Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Hai, 2019

Tiết mùa

Trần Hoàng Phố

bên lát cắt thời gian năm cũ
một bông liễu rụng trên tờ lịch nỗi buồn
những con chim sẻ nâu đã về bên kia bóng kỷ niệm
hạt ngò gai năm xưa cũng đã ngủ yên
trong thung lũng ký ức chiều (more…)

Read Full Post »

Nắng Valentine’s Day

Trần Vấn Lệ
Hôm nay nắng đẹp, nắng vô cùng
Valentine mà!  Nắng trổ bông!
Anh gửi về em, nhiêu đó nắng
Thương anh trải nhé nắng muôn lòng!

(more…)

Read Full Post »

Quanh mái hiên nhà

Khổng Vĩnh Nguyên

.

QUANH MÁI HIÊN NHÀ

Đôi chim ngụ mái hiên nhà
Cất lên tiếng hót mừng ta về vườn
Quả na quả lựu đầm sương
Long lanh như mắt người thương lặng nhìn…

.

HỒN TÔI CUỐI RỄ ĐẦU CÂY

Nhớ em lên núi tôi ngồi
Suối reo róc rách vu hồi chim bay
Ngồi im quên hết tháng ngày
Hồn tôi cuối rễ đầu cây tưng bừng…

.

THIỀN ĐỘNG

Anh trong thiền động em à
Lang thang nghe những mái nhà bảo anh
Luôn trong tỉnh thức sao đành
Có em đau khổ dỗ dành anh qua…

(more…)

Read Full Post »

Chế Diễm Trâm

          

Trong Thi nhân Việt Nam, thi sĩ Bích Khê được Hoài Thanh và Hoài Chân chọn đăng hai bài: Duy tânXuân tượng trưng. Đặc biệt, dưới bài Xuân tượng trưng, tác giả Thi nhân Việt Nam có ghi chú: “Chúng tôi trích bài này vì chiều theo yêu cầu của ông Bích Khê”. Trong lá thư gửi hai ông Hoài Thanh, Hoài Chân ngày 07/01/1941, Bích Khê nói ba bài ông thích nhất là Duy tân, Nấm mộ Bích Khê, Giờ trút linh hồn. Nhưng bức thư đề ngày 25/10/1941, Bích Khê lại nói ông thích bài Xuân tượng trưng hơn cả(1). Vậy, có thể nói, tác giả Bích Khê đã rất cân nhắc và xem Xuân tượng trưng là bài thơ ông ưa nhất, có thể hiểu theo nghĩa tiêu biểu nhất cho khuynh hướng thơ “duy tân” theo thi phái tượng trưng của mình.

Chủ nghĩa tượng trưng (tiếng Pháp: symbolisme) – trào lưu nghệ thuật, triết mỹ xuất hiện ở Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX do Baudelaire khởi xướng – được ra đời trên nguyên tắc mỹ học cho rằng giữa vũ trụ huyền bí và con người có những mối liên hệ siêu việt. Thơ cần và phải nắm bắt những tương giao mơ hồ đó bằng sự tương ứng giữa các giác quan, giữa màu sắc, ánh sáng, âm thanh, hương thơm,… Những biểu tượng nghệ thuật được/bị mờ hóa là công cụ hữu hiệu để vươn tới vẻ đẹp siêu nghiệm của thế giới. Cùng với trực giác và biểu tượng, âm nhạc, mà thường là âm giai du dương, là phương tiện đắc lực giúp nhà thơ đến được những ý niệm huyền nhiệm và ý tưởng vô biên.

Phong trào Thơ mới ra đời với ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn phương Tây, thành công siêu tốc với nhiều ngọn cờ phấp phới trên đường tiến: Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Nguyễn Nhược Pháp, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, v.v… Nhưng đến nửa cuối thập niên ba mươi, các thi sĩ Thơ mới ý thức cần phải tìm hướng cách tân Thơ mới một lần nữa. Địa hạt thơ tượng trưng, siêu thực nảy mầm hy vọng với Trường thơ Loạn, sau đó là nhóm Xuân thu nhã tậpDạ Đài, trong đó Trường thơ Loạn (Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Khai (tức Yến Lan), Bích Khê,…) đóng vai trò chuyển hướng. Tên của thi phái được Hàn Mặc Tử lấy từ chữ “loạn” trong tập Giếng loạn của Yến Lan.

Bích Khê (1916 – 1946) sinh thời chỉ in một tập Tinh huyết năm 1939. Tập thơ in đậm phong vị của lối thơ do Hàn Mặc Tử khởi xướng, đã góp phần đưa Thơ mới (1932 – 1945) từ chủ nghĩa lãng mạn chuyển nhanh sang ảnh hưởng của trường phái thơ tượng trưng. Năm 1941, tác giả Thi nhân Việt Nam sơ kết một chặng đường mười năm của phong trào Thơ mới đã trân trọng nhắc đến Bích Khê: “Từ Xuân Diệu, Huy Cận, thơ Việt Nam đã có tính cách thơ Pháp lối tượng trưng. Nhưng còn dè dặt. Bích Khê và ít người nữa như Xuân Sanh muốn đi đến chỗ người ta thường cho là cao nhất trong thơ tượng trưng: Mallarmé, Valéry.”(2)

Khác với Hàn Mặc Tử tuyên ngôn về thơ, về nhà thơ và việc làm thơ, Bích Khê chỉ sáng tác thơ. Nhưng qua thơ, Bích Khê tỏ rõ là “người công dân trung thành của vương quốc” (tức Trường thơ Loạn). Trong lời tựa cho tập Tinh huyết, Hàn Mặc Tử viết: “Ta có thể sánh văn thơ của Bích Khê như đóa hoa thần dị… Và đem phân chất, ta sẽ thấy thơ chàng gồm có ba tính cách khác nhau: thơ tượng trưng, thơ huyền diệu và thơ trụy lạc… Sự điên cuồng ấy uyên nguyên ở một phần thiên tài, và ở một phần sự “Đau khổ”.

Bích Khê giống Hàn Mặc Tử ở chỗ cả hai đều mắc căn bệnh nan y: Hàn Mặc Tử bệnh phong, Bích Khê bệnh lao. Vì vậy, bên cạnh những lý thuyết thơ tượng trưng họ theo đuổi, thơ họ không thể không có ảnh hưởng của tâm lý cuồng đau ác bệnh. Thi sĩ Hàn Mặc Tử làm Thơ Điên, Bích Khê có thơ Cuồng. Tuy nhiên, với họ, quan niệm thơ vẫn là sự hòa điệu giữa “tượng trưng” và “huyền diệu”, xứng đáng với những danh hiệu “thế giới kỳ dị” (lời Hoài Thanh về thơ Hàn Mặc Tử), “đóa hoa thần dị” (lời Hàn Mặc Tử trao tặng Bích Khê).

Tập thơ Tinh huyết (1939) được Bích Khê sắp xếp thành bốn phần:

1. Nhạc và lệ tặng Hàn Mặc Tử (người viết tựa)

2. Đẹp và dâm tặng Hoàng Trọng Miên (người viết bạt)

3. Cuồng và ánh sáng tặng hai anh Thoại và Hường

4. Châu

Bài Xuân tượng trưngDuy tân trong bản in lại năm 1995 (NXB Hội Nhà văn) được đưa vào mục Những bài thơ khác.

Đi vào thế giới nghệ thuật Tinh huyết, có thể thấy mùa thu hiện diện khá trội, như trong các bài Duy tân, Tỳ bà, Hoàng hoa, Nghê thường, v.v… trong đó có “những câu thơ [thu] hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam”(3):

Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng

                   Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông!  

                                                          (Tỳ bà)

Bài Xuân tượng trưng chọn không-thời gian nghệ thuật là đêm xuân:

Hỡi lời ca man dại

Điệu nhạc thở hơi rừng

– Đêm nay, xuân đã lại

Thuần túy và tượng trưng –

Rừng xuân đêm ấy tắm ánh trăng, đâu đây một thứ âm nhạc huyền diệu đến huyền hồ cất lên mang tới cảm giác nghiêng sang ảo giác:

Nâng lên núm vú đồi

                   Sữa trăng nhi nhỉ giọt 

Nếu thơ Chế Lan Viên mang âm hưởng bí ẩn, tỏ mờ của thành Đồ Bàn (Bình Định) “điêu tàn” thì thơ Bích Khê vốn thường được sáng tác quanh Cổ Lũy cô thôn (Quảng Ngãi) – những miền đất xưa của dân tộc Chiêm Thành – cũng thật “man dại” và huyền bí. Tuy thế, chất “man dại” ấy của thơ Bích Khê cái chính là do quan niệm thơ tượng trưng mang lại.

Bích Khê làm thơ khá sớm (15 tuổi) với các thể Đường luật, từ khúc, hát nói. Nhưng khi Bích Khê đến với phong trào Thơ mới, chỉ trong vòng nửa năm, ông đã bắt kịp tinh thần thơ tượng trưng để có đóng góp xuất thần cho sự thống nhất mà đa dạng của thi phái Trường thơ Loạn bằng tập Tinh huyết và nhiều thi phẩm khác (mà mấy chục năm sau mới được in, gọi là di cảo).

Bích Khê hầu như không tuyên ngôn mà quan niệm được thể hiện qua sáng tác. Tuy vậy, cũng như các thi hữu xứ Bình Định, nhà thơ đất Thu Xà Quảng Ngãi cũng quan niệm thơ là sự tận cùng đau thương đồng thời là tận cùng hoan lạc:

Thơ bay về tắm mát suối âm ty

`                  Xác tôi chết lạnh trôi đi –

                   Lấy ai siêu độ từ bi;

                   Hồn xiêu hồn đến quy y bên nàng!

(Thơ bay)

Theo Bích Khê, thi sĩ có mặt ở trên đời là thực hiện thiên chức đi tìm khoái lạc đến đê mê trong “thuần túy tượng trưng” để bật ra thơ làm cho người khác cũng khoái lạc khi đọc thơ; thi sĩ say mê đến cuồng nhiệt đi tìm cái siêu đẹp để sáng tạo. Điểm độc đáo nhất của quan niệm Bích Khê là cái đẹp ấy có thể đến từ bất cứ nơi đâu dù thanh cao hay kinh dị, miễn là nó gây nên khoái cảm cho thi sĩ. Đi vào thế giới nghệ thuật Tinh huyết, bạn đọc tìm thấy thế giới của cái Đẹp “thuần túy”, dẫu đó là cái “sọ người”:

Ôi khối mộng của hồn thơ chuếnh choáng

Ôi buồng xuân hơ hớ cánh đào sương

Ôi bình vàng! Ôi chén ngọc đầy hương!

Ôi hồ nguyệt đọng nhiều trăng lấp loáng!

(Sọ người)

Huống gì, Xuân tượng trưng là thế giới kỳ diệu, huyền diệu của mùa xuân-nàng xuân:

Hỡi Lời ca man dại,
Ðiệu nhạc thở hơi rừng,
– Ðêm nay xuân đã lại
Thuần tuý là tượng trưng –

Nâng lên núm vú đồi

                   Sữa trăng nhi nhỉ giọt:

                   Bay qua cụm liễu phơi

                   Những cườm tay điểm hột

                   Sương. Phất phơ lau lách

                   Khe uốn mình giai nhân:

                   Đường non khéo điêu khắc

                   Những dáng hình khỏa thân.

                   Lụa mây nẩy vàng chạm,

                   Tía ngọc bén màu ngân.

 

                   Chủ xuân đương triển lãm!

 

                   Lời ca như hạc theo

                   Gió lên. (Tình múa reo

                   Những điệu vàng châu báu

                   Dường có con chim báu

                   Rỉa cánh trên ngai lòng.)

                   Xòe xòe màu lông công

                   Vườn thơm khua sắc mát:

                   Rồng uốn vóc tùng cong

                   Áo bạch mai khoát khoát;

                   Môi đào chờ khoái lạc…

                   Hồn tôi như đỉnh hương

                   Bốc lên mình thánh giá!

                   Ý xuân mát đến xương

                   Ngậm tuyết phun lã chã!(4)

Thi sĩ phát huy tối đa sự cộng hưởng các giác quan, tất cả ngũ giác, cả cảm giác, nhất là trực giác, tạc nên chân dung Nàng Xuân thần thái khiết trong, ngời ngời. Dáng xuân trong thân vóc mỹ nữ với những đường cong tuyệt mỹ của “núm vú đồi”, “khe uốn mình giai nhân”, “đường non dáng hình khỏa thân”, “rồng uốn vóc tùng cong”…

Với dáng vóc ấy, Xuân tượng trưng sở hữu một sắc xuân ưu việt, đọng ghém bao tinh hoa, tinh túy của thế giới mầu nhiệm. Đó là sắc đẹp mềm mại hơn liễu (cụm liễu khơi), đài các hơn châu ngọc (tía ngọc), thướt tha hơn lụa-mây (lụa mây nẩy vàng), điệu đà hơn bộ lông công đang xòe (xòe xòe màu lông công), gợi cảm hơn môi đào hé mở (môi đào chờ khoái lạc)… Một sắc xuân ngời ngợi rời rợi mà mơ mơ hồ hồ!

Nàng Xuân ấy mang sức xuân thanh tân, rạng ngời, tỏa phát, phập phồng nhựa sống qua những động từ, ngữ động từ diễn tả sự khởi đầu nhưng là cái khởi đầu trong mỹ mãn: “nâng lên”, “nẩy”, “bén”, “điểm”, “uốn”, “múa”, “bốc lên”, “ngậm”, “phun”…

Gây ấn tượng nhất là tình xuân nồng nàn, phơi phới, mê man:

Nâng lên núm vú đồi
Sữa trăng nhi nhỉ giọt

Ðường non khéo điêu khắc
Những dáng hình khoả thân

Ý xuân mát đến xương
Ngậm tuyết phun lã chã!

          Nàng Xuân vi diệu đến ảo diệu ấy là biểu tượng cho thần thái thơ tượng trưng mà tác giả của nó muốn tuyên ngôn, muốn “triển lãm”; “đê mê”, “chới với” như đến với một tín ngưỡng. Không! Hơn cả tín ngưỡng, một tôn giáo:

Hồn tôi như đỉnh hương

Bốc lên mình thánh giá.

Tuy nhiên, con chiên trong “tôn giáo” ấy không ứng xử theo cung cách chiêm bái thông thường mà nhập cuộc đắm say, tận hưởng, hoan lạc. Không phải chỉ một Xuân tượng trưng, thơ Bích Khê nhiều, rất nhiều lần, ran lên khoái lạc như thế:

Thơ lõa thể! – giai nhân tuần trăng mật,

                             Nữ thần ơi! Ta! Nô lệ bên người!

(Duy tân)

Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc

                             Vài chút trăng say đọng ở làn môi.

                             Hai vú nàng! hai vú nàng! chao ôi!

                             Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng.

                             Ôi lồ lộ một tòa hoa nghiêm động!

                                                          (Tranh lõa thể)                       

Quả là, thế giới thơ tượng trưng của Bích Khê đầy hình bóng giai nhân, với nhiều chi tiết về hình thể, thân thể với vẻ đẹp nhục cảm mà vẫn trắng trong tinh khiết; ham muốn tận hưởng vẻ đẹp nhục thể rất thánh thiện chứ không phải là ham muốn trần tục. Đó là thi pháp thơ Bích Khê, là tư duy thơ mà tác giả gọi tên là “Đẹp và dâm một cách ám thị quan niệm: thi hứng là những nguồn cảm hứng, đột hứng tinh sạch, thơm tho!

Thơ tượng trưng coi trọng tính nhạc: “Âm nhạc trên hết, trên tất cả” (Verlaine), “Thơ là sự dao động giữa âm thanh và ý nghĩa” (Valéry). Và thơ tượng trưng ưa những điệu du dương, buồn buồn. Bích Khê vẫn được nhắc nhỏm đến với tư cách nhà thơ cách tân những điệu nhạc bay bay lơi lơi lả lả bằng những bài thơ toàn vần bằng như Tỳ bà, Hoàng hoa,…

Xuân tượng trưng mang nhạc điệu của hơi thở rừng, của sương phất phơ, của gió lên,… Đó là thứ siêu âm đưa tâm linh đến vũ trụ tinh túy. Ở bài thơ này, Bích Khê chọn lối thơ năm chữ, ngắt nhịp linh hoạt, mà đa phần không ngắt nhịp. Toàn bài 29 câu chỉ có hai câu ngắt nhịp bất thường nhưng thực chất là do lối thơ vắt dòng:

Những cườm tay điểm hột
Sương. Phất phơ lau lách

Lời ca như hạc theo
Gió lên. (Tình múa reo
Những điệu vàng châu báu

như những nốt lặng trên bản giao hưởng du dương. Câu số 15 – câu chính giữa bài thơ: “Chủ xuân đang triển lãm!” – có bản chép tách riêng ra một đoạn, chia bản nhạc thành hai trường đoạn: đoạn một gồm 14 câu chuẩn bị tiết tấu cho “trăng” (ánh sáng) – “lời ca” (cái đẹp) “cuồng” lên, đoạn cuối cũng 14 câu là thi cảm bay bổng khơi vơi đậm đặc “thuần túy và tượng trưng”.

Có thể xem Xuân tượng trưng là thi phẩm tiêu biếu nhất cho Tinh huyết nói riêng, cho thơ Bích Khê nói chung. Một bầu khí quyển mộng mị (đêm trăng xuân), một tâm thế siêu thăng (“lời ca” xuất hiện hai lần), hình tượng thơ giàu tính biểu tượng, nhạc thơ bay bổng. Đó là phút giây đạt đến tận cùng siêu thăng nghệ thuật của “thi sĩ thần linh” trong tình điệu thơ “tượng trưng thuần túy”.

Nếu thơ Hàn Mặc Tử từ “đau thương” vút lên cõi “thanh khí” “sáng láng”, Chế Lan Viên “điêu tàn” trong bóng tối với tháp mờ, hồn ma, yêu tinh, xương tủy,… thì Bích Khê rút “tinh huyết” cho cái đẹp “tượng trưng” chiết ra từ “nhạc và lệ”, “đẹp và dâm”, “cuồng và ánh sáng” để đạt đến sự thăng hoa tột đỉnh trong cõi thực tại.

Trong Trường thơ Loạn, tất cả đều trung thành với “khuynh hướng thơ Baudelaire” nhưng mỗi thi sĩ đều có khát vọng tạo một cách tiếp cận và biểu hiện của riêng mình. “Hàn Mặc Tử chủ trương thơ Điên. Chế Lan Viên làm thơ Loạn […] Bích Khê làm thơ Dâm, hiểu theo nghĩa ông phơi mở và đề cao thân thể người phụ nữ và các hoạt động thân thể mà ông cho là Đẹp, là Thơ.” (Phạm Xuân Nguyên)(5). Gần mười năm, cùng với Hàn thi sĩ và Chế thi sĩ, Bích Khê thi sĩ đã góp những vầng hào quang rực rỡ khác lạ trên thi đàn Thơ mới, góp sức thúc đẩy Thơ mới đi nhanh hơn, tạo tiền đề cho thành tựu của phong trào thơ lộng lẫy này cho đến khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra.

CDT

——-

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

(1), (2), (3), (4) Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Thanh Hóa, 2006.

(5) Phạm Xuân Nguyên, Bích Khê – “thi sĩ thần linh”, thơ “lõa thể”, http://www.bichkhe.org

Read Full Post »

Tết chỉ để yêu thôi

La Mai Thi Gia

Có những ngày chỉ muốn thật lặng yên
Mặc kệ nôn nao bên đời rộn rã
Tựa vào vai nhau trong vườn thơm hoa lá
Đợi giao thừa và đón những thiêng liêng
(more…)

Read Full Post »

Lão Năm Cối Đá

Truyện ngắn Trần Bảo Định
1.
Lão chạm mức tuổi tám mươi, cái tuổi mà thời đó trong làng chỉ cần bảy mươi thì đã là “Thất thập cổ lai hy”! Người làng đặt cho lão cái hỗn danh “Năm Cối Đá”. Nhà tôi cách nhà lão một cái nhảy qua mương; lúc ngẫu hứng hoặc những khi trời se lạnh ủ chiều tà, lão thường gọi tôi sang nhâm nhi rượu và ngồi nghe lão kể chuyện đời xưa, hoặc chuyện đời lão.

(more…)

Read Full Post »

Khói bếp chiều Ba Mươi

Nguyễn Đình Sinh


Từ phương xa con nhớ…
Khói bếp chiều Ba Mươi
Lửa bập bùng lòng mẹ
Khắc khoải niềm chia phôi
(more…)

Read Full Post »

Cội mai ở lại

Hoàng My
Con rắn chắc dài phải gần hai mét, nặng trịch. Khi anh cầm nó đưa cao lên quá đầu để thằng Tâm chụp hình, đuôi nó còn phết dưới đất một đoạn kha khá. Hàng thiên nhiên săn bắt được đó, chứ không phải đồ nuôi giả mạo đâu nhé!
 /// Minh họa: Tuấn Anh

Minh họa: Tuấn Anh
Lão chủ quán cứ ít phút lại chạy ra rít thuốc lào sòng sọc trong cái ống điếu to tướng, tuyên bố với anh như thế. Câu nói nhằm ý khoe chất lượng món ăn khiến anh bất giác thở dài, hình dung ra mấy khu rừng ngày càng cạn kiệt mọi thứ. Biết thế, tiếc thế, đau đáu thế, nhưng mình vẫn cứ phải ăn, thật là… Trong lúc đợi chế biến món rắn hầm sả ớt, anh rảo ra phía sau, nhìn những cái chuồng bé xíu ẩm thấp hôi hám nhốt vài con nhím, con hoẵng, con rùa xấu số đang đợi hóa kiếp. Anh thấy mình không có lý do mà lại thở dài.
Quán ở sát biên giới Việt – Cam, phía trước là cửa khẩu quốc tế, vòng vèo qua những con đường bé xíu heo hút mới tới, vậy mà ngồi chỉ một chút đã thấy có chiếc xe hơi khác ghé lại, thân quen buông câu: Bữa nay có gì đặc sản không ông chủ? Lão chủ quán liền hất hàm hỏi ngược: Quý khách muốn ăn gì cũng chiều được.
Vài ly rượu thuốc khiến thằng Tâm hăng hái hơn hẳn. Nó bảo, đầu giờ chiều mình sẽ vòng qua mấy chỗ em từng xem qua trước rồi. Ngon lắm. Có một cây rất bá cháy, tán rộng, chắc phải chừng ba mươi năm tuổi có hơn à, bị cái bà chủ nhà mắc dịch không chịu bán. Để hôm nay anh thử trổ tài dụ dỗ bả coi sao nghen! Nhạc mẫu tương lai của em đấy nhé, vậy mới cú!
– Bớt ảo đi mày, ế bền vững mà bạ đâu cũng thích kêu vợ kêu bồ!
Sau câu đùa ấy, anh hỉ hả cười. Đây không phải lần đầu anh cùng thằng Tâm la cà ở khu vực rừng già này để săn mai. Loài cây của mùa xuân phương nam hình như ưa loại đất nâu đỏ mỡ màng này thì phải, nên chưa ở đâu anh thấy trồng mai nhiều và đẹp như ở đây. Giá cả cũng hên xui vô chừng, nhưng nói chung là rẻ. Gặp phải chủ nhà tay mơ hoặc hám tiền là coi như trúng mánh lớn. Anh không hẳn vì lợi nhuận, dù nhiều đợt bán lại cho bạn bè người quen, thu lại cũng bộn. Chủ yếu, anh thích la cà trong những con đường mòn xanh lá, cảm giác làm chủ tay lái qua một hành trình xuyên rừng, bên cạnh là thằng Tâm hoa tiêu mồm miệng liến láu khiến anh như được thư giãn sau những ngày bươn bả căng thẳng mỏi mệt.
Tâm sống hẳn vào cây. Tìm mua, cắt tỉa, bứng gốc, mang về nuôi dưỡng chăm sóc. Nó say mê cổ thụ, đắm đuối những dáng mai một thân một cốt đầy mê hoặc. Già nua cằn cỗi cỡ nào, mai ghép hay mai tàng, vào tay nó là đâm chồi nảy lộc ngay. Tâm chỉ dở trong cái việc kiếm đầu ra, buôn bán. Dăm ba đợt nhận mối thầu trồng cây xanh trong khuôn viên một công ty hoành tráng nào đấy nhưng lại không rõ ràng tiền nong khiến nó cụt vốn, lây lất vài ba thứ cây vớ vẩn tép riu.
– Chút nữa tui chở đại ca ghé nhà con ghệ của tui xem lại gốc này nhé. Ngon lắm!
Vẫn cái tiếng “ngon” quen thuộc của thằng Tâm. Anh khẽ cười. Cây mai ấy quả là đủ khiến cho một tay chơi nghiệp dư như anh mê mẩn. Anh từng đến đó một lần, không gặp chủ nhà, cửa đóng im ỉm nên đứng từ ngoài nhìn vào cho đỡ ghiền. Gần hết tháng giêng rồi mà sắc vàng vẫn rực lên một góc, tựa hồ bao nhiêu lộc lá của khu vực này đều gom hết về đây, khoe ra cái màu óng ả nuột nà cuối mùa của nó. Lả tả đợi tàn phai thôi mà vẫn đẹp đến não nùng. Anh ngây người ra ngắm, chợt hiểu vì sao bà già kia nhất định không chịu nhả cái cội mai mấy mươi năm tuổi ra cho cò, lái lẫn khách.
Bả cũng không chịu gả con bé Hai cho tui mới tức chứ! Thằng Tâm lại thủng thẳng kể. Hai đứa quen nhau lâu rồi, mà kêu cưới cho xong chuyện, con bé cứ ậm ừ, bà già thì cười trừ.
Bé Hai thực ra không phải là quá bé. Cô gái trạc tuổi thằng Tâm, tóc có lẽ dài, vì được bới cao lên, chừa ra một cái cần cổ vun vút trắng trẻo. Khuôn mặt dễ coi, nhưng có vẻ là không phải dễ dãi hay dễ nhằn. Bé Hai đưa mắt nhìn anh như ước chừng, trước khi buông câu nói trỏng:
– Mẹ không bán mai đâu!
Anh cũng không định mua nữa. Cảm giác rõ rệt rằng, cội mai ấy, nếu bứng rời khỏi cái sân rộng bề ngang mà ngắn ngủi kia, nối tiếp là căn nhà lợp mái lá tứ bề bằng đất nung hay cái gì đó tương tự, tôi tối và êm êm ấy, thì thật không còn ý nghĩa nữa. Chẳng hiểu trời xui khiến gì, anh còn lén lút nghĩ thêm, nếu không có bé Hai loanh quanh bên cạnh, thì cội mai ấy cũng sẽ bớt đẹp. Anh hiểu luôn, vì đâu thằng Tâm thường kèm theo cái cụm “ngon lắm” khi nhắc về ngôi nhà có bà già, cây mai và người con gái nó quen biết nhiều năm mà chưa thể cưới hỏi gì.
Thằng Tâm với bé Hai đi về hướng vườn tiêu nói chuyện, bỏ mặc anh lững thững phía ngoài. Anh lặng lẽ nhìn mớ xoan đào, bằng lăng, mận ăn trái đã cắt cụt ngọn, được bứng trồng trong mấy cái chậu đất nung to tướng xếp hàng dài buồn thiu bên đầu hồi. Cây cối dường như cũng có cuộc đời riêng của nó, nên khi bị tách ra khỏi nơi đã sinh ra và lớn lên thì cũng khó có thể đẹp đẽ tươi mưởi như lúc đang ở nơi chúng thuộc về. Ý nghĩ bâng quơ ấy đưa anh ngang qua cái cửa sau mở ra khoảnh vườn đã cho thằng Tâm thuê để trồng cây, “làm nghề”. Bà già, mẹ của bé Hai đang ngồi cùng mớ áo quần nùi nùi lớp lớp bên cạnh. Ánh mắt dành cho anh không mấy thiện cảm. Kệ. Anh thư thả dạo hết lượt chiều ngang của vườn tiêu, tiện tay hái cả nắm trái chín nhìn ngon mắt, dù chẳng để làm gì. Lúc anh quay ra, vẫn thấy bà già nhướng mắt nhìn anh chăm chú:
– Cô may đồ cho khách à?
– Ừ, loay hoay chi đó cho vui. Chứ biết làm gì bây giờ.
Anh nhìn mớ vải vóc có phần cũ kỹ úa màu ấy, tự hỏi, có phải bà già cứ khâu vào rồi lại gỡ ra, mượn sợi chỉ cây kim để khuây khỏa thời gian hay không nhỉ. Anh bất giác thấy mình bỏ qua thói quen kiệm lời cố hữu mà dịu dàng hỏi thăm thêm vài câu, bất ngờ khi nhận lại thái độ chia sẻ đến khó tin:
– Ông nhà tôi mới mất tháng rồi. Mấy chục năm trước đưa mẹ con tôi từ bên Cam về đây, mua đất dựng nhà, làm công trình phụ các kiểu. To rộng để làm gì, rồi đột ngột bỏ mẹ con tôi mà đi…
Bà già nghèn nghẹn. Nước mắt chẳng ròng ròng mà chậm chạp rơi ra, khó nhọc. Anh đứng đó, bối rối, xót ruột. Tựa hồ như chính anh vừa gây ra cái tội gì đấy, khiến cho tủi hờn bật ra thành dòng. Người già thật lạ kỳ, giống như một cái chai luôn đóng kín, khó ai có thể bày tỏ, cho tới lúc nào đó bỗng đột ngột bật nắp trút ngược, bao chất chứa trong lòng tuôn ra. Anh bỗng muốn nắm tay bà già để an ủi. Hoặc chí ít là khẽ chạm vào bà, theo một cách nào đấy, giữa người ta với nhau…
Có tiếng bước chân, bé Hai và thằng Tâm vừa quay lại. Thằng Tâm thoáng cười, vẻ ngạc nhiên và hài hước với cảnh tượng trước mặt. Bé Hai nhìn thẳng vào mắt anh, lạ lẫm. Nửa như trách móc, nửa lại khiến anh thấy mình luống cuống. Người đàn ông đã gần đi qua tuổi trẻ, bôn ba nhiều mảnh đất, trải qua vô số nỗi thiệt hơn thành bại ở đời, hà cớ gì phải lúng túng trước một bà già và một cô gái miền đất đỏ thế này?
***
Anh còn trở lại cái vườn tiêu, nơi phía trước có căn nhà mái lá và đầu hồi được cho thuê để trồng cây ấy thêm vài bận nữa. Lần đầu là cùng với thằng Tâm và một hai người thợ địa phương vừa thuê vội. Anh mướn họ leo lên lợp lại cái mái nhà đã có vài nơi lỗ chỗ nhiều sợi dột. Chằng thêm lá, kèo thêm dây để chống chọi lại mùa gió sắp tới. Dặm sơn lên mấy mảng tường lốm đốm vì thấm nước. Vừa làm anh vừa bông đùa với thằng Tâm, là đầu tư cho chú mầy cũng tốn bộn tiền đấy nhé. Liệu liệu mà thu hoạch cho tôi nhờ! Nói xong, anh liếc nhanh ra xung quanh, chỉ sợ có ai kia nghe được sự bỗ bã ấy. Anh bỗng cắc cớ tự hỏi mình, là có đúng là anh đang vì thằng Tâm thật không?
Mấy đợt sau, anh đi một mình, đấu tranh dữ dội với cảm giác hình như anh vu vơ có lỗi với thằng Tâm thì phải. Ta có đang làm đúng không? Ta vì cái gì vậy chứ? Ta sao thế này? Anh gạt qua những băn khoăn của bản thân khi quyết định tới lui chốn ấy, nhiều lần…
Thêm dăm lượt nữa, anh đến, chỉ để cùng bà già ngồi ăn bánh uống trà anh tự mang theo, nghe kể thêm vài câu chuyện hồi xưa, với cụm từ luôn được nhắc nhớ là “ông nhà tôi”. Anh loay hoay với câu hỏi: Phải yêu thương đầy vơi như thế nào, thì khi người đã khuất xa lâu rồi, mà người ở lại vẫn còn ngong ngóng nỗi tiếc mong khoắc khoải đến vậy? Tinh nghịch trong anh sự tưởng tượng rằng, biết đâu mười, hai mươi năm nữa, bé Hai cũng có một “ông nhà tôi” trong tim cô ấy, cùng thưởng trà ngắm mai, thì kẻ may mắn kia sẽ ấm áp hạnh phúc biết chừng nào. Thâm tâm anh chẳng dám thừa nhận, là trong mấy câu chuyện không đầu đuôi vô thưởng vô phạt ấy, anh vẫn có lúc dáo dác ngó ra cổng, chờ một tiếng bước chân len qua cội mai vàng. Là bé Hai đi làm công nhân ở gần đó về, dắt chiếc xe vào cổng, lên tiếng chào ông khách mê mai đến dở người…
Bà già giờ đã quen tiếng quen người, có vẻ cảm kích và quý mến, mở lời biểu anh ở lại ăn cơm, nhẹ tênh và đơn giản như với người nhà. Anh cố giấu nỗi sung sướng ngon miệng khi được xếp gọn đôi chân mà ngồi vào mâm cơm nhà đó, đối diện với bông bí xào tỏi, trứng chiên thịt bằm, khô cá bé tí ram mặn. Bé Hai giờ không còn dành cho anh ánh nhìn lạ lẫm nữa, nhưng đôi mắt mang hình dấu hỏi vẫn thường nhướng về phía anh, khó tin xen lẫn buồn cười. Tựa hồ như kiểu “dẫu anh cố gắng thế nào thì cũng không có được cây mai nhà tui đâu”. Anh đôi khi chỉ muốn buông chén trà uống dở xuống, níu tay bé Hai mà giải thích một câu rằng, thật ra ngay từ hôm đầu, anh đã bỏ hẳn ý định mang cội mai đi rồi.
Nhưng anh chẳng dám. Thật lạ lùng là đôi khi người ta bỗng trở nên nhút nhát vì một ai đấy không dữ dằn, không nguy hiểm, càng không có ý định tấn công hay ăn hiếp mình…
***
Anh bất ngờ nhận được cuộc gọi của thằng Tâm vào chiều cuối năm, khi lòng đã dự định ngày giờ quay lại thăm cội mai và chủ nhân của nó.
– Báo tin với ông anh, là tết này tui cưới vợ! Nghiêm túc nhé!
Anh thật lòng mừng cho nó. Từng tuổi ấy, giá như có một người đàn bà để cùng tưới mấy cái chậu đất nung trồng mấy cái cây xoan đào, bằng lăng, lộc vừng kia, thì vẫn tốt hơn những chuyến rong ruổi rừng xanh không có ai ngong ngóng chờ về. Chưa kịp hỏi gì, đã nghe thằng Tâm oang oang thông báo tiếp:
– Bà già cuối cùng chịu bán cây mai rồi. Đại ca thu xếp lên bứng với tui. Chuyến này anh em ta được cả đơn lẫn kép. Mà chắc cũng nhờ bao nhiêu công sức ông anh tới lui chỗ đó, nên bà già mới cảm động, mà gả bé Hai cho tui đấy!
Thằng Tâm còn dặn dò kể lể tính toán thêm vài thứ nữa, đại khái như chắc phải chuẩn bị cả xe cẩu lẫn xe cuốc mới xử nổi cội mai này. Anh em mình phải bó bầu quanh gốc cây thật lớn cho chắc cú. Cơ hội lâu lắm mới tới, đâu thể sơ suất, ông anh tuyển được cây mai hàng hiệu, thì em út cũng có chút cháo. Thử coi, biết đâu tóm được vài chục triệu là bình thường…
Anh hầu như không còn nắm rõ nội dung câu chuyện nữa, nhưng vẫn thoáng qua trong đầu một nhận xét, là tuyệt nhiên không nghe thằng Tâm nhắc gì thêm về cái chuyện nhân duyên đại sự. Có vẻ như, giữa lấy vợ và “cưới” được em mai tuyệt hảo có khả năng sinh lời cao ấy, thằng Tâm vẫn ưu tiên cái vế sau hơn hẳn… Nhưng thật ra, thì với anh, điều ấy còn có ý nghĩa gì?
Không hiểu sao mà hôm nay anh lái xe lừng khừng như thể quên lối. Anh nghĩ tới thằng Tâm, với chữ “ngon” bất hủ của nó. Tới cái cần cổ vun vút trắng trẻo và đôi mắt chán ngán nhìn những kẻ luôn hăm he xẻ thịt cây mai. Phảng phất xa gần một dấu hỏi dành cho anh, người đàn ông rõ rành không thuộc về chốn biên giới mịt mờ, cớ sao cứ hay lui tới làm gì. Bà già khốn khổ kia nữa, cuối cùng vì đâu mà đã mềm lòng nhân nhượng? Lẽ nào vì hiểu lầm những đợt chăm chút của anh? Anh nở nụ cười như khóc, hình dung ra hình ảnh cội mai vàng rực cùng những câu chuyện yêu thương sâu dày trong ký ức về “ông nhà tôi” bị bứng ra khỏi nơi nó thuộc về. Gần năm nay, cội mai vàng rực ấy giống như cái neo để anh dặn mình sống tốt hơn, chậm hơn, đàng hoàng hơn
Quá nửa tháng chạp rồi, nên ngay cả ở mảnh đất tưởng đâu vẫn bị thế giới văn minh bỏ quên này, mùa xuân cũng đang khẽ khàng tiến lại. Bông cúc vạn thọ nhà ai trông tết hay sao, mà háo hức nở sớm trước sân nhà rưng rức. Anh bắt gặp bên hàng rào một rổ kiệu to đang đợi nắng, thấp thoáng bóng đàn bà ra vào dưới chái hiên. Dưng không anh thấy mình nghĩ về một dáng người với mái tóc bới cao chừa ra cái cần cổ trắng ngần. Có điều gì đó chợt nhoi nhói ngang qua tim anh, quay quắt.
Hình ảnh cội mai vàng rực ấy khiến anh bỗng dứt dạc với chính mình: Không thể nào! Chân anh vít ga, mặc kệ bàn tay đặt trên vô lăng rất giống như kẻ mộng du. Bởi anh tin chắc là, dẫu cuộc đời được mất éo le xoay trở thế nào, ai buồn ai vui, thì cội mai vàng kia cũng nhất định phải ở lại khoảnh sân có bề rộng mà hẹp chiều ngang kia, với những câu chuyện yêu thương sâu dày của nó.
Nhất định như thế.

Read Full Post »

Đêm Trừ Tịch

Phạm Quang Trung 

tìm xuân xa góc chân trời cũ
lạc dấu chân về bước mỏi mê
phố đêm hơi thở mong manh lạ
mùi hương phấn nào say đắm hơn
(more…)

Read Full Post »