Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Một, 2012

Nguyễn Thị Thanh Long

Một milimet vậy thôi
Mà nghe sóng sánh cả thời xa xưa
Cùng ai đi sớm về trưa
Cùng ai  nhặt nắng gom mưa cuối mùa

Ve kêu rưng rức nghiêng chùa
Ai ươm thương nhớ cho vừa heo may
Lưng chiều vương sợi khói mây
Milimet ấy đổi thay duyên tình

Con tim lỗi nhịp – khôi sinh
Milimet ấy
riêng mình đầy vơi

Read Full Post »

Minh Văn

Cuộc sống luôn có những đổi thay, mỗi lần đối mặt với những thay đổi tôi lại trở về quê ngoại – Thị Xã Sông Cầu thân thương để “làm mới” lại bản thân mình và chuẩn bị cho một hành trình mới.

Sông Cầu bây giờ đã trở thành một thị xã, nhưng với tôi Sông Cầu mãi là một thị trấn yên tĩnh và xinh đẹp. Đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ… ngày nay sao có thể thay thế được xóm Chợ, xóm Bến Xe… của ngày xưa. Nhìn các đoàn ca múa nhạc luân phiên biểu diễn trong sân khấu rộng lớn, hiện đại của thị xã tôi lại nhớ thời thơ ấu. Cái thời tôi còn là đứa trẻ cầm tấm đòn (*), lon ton đi theo bà ngoại và các dì hàng cây số dưới ánh trăng để xem gánh hát cải lương diễn ngoài sân bãi và khi ra về bao giờ cũng với đôi mắt đỏ hoe.

Trên dốc Găng nhìn xuống, Sông Cầu xanh mượt mà nằm lọt thỏm giữa rừng dừa dày đặc ven biển trong vịnh Xuân Đài. Hai nhánh sông Tam Giang và Thị Thạc thơ mộng dịu dàng băng ngang thị xã cung cấp phù sa cho vùng đồng bằng trù phú ven bờ. Xa xa ngoài khơi các dãy núi xen kẽ nhau ôm trọn Sông Cầu, tạo ra vũng Chào, vũng La… những làng chài nổi tiếng và những thắng cảnh đẹp còn hoang sơ.

Món ăn khoái khẩu của tôi ở đây là món cá bống kho béo ngậy được chế biến qua bàn tay khéo léo của ngoại và canh chua lá me với ớt bột cay xè đặc trưng của vùng biển này. Không hiểu sao tôi luôn có cảm giác thèm món ăn sáng dân dã bánh căn, bánh hỏi, bánh bèo… được bán bởi những người dân hiền lành, thân thiện. Món ăn chơi ngon nhất mang đặc trưng của Sông Cầu là ốc quắn chấm nước mắm me gừng. Cảm giác sung sướng khi lể từng con ốc quắn nhỏ xíu chấm nước mắm cho vào miệng thưởng thức là không gì sánh được. Thâm niên nhất trong các hàng ốc có lẽ là cô Mau, cô đã hơn 20 năm bán ốc với nước chấm ngon có tiếng. Cho đến bây giờ, nụ cười rạng rỡ đón chào của cô mỗi khi tôi đến hàng ốc không phai mờ trong tôi. Cô là biểu tượng sống động về sự mộc mạc, chân chất và mến khách của người dân nơi xứ dừa.

Người Sông Cầu rất nặng chữ tình, chữ nghĩa. Đôi khi tôi tự hỏi có phải Sông Cầu đang đứng ngoài sự phát triển của xã hội hay không? Cho dù đường sá, nhà cửa ngày một đẹp hơn, khang trang hơn nhưng tình cảm xóm giềng, bằng hữu ở đây vẫn vậy. Hầu như mọi người đều biết nhau, lúc nào cũng có thể nghe mọi người cười nói, thăm hỏi, chia sẻ với nhau về gia đình, công việc ngay ngoài đường. Khi nhà nào có giỗ chạp, mọi người sum họp phụ giúp nhau. Người dân ở đây rất thọ, có lẽ một phần là vì họ sống rất lạc quan. Ông ngoại tôi dù đã gần 90 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn và có nhiều bạn. Những ngày hè, sáng nào tôi cũng bị đánh thức bởi những câu chuyện rôm rả của nhóm bạn già. Trùm mền giả đò ngủ để nghe lén những câu chuyện ấy là một trong những thú vui của tôi, tin tức thời sự trong nước, quốc tế và địa phương đã được tôi cập nhật ngay trên giường. Những lời bình luận cuối những bản tin bao giờ cũng chứa đựng sự tin tưởng, hy vọng về một ngày mai. Một phần khác có lẽ là do những người bạn già của ngoại có thói quen tập thể dục, buổi sáng người thì tắm biển, người chạy bộ, buổi chiều đi bộ quanh các công viên hay dọc bờ biển. Văn hóa tập thể dục cũng bao gồm luôn việc chia sẻ thông tin, tiếng cười nói lúc nào cũng rôm rả.

Thị trấn Sông Cầu ven biển xinh đẹp ngày nào đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Những ngày hè về quê ngoại là nguồn năng lượng luôn được dự trữ góc khuất trong tim tôi. Khi gặp thất bại trong công việc, đau đớn với nỗi mất cha… thì điều đầu tiên tôi làm là trở về đây, để được đứng trước biển chiêm nghiệm về cuộc sống, sẻ chia với sóng biển, nói chuyện với những hàng cây, để được người thân an ủi, vỗ về.

Mãi đến tận hôm nay tôi vẫn giữ thói quen ấy.

Dù cuộc sống có vật đổi sao dời, tình cảm của tôi đối với nơi này vẫn vậy.

Nhớ lắm, quê ngoại ơi!
Thương lắm, Sông Cầu ơi!

MINH VĂN

(*) là một ghế nhỏ cao khoảng 1 tấc bằng gỗ.

Read Full Post »

Võ Chân Cửu

Cầm tay em

Cầm tay em kẻo đứt
Cầm tay em kẻo xa
trời u minh tám cõi
Biết đâu chốn ta bà
Mây bình yên nơi ấy
Nơi này em vẫn xa
Cầm tay nhau em nhé
Hư hao sẽ đậm đà

Biết bàn tay

Biết bàn tay em đau
Nhưng anh không níu được
Phải phút giây nhiệm màu
Đợi chờ em phía trước
Giữa dòng đời xuôi ngược
In mãi dáng hình em
Cho dù ai đã quên
Cho dù ai không nhớ
Cho dù ai đã lỡ
Quên nụ hôn ban đầu

Read Full Post »

– Ông Đỗ Văn Lan ở thôn Phú Gia, Cát Tường, Phù Cát, Bình Định đem chiếc nón ngựa của mẹ ông đã dùng trong suốt hơn 45 năm cho khách xem.

Chiếc nón đặt trên bàn thờ chỉ cũ chứ không hề hư hỏng, lớp lá lợp nón bóng loáng, ánh màu thời gian. Ông Lan cho biết: “Dùng lá kè mỡ để lợp nón thì càng đi mưa, đi nắng lại càng thêm bền chắc, lạ kỳ là thế”.

Điểm độc đáo của quy trình làm nón ngựa là người thợ không dùng khuôn để dựng nón, do vậy mỗi chiếc nón được làm ra là một sản phẩm độc bản. Có hơn mười công đoạn để làm ra một chiếc nón ngựa trong đó phần dựng khung là công phu nhất.

Chiếc nón có đường kính 0,9m được ông Lan làm để trưng bày cho du khách đến tham quan.
Chiếc nón có đường kính 0,9m được ông Lan làm để trưng bày cho du khách đến tham quan.

Nón ngựa được đan bởi 3 lớp nang chồng lên nhau, bằng những sợi giang chuốt nhỏ như sợi chỉ. Đan lớp nang thứ nhất gọi là đan sườn mê, tạo thành những hình lục giác. Lớp nang thứ hai được đan theo chiều dọc, chạy thẳng từ chóp xuống vành. Lớp nang thứ ba được đan vòng tròn quanh nón. “Người thợ giỏi cũng phải mất hai ngày để dựng một khung nón”, ông Lan khẳng định.

Cả xã Cát Tường hiện có khoảng 400 hộ làm nón nhưng chỉ khoảng 1/3 số này là làm nón ngựa. Một chiếc nón ngựa làm mất một tuần công và mỗi công đoạn do một người đảm nhiệm. Người dựng khung, người thêu, người chằm nón… mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ và phải rất tài hoa. “Ngày xưa chỉ có người có chức tước hay nhà giàu, phong lưu cưỡi ngựa mới đội nón có chóp bịt bằng bạc chạm trổ công phu nên gọi là nón ngựa”, người già ở Phú Gia đều giải thích như thế.

a
Lá kè mỡ là loại lá đặc biệt để chằm trên nón ngựa.
a
Rất tỉ mỉ, người làm nón ngựa chằm lớp lá lên phần khung nón.
q
Mỗi chiếc nón ngựa có giá bán từ vài trăm đến hàng triệu đồng.
a
a
Chiếc nón ngựa do ông Lan làm theo đơn đặt hàng của khách đúng theo nguyên mẫu chiếc nón ngựa mà quan lại xưa vẫn đội.
a
a
a
Ông Đỗ Văn Lan vẽ lại những chi tiết chạm trên chóp nón bằng bạc cổ để giữ cho thế hệ tương lai.Lê Anh Tuấn

Read Full Post »

Một thời đuổi bóng

Ngô Quang Dũng.

Viết tặng cho người đã gặp, chưa gặp và sẽ gặp.

Một đoạn đường ngắn mà Hùng cứ đi tới đi lui không biết bao nhiêu lần. Nhiều lúc anh muốn dừng lại để ngắm nhưng lại không dám, cứ đi với một hi vọng có ngày được gặp lại cô ấy dù chỉ một lần, chỉ cần một lần cũng đủ.
Quen Linh trong sự tình cờ  .Một lần theo người bạn dọn hàng dùm chị, gặp Linh bán hàng kề bên, nhìn Linh, Hùng bỗng trở nên ngơ ngác vì không ngờ trên đời này có một cô gái dễ thương đến vậy .Mái tóc xoã dài đen bóng, nước da trắng pha chút rạm nắng, khuôn mặt tròn tria dễ thương chi lạ .Thấy người lạ nhìn chăm chăm cô gái tỏ vẻ khó chịu và quay mặt sang hướng khác nhưng Hùng vẫn nhận ra vẻ bẽn lẽn, thẹn thùng. Từ đó trở đi, mặc dù không có ai nhờ vả, cứ chiều chiều là Hùng đạp xe tới ngõ năm Bình Hòa chờ khi nào không ai mua nữa là phụ chị thằng bạn dọn hàng dùm, sẵn đó phụ dùm luôn cô ấy . Ngày nào cũng gặp mặt, cũng chuyện trò nhưng cũng mất một thời gian dài  anh mới biết rõ về Linh. Sinh ra ở xứ Huế nhưng Linh đã theo gia đình vào Sài Gòn ở từ tấm bé .Vốn giòng dõi các mệ nên nề nếp gia đình Linh rất đài các, mặc dù không còn khá giả nữa. Linh là chị lớn trong nhà, lấy chồng sớm khi còn đi học, sau năm 1975 chồng đi học tập, nhà trong khu gia binh, gia đình chồng ở miền tây nên Linh phải về gia đình cha mẹ tá túc .Từ nhỏ vốn được gia đình cưng chiều nên Linh chẳng biết làm gì cả, thậm chí đến việc cơm nước hàng ngày cho đến khi lấy chồng cũng vậy. Cuộc sống thay đổi một cách đột ngột, hụt hẫng một thời gian dài cho đến khi tiền bạc hết thì Linh mới nhìn lại được mình .Con nhỏ, cuộc sống khó khăn trong lúc giao thời nhưng Linh vẫn cố gắng hòa nhập mặc dù cũng không dễ dàng gì .Nhưng vì con, vì bản thân và cũng vì cuộc sống,nghe những người trong xóm rủ rê Linh bỏ tiền ra mua bán đồ cũ, cũng nhờ khéo ăn khéo nói nên buôn bán cũng khấm khá  ,cuộc sống gia đình tương đối dễ chịu.
Từ ngày quen biết Linh, Hùng trở nên siêng năng, đi làm về là Hùng ghé tới chỗ Linh ngồi bán để chỉ ngồi ngắm, lúc đông khách thì cũng giúp Linh gói hàng, trao hàng cho khách, ngày nào bận việc không ghé được thì cảm thấy nhơ nhớ, nhiều khi thấy tưng tức khi khách mua hàng cứ cố í nhìn vào khuôn ngực đầy đặn của Linh mỗi khi Linh chồm tới đưa hàng, không hiểu có phải khi yêu con người trở nên ích kỉ không, chứ mỗi lần như vậy là Hùng muốn lộn gan lên đầu nhưng chẳng dám nói gì, vì Hùng chẳng là gì của Linh cả, trong lúc đó cũng có những lần Hùng vô tình trộm nhìn và cũng vô tình Linh bắt gặp thì lúc đó chắc chắn cặp mắt có đuôi sẽ lườm lườm, có lúc tức quá Hùng hỏi:
– Sao người ta nhìn được mà Hùng lại không?
– Người ta khác, Hùng khác.
– Khác là khác chỗ nào, bộ Hùng là con gái chắc.
– Nhưng người ta là khách mua hàng.
– Vậy nếu Hùng  là khách mua hàng sẽ được quyền.. chứ gì.
Nghe câu nói nói đó Linh quay mặt đi hướng khác, đầu gục xuống  chẳng nói gì, và Hùng không bao giờ nhắc lại chuyện đó.
Ngày lại ngày nỗi nhớ lại đấy ắp trong lòng .Nhiều lúc muốn nói nhưng không sao nói được bởi vì Hùng biết chắc là không thể nào Linh chấp nhận .Có những lúc tự nhủ là không tới nhưng đôi chân lại cứ bước tới. Không hiểu Linh có biết tình cảm Hùng dành cho Linh không nữa, chưa bao giờ Linh lại nhận lời đi chơi cho dù Hùng đã nhiều lần mời mọc .Khoảng cách giữa Hùng và Linh tuy gần mà lại xa .Có lúc  giận cho bản thân mình , Hùng đi uống rượu thật say để đủ can đảm thố lộ tình cảm của mình cho Linh ,nhưng khi đến gần thì tự nhiên lại sợ .Đôi lúc muốn tìm bạn để chia xẻ nhưng cũng không dám vì sợ sự phản đối của bạn bè .Yêu không dám nói là yêu, ghét không dám nói là ghét, sự dằn vặt làm cho con người Hùng trở nên bấn loạn, sợ sệt đủ điều nhiều lúc nói chuyện với Linh mà đôi mắt lại nhìn hướng khác. Chị Minh, chị của người bạn hình như cũng biết chuyện, chị không dám nói thẳng mà chỉ nói bóng nói gió làm cho Hùng nhiều lúc cũng ngượng nhưng hình như tình yêu đã làm mờ đi lí trí cũa Hùng, nó trở nên lì lợm hơn, ai nói cũng mặc cho dù người bạn thân nhất cũa nó nhiều lần khuyên can nhưng vẫn không lay chuyển, ngày nào cũng tới, ngày nào cũng say khướt, hình như nếu không say thì có lẽ Hùng không dám tới, không dám đối diện với những cái nhìn thương hại cũa những người xung quanh, nhất là cái nhìn của Linh, cái đôi mắt mà Hùng không dám đối diện, nó biết rằng chỉ cần nhìn vào đôi mắt đầy van xin, cầu khẩn thì chắc nó bỏ cuộc mất thôi. Môt hôm, Linh chủ động tới chỗ nó ngồi và hẹn tối nay sẽ gặp, mừng quá Hùng ghé về nhà bạn gần đó tắm rửa rồi mượn một bộ đồ thay vào, còn sớm nhưng Hùng đã tới chỗ hẹn trước cổng trường Hoàng hoa Thám, hơn một tiếng sau Linh mới tới nhưng không tới một mình mà tới với cô em gái, Nga cô em gái Hùng cũng đã gặp mấy lần khi ra phụ chị dọn hàng, xinh hơn, trẻ hơn, có học hơn nhưng sao Hùng vẫn không có một chút cảm tình, mặc dù Linh nhiều lần muốn làm mối cho Hùng. Ngồi trong quán cà phê, Linh muốn nói một điều gì đó nhưng vẫn không sao nói được cho đến lúc ra về, gần tới nhà đột nhiên Linh dừng xe lại rồi nói với giọng van xin:
– Chồng Linh sắp về rồi, Hùng đừng lại nữa có được không?
– Về thì về có sao đâu, cầu cho thằng chả chết quách cho rồi.
Nói xong Hùng giận dữ bỏ đi không thèm quay mặt lại, mấy ngày không lại là mấy lần say khướt, nhiều lúc uống không say Hùng phải uống thêm iménoxtan mới đủ độ sần, mấy lần say khi đi làm nên Hùng bị đuổi việc, công việc không có suốt ngày Hùng lang thang nơi nay nơi khác cho hết thời giờ, nhiều lúc say quá Hùng không biết cả đường về lăn ra gốc cây mà ngủ, sáng ra chẳng con một đồng xu dính túi. Ngày này qua ngày khác Hùng đắm chìm trong nỗi buồn, quên trong men rượu, một hôm trong lúc say rượu lại bị mắc mưa khi về nhà trọ Hùng bị sốt li bì, những ngày nằm gường bịnh chỉ có thằng bạn bỏ cả công ăn việc làm tới chăm sóc, thỉnh thoảng có Nga em Linh sau khi đi làm về cũng ghé thăm, Nga cũng chăm sóc tận tình nhưng Hùng vẫn không có một chút tình cảm nào, vẫn coi Nga như cô em gái. Hơn cả tháng Hùng mới bình phục, thể xác đã lành nhưng vết thương lòng vẫn còn âm ỉ, nhiều lần muốn tới gặp Linh nhưng không sao dám, có lẽ nào tình yêu làm cho con người ta trở nên nhút nhác như vậy sao?
Lòng can đảm cũng thắng, Hùng đã tới chỗ Linh nhưng khi tới Hùng mới sững sờ, bên cạnh Linh đã có người đàn ông khác phụ dọn hàng, nhìn Hùng thì hình như người đàn ông đó cũng biết, người đàn ông đó chủ động tới bắt tay nó rồi nói:
– Mình là Phong chồng Linh, Linh hay nhắc tới Hùng, nghe Hùng đau mà vợ chồng mình chưa tới thăm được thật là áy náy.
– Cám ơn anh thật nhiều, tôi cũng đỡ rồi.
– Thôi mình vào quán làm vài ba chai, vừa lai rai, vừa nói chuyện nhé.
Quay lại nhìn thấy Linh gật đầu đồng tình nên Hùng cũng gật đầu theo, vào quán ngồi một lúc thì Hùng mới nhìn kỹ người đàn ông đối diện mình và cũng là chồng của Linh, vừa đẹp trai, vừa vạm vỡ, vừa lịch thiệp tự nhiên trong lòng Hùng bỗng cảm thấy xấu hổ cho mình, uống được vài li thì Hùng đứng lên xin phép ra về. Về đến nhà trọ Hùng cảm thấy buồn, cái buồn mà Hùng chưa từng trải qua, ngày hôm sau Hùng quyết định mua vé về quê, xa cái chốn đã làm Hùng tuyệt vọng.
Tàu lăn bánh mới thấy thằng bạn chạy tới rồi dúi cho nó một mảnh giấy, tàu  chạy một lúc rồi Hùng mới mở mảnh giấy ra coi, trong đó chỉ có một dòng chữ: Cám ơn Hùng những ngày qua, cầu cho mọi sự may mắn đến với Hùng. Đọc xong, ngẫm nghĩ bỗng Hùng mới thấm thía hai chữ đuổi bóng, thả tay, gió cuốn mảnh giấy bay đi, nhìn gió cuốn tự nhiê n lòng Hùng cảm thấy nhẹ nhõm

Read Full Post »

Nguyễn Đông Nhật

Thiếu nữ thành nội . Tranh Đinh Cường

Chợt nhớ đòn bánh tét quê xưa

nhưn chuối chát giữa ngày xuân muộn.

 

Ví thử ai cũng dành một góc nhà

bày biện đồ vật cũ không còn dùng nữa.

 

Nhưng đời phố phất phơ lạnh nhạt

chuông nguyện chiều mất bóng trời xa.

 

Còn thô lỗ tiếng chuột rúc lầu cao

dây thòng lọng giăng ngang cửa sổ.

 

*

Những lề đường vừa dọn dẹp xong

người bán hoa trở về khu vườn trống.

 

Trận rượu điên cười nghiêng xiêm áo.

Những ly con vỉa hè cháy lên ngày xa xứ.

 

*

Cơn lũ trên các đồng bằng

đọng tiếc thương vệt bùn vô ích.

 

Nhưng tiếng gà cựa quậy trong đêm

dâng sóng lặng vô hình khắp chốn.

 

Và điếu thuốc cong queo đốt cơn buồn ngủ.

 

Read Full Post »

SGTT.VN – Khởi thuỷ, làng biển Đề Gi là một khu rừng rậm, trải dài ven biển, từ Gành cho đến Chánh Oai, qua Cát Tiến. Gia phả của dòng họ Nguyễn còn ghi rõ: người lập làng là vị quan đại thần của chúa Trịnh. Vì phạm tội với chúa mà phải trốn vào Nam cùng với những người thân tín. Tới vùng biển này, thấy sau lưng là núi, trước là biển, liền dừng lại lập làng. Sau này, chúa Nguyễn Ánh trên đường bôn tẩu sang Xiêm La (Thái Lan ngày nay), có ghé lại vùng biển này, vô tình đào vài tấc cát ven đầm đã thấy nước ngọt nên mới đặt tên là Đạm Thuỷ, còn trước đó, người dân gọi là đầm Đề Gi.

 
Gỏi cá mai – đặc sản của làng biển Đề Gi. Ảnh: Minh Phúc

Từ Biển Đông, muốn vào đầm Đạm Thuỷ phải qua cửa biển Đề Gi. Sách Đại Nam nhất thống chí có nhắc đến cửa biển này: “… rộng 11 trượng, thuỷ triều lên sâu sáu thước, thuỷ triều xuống sâu bốn thước. Phía tây có đầm Đạm Thuỷ, thuyền buôn thường đỗ ở đây…”

Không chỉ có cá mai

Đề Gi chẳng có nghĩa gì cả và chẳng ai biết cái tên làng ấy có từ bao giờ. Ông Nguyễn Văn Tri, chủ tịch xã Cát Khánh cho biết thêm, ngoài tên Đề Gi, làng biển này còn có một tên khác: JéJi. Cuối thế kỷ 19, người Pháp lập một trạm thu thuế muối đặt tên là JéJi, có lẽ ghi âm từ “Đề Gi” mà ra. Trạm thuế quan này kiểm soát toàn bộ vùng muối Đề Gi. Nước trong đầm Đề Gi mặn chằng nên hạt muối to và trắng. Sau ngày giải phóng, từ chợ Gành xuôi về Ngãi An, hai bên đường chỉ thấy những ruộng muối… Mấy năm sau này, ruộng muối hẹp dần, nhường chỗ cho ao nuôi đặc sản cá mú, cá chua… nhưng theo lời ông Tri, “Đề Gi vẫn là vùng muối lớn nhất tỉnh Bình Định, lớn hơn cả vùng muối Hà Ra, Phú Thứ bên xứ Phù Mỹ. Còn về chất lượng, muối Đề Gi ngon hơn cả muối Sa Huỳnh, Cà Ná…”

Cứ cuối tuần, ông Phan Thanh Tâm (kỹ sư xây dựng) ở thành phố Quy Nhơn về Đề Gi ăn món gỏi cá trỏng. Gần đây, người ghiền gỏi cá lại thích cá mai hơn vì thịt giòn và ngon hơn cá trỏng. Nước chấm đậm đà làm gỏi cá mai ở đây “bốc” hơn. Có ông bạn sành ăn, đã từng ăn gỏi cá mai nhiều nơi, thừa nhận “gỏi cá mai Đề Gi ngon nhất nước. Con cá mai ở đây múp không chịu nổi”. Cá mai được bắt trong đầm Đề Gi mà chẳng cần đi đâu xa. Ước chừng, mỗi ngày, ngư dân đánh khoảng hai tạ cá mai, bán cho quán để làm gỏi. Tuỳ mùa mà giá khác nhau, thường giá từ 50.000 – 70.000đ, lúc khan hiếm bán với giá 100.000đ một ký. Những ngày cuối tuần, làng biển Đề Gi rộn ràng với những chiếc xe hơi từ Phù Cát, Quy Nhơn… về ăn gỏi cá mai với giá 25.000đ/dĩa (khoảng chừng 20 con). Ở Sài Gòn, muốn ăn gỏi cá mai cũng không quá khó. Chỉ cần gọi điện, chủ quán ướp cá trong thùng đá, gập ghềnh trên quốc lộ 1 khoảng 12 tiếng đồng hồ là có cá để ăn.

Muốn đến làng biển Đề Gi, từ Quy Nhơn, chạy dọc theo đường ven biển Nhơn Hội, khoảng 54 cây số. Còn theo quốc lộ 1, tới ngã ba Chợ Gồm, quẹo phải, ngót nghét 70 cây số. Cho đến bây giờ, chẳng ai hiểu vì sao làng biển ấy lại được mang tên Đề Gi khi mà địa danh này là tên gọi chung của cả một vùng đất gồm năm xã của hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ (thuộc tỉnh Bình Định). Có lẽ, vì làng nằm ngay cửa biển.

Ở làng biển này còn có những đặc sản, như cá chua, cá bống mú, cá hồng, sò huyết, lịch huyết… Cũng là những loại cá như những miền biển khác nhưng không hiểu sao, chúng lớn lên ở đầm Đề Gi lại ngon, ngọt và thơm hơn. Nhiều thực khách sang trọng nhưng vẫn thích cách ăn “nhà quê”: luộc hay nướng rồi cuốn bánh tráng, rau sống, chấm nước mắm nguyên chất ngai ngái, chêm với rượu đế Đồng Lâm (cách Đề Gi vài cây số)…

Đề Gi còn nổi tiếng với nghề làm nước mắm, cụ Dệt, nay đã 98 tuổi kể rằng, từng đoàn ghe bầu dong buồm chở nước mắm Đề Gi ra Huế tiến cho triều đình nhà Nguyễn. Còn gần đây, cứ đến tết dương lịch, ông Tri phải mua cả trăm lít nước mắm tặng mấy người bạn ở Quy Nhơn vì nước mắm Đề Gi “đã ăn sẽ khó quên”! Cũng là con cá nục, cá cơm, cá lồ ồ, cá hố, cá sơn, cá thu, cá bạc má, cá ngân… nhưng khi làm mắm ở Đề Gi, mắm lại có vị khác, mùi khác. Người dân ở đây tự hào, nước mắm hay con mắm làm ở Đề Gi ngon hơn những vùng khác là nhờ muối Đề Gi mặn hơn muối ở những vùng khác!

 
Cảng cá Đề Gi. Ảnh: Uyên Thu

Muối mặn cho sản vật tuyệt hảo

Các loại mắm Đề Gi, tuỳ theo mùa mà chọn cá. Cá rửa sạch, trộn đều với muối theo công thức “ba cá một muối”. Để chờ ráo “nước máu”, rồi bỏ vào thạp, sau đó bịt kín, ủ từ bốn đến sáu tháng tuỳ theo loại cá. Thời gian ủ càng lâu càng ngon nhưng không quá một năm vì sợ mắm “xẵng” (đắng). Muốn ăn nước mắm đục, dùng vải mùng lược bỏ xác mắm, chỉ còn nước, chắt vào chai. Còn làm nước mắm trong, quậy đều thùng mắm, dùng vải mùng lược xác mắm nhiều lần. Sau đó dang nắng từ năm tới mười ngày, khi nước mắm chuyển sang màu vàng trắng là ăn. Nước mắm trong tinh chế theo kiểu “gia truyền” có mùi ngai ngái, màu sắc chẳng lấy làm sang. Đã nước mắm phải mặn nhưng nước mắm Đề Gi lại “mặn êm”.

Đến bây giờ vẫn chưa thấy ai đứng ra đăng ký thương hiệu cho nước mắm Đề Gi. TS Nguyễn Thanh Bình (ĐH Luật TP.HCM), một người con của làng biển này, trăn trở: “Muốn giữ được uy tín của nước mắm Đề Gi, không thể sản xuất theo kiểu công nghiệp được mà phải sản xuất thủ công. Nhưng sản xuất thủ công thì phải có cách đáp ứng số lượng cho nhu cầu thị trường. Muốn gì cũng phải đăng ký thương hiệu trước”. Hỏi chuyện, ông Tri ước đoán mỗi năm Đề Gi sản xuất chừng vài ngàn lít nước mắm theo “công nghệ cổ truyền” để ăn và để tặng!

Năm 1994, làng biển Đề Gi tan tác vì khai thác titan. Bãi cát cuối làng là nơi chơi đùa của lũ trẻ trong xóm bỗng dưng bị cày xới, lục tung để tìm một thứ bùn đen mà sau này người dân trong làng mới biết đó là titan. Cát bay mù mịt. Những chuyến xe chở titan xé nát con đường cái quan giữa làng. Cuộc sống nhộn nhịp hơn, ồn ào hơn, phá vỡ nhịp sống quen thuộc hàng trăm năm nay của một ngôi làng biển. Năm ngoái, công ty liên doanh khai thác khoáng sản Việt Nam – Malaysia hết hạn khai thác. Để lại những vệt cát nham nhở, những gốc dương xiêu vẹo.

Cách đây ba năm, 200ha của khu khai thác titan đã được quy hoạch để xây dựng trung tâm nhiệt điện Sài Gòn – Nhơn Hậu với công suất thiết kế 2.400MW. Đây là dự án của công ty Tân Tạo (TP.HCM). Theo kế hoạch của nhà đầu tư, năm 2013 sẽ khởi công. Nhìn thấy trong tương lai hiện lên một nhà máy nhả khói đen kịt trong không gian xanh ngắt của trời và biển! Mà cũng có thể sẽ không có điều đó. Lạy trời…

Trọng Hiền

Read Full Post »

Xuân Phương Nam

Lê Xuân Phong

Những cành đào theo con tàu mang Xuân về phương nam

Tôi ngủ đứng ngủ ngồi trên toa ghế cứng

Ngôi sao bé hồng hào sung sướng

đi theo tôi qua chuyến tàu đêm

Tết đến rồi sao Xuân vẫn vờn quanh

trên những nẻo đường thơm mùi bùn đất

Cái rét cuối mùa se sắt

đi theo tôi qua núi mây ngàn

Những làng quê nghèo

đàn cò trắng chao nghiêng

cánh đồng mạ non tháng chạp

Bỗng hiện phương nam Xuân về rực rỡ

đóa mai vàng tươi trong nắng tháng giêng.


Read Full Post »

Đẫm ngập tết tuổi thơ

NGUYỄN MỸ NỮ

Là vị ngọt. Ở hết cả những thứ mứt bánh và các loại kẹo mà ngày thường rất hiếm khi chúng tôi được sờ đến.
Trước hết, là kẹo lạc của bà Ba. Bà này vốn có họ xa với mẹ, sống trên Gia Lai và vẫn giữ được lệ của quê ngoại tôi là làm kẹo lạc. Quà tết của bà luôn đến với gia đình tôi rất sớm. Khéo chỉ độ hai mươi tháng chạp chứ mấy! Và, có kẹo là gia đình tôi có tết ngay bởi mẹ biết các con rất thèm và ba ngày đầu năm, còn bao thứ ngon lành khác. Dại gì để dành lại một thứ quà quê rất…quê như là cái thứ này. Những phong kẹo lạc được mẹ xếp ngay ngắn trong lọ thủy tinh và đậy nắp rất kỹ. Vẫn còn ăm ắp nơi ký ức tôi, ngày bé với những buổi tối cận tết, cả nhà sum họp và ai cũng thấy “ nhạt mồm”. Ấy! Là nói theo bà nội.  Mẹ mới sai anh tôi mở tủ, lấy quà của bà Ba ra. Ài chà! Trông cái ông này chậm rãi quá đáng, khi rón rén bưng lọ thủy tinh kẹo trên cả hai tay, đặt trịnh trọng nơi bàn nước mới rõ sốt ruột chứ! Hằng bao cặp mắt hau háu hướng về phía đấy.  Bà với bố thường nhâm nhi kẹo lạc với những bát chè xanh nghi ngút khói. Tôi và bà chị kề, sau khi ăn bắt chán chê thể nào, cũng xin thêm mấy phong nữa, để dành. Mấy phong này luôn được chị em tôi chia nhau. Chia… nhín và tất nhiên, là phải ăn…dè rồi.

Chia nhín chỉ phải tập trung vào đôi mắt nhưng ăn dè á! Lắm công đoạn lắm cơ! Trước hết là đặt kẹo lên môi và cắn một miếng. Cắn bé bé thôi, nhé! Đã bảo ăn dè mà lại…Tôi vừa cắn vừa ước, giá mà được cắn to một tị, nhỉ? Cho cái ngọt có đủ để chạm mạnh vào lưỡi và úp chụp, trùm kín lên hết cả  vị giác của mình. Ấy là lúc miếng kẹo đã kịp lua nhanh về phía răng hàm và đang được nhai ngấu nghiến. Kẹo được mẹ giữ kỹ nên đâu có bị hở hơi. Vẫn còn dòn tan. Khi ăn nghe cứ côm cốp, côm cốp đã vui tai mà ngon sao mà ngon. Lạc làm thơm và béo ngậy hòa lẫn trong đường sánh keo, khiến cả vòm họng và vùng lưỡi thấm đẫm vị ngọt gay gắt. Chỉ có thứ kẹo lạc quê mới có được cái ngọt thật thà, ngọt đậm đặc đến dường ấy. Và, cái ngọt ấy vẫn còn đẫm ngập nơi tôi, mỗi khi gần đến tết. Tôi bảo “gần” vì quả thật, có chia rất nhín và ăn rất dè thì kẹo lạc của bà Ba cũng hết sạch khi còn khoảng ba, bốn hôm nữa mới đến tết.

Ngược lại với những phong kẹo hết sức quê mùa là, thứ mứt hết sức sang cả mà chúng tôi cũng chỉ được thưởng thức rất ít, dẫu là đang giữa tết. Đó là mứt hạt sen của nhà cụ Chi. Cụ Chi là bạn với bà nội tôi, vốn người Hà Nội. Khác với bà tôi nhìn vào là rõ ngay một cụ bà nhà quê. Cụ Chi rất ra dáng người Tràng An thanh lịch. Là người hàng phố. Ấy! Cũng nói theo bà nội. Rất nhiều năm trôi qua mà tôi vẫn còn nhớ như in cái áo dài cụ Chi mặc, tấm khăn cụ khoác hờ, vòng chuỗi cụ đeo…Cụ luôn xuất hiện ở ngôi nhà tềnh toàng của chúng tôi vào đúng hai tám tháng chạp.

Bao giờ cũng vậy. Đủng đỉnh vào trong nhà và yên vị trên ghế hẳn hoi. Sau khi nhấp hết một tách trà, cụ mới thư thả lấy túi mứt với đúng nửa ký từ trong giỏ xách ra, không quên sai chúng tôi đi lấy một cái đĩa. Tôi có lần lấy một cái đĩa to. Ý chừng để cụ đổ mứt cho nhiều nhiều ấy mà nhưng liền bị cụ khoát tay từ chối. Đã hiểu ý, những lần sau không những lấy đĩa bé tôi còn lấy cái đĩa kiểu, khiến cụ rất hài lòng. Cũng rất thư thả, cụ bỏ vào đĩa một ít hạt sen. Khiếp! Nhìn cái cách của cụ đã thấy bụng, bắt luống ca luống cuống lắm rồi. Sau đấy cụ mới mời bà nội, bố mẹ tôi và cũng rất may là hãy còn nhớ đến cái con bé này. Những hạt sen có màu trắng ngà tinh khiết với đường bọc lấm tấm bao quanh sao mà khéo đến thế, hấp dẫn đến thế! Không đừng được tôi thò cả bàn tay ra bốc. Cụ vẫn để yên nhưng chờ tôi ăn hết mới thư thả. Lại …cũng thư thả( chán thật!) dạy dỗ. Cụ bảo hạt sen là thứ mứt để nhón. Và phải ăn nhẹ, nhai khẽ bởi nếu ham hố, sẽ làm hỏng cái loại mứt này ngay và như thế, thì phí lắm! Phải nhâm nhi từng hạt, từng hạt một. Mà phải gọi bằng hạt cơ! Chính vì đã ít lại phải để dành cho bà nội ăn dần, nên nếu tôi có một thèm khát nào đó suốt những cái tết trẻ con của mình thì đó là: được ăn mứt hạt sen. Cũng chẳng phải nhón phải nháy chi cho thêm chảy nước miếng, cứ bốc cả bụm bỏ ngay vào mồm và ngấu nghiến bắt thỏa thuê. Chẳng hiểu cảm giác ấy sẽ như thế nào, nhỉ?
Phía nội tôi, từ bác cả cho tới gia đình chúng tôi và các cô chú đều đặc sệch chất quê. Thì nông thôn là gốc gác nhà ta mà lại… Quê kiểng từ nếp nghĩ, cách sống cho tới giao tế, ăn uống. Dẫu đã rời quê cha đất tổ và cắm chân nơi đất thị thành, từ rất lâu. Tất cả là thế ngoại trừ một người, ấy là chú Út.  Trong cách nhìn của chúng tôi ngày còn trẻ con ấy mà! Chú Út tây lắm cơ! Ấy! Giầy tây bóng nhoáng. Ấy! Áo tây cổ cồn cao thẳng cứng. Ấy! Đầu tây chải gôm lật phía sau láng lẩy. Ấy! chiếc mũ tây đánh phấn trắng nốp… Rồi còn nữa chứ! Cách đi đứng, ăn nói, cười cợt… và tiêu tiền, cứ là như tây. Vẫn còn chưa đủ bởi nhẽ chú còn có vợ là một phụ nữ đẹp như tây, sạch như tây, diện như tây mới oai chứ!

Nhưng bọn trẻ chúng tôi chỉ ái mộ cái vẻ tây bên ngoài của thím Út được đúng năm đầu nhưng nói thật, cái chuyện làm bánh tây của thím thì được chúng tôi mê mẩn có đến cả… trăm năm. Thím làm các món tây rất khéo nhưng những món mặn, chúng tôi, ăn không quen cứ ngờ ngợ thế nào. Nhưng bánh tây của thím á!  Ngon lắm! Có thím là có những cái tết tha hồ ăn bánh tây mà ngày ấy, bánh tây hãy còn là của hiếm. Và thật lạ, nhé! Thím Út biết làm rất nhiều loại bánh nhưng tết, chỉ làm bánh sâm banh. Bánh sâm banh có chất liệu là bột và trứng gà. Đổ và nướng trên vỉ với những cái khuôn dẹp và dài. Lúc bánh gần được thì rắc lên mặt một ít đường hột cát trắng. Thím làm nhiều lắm vì có đến mấy gia đình các anh chị và nhà nào cũng đông con. Mỗi nhà thím biếu một thùng cũng ngon ngót dăm chục cái. Và, những cái bánh đấy thì nhà nào cũng phải để đến đúng hôm mùng một mới dám mở hàng. Cuối chạp, có thèm phải chịu khó sang nhà thím thôi! Chịu khó chờ thím sai vặt và cho mấy cái bánh… in ít đẹp. Thật may thím có tấm lòng. Bởi dù đổ rất khéo, đều tay nhưng vẫn hào phóng, khi chọn được khá nhiều những cái bánh bị lỗi. Bọn lau nhau chúng tôi nhờ thế, không đến nỗi phải nhạt mồm, khi đã cất công sang và ngồi chầu rìa quanh bếp.

Tết nhà nào lại không đầy bánh trái. Nhưng tết nhà tôi luôn oách nhất xóm vì có sâm banh. Và đó luôn là niềm hãnh diện của tôi thủa nhỏ. Tôi mặc bộ quần áo mới, túi bọc mấy đồng tiền mừng tuổi, ra ngồi ngay ngoài cửa cắn  bánh rôm rốp không quên hất cao mặt, khi thấy đám bạn đi ngang nhà. Tôi như khoe thầm với chúng nó: Bánh tây đấy và chỉ có nhà tớ mới có thứ này. Anh tôi đùa bảo ăn cái thứ này cũng là được uống cả rượu. Là sâm banh. Và tôi háu ăn với lại lém lỉnh có những cái tết đẫm ngập sâm banh. Nên say…Say cả rượu lẫn bánh.  Nhưng chỉ ngay lúc đó vì liền sau đấy lại thèm. Thèm cho mãi đến giờ khi nhiều cái tết đã đi qua. Nhà chẳng có sâm banh của thím Út. Để lại được thưởng thức bánh tây trong rất nhiều cái tết ta, như thủa tôi hãy còn bé tí.

Read Full Post »

Bên cạnh củ kiệu, dưa hành, bánh chưng, thịt kho tàu… thì bánh tráng hay còn gọi là bánh đa là món nhâm nhi không thể thiếu trong mâm cơm của người Việt vào những ngày Tết.

Bánh tráng mè
Món bánh tráng mè là một trong những món ăn đặc sản của vùng đất Quy Nhơn, Bình Định nhìn đơn giản nhưng lại được chế biến hết sức công phu.
Bánh tráng mè trắng
Bánh tráng mè trắng.
Bánh tráng mè đen
Bánh tráng mè đen.
Đầu tiên người ta sẽ ngâm gạo vào nước cho đến khi bẻ được hột gạo làm hai. Sau đó ta sẽ xay gạo thành bột mịn vào mang trộn với nước, bột mì và mè (mè đen hoặc mè trắng) Những chiếc bánh tráng mè sau khi phơi nắng sẽ được nướng vàng bên than hồng. Vị béo của bột gạo, cộng với cái bùi của mè tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của bánh tráng mè.
Bánh tráng sữa
Bánh tráng sữa
Bánh tráng sữa đặc sản Bến Tre.
Có xuất xứ từ Bến Tre, món bánh tráng sữa được làm chủ yếu từ dừa, bột gạo, pha với bột sắn, nước, đường, mè, đậu xanh, lá dứa, sầu riêng… theo một tỉ lệ hợp lý. Khi tráng bánh người ta trải một tấm khăn trên nồi có nước sôi bên trong. Để ra được bánh tráng sữa vừa mềm, vừa dẻo, vừa thơm, phụ thuộc rất nhiều vào kĩ thuật đổ bánh, động tác đổ phải thật khéo léo, nhanh nhẹn, sau đó rắc mè lên trên. Bánh chín người ta để lên nan tre mỏng và phơi nắng từ 3-5 ngày.
Vị bùi béo của nước cốt dừa, độ mịn, mềm của bột gạo kết hợp cùng bột sắn. Đặc biệt mùi thơm của sầu riêng tạo nên hương vị khó quên của bánh tráng sữa.
Bánh tráng dừa nướng
Bánh tráng dừa nướng
Bánh tráng dừa nướng bên than hồng.
Sau bữa cơm gia đình vào ngày Tết, mọi người sẽ ngồi lại với nhau, cùng trò chuyện và cầu mong những điều tốt đẹp cho năm mới. Bên cạnh bánh mứt, hạt dưa, bánh chưng, bánh tét… thì những chiếc bánh tráng dừa được nướng vàng ươm là món ăn không thể thiếu trong ngày xuân của mỗi gia đình.
Bánh tráng dừa nướng cũng được làm chủ yếu bằng bột gạo, đặc biệt bánh tráng phải có thật nhiều nước cốt dừa và một ít bã dừa tạo nên vị bùi bùi, giòn rụm của bánh tráng.
Bánh tráng cuốn tôm thịt
Ngày Tết bên cạnh những món đầy dầu mỡ, thịt cá, mỗi gia đình thường có thói quen cùng nhau thưởng thức món bánh tráng cuốn tôm thịt, thanh đạm, vừa ngon, lại cực kỳ tốt cho sức khoẻ.
Bánh tráng cuốn tôm thịt
Bánh tráng cuốn tôm thịt và nước mắm tỏi ớt.
Bánh tráng dùng để cuốn tôm thịt là bánh tráng phơi sương, ngon nhất là dùng bánh tráng Trảng Bàng của Tây Ninh, bánh tráng có độ dày vừa phải, khi được cuốn cùng tôm, thịt, chấm cùng nước mắm tỏi ớt hay mắm nêm sẽ tạo nên mùi vị hấp dẫn khó lòng mà cưỡng lại.
Bánh tráng chuối
Miền Tây Nam Bộ nước ta trồng rất nhiều chuối từ chuối già, chuối cau cho đến chuối sim, chuối hột, chuối sim… Chuối là loại trái cây có quanh năm chính vì thế người ta đã nghĩ ra rất nhiều cách chế biến chuối, để có thể để dành ăn thật lâu. Một trong những món ăn hấp dẫn từ chuối chính là bánh tráng chuối.
Bánh tráng chuối
Bánh tráng chuối khi nướng lên vừa dẻo vừa giòn, cắn vào một miếng nghe vị ngọt thanh tao tan dần nơi đầu lưỡi. Món ăn giản dị này vì thế mà được nhiều người ưa thích, từ các chị em phụ nữ, các quý ông và các em nhỏ đều bị món ăn dân dã này cuốn hút.
Bánh tráng xoài
Bánh tráng xoài
Bánh tráng xoài đặc sản Nha Trang.
Đây là đặc sản nổi tiếng của huyện Cam Lâm và một số địa phương thuộc tỉnh Khánh Hoà, Nha Trang. Cũng giống như tên gọi món bánh tráng này được chủ yếu từ xoài chính và kẹo mạch nha.
Đầu tiên xoài được gọt vỏ, xay thành bột mịn, được nấu từ 2-3 giờ, đây là khâu quan trọng nhất quyết định độ ngon, mỏng, mịn của bánh tráng xoài. Sau đó cũng như các loại bánh tráng khác, bánh tráng xoài sẽ được tráng mỏng và mang phơi dưới trời nắng từ 7 đến 9 giờ. Đặc biệt bánh tráng xoài không thể gặp trời mưa nếu không sẽ bị đen, xỉn màu và bánh sẽ bị chua.
Ngày Tết đang đến rất gần, bạn hãy lựa chọn cho mình vài loại bánh tráng “đặc sản” ở các vùng miền để cho mâm cỗ Tết cũng như những món thiết đãi bạn bè trở nên phong phú.
Hiền Thu
Nguồn: MASK Online

Read Full Post »

Older Posts »