Truyện ngắn của Nguyễn Trí
Xung đột của Liên – con dâu Tư Thu – với Phương tuy chỉ lời qua tiếng lại nhưng không nhỏ tí nào. Phương méc với Tư Thu rằng:
– Con dâu bà chửi tui, nó nhỏ mà hổn quá… mẹ… tui thề tui không thèm làm cho bà nữa.
Liên nói với má chồng:
– Bà Phương làm biếng lắm. Bả vô công trình mà đi hỏi bên Ba Lân có nhận người cho vợ chồng bả qua làm với, tui chỉ nói bà muốn đi làm chỗ khác thì cứ tự nhiên còn đang làm cho má tui bà không được bỏ chỗ mà đi như vậy? Bộ tui nói vậy không phải sao?
Tư Thu nạt con dâu:
– Đù má…. Câm cái họng mày lại. Ở đây tao chỉ huy hay mày? Mày cà chớn tao xáng bạt tai vô mặt à. Thằng Lâm đâu – Lâm là chồng Liên – mày là đồ gà mái, đồ sợ vợ. Con vợ mày tui tớ với tao mày nghe hông mậy? Bộ lò rèn hay sao mà tui với rèn?
Ây da… đúng là ngôn ngữ của xây dựng dầm nắng phơi gió có khác. Thông cảm nghe quý huynh đài. Dân tạm thời gác ruộng vườn, đóng cửa nhà, gửi con cái cho nội ngoại vì thất bát đi chu du kiếm miếng đỉnh chung nó vậy đó. Văng tục chửi thề, nói năng rổn rảng như chuông nhà thờ buổi sáng, thử hỏi ở trên tầng hai vọng xuống biểu nhân công câu lên cho mười cây sắt Pi 12 không la làm sao nghe? Mà la riết là lớn họng luôn. Vậy đó. Thông cảm chưa? Thông cảm rồi thì ta tiếp tục cái sự vụ xung đột nầy nghe.
Dưới trướng vợ chồng Tư Thu tổng cộng ba mươi mốt nhân mạng. Mười lăm là các cặp vợ chồng, lý ra chẳn ba chục nhưng vợ chồng Thuý Vồ dẫn theo thằng con trai mười sáu tuổi nên có cái lẻ một. Vợ chồng Thuý bảnh hạng nhứt. Chồng ngày trăm tám, vợ trăm ba, thằng con trăm sáu vị chi ngày vô túi bốn trăm bẩy mươi nghìn. Chưa kể tăng ca. Mỗi tháng ăn xài trả tiền thuê trọ xong Thuý sắm hai chỉ ngọt xớt. Ngó áo công nhân, mũ bảo hộ vậy chớ vàng đầy trong ruột tượng đó nghe. Ai nói tha phương cầu thực là xưa rồi, cầu vàng thì có. Mà cái cuộc đời nầy, đang đói rách mà có tiền dù đổ mồ hôi sôi nước mắt và dầm nắng phơi gió bao nhiêu, người ta vẫn nghe lòng phơi phới như thường. Phương cũng vậy, vợ chồng cô cũng vàng đeo đỏ cần cổ chớ giỡn à. Vậy mà giận chi vài ba câu của em cháu Phương ơi. Nhịn một tí có chết đâu mà thề với thốt.
Tư Thu tâm sự với chủ tiệm tạp hoá sát bên khu trọ, nơi mà tập đoàn lính tráng của Tư đang trú ngụ. Hiệu tạp hoá nầy lính của Tư thiếu chịu khi kỳ lương chưa đến. Sỡ dĩ phải thiếu là vì lính của Tư thực sự không tiền. Lương lĩnh xong họ thanh toán hết ba cái vặt vảnh ở quán tiệm là sắm vàng sạch bách. Sau đó thiếu lại. Không lý mua gói bột ngọt bảy ngàn, gói muối năm ngàn mà đi bán vàng sao? Tư Thu đứng ra bảo lãnh cho đám lính. Hai cứ bán, đứa nào xù là Tư Thu nầy trả cho em. Có vậy Hai Tạp Hoá mới ô kê, bằng không thì đừng có mà hòng. Bà mẹ… dân trọ bán thiếu là mất như chơi. Nửa đêm cuốn gói dông mất thì chịu sầu. Dân thường trú còn đưa cái mặt ra nói chi nhập cư. Nên chi ai được Tư Thu bảo lãnh thì Hai bán. Xưa nay phải có thóc thì người ta mới cho mượn gạo, Tư Thu thì khỏi chê cà ram nào đi. Chồng Tư chở vợ Thu trên e-lắc bốn mươi triệu một chiếc vô công trình. Xe chạy tốc độ của âm thanh ánh sáng mà Hai cũng không sợ xù hay chạy làng một tí ti nào. Chả là cái phòng trọ của thầu khoán Tư chứa tới bốn đứa cháu cả nội lẫn ngoại. Có thiếu cả tấn vàng Tư Thu cũng khó lọt, nói chi dăm ba đồng bạc lẽ. Trong ba mươi mốt nhân vật dưới trướng thì con cái dâu rể của Tư tổng cộng bảy cặp. Xem như cả dòng họ của Tư xây tô cốp-pha ráo. Tư Thu rủ rỉ với Hai Tạp Hoá như vầy:
– Con Liên dâu chị nó chửi vợ chồng Liệt Dương…
– Cái gì liệt dương? Ai liệt dương? – Chủ tạp hoá hỏi.
Thu cười hắc hắc cả tràng dài:
– Là dzầy… Chồng con Phương tên Việt, mỗi khi nhậu thằng chồng uống đến liệt vị mới thôi nên bầy thợ của chị gọi vợ chồng liệt dương riết chết tên luôn.
– Em cũng sợ lính chị luôn. Mà sao dâu chị chửi người ta?
– Hai biết không? Tụi nầy bà con xa gần của chị không đó. Ở quê làm ăn không ra sao. Đứa nào cũng thiếu nợ đầy đầu đầy cổ. Không một vụ nào mà ăn cho đến giáp vụ. Vậy nên bầy con chị có đứa nào học hành chi đâu. Ăn không có lấy đâu mà trường lớp? Nhờ cái ông Tư nhà chị kết nghĩa đệ huynh với chủ đầu tư công trình. Ông anh nầy dẫn bọn chị đi hết miền Tây, trước khi ghé đây tụi chị làm ở Tây Ninh hết sáu tháng. Cũng nhờ xây tô với cốp pha mà cả bọn mới có được chút đỉnh. Hai biết không, vợ chồng Liệt Dương không có chị là cả đời không gỡ nổi bốn chỉ vàng nợ. Nhưng hai đứa nầy không biết chi ơn nghĩa. Sỡ dĩ nó thề không làm với chị là vì công trình kề bên trả cao hơn chị vài lai
Hai thấy đó – Tư Thu tiếp tục – Đúng là phản phúc. Có được tí đỉnh là nhờ ai? Thu rất chi thương chị thương em. Không phải sao? Tiền phòng trọ, tháng nào thợ cũng được Thu cho mỗi em một trăm ngàn. Nhà Thuý Vồ ba người là ba trăm. Phương còn hơn người khác khoản tiền công vì cô khoẻ lại siêng sắn. Phương luôn hơn phụ khác mỗi công là hai chục nghìn. Vậy mà lại tính bỏ Thu để đầu quân cho thầu khác. Có phải là phản phé không? Người ta hơn bao nhiêu mà dàn cảnh tự ái? Mà đi đâu thì đi. Chị nói thiệt với Hai công cán dưới quê chị thiếu gì. Chị hú một tiếng bao nhiêu mà hổng có.
– Nhưng còn chú Việt. Chắc không có chuyện phản phúc chi đâu chị ơi.
– Để rồi Hai coi. Vợ chồng nầy mưu mô lắm.
Y như rằng. Năm giờ chiều thầu Tư chạy về lịnh vợ Thu đi mua cơm hộp cho thợ thầy tăng ca đổ bê tông. Thu chưa kịp đi thì Việt đà trờ tới trên đờ rim tàu. Tư hỏi:
– Sao không ở tăng ca mà về Việt?
– Bữa nay tui mệt quá, tăng ca không nổi ông Tư ơi.
Đã nói dân vôi vữa không ngán thằng tây nào. Tư điên tiết văng tục một tràng:
– Mày chơi với rắn hay chơi với tao? Công trình gấp cho kịp tiến độ mày không làm thì nghỉ mẹ luôn đi. Tao không cần thứ như mày.
– Ê, không có đù à. Ông là cái thá gì mà đù tui. Ừ. Vậy tui cũng không làm luôn.
Nói xong Việt đi tuốt vô phòng. Tư Thu nhìn Hai Tạp Hoá lắc đầu:
– Đó. Chị nói có sai đâu Hai. Vợ chồng nó thấy chỗ khác ngon hơn nên vậy đó. Thôi bữa nay chị Thu không bảo lãnh cho vợ chồng nó vụ thiếu chịu. Bán cho vợ chồng nó nữa hay không tuỳ Hai.
Hai Tạp Hoá đem chuyện nói với chồng. Rồi hỏi:
– Có bán cho vợ chồng nó nữa không anh?
– Sợ gì mà không bán. Mỗi tuần dăm ba trăm bạc họ không xù đâu. Mà…
– Mà sao anh?
– Em nghĩ đi. Làm chi có chuyện phản trắc vì vài lai giá cả khi người ta giúp mình từ cơ nhỡ đi lên? Chắc là con dâu bà Thu hỗn với con Phương nên nó tự ái. Còn thằng Việt mệt nó có quyền không tăng ca. Chửi nó như vậy là không đúng. Ông Tư làm vậy theo anh là trật chìa rồi.
Hai không trả lời chồng. Và cũng chả quan tâm. Nhưng cả ba hôm liên tục vợ chồng Việt Phương không đi làm. Sáng nào Việt cũng bừng bừng hơi men. Tay nầy rượu vào hắn văng tục bà cố luôn. Chủ quán hỏi:
– Sao không đi làm? Nhậu buổi sáng coi chừng ghiền à.
– Không ghiền đâu chú ơi. Con nghỉ vài bữa rồi đi làm đâu có rảnh mà uống chú.
– Ông Tư văng tục vì quen miệng chứ đâu có chửi mà tự ái.
– Chú Hai không hiểu đâu. Nhưng chú với chị Hai đừng lo con xù. Lảnh lương là con thanh toán hết liền. Yên tâm đi há. Nếu chú và chị sợ con bán vàng trả tức khắc.
– Tao sợ chi vài trăm bạc.
Ủa mà thằng Việt nầy say rồi chắc? Sao gọi chồng bằng chú mà vợ là chị? Xin thưa Việt mà say thế gian hết rượu chắc luôn. Chả qua chồng chủ quán năm mươi lăm còn cô chủ hai mươi tám. Chênh nhau hai mươi bảy tuổi thì bên chú bên chị phải quá. Hồi mới đến lính tráng Tư Thu cứ tưởng hai cha con. Thu tầm tuổi ông chủ, đi nhiều mà cũng trố ra ngạc nhiên, đùa đùa với cô chủ nhỏ rằng:
– Ê… bộ ổng có dzõ hả em?
Cứ tưởng chồng già không sợ thì phải chiều son trẻ, ai ngờ son sợ một phép, cái chi cũng hỏi ý tóc muối tiêu. Đúng là thế gian lắm sự trời ơi không lường được. Bầy đực rựa của Thu nể nang cha già nầy lắm. Cả bọn kháo nhau già vậy mới là già. Lúc đầu ai cũng tưởng cô chủ lấy già là vị già giàu tiền.Ngờ đâu một hôm kia mẹ ruột cô chủ ghé thăm, mới hay cô chủ yêu thiệt. Cha mẹ anh chị khuyên lời không được cho cả bạt tai cô vẫn cuốn gói theo ảnh. Lúc đó anh già trên răng dưới tút đạn. Cái quán này là của hồi môn của cô chủ. Vậy đó, ngon lành chưa? Già uy lắm nên bọn thợ cả tâm lẫn khẩu phải phục khi già nói.
Già nói với vợ:
– Hết tuần nầy năm thằng ở phòng mười hai về quê.
– Sao anh biết? Đang làm ngon lành mà? – Vợ trẻ hỏi.
– Tụi nó nói phải về lo mùa vụ. Nhưng anh nghĩ chắc cũng như vợ chồng thằng Việt. Họ bất mãn vì lương lậu không đẹp lắm.
– Không đẹp là sao hả anh?
– Vợ chồng Tư Thu ăn đầu công nhiều quá. Thợ bữa nay là hai trăm tám, phụ hai trăm. Tư Thu trả có trăm tám cho thợ, trăm ba cho phụ. Ăn đầu mỗi công một trăm ngàn. Ngày ba chục công kiếm ba triệu bạc. Họ nghỉ là phải.
– Trời ơi – Cô chủ trẻ kêu lên – mình buôn bán ngày kiếm trăm bạc không tới, bà Thu vô dữ vậy. Anh có lầm không đó? Lương công trình khác với tự do à.
– Công trình thì thợ cũng hai trăm rưởi em ơi. Chi li ra Tư Thu cũng ăn đầu bảy chục một công. Công nhân bỏ là phải, làm sao trách họ được? Anh từng đi làm ăn ở xứ Tư Thu anh biết, công cán rẻ lắm. Đàn ông ngày kiếm ba bữa ăn còn thiếu. Lên xứ mình thấy ngày công hai trăm ngàn họ mừng và mang ơn, nhưng ăn quá là không bền đâu. Con cái Tư Thu đây rồi cũng phản ứng nói chi người ngoài
– Con cái làm sao phản đối cha mẹ được anh?
– Con trai thì còn có con dâu. Con gái còn có rể sức mấy tụi nó chịu. Em cứ chờ xem anh nói có đúng không.
***
Và rồi mọi chuyện bình yên trôi. Năm tay thợ vừa rời trọ là Thu cùng thằng con trai tên Lâm về quê kiếm thêm người. Lập tức năm hộ pháp nhập vào cái phòng vừa mới trả. Thu lôi cả năm qua Hai Tạp Hoá giới thiệu chương trình:
– Nếu lính chị kẹt Hai tụi nó thiếu chịu chút đỉnh. Cứ lương đến là thanh toán đủ, có gì chị Thu chịu… Còn mấy đứa thì má Thu cho năm trăm tiền trọ. Xe cộ từ dưới lên đây má Thu cho.
Một thằng phát biểu:
– Bọn tui dân bốc vác mía. Đâu biết cốp pha cốp phiếc gì bà Thu?
– Yên tâm. Bầy con tao sẽ hướng dẫn. Một tuần là bây sành liền, miễn sao khi thành thợ bây đừng bỏ tao là được rồi.
– Sao bỏ được bà Thu. Đang bốc mía muốn hộc gạch ngày được vài chục ngàn. Nay kiếm ngày trăm ba. Bọn tui mang ơn bà không hết, bỏ bà sao được.
– Là mày nói đó nghe.
– Tui nói chớ ai. Thằng nầy là tiền tài như thổ nghĩa trọng tợ thiên kim à.
Vậy là cùng nhau thẳng tiến. Chỉ tội nghiệp cho vợ chồng Việt Phương. Suốt tuần chỉ đi ra đi vô trong dãy trọ không một bóng người. Đã nói mười lăm phòng trọ này lính Tư Thu bao dàn sạch. Ai cũng đi làm đâu ai rảnh mà trò chuyện. Vậy là Việt một mình bên chai ba xi đế tì tì nhìn thiên hạ bon chen. Ai biểu tự ái vặt. Không nghe thiên hạ nói tự ái là tự sát đó sao? Thấy Phương lì đòn Hai Tạp Hoá mới nhỏ to rằng:
– Nhún một chút chị Phương ơi. Bỏ quê bỏ kiểng gửi con cháu đi kiếm tiền mà ngồi không chịu sao nổi. Hay để em nói với chị Thu cho chị làm lại.
– Không – Phương nhấn mạnh – thà về quê chớ làm lại cho bà Thu là không.
Cả tốp đều là bạn bè của Việt Phương. Ai cũng xúm vô khuyên răn nầy nọ. Nào là lên đây mà nằm dài vậy rồi lấy tiền đâu gởi về cho con mày đóng tiền trường? Ông bà già mày lấy cái gì bỏ vô nồi nấu cơm? Lấy đá hả? Thôi, để tao nói với vợ chồng Tư Thu làm lại há?
– Kệ mẹ tao. Mày lo cái thân mày đi.
Ghét quá đám bạn cũng kệ mẹ mày. Muốn chết cứ tự nhiên chết. Nhưng may cho cặp vợ chồng ngang đầu cứng cổ. Đúng là có phần không cần gì lo. Đang trên võng tòng teng thì một gã áo bỏ vô thùng chạy xe đẹp dừng lại quán cô chủ nhỏ gọi chai nước suối. Lân la chuyện trò mới biết gã là thầu đang làm một dãy trọ. Thiếu người nên hắn đi kiếm. Hai Tạp Hoá liền giới thiệu . Vậy là Việt Phương có việc làm.
Thứ hai làm thứ bảy lảnh lương. Chủ nhật nghỉ. Hôm đó thợ của Tư Thu cũng có vài em tạm nghỉ vì đêm trước tăng ca. Cả bọn nhóm lại cái bàn đá của cô chủ nhỏ làm sương sương vài xị cho vui. Ây da… rượu nếp dầm thuốc bắc là đệ nhứt thiên hạ đa nghe:
– Mày làm ở đó ngày bao nhiêu Liệt Dương?
– Tao hai trăm tám bà xã chẳn hai trăm.
– Xạo mày.
– Xạo cho bà bắn tao đi.
Cả tốp nghe mà bần thần. Rượu hết ngon ngay tức khắc. Má ơi. Mình có trăm tám thua nó cả trăm, thua con vợ nó luôn. Vậy rồi không hỏi nữa, cả bọn lầm lì uống. Việt có ba sợi lại tiếp tục:
– Làm cho tư nhân kể cũng sướng. Đổ bê tông là chủ cho nhậu mút cà tha, uống toàn bia tai gơ mới bảnh nghe. Còn tăng ca là một ra một rưởi.
– Là sao?
– Thì hai tiếng tính ba.
Mấy thằng đưa mắt nhìn nhau. Nhìn một lúc hơi lâu lâu:
– Sao Tư Thu trả công mình tệ vậy kìa?
– Tăng ca cho có hộp cơm mới thiệt là đau răng à.
Lại hỏi:
– Mày thiệt chơi Liệt Dương?
– Xạo với bây mà tế bà tao chắc. Tuần nầy vợ tao triệu hai tao triệu bảy, thầu bo thêm một trăm. Vị chi ba triệu. Tao xong quán tiệm còn mua được cái khâu năm phân. Bằng chứng là bao chầu nhậu này cho tụi bây lết bánh luôn.
Mọi chuyện lọt hết vào tai chồng già vợ trẻ. Cả bọn phê vô còn nói cả trăm chuyện nữa. Tựu trung là Tư Thu bóp chẹt công cán hơi quá tay. Đứa nói mình bây giờ há miệng mắc quai, không lẽ ổng bả dẫn lên đây giờ mình đi làm chỗ khác ngó sao được? Đứa gầm gừ rằng để tao yêu cầu tăng lương. Đứa khác văng tục mà rằng ơn nghĩa cái con tườu, mình làm giàu cho ổng bả. Bà mẹ nó tao qua Ba Lân xin đầu quân thử xem thằng Lâm làm gì tao.
Đại khái vậy. Nhưng sau khi tỉnh táo chả đứa nào dám bỏ đi, cũng chả ai dám xin tăng lương. Nhưng mà công việc không chạy. Mấy thằng nhậu chung với Việt hôm chủ nhật cự cãi với Lâm inh sình sình. Cự từ công trình về cho tận phòng trọ lấn qua quán của cô chủ nhỏ. Lâm gầm gừ:
– Đù má… nghỉ sao mà cả buổi sáng dựng được có một hộc cột. Mấy ông đi làm hay đi chơi vậy? Nhắm được thì làm không thì nghỉ. Làm vậy cha má tui lấy đâu ra khối lượng để trả công cho mấy ông?
– Ê… mày nhỏ không có đù anh em à. Tao làm đâu có thua mày. Mày đừng ỷ con Tư Thu rồi muốn sao muốn nghe. Ông Tư không nói mắc chi mày.
– Cha tao mà ra miệng là đuổi thẳng tụi mày à.
– Đuổi thì về quê. Mày tưởng tao sợ chắc. Nghèo đéo có gì để sợ nghe mậy. Đù má chiều nay bọn tao nghỉ. Mày với dòng họ mày làm hết đi.
Chủ quán nói với vợ trẻ và đẹp:
– Em thấy chưa. Con người ta đâu dễ bóc lột. Vợ chồng Tư Thu mà không tăng lương coi chừng ôm sô mà khóc hận.
– Sao khóc anh?
– Làm không xong là bị phạt. Không khối lượng lấy tiền đâu trả công. Công trình chứ đâu phải tư nhân mà lơ mơ được em.
Buổi chiều đó cả bọn ương bướng không đi làm. Công nhân vậy là bậy quá, muốn gì thì thẳng ruột ngựa mà phán, nghỉ làm thì quá ông nội cầm dao đâm vô họng Tư Thu. Tư và vợ ký xong hợp đồng cho công trình mới, quay lại chỗ làm mới hay mọi việc. Nghe con trai Lâm báo cáo, Tư điên gan phóng xe về và mục kích cả bọn đang nhậu. Đúng là thợ hồ rảnh là nhậu suốt. Tư hỏi:
– Ê Hai Nhỏ – Hai Nhỏ là thằng lớn nhứt bọn – Sao tụi bây không đi làm?
– Thằng Lâm con ông chửi bọn tui. Nó nói xét cần là đuổi. Vậy nên bọn tui nghỉ luôn. Ông coi chiều nay thanh toán toàn bộ tiền để mai bọn tui về.
– Tụi bây muốn gì thì nói. Tao có tệ đâu mà bây xử vậy?
Thu lên tiếng:
– Tụi bây quá rồi nghe. Tao đem bây dưới quê lên đây để bây xử vậy sao? Muốn về tao sẵn sàng thanh toán.
– Ừ bà thanh toán liền đi. Bọn tui đi ngay tức khắc.
– Nhưng mà sao?
Lúc nầy bầy ương bướng cũng gần tới chỉ nên thẳng ruột ngựa:
– Tui nói cho bà nghe nè. Con vợ thằng Liệt Dương ngày công hai trăm ngàn. Trong khi tui thợ chiến đấu của bà có trăm tám là sao?
– Làm tư nhân khác. Việc tư nhân không bền. Làm với tao là ngày nầy qua tháng nọ. Bây giờ tao tăng giá thợ hai trăm, phụ trăm rưởi. Được thì tối nay tăng ca.
– Khỏi. Bà phải biết là bên Ba Lân trả thợ hai trăm rưởi phụ trăm tám. Nhưng đã nói bọn tui không làm là không làm.
Quả là mấy tay nầy nói như đinh đóng cột. Uống xong chúng thanh toán không thiếu một xu. Đâu có tay nào say sưa chi cho cam. Đã nói dân dầm nắng phơi gió. Phải chết cũng chơi, không phải là xù liền. Vây mới là hảo hớn.
Vợ chồng Tư Thu tốc hành bán vàng thanh toán liền cho bầy ương ngạnh. Còn phải về quê để chiêu mộ quân mới. Lại phải đào tạo cho chúng biết làm cũng mệt chớ chơi sao. Cũng may là ba cái cốp pha một tuần là thông việc liền. Còn xây tô con trai, con rể Tư Thu thằng nào cũng thạo. Ai sợ chứ Tư Thu thì còn lâu.
Nhưng mà mọi chuyện do vợ chồng Liệt Dương mà ra hết.
Thằng Lâm nghĩ vậy.
***
Nghĩ vậy nên thằng Lâm kiếm chuyện để xử Việt. Nó can ke vợ chồng Việt vừa về là nhảy ra sửng cồ:
– Ê… Liệt Dương. Sao mày dám nói xấu bà già tao?
– Nói bậy đi. Tao không quen nói xấu người khác à.
– Mày nói ông bà già tao trả công kiểu bóc lột.
– Ai méc với mày thì kêu người đó ra. Nói bậy tao phang vô mặt à.
Thằng Lâm cố tình chọc giận Việt. Vừa nghe đối phương đòi phang vô mặt Lâm nhảy lại, thẳng tay thọc vô mặt Việt một cú đờ réc. Lúc đó cũng đông đông anh em thợ. Có cả vợ chủ tiệm tạp hoá, có lẽ ai cũng nghĩ cãi cọ nhau tí tí, đâu ai nghĩ Lâm ra tay đánh Việt. Việt đang ngồi trên xe nên đâu có phòng bị chi. Cú đấm làm máu trong mũi Việt chạy một dòng đỏ loè.
Phương la một cái dậy trời dậy đất:
– Bà mẹ thằng khốn nạn… Sao mày đánh chồng tao…
Nghe ồn bà con anh em nhà Tư Thu hội đủ mặt. Phương tiếp tục:
– Đã vậy tao nói luôn. Cha má mầy lợi dụng quen biết, lợi dụng cái ngu của bà con nghèo để làm giàu trên mồ hôi máu xương của họ, trong đó có tao. Tao nói đó, nói công khai, mày thử đánh tao coi. Ba má mày ăn đầu một công gần trăm ngàn bạc. Ngày ba mươi công má mày bỏ túi cả ba triệu. Hở ra là má mày kể lễ đưa bọn tao dưới quê lên mới có cái trả nợ. Xem như bọn tao phải mang ơn cha má mày. Bọn tao giúp cho nhà mày giàu lên thì có. Ba má mày còn hơn cả hội đồng Dư trong Tiếng hò sông Hậu nữa đó Lâm. Nhà mày là thứ bóc lột kiểu mới. Bộ tưởng tao ngu hả?
Quay sang vợ chồng Tư Thu. Phương gằn giọng:
– Bà mà không giải quyết ổn thoả vụ nầy tui cho bà ăn dao à.
Cả bọn từ thân đến sơ nhìn Tư Thu.
Đôi mắt nào cũng ánh lên mầu mắt của Phương.
Nguyễn Trí
Bếp rất thích văn của anh Trí vì nó phù hợp với Bếp vô cùng, hi hi..
Văn bình dân quá, có sao kể vậy, loại văn này chỉ phù hợp cho người “bình dân”
Hình như dân số nước mình giờ đã là sáu chục triệu (có thể còn hơn, chỉ là tôi không dám nói thách). Trong sáu chục triệu, tôi e tới sáu chục phần trăm là giới bình dân. Vậy là ông Trí hãnh diện lắm rồi. Văn ông có tới ba, bốn chục triệu người thưởng thức. Chúc mừng ông.
Linh
Thấy cái tựa bài viết không cần coi tên tác giả là biết của Nguyễn Trí rồi.
Mỗi chuyện của anh là một đoản phim sinh động của xã hội người dân lao động, thấy vừa thương mà cũng vừa sợ hãi những khúc mắc của con người.
Viết nữa đi anh Trí viết để bà con biết cuộc sống nầy thiên hình vạn trạng ra sao.
Văn phong độc đáo.
Đọc thật mệt,nhưng đáng đọc.
Tạo được không khí truyện ngột ngạt bức bối rất đời ấy không hề dễ chút nào
Hay nhưng không khí trong truyện nặng nề thật
Xây dựng tính cách nhân vật hay,hợp lý.
Tác giả mấy khi trả lời bạn đọc.
Nhưng vẫn likes một phát. Đừng tưởng tao ngu.
Có mấy người mà nhiều chuyện quá chừng. Truyện ngắn hay.
Đọc mấy hơi mới hết cái truyện, thấy mừng y như vừa được thoát ra khỏi cái xóm trọ đầy bức bối ấy.
Với tác giả NT, văn đúng là đời.
Những trang viết đầy ắp niềm đồng cảm với lớp người dưới đáy xã hội
Chỉ có trãi qua cuộc sống trầm luân mới có được cách viết rất hiện thực này
Sắc.Gọn. Hay.
”Đừng tưởng bọn tao Ngu đúng hơn?”-Tình Nghĩa đối Tình Nghĩa sòng phẵng?Có gì đâu bởi không nói không rằng..!?Làm việc Tư nhân bấp bênh -Lương cao?Làm Công trình Nhà nước -Dài lâu?-Có ngắt nhéo mỗi chút đầu Công lao?-Cũng phải có tiếng nói:”Ừ…Sẽ Bù vào những ngoại lệ-Tại họa -Ốm đau?”-Có gì đâu mà”Um sùm cho Tình Nghĩa nháo nhào?!”Ngôn ngữ Dân Xây Dựng hãi quá!-Toàn Gạch -Cát-Xi măng!Giận lên mà ném chắc mù mắt u đầu quá!?
Văn chương “hạ giới” nhưng đâu có rẽ như bèo.
Đừng tưởng là tao ngu…….ha ha !
Đùa chút xíu thôi,chứ anh viết hay lắm.