Huỳnh Ngọc Nga
Tặng Thanh Xuân .
Tiếng kêu oang oác khác lạ từ bên ngoài vọng vào làm Xuân chợt thức giấc. Đưa tay dụi mắt, nhìn lên đồng hồ dạ quang trên bàn ngủ thấy chỉ mới 5 giờ 25 phút sáng, nàng nhắm mắt lại định ngủ thêm chút nữa nhưng tiếng kêu mỗi lúc lại mỗi dồn dập và nhiều hơn làm nàng vừa ngạc nhiên vừa khó chịu. Hôm nay là chủ nhật, ngày nghỉ ngơi mà, gà vịt đâu quấy rối con người sớm thế, chợ búa dù gần nhà cũng ít khi ồn ào những tiếng kêu quái lạ như vầy.
Từ sau Tết dương lịch năm 2004 đến nay tự dưng bịnh gà toi xuất hiện, thoạt đầu ở Hà Nội rồi lan đến Thái Lan cùng các nước trong vùng thân cận gây khả nghi ảnh hưởng đến cái chết của nhiều người sau đó khiến chuyện buôn bán gà vịt trở nên khó khăn nên chợ cũng thưa lần tiếng kêu của các loại gia cầm nầy. Số người thiệt mạng vì vi khuẩn có từ gà vịt gia tăng làm quan tâm toàn cầu và Tổ chức Y Tế Thế giới, mọi người lo sợ đến những liên quan trực tiếp với vùng nầy, vô tình kéo theo sự khủng hoảng về kinh tế, vì để tránh lây lan nên các nước bên ngoài đã hạn chế hoặc đình chỉ nhập cảng hàng hoá của những quốc gia có trường hợp bị bịnh hoặc bị khả nghi, các chương trình du lịch từ ngoài vào bị hủy bỏ. Tình thế trở nên trầm trọng thực sự bắt buộc chính phủ các nước bị nạn phải có biện pháp đối đương và một trong những sắc luật được ban bố để ngăn chận bịnh là hủy diệt tất cả những gì làm lây lan: phải giết hết những loại thú cầm tình nghi có vi khuẩn bịnh. Từ Thái Lan, Đài Loan, Trung quốc đến Việt Nam hàng vạn gà vịt bị giết chẳng nương tay, tiếng kêu la của chúng át hẳn tiếng chuông chùa, chuông nhà thờ. Và sáng nay, ánh dương chưa ló dạng những tiếng kêu nảo nuột lại vang lên cả một góc trời, nhưng không phải tiếng kêu của gia cầm từ mặt đất mà là tiếng kêu vọng xuống từ trời cao.
Xuân bỏ chân xuống giừơng, mở cửa bước ra ngoài sân. Tiến, anh nàng đã đứng đó từ bao giờ, anh đang ngước mặt nhìn trời. Và không phải chỉ riêng mình anh mà bên các nhà hàng xóm, một vài người chắc cũng bị đánh thức bởi tiếng oang oác kỳ lạ kia nên cũng túa ra sân, và những bạn hàng buôn bán của chợ nhóm gần nhà nàng, tất cả vừa bàn tán vừa nhìn lên trời theo dõi một hiện tượng chưa từng thấy tại thành phố Saigon nầy: một đàn cò trắng ước chừng cả trăm con đang bay vần vũ trên cao, vừa lượn vừa kêu vang, tiếng kêu thảm thiết như tiếng kêu của gà hay vịt bị cắt tiết, nghe xé ruột, não lòng.
– Đám nầy ở đâu đến đông dữ vậy cà? Thiếm Hai ở cạnh nhà Xuân nói vọng qua.
Bác Bảy nhà gần đó trả lời:
– Chắc bên kia kinh miệt Phạm thế Hiển chứ gì, ở đó đồng ruộng còn mênh mông.
Một xe ba bánh chở rau cải dừng trứoc cổng nhà chú Bảy, người đạp xe góp ý:
– Theo tui, chắc phía miệt Long An tụi nó bay về đây, có thể chúng thấy gà vịt ở các trại chăn nuôi vùng đó bị giết nhiều quá nên chúng sợ mà di tản hổng biết chừng.
Mỗi người một câu, đủ ý, đủ giả thuyết nhưng chẳng ai biết chắc được vì đâu có hiện tượng nầy. Trời cuối tháng giêng còn mang mang hơi hướm Tết, buổi sáng đến sớm hơn kim đồng hồ, lủ cò vần vủ trên cao một lúc khá lâu rồi túa nhau bay thẳng về hướng trung tâm thành phố. Mặt trời đang ló dạng tận cuối bến nước của con kinh đôi, đèn đường vẫn chưa tắt hẳn, hơi lạnh nhẹ của bình minh làm Xuân chợt se người. Mọi người chung quanh vẫn còn xôn xao bàn tán điềm xấu, tốt về chuyện đàn cò. Tiến dang tay, hít thở làm cử động thể dục đầu ngày, đầu óc mang mang mơ hồ một ý nghĩ chợt đến vội vàng theo những cánh chim bay. Thiếm Hai hàng xóm cầm lấy cây chổi ở góc sân quét nhẹ vài chiếc lá ổi rơi trong đêm rồi định quay vào nhà thì nghe Xuân cất tiếng kêu:
– Thiếm Hai ơi, có thư e-mail của Ngọc gởi chiều tối hôm qua, chút nửa con in ra rồi đưa cho thiếm nghen.
Mắt người đàn bà sáng lên, thiếm cười rạng rở:
– Vậy hả Xuân? Nó nói gì vậy? Nhớ in mau đưa thiếm đọc nghen.
Xuân “dạ“ rồi ngó anh, cười tủm tỉm, bước vào nhà, quên bẳng nhanh chóng chuyện oang oác của đàn cò trắng. Anh em Tiến chợt nghe tiếng gọi:
– Anh Tiến ơi…..
Tiến không ngưng động tác thể dục, nhìn về phía có tiếng gọi, cười:
– Chuyện gì sớm vậy Hoài?
Xuân cũng cười, ngó chiếc lồng có con chim Két tên Hoài treo lơ lững cạnh cửa sổ bên trong nhà:
– Nó nghe nhắc Ngọc nên kêu anh đó.
Tiến làm thinh, vờ không nghe, tiếp tục tập thể dục, đầu óc lại miên man suy nghĩ, đàn cò kêu bất thường buổi sáng sớm, Hoài và Ngọc, bịnh gà toi…. Tất cả mọi thứ đó kết liên một chuổi làm căng thẳng tâm trí chàng. Tin tức bịnh dịch gà lan rộng làm chàng lo ngại, không chỉ lo cho tình trạng chung của mọi người mà lo cho cả con két thân yêu của chàng nửa. Con két nầy Ngọc tặng anh em chàng hơn hai năm nay, nó líu lo suốt ngày như một đứa bé, những líu lo ngọng nghịu tiếng người làm vui thiên hạ. Mỗi lần thấy chàng, nó thường kêu “Anh Tiến ơi “, chàng nghe mà cứ ngở như tiếng kêu của Ngọc ngày nào.
Ngọc, Ngọc…Tiến chợt thở dài khi nhớ đến nàng, cô láng giềng, con của chú thiếm Hai khích vách bên kia nhà chàng. Ngọc đã giận chàng mà bỏ đi lấy chồng hơn hai năm rồi, ngày ra đi mắt nàng nhòa lệ, mọi người cứ tưởng đó là những giọt lệ vu quy Ngọc khóc ngày xuất giá, chỉ riêng Tiến biết những giòng nuớc mắt kia Ngọc khóc vĩnh biệt mối tình không trọn với người tình câm. Người tình câm đó là chàng, là Tiến của những tháng năm yêu mà không nói, yêu mà vẫn lặng lẻ chấp nhận người mình yêu đọan dứt ra đi không một lời bày tỏ, không một tiếng cản ngăn.
Khi gia đình Tiến dọn về đây, vùng Chánh Hưng đất nổi bên kia cầu chữ Y quận 8, Ngọc chỉ mới hai mươi, nhỏ hơn Tiến sáu tuổi. Ngọc thân ngay với Xuân, em gái Tiến, trong tình bè bạn dành cho người hàng xóm giữa Ngọc và Tiến theo thời gian còn ngấm ngầm nhen nhúm ngọn lửa thương yêu, chuyện rất thường giữa trai chưa vợ và gái chưa chồng nhưng lại bất bình thường khi họ chỉ dừng lại bằng những câu chào khi gặp mặt, nhữnng giúp đỡ lúc phải nhờ cậy nhau trong việc vặt vạnh hàng ngày. Ngọc thường bắt gặp những cái nhìn lén lút của Tiến sau hàng hiên bên cửa, những lần giả vờ tỉa cành, tước lá gốc mận ngoài sân nhưng thực sự cũng chỉ để nhìn xem bên kia hàng xương rồng Ngọc đang làm gì mà thôi. Ngọc chờ Tiến đi xa hơn nữa, một nụ cười chẳng hạn, hay một lời hỏi thăm sáng, trưa, chiều, tối gì gì đó nhưng Tiến vẫn giữ mực làm thinh, gặp nhau trên đường thì gặt đầu chào lấy lệ, lở đụng mặt ngoài sân thì anh chàng lại ngước mặt nhìn trời ban ngày, ngắm sao ban đêm, cứ y như mấy ông thiên văn đang tìm một vì sao mới lạ dù Ngọc biết vì sao mới lạ đó anh chàng đã tìm ra, vì sao mang tên Ngọc, sáng lấp lánh trong hồn chàng nhưng chàng cứ phải giả vờ như chưa từng biết. Ngọc thương Tiến tính đôn hậu, sự ngay thẳng, đứng đắn, không mè nhèo, không sàm sở khi gặp gái, không lăng nhẳng, ba hoa nhiều chuyện như những gả trai cùng xóm, đi làm về là riết mí trong nhà đọc sách báo, giúp mẹ, giúp em, hàng xóm ai có chuyện cần là sẳn sàng túc trực nhưng Ngọc bực mình khi phải nghe những lời cộc lốc của Tiến mỗi lần nói chuyện với nàng, người gì có học mà chẳng biết văn vẻ, lịch sự với đàn bà con gái chút nào hết, nhất là với Ngọc, cứ làm như dịu dàng với nàng rồi thì chàng mất….tiết trinh nam tử đi vậy đó, sao giống mấy ông giáo làng gàn dở ngày xưa quá chừng.
Ngọc có biết đâu Tiến đã bậm môi tập thử bao nhiêu lần những lời văn hoa bóng bẩy, những nụ cười tươi chào đón cô láng giềng chung rào, chung giậu nhưng tập bao nhiêu cũng hoài công vì mỗi lần đứng trước mặt nàng là hình ảnh tờ đơn bảo lãnh của cha nàng hiện ra trong trí Tiến, chàng biết, sớm muộn gì Ngọc cũng xuất cảnh bỏ xóm mà đi theo diện đoàn tụ gia đình mà chàng thì lại không muốn mọi người nghĩ rằng chàng tán tỉnh nàng vì tờ đơn bảo lãnh đó. Cha nàng, một sĩ quan chế độ trước đã ra đi ngay từ ngày miền Nam thất thủ, ông hiện ở Mỷ và đang làm giấy tờ bảo lãnh vợ con, nhưng ông hiện đang có vợ khác sau khi đã lo xong việc đơn từ cho mẹ con Ngọc. Tin tức đó làm đau lòng mẹ Ngọc, bà khước từ chuyện tái hợp và sẳn sàng ký giấy ly hôn, tình nghĩa đã không còn thì sang bên đó làm chi cho bận lòng người tình bạc, nhưng hai đứa con của ông bà – Ngọc và Quang – bà để chúng tự quyết định lấy chuyện ở hay đi, cha hay mẹ gì cũng đồng công sanh duỡng bà không muốn lợi dụng tình cảm riêng tư giữa mẹ và con để làm các con bà quên cha chúng, và hơn thế nữa, nghe đâu sống “bên đó “ cuộc sống dễ dàng hơn, tương lai đảm bảo hơn, bà không biết có đúng như vậy không nhưng thấy thiên hạ chung quanh ùn ùn kéo nhau đi bà cũng phải nghĩ chắc là bên đó có cái gì quyến rủ lắm nên người ta mới đành lòng bỏ xứ mà đi như vậy, cái gì đó bà không biết rõ, chỉ biết là chồng đã bị kẻ khác quyến rủ để bỏ bà sau hơn hai mươi năm tình nghĩa. Quang là em trai của Ngọc, cậu nao nức thấy chân trời mới nên hăm hở thuyết phục mẹ và chị thu xếp để ra đi nhưng Ngọc biết mẹ khi đã quyết thì khó chuyển lay ý định của bà, nàng cũng không đành lòng để mẹ ở lại quạnh quẻ một thân, hơn nữa, Ngọc đi làm sao được khi trái tim nàng bị trói chặt bởi mối tình câm của Tiến. Cuối cùng, sau một thời gian dài lo chuyện giấy tờ, chỉ có mình Quang lên phi cơ sang Mỹ. Ngọc ở lại nuôi mẹ, nuôi luôn cả niềm hy vọng một ngày Tiến mở lời nói tiếng yêu nàng và chính thức cầu hôn vì hơn ai hết Ngọc biết Tiến yêu nàng như nàng đã yêu Tiến, mối tình của họ là mối tình mà cụ Nguyễn Du khi xưa đã bảo là “tình trong như đã, mặt ngoài còn e “. Nhưng Ngọc cứ chờ và Tiến cứ để mặc kim đồng hồ xoay, để mặc gốc ổi bên kia sân nhà Ngọc giao cành cùng cây mận bên nầy sân nhà Tiến hết mùa nắng đến mùa mưa. Ngọc nhìn tuổi con gái bay đi mà giận người bên kia hàng rào xương rồng, và cuối cùng “nổi buồn con gái “ trong nàng bùng dậy phản ứng bằng cách nhận lời cầu hôn của một Việt kiều, bạn Quang, trong chuyến theo Quang về VN thăm lại quê nhà. Thực tình Ngọc lấy chồng cũng một phần làm vui lòng mẹ, thiếm Hai biết tuổi xuân chỉ có một thời với đời thiếu nữ, thiếm mơ hồ thấy tình cảm giữa con gái và anh láng giềng trẻ tuổi, thiếm cũng đợi ngày bà bạn hàng xóm đem lể trầu cau sang hỏi Ngọc cho con trai của bà vì “thằng nhỏ “ đúng ra cũng được người, được nết. Nhưng cũng như Ngọc, bà chờ mòn mỏi như đã chờ tin tức chồng bà khi ông lên phi cơ bỏ mẹ con bà ở lại muời mấy năm xưa, bà không muốn đến một ngày nào đó con bà sẽ ngở ngàng như bà đã ngở ngàng khi hay tin chồng đổi thay người đầu ấp tay gối. Lúc đầu Ngọc cương quyết không ưng anh chàng Việt kiều xa lạ, lấy lý do không thể bỏ mẹ ở lại đơn chiếc một mình, không thích đời sống xa hoa nơi xứ lạ nhưng thiếm Hai kiên nhẩn thuyết phục con gái, bảo rằng bà sẽ đem đứa cháu mồ côi cha mẹ, kêu bà bằng dì, về nuôi để có người hủ hỉ, vả lại bà không thể để Ngọc vì bà mà biến thành cô gái lở thì, xuất giá thì phải tòng phu, lấy chồng ở đâu thì mẹ con cũng phải cách biệt, với phương tiện giao thông tân tiến thời nay thì Mỹ – Việt cũng dặm dài như Saigon – Hà Nội hay Saigon – Rạch Giá, Mỹ Tho mà thôi. Và hơn thế nữa, anh chàng Việt Kiều cũng mặt mày sáng sủa, tư cách trên trung bình cộng thêm lời bảo đảm gia thế của Quang nên bà sẽ an tâm thấy con có nơi đàng hoàng trao thân gởi phận. Ngọc vâng lời mẹ mà nước mắt như mưa, khóc thương mẹ già quạnh quẻ sớm khuya một bóng đã đành, những giọt nước mắt còn khóc câu “vô duyên đối diện bất tương phùng “ với người tình chưa một lời thề hẹn.
Đám cưới xong, chồng và em trai Ngọc lên đường về Mỹ, Ngọc ở lại chờ giấy tờ rồi sẽ đi sau. Trong thời gian đó, không biết suy nghĩ thế nào, một hôm Ngọc mua về một con Két rất đẹp, người bán bảo Két chừng một tuổi, đang tập nói tiếng người. Ban đêm Ngọc đem lồng két vào nhà, biết Xuân hay nheo nhéo gọi anh suốt ngày để nhờ phụ giúp chuyện nhà, ban ngày Ngọc treo lồng két trên giây kẽm phơi quần áo ngoài sân để Két nghe tiếng Xuân bên kia hàng rào kêu Tiến “Anh Tiến ơi” . Những lúc vắng người Ngọc cũng chăm chú dạy Két kêu “Anh Tiến ơi “. Ngọc tự nhủ, thân con gái không thể làm cột tìm trâu nên mối duyên đành lở, thôi thì con Két nầy sẽ thay Ngọc ở lại để gọi hoài tên người nàng yêu dấu. Dạy hoài, dạy hủy cuối cùng con Két đã biết cất tiếng kêu “Anh Tiến ơi “ bằng giọng khàn khàn lơ lớ của một đứa trẻ con. Thiếm Hai không ngạc nhiên trước lời kêu đó, nhưng thiếm khuyên con nên quên hết để mai nầy theo chồng cho trọn chữ vợ hiền. Nữa năm sau, xong việc giấy tờ xuất cảnh, Ngọc lên đường. Trứoc ngày ra đi, Ngọc từ giả láng giềng bà con, đem lồng Két sang tặng anh em Xuân, Ngọc cười buồn bảo con Két sẽ là Ngọc ở lại bầu bạn cùng Xuân và Tiến. Gia đình Xuân làm buổi cơm tiển biệt đãi Ngọc, trong buổi ăn mọi người làm ra vui vẻ nói cười huyên thiên, nhưng có lẻ chỉ có Xuân là vô tư nhất. Tiến cũng dăm ba câu pha trò khác hẳn ngày thường, rồi thu hết can đảm trong giờ phút chót, không nhìn Ngọc mà lại ngó lồng Két chàng giả vờ bông đùa hỏi:
– Ngọc có dạy nó nói tiếng Mỹ “I love you “ như trong mấy phim ciné không?
Ngọc ngẩn người nhìn Tiến, mắt mở tròn, trời ơi đúng là tới giờ “Cóc mở miệng “, sao không câm mãi nghìn năm đi, nói làm chi giờ phút nầy để đau lòng nhau đến vậy, và cũng như Tiến, nàng thu hết can đảm vờ vĩnh:
– Câu nói đó Ngọc xin nhường cho anh dạy nó để dành chọn chị hai cho Xuân sau nầy.
Xuân cười khúc khích, ngó anh rồi nhìn Ngọc, giọng thản nhiên:
– Ngọc ơi, anh Tiến sẽ dạy con Két nói câu đó với người “Tình Lở “ chứ chắc gì nói với chị hai tương lai của Xuân.
Ngọc sang Mỹ rồi, Két sang ở nhà Tiến, anh em Tiến dạy thêm Két những câu chào khi khách đến nhà. Để nhớ chũ cũ của Két, Tiến và Xuân đặt tên Két là Hoài, kêu Két bằng Hoài mãi đến độ Két hiểu đó là tên của nó. Nhà Tiến có computer nên Ngọc nhân đó thường gửi thư e-mail về thăm mẹ nàng và gia đình Tiến. Từ ngày Ngọc đi, anh em Xuân thay Ngọc dòm chừng, thăm hỏi thiếm Hai nhiều hơn, với riêng Tiến chàng làm như vậy ngoài tình lối xóm còn chút tình để nhớ cố nhân. Tết năm nay Tiến vượt qua tuổi ba mươi sáu, mẹ chàng thúc hối chuyện cuới vợ lập gia đình, nhưng không hiểu sao Tiến vẫn nghe lòng trống lạnh. Một cái gì đó nhẹ nhàng của những ngày còn cô hàng xóm bên kia rào vẫn vương lại trong hồn chàng. Đôi lúc chàng tự trách mình , trách cái “quân tử dỡm “ của mình, cái nhút nhát vô lý của một thằng đàn ông yêu mà không chịu nói đễ bây giờ lở hội, lở thuyền.
Đàn cò bay buổi sáng nay làm Tiến lo ngại, cơn gió nào đã khiến lủ gia cầm tự dưng lăn đùng ra chết, vi trùng nào đã xui con người cũng bị lây nhiểm và vong mạng uổng oan. Cả một góc trời A’ Châu bỗng nhiên hoảng loạn. Các nước thân cận đã có biện pháp phòng ngừa bằng cách giết hết các loại gia cầm nầy. Việt Nam cũng đang nối bước trên con đường đó, phong trào đã khởi động ở miền Bắc, chắc chắn nay mai sẽ lan rộng vào Trung và Nam. Nếu quả như vậy thì Hoài của chàng làm sao thoát khỏi nạn tai.
Tiếng chuông chùa An Phú bên kia đường bỗng ngân nga trong không khí thanh mát ban mai. Ngôi chùa cách nhà chàng một tầm nhìn không xa lắm, tượng Phật Quan Am sừng sửng vượt cao, bóng cây xanh quanh chùa làm dịu những cơn nắng gắt gay mùa nóng. Thiếm Hai bên kia sân đang đốt hương ngoài bàn thiên buổi sáng, Tiến nghe tiếng chuông, ngắm khói nhang bay và một ý nghĩ chợt đến trong đầu, phải tìm cách cứu con Két khôn ngoan từ bây giờ chứ không thể đợi nước tới chân mới nhảy.
Hôm đó, chàng bàn với Xuân đem Hoài vào chùa, cho chú Két nhỏ nương náo cửa thiền để tránh họa tai trần tục, chờ qua cơn dịch bịnh sẽ cho Hoài “thoát tục “ trở về. Xuân cười ngất trước ý định của anh, cửa chùa chứ nào phải dinh Tổng thống hay Chủ tịch mà an toàn cho Két chứ, chừng có lịnh “toàn sát “ thì chỉ có lên mây mới tránh khỏi nạn tai thôi. Tiến nói, chùa là nơi cấm sát sanh, có thể nhân viên thừa hành công lệnh sẽ bỏ qua không vào khám xét chăng. Thấy anh năn nỉ mãi, Xuân động lòng nên đồng ý đem Két vào chùa.
Sư ông An Phú Tự nghe anh em Tiến giải thích lý do đem Két đến gởi nên bằng lòng thu nhận, nhưng sư cũng khuyên cả hai nên để Két tự do bay nhảy bên ngoài hơn nhốt Két mãi trong lồng, Tiến sợ Hoài chưa đủ khôn ngoan để tránh những hiểm họa ngoài lồng có thể đến với nó nên xin sư ông cứ tiếp tục nhốt Két như trước. Từ đó mỗi ngày Tiến và Xuân thay nhau sang chùa thăm Két, thay nhau làm vệ sinh chiếc lồng bé nhỏ xinh xinh của Hoài. Thắm thoát Hoài “quy y” đã được gần một tháng, ngày ngày nghe sư cụ gỏ mỏ tụng kinh, nghe các chú tiểu luôn miệng “Mô Phật “ cùng sư cụ nên Két học thêm hai tiếng đó. Sư cụ và các chú tiểu trong chùa nghe ngộ nghĩnh nên luân phiên nhau dạy thêm câu “Nam Mô A Di Dà Phật “ cho Két. Không biết Hoài có duyên cùng Phật pháp hay tại cảnh chùa thanh tịnh, sư và tiểu chăm sóc chu đáo, dạy nói tận tình nên khoảng hai tháng sau Két oang oang suốt ngày câu tụng niệm thông thường đó của cửa từ bi.
Bịnh dịch gà vẫn tiếp tục hoành hành ở các nước vùng Đông Nam A’, sắp sửa lân lan sang Nhật, VN may mắn thay lại chận đứng được bịnh như một phép mầu, tuy nhiên để trấn an người dân, củng cố niềm tin của khách du lịch tứ phương và nhất là để phòng ngừa chắc chắn bịnh không trở lại Chính phủ hạ lệnh giết hết tất cả gia cầm trong những vùng khả nghi. Lệnh vừa được công bố khắp chốn xôn xao, nhất là những nhà có nuôi chim làm cảnh. Những trại gia cầm phải làm gương trứoc rồi đến từng nhà dân chúng trong từng khu phố, từng quận, huyện, xóm làng. Tiến và Xuân nghe tin mà bủn rủn chân tay, chuyện gì hai anh em lo sợ đã đến, ngày toán “diệt cầm “ xách tụng bị đi thi hành “lệnh thảm sát “ đến gỏ cửa nhà Tiến, chàng lắc đầu cho biết không còn nuôi Két trong nhà nữa. Anh nhân viên Phường ngó Tiến chăm chú với vẻ nghi ngờ rồi cáo từ thoái bước. Tiến và Xuân ngó theo đoàn “trinh sát “ mà bụng đánh “lô tô“, nghe tiếng con gà bên nhà bác Bảy bên kia đường kêu thảm rồi tắt nghẻn, nhìn gương mặt nhăn nhó của vợ chồng bác mà anh em Tiến cũng thấy nao nao. Xuân lẩm bẩm cầu xin ơn trên trời Phật cho toán “hung thần “ đừng ghé vào chùa. Nhưng kìa, dõi măt nhìn từ nhà đến cổng chùa, Tiến và Xuân vội vàng rời nhà chạy sang khi thấy toán nhân viên “phòng dich “ đang tiến vào trong chùa. Chiếc lồng Két đong đưa dưới hiên bên hông chùa, Hoài vô tư nhìn trời, ngắm đất, chuyền chậm rải từ bình nước đến lọ thóc trong lồng, thấy đoàn người tiến đến xôn xao, Két nhà ta líu lo “Mô Phật, Mô Phật “. Anh công an Phường khựng lại khi nghe âm thanh đó. Sư cụ trụ trì từ tốn khẩn khoản xin “ân xá “ cho Két, nhưng lệnh là lệnh, dù là cửa thiền, nơi cấm sát sanh “quân pháp bất vị thân“ mà. Anh công an Phường tay đeo găng, lấy chiếc túi vải ra mở cửa lồng, chụp Hoài bỏ vào trong. Xuân nhắm mắt lại, nước mắt bắt đầu tuôn. Bất chợt bên trong túi vải, Hoài cất tiếng kêu:
– Anh Tiến ơi.
Tiến thảng thốt đến tuyệt vọng, tim thắt lại, chàng dằn lấy cánh tay anh công an Phường mà không cần biết mình đang làm gì. Anh công an, cũng là người quen cùng xóm, ngó Tiến rồi lắc đầu, thông cảm:
– Mình rất tiếc Tiến à, nhưng lịnh phải thi hành thôi.
Sư cụ chấp tay trước ngực, từ tốn nói:
– Cửa thiền cấm sát sanh, hảy làm việc đó ngoài chùa, bần đạo xin cám ơn.
Toán công an Phường giả từ sư cụ rồi đem túi vải ra khỏi chùa. Đến trước cổng anh công an dừng lại, dùng tay tìm cổ chú Két xiết mạnh từ ngoài bọc vải, Hoài khục khặc dảy dụa trong những tiếng kêu cúu rổi cuối cùng:
– Mô Phật…Mô. P……h ậ..t…..
*
* *
Ngọc thương mến,
Không còn bao lâu nữa năm con Khỉ sẽ đi qua nhường bước cho chú gà bước đến, chợ Tết Saigon đã bày bán hơn nữa tháng nay , cây mai vàng trước sân nhà Ngọc cạnh bàn thiên đã bắt đầu đâm nụ, thiếm Hai phơi củ cải và kiệu để làm chua mấy ngày rồi, nhà mình năm nay còn rộn rịp hơn nữa vì không hẳn chỉ đón Tết mà còn đón luôn cô dâu mới vào dịp đầu Xuân, anh Tiến cưới vợ Ngọc à.
Hơn ai hết mình biết tình cảm của Ngọc và anh mình trước ngày Ngọc lấy chồng, mình cũng như mọi người chờ ngày mình gọi Ngọc là chị Hai, nhưng anh Tiến không chịu bước tời dù mẹ mình rất ưng lòng vừa ý một cô dâu láng giềng như Ngọc, dù anh ấy thương Ngọc đến nổi có thể bảo gốc mận trước nhà cũng biết. Nhưng anh ấy không nói, tự ái của một người trai trước thời buổi nhiểu nhương, thời buổi mà tờ đơn xuất cảnh có giá trị hơn cả một gia tài, anh ấy sợ người đời nghĩ rằng anh cưới Ngọc vì tờ đơn đó, mà ví dù không phải vậy anh ấy cũng không muốn mai kia mốt nọ nếu cưới Ngọc về rồi, một ngày nào đấy Ngọc đòi ra đi anh ấy lại phải mang tiếng “ăn theo vợ “. Lòng tự trọng và tự ái của một gả đàn ông đã ngăn hai nhà thành thông gia giao hảo.
Ngày Ngọc đem Két cho anh em mình, mình hiểu Ngọc muốn nói gì trong sự gửi gấm ấy, anh Tiến đã chăm sóc Két như chăm sóc một mối tình, nhưng Két chết thảm vì chung nạn của đồng loại, cửa thiền không cứu được Két thoát khỏi tai ương, căn ngiệp nào phải chỉ dành riêng cho con người mà cả loài cầm thú cũng có số phần của nó, sư cụ đã bảo vậy. Tiếng kêu cuối cùng của Két là tiếng vọng nảo lòng của một kiếp phù sinh, anh em mình chắc có lẻ suốt đời sẽ không quên giây phút đó. Anh Tiến như chợt tỉnh giấc sau ngày buồn thảm đó, anh bảo với mình, cuộc sống nhiều khi không phải chỉ sống cho riêng ta mà còn phải nghĩ đến tha nhân, mẹ mình đang mong đợi một nàng dâu, một đàn cháu, anh không thể để mẹ vì cơn chìm đắm của anh mà chờ đợi mãi, và bằng sự lựa chọn của mẹ mình, anh đã bằng lòng kết hôn với con gái một người bạn của mẹ, hôn lễ sẽ cử hành vào đúng ngày mồng 1 Tết năm nay. Mình cũng vui khi thấy cuối cùng rồi anh cũng đã tìm được con đường để bước. Riêng mình, chắc còn phải chờ một anh chàng Cóc nào đó mở miệng mới có được một ngày vui mà kiên nhẩn thì như Ngọc biết đó, mình có thừa mà.
Anh Tiến nhờ mình gửi thiệp cưới và thiệp chúc Tết cho vợ chồng Ngọc, nếu gia đình Ngọc về được để dự đám cưới thì còn gì vui hơn. A, con trai của Ngọc đã bắt đầu đi học mẫu giáo rồi chưa? Nếu trong tương lai vợ chồng anh Tiến có con gái thì biết đâu sau nầy Ngọc và anh Tiến sẽ chẳng thành sui gia với nhau, chỉ mong đùng có chú Két nào nói thay chúng nó lời tỏ tình mở ngỏ.
Trước thềm năm mới, mến chúc gia đình Ngọc một năm an khang, vạn sự an lành.
Thương mến.
Bạn Ngọc
XUÂN
HUỲNH NGỌC NGA
Torino, ITALIA – 18.02.2005
Cảm ơn vẫn có Tiến Xuân.Vẫn có Tấm lòng yêu thương loài vật”Két-Hoài may mắn được nhất?”May cả nơi trú ở Chùa hót chơi…Tiếc là Két sớm tiêu đời!Không thôi hót nữa còn vui vui hoài…?Mối tình Ngọc Tiến lỗi ai?Không ai qua phải bàn tay…Chị Nga nầy?Bởi chị không thích nói thay?Cho chết con Két thông minh hoài thành ngu…Cười!?
Trời đất ơi, aitrinhngoctran đi đâu mất tăm mất biệt bây giờ mới về chọc ghẹo Bếp vậy?
Nói theo thuyết nhà Phật thì ngu với khôn đối đãi nhau tức đồng thể tánh đó , bởi vậy con Két chết là phải rồi, chỉ để mối tình Tiến & Ngọc còn lại mãi với thờ ìgian thôi.
Cám ơn “Cô nương” đã ghé dù muộn màng, chúc “nàng” cùng gia đìnhăn tết vui vẻ và một năm an lành nha.
Một tâm hồn thuần Việt ,một giọng văn thuần Việt giữa trời tây .
Anh Bạch Đằng thân kính,
Lời còm của anh là một phần thưởng to lớn đối với Bếp, không còn gì vui hơn mở đầu ngày đón nhận sự ưu ái nầy của anh, cám ơn anh rất nhiều, bếp hứa sẽ cố gắng không để spaghetti, pizza lấn áp canh chua, cá kho trong tâm hồn mình.
Bếp xin gửi đến anh và gia đình những lời chúc an lành nhất cho 365 ngày sắp tới nghen.
Bên ấy, tết cô Nga có gói bánh chưng không cô !
Gia đình Bếp người miền Nam nên không biết gói bánh chưng mà chỉ gói bánh tét thôi Chút Chít à, hi hi..các em của bếp gói chứ Bếp chưa gói lần nào hết, Bếp làm các món khác (vì các chị em chia công nhau nấu nướng để đem lại nhà má Bếp cúng rước ông bà ngày tết).
Cám ơn Chút Chít đã ghé thăm,
Chút Chít và gia đình ăn tết vui vẻ, nếu có bánh chưng ăn giùm luôn cho Bếp nghen.
Chị ơi chị cũng là loài chim “thương cây nhớ cội “
Hi hi..chim Việt cành Tây há Mộc Miên?
Hiền hữu khoẻ, ăn Tết vui và làm thơ hay hoài nghen.
Thăm Tiểu Muội! Biết Muội viết đều – lại viết rất khỏe & hay, Huynh rát vui! Đó là niềm an ủi cần thiết khi ở xa quê & buồn! Rất mong Muội tìm thấy niềm vui lớn ở đây! Muội nên có 1 cuốn sách quy tụ những bài như vậy – để “kỷ niệm” và không bị thất lạc nhé! Chúc Muội & gia đình an lành!
Long huynh thân kính,
Toàn bài cũ không hà huynh ơi, lúc nầy muội viết chậm lắm.
Muội cám ơn ý kiến của anh về chuyện làm sách nhưng thiệt tình muội không dám nghĩ đến đó đâu vì thứ nhất muội thiếu mọi điều kiện, thứ hai thời buổi nầy ít người chịu khó đọc sách (loại lăng quan8ng như kiểu muội hay viết), nếu muốn người ta lên internet đọc đở tốn hơn. Vì vậy một quyển sách riêng của mình, muội chưa từng mơ huynh ơi.
Muội đã chúc huynh và gia đình năm mới rồi, bây giờ xin gửi lại y chang như vậy nha huynh. Huynh gắng giữ gìn sức khoẻ.
Muội nghĩ về chuyện “sách báo” hơi…chủ quan đó! Thực tế, không vậy đâu! Văn hóa đọc vẫn có vị trí vững chắc của nó – đàu là ở trời Tây hay Đông! Điều quan trọng không phải “tốn kém” mà ở chỗ “Tác phẩm có đáp ứng được gì cho bạn đọc & văn học (nói chung) haykhông”! OK – Mong Muội mạnh giỏi để chuyến về thăm quê lần sau được “diện kiến” nhé!
Long huynh ơi,
Ông xã muội cũng nhiều lần kêu muôội gom bài làm 1 quyển sách, không cần in nhiều, chừng vài chục cuốn để dành cho bà con, bạn bè thân chứ không để bán (in bên đây), nhưng muội thấy tốn tiền nhà vô ích quá nên thôi. Hai lần muội được vô sách chung với các cô bạn văn bên Đức , bán tương đối khá chạy, trong vòng 1 năm đi vèo hết ngàn cuốn chỉ ở châu Âu. Sách in rất đẹp, đáng đồngb tiền bát gạo lắm huynh à. Chỉ có vậy thôi muội thấy cũng quá đủ rồi.
in ở VN rẻ hơn nhưng muội ở tận bên đây làm sao “khuân vác” về Ý mà không tốn kém, để ở bển thì ai lo giùm muội chuyện bán sách đây? Bởi những lẻ đó muội không dám mơ 1 quyển sách riêng của mình .
Chuyện về VN kỳ sau thì coi bộ hơi xa xôi vì từ khi con gáimuội lấy chồng ra riêng, con trai đi làm xa, nhà chỉ còn 2 vợ chồng già hủ hỉ, ông xã lại sợ nóng Vn mà không chịu về nên muội không nở để anh ấy lủi thủi 1 mình ở nhà trọn tháng. Lần về truớc không hội diện được cùng huynh và anh Bảo Định, bác sỉ DHN, anh Từ Sâm, Chế Diễm Trâm, Ái Duy, Cổ Tích & Đang Trình, Sáu Quỷnh, Cao thị Hoàng… là muội đã thấy hơi bị hụt hẩng rồi vì biết còn lâu lắm mới có lần về sau. Chắc phải để dì Tư Huỳnh Phương Linh về thế rồi lể lại cho muội nghe thôi.
Muội đã thấy hình huynh trong các bài cậu Hiển post trên trang xứ nẫu, huynh chắc cũng thấy hình muội trong buổi tiệc tại nhà cậu Sáu ta. Vậy thì cứ coi như anh em mình đã tương kiến thấy mặt nhau rồi đi huynh. Mọi sự để ông trời và ông xã mội tính giùm , hi hi,,,vì nếu ông xã muội chịu đi thì cơ may muội sẽ sớm về VN, ra tận miền trung kiếm huynh và tẩu mà đòi ăn món cá mắm đặc biệt anh kể hôm nào.
Chưa bao giờ muội viết dài như hôm nay, tại cảm kích tấm lòng của anh đồi với muội đó..
Muội kính lời thăm đại tẩu, chúc anh chị và toàn gia mọi an lành trong tháng ngày trước mặt.
Người hiền thì viết cái gì cũng hiền.
Rất sung sướng khi được Đông Dương tặng cho chữ hiền, hi hi..nếu bạn biết lúc Bếp hét mấy đứa nhỏ trong nhà Bếp dữ đến chừngnào thì bạn đã rút lại lời rồi. Nói cho vui, chứ thật ra bạn cũng hiền nên mới thấy Bếp và câu chuyện hiền đó.
Đông Dương và gia đình nhận giùm Bếp lời chúc hiền một năm an lành, hạnh phúc nghen.
Thích cái không khí nhẹ nhàng êm đềm trong truyện.
Cái không khí đó chỉ còn lại tyrong kýức, trong tiếc nuối một thời mà thôi Kim Phú ơi. Bếp cũng thích nên mới kể ra cho bạn và mọi người cùng chia sẻ đó.
Cámm ơn Kim Phú đã ghé, cho Bếp gửi lời chúc sớm bạn cùng gia đình một năm trọn vẹn an lành nha.
Bữa nay em mới có rảnh chút chút vô XN đọc truyện chị. Chị ơi, có thật là có một anh chàng Tiến yêu kiểu như vậy giữa thời buổi này không? Dù chuyện có xảy ra cách đây 15 hay 20 năm thì lúc ấy “bọn nhỏ” cũng yêu kiểu hiện đại và tốc độ rồi. Tuy nhiên, nhà văn có quyền hư cấu theo ý mình. Điều quan trọng là truyện rất hấp dẫn dù tình tiết không ly kỳ. Chúc chị vui như tết.
Hi hi..dì ba nó ơi,
Chuyện được góp nhóp , vá víu giữa thật và phịa nhưng nếu hỏi thì phải nói là tình tiết của “hai đứa” thuộc khung cảnh gần 40 năm về trước. 40 năm sau họ gặp lại vẫn không thay đổi cách nhìn dù đã thú thật nổi lòng thuở ấy cùng nhau.
Làm người viết vui ở điễm là muốn đặt đâu thì nhân vật phải ngồi đó , cưng cũng biết mà.
Cưng ở bển giờ nầy chắc đã lau dọn bàn thờ, chuẩn bị tết rồi phải không? Chúc sớm dì dượng và sắp nhỏ một năm nhiều tiếng cười, nhất là tiếng cười của thằng Tôm Càng nghen.
Giọng kể chuyện giản dị và đôi chỗ có tính thông tin của báo chí nhưng vẫn lôi cuốn người đọc theo dõi đến phần cuối. Cái cách ” yêu ” của anh chàng Tiến thật đáng chê , chị Ngọc Nga ơi. Thiếu lửa. HI HI.
Nói nhỏ cho Cổ Tíchnghe thôi nghen, ai nghe lén kệ thiên hạ. Cái anh chàng Tiến thật sự ngoài đời đến bây giờ vẫn còn chăn đơn gối lẽ, bị Cổ Tích chê cũng còn nhẹ, chứ bị nhỏ Ngọc giận mới là cực hình hơn đó. Nhưng nghĩ cho cùng họ không có duyên với nhau thì dù lữa có thiêu rụi mấy vạn gia cầm cũng không dậy nổi mối tình của họ Cổ Tích ơi. Thôi, cứ đổ thừa số mạng để đở tủi lòng nhau. Nhỏ Ngọc hiện đang tràn đầy hạnh phúc, thỉnh thoảng nhớ người xưa chỉ biết thở dài.
Cám ơn bạn hiền ghé bước, góp lời. Đã chúc nhau trong lần Bếp thăm Cổ Tích, chúc nàng cùng Ngựa Hoang lần nữa y chang như hôm nào nghen.
Thì tình yêu cổ điển mà…
Và một phần cũng tại người viết rất ư cổ điển, thường được bạn bè cùng sở ngày xưa đặt tên là cái bình cổ của bảo tàng viện đó Huỳnh Hoa ơi.
Có sớm lắm không nếu Bếp chúc bạn và gia đình một năm mới an lành, vạn sự như ý?
Chị tôi viết ”hiền”quá.
Người con gái Chánh Hưng.
Chị dấu cái dữ để làm bộ hiền đó Mạch đệ ơi, tin không? hi hi..đệ còm đơn sơ nhưng thâm thúy, chị cảm động lắm.
Đệ cùng gia đình ăn tết vui vẻ và nhận 365 ngày an vui chị chúc nghen.
Cách viết thật giản dị,nhưng cũng có cái để đọc,để cảm
Chắc chắn Minh Văn cũng là người giản dị rồi, bởi vậy mới cảm đuợc bài viết trên của Bếp. Kể như Bếp có một tri âm rồi, Bếp vui lắm MV à.
Cám ơn sự đồng cảm của bạn và xin chúc bạn cùng gia đình 365 ngày an vui, vạn sự cát tường nghen.
Em cũng kính chúc chị một năm mới nhiều may mắn,hạnh phúc.
Truyện không có những cao trào,nhưng đọc vẫn thích ,có lẽ người đọc được trở về với giọng văn cổ điển mà bây giờ ít người viết và ít thành công
Thường thường những người có tuổi như Bếp (hi hi..tránh chữ già) vẫn thích dùng lối viết cổ điển, Bếp cũng thế Nha Trang 68 ơi. Và còn tùy khả năng của mỗi người nữa, Bếp thiếu kiến thức, không có tính năng động, khá bảo thủ nên cứ theo lối cũ mà đi cho chắc ăn . Được bạn khích lệ Bếp hưng phấn lắm, Bếp hứa sẽ cố gắng sao cho mọi người không thất vọng với những rêu phong trong cách viết.
Cám ơn Nha Trang 68, chúc bạn và gia đình 365 ngày an lành, vạn sự như ý nghen.
Làng Chánh Hưng sau này phải ghi công chị Nga,người đưa rất nhiều địa danh Chánh Hưng vào văn học
Chèn ơi, đây là câu còm thiệt đáng giá ngàn vàng Minh Sơn tặng Bếp đó nghen. Ui chao, cứ tưởng tưởng nếu thật như vậy thì Bếp sung sướng và hạnh phúc biết chừng nào. Bếp còn nhiều bài về Chánh Hưng lắm đó, để từ từ Bếp cho Minh Sơn và bằn hữu xứ nẫu biết thêm về Chánh Hưng yêu dấu một thời của Bếp mới được.
Chỉ buồn là bây giờ Chánh Hưng không còn như xưa nữa, tất cả đã thay đổi, Bếp chỉ viết bằng ký ức hoài niệm mà thôi MS à. Biết làm saohơn khi cuộc sống nầy đâu chỉ có con người thay đổi mà cảnh vật cũng đổi thay nữa.
Bếp chúc Minh Sơn và gia đình ăn tết vui và một năm an lành, vạn sự cát tường nha.
Chánh Hưng giờ đâu còn như xưa nữa chị ơi,đã…quá vãng.
Đọng lại sau khi đọc xong câu chuyện vẫn là sự nhân hậu của nhân vật
Điều này khó lắm đó tác giả ơi
Đang Vũ thân mến,
Bạn nhận xét cũng đúng khi nhìn vào đa số nhưng không phải là không có được. Cứ theo lời Chúa dạy “Cứ tìm sẽ thấy”. Riêng Bếp tin lời Phật “ở hiền gặp lành” nên thường nghĩ mình cứ nhân hậu trước để nhận sự nhân hậu của đời .Đó không phải là sự trao đổi mua bán trong cuộc sống mà là sự “đồng tâm tương úng, đồng khí tương cần”. Đang Vũ nghĩ lại xem có đúng vậy không nghen.
Xuân đến bên thềm, xin gửi đến DV và gia đình lời chúc 365 ngày vạn sự an lành, như ý.
Dù có đau thương mấy đi nữa, thì tính cách hồn hậu
người Nam Bộ vẫn dầy và đặc trong truyện của Huỳnh nữ sĩ.
Chị Lê thị Định Tường thân mến,
Bếp thường thích đọc những lời còm của chị với các tác giả khác trên trang xứ nẫu nầy và biết chị là người rất nghiêm túc, bởi thế hôm nay được chị dừng chân ghé bước, Bếp hân hạnh lắm.
Bếp sẽ cố gắng hoài để xứng đáng là người Nam bộ như chị nhận xét nhưng chị ơi, cho Bếp xin hai tiếng nữ sĩ được không? Bếp không dám làm bộ từ chối để được tặng thêm lần nữa danh từ trang trọng đó vì hơn ai hết Bếp biết rõ khả năng mình. Cứ coi Bếp là một bà nội trợ thích tào lao kể chuyện mình, chuyện người, chuyện xa, chuyện gần để đừng quên tiếng Việt, để có cơ duyên liên hệ với bè bạn đồng hương, vậy cũng là quá đủ rồi đó chị.
Chị gật đầu cho Bếp vui nghen.
Cám ơn thạnh tình của chị, xin đáp lại bằng lời chúc chị và gia đình trọn năm mới an khang, vạn sự như ý.
Người viết chuyện hay, cảm động!
Chị Hai của em,
Đọc truyện ”Lời cuối của một loài chim”, em xúc động
và thương tấm lòng của chị.
Đang vào cao điểm bông tết, em lu bu nên không thể
nhiều lời với chị. Mong chị của em thông cảm.
Chúc chị và gia đình vui khỏe.
Út Hoàng ơi,
Biết Út bận lu bu mà vẫn cố gắng vào thăm chị, chị cảm động lắm, có đâu mà buồn cưng chuyện nhiều ít đôi lời. Ráng lo cho xong mấy vụ mùa tết nầy đi nhỏ, đừng để tía má rầy là mệt lắm đó nghen.
Hi hi..chuyện chị viết là chuyện phịa, cưng xúc động được là kể như chị nấu món ăn được “quét” sạch nồi rồi, vậy là thành công hén Út?
Chị kính lời thăm tía má, chúc Út và cả nhà ăn tết vui và một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt nhen.
Ngườo còm cũng tử tế làm người viết cảm động lắm Thanh cương ơi.
Cho Bếp đáp tạ bằng lời chúc lành trọn năm con Mùi nghen.
Truyện của chị đúng là như nhiều người nhận xét là dù có tan vỡ nhưng vẫn nhẹ nhàng,và đầy tính nhân văn
Chảo anh Sino,
Bếp vẫn nghĩ cuộc đời quá nhiều khó khăn, trắc trở, buồn hiều hơn vui nên ở những phút giây thư giản nên để mọi người thảnh thơi hơn vớì những chuyện ít nặngnề và đơn giản.
Cámm ơn anh đã ghé thăm , chúc anh và gia đình một năm an lành, vạn sự cát tường nha..
Viết dễ thương dù cái kết không được vuông tròn như dòng truyện ngắn của chị HNNga.
Tại lầnnầy Bếp muốn cho “tình chỉ đẹp khi còn dang dỡ” đó Người Nhơn Lý ơi, chứ nếu không, thét mọi người thấy bài của Bếp sẽ hết muốn đọc vì chưa đọc xong đã biết cuối củng rồi hoàng tử cũng cưói công chúa và hạ màn, hi hi..
Cám ơn thật nhiều những mỹ cảm về các dòng truyện nagắn của bạn dành cho Bếp nha. Để lần sau Bếp sẽ gửi bài loại …nữa chừng, nghĩa là không vuông mà cũng không méo mó chi hết,, nó rất tròn trịa nữa là khác.. Người Nhơn Lý đợi nghen
Cho Bếp gửi lời chúc bạn và gia đình một năm trọn lành, vạn sự như ý.
Cũng bởi vì có những quý ông như ông Tiến, ông Trí nhà tôi …. mà tôi phát động phong trào “bình quyền”.
Ổng không dám nói, thì mình nói. Tội gì phải cùng làm thinh chịu chết.
Đã có rất nhiều bạn bè, em út, con cháu được tôi khích lệ, đẩy đi tới trong trường hợp nầy. Tôi luôn khuyên cứ can đảm thành thật nói ra ý mình, nếu “bên kia” không dám nói trước. Đừng để bị thành kiến xã hội bắt phải ngoan ngoãn ngồi chờ cho ra nét “thục nữ khuê các”.
Cùng lắm, em nào có tâm sự mà không có can đảm bày tỏ với đối phương, cứ nói với bà già nầy một tiếng. Bà nói dùm cho. (cái danh hiệu “bà già” nầy là của “ông già” Vũ Thế Thành gán cho đó. Ngu sao mà tự nhận mình già!) (https://xunauvn.org/2015/01/28/nuoc-anh/comment-page-1/#comment-99727)
Dì Tư nó ơi,
Dì có công ăn chuyện làm mỗi ngày hai buổi đi về chưa mệt hay sao mà còn vào xứ nẫu tìm thêm việc làm vậy?
Các em, các chàu có nghe dì Linh nói không? Xứ Nẫu bây giờ có thêm người gỡ rối tơ lòng rồi đó
Nhưng nói thì nói cho vui vậy thôi, mỗi người mỗi tính và tơ duyên cũng do tâm tính thích hợp hay không mà thành cưng à. Có lẻ dượng Tư hợp với tính năng động của phái nữ nên cưng mới thành công chứ gặp nhằm mấy ông bảo thủ là mệt à nghen Linh.
Sửa soạn tết nhứt gì chưa mà lo gánh bàn thiên hạ đó cô nương?
Chúc dì dượng nó một năm Mùi thật nhiều hạnh phúc nghen.
Hay…nhưng …Chút chi tiết chưa thật chính xác ấy …giá mà chỉnh sửa có lẽ vẫn hay hơn.
Đổ Nguyễnn ơi, bạn đã tốt bụng cho Bếp biết bài có vài chi tiết chưa chính xác, sao không làm ơn cho trót nói rõ giùm chi tiết đó để Bếp biết mà chỉnh sửa lại cho đúng hơn.
Bếp là kẻ ở phương xa, chỉ nghe kể khúc đầu rồi vẻ vời khúc đuôi nên sai sót là điều không tránh khỏi. May mắn thay, trước có Kim Nguyên, giờ có Đỗ Nguyễn, hai bạn quả thật tốt bụng vô cùng nên mới thật tình cho Bếp biết có sự không hoàn chỉnh.
Ước mong các bằng hữu khác, nếu nhận ra điều gì cần chỉ điễm, xin vui lòng cho Bếp biết để Bếp học hỏi thêm. Chỉ tiếc là bài đã post lên rồi, sửa đổi lại cũng khó khăn nên Bếp đành vừa cám ơn vừa tạ lổi cùng các bạn về những điều chưa thật chính xác trên.
Mến chúc Đỗ nguyê cùng gia đình 365 ngày thanh an, hạnh phúc nghen.
Vẫn cách viết mang mác một nỗi nhớ quê hương,đọc xao lòng chị Nga ơi
Bếp chỉ mong Maimaiyeuthuong và các bạn nếu có thương Bếp thì cứ nhắc Bếp hoài về nỗi nhớ quê hương để Bếp đừng quá yêu quê chồng mà quên lối cũ là Bếp mừng rồi. Nay nghe bạn bảo là đọc xong thấy nao lòng, Bếp thích chí quá nên…tự đọc lại bài mình để …cám ơn Maimaiyeuthuong đây, hi hi..
Trước thềm năm mới, chúc bạn và gia đình vạn sự cát tường và mãi mãi thương yêu nghen.
Viết hay nhưng có lẽ có một chi tiết chưa chính xác lắm. Thời kỳ VN có dịch cúm H5N1,các loài chim nuôi đều bị tiêu hũy,nhưng lực lượng tiêu hũy thuộc đội vệ sinh phòng dịch có trang bị đầy đủ phương tiện để tiêu hũy chứ không phải thô sơ là bóp chết con chim như tác giả mô tả. Vài lời…xin lượng thứ cho
Kính mến
Kim Nguyen ơi,
Trước hết phải cám ơn những chi tiết bạn nêu để bếp hiểu thêm (chứ không thể điều chỉnh được vì bài đã lở viết và post lên rồi), đành nhận sự sai sót vậy.
Thiệt ra, Bếp có biết vụ diệt chim ra thế nào đâu, chỉ nghe chị bạn tên Xuân kể chuyện chim bay đầy trời miệt Long An lên rồi Bếp phịa ra mọi thứ để viết cho có bài thưởng công chị ấy đã tường thuật chi tiết lạ quê nhà thôi. Phải chi biết rõ cách thức diệt cầm, Bếp sẽ cho con két chết một cách nhẹ nhàng hơn…nhưng nếu vậy làm sao nó..Mô Phật được hở Kim Nguyên?
Đa tạ bạn lần nữa và chúc KNguyên cùng gia đình một năm vạn sự như ý nghen.
Ăm ắp hồn Việt trong truyện ngắn của chị HNN.
Bngan tặng một câu làm bếp cảm động vô cùng vì Bếp chỉ sợ sau hơn 30 năm sống nơi xứ người, Bếp bị “biến hóa” thì buồn lắm. Những lời của bạn làm bếpyên tâm rồi, cám ơn nhiều nha.
Trước thền năm mới, chúc BNgan và gia đình 365 ngày vạn an, hạnh phúc.
Truyện nào của chị cũng vậy,dấu ấn của miệt Chánh Hưng “ngàn năm thương hoài ” phải không chị ?
Khungcuahep nói một câu đi thấu suốt gan ruột của Bếp rồi. Đúng là Chanh Hưng thương hoài ngàn năm bạn hiền ơi.
Thúc dậybuổi sáng sớm đã mở hàng cho Bếp , Khung cuahep thật đang thưởng một chú Két kêu tên mình lắm lắm. Để Bếp tìm mua gửi bạn nghen.
Chúc bạn cùng gia đình một năm hạnh phúc, vạn sự cát tường.