ky-ke-mi-tinh-p86596.html
.
Qua trích đoạn mới thấy dịch tác phẩm văn học cũng là một ngành khoa học thật sự
Không hẳn vậy đâu bạn Thanh Hùng à. Việc dịch văn học cũng tùy thuộc không ít vào sự cảm thụ riêng của mỗi cá nhân người dịch đối với tiểu thuyết (hay bài thơ, vở kịch…) gốc. Và sự cảm thụ nghệ thuật, như bạn đã biết, thì phần lớn là chủ quan, tùy người… dù vẫn có sẵn những tiêu chuẩn thẩm mỹ, quy tắc đạo đức, nền tảng văn hoá chung v.v.
Cũng như bao nhiêu lần và cũng như anh Nhật Chiêu, bài dịchnào của Quế Sơn cũng cẩn trọng va khiến người đọc phải chú tâm khi đọc nó,
Bếp sẽ đọc thêm lần thứ hai để hiểu nhiều hơn, đọc sơ 1 lần thấy lan man cái đầu lắm dịch giả ơi.
Cám ơn chị Nga, tuy bận rộn, vẫn bỏ thì giờ đọc và viết lời “còm” với nhiều cảm tình…
Tuy không biết cụ thể nhưng tôi nghĩ các nhà sách Phương Nam chắc có bán.
Truyen nay co ve rat hap dan,se tim mua,nhung khong biet ban o he thong nha sach nao vay anh Que Son ?
Vì ở xa nên tôi không biết cụ thể lắm. Tôi nghĩ các nhà sách Phương Nam chắc có bán vì công ty Phuong Nam Book xuất bản (liên kết) cuốn sách này mà. Hay bạn Mạnh Kim có thể vào webside này để đặt mua cũng được:
http://nhasachphuongnam.com/nhat-ky-ke-mi-tinh-p86596.html
.
Tác phẩm hay mà sao bây giờ mới xuất hiện ở VNam ?
Có lẽ ta nên “bắc thang lên hỏi ông trời” may ra mới có câu trả lời thấu đáo được, bạn Mai Trinh à.
Phân tích tâm lý nhân vật rất hay. Còn kỹ thuật dịch công phu,nghiêm túc
Cám ơn bạn Huỳnh Đình đã viết lời “com” ưu ái.
Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói dịch văn học là một kỹ thuật !.
Anh Quế Sơn dịch thì “chuẩn không cần chỉnh “
Cám ơn lời “com” ưu ái của bạn T&T.
Vì lòng tôn trọng độc giả nên tôi lúc nào cũng cẩn trọng đến hết mức có thể khi dịch. Và vì cũng ý thức là không thể có bản dịch hoàn hảo, nên khi có những sai, sót… được bạn đọc phát hiện thì đó là một cơ may để tôi có dịp sửa chữa và xem đó là một bài học kinh nghiệm.
Kẻ mị tình,hình như có rất nhiều kẻ mị tình,kể cả anh và tôi,tôi và chúng ta chăng?
Có lẽ thế bạn ĐVT ạ. Vì thường thường trước một tác phẩm văn học đích thực, sự liên tưởng của người đọc bị thúc đẩy rất xa.
Chắc cũng sẽ đón mua một cuốn.
Đọc nó có lẽ cần nhiều kiên nhẫn, bạn Sinh Huy à.
Cuộc sống phức tạp quá
Bạn Hàng Phước ơi, tiểu thuyết bắt chước cuộc sống hay cuộc sống bắt chước tiểu thuyết đây?
Reblogged this on aitrinhngoctran's Blog and commented:
”Kẽ mị tình”tự huyễn hoặc mình !Trước nhất họ thiệt thòi về tình thần rất nhiều!Và liên lụy thể xác cũng không ít!”Kẽ mị tình” giống như một kẽ ”tình si” !Họ theo đuổi người tình…Cho dù đến chân trời gốc biển vẫn theo…Bằng ngôn ngữ yêu đương ru tình Tưởng như họ có thể chết vì tình!Nhưng thực tế chỉ là”Trái tim bộc phát lúc say đắm!”Còn sau đó là sự yếu đuối. không dễ dàng hành động bạo lực gì Họ chỉ nguy hiểm ở ngôn tình Và kèm theo đó là sự dễ thay đổi tình khi đạt được ý muốn ”đã chinh phục người tình”Đó là kẽ mị tình ở ”tình xa cách ”Còn đối với ”tình gần”thì”Cuồng điên dễ gây bạo lực -Một khi sự ÍCH KỶ dâng cao tột độ Điều đó tất nhiên ảnh hưởng thể xác sức khỏe người họ yêu!Nói chung ”kẽ mị tình ”!-”Chẵng yêu ai ngoài Bản thân họ” Bằng lời ru ngôn tình LỢI và HẠI đều có cả!Lợi-thấy ở họ cái tình cảm tha thiết chân tình ở mặt”Thể hiện bằng Lời”Hại ở-Từ ta bị họ ”Mê hoặc!”Bởi họ như ”Kẽ quyến rũ”,như ”Phù thủy ma quái!”Bằng mọi cách chinh phục đối phương[nếu họ muốn]Hại ở -Từ họ”không vui gì!”bởi sự ”tự huyễn hoặc hành hạ tinh thần thể xác họ”Cho nên có ”Kẽ Mị Tình dễ thương và dễ ghét”ở đây!?
Cám ơn bạn ATNT về lời “com” công phu và bao quát.
Mới đọc một ít trích đoạn nên chưa cảm thấy được vẻ đẹp hoàn chỉnh của tác phẩm.
Đúng vậy, bạn SHT à. Các trích đoạn ngắn này chỉ mới hé lộ đôi chút hình hài của tác phẩm thôi.
Mị Tình tự huyễn hoặc mình! Phương hại thể xác tinh thần đớn đau!Tự mình dằn vật khổ nảo!Ngôn ngữ tình ái dâng trào từng cơn!Tưởng như chết vì tình nhân! Nhưng rất yếu đuối tình cảm dễ dãi! Tính khí thất thường đổi thay ! Cộng hưởng Ích kỷ dễ gây sai lầm! Bộc phát giận dữ tàn nhẫn! Một khi tự ái trào dâng trong lòng! Tình yêu sống vội yêu cuồng! Theo đuổi tình ái vì mình nhiều hơn?
“Theo đuổi tình ái vì mình nhiều hơn?”
Đúng vậy bạn aitrinhngoctran à.
Cám ơn bạn đã bàn rõng ra.
Xin lỗi, viết lại cho rõ: bàn rộng ra (chứ không phải “bàn rõng ra”)
Bản dịch rất công phu.Dù tác phẩm này rất khó dịch
Cám ơn lời “còm” ưu ái của bạn Hoàng Dung.
Đọc kỹ để học cách mị tình mà học hoài…không thuộc.
Biêt1 làm sao đây, hỡi Trời !
Có vẻ là một cuốn truyện hay
Trích lời nhà văn Nhật Chiêu: “Từ lâu, trên văn đàn thế giới, Nhật ký kẻ mị tình được xem là một tác phẩm kỳ lạ, độc đáo. Nó là tiểu thuyết của một triết gia. Một truyện tình. Một bi kịch. Và đồng thời, có vẻ cuốn sách là tự truyện hư cấu của chính Kierkegaard…”.
Xin lỗi bạn Thu Thanh Nguyen đã không ghi rõ trích lời Nhật Chiêu ở đâu.
Trích từ bài viết này:
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/nhat-ky-ke-mi-tinh-cua-kierkegaard-lan-dau-duoc-dich-sang-tieng-viet-3237949.html
HƠN 150 NĂM TRƯỚC MÀ ĐÃ VIẾT NHƯ THẾ RỒI. …PHỤC
Đúng vậy! “Nhật ký” trong tiểu thuyết ở thế kỷ 19 là “độc thoại nội tâm” trong tiểu thuyết ở thế kỷ 20 đó, bạn Miên à.