Nguyễn Đồng Hoang
Sáng nay Đồng Hoang ra câu lạc bộ 30/4 uống café với các bạn thời sinh viên ở Đà Lạt. Trong câu chuyện, có người nhắc đến vợ chồng doanh nhân thành đạt: Philip Hải – Lê Hồng Thủy và cô con dâu: kiều nữ Tạ Thanh Hằng.
Philip Hải học trên Đồng Hoang nhiều lớp, không có dịp quen biết ở trường và ở đời thường sau này, nhưng cái tên Lê Hồng Thủy lại làm Đồng Hoang nhớ đến hình ảnh cô tiếp viên hàng không xinh đẹp năm nào bị Lý Tống dí dao đẩy về buồng lái trong chuyến bay kinh hoàng ngày 04-9-1992, cách đây vừa tròn 12 năm.
5 giờ chiều ngày hôm đó, một ngày gần tết Trung thu, chiếc máy bay A310-200 của Hàng Không Việt Nam (do Jes.AES Bulgaria bay thuê), rời sân bay Bangkok, chở theo 115 hành khách mang nhiều quốc tịch, về Sài Gòn.
Khi máy bay đã lên đủ độ cao, các tiếp viên nhanh chóng phục vụ đồ ăn, thức uống cho hành khách. Một lúc sau, khi cô tiếp viên mang bảng tên Lê Hồng Thủy đẩy xe thu dọn khay đựng thực phẩm về buồng lái, một người khách ở lứa tuổi trung niên, cao lớn, vai mang balô, bước theo, rồi vượt qua tấm màn ngăn chia khu vực hành khách VIP, đi vào buồng lái… Lúc này máy bay đã về đến không phận Việt Nam – 114 vị khách còn lại vẫn thản nhiên đọc báo, trò chuyện vui vẻ, hay lim dim ngủ… Họ đâu ngờ một tình huống tồi tệ đang xảy ra, đe dọa đến tính mạng họ!
Lý Tống, người khách trung niên nọ, đang dí dao khống chế hai tiếp viên Hồng Thủy, Xuân Thủy và trói chặt nam tiếp viên người Bulgaria bằng dây dù. Anh ta dọa tổ lái sẽ cho nổ bom, bắt cơ trưởng phải hạ độ cao xuống 200 feet (≈ 70m), mở hé cửa thoát hiểm cho 2 cô tiếp viên rải truyền đơn. Áp suất không khí lớn, gió thốc mạnh, máy bay trồi lên hụp xuống như lướt sóng ngoài biển khơi… Một giọng nói run run phát ra từ loa thông báo:
“Vì sự cố kỹ thuật, yêu cầu quý khách ngồi yên tại chỗ, thắt dây lưng, không được đi lại cho tới khi sự cố được khắc phục.”
Trong chuyến bay có một đoàn khách du lịch, một số Việt kiều và một đoàn công tác của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do ông Chủ tịch Nguyễn Minh, nguyên Thiếu tướng quân đội, dẫn đầu.
Máy bay bay vòng vòng trên bầu trời Sài Gòn như một chiếc lồng đèn kéo quân, và mặc cho lời cảnh báo trấn an đều đặn phát ra từ loa thông báo, mọi người đều biết có chuyện bất thường đang xảy ra. Nỗi hoang mang càng tăng theo độ chao đảo, rung lắc của máy bay… Khách du lịch bắt đầu la khóc, mặc áo phao, làm lây lan cơn sợ hãi đến mọi người… Mấy ông cán bộ oai phong nơi công đường giờ cũng phải hốt hoảng lo âu… Duy chỉ có vị thiếu tướng – Chủ tịch tỉnh, vẫn điềm nhiên đưa mắt nhìn quanh quan sát tình hình.
Nỗi lo sợ cũng ập đến với Đồng Hoang và trong lúc cận kề Sinh – Tử ấy, mọi việc trong quá khứ ùa về như một tập phim 3D rõ nét, tốt xấu phân minh, không chối cãi… Trong giây phút lặng thinh, trở về với lòng mình, Đồng Hoang biết mình là… Đồng Hoang, làm sao tránh khỏi Hoang và Hư! Nhưng cũng may là chưa làm điều gì tồi tệ, hại mình, hại người… Đồng Hoang cầu nguyện, nhớ đến từng người thân quen và… tiếp tục đọc báo! Cũng vì cái tội đọc báo này mà khi về cơ quan, vị thủ trưởng ngồi bên cạnh Đồng Hoang đã nói cùng anh em: “Người ta thì lo sợ, còn anh ta thì ngồi tỉnh bơ đọc báo!” Thủ trưởng đâu có biết Đồng Hoang lo sợ đến nỗi “của mẹ cho, bà mụ nắn… dư một chút” thun lại, chạy mất tiêu, tìm hoài không thấy!
Khi đã rải truyền đơn xong, Lý Tống yêu cầu tổ lái lên độ cao 7.000 feet (2.335m) và quay về hướng Thái Lan để y nhảy dù. Ở độ cao áp suất không khí lớn, việc mở cửa máy bay rất nguy hiểm. Gió thốc vào, thổi tung giấy tờ và các vật liệu nhẹ, gây cảnh hỗn độn và cực kỳ hoảng sợ cho hành khách… Cũng may, vị cơ trưởng già dặn, khôn ngoan đã đánh lừa được Lý Tống khi chuyển hướng bay về Cần Giờ để anh ta nhảy dù. Lý Tống rơi xuống một ao nuôi vịt ở ngoại thành. Nghe tiếng vịt kêu tan tác, người dân túa ra bắt tên trộm vịt, nào ngờ gặp một tên trộm vịt trong túi có đôla!
Lý Tống bị kết án 20 năm tù và được ân xá tháng 9 năm 1998.
Sau khi Lý Tống nhảy dù ra ngoài, cơ trưởng Vikov điều khiển máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 19h 14’ với một cánh cửa thoát hiểm bị mở tung!
Vì đã nắm bắt được sự việc cho nên lực lượng chức năng đã sớm triển khai công tác cứu hộ, nhưng chưa tiếp cận vì sợ không tặc còn đồng bọn và máy bay bị gài bom… Máy bay ngừng ngoài đường băng, xa xa ánh đèn xe cứu hộ chớp nháy liên hồi. Hành khách túa ra cửa máy bay như ong vỡ tổ. Một tay xách cặp, một tay xách 2 hộp bánh trung thu Đồng Hoang đi theo đoàn du khách. Vừa tới cửa, Đồng Hoang thấy một bóng người nhào lên cầu thang la lớn: “Bỏ đồ xuống, ra mau” rồi lôi tuột Đồng Hoang xuống đất, thì ra đó là anh Nghị và ông Tam Sinh, người Singapore, đại diện hãng cho thuê máy bay, bạn của Đồng Hoang.
Anh Nghị kêu trời: “Khổ quá, chỗ nào cũng có ông! Vào nhà ga đi, đồ đạc tôi sẽ lấy cho!”. Về sau khi có dịp gặp lại, Đồng Hoang hỏi ông Tam Sinh: “Bữa đó không sợ sao mà ra máy bay sớm vậy? Máy bay có hư nặng không?”. Ông Tam Sinh mỉm cười: “Nhiệm vụ mà, máy bay hư không sao, không mất mát con người là mừng rồi!”.
Ra khỏi máy bay, toàn bộ hành khách được đưa vào phòng cách ly. Hành lý, sau khi được rà bom mìn, cũng được đưa vào… Mọi người đều mệt mỏi, rã rời… Vị tướng không ngồi yên một chỗ, ông thọc tay vào áo ba túi, đi đi lại lại trong phòng. Thỉnh thoảng ông trao đổi một vài điều gì đó với các cán bộ đang làm nhiệm vụ. Lần lượt các cán bộ đi công tác, khách đi du lịch theo đoàn và người nước ngoài được làm thủ tục ra về, chỉ có một số Việt kiều phải ra về chậm hơn…
Tối hôm sau, Đồng Hoang nghe nói tại một khách sạn lớn trong thành phố, đoàn khách du lịch đã làm heo ăn mừng thoát nạn. Sâm banh tuôn như suối. Trong men say quý ông đã nắm tay, ôm eo “tình thương mến thương” với các em mà quý bà bỗng “từ bi bất ngờ”, cười rạng rỡ, không “đổ ghè tương” một chút nào!
Thoát nạn, Đồng Hoang có được một trải nghiệm sinh tử của đời người, nhưng đôi lúc cũng nghĩ ngợi nghịch ngợm: Nếu lúc đó máy bay nổ, thịt xương Đồng Hoang rơi vung vãi, phần nằm bên ông tướng thì e ngại, phần nằm bên người đẹp thì… nhột lắm!
Nói vui vậy thôi, chứ cái chết đâu có phân biệt người đẹp, tướng lãnh hay thường dân đâu…
Vũng Tàu, ngày 26 tháng 8 năm 2014
Nguyễn Đồng Hoang
Hú hồn anh há !
Đúng vậy , phải hú hồn mới chạy về đó !
Chúc Thúy Loan vui.
Vậy đời vẫn còn một chữ may.
Đúng là như vậy đó himlam ơi !
May mà còn…một chữ , nếu không là tiêu mất đời !