TRẦN DZẠ LỮ
Ở B’ Lao
Khi ra số đặc biệt viết về quái sĩ, thi sĩ Nguyễn Đức Sơn,anh Nguyên Minh
tổ chức thực hiện chuyến đi B’ Lao thăm Nguyễn Đức Sơn.Chuyến xe 30 chỗ ngồi nhưng thực tế có 25 người tham dự.Khởi hành từ ngã sáu Chuồng Chó –Gò Vấp sau
6 tiếng đồng hồ là đến B’Lao.Theo chương trình thì 13 giờ ăn cơm và nghỉ trưa
tại chùa Phước Huệ.Tại đây sư trụ trì Phước Thuận đã đón đoàn rất thân thiện và
chu đáo .Lần đầu tiên tôi ăn cơm chùa tại phố núi nên cảm thấy ngon lạ.Chắc tại
trời mưa?.15 giờ đoàn rời chùa để ra Phương Bối-nơi rừng thông của Nguyễn Đức Sơn.Trước khi đến đó, Thu Nguyệt
trưởng đoàn đã “đả thông “ anh chị em là đến đó ông Sơn núi có chửi tục thì anh chị em cũng nên nín nhịn và ai cũng biết đó là cố tật rồi.Trước đây rất lâu tôi cũng đã từng nghe nhiều bạn bè ta thán vì anh Nguyễn Đức Sơn chửi tuốt
không chừa một ai.Tôi nghĩ:trăm nghe không bằng một mắt
thấy…phải tận mục sở thị!
Xe không vào tận cốc của Nguyễn Đức Sơn được nên dừng trước đường đất đỏ cách nhà khỏang 400m.Người nào cũng ngần ngại trước khi vào.Trong đoàn có hai người đã từng sống và thân thiện Nguyễn Đức Sơn là Nguyễn Miên Thảo và Nguyễn Sông Ba nên hai anh chàng này đi đầu.Họ hú dài và kêu tên Nguyễn Đức Sơn.Từ cốc bước ra thấy đoàn đi vào anh Nguyễn Đức Sơn chào đón bằng cách lấy hai ngón tay banh miệng ra và thè dài lưỡi chắng khác nào con khỉ…già.Tôi không nhịn được cười.Nguyễn Miên Thảo đánh phủ đầu bằng hai câu thơ: Đ.M Nguyễn Đức Sơn/Già rồi còn ba lơn…Vậy là anh ấy chịu phép và cười toe toét.
Thoáng chốc đoàn rất thân tình với anh Sơn.Ai cũng lao vào chụp hình chung với anh và chị Phượng – vợ anh Sơn.Riêng tôi đứng bên hè và suy nghĩ về người đàn bà nhan sắc này.
Đúng là người đàn bà vĩ đại thật khi từ bỏ tất cả để lên nơi cùng cốc này sống với anh Sơn và đã hạ sinh 9 người con.
Bây giờ chị già đi nhưng vẫn còn những nét kiêu sa trên khuôn mặt và đôi mắt. Sau một hồi trò chuyện, đoàn lại qua đồi Sim thăm Nguyễn Đức Vân cách đó 1 cây số.Lần này anh chị Sơn lại đi theo đoàn để qua chỗ con trai( Nghe đâu trước đây hai cha con không ưa nhau ) Đó là điều lạ lùng.Dù mưa gió, nhưng Việt Yến Lê đã cõng anh Sơn ra xe.Thật cảm động.Ở đây, Tiểu Khê, Phương Bối( con gái anh Sơn )
đã che dù để rước từng khách vào nhà.Tuy chưa ai giới thiệu nhưng tôi cũng biết vì hai cô bé này có đôi mắt rất giống mẹ.Nguyễn Đức Vân chào đón đoàn bằng nụ cười tươi và thết đãi anh chị em văn nghệ QV bằng bữa cơm chay.Mỗi người được tặng một hũ nhỏ rượu Sim do chính tay Vân làm.Dưới trời mưa bay trên đồi Sim tím mà nhâm nhi rượu sim thì còn gì bằng ? Anh chàng Vân này cũng thật lãng mạn, trồng toàn sim( giá trị kinh tế đâu bằng trồng thứ khác ? ) Chắc như đinh đóng cột là anh chàng này cũng làm thơ ( gặp nhau gần cả 10 năm trước ở SG, Vân đã tặng tôi một tập thơ ).Cơm nước xong xuôi Vân mời anh chị em qua
Thiền Viện Đồi Sim .Ở đây anh chị em chúc mừng anh Sơn núi và giao lưu bằng những câu hỏi mà từ lâu anh chị em chưa thấu đáo.Vân cũng đã bày tỏ suy nghĩ của mình với cha.Cả nguyễn Đức Yên cũng thế.Tóm lại, trên đời này tình
cảm cha con khó mà đứt đoạn nhất là trong người họ lại có máu văn nghệ luân lưu…Mọi câu hỏi anh Sơn núi trả lời rất
thông minh tuy giọng anh hơi bị cà lăm.Riêng tôi ,tôi rất tiếc tờ báo Mặt Đất của anh không còn lưu giữ được.Đó là một tờ báo in lậu nhưng rất độc đáo với bài viết của anh ký tên Sao Trên Rừng và vài người thân anh nhất mà tôi đã được đọc năm 67 ở SG.Nói gì thì nói về đời sống , đôi khi có nhẫn tâm với vợ con nhưng về mặt văn học anh là người tài hoa.Đọc thơ anh tôi không thích những bài kiểu khinh thế ngạo vật, có bài tục tằn…Nhưng bao trùm lên tất cả những điều ấy thì thơ anh viết cho vợ, con và viết trong trại giam là những bài rất cảm động và hay( tôi không trích ra đây vì số đặc biệt về Nguyễn Đức Sơn Quán văn đã đăng rồi).Và một điều tôi cho là anh Sơn núi vĩ đại là tình yêu thiên nhiên của anh.Nếu không yêu thiên nhiên làm sao anh tiếp thu ngọn đồi mênh mông ấy để năm này tháng nọ trồng kín thông trên
đồi? Và nếu không có sức mạnh nội tại thì làm sao anh trụ được nơi núi rừng này trên 40 năm qua ? Trong thời gian ở ẩn này nghe đâu anh làm rất nhiều thơ bỏ vào bọc chôn xuống đất.Anh chị em có hỏi thì anh trả lời là đã bị mối ăn hết rồi !
7 giờ tối đoàn rời đồi sim để về nghỉ đêm tại chùa Phước Huệ.Nguyễn Sông Ba lại giới thiệu một quán cà phê có tên
Lối Xưa, chủ quán rất thích anh chị em văn nghệ SG , là một cô bé mê
văn chương.Định là tắm rửa xong sẽ qua đó nhưng anh chị em đồng tình qua cà phê Lối Xưa liền.Hai mươi lăm người ( cộng thêm vơ chồng Nguyên Tâm từ PT đi qua )vào là gần chật quán.Chủ quán chào đón khách bằng nụ cười rất thánh thiện, hé lộ chiếc răng khểnh bên phía trái rất duyên dáng, đáng yêu làm sao( Lúc này tôi nghĩ đến NĐ, hèn gì tháng nào anh ta cũng đi xe máy từ SG lên Bảo Lộc
Uống cà phê ! ) Khi Nguyễn Sông Ba giới thiệu đoàn, cô bé tự tay pha cà phê mang đến cho từng người.Quán không sang trọng lắm nhưng nó có một không khí thật gần gũi, ấm áp dù lúc này bên ngoài mưa vẫn mưa rơi.Nguyễn Miên Thảo gọi điện cho HNC.20 phút sau anh ta xuất hiện.( chắc đã uống đâu đó rồi) kêu 2 thùng bia 33.Anh chị em phì cười vì đang uống cà phê.HNC cướp luôn diễn đàn( có lẽ bí tỉ nên sướng !) Ngâm thơ và tự nói về mình.Tôi chỉ im lặng khi nghe anh nói:” Thơ tao mới hay, mi là vứt đi”( nói tôi ) ).Chừng hơn nửa tiếng đoàn rời quán và y chang lời NSB.Chủ quán không tình tiền.Bước ra cửa tôi hỏi cô bé Thanh( chủ quán ) NĐ thường lên đây đúng không ? Cô bé xác nhận đúng.Tôi nói: chú là TDL, bạn của Đ.Cô bé cười: Cháu thường đọc thơ chú.Thơ tình rất lãng mạn…Cô tiếp: Không chỉ NĐ, mà các anh các chú ĐC,NĐS, NDQ, HNC,NSB,VCC,TTT… cũng đã ghé Lối Xưa.Thì ra cô bé này thích văn thơ, đọc tác phẩm của nhiều người và sính văn nghệ là phải.
Chương trình của đoàn Quán Văn là sáng hôm sau qua lại đồi sim để giao lưu và phát hành tập QV 24 viết về NĐS.Nhưng tôi” chém vè” vì nghĩ thế là đủ rồi nên ra quán cà phê ngồi cùng vợ chồng nhà văn Trần Quang Ngân.Ở đây gọi lại điện cho HNC, anh không ra.Tôi gọi cho một fan nữ
lâu đời cũng bận.Bận hay bây giờ họ đã khác xưa ? Sợ ngồi lâu ở Bảo Lộc những kỷ niệm xưa lại tràn về làm nhức nhối
con tim khi Nàng đã về bên kia thế giới.Tôi vội vã đón xe đi Di Linh.
Ở Di Linh
Đón xe từ Bảo Lộc đi Di Linh thật khó.Chờ hoài không thấy xe buýt, Xe Thành Bưởi cũng không ngừng.Cuối cùng
tôi ngoắc 1 chiếc xe Ford.Trên xe chỉ mới một khách và tôi là hai người.Thế là tài xé cứ đảo vòng quanh Bảo Lộc để kiếm khách.Hơn tiếng đồng hồ sau đủ khách xe mới chạy về Di Linh.Thật không may vướng phải chuyến xe “bão táp” ( Một xe trong cõi hồng trần như bay… Nguyễn Du )Gần 11 giờ đến Di Linh tôi mới hoàn hồn.Đứng ở Bưu Điện Di Linh tôi gọi điện cho Hằng.Chưa đầy 10 phút, hai chiếc xe tay ga trờ tới.Dù là lần đầu gặp nhau nhưng chúng tôi rất dễ nhận ra nhau vì hình trên fb và ở ngoài không khác.Hai O đồng hương kiếm chỗ để tôi nghỉ ngơi.Đó là một khách sạn khá lớn ở Di Linh.Ném đồ đạc vào phòng xong, Hằng chở tôi
đi uống cà phê ở quán Tâm Châu.Cũng là quán cà phê ngon
nhất thị trấn Di Linh.Mưa bay bay ,ngồi nhâm nhi ly cà phê
nhìn qua cửa kính thấy núi đồi ẩn hiện chập chùng tôi có cái cảm giác lâng lâng khó tả bởi ngày xưa bạn tôi nhắc đến những ngày đi giang hồ về Di Linh khiến tôi thích thị trấn này
rồi.Vùng đất này có những con người rất yêu mến văn chương.
Cà phê và chụp hình kỷ niệm xong, Hằng và Diễm đưa
tôi đến quán cơm Hà Nội.Nơi đây có những món ăn của Huế và Hà Nội nên rất thích khẩu với tôi.13 giờ chia tay, tôi trở lại khách sạn.Diễm nói với: Chiều nay mời anh ăn cơm nhà em hí.Hai chị em biến lên ngọn đồi …nay là khu hành chính của huyện.Vào phòng ở khách san NM tôi ngủ một giấc ngon lành vì tối qua ở chùa Phước Huệ tôi mất ngủ : Lý do , bạn Ngô khắc Tài, nhà văn vùng đồng bằng sông Cửu Long- lâu gặp lại nhau nên trò chuyện không ngớt tới khuya (ngày 3.8.2014)
6 giờ chiều Diễm đến đón tôi về nhà.Nhà Diễm ở trên một con dốc rất thơ mộng ở đường Lý Thương Kiệt.Ở đây có cả Hằng đợi sẵn.Bữa cơm thân mật với những món do chính tay
Diễm nấu.Nhớ nhất là món thịt ba chỉ luộc, thái mỏng ăn với
Ruốc Huế và món canh khổ qua. Sau bữa ăn, hai anh Minh và Hòa dẫn tôi đi uống cà phê Phương Trang.Quán này cũng là quán cà phê nổi tiếng ở huyện Di Linh.
Ngày hôm sau tôi trả phòng khách san NM để về Nhà Nghỉ ( HĐ ) gần nhà Hằng cho tiện.Lại uống cà phê và ăn phở
sát nhà Hằng.Buổi chiều ngày 4.8 Hằng đãi tôi món bánh canh cá lóc bột mì do chính tay nhà thiết kế áo dài Di Linh nấu.Món bánh canh ngon tuyệt mà đã lâu rồi chưa được ăn.O Huế này cũng giúp tôi phát hành 20 cuốn Thơ Tình Viết Trên Bao Thuốc Lá chưa đầy 1 tiếng đồng hồ.Đây là người thứ 6 thật sự giúp tôi bằng hành động cụ thế sau TTHT , SH và TNMC ở Mỹ, BHTN ở Đức…Tôi thật sự cảm động bởi nhờ vậy tôi
mới trả xong tiền nhà in.Nghĩ tình trạng lạm phát thơ tôi giật mình, chưa có thời kỳ nào người ta in thơ nhiều đến thế.Nhưng chất lượng thì…đáng buồn !
Sáng 5.8 tôi lại lên xe, chia tay Di Linh.Chia tay hai O đồng hương H và D dễ thương để trở lại SG, thành phố không bao giờ yên tĩnh bởi đây là thành phố của Công Nghiệp và nhà Cao Tầng.
Chia tay H và D ,tôi lại nhớ đến mấy cây Vả nhà Hằng, thân cao to và trái sum suê, lại thương trái Vả Huế nhỏ nhoi.
Nhưng nhờ Vả, vợ chồng tôi đã sống qua được 1 tháng khi
không có gạo ăn trong mùa thất bát của một thời kỳ làm nhà nông bất đắc dĩ…
Chia tay Di Linh, huyện lỵ miền núi mênh mang buồn…nhưng tôi thật khó quên.Lần sau có trở lại Di Linh nhất định phải về vào tháng 10 ta ,khi hoa dã quỳ nở vàng ngợp trong màu nắng lung linh.Khi đó hồn vía thi nhân sẽ bay bổng với trời xanh núi thẳm.Cảm ơn Di Linh, hai ngày hai đêm tạm trú,tôi đã viết được một tạp bút và 6 bài thơ tình.Cảm ơn Hằng và Diễm, hai O đồng hương đón tôi như người thân quý sau ngày lưu lạc trở về nhà mái xưa : Huế ở Di Linh !
Trần Dzạ Lữ
( SG, ngày 6.8.2014 )
Anh nhà thơ ơi em muốn đến thăm thi sĩ Nguyễn Đức Sơn thì anh có thể cho em xin địa chỉ được không ạ ?
Mua Thu Nha Trang lên Bảo Lộc ghé nhà văn Trần Quang Ngân ở số 9/29
đường Trần Phú ,anh này sẽ đẫn Nha Trang gặp Nguyễn Đức Sơn vì thi sĩ ở trong núi.
Em cám ơn anh.
“Một chuyến đi”đầy hoài niệm…lâng lâng vị tình!
Cảm ơn em trai NNT đã cảm nhận nhé.Chúc vui
Đi rứa mà có tìm được em mô khôn?
Đi để bớt căng thẳng đời sống chứ tìm chi mô bạn ?
Theo tôi biết,nếu tôi không lầm,đầu thập niên 60,khi viết trong các tạp chí Sáng Tạo,Thế kỷ 20,Ông Nguyễn Đức Sơn còn có bút hiệu là SAO TRÊN RỪNG. Ngoài thơ,ông NĐS viết truyện ngắn đăng trên các tạp chí này. Tôi không hiểu tại sao ít người,kể cả anh TDL nhắc đến bút hiệu này của NĐS
Trong bài tôi có nhắc tờ Mặt Đất của anh Sơn với bút hiệu Sao Trên Rừng đó bạn..Cảm ơn
Cảm thông và chia sẻ nhau hơn.
Chuyến đi ”đáng nhớ của nhà thơ”,
một đời chỉ miết một đường ”TÌNH”.
Cảm ơn anh Trần Bảo Định đã cảm nhận.Chúc anh luôn vui
Cuối cùng vẫn là một chuyến đi may mắn !
Cảm ơn T& T hí
Biết thêm sinh hoạt của các nhà thơ cũng hay, đâu ai giống ai đâu hà tất phải giống mình.
Vâng.Đúng thế
ông Trần Dzạ Lữ viết rất buồn cười: ” Nghĩ tình trạng lạm phát thơ tôi giật mình … nhưng chất lượng thì … đáng buồn!” nhưng thơ ông lại không đưa lên kệ sách để bán mà phải nhờ bạn bè phát hành .!
Mình có đọc những bài thơ ngoài luồng của NDS những bài thơ thật kì lạ mà cũng thật độc đáo !
Vậy là anh hay rồi. anh Nẫu Nhà Quê ơi!
Anh Lữ thật “đào hoa “
cảm ơn Savi.Khôn có đào hoa mô !