Nguyễn Huỳnh
Tôi đang vui, nhưng vừa bước vào phòng đã phải giận sôi lên : “ Anh lại xốc tung cả giá sách của tôi lên nữa rồi! ”. Dễ có tới thứ một ngàn lẻ một, thừa lúc tôi đi vắng anh tôi đã đột nhập “ Khuê phòng” của tôi lục tung tất cả đồ đạc trong phòng, điều mà tôi rất ghét. Anh tôi vừa cười vừa bảo : “ Ơ… mày có lấy con dao cạo râu của tao không?”.
Hai anh em chúng tôi cùng nghề giáo, cùng dạy một trường, cùng ở một phòng tập thể được ngăn đôi bằng những tấm ván ép. Tôi không hiểu sao mấy tháng gần đây, can cớ gì anh tôi cứ lén vào phòng tôi lục lội tìm kiếm cái gì đó, bất chấp sự cự nự ra mặt của đứa em gái. Tôi dạy văn, anh tôi dạy toán. Những công thức của anh tôi chẳng ăn nhập gì với câu chữ của tôi cả. Có lần tôi bắt gặp anh đang ngồi đĩnh đạc xem nhật ký của tôi, tôi đã không dằn được hét toán lên : “ Trời ơi là trời ! Anh không biết xấu hổ à!”. Anh tôi vẫn cái kiểu cười cười bảo : “ À…ạ, tao xem thử mày có ăn cắp thơ của tao không.”. Trời đất, anh tôi làm thơ, còn tôi lấy con dao cạo của anh!.
Tôi nói là tôi đang vui vì chiều nay tôi và Đăng gặp nhau. Tôi quen Đăng qua Câu lạc bộ làm quen trên báo. Chuyện này trở thành đề tài chế nhạo của anh tôi. Anh cầm tờ báo, nghiêng đầu ngâm nga : “ Hoàng Hải. Thiếu nữ xế xế chiều. Ưa thích văn chương…”, rồi bảo : “ Có ma nó mới chịu tốn giấy mực cho cái khoản tự đặt ra xế xế của mày!”. Một tháng sau, tôi đặt xấp thư lên bàn trước mặt anh, đắc thắng : “ Đúng hai mươi mốt con ma!”. Anh chẳng thèm nhìn, phán :” Đồ cha vơ chú váo !”.
Trên nửa tháng nay những cánh thư từ bốn phương lần lượt bay về cái thị trấn nhỏ miền núi này. Từng đêm, trước khi ngủ tôi bóc thư ra đọc và khoan khoái hình dung về chủ nhân của nó. Thôi thì muôn hình vạn trạng. Rồi tôi cũng phải chọn ra một lá thư nào đó để hồi âm. Tôi chọn Đăng. Nét chữ Đăng đẹp, không nắn nót, lới lẽ không vồ vập nhưng quan tâm. Đặc biệt là Đăng chép tặng tôi một bài thơ mà tôi hằng yêu thích. Với lại Đăng cũng là giáo viên, người ở thị xã gần đây. Đăng viết : “ Tôi cao và ốm. Nếu Hải đi bên tôi sẽ có cảm giác đi bên chiếc đinh mười phân.”.
Thư từ qua lại, tôi đề nghị Đăng gửi cho tôi một tấm ảnh. Chờ cả nửa tháng sau mới thấy thư của Đăng. Tôi hồi hộp kéo tấm ảnh ra khỏi bì thư : Một khuôn mặt khá điển trai, nếu không có bộ ria mép quái quỉ và chiếc kính mát choáng gần nửa khuôn mặt. Đăng viết :” Không có tấm ảnh nào mới tặng Hải, đành phải gửi tấm ảnh chụp hồi còn mê truyện trinh thám.”. Tôi háo hức chìa cho anh tôi, bảo: “ Đồ cha vơ chú váo nè!”. Anh nhìn, khùng khục trong cổ rồi cười phá lên. Anh cười lăn ra giường, chảy cả nước mắt. Tôi cho đó là cách anh nhận mình thua cuộc.
Tôi muốn được thấy Đăng, có lẽ để khẳng định thêm khi Đăng không đeo kính và để râu. Tuần sau tôi lại nhận thư Đăng : “ Hải xuống thị xã chơi. Nhân đó chúng mình gặp mặt, và anh sẽ giới thiệu gia đình của anh” . Điều này thì tôi dễ dàng chấp nhận , nhưng “ Để thêm phần thi vị và thơ mộng cho buổi tao ngộ đầu tiên, chúng ta hẹn nhau tại công viên thị xã, dưới tượng đài vào lúc …”, thì tôi còn phải xem lại đã . Nhưng rồi cái tính lãng mạn của tôi đã đồng lõa với cách hẹn hò của Đăng.
Chiều mai là tới hẹn. Tôi dự định mượn chiếc cúp của anh tôi đi cho tiện, nên cho dù rất giận tôi cũng giả lả : « Mai anh có lấy xe đi đâu không ? » .Anh hỏi trổng : « Chi ? ». « Em mượn ». « Đi đâu ? » . Tôi không giấu :« Đi thị xã ». Anh tôi láu lỉnh : « Xong rồi hả ? ». Tôi đỏ mặt. Anh lại bảo : « Chở thằng Thời đi theo thì tao cho mượn , không thì … » Tôi ngoe ngoẩy bỏ đi, quyết định đón xe đò.
Thời dạy cùng trường, bạn anh tôi. Hắn nhút nhát,lại cằn cỗi như cái dấu tích phân của hắn. Hai năm trời hắn chẳng nói năng gì, chỉ trố mắt nhìn đủ kiểu. Sau hắn gửi cho tôi vỏn vẹn ba chữ : « Anh yêu em ! » cứ như là tiên đề ! Việc tán tỉnh dường như hắn giao lại cho anh tôi. Vậy nên chuyện mượn xe của tôi không thành, tôi càng ghét hắn hơn.
Chiều công viên thị xã im vắng. Tôi thấp thỏm đứng ngồi không yên, đã quá giờ hẹn mười phút mà Đăng vẫn bặt tăm. Tôi đâm ra giận mình đã quá dễ dãi để lâm vào một tình cảnh lố bịch : Một cô gái thơ thẩn trong công viên vắng ! Đúng lúc tôi thất vọng định bỏ về thì Đăng xuất hiện. Và thật quá quắt vẫn nguyên cả kính và ria mép như trong ảnh ! Tôi quên phắt chuyện trễ hẹn, sự giận dỗi của tôi đổ dồn vào bộ ria và đôi kính : « Anh vẫn còn mê tiểu thuyết trinh thám à ? ». Đăng cười, đưa tay gỡ kính, bước lại gần tôi : « Vì anh là nhân vật chính mà ! ». Tôi ngớ người, trong buổi chiều chạng vạng, khuôn mặt Đăng chính là « bản mặt » của Thời. Liền đấy, trong đầu tôi giải ra dần những khúc chiết của cái gọi là « cuộc tình trinh thám » của hắn, đồng thời trong tôi dâng lên một tình cảm khác lạ, nó vừa xuất hiện đã lập tức thành hình như tất cả mọi yếu tố đã phục sẵn từ lâu trong tôi. Tôi vừa ghét vừa thương cái tình cảm ấy như một kẻ phản trắc nhưng đã láu lỉnh không phản bội lại tôi trong thực chất. Và tôi không kềm được, đã gục đầu vào vai Thời toan khóc.
Chợt có tiếng xe quen thuộc thắng kít lại trước mặt. Tôi ngẩn đầu lên, anh tôi đang toét miệng cười : « Đồ lãng mạn kia, bây giời mày rõ tao lục lọi phòng mày làm gì rồi chứ ? ». Tôi hét lên : « Đi đi ! đồ gián điệp ! ». Anh tôi phóng đi. Tôi quay lại, và lần này tôi đã thành công , không ai quấy rầy những giọt nước mắt của tôi nữa. Thời ôm vai tôi, nhẹ nhàng hỏi : « Sao em đi tìm tình yêu xa xôi làm chi vậy ? ».
Nguyễn Huỳnh
Chuyện như “Tuổi Mười Lăm, Mười sáu” hay “Tuổi Hồng”, nhẹ và dễ thương quá anh Nguyễn Huỳnh ơi. Thêm nhạc Phạm Duy vào nữa là đúng điệu bầu cua cá cọp dành cho tết rồi.
Cuối ngày,đọc chuyện nầy,tối ngủ chắc Bếp chiêm bao thấy lại thời mới hẹn hò bồ bịch quá.
Cám ơn anh nghen.
Già rồi nhưng đọc “Gã gián điệp dễ thương” thấy dễ thương quá@
Đời cần lắm những phút giây nhẹ nhàng như thế
Truyện ngắn gọn, nhẹ nhàng mà chất tình sâu lắng, thật hay!
Lâu lâu đổi món cho bà con “thư giản” hả anh Nguyễn Huỳnh?
Chúc vui.
Cảm ơn anh. Có khi sự nhẹ nhàng hóm hỉnh cần thiết hơn nhỉ?
Kỳ này anh Nguyễn Huỳnh viết quá nhu mì,có hậu,không gai góc như những truyện trước.
Cảm ơn vì đã được khen nhu mì.
Anh Nguyễn Huỳnh ơi,
Nhân vật Thời của anh đã nhắc em:
”Sao em đi tìm tình yêu xa xôi chi vậy?”
Điều ấy, rất hay đối với em.
Chúc anh vui.
Chỉ một lần hé mắt nhìn đêm
Em sẽ thấy một rằm xuân quỳnh nở.
( Hãy hé mắt nghía anh hàng xóm thử nhé)
Mình đôi khi lại thích những chuyện ngắn đơn giản mà trong sáng như thế này. Đọc nhẹ đầu.
Quá xá sức là dễ thương. Rất cám ơn tác giả.
Hằng ngày tôi thường gặp nhiều điều phải đương đầu, tìm vào đây là để được thanh thản trong giây lát. Với ước mong nầy thì bài của tác giả thật là đã gúp tôi.
Tác giả chọn đề tài rất bình thường, còn có thể đã được xử dụng trước rồi, lại viết đơn giản, nhưng vẫn làm tôi giựt mình: Đừng bận tâm lo chuyện bao đồng mà bỏ quên niềm vui, hạnh phúc vốn ở ngay bên cạnh.
Một lần nửa, xin cám ơn tác giả.
Huỳnh Phương Linh
Cảm ơn cảm nhận của HPL
Cách viết rất khác với những câu chuyện của Nguyễn Huỳnh mà mình đã được đọc.
Cách viết vẫn vậy chỉ có khía cạnh đơn giản, gọn nhẹ.
Viết dễ thương.
Vì mãi mãi yêu thương
Tôi xin phép được mở hàng cái truyện ngăn ngắn và dễ thương này. Ở một buổi sáng nào đó tự nhiên thèm một chút ngọt ngào của sữa vào trong ly cà phê đen đắng nghét thường nhật, hoặc ở một lúc nào đó bất chợt soi thấy những vết bầm dập trên người theo năm tháng, và tham lam hơn nữa là cái chạm tay vào một ly nước trong veo, thì câu chuyện này có đủ vị ngọt và mát của liều thuốc xoa dịu vậy. Nó hơi ngô nghê, dễ dãi, nhưng nó lại làm cho người ta dễ cảm…Cảm ơn Nguyễn Huỳnh.
Cảm ơn Ngô đình Hải, tuy nhiên chưa bao giờ tôi cho phép tôi viết dễ dãi.
Tôi xin lỗi. Câu đó tôi viết cho nhân vật trong truyện bằng cảm nhận của riêng mình, chứ không phải cho người viết. Mong anh Nguyễn Huỳnh hiểu và thông cảm cho. Cảm ơn anh. Chúc anh một ngày vui.
Không sao, chúc buổi tối vui nhé