Hiếu Tân
Phần 1: Cuộc trò chuyện chưa từng có giữa chàng hiệp sĩ Mặt buồn với một kẻ xa lạ
Đông Kysôt (Don Quichotte /Don Quijote) ngồi bên bờ suối vắng. Dưới ánh sao mờ. Trong rừng cây xào xạc. Thân thể kiệt quệ và rớm máu. Giáp tả tơi, giáo gãy mẻ, mũ trụ bẹp rúm. Cạnh đó, con Rôtxinăngtê run rẩy và ủ rũ.
_ Kính chào hiđangô, ngài suy nghĩ gì vậy, trong cảnh trời đêm kỳ ảo như đêm nay, một mình giữa rừng khuya tịch mịch này? Phải chăng ngài đang ôn lại những chiến công hiển hách của đời hiệp sĩ giang hồ, hay đang để tâm tưởng bay bổng theo hình bóng ý trung nhân Đuynxinê đuy Tôbôdô kiêu bạc, mà sắc đẹp có một không hai dưới gầm trời từng khiến mọi con tim biết yêu phải thổn thức ước ao ?
– Không một ai có quyền diễu cợt ta, diễu cợt Đông Kysôt này, kể cả anh, kẻ hậu sinh đáng mến ạ. Trang phục và phong thái của anh cho ta biết anh đến từ phương trời xa lạ, giữa ta và anh có khoảng cách nhiều thế kỉ. Cho dù ta luôn cho rằng phán xét của các thế hệ đến sau là đáng trọng,vì trí tuệ của họ đã được thời gian bồi đắp cho dày thêm bằng những khôn ngoan của nhân loại, cho dù tất cả điều đó, anh cũng không có quyền diễu cợt ta.
– Thưa ngài, dùng chữ “diễu cợt” như thế có thoả đáng không, bởi theo tôi biết , trong suôt cuộc đời ngài, trong lời nói cũng nh ư trong ý ngh ĩ, chưa bao giờ Đông Kysôt t ự cảm thấy bị diễu cợt, n ếu không như thế thì đâu còn là Đông Kysốt ?
- Nhưng chính điều này là anh nói đúng, vì từ một lúc nào đó, ta bắt đầu ngẫm nghĩ về bản thân và nhìn kỹ các vật quanh ta, ta bỗng thấy như ta không còn hoàn toàn là Đông Kysôt nữa.
- Vậy là khi nhìn rõ những tương quan giữa mình và thế giới, ngài bị ám ảnh bởi nỗi lo có thể bị diễu cợt, bởi cái ý ngh ĩ rằng cuộc đời lừng lẫy của Đông Kysôt có th ể bị thiên hạ nhìn bằng ánh mắt diễu cợt, hoặc tệ hơn nữa , có k ẻ còn coi nó như một trò để cười. Nếu nỗi lo sợ đó xuất hiện trong trí Đông Kysôt, dù chỉ mơ hồ, thì từ đó Đông Kysôt không còn là nguyên khối nữa .
Đông Kysốt trầm ngâm hồi lâu, như cân nhắc điều gì. Rồi nói :
- Ta muốn hé với anh một đôi điều tâm sự, anh bạn trẻ ạ. Thiên hạ gọi ta là Hiệp sĩ Mặt buồn, ta thấy ta quá thành thực và nghiêm trang, thành thực trong sự nghiêm trang đến mức gần như không dễ cất tiếng cười- và nhất là không biết tự cười mình.
Ta thấy ta quá thiệt thòi, và lấy làm buồn về điều đó.
- Tôi hoàn toàn có thể chia sẻ cảm xúc ấy của ngài, thưa Ðông Kysốt. Con người chìm đắm trong ảo ảnh về sự vĩ đại của bản thân đến mức không còn khả năng tự cười mình, thì không chỉ đáng cười , mà còn đáng thương nữa.
Thưa Đông Kysốt đáng kính, tôi cũng phần nào hiểu được rằng không ai có quyền cười nhạo Đông Kysốt, dù cho Đông Kysốt có đôi chỗ đáng cười.
- Không phải chỉ đôi chỗ, mà cả cuộc đời ta là một trò cười lớn, bởi vì ta đã không biết sống như người thường, như thói thường- theo cách mà mọi người đều nghĩ và chấp nhận.
- Tuy vậy, trong con mắt chúng tôi – nhiều thế hệ đến sau- ở ngài có nhiều cái kỳ vĩ. Trước hết, từ khi rời khỏi căn gác xép bụi bặm cho đến khi được đưa trở lại đấy trong hơi thở tàn, ngài là một khách lữ hành vĩ đại.
- Đó chính là một trong những điều khinh khoái nhất của ta mà mấy ai hiểu được. Ta đánh đổi căn gác hẹp lấy núi cao đồng rộng sông dài, đổi cuộc sống quẩn quanh với những kẻ trán thấp như mụ quản gia và cô cháu gái của ta quanh năm suốt tháng đầy những lo toan tủn mủn lấy những chân trời xa lạ, những cuộc gặp gỡ với cả thế gian để được tham dự vào vô vàn cảnh ngộ kỳ thú.
Ấy thế mà sau này có lúc ta đau xót nhận ra rằng khi ta từ chối cuộc sống mốc meo kia ra đi tìm cái gì mới lạ làm thoả mãn đôi tai đôi mắt, đôi chân hiếu động đôi tay ngứa ngáy của ta, ta đã bị coi là điên rồ đấy.
- Thưa ng ài đúng th ế. Những kẻ suốt đời thoả mãn với cuộc sống tù túng mốc meo tủn mủn kia có khi nào điên. Nhưng cũng không tỉnh.
Điều làm chúng tôi lạ lùng và thích thú nhất là: rất nhiều khi thấy ngài nằm giữa rừng sâu hay đồng không mông quạnh, đầu gối lên những tảng đá nhọn, lưng nằm trên lớp rêu ẩm ướt, có khi bụng rỗng không thân thể đau nhừ, mà hình như trong lòng vẫn rất thanh thản , sảng khoái.
- Anh bạn Săngxô (Sancho Panza) tận tuỵ của ta, nhiều khi rất phiền lòng vì ta từ chối những bữa tiệc thịnh soạn và gối ấm nệm êm trong lâu đài của các nhà quí tộc hiếu khách, để tiếp tục dấn bước lên đường tiến về nơi vô định, hắn đã rầy rà ta không ít, cái thằng quỉ láu cá đó. Nhưng thật ra niềm vui đâu chỉ có ở dạ dày, và khi trong lòng không còn niềm khát khao mới lạ, thì du ngoạn còn lý thú gì nữa ?
- Và với niềm khao khát ấy hoặc với cả những niềm khao khát khác nữa, thì đôi khi quán rượu cũng là lâu đài, cô hầu phòng cũng có thể là quí phu nhân kiều diễm. Điểm thứ hai mà hậu thế ngưỡng mộ ở ngài là trí tưởng tượng siêu việt của một nghệ sĩ. Ngài đã tự mình sáng tạo ra cả một thế giới, và chỉ chịu sống trong chính cái thế giới mà mình tạo ra, mặc ai muốn nói gì thì nói. Đó là bản lĩnh của một nghệ sĩ chân chính..
- Ta đánh cuộc với anh rằng: cả Pablo Picasso lẫn Salvador Dali, hai người đồng hương của ta, khi cầm cây cọ đứng trước tấm toan chỉ bị dẫn dăt bởi cái bản năng mù, mê cuồng và phóng túng bên trong mà không để tâm đến chuyện thiên hạ sẽ nói sao về mình và tác phẩm. Mặc dầu cả hai đều biết rõ cái ảnh hưởng đầy ma lực của mình đến lớp người có học, nhưng lúc vẽ, họ phải quên điều đó.
- Thế ra ngài cũng quen cả Picasso v à Dali ?
- Có, có quen. Chúng ta không cùng một thời gian, nhưng cùng một không gian. Điều này đặc biệt lắm. Những thành tựu huy hoàng trong nghệ thuật có thể sánh ngang những chiến tích lừng lẫy nhất,chúng cũng bất hủ như thế. Có những thiên tài rọi sáng không chỉ tới tương lai, mà cả những quãng tối trong quá khứ lịch sử.
- Còn một người đồng hương khác của Ngài, cũng không kém nổi tiếng , Don Juan ?
- Don Juan lại là chuyện khác.Hắn lấy mục tiêu những chiếc váy đàn bà làm chiến công. Ta phóng túng nhưng không phóng đãng.
- Vậy Ngài có biết ở phương Đông có một người tên là Confucius [Khổng tử ], sống trước Ngài hàng chục thế kỷ, cũng nghiêm cẩn như ngài và ...
- Ta có nghe tên ông ta, nhưng không thể nói chuyện gì với ông ta đựợc . Chúng tôi vẫn vĩnh viễn là những người không quen biết. Anh nhầm đấy nếu nghĩ rằng giữa ta và ông ta có nhiều điểm chung .
- Tôi hiểu. Một người như ngài không dễ gì chịu câu thúc. Trong thâm tâm ngài có cảm thấy tự do không ?
- Về khoản điên rồ ta không dám có ý kiến nhiều, nhưng đích thực ta là người của tự do. Con người nhìn và nghe – nhưng họ thường bị những cái nhìn-nghe thấy cầm tù. Trí tưởng tượng của họ không bung ra, mà co rúm lại. Họ không dám đi xa hơn, tới bản chất thật của mình. Đứng trước cái mà họ cảm nhận là thế lực thù địch đầy đe doạ, họ nghĩ ngay đến an nguy của bản thân, và chính ý nghĩ ấy cản trở họ, bắt họ lùi bước hoặc lẩn trốn. Ta làm ngược lại; ta luôn hành động mà không băn khoăn đến hậu quả . Cái dễ và cái khó ở ta hoàn toàn ngược với người đời. Ta can đảm ở đấy mà điên rồ cũng ở đấy.
- Từ nhiều đời nay, hình ảnh phổ biến của Đông Kysốt là hình ảnh cuộc chiến với cối xay gió. Cái dũng khí của ngài khi chiến đấu với kẻ thù ảo là dũng khí thật; trong trận chiến ấy khi ngài bại thì kẻ chiến thắng không phải là kẻ mà ngài tưởng là kẻ thù, mà là cái thực tế phũ phàng nó buộc ngài phải tỉnh ngộ. Có khi nào ngài nghĩ tự mình đã đánh lừa mình không.
- Không, không bao giờ! Trong ta không có sự phân thân mà sau này ta thường thấy ở người đời các anh: lương tri thì mách bảo thế này, nhưng bên ngoài laị làm ra vẻ tin tưởng thế nọ, đấy mới là tự lừa dối. Kẻ tự dối mình không bao giờ dám sống thật.
- Chính vì thế mà Đông Kysốt mới còn là nguyên khối. Quả thật chúng tôi đã có một Đông Kysốt sống đến cùng niềm tin của mình, cả khi niềm tin ấy đưa người lạc đường vào cõi ảo. Có lẽ tình yêu với Đuynxinê đuy Tôbôdô cũng không phải ngoại lệ.
- Bây giờ ảo ảnh đã tan rồi, tình yêu cũng tan theo. Ở chỗ này ta khác chi phần lớn các anh , không yêu người con gái thực, mà yêu cái hình ảnh ta tự vẽ ra trong tâm tưởng. Bản thân đối tượng là tưởng tượng , mà tình cảm cũng là tưởng tượng nốt.
- Một tưởng tượng mãnh liệt xiết bao.Tình yêu của ngài quá thuần khiết nên nó không thể là thật. Người đời còn dị nghị về phẩm chất đàn ông của ngài, vì trong tình yêu của ngài không có bóng dáng của những khát khao xác thịt…
- Trong suy nghĩ thì ta là người đàn ông đich thực. Nhưng khi tình yêu là một cái gì tuyệt đối thì nó không cần đến một đối tượng thực ngoài đời. Phải chăng ta đã lẫn lộn tình yêu với những ý niệmvề tình yêu ?
- Đuynxinê đuy Tôbôdô có thể là một sáng tạo bất hủ của ngài để thoả mãn những ý niệm về tình yêu, bởi vì hình như ngài đâu có nhu cầu yêu đương trong đời thực? Và như thế trong cuộc đời Ngài chưa bao giờ chạm đến tình yêu thật sự. Cũng như tự do và công lý, ngài luôn luôn suy nghĩ và hành động tự do chừng nào còn trong ảo tưởng, nhưng khi đụng với thực tế ngài lúng túng và vấp ngã. Ngài thực thi công lý theo cách của ngài, nhưng nó không dính dáng gì đến những diễn biến thực ngoài đời. Ngài lý giải thế nào về đều đó?
- Quả là còn có một khoảng cách lớn, rất lớn giữa tự do, công lý mà con người cần phải có , với cái thực tại đần độn bao quanh nó. Loài người phải lấp đầy cái hố ngăn cách ấy bằng hành trình cực nhọc vĩ đại của mình.
Anh bạn Săngxô của ta gần loài người hơn ta nhiều lắm. Tuy nhiên ta cho rằng chỉ như thế thì thật là thiển cận và tẻ nhạt.
- Thưa Đông Kysốt, người vẫn rất thực, rất người trong sự trộn lẫn cái cao cả với cái lẩn thẩn, cái hoang tưởng với bao ái ố hỉ nộ rất trần tục của con người. Khi con người vỡ mộng là lúc con người đã lớn lên một chút..
- Với ta, tất cả đã tan tành, như anh thấy đấy. Trở về cõi thực, tỉnh khỏi cơn điên, ta chẳng còn lại chút gì ngoài niềm nhớ tiếc khôn nguôi về một cõi huy hoàng mà lẽ ra ta đã sống.
- Ngài có biết gì về Cervantes, người khổng lồ với trí tuệ cực kỳ chói sáng vào cái thời còn khá mông muội , chính là cái thời ngài đã sống ?.
- Anh lại thật ngây thơ khi không biết rằng, dưới một góc nhìn nào đó, Cervantes chính là Ta!
Cuộc trò chuyện làm tôi vô cùng phấn khích. Bởi vậy, tôi lại vô cùng hoang mang khi nghe anh bạn kể cho câu chuyện dưới đây:
[Mời xem tiếp phần sau: “Bà Quả phụ Don Quixote”]
Phải đọc đàng sau những con chữ
Đọc Đôn Kihôtê thoạt đầu ta thấy thú vị, vì câu chuyện hay hấp dẫn. Là một người luôn gàn dở trong mọi hành động, nhưng Don Kihote lại rất trọng đạo lý , yêu quý tự do và ghét thói xa hoa, ăn bám của tầng lớp quý tộc. Và nụ cười của ta có khi cũng chỉ dừng ở đấy,thấy yêu quý cái anh chàng quá đỗi ngây ngô trong hành xử, mà lại có tâm hồn cao thượng này!
Nhưng khi đọc cuộc phỏng vấn này mới chợt thấy Don Kihote không hề ngây ngô, gàn dở chút nào! Trước những câu hỏi mang đậm tính triết lý, DonKihote mạch lạc trả lời: “Ta là người của tự do”…”là người đàn ông đich thực”, và Còn“các anh lương tri thì mách bảo thế này, nhưng bên ngoài laị làm ra vẻ tin tưởng thế nọ”. Có lẽ đấy chính là hàm ý của Hiếu Tân chăng?
Có lẽ đấy là cảm nhận của Hiếu Tân. Mình viết truyện này lâu rồi, năm 2005, năm kỉ niệm 400 năm Don Quijote ra đời, cao hứng viết mấy ý nghĩ lẩn thẩn của mình về Đông Kysot. Viết xong xếp xó, mấy hôm trước ngó đến, đọc lại, thế là đưa lên xứ Nẫu chơi. Kể ra dựng anh chàng hiệp sĩ tài ba này dậy lần nữa để đùa (sau khi thiên hạ đã đùa suốt bốn trăm năm nay) cũng vui đấy chứ hả?
Ghe’ tham dai huynh Hieu Tan, RB xin cam on.. va chu’c quynh luon vui khoe. Quy’ men!
Cảm ơn Rong Biển rất nhiều. Chúc vui.
Thú vị nhất là vừa đọc vừa liên tưởng.
Viết độc !
Cũng đang chiến đấu với cối xay gió đây nhà văn.
Viết sâu sắc lắm
Giả tưởng tưởng giả mà không giả tưởng.
Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng và thương cho hiệp sĩ mặt buồn.
Anh Hiếu Tân ơi, anh đã từng làm thầy dạy triết phải không?? Bài nào anh viết cũng mang đậm triết lý về cuộc sống hổn mang nầy.
Bếp chờ đọc phần 2 để xem Don Quixote của anh đi về hướng nào trong vũ trụ quan nầy nghen.
Dạ không ạ, HUYNH NGOC NGA. Hiếu Tân chỉ làm trò học triết mà thôi, một trò có vô số thầy và không có thầy nào cả.
Hay
“Quả là còn có một khoảng cách lớn, rất lớn giữa tự do, công lý mà con người cần phải có , với cái thực tại đần độn bao quanh nó”… Cho phép tôi được kính anh một ly anh Hiếu Tân ơi!…
Đọc kỹ mới thấy hay nhất là những câu thoại,sâu sắc,giàu tính biểu tượng
Chú Hiếu Tân có gì đó giông giống Hiệp sĩ Mặt Buồn.
Hì hì. Chờ hồi sau sẽ rõ.
Hiện đại,đầy chất triết học.
Đọc tới đọc lui mấy lần ,càng đọc càng thấy thú vị nhà văn ơi !
Thanks, Huỳnh Hùng!
Chính xoác!
Hiện đại hóa một câu chuyện kinh điển là điều thật không đơn giản.
Viết thật thâm thúy
Phai ngam nghi lam moi hieu duoc nhung gi ma nha van Hieu Tan gui gam vao trang viet
Don Quixote …..rất nhiều …Don Quixote nhà văn ơi
Cũng không nhiều lắm đâu, bạn ạ
Phải chờ xem phần 2 mới hiểu tác giả muốn gửi gắm điều gì !
Chính xoác!