Huỳnh Ngọc Nga
Mới sáng tưng hững, như thuờng ngày thiếm Ba Lính mở cửa ra sân quét hoa lá rụng đầy qua đêm. Vừa với tay cầm cây chổi ở góc sân vừa đảo mắt nhìn quanh bên kia nhà Tư Bắc kỳ, thiếm bỗng trợn mắt dừng lại ở hàng rào chung ngăn đôi giữa hai gia đình. Hàng rào làm bằng cây mới hôm qua còn ngay ngắn là ranh giới cho bên nầy với bên kia, vậy mà bây giờ ngả nghiêng ngả ngữa, nửa bên Ba Lính, nửa bên Bắc Kỳ. . Chưa hết, con Cún quỷ quái của nhàTư Bắc Kỳ đang ụt ịt “sản xuất” một bãi “sản phẩm phế thải” ngay dưới gốc mận nhà thiếm nữa chứ. Thủ phạm làm hư đường biên giới là “nó” đây chứ không ai khác. Thiếm Ba Lính tức tối cầm cây chổi đi mau đến bên con Cún đập lấy đập để vào con vật vô tư, bị đánh đau con Cún kêu la en ét và lũi nhanh về khoảng trống của độ nghiêng hàng rào, chiến tích mà nó đã hì hục đào, ủi suốt buổi tối hôm qua để “nhập cảnh” sân nhà Ba Lính, nhưng như cái quặng nước, chùi vào thì dễ, tìm ra thì khó vì những chân hàng rào cây chỉa ngược qua bên nầy khiến con Cún cứ lăng xăng mà chẳng làm cách nào chui về sân nhà chủ. Trong lúc con Cún còn en ét tìm đường thoát thân thì thiếm Ba Lính bỏ cây chổi xuống đất, chạy nhanh vô nhà đem ra một sợi dây thừng vừa đúng lúc cửa nhà bên kia cũng mở toang cùng gương mặt vợ Tư Bắc Kỳ hiện ra với vẻ như còn đang ngái ngủ. Thiếm Ba Lính tỉnh bơ chận con Cún lại rồi lấy dây thừng cột vòng tròng vào cổ nó, con Cún chỉ mới một hai tháng tuổi nên còn nhỏ vừa sức cho thiếm ra tay, xong xuôi thiếm kéo con Cún lại dưới cây mận hồng đào cột đầu kia của sợi dây thừng vào gốc cây. Vợ Tư Bắc Kỳ nhìn thấy sự việc, giọng hốt hoảng chị kêu lớn:
– Ơ kìa chị kia, lợn nhà tôi nuôi, sao chị dám bắt cột trói như vậy.
Như chưa hả cơn giận, thiếm Ba Lính luợm một cục gạch bể xây tường dưới bàn thiên nhắm vào con Cún mà liệng, vừa liệng thiếm vừa ong óng:
– Có muốn nuôi gì thì về ngoải mà nuôi, sân ở đây để trồng cây kiểng chứ có phải trại chăn nuôi đâu mà đem heo, bò, gà, vịt vô phá rối nhà người. Tuì chưa kêu công an tới là may lắm rồi, ở đó mà sanh sự, sự sanh.
Bên kia, vợ Tư Bắc Kỳ cũng không vừa:
– Nè, nè có thả con lợn nhà bà ra không? Bà kêu công an đến thì có đi tù chứ ở đấy mà dọa bà à?
– Có muốn đem heo về thì giỏi mà qua đây “rinh” nó về, nó tự ý vô nhà tui chứ tui có bắt nó đâu mà đứng đó hạ lịnh.
Hai bà chủ nhà đôi co từng lời giữa lợn – heo, heo – lợn mà không để ý đến mặt trời đang từ từ lên cao và nhà lối xóm chung quanh cũng bắt đầu mở cửa. Thiên hạ mới hừng sáng đã nghe nghe õm tỏi giữa hai hậu duệ của tổ mẫu Âu Cơ, người hiếu kỳ thì đứng đó chờ coi diễn tiến sự tình nhưng cũng có kẻ nhún vai không màng để ý sau khi chép miệng:
– Cũng nhà hai ông cụt tay, ông què chân, họ gây nhau như cơm bữa, mới sáng sớm mà đã có chuyện rồi, hơi đâu mà coi cho mệt
Đúng là mệt thiệt, cơm ăn hàng ngày để có sức mà sống nên ai cũng cần chứ nghe láng giềng gây nhau như “cơm bữa” có mấy ai không chán, “chiến tranh miệng” mà, thiên hạ gọi đây là cuộc chiến “hậu 75” giữa nhà Ba Lính và Tư Bắc Kỳ. Gọi như vậy vì mọi sự chỉ bắt đầu sau năm 1975 khi láng giềng bên hữu cuả Ba Lính vượt biên và nhà của họ bị tịch thu để sau đó chính quyền sở tại giao lại cho gia đình một cán bộ chính quy từ Bắc mới vào, biệt danh Tư Bắc Kỳ được mọi người trong xóm đặt để cho cư dân mới đến cũng từ lý do đó.
Ông chủ mới là thương binh của cụ Hồ, ông bị mất một chân phải trong trận chiến ở Lai Khê vào những năm hai bên Nam – Bắc còn cù cưa chiến đấu. Nghe đâu ông có bà con làm lớn trong Đảng Bộ gì đó nên sau năm 75, với danh nghĩa kẻ chiến thắng đem thống nhất về cho đất nước, người bà con đó lo được cả gia đình ông vào Nam, ổn định nhà cửa để gọi là tổ quốc đền ơn người đã hy sinh một phần thân thể cho quê hương. Hồi mới vào xứ Nam Kỳ chỉ nghe tên mà chưa biết dạng nầy, gia đình Tư Bắc Kỳ cũng bở ngở lắm, cái bở ngở của người di dân trên chính ngay đất nước của mình. Mọi thứ đều lạ lẫm, lạ từ lời ăn tiếng nói khá dị biệt giữa “rau muống” và “giá sống” đến những cái nhìn nghi kỵ của kẻ bên chiến bại nhìn người bên chiến thắng. Nhưng nói gì thì nói, gia đình Tư Bắc Kỳ phải công nhận dân miền Nam dễ chịu thiệt, thứ dễ chịu của vùng đất được trời thương nên mưa nắng hai mùa hợp với phù sa sông Cữu, sông Đồng Nai cho trên thì lúa vàng óng ả, cây trái mượt mà, dưới thì cá lội nhỡn nhơn, ghe thuyền tấp nập vì thế cái tâm con người cũng theo đó mà bao dung, phóng khoáng, ghét không để bụng, giận chẳng nhớ lâu, lúc nào cũng sẳn sàng chia cơm sẻ áo cho những ai cần đến bàn tay trợ giúp của họ. Đó là nói về Nam Kỳ chung chung mà lúc di chuyển từ Bắc vào, đi qua vùng nầy vùng nọ nhà Tư Bắc Kỳ quán xét sơ sài để thấy vậy chứ riêng cái miệt Chánh Hưng, góc quẹo Ba Đình nầy thì khỏi nói, toàn là dân Nam kỳ rặc, chẳng có ai trọ trẹ giọng Bắc như gia đình Tư Bắc Kỳ, ấy vậy mà đa số người ở đây cũng không khó dễ gì với những kẻ chân ướt, chân ráo mới nhập cư, cần gì thì hỏi họ, giúp được thì họ giúp, không giúp được thì góp ý, góp lời, tuy cũng có những cái nhìn đi kèm như dò xét, tò mò, tìm hiểu nhưng cũng không gay gắt khó chịu lắm. Tuy nhiên, thế gian ít có việc gì trời cho toàn vẹn, bởi thế giữa cái xóm toàn rặc dân Nam Kỳ dễ chịu ông trời xui chi cho lẫn vào đó cái nhà láng giềng bên trái của Tư Bắc Kỳ một gia đình “giá sống” rất ư khó chịu nếu không dùng đúng chữ là ”thù nghịch” hẳn hòi ra mặt. Vợ Tư Bắc Kỳ thường phân bua cùng lối xóm chung quanh khi họ nhìn hai bên “đụng độ” khẩu chiến với nhau:
– Không biết nhà tôi có ăn hết của ông, của cha gì nhà họ hay không mà họ cứ kiếm chuyện với chúng tôi hoài.
Thiên hạ bàng quang không cần đợi nhà Ba Lính giải thích chuyện “ăn của ông, của cha” đó có hay không, nhưng chỉ nhìn cánh tay cụt quá khủy (mà miền Nam gọi nôm na là cái cùi chỏ) gần tới vai phải của Ba Lính cũng đủ đoán được lý do những cơn sóng gió giữa hai nhà. Cánh tay cụt đó không phải do bẩm sinh mà hiện hữu, cũng không phải tại tai nạn đường xá, giao thông mà có, nó là vết tích còn lại của một trận giao tranh trên ngỏ ngách vùng sông nước Hậu Giang khi giang thuyền tuần tiểu HQ-219 của cụ Thiệu gặp phục kích chính quy nhà cụ Hồ tấn công. Lúc đó Ba Lính là trung sĩ hải quân trên sông, anh chàng mới cưới vợ đâu được hai năm và đang làm cha một bé trai chưa đầy tuổi thôi nôi. Giang thuyền của Ba Lính đi tuần tiểu trên sông như thường lệ nhưng gặp nhằm thời điễm lính cụ Hồ đang chuyển tải vũ khí bằng thuyền nhỏ giả dạng thuyền buôn chở trái cây, sợ bị khám xét bể chuyện nên “bên kia” quyết định câu tiên hạ thủ vi cường, lúc “bên đây” phản công lại để “tính sổ” đối phương thì anh chàng trung sĩ của cụ Thiệu đã bị một trái pháo của địch xớt phăng đi hơn nửa cánh tay bên phải khi cánh tay đó còn đang quay khẩu trung liên “ria” thuyền buôn trá hình của địch. Anh trung sĩ mất một cánh tay nhưng còn mạng để trở về lên thượng sĩ lãnh lương thương binh rồi kế tiếp cho vợ sản xuất tù tì thêm một thằng cu tí và một bé gái út. Thời gian đó Hiệp định Paris chưa ký kêt, chiến tranh hai miền vẫn sôi động hàng ngày, chàng trung sĩ đem vợ con rời trại gia binh về định cư ở bến Ba Đình nầy và được mang danh Ba Lính do lối xóm đặt để. Nói cho ngay, người đầu tiên khai sanh biệt danh đó là ông Sáu Cảnh chủ tiệm nước ở ngả ba đầu đường, ông định kêu cư dân mới đến là Ba Thương phế binh cho đúng với cánh tay cụt của anh chàng, nhưng nghĩ lại ông thấy không tử tế chút nào khi gợi lại sự mất mát cho người đã hy sinh một phần thân thể của mình vì tổ quốc, trước khi thành phế binh, người đó đã khoác áo quân nhân, vậy gọi là Ba Lính cho hiển vinh người chiến sĩ, danh từ lính để nói lên hào khí của đấng nam nhi mà.
Mọi việc cứ bình lặng mà trôi theo con nước kinh Đôi, kinh Tàu Hủ của cù lao Chánh Hưng quận 8. Cho đến một ngày, ngày 30.4 ấy, ngày mà thế giới kêu là ngày Việt Nam thống nhất, lịch sữ phiá Bắc thêm vào vài câu cho đó là ngày chiến thắng trong khi miền Nam những ai đã tìm đường ra đi tránh màu cờ mới thì lại nói là ngày mất nước. Nói gì thì nói, cũng phải thành thật thấy rằng sau ngày đó người dân cả hai miền thôi không còn lo sợ tin báo tử từ chiến trường đưa về, và dù cái tâm Nam – Bắc chưa đồng, nhưng những đứa trẻ chào đời sau thời điễm đó thôi không phải giật mình nữa đêm nghe súng nổ, bom rơi. Ông trời khi mưa, lúc nắng còn chưa làm vừa ý cả thế gian thì chữ hoà bình của một đất nước sau hơn phần tư thế kỷ chia đôi cũng không làm toại ý toàn thể một dân tộc đã có quá nhiều chặng đường phân chia, xào xáo. Vì thế có kẻ ở và người đi, một cuộc vận hành xoay quanh chiều dài Nam – Bắc Việt Nam, một số người Nam đi ra biển tìm đất mới và chổ trống được bù lấp bằng luồng sóng người Bắc di chuyển vào Nam, “cuộc chiến hậu 75” của nhà Ba Lính và Tư Bắc Kỳ bắt đầu từ đó.
Thật ra, Ba Lính không khó chịu mà Tư Bắc Kỳ cũng chẳng đến nổi nào. Người Nam vốn dễ tính, nhà trống mà không phải của mình thì ai vào ở chẳng được. Dân Bắc tuy kỷ càng khuôn khổ nhưng “di dân”” vào đất mới thì nhập gia tùy cục là khôn, ai dại gì kiếm chuyện cho khó sống”. Lúc nhà Tư Bắc Kỳ mới đến, lối xóm chung quanh nhìn vào đã thấy có cái gì “ngồ ngộ”, thiên hạ kẻ mím môi cười chúm chím, người thẳng tính thì ha hả cười dấu mặt sau lưng khi rõ ra láng giềng mới của ông cụt tay là ông cụt chân một giò. Té ra cả hai đều là thương binh, cái chân cụt đồng điệu cùng cánh tay cụt, thương nhau không hết ai lại ghét nhau làm gì. Thuở ban đầu, hai bên cũng chào hỏi coi như ra mắt làm quen khá nhẹ nhàng, thân thiện tuy có vài điều lúng túng trong sự khác biệt của cách dụng từ. Nhà Tư Bắc Kỳ cứ một một hai hai xưng hô “bác bác, tôi tôi” với Ba Lính khi Ba Lính lúc nào cũng “anh anh, tui tui” với Tư Bắc Kỳ. Tuần một, tuần hai thì hai nhà biết rõ ràng” thành phần nhân sự”của nhau và biết luôn cả “lịch sữ”chuyện ra đi mãi mãi không về của cánh tay Ba Lính cũng như cái giò Tư Bắc Kỳ.
Bên Ba Lính biết cái nhà “Việt cộng” đó có hai vợ chồng và một thằng con trai độc nhất hai mươi tuổi tên Toàn. Họ cũng muốn có thêm đứa con gái nhưng theo lời kêu gọi của Nhà Nước ta thì thời buổi đó chuyện sản xuất nhân sự nên hạn chế hơn gia tăng, hơn nữa với cái chân cụt, Tư Bắc Kỳ cũng không muốn gánh nặng lo cho con cái oằn chỉ trên vai bà vợ của mình. Ngược lại, nhà Tư Bắc Kỳ cũng biết con số nhân sự đáng kể của gia đình phía “Ngụy quân”, hai vợ chồng ba đứa con, Huy là trai đầu lòng cũng hai mươi tuổi chẳn, Hoàng mười tám và nàng út Huyền vừa đúng mười sáu trăng tròn.
“Kiểm tra dân sự” tính ra cũng chẳng có gì phiền lòng nhau, nhưng đến khi đụng chuyện “hy sinh vì tổ quốc” thì bức tường lữa mới thành hình. Chẳng là, Tư Bắc Kỳ sau khi ổn định đâu vào đấy mới kêu vợ làm bữa cơm nho nhỏ mời hai nhà tả, hữu lối xóm sang cụng ly, cụng chén để gọi là ăn tân gia, chào láng giềng theo tập tục chung của dân Việt cả hai miền Nam Bắc. Tả, hữu hai bên của Tư Bắc Kỳ là nhà Ba Lính và nhà ông Sáu Đẩu, nhưng hai vợ chồng Sáu Đẩu già trên bảy mươi lại bị bịnh tiểu đường cử kiêng ăn uống mọi thứ, con cháu họ lại đã vượt biên đi tây, đi Mỹ cũng đã mấy năm rồi nên cuối cùng chỉ có vợ chồng Ba Lính nễ tình sang dự mà thôi. Thời đó, sau chiến tranh Việt Nam lại bị thế giới phương tây phong tỏa kinh tế nên mọi thứ nhu yếu phẩm có được đều mua theo cân, đong, đo, đếm trên đầu người trong gia đình. Vậy mà nhà Tư Bắc Kỳ cũng dám mời khách buổi cơm và nhà Ba Lính cũng trịnh trọng mua một chục chén kiểu qua mừng tân láng giềng, thế mới biết Việt nam dù Nam hay Bắc gì cái tình vẫn luôn là chữ đi đầu.
Trong buổi tiệc, có ăn phải có nói, lời nói lúc mới ăn là lời nói đánh lưỡi bảy vòng trước khi xuất khẩu thành ngôn. Vợ Ba Lính và vợ Tư Bắc Kỳ rôm rã kể về các món ăn của nơi mình sinh trưởng, chuyện bình thường của đàn bà mà, vui và chẳng mích lòng ai. Ba Lính và Tư Bắc Kỳ thì bàn chuyện thời tiết khác biệt giữa Nam- Bắc quê hương ta, nghe qua cũng đậm đà tình quê, tình đất lắm. Nhưng lưng lững bụng đầy, hai bà vợ chưa kịp chuyển đề tài thì hai ông chồng cũng đã bắt đầu cạn hết gần ba xị đế và chuyện giò cẳng, tay chân được đem ra bàn luận. Đúng ra, chính Tư Bắc kỳ mở màn trước, khi cái nạng gỗ của ông để tựa vào tường gần chiếc ghế ông ngồi bỗng ngã xuống đất:
– Hừ, thiệt bực mình hết sức, cái nạng nầy chẳng chịu để yên cho tôi bao giờ, tựa đâu là ngã đó – rồi dường như quên bẳng người ngồi trước mặt mình là ai, ông càu nhàu tiếp – cũng tại mấy thằng ngụy quân, ngụy quyền nên tôi mới ra nông nỗi nầy, tiên sư cha cái nhà chúng nó.
Ba Lính đang cầm chun rượu đế cho vào miệng bỗng dừng lại bỏ xuống, ông nhăn mặt, nhíu mày rồi quơ cánh tay cụt trước mặt Tư Bắc Kỳ:
– Còn cánh tay của tui nè, nó đi đong cũng tại mấy thằng cộng sản mới thành cớ sự như vầy, tổ mẹ quân cướp nước..
– Hả, bác nói ai Cộng sản? Mà Cộng sản thì đã sao? Tư Bắc Kỳ sừng sộ trong cái giọng lè nhè.
– Còn anh nói ai ngụy quân, ngụy quyền? Tui ngụy nè, anh làm gì tui? Ba Lính cũng nhụ nhựa hất mặt hỏi lại.
Đó là những quả pháo chuột khởi mào, tiếp theo là tiểu liên, trung liên, đại liên và cuối cùng thì bom B52 nổ tung từ những lời lẽ không cần xoay bảy vòng cái lưỡi mà được phát ra bằngsức nóng của cồn ba xi đế. Khi Ba Lính quơ cánh tay còn lại hất tung chén dĩa trên bàn cùng lúc Tư Bắc Kỳ lượm cái nạng gỗ loạng choạng định phang vào đầu Ba Lính thì cả hai cùng té nhào trên mặt đất. Không cần diễn tả thêm, chỉ cần tưởng tượng hình ảnh hai bà vợ hốt hoảnh mạnh ai lo vực chồng mình dậy, kẻ đưa chồng vào nhà tắm nôn oẹ rồi cho lên giường đánh liền một giấc đến chiều mới tỉnh, người ơi ới kêu con qua dìu cha về. Kể từ hôm đó chẳng ai buồn nghĩ đến chuyện cho nhau một lời xin lỗi dù là có thể đổ lỗi cho mấy xị đế của thần tữu Lưu Linh, bởi hai bà vợ tuy xuất xứ xa xôi hai đầu Nam-Bắc nhưng cái bụng suy gẫm lại đồng nhau như giang san Việt Nam đồng một dãy. Hai bà cùng tỉ tê với chồng, phân bua với con rằng lời nói trong cơn say là lời nói thật, “nó” đã chửi mình, đã nhìn mình là thù nghịch thì thân thiết nữa chỉ là sự bãi buôi giả dối mà thôi, từ đây phải rạch ròi phân chia “bên đây”, “bên kia” cho đàng hoàng đâu ra đó. Đàn bà là nội tướng trong gia đình, “phán” lịnh ra là trên dưới phải nghe theo, kể cả đức ông chồng mang danh chủ hộ. Vậy là chỉ hai ba tuần lễ đầu “thanh bình hoà hảo” giữa đôi bên, sau ngày ăn tân gia đó là chiến tranh khi nóng, khi lạnh xảy ra liên hồi. Cành mận bên sân ba Lính rụng lá bay qua sân Tư Bắc Kỳ cũng đủ nghe bóng gió xéo xiên bên “Việt Cộng” gửi bên “Ngụy quân”, nước mưa sân Tư Bắc Kỳ có theo rãnh đất mà chảy phạm biên giới nhà Ba Lính thiên hạ chung quanh cũng phải lắc đầu khi nghe vợ Ngụy chữi “phông lông” vợ Cộng không tiếc lời. Và hôm nay, hơn hai năm chung trời không chung đất, ông trời xui khiến con Cún nhà Tư Bắc Kỳ lại khởi mào cho cuộc chiến tái diễn lúc đầu ngày. Con vật đang tự do bên kia sân vô tư ủi rào sang “giữa lòng đất địch”, giờ bị dây tròng cổ cột dưới gốc mận, nó khó chịu nên cứ chạy vòng thân cây, càng chạy thu ngắn sợi dây và càng bị xiết chặc cổ nên nó cứ en ét mà kêu khiến vợ Tư Bắc Kỳ thêm sót ruột, chị quay đầu vào nhà kêu con trai:
– Toàn đâu, ra đây bu nhờ.
Chàng thanh niên từ trong nhà chạy ra, ngực trần, quần “xà lỏn”, nhanh nhẩu hỏi mẹ trong lúc Tư Bắc Kỳ cũng khệnh khạng đi sau:
– Bu ơi, con phải làm gì đây bu?
Vợ Tư Bắc Kỳ đưa ngón tay chỉ về phiá sân nhà Ba Lính, gắt gỏng:
– Bộ con không thấy gì sao? Qua mà bắt con Cún về cho bu.
Toàn khựng lại khi nghe mẹ nói, chàng nhìn sợi dây xích khoá cổng rào nhà Ba Lính rồi đưa mắt nhìn mẹ như ngầm hỏi làm sao vào nhà người khi cổng rào chưa mở khoá. Bên kia sân, thiếm Ba Lính đã bỏ vào nhà sau câu thách thức “có giỏi thì qua đây …”. Toàn nhìn qua theo chiều ngang, thấy sau cánh cửa khép hờ có mái tóc dài của con gái chủ nhà thập thò ẩn hiện mông lung. Chàng chạy vội vào nhà trong, mặc quần dài, áo sơ mi ngắn tay tề chỉnh rồi nhanh nhẹn ra cửa qua cổng nhà Ba Lính. Vợ Tư Bắc Kỳ ngó theo con ngạc nhiên, quay về phía chồng, hỏi:
– Đi bắt con lợn về mà sao nó phải lên quần áo như thế?
– Bà đi mà hỏi nó. – Tư Bắc Kỳ nhún vai trả lời.
Bên kia “đất địch”, Toàn đứng trước “cửa ải” nhìn vào trong nhà Ba Lính, cánh cửa vẫn khép hờ sau khi vợ Ba Lính ngoe nguẩy bỏ vào nhà, không có bà chủ mà chỉ có cô con gái với đôi mắt lo âu nhìn ra qua khung cửa hẹp. Thấy Toàn, Huyền tay cầm chìa khóa cổng mở nhanh cửa bước ra. Từ nhà nhìn qua, vợ chồng Tư Bắc Kỳ thấy mái đầu của hai đứa nhỏ chụm lại giữa cánh cổng ngăn đôi và hình như chúng thì thào điều gì với nhau, sau đó con bé Huyền cúi xuống mở khóa xích, kéo rộng cổng cho Toàn bước vào, cả hai cùng ngồi xuống lui cui tháo giây cho con Cún, thân mật như đôi bạn tự lâu đời. Dây thừng đã được tháo, Toàn ôm con Cún vào lòng nhưng dường như chưa chịu bước chân ra về, có tiếng thiếm Ba Lính bên trong vọng ra:
– Về mà lo sửa cái hàng rào lại đi, lần sau “nó” mà qua nữa là “đây” cấm cửa không cho bắt về đó. Huyền, đóng cổng lại rồi vô nhà, mau lên.
Vợ chồng Tư Bắc Kỳ suốt ngày hôm đó theo cật vấn Toàn xem “hai đứa nói gì to nhỏ hồi sáng vậy?” nhưng cậu con trai chỉ ậm ừ nói là “cô ấy dặn con giữ con lợn đừng cho nó phá rào nữa, thế thôi”. Cái hàng rào được chàng sửa lại ngay ngắn với đôi mắt luôn nhìn về bên trong nhà “ngụy quân” như muốn tìm ai, vừa làm vừa huýt sáo với vẻ hài lòng. Nhìn sự việc, vợ chồng Tư Bắc Kỳ bỗng đâm ra bực bội lẫn lo âu cho chàng quý tử, người cha dằn mặt con trai:
– Tránh xa con gái ngụy tặc đó đi, muốn sống thì đừng rớ gái miền Nam, nó phù phiếm lắm.
Bên kia nhà Ba Lính, Huyền không khác gì Toàn, cô cũng bị cha mẹ và hai ông anh “thẩm tra” với câu hăm he của Ba Lính:
– Nè, đừng bày đặt lộn xộn với cái thằng Toàn đó nghe chưa. Nhà mình không chứa dâu, rễ Việt cộng đâu nghen con.
Mẹ cha hai bên dặn chi thì dặn, cấm chi thì cấm nhưng có cấm được việc thành lập Đoàn Thanh Niên Phường/ Quận của chính quyền lúc đó đâu. Hai “đứa nhỏ” đang tuổi thanh niên được (hay bị) ghi tên vào Đoàn Thanh Niên Phường/Quận là chuyện đã có từ mấy năm qua rồi, tụi nó ngoài giờ đi học, đi làm còn thêm giờ đi họp Đoàn nữa. Ở nhà bị người lớn “nhồi sọ” nào là cái nhà bên kia là nhà thù địch, nhà ác ôn không được thân tình kết bạn. Nhưng vào Đoàn rồi thì hết công tác nầy, chiến dịch nọ cứ chung danh sách với nhau hoài nên cả Toàn lẫn Huyền bỗng nhận ra có vài điều cha mẹ ở nhà nhận xét không đúng lắm.
Chẳng hạn như Toàn thấy cô con gái “ngụy quân” rất ư duyên dáng, xốc vác, lanh lẹ và chẳng phù phiếm chút nào; cô không son phấn mà má vẫn hồng, môi vẫn đỏ; việc gì giao cho cô làm cô cũng nhanh chóng hoàn thành xuất sắc; cô đoan trang không ồn ào như đa số mấy cô khác trong Đoàn, biết thì thưa thì thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Toàn thích tiếng “dạ” ngọt như đường cát, mát như đường phèn của cô nàng mỗi khi mở đầu một câu nói làm sao. Nếu phải cho điễm kết nạp làm…”bồ” để sau nầy chuyển thành vợ thì Toàn cho cô “Ngụy” nầy tối đa mười trên mười.
Còn Huyền cũng vậy, cái anh chàng “Việt cộng” nầy cha mẹ chàng ta quê mùa, cục mịch nhưng sao anh chàng lại mặt mày sáng sủa, dễ nhìn; tướng tá cũng chẳng đến nổi nào, nghe nói dân miền Bắc vác súng vượt Trường Sơn vô Nam đánh Mỹ nhưng chàng ta lại có dáng thư sinh mới kỳ; đã vậy còn ăn nói chững chạc đàng hoàng, không cợt nhả bông đùa, không ba hoa chích chòe khoe khoang lếu láo;; mỗi lần có công tác khó khăn là anh ta luôn xung phong nhận lãnh và hay giúp đỡ bạn bè. Cha chả, mấy kép vai chánh hào hoa trong phim ảnh, tiểu thuyết chắc cũng khó qua mặt được anh “Việt Cộng” nầy. Vậy là họ “tình trong nhưng đã, mặt ngoài còn e”, ở trong Đoàn thì anh anh, em em ngọt xớt, về tới ngả ba đầu đường thì dang ra xa mạnh ai nấy bước, kẻ trước, người sau, cha mẹ đôi đàng có đeo mắt kiến cận/viễn cao độ cũng không thấy ánh mắt đứa vào nhà trước còn cái đuôi liếc cái bóng đứa đi sau. Chiến tranh “Nam/Bắc” giữa vợ chồng hai ông thương binh cứ ì ầm nỗ, khi sáng, khi chiều nhưng cái tình hai đứa nhỏ cứ lẳng lặng theo mưa nắng hai mùa của Saigon mà nẩy nở không ngại ngùng chi câu gái Nam, trai Bắc.
Bây giờ thì Toàn đã hăm hai đang học năm thứ hai đại học Y, Huyền tròn mười tám bắt đầu vào Đại học Sư phạm. Và dù cả hai có e e ấp ấp dấu diếm cha mẹ đôi bên mãi thì mọi việc cũng lộ dần ra khi người anh chú bác của Tư Bắc Kỳ ngoài Bắc vô đề nghị mối mai Toàn cho con gái em vợ của ông ta. Chổ bà con đã đành, lại thêm vợ chồng Tư Bắc Kỳ củng biết mặt cô gái nên cả hai hớn hở chịu liền và quay sang hỏi ý con trai. Nghe cha mẹ đặt để vấn đề, Toàn dẫy nẫy lắc đầu rằng không có ý định cưới vợ lúc nầy. Ông bác họ cười hà hà bảo “ai bắt mầy cưới liền đâu mà mầy “no” (lo). Có chịu thì cũng phải cần thời gian gặp gỡ, tìm hiểu nhau rồi cưới, ít nhất củng một, hai năm mà”. Vợ chồng Tư Bắc Kỳ cũng nói vô đốc thúc, viện dẫn nhà chỉ có Toàn là con trai độc nhứt, tuổi nầy cưới vợ là đúng rồi để hai người sớm có dâu, có cháu vui cửa, vui nhà. Toàn bí lối đành thú thiệt là đã có người thương và đang chờ xin phép cha mẹ đi hỏi cưới cô nàng. Vợ Tư Bắc kỳ nghe qua giật mình liền, bà đã nghi nghi chuyện thằng con bà và đứa con gái “ngụy quân” láng giềng từ bấy lâu nay nhưng không có bằng chứng vì cứ thấy hễ mỗi lần con nhỏ con Ba Lính ra khỏi nhà chừng năm mười phút thì quý tử của bà cũng lên quần, lên áo kiếm cớ đi chổ nầy, chổ nọ và cứ sáng sáng lúc bên kia cô gái ra quét sân thì bên nầy thằng nọ cũng thung dung ra sân tập thể dục thay vì tập trong nhà để khỏi thay quần đùi, áo thun chỉnh chạc như đi sân tập của câu lạc bộ thể dục Phường/ Đoàn. Nay nghe nó nói đã chọn xong người người phối ngẫu, bà cần hỏi cho ra lẻ trắng đen để yên lòng mới được:
– Hoá ra con cũng kín tiếng thật. Nào, nói cho bu biết cô ấy là ai, con nhà thế nào? Gần, xa ra sao? Nếu được thì dẫn nó về đây cho bố, bu mầy biết mặt.
Toàn ú ớ, ngập ngừng giây lát rồi rụt rè thưa:
– Cô Huyền nhà bên cạnh mình đó bu à. Chúng con thương nhau mấy năm rồi, chờ con và cô ấy xong đại học ra trường chúng con sẽ xin phép cha mẹ hai bên cưới nhau, thưa bu.
Không cần phải diễn tả dông dài, sau câu nói đó người ta nghe tiếng nạng gỗ đập mạnh xuống bàn; tiếng vợ Tư Bắc Kỳ bù lu bù loa chu chéo rằng “con ngụy” đó nó dụ dỗ con bà và Toàn bỏ buổi cơm đãi khách khoác áo ra đường mà không định hướng sẽ đi đâu; ông bác họ thở dài khuyên bảo đôi ba câu cho phải lệ rằng thôi duyên của nó để nó định rồi ông cũng lấy cớ đi thăm bè bạn ngoài Bắc di cư vào Saigon để khăn gói giả từ.
Kể từ hôm đó chiến tranh bùng nổ dữ dội giữa nhà hai ông thương binh, nguyên nhân giản dị cũng bởi cái miệng mấy bà. Cứ đi đâu gặp người trong xóm thì vợ Tư Bắc Kỳ cũng dừng lại bảo cái con Huyền nhà Ba Lính coi tẩm ngẩm vậy mà đáo để ra phết, thấy thằng con bà sẽ đổ đạt thành bác sĩ nên chài mồi rù quến thằng nhỏ làm thằng nhỏ lơ đãng chuyện học hành, thiệt nhà Ba Lính không biết dạy con. Một lời buông ra, trăm lời thuật lại, rồng rắn thêm vào nên chuyện hai đứa nhỏ thương nhau thành ra đề tài cho cả xóm tha hồ bàn tán xôn xao, người bảo xứng sui xứng gia chân què tay cụt, kẻ thêm thắt rằng con nhỏ đang có bầu mấy tháng hổng chừng. Gió bay, lá xào xạc mang tiếng rì rào trong xóm bay đến tai nhà Ba Lính, thế là Huyền bỗng dưng thành tội phạm bị đem ra hội dồng gia đình xét xữ. Ba Lính quơ quơ cánh tay áo rổng, giơ ngón tay của bàn tay còn lại điễm mặt con gái, gằn giọng:
– Ba đã nói rồi, nhà nầy không có rễ, dâu Việt cộng. Con có muốn cải lời thì đừng ở trong nhà nữa, nghe chưa?
Thiếm Ba Lính chen vào:
– Thôi, không nói nhiều nữa, chú Sáu An mới nhờ người đánh tiếng hỏi con cho thằng Bình con trai của chú. Chổ láng giềng quen biết lâu năm, thằng nhỏ cũng hiền lại có công ăn “chiện” làm làm đàng hoàng. Mình gả nó cho chổ nầy là xong. Huyền, con không được cải lời ba má, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, nhà mình là nhà gia giáo, không thể để thiên hạ nói sao thì nói. Ngược bằng không nghe ba má thì bắt đầu từ bây giờ đi đâu cũng phải để hai anh mầy đưa rước chứ không được tùy tiện muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm.
Huy, Hoàng nghe nói đồng lắc đầu:
– Nó lớn rồi, thương ai tùy nó, khi khổng khi không bắt tụi con làm cảnh sát bảo vệ cho nó sao?
Vợ Ba Lính nạt ngang:
– Đủ rồi. Ngày mai thằng Huy đưa nó đi học, tan học thằng Hoàng rước nó về. Còn con mẹ Bắc Kỳ nầy, để rồi biết tay tao.
Sáng hôm sau, đợi bà Sáu Đẫu nhà bên cạnh ra phơi quần áo trong sân nhà, thiếm Ba Lính cũng bước ra cầm bình xịt nước tưới hoa rồi dựa hàng rào hỏi thăm láng giềng đôi ba câu về sức khỏe, vòng vo tam quốc chuyện trời nắng trời mưa cho ra vẻ bình thường rồi bỗng thiếm cao giọng hơn một chút vừa đủ cho bên kia nhà Tư Bắc Kỳ nghe rõ:
– A, thằng Phước nhà chị lúc nầy ở bên Mỹ thế nào rồi? Có thư từ thường xuyên cho anh chị hông? Kể ra nhà chị cũng có phước, đẻ được thằng con ăn học đàng hoàng mà tính tình cũng đứng đắn chứ không như cái thứ “ở ngoải”, học hành chưa ra gì đã đi dụ dỗ con gái nhà người, cái điệu nầy có mà thành Bùi Kiệm vác chỏng đi về chứ mong gì thành ông nầy, ông nọ, ngữ đó ai có con gái thà gã cho ăn mày hơn gã cho nó. Cũng tại cha mẹ nó không biết dạy con đó thôi, phải hông chị Sáu?
Bà Sáu Đẩu ngẩn tò te chưa kịp hiểu mô tê ất giáp chi thì đã thấy vợ Tư Bắc Kỳ hùng hổ xông ra:
– Nè, nè chị nói ai không biết dạy con? Có nhà chị để con mất dạy đi rù quến con trai nhà bà thì có. Giỏi thì ra khỏi cửa nói chuyện với bà chứ đừng đứng đó mà bóng gió quanh co.
– Ủa, tui nói chuyện khơi khơi chứ có ăn nhập gì nhà chị đâu mà chị nhảy ra đánh tiếng. A, té ra cậu quý tử nhà chị chuyên đi dụ dỗ con gái nhà người đó sao? Sân nhà tui, tui đứng, mắc chứng gì tui phải ra khỏi cửa “hầu” chị, muốn gì thì mời chị qua đây, cổng tui mở khóa rồi đó. Hay chị sợ? Vậy thì nhớ về dạy con trai chị lại cho đàng hoàng và để yên cho con gái tui, nó sắp lấy chồng rồi đó. Thứ cái “đồ” rau muống rỗng ruột….”
Bây giớ thì không phải hai ông cha chân què, tay cụt choảng nhau mà là hai bà mẹ , vì nghe xong câu thách thức miệt thị quá mức đó bà “rau muống rỗng ruột” xông liền ra cửa chạy qua sân bà “giá sống đặc ruột” nắm lấy đầu người phỉ báng mình mà ghì mà ghịt. Bà chủ nhà nào dễ chịu thua, thế là giá sống, rau muống quấn lấy nhau quần thảo. Tiếp đó là hai ông chồng và mấy đứa con đồng chạy ra mạnh ai nấy lo kéo “phe ta” dang xa “phe địch” sau khi đầu cổ, tóc tai, áo quần của hai “nữ tướng” bèo nhèo xốc xếch . Những câu chữi bới vẫn tiếp tục và thưa dứt dần vì cả đôi bên đều hết hơi để “ca chèo, hát vọng cổ”. Và ngay sau đó là chuyện hậu trường, “hai đứa nhỏ” nghe thêm những lời đay nghiến gay gắt của bố bu, cha mẹ. Cấm, cấm tuyệt đường tương chao của tình yêu hai đứa, đứa nào cải lời ra khỏi nhà lập tức.
Hai đứa nhỏ là con ngoan, tưởng hăm như vậy nó sợ mà buông nhau ra, nhưng hai bên cha mẹ chắc lúc cưới nhau không trãi qua những cản ngăn bó buộc nên họ đâu biết rằng tình yêu có sức mạnh vạn năng của nó, vô hình nhưng bức núi, lấp sông và hai đứa nhỏ đã…”ra khỏi nhà lập tức” như lời thách thức của cha mẹ để cho “người lớn” biết thế nào là ý nghĩa của tình yêu. Một tuần sau ngày “song thư chiến đấu”, bên đây nhà Tư Bắc Kỳ, Toàn khăn gói ba lô lên đường nói là trường Y tổ chức đi thực tập một tuần để kiễm tra sức khoẻ đồng bào miệt kinh tế mới Lê Minh Xuân; bên kia nhà Ba Lính, Huyền thưa cùng cha mẹ rằng trường Sư Phạm đến lượt phải đi đào kinh, lấp đất miệt Cà Mau, Rạch giá để ngăn nước mặn lấn ruộng làm hư hại mùa màng, “chỉ vài ngày thôi, cuối tuần là con về”.
Nhưng ngày cuối tuần đến, một tuần rồi trôi mà Toàn lẫn Huyền đều chẳng thấy tăm hơi bóng dạng. Lúc đầu cả hai nhà không ai để ý sự vắng mặt con của nhà bên kia và cứ ngở chắc có sự chi trục trặc nên con mình về trể đôi ba ngày. Thời đó chưa có điện thoại cầm tay để hỏi tin như bây giờ nhưng đến trường tụi nhỏ để hỏi thì không có chi là khó khăn, bởi vậy cuối cùng thì cả hai nhà cùng biết là bị con mình đánh lừa và sự “biệt tăm, biệt tích” đồng lượt của Toàn và Huyền chứng tỏ cho cha mẹ đôi bên biết rằng họ đã lầm lẫn khi đặt áp lực hận thù lên tình yêu đôi lứa. Có tiếng khóc bù lu bù loa bên nầy của vợ Tư Bắc Kỳ cùng tiếng nguyền rủa kẻ đã xui đứa con trai độc nhất của gia đình bà bỏ bu, bỏ bố ra đi; bên kia vách là tiếng nấc tấm ta tấm tức của vợ Ba Lính khóc nhớ Huyền giờ nầy không biết ra sao lẫn tiếng rủa xã thằng con hàng xóm đã dụ dỗ cho con thiếm lâm cảnh thân gái dặm trường.
Ai giận hờn, ai thương yêu mặc nhân tình thế sự, thời gian cứ theo tờ lịch mà bay, lẫm rẫm vậy mà hai năm đã trôi qua, hai năm của đôi bên cùng rập rình nghe ngóng. Rập rình xem bên kia có tin tức gì của “con nhà họ” gửi về hay không, nghe ngóng thử để biết lúc nầy “họ” có ra “chiêu” gì mới mà còn biết đường đánh trả. Nhưng chim bay mất dạng, cá lặn mất tăm, chẳng bên nào còn hơi sức để tung chiêu, phóng chưỡng như ngày xưa mà chỉ có tiếng kinh cầu mỗi chiều của hai bà mẹ mong con mình sớm trở về; tiếng thở dài của hai người cha mỗi sáng ngó trời, mỗi tối nhìn trăng như nhắn nhủ “Về đi con, về rồi muốn gì cũng cha mẹ cũng chìu con”.
Một sáng đầu ngày, bác phát thư dừng lại trước nhà Ba Lính rồi sau đó vài bước qua trước cổng Tư Bắc Kỳ, mỗi nhà bác trao một phong thư, người ra nhận thư là hai bà vợ. Nhìn bì thư rồi không hẹn mà họ cùng ngó qua hàng rào kẻ địch, lâu rồi họ không gây sự cùng nhau nữa nhưng cũng không tỏ chút thân thiện chi, cả hai cùng chớp chớp mắt nhìn nhau như muốn hỏi điều gì nhưng cuối cùng họ lẳng lặng vaò nhà hối hả mở thư ra xem. Thì ra đó là thư của hai đứa “bất hiếu tử”, bì thư nhà Ba Lính do Toàn viết tên người gữi còn thư nhà Tư Bắc Kỳ do chính Huyền ghi tên, bên trong mỗi lá thư có ghi thêm phần tái bút “Muốn đọc thư riêng của con xin qua nhà “ba má/bố bu con để đổi thư”. Không biết trong mỗi lá thư viết gì, chỉ biết là bên Tư Bắc Kỳ sau khi đọc xong vợ chồng ngó nhau mặt mày sáng rỡ còn bên Ba Lính thì hình như có tiếng chắc luỡi của ông chồng chen lẫn tiếng thở hắt ra của bà vợ. Dĩ nhiên, đôi bên sau đó họ ngồi thừ ra mà suy nghĩ coi có nên “vác mặt” qua bên kia để đọc tiếp xem con mình nó nhắn nhủ cái gì mà bày đặt chơi trò ú tim cùng cha mẹ chúng như vầy. Cuối cùng thì tình thương nhớ con chiến thắng cái “Ta” đáng ghét của mỗi gia đình nên không hẹn mà cả hai bên đồng bước ra cửa với ý định tìm đọc nữa lá thư riêng.
Nói cho vui trong ngày “hoà bình trở lại” thì có lẻ vì quen vượt Trường Sơn lội bộ từ bắc vào nam nên vợ chồng Tư Bắc Kỳ nhanh chân đến cổng nhà Ba Lính trước trong khi vợ chồng Ba Lính mới áo sống chỉnh tề ra tới giữa sân, mỗi bên cầm một lá thư trên tay nên không cần hỏi lý do hai đàng đã hiểu liền chủ đích cuộc di động bất ngờ của “đối thủ”. Sông Gianh, sông Bến Hải trước khi thông thương hai bờ cho một giòng nước chảy đã phải qua hội nghị nầy, hội nghị nọ hoặc bên thắng phải hạ cờ bên bại để nối liền một cây cầu bị chắn ngang nhưng ở đây, trận chiến “hậu 75” của hai láng giềng “rau muống, giá sống” chỉ cần hai lá thư xa gữi về là cổng rào mỗi nhà mở rộng để đón tiếp “địch quân” bằng nụ cười bẽn lẽn của hai bà vợ và cái bắt tay xiêt chặc của hai ông chồng, chẳng có ai là kẻ thắng và ai là người bại cả. Vợ chồng Ba Lính mời nhà Tư Bắc Kỳ vào, trà nước đi sau, hai lá thư chuyển nhau đọc đi trước. Họ mở thư ra rồi mỗi bên chăm chú mà đọc. Phần trên của thư Toàn và Huyền giống nhau như bản in sao lại, không dài, không ngắn, đủ để hai người cha thẩn thờ suy nghĩ, vừa cho hai bà mẹ ứa nước mắt ăn năn. Thư rằng:
“Kính ba má/bố bu thương yêu,
Trước hết chúng con xin lỗi, lỗi đã cải lời cha mẹ bỏ nhà ra đi không một lời từ giả, không một tin nhắn về dù chúng con biết ở nhà ba má/bố bu vô cùng đau khổ vì buồn giận chúng con. Nhưng nếu ba má/bố bu rộng lòng suy xét lại chắc hẳn sẽ mỉm cười tha tội bất hiếu của chúng con.
Chúng con cam lỗi đạo để ra đi cho mọi người thấy hận thù, giận ghét không ngăn được tình yêu đôi lứa. Nói cho cùng ba má và bố bu cũng chẳng có gì để oán ghét lẫn nhau, trong chiến tranh thời ba má/bố bu sống thì mỗi người dân chỉ làm phận sự nơi mình đã sanh ra và lớn lên, vì vậy ba đi lính Cộng hoà, bố vào bộ đội Cộng sản. Đạn bom vô tình làm tàn phế thân ba, thân bố nào phải của ba hay của bố mà là của ngoại bang với những lý tưởng cũng do chính họ nêu ra lợi dụng sự háo thắng của những người được mệnh danh là thay dân giữ nước, giữa hai miền Nam -Bắc để anh em một nhà chém giết lẫn nhau. Oán hờn nếu có còn xin ba, bố cứ giữ cho riêng mình nhưng xin đừng truyền lại cho con cháu đời sau, hảy coi đó là tử số riêng của một phân số mà mẫu số chung vạn đời không thay đổi với Tổ phụ là Hùng Vương và Tổ mẫu là Âu cơ. Chúng con sẽ cố gắng đem tình yêu chúng con để san bằng tử số riêng của hai nhà để một ngày nào đó hai phân số hòa nhập để thành một số nguyên trọn vẹn như dãy đất Việt Nam quê mình không còn chia cách .
Chúng con hiện đang ở Đan Mạch, nơi mà hơn hai năm trước khi chúng con xuống tàu vượt biển tìm đất yêu thương đã được một tàu buôn xứ sở nầy cứu vớt và cưu mang đến nay. Chúng con mong lời tha thứ của ba má/bố bu để được trở về trong một ngày không xa lắm. Địa chỉ của chúng con đã được ghi ngoài bì thư, ba má/bố bu cứ theo đó mà cho chúng con cơ hội được đoàn tụ gia đình. Tết sắp đến rồi, chúng con mong được cùng nhau quỳ lạy trước bàn thờ ông bà của gia đình hai bên cha mẹ trong đêm giao thừa, giữa khói hương chào mừng năm mới; được ăn bánh chưng của bu làm, bánh tét do má gói.
Chúng con thăm hai anh Huy, Hoàng và kính chúc ba má/bố bu cùng hai anh nhiều sức khoẻ, vạn sự an lành.
Hai con bất hiếu của ba má/bố bu
Nguyễn Trọng Toàn – Trần Như Nguyệt
Nửa phần thư riêng trong thư gữi nhà Ba Lính, Toàn viết cho gia đình được vợ Tư Bắc Kỳ đọc lớn cho chồng nghe như sau:
“Bố bu thương yêu,
Con đang tiếp tục học Y khoa và nếu không có gì thay đổi thì con sẽ tốt nghiệp bác sĩ vào vài năm tới, đúng như ý nguyện của bố bu mong đợi. Con sẽ tìm cách đem ba và bố sang đây tháp chân, tay giả để không phải dùng nạng gỗ như xưa. Và riêng bu, con sẽ đem về cho bu một thứ mà bu cứ đòi con phải “làm tròn trách nhiệm” hoài, kiên nhẫn chờ nhé bu.
Con trai độc nhất của bố bu
Toàn
Nét hân hoan hiện rõ trên mặt vợ chồng Tư Bắc Kỳ, cái thằng thiệt hết chổ nói, chuyện thay chân giả đã viết rõ ràng, còn chuyện “làm tròn bổn phận” cũng bày đặt úp mở, tiên sư mầy, nhà bà sắp có thằng cháu ngụy quân rồi. Vợ Tư Bắc Kỳ cười tũm tĩm, từ bây giờ phải học quên danh từ ngụy mới được, quen miệng gọi dám mất cháu lắm không chừng Vợ chồng Tư Bắc Kỳ kẻ còn đang mơ chân giả, người tưởng tượng được bồng cháu trên tay mà quên nhìn vẻ hớn hở của vợ chồng Ba Lính sau khi đọc phần thư Huyền viết riêng cho họ trong thư gữi nhà Tư Bắc Kỳ, thư rằng:
“ Ba má thương kính,
Sau thời gian đầu khăn khó, học xong tiếng xứ người, vợ chồng con nay có thể gọi là tạm ổn định. Con đang làm phụ tá cho một phòng nha khoa tư nhân, lương hướng cũng khá hậu hỉ, nên ngoài tiền trợ cấp buổi đầu, chúng con dành dụm một ít tiền để đem về giúp ba má lo việc cưới vợ cho hai anh. Và nếu như má vẫn còn mơ ước có một đứa cháu để vui trong tuổi già thì khi được phép ba má cho trở về, con xin nhờ má tìm giúp giùm con một góc nhỏ trong nhà cho có chổ con để chiếc nôi thằng Chung, con trai đầu lòng của chúng con vừa tròn hai tháng tuổi.
Con kính chúc sức khoẻ ba mà và hai anh.
Con bất hiếu
Như Nguyệt
Ba Lính lấy bàn tay còn lại nắm tay Tư Bắc Kỳ, giọng thân thiết:
– Anh chắc đã đọc thư con Huyền viết cho tụi tui rồi phải không? Nó nói vợ chồng nó sẽ đem cho tụi tui thằng cháu Việt cộng – Ba Lính cười – đừng giận nhau nữa mấy cái danh từ quái quỹ nầy nghen anh. Mình nhớ mình là Việt Nam là đủ rồi, mẫu số chung của tất cả những người Việt mình mà.
Tư Bắc Kỳ hớn hở gật đầu, hai bà vợ mặt mày như hoa nở. Cái gút giận hờn, thù oán bao nhiêu năm bỗng chốc được tháo bung ra, họ nghe lòng nhẹ nhàng thư thái, chuyện dễ như trở bàn tay tại sao bấy lâu nay họ không chịu làm, lỗi tại con người ưa cố chấp hay tại thời thế khiến xui? Trả lời cách nào thì họ cũng đã thiệt thòi xa con hơn hai năm chờ đợi.
Chưa biết ngày nào “tụi nhỏ” về, phải lo đi gữi thư “đại xá” cho chúng nó trước cái đả. Nhưng kể từ hôm ấy xóm Ba Đình thôi không nghe tiếng bấc, tiếng chì của hai nhà Nam, Bắc đó nữa. Cái hàng rào cây chắn ngang hai nhà cũng được dẹp dọn với lý do cây mục gãy thôi bỏ luôn cho rồi, sông Gianh, sông Bến Hải không còn ngăn đôi đất nước thì sá gì cái hàng rào ngăn hai mãnh sân con. Thật ra, ngoài cái mẫu số chung Tổ Hùng Vương, mẹ Âu Cơ, họ còn chung rất nhiều thứ mà bấy lâu nay họ quên không nhận biết. Chẳng hạn bún riêu món ruột của vợ Tư Bắc Kỳ đâu phải chỉ cần rau muống mà còn nào bún tươi, giá sống, rau thơm, mắm ruốc, chanh, ớt cho đúng mùi vị nước riêu cua . Và bún mắm, món vừa tay của vợ Ba Lính cũng bún tươi, rau muống bào, giá sống, rau thơm, chanh, ớt đàng hoàng. Ngó qua ngó lại cái gốc rau muống hay giá sống đều là gốc cần phải có của đa số các món ăn thuần túy Việt. Còn hai ông chồng, Bắc hay Nam gì rượu đế cũng là thứ men cho hai ông uống vào để giả điếc không phải nghe tiếng mè nhèo của hai bà vợ huyên thuyên cả ngày không biết mõi miệng. Và cái bánh tét, bánh chưng nữa, gọi dị biệt theo thói quen của dân giá sống hay rau muống, gói ghém hình dạng có khác bao nhiêu thì cái ruột bên trong cũng là nếp, đậu, thịt, mở gói chặc vào nhau để cho người ăn biết đó là đặc sản cổ truyền ngày Tết của quê hương nước Việt.
Tết, Tết… có ai không nhớ dù Bắc hay Nam, dù đất nước chia cách hay chung cùng thì người Việt nào cũng biết ăn Tết đón xuân, về xum họp với gia đình chào mời năm mới. Tết là một trong những biểu hiệu của mẫu số chung, chỉ có ai phủ nhận mình là người Việt mới không biết ngày Tết cổ truyền do Tổ tiên ngàn xưa để lại.
Họ còn chung một thứ vô cùng quan trọng nữa, đó là máu xương của cái chân, cánh tay họ đã đổ xuống bồi đắp cho quê hương VN nầy, không phân biệt cho phần đầu hay đuôi của hình cong chữ S và thôi cũng không phân biệt nó đổ xuống vì lý tưởng thân Nga, Tàu hay Mỹ, Pháp của những người đại diện dân đã đẩy hai ông vào tình thế phải mang thân thương phế binh hôm nay. Cờ vàng ba sọc đỏ hay cờ đỏ ngôi sao vàng, cờ nào cũng hai màu vàng & đỏ, tượng trưng cho da vàng màu đỏ của con cháu vua Hùng. Ngày thương binh liệt sĩ sắp tới, mặc cho thiên hạ phân biệt ưu đãi bên nầy, miệt thị bên kia, Ba Lính và Tư Bắc Kỳ sẽ hãnh diện giữ phần còn lại của thân thể mình, đem nó gầy dựng niềm vui chung cho hai gia đình, chờ đứa cháu chung sẽ về trong những ngày tháng tới. Đứa cháu tiêu biểu cho tương lai một VN không hận thù, chia cách Ôi, cám ơn trời còn cho cuộc đời nầy có được tình yêu.
HUỲNH NGỌC NGA
Torino, ITALIA – 15.11.2015
Trước tết anh NQH đến nhà thăm chơi và rủ rê làm fan page của xunau. Vào đọc đúng là thấy có nhiều bài hay,đa dạng chẳng hạn như bài này. Muốn viết mấy lời cảm nhận nhưng thôi hết giờ được phép cấp quota vào mạng rồi. Dịp khác xin được vào đọc kỹ và giao lưu cùng tác giả vậy.
Chào Cô Láng Giềng,
Một người bạn mới, một thân tình mới, Bếp và bằng hữu Xứ Nẫu vui nhi2êu chào đón Cô Láng Giềng. Dù chaư được lời còm góp ý, nhưng đươợ sự ghé bước dừng chân của “Cô” Bếp cũng nghe hân haạh lắm rồi. Và Bếp chờ dịp khác như lời cô hứa, đnừg để Bếp hát “Cô Láng Giềng ơi, không biết cô có còn nhớ hay chăng” như lời của nhạc Đoàn Chuẩn đó nha.
Chúc “Cô” xuân mãi còn xuân.
Mình đọc bài này hai lần ,đọc cà nhắc đứt đoạn vì ngày tết lu xu bu quá. Nhưng phải nói đây là câu chuyện tuyệt vời. Tuyệt vời vì không phải nó mang tính văn chương siêu đẳng gì đó mà nó như một lời thủ thỉ ,nhẹ nhàng khuấy động một câu chuyện lớn hết sức lớn mà bao nhiêu năm rồi vẫn là một nan đề như một bạn nào đó đã nói. Thú thật mình không biết câu chuyện lớn này đi về đâu nhưng nếu ai cũng có chút hỉ xã như vậy cùng nhìn về một hướng như vậy thì biết đâu biết đâu … còn một chút tin yêu.
Đào Trí nói đúng, câu chuyện chung của quê hương chúng ta không biết rồi sẽ đi về đâu, càng nghĩ càng xốn xang gan ruột, nhưng đành phải chờ, chờ trời thương và chờ nguời Việt biết thương người việt nữa.
Những lời Đào Trí viết làm Bếp xúc động vô cùng, cám ơn sự chia sẻ lớn lao của bạn. Có người đồng cảm là hạnh phúc lớn cho người viết, bạn hiền à.
Chúc bạn và gia đình mọi vui khoẻ, vạn sự như ý nha.
Chị Huỳnh Ngọc Nga ơi đầu năm đọc bài ni thấy vừa buồn vừa nhẹ lòng. . Buồn vì sự việc như ri người xứ khác giải quyết gọn ơ còn mình thì cứ triền miên vô vọng. Còn vui và nhẹ lòng vì có những người như chị dù ở rất xa vẫn một lòng hoài vọng chuyện quê hương, chuyện nước non. Ngày xuân kính chúc chi và gia đình nhiều thật nhiều niềm vui.
T&T ơi, người Việt chân chính nào cũng mang tâm tư như bạn mà thôi, không hẳn riêng Bếp đâu, hảy tin như vậy như tin sẽ có ngày nghiệp căn oán thù tan biến cho con cháu đời sau của dân tộc Việt sống an vui hơn nghen T&T.
Chưa biết thịt kho, dưa giá nhà T&T có còn hay không, nhưng Bếp vẫn chúc bạn cùng gia đình một năm mới an lành, vạn sự như ý nghen.
Đầu năm hòa giải phải hông chị. Ước thì ước vậy nhưng không biết đến tận chừng mô? Thôi thì cứ chúc xuân chị đã.
Sự hòa giải là ước mơ của tất cả ngo2ui Việt trong mọi thời gian chứ đâu riêng gì đầu năm Vĩnh PR à, Hòa giải để ngoại bang không lợi dụng mình, không thấy mình “khôn nhà dại chợ”, nhất là giữa lúc nầy khi kẻ thù truyền kiếp ngoài biên cương phương Bắc luôn chực chờ để quấy rối lãnh thổ, xã hội mình từ quân sự đến kinh tế.
Thiệt tình, ở xứ người nên Bếp có đủ điều kiện để nghe và biết những tin tức làm Bếp lo lắng cho vận mệnh đất nước mình vô cùng, nếu chúng ta trong ngoài, Bắc Nam không đoàn kết thì tương lai VN mù mịt lắm Vinh PR ơi.
Cám ơn Vinh PR đã ghé và góp lời, mến chúc bạn cùng gia đình an lành, vui khoẻ nghen.
Ở ngút ngàn xa mà vẫn đau đáu chuyện quê hương ngàn dặm thật là xúc động.
Dâu Tây quá tử tế với Bếp nên nói vậy chứ những ai có lòng với quê hương thì dù trong hay ngoai, xa hay gần đất nước nầy củng luôn có VN trong tâm. Và noi theo Trần thị Hiếu Thảo đã nói thì những ai vì ở xa nên nghe nhớ nhiều hơn một chút mà thôi.
Cam ơn sự ưu ái của Dâu Tây, cho Bếp đáp tạ bằng lời chúc an lành, vạn sự như ý nghen.
Rồi đời mình cũng qua. Nhưng biết chờ đến bao lâu hè ?
Bao kâu không biết nhưng có thể phải đợi lớp sóng cũ tan vào nước Vàm Cỏ à. Con người mỗi thế hệ tính rộng rãi thì chừng trên dưới 100 năm, thế cuộc chỉ mới khoảng 40 năm thôi, có thể khi thời điễm tươi vui đó đến thì chúng ta không còn nữa, nhưng cứ chờ đợi, liên miên tạo hàn gắn trong hy vọng mà sống chú không lẽ buông trôi theo giòng? Bếp là người lạc quan nên Bếp tin rồi NGÀY sẽ tới. Vàm Cỏ cùng tin với Bếp không?
Tặng Vàm Cỏ lời chúc hy vọng năm Bính Thân vạn sự an lành trước để tạo niềm tin nè.
Chỉ có hai chữ độ lượng thôi sao mà khó thế trời ạ !
Thuyết nhà Phật khuyên một chữ “XÔ đồng nghĩa với độ lượng, gọn nhẹ như vậy nhưng oan nghiệt thì nặng lắm nên con người khó thực hành Minh Sơn à.
Cũng không trách được những ai còn nặng mang thù hận vì phải ở trong cảnh của những người đó mới biết tại sao. Tính mạng, người thân, tài sản, cải tạo, hải tặc, gian truân biển cả, lận đận xứ người..tất cả chỉ vì chênh lệch đối xử giữa anh em sau ngày tàn cuộc chiến đã tạo ra nặng nề oan nghiệt rẽ chia. Bếp không dám kêu nài những người đó quên mà chỉ ước mong họ giữ riêng giận hờn chứ đừng truyền lưu nghiệp chướng. Truyền yêu thương chứ đừng lưu thù hận, lũ trẻ chúng là trang giấy trắng, vấy mực lên màu trắng tội chúng lắm.
Những ai có lòng chỉ còn biết chấp tay cầu nguyện và đem thiện chí của mình ra làm keo hànn gắn lại những vết thương đau hầu mong người Việt không có quá nhiều tử số của một mẫu số chung để ngoại bang không thể dựa vào đó mà lợi dung làm ngư ông đắc lợi trên quê hương, dân tộc Việt mình.
Mộc đồng ý với Bếp những tâm ý nầy không?
Chào Nga Tỷ, lâu quá mới gặp lại Tỷ, đệ vui lắm: chúc “Hầu xuân, Thân bất thất Thân”(cừ)…
Phải chăng, Nước Việt tự nghìn xưa cũng đã “Chung Cùng Mẫu Số”-Mẹ Việt Nam; “bào thai trăm trứng” cũng từng qua ngã ”Hợp Hôn”, như Lạc Long Quân-Âu Cơ(Hồng Bàng-Văn Lang) , Trọng Thủy-Mỹ Châu(Nam Việt-Âu Lạc);bao mối “lương duyên” hay “kỳ duyên”vẫn tiếp nối xanh dòng sử Việt, mở rộng cõi về Phương Nam: nào Huyền Trân công chúa-Chế Mân; Ngọc Khoa-Porome(Đại Việt-Champa), Ngọc Vạn-Chey Chetta II thời Chúa Nguyễn(Chân Lạp)… cái cầu nối hôn nhân đã góp phần tạo nên giang san giống Rồng chữ S,xanh xuyên suốt dãyTrường Sơn bốn mùa lộng gió Biển Đông…?
qua cuộc sống cộng sinh, mâu thuẩn tiềm ẩn, cái “Kỳ” trên lưng con Rồng nẩy vảy đủ sắc(Bắc-Trung-Nam) mưa-nắng biến đổi màu là “tự nó” vướng mắc, phát sinh…(?)
đất nước lâm nguy, thì chung vai gánh vác
lúc nhà yên bình, thì hai nửa thích… sống riêng…
“Hợp” mà thiếu… “Hôn” nên nòi tình đâm lạnh
nghĩa yêu thương cũng từ đấy… tuột phanh(?)
-“Chung Cùng Mẫu Số” của Nga Tỷ, chính là nổi trăn trở, bức thiết, là lời “tự vấn” đè nặng trong lòng mỗi người dân Việt; “Chung Cùng Mẫu Số” cũng là một, trong những lời “Giải” yêu thương, kết nối xóa bỏ mọi ranh giới, định kiến khác biệt(hay dị biệt), đau thương tồn đọng…
vậy, độ lượng mà xả lòng, “người chung một nước hãy thương nhau cùng”lấy từ ái-vị tha đối đãi chân thành, thì tiếng cười hạnh phúc sẽ vang khắp nơi nơi…
*Năm mới-Ra giêng, chúc Tỷ-Huynh và gia đình sức khỏe-an lành nhiều niềm vui Như Ý!
(À, năm qua ba má đệ mất… đệ buồn quá, nên không tiện ghé xunau Tỷ ơi; nay xuân về, lòng đệ đã nguôi ngoai…)
“Rua” Thơ đệ,
Chiều tối qua ngu tỷ đã hồi còm cho đệ khá dài nhưng chưa kịp gởi đi thì rớt internet nên mtấ hết công tỷ ngồi gõ, bây giờ “tái gõ” cho đệ đây.
Ngu tỷ rất vui khi thấy sau một thời gian dài “ẩn dật” quạt đất cho xanh cỏ mồ của song thân, lam tròn đạo hiếu, hiền đệ đã “tái xuất giang hồ” họp mặt cùng bạn bè xứ nẫu múa bút tung chiêu, chưỡng cho vui xuân đầu năm mới.
Tỷ cám ơn đệ ưu ái chăm chút dẫn chứng lịch sữ góp ý góp lời cho cái mẫu số chung của dân tộc Việt mình, một dân tộc mà oan khiên chia rẽ cứ tiếp nối qua từng trang sữ viết. Với tấm lòng và hoài vọng chúng ta chỉ biết nắm níu vào hy vọng ở tương lai để bước tơí mà thôi.
Ngu tỷ cũng cám ơn lời chúc lành của hiền đệ và xin đáp lại “y chang” như vậy cho Thơ đệ cùng gia đình nghen.
Trong đời sống thì không có sự phân biệt nhưng trên cao thật cao thì khó . Sao vậy ta ?
Mộc có thấy là cỏ dại một màu xanh, một bề dầy dễ hoà đồng không phân biệt không? Nhưng một cây cao thường đứng chơ vơ thách đố tầm cao cùng những cây cao khác, và thường có khoảng cách cùng các cây cao khác vì bề rộng của rễ, tàn, nhánh của nó. Cây nào cao nhất được coi là cao…cả (Cả là lớn nhất như kiểu anh Cả, chị Cả chứ không phải là tất cả nghen), hi hi…khó hoà đồng như cỏ dại lắm Mộc ơi.
Bếp giải lý…ruồi, không hiểu có đúng lắm hay không, bạn đừng cười Bếp nghen.
Hôm nay còn “mùng”, Bếp chúc Mộc năm mới an lành, hạnh phúc nha.
Chị Nga lớn “hầu xuân” đẹp quá! Chắc hồi còn như “Nga nhỏ” chị Ngọc Nga đẹp và dễ thương.. lắm lắm hỉ hihi! Xuân mới đẹp mới và có nhiều niềm vui, hy vọng mới chị nhé. Thân quý!
Sent from… Đang vui xuân, có gì.. xin chị thông cảm và bỏ qua. Cảm ơn chị Hai nhiều.
Ha ha, hi hi…đầu năm bà già 67 tuổi được thêm người kêu chị Hai và còn cho uống nước đưòng thốt nốt ngọt ngào nữa chứ. Vậy là số đệ, muội trên xứ nẫu của Bếp gia tăng rồi đó.
Sẳn dịp nói để tân hiền đệ biết thêm cái thời xa xừa của ngu tỷ. Trong nhà bị má tỷ nói là mặt mày sáng sủa mà vô duyên, phải ngâm ngâm bánh mật mới mặn mòi duyên dáng.
Vô sở làm bị bạn bè đặt biệt danh là cái “bình cổ” cổ lổ xĩ chỉ để chưng viện bảo tàng chứ không ai dám rớ vì…dữ và bảo thủ quá, như vậy có nghĩa là ngu tỷ không dễ thương như hiền đệ tưởng đâu nghen. Bởi thế, ly nước đường hiền đệ trao, ngu tỷ thích chí nhận…càng uống cho vui những ngày đầu năm mớ, còn sự thật thì không như…mơ đâu đệ Rong Biển ơi.
Thấy Rong Biển vui nên Bếp cũng phụ họa theo cho đẹp lòng bè bạn, chị em mình đùa trong khuôn khổ giới hạn của tinh thần người được mẹ cha cho đi học, chẳng có gì để phiền nhau cả, hảo hiền đệ à.
Để chứng tỏ lời Bếp nói, xin chúc Rong Biển cùng cả nhà một năm Bính Thân “chí chóe” tiếng cười vui, hạnh phúc và vạn sự như ý nghen.
Đã kêu một tiếng Chị Hai thì chắc không tiếc tiếng “Chị Ba, Chị Tư”, phải không Rong Biển?
Hi hi..dì Tư ơi, coi chừng cậu Rong Biển dám lớn hơn dì và di Ba nó đó nghen. Cái xóm Nẫu của Sáu Nẫu coi vậy mà cư dân đa số đều muối tiêu trộn đều trên mái tóc đó. Hôm nào chị em mình từ tỷ, muội, huynh, đệ làm danh sách tuổi tác để sắp theo thứ tự mà cúng ông địa, ông thần tài để phân ngôi thứ cho dễ kêu đi nghen.
Thêm út (1) Hoàng nữa nha chị Ba, chị Tư. Rất cảm ơn chị Ba đã có nhã ý tốt. Dạ, RB rất hân hạnh ạ.
Tỷ Hai quơi, RB tuổi mới chỉ khoảng như President Obama hà, tóc của ông mới đúng là muối tiêu đó chị, cũng chỉ vì cả lo cho dân cho nước..; mà đúng thật, hầu như Ông Tổng thống nào của nước Mỹ cũng vậy, mãn xong hết 2 nhiệm kỳ 8 năm là thấy ông nào ông nấy, tóc đều bạc “trắng phơ” như nhau một cách.. “ĐẸP mắt” trông thật dễ thương, dễ mến…! Còn như tóc của đệ mới có “sương sương” hè heheh.
Xuân mới, thật đẹp vui và hạnh phúc nhé quý hiền tỷ. Thân chào!
( “quý hiền tỷ”… chắc không dám nhận đệ ơi. Không hiền đâu, cũng không được quý chi cho lắm đâu đệ ơi)
Rong đệ,
Tỷ rất mừng nhà có thêm đệ. Mừng nhứt là đệ không chấp nhứt, hạp rơ “vô trước làm lớn vô sau làm nhỏ” (trời, sao giống vợ lớn vợ bé quá). Đệ phóng khoáng xưng đệ dễ ợt vậy gọn, khỏi mắc công bàn bạc chia ngôi thứ. Có điều út Hoàng sẽ vĩnh viễn là Út, vì chữ Út Hoàng rất dễ thương trong lòng các chị, không ai muốn thay đổi hết.
Tỷ mừng chính thức có đệ, kẻo nhà mình âm thịnh dương suy, khi ngó tới ngó lui chỉ có mấy bà già. Mong Đệ đem vô nhà luồng gió mới, giúp mấy bà chị nầy được tươi tỉnh lên.
Chị nói lén cho một mình đệ nghe thôi: Tuy phải chịu khó là đệ của mấy tỷ, nhưng đệ sẽ được an ủi là sắp lên chức Ông Ngoại (ăn ké với chị Hai). Đệ muốn biết rõ hơn thì phỏng vấn chị Hai, tỷ không dám nói hơn nửa đâu, sợ mang tiếng nhiều chuyện…
Hân hoan chào đón đệ vô nhà.
chị tư
Trời đất, nhỏ Linh dì Tư nầy xa xứ lâu quá nên nói trật lất tùm lum. Lên chức ông Cậu chứ sao ông ngoại, sửa lại đi để em út nó cười. Chuyện lên chức phải dời lại rồi vì đứa cháu chờ đợi chưa kịp tượng hình đã rũ áo ra đi cho mọi người mừng hụt. Chị không báo tin cho dì vì đầu năm không thích tung tin kém vui. Chuyện bình thường thôi, còn gà trống, gà mái thì gà con sẽ ra đời mà. Yên chí đi.
Trong gia đình xứ nẫu nầy, chúng ta bày chuyện tỷ, muội, huynh, đệ để ỏm tỏi vui làng vui xóm chứ thật sự tất cả đều là “huynh đệ chi…văn”. Út Hoàng đúng như dì Tư nói, tuy “lặn” lâu quá (chắc đi bắt ba khía chưa dìa) nhưng muôn thuở vẫn là Út và được các” anh, chị”nhớ đến luôn. Còn Út Quỷnh sao lâu quá không thấy tăm hơi,chắc vác ba lô đi phiêu bồng để về viết phóng sự rồi.
Tiếp tục vui chơi tròn tháng Tết nghen chư muội, đệ.
Tại em quen nói theo nhà em.
Trong nhà em, Dì Năm của Má em là Bà Ngoại Năm của em. Chỉ khác bà Ngoại là thêm vào con số (thứ mấy) thôi, chớ được con cháu thật lòng coi như Bà Ngoại ruột của mình đó chị.
Rất nhân văn chị ơi.
Cám ơn Gềnh Ráng, những lời ngắn gọn của bạn là món quà Xuân quý giá cho Bếp biết con đường mình phải tiếp tục bưóc đi.
Gềnh Ráng và gia đình an vui, hạnh phúc trong 365 ngày mới trước mặt nghen.
Ước vọng đầu xuân đẹp, rất đẹp. Ai là người yêu quê hương cũng đều mong điều ấy sẽ thành sự thật phải không chị Huỳnh Ngọc Nga ?
Khungcuahep là đờng minh với Bếp trong ý nghĩ trên rồi đó. Chúa nói “Cứ gõ, cửa sẽ mở”. Phật dạy ” Vạn sự do Tâm”. Vậy chúng ta “cứ chờ, sẽ đến ngày đó ” thôi vì là người Việt ai lại không mong ngày vui hoà hợp, phải không KCH?
Tặng bạn trọn con khỉ Bính Thân dễ thương an lành, hiền hậu nha.
Có lẽ đó là một nan đề nan giải chị Nga ơi !
Sách nhà Phật có nói “Vạn sự do Tâm”, nan giải hay không là do người dân mình muốn vui hay buồn thôi Coccoc à, Bếp nghĩ vậy và tin chắc Coccoc cũng đồng cảm như thề?
Tháng giêng chưa qua, chắc chưa muộn lắm để Bếp gữi bạn cùng gia đình lời chúc 365 ngày an lành, hạnh phúc há?
40 năm là quá đủ. Buồn. Kính chúc chị năm mới nhiều niềm vui.
Cám ơn Hoa Dien Vy đã ghé và chia sẻ.
40 năm chưa đủ để sang trang sử phân chia đâu HDV ơi, phải đợi thế hệ già của thời chiến tranh xưa “đi” hết và đám trẻ sau nầy lớn lên làm lại từ đầu họa hoằn ra có thể đẩy lùi quá khứ như chúng ta đã đẩy lùi thời Thập Nhị Sứ Quân, thời Nam Bắc triều Trịnh Nguyễn, thời Tây Sơn – Gia Long..
.Nói cho vui, tất cả tại Tổ phụ Tổ mẫu của mình “bày đặt” chia đôi “biển – núi”, ly dị nhau từ thuở hồng hoang nên con cháu mới “noi gương” mà phân rẽ hoài như vậy.
Thôi, đừng buồn nữa, nhút là những ngày tháng đầu năm, cứ coi đó là chuyện bình thường thế sự và..từ từ mọi sự sẽ được san bằng. Liều thuốc hy vọng đôi khi cũng giúp chúng ta sống vui mà…chờ đấy hiền hữu à.
Vui nghen, đầu năm hổng được nói chữ Buồn.
Chúc hiền hữu cùng gia đình năm mới vạn an.
Em ước ao sao ước vọng của chị sẽ trở thành sự thật.
Xuân Thi dễ thương quá, chị em mình và mọi người cùng chấp tay cầu nguyện cho ước vọng yêu thương về giữa lòng dân tộc thì thế nào trời cũng động lòng và cho có ngày ước mớ đo thành sự thật mà, chỉ sợ là hơi lâu và lúc đó tụi mình không biết có còn để ăn mừng không đây.
Giữ giùm chị riêng cho cưng một năm Bính Thân an lành, hạnh phúc nghen Xuân Thi.
Cũng lạ. Chiến tranh nam bắc Mỹ rất khốc liệt. Nhưng hết tiếng súng thì …xong. Còn chúng ta sao nghiệt ngã quá.
Xin phép được góp chuyện ở một góc cạnh khác:
Người dân Danmark có một tánh rất hay má chúng tôi rán học, dù không biết có học nổi hay không, đó là có tranh luận, dù gay gắt, nhưng sau đó là hết. Không ai để bụng chuyện của ngày hôm qua. Không vì tranh luận mà cảm thấy tự ái bị tổn thương và “ghi để đó” mà ngầm coi đối phương như “địch” chớ không phải “bạn”.
Cưng gặp bến nước trong rồi đó Linh.
Thực ra, nội chiến Mỹ cũng không dễ…xong sau ngày tàn binh lữa đâu Ng,Hữu Hà ơi, vì cứ nhìn Abraham Lincoln bị ám sát, và hơn 200 năm sau mới có một người miền nam là ông Carter đắc cử Tổng Thống thì biết là dân họ cũng không dễ nguôi ngoai gì cho lắm, hình như sự kỳ thị chủng tộc đến giờ cũng chưa dứt hẳn. Cái tính con người là vậy,luôn để cái TÔI đi đầu nên chiến tranh, hận thù luôn có chổ đứng trong thế gian nầy, bạn có nghĩ vậy không?
Ng.H.Hà chờ 365 ngày mới an lành, vạn sự như ý sẽ đến nghen.
Chúc chị và gia đình một mùa xuân an lạc.
Cám ơn LinhHoang đã ghé và tặng lời chúc đầu xuân.
Bánh sáp đi, bánh quy lại, cho Bếp gữi LinhHoang một năm Bính Thân vạn sự an lành, hạnh phúc nghen.
Hệ Lụy chiến tranh trước và sau 75 rất là tàn khốc. Tuy nhiên nhân bản con người vẫn còn đó….Và cái gì cũng trải nghiệm bỡi thời gian để xác định…Một bài viết đề cập rất nhiều những tư tưởng xung đột, mâu thuẫn chồng chéo nhưng tác giả đã có giải quyết riêng vẫn họp lý…
THích đoạn này trích đây
.Chẳng hạn như Toàn thấy cô con gái “ngụy quân” rất ư duyên dáng, xốc vác, lanh lẹ và chẳng phù phiếm chút nào; cô không son phấn mà má vẫn hồng, môi vẫn đỏ; việc gì giao cho cô làm cô cũng nhanh chóng hoàn thành xuất sắc; cô đoan trang không ồn ào như đa số mấy cô khác trong Đoàn, biết thì thưa thì thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Toàn thích tiếng “dạ” ngọt như đường cát, mát như đường phèn của cô nàng mỗi khi mở đầu một câu nói làm sao. Nếu phải cho điễm kết nạp làm…”bồ” để sau nầy chuyển thành vợ thì Toàn cho cô “Ngụy” nầy tối đa mười trên mười.
Vì mình cũng “con Ngụy đây” he he
Chúc chi vui…
Chào cô em “Ngụy”,
Cuộc sống con người là một trường xung đột giữa cái Tôi to lớn của mỗi con người, mỗi phe phái. Bởi vậy chiến tranh nóng/lạnh luôn hiện hữu để làm khổ chính con người. Nhưng hảy nghĩ đó là sự thường thôi vì chúng ta đang ở địa cầu chứ không phải ở thiên đường Thảo ơi.
Cưng ăn tết vui không? Chị cám ơn cưng những gì cưng làm cho chị trên fcb nghen. Thiệt tình chị dốt ỡ môi trường đó lắm, lâu lâu rãnh nhảy vào thăm tin tức bè bạn mà thôi.
365 ngày an lành, vạn sự như ý, sáng tác dài dài nghen Thảo.
Ước vọng là vậy nhưng thực tế thì rất buồn. Nhưng mùa xuân chúng ta cùng ước vọng như thế chị nhỉ !
Bên Ý người ta có câu “Hy vọng là kẻ gục chết cuối cùng”, có nghĩa là chúng ta cứ tiếp tục hy vọng Vhọc ơi, hết hy vọng đop72i mình thì con cháu đời sau sẽ tiếp tục hy vọng để có ngày ước mơ biến thành hiện thực. Dù có buồn nhưng Bếp không trách người mà chỉ trách những Ngài thay mặt dân của hai bên đã tạo ra tình cảnh đáng buồn hôm nay thôi.
VHọc và gia đình ăn tết vui không? Chúc một năm an lành, vạn sự nh ý nghen.
Rất hoan hô quan điểm Nam Bắc một nhà của chị Hai.
Ngày xưa, người Pháp cố gây chia rẽ Nam-Trung-Bắc trong lòng dân mình để họ dễ trị. Đã mấy chục năm rồi, không lẽ mình cứ bị họ tiếp tục chi phối, chia rẽ hoài sao.
Anh em trong một nhà biết đùm bọc nhau, dẫn nhau đi lên, mà người chung một nước sao lại không nắm tay nhau, cùng chung lòng dốc sức xây dựng cho tương lai con, cháu của chúng ta.
Em nhiệt liệt ủng hộ chị Hai.
Chị cám ơn dì Tư nó luôn làm hậu thuẩn vững chắc cho chị nhưng trăm người ngàn ý, khó được sự đồng điệu với chung quanh lắm Linh à. Chẳng hạn chị đã bị từ chối phổ biến bài viết nầy chỉ vì “nó” không theo chiều hướng “tranh đấu” chống bên nầy, bên kia. May còn Sáu Nẫu đứng mũi chịu sào cho đăng lên xứ nẫu nầy. Cám ơn cậu nhiều nghen Hiển.
Linh à, theo chị nghĩ , đừng trách người Pháp cố tình chia rẽ dân mình, họ làm theo sự tự nhiên của thành phần thống trị xăm lăng thôi cưng à. “Tiên trách ngã, hâu trách nhân” đi dì Tư . Dân mình thường tự hào là biết thương yêu, đùm bọc, đoàn kết, mình chia rẽ là tại mình không thương nhau đó thôi và để khỏi mắc công bàn luận dong dài mình cứ đổ thừa tại…số cho đẹp cả ba miền Nam, Trung, Bắc đi cưng. Nếu mình biết đùm bọc lẫn nhau thì ai chia, ai cách cũng chẳng tách được ba miền đâu nhỏ ơi.
Phải có tấm lòng thật rộng mở mới vượt qua được khoảng cách nghiệt ngả trong lòng người . Bài viết giản dị xúc động.
Tấm lòng thì chắc ai cũng có nhưng mỗi người có một kiểu khác. Trong chuyen quê hương mình, chúng ta cũng không trách được những người đã mất mát bao nhiêu thứ để còn đến ngày nay Lê văn Hiền à. Chỉ cầu mong mọi việc theo gian mà phai nhạt để các thế hệ vô tội vạ sau nầy sống bình an, không thù hận giữa anh em một nhà với nhau .
Lời khích lệ của bạn là món qua đầu xuân đối với Bếp đó nghen. Cám ơn nhiều và chúc bạn cùng gia đình một năm vạn sự an lành.
Bắc-Nam hai tử số riêng Chung cùng mẫu số Tổ Tiên-RồngTiên !Việt Nam ví thành Số Nguyên Ví von hay thiệt Chuyện Tình Nguyệt Toàn?-Từ đây thêm Tay thêm Chân Chung Nhà thêm Cháu bình yên hai Nhà?Chẳng còn khẩu chiến kêu ca”Rau muống-giá sống ẩu đả tưng bừng?”Đọc bghe vui-Văn dí dỏm-Rất thực tế đầy sống động..Tuyệt vời!
Bếp rất dốt toán nên thấy cái gì có thể bỏ Toán vào thì Bếp bỏ vô liền đẻ …loè thiên hạ rằng mình cũng ..một cây Toaá xanh dờn đó aitrinhngoctran ơi.
aitrinhngoctran lúc nào cũng là “bà tiên” hiền dịu cho những người viết trên trang xứ nẫu này. Năm mới chúc nhau gì đây để tạ lòng người tử tế? Chúc “nàng” một năm hạnh phúc, thanh an, tình tiền đây đủ, vạn sự như ý nghen.
Người xa xứ mà rất rộng lòng còn người trong xứ đôi khi còn…..Kính chúc chị một năm mới an khang thịnh vượng,mọi điều đều may mắn.
Chúng ta sinh ra trong một quốc gia mà giáo lý đạo Phật hầu như là cơ bản trong cuộc sống, sự buông xã là gốc của tình người Việt mà Người Nhơn Lý. Cứ khư khư ôm gốc hận thù chỉ làm khô chính bản thân ta trước mà thôi, Không thể lấy oán trả oán để chất chồng oan nghiệt mãi, Bếp nghĩ vậy, chẳng ai cười khi anh em một nhà nhường nhịn, tha thứ lẫn nhau.
Bếp cám ơn lơi chúc lành của bạn và xin gữi lại bạn 365 ngày bình an, hạnh phúc.
Giá như ai cũng có cái nhìn như tác giả thì chúng ta đâu phải khổ sở như bây giờ.
Ngày xưa khi Trịnh Nguyễn phân tranh hay lúc hai triều Tây Sơn – Nguyễn ùm xèo cấu xé nhau, khi tàn cơn binh biến phải đợi đến đời thế hệ hậu duệ cháu con mới hoà đồng lại với nhau Đăng Hưng à.
Chúng ta bây giờ chắc cũng phải chờ đám con cháu sau nầy gây dựng lại tinh thần thống nhất quê hương thôi.
A, khi Đăng Hưng hỏi câu hỏi trên tức là Bếp đã có đồng minh rồi đó. Cám ơn nha.
Cùng chung một dòng máu mà. Thôi thì cùng nhau đại xá cho nhau.
Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Người Việt không thương người Việt thì ai thương ta đây?
Kẻ thù bên kia biên giới phương bắc cũng như những ngoại nhân khác chỉ chực chờ mình xâu xé nhau để làm ngư ông đắc lợi, bài học qua mấy ngàn năm lịch sữ làm sao chúng ta quên được, phải không Thanh Hùng?
Xin lỗi Thanh Hùng và Đăng Hưng vì Bếp viết còm trong cơn buồn ngủ nên quên chúc mừng năm mới cho các bạn rồi. Vậy xin chúc muộn các bạn cùng gia đình 365 ngày an lành, vạn sự như ý nghen.