Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Một 28th, 2012

Đẫm ngập tết tuổi thơ

NGUYỄN MỸ NỮ

Là vị ngọt. Ở hết cả những thứ mứt bánh và các loại kẹo mà ngày thường rất hiếm khi chúng tôi được sờ đến.
Trước hết, là kẹo lạc của bà Ba. Bà này vốn có họ xa với mẹ, sống trên Gia Lai và vẫn giữ được lệ của quê ngoại tôi là làm kẹo lạc. Quà tết của bà luôn đến với gia đình tôi rất sớm. Khéo chỉ độ hai mươi tháng chạp chứ mấy! Và, có kẹo là gia đình tôi có tết ngay bởi mẹ biết các con rất thèm và ba ngày đầu năm, còn bao thứ ngon lành khác. Dại gì để dành lại một thứ quà quê rất…quê như là cái thứ này. Những phong kẹo lạc được mẹ xếp ngay ngắn trong lọ thủy tinh và đậy nắp rất kỹ. Vẫn còn ăm ắp nơi ký ức tôi, ngày bé với những buổi tối cận tết, cả nhà sum họp và ai cũng thấy “ nhạt mồm”. Ấy! Là nói theo bà nội.  Mẹ mới sai anh tôi mở tủ, lấy quà của bà Ba ra. Ài chà! Trông cái ông này chậm rãi quá đáng, khi rón rén bưng lọ thủy tinh kẹo trên cả hai tay, đặt trịnh trọng nơi bàn nước mới rõ sốt ruột chứ! Hằng bao cặp mắt hau háu hướng về phía đấy.  Bà với bố thường nhâm nhi kẹo lạc với những bát chè xanh nghi ngút khói. Tôi và bà chị kề, sau khi ăn bắt chán chê thể nào, cũng xin thêm mấy phong nữa, để dành. Mấy phong này luôn được chị em tôi chia nhau. Chia… nhín và tất nhiên, là phải ăn…dè rồi.

Chia nhín chỉ phải tập trung vào đôi mắt nhưng ăn dè á! Lắm công đoạn lắm cơ! Trước hết là đặt kẹo lên môi và cắn một miếng. Cắn bé bé thôi, nhé! Đã bảo ăn dè mà lại…Tôi vừa cắn vừa ước, giá mà được cắn to một tị, nhỉ? Cho cái ngọt có đủ để chạm mạnh vào lưỡi và úp chụp, trùm kín lên hết cả  vị giác của mình. Ấy là lúc miếng kẹo đã kịp lua nhanh về phía răng hàm và đang được nhai ngấu nghiến. Kẹo được mẹ giữ kỹ nên đâu có bị hở hơi. Vẫn còn dòn tan. Khi ăn nghe cứ côm cốp, côm cốp đã vui tai mà ngon sao mà ngon. Lạc làm thơm và béo ngậy hòa lẫn trong đường sánh keo, khiến cả vòm họng và vùng lưỡi thấm đẫm vị ngọt gay gắt. Chỉ có thứ kẹo lạc quê mới có được cái ngọt thật thà, ngọt đậm đặc đến dường ấy. Và, cái ngọt ấy vẫn còn đẫm ngập nơi tôi, mỗi khi gần đến tết. Tôi bảo “gần” vì quả thật, có chia rất nhín và ăn rất dè thì kẹo lạc của bà Ba cũng hết sạch khi còn khoảng ba, bốn hôm nữa mới đến tết.

Ngược lại với những phong kẹo hết sức quê mùa là, thứ mứt hết sức sang cả mà chúng tôi cũng chỉ được thưởng thức rất ít, dẫu là đang giữa tết. Đó là mứt hạt sen của nhà cụ Chi. Cụ Chi là bạn với bà nội tôi, vốn người Hà Nội. Khác với bà tôi nhìn vào là rõ ngay một cụ bà nhà quê. Cụ Chi rất ra dáng người Tràng An thanh lịch. Là người hàng phố. Ấy! Cũng nói theo bà nội. Rất nhiều năm trôi qua mà tôi vẫn còn nhớ như in cái áo dài cụ Chi mặc, tấm khăn cụ khoác hờ, vòng chuỗi cụ đeo…Cụ luôn xuất hiện ở ngôi nhà tềnh toàng của chúng tôi vào đúng hai tám tháng chạp.

Bao giờ cũng vậy. Đủng đỉnh vào trong nhà và yên vị trên ghế hẳn hoi. Sau khi nhấp hết một tách trà, cụ mới thư thả lấy túi mứt với đúng nửa ký từ trong giỏ xách ra, không quên sai chúng tôi đi lấy một cái đĩa. Tôi có lần lấy một cái đĩa to. Ý chừng để cụ đổ mứt cho nhiều nhiều ấy mà nhưng liền bị cụ khoát tay từ chối. Đã hiểu ý, những lần sau không những lấy đĩa bé tôi còn lấy cái đĩa kiểu, khiến cụ rất hài lòng. Cũng rất thư thả, cụ bỏ vào đĩa một ít hạt sen. Khiếp! Nhìn cái cách của cụ đã thấy bụng, bắt luống ca luống cuống lắm rồi. Sau đấy cụ mới mời bà nội, bố mẹ tôi và cũng rất may là hãy còn nhớ đến cái con bé này. Những hạt sen có màu trắng ngà tinh khiết với đường bọc lấm tấm bao quanh sao mà khéo đến thế, hấp dẫn đến thế! Không đừng được tôi thò cả bàn tay ra bốc. Cụ vẫn để yên nhưng chờ tôi ăn hết mới thư thả. Lại …cũng thư thả( chán thật!) dạy dỗ. Cụ bảo hạt sen là thứ mứt để nhón. Và phải ăn nhẹ, nhai khẽ bởi nếu ham hố, sẽ làm hỏng cái loại mứt này ngay và như thế, thì phí lắm! Phải nhâm nhi từng hạt, từng hạt một. Mà phải gọi bằng hạt cơ! Chính vì đã ít lại phải để dành cho bà nội ăn dần, nên nếu tôi có một thèm khát nào đó suốt những cái tết trẻ con của mình thì đó là: được ăn mứt hạt sen. Cũng chẳng phải nhón phải nháy chi cho thêm chảy nước miếng, cứ bốc cả bụm bỏ ngay vào mồm và ngấu nghiến bắt thỏa thuê. Chẳng hiểu cảm giác ấy sẽ như thế nào, nhỉ?
Phía nội tôi, từ bác cả cho tới gia đình chúng tôi và các cô chú đều đặc sệch chất quê. Thì nông thôn là gốc gác nhà ta mà lại… Quê kiểng từ nếp nghĩ, cách sống cho tới giao tế, ăn uống. Dẫu đã rời quê cha đất tổ và cắm chân nơi đất thị thành, từ rất lâu. Tất cả là thế ngoại trừ một người, ấy là chú Út.  Trong cách nhìn của chúng tôi ngày còn trẻ con ấy mà! Chú Út tây lắm cơ! Ấy! Giầy tây bóng nhoáng. Ấy! Áo tây cổ cồn cao thẳng cứng. Ấy! Đầu tây chải gôm lật phía sau láng lẩy. Ấy! chiếc mũ tây đánh phấn trắng nốp… Rồi còn nữa chứ! Cách đi đứng, ăn nói, cười cợt… và tiêu tiền, cứ là như tây. Vẫn còn chưa đủ bởi nhẽ chú còn có vợ là một phụ nữ đẹp như tây, sạch như tây, diện như tây mới oai chứ!

Nhưng bọn trẻ chúng tôi chỉ ái mộ cái vẻ tây bên ngoài của thím Út được đúng năm đầu nhưng nói thật, cái chuyện làm bánh tây của thím thì được chúng tôi mê mẩn có đến cả… trăm năm. Thím làm các món tây rất khéo nhưng những món mặn, chúng tôi, ăn không quen cứ ngờ ngợ thế nào. Nhưng bánh tây của thím á!  Ngon lắm! Có thím là có những cái tết tha hồ ăn bánh tây mà ngày ấy, bánh tây hãy còn là của hiếm. Và thật lạ, nhé! Thím Út biết làm rất nhiều loại bánh nhưng tết, chỉ làm bánh sâm banh. Bánh sâm banh có chất liệu là bột và trứng gà. Đổ và nướng trên vỉ với những cái khuôn dẹp và dài. Lúc bánh gần được thì rắc lên mặt một ít đường hột cát trắng. Thím làm nhiều lắm vì có đến mấy gia đình các anh chị và nhà nào cũng đông con. Mỗi nhà thím biếu một thùng cũng ngon ngót dăm chục cái. Và, những cái bánh đấy thì nhà nào cũng phải để đến đúng hôm mùng một mới dám mở hàng. Cuối chạp, có thèm phải chịu khó sang nhà thím thôi! Chịu khó chờ thím sai vặt và cho mấy cái bánh… in ít đẹp. Thật may thím có tấm lòng. Bởi dù đổ rất khéo, đều tay nhưng vẫn hào phóng, khi chọn được khá nhiều những cái bánh bị lỗi. Bọn lau nhau chúng tôi nhờ thế, không đến nỗi phải nhạt mồm, khi đã cất công sang và ngồi chầu rìa quanh bếp.

Tết nhà nào lại không đầy bánh trái. Nhưng tết nhà tôi luôn oách nhất xóm vì có sâm banh. Và đó luôn là niềm hãnh diện của tôi thủa nhỏ. Tôi mặc bộ quần áo mới, túi bọc mấy đồng tiền mừng tuổi, ra ngồi ngay ngoài cửa cắn  bánh rôm rốp không quên hất cao mặt, khi thấy đám bạn đi ngang nhà. Tôi như khoe thầm với chúng nó: Bánh tây đấy và chỉ có nhà tớ mới có thứ này. Anh tôi đùa bảo ăn cái thứ này cũng là được uống cả rượu. Là sâm banh. Và tôi háu ăn với lại lém lỉnh có những cái tết đẫm ngập sâm banh. Nên say…Say cả rượu lẫn bánh.  Nhưng chỉ ngay lúc đó vì liền sau đấy lại thèm. Thèm cho mãi đến giờ khi nhiều cái tết đã đi qua. Nhà chẳng có sâm banh của thím Út. Để lại được thưởng thức bánh tây trong rất nhiều cái tết ta, như thủa tôi hãy còn bé tí.

Read Full Post »

Bên cạnh củ kiệu, dưa hành, bánh chưng, thịt kho tàu… thì bánh tráng hay còn gọi là bánh đa là món nhâm nhi không thể thiếu trong mâm cơm của người Việt vào những ngày Tết.

Bánh tráng mè
Món bánh tráng mè là một trong những món ăn đặc sản của vùng đất Quy Nhơn, Bình Định nhìn đơn giản nhưng lại được chế biến hết sức công phu.
Bánh tráng mè trắng
Bánh tráng mè trắng.
Bánh tráng mè đen
Bánh tráng mè đen.
Đầu tiên người ta sẽ ngâm gạo vào nước cho đến khi bẻ được hột gạo làm hai. Sau đó ta sẽ xay gạo thành bột mịn vào mang trộn với nước, bột mì và mè (mè đen hoặc mè trắng) Những chiếc bánh tráng mè sau khi phơi nắng sẽ được nướng vàng bên than hồng. Vị béo của bột gạo, cộng với cái bùi của mè tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của bánh tráng mè.
Bánh tráng sữa
Bánh tráng sữa
Bánh tráng sữa đặc sản Bến Tre.
Có xuất xứ từ Bến Tre, món bánh tráng sữa được làm chủ yếu từ dừa, bột gạo, pha với bột sắn, nước, đường, mè, đậu xanh, lá dứa, sầu riêng… theo một tỉ lệ hợp lý. Khi tráng bánh người ta trải một tấm khăn trên nồi có nước sôi bên trong. Để ra được bánh tráng sữa vừa mềm, vừa dẻo, vừa thơm, phụ thuộc rất nhiều vào kĩ thuật đổ bánh, động tác đổ phải thật khéo léo, nhanh nhẹn, sau đó rắc mè lên trên. Bánh chín người ta để lên nan tre mỏng và phơi nắng từ 3-5 ngày.
Vị bùi béo của nước cốt dừa, độ mịn, mềm của bột gạo kết hợp cùng bột sắn. Đặc biệt mùi thơm của sầu riêng tạo nên hương vị khó quên của bánh tráng sữa.
Bánh tráng dừa nướng
Bánh tráng dừa nướng
Bánh tráng dừa nướng bên than hồng.
Sau bữa cơm gia đình vào ngày Tết, mọi người sẽ ngồi lại với nhau, cùng trò chuyện và cầu mong những điều tốt đẹp cho năm mới. Bên cạnh bánh mứt, hạt dưa, bánh chưng, bánh tét… thì những chiếc bánh tráng dừa được nướng vàng ươm là món ăn không thể thiếu trong ngày xuân của mỗi gia đình.
Bánh tráng dừa nướng cũng được làm chủ yếu bằng bột gạo, đặc biệt bánh tráng phải có thật nhiều nước cốt dừa và một ít bã dừa tạo nên vị bùi bùi, giòn rụm của bánh tráng.
Bánh tráng cuốn tôm thịt
Ngày Tết bên cạnh những món đầy dầu mỡ, thịt cá, mỗi gia đình thường có thói quen cùng nhau thưởng thức món bánh tráng cuốn tôm thịt, thanh đạm, vừa ngon, lại cực kỳ tốt cho sức khoẻ.
Bánh tráng cuốn tôm thịt
Bánh tráng cuốn tôm thịt và nước mắm tỏi ớt.
Bánh tráng dùng để cuốn tôm thịt là bánh tráng phơi sương, ngon nhất là dùng bánh tráng Trảng Bàng của Tây Ninh, bánh tráng có độ dày vừa phải, khi được cuốn cùng tôm, thịt, chấm cùng nước mắm tỏi ớt hay mắm nêm sẽ tạo nên mùi vị hấp dẫn khó lòng mà cưỡng lại.
Bánh tráng chuối
Miền Tây Nam Bộ nước ta trồng rất nhiều chuối từ chuối già, chuối cau cho đến chuối sim, chuối hột, chuối sim… Chuối là loại trái cây có quanh năm chính vì thế người ta đã nghĩ ra rất nhiều cách chế biến chuối, để có thể để dành ăn thật lâu. Một trong những món ăn hấp dẫn từ chuối chính là bánh tráng chuối.
Bánh tráng chuối
Bánh tráng chuối khi nướng lên vừa dẻo vừa giòn, cắn vào một miếng nghe vị ngọt thanh tao tan dần nơi đầu lưỡi. Món ăn giản dị này vì thế mà được nhiều người ưa thích, từ các chị em phụ nữ, các quý ông và các em nhỏ đều bị món ăn dân dã này cuốn hút.
Bánh tráng xoài
Bánh tráng xoài
Bánh tráng xoài đặc sản Nha Trang.
Đây là đặc sản nổi tiếng của huyện Cam Lâm và một số địa phương thuộc tỉnh Khánh Hoà, Nha Trang. Cũng giống như tên gọi món bánh tráng này được chủ yếu từ xoài chính và kẹo mạch nha.
Đầu tiên xoài được gọt vỏ, xay thành bột mịn, được nấu từ 2-3 giờ, đây là khâu quan trọng nhất quyết định độ ngon, mỏng, mịn của bánh tráng xoài. Sau đó cũng như các loại bánh tráng khác, bánh tráng xoài sẽ được tráng mỏng và mang phơi dưới trời nắng từ 7 đến 9 giờ. Đặc biệt bánh tráng xoài không thể gặp trời mưa nếu không sẽ bị đen, xỉn màu và bánh sẽ bị chua.
Ngày Tết đang đến rất gần, bạn hãy lựa chọn cho mình vài loại bánh tráng “đặc sản” ở các vùng miền để cho mâm cỗ Tết cũng như những món thiết đãi bạn bè trở nên phong phú.
Hiền Thu
Nguồn: MASK Online

Read Full Post »

Qua sông

Phạm Văn Phương

Ngang trời một mảnh trăng cong

Lối xưa tím một màu sông, anh về

Lá chiều đọng ngấn trăng quê

Cỏ xanh như buổi ta về, mướt xanh

Thôi em ở lại với lòng

Ngàn sau thì vẫn một dòng về xuôi.

 Ngang trời một mảnh trăng trôi

Lối xưa hoa cỏ pha phôi bao lần

Em thì như gió mùa xuân

Nửa se ngọn bấc, nửa nâng ngọn nồm

Tím pha một sắc chiều hôm

Trắng làm chi khói hoàng hôn quê nhà!

Nửa môi cạn chén quan hà

Nhớ ngày xa, nhớ ngày xa… chạnh lòng.

 

Ngang trời một mảnh trăng trong

Lối xưa có kẻ qua sông một mình.

 

P.V.P

Read Full Post »