VÀI CẢM NGHĨ KHI ĐỌC TIỂU THUYẾT THẦY GOTAMA VÀ 8000 ĐỆ TỬ CỦA TRẦN NHƯ LUẬN
Bài viết của TRẦN MINH NGUYỆT
Tôi có duyên lành đọc tác phẩm Thầy Gotama và 8000 đệ tử của nhà văn Trần Như Luận do nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành. Đây vừa là một tiểu thuyết lịch sử, vừa là một tiểu thuyết luận đề. Với lối viết phi tuyến tính xen lẫn với tuyến tính, những tình tiết cô đọng, sâu lắng, nhà văn đã dẫn tôi vào một không gian bàng bạc sương mù. Đó là sự mù mịt của một Ấn Độ cổ, nơi mà con người quá tin và quá dựa dẫm vào thần linh. Thầy Gotama đã ra đời trong bối cảnh đó. Thầy đã dẫn dắt chúng sinh vượt qua cuộc biến thiên vô tận của cuộc đời đầy ngã chấp và sự u mê ám chướng.
Tiểu thuyết đã tái hiện một Ấn độ cổ với nhiều nước lớn, nhỏ như Magadha, Kosala, Sakka. Tác giả đã giúp tôi có thêm nhiều kiến thức về phong tục tập quán, về cuộc sống con người của một thời. Và đặc biệt tôi rất có ấn tượng về một số nghi lễ… Chẳng hạn lễ cưới của hoàng tử Nanda, lễ tang của vua Suddhodana, những tục lệ cúng tế thần linh…
Đọc tiểu thuyết tôi nhận ra rằng giáo pháp của Thầy Gotama dẫn con người đến với tự do, nhân bản. Thầy Gotama là vị giáo chủ duy nhất trên thế gian không nhân danh thần linh hay Thượng Đế mà chỉ nhân danh con người. Tất cả những gì mà Ngài đạt được không phải do thần linh ban tặng, mà hoàn toàn do nỗ lực và trí tuệ của con người. Theo thầy Gotama, con người là tối thượng, là chủ nhân của chính mình. Chính tư tưởng này đã giúp con người thoát ra khỏi sự ràng buộc của các thế lực thần linh.
Nhà văn Trần Như Luận đã dùng một cách riêng để lí giải giáo lí của Thầy Gotama làm cho người đọc dễ dàng tiếp cận hơn so với những cách diễn đạt trước đây. Tôi đã hiểu thấu đáo hơn về: Bát chánh đạo, tứ diệu đế, tứ vô lượng tâm, luân hồi, niết bàn, tánh không… Đặc biệt, tiểu thuyết đã giúp tôi hiểu hơn về Vô Ngã. Chừng nào vô minh chưa được tận diệt thì phiền não, đau khổ sẽ bám mãi theo ta.
Tiểu thuyết được nhà văn thể hiện với đa tuyến nhân vật. Mỗi tuyến nhân vật gắn liền với những số phận, những câu chuyện, khiến tôi hiểu thêm về bốn chữ “Sát, dâm, đạo, vọng” của cuộc sống trần gian luôn đầy rẫy những phỉnh gạt, cám dỗ và sa ngã… “Sát, dâm, đạo, vọng” là những lối dẫn con người vào mê cung. Đạo pháp chính là cánh cửa giải thoát.
Các nhân vật như Pasenadi, Ajatasattu, Savastika, Punna, Sarit, Yasa, Alavaka… đã liên tục chìm đắm trong sát, dâm, đạo, vọng; nhưng may thay cuối cùng tất cả đều nhận ra rằng những gì mình sở hữu được cũng giống như bóng trăng dưới đáy nước. Nước xao động, trăng vỡ theo từng làn sóng vọng tâm. Cuối cùng Lối Đạo đã mở tung cõi lòng của họ, giải thoát mọi hệ lụy, tập nhiễm.
Các vị đại đệ tử của Thầy Gotama như Sariputta, Moggallana, Kondanna, Maha Kassapa…. đều lần lượt thoát khỏi vô minh và bể luân hồi. Họ không còn vướng mắc, không còn bị giới hạn, bị ràng buộc nữa. Họ đã thoát khỏi những ngọn lửa: tham, sân, si, mạn, nghi, sanh, lão, bệnh, tử và phiền não.
Xét về bút pháp, nhà văn luôn hóa thân thành đa tuyến nhân vật, nhưng ở tuyến nhân vật nào cũng thể hiện một cách xuất sắc. Về cách biểu đạt, tôi rất thích những đoạn văn tả cảnh, ví dụ đoạn tả ánh trăng lúc thầy Gotama ngồi dưới tán cây pippala: “Trăng dường như đang chót vót đâu tận sườn núi Meru. Trăng vẫn là trăng của mọi hôm, nhưng sao đêm nay trăng đẹp lạ đẹp lùng. Trăng lung linh huyền ảo trên bầu trời tít tắp. Trăng hồn nhiên tung tẩy nơi hàng hàng lớp lớp sóng lăn tăn lấp lánh trên mặt sông. Trăng óng ả như một tấm lụa kasi mượt mà, bất tận. Trăng thả hồn lơ lửng, chập chờn trên tấm kasaya màu vàng ánh. Trăng hiền hòa chiếu rọi lên gương mặt từ bi, phúc hậu của thầy. Chẳng nơi nào là không vương đầy trăng, nhuốm đầy trăng, ngập đầy trăng”.
Nhiều trang trong tiểu thuyết có một cách diễn đạt khá đặc sắc. Chẳng hạn, nói về sự dày dò, ray rứt của nhân vật Savastika, một gã thợ săn, sau thành tướng cướp, rồi về già mới ân hận, tác giả viết: “Thầy ơi! Tôi khổ quá. Đời tôi đầy rẫy sai lầm và tội lỗi. Đời tôi là một chuỗi dài thất bại. Tôi là một gã thợ săn tầm thường. Tôi săn thú rừng thì gặp tang thương và chết chóc. Tôi săn cái đẹp thì gặp mong manh và bội bạc. Tôi săn những cảm xúc mê li thì gặp phù du, giả tạo. Tôi săn tài sản thì gặp nỗi âu lo, sự phản trắc và nỗi hoang tàn. Tôi săn tìm sự bình an thì gặp bao điều bất trắc. Thầy thử nghĩ coi, tôi nên săn tìm thứ gì trên cõi đời vớ vẩn, đáng chán này nữa đây?”.
Gấp tiểu thuyết lại, trong thăm thẳm tâm tư tôi vẫn còn ăm ắp hình ảnh của Thầy Gotama và các đệ tử. Tôi hiểu rằng con đường trần gian sinh tử giống như một dòng sông luân lưu bất tận. Dưới mặt nước phẳng lặng kia ắt hẳn đầy những rong rêu, cặn bã. Họa chăng chỉ có Đạo là con đường giải thoát toàn triệt. Tôi xin mượn một đoạn văn trong tiểu thuyết để nói lên tâm trạng của mình khi nghĩ về cuộc đời lắm gian truân này: “Đời sống tựa hồ như dòng nước chảy trôi vào vô tận. Đó là một cuộc đi lang thang bất định, không ngừng. Ngày nào còn tiếp nhận nước bùn đục ngầu của sự u mê ám chướng và lòng say đắm thế tục thì ngày đó dòng đời còn trôi chảy mãi không thôi. Vòng luân hồi sinh tử chỉ chịu ngừng thật sự khi sự u mê và lòng say đắm ấy bị cắt đứt hoàn toàn bởi một nỗ lực thật phi thường. Nỗ lực đó trước hết phải là nỗ lực của chính chúng ta”.
T.M.N
Tiếc là chưa đọc được trọn bộ sách này,nhưng qua lời giới thiệu,tác giả là một người tâm huyết với đạo với đời và với cả con đường gian khó của văn chương.
Mình có đọc tác phẩm này rồi,viết công phu dù rằng hơi khó đọc.
Một cuốn sách VN lần đầu tiên viết sâu về đề tài này ?
TMN viết phê bình cũng sâu sắc lắm.
Một cuốn sách có lẽ hay vì bài giới thiệu cũng rất tâm đắc .
Giới thiệu ngắn gọn mà đạt ý
Đây là một cuốn tiểu thuyết được viết hết sức cẩn trọng.
Phải là một người am tường tư tưởng Phật giáo mới dám dấn thân với đề tài này.