
Lão “Năm Cối Đá” là dân thứ thiệt trong cái làng An Vĩnh Ngãi đã bao lần thay tên đổi họ theo thời cuộc. Lão nói: “Làng mình do sáp nhập làng Hòa Ngãi và Vĩnh Phú thành làng Vĩnh Ngãi (1) rồi bảy năm sau (2), làng Vĩnh Ngãi sáp nhập làng An Trị thành làng An Vĩnh Ngãi, thuộc tổng Thạnh Hội Thượng, quận Châu Thành”.
Bâng khuâng chiều, lão nhìn lão qua khói bếp nhà ai cuối xóm thả khói theo mây và đột nhiên, lão nốc ly rượu lưng chừng cạn. Một tiếng “Khà” tràn hơi men như để nhớ điều đã quên. Chậm rãi, lão học lại tích sự ghi dấu trên từng mảnh đất làng. Rằng, nghe nói thời đàng cựu, những người đầu tiên đặt chưn tới và có công góp phần khẩn hoang lập ấp vùng đất nầy là Bà Lý, Bà Tàu và Ông Tường – Bà Tàu gốc Minh hương. Ngườì làng nhớ ơn, lấy tên hai bà, một ông đặt tên rạch mang nước về tưới tiêu đồng ruộng; đó là rạch Bà Tàu, rạch Bà Lý, rạch Ông Tường. Riêng rạch Cây Bần, lại là một chuyện khác. Cây bần – còn gọi là cây Thủy Liễu, trái to tròn hơi dẹt, gọi là bần dĩa mọc thành rừng đôi bờ một con rạch thuộc chi lưu sông Bảo Định đã giúp lưu dân vượt qua đói ăn bằng trái lúc xanh có vị chua, hơi chát và lúc chín tới vừa chua, ngọt và thơm. Thường thì, từ tháng sáu kéo dài đến tháng chín lịch nhà nông: Bần trổ bông, và bông bần cho người món gỏi; lá, búp non bần cho người ăn sống và ăn một lần rồi không dễ gì quên.
– Vậy, sao quê mình người ta lại hay hò:
Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu?
(Ca dao).
Lão kể: ” Làng mình từ xưa tới giờ, như đã mặc định: đàn bà cấy lúa còn đàn ông nhổ, gánh, bỏ mạ cho đàn bà cấy. Riêng lão, làm cả việc của đàn ông lẫn việc đàn bà: tay cầm phảng phát cỏ, tay cầm cây cù nèo móc cỏ thoăn thoắt dưới trời mưa giông; hoặc cùng má, đầu đội nón lá, lưng mang tấm lá chầm che mưa che nắng, mỗi khi cấy lúa mướn ruộng người”.
2.
Tên vận vào người lòi ra tánh – tánh do trời sanh, cái tên cúng cơm do mẹ đặt. Cho nên, với Năm Chì, mẹ ngang tầm trời. Khi mẹ qua đời, Năm Chì rời làng đến Thất Sơn tìm thầy học đạo. Đường thăm thẳm, Năm Chì quyết chí đi, vì: Có đi có tới. Đêm quán trọ bên đường, anh nghe người ta nói: “Sơn bất tại cao, hữu tiên tất linh”. Anh không hiểu, hỏi chủ quán. Chủ quán cắt nghĩa: “Núi không cần cao, có tiên thì linh”. Năm Chì, người phương xa tới, làm sao biết Thất Sơn núi nào cao núi nào thấp; núi nào có tiên và núi nào không tiên!? Tuy vậy, Năm Chì không hoang mang; có lẽ do cái tên Chì nên lì chăng?
Chưn ướt chưn ráo trên đất lạ quê người, Năm Chì – chàng trai vùng nước lợ đồng bằng – khác gì con chim lạc bầy giữa rừng đại ngàn; cũng có những lúc, anh thối chí muốn quay về nhưng rồi, như có ma lực từ núi non hùng vĩ níu gót chưn anh. Với sức lực cơ bắp, Năm Chì theo tiều phu vô rừng kiếm sống; trong số tiều phu Năm Lực theo, anh kết ông Bảy Căm Xe – không ai biết họ tên thật của ông, chỉ biết con người ông như loại gỗ căm xe bền chắc, chẳng ngại nắng mưa và bọn mối mọt, bất khả xâm hại. Năm Chì thầm cảm ơn thần núi cho anh kết người anh cần kết: “Chì, nghĩa là lì mà khộng lộm; nó đồng dạng với cừ khôi nên một khi gặp căm xe thì nào khác chi cá gặp nước”.
– Nầy chú em! Chú em tới đây cầu thực hay cầu đạo?
Ông Bảy đã bộc trực hỏi Năm Chì.
– Dạ! Cháu tới đây cầu đạo.
– Vây, chú em tu Phật hay tu tiên?
Năm Chì chưa kịp trả lời, thì ông nói luôn: “Tu Phật Phú Yên, tu tiên Bảy Núi”!
Có tiếng khọt khẹt của khỉ, không thấy khỉ. Rừng im ắng, gió lay rừng rụng nắng xuống cánh đồng xa… Năm Chì không hiểu không gian tịch mịch, hay lòng mình tịch mịch!?
Đếm thời gian qua những mùa rừng nguyên sinh Thất Sơn thay lá, Năm Chì thầm nhủ: “Hơn nửa chục mùa rừng thay lá, Năm Chì lẽo đẽo theo ông Bảy cắt rừng, lội suối, trèo đèo, leo núi… khắp miền Thất Sơn (5), trú nhiều am, gặp nhiều đạo sĩ nhưng rốt lại vẫn huờn tay không: vì hợp nhãn thì không hợp lòng; thuận lời thì nghịch ý. Ông Bảy nói: “Dẫu là tu tiên cũng còn phải tùy duyên”! Anh lì thời gian, chờ duyên!
Ông Bảy Căm Xe có người anh em bạn – Hai thợ đá – ở núi Sam, ông gởi Năm Chì tá túc nhà chú Hai. Nói nhà cho oách vậy; thiệt ra nhà chú Hai là cái hang đá được chú đục đẽo, cải tạo lại gọn gàng để làm chỗ tránh nắng mưa. Mỗi khi có ai hỏi chuyện nhà cửa, thì chú Hai thường nói trớ cho qua chuyện: “Khôn cất trại, dại cất nhà, tui chẳng khôn mà cũng chẳng dại nên chẳng ngại ở hang!”. Nhớ hôm đầu tiên chú Hai gặp Năm Chì, chú gọi Năm Chì bằng tiếng gọi trìu mến: chú em! Ông Bảy mừng ra mặt, bởi tiếng gọi chú em ở vùng rừng núi huyền bí nầy đồng nghĩa ruột rà, sống chết có nhau.
– Nầy, chú em! Tu tiên chi bằng tu người!
Chú Hai cười khanh khách, tiếng cười dội vách đá rền như sấm nổ chuyển mùa. Năm Chì vốn tay bạo gan, vậy mà, cũng phát rùng mình. Rồi, chú kể lại cuộc đời chú bỏ đi, không dè đi bỏ mà thần núi với ma rừng chê nên chưa chịu nhận.
– Qua từng là đạo sĩ hơn mười năm, từ hang động Kim Quang ở núi Tà Lơn, Campuchia tới Bảy Núi miền đất Việt. Nơi qua nương thân bây giờ chính là am cũ hồi xưa. Qua chọn núi Sam dừng bước chưn đạo sĩ và đồng thời, cũng là nơi chốn qua cởi áo đạo sĩ trả về mười phương. Hết duyên!
Chú Hai buông tiếng “hết duyên” trôi theo tiếng thở dài thậm thượt. Bồi hồi, chú Hai nói: “Qua buông dùi mõ cầm búa tạ, nêm sắt, xà beng để bổ và xeo tách đá… nặng nhọc mà lòng thảnh thơi”! Nghe hai tiếng “thảnh thơi”, Năm Chì giựt mình: “Tu tiên cốt giữ lòng thảnh thơi, chớ nào tu tiên để giúp người”. Tự hỏi rồi tự trả lời, Năm Chì nghĩ: “Giúp người, bất cứ hoàn cảnh nào cũng giúp được; đâu cần phải tu tiên rồi thành tiên thì mới giúp được người”. Nhiều lúc, sờ mình mẩy chú Hai nhám cào dăm đá dính lì da thịt, Năm Chì nể phục và thương chú.
– Lòng thanh thản, đó là cách tu người đó, chú em!
Năm Chì bỏ ý định tu tiên, ông Bảy Căm Xe mừng thầm, với ông, đời là quán trọ, nơi khách lữ dừng chưn một đêm rồi sớm mai ra đi. Ông Bảy và chú Hai thành đôi bạn tâm giao cũng từ cùng ý nghĩ: thành người trước khi thành tiên, Phật! Mấy tháng gần đây, Năm Chì chợt nhớ làng, nhớ Sáu Lai da diết… lòng những muốn quay về, mỗi khi nhìn núi Sam. Quê Năm Chì không có núi nhưng có sông. Sông dài, rạch chằng chịt hun đúc tánh khí người cần lao “trượng nghĩa khinh tài”. Những lúc rảnh việc nhìn núi Sam, Năm Chì mường tượng núi giống con sam sống ở những khúc sông gần cửa biển. Hỏi chú Hai, thì chú Hai nói: “Núi coi hình thù vậy, nhưng chứa bao huyền thoại và di tích được lưu truyền và gìn giữ, như miếu Bà Chúa Xứ, Tây An cổ tự, chùa Hang, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Sơn lăng Thoại Ngọc Hầu… Người trong vùng, trọng tâm linh nặng tín ngưỡng”!
Trăng đồng bằng vắt mình qua núi, thắp sáng thứ ánh sáng mờ đục hơi sương viền núi Sam huyền ảo. Năm Chì thao thức nghiệm lời chú Hai nói lúc ban chiều: “Sam biểu tượng sự thủy chung chồng vợ”. Năm Chì liên tưởng tới đời sống của con sam ở sông rạch quê nhà: “Con sam cái lớn hơn con sam đực, cái trước đực sau và đực sau bám chặt cái trước, nó không bao giờ rời nhau dù bị bắt hay phải chết!”. Người ta thường nói: “Bám như sam” là vậy! Trong giấc ngủ chập chờn, Năm Chì mơ thấy Sáu Lai – người bạn gái cùng xóm chỉ cách nhau con rạch, mà Năm Chì thầm thương trộm nhớ – Hồi đó, những khi lội rạch xúc tép mò tôm, Sáu Lai thường dặn Năm Chì đừng bắt con sam mà tội nghiệp! Và, cả làng không ai ăn thịt sam dù thịt sam chế biến được nhiều món ngon, như: tiết canh, gỏi, chưn sam xào chua ngọt, xào sả ớt, sam hấp, trứng sam chiên giòn… Bởi, ăn thịt sam là ăn sự thủy chung! Bỗng dưng, Năm Chì buột miệng hát nho nhỏ làn điệu lý con sam:
– Chú em! Bộ mớ hả?
Chú Hai lồm cồm ngồi dậy lắc chưn.
Năm Chì nín khe, giả đò như say ngủ.
Thương Năm Chì, chú Hai không cho học nghề làm đá như chú. Năm Chì thắc mắc, chú giải thích: “Làm đá, cái nghề nhiều gian khổ mà cũng lắm hiểm nguy: mù mắt vì miểng đá văng vô mắt, rơi xuống vực thẳm vì đá sụp, chết tốt vì đá lăn đè…”. Rồi, chú dứt khoát không cho Năm Chì làm đá.
– Tu người chính là rèn luyện nhơn cách thành người, và có thành người thì mới giúp người được!
– Nghĩa là sao hả chú?
– Nghĩa là chú em phải rành một nghề và nghề đó, có lợi ích cho mọi người.
– Nghề gì chú?
– Nghề làm cối đá xay bột!
Chú Hai nói chắc cứng.
Như để động viên chú em Năm Chì, Chú Hai quả quyết: “Nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh”!
Mừng húm, Năm Chì liền nghĩ ngay tới Sáu Lai với ước mơ hai đứa:
Trăm năm tình viên mãn
Bạc đầu nghĩa phu thê
Năm Chì quay về xóm nhỏ, mang theo cái nghề làm ra cối đá xay bột với bao niềm hy vọng gặp lại người xưa. Bùi ngùi, Năm Chì thẫn thờ trên bến sông cũ, nước mặn từ biển theo gió chướng tràn bờ hại đồng, hư ruộng, giết cây trồng…, và Năm Chì không còn nhìn thấy con sam xứ sở. Hỏi ra mới biết, người ta ham tiền nên tranh nhau bắt con sam bán cho những kẻ thừa tiền háo ăn chơi món lạ; đặc biệt, món ăn trứng sam, cách tận diệt sam tuyệt chủng nhanh nhứt. Bất giác Năm Chì giựt mình, con sam tuyệt chủng thì môi trường sinh thái sẽ không thể nào ổn định và ngay cả núi Sam, hôm thắp hương từ giã thần núi, Năm Chì đã nhận ra sự biến dạng của núi Sam do bàn tay con người gây nên. Mất Sáu Lai, mất con sam… Năm Chì khoắc khoải trong nỗi cô đơn và như mất tất cả!
Năm Chì sống một mình, tâm và lực dồn vào việc đẽo khối đá thành hai thớt: thớt trên, thớt dưới. Mồ hôi rớt hột trên đá hóa thành cối đá xay bột và Năm Chì trở về làng mang theo cả triết lý nhơn sinh: “Âm – Dương”, từ “Mẹ cha – Trời đất” với “Trong âm có dương, trong dương có âm. Âm cực sinh dương, dương cực sinh âm”. Cối đá xay bột của Năm Chì được người làng ưa chuộng; cũng từ cối đá, gạo ngâm nước trước một đêm rồi cối đá xay ra bột và bột, làm ra nhiều loại bánh – nhứt là các loại bánh Tết, đứng đầu là bánh tráng nức tiếng làng.
Cối đá xay bột làm nên danh phận Năm Chì và người làng, gọi “Lão Năm Cối Đá” khi Năm Chì lên tuổi lão.
*
Tôi nhắc lại câu hò:
Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu?
Uống thêm ly rượu hong ấm cơn lạnh chiều, lão nói chậm rãi:
– Lúc nào cháu biết thương nhớ người dưng, thì cháu sẽ thấm và hiểu câu hò.
Rồi, lão nói luôn: “Ngoài ra, bần còn là vị thuốc dân dã cứu giúp lưu dân những khi bịnh tật: Bong gân, bí tiểu tiện, cầm máu hoặc giảm đau. Đồng thời, cây bần giữ đất khỏi sạt lở. Ân tình giữa người và cây, nên người lấy tên cây đặt tên rạch”.
Chẳng thèm để ý tôi, lão tủm tỉm cười:
– Có rạch thì có đò ngang và đò ngang thay bằng cây cầu. Cây cầu mượn tên rạch làm danh xưng, cũng từ đó, những cây cầu: Bà Tàu, Cây Bần, Ông Tường, Bà Lý có mặt trong làng.
Thinh không, lão vui đó rồi buồn đó: “Ngày mai, chắc gì làng giữ được những cây cầu, và người chắc gì còn dùng cái cối đá để xay bột!”.
Nghe lão nói, tôi buồn lây, và chưng hửng: không rõ ý cụ muốn nói gì…, mà cũng phải thôi, bởi với tuổi đời “hỉ mũi chưa sạch” như tôi, thì mần sao hiểu nổi, mần sao không chưng hửng!
Tôi rót đầy ly rượu cạn của lão. Ngoài bến sông, bìm bịp kêu tiếng kêu bạn tình nhanh chưn kẻo nước lớn. Lão lim dim đôi mắt, không biết đôi mắt lim dim vì mơ màng hay vì chói nắng quái chiều hôm.
Ly rượu chiều uống hoài chưa chịu cạn, khác chi chuyện đời xưa lão kể hoài chưa chịu tới chuyện đời nay! Lão nói: “Trang lứa lão giờ chẳng còn ai, họ lần lượt rủ nhau thành người thiên cổ!”. Mỗi lần nói vậy, hình như mắt lão ngân ngấn nước. Tôi không nỡ bỏ lão ngồi uống rượu một mình trong nỗi cô đơn, dù mấy bận đã dợm bước.
(1) Nghị định ngày 6.1.1916, “Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859 – 1954)”, Nguyễn Đình Tư, Nxb Tổng Hợp TP.HCM, 2017.
(2) Nghị định 29.11.1923.
(3) Khuyết danh, “Việt Nam thi văn hợp tuyển”, Dương Quảng Hàm, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Hà Nội, 1951.
(4) “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca”, Nguyễn Liên Phong
– Đã qua ngày tảo mộ rồi đó, nha mình!
Mùa nầy, sương chiều đùn đục cánh đồng Thuộc Nhiêu. Bà Tư – vợ ông Tư Chanh, hiểu ý tứ lời nhắc khéo của chồng; cái ý tứ mà dân bổn địa, ai nấy đều thuộc nằm lòng. Đó là, miếng thịt heo làng được chia từ nghĩa tình chòm xóm “tối lửa tắt đèn”.
Vốn thôn nữ làng Mỹ Tịnh An, nơi giặc Pháp hành hình đứa con yêu nước của làng(2); bà theo chồng về mần dâu họ Lê đất Thuộc Nhiêu đã hơn ba mươi miếng thịt heo làng mỗi lần Tết đón Xuân. “Nhập gia tùy tục”, bà gậm nhấm niềm vui tục quê chồng. Cụ Sáu – cha chồng, thỉnh thoảng nói:
– Đất có chủ, người có tên; không phải khi không đình làng khắc bài vị thờ “Tiền hiền Cai Lữ Nguyễn quí công chi vị” (3). Cai Lữ tên Nguyễn Văn Lữ, người đã góp công sức lập nên thôn Bình Thuyên.
Rồi cũng có khi, cụ Sáu tủm tỉm cười, bâng quơ nói một mình:
– Vua chưa chắc được dân khắc bài vị thờ, nếu vua không thương dân và không nghĩ đến giang sơn xã tắc!
Bà Tư dù có nghe thì cũng chẳng hiểu ất giáp gì. Bà chỉ thắc mắc: tại sao cục đất mà bà đang sống lại có tên là Thuộc Nhiêu? Và, gò Ông Hoài, giồng Thuộc Nhiêu là hai hay một?
Yêu nhau chẳng lấy đặng nhau
Con heo bỏ đói buồng cau bỏ già
Bao giờ sum hiệp một nhà
Con heo lại mập cau già lại non
Ca dao (Dị bản).
Ngày đó, bà và ông Tư bén duyên mà tưởng chừng như nợ không thành; nhưng cái tưởng chừng như đã thành sự thật; chẳng khác chi tình cảnh con heo bị chủ bỏ đói và rồi được ăn no. Bà dặn dò chồng:
Một vợ nằm giường lèo
Hai vợ nằm chèo queo
Ba vợ ra chuồng heo mà nằm
(Ca dao).
Ngỡ rằng chồng sẽ giận, không dè ông Tư càng thương vợ nhiều thêm. Bởi, ông hay nói với bà: “Quan năm thê bảy thiếp”, còn hạng thứ dân thì bất quá cũng chỉ là “Bảy thiếp một thê”. Nói xong, ông ôm bà vào lòng rồi cười ngất: “Con heo có béo thì lòng mới ngon”. Bà mắc cỡ muốn chết, vì bà hiểu ý ông nói và hơn vậy nữa, đời bà hoàn toàn thuộc về chồng con, lấy cực làm vui, lấy mồ hôi thay nước mắt, ví như: “Có đêm thức trắng năm canh/ Rau heo, cháo chó, loanh quanh đủ trò”… Bà vẫn cười, nụ cười hồn hậu chân quê.
2.
Lúc rảnh rỗi, ông hay kể chuyện đất chuyện người nơi vợ chồng sinh sống.
– Mình người xứ khác tới đất nầy nên chưa hiểu đó thôi, chớ thiệt ra giồng Thuộc Nhiêu hay gò Ông Hoài thì cũng chỉ là một.
– Mình nói vậy là sao?
Bà thiệt thà hỏi.
– Là cụ Nguyễn Văn Hoài cha của Cai thuộc Nguyễn Văn Nhiêu, người lập ra làng Tân Đức.
Nói tới đó, ông ngưng đột ngột.
– Mình muốn nghe chuyện thì pha cho tui ấm trà “Ba con cua” thiệt ngon!
Xuống bếp, bà vừa pha ấm trà vừa ngẫm nghĩ: “Cái ông nầy chơi cắc cớ thiệt”!
Chiêu ngụm trà, ông chậm rãi kể:
– Nghe đâu Cai Lữ và Cai thuộc Nhiêu kết tình sui gia, rồi chỉ vì ganh nhau cái lợi tầm thường mà để lại tiếng đời: “Giàu sang Cai Lữ, mưu sự Thuộc Nhiêu”.
– Nghĩa là sao, tui không hiểu!
Bà nôn nóng, giục ông: “Mình nói tiếp đi”!
– Rồi sao nữa, mình!
– Thì thủng thẳng tui kể, bữa nay sao mình rậm rực vậy?
Trời ngã chiều, heo đói tới cữ đòi ăn, tiếng rân trời đất. Bà đứng dậy, tay vo quần sát háng, dợm bước đi.
– Chuyện tới hồi cụp lạc, bà bỏ đi sao đành!
– Mình nói lẹ lẹ, cứ nhởn nhơ chịu khôn xiết. Tui không huỡn!
Ông trở bộ, giọng trở nên gấp gáp vì biết vợ mình còn phải bận bịu với bầy heo.
– Chẳng dè, Thuộc Nhiêu biến nghịch thành thuận, hóa giải cái tối ra sáng; ông ta dựa rạch Cùng lập chợ, tạo thế trên bến dưới thuyền khiến cả vùng đất sung túc.
– Chợ Thuộc Nhiêu bây giờ đó, phải hôn mình!
– Và, cả heo Thuộc Nhiêu nữa, chớ!
Hồi bà mới về nhà chồng, chợ nhóm ban đêm và người ta thường gọi là chợ “Mãnh ma”, nổi tiếng bán heo “thừa vú”. Thương chồng, mỗi ngày một gần gũi, bà càng đầm đầm thương… Cha chồng thường nhắc chồng bà: “Con vợ mầy nó tuổi Hợi đó, nha!”. Ngày đó, bà khờ dại nên chẳng hiểu chi hết; mãi sau nầy bà mới biết: “Tuổi Hợi, tức là tuổi biểu tượng con heo đứng cuối cùng trong vòng tròn 12 con giáp, với 6 cặp dương và 6 cặp âm”. Heo thuộc về âm, cha chồng thương con dâu hơn con gái; bởi lẽ con dâu truyền nòi giống nhà chồng. Bà tuổi Hợi, cũng có nghĩa bà cầm tinh con heo và đã cầm tinh con heo, thì y như rằng đó là người “khao khát tình yêu và tình cảm nồng nàn đi tới tuyệt cùng; hay đa sầu và thường đa cảm; không thù dai, nhưng nhớ thì nhớ rất sâu và một mình gậm nhấm nỗi buồn mỗi khi bị tổn thương…”.
“Tuổi vận vào đời người”, bà hay nghĩ vậy và vì hay nghĩ vậy, nên xin chồng đưa giống heo Thuộc Nhiêu về gầy giống quê bà. Ông Tư Chanh tặng má vợ con heo nọc giống chiếng và chảnh nhứt trong bầy. Cả xóm đều vui, nói chi má vợ; họ mơ một ngày không xa sẽ thoát nghèo nhờ con heo nọc giống Thuộc Nhiêu!
3.
– Nói heo Thuộc Nhiêu là nhắc tên đất nuôi dưỡng heo có ích cho người. Thiệt ra, heo Thuộc Nhiêu là heo lai giữa giống Bồ Xu và giống Yorkshire.
Má vợ ngồi im.
Tư Chanh chỉ vẽ cách nhận ra giống heo Thuộc Nhiêu: “Đầu lớn vừa phải, mõm hơi cong, mũi vừa thẳng vừa thon; đặc biệt tai nhỏ, ngắn và hơi nhô phía trước. Thân vuông và thấp, lưng hơi oằn và mông vai nở; chưn thấp, móng xòe và đi ngón; đuôi ngắn và màu lông da trắng, thỉnh thoảng quanh mắt có bớt đen nhỏ…”. Ngồi nghe thằng rể diễn tả và cắt nghĩa heo Thuộc Nhiêu, má vợ đã cái lỗ tai.
Nói thao thao, thằng rể trổ nghề
– Lứa heo đầu con chọn nái cho má, lứa heo sau thì má tự chọn. Má chỉ cần nhớ: “Đòn dài, lưng thẳng, ngực nở, hông rộng, bốn chân khỏe, cứng cáp, có 12 vú đóng đều đặn, không vú lép, bộ phận sinh dục nở nang, không dị tật”; và má phải chọn chính xác dòng giống, tánh nết, di truyền tốt từ heo ba heo má. Tự dưng má vợ nghĩ chí lý khi liên tưởng tới cái câu: “Mua heo chọn nái, cưới gái chọn dòng”!
Vợ Tư Chanh chọt ngang:
– Nái sao bì nọc? Mình không giúp má biết nọc thì sao sanh bầy, coi như trớt quớt!
Nắng tháng Chạp xiên mắt cá chưn. Ngày sắp hết.
Tư Chanh vấn thuốc lá hút, má vợ ngoáy trầu. Không gian chiều quê êm ả trong thời gian cận Tết.
– Vợ con nói phải đó, má!
Má vợ ậm ờ để coi thằng rể nó nói sao?
– Sức heo nọc nó phối giống tới sáu, bảy năm lận nha má!
Má vợ chặn ngang:
– Nhảy đực thì nói nhảy đực, bây bày đặt nói từ huê dạng “phối giống” ai mà hiểu!
– Thì, con quen miệng rồi, má!
Tư Chanh nói giả lả.
– Heo nọc độ bảy, tám tháng tuổi là có thể nhảy đực và nhảy đực lần đầu phải mần “lễ khai đực” nếu không, bà Chuồng sẽ quở.
– Bây nói sao, nói lại cho má nghe!
– Dạ! ”Lễ khai đực”.
Tư Chanh kiến giải: ” Lễ khai đực, có nghĩa nọc tơ nhảy đực lần đầu phải nhảy “nái đẻ lứa rạ” và thời lượng rượng đực chín mùi. Có điều, nếu không may nọc gặp cái tơ lần đầu lên giống…thì cái tơ sẽ gây sự dữ dằn trước khi chịu đèn và đã chịu đèn, thì nọc trước sau gì cũng đuối…”.
– Heo nọc Thuộc Nhiêu loại chảnh, một năm nhảy đực năm hoặc sáu mươi heo nái gọn hơ.
Tư Chanh nói dứt khoát với má vợ.
4.
Có một thời làng Mỹ Tịnh An “Chuồng heo ở dưới, chuồng gà ở trên”, đã giúp người sở tại qua những cơn khốn khó đói nghèo. Và, chẳng mấy ai quên vợ chồng Tư Chanh – người nhơn giống heo Thuộc Nhiêu trên vùng đất sum suê cây lành trái ngọt. Hằng năm và cũng có thể coi đó là lệ: Vào các ngày 28 hoặc 29 Tết, người trong làng mần heo chia thịt cung thỉnh ông bà, cửu huyền thất tổ về sum vầy ăn Tết cùng con cháu.
Gừng càng già càng cay, văn càng viết càng hay, đại huynh ơi.
Cảm ơn Nẫu Quê, người cho tôi uống ly rượu Bàu Đá lòng ngây ngất say!
Chúc bạn vui khỏe.
cuộc đời và văn nghiệp của tác giả là một tấm gương cho hậu bối noi theo
Cảm ơn Xuân Thanh.
Cuộc đời, vốn nó là vậy!
Viết, chia sẻ với bạn những điều đã viết, và cũng chỉ “Chơi thôi mà!”.
Ngày mai, nào ai mong gì gặp lại!?
Chúc ban an lành.
Hu hu ông anh mà viết lễ khai cu thì đoạt giải Nobel ngay tắp lự.
CHÚC MỪNG NĂM MỚI
Cảm ơn bạn.
Cũng chỉ là hóng chuyện đời xưa, rồi “Thuật nhi bất tác”. Chơi thôi mà!
Giải Nobel, sao bì kịp “Giải vợ khen”!
Chúc xuân!
Đọc truyện của anh Trần Bảo Định người đọc như được đắm chìm trong không khí của một nam bộ thời khẩn hoang, sinh động & độc đáo. Đọc truyện của anh vì thế thú vị và biết được thêm nhiều kiến thức. Thanks anh
CHÚC MỪNG NĂM MỚI
Cảm ơn bạn.
Năm mới, chúc bạn và gia đình an lành, hạnh phúc!
Có lễ khai đực thiệt không ông già nam bộ nhiều chiện? Năm mới kính chúc anh một năm mới nhiều sức khỏe và thành công
CHÚC MỪNG NĂM MỚI
Thiệt ra thời đó, đẻ con trai thì cả dòng cả họ đều xúm nhau mừng húm. Trong lễ thôi nôi còn kèm thêm lễ mở miệng. Và, khi chàng trai nhổ giò bước vào tuổi thanh niên chuẩn bị lập gia đình thì có một lễ trình “Ông Tơ Bà Nguyệt”, thường gọi là lễ “Khai cu”, sau nầy nói trại ra là “Khai đực”. Chuyện được lưu truyền từ đời nầy sang đời khác, tới năm 1973 vẫn còn ở vùng Nam Thái Sơn, Tà Lơn, Cần Đăng…
Cảm ơn bạn.
Chúc Xuân!
Kính chúc anh một năm mới vạn sự như ý.
CHÚC MỪNG NĂM MỚI
Cảm ơn bạn
Năm mới, chúc bạn và gia đình an khang thịnh vượng!
Một tiếng khà tràn hơi men. Happy new year nhà văn!
CHÚC MỪNG NĂM MỚI
Cảm ơn Savi
Năm mới, chúc bạn và gia đình an lành, hạnh phúc!
Hình như tác giả có biệt danh ông già nam bộ nhiều chuyện?
CHÚC MỪNG NĂM MỚI
Phải rồi đó, Hoanglan.
Nhiều chuyện đánh tráo nỗi buồn cơm áo, nhân thế… Và, cũng chỉ là “Chơi thôi mà!” trong cõi trần ai!
Năm mới xin kính chúc anh vạn sự như ý.
CHÚC MỪNG NĂM MỚI
Năm mới, chúc Thanh Thanh và gia đình an lành, hạnh phúc!
Em cũng kính chúc nhà văn Trần Bảo Định may mắn, sức khỏe và nhiều niềm vui trong năm mới.
CHÚC MỪNG NĂM MỚI
Thân chúc Maimaiyeuthuong sẽ được mãi mãi yêu thương trong cõi “trần ai khoai củ” nầy!
Không hiểu nhân vật này có thật không anh, vì địa danh được chú thích rất rõ.
CHÚC MỪNG NĂM MỚI
Năm Cối Đá là nhân vật có thật, vì có thật nên truyện Năm Cối Đá được xếp vào tập truyện “Chuyện trong làng” sẽ in và phát hành trong năm 2019. Mời bạn đón đọc, không bất ngờ và hấp dẫn không ăn tiền!
Cảm ơn bạn.
Chúc nhà văn năm mới an bình và giàu sức sáng tạo
CHÚC MỪNG NĂM MỚI
Năm mới, chúc bạn vạn sự như ý!
Cảm ơn bạn.
Chúc nhà văn năm mới an bình và giàu sức sáng tạo
CHÚC MỪNG NĂM MỚI
Thân chúc bạn và gia đình an khang thịnh vượng!
Truyện ngắn của nhà văn TBĐ đọc rất thú vị.
CHÚC MỪNG NĂM MỚI
Năm mới, chúc bạn và người thân an lành, hạnh phúc!
Cảm ơn bạn đã đọc trang văn xứ Nẫu.