Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Chín 5th, 2014

Cái ăn cái để

 

Cao Thị Hoàng
6cecd0d73a626e14a6275b1bb44b127e
1.
           Phàm ở đời, con người ta ai cũng ước mơ sống có cái ăn cái để. Còn ăn thế nào, đề ra sao, tùy tâm hồn và não trạng của mỗi người. Nói như cụ Sáu Đỗ, có khi nó còn hơn thế, bởi cái ăn cái để là phần hình thức lộ ra ngoài, chứ phần nội dung ẩn bên trong-kể cả phần sâu thẩm-thì vô cùng phức tạp. Không phức tạp sao được? Nó mang theo phong tục tập quán của dân tộc và tín ngưỡng của tôn giáo. Lắm lúc, có một số người nâng cái ăn cái để thành thuộc tính giai cấp, chứ chẳng phải chơi.

         Chú Tư Lu hỏi cắc cớ với tía:
      – Anh Hai, tại sao dân miệt ruộng Nam Bộ không nói lời sang trọng như người ta thường chảnh chọe nói của ăn của để, mà lại nói cái ăn cái để?
         Tía dùng ngón tay xoay quanh miệng trà, bảo rằng:
       – Cụ Vương Hồng Sển lúc sinh thời thường suy ngẫm, kẻ quan quyền có thế lực và người giàu có là anh em sinh đôi, thậm chí câu kết ngoại bang để tạo nên sự bền vững của ăn của để. Thản như bọn thấp hèn, mua gánh bán bưng nơi đầu đường xó chợ, hoặc
nông dân lam lũ lo chuyện cấy cày, tay làm hàm nhai thì có được cái ăn cho qua bữa hàng ngày là sướng tỉ rồi. Còn cái để? Cái ăn chạy muốn khạc ra tro, ho ra máu thì trời đất thánh thần thiên địa ơi, làm gì có cái để? Bộ giỡn à!
         – Vậy nghĩa là, tía con Hường nói kẻ ăn trên ngồi trước mới có của ăn của để; người ngồi dưới ăn sau, cùng lắm chỉ vớ bậy cái ăn cái để mà thôi?
          Má chen vào câu chuyện giữa tía và chú Tư Lu.
           Tía cười:
        – Thì mình cũng dư biết, hỏi chi tui?
           Chú Tư Lu khều tía xin thuốc, bụm tay rít một hơi.
        – Xã hội nào rồi cũng vậy thôi. Mạnh vì gạo bạo vì tiền. Tốt  buổi ban đầu, sau rốt là bầy hầy chình ình ra đó. Nghĩ cũng phải, nếu không vậy, sao có cái mới? Tui tiếc không vì cái ăn cái để, mà tiếc già sớm khôn muộn, cả đời làm đổ mồ hôi sôi nước mắt, chúng ăn ráo trọi, mình nhịn te tua. Cha nội nào lên cũng nói ngon tiền, một tấc tới trời!
          Tía cầm chai rượu thuốc, rót mời chú Tư Lu. Tía cạn phân giải:
         – Đúng là hồi đó, tui với chú già quá sớm, khôn quá muôn. Mình thương cái không đáng thương, ghét cái không đáng ghét. Điều tệ lậu là, cảm xúc nó đi sau hành vi của mình. Đâu phải kẻ lang thang nào cũng chịu số phận lạc đường? Chẳng có ma nào thích kẻ khác sai bảo, mình tự nguyện kẻ khác sai bảo, mình tự dối mình thật đáng thương.
          Chú Tư Lu cắt lời tía, như giấu cảm xúc.
         – Tình yêu đơn phương có bao giờ lãng mạn, chỉ là sự đau đớn. Tui nhớ hoài câu nói của má tui lúc bà còn sống: Con phải biết hài hước tiếu lâm, vì nó cho mình khả năng cơ bản của sự can đảm trong cuộc mưu sinh cái ăn cái để.

           Trời sắp đổ trưa, nắng sắp đổ lửa, tía má mời  chú Tư Lu ở lại dùng cơm. Trong lúc chờ mấy đứa nhỏ làm cơm, tía nói với chú Tư Lu :
            – Vì cái ăn thiếu trăm bề, một mạng người đã chết do quẩn bách.
            Chú Tư Lu không hiểu ất giáp gì, hỏi tía:
            – Chuyện gì, anh Hai?
            – Thì chuyện, chứ chuyện gì!
             Tía đứng dậy, vừa nói vừa đi mở cửa tủ bàn thờ, lấy tờ nhựt trình ”Người Đưa Tin”
đề ngày 07.8.2014.
             – Hường, con đọc lớn cho chú Tư nghe bản tin.
              Ba Hường cầm tờ nhựt trình, tằng hắng lấy giọng, rời đọc:
              ”…Chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân, 38 tuổi, ngụ ấp 5, xâ An Xuyên, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau quyết định…chết. Chị chọn quyên sinh là giải pháp cuối cùng với hy vọng kiếm chút ít tiền phúng điếu và gia đình được cấp hộ nghèo!”
                   Chiều ngày 24.4.2014, xứ An Xuyên bàng hoàng, thảng thốt bởi cái tin chị Nhân treo cổ chết. Bên cạnh xác chết của chị, người ta tìm thấy những bức thư tuyệt mạng. Một trong những bức thư tuyệt mạng đẫm nước mắt, có bức chị viết cho chồng con: ”…Anh! trong hoàn cảnh gia đình mình quá khổ, em không sống nổi với anh và các con. Từ một tháng qua em bịnh, nằm xuống nhưng không ngủ được. Em nhớ đến nợ nần, đến tiền học phí của các con, đến sự khổ cực cả đời anh. Em đã cố gắng lắm rồi, em chạy tiền bằng nọi cách để trị bịnh, để lo học phí cho các con, nhưng có ai cho mình mượn, mình vay đâu. Em khổ lắm, em không còn lối thoát. Em biết chết trong lúc nầy, bỏ lại anh 3 đứa con ngoan, hiền, học giỏi của chúng ta là em không đúng.
              Anh Bảo! Em thương anh nhiều lắm. Anh sống với em cả đời cực khổ, chưa bao giờ được sung sướng…
             Các con Bằng,Tâm,Ngân,
           Các con đừng trách mẹ. Mẹ khổ nhiều lắm! Mẹ chạy tiền cho các con ăn học, bây giờ nợ nần nhiều lắm! Tiền hụi chết mỗi tháng phải đóng cho Dì Ánh một triệu đồng. Mẹ đã đi van xin được cấp sổ hộ nghèo để mẹ vay tiền đóng học phí cho các con. Nhưng không ai cho gia đình mình nghèo hết.
              Mẹ chết để giảm gánh nặng cho ba con, để phù hộ cho ba con, các con được trúng số độc đắc, để chính quyền thấy nhà mình thực sự khổ, rồi cấp sổ hộ nghèo, vay tiền đóng học phí cho các con.
              Xin chính quyền ấp 5 soi xét cho hoàn cảnh quá khổ, không lối thoát của chúng tôi mà xét cấp sổ hộ nghèo cho chồng con tôi được sống những ngày còn lại trên đời.
              Anh Bảo! Anh ra Hội Chữ Thập Đỏ xin hòm liệm em, đừng mua tốn kém lắm, dành tiền lo cho các con mình ăn học nha anh!
              Anh, em thương anh nhiều lắm!
             Các con hãy cố gắng vươn lên học tập đổi đời, đừng để cho con phải khổ thêm. Vì mẹ con mình mà ba các con phải khổ cả đời rồi…” (Thư tuyệt mạng của chị Nhân).
              Sau khi đăng bức thư  tuyệt mạng, tờ nhựt trình ”Người Đưa Tin” viết tiếp:
             ”…Hơn ai hết, anh Bảo là người thấu hiểu tấm lòng của vợ. Anh nói trong nước mắt: Vợ tui đã cố gắng đến hơi sức cuối cùng!”
              Ba Hường hớp ngụm nước, định đọc tiếp. Chú Tư Lu xua tay:
            – Thôi! Ngưng đi cháu. Chú khó thở…
            – Chuyện cụ thể và xác thực thế nào, mình ở xa chưa rõ. Nhưng, nhựt trình mà chạy tin như vậy, lòng nghe thương cháu Ngân  và gia đình đứt ruột quá!
             Giọng tía buồn buồn khô khốc, như lá tre khô dòn rụm dưới nắng trưa.

2.
           Cơm nước xong, tía và chú Tư Lu ngồi tư lự xỉa răng, uống trà.
           Cụ Sáu Đỗ, từ vườn nhà bên đi qua ngõ sau, cụ mở cổng rào và hỏi vọng vào:
 – Mấy đứa bây cơm nước chưa?

            Tía trả lời:
             – Dạ thưa rồi Bác Sáu. Mời Bác Sáu vô uống trà với tụi con.

Cụ Sáu ngồi xuống ghế, cầm tách trà và nói:
              – Hôm rồi, qua về cúng giỗ bà nội ở Mộc Hóa, tiện đường qua ghé thăm chú Năm Tâm-Chủ tịch huyện- và sẵn dịp, hỏi thăm Năm Đậu…
                Nghe nói đến Năm Đậu, tía mừng ra mặt và hỏi dồn dập:
              – Cụ có gặp anh Năm Đậu không? Anh ấy, giờ sao rồi cụ?
                Cụ Sáu chưa kịp trả lời, má nói như giải thích :
              – Hồi đó, tui với tía con Hường trôi dạt đến đất Bình Hiệp làm ruộng, gặp lúc cải tạo nông nghiệp, cán bộ Năm Đậu nhận ấn tiên phuông trưởng tràng. Thay vì bắt ép nông dân vào Hợp Tác Xã, anh ta để mọi người tự suy nghĩ và tự nguyện vào hay không thì tùy.
Rồi anh ta tổ chức khoán sản phẩm kiểu Kim Ngọc ở Miền Bắc trước đây. Vậy là, vô hình trung anh ta chống chủ trương của bề trên. Cán bộ Năm Đậu bị đình chỉ công tác, chờ xử lý kỷ luật. Mỗi chiều, Năm Đậu gò lưng trên chiếc xe đạp cà tàng từ Bình Hiệp về thị trấn Mộc Hóa, ai thấy cũng chạnh lòng.
                Má nói dài dòng như muốn trút bầu tâm sự, tía nóng ruột cắt ngang:
           – Thì mình để Cụ nói coi sao
                Cụ Sáu chậm rãi kể:

            – Qua không gặp Năm Đậu, chỉ gặp Năm Tâm. Hỏi thăm Năm Đậu, Năm Tâm bảo chuyện dòng dài lắm, nói sao cho siết. Chi bằng, lấy cái thư Năm Đậu gửi cho tui mà đọc
thì cụ tất sẽ rõ. Thấy qua lừng khừng vì gấp phải đi Tuyên Thạnh cho kịp con nước, Năm Tâm đưa qua mượn cái thư và nói rằng: Người cô thế thường được cảm thông, nhưng chẳng ai đi theo. Nếu có theo, người ta đi theo kẻ mạnh. Lúc đưa qua xuống ghe, Năm Tâm còn nói nhỏ: Những điều nghịch lý luôn luôn có sẵn trong cuộc sống, ngồi than trách và oán giận chẳng ích lợi gì, phải biết chấp nhận và vượt lên trên những nghịch lý ấy.
               Tía và chú Tư Lu cùng nói:
            – Cái thư của anh Năm Đậu, cụ có mang theo không cụ?
               Cụ Sáu Đỗ cười hóm hĩnh:
            – Không mang theo cái thư, qua sang đây làm gì giữa trưa nắng đổ lửa.
               Má giục Ba Hường đọc thư Năm Đậu gửi Năm Tâm.
               Nguyên văn thư viết rằng:
              ”…Tính ra tôi lên Mộc Hóa, Tân Thạnh công tác cải tạo nông nghiệp gót ghét cũng được 8 năm, bằng 96 tháng, tức 2.880 ngày và đêm. Kháng chiến chống Pháp 3,000
ngày không nghỉ. Như vậy, 3.000 ngày – 2.880 ngày = 120 ngày, quy ra là 4 tháng, tức hơn 1 quý. Nếu tôi tiếp tục trên đó hơn 1 quý nữa, thì thời gian bằng cuộc kháng chiến chống Pháp năm xưa.
                  Tôi ra Bắc 1954, về Nam 1973. Đi học Trường Sơn Tây, qua Lèo (đường 9 Nam Lèo- cầu Ca Ky, Sê Pôn, ngang qua Bản Đôn) đến Campuchia tới R (rừng Lộc Ninh). Cuối tháng 4.1975, tiếp quản Tây Ninh và sau đó  về Long An.
                 Má tôi cộng thời gian tôi đi về: 19 năm tập kết + 3 năm ở R + 5 năm ở tỉnh + 8 năm ở Mộc Hóa,Tân Thạnh = 35 năm! Hơn nữa đời người, gần cả cuộc đời!
                 Má tôi hỏi: Con đi tập kết không đã hay sao mà còn lên Mộc Hóa, Tân Thạnh?

Cái xứ xưa kia ” muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội như bánh canh”. Tôi khoanh tay: Qúa đã má ơi! Đảng phân công…thì phải đi. Hễ nhắc tới Đảng là mẹ tôi như muốn khóc, vì gia đình chịu ơn Đảng. Do đó, cả nhà đi theo cách mạng. Cha liệt sỹ chống Pháp, mẹ cho tôi tập kết, lâu quá không có tin tức gì, tưởng tôi chết và bà nghĩ bụng chắc thêm 1 liệt sỹ nữa. Năm 1967, thằng con thứ 8, trung đội trưởng bộ đội Long An hy sinh tại xã Mỹ Thạnh Đông (Đức Huệ). Tết Mậu Thân, thằng con thứ 9 cầm cờ xung phong tấn công Thị Xã Tân An, hy sinh ở Ao Quan. Còn má tôi chống đối quyết liệt không chịu vào Ấp Chiến Lược vì còn núm níu với đàng mình, nên bị pháo Quận Bình Phước dập đui hết một con mắt.
          Gia đình tôi, 2 vợ chồng vời 3 đứa con (đứa lớn 10 tuổi, đứa nhỏ 6 tuổi) là 5 nhơn khẩu, làm được 1 công 2 (1.200m2) ruộng. Thiếu ăn, đói. Tôi ”bắt” vợ phải làm 4 vụ trong năm (vụ cuối, giống lúa 75 ngày), đêm ngày dùng gàu dai tát nước, kiểu như lúa rẫy, giải quyết được 5 – 6 tháng ăn.
Ông Ba Quốc Hội ở Hậu Thạnh không tin, cho người đến tận nhà ( xã Hiệp Thạnh, huyện Vàm Cỏ cũ) coi hư thực. Anh Tư Bốn (anh ruột 5 Hùng) cô Bảy Rớt đem xuống cho 1 giạ gạo và sẵn thể, mời tôi lên ăn giỗ. Chú Phú, kế toán tập đoàn máy (chủ nhà máy chà Kinh Quận) gửi cho 1 giạ gạo. Năm Niên, Sáu Thích, tập đoàn Kinh 7 Thước cũng gửi cho 2 giạ lúa. Những nghĩa cử cao đẹp đó, tôi rất cảm động và biết ơn. Đồng thời, không quên cảm ơn Trời-Phật.
          Như vậy, Năm Đậu có phải ăn hối lộ hay không? Tôi kể thật, không biết Huyện Uỷ,
Uỷ Ban Nhân Dân huyện Mộc Hóa, Tân Thạnh có thông cảm cho tôi hay không?”
          Đọc tới đây, Ba Hường khô họng, chạy ra sau uống một tô nước mưa đựng lu vú.
Mọi người nghe hoàn cảnh sống của Năm Đậu thương quá, mặc dù hoàn cảnh sống của họ chẳng khá gì hơn, có khi còn khó khăn, bi đát nữa là khác. Tía hối Ba Hường đọc tiếp.
          Ba Hường đọc tiếp thư chú Năm Đậu:
          ”…Tôi chưa kịp hết sốt rét rừng, lại theo anh Ba Nhóm (Phó Chủ Tịch Tỉnh, phụ trách nông nghiệp) lên Mộc Hóa hồi năm nước lụt 1978. Lũ lụt và pháo Pôn-Pốt bắn qua, suốt ngày quần áo ướt nhẹp.
             Sáng uống cà phê xong. pháo bắn. Chiều khoảng 1 giờ 30′ pháo bắn. Lúc đó, ngoài chợ Mộc Hóa thịt trâu, bò, gà vịt, cá…rẽ mạt, bán như cho. Mọi người ăn Bo Bo, gạo quý hơn vàng. Một con trâu lớn, đổi 1-2 giạ gạo không ai đổi. Dân ăn cháo, ăn khoai, có xã ăn độn rau muống, khi chống xuồng té lên té xuống, như con ông Hai A, con Đại úy Hai Chiêm. Con nít đa số trần truồng ngòi chò hỏ trên sạp. Đàn bà con gái, suốt ngày quần vo sát háng. Đàn ông con trai, ở trần trùn trục, mặc quấn xà lỏn hoặc vận khăn rằn.
               Đêm đêm nghe pháo gầm biên giới, nhất là tiếng đạn B40 B41 bay té té bên Bình Hiệp, Thạnh Trị. Có đêm Đại úy Tư Mạnh* cùng cận vệ từ chiến trường về thăm Huyện Uỷ và Uỷ Ban huyện Mộc Hóa, anh Tư Ca*, anh Út Đạt đem thịt trâu, khô, cá và rượu mời Đại Uý. Và, không quên bắt Năm Đậu tiếp khách tới khuya.
                 Hôm rồi, tôi lên Tân Thạnh, tình cờ gặp lại Đại Úy năm xưa, nay đã là Đại Tá
Tư Mạnh ( Đại Uý 1978, Đại Tá 1989. Mười một năm lên 3 cấp). Tôi nhắc hồi nước lụt năm 78, cháu Mạnh 42 tuổi, chú Năm 54 tuổi.
                Lụt tràn về năm đó, có thể nói Mộc Hóa, Tân Thạnh chỉ có 2 loại cây sống, còn bao nhiêu chết sạch.
               1. Cây tràm,  cây tre trúc trãi, cây trâm, tranh , trâm bầu.
                2. Cây bàng, bần, bình bát, cỏ bông , cỏ bắc, cây bèo, lục bình. Cây sống ở bờ ở bụi, cây sống ở búng, cây sống ở bung, cây sống ở bùng, bưng, biền…
                Cây thì đã vậy, con thì:
              1. Chó, mèo như muốn thành người. Vì ngày đêm ở và ngủ chung sạp với người
               2. Gà vịt như muốn thành cim. Vì chúng sống trên nóc nhà, lúc nào cũng dáo dác tìm kiếm gò nổng cao, bụi tre không bị ngập là hè nhau bay đến. Trời gần tối, các hướng đều có gà vịt bay vụt vụt lên nóc nhà ngủ.
                Đi từ Nam ra Bắc, từ Bắc qua Lèo, Campuchia, tôi chưa thấy trâu nơi nào lặn giỏi hơn trâu Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh. Ngập 1-2 mét nước, không lẽ uống nước mà sống? Giữa cái sống và cái chết, buộc trâu vùng nầy phải thích nghi hoàn cảnh, phải lặn thật sâu kiếm cỏ, năn lát…ăn để sống. Nếu thế giới mở đại hội thi đua trâu lặn giỏi, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh không cần luyện tập, không cần tuyển chọn trâu mập trâu ốm, con nào cũng được, chắc chắn đoạt giải đặc biệt.
                 Huyện nào trong tỉnh cũng có thể thực hiện sinh đẽ có kế hoạch, chỉ có 3 huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh thì không thể. Tại sao? Tại nước lụt, vơ vo quần sát háng, ló cặp đùi tru trú, chồng mặc quần xà lỏn ngồi nằm trên sạp sà qua sà lại. Nhà nghèo, không xuồng bọng đi lại, đèn thiếu dầu không thắp, trên sạp chật hẹp, muỗi mòng rộ mé, đành bò vô mùng sớm. Sách báo, văn nghệ không có, ti vi chiếu bóng cũng không, quay qua đụng bà xã, quay lại đụng vợ, nóng máy thì phải dũa…”
                   Chú Tư Lu nghe đến đoạn  thư nầy nín cười không đặng, ôm bụng cười lăn, mọi người ráp nhau cười, quên cái oi bức nóng hầm hập. Tía nói, thằng cha mắc dịch tiếu thiệt. Má bảo, đọc tiếp đi con.
                    ”… Tình thiệt nói thật, đời tôi chắc gắn liền cái xe đạp cà tàng, trật con chó lên con chó xuống, tuổi càng xế chiều hai cặp giò chắc là đạp không xiết. Có lẽ, hết đời tôi cũng không mua nổi cái HonDa để dành đi công tác, đi thăm bạn bè, thăm các anh. Nhà dột nát còn chưa có điều kiện sửa, mưa đêm vợ chồng con cái xúm nhau hứng nước, cái ăn chạy từng bữa, dám chi mơ cái để.
                           Nghĩ các anh hiểu và thương Năm Đậu, tôi mạnh mồm bạo miệng xin Huyện Uỷ, Uỷ Ban huyện có xe gì cũ cũ cho tôi một chiếc, hoặc bán hóa giá trả góp, để tôi thực hiện được điều mơ ước cuối cùng của một đời người.
                           Nếu được, cả nhà tôi rất biết ơn. Nếu không được, tôi hơi mắc cỡ và các anh cho phép Đậu nầy buồn năm ba phút gì đó!
                            Kính chúc sức khỏe anh Năm Tâm.
                       Tôi viết xong lúc 9 giờ ngày 19.5.1989
                                              Phạm Văn Đậu
             Phó Ban quản lý HTX nông nghiệp, Sở Nông Nghiệp Long An ”

        Ba Hường đọc xong cái thư của Năm Đậu, có tiếng ai đó thở dài. Má buông lời:
             – Tội nghiệp quá chừng!
       Cụ Sáu Đỗ, chép miệng:
 – Cái ăn cái để thật đơn giản và bình dị của người lương thiện, đội khi cũng không dễ có.

3.
Mấy ngày nay, ở cái chốn ”khỉ ho cò gáy” nầy, bà con ”quần phèn phá lấu” phát sốt lên, vì cái tin ”của để” quá xá thợ mộc của cựu đại quan Ba Truyền, do ông Kim Quốc Hoa
Tổng biên tập Báo Người Cao Tuổi, can đởm khẳng định: ”đủ cơ sở đưa tin về biệt thự của ông Truyền”.
Ngày 21.2.2014, trang ”Thư Giãn Cuối Tuần”, đã trân trọng kính mời bạn đọc ”chiêm ngưỡng” một số hình ảnh về của nổi là những dinh thự, biệt thự, nhà đất, một phần trong khối tài sản của ông Trần Văn Truyền, cựu Uỷ viên TWĐ, cựu Tổng Thanh tra chính phủ.
Ở khuôn viên 1hecta 6 (16.000m2) tại ấp 2, xã Sơn Đông, Tp Bến Tre, đang xây dựng 1 biệt dinh hoành tráng và 4 căn nhà gỗ lớp ngói đỏ, nghe nói có cả tốp thợ Nam Hà thi công nhiều tháng qua. Những căn nhà gỗ thuộc nhóm gỗ đặc biệt không dùng đến 1 cái đinh sắt.
Cũng theo báo Người Cao Tuổi, ông Truyền còn có 3 cơ ngơi ở Tp Hồ Chí Minh là phường Thảo Điền (Q.2), ở Q.5.ở khu đô thị ”5 sao” Phú Mỹ Hưng, do người thân đang quản lý, sử dụng.
Người ta còn đồn rằng, cái giường ” đặc biệt” của vợ chồng ông có giá trị nhiều tỉ đồng…(Trích ”Báo Người Cao Tuổi”, số ra ngày 21.2.2014)
Theo VietNamnet, ngày 23.7.2014, tin từ Tỉnh ủy Bến Tre cho biết:
Uỷ Ban Kiểm Tra Trung Ưo7ng đã công bố Quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm của đảng viên đới với ông Trần Văn Truyền. Uỷ Ban cũng cử đoàn cán bộ đến phối hợp với Tỉnh Bến Tre để kiểm tra, xác minh toàn bộ tài sản và bất động sản của ông Truyền.
Thời gian làm việc kéo dài 90 ngày.

                                   (Trích nguồn VietNamnet)

Tía hớp ngụm trà, miệng đắng nghét:
– Tui không lạ với gia đình Ba Truyền ở Ba Tri, tía chú Ba hy sinh oanh liệt, thời chống Mỹ chú chiến đấu ngoan cường, thà chết chứ không hàng giặc. Một gia đình liệt sỹ có thế đứng sừng sửng ở Bến Tre. Thế mà, có thể rơi một cách tự do xuống bùn nhơ vì thiếu tu dưỡng bản thân, vì sự cám dỗ vật chất tầm thường? Sao dễ quá xá dễ? Tui không tin.
Ba Hường ngứa mồm, xía vô:
– Tía thương chú Ba Truyền nên nói vậy, con cháu cán bộ bây giờ phần đông xài tiền đô chê tiền Việt, thứ gì cũng ”xịn”, trừ cái đầu thì không ”xin”. Một bức tranh vân cẩu, ngó vào ai cũng lắc đầu le lưỡi.
Đông rày, đi đâu má cũng nghe đầy cái lổ tai vụ dinh Ba Truyền. một đồn mười, mười đồn trăm, trăm thì không đồn mà thổi bay tóc trán…Má nói, cái dinh nằm chình ình ra đó, dù đồng tiền từ mồ hôi nước mắt, từ làm vườn đến thúi móng tay như chú Ba Truyền kể lễ, cũng không nên… Cái biệt dinh khác nào cái gai nhọn, tàn nhẫn đâm thẳng vào mắt dân nghèo trên mảnh đất một thời ”đồng khổ”. Và vì ”đồng khổ” nên đã đứng lên làm ”đồng khởi”, chắc chú ba nó thừa biết?
Chú Tư Lu nói giọng buồn buồn:
– Mình chẳng dính dáng, ăn nhập gì mấy cha nội nầy, nhưng nghĩ sao nghiệt quá, cũng thấy tiếc, nếu đó là sự thực. Tham nhũng, chẳng những thiệt hại của cải vật chất, mà nó còn nguy hiểm khôn cùng khi nó tàn phá tâm hồn, bức gốc văn hóa cả một dân tộc, dễ gì một sớm một chiều phục hưng lại được. Thời vua chúa nhà Nguyễn, triều Nguyễn cho đến lúc Nam Kỳ thuộc địa, rồi Nam Kỳ tự trị, quan tây, dân tây, dân ta quốc tịch tây, điền chủ, nhà tư sản…ngay cả quan quyền thời Sài Gòn. chưa ai dám ngạo nghể chơi biệt dinh riêng mình và có mớ tài sản to đùng, lồ lộ.

Trời ngả về chiều, nước lớn mấp mé bến sông, tía bảo Ba Hường bơi xuồng đưa chú Tư Lu qua rạch về nhà. Trước khi bước xuống xuồng, chú Tư Lu nói với tía:
– Ở đời, được cái quá được, thì khi mất sẽ mất cái quá mất!

Hòn Đất, tháng 8.2014
CAO THỊ HOÀNG

 

(more…)

Read Full Post »

Em là ngọn nến

Phạm Hùng Nghị

3839-940x626

Ánh sáng vẫn lung linh
soi tỏ mặt mình trong đêm vắng
Ngọn lửa nhỏ nhoi vẫn đủ ấm đôi tay
giữa trời khuya ngoài kia gió lạnh.
. (more…)

Read Full Post »