Cao Thị Hoàng
Nhà Bọ Hung lo sốt vó.
Không hiểu từ lúc nào, con người biết phân biệt và sử dụng thành thạo cứt và phân trâu vào việc hữu ích cho mình.
Thấy chồng buồn bực, Bọ vợ khuyên lơn, an ủi:
– Trâu tràn đồng, mình lo gì hết cứt, hết phân?
Nói xong, vợ Bọ Hung suy nghĩ: Cứt với phân cũng là cứt, phân biệt chi cho mệt.
Nhìn vợ đăm chiêu, Bọ Hung đực xòe cánh bay đến bên vợ.
– Tui biết mình nghĩ gì, nhưng nghĩ như thế chưa đúng.
Để vợ rõ hơn, chồng cắt nghĩa: Trâu thải chất thải qua lỗ đít, gọi là ỉa. Và, ỉa ra chất thải, gọi là cứt. Thời gian mưa nắng, cứt biến thái, gọi là hoai. Và, cứt hoai gọi là phân. Cả một quá trình không giản đơn như mình nghĩ.
Chồng trầm ngâm, rồi nói tiếp:
– Con người vốn dĩ thông minh và phức tạp, nên càng phức tạp và thông minh khi sử dụng cứt và phân trâu. Một cuộc chiến tranh giữa ta và người về cứt và phân trâu, có thể xảy ra lắm chứ? Tại sao không?
Vợ nghe chồng nói thế, sợ quá:
– Mình ơi, em sợ chiến tranh lắm! Cái ác sẽ nhân danh cái thiện để dựng lên tượng đài thần chết. Nhưng em không hiểu, đã là người họ cần chi đến cứt và phân trâu?
Chồng chậm rãi giải thích:
– Suy cho cùng, ai cũng vậy; lợi ích là trên hết. Cứt và phân trâu mang đến cho người nhiều thuận tiện và lợi ích. Ví như, đầm những chỗ đất gồ ghề trên mặt sân cho bằng phẳng, đổ nước trộn cứt trâu sền sệt và dùng chổi quét làm sân phơi lúa; quét kín khe hở manh bồ vừng lúa; quét vách đất cho sạch và giữ ấm những đêm trái gió trở trời. Đồng thời, mùi cứt trâu xua đuổi muỗi. Phân trâu thuộc dạng hữu cơ, họ rải ruộng, bón rau màu không độc hại như phân vô cơ, gây nguy hiểm chất lượng sống con người và ô nhiễm môi trường sinh thái…Dại gì, họ không sử dụng cứt và phân trâu trong cuộc sống.
Nghe xong, vợ đổ quạu:
– Đến cứt, người cũng giành giựt với ta?
Chồng can lời gay gắt của vợ:
– Việc gì cũng có hai mặt, sao mình vội nói thế? Biết đâu, mất rồi sẽ được nhiều hơn!
*
* *
Khỉ Đột quậy Thiên cung đòi danh phận, Trời lúng túng; Tiên, Thánh hãi kinh. Bọn giá áo túi cơm bày Trời dùng kế gian xảo với khỉ Đột: Giao chức giữ ngựa! Trưởng cấm vệ quân can gián. Bởi, sự gian xảo, dối trá chỉ có ở bọn ma quỷ. Trời không thể có. Và rồi, một khi con khỉ Đột biết mình bị lừa, bị hạ nhục; ắt sẽ ” nộ khí xung thiên” mà đại náo Thiên cung. Chừng ấy, oai trời chẳng còn thể thống gì và niềm tin cũng lấm lem lấm luốt. Chi bằng, lấy đức độ cảm hóa, lấy chân thành khoan dung; biết đâu khỉ Đột thành hiền giả.
Thái Thượng lão quân tay cầm phất trần, tay vuốt chòm râu bạc đuôi nheo, miệng tủm tỉm cười:
– Thằng nhỏ nầy, không biết trời cao đất dày, dám chạm tay vào đấng tối cao quyền lực. Rồi họa sắp đến đây!
Trời sa sầm nét mặt:
– Ngươi biết gì mà xía vào, nói leo? Kể từ hôm nay, ngươi không còn là Trưởng cấm vệ quân, chờ lịnh ta phân công khác.
Bọn Thần giáo sĩ Thiên cung toa rập nịnh hót và xúi giục Trời đày nguyên Trưởng cấm vệ xuống trần gian. Có những vị Tiên thấy tình cảnh của Trưởng cấm vệ cảm thương, xin Thái Thượng lão quân can thiệp. Thái Thượng lão quân cười ruồi:
– Ý Trời đã vậy thì đành vậy, cưỡng lại nghịch đạo. Lão phu không dám! Không dám!
Một hôm, Trời nóng nực ngứa ngái; sực nhớ chuyện Ngưu Ma Vương hủ hóa vợ người, bị đày xuống cõi trần mần kiếp trâu, giúp con trời cày bừa tạo ra lương thực. Tuy cực nhọc, đầu tắt mặt tối, nhưng trâu không được ăn hạt ngọc của trời – cơm gạo – mà chỉ ăn rơm rạ, rau cỏ. Một bận ăn, một bận nhơi khi nghỉ ngơi. Trâu ỉa cứt thành bãi bất kể nơi đâu, gây dơ bẩn và ô nhiễm môi trường. Năm nào, Táo về chầu Trời đều kiến nghị xin Trời cử một vị Tiên, Thánh đến trần gian thu gom sạch cứt và phân trâu. Táo xin, cứ xin. Trời nín thinh, cứ nín thinh. Nhưng, năm nay thì lại khác, Trời chuẩn tấu lời thỉnh cầu của Táo, cho trần gian một vị tướng quân đã từng kinh qua Trưởng cấm vệ. Táo mừng húm, lạy tạ ân đức Trời ban!
Nguyên Trưởng cấm vệ nghe qua choáng váng, sững sờ và chết cứng. Mình đường đường một tướng quân, sức mạnh ”dời non, lấp biển” mà cam tâm đi hốt cứt? Vừa định phản ứng,Trời sai Lý Tịnh dùng ”Cái tháp” chụp nhốt nguyên Trưởng cấm vệ và lịnh Dương Tiễn dùng Chó Ngao hù dọa. Từ trong lòng tháp vang lên tiếng kêu thảm thiết: ”Tội thần, tội thần lắm! Trời ơi…”. Trời lạnh lùng và phế thải công thần, dù vị công thần đó từng vào sinh ra tử, từng cai quản quân cấm vệ.
Khi Lý Tịnh thu tháp về và chó Ngao bỏ đi, nguyên Trưởng cấm vệ biến thành loài Bọ cánh cứng, với thân hình thô thiển: Đầu nhọn hơi cong, đội cái sừng dạng như cái xẻng vững chắc, cặp râu nghễnh ngãng đánh hơi, dò đường. Đôi cánh như áo giáp che chắn phần trên ngực và bụng, nhằm chống đao thương kẻ thù. Sáu cái chưn giúp vò cứt trâu thành viên và kéo đi chôn. Trời ban cho cái tên gọi: Bọ Hung! Và phán rằng, khi nào cõi trần hết cứt trâu thì về. Ai nấy, đều khiếp đảm, lắc đầu rơi lệ!
Bọ Hung đứng lần khân nơi cảnh giới, thầm nghĩ: Nghìn trùng xa cách, đời Bọ như bóng nắng chiều, bao giờ trở lại? Thình lình, sấm sét nổ long trời, Bọ Hung rơi tự do và rớt ngay bãi cứt trâu trần thế. Tỉnh dậy, Bọ nhìn thấy vợ con, dòng tộc, hóa kiếp thành bọ hung; đang nhủi đầu ăn cứt và chạy giỡn. Giờ đây, quê hương và cuộc sống của Bọ dính liền cứt và phân trâu.
Bất luận ngày đêm, nhà Bọ bay đi bay lại tìm đống cứt trâu tươi để hốt, dọn. Nhiều lúc khó nhọc, bực tức: Mẹ kiếp, tụi trâu nó ăn cái giống gì mà ỉa cứt nhiều không chịu nổi? Nói thì nói vậy, chứ trâu có ăn cái giống gì đâu; quanh năm suốt tháng, người ta bố thí cho ba cái cỏ dại ngoài đồng, mấy cái bã rơm rạ xây thành cây. Còn làm, thì làm run giò run cẳng, làm bỡ hơi tai; làm đến đổi người đời ví nên câu thành ngữ: ”Làm như trâu”. Càm ràm vậy thôi. Bọ dùng cái xẻng ở đầu hì hụp xúc phân ướt lẫn đất ẩm gộp lại, vo cục tròn như viên bi. Chồng ở phía trước, lấy chân sau đạp cục phân về phía sau theo kiểu bò lùi lại. Cục phân càng lăn, càng lớn. Vợ ôm miết cục phân giữ cho khỏi rã, mặc sức chồng đẩy mồ hôi mồ kê chảy ra nhễ nhại. Đến lúc chọn được địa điểm thích hợp, vợ chồng Bọ dừng lại; vừa quẹt mồ hôi, vừa tủm tỉm cười tình tứ. Sau đó, chồng lui cui đào đất dưới chỗ cục phân thành lỗ và cùng vợ đẩy cục phân rớt ngay chóc lỗ; chồng vểnh cặp râu nhổng lên nhổng xuống. miệng kéo qua kéo lại, hát:”…Một trăm phần trăm, em ơi! Chiều nay, một trăm phần trăm…”, rồi lấy chưn khều đất lên miệng lỗ lấp sơ sài.
Không biết vì cặp râu của chồng nhổng lên nhổng xuống, hay vì lời hát quyến rũ ”…Một trăm phần trăm, em ơi! Chiều nay, một trăm phần trăm…” mà vợ Bọ Hung hứng tình? Vợ xách đít bò tete đến miệng lỗ, tự lật thân nằm bật ngữa nửa trên nửa dưới, chờ đợi! Hiểu ý, chồng sà lên mình vợ…Bốn cái râu mơn trớn, vuốt ve và quấn quíu; mười hai cái chưn bấu nhau rướm máu chớ chẳng phải chơi! Khi vợ chồng buông ra, thì trứng đã xịt vào lỗ. Chồng bay đi, vợ ở lại tẩn mẫn và cẩn thận lấp lớp đất lên mặt lỗ dày bằng với mặt đất, để không kẻ nào biết mà hại đến con. Và, cục phân vợ chồng vừa chôn, chính là miếng ăn đầu đời chuẩn bị dành cho những đứa con non. Cứ thế, vợ chồng Bọ Hung lấy nhau nhiều chỗ, xịt trứng và lấp lỗ cứt nhiều nơi; hòng đề phòng bọn Rít moi lỗ ăn trứng nơi nầy thì còn chỗ khác.
Đông qua, xuân lại bao lần. Đời đời, kiếp kiếp…nhà Bọ chuyên ăn cứt, sống cùng cứt, chí thú hốt cứt chôn…Những mong một ngày không xa lắm, trần gian hết cứt, nhà Bọ sum vầy cõi trời như Trời đã hứa.
Một hôm, đang cùng vợ ì ạch thở muốn đứt hơi, lôi cục cứt từ chuồng trâu Lão Đại qua hàng rào bông bụp. Bỗng nghe tiếng người cười nói rôm rả,
Bọ dừng chưn nghỉ mệt và nghễnh tai nghe lóm.
Tiếng người trẻ nói:
– Dạo nầy, không biết lũ Bọ Hung ở đâu bay về nhiều quá trời, quá đất? Mình mẩy dính cứt đái và hôi thúi chịu không nổi.
Có tiếng mụ đờn bà:
– Thì anh đập cho nó chết!
– Mần sao dám đập? Đập một cái chưa chắc Bọ Hung chết, cứt đái văng tùm lum, mình lãnh đủ!
Tiếng cụ già can ngăn:
– Ý đừng đập! Tụi bây tuổi nhỏ không biết đó thôi. Bọ Hung gốc tiên cai quản mấy chục ngàn thiên binh cấm vệ trên trời. Mắc trọng tội, Trời đày xuống cõi trần ăn và hốt sạch cứt trâu mới được trở lại cõi trời đó!
Tiếng mụ đờn bà:
– Kể cho tụi cháu nghe đi ông.
*
* *
Chồng biếng ăn biếng làm, mặt buồn dào dào sau khi nghe cụ già kể chuyện sai bét về mình. Vợ lo rầu, chẳng hiểu ất giáp gì đã xảy ra.
– Mình ăn đỡ miếng cứt trâu vừa mới ỉa cho lại sức. Nó còn nóng hổi, mình ăn đi kẻo nguội.
Nắng trưa hè oi bức, bầy trâu đùn xuống vũng tránh nóng và nhơi lại thức ăn, miệng xì nước bọt trắng hếu. Chồng nghiêng mình, ló đầu ra bãi cứt nhìn chầm chập lũ trâu đang đập đuôi, nước bắn tung tóe. Chồng tự hỏi: Bao giờ tụi bây ngưng ỉa cứt, để tau về? Mà cũng dị hợm thật, chuyện mình bị Trời lưu đày và biến thành Bọ Hung rõ ràng như vậy, ấy mà bọn ”mặt dày tim đen” chốn thiên đình thêu dệt, bày vẽ đến người đời rằng: Thuở đó, Người và Trời còn ở gần nhau, ngày đêm Người giã gạo gây chấn động không gian làm điếc con rái Trời. Trời sai ta truyền lịnh đến Người bớt phần ăn để giảm chấn động do giã gạo. Khẩu dụ: ”Ngày ăn một bữa, mỗi bữa ba lưng”. Ta vốn đãng trí, mau quên hay líu lưỡi nói liệu, nên vừa đi vừa nhẫm đọc khẩu dụ. Người nghe được, núp rình và hù dọa ta ở ngã ba gò mã trâm bầu, giựt mình ta điếng hồn quên tuốt luốt khẩu dụ của Trời. Ta nài nỉ ỉ ôi năm lần bảy lượt, Người mới chịu nhắc nhớ câu khẩu dụ: ”Ngày ăn ba bữa, ăn lặt vặt không tính”. Xong việc, ta về. Không ngờ Người xạo sự, ma mảnh sửa khẩu dụ nghịch ý chỉ của Trời, càng ngày Người càng giã gạo liên tu bất tận hòng đảm bảo ba bữa ăn trong ngày. Trời chịu chẳng thấu, dời chỗ ở cách xa con người đến nơi vô cùng. Ta bị Trời trừng phạt xuống trần gian làm thân Bọ Hung ăn và hốt cứt. Bởi, con người ăn nhiều ỉa nhiều. Có con nào ăn mà không ỉa?
Chồng kể lễ dứt lời, vợ phì cười:
– Nhiêu đó, mình bỏ ăn bỏ ngủ. Theo thiếp, chẳng qua Tiên, Thánh nhận rõ việc Trời đối xử kẻ trung thần không phải đạo, bèn nói trại câu chuyện Bọ Hung để giữ thể diện và cái uy của Trời. Nếu sự thực được phơi bày thì Trời còn gì là Trời nữa. Trời mất tín, vạn vật chúng sinh biết tin vào đâu? Đại loạn! Không thấy mà tin thì mới tin. Mình từng giữ chức phận Trưởng cấm vệ, từng thấy và gần gủi Trời; bảo mình tin mần sao mình tin được. Thôi, bỏ cái tiểu sự để giữ cho được cái đại sự. Lỗi tại mình hay lỗi tại Trời, thì mình cũng đã là Bọ Hung.
Lời vợ nói khiến chồng bớt cơn sầu muộn và ngộ ra: Thực tế khác xa điều suy nghĩ, người cố dùng suy nghĩ để giải thích thực tế và cứ thế xoắn theo đường trôn ốc, không điểm dừng. Từ đó, hình thành nhiều luận thuyết, lập phái chia phe. Rắc rối tại Trời, đơn giản tại Trời!
Sực nhớ chuyện thê, thiếp; chồng rầy vợ:
– Mình không phải thiếp, mà là thê của ta. Người đời thường nói ”trai năm thê, bảy thiếp”. Câu nói ấy chưa chuẩn. Kẻ làm trai, dù đấng quân vương cũng chỉ có duy nhất một thê. Một thê đó, có khi là ”mẫu nghi thiên hạ”. Đã là thê, ngay lúc luyến ái cũng phải giữ phép tắc, nên chuyện gối chăn thê không thể chìu chồng tới bến. Để chồng thỏa mãn dục tình, thê cho chồng có thiếp và tỳ. Thiếp trên bậc tỳ. Thiếp và tỳ giở đủ ngón mây mưa hết lòng phục vụ chủ nhân. Thiếp và tỳ không được cất nhắc lên bậc thê và cũng không có quyền gọi chủ nhân là chồng.
Vợ dùng cái xẻng trên đầu thúc vào mông chồng nghe một cái cốp:
– Mình mại hơi em để cõng thêm thiếp, tỳ?
Hai cọng râu của chồng vuốt ve lưng vợ:
– Thân sống lẫn cứt, ai can đảm làm thiếp, tỳ với tui mà mình lo!
Vợ chồng Bọ Hung ôm nhau cười nức nẻ.
Nhà Bọ bằng lòng với công việc Trời giao, có khi thấy vui và hạnh phúc. Quen mùi hôi thúi đống phân bãi cứt hơn sự thơm tho hoa lá nhà trời. Công việc của Bọ Hung cứ thế mà làm. Rồi một ngày, nhà Bọ phát hiện chuồng trâu thưa dần, phân trâu giảm sút, trên đường làng vắng những bãi cứt trâu và tiếng nghé ngọ kêu chiều. Dường như, con người đã thay đổi cái gì đó trong cách canh tác ruộng lúa của mình. Bọ Hung hoang mang, lo lắng. Hỏi vợ:
– Chuyện gì đã xảy ra vậy mình?
– Chiều qua, đám con bay ra đồng chơi trò cút bắt, chúng trốn trong cái bụng con quái vật bằng sắt, to lớn khiếp lắm. Người bảo nhau: Đó là máy cày, thay thế trâu. Nghe đâu, sắp tới từ việc cày bừa, gieo hạt, đến gặt đập, vận chuyển lúa đều do máy móc đảm nhận. Thậm chí, người máy sẽ xuất hiện thay nông dân giải quyết từng khâu sản xuất nông nghiệp. Một sự tiến bộ không thể tưởng của con người.
Chồng nói bâng quơ:
– Có lẽ, Trời cũng chẳng lường sự thể!
Vợ cãi lại:
– Khi Trời ban riêng loài người cái ”tôi tư duy”, thì Trời cũng ngừa cái ”tôi phản bội” có thể xảy ra, nên gắn liền với nó là sự hạn hữu.
Chồng nói như khẳng định:
– Người phát minh máy thay trâu, thì người cũng sẽ chế biến cứt và phân trâu để sử dụng. Mình còn cứt gì ăn và còn cứt đâu mà sinh sản?
Giờ thì, Bọ Hung mới thấy cứt đối với đời sống của mình quan trọng dường nào. Song, các con và dòng họ Bọ Hung mừng ra mặt. Bởi, trần gian hết cứt trâu, nhà Bọ bồng bế nhau về trời, như năm xưa Trời đã hứa.
*
* *
Đêm trần gian qua nhanh. Cuối canh năm, tiếng gà đập cánh gáy vang báo hiệu một ngày mới.
Vợ nằm nướng, thỏ thẻ cùng chồng:
– Hồi trước, em thường nói: Đến cứt, người cũng giành giựt với ta? Giờ nghĩ lại, em mắc cỡ và thầy đầu óc mình hết sức bậy bạ! Người vì lợi ích của mình, đã vô tình giúp ta dọn dẹp sạch cứt và phân trâu. Bằng trí tuệ của mình, người chế tạo máy thay trâu và trâu lần hồi biến mất cõi nhân gian. Và, Ngưu Ma Vương nhờ vậy mà sớm về trời. Mình ơi, rồi mình cũng sẽ có cơ hội trở về nơi xuất phát mình đi.
Mùi cứt trâu thơm hoa đồng cỏ nội, thơm rơm rạ lần bùn sình ở chốn quê. Mất mùi cứt trâu, là mất đi hương vị làng mạc, mất đi sự êm ả thành bình nơi điền dã mến yêu. Thực tế, hết cứt trâu thì nhà Bọ quay về cố hương thôi. Dẫu rằng khi ở cùng cứt, Bọ không là cứt. Nhưng khi Bọ đi, cứt vướng díu trong lòng.
Hôm chia tay cõi trần, Thành Hoàng căn dặn:
– Dù cõi Trời hay cõi trần: Tình, tiền, quyền cũng na ná nhau. Chỉ khác nhau cách hành xử và thủ đoạn. Trong ba thứ ấy, quyền là nguy hiểm nhất. Quyền toàn năng và vô hạn sẽ gây nghiệp ác tận cùng. Trước mặt Trời và tiên thánh, ngài cẩn trọng và cẩn ngôn. Nếu không, chuyến trở về trời lần nầy lành ít dữ nhiều!
Mùi xú uế xông nặc nồng khắp đường trời. Nhà Bọ Hung đến đâu, Tiên – Thánh – Thần đều lầy tay bụm mũi miệng lẫn tránh. Thái Thượng lão quân chặn Bọ Hung trước cổng Thiên cung. Rằng, chưa có lịnh Trời, ngài chưa thể khứ lai! Vả lại, thân thể ngài hôi hám, dơ dái thế nầy; sao ở được nơi thanh tao quyền quý? Ta khuyên ngài an phận và thức thời, lui bước quay lại trần gian, sống nơi ngài từng trải sống.
Bọ Hung giận, miệng ọc cứt trâu tuôn ra lênh láng, thúi um chốn thâm nghiêm cõi trời. Đờn bà con gái thuộc phường tiên nữ phục vụ Trời thất kinh cháy tán loạn. Đờn ông con trai thuộc hàng phẩm trật tiên thánh, tưởng Tề Thiên Đại Thánh vác thiết bảng trở lại đại náo Thiên đình lần nữa, vội vàng ”cao bay, xa chạy” khỏi Thiên cung, bỏ mặc Thái Thượng lão quân đứng chết trân chịu trận.
Bọ Hung quắc mắt, gằn từng tiếng:
– Ta hỏi lão, Trời đâu?Trời đâu?
Thái Thượng lão quân phe phẩy phất trần, đáp:
– Ngài không biết vũ trụ đã vào đông. Trời cùng một số tiên nương đi tránh đông và du hí miền Tây vực. Ta tạm thời xử lý thường vụ nơi đây!
– Chắc lão chưa quên ngày đó, Trời hóa kiếp ta thành Bọ Hung và đày xuống trần gian ăn cứt, hốt cứt trâu. Trời hứa rằng: ”Khi nào cõi trần hết cứt trâu thì về!”. Nay, Ngưu Ma Vương mãn án phạt đã về. Trần gian vắng bóng trâu. Trẻ con gần như hoàn toàn không biết mặt mày, hình dáng con trâu. Người lớn biết trâu qua hoài niệm. Cứt trâu hết sạch. Ta có đủ tư cách trở về, lão dám cản ta?
Thấy sát khí đằng đằng trên khuôn mặt Bọ Hung, lão đấu dịu nhằm kéo dài thời gian để mưu tính quỷ kế:
– Lão phu thương ngài không hết, có đâu ngăn cản ngài về. Ngặt mình mẩy ngài hôi thúi quá, không hợp chốn bồng lai tiên cảnh…
Thái Thượng lão quân cảm thấy mình lỡ lời nên kịp dừng lại, đưa mắt lươn dò xét thái độ Bọ Hung. Lúc nầy, Bọ Hung quên bẵng lời dặn của Thành Hoàng, nổi cơn thịnh nộ.
– Nầy lão ”mưu ma chước quỷ” kia, thân thể ta như ngày nay là hậu quả của cái lịnh Trời ngày trước quái ác. Hằng bao thiên niên kỷ, máu thịt ta thấm cứt và cứt thấm máu thịt ta. Cứt ở ta, ta ở cứt. Sản phẩm của Trời, sao Trời chối bỏ? Trước khi có thơm đã có thúi. Thúi tạo ra thơm. Há lẽ, đạo thường tình ấy, lão dốt đặc? Trời ngoảnh mặt?
Bất chợt, Bọ Hung thấy thấp thoáng bóng Trời đang ôm tiên nương chuốt rượu. Thì ra, Lão Thái Thượng xạo sự đánh lừa ta. Bọ Hung dùng cái xẻng trên đầu xúc bung cánh cổng Thiên cung, xòe cánh bay vào hậu điện. Trời thất kinh, mặt xám ngắt không còn hột máu, vội đứng dậy và xô tiên nương ngã lăn xuống lớp mây vàng, liệng áo bào bỏ chạy. Ly tách đổ bễ ngỗn ngang. Vừa kịp lúc, Dương Tiễn trờ tới cứu Trời và xua chó Ngao chồm cắn đít Bọ Hung lôi ra cổng. Bọ Hung trượt chưn, té lộn cổ rơi trở lại trần gian.
*
* *
Trần gian gần như vắng hẳn cứt trâu và phân trâu. Thay vào đó, những bãi rác công nghiệp, bãi rác sinh hoạt của con người. Cứt người, phân người chẳng thay thế được cứt trâu, phân trâu. Bởi, cứt trâu, phân trâu rất giống nhau mùi vị, rất bình đẳng chất bài tiết; chỉ là cỏ dại, rơm rạ. Cứt và phân người thì khác hẳn. Đẳng cấp giàu nghèo, quan lại và dân dã được thể hiện rõ ràng qua cục cứt. Bọ Hung phân biệt: Cứt người giàu và cứt quan lại có mùi thúi nhức đầu hoa mắt; có mùi tanh lợm giọng, ù tai. Cục cứt nhão nhẹt, màu đen hắc ín, không đầu không đít. Cứt người nghèo, cứt dân dã có mùi rau củ, ít thúi ít tanh. Cục cứt khô, màu vàng ngà, thành khoanh có đầu có đít. Mùi rau củ và gần giống như mùi cứt trâu nhưng không phải cứt trâu. Tất cả các loại rác, tất cả các ngử cứt ấy, Bọ Hung không thể thích nghi, không thể hòa để đồng mà ăn, mà sống.
Đời Bọ Hung mong manh như bóng nắng, lần hồi chết dần và tuyệt chủng vì sự thay đổi môi trường, vì bao sự tráo trở!
Người biết chuyện Bọ Hung, thường nghiệm rằng:
– Lời thật và lẽ phải chỉ dành cho ai tử tế. Nếu ngộ nhận mà chọn lầm, thì đời có khác gì kiếp Bọ Hung kia!
CAO THỊ HOÀNG
2015
Advertisement
Ai nói rằng không có Số!?Số Trời đã định phải vô chỗ cho mình?Bọ Hung tội nghiệp thiệt tình!? Trời đày Hạ Cấp chỗ Khinh nhất đời!?Đã Xuống chết dí một nơi!Muốn ngoi lên lại ông Trời nào cho?!Phân biệt Cao Thấp đã rõ!?Nguồn gốc ”ở đâu ở đó ”cho rồi!?Nghèo -Giàu ranh giới rạch ròi! ”Thủ Thường An Phận”kiếp đời vậy thôi!?
Khi nói đến từ c ai cũng ngại vì nó có vẻ dung tục nhưng khi đọc hết truyện của bạn mình thấy không hề tục mà lại rất thanh. Câu chuyện hàm ý sâu xa …
Cách viết thật độc đáo, tôi đã đọc đi đọc lại mấy lần, chúc mừng cô gái trẻ.
Thân chào Tác giả Cao Thị Hoàng,
Xin tự giới thiệu, tôi tên là Luận , Lê Văn Luận ( luan_levan@yahoo.com ). Tôi là bạn của Cô Huỳnh Phương Linh ( Có lẻ vì muốn chọc phá tôi nên Cô Linh đã treo tôi lên ngọn cây cao với cái danh là thầy chứ chúng tôi chỉ là bạn bè với nhau ). Tôi không phải là đọc giả của Trang Xứ Nẫu và qua sự gợi ý của Cô Linh, tôi đã đọc bài viết Đời Bọ Hung của Tác Giả Cao Thị Hoàng.
Thật tình, ngay từ lần đọc đầu tiên tôi đã đánh giá cao bài viết này, sau khi phải kiên trì bỏ qua những khó chịụ ban đầu. Công tâm mà nói, hình ảnh và cách viết của tác giả dẫn dắt người đọc đi vào câu chuyện không được thích thú cho lắm. Có lẻ nhiều đoạn văn, nhiều câu từ quá bình dân, bóc trần quá, khiến người đọc bị sượng, bị ngại. Nhưng lại cũng có lẻ vì sức lôi cuốn của câu chuyện, cái bình tỉnh hóm hỉnh của tác giả qua cách kể, cứ lôi kéo người đọc đi tới, đi tới và hiểu được cái thông điệp mà tác già muốn gởi gấm. Chính vì cái cố tình dụng văn phong như vậy của tác giả Cao Thị Hoàng, vừa tạo ra cái khó chiụ khi khởi đầu đọc, cái sượng, cái ngại khi gặp phải những từ quá bình dân, nhưng lại đủ sức lôi cuốn người đọc đi sâu vào trong cái mình muốn nói, tôi mới mạo muội ví von cách viết đó là lách qua khe cửa hẹp đề vào. Thoáng đọc thì vài điều làm mình choáng, mình dội nhưng nếu kiên nhẩn lách mình qua được những khó chiụ đó thì sẽ thấy cái hay ho đang ẩn dấu dưới những dòng chữ kia, nó tựa như một cánh cửa không rộng mở, chỉ vừa đủ để lách vào và cái giá phải trả đó là sự kiềm chế, chế ngự cái khó chiụ của mình, để sau đó đọc xong sẽ thấy câu chuyện khá thú vị. Cái khe cửa hẹp và cái giá của nó mà tôi đã dùng chỉ có ý thế thôi, tuyệt nhiên không hàm chứa một ẩn ý nào khác ( Nó lại chẳng có gì gần gũi với cái Khung Cửa Hẹp La Porte E’troite của Andre’ Gide mà Cụ Bùi Giáng đã dầy công soạn dịch. Tôi chưa đọc tác phẩm này và đang tìm nó để đọc).
Chính vì tôi thán phục cái hay, cái ẩn ý trong câu chuyện, mà tôi sinh ra hồ nghi khi nghe nói người viết ra lại là một cô gái trẻ. Thiết nghĩ điều đó cũng dễ hiểu, tựa như một câu cảm thán “ Vậy sao ? Tôi không tin”…. Tôi xin phép trích lại một đoạn câu chuyện của chúng tôi cho Cô Hoàng được rỏ:
“ Sau một đêm suy nghĩ tôi cũng đã ngộ ra cái lý của bài viết. Sau khi tìm ra ý nghĩa thông điệp mà tác giả Cao Thị Hoàng muốn gởi đi qua bài viết của mình, tôi thật sự ngạc nhiên về sự hiểu biết của cô ấy, đến nỗi tôi hồ nghi hay là có ai đó gà bài cho cô ấy viết, chớ ở một cô gái trẻ thì làm sao có đủ tư duy mà luận bàn hay như vậy. Cách chọn hình ảnh để viết cũng là một sự thử thách lớn,.Nó được ví như phải lách qua một khe cửa hẹp để vào, vào được rồi cũng phải có một sự trả giá nào đó. Không phải chỉ có một mình cô Linh cảm thấy khó chịu khi đọc những dòng chữ đầu tiên của bài viết. Thiết nghĩ, ai đọc cũng có cùng tâm trạng như thế vậy thôi. Nếu không có lối dẫn chuyện tương đối ổn định, bình tỉnh của tác giả, giọng văn mạch lạc, không rối rắm thì chắc tôi cũng đã bỏ cuộc. Thoạt đầu tôi cứ tự nhủ tác giả muốn nói đến điều gì? Cô ấy muốn đưa mọi người đi đến đâu? Tại sao lại phải nhẩy vào một đề tài “khó ngửi” như thế này?… Cái cảm giác như mình đang đi trong đêm tối mà nghe một cái ” Bẹp ” dưới chân. Bực bội và khó chịu lắm… Nhưng rồi khi đã chịu khó đi theo tác giả, tôi lại cảm thấy mình đang bị chinh phục từ cái bực bội, khó chịu ấy, nhất là cái thời điểm hứng tình của đôi vợ chồng Bọ Hung, giữa đống phân nhầy nhụa, hôi thối, để rồi tác giả chỉ ra cái trách nhiệm thiêng liêng của loài Bọ Hung là đang tái tạo nòi giống … Ôi sao ngộ quá, thú vị quá. Chúng sống và hành động suy cho kỷ thì cũng không khác cái sống của con người, cũng Nhân Văn đó chứ, khác chăng là cái nhân văn của loài Bọ Hung…..
Còn phân đoạn hứng tình thì theo tôi quá hay vì nó vừa đủ để nhân cách hoá cái kiếp Bọ Hung thành Người và đồng thời thi vị cái quan sát của tác giả trong công việc hằng ngày của loài thấp kém kia.
Khi đọc xong bài viết này tôi chợt nghĩ đến cuộc sống của những con người đang sống trên những bãi rác , họ sống, họ sinh con đẻ cái và họ chết ngay trên đống bãi rác đó. Tôi muốn đặt cho cuộc sống của họ một cái tên: Kiếp sống của những con bọ hung người.
Trở lại cái mà tôi ngộ ra đêm qua. Thường thì khi muốn viết ra một bài văn là chúng ta muốn gởi đi một thông điệp cho người đọc một ý tưởng nào đó để cùng thưởng thức hay suy ngẫm. Thật ra cái ý tưởng mà Cao Thị Hoàng muốn chuyển tải trong bài viết của mình tóm tắc như sau: Vị Trưởng Cấm Vệ quân trên Thiên đình chỉ vì muốn can gián Ngọc Hoàng làm điều đúng, điều ngay mà phải tội bị đày xuống gian trần với kiếp Bọ Hung . Tác giả muốn chuyển tải đi một thông điệp: LỜI THẬT VÀ LẼ PHẢI CHỈ DÀNH (ĐỂ KHUYÊN BẢO, CAN GIÁN) CHO NHỮNG AI TỬ TẾ ( BIẾT PHÂN ĐỊNH PHẢI, TRÁI). NẾU NGỘ NHẬN MÀ ( GỞI ) CHỌN LẦM THÌ ĐỜI CÓ KHÁC GÌ KIẾP BỌ HUNG KIA . Theo tôi, thật tiếc là tác giả đã hơi vội vàng kết mà chưa lý giải cái ý mà mình muốn gởi đi. Thôi thì giống như đụng phải một vết gợn trên một bức tranh đẹp vậy mà. Có cái gì toàn mỹ được đâu.
Vài suy nghĩ chia sẽ cùng Cô bạn . Chúc hạnh phúc và may mắn ”
Vài dòng biện bạch trên đây xin được như một tấm chân tình gởi đến tác giả Cao Thị Hoàng, mong xóa tan những ngộ nhận. Cảm ơn cô đã gởi lời chúc đến tôi và trong dịp Năm Mới sắp đến xin thân chúc cô Hoàng và gia quyến dồi dào sức khoẻ, nhiều may mắn để cô sẽ có nhiều cảm hứng nhìn cuộc đời và viết cho người đời những vần văn hay, Cô Hoàng nhé! Xin chào.
Thân chào anh Lê Văn Luận,
Thật quý những lời chân tình anh viết gửi cho em, giúp em đôi điều
suy nghĩ thêm khi viết. Và, em rất mong có được những người như
anh đọc tác phẩm của em.
Cảm ơn anh Luận.
Chúc anh và gia đình an lành.
Trân quý,
Hoàng
Đúng là ” Đời bọ hung”..mô tả cảnh trần gian và thượng giới, ..chắc phải đọc thêm lần nữa cho ngấm ý.
Đọc nữa đi bạn, có sao đâu. Em mong được thế!
Cảm ơn bạn.
”Đời Bọ Hung” càng đọc, càng thích, càng thấm, càng hay…
Chào anh lùa vịt,
Em thật cảm động, khi đọc lời comment khích lệ của anh.
Cảm ơn anh.
Chúc vui.
Tha lỗi cho chị tư nói lời thật lòng: chị đã thử đọc nhiều lần, nhưng chỉ đọc được vài câu thì bị dội, chịu thua. Mãi tới khi chị được quân sư của chị điểm hoá, phân tích bài em, chị mới có thể thu can đảm từ từ đọc, và từ từ “thấm”.
Hay lắm. Chị phục Út rồi đó. Xem ra tuy vai út, nhưng cô Út đã cao tay ấn nhứt nhà, vượt qua các bà chị nầy xa lắc lơ rồi.
chị tư
Chị Tư của em,
Em hiểu vì sao chị có ý kiến chậm hơn chị Hai, chị Ba.
Em thông cảm và thương chị. Khi viết, em biết giữ mình, giữ trang
Xứ Nẫu và rất trân trọng anh chị đọc.
Em rất cảm động như được ”trả công” khi có nhiều anh chị đọc
và comment
Cảm ơn chị Tư thông càm cách viết văn ”trời ơi” của đứa em út trong nhà.
Chúc anh chị và các cháu vui.
Út à,
“thầy” của chị có một nhận xét về bài em mà chị rất thích thú nên chị đã xin phép thầy đăng lên đây cho em đọc: “…tôi thật sự ngạc nhiên về sự hiểu biết của cô ấy, đến nỗi tôi hồ nghi hay là có ai đó gà bài cho cô ấy viết, chớ ở một cô gái trẻ thì làm sao có đủ tư duy mà luận bàn hay như vậy. Cách chọn hình ảnh để viết cũng là một sự thử thách lớn. Nó được ví như phải lách qua một khe cửa hẹp để vào, vào được rồi cũng phải có một sự trả giá nào đó…..” Thầy viết dài lắm đó Út, chị chị chép lại đoạn nầy vì chị thích cách thầy nói em đã chọn “khung cửa hẹp”. Công nhận hẹp thiệt! hì hì… đừng chọn cửa hẹp quá như vậy nữa nghen Út, kẻo người mập mạp như chị qua không lọt…..
chị tư
Chị Tư của em,
Thương chị quá! Tội cho chị tôi lúc nào cũng lo – Lo chồng con – giờ lại
lo cho em. Có lẽ, đời chị là chuỗi ngày lo.
Xin chị cho phép em được thưa với ”thầy” và chị vài lời:
1. ”Đời Bọ Hung” chẳng ”phải lách qua khe cửa hẹp ” và ”cũng chẳng
phải trả giá nào”…Bởi, ”Đời Bọ Hung” sống với cứt trâu – cứt trâu hết,
Bọ Hung chết. Những ai từng sống miền quê cũng hiểu được điều ấy.
Mỗi bạn đọc, tùy tâm trạng, cách sống, thế đứng…mà có suy nghĩ về
Bọ Hung. Cái đó, vượt ”tầm kiểm soát” của tác giả.
2. Nhỏ lớn em đi ”cửa rộng”, chưa từng biết đi ”cửa hẹp”. Vì, ở nhà quê
nhà rộng, cửa nẻo sơ sài; đi trước đi sau gì cũng đặng. Mập ốm gì cũng
lọt tất bần bật.
3. Theo em, cái quan trọng không phải ở ”hồ nghi”, ”ai đó gà bài”,
già trẻ, trai gái” mà cái quan trọng, là tác phẩm ấy sau khi đọc xong,
còn lại gì trong ta?
4. La Porte étroite – André Gide ( Bùi Giáng dịch ”Khung cửa hẹp”)
hoàn toàn khác cái thầy và chị nói ”Khe” hay ”Khung” cửa hẹp.
Cụ Bùi từng viết trong lời giới thiệu khi dịch La Porte étroite
”Gió đưa cơn buồn ngủ lên bờ
Nhà khung cửa hẹp có ai ngờ cho không”
Chị Tư,
Em nghĩ sao viết vậy, không nhằm mưu cầu điều gì…chủ yếu góp
chữ trên Xứ Nẫu, còn nghĩa thuộc về bạn đọc. Khi nào, anh Sáu Nẫu
từ chối đăng thì thôi.
Với cái tâm của người chân thật, em tin dù ai khó tính mấy cũng
đồng cảm và chia sẻ với cô ái quê mà ”thầy ”hồ nghi” sự ”tư duy,
luận bàn”.
Cảm ơn ”thầy”và chị.
Chúc ”thầy” khỏe.
Chúc chị và gia đình vui.
Kiến văn của cô gái quê đáng nễ.
Chào Huỳnh Xuân Bắc,
Cảm ơn anh ”khen đùa để em vui”.
Tui cũng vậy,ban đầu cũng dị ứng thiệt.
Được anh Gò Găng thông cảm xí xóa, em vui lắm!
Cảm ơn anh.
truyện viết rất lôi cuốn và ý nhị. Hay lắm Cao Thị Hoàng ơi. Chúc mừng bạn.
Chào chị Trần Thị Cổ Tích,
Em mừng lắm, khi chị ghé thăm và đọc truyện.
Cảm ơn chị khen em, một động lực giúp em cố gắng viết.
Chúc chị và gia đình vui.
Chủ đề thật độc đáo.
Chào Cafebuon,
Cảm ơn Cafebuon chia sẻ.
Chúc vui.
Luận bàn về “cục c…” quá hay.
Chào anh Đào Trí,
Được anh khen, em vui lắm. Bởi anh luôn thiệt lòng.
Cảm ơn anh.
Chúc anh vui.
Ôi đến cức cũng thành truyện,tài thế chứ !
Chào Người Nhơn Lý,
Lâu lắm, em mới gặp anh.
Anh ơi, thì cũng chỉ là chuyện ”cứt” thôi mà…
Cảm ơn anh.
Chúc anh vui.
Quá ý nghĩa Cao Thị Hoàng à !
Chào anh Nguyễn Tấn Lực,
Cảm ơn anh khen em.
Chúc anh vui.
Nghe bạn bè giới thiệu vào đọc thấy hay
Chào anh triệu,
Từ rài về sau, anh nhớ ghé thăm em và ngồi nhâm nhi đọc
truyện con nhỏ Hoàng .
Cảm ơn anh.
Chúc vui.
Thiệt bó tay với cao nữ sĩ
Đầy ắp chuyện thế thái nhân tình
Chào Trần Thức,
Anh ơi, chuyện thế thái nhân tình thời nào mà chẳng có.
Nói đâu xa, ngay cả những người mà mình thương yêu nhất.
Thôi thì, lấy đó làm vui.
Cảm ơn anh.
Chúc vui.
Chuyện hay ,đọc rất hấp dẫn
Chào anh Nguyễn Văn Ngọc,
Em cảm ơn anh đọc và chia sẻ.
Chúc vui.
Ta muốn hỏi tác giả :
” Ĩa cứt màu gì, vuông hay tròn mà viêt hay vậy?” :
Đừng nói ỉa cứt su mà có người buồn!
Chào Bố Trung,
Ở quê con, những ”gái xuân xanh ấy” thường thì ỉa cứt thẳng thớm,
màu hồng phấn, có đầu có đít ; có trước có sau.
Con viết không hay, cái hay từ người đọc, Bố ơi!
Cảm ơn Bố.
Chúc Bố vui.
Nhà văn Cao Thị Hoàng thân mến,
Đọc Cao Thị Hoàng càng ngày càng thấy lạ lùng và thú vị. Từ đề tài cho đến cách khai thác, kể chuyện, dẫn dắt người đọc đi vào cái thế giới mênh mông kỳ thú của văn chương, chữ nghĩa. Nói theo ngôn ngữ thời đại là ” Ngạc nhiên chưa?” hay ” Trên cả tuyệt vời!”. Nội cái sự kiên trì … viết cũng đủ để bà con xunau thán phục lắm rồi!
Nhưng liệu bao giờ thì nhà văn mới chịu khó cho bà con được thấy mặt người đây? Hay là phải kiên nhẫn đợi chờ cho đến khi nào tập truyện ngắn đặc sắc của Cao Thị Hoàng ra đời thì cùng lúc nũ sĩ Nam Bộ tài hoa mới xuất đầu lộ diện? Liệu, sẽ có phép lạ kỳ quặc nào không, nếu… Cao Thị Hoàng dùng 72 phép thần thông của Ngài Tôn Hành Giả mà hô: ” Biến! Biến!” thành một nhân vật khác … cho bà con xunauvn.org và khắp cả anh chị em văn thơ khắp bốn phương ngẩn ngơ mà lác mắt???
Liệu đến bao giờ Cao Thị Hoàng mới cho ace xunau được cầm nắm tác phẩm độc đáo này trên tay đây, cô Út Hoàng Rạch Giá ơi! Xin chớ quên là toàn thể bà con trong họ ngoài làng đang sốt ruột chờ đợi lắm rồi đó nghe!
Chúc Cao Thị Hoàng cùng tất cả ace XuNau một mùa Xuân lung linh Hạnh Phúc và ngập Trời Sáng Tạo! Mong lắm thay!!!
Chào anh Cao Quảng Văn,
Em cảm ơn anh.
Chúc anh vui khỏe.
Ôi, thật là kỳ lạ, không hiểu sao nữ sĩ tài hoa độc đáo của ĐẤT PHƯƠNG NAM ngày càng kiệm lời vậy nhỉ? Hai câu hỏi chưa có được câu trả lời. Thật ” thắc mắc biết hỏi ai đây, anh Sáu Nẫu Ngô Quang Hiển ới ời ơi….?
Cảm ơn anh, quê em có câu: ”nước chảy ngày một tới”
haha…
Chào đồ dõm,
đồ dõm ”haha…” làm em nhột lắm, đồ dõm ơi!
Cảm ơn đồ dõm.
Chúc vui.
Đọc một mạch,hay quá.
Chào Hoa Dien Vy,
Cảm ơn Hoa Dien Vy truyền lửa đến em
Chúc vui.
Qủa thật như phản hồi của nhiều người ,lạ và hay
Chào NgNguyen,
Em mừng lắm, khi được NgNguyen ghé thăm.
Mong từ rài về sau, khi rảnh rỗi NgNguyen nhớ ghé thăm em.
Cảm ơn NgNguyen.
Chúc vui.
Hay quá hay
Chào Hthang,
Hthang khen, em vui lắm!
Cảm ơn Hthang.
Chúc vui.
CTH là nhà xã hội học chuyên nghiệp đây.
Chào Senda,
Senda nói vậy, em ngượng chết!
Cảm ơn Senda.
Chúc vui.
Wow! Quá thành công so far (tính tới thời điểm bây giờ) đó Hoàng! RB chỉ nhìn theo một cách chủ quan qua những lời comments của quý nhà văn, nhà thơ,… cùng quý đọc giả… XN QUÝ MẾN (bao lâu nay) của RB về “Đời Bọ Hung” là đủ khẳng định. Chúc mừng Hoàng! Chúc mùa “An Tiêm?” năm nay của Hoàng bù lỗ vào và còn thêm lời nữa cho mùa Bông Tết (bị mất mùa) năm nay nhé “cô LỌ LEM” hihi. Chúc vui và thật vui nhiều hỉ, Hoàng quý mến! Có duyên sẽ gặp. HẸN! Và chúc Cao Thị Hoàng vững bước tiến trên bước đường Văn Chương (hay nói đúng hơn là Văn Học Nghệ Thuật) của một “Nhà văn ĐÚNG NGHĨA”.
TRĂM NĂM chờ có một ngày
Ngàn năm chỉ có MỘT NGƯỜI nầy thôi
(“ND thời nay”) KhaKhaKha…
Chào anh Rong Biển,
”Qủy anh…” em mắc cỡ, xấu hổ…xấu hổ!
Cảm ơn anh dành ưu ái cho LỌ LEM.
Chúc anh vui khỏe.
Đúng là ngòi bút có cá tính,chỉ một đề tài mà vẫn đa thanh
Chào Bach Dang,
Cảm ơn Bach Dang đọc và cho nhận xét.
Chúc vui.
Đọc và bất ngờ
Chào T&T,
Cảm ơn T&T đọc và chia sẻ.
Chúc vui.
Viết hay quá,đọc lần thứ 2 rồi
Chào Maimaiyeuthuong,
Nghe chị nói đọc ”ĐBH” lần 2, em cảm động lắm!
Cảm ơn chị.
Chúc chị vui khỏe.
Út Hoàng ơi,
Hơn 2 giờ khuya rồi, chị gần sụp mí mắt, mấy ngày nay chưa về xứ nẫu, mới bước vào cổng làng đã thấy tên cưng và các anh chị thân quen của làng nẫu, chị chọn cưng để đọc trước rồi ngày mai tớicác bài khác.
Trong mấy chị em mình, Hoàng nhỏ tuổi nhứt nhưng tính tay nghề cưng là bậc thượng thừa, chị khen thật lòng chứ không chọc phá cưng đâu. Lối viết mạnh tay, chắc ý của cưng càng đọc chị càng liên tưởng đến nhà thơ La Fontain/Pháp dù cưng là văn còn ổng là thơ vì cả hai bên đều dụng thú để nói người mà châm biếm những trớ trêu thế sự.
Nào, con gà tre dễ thương của Rạch Giá (lời cưng tự xưng trong phản hồi còm của bài viết trước), cho con Ngỗng Chánh Hưng (tên chị là Nga tức Ngỗng) nghiêng mình thán phục cưng được không?. .
Như thường lệ, chị kính lời thăm tía má, chúc cưng vững chân trên đồng ruộng, chắc tay trên phím ngà computer cho mọi người thưởg thức thêm văn tài nữ nhi Nam bộ.
Chị “thăng” đây, buồnngủ quá chừng rồi nhỏ ơi.
Chị Hai ơi,
Thương chị quá!
Cảm ơn chị Hai, dù buồn ngủ quá chừng chừng vẫn rán đọc ”Đời BH”.
Chúc chị và gia đình vui khỏe.
Đọc đi đọc lại tính khen nhưng người ta khen hết rồi, hết chổ cho mình khen.
Năm dê viết thử dê đi CTH.
Chào Vũng Chua,
Thì anh cứ khen đại một tiếng cho em vui.
Năm dê, muốn viết nhưng em sợ…Dê cắm sừng, chết em!
Cảm ơn anh.
Chúc vui.
Đọc kỹ truyện, tôi thấy Cao Thị Hoàng viết ngày cáng chắc tay!
Thưa thầy,
Được như vậy, nhờ anh chị Xứ Nẫu góp ý và đặc biệt
là chị Ái Duy (nhà văn) chỉ ra nên viết thế nào, động viên
con mạnh dạn ”ra biển khơi”…từ năm trước.
Cảm ơn sự nhận xét của thầy.
Chúc thầy vui khỏe.
Thật tình không dám nhận lời khiêm cung này của Cao thị Hoàng. :). Ngạc nhiên và thú vị với sự quan sát miêu tả tỉ mỉ của tác giả đối với một thân phận bé mọn vốn bị rẻ khinh trong cuộc sống, chỉ riêng điều này thôi cũng đủ cho AD kính nể rồi. Chúc tác giả tìm thêm được nhiều niềm vui trong viết lách.
Chào chị Ái Duy,
Em không thể nói trái lòng.
Cảm ơn lời nhận xét của chị.
Chúc chị vui.