“Chuyên viên trám lỗ” (tập 2)
Nhờ trám lỗ, suýt nhận giải…viết văn.
Trương Tất Thọ
Bàn làm việc của tôi đặt cạnh bàn của bác YV. Bác phụ trách mảng văn của tạp chí tôi cộng tác. Dạo ấy tạp chí mở cuộc thi viết về “Gia đình thân yêu” để bạn đọc sáng tác, Bàì được chọn đăng ngoài việc có nhuận bút còn được chọn để đưa qua hội nhà văn chấm và trao giải thưởng cuối năm, giải nhất trị giá 7 triệu thời giá 1999.
Một buổi họp tòa soạn
Đang làm việc bỗng nhiên bác ấy than:
-Số này chỉ chọn được 1 bài của cô Thu Lan ở Tây Ninh để đăng mà phải biên tập lại nữa, trống hẵn một trang, không biết làm sao đây?
Nói xong bác liếc liếc tôi. Biết tỏng bác ấy muốn gì nhưng tôi tỉnh bơ. Một lát sau bác “thỏ thẻ”:
-Hay là ông viết cho một bài “gia đình thân yêu” dưới dạng bài độc giả dự thi đi.
– Quy định đâu cho người tòa soạn viết…
-Trống một trang, nhờ ông viết cho có để đăng, không dự thi, không nhuận bút nhưng vẫn xem như bài dự thi của bạn đọc…
Thương người như thể thương thân nên tôi hẹn hai ngày nữa viết cho bác. Thời điểm ấy HIV đang bắt đầu bành trướng trên thế giới và đã đến VN và tôi chọn viết về gia đình có người bị HIV qua những lần thâm nhập thực tế viết phóng sự ở các trại cai nghiện (thời điểm này tôi chuyển hẵn qua làm thư ký tòa soạn kiêm trưởng ban biên tập) . Hai ngày sau tôi đưa bác câu chuyện về HIV để đăng vào trang dự thi “Gia đình thân yêu” dưới dạng bạn đọc tham dụ cuộc thi với tên cực kỳ…con gái: Trần Ngọc Dung và bút pháp viết thư “tám chuyện” còn nữ tính hơn cả…phụ nữ. Chuyện như sau:
Em đã mất anh như thế đó…
Anh thương yêu,
Hôm nay là lễ giỗ thứ 8 kể từ ngày anh vĩnh biệt cuộc sống, bỏ mẹ con em và bà nội ở lại với những trăn trở, khó khăn của cuộc đời. Được sự cho phép của mẹ già, Tết năm nay em sẽ đi thêm bước nữa của đời người để hai con có được điểm tựa mà vươn lên.
Ôn lại kỷ niệm một thời đã qua, từng bước anh rời xa gia đình lao vào con đường nghiện ngập, làm bạn với ma túy để cuối cùng vĩnh viễn bỏ lại những người thân thương…
Anh vốn xuất thân trong một gia đình đàng hoàng không đến nỗi khò khăn về mặt vật chất. Khi chúng ta quen nhau, em đang là CNV một cơ quan và anh là công nhân có tay nghề. Sau đó cuộc tình đẹp đưa đến mái ấm hạnh phúc với bé Hương và bé Tuấn lần lượt chào đời ghi nhận đời sống lứa đôi có ý thức trách nhiệm của hai đứa mình.
Anh là con một nên được nuông chiều từ tấm bé, nhất là sau khi ba qua đời, má tần tảo nuôi anh. Đấy cũng chính là điểm yếu của anh trong đời sống lứa đôi. Vợ chồng bao giờ cũng có những lúc mưa thuận gió hòa, có lúc bất đồng ý kiến. Sau khi bé Tuấn chào đời, những khó khăn về kinh tế thập niên 75-85 với nỗi lo toan cơm-áo-gạo-tiền đã làm cho bầu không khí gia đình trở nên ngột ngạt. Từ đó anh bắt đầu la cà với bạn bè . Khổ thay nơi chúng ta ở lại là điểm nóng của ma túy. Bình tâm suy xét, bất hòa chính lúc ấy là anh muốn có thêm con mà em thì thấy hai con là đủ, vì thế em đã lén anh đi hút điều hòa kinh nguyệt. Rồi tai họa đến khi anh mỗi ngày mỗi” phê” và đồ đạc trong nhà lần lượt ra đi. Tổ hợp cho anh nghỉ việc và anh có dịp càng phê nhiều hơn. Anh thay đổi thật nhanh, cả thể xác lẫn tâm hồn. Con nhìn anh bằng ánh mắt lấm lét ,sợ hãi. Biết em và má thương con, thương cháu nội, anh đã dùng chúng làm công cụ moi tiền : hết đánh đập laị la hét như một cảnh địa ngục trần gian và đi đến đỉnh cao là đòi giết con nếu không đưa tiền đi chích tiếp. Má thương con, em thương chồng, tất cả lao vào dầu dãi nắng mưa làm việc quần quật để vừa nuôi con, nuôi cháu vừa cung phụng cho anh. Cuối cùng căn nhà cũng phải bán đi để phục vụ nhu cầu tiêm chích. Địa phương thấy hoàn cảnh bi đát vì anh, đã đưa anh đi cai nghiện ma túy.
Vừa mới vào trường, anh đã tạo màn kịch tự tử để được chuyển viện cấp cứu rồi từ đây trốn viện đi ăn xin. Sau một chiến dịch tình thương ở thành phố, anh được đưa vào trường lại. Má giờ đây buồn chán đến mức không muốn vào thăm anh. Sau khi được chữa trị cắt cơn nghiện, nhà trường đã tạo điều kiện cho anh lao động để chuẩn bị từng bước “về đời” với sự động viên của em mỗi khi có dịp vào thăm nuôi. Má và mẹ con em đã khổ vì anh đăng đẳng suốt mười năm trời rồi còn gì?
May mắn thay, niềm vui đã trở lại trong gia đình khi anh được điều trị ổn định sinh lý, vượt qua những vật vã thể xác của cơn nghiện. Vài tháng sau em được nhà trường cho biết qua quá trình ổn định tâm lý, anh đã ý thức được tình yêu với gia đình và xã hội, thể hiện qua việc lao động theo qui trình định mức của nhà trường và bắt đầu được hưởng phụ cấp theo sản phẩm. Rồi ngày vui cũng đến khi nhà trường công bố danh sách “về đời” đưa anh trở lại sum họp với gia đình. Hạnh phúc tưởng đã bay đi, nay quay trở lại.
Dạo ấy thành phố phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên. Các tin dữ đăng trên báo làm mọi người sợ hãi, thậm chí truy tìm như một đối tượng hình sự. Cho đến một ngày được tin cấp báo, em đến Trung Tâm Cấp Cứu dể nhìn thấy những động tác hồi sức vô vọng trên cơ thể bất động của anh. Anh đã tự tử bằng những viên thuốc uống quá liều sau khi thử nghiệm máu với kết quả HIV dương tính. Những quan điểm sai lầm với SIDA thời ấy (nay là AIDS) của xã hội đã đẩy anh đi vào con đường tuyệt vọng. Làm sao nói hết được nỗi đau người mẹ, người vợ khi đứa con duy nhất của má không còn nữa và hai đứa con thơ dại của chúng ta đầu chít khăn tang ngơ ngác đi bên quan tài cha.
Phần anh như thế đã xong, chỉ còn lại trong cuộc sống mẹ già bơ vơ, em tần tảo nắng mưa kiếm miếng cơm manh áo với hai con thơ thiếu tình thương yêu nồng thắm của người cha.
Thời gian vẫn trôi đi và em vẫn lăng lẽ sống phụng dưỡng me chồng, nuôi con dại với bóng hình đẹp đẽ của anh ngày nào. Chỉ còn lại niềm an ủi duy nhất : má coi em là con gái, thay anh nuôi má qua những ngày tháng cuối đời…Rồi cũng có người đến với em, hổ trợ giúp đỡ. Trước ngại ngần của em, má thường khuyên : “ Khi nó qua đời, má đã khóc hết nước mắt vì thương nó, thương cảnh bơ vơ lúc tuổi già , thương hai đứa cháu nội còn thơ dại đã mồ côi. Còn bây giờ, con là con gái của má, má muốn con quên đi dĩ vãng đau buồn, nên đi thêm bước nữa để cháu nội của má có nơi nương tựa. Một mình người mẹ khổ vì con cũng đã đủ rồi…”
Hôm nay nhân ngày giỗ anh, em viết gởi anh lá thư của người vợ bao năm lặng lẽ đơn côi. Và hy vọng bức thư nầy sẽ là lời cảnh tỉnh cho những ai muốn giết chết tuổi xuân bằng con đường nghiện ngập ma túy dẫn đến HIV…
Trần Ngọc Dung(Thủ Đức)
Bài này tôi viết dưới dạng bức thư tình gởi cho người chồng đã khuất, tư liệu có được khi tôi đi viết phóng sự đời sống của những người xì ke ma túy sống ở trại cai nghiện.
Dĩ nhiên bài được đăng, lại ký tên phụ nữ (tên đứa em vợ), giọng văn đúng kiểu tâm tình phụ nữ nên tôi quên bén đi mất, không ngờ bài lại được chon chung vào 24 bài gởi qua ban giám khảo hội nhà văn chấm. Khi kết quả về Tòa soạn, xem bảng nhận xét 24 bài gởi qua thì tôi tá hỏa thấy “tác giả” bài “Em đã mất anh như thế đó…” được giải 3 bèn nói thật “tác giả Trần Ngọc Dung là tôi viết trám lỗ theo nhờ cậy của bác YV chứ không dự thi, đề nghị bỏ giải ba vì…phạm quy để tăng thêm số giải khuyến khích 700.000 giúp độc giả thêm phần hứng khởi…mua báo đọc
KimB vẫn còn nhớ anh Thọ mà, vì là hoạ sỹ thì phải đọc bài kỹ, Kimb còn trình bày thêm tờ Đông y…Màng y tế là thế mạnh của TGM mà. Sau này còn làm ở Thanh Niên gần 3 năm. Quả đất, và Sài Gòn..bé lắm !
“Lương tâm trong sáng” quá, người viết !!! Ngồi làm thiết kế ở tạp chí TGM 17 năm, KB thông cổm chuyện này lắm…
Tôi có khoảng thời gian cộng tác với TGM, thỉnh thoảng vẫn qua tòa soạn đường DBP thăm NH, BT và ra đầu ngõ cà phê cà pháo. Có thể mình cũng đã gặp nhau?
Một thời oanh liệt anh nhỉ !
“Thôi rồi còn chi đâu anh ơi/Thôi rồi còn chi đâu anh ơi…”
Những kỳ niệm vui rất đáng trân quí phải không anh.
Làm việc những điều tưởng chừng nhỏ nhưng cũng phải rèn luyện cả một thời gian dài lâu, vì vậy nên luôn trân trọng nhũng kỷ niệm đã qua của dĩ vãng.
Đang không vui,đọc thấy vui.
Cười là liều thuốc bổ còn vui là hậu quả của việc não tiết ra nội tiết tố endorphine
Viết rất có duyên.Hồi trẻ chắc anh được nhiều cô mê ?
“Hồi trẻ chắc anh được nhiều cô mê ?”
Chuyện đó các cô biết còn người “thụ hưởng” thì mần răng biết được….
Rất “đa gi năng” anh Thọ ơi.
Thời xa xưa, degenan được coi là thuốc trị bá bệnh, đồng thời chơi chữ trong tiếng Việt, “đa gi năng” được xem là đa năng. Cám ơn bạn.
Từ trám lỗ ngộ ghê !
Đi sâu vào chuyên môn chút xíu trong việc vẽ ma kết báo. Các bài sau khi biên tập xong sẽ do họa sĩ trình bày vẽ ma kết. Khi in thử bản mo-rát, sẽ lộ ra vài khoảng trống được gọi là “lỗ”(trou). Nếu lỗ nhỏ thì có thể trám lỗ (bouche-trou) bằng một câu danh ngôn như “Khoa học mà thiếu lương tâm thì chỉ còn là sự tàn lụn của tâm hồn”. Nếu khoảng trống lớn cỡ 1-200 chữ thì trám bằng chuyện vui cười v…v…Người theo sát họa sĩ trình bày chuyên trám các chỗ trống đấy được gọi là người chuyên trám lỗ. Đó là chuyện làm báo ngày xưa. Bây giờ việc trám lỗ dễ dàng hơn nhờ vi tính, chỉ cần copy-paste là xong.
Nếu không hiểu rõ thì nghe từ trám lỗ quả là…sợ thật.
Vậy bác có làm chị Thanh Tâm bao giờ chưa bác Thọ ơi ?
Chưa bạn ạ!