Vũ Đình Huy
.
… Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em…… Anh đi tìm mùa Xuân trên đời…… Mùa Đông chết đi…rồi mùa Xuân…… Mắt em đẹp trời sao…cho mình thương nhớ nhau…..
Tôi ngoái lại. Người đàn ông mái tóc hoa râm, ăn mặc lịch sự, tay ôm đàn Guitar lững thững bước vào .Tiếng hát của anh lọt thỏm giữa bóng chiều, giữa những tiếng la hét xô bồ của một quán nhậu ngoài trời. Có lẽ đã quen thuộc, một vaì cánh tay đưa lên vẫy, người đàn ông khẽ gật đầu thong thả bước đến.
Tôi yêu nhạc Từ công Phụng từ thủa còn đi học. Có những bài hát dường như là định mệnh, gắn chặt với những kỷ niệm, gắn chặt với những khúc quanh đời mình. Những ca khúc đó ngẫu nhiên bước vào đời ta lừng lững như những chứng nhân. Có những lúc bài hát ngân lên như từ cõi xa xôi nào, lòng lại chùng xuống giữa vô vàn kỷ niệm. Trong vũng lầy thực tại, trong một mùa Thu đầy ắp những hoài niệm, những giây phút này vô cùng quý giá. Con tim sân si ta chợt giũ bỏ bất ngờ.
Lần đầu tiên tôi nghe ca khúc’’ Bây giờ tháng mấy’’ là từ… bố tôi. Ông lẩm nhẩm hát rồi khen bài hát lãng mạn và sang trọng, ông khen Từ công Phụng tuổi trẻ tài hoa. Tôi bắt đầu để ý đến Từ công Phụng và mang theo đời mình những Ca khúc của ông như một định mệnh. Vào năm mười bảy tuổi, trong một lúc bốc đồng tôi làm đơn tình nguyện đi học khóa Sĩ quan Thủ đức. Tôi và bố tôi giống nhau như đúc nhưng lại xung khắc. Cuộc đời của ông trước năm 1975 may mắn và thành đạt, quẩn quanh đời ông bao nhiêu là bóng hồng. Chính vì thế ông đã làm khổ mẹ tôi, đó cũng là lý do tôi ôm tuổi mười bảy của mình bước vào cuộc chiến.Vào đêm cuối cùng rời xa Qui nhơn tôi mời một số bạn bè. Đêm đó, lần đầu tiên tôi nâng ly, biết thế nào là say và ôm đàn hát bài ‘’ Bây giờ tháng mấy’’ như một chọn lựa ngẫu nhiên cho lời từ biệt tuổi mười bảy, để bước vào khúc quanh bất trắc đầu tiên của đời mình.
… Mai đây…anh đưa em đi về, mưa giăng chiều nắng tàn…
…Cho buốt lạnh chúng mình….
Em ơi…Thôi đừng hờn anh nữa…nhìn nhau buồn vời vợi…
… Để mùa Đông buốt giá…bờ vai mềm…
Năm 1978. Tôi mãn hạn Thanh niên xung phong về nhà với di chứng sốt rét. Tôi cao một mét tám mươi nhưng ốm và xanh mét cân nặng chừng sáu mươi ký. Năm đầu tiên về nhà tôi chẵng làm được gì, chỉ ra vào bệnh viện. Vào một đêm đang vật vã với cơn sốt, tôi loáng thoáng nghe tiếng Guitar và lời bài hát ‘’ Trên ngọn tình sầu’’ của Từ công Phụng phổ thơ Du tử Lê. Tôi quấn mền, run rẩy lấy gói thuốc lá đi ra phía hành lang. Ở đó, tôi gặp người thanh niên nằm cùng phòng. Anh ngồi cúi đầu, mái tóc dài phủ xuống khuôn mặt xanh tái gầy guộc,. Anh ngước lên nhìn tôi rồi quay đầu tiếp tục hát. Tôi châm điếu thuốc lặng lẽ ngồi xuống. Anh gật đầu chào tôi và hát lại bài’’ Trên ngọn tình sầu’’ như một đón nhận người bạn từ trên trời rơi xuống. Đêm đó, dưới bóng khuya chập chờn chúng tôi hát cho nhau nghe những ca khúc Từ công Phụng. Cơn sốt rét lặng dần. Mãi đến khi tiếng chổi của những người Công nhân vệ sinh xào xạc trên đường, chúng tôi mới đứng dậy. Rất bất ngờ, anh hỏi tôi.
– Ông có nhớ từ cuối của bài hát’’ Trên ngọn tình sầu’’ không… Quen hay là quên.
‘’Con sóng nào vỗ mãi một âm… quen’’. Quen hay là quên. Từ nào cũng hay. Mà tôi cũng chẵng nhớ.
Tôi nhìn anh mỉm cười, không trả lời.
Hai ngày sau người bạn của tôi mất. Anh ra đi quá bất ngờ, người ta đặt thi thể của anh lên xe, đẩy đi. Chúng tôi chỉ hát với nhau hai lần, vẫn chưa kịp hỏi tên nhau, làm gì và ở đâu. Anh nằm ở dãy đầu, tôi nằm ở dãy cuối. Đêm sau cùng khi đèn phòng bệnh viện tắt.Tôi vẫn còn nhớ như in, anh cầm chiếc Guitar đi ngang qua tôi mỉm nụ cười rủ rê buồn bã … Bây giờ tất cả đã không còn, trên chiếc giường nằm của anh chỉ còn lại cây Guitar. Tôi ngồi xuống ôm chiếc đàn, trên đó vẫn còn sợi dây đàn đứt tôi vừa nối lại bằng tay đêm qua.
… Hạnh phúc tôi….hạnh phúc tôi…từ những ngày con nước về…
… Ngoài trời mưa mau…ngoài trời mưa mau…tay vuốt mặt khôn cùng…
… Bầy sẻ cũ hom hem….chiều mái ngói rêu phong…
….Em ở đâu bờ sông còn ẩm cát….
Con sóng nào ..vỗ mãi một âm….
Năm1980. Tôi gặp người con gái của đời mình.
Vào thời gian này, tôi loay hoay tìm cho mình một chuyến đi. Một vài cuộc tình đến đi đều dừng lại ở giới hạn nhẹ nhàng, hờn dỗi. Tôi đã nhắm mắt bước qua tất cả để tìm cơ hội thực hiện ước vọng của mình. Thế mà em lại đến… đến từ một cơn mưa.
Đó là một cơn mưa cuối ngày dạt tôi vào hành lang Nhà hát Quang Trung Qui nhơn. Cơn mưa dai dẵng và rả rích như nỗi buồn thiếu phụ. Bên trong Nhà hát, chương trình biễu diễn đã bắt đầu. Không biết làm gì tôi mua cho mình chiếc vé muộn, bước vào. Một bóng người đứng dậy đi ra, tôi dọ dẫm bước vào và…ngồi xuống bên em như một định mệnh.
Sau này em kể lại, buổi chiều hôm đó em đưa một người bạn thân đi xa , một chuyến đi hợp pháp của những người Việt gốc Hoa . Gia đình em cũng đã chuẩn bị cho chuyến đi này vào cuối năm. Trong tâm trạng mất mát, em lang thang một mình và khi đi ngang qua Nhà hát, em mua vội chiếc vé vào chôn dấu những giọt nước mắt của mình.
Với tôi, , giọt nước mắt phụ nữ bao giờ cũng đẹp, đẹp đến rệu rã lòng mình. Có bao nhiêu người con gái đã khóc trong đời tôi. Và em… em đã khóc bao nhiêu lần…
Ngày hai đứa quyết định nắm tay nhau, em đã khóc. Khóc vì hạnh phúc hay vì một dự cảm mong manh về những ngày tháng tới. Trong giây phút đó tôi chỉ thấy một điều. Em. Người con gái của đời tôi, và tôi sẽ từ bỏ tất cả cũng như không bao giờ ân hận về điều này.
…..Một mai khi xa nhau….người cho tôi tạ lỗi…
….Dù kiếp sống đã rêu phong rồi…giọt nước mắt xót xa…
….nhỏ xuống trái tim khô….một đời tôi tê tái……
….Lắng nghe muôn cung sầu hắt…xuống đời…
….Một đời tôi lang thang, một đời em mưa mau…
…..yêu nhau một đời….xa nhau một đời…lệ này em nhỏ xuống… hồn tôi.
‘’giọt lệ cho nghìn sau. Từ công Phụng’’.
oOo oOo oOo
Tôi nói vài lời rồi kín đáo nhét vào túi quần người đàn ông hai tờ giấy bạc. Anh ôm đàn cúi đầu chào tôi, bước đi một khoảng anh móc túi quần ra xem lại. Ngần ngừ một thoáng, anh quay lại bàn chìa ra trước mặt tôi tờ giấy bạc trăm ngàn bạc phếch.
– Anh ơi…. anh thông cảm đổi dùm.
Hơi bất ngờ. Tôi nhìn lại… đúng là một tờ tiền giả…Bất chợt tôi bật cười. Cứ nghĩ ngày hôm nay mình có một buổi chiều tron vẹn. Trọn vẹn cho những ca khúc, cho trái tim mê muội mùa Thu.
Mà thôi…làm gì có sự trọn vẹn mà chờ. Muôn đời bến bờ vẫn như nét son môi nhan sắc ,thất thường, bội bạc và… quá một tầm tay.
Chắc tác giả cũng là một giọng hát hay ?
Nếu bạn không chê…
Lãng mạn quá.
Kỷ niệm bao giờ cũng long lanh. Phải không Huy Kim.
Đôi khi chỉ một bài hát cũng đã làm cho người sáng tác sống mãi với thời gian . Từ Công Phụng thuộc trường hợp ấy.
Chào Kim. Với tôi, những sáng tác củaTừ công Phụng không dừng ở một vài bài. Gần như bài nào cũng hay.
Mình cũng thích bài hát ấy vô cùng trời đất
Vô cùng trời đất hở…Mình cũng vậy Son Thanh ơi.
Vậy là chúng ta cùng hội Những người yêu thích nhạc Từ Công Phụng rồi anh Huy nhỉ.
Cho tui tham gia nghen
Chào Áo Lụa. Rất vui được làm quen với bạn.
Ok.Chào HimLam.
Vũ đình Huy viết văn xuôi cũng có nét lắm
Cám ơn bạn đã khuyến khích. Chào Do Nguyen
Chào anh Vũ Đình Huy,
Câu kết thật… quả đúng là: “Mà thôi… làm gì có sự trọn vẹn mà chờ. Muôn đời bến bờ vẫn như nét son môi nhan sắc, thất thường, bội bạc và… quá một tầm tay.”
Câu chuyện được kể lại rất hay, anh Vũ Đình Huy ạ. Đoạn anh nhắc đến kỷ niệm năm 1978 của anh và một người kém may mắn – người chơi guitar ca khúc “Trên ngọn tình sầu”… nghe buồn mênh mang! Không hiểu sao, đây cũng là một trong những ca khúc ưa thích của MMT về Từ Công Phụng (mà thường nhủ thầm, thi sĩ Du Tử Lê hẳn quá may mắn khi trong duyên thơ-nhạc, ông gặp được nhạc sĩ tài hoa Từ Công Phụng. Bài nữa là “Ơn em”).
Vì, đó cũng là một trong những ca khúc yêu thích nên có dạo MMT nghe liên tục hàng tháng trời, mỗi sáng. Trong một lần “đờn ca sáo thổi”, “trà dư tửu hậu” cùng anh em trong xóm, những người đồng sở thích – yêu nhạc nói chung và TCP nói riêng thì, câu hỏi có nhắc đến hôm đó cũng là “quên” hay “quen” (từ cuối của ca khúc nầy). Nhớ, lần đó, chính MMT hỏi mà đáp án chính xác là: “con sóng tình vỗ mãi một âm quên” (lời DTL trong “67, Khúc thêm cho Huyền Châu) và khi phổ nhạc, TCP sửa: “con sóng tình vỗ mãi một âm quen”. Trong bài hát, ông còn sửa “điêu ngoa” thành “kiêu sa”… thi vị hơn nhiều.
Chút chia sẻ, góp vui cùng anh và, “lại thêm một tín đồ nữa của Từ Công Phụng” – như anh “Thanh Hùng” có nói.
Vô tình Cho bạc giả! Nào cố tình mà trả?Người Nhận thiệt kỳ lạ!Khó quá cũng Kỳ đa!?Gặp mình Biết- Thật- Giả! Kệ-Nhận để dành Lạ !Cũng quí yêu lòng dạ Người Lạ dễ thương quá!?”Tháng mấy..”nghe nhớ quá! Một thời sôi nổi qua…Tim bỗng như nở hoa Thoáng chốc chợt xót xa!Tác động Nhạc vẫn là Cảm xúc từ trong ta ”Đa cảm đa sầu quá!”Khổ vương vấn tình xa..?
Chào Mộc miên Thảo. Nói về ca khúc” Trên ngọn tình sầu” của Từ công Phụng, mình cũng không thích từ”quen” cuối cùng của bài hát. Không hiểu tại sao. Cho dù ngàn năm con sóng vẫn vô tình và đó cũng có thể là một cảm giác bị lãng quên.
Lại thêm một tín đồ của Từ Công Phụng. Cũng phải thôi,âm nhạc của ông đã vượt qua khoảng cách thời gian,không gian và chắc sẽ sống bền lâu.
Chào aitrinhngoctran. Đó là sự cố xảy ra ngoài ý muốn. Hơi bất ngờ nhưng cũng đủ kết thúc cho một hoài niệm. Rất vui vì bạn đã com.
Chào Thanh hùng. Mình cũng rất yêu nhạc Từ công phụng, vậy là chúng ta có cùng sở thích. Rất vui.