Ảnh Tư liệu.
|
SGTT.VN – Những buổi sáng ở một nơi thật xa Việt Nam, ăn những bữa điểm tâm tự chọn món, với những ly càphê loãng, tôi không thể ngăn được nỗi nhớ về cách uống càphê và món càphê rất Việt ở quê nhà. Cái món càphê đặc biệt kiểu miền Nam, ở những vỉa hè, với vài ba cái bàn nhỏ và ghế cũng nhỏ – một thời sau năm 1975 được định nghĩa là càphê “cái nồi ngồi trên cái cốc”.
Uống ly càphê ấy nó đòi hỏi phải thư thả hoàn toàn. Phải chờ từng giọt càphê nhỏ xuống dưới đáy chiếc ly thuỷ tinh thường gọi là ly xay chừng (phiên âm từ chữ tiểu tịnh của người Hoa, tộc Tiều). Vừa nhìn vừa cảm nhận những giọt rơi cho đến những giọt cuối cùng rời khỏi phin. Lúc đó, mới từ tốn giở nắp phin để ngửa xuống bàn và đặt phin lên đấy, để những tí càphê sót lại không làm dơ mặt bàn. Khuấy đường cũng cần có thời gian khuấy đều, cho đến khi có lớp bọt nổi lên. Chỉ có nửa ly càphê xay chừng thật đậm đặc mà người uống phải mất nhiều thời gian để uống xong… Đó là cách uống càphê mà lần nào đi xa tôi cũng ngồi tưởng niệm mỗi khi hớp ngụm càphê từ những cái máy lọc sẵn.
Và nhớ về càphê, người ta chỉ có thể nhớ về càphê Ban Mê. Công thức pha càphê mỗi nhãn hiệu mỗi riêng, nhưng bao giờ cũng phải có đủ hai loại càphê robusta và moka, một thứ tạo độ đậm một thứ tạo hương. Càphê thứ thiệt không bao giờ có chất tạo đắng vô duyên mà một số nhà sản xuất cho vào công thức của mình. Loại càphê thứ thiệt đó khi uống không đường bao giờ cũng có cái hậu ngòn ngọt…
Khởi Thức
Cách pha một ly càphê
– Cho vào phin 3 muỗng càphê bột khoảng 20g.
Lắc đều và ép nhẹ bên trong.
– Dùng nước tinh khiết nấu sôi, đổ vào phin chừng 20ml, chờ càphê thấm đều và hạt càphê nở ra, sau đó đổ nước sôi vào phin lần hai, thêm khoảng 45ml là đủ.
– Đường, sữa hoặc không đường tuỳ theo sở thích của bạn. Cũng có công thức cho cỏ ngọt sẵn trong càphê, nên không dùng các chất tạo ngọt khác nữa.