Triệu Từ Truyền
Bó Tay
ai đang cành nhánh sum xuê
ai còn mầm hạt đuề huề lộc non
bao giờ trĩu quả vàng son
trách rừng thiên vị người còn kẻ không
có con chim hót trong lồng
ở kia chim hót giữa đồng bao la
cá thia thia lội ao nhà
nhớ đồng nghiệp vẩy vùng xa sông dài…
viết bây giờ gửi tương lai
nỗi đau thân phận bó tay hiền tài.
Lục bát ở Đạ B’Lao Am
(tặng em, hiện thân của Đam Tiên)
từ viễn phương khách lên đồi
không thuyền sao cứ nổi trôi bến tình
Đạm Tiên còn ngắm bình minh
bỏ chàng du tử hiện hình qua đêm
lắng tai chờ vọng tiếng em
mây lên nguồn trốn khát thèm mưa tuôn
anh và ai lạc đường luôn?
.
ngữa lên đồi biếc vây quanh
úp mặt vực xám níu chàng luồn qua
mù sương ẩm ướt ngã ba
nàng ngây thơ hỏi ta bà ở đâu?
hân hoan gánh tiếp nỗi đau
.
thời gian cũng một lối đi
em còn bám chỗ dậy thì không buông
một năm bằng mấy mét đường?
cho anh quay lại thăm phương trời này
bằng đôi chân đạp chông gai
hai mươi năm một dặm dài phải không?
.
ai còn gánh nghiệp Đạm Tiên
cho vài viễn khách yêu điên sống cuồng
nhà thơ bơi hết suối nguồn
trồi lên hoang đảo đẩm buồn cát khô
sẽ không chung một nấm mồ
tro bay trong gió mơ hồ ái ân
.
cánh tay em chỉ một vòng
sao dung nhiếp hết tên khùng thằng điên
bao giờ gặp kiếp thần tiên
cho em ôm trọn những phiên bản buồn
xiềng tình đày ái qua truông
em còn chưa sợ mà buông kiếp người?
Triệu Từ Truyền
“TỪ TRẦN NHÂN TÔNG đến TRẦN ĐỨC THẢO”
Tiểuluận: TriệuTừTruyền
Con người thường suy nghĩ trước rồi hành động sau, tuy nhiên suy nghĩ cũng có quán tính, nên nhiều giai đoạn trong đời người và giai đoạn lịch sử chỉ hành động theo suy nghĩ của ai trước đó, thế là yên tâm sống.
Con người với bản năng sống bầy đàn, hành động theo số đông, thích tạo thành phong trào trong mọi lãnh vực, mà số đông và phong trào cần sức mạnh nên suy nghĩ giống nhau là điều kiện tiên quyết, vì vậy chỉ cần một người suy nghĩ cho mọi người sao y lại trong tư duy, việc ấy lợi trong thời gian dài và có hại trong thời gian dài hơn sau đó.
Người viết bài này, xét trên góc độ dân tộc, trào lưu tư tưởng ngoại bang không thể hoàn toàn phù hợp thỏa đáng với một quốc gia nào đó. Việt Nam, có hai nhân vật tư duy độc lập thoát khỏi trào lưu tư tưởng ngoại bang. Trần Nhân Tông ở thế kỷ 13 và TrầnĐứcThảoởthếkỷ20.
Trần Nhân Tông làm thơ:
Bán song đăng ảnh mãn sàng thư
Lộ trích thu đình, dạ khí hư
Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ
Mộc tê hoa thượng, nguyệt lai sơ. (Nguyệt)
Tạm diễn nghĩa: Đầy giường sách qua ánh đèn trong khung cửa sổ/ Mùa thu sương móc rơi trên sân đình đêm hư không/ Thức giấc tiếng chày (đập vãi) không còn nghe/ Ánh sáng trăng vừa rọi trên hoa mộc tê. (Trăng) (1)
Những năm cuối đời Trần Đức Thảo viết:
«… khi tự vấn mình, ý thức đòi hỏi Thiện trong hành động, Chân trong tri thức, và Mỹ trong sự hoàn thành các quá trình nghiệm sinh, qua đó ý thức biến thế giới tự nhiên thành nhân giới, xứng đáng với con người.» (la conscience dans son appel à soi même pose l “exigence du bien dans l” action, du vrai dans la connaissance, et du beau dans l “achèvement des processus vécus. Par là, la conscience fait du monde naturel un monde humain, valable pour l” homme. Un itinéraire. Một hành trình. Tác giả xuất bản, Paris 1992.)
Một bài thơ chữ Nho và đoạn văn tiếng Pháp nêu trên, chúng cách nhau đến 7 thế kỷ, đọc qua tưởng chừng như chẳng dính dáng gì nhau. Đọc kỹ lại nhận biết hai cách diễn đạt khác nhau, một bên là thi pháp phương đông, bên kia là lập luận triết học, thơ thiền thì cảm nhận, tiểu luận thì nhận thức. Đọc kỹ hơn, chúng cùng một thông điệp trong dòng chảy văn hiến, giống như hai bờ của một dòng sông, bờ này là vách đá, bờ kia là đất phù sa của cánh đồng. Cụ thể hơn, bài thơ của Trần Nhân Tông nêu lên thái độ nhân sinh bằng truyền cảm qua bút pháp tượng trưng của thơ thiền, tiểu luận của Trần Đức Thảo cũng xác lập thái độ hiện sinh bằng phân tích rạch ròi theo triết luận phương Tây. Rõ ra thái độ trước thân phận làm người chính là dòng nước chảy giữa hai bờ ấy.
Nhiều nhà nghiên cứu thơ thiền đều có chung cảm nhận bài Trăng: Trong đêm khuya tĩnh lặng giữa không gian hư vô, thức giấc nhìn thấy hoa nhờ trăng sáng, người trí thức (giường đầy sách qua ánh đèn) ngừng đọc, và người lao động chân tay (tiếng chày đập vãi không còn nghe) đã nghỉ việc, làm bật lên hình tượng ánh trăng soi sáng hoa mộc tê, cũng là làm bật lên chủ đề hòa nhập tâm hồn người vào tịch lặng của tự nhiên bao la, nói cách khác bản thể vũ trụ đã cuốn hút bản ngã trở về.
Phải chăng chủ đề trên là nội dung của câu nói đầy khát vọng: “… qua đó tạo ra ý thức về biến thế giới tự nhiên trở thành thế giới con người…” của Trần Đức Thảo?
Vì hai chỗ đứng đối diện nhau, nên cách nói về hòa nhập khác nhau, thiền sư Trần Nhân Tôn, trực cảm và tổng quan, (Mộc tê hoa thượng, nguyệt lai sơ- ánh trăng sáng là biểu tượng của vũ trụ), đứng ở phía bản thể vũ trụ (dòng năng lượng tâm linh) thu hút bản ngã (năng lượng vật chất và tinh thần cá nhân) để giúp con người thanh thản và sáng suốt. Nghĩa là con người giao cảm với vũ trụ để có được sức mạnh và tự do của vũ trụ.
Trong lúc triết gia Trần Đức Thảo theo tập quán triết học phương Tây, luận lý và phân tích, cho rằng nhờ ý thức (la conscience fait du monde naturel un monde humain), mới thu hút tự nhiên, trong đó có cả bản năng động vật – con người, phát triển thành thế giới văn minh đích thực, giúp con người tự do và sáng suốt.
Tuy nhiên vấn đề không nằm ở chỗ khác nhau bề ngoài của cái vỏ của diễn đạt tư tưởng, mà chính là nhìn thấy được cốt lõi tư duy của thiền sư và triết gia, cần hòa nhập lẫn nhau mới thật sư có tự do, thanh thản và sáng suốt.
Ở đây, không nêu vấn đề tranh cãi đúng sai của chỗ đứng, lại càng không bàn về duy tâm hay duy vật, mà tập trung nhìn nhận thái độ hòa nhập giữa chủ thể và khách thể của thiền sư và triết gia, cả hai chung một dân tộc và lịch sử tổ quốc Việt Nam.
Vui lòng nghiền ngẫm một bài thơ khác của Trần Nhân Tông: Đăng Bảo Đài Sơn
Địa tịch đài dũ cổ
Thì lai xuân vị thâm
Vân sơn tương viễn cận
Hoa kính bán tình âm
Vạn sự thủy lưu thủy
Bách niên tâm ngữ tâm
……..
Tạm dịch:
Đất hoang vắng đài cổ kính
Tới đây mùa xuân chưa qua
Mây núi xa gần gần quấn quít
Đường sáng chập chờn trổ hoa
Sự đời nước cuốn xa tít
Trăm năm dặn lòng ta.
Bài thơ toát lên thần khí của triết lý sống: con người tự do: phá chấp, vô ngã. Thời đại Lý Trần, nhà thơ luôn xóa bỏ cách nhìn phân chia đối kháng: niết bàn và địa ngục; mê muội và giác ngộ; người phàm và bậc thánh… Suy ra theo khái niệm phương Tây ngày nay thì chẳng cần phân chia chủ thể và khách thể; tất nhiên và ngẫu nhiên; nội dung và hình thức … Vì vậy phải có bản lĩnh tìm ra cách sống hòa điệu với vũ trụ, tự tin ở chính mình để hành động tự do.
Thiền sư phá chấp ngay với chính lý tưởng Phật pháp. Mặc dù Phật giáo thâm nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ hai, và có nhiều bằng chứng cho biết xứ Giao Châu (nơi phát nguyên dân tộc Viêt Nam) theo đạo Phật trước cả Trung Quốc, (1) thế mà thái độ phá chấp đến mức có thiền sư đã viết: mê chi cầu Phật/ hoặc chi cầu thiền (Diệu Nhân).
Tuệ Trung còn nói: “Phật và Tổ cuối cùng chẳng cần lễ”, vì nếu cầu Phật, cầu Thiền chính là “chấp ngón tay mà quên mặt trăng”. Cũng một tinh thần như vậy mười ba thế kỷ sau, Trần Đức Thảo đã phê phán một lãnh tụ vì ông này chỉ biết rằng chân lý là do va chạm, tranh biện giữa những ý kiến trái ngược nhau theo phép biện chứng Platon, thay vì phải bắt nguồn từ biện chứng của Héraclite, theo hướng sự vật luôn luôn vận động, tương tác, biến đổi và chuyển hóa (sự đời theo dòng nước trôi trong tự nhiên). (2) Từ đó Lãnh tụ nọ diễn giải giáo điều và chủ quan duy ý chí cho nhiều vấn đề thực tiễn, gây tác hại lớn vào những quốc gia theo chủ nghĩa Marx. Còn nhiều lập luận của Trần Đức Thảo và thơ thiền của Trần Nhân Tông làm sáng tỏ sự phá chấp, không giáo điều; còn vô ngã, hai ông viết ra sao?
Dưới đây là một bài thơ thiền với thông điệp vô ngã tuyệt hay của Trần Nhân Tông:
Xuânhiểu |
Buổi sớm mùa xuân |
Trong khi Trần Nhân Tông, cảm nhận mùa xuân vẫn cứ đến dù người có biết hay không? Cái tiểu ngã chẳng cần phải tách khỏi cái mênh mông của thiên nhiên, không vì thế mà con người thiếu tự tin, tự hào để làm việc phải làm. Và Trần Đức Thảo khi nhận định về chủ nghĩa hiện sinh của Jean Paul Sartre đã viết: chủ nghĩa hiện sinh dẫn đến nghịch lý là hiện hữu của tôi, mặc dù được xem như tồn tại hiện thực, vẫn tiếp tục đối lập với thế giới và chối bỏ tự nhiên bao quanh mình, như thế không phải là chủ nghĩa hiên sinh và lại càng không vô thần được.
Trong tác phẩm Chủ Nghĩa Tồn Tại và Chủ Nghĩa Duy Vật Biện
Chứng (Existentialisme et Matérialisme Dialectique – 1949), Trần Đức Thảo viết:«bởi vì thế giới hiện thực chỉ có thể là cái thế giới phơi mở trướcmắt tôi, với tất cả ý nghĩa có thể có đối với tôi, trong khi tôi trầm luân trong ấy», tiểu ngã của mỗi người không thể tách rời hiện thực vũ trụ, nếu không muốn hư vô hóa, cho nên Sartre luôn bị ám ảnh l'Être et le Néant (hữu thể và hư vô).
Người viết minh chứng điều này không nhằm đề cao hay hạ thấp một trong hai triết gia, hai bộ óc xuất sắc của thế kỷ 20. Ai cũng biết Trần Đức Thảo và Jean Paul Satre tương kính nhau, Ông Thảo từng nói Sartre là triết gia biết đặt những câu hỏi đáng đặt ra nhất. (3) Ở đây muốn nói Trần Đức Thảo cùng một tư duy vô ngã với thiền sư Trần Nhân Tông, vì triết học hiện sinh thực chất là tô đậm bản ngã, tách rời với thực tại, với bản thể vũ trụ.
Phải chăng thái độ văn hóa của hai triết gia ấy cũng tương tự như ở thế kỷ 13; 14, những Nhà Nho dù bài bác Phật, vẫn làm bạn với Thiền Sư (Trương Hán Siêu; Phạm Sư Mạnh…). Vì vậy, thời đại này được cho là tam giáo đồng nguyên; đồng nguyên ở chỗ Phật luôn lưu ý nguồn gốc, bản chất con người (hình nhi thượng), Nho để tâm vào trách nhiệm, mục đích sống của con người (hình nhi hạ), Lão gần như một lực lượng thứ ba trong triết học phương đông. Bài thơ sau đây của Trần Anh Tông với thông điệp dung hòa giữa Phật và Lão: Dã bất tạo ác/ dã bất tu thiện/ thụy lai đã miên/ cơ lai khiết phạn/ tòng tha nhiễu nhiễu/ nhậm nhĩ phân phân/ nguyên lai y cựu/ thái vũ chủ nhân. (cũng không gieo ác/ chẳng thèm làm lành/ buồn ngủ vào giấc/ bụng đói liền ăn/ kệ nó nhiễu xách/ hỗn độn mặc tình/ xưa nay nào khác/ là chủ vũ trụ). Suy cho cùng trong thế giới vật chất, con người có rất nhiều vật dùng, tùy việc mà sử dụng. Không thể lấy dao cắt cỏ ra phát ruộng, mà phải dùng máy cày. Tại sao trong thế giới tinh thần, không biết khéo léo kết hợp những ưu thế của nhiều học thuyết để tạo ra bản lĩnh phù hợp với thực tại? Điều này hoàn toàn khác với thỏa hiệp hoặc chia ghế quyền lực, đó là kết tinh của nhiều tinh túy để có nguyên khí quốc gia.
Trần Đức Thảo đã thực hiện khát vọng trên từ giữa thế kỷ 20, lúc ông viết: Chủ nghĩa Marx và hiện tượng học. Nhà triết học RoLant Barth mở đầu điểm sách viết: «Quyển sách của Trần Đức Thảo là một thử nghiệm liên kết hai phương pháp cho đến nay vẫn bị xem là thù địch bởi những người chủ trương của cả hai phía: hiện tượng học của Husserl và chủ nghĩa duy vật biện chứng». (4) Điều tạo ra hòa nhập thể giữ hai phái thù địch, truyền thống duy lý Platon chưa hề xảy ra ở trời Tây, chắc chắn triết gia Thảo làm việc này bắt nguồn từ tiềm thức sâu thẳm của triết học phương Đông.
Ý nghĩa của sự kết hợp đó đã giúp cho một thời đại biết tự thấy những giới hạn của mình, mà nhà triết học Rolant Barth đã đúc kết:
«Rất đặc sắc, sự chứng minh của Trần Đức Thảo có giá trị lớn là đã đặt sự tiến hoá của tư tưởng và huyền thoại vào trong sự tiến hoá của Lịch Sử chiều sâu, đó là lịch sử của sở hữu, hay đúng hơn nữa, của ý tưởng sở hữu. Chắc hẳn đây không phải là một hệ thống phương trình đã giải cạn những giai đoạn của Lịch Sử. Như đã được viết, quyển sách của Trần Đức Thảo tiêu biểu cho tình trạng sau cùng – nhưng chưa phải là tối hậu – của chủ nghĩa Marx tư duy». (4)
Phải chăng tình thế Việt Nam luôn yêu cầu người yêu nước chân chính phải biết hòa nhập trong tư duy, bao dung trong xử sự và luôn phải động não độc lập thoát khỏi mọi ràng buộc tầm thường như hư danh và hư vị, phần lớn do giáo điều và học thuyết ngoại bang mang lại, làm chia rẽ và hủy hoại tinh hoa của dân tộc.
Trần Nhân Tông, một nhà vua lãnh đạo chống ngoại xâm lừng lẫy, đại thắng chấn động hành tinh, xã hội thịnh trị, cũng chính là thiền sư, tổ thứ nhất thiền phái Trúc Lâm, nói theo bây giờ là triết gia, sáng lập học thuyết đặc trưng cho dân tộc.
Trần Đức Thảo, triết gia, biện luận xuất sắc của chủ nghĩa Marx và Hiện tượng luận Hurserl, từ bỏ môi trường thuận lợi, lao vào kháng chiến và chịu đựng những bất công sau đó; sáng tạo ra con đường tư tưởng mới cho nhân loại, trước hết là vì Việt Nam (dù còn dở dang, tin chắc rằng thế hệ sau sẽ phát triển tiếp);
Hai nhà tư tưởng vĩ đại đủ xóa bỏ mặc cảm Việt Nam không có triết gia, và đặc trưng của triết gia Việt Nam là không duy lý giáo điều, không cực đoan, tạo ra một hòa nhập thể có tính toàn cầu, phù hợp với những thành tựu của cấu trúc vĩ mô không – thời gian và hấp dẫn lượng tử, mà những nhà vật lý vũ trụ hậu bán thế kỷ 20 đã chứng minh bằng toán học.
Đã đến lúc, mỗi người Việt Nam không nên suy nghĩ theo quán tính, hoặc giao phó tư duy cho người khác, đặc biệt là những người giữ trọng trách. Nghiên cứu Trần Nhân Tông và Trần Đức Thảo toàn diện và sâu sắc sẽ giúp hóa giải bế tắc triết học của nhân loại hiện nay.
Chú thích: (*) khái niệm Hòa nhập thể, vui lòng đọc phần I Những chữ qua cầu tâm linh, NXB văn học – 2008.
(1) theo lịch sử Phật giáo Việt Nam,NXB KHXH, 1988.
(2) La philosophie de Staline: Interprétation des Principes et Lois de la Dialectique (1988)
(3) Khoảng năm 1965, trong giới sinh viên mê triết học ở Sài Gòn, ai cũng tự hào Trần Đức Thảo từng tranh luận với J.P.Sartre, có bạn phản biện với tôi: Sartre hỏi Thảo tại sao người cộng sản ngã xuống (hy sinh) có thể biết chắc chắn là có người cầm ngọn cờ đi đến đích?Tôi (Triệu Từ Truyền) bị câu hỏi ấy ám ảnh đến nay (45 năm sau), vì nếu hoàn toàn theo chủ nghĩa duy vật dù là duy vật biện chứng khó có thể trả lời câu hỏi đó thỏa đáng..
(4) Trong số các bài điểm sách về tác phẩm trên của Trần Đức Thảo, đây là bài ngắn mà sát nhất, đăng trên Combat, ngày 11/10/1951, và in lại trong Roland Barthes Toàn Tập, quyển 1, 1993, tr. 107. Bản dịch của Phạm Trọng Luật.
A- Thành tựu của tư duy Trần Đức Thảo.
Nếu khoa học cần một học thuyết kết hợp giữa thuyết tương đối và thuyết lượng tử để giải quyết thoả đáng cả vĩ mô và vi mô trong vũ trụ vật chất, thì trong triết học cũng đang cần một triết lý kết hợp giữa biện chứng duy vật và hiện tượng luận để giải đáp nan vấn lịch sử xã hội và ý thức cá thể trong tiến trình văn minh của loài người.
Từ giữa thế kỷ 20, triết gia Trần Đức Thảo đã bắt đầu tư duy vấn đề triết học nêu trên cho đến cuối đời, và tạo tiền đề cho lớp sau tiếp tục suy nghĩ. Dưới đây là đoạn tóm lược của một triết gia Pháp, thiết nghĩ là thoả đáng nhất để giới thiệu về nội dung quyển: Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng (Phénomenologie et matérialisme dialectique) xuất bản 1951 tại Paris:
“Phần đầu tiên cuốn sách đáng chú ý của Trần Đức Thảo, được viết từ năm 1942 đến năm 1950, là một phân tích mang tính lịch sử và phê bình tư tưởng Husserl; được tư duy (conçue) theo đúng những hướng (perspectives) của chính Husserl, nó đã dẫn đến việc nhận ra một đối nghịch bên trong chính tác phẩm.
Phần thứ hai, hoàn thành năm 1951, hoàn toàn bước sang lĩnh vực duy vật biện chứng; ở đó hiện tượng luận hiện ra như gương mặt cuối cùng của chủ nghĩa duy tâm đang tưởng nhớ đến thực tế (réalité); hiện tượng luận chạy sau cái bóng của thực tế trong ý thức; chỉ chủ nghĩa Marx mới nắm được thực tế thực sự (effective) của vật chất con người; nhưng hiện tượng luận không đơn giản tự bị loại trừ, như toàn bộ chủ nghĩa duy tâm trong chủ nghĩa Marx, nó còn hiện thực hoá ở đó ý nghĩa của các phân tích cụ thể của cái sở nghiệm do Husserl tiến hành, với một sự chăm chút và một sự kiên nhẫn đáng ngưỡng mộ, dù triết học duy tâm chính là khởi điểm effectivement réel) của hiện tượng luận tìm thấy chân lý của chúng trong một triết học của lao động” (Paul Ricoeur, Sur la phénoménologie, Esprit, 12/1952, p. 827- Cao Việt Dũng dịch trích trong bài viết tưởng niệm triết gia Trần Đức Thảo của Michel Kali trên tờ Les Temps Modernes số 568 tháng 11 năm 1993 -năm thứ 49)
Như thế Triết gia Trần Đức Thảo đã có công lớn nghiên cứu Chủ nghĩa duy tâm hiện tượng luận Hurserl bỗ sung vào logique của chủ nghĩa duy vật biện chứng Karl Marx, và ngược lại sức sống của hiện tượng luận cần năng lượng của duy vật biện chứng. Nhìn ở góc độ tư duy, phải chăng Trần Đức Thảo có thế giới quan triết học phương Đông: trong âm có dương và trong dương có âm. Còn theo minh triết Phật học “hiện tượng”; “biện chứng” chỉ là những khởi niệm khác nhau của mỗi bên sinh linh cộng nghiệp…
Dù đọc giả thế hệ sau luôn đánh giá cao và biết ơn việc giới thiệu, phân tích, bình luận của những triết gia phương Tây về triết gia Trần Đức Thảo. Tuy nhiên, do giới hạn tầm nhìn bắt nguồn từ duy lý của Platon, cho nên những triết gia duy vật muốn nhấn mạnh Trần Đức Thảo lấy chủ nghĩa Marx (1) làm nền tảng hoặc ngược lại cho rằng Trần Đức Thảo là nhà hiện tượng học (2) phê phán thiếu xót của duy vật biện chứng, Phải chăng đều võ đoán và vô tình hạ thấp tư duy của một triết gia Việt Nam?
Như vậy dùng logique phương Tây thông qua lăng kính phương Đông, triết gia Trần Đức Thảo có những thành tựu ra sao bằng tư duy độc đáo của Ông:
I/ Triết gia Trần Đức Thảo khái quát thế giới quan tương đồng với thành tựu mới nhất của vật lý thuyết tương đối:
Đầu thế kỷ 20, những nhà vật lý hàng đầu thế giới đều rút ra kết luận: những quy luật vật chất được tìm ra từ vài thế kỷ trước, tưởng chừng như tuyệt đối khách quan không lệ thuộc vào ý thức con người, trong quá trình thực nghiệm đã chứng tỏ không tuyệt đối khách quan được. Vì bất kỳ một kết luận nào cũng lệ thuộc vào ý đồ; dụng cụ thí nghiệm, và rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên tác động tại hiện trường.v.v… Hơn nữa tri thức khoa học ngỡ rằng hoàn hảo cũng sai lầm vì cho đến nay chưa nhà bác học nào cùng một thời điểm vừa biết được vị trí vừa biết được tốc độ của một hạt électron tự do nói riêng và những hạt hạ nguyên tử khác nói chun g.(*)
Trần Đức Thảo cũng cảm nhận như vậy trong triết học, nên luận án tiến sĩ triết học của Ông có đề tài: Hiện Tượng Học của Husserl.(3)
Trần Đức Thảo vừa đồng thuận trong nhận thức ngoại giới của Husserl là sự tương giao giữa ý thức và đối vật, không phải cực đoan chỉ thừa nhận chính chủ thể tạo ra ngoại vật. Đồng thời cũng phản bác tuyệt đối hoá vật chất trong nhận thức. Tuy nhiên, hiện tượng luận tự thân chưa giải quyết nỗi xung khắc nội tại vì con ẩn chứa hàm lượng duy tâm chủ quan,(4). Diễn đạt theo tâm thức Phật rõ ràng hơn cho vấn đề phức hợp này là tương quan giữa sắc và không dẫn đến có thì vạn lần có, không thì một cũng không. Luận sư vĩ đại của Phật giáo Long Thọ chỉ ra rằng mọi khái niệm về thực tại mà đầu óc suy luận của con người bày ra, thực chất là trống rổng cả.
Vi vậy Trần Đức Thảo muốn cho những triết gia phương Tây hiểu được suy ngẫm của mình nên dùng duy vật biện chứng làm rõ hơn mối tương giao, hay hoà nhập thể giữa chủ thể và khách thể.
Thành tựu thứ nhất này có thể đặt tên là hiện tương luận biện chứng,( với những thành tựu về khoa học và tâm linh hiện nay, không cần nêu duy vật hoặc duy tâm vào thuộc tính biện chứng nữa.) một tiền đề triết học còn có thể triển khai với tầm vóc rộng lớn hơn , rất phù hợp với triển vọng lịch sử cộng đồng Asean, trong đó có Việt Nam.
II/ Phân tích nguồn gốc của ý thức để chỉ ra bước đi củalịchsử:
Từ lâu cả hành tinh ai cũng biết con người có ý thức, và rất nhiều cách lý giải vì sao có ý thức. Song phải đợi đến tác phẩm Tìm cội nguồn của Ngôn ngữ và Ý thức (Recherche sur “l” origine du langage de la conscience)- 1973 xuất bản ở Pháp, vấn đề ý thức mới sáng tỏ. Đã được nhiều vị thức giả khen ngợi và nhận xét là một công trình triết học đọc đáo. Giáo sư đại học West Florida, Daniel J. Herman viết: “thật sư là những cống hiến độc đáo của Trần Đức Thảo cho các lãnh vực nhân chủng học, ngôn ngữ học, và tất nhiên cả triết học” (trich trong: Encyclopedia of Phenomenology).
Trần Đức Thảo viết: “nhưng bản thân con người chỉ bắt đầu tự phân biệt với súc vật ngay khi hắn khởi sự sản xuất ra phương tiện sinh sống của mình”. Trần Đức Thảo viết về sản xuất ra phương tiện sinh sống: “Từ dụng cụ sang công cụ là một bước nhảy vọt: con khỉ chẳng hạn chỉ biết dùng cơ quan tự nhiên để sử dụng dụng cụ, tức thì và trực tiếp, nhằm thoả mãn một nhu cầu sinh lý, không có khã năng dùng dụng cụ này để làm ra dụng cụ khác. Sự chế tác công cụ, trái lại, đòi hỏi không những sự sử dụng một dụng cụ trung gian để tạo ra vật cần dùng, dùng đá nhọn để ghè một hòn đá khác làm rìu, mà còn đòi hỏi phải có trong óc hình ảnh của một đối tượng vắng mặt đó.”(theo Phạm trọng Luật )
Hình ảnh vắng mặt đó chính là khái niệm kiến (thấy) của Phật học:
“Thấy” đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nhận thức luận của phật giáo, vì nó là cơ sơ của “Biết”(thiền sư Suzuki). Biết ở đây chính là Ý thức, và bằng con đường phân tích triết lý Trần ĐứcThảo cũng kết luận như chiêm nghiệm của minh triết Đức Phật.
Hơn nữa, Trong bộ kinh do chính Phật Thích Ca truyền giảng vê ” Mười Hai Nhân Duyên” đã nói: “Vô minh sinh Hành, Hành sinh Thức, Thức sinh Danh sắc….”. Tuy dùng ngôn ngữ khác nhau, vẫn đồng thuận cùng một suy nghĩ phải thông qua lao động sản xuất (Hành) mới sinh ra ý thức được (hành sinh thức) (5)
Trần Đức Thảo viết “Vấn đề con người” (Le Probleme de l” Homme), chưa dừng lại ở nguồn gốc ý thức mà còn lý giải đến cùng bản chất con người đương đại xuất phát từ sự hình thành ý thức đó, nhằm tìm kiếm tương lai tối ưu cho xã hội loài người đúng như sứ mệnh của triết gia. Về mặt cá thể không ai hoàn toàn có bản chất văn minh hay dã thú, nên bản chất giai cấp hoặc bản chất dân tộc chưa thể chiếm độc tôn trong mỗi con người. Học thuyết nào tin có một giai cấp hoàn thiện nhất hay một dân tộc thượng đẳng nhất để cai trị cả số đông còn lại đều là không tưởng, thậm chí là tai hoạ của hành tinh, lịch sử nhân loại thế kỷ 20 đã chỉ ra luận cứ đó. Mỗi con người đều trầm tích nhiều tầng bản chất: bề nổi trên cùng là bản tính của mối quan hệ xã hội đương đại (quan hệ cộng đồng dân tộc; giai cấp…), dưới bề nổi là bản tính trung cổ đại, ở giữa là bản tính thuở sơ khai (bộ lạc,thị tộc); cuối cùng dưới đáy là tàng dư của bản tính thú vật. Do đó con người cá thể cần phải đến trường học để làm bộc lộ văn minh và dập tắt thú tính. Phương Đông thường nói là Tu Thân, Tề Gia…là thoả đáng vậy.
Về mặt xã hội, tiến trình của lịch sử không chỉ phủ định của phủ định (một quy luật phát triển mà ai cũng biết), theo Trần Đức Thảo còn có thể phủ định đi phủ định lại là chuyên bình thường. Thiết nghĩ, việc này phù hợp với Học thuyết lượng tử; đường đi của phát triển là xác suất, không tất yếu, vật thể có thuộc tính hai mặt vừa có khối lượng vừa không, vừa có năng lượng vừa không…Phải chăng dịnh chế Nhà nước, học thuyết xã hội chỉ là vi mô đối với Vũ trụ? Tại sao nó không thể giống một hạt hạ nguyên tử ?! Vì vậy Trần Đức Thảo không hề lẩm cẩm với lập luận bốn lần phủ định để có một xã hội vào đúng quỹ đạo lịch sử văn minh. Phạm Trọng Luật đã tóm tắt đầy đủ lập luận của Trần Đức Thảo: “Chủ nghĩa xã hội đã tự xác lập như sự phủ định chủ nghĩa tư bản (phủ định đầu tiên). Nhưng vì tương lai nhắm đến «còn cách xa cả nhiều thời kỳ lịch sử», trong hiện tại nó mang trong lòng mâu thuẫn cơ bản giữa quyền sở hữu xã hội các phương tiện sản xuất và sự phân phối theo lao động, cùng cách giải quyết áp đặt là chủ nghĩa bình quân thuần hình thức, song song với bạo lực khủng bố, trong một hệ thống quan liêu toàn năng và không thể kiểm soát (phủ định của phủ định như phủ định thứ hai). Để xoá bỏ những hình thức tiêu cực này, cả hệ thống cần phải tự chối bỏ bằng cách «lấy lại một cách nào đó một số khía cạnh hay yếu tố của chế độ tư bản đã bị hủy bỏ»: các quyền tự do dân chủ, các phương pháp tổ chức sản xuất và quản trị hợp lý, những sở đắc khoa học và tiến bộ văn hoá của thời tư bản, và ngay cả quyền tư hữu cá nhân trong một số trường hợp (phủ định của phủ định như phủ định thứ ba). Sự khôi phục những «nếp cũ» này tất nhiên sẽ tạo ra mâu thuẫn mới với định hướng xã hội chủ nghĩa tuy còn xa xôi, và do đó, đòi hỏi phải được thích nghi và hoá giải trong hệ thống hiện tại đã được nới rộng và cải thiện (phủ định của phủ định như phủ định thứ tư)
Như vậy nếu những hạt nhân không cấu trúc bằng lực tương tác mạnh, không phải proton, neutron mà bằng những hạt giả, thiếu năng lượng, chắc chắn nguyên tử khó mà hình thành. Hoặc nếu có một nguyên tử mà hạt nhân là lực tương tác yếu sẽ không tồn tại được lâu bên. Một định chế xã hội cũng thế thôi. Trung tâm lãnh đạo định chế ấy, không có người tu thân như nói ở phần trên. Không tu thân theo nghĩa không trau dồi ý thức con người văn minh, không cập nhật tri thức mới, không tịnh tâm để tiếp nhận năng lương tâm linh, sẽ dẫn đến nguy cơ tan rã như nguyên tử không có hạt nhân tương tác mạnh. Làm gì có sẳn một nhóm người ưu tú từ chủng tộc nào đó, từ giai cấp nào đó hay từ trên trời rớt xuống. Chính vì thế mà nhiều bộ máy nhà nước, nội các chính phủ bị nhuộm đen vì tham nhũng, vì bóp nghẹt tự do, dân chủ, tăng cường vũ trang hạt nhân, vì tàn phá thiên nhiên và vô số hành vi mờ ám bạo lực khác… dẫn đến thảm hoạ kéo dài cho loài người, đe doạ huỷ diệt hành tinh.
Cống hiến lớn thứ hai của triết gia Trần Đức Thảo là chỉ ra con đường từ ý thức, nhân tính đến sử tính hoàn toàn vượt lên những học thuyết cũ(phủ định đi ,phủ định lại), giúp thế hệ sau có thời cơ giải quyết bế tắc trong triết học hiện đại, khai thông dòng chảy lịch sử văn minh.
III/ Học thuyết của Trần Đức Thảo bắt nguồn từ trực cảm phương Đông và duy lý phương Tây, song duy lý chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.
Triết gia Trần Đức Thảo trong môi trường triết Tây, ít khi bày tỏ trực tiếp thái độ của triết Đông, song như Ông đã phân tích đã có sự trầm tích ý thức từ nòi giống, từ thế hệ trước kể cả con người nguyên thuỷ, nên ý thức tổng hợp và trực cảm của phương Đông không thể tách biệt hẳn với duy lý phương Tây trong nội tâm Trần Đức Thảo. Ấy là về cái gì khởi nguồn ý thức, dẫn đến ý thức là ý thức về một cái gì như câu nói nổi tiếng của Husserl. Hành động chỉ dẫn (indication) của người vượn như là hình thức gốc của ý thức. Chỉ dẫn là trỏ tay vào một đối tượng ở xa, nhờ đó kết nối giữa chủ thể với khách thể, thời điểm gốc của ý thức chính là ngôn ngữ cử chỉ. Suy rộng ra, khởi nguồn ý thức là nơi chốn tương giao, nơi giao thoa giữa hành vi và tri kiến, giữa vật chất tối và vật chất; giữa vật chất và phản vật chất; giữa sóng và hạt… ngay trong bộ óc.
Quá trình phát triển lâu dài của chất hữu cơ cho thành quả là thân xác con người, tiến trình hoàn thiện hệ thần kinh và bộ óc người là một tiền đề của ý thức, song còn một năng lượng ẩn dấu nào khác can dự vào tinh thần của con người không? Nếu các nhà khoa học thế kỷ 20 đã khẳng định rằng ngoài vật chất quan sát được, vũ trụ còn tồn tại vật chất tối với năng lượng lớn hơn gấp 4 ; 5 lần. Ngoài ra, còn phản vật chất và gì nữa chưa hiểu ra hết… đang tham gia vào trò chơi tương tác của vũ trụ, đang điều hành vũ trụ. Nghĩa là cũng vô hình tương tác vào con người, từ thân xác đến tinh thần. Như vậy câu trả lời cho câu hỏi vừa nêu trên là có. Phải chăng có thể đặt tên cho năng lượng không bắt sáng đó là năng lượng tâm linh? (tâm linh không có chút màu sắc nào của triết học duy tâm cổ điển)
Viết đến đây, chúng ta có thể trở lại đoạn cuối của phần I, nhẳm bổ sung vào cái tên cho học thuyết của Trần Đức Thảo: HIỆN TƯỢNG LUẬN BIỆN CHỨNG TÂM LINH? (6)
Nhà khoa học Trịnh Xuân Thuận rất băn khoăn: “Tôi không muốn che giấu nỗi buồn. Trí thông minh như con dao hai lưỡi. Con người có thể lên mặt trăng nhưng cũng có thể chơi trò phù thủy để phá hỏng cả hành tinh chúng ta”. Nỗi buồn đó là do con người chỉ say mê duy lý trong nhận thức khoa học và triết học. Từ nay về sau, con người không chỉ nên hiểu tâm linh là sức mạnh siêu nhiên, vô hình tác động vào việc thành bại ở đời, rồi lo cúng vái để được thánh thần giúp đở, mà thật sự tâm linh còn là dòng năng lượng tự nhiên tác động vào vũ trụ bốn chiều không-thời gian.(cũng như dòng điện, hay tia la-de…)
Với những lý do nêu trên mà triết gia Trần đức Thảo đề xuất học thuyết Hiện tại Sống động (le present vivant). Có thể về mặt từ ngữ Trần đức thảo mượn lại khái niệm này từ tiếng Đức: lebendige Gegenward, của Husserl với nội dung một hiện tại vừa lưu giữ dĩ vãng vừa phóng xuất tương lai, song theo người viết bài này Hiện tại sống động còn bao hàm cả vấn đề thời gian của thuyết tương đối Aibert Einstein với ý niệm thời gian của minh triết Phật.
“Nhà vật lý học người Pháp, Louis de Broglie viết: Trong không- thời gian, tất cả những gì mà mỗi người chúng ta gọi là quá khứ, hiện tại, chúng hiện hữu một lúc(en bloc).” (trích Đạo của Vật Lý của Fritjof Capra- biên dịch Nguyễn Tùng Bách).
Trần Đức Thảo đã viết Hiện tại sống động là hiện tại vừa trôi qua, vừa là dĩ vãng lưu trữ trong tri thức, lại là tương lai phóng xuất từ hiện tại (trích trong luận văn thạc sĩ về Hiện tượng học của Husserl -1942). Mãi năm mươi năm sau Trần đức Thảo mới nói dứt khoát: Bản thể thực sự là Chủ thể, để vừa khái quát mối tương giao giữa chủ quan và khách quan, đồng thời làm rõ yếu tính Hiện tại sống động. Phải chăng chỉ có thể tiếp nhận trọn vẹn: Bản thể thật sự là chủ thể, nếu tịnh tâm để trực cảm được câu nói của thiền sư Đạo Nguyên: “Phần lớn nghĩ rằng thời gian trôi qua. Thực tế thì nó đứng một chỗ. Hình dung về dòng trôi chảy, ai cũng gọi ấy là thời gian. Nhưng sai lầm hoàn toàn, thời gian đứng tại chỗ”. Trùng khớp với quan niệm về thời gian của vật lý thuyết tương đối. Chiều thời gian cùng tính chất với ba chiều còn lại của không gian. Nên hạt tương tác trên mọi chiều. Điểm đến của hạt (trong chiều thời gian) đôi khi lại ở phía sau điểm xuất phát, thật phi lý nếu không chịu chấp nhận chiều thơi gian cũng chính như chiều không gian( có bên trái và bên phải) như Louis de Brogie, được Nobel vật lý 1929, đã nói trên. Swami Vivekananda cũng nói: “không gian, thời gian và mối tương quan nhân quả giống như tấm kính, phải nhìn xuyên qua để thấy được tuyệt đối. Với tuyệt đối không có thời gian, không gian, lẫn tương quan nhân quả.”
Vì tôn trọng những đóng góp hữu ích của những người dịch trước, đã quen thuộc với độc giã, nên vẫn dịch le présent vivant là hiện tại sống động, tuy vậy sau những luận cứ nêu trên theo kẻ viết bài này nên dịch là hiện tại sinh động (nó bao hàm hiện sinh nữa, hiện sinh trong không-thời gian ,và không chỉ là chọn lựa từ ngữ “sống” hay “sinh”).
Thành tựu lớn thứ ba của Trần Đức Thảo là hình thành học thuyết Hiện tại sinh động. Học thuyết, không chỉ kế thừa duy lý phương Tây mà còn lấy Phật học- Đạo học phương Đông làm nền tảng, sẽ mở ra cánh cửa triết học bị tạm đóng từ cuối thế kỷ 20 cho đến nay trên phạm vi toàn cầu.
Học giả Trần văn Giàu từng nói: “Nên đặt ra một Giải thưởng Trần Đức Thảo trao cho những công trình nghiên cứu triết học. Mình không có truyền thống triết học, nếu có thể nói có một nhà triết học thì người đó không phải là Trần Văn Giàu – Trần Văn Giàu là một giáo sư triết học hay nhà nghiên cứu triết học. Người đó chính là Trần Đức Thảo. Anh em tôn trọng anh ấy là phải. Nhưng cái vần đề chính là trọng người thật chứ không phải hình thức…”
Nên chăng môn triết ở các trường Đại Học cần giảng về triết gia Trần Đức Thảo, và trong hàng vạn sinh viên ấy sẽ có vài chục người say mê triết học và vài người tiếp nối hành trình của triết gia Trần Đức Thảo, biết đâu Việt Nam sẽ khắc phục được một xã hội, một cộng đồng không có triết gia cho chính mình. Dân tộc chúng ta từng tự hào về Trần Nhân Tông, sáng lập một hệ phái Thiền riêng có của Đại Việt, nói theo đương đại, ông tổ một học thuyết triêt học trong bối cảnh minh triết Phật giáo ở Châu Á. Một dân tộc độc lập về tư tưởng, dân tộc ấy mới thật sự đoàn kết và thật sự hùng mạnh lâu dài.
Hành tinh là một môi trường thống nhất, tự nhiên và sinh vật rất đa dạng, hằng trăm ngàn ngôn ngữ khác nhau, nhờ ngôn ngữ mà mỗi người mới suy nghĩ được, vậy bên cạnh ý thức phổ quát loài người là ý thức cộng đồng dân tộc, nghĩa là có triết lý của nơi ấy: Nam quốc sơn hà nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư….(Lý Thường Kiệt). Trong thế kỷ 21 về sau, chắc chắn bên cạnh những thiên tài trong nhiều lãnh vực xã hội, lãnh vực triết học sẽ xuất hiện nhiều triết gia Việt Nam.
ChúThích:
(*) Nguyên lý bất định là một nguyên lýnguyên nhânquan trọng của cơ học lượng tử, do Werner Heisenbergđưa ra, phát biểu rằng người ta không bao giờ có thể xác định chính xác cả vị trílẫn vận tốc(hay động lượng, hoặc xung lượng) của một hạt vào cùng một lúc. Nếu ta biết một đại lượng càng chính xác thì ta biết đại lượng kia càng kém chính xác.
(1) Như vậy là có cấp bậc, và niềm tin của Trần Đức Thảo được đặt dứt khoát nơi chủ nghĩa Marx chứ không phải trên hiện tượng học: ngay cả khi được trình bày trong sáng như trong suốt phần một của tác phẩm, hiện tượng học vẫn là bất cập; trái lại chủ nghĩa Marx thì hoàn chỉnh và chỉ nhận từ hiện tượng học một thứ thiết bị kỹ thuật. Thật ra, đây là một hành trình: hiện tượng học trao đuốc thiêng lại cho chủ nghĩa Marx cùng với loại từ vựng cho phép nó mô tả sự vận động của ý thức và những huyền thoại của Lịch Sử. ( trích bài điểm sách của Roland Barthes), đăng trên Combat, ngày 11/10/1951, và in lại trong Roland Barthes Toàn Tập, quyển 1, 1993, tr. 107. Bản dịch của Phạm Trọng Luật.)
(2) Jean-Francois Revel đã chỉ trich Patrick Kelchichane vì đã viết Trần Đức Thảo là triết gia Max xít đăng trên Le Monde des livre, lúc Trần Đức Thảo từ trần, lẽ ra phải viết Ông ấy là nhà hiện tượnghọc…
(3) Nhưng chúng tôi còn xin nói một điều nữa cho ổn và cho đầy đủ: có bạn sẽ hỏi rằng hiện tượng luận có phải là một chủ thuyết đúng không… và các nhà trí thức dùng phương pháp hiện tượng luận để diễn giảng, để mô tả… như vậy có đúng không… Vậy chúng tôi chỉ còn có thể mạn phép trả lời thế này: hiện tượng luận là một chủ thuyết triết học mới nhất của cả nền triết học thế giới, hợp thời thượng và nhiều tính chất cách mạng nhất – đã vượt gần hết tất cả các hệ thống cổ điển, thì tất nhiên nó đúng và chân xác hơn hết với cái nghĩa là giữa lúc mà các hệ thống duy lý (trong đó có duy tâm) và kể cả duy vật và hai hệ thống duy thực và duy nghiệm truyền thống – xin nói – truyền thống – làm căn bản triết lý cho chính khoa học, đã không đóng đầy đủ và trọn vai trò nhận thức của họ – kể cả nhận thức khung cảnh cũng bị hiện tượng luận vượt: khoa học đây là các khoa học và những thuyết về khoa học lý (epistémologie) đã quy định ra chủ nghĩa khoa học “scientisme” trước đây chẳng hạn. (Tam Ích- Văn Học hiện tượng luận có phải là văn học khiêu dâm không? Tạp chí Văn-1967)
(4) Trái với hai phái duy tâm và duy thực truyền thống đã siêu cực hoá (extrapolation) sự nhận thức, hiện tượng luận chủ trương rằng Ý thức bao giờ cũng là ý thức về một cái gì. (La conscience est toujours la consience de quelque chose). Nói một cách khác, ở hiện tượng luận, giữa khái niệm chủ thể và đối tượng có một tương quan giao hỗ (corrélation). Ý thức chủ quan gọi là noème, đối tượng ý thức là noèse – và sự tương quan giao hỗ gọi là “corrélat noé-tico-noématique”. Thực ra, hiện tượng luận cũng có chứa một mẩu màu sắc duy tâm chủ quan chủ quan của Berkeley. Fichte hay Vương Dương Minh – chính Merleau-Ponty đôi khi cũng ngờ ngợ rằng trên một phương diện nào đó, ông duy tâm hay duy ngã (solipsisme)?(Tam Ích- trích dẫn như trên )
(5) vui lòng tham khảo Trần Đức Thảo và Phật giáo
– Điểm gặp nhau bất ngờ – Hồ Trung Tú
.
B- Tri Kiến trong thiền học Trần Nhân Tông
“Áo rách đùm mây đun cháo sớm
Bình xưa đựng nguyệt nấu trà khuya”
Trần Nhân Tông
Trong thế kỷ 13, cùng với những nhà tư tưởng đương thời, Trần Nhân Tông nổi bật lên là triết gia tiêu biểu. Không thể lấy tiêu chí của hệ thống triết học Phương tây từ Sorate, Platon đến Karl Marx, Hegel để bình chọn ai là triết gia phương Đông. “Triết học là đi đường” một triết gia Đức đã nói vậy! phải chăng ai tư duy về “đường di”, nghĩa là tư duy về Đạo, kể cả theo nghĩa “Đạo khã Đạo phi thường Đạo”, người ấy là triết gia.
Ngày nay ít còn so sánh thiệt hơn giữa hiểu biết bằng thực nghiệm, bằng phân tích chính xác, với hiểu biết bằng trực cảm, bằng tổng hợp. Phương pháp nào cũng cần thiết cho tri thức, vì tuỳ theo đối tượng và lãnh vực của ngoại giới mà nên bắt chiếc cầu nào cho tương thích. Tốt hơn hết là dùng cả hai phương pháp để đáp ứng cho tri thức và tâm thức. Phương Đông, trong đó có Việt Nam, từ khi hình thành quốc gia dân tộc cho đến cuối thế kỷ 19, tư duy triết học bằng trực cảm tâm linh, thể hiện bằng thiền học, bằng đốn ngộ, bằng đối đáp theo công án, khác hẳn cách nói chuyện giữa thầy trò Sorates dùng biện luận thông qua lý trí để tìm sự thật, dù đó là lý trí của giác quan , sáng không phải là tối nên chẳn không thể là lẻ (1), ngày nay nếu nói sóng không phải là hạt thì bị coi là dốt, vì photon ánh sáng sóng và hạt chỉ là một.
Truyền thống duy lý xem thường cách gợi tưởng của triết gia phương Đông vì họ chỉ thừa nhận một lối biện luận logique hình thức, logique toán học…Trong khi kết cấu của bài giảng theo công án thiền không nằm trong hình thức câu chữ ẩn dụ, hoán dụ nên logique bên trong bài giảng là ở bên ngoài lời nói, câu chữ.
Trần Thái Tông nói: “Xứ xứ lục dương kham hệ mã/ Gia gia hữu lộ đáo Trường an/Hồi trình nguyệt hạ nhân hi đáo/Nhất đạo thiềm quang đại địa hàn” (phổ thuyết hướng thượng nhất lộ- Khoá hư lục, quyên thượng- Trần Thái Tông)
Tạm dịch: nơi nơi liễu biếc để buộc ngựa/nhà nhà bên đường dẫn đến Trường An/đường về trăng soi ít người đi/một vệt trăng sáng lạnh cả mặt đất) Đối với thức giả phương Tây, mấy lời văn vần trên chỉ là đoạn thơ tả cảnh, hoặc cùng lắm là những câu thơ để diễn đạt tâm trạng kẻ độc hành trong đêm trăng, gần giống với câu ngạn ngữ: mọi con đường đều về đến La Mã. Không chỉ hiểu văn- thơ phương Đông theo kiểu “analyse logique” như thế! Thông điệp của Trần Thái Tông cao sâu hơn nhiều, ấy là lời dạy mang tính triết học về một con đường hướng thượng, con đường về với đạo làm người.
Nên thậm thấu đoạn lời của Trần Thái Tông như sau: câu 1 muốn nói con đường tu tập đầy bóng mát, đi vào thuận tiện (con đường rợp bóng cây xanh biếc, nhiều chỗ buộc ngưa để nghỉ ngơi); câu 2 Trường An là đia danh dùng để ẩn dụ một điểm đến đạt đạo, dù khởi hành tu luyện từ nơi đâu rồi cũng về một cứu cánh đạt đạo.(nhà nhà bên con đường đều đi về Trường An) câu 3 đường giác ngộ vẫn còn ít người tu luyện, dù ánh sáng chân thiện (ánh trăng) đang soi tỏ (Đường về trăng soi ít người đi); ánh trăng còn tương trưng cho bản thể của vũ trụ, ngụ ý nên dẹp bỏ chấp ngã của mỗi người, đạt đến phá chấp, vô ngã; câu 4 ánh sáng chân thiện của đạo pháp đã tương tác khắp mặt đất (một vệt trăng sáng lạnh cả mặt đất).
Thơ thiền thời Lý Trần đã được viết khá nhiều và tương đối đầy đủ rồi, hơn nữa những nhà nghiên cứu phân tích về sự nghiệp công lao đạo và đời của Trần Nhân Tông rất phong phú, đủ luận cứ đáp ứng tiêu chí phong tặng danh hiệu danh nhân văn hoá thế giới. Bài viết này nhằm tiếp cận tư duy triết học của Trần Nhân Tông, nêu ra những tương đồng với vật lý hiện đại, điều kiện hoà hợp giữa triết Đông và triết Tây, mở ra con đường triết học toàn cầu trong thiên niên kỷ mới, đồng thời góp phần lý giải nhiều hành xử vi diệu, vượt qua không thời gian của tổ sư thiền học Trần Nhân Tông.
I- Tri kiến Trần nhân Tông tương đồng với hiểu biết thực nghiệm của Vật lý hiện đại:
Thơ Trần Nhân Tông được ghi nhận còn lưu lại 32 bài, (Thời ấy, thơ và văn chưa có ranh giới rõ ràng, tiền nhân phát biểu bằng thơ những vấn đề mà con cháu ngày nay chỉ viết bằng văn xuôi). Dù trong thơ hay bài giảng, Trần Nhân Tông luôn cho thấy cách nhìn vượt trên thế giới nhị nguyên. Trong bài Thiên trường vãn vọng:
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,/Bán vô bán hữu, tịch dương biên./Mục đồng địch lý quy ngưu tận,/Bạch lộ song song phi hạ điền.(Thôn sau, thôn trước mịt mờ như khói phủ/ Nửa không nửa có giữa chiều tà/Sáo thổi mục đồng lùa hết trâu về /Từng đôi cò trắng đáp xuống ruộng đồng.-Ngắm cảnh Thiên Trường)
Hai câu thơ đầu cho thấy một cách nhìn những hiện tượng vật chất là vừa có vừa không. Hai câu thơ sau thừa nhận cái riêng đang hiện hữu. Song cả bốn câu lại toát lên tính toàn cảnh bao trùm lên mọi khác biệt, không đối lập giữa có và không. Trong vật lý hiện đại, sóng và hạt chỉ mâu thuẫn trên khái niệm cũ, còn thực chất là một. Vật chất có hai cách biểu hiện, tưởng chừng như loại trừ lẫn nhau, đó là hạt vừa là sóng, đó là sóng vừa là hạt, nghĩa là vừa có vừa không, vừa không vừa có như quan niệm của Trần Nhân Tông. Nhà vật lý Oppenheimer nói: khi ta hỏi, electron còn giữ nguyên vị trí không? Ta phải đáp: “Không”, khi ta hỏi vị trí electron có dịch chuyển theo thời gian không? Ta cũng trả lời: “không”; rồi lại hỏi: vậy liệu electron có nằm yên không? Ta phải đáp: “không”; hỏi tiếp: vậy có phải electrong đang vận động không? Cũng một câu trả lời: “không”. Nghe qua như là tiếng dội từ hơn bảy trăm năm trước trong thiên viện mà thiền sư Trần Nhân Tông đang thuyết giảng.
Dưới đây là một đoạn bài giảng Của Trần Nhân tông, tại viện Kỳ Lân năm 1306:
Pháp tức là tính, Phật tức là tâm. Tính nào chẳng phải là pháp? Tính nào chẳng phải là Phật. Tức tâm tức Phật, tức tâm tức pháp, pháp vốn chẳng pháp. Tức pháp tức tâm, tâm vốn chẳng tâm, tức tâm tức Phật.
Này các người, thời gian dễ trôi qua, mạng người không dừng lại. Cớ sao ăn cháo ăn chay, mà không rõ việc cái bát cái tô, chiếc thìa đôi đũa để tìm hiểu?
…..
Một hôm, sư nghe đồ đệ tụng kinh, bèn hỏi:
– Chúng làm gì thế?
Có tăng đi ra, thưa:
– Chúng niệm Phật tâm.
Sư nói:
Nếu bảo là tâm,
Tâm tức không Phật.
Nếu bảo là Phật,
Phật tức không tâm.
Thì gọi cái gì là tâm?
Tăng không nói.
(trích Trần Nhân Tông – Con Người & Tác Phẩm –)
Phải chăng từ tâm thức vượt lên trên nhị nguyên mà có những hành xử vi diệu như: bỏ qua tội lỗi trọng dụng lại Trần khánh Dư, đốt bằng chứng đầu hàng giặc của những người trong hoàng tộc và bề tôi, không cho truy đuổi kẻ bại trận, cho đến gả công chúa Huyền Trân cho Vua Chiêm Thành…Còn những cách lý giải động cơ theo lệ thường khác e rằng chưa chính xác đối với Trần Nhân Tông, vì thiền sư trước hết không hành xử vì lợi ích, mà do tấm lòng với tha nhân (từ bi). Tuệ Trung thượng sĩ (anh ruột Trần Hưng Đạo), vừa thao lược vừa chân tu, được Trần Nhân Tông tôn trọng làm thầy; Tuệ Trung từng viết: Biết rằng “không”, “Có” chẳng cách xa/ “Sống”, “Chết” nguyên từ đợt sóng ra (Đoán tri không hữu bất tương sa/ Sinh tử nguyên tòng nhất phái ba)(2), Thật kỳ tài, Tuệ Trung tri kiến được dòng năng lượng của vật chất tạo ra muôn loài, sóng của hạt hạ nguyên tử kết cấu thành nguyên tử, thành tế bào rồi hình thành sinh vật. Suy cho cùng sự sống cũng từ vô số đợt sóng năng lương, rồi Chết đi cũng nhập vào những đợt sóng, mà bảy thế kỷ sau vật lý hiện đại mới nhìn ra. Do vậy, Trần Nhân Tông làm vua hoặc Trần Nhân Tông là tổ sư thiền cũng chẳng có gì mất đi hoặc thêm vào, vẫn là một Trần Nhân Tông tự tại : chẳng có gì phân chia hai phía, là nhất thể, song cũng không hẳn là một, vì còn vô thường. Trong cõi vô thường, nên làm vua và đánh giặc ngoại xâm phương bắc Nguyên Mông. Khi giặc thua tháo chạy, họ là những sinh linh cũng như chúng ta (cũng là loài người) nên không truy đuổi tận diệt. Ở phương nam, Chiêm Thành, cũng là một bộ tộc người, không kỳ thị màu da, chủng tộc, gả công chúa yêu quý duy nhất Huyền Trần cho vua nước nhỏ, Trần Nhân Tông đã thoát ra luật định của hoàng gia không cho con cháu hoàng tộc kết hôn với người ngoài.(Hàng trăm năm sau này, Nguyễn Phi Khanh, cha của Nguyễn Trãi, còn phải lẫn trốn vì dám lấy vợ là con gái của Trần Nguyên Đán). Phải chăng với tâm thức nhất thể mà xử lý những việc trong cõi vô thường như “quăng một chiếc giầy rách”? Từ bỏ ngai vàng, đi tu rồi trở thành Tổ thứ nhất, sáng lập thiền phái Trúc Lâm cũng như sóng và hạt của mỗi hạt hạ nguyên tử? Thế giới nhị nguyên chỉ là ảo giác! Đó cũng là biện chứng của tâm linh trong những hiện tượng ngoại giới và nội giới. Liện hệ với hiện tượng luận biện chứng tâm linh theo phát hiện của triết gia Trần Đức Thảo trong thế kỷ 20 (3), Trần Nhân Tông bảy trăm năm trước đã tri kiến theo phương pháp ấy để giải quyết mọi vấn đề hóc búa của lịch sử (cõi vô thường) đặt ra như nêu trên.
II. Tư duy Trần Nhân Tông vượt lên các phương pháp tư duy triết học hiện đại.
Trần Nhân Tông không suy xét theo ý niệm chủ quan, không định kiến, không theo sách vỡ Nho giáo, luôn căn cứ vào thực tế, vào bối cảnh chung mà hành xử mọi việc để giành kết quả tối ưu. Đây cũng là luận điểm chủ yếu của Hiện tượng luận. Triệu tập hội nghị Dziên Hồng, lắng nghe ý dân để quyết định chống giặc ngoại xâm, Một hành động bức phá khỏi giáo điều chuyên chế quân chủ. Đồng thời, Trần Nhân Tông suy nghĩ như một nhà biện chứng duy vật . Trong một trận chiến đấu, thế lực giặc đang áp đảo, tạm phải lui binh, Trần Nhân Tông vẫn khẳng định vào thắng lợi cuối cùng, bằng phân tích tương quan lực lượng, chứ không phải cầu khẩn sức mạnh của Ông Trời.(4) Tuy nhiên, Trần Nhân Tông vượt lên trên cả duy tâm và duy vật, Tin vào sức mạnh ý chí và minh triết của con người, không chỉ hiểu biết bằng lý luận sách vỡ, mà còn hiểu biết bằng tâm thức, bằng thiền định và đốn ngộ. Ngày nay, khoa học vật lý hiện đại chỉ cho thấy lý luận sách vỡ chỉ mới đúc kết được thế giới vật chất sáng chiếm tỷ lệ quá ít (5), nên chỉ có thể nhận thức vũ trụ gần đúng hơn bằng tiếp cận những dòng năng lương khác thông qua phương pháp tâm linh. Phải chăng đấy cũng là một nguyên nhân để Trần Nhân Tông sáng lập thiền phái? (6)
Ngày nay nghiên cứu phương pháp tư duy của Thiền phái Trúc Lâm nói chung, và nói riêng của Trần Nhân Tông, Tổ sáng lập thiền phái, thật thú vị nhận ra tính hiện đại triết học, tương thích với phương pháp hiện tượng luận biện chứng tâm linh.
Tại sao nhìn nhận thế giới vật chất theo hiện tượng luận và phép biện chứng duy tâm hoặc duy vật là chưa đủ để hiểu biết bản chất mọi sự vật? Bởi vì hiện tượng luận vẫn còn cho phép chủ quan của mỗi cá thể quan sát đối vật theo nhiều khía cạnh khác nhau, mà mỗi cá thể đều bị sách vỡ cũ và tập quán địa phương chi phối về quan điểm, nên ít nhiều vẫn bị nô dịch trong tư duy.
Biện chứng pháp bị giới hạn trong không gian ba chiều, thừa nhận dòng chảy có trước có sau, nhấn mạnh sự vật phát triển tất yếu, lệ thuộc vào những định đề toán học và vật lý cổ điển. Hai vế nhận thức trên chưa thoả đáng với phát hiện của vật lý hiện đại. Trong thuyết lượng tử, tính xác suất là tính chất căn bản trong thế giới nguyên tử, thậm chí còn quyết định vật chất có tồn tại hay không. Tính xác suất còn chứng minh tính đúng đắn của tâm thức đốn ngộ, (bất chợt mà thức tỉnh, lãnh hội được thực chất, không còn bị ảo giác ám ảnh)), vì lượng tử là những bước nhảy của thực thể trong một tiến trình hoặc quỹ đạo náo đó, nên suy luận tuần tự theo cách của Socrates, Platon sẽ không nắm bắt được bản chất. Vì vậy, Thiền là cách nhận thức thật sự tự do của chủ thể với khách thể. Fritjof Capra, giáo sư Vật lý tại Hoa Kỳ và Anh Quốc nhận định về thiền: “Thiền không quan tâm gì đến sự trừu tượng hay suy luận khái niệm nào. Nó không có nền triết lý nào hay quy định gì đặc biệt, không phải tỏ lòng tin tưởng nơi ai, xa lánh mọi giáo điều và quả quyết rằng, chính nhờ sự tự do thoát khỏi mọi ràng buộc nơi một niềm tin cứng ngắt nào mà mới sinh ra tâm linh đích thực”(Đạo của vật lý- Nguyễn Tường Bách biên dịch). Thiền tông Việt nam đã bỗ sung vế thứ ba vào phương pháp nhận thức là trực cảm tâm linh, tức đốn ngộ trong thuật ngữ thiền. Trực cảm tâm linh, đốn ngộ mới nhận biết vô số hướng đi của xác suất mà chọn ra con đường tối ưu của mọi phát triển. Rất tiếc trong quyển Đạo của Vật Lý, Fritjof Capra chưa có điều kiện tiếp cận với thiền tông Việt Nam, đặc biệt là thiền phái Trúc Lâm với tổ sáng lập Trần Nhân Tông. Một đặc trưng thiền độc đáo, khác xa thiền học Nhật Bản và Trung quốc. Thiền học Việt Nam, vô ngã nhưng tự tin cao nhất, phá chấp để” châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng”; dùng năng lượng tâm linh để chuyển hoá năng lượng vật chất sáng, thay đổi dòng chảy lịch sử (đánh bại thế lực toàn cầu Nguyên Mông). Trong luận án phó tiến sĩ của Đoàn thị Thu Vân về thơ thiền Lý Trần có một đoạn kết luận rất hay: Thơ thiền Lý Trần có xu hướng vươn tới một không gian và thời gian không có giới hạn và đạt tới sự hợp nhất không-thời gian để phá bỏ mọi giới hạn đối với con người- nói đúng hơn là cái tâm đã đạt đạo, tức thấu triệt chân lý của con người- tham vọng đưa con người vươn đến toàn năng, là một hữu thể vô hạn vượt qua những chiều kích vật chất hữu hạn để tương đương với không gian, thời gian cõi hằng thường. Ở tầm độ này, con người nhìn thấu cổ kim, ngang hàng với Phật , với Tổ, tung hoành ngang dọc, tự do, tự tại. Phải chăng đoạn lời này có thể lý giải tại sao Nhà Trần ba lần đánh bại đạo quân xâm lược của Hốt Tốc Liệt (Cháu nội của Thành Cát Tư Hản, cùng có tên với Trần Hưng Đạo, Võ nguyên Giáp trong danh sách 10 danh tướng của loài người từ thượng cổ đến hiện nay).
Thiên niên kỷ thứ ba phải chăng Việt Nam nên vận dụng Hiện tượng luận biện chứng tâm linh trong tu dưỡng con người và phát triển xã hội ? Việc kết hợp hài hoà tư duy triết học giữa thiền sư Trần Nhân Tông và triết gia Trần Đức Thảo (không nên câu nệ 700 năm là cách trở, vì trong không gian bốn chiều, chiều thời gian cũng cùng bản chất với chiều không gian, nghĩa là có thể đi tới đi lui được), trong bối cảnh của thuyết tương đối và thuyết lượng tử là thái độ sống tối ưu của mỗi công dân, mỗi quốc gia, kể cả cộng đồng Asean, nhằm tồn tại tự do và phát triển bền vững lâu dài.
Cao nguyên Boloven, Paksong -mùa cà phê chín, 2010-
Chú thích: (1) Thượng hoàng ngồi xuống giường thiền. một chốc, bèn nói:
Đỗ quyên rền rỉ, trăng ngày sáng
Đừng để tầm thường xuân luống qua
Lại đánh xuống một cái:
– Chẳng có gì cả, hãy đi ra đi, đi ra đi.
Một vị tăng hỏi:
– Thế nào là Phật?
Đáp:
– Hiểu theo như trước là chẳng phải.
Lại tiến lên hỏi:
– Thế nào là Pháp?
Đáp:
– Hiểu theo lối trước là chẳng phải.
Lại đứng lên hỏi:
– Rốt ráo là thế nào?.
Đáp:
Tám chữ mở toang trăn trối hết
Chẳng còn gì nữa để trình ông.
Lại đứng lên hỏi:
– Thế nào là Tăng?
Đáp:
– Hiểu theo lối trước lại chẳng phải.
Lại đứng lên hỏi:
– Rốt ráo là như sao?
Đáp:
Tám chữ mở toang trăn trối hết
Chẳng còn gì nữa để trình ông.
Lại đứng lên hỏi:
– Thế nào là một việc hướng thượng?
Đáp:
– Đứng chống đầu gậy chọc trời trăng.
Lại đứng lên hỏi:
– Dùng công án cũ để làm gì?
Đáp:
– Mỗi lần nêu ra mỗi lần mới.
Lại đứng lên hỏi:
– Thế nào là giáo ngoại biệt truyền?
Đáp:
– Ểnh ương nhảy không ra khỏi đấu.
Lại đứng lên hỏi:
– Hiện ra rồi chìm mất là thế nào?
Đáp:
– Còn tùy còn tùy bước ếch cát bùn vương.
Tiến lên hỏi:
– Thế còn nhảy không ra?
Điều Ngự bèn lên tiếng:
– Tên mù kia thấy cái gì?
Bèn đứng lên nói:
– Đại tôn đức lừa người để làm gì?
Điều Ngự bèn thở dài. Vị tăng ngẫm nghĩ. Điều Ngự liền đánh. Vị tăng lại định đi ra hỏi. Điều Ngự liền hét. Vị tăng cũng hét.
Điều Ngự nói:
– Lão tăng bị ngươi hét một tiếng, thì hét hai tiếng rốt ráo thế nào? Nói mau, nói mau.
Tăng ngẫm nghĩ.
Điều Ngự lại hét một tiếng, nói:
– Con hồ tinh hoang kia vừa mới đến liến thoắng, nay ở chỗ nào rồi?
Tăng lạy và rút lui. (trích bài giảng tại chùa Sùng Nghiêm- Trần nhân Tông Con người & tác phẩm- tiến sĩ Lê Mạnh Thát –NXB TP HCM 1999)
Trích đoạn một cuộc trò chuyện giữa Socratres và Cebes:
….
Cebes hỏi:
– anh muốn nói gì?
– cũng chỉ là những điều mà chúng ta mới nói cách đây không lâu. Tôi giả sử anh nhận thức được khi tư tưởng số ba chỉ đạo bất kỳ nhóm vật thể nào, nó sẽ thúc ép chúng trở thành số lẻ như chính nó vậy
– Chắc chắn là vậy
– Vậy tôi xác nhận rằng với những đặc tính có ảnh hưởng này, sẽ không bao giờ thâm nhập vào được một nhóm tư tưởng đối lập.
– Không, không thể.
-Và hình thái của số lẻ có ảnh hưởng này.
– Đúng.
– Đối lập với nó là hình thái của số chẳn?
– Đúng.
– Vậy hình thái số chẳn sẽ không bao giờ đưa vào số ba.
-Không bao giờ.
– Nói cách khác, số ba là không tương thích với sự chẳn.
– Hoàn toàn đúng.
– Nên số ba là số không chẳn.
– Đúng. ( Những ngày cuối đời cùa Socrates- Plato – Nguyễn Kim Dân biên dịch)
(2)
Đốn tỉnh |
Đoán tri khong hữu bất tương sa (sai), |
Chợt tỉnh ( Tuệ Trung-Người dịch: Huệ Chi) |
Biết rằng “không”, “có” chẳng cách xa, |
(3) vui lòng đọc Thành tựu của tư duy Trần Đức Thảo-tiểu luận Triệu Từ Truyền
(4) Vào khoảng cuối 1284 đầu 1285 sau khi cuộc chiến lần thứ nhất diễn ra chỉ mới chừng mươi ngày, mặt trận Khâu Cấp – Nội Bàng đã tan vỡ và đại quân Trần phải lùi về Vạn Kiếp. Trên con thuyền chạy ra Hải Đông nhằm tránh mũi dùi tấn công của giặc, giữa lúc quần thần không khỏi hoang mang, Trần Nhân Tông đã viết vào đuôi thuyền hai câu:
Cối Kê cựu sự quân tu ký,/Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh
(Cối Kê việc cũ ngươi nên nhớ,/Hoan Diễn còn kia mười vạn quân). Hai câu thơ, có lẽ chỉ nhằm trấn an những bề tôi nào đó cùng đi trên thuyền, nhưng đã lan truyền rất nhanh như một thông điệp về tinh thần tự chủ kỳ lạ của người đứng đầu xã tắc. Một nghìn quân còn lại trên núi Cối Kê của Việt Vương Câu Tiễn ở thời Chiến quốc, ngỡ bị quân Ngô dồn đến chân tường, vậy mà về sau đã lại dấy lên, đánh bại đội quân hùng mạnh của nước Ngô. Gợi một điển tích cũ để bày tỏ niềm tin vững chắc của mình vào triển vọng của đất nước lúc bấy giờ, trong tình thế nghìn cân treo sợi tóc, đồng thời Trần Nhân Tông cũng nhắc người nghe đừng quên mất thực tế là vùng hậu phương Thanh – Nghệ lực lượng hiện vẫn chưa suy suyển. Nhưng còn quan trọng hơn là cái dung lượng triết lý mà câu nói của ông chứa đựng.( TRẦN NHÂN TÔNG VÀ TẦM VÓC CỦA MỘT THỜI ĐẠI-Nguyễn Huệ Chi và Trần Thị Băng Thanh )
(5) Hình dung về tỷ lệ thành phần vũ trụ: năng lượng tối73%, vật chất tối 23%, khí Hidro, Helitự do, cácsao, neutrino, thành phần chất rắn và các phần còn lại 4%.Vật chất tối là phần vật chất mà con người chưa thể quan sát, cân đo được mà chỉ biết đến nó thông qua tác động tới những vật thể khác, nhưng lại chiếm phần lớn khối lượng của các thực thể vật chất trong vũ trụ.
(6)Cũng như ông nội và thân phụ, trong tư cách một con người lịch sử ông ý thức được quy luật lịch sử và trách nhiệm trước lịch sử của cá nhân mình. Ông đang thực hiện vô vi ngay trên ngai vàng. Khi ông rời triều đình lên Yên Tử, con người nhập thế tất nhiên vẫn còn (chứ làm sao triệt tiêu ngay được?!). Tuy vậy, lại cũng bởi là người nắm vững hơn ai hết quy luật sinh lão bệnh tử của tự nhiên, Trần Nhân Tông đã biết cách chủ động truyền trọng trách thế sự lại cho Hoàng tử trưởng là Anh Tông kế tục, và mục tiêu vô vi giờ đây là thung dung đi tìm niềm vui của sự “giác ngộ”, cũng là tìm lời giải đáp cho những câu hỏi lớn: Con người là ai? Từ đâu đến và cuối cùng đi đâu? Thế giới có hay không? Thật hay ảo?… Những câu hỏi ấy loài người đặt ra từ rất sớm, và cũng từ rất sớm con người đã luôn cố gắng tìm câu trả lời. Giống như Thích-ca-mâu-ni tìm ra đáp án thế giới gồm trong “ngũ uẩn”, kể cả tâm cả vật– sắc, thụ, tưởng, hành, thức, chúng ta không loại trừ ở Trần Nhân Tông– giờ đây đã mang pháp danh Trúc Lâm Đại Đầu đà– niềm khát khao được toả sáng trí tuệ theo cách riêng của ông trước những câu hỏi loại này để từ con người vô minh của nhân thế thật sự trở thành một người tự do (Cõi trần vui đạo hãy tuỳ duyên / Đói cứ ăn no, mệt ngủ yên / Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm / Vô tâm trước cảnh hỏi gì thiền– Cư trần lạc đạo phú); nhờ đó ít nhiều ông gầy dựng cho Thiền phái Trúc Lâm một cơ sở triết thuyết nó là nền tảng vũ trụ quan và nhân sinh quan của xã hội thời thịnh Trần.(TRẦN NHÂN TÔNG VÀ TẦM VÓC CỦA MỘT THỜI ĐẠI-Nguyễn Huệ Chi và Trần Thị Băng Thanh)
Triệu huynh thân kính,
Xứ Nẫu có được những bài về triết học như huynh để điễm tô cho vườn hoa văn thêm đủ sắc màu. Những bài thơ huynh làm hay bao nhiêu thì những bài tiểu luận của anh hốc búa bấy nhiêu. Trên diễn đàn xứ nẫu chỉ có anh và huynh Nhật Chiêu là làm nhức đầu những ai không quen đọc triết.
Muội có đọc sơ sài về Triết đông & Triết tây của giáo sư Kim Định và rất thích lối lý dẫn của thầy.Nay đọc thêm những diễn giải của anh về hai triết gia VN xưa và nay muội bỗng chợt thấy càng đọc cnàg so sánh thì muội càng mắc kẹt văn tự huynh à. Giáo lý nhà Phật thường nói như vậy cũng có nghĩa là muội bị kẹt vào vô minh rồi. Muội phải làm sao đây huynh? Chạy ra rừng văn tự hay đứng đó để suy nghĩ dài lâu? Hi hi..muội càng ngày càng lười biếng và hiếm hoi thì giờ đó huynh ơi.
Rất quí tâm huyết của anh.
Doc dao
Người viết văn phải đối mặt với sự cô đơn anh Truyền ơi.
khung cua hep noi dung qua, cam on chan tinh.
Kính anh Triệu Từ Truyền,
Tôi có một lời đề nghị nhỏ với anh:
1. Tôi phải xin thưa trước với anh: viết còm gửi anh, tôi không có ý xấu
mà chỉ sợ ”một thiên tài mai một”. Bởi, xã hội mình mấy ai quan tâm
và đam mê Triết học”.
2. Sự đam mê và tâm huyết của anh về nghiên cứu Triết học có từ nhỏ
(theo lời anh nói với ACE trên mạng Xứ Nẫu) và cũng đã kinh qua Trường
NAQ và giỏi đầu lớp (như lới anh nói). Theo tôi, anh nên gửi những bài
nghiên cứu về ”Tương Tác luận” để đăng trên những tạp chí nghiên cứu
Triết học, như ở VN có Tạp chí Triết học, ở Pháp có tạp chí La Penssé…
( đăng ở trang mạng ”những người yêu Xứ Nẫu” gần như sai địa chỉ. Vì,
trang mạng nầy không chuyên nghiên cứu Triết học ). Gây ốn ào không
cần thiết, anh ạ!
Lời thật, mong nhà ”hiền triết tương của VN”, suy ngẫm.
Tôi gọi anh là hiền triết là theo cảm nhận chủ quan và thực lòng của tôi.
Chào anh.
Chị Hương Cà Mau góp ý thật chân tình, TTT gửi đăng ở đây vì trông ngóng những bạn trẻ sẽ đọc và cùng nghiên cứu, hy vọng có ai đó sẽ cùng hành trình vi một nền triêt học của dân tôc mình. Tập tiểu luận trước đây tôi đã đăng trên báo chuyên đề, một vài bài ở nước ngoài.( đã in trong tập “những chữ qua cầu tâm linh” NXB Văn Học 2008 bán đươc hơn 3000 b.) Tuy nhiên một tiếng nói khác, không cùng dàn đồng ca thì số phận nó ra sao chị biết rồi! Tôi ưu tư đã lâu về đề nghị của chị, kể cả phải công bố bằng tiếng Pháp, nhưng làm gì cũng cần có bạn đồng hành là đồng bào. Tôi muốn có triêt học là cây xanh hơn là một khối ngoc để ngắm. Mong chị cảm thông, chúc chị an nhàn & hạnh phúc.( Chị yên tâm, tôi rất vui vì được chị góp ý)
Mình thích nhìn nhận Trần Nhân Tông như một nhà vua từ bỏ ngai vàng để đến với Phật giáo và lập nên thiền phái Trúc Lâm . Bây giờ nhiều người gọi ông là Phật hoàng thì thấy cũng chưa được ổn lắm
Cám ơn MYlang d9ax chia sẻ.
Tranh luận về bài này thật thú vị
Nha Trang 68 cho rằng đã tranh luận sao/ theo mình mỗi bên mới nêu ý kiến thôi. Cám ơn bạn chia se
Dù có nhiều ý kiến khác nhau,nhưng phải thừa nhận là tác giả rất kỳ công.
Cám ơn Mê Trang có nhận định chân tình..
Anh Truyền th.th.
Đọc 2 bài thơ của ”người tri kỷ” chắc là viết ở 2 thời đểm khác nhau,
với 2 tâm trạng khác nhau, 2 hoàn cảnh khác nhau trong một thể thống
nhất: tim óc nhà thơ lớn Triệu Từ Truyền – người con của đất nước đi
từ cõi chết trở về – Với em, bài thơ ”Bó Tay” anh mang nỗi khát vọng;
còn bài thơ ”Lục bát ở Đạ B’Lao Am” anh thiếu tự tin, thiếu sự sôi nổi
của người chiến sỹ, dường như thán trách mình, trách người hơi nhiều…
giảm dung lượng đẹp xinh, đã làm ”người tri kỷ” còn ở phương xa
buồn hơn những gì anh thổn thức.
Chào anh một ngày mới, lý sự cùn với ”người tri kỷ” cho đời bớt cô đơn
và vất vả. Mong anh của em luôn khỏe, vui và hăng hái làm Triết học.
Riêng bài tiểu luận, em không rành nên chẳng dám mó tay vào. Xin anh
đừng chấp nhứt em.
Chúc anh buổi sáng một nụ cười!
Cao thị Hoàng th.th.,
Đọc những lời đồng cảm với phân tích sâu sắc hai bài thơ càng thấm thía thêm tấm lòng tri kỷ. Em đừng buồn lo, vì nhà thơ ngoài xúc cảm của chính mình còn gia tốc xúc cảm của bao người, đau khổ hơn thiên hạ đang đau!
Những chia sẻ của em đã chống đỡ tâm hồn anh với niềm tin vào con người, khi họ gây thất vọng ê chề.
Anh muốn nói vời em về bài tiểu luận, tinh thần của bài tiểu luận này là cốt lõi của Tương Tác Luận, theo anh nó là tinh hoa của Việt Nam: độc lập tư duy, từ bi & bất khuất, trụ cốt thứ nhất chống đỡ hệ thống triết học mà anh đang nghiên cứu. Trụ cột thứ hai là thành tựu của vật lý hiện đại, nó là tầm nhìn xa nhứt băng ngang vũ trụ mình đang sống kể cả các vũ trụ khác, trong đó có tầm nhìn vi mô mà từ đó anh rút ra tương tác nhân sinh( hai bài viết trước). Trụ cột thứ ba là tâm thức của nhân tài Việt Nam & toàn thế giới.( sẽ công bố các bài viết sắp tới). Phải chăng ba trụ cột chính là ba nhân tố chính hình thành Tương Tác luận? Anh muốn em đọc các tiểu luận dần dần sẽ vỡ lẽ ra. Mong em tin không phải nồi canh thập cẩm đâu, khi hệ thống lại nó có hình hài riêng, sáng tạo và mãi xanh tươi. Chúc em vui và viết đều!
Nhà văn Cao Thị Hoàng rất thông minh & bản lĩnh, sao không tiêp tay với Triệu Từ Truyền.
Anh Triệu Từ Truyền ơi,
Em biết gì đâu mà tiếp tay với anh?
Không khéo, em làm bận lòng và vướng tay vướng chân anh.
Em hoàn toàn ủng hộ con đường anh đang chọn cho riêng mình.
Các hiền triết xưa, buổi đầu mấy ai ủng hộ?Đôi khi, bị treo cổ!
Chúc anh vui khỏe.
Cám ơn nhà văn Cao Thị Hoàng, nữ sĩ ăn khách nhứt thời nay.Anh sẳn sàng chết hồi tuổi đôi mươi rồi vì hành đông theo một triêt gia, vì suy nghĩ của người khác. Nếu chết vì tư duy của mình điều đó chưng tỏ ai đúng ai sai phải không em? thương quý
Chào Triết gia Triệu Từ Truyền,
A. Hai bài thơ đầy tâm trạng.
1.”Bó tay” của ”ngày xưa, cá chậu chim lồng”
2, ”Lục bát ở Đạ B’Lao Am” hình như tuyệt vọng một mối tình!
Có nghĩa gì khi ”ôm những phiên bản buồn”. Sao không cho người
”ôm nguyên bản buồn”? Như thế, lý trí vẫn còn ”hù dọa” tình yêu.
Và yêu ấy, chưa hẳn yêu!
B. ”Từ Trần Nhân Tông đến Trần Đức Thảo”
1. Anh viết tiểu luận nầy với tâm thức ”nhà hiền triết” đi rao giảng
”Luận thuyết Triệu Từ Truyền” giữa một xã hội không còn muốn
nghe lời rao giảng. Tôi rất trân quý sức lao động anh bỏ ra.
2. Anh đặt vấn đề với cái tựa ”Từ Trần Nhân Tông đến
Trần Đức Thảo”. Theo tôi, được lắm.
a/ Về hình thức: Bữa tiệc đãi bằng hữu rất thịnh soạn, có thể nói
anh đã ”lao tâm khổ tứ” chứ chẳng phải chơi.
b/ Về nội dung: xin phép anh cho tôi nhắc nhớ vài ý:
– Anh đặt vấn đề ”rất rộng, rất lớn” ( xin lỗi hơi tham vọng –
không xấu đâu – ai chẳng tham vọng, nhất là tham vọng Triết học)
Để rồi, nội dung (món ăn) quá sơ sài, khiêm tốn. Cố trích dẫn để
chứng minh sở đọc, lấn át cả biểu kiến của mình. Có cần thế không?
– Người đọc muốn nắm rõ cái thần ”tiểu luận” nói gì? dường như hơi sa đà
”vụ việc”. Tác giả chưa giải quyết thỏa đáng sợi dây kết nối ”Từ Trần Nhân Tông đến Trần Đức Thảo”. Và tư tưởng ”chủ đạo” của tác giả là gì?
Cái cần chưa có, cái có chưa cần.
– Tây sử dụng lý trí, ta sử dụng đạo lý (thái độ sống). Tây dùng toán học
chứng minh, ta thì không. Tây có tư tưởng rõ ràng và hệ thống, ta
không thể. Nên nhớ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan sẽ đẩy nhân loại
đến tội ác.
3. Dẫu sao, thì anh đã đặt một vấn đề ”rất mới” mà trước nay
chưa ai ”dám đặt”. Tôi luôn luôn ủng hộ cái mới, dù cái mới còn rât phôi thai
Tôi nói với anh cũng như chưa nói gì cả. Bởi trang mạng có hạn,
trao đổi vấn đề ”quá lớn, quá tầm” nầy, chắc gì ”chốc lát” đã xong.
Thôi thì, xin phép anh cho tôi nói thực mấy lời thô thiển, như
một ”mụ già ham vui, lý sự hầu trà”
Cảm ơn anh đọc.
Chúc anh vui khỏe.
Chị Đinh Tường kính mến,
Thật cảm động thấy lòng ưu ái của chị với T.T. Truyền. Chị thấu cảm hai bài thơ lục bát, đây chỉ là “thương vay khóc mướn”, vì có vị trưởng lão bảo nên làm thơ lục bát để làm nguội bớt thơ tự do nóng quá.
Góp ý tiểu luận, chị Đinh Tường khá mạnh dạng và thẳng thắng. T.T. Truyền sẽ tự xem xét lại bài viết. Tôi viết vởi chủ định như sau:
1/ Thời đại Trần Nhân Tông Phật giáo ưu thế, tuy nhiên thiền sư và quần thân không cực đoan, mà ngoài xã hội vẫn cân bằng tam giáo. Bối cảnh lịch sử nơi Trần Đúc Thảo học, trưởng thành và làm việc gặp cao trào của một học thuyết,(gần như trí thức các châu lục đều ủng hộ),mà triết gia Trần Đức Thảo cũng không cực đoan, luận văn tốt nghiệp và những tác phẩm chính luôn đậm nét chủ nghĩa nhân văn, bao dung & cao thượng.( bài viết của tôi chỉ nêu lên nét đại cương) Cả hai hiền nhân, theo tôi, đều giữ độc lâp tư duy không a dua theo số đông.
2/ Dù chưa hoàn chỉnh một học thuyết có hệ thống, song ,thiền sư & triết gia tạo ra một di sản tư tưởng như kim cương trong quặng mỏ chưa được khai thác. Thời gian dài trước đây, do nhiều lý do của lịch sử nên chưa ai phát hiện.
3/ Triệu Từ Truyền luôn hiểu rằng: chân lý phải được kết tập từ nhiều phía, từ nhiều thực thể, không cá nhân nào, hay nhóm người nào độc quyền chân lý. Tương tác luận được sinh ra theo tinh thần đo ( vui lòng đọc kỷ bài viêt về tương tác trước đây).
4/ Thú thật tôi không có ảo tưởng tự mình làm hoàn chỉnh Tương Tác luận. Mong chị Đinh Tường và bạn đọc quý mến hiểu cho. Có thể mất vài thập kỷ đến 100 năm nữa, thế hệ sau sẽ hoàn chỉnh ( nếu không bị nô dịch bởi tư tưởng ngoại lai nào nữa).
Cám ơn chị một lần nữa! Chúc chị an nhàn!
Triết gia Triệu Từ Truyền thân,
Tôi cảm ơn những đều lý giải của anh.
Thật ra, thì cũng cần – nhưng chưa đủ – có cái trao đổi và tranh luận.
Cố nhiên, rốt ráo làm sao có thể.
Chúc anh vui.
Trước đây vai trò của Trần Nhân Tông cũng còn “nhạt nhòa” vài năm gần đây với công lao của thầy Thanh Từ,thiền phái trúc lâm và phật hoàng Trần Nhân Tông mới được quảng bá sâu rộng. Nhưng để gọi đó là một triết thuyết có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của cả cộng đồng Asean thì có phù hợp hay không ?
Mình có cảm giác về một phương diện nào đó, đôi khi người VN tự hào dân tộc quá chăng ?
Trần ĐứcThảo khởi đầu là nhà marxist, sau là nhà marxologist. Ông có lẽ là người Việt Nam hiểu sâu nhất học thuyết của Hegel và Husserl. Tuy nhiên, ông chưa xây dựng một học thuyết của riêng mình, và trong sự nghiệp của ông, việc nhận thức lại một cách phê phán chủ nghĩa Marx cũng chưa có gì nổi bật, như những triết gia đương đại. Học thuyết của Trần Đức Thảo hay Trần Nhân Tông, nếu có, [và nếu thực sự độc đáo và vĩ đại] sẽ có vai trò xứng đáng trong lịch sử tư tưởng nhân loại, cùng với nhiều học thuyết khác. Nhưng nếu đưa lên thành độc tôn, (nghĩa là loại bỏ và đàn áp các tư tưởng khác) thì cũng không thoát vòng nô lệ tư tưởng. Khổng và Marx đã là hai tấm gương vĩ đại rồi.
Anh Hiếu Tân viết quá đúng.
Triệu Từ Truyên cám ơn anh Hiếu Tân đã viết:“Học thuyết của Trần Đức Thảo hay Trần Nhân Tông, nếu có, [và nếu thực sự độc đáo và vĩ đại] sẽ có vai trò xứng đáng trong lịch sử tư tưởng nhân loại, cùng với nhiều học thuyết khác.”
Riêng tôi, tôi tin những viên gạch đầu tiên của triêt gia Trần Đức Thảo và thiền sư Trần Nhân Tông sẽ được con cháu khám phá ngày càng nhiều hơn, để vun đắp thành một hệ thống triết học, trước hêt phù hợp với tâm thức Việt Nam,( bải viết của tôi chỉ là một gợi ý sơ bộ), tư tưởng Trần Nhân Tông như dẫn chứng trong bài viết không hề có dân tộc cực đoan, không hề ẩn chứa cường bạo.
Còn hiểu cho đúng Trần Đức Thảo, có lẽ anh Hiếu Tân nên đọc ngay bản chính của Trận Đức Thảo đã xuất bản, dù chưa đầy đủ tôi có mấy quyển in bên Pháp làm tư liệu để viết tiểu luận này.Mong anh thông cảm vì những lý do tế nhị tôi không trao đổi sâu hơn về triêt gia Tr.Đ. Th.
Chúc anh 2015 mạnh khỏe và nhiều thành tựu
.
Viết kì công,nhưng lieu tác giả có quá đề cao triết học VN quá không ?
Cám ơn Nguyenxvansinh đồng cảm. Khi viết tôi tự nhắc mình phải tỉnh táo và ý tưởng căn cứ trên những chứng liệu ( bài viết của các hiền nhân) .
“Nên chăng môn triết ở các trường Đại Học cần giảng về triết gia Trần Đức Thảo, và trong hàng vạn sinh viên ấy sẽ có vài chục người say mê triết học và vài người tiếp nối hành trình của triết gia Trần Đức Thảo, biết đâu Việt Nam sẽ khắc phục được một xã hội, một cộng đồng không có triết gia cho chính mình. Dân tộc chúng ta từng tự hào về Trần Nhân Tông, sáng lập một hệ phái Thiền riêng có của Đại Việt, nói theo đương đại, ông tổ một học thuyết triêt học trong bối cảnh minh triết Phật giáo ở Châu Á. Một dân tộc độc lập về tư tưởng, dân tộc ấy mới thật sự đoàn kết và thật sự hùng mạnh lâu dài.”
>>
“biết đâu Việt Nam sẽ khắc phục được một xã hội, một cộng đồng không có triết gia cho chính mình.”
“Một dân tộc độc lập về tư tưởng, dân tộc ấy mới thật sự đoàn kết và thật sự hùng mạnh lâu dài.”
Cảm ơn người viết đã soi vệt sáng của mình đến tận cùng và quí hơn anh tin có những người sẽ soi những vệt sáng khác trên hành trình vạn nẻo
Cám ơn Trần Thi Ca chia sẻ bài viết, chúc sáng tác sung sức!
Mấy bài thơ và nội dung nghiên cứu có gì liên quan với nhau không nhà thơ ơi
TTT gửi bài hai thể loại khác nhau, không có đề nghị đăng chung với nhau. Tuy nhiên, có thể cùng một tâm tư theo tinh thần ý tại ngôn ngoại. Cám ơn Minh Thanh!
Vấn đề lớn lao quá
Chỉ thích hai bài thơ
Đam Tiên hay Đạm Tiên anh Truyền ơi ?
Cám ơn Minh Văn chỉ ra lỗi thiếu dấu nặng. Trong bài thơ còn hai chỗ có Đạm Tiên nữa, nên bạn có thể kết luận được rồi.