Thuận Nghĩa.
Tôi thường nhận được những tài liệu về tuổi già viết bằng tiếng Việt, Anh, Pháp với bản dịch tiếng Việt từ bạn già khắp nơi trong và ngoài nước. Khi thì những chỉ dẫn về những dấu hiệu của chứng đột quỵ, đau khớp, đau tim,…; những phương pháp tập luyện, dưỡng sinh, vân vân và vân vân. Nếu dùng công cụ tìm kiếm của google với những từ khóa “ lão khoa, bịnh người cao tuổi…” bạn sẽ có núi tài liệu, phải sống 200 năm mới đọc hết. Nếu có chí học các phương pháp tập luyện, nào là dịch cân kinh, yoga, thiền …mỗi ngày phải có 48 giờ mới đủ thời gian thực hành, không khéo sẽ bị tẩu hỏa nhập ma.
Một số bạn già của tôi mách cho nhau những bài thuốc “cải lão hoàn đồng “, bài nào cũng “hay lắm”; hoặc tìm ăn các thứ đặc sản như rắn, rết, bọ cạp, kỳ đà, cắt ké,…con gì cũng bảo “ep-phê”. Phổ biến nhất là các thứ rượu thuốc, ngâm đủ thứ cây con, để càng lâu càng “tốt”. Một bác sỹ danh tiếng bảo với tôi rằng dựa theo kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm những thứ cây con ấy lâu ngày bị phân hủy khiến rượu thuốc không khác gì nước cống, chỉ khác nhau mùi vị. Chắc là phải tham khảo ý kiến nhà văn Trương Văn Dân, vốn là chuyên gia hóa dược làm việc lâu năm ở Ý, để biết thực hư thế nào. Ớn nhất là các loại rượu pha máu tươi, tim, mật của thú hoang dã như rắn, gấu, bò tót,…Các chuyên gia y tế cho rằng trong các loại máu động vật có những loài ký sinh, vi trùng, vi khuẩn có thể cộng sinh với loài vật nhưng rất nguy hiểm cho người.
Có lẽ, những thức ăn đặc sản, rượu thuốc ấy là những thứ doping, có tác dụng sinh lý thì chưa chắc nhưng tâm lý thì nhiều – liệu pháp tâm lý đôi khi cũng cần để người già có cảm giác …không già hoặc ít già so với tuổi tác thật.
Mới đây, một ông bạn là bác sỹ hưu trí, gửi cho tôi “Mười lời khuyên dành cho người cao tuổi”, tóm tắt như sau:
(1) Hãy vui vẻ với mọi người, (2) Làm chương trình xài hết tiền mình có, đừng tìm vui trong việc làm tiền, tích cóp của cải, (3) Hãy sống với thực tại vì “ Ngày hôm qua thì đã qua. Ngày mai thì chưa đến, thậm chí không bao giờ đến”, (4) Hãy vui vẻ với cháu nội-ngoại nhưng đừng tự nguyện làm người giữ trẻ trọn thời gian, (5) Chấp nhận già, yếu, bệnh tật…và cái chết vì đó là quy luật sinh, lão, bịnh, tử. (6) Vừa lòng với những gì bạn có, đừng nhọc sức tìm kiếm những gì bạn không/chưa có vì thời gian không còn nhiều nữa, đã trễ rồi, (7) Vui với người phối ngẫu ( vợ/chồng), con cháu, bạn bè. (8) Giả có ai yêu bạn, người đó phải yêu chính bạn chứ không phải những gì bạn có, (9) Tha thứ cho người và cho mình, và (10) Làm quen với cái chết vì chết là một phần của cuộc đời. Đừng sợ.
Những lời “khuyên” đại loại như trên có lẽ phổ biến, bất kể đến từ Tây hay Đông. Những ai đang cố gắng vô ích với rắn, rết, bò cạp,…giống như Tần Thỉ Hoàng tìm thuốc trường sinh bất tử thì tham khảo điều (5), (6), và (10). Những ai đang sống với con cháu chú ý điều (4), tuy nhiên nếu bạn không có khả năng độc lập về tài chính, phải sống nhờ con thì đành chấp nhập là babysitter, thậm chí làm “o sin”vậy. Tục ngữ có câu “mẹ già bằng ba con ở”, chứng tỏ chuyện mẹ già làm o-sin đã có từ xửa từ xưa. Thế nên ông Đặng Tiểu Bình có lời khuyên nên dành dụm chút tiền cho tuổi già có thể “tự lực cánh sinh” là vì vậy. Cũng có người, nhất là ở nông thôn, chia của cải cho con cái, không giữ lại chút tài sản nào để “dưỡng già”, thành trắng tay, phải ăn nhờ, ở nhờ con cái ngay trong nhà của mình. Cho nên bạn cần tham khảo điều (2), phần nào để dưỡng già, phần nào để lại cho con cháu. Tục ngữ có câu: “Đời cua cua máy; đời cáy cáy đào”. Ngay cả Bill Gates, ông chủ Microsoft, tiền rừng bạc biển mà chỉ dành cho con 10 triệu dollars, một số tiền nhỏ trong khoảng 40 tỷ tài sản. Còn những lão vẫn còn ham chạy theo tiền bạc, kiếm danh vọng…thì miễn bàn. Mười lời khuyên nầy có lẽ xuất xứ từ phương Tây, nhưng xem ra nội dung các điều (3), (9) và (10) cũng tương tự nhân sinh quan phương Đông- nhất là Phật – ở chỗ “sống với hiện tại”, “Tha thứ cho người và cho mình” va “ làm quen với cái chết vì cái chết là một phần của cuộc đời”( tức sinh-lão-bệnh-tử).
Tôi thì quan tâm đặc biệt điều (8):“ Giả có ai yêu bạn, người đó phải yêu chính bạn chứ không phải yêu những gì bạn có”. Đúng rồi, không thể bỏ sót mục nầy vì chẳng lẽ người già không yêu ai và không được ai yêu – yêu ở đây là tình yêu trai-gái. Quả vậy, trên xunau.org và những trang khác có vô số thơ, văn về đề tài iu iu mà đa số tác giả là các ông bà U 60, 70, đã đành hầu hết là những hoài niệm nhưng biết đâu trong đó vẫn có iu theo thì hiện tại. Tại sao không? Tình Yêu đâu có tuổi.
Trở lại lời khuyên ở Điều (1) “Hãy vui vẻ với mọi người”. và Điều (3) “Hãy sống với thực tại”. Tình yêu trong thì hiện tại giúp cho ta “sống với thực tại” (Đ.3) và được“vui vẻ” (Đ.1), NẾU…Thế đấy, cuộc đời luôn lè kè chữ “nếu”. “Nếu” là điều kiện cần và đủ. Chẳng hạn, nếu bạn được phép iu, đủ sức iu, …và trước hết nếu có ai đó iu bạn. Nhưng cái “Nếu” tối quan trọng là ai đó “phải yêu chính bạn chứ không yêu những gí bạn có”. Nhân vật người Úc gốc Việt trong truyện “Sống để trả nghiệp” của Đinh Tấn Khương (trên xunau.org) khôn ba năm dại một giờ giao trái tim và hốt tiền vợ con cho cô sinh viên bạch cốt tinh đến nỗi thân bại danh liệt theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, sống dở chết dở để “trả nghiệp”. Nếu anh ta cảnh giác đặt câu hỏi “ cô ta yêu tiền hay yêu người” thì có lẽ đã không bị rơi vào bẫy tình, giả có lỡ rơi vào thì cũng biết bỏ của chạy lấy người, đâu đến nỗi bị thằng tình địch trẻ khỏe ném xuống lầu đến chấn thương sọ não. Nói thì dễ nhưng cái bẫy nào cũng được ngụy trang khéo léo, khi đã “mù con mắt” rồi làm sao nhận ra nó. Xét cho cùng, trong thời buổi nầy cái gì cũng có giá, chẳng ai cho không cái gì, kể cả cái gọi là “tình yêu”. Sự thật đôi khi phũ phàng nhưng dẫu phũ phàng cũng là sự thật.
Thà rằng cứ yêu “lặng lẽ” như Nguyễn Quy hoặc “ lặng thầm” như Nguyễn Thị Tiết cho chắc ăn. An toàn là trên hết. Nhớ nhé các GIAMAHAVU…iu*
Thuận Nghĩa.
19-9-2011
Read Full Post »