Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Tám 18th, 2011

Truyện ngắn

         TRẦN MINH NGUYỆT

 

Thủy ngồi đu đưa trên chiếc ghế xích đu giữa sân nhà – mặt trời đã khuất dần sau dãy núi đằng xa, nhường chỗ cho mặt trăng đêm mười bốn tròn và sáng vằng vặc, đang nhô cao, dạo bước rong chơi ngắm cảnh trần thế. Cho đến tận đêm nay, Thủy mới chợt cảm nhận được vẻ đẹp kì ảo của mây trời, hoa lá, cây cỏ dưới ánh trăng.

(more…)

Read Full Post »

Kỷ niệm

Huỳnh Kim Bửu

Kỷ niệm là gì người nhé?

Phải chăng lời của gió sông

Cái hôm chuồn kim đạp nước

Cái đêm trăng phủ xuống đồng.

Kỷ niệm là gì người nhỉ?

Mà sao nhớ nhớ quên quên

Cái gì cũng thành của qúy

Thành tờ giấy đỏ, trang kim…

Kỷ niệm thật tình như gạo

Cho người đem nấu thành cơm

Thật tình như cha với mẹ

Đầy vườn hoa trái tỏa thơm.

Mai kia có người về đứng

Giữa chiều chùng xuống bến mơ

Dập dồn những cơn gió thổi

Đi hoài chưa hết chiều xưa.

H.K.B

Read Full Post »

Những ngày Tết, món tré là một đặc sản thường có trong các gia đình miền Trung. Đây là món “ăn chơi”, không ngán vì không chứa nhiều chất béo. Món này thực hiện cũng không quá khó, bạn hãy thử xem.

Nguyên liệu:

– 1kg tai heo luộc chín, thái mỏng

– 100g riềng xắt mỏng, thái sợi

– 100g tỏi

– 100g gạo rang, xay mịn làm thính

– muối đường, mắm, tiêu, lá ổi, lá chuối hoặc rơm.

Thực hiện:

Trộn chung tai heo đã thái mỏng với riềng, tỏi. Nêm gia vị muối, tiêu, đường sao cho vừa ăn. Trộn thính vào hỗn hợp trên.

Rửa sạch lá ổi rồi lau khô. Lót lá ổi trong rơm hoặc lá chuối sau đó cho thịt vào, gói lại cho thật chặt. Tiếp theo, bó rơm lại sao cho chặt tay. Mỗi chiếc tré cân nặng khoảng 150-200g. Để tré nơi khô, thoáng, sau 3 ngày là dùng được.

Khi ăn, xắt mỏng, ăn kèm rau sống, dưa leo, cuốn bánh tráng chấm mắm ớt pha chua ngọt.

Read Full Post »

Hơn mười năm trước đây trong chuyến xe từ Nha Trang về Sài Gòn, giữa những câu chuyện văn chương miên man, đột ngột nhà văn Nguyễn Khắc Phục  hỏi tôi rằng : “ Cây bút viết tùy bút số một ở Việt Nam là ai? ”. Trả lời một cách hết sức sách vở, tôi không ngần ngại nói rằng đó chính là Nguyễn Tuân. Anh trầm ngâm không nói gì. Lát sau anh mới khẽ bảo: “Người viết tùy bút hàng đầu trong văn học Việt Nam đương đại chính là Võ Phiến, người Bình Định”. Lời khẳng định của một nhà văn không nhỏ về một nhà văn lớn cách đây nhiều năm đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi về văn học đô thị miền Nam những năm trước 1975, thôi thúc tôi đi tìm tư liệu về Võ Phiến vốn khá hiếm hoi trong giai đoạn những năm trước đây. Bài viết của Thụy Khuê mà chúng tôi giới thiệu với bạn đọc mặc dù có thể có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau, nhưng đó là công trình nghiên cứu công phu về cuộc đời và sự nghiệp của một nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học sinh ra  lớn lên và khởi đầu sự nghiệp từ trên quê hương Bình Định.

NQH

——————————————–

Tiểu sử

Võ Phiến tên thật là Đoàn Thế Nhơn, bút hiệu khác: Tràng Thiên. Ông sinh ngày 20/10/1925 tại làng Trà Bình, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Cha là Đoàn Thế Cần làm giáo học, mẹ là Ngô Thị Cương. Võ Phiến có người em ruột là Đoàn Thế Hối, sinh năm 1932, sau này ra Bắc tập kết, cũng là nhà văn bút hiệu Lê Vĩnh Hoà. Khoảng 1933, cha mẹ xuống Rạch Giá lập nghiệp đem Đoàn Thế Hối theo; Võ Phiến ở lại Bình Định, sống với bà nội, học trường làng, trung học ở Quy Nhơn. 1942 ra Huế học trường Thuận Hóa và bắt đầu viết văn. Bài tùy bút đầu tiên tựa đề Những đêm đông viết năm 1943 đăng trên báo Trung Bắc Chủ Nhật, ký tên Đắc Lang.

1945, Võ Phiến gia nhập bộ đội trong một thời gian ngắn, sang 1946 ra Hà Nội học trường Văn Lang; đến tháng 12/ 1946, trở về Bình Định tham gia kháng chiến, sang năm 1947 về làm thuế quan tại Gò Bồi. Năm 1948, ông kết hôn với cô Võ Thị Viễn Phố (Võ Phiến là Viễn Phố nói lái) và ông dạy học ở trường trung học bình dân Liên Khu V. Cuối năm 1954, ông ra Huế làm việc tại Nha Thông Tin ít lâu rồi xin chuyển vào Quy Nhơn, tại đây ông tự xuất bản hai tác phẩm đầu Chữ tình (1956) và Người tù (1957), gửi bài đăng trên hai tạp chí Sáng Tạo và Bách Khoa. Từ tác phẩm thứ ba Mưa đêm cuối năm (in năm 1958, tại Sàigòn), Võ Phiến bắt đầu nổi tiếng, ông xin đổi vào làm việc tại Sài Gòn, cộng tác thường xuyên với các báo Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Văn, Khởi Hành, Mai, Tân Văn … và trở thành một trong những cây bút chính của tờ Bách Khoa, cùng với Nguyễn Hiến Lê, Vũ Hạnh v.v… 1962, Võ Phiến lập nhà xuất bản Thời Mới.

Rời nước một tuần trước ngày 30/4/1975, một thời gian sau ông định cư tại Los Angeles, làm công chức thuế vụ.

Võ Phiến là một trong những người đầu tiên có công xây dựng nền văn học Việt Nam Hải Ngoại, chủ trương tập san Văn Học Nghệ Thuật từ 1978 đến 1979, rồi từ 1985 đến 1986. Tờ Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến là nguyệt san văn học có uy tín đầu tiên tại hải ngoại, là tiền thân của tờ Văn Học mà sau này Nguyễn Mộng Giác tiếp nối. Văn Học Nghệ Thuật đã mở dầu cho một trào lưu văn học đích thực mà sau này trở thành Văn Học Việt Nam Hải Ngoại, hội tụ những cây bút cũ và mới, tạo ra một lớp người viết và người đọc tham dự vào văn chương tiếng Việt.

Từ tháng 7/1994, Võ Phiến nghỉ hưu nhưng vẫn viết, hiện ông sống tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ.

Ông là tác giả của trên dưới 30 tác phẩm gồm đủ mọi thể loại: thơ, truyện ngắn, truyện dài, tùy bút, tiểu luận, tạp luận, biên khảo, phê bình, dịch thuật.

Tác phẩm đã in:

Tiểu thuyết: Giã từ (Bách Khoa, Sài-gòn, 1962), Một mình (Thời Mới, 1965), Đàn ông (Thời Mới, 1966), Nguyên vẹn (Người Việt, California, 1978).

Truyện ngắn: Chữ tình (Bình Minh, Quy Nhơn, 1956), Người tù (Bình Minh, 1957), Mưa đêm cuối năm (Tự Do, Sài-gòn, 1958), Đêm xuân trăng sáng (Nguyễn Đình Vượng, 1961), Thương hoài ngàn năm (Bút Nghiên, 1962), Về một xóm quê (Thời Mới, 1965), Truyện thật ngắn (Văn Nghệ, California, 1991).

Tùy bút: Thư nhà (Thời Mới, 1962), Ảo ảnh (Thời Mới, 1967), Phù thế (Thời Mới, 1969), Đất nước quê hương (Lửa Thiêng, 1973), Thư gửi bạn (Người Việt, California, 1976), Ly hương (in chung với Lê Tất Điều, Người Việt, California, 1977), Lại thư gửi bạn (Người Việt, 1979), Quê (Văn Nghệ, 1992).

Tiểu luận: Tiểu thuyết hiện đại (bút hiệu Tràng Thiên, Thời Mới, 1963), Văn học Nga Xô hiện đại (Thời Mới, 1965). Tạp bút, ba tập (Thời Mới, 1965-66), Tạp luận (Trí Đăng, 1973), Chúng ta qua cách viết (Giao Điểm, 1973), Viết (Văn Nghệ, 1993), Đối thoại (Văn Nghệ, 1993).

Biên khảo: Văn học miền Nam tổng quan (Văn Nghệ, 1986), Văn học miền Nam, 6 tập, gồm 3 tập về truyện, 1 tập ký, 1 tập kịch – tùy bút và 1 tập thơ (Văn Nghệ, 1999).

Dịch thuật: Hăm bốn giờ trong đời một người đàn bà (Stéfan Zweig) (Thời Mới, 1963), Các trào lưu lớn của tư tưởng hiện đại (André Maurois) (Thời Mới, 1964), Truyện hay các nước, 2 tập, cùng dịch với Nguyễn Minh Hoàng (Thời Mới, 1965), Ông chồng muôn thuở (Dostoïevski) (1973).

Toàn bộ tác phẩm Võ Phiến được in lại trong Võ Phiến toàn tập, 9 cuốn (Văn Nghệ, 1993).

Võ Phiến không phân biệt rõ ràng giữa tiểu thuyết và truyện ngắn, giữa truyện ngắn và tùy bút. Truyện ngắn của ông thường là truyện dài viết ngắn. Có những truyện ngắn lại được ông xếp vào loại tùy bút. Cho nên việc phân chia thể loại trong tác phẩm của Võ Phiến chỉ có tính cách tương đối.

Tuy viết nhiều thể loại, nhưng sở trường của Võ Phiến là truyện ngắn, truyện dài và tạp văn (tiếng chúng tôi tạm gọi chung cho tùy bút, tạp bút và tạp luận của Võ Phiến). Thơ ông không quan trọng so với văn và ông cũng không chuyên về biên khảo phê bình.

*

Là một trong những nhà văn hàng đầu của miền Nam, Võ Phiến có chỗ đứng và lối sống biệt lập, không theo thời thượng. Nề nếp công chức, chừng mực, ít tham dự các phong trào đổi mới, không theo nhịp sống hoa lệ của Sài gòn ban đêm, ông viết: “Không có xi nê, đánh bài, bơi lội, cải lương… gì hết. Quanh năm tôi ít trông thấy Sàigòn ban đêm. Chỉ có đọc, và thỉnh thoảng thấy cần len lỏi, vu vơ trong các ngõ hẻm” (Tạp bút, trang 407).

Thời 55-60, những trào lưu mới của văn học Tây phương rất thịnh hành ở miền Nam, Võ Phiến đọc nhiều, ông nghiên cứu tiểu thuyết hiện đại và viết cả một cuốn tiểu luận về vấn đề này, nhưng trong sáng tác, ông không chịu ảnh hưởng rõ ràng một ai hoặc trường phái nào. Giữ phong cách một nhà văn độc lập, gần như cổ điển: ở truyện ngắn, truyện dài, giọng cân nhắc, chặt chẽ, mô tả tỷ mỉ, đôi chỗ tỏ ra quê mùa, khề khà thô vụng. Trong tùy bút ông buông thả hơn, giọng hóm hỉnh pha trò, có chỗ mỉa mai cay độc.

Ở miền Nam những năm 60, khi lớp trẻ đọc thơ Nguyên Sa, hát Tiễn em của Phạm Duy, Cung Trầm Tưởng… thì Võ Phiến đưa ra những nhân vật quê mùa, tầm thường, như anh Bốn Thôi, ông Ba Thê Đồng Thời, chị Bốn Tản, Bốn Chìa Vôi, những thân phận lạc loài, không hẫp dẫn, chẳng ai bận tâm, mất thì giờ mô tả. Đó là những mảnh vụn, thừa thẹo của xã hội, sống âm thầm như chưa hề có mặt. Võ Phiến chiếu xuống từng mảng thân xác và tâm hồn ấy, ông banh bét ra, ông đi vòng vo quan sát, nhẩn nha trò truyện. Người nóng tính bực mình, chờ đợi một cái gì ghê gớm xẩy ra thì chẳng bao giờ thấy. Cho nên thời 55-75, ở trong nước, Võ Phiến không phải là một nhà văn ăn khách.

1975, di tản sang Hoa Kỳ, uy thế văn học của ông đổi khác. Người ta tìm đọc Võ Phiến. Trước hết, vì Võ Phiến là người tiên phong khơi lại nền văn học đang bị xoá sổ ở quê nhà; thêm nữa, nhà xuất bản Văn Nghệ của Võ Thắng Tiết in lại toàn tập Võ Phiến, trường hợp duy nhất tại hải ngoại, lần này sách bán chạy, nhiều người cầm bút hết lời ca ngợi. Nhưng lý do sâu xa nhất của sự biến đổi tâm lý trong lòng người đọc đối với tác phẩm của Võ Phiến là khi đã bị tróc rễ, đắm thuyền, mất hết cả, chỉ còn lại độc một chiếc áo vá trên vai, người ta mới thấy quý mến và trân trọng nó. Tác phẩm của Võ Phiến đối với người Việt di tản, như manh áo rách cuối cùng còn lại trên thân sau cuộc đổi đời, như bữa cơm đầu sau những ngày đói khát trên biển. Lạc loài, bơ vơ trên đất khách, không thể bám víu vào nguồn cội nào, những cụ già bị bấn ra khỏi nước đứng xếp hàng trước một tiệm chạp phô ở Paris để mua vài miếng trầu, miếng vỏ bỏ mồm. Trong cơn thèm khát quê hương thấu suốt thịt da, người ta chỉ còn biết bám vào hũ mắm cua chua, vào quả ổi tầu, vào chiếc bánh tráng Bình Định để ăn lai rai, ăn hàm thụ, mỗi ngày một miếng qua tác phẩm của Võ Phiến.

Tác phẩm của Võ Phiến chiếu vào phần u uẩn, khuất lấp trong tâm hồn những người dân tầm thường, quê mùa như ông Bốn Tản (Lẽ sống) chị Bốn Chìa Vôi (Chim và rắn), anh Bốn Thôi (Lại thư nhà), ông Ba Thê Đồng Thời (Giã từ), những thân phận lạc lõng, thừa thẹo, rách rưới, sống ngoài lề xã hội, trong một quê hương mà chiến tranh có thể tàn phá được tất cả, trừ những hũ mắm, những hạt trà… Đó là phần tinh túy nhất trong nước cốt quê hương, là mùi dân tộc mà nhà văn cất ra được dưới giọng văn khề khà, thô lậu, với nghệ thuật miêu tả tinh vi.

Những nhân vật của Võ Phiến khởi đi từ ký ức tuổi thơ của một cậu bé lớn lên trong thế giới đàn bà, bà nội và các cô, ở miền quê Bình Định; rồi từ Bình Định, phiêu bạt đi nơi khác, trôi dạt như chính bản thân ông trong các chuyến đi, chuyển nhà, chuyển ở.

Tác phẩm của Võ Phiến thầm kín nói lên những chua xót không nói ra được, làm bật những nín thinh của kẻ suốt đời tìm kiếm những mất mát của chính mình qua độc thoại mà không ai đối thoại. Tác phẩm của ông chiếu vào sự vong thân của con người khi phải bứt khỏi nguồn cội.

Ở những truyện thật hay như Người tù (1955), Dung (1956), Lỡ làng (1956), Anh em (1957), Thác đổ sau nhà, Lẽ sống (1958), Chim và rắn (1967), … ông có cái nhìn soi mói vào những chỗ hiểm hóc nhất về tâm lý và dục tính của con người. Nghệ thuật của Võ Phiến chủ yếu nằm trong sự mô tả.

Ở những truyện Lỡ làng, Anh em, Thác đổ sau nhà, Lẽ sống, chân dung con người được hình thành qua những ẩn ức dục tính. Trong truyện Dung, ông mô tả những động tác của một nhân vật trong bữa ăn, và qua cách gắp, cách nhìn, cách lựa món, Võ Phiến làm bộc lộ cái bản năng sâu kín nhất của con người. Trong truyện Người tù, ông mô tả một thanh niên biết mình sắp chết nhưng chưa được hưởng lạc thú thể xác, kể ra những fantasme, những tưởng tượng, để lừa người nghe và lừa mình. Truyện Chim và rắn mổ xẻ sự xuống cấp dần dần của một người đàn bà quê mùa tốt bụng ngây thơ như chim, sau nửa thế kỷ lặn lội trong chiến tranh và thù hận, trở thành rắn.

Con người luôn luôn muốn che đậy sự thật về mình, giấu mình dưới vỏ bề ngoài. Võ Phiến có khả năng lật tẩy cái bên trong con người bằng cách chỉ nhìn và ghi những gì phát tiết ra ngoài. Những ám ảnh nội tâm, những mặc cảm, những bản năng, những khát vọng… chẳng qua chỉ là phần chìm của tảng băng mà bề nổi có thể chụp bắt được. Nhưng phải làm sao chụp đúng lúc, phải bắt quả tang. Võ Phiến luôn luôn bắt quả tang đúng lúc cái giây phút con người sơ hở để lộ mặt thật của mình. Người ta thường nói Võ Phiến sắc sảo: sự sắc sảo của ông chính là ở chỗ đó: Ông bắt trúng, bắt quả tang, trong khi người khác cũng rình mà đôi khi không bắt được gì cả.

Nhà văn duy vật, vô thần

Sự mô tả chi li và ẩn ức tính dục

Truyện của Võ Phiến chiếu vào nội tâm u uẩn của con người, bằng nhiều cách, qua hai lối viết khác nhau: Giai đoạn đầu, truyện viết theo lối cổ điển, nhà văn đứng ngoài mô tả. Giai đoạn sau, ông vào trong da thịt của nhân vật.

Tâm lý là phần sâu nhất trong tác phẩm của Võ Phiến, nhưng ông không phân tích tâm lý theo lối truyền thống, mà trình bày theo lối hiện đại, tức là tâm lý được phát hiện qua cử chỉ, qua cách ăn nói, qua hành động và thái độ sống, tất cả nghệ thuật này được thực hiện qua sự mô tả chi li.

Tìm hiểu Võ Phiến là tìm hiểu về sự chi li này. Võ Phiến đọc nhiều và nghiên cứu khá kỹ về văn học hiện đại thế giới. Tuy ông cho rằng ông chịu ảnh hưởng Marcel Proust, nhưng đọc kỹ, thì cái chi li trong văn ông không giống cái chi li tìm thấy trong ký ức thơ mộng của  Proust mà gần với cái chi li hiện thực Hồ Biểu Chánh cộng thêm những yếu tính tiểu thuyết mới và những ẩn ức dục tính của Freud. Nói cách khác, văn phong Marcel Proust dựa trên tâm tưởng và đầy chất thi ca, Proust nghiêng về nghệ thuật và đời sống tinh thần, trong khi Võ Phiến chiếu vào hiện thực sinh tồn, vào cử chỉ đích thị, vào đời sống thể xác, vật dục.

Võ Phiến ảnh hưởng ai và ảnh hưởng như thế nào? Đó là những câu hỏi lý thú.

Có thể nói văn ông, ngoài những nét đặc thù Võ Phiến mà chúng ta sẽ xác định sau, còn có những yếu tố khác: có Freud trong cách trình bày ẩn ức tính dục. Có Nhất Linh trong việc đặt tên nhân vật, những Bốn Thôi, những Ba Thê Đồng Thời của Võ Phiến rất bà con với những ông Năm Bụng, Ông Giáo Đông Công Đức Tin Lành của Nhất Linh trong Xóm Cầu Mới, và cách lấy một phần của thân thể làm biểu tượng cho toàn diện, cũng rất Nhất Linh. Có Hồ Biểu Chánh trong lối mô tả chi tiết và sử dụng tiếng Việt. Có ảnh hưởng hiện sinh qua cách dùng hành động để xác định tâm lý và bản chất của nhân vật. Có Nathalie Sarraute trong cách mô tả hiện tượng trong tiểu thuyết mới, nhưng Sarraute chỉ nhắm vào hiện tượng bằng cái nhìn khách quan để ghi lại toàn diện sự thể mà không muốn «nói lên» một cái gì. Trong khi Võ Phiến soi tỏ hiện tượng để nói lên ẩn ức tính dục, ẩn ức tham lam trong nội tâm nhân vật. Tất cả những yếu tố tạm gọi là ảnh hưởng này, Võ Phiến đã nghiền nát trong tác phẩm, chúng đã bị Võ Phiến hoá, chúng đã trở thành bản chất của Võ Phiến, cho nên phải dùng kính hiển vi mới thấy được.

Trọng tâm các truyện hay của Võ Phiến luôn luôn chiếu vào nội tâm con người: con người bị hoành hành, bị dằn vặt bởi những yếu tố ở trong và ở ngoài mình. Yếu tố ở ngoài là hoàn cảnh, là môi trường: môi trường chiến tranh, hoàn cảnh bị bật rễ ra khỏi quê hương. Yếu tố bên trong, mới thực sự quan trọng, tức là phần thân xác, phần đòi hỏi của các cơ năng, các nhu cầu vật chất, đưa đến những hành động và cách sống, đưa đến sự sa đọa.

Trái ngược với những người chủ trương tinh thần làm chủ vật chất, những nhân vật của Võ Phiến bộc lộ phần bản năng, phần cơ thể, và chính phần đó mới làm chủ mọi sinh hoạt của con người. Và đó cũng là nền tảng tư tưởng của Võ Phiến.

Vì vậy, có thể nói Võ Phiến là nhà văn duy vật đầu tiên của Việt Nam, thực sự duy vật. Ông trình bày bản tính thâm sâu của con người qua những cử chỉ ăn uống bài tiết, tiêu hoá, sinh lý mà không hề bận tâm lo lắng đến phần tâm linh, tâm hồn, thường được coi là linh thiêng, cao cả, đối với người Việt. Không ai còn lạ gì sự chống Cộng triệt để của Võ Phiến, nhưng lại cũng không ai nhận ra tính chất duy vật gần như tuyệt đối trong tác phẩm của Võ Phiến. Và đó chính là cái mâu thuẫn sâu xa nhất trong tư tưởng của con người, nó nằm trong vô thức như một sự chống lại chính mình mà nhà văn không hề hay biết.

Ngay trong truyện ngắn Dung, in năm 1956, đã xuất hiện những yếu tính đặc thù này.

Nhận xét đầu tiên: trong Dung, Võ Phiến đã dùng hoán dụ như một thủ pháp tài tình. Nghiã là ông lấy một phần rất nhỏ của cơ thể để biểu dương toàn diện. Việc này trong thuật ngữ văn chương người ta gọi là làm một phép hoán dụ, thí dụ trong câu Chinh phụ ngâm: “Khách má hồng nhiều nỗi chuân chuyên”, tác giả lấy hai chữ “má hồng” để chỉ toàn diện người đàn bà đẹp. Thủ pháp này Tolstoï hay dùng trong văn, ví dụ khi tả cái chết của Anna Karénine, Tolstoï chỉ cho thấy chiếc ví tay của nàng rơi vãi tung toé. Nhất Linh rất thích phương pháp này của Tolstoï và ông cũng đã áp dụng tài tình khi tả Thu nằm ngủ hở cánh tay trong Bướm trắng. Đến Võ Phiến sức biến ảo lại khác lạ hơn nữa. Chúng ta thử xem cách ông giới thiệu cánh tay như một toàn thể quyến rũ như thế nào, ông viết:

“Bức hình lớn đàng xa kia vẽ thái tử Sĩ-đạt-ta bước vào phòng nhìn vợ một lần cuối cùng trước khi từ giã kinh thành ra đi. Trong phòng không có ngọn đèn nào, người đàn bà nằm ngủ thiêm thiếp dưới ánh sáng của ban ngày. Tiếp theo đó là bức hình vẽ đức Phật trầm tư dưới gốc bồ đề. Rồi trên tấm hình lóe sáng này là thái tử đưa lưỡi gươm lên tự cắt món tóc trên đầu mình trong lúc hai kẻ gia nhân đang xuống ngựa quỳ trước mặt xin rước người về. Mới nhìn lần đầu vào bức tranh này Phương đã chú ý đến hai cánh tay của đức Phật và cho đến bây giờ, mỗi lần quay về phiá ấy là anh lại nhớ đến hai cánh tay mềm mại, tròn nung núc và đỏ hồng hồng, hai cánh tay con gái quá đẹp. Trông thấy cánh tay ấy huơ lên chỉ có thể nghĩ là trong một điệu múa, có ai ngờ là vung gươm trong một cử chỉ dứt khoát, đoạn tuyệt với cõi đời phàm tục.” (Dung, trong tập Truyện ngắn 1, trang 24)

Cánh tay của đức Phật, có lẽ là lần đầu tiên được đưa vào tiểu thuyết một cách «gợi cảm» như thế, được ngắm nghía kỹ càng và thấy toát ra mùi vị con gái «hấp dẫn» như thế. Nhưng chưa hết, cánh tay ấy lại dẫn Phương liên tưởng đến một cánh tay khác:

“Hôm ấy anh nhìn qua cửa sổ, thấy Dung đang chải tóc, mặc chiếc áo cánh trắng, để trần hai cánh tay. Hôm ấy mới cách hôm nay có một tuần lễ. Hình ảnh còn rõ rệt quá. Tiếng con ngỗng kêu, mùi lá ướt của bờ rào chè răng cưa, mùi lá mục, đất ẩm bên đường đi, hình chiếc áo căng thẳng ở sau lưng và những nét dun lại trên vai áo Dung khi hai tay vươn lên đầu chải tóc…, tất cả, anh vụt thấy, nghe, ngửi lại được tất cả buổi mai hôm đó” (trang 24).

Võ Phiến vừa buông ra thủ pháp nghệ thuật đầu tiên của ông, đồng thời cũng đưa ra những ý nghĩ táo bạo đầu tiên của một nhà văn vô thần, gần như phạm thượng đối với đức Phật. Tuy vậy những điều ông viết ra hoàn toàn có lý và dựa trên sự thật, không có gì bổ báng cả. Những ai tinh ý đều nhận thấy những bức tranh vẽ đức Phật Thích Ca, khi còn là thái tử, thường có những nét rất con gái. Điều này phù hợp với cách biểu hiện các vị thần linh, ở Ấn Độ. Thật vậy, các vị thần như Vishnou hay Shiva, dù là đàn ông, nhưng thường được vẽ dưới nét đàn bà. Nhưng sự táo bạo phi thường của Võ Phiến là ông không chỉ dừng ở chỗ nhận ra cánh tay đức Phật giống con gái, mà ông còn nối kết cánh tay “tròn nung núc và đỏ hồng hồng” của đức Phật, với “cánh tay trần của Dung”, khơi trong đầu Phương những thức động dục tình lúc anh ta thấy Dung ngồi lễ Phật. Ở đây, sự thức động dục tình đến từ một bức tranh, tranh… Phật.

Một đoạn khác, Võ Phiến viết về bữa ăn, như sau:

“Tôi chưa thấy ai có lối ăn uống tàn bạo và bủn xỉn như hắn. Tiếc rằng những nét ấy không biểu lộ trong cặp mắt.

Vừa đối diện với mâm cơm, bằng một cái liếc rất nhanh, hắn đã định ngay được giá trị từng món ăn, chọn ngay được món ăn ngon nhất. Và từ đầu đến cuối bữa ăn hắn tấn công vào trọng tâm một cách kiên nhẫn, tàn bạo, nhưng khôn ngoan lạ kỳ. Có nhiều người đang ăn vụt chú ý đến món mà mình thích nhất gắp liền năm bẩy miếng, ăn lia liạ. Những người ấy hoặc quá thật thà hoặc lơ đãng; đôi khi lại là những người chăm nói chuyện, mà ít quan tâm đến việc ăn. Có người gắp quàng xiên tùy hứng không suy nghĩ. Có người tình toán rất công bình. Những người già những người bác nhược ăn uống yếu đuối thường ngập ngừng đưa đôi đũa lưỡng lự giữa mâm. Hạng lớn tuổi có khi tự do, thân mật đến lẩm cẩm, phóng đôi đũa ra sát mâm rồi mới chọn lựa. Ngọn đũa của thanh niên quyết định nhanh chóng không dè dặt. Người tỉ mỉ hay sửa soạn, tém vén kỹ lưỡng miếng đồ ăn trước khi bưng chén lên và. Mỗi người có một lối ăn. Riêng hắn thì hắn không tham lam một cách thực thà, không bao giờ gắp liên tiếp đôi ba lần món ăn ngon nhất. Nhưng hắn không có một phút lơ đãng. Hắn tính toán chu đáo, gắp khắp các đĩa, nhưng tổng kết lại thì thế nào cũng gắp được món ngon nhiều hơn cả. Và hắn theo dõi ngọn đũa của tất cả các thực khách, không dung thứ cho một người nào hơn mình. Hắn cạnh tranh kín đáo nhưng ráo riết. Hắn bực mình nhất là gặp phải kẻ lơ đãng. Kẻ lơ đãng đôi khi thình lình tấn công liên tiếp vào món ăn ngon, như một cua-rơ tự nhiên bức phá, làm cho hắn phải ra sức đuổi theo kèm sát. Có để ý đến thái độ của hắn trong những trường hợp này mới thấy hắn khéo léo thần tình. Hắn lầm lì như không hề quan tâm chú ý đến đối phương nhưng hắn suy tính chín chắn và phản công trả đũa, chận đứng đối phương rất nhẫn tâm. Bình thường thì ngọn đũa trí trá của hắn thu lại đầy ý thức chuẩn bị, rồi đột nhiên vụt phóng ra nhanh nhẹn lạnh lùng như một con cò già lão luyện phóng mỏ bắt ruồi, trăm lần không sai đích một lần.” (Dung, trang 35-36)

Đoạn văn trên đây trình bày toàn diện thủ pháp nghệ thuật và chiều hướng tư tưởng của Võ Phiến: Con người bày tỏ bản ngã trong bữa ăn qua thủ đoạn và cách tấn công vào các món. Đôi đũa được coi như vũ khí chiến đấu. Cục diện bữa ăn được mô tả như một trận chiến mà các đối thủ tàn sát nhau trong ván cờ người. Cách tiến thủ của đôi đũa được bày bố như cách thối lui của các lưỡi gươm, các tay súng trận.

Nhà văn thường tách rời hai địa hạt mô tả và địa hạt bàn luận: đã mô tả thì không bàn luận và đang bàn luận thì tránh mô tả. Cách mô tả của Võ Phiến rất đặc biệt, ông vừa tả vừa luận. Rất ít nhà văn làm như thế bởi vì làm như vậy rất khó, pha trộn hai thể loại khác nhau, văn dễ bị sống, luận ra đằng luận, tả ra đằng tả. Đằng này Võ Phiến thành công một cách thần tình: Ông vừa buông ra câu tả cách gắp của người lớn tuổi, chen ngay sau đó là câu luận về cách gắp ấy để rút ra một nhận định về tính tình kẻ gắp.

Võ Phiến sử dụng tinh vi đôi mắt nhà văn qua hai yếu tố: cái nhìnlối nhìn. Nhưng ông không chỉ dừng lại ở đôi mắt nhà văn mà ông còn sử dụng tất cả những đôi mắt khác mà nhà văn bắt gặp trong các nhân vật. Nếu tiểu thuyết mới, còn được gọi là Ecole du regard, Trường phái cái nhìn thì đây, Võ Phiến cũng đã lập ra một trường phái nhìn riêng biệt của mình, ngay từ năm 1956, và ông dùng cái nhìn trong một dụng ý hoàn toàn khác với tiểu thuyết mới : Tiểu thuyết mới dùng cái nhìn để mô tả hiện tượng theo quan điểm triết học hiện sinh, tức là để chứng minh sự hiện hữu của thực thể, nó lù lù ra đấy, nó như thế đó, nó không đi từ một bản chất nào có sẵn, bởi hiện hữu có trước bản chất. Trong khi Võ Phiến dùng cái nhìn để soi mói vào bản chất tham lam, bản chất ghen tuông, đố kỵ của con người. Và theo ông tất cả những gì thúc đẩy hành động của con người, đều nằm trong hai đòi hỏi chính của thân xác, là ăn uống và sinh lý.

Võ Phiến cũng không chỉ dùng đôi mắt của mình để soi mói nhân vật mà ông còn bội phân đôi mắt ấy lên nhiều lần, tức là ông dùng mắt mình để theo dõi nhân vật, rồi ông dùng mắt của nhân vật này chiếu vào nhân vật khác. Sự chiếu qua chiếu lại giữa các nhân vật gây ra những ánh mắt phản hồi, tương tác, đối tác, cộng hưởng… do đó có thể nói Võ Phiến đã tìm cách thay đối thoại miệng bằng đối thoại mắt trong sinh hoạt của con người. Những gì sâu lắng thường không nói ra được, chỉ có thể cảm thấy và biểu thị bằng ánh mắt.

Tóm lại, hai yếu tố chính xây dựng nên nghệ thuật của Võ Phiến là con mắtchi tiết, và những chi tiết nào đáng chú ý nhất đối với ông? Đó là những điểm trên thân thể con người: từ cánh tay nõn nà của đức Phật, hay cánh tay trần của Dung, đến đôi mắt cú vọ của Bình xoáy vào mâm cơm, hoặc sợi lông mũi hay vết nẻ trên gan bàn chân của anh Bốn Thôi… tóm lại, những chi tiết tầm thường nhất trên thân thể con người, không mấy ai chú ý, đều được Võ Phiến chiếu kính hiển vi vào và ông đã làm nên truyện lớn.

Bốn tác phẩm cột trụ : Giã từ, Lại thư nhà, Một mình Đàn ông

Võ Phiến thật sự bước vào nghiệp văn sau 1954. Khoảng thời gian đầu từ 1955 đến 1959, ông còn ở Quy Nhơn, cũng là thời gian phát triển truyện ngắn, tác phẩm thường được xây dựng trong bầu khí tối sáng, tranh chấp giữa quốc gia và cộng sản. Tuy vậy, yếu tố chính trị chỉ là nền, mục đích chính của ông là làm lộ cá tính nhân vật, thể hiện sự giằng co giữa cá nhân và thân xác như trong các tác phẩm Người tù (1955), Dung (1956), Thác đổ sau nhà (1957) v.v ..

Giai đoạn hai, Võ Phiến chuyển nền chính trị sang nền ly hương, và trong thời gian này ông phát triển truyện dài. Tác phẩm Giã từ viết năm 1960, mở đầu cuộc ly hương của Võ Phiến: rời Bình Định vào Sài Gòn năm 1959. Ông mô tả cái đớn đau của những kẻ sống ngoài lề xã hội, những kẻ bị đánh bật rễ. Nhân vật Ba Thê Đồng Thời trong Giã từ sống như một ký sinh trùng, ăn nhờ vào kẻ khác, gió chiều nào cũng ngả, một kẻ mất gốc mang những u uất của con người trực diện với chiến tranh, tha hoá tột độ, tìm cách sống còn.

Giai đọan thứ ba: Phi thời gian. Từ 1965 trở đi, một số nhân vật tiểu thuyết của Võ Phiến thoát khỏi môi trường chiến tranh hoặc ly hương, để đứng riêng như những con người trần trụi, trực diện với nội tâm. Võ Phiến đã viết những tác phẩm giá trị như Một mình (1965) Đàn ông (1966). Trong Một mình lấp ló ảnh hưởng triết học hiện sinh, Một mình là một thứ Buồn nôn của Võ Phiến: Con người nhận diện chính mình trong sự cô đơn gần như tuyệt đối.

Ở hải ngoại, Võ Phiến viết truyện dài Nguyên vẹn in năm 1978 về cuộc ly hương thứ nhì: từ Sài Gòn sang Mỹ. Nhưng Nguyên vẹn không đạt được nghệ thuật ở những tác phẩm trước, Võ Phiến đã không tạo được “không khí” Sài Gòn sau 75, có lẽ vì lúc đó ông đã đi rồi; hơn nữa, Võ Phiến không thoải mái trong những bối cảnh rộng lớn với nhiều nhân vật.

*

Nghệ thuật của Võ Phiến bộc lộ trong những không gian nhỏ, khép kín, từ truyện ngắn đến truyện dài. Có thể nói, bốn tác phẩm Giã từ, Lại thư nhà, Một mình, và Đàn ông, đã tạo nên sườn chính của tư tưởng và nghệ thuật Võ Phiến. Mỗi tác phẩm mang một sắc thái, nhưng đều đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, một nghệ thuật tỉ mỉ, sâu sắc. Ngòi bút ông xoáy sâu vào những cử chỉ nhỏ nhặt, vô nghĩa nhất để vẽ nên toàn bộ con người. Thế giới nhân vật của ông được hình thành qua những chân dung rõ nét, cá tính bộc lộ sâu sắc, luôn luôn bị dày vò trong ám ảnh nhục dục. Về mặt tư tưởng, Võ Phiến đi sâu hơn nữa về phía vô thần và duy vật. Về cách thể hiện, ông chuyển từ lối viết truyền thống, sang lối viết hiện đại hơn, tức là ông không còn đứng ở vị trí bên ngoài của người kể chuyện mà dần dần ông thâm nhập vào trong da thịt nhân vật để mô tả. Giã từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên, một truyện vừa, khoảng 80 trang, là sự bắc cầu giữa hai lối viết truyền thống và hiện đại. Lại thư nhà, hơn 60 trang, là tác phẩm chủ yếu, cô đọng không gian Võ Phiến, đưa chúng ta vào thế giới những nhân vật của ông. Đàn ông, chiếu vào những nhân vật ấy, nói đúng hơn là những người đàn ông ấy, qua con mắt của Chị Lê, người đàn bà làm điếm, nhìn khách hàng của mình dưới những khía cạnh trần trụi nhất. Chị Lê tìm ra “cái chung” của đàn ông: trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn là nhục dục, chỉ là nhục dục, là cõi mà họ tự do nhất, cõi mà họ sống thật nhất với chính mình. Một mình phân tâm nỗi cô đơn bệnh hoạn của con người khi chỉ còn có mình đối diện với chính mình.

Võ Phiến dùng những nhận xét tế vi, lấy chi tiết làm nên đại sự, để thăm dò lòng người dưới nhiều hình thức: Bằng phân tâm của Freud chiếu vào nội tâm u uẩn, ẩn ức tính dục của nhân vật. Bằng biện pháp hoán dụ, ông chiếu rọi vào một phần của cơ thể, để nói lên ẩn ức dục tính toàn diện của con người, những người sống ngoài lề xã hội, từ người tù đến gái điếm, từ già đến trẻ. Nhờ ảnh hưởng triết học hiện sinh, con người nhìn lại chính mình, không ai thoát khỏi sự cô đơn. Với những chi tiết chằng chịt, Võ Phiến dệt nên cấu trúc nội tâm phức tạp và bi đát của con người.

*

Lại thư nhà tiêu biểu cho cấu trúc toàn bộ tiểu thuyết của Võ Phiến. Không hiểu sao ông lại xếp Lại thư nhà vào loại tùy bút. Thực ra, đây là một truyện vừa và cũng là tác phẩm nền móng, xây dựng nên vũ trụ tiểu thuyết của ông, với nhân vật Bốn Thôi. Lại thư nhà tạo ra không khí và bối cảnh Võ Phiến, thế giới của những kẻ ở ngoài lề. Bốn Thôi tuy ở trong xứ, nhưng đã bị cách ly với người khác, với thế giới chung quanh. Bốn Thôi là kẻ ly hương trong thân phận mình, là đại diện sâu xa nhất cho những kẻ sau này phải bỏ nguồn cội đi tha phương cầu thực

Lại thư nhà, tuy được tác giả xếp vào loại tùy bút, nhưng chỉ vài trang đầu tạm có tính tùy bút: ông bàn phiếm về vài câu ca dao Bình Định và giới thiệu món mắm cua chua, đặc sản Bình Định. Đó là những trang vào truyện, để giới thiệu anh Bốn Thôi và người vợ thứ hai có “bàn tay quý giá” biết làm mắm cua chua.

Thế giới Võ Phiến bắt đầu từ nhân vật Bốn Thôi, nhưng bắt nguồn từ người bà: Bà tôi. Hình ảnh bà nội Võ Phiến, người đã nuôi ông từ thuở nhỏ. Bà tôi với cái dĩ vãng “tối lờ mờ” mỗi lần kể lại một mảng chuyện cũ bao giờ cụ cũng bắt đầu bằng hai chữ “mọi lần”. Cứ mỗi lần có “mọi lần” là lại có chuyện. Và trong những “mọi lần” như thế một nhân vật mới lại xuất hiện, mỗi thứ có một bản sắc, một sự tích riêng. Chính ở những “mọi lần” đó, phát sinh Võ Phiến, nhà văn duy vật đích thực đầu tiên của Việt Nam. Bà là nguồn, cháu là động cơ phát xuất nhân vật.

Những nhân vật ấy là ai: Là ông bá hộ Thành, là bà cử Tạ, là ông tú Từ Liêm… nhưng còn có thể là những thứ khác hẳn, như mắm, chẳng hạn. Mắm cũng từ bà:

“Trong thuả “mọi lần” như thế, rập rình rất nhiều ông tú ông cử, những người từng làm vinh dự cho “gánh” họ Huỳnh của bà tôi. Tuy nhiên tôi chú ý nhất đến các món đồ ăn. Đồ ăn của “mọi lần” có những món kỳ quặc. Bà tôi kiêu hãnh kể rằng bà đã từng có thể dùng bột trắng pha màu rực rỡ bắt hình bánh cỗ đồ bát bửu: bầu rượu, cây bút, cái tù và…, đã từng luộc những con gà và sửa soạn cho chúng nó thành hình ngư, tiều, canh, mục…, đã làm những chiếc bánh tét nhân chữ hạnh, chữ thọ, màu đỏ màu xanh, đã gói những cuốn chả mà khi cắt ra mỗi lát đều có hoa đỏ hoa vàng v.v… (…)

Nhưng tại sao bên cạnh những cầu kỳ sang trọng như vậy, “mọi lần” cũng lại dung nạp rất nhiều mắm? Cảnh đói khổ với những điều xa xỉ của chỗ quyền quý kia làm cách nào mà tiếp xúc nhau mật thiết, dung hòa với nhau? Bà tôi làm sao có thể tưởng nhớ đến con gà Lã Vọng lại vừa có thể thông thạo và tha thiết với các món mắm mặn? Đó là chỗ mâu thuẫn (…)

Về già, đáng lẽ bà được hoàn toàn thảnh thơi, không phải lo lắng gì nữa về sự sinh sống trong gia đình, thì rốt cuộc bà tôi vẫn có hai mối bận rộn, đó là rác và mắm”. (Tùy bút 2, trang 66-67)

Bà chính là nguồn cội các sự thể và nhân vật. Bà cụ suốt đời chỉ chăm có hai chuyện: ăn uống và rác rưởi, như thể phần dạ dày và phần phế thải là hai lo toan chính của bà cụ. Bà cụ chính là mẹ đẻ của tâm hồn duy vật. Bởi bà cụ đã chú ý đến cái thiết yếu nhất của con người là cái dạ dày. Bà vừa là ngọn nguồn của mắm, làm ra mắm, vừa phản ảnh tâm hồn thực tiễn của người Bình Định nói riêng và người Việt Nam nói chung. Anh Bốn Thôi sở dĩ được bà cụ chú ý đến bởi vì trong sáu người vợ của Bốn Thôi chỉ có mỗi mình chị Lộc, người vợ thứ hai biết làm mắm.

Như thế có thể nói rằng, trong vũ trụ của Võ Phiến hai yếu tố quan trọng nhất là đàn bà và mắm. Và hai yếu tố này sẽ chi phối toàn bộ tác phẩm của ông, từ tùy bút đến truyện ngắn truyện dài. Và cũng chính ở tác phẩm Lại thư nhà mà chúng ta có thể nhìn thấy phát xuất đó. Trong giang sơn Võ Phiến, người cầm đầu, người cai trị là đàn bà chứ không phải là đàn ông: một vũ trụ mẫu hệ và duy vật, phát sinh từ người bà. Bà tôi.

Trong Lại thư nhà, bà tôi và các cô là thế giới của tác giả. Bên cạnh đó có thế giới Bốn Thôi, cũng lại là một thế giới đàn bà với sáu người vợ liên tiếp. Thế giới thứ nhất dưới quyền đô hộ của bà tôi. Thế giới thứ hai, nổi bật là chị Lộc, người vợ thứ nhì. Chị Lộc kẻ đứng mũi chịu sào cả về vật chất lẫn tinh thần và khi chị Lộc chết, Bốn Thôi trở thành kẻ bất lực hoàn toàn, cả thân xác lẫn tinh thần.

Trong Đàn ông, người lãnh đạo tinh thần là chị Lê và nhân vật sa đọa là ông tú Từ Lâm và những người đàn ông. Võ Phiến dùng cái nhìn của một người đàn bà giang hồ để vẽ chân dung những người đàn ông. Họ đều gặp nhau ở “chỗ ấy”. Từ trẻ (Tạo) đến già (cụ tú Từ Lâm), “mọi đau khổ, cảm xúc, rung động cao thượng hay ham muốn yếu hèn … đều đưa người đàn ông đến chỗ gặp gỡ ấy”. Như thể một khi đã mất hết, dường như đàn ông chỉ còn có sinh lý là cứu cánh. Võ Phiến đã đào sâu xuống những đau khổ, u uất trong những thân phận đàn ông sa cơ, thất vận, phiêu bạt, bị bứt khỏi cỗi rễ của mình. Ông xóa tiệt những ảo ảnh về người đàn ông, từ già đến trẻ, phơi họ trần truồng trực diện với những đớn đau và ham muốn không giải quyết được.

Trong Một mình, nhân vật Hữu là một gã mạnh khoẻ, có công ăn việc làm, nhưng dần dần Hữu đi vào tình trạng bệnh tưởng, suy nhược, mất mình trong một thứ sa đoạ tinh thần không thể nào cứu vãn nổi.

Võ Phiến đưa ra một vũ trụ mà đàn bà luôn luôn làm chủ tình thế ở bất cứ hoàn cảnh nào. Những người đàn bà này thường có đầu óc thực tiễn, họ làm chủ hũ mắm, làm chủ rác rưởi, làm chủ thân xác. Chính họ nắm bộ máy sinh hoạt và sinh dục của đàn ông. Cái thế giới thực tiễn bao gồm các hoạt động phần dưới của cơ thể này có tên là thế giới duy vật.

Võ Phiến hầu như không đả động gì đến các sinh hoạt tinh thần, hoặc khi ông nói đến chỉ là để miả mai châm biếm nội dung những lời bàn phiếm, những cãi vã vô bổ về thời sự của những người đàn ông.

Trong một đất nước chiến tranh, người ta chỉ quen bàn đến các đại sự, đến tổ quốc, đến những lý tưởng cao siêu, hùng khí ngùn ngụt. Nam tính và hùng tính được phô trương mãnh liệt ở cả hai miền đất nước. Võ Phiến đưa ra một thế giới đàn ông, vặt vãnh, ăn bám, bất lực, tê liệt và sa đoạ. Ông đã đi ngược với niềm tin thời đại, chống lại hùng khí chiến tranh và đó là giá trị nhân bản cao nhất mà Võ Phiến đạt được với bức chân dung bi đát của xã hội qua ngòi bút mỉa mai châm biếm chua xót cực cùng.

Sự vong thân của con người khi bị bứt khỏi nguồn cội.

Tiểu thuyết của Võ Phiến chiếu vào sự tha hoá của con người, qua bốn nhân vật tiêu biểu, phản ánh bốn giai cấp: anh Bốn Thôi, trong Lại thư nhà, giai cấp bần nông, ông Ba Thê Đồng Thời trong Giã từ, giai cấp trung lưu tiểu tư sản, ông tú Từ Lâm, trong Đàn ông, giai cấp nhà nho, và Hữu trong Một mình, giai cấp trí thức thành thị.

Nhân vật Ba Thê Đồng Thời trong truyện Giã từ, biểu hiện thành phần tiểu tư sản ăn bám. Ông Ba Thê Đồng Thời không làm cái gì cả, ông chỉ sống vào vốn cũ, tức là cái thời mập mờ chẳng biết theo kháng chiến hay theo Pháp. Cái quá khứ rắm rối của ông, không mấy ai biết rõ, và ông cũng để cho bí mật bao trùm lên cái quá khứ trù phú ấy, như một cái nhà băng riêng và từ đó ông rút tiền ra tiêu dần. Nhờ cái quá khứ nhà băng ấy mà ông có được nhiều người quen tương đối khá giả hoặc làm lớn và cả cuộc đời còn lại, ông viết thư cho những người quen cũ vay tiền, thư ông viết luôn luôn bắt đầu bằng chữ “se a mi” (cher ami). Ba Thê Đồng Thời là sự tha hoá của những người nhập nhoạng, biết dăm ba câu tiếng Pháp, hai mang, bên nào cũng theo, miễn sao trục lợi. Thành phần này có lẽ rất đông trong xã hội, và chính nó đục nước béo cò đã nuôi dưỡng chiến tranh.

Ông tú Từ Lâm trong truyện Đàn bà, biểu hiện môt thành phần khác, thành phần đã qua cửa Khổng sân Trình, biết đôi chữ thánh hiền, để cho người đời trọng vọng. Nhưng nay ông cũng theo thời mới, ông mặc Tây, đeo kính râm, khoác khăn phu la, ông phê bình thời sự, ông nói sử sách kim cổ. Chị Lê, cùng quê Bình Định với ông, là người định mệnh trôi dạt vào Sài gòn, làm điếm. Nếu ông Ba Thê Đồng Thời chỉ ăn bám vào những người có tiền có thế lực, thì ông tú Từ Lâm còn xuống dốc một mức nữa, ông ăn bám cả vào người đàn bà lỡ vận đáng tuổi con cháu ông. Chi Lê nuôi ông, cả cơm ăn lẫn thể xác. Ông tú Từ Lâm là một trong những nhân vật đớn đau nhất mà tiểu thuyết Việt Nam đã sản xuất ra. Một sự xuống dốc cốt cách, trang trọng, gần như trịch thượng của thành phần chữ nghiã thánh hiền. Và như thế Võ Phiến đã gần như tiên đoán được những gì xẩy ra cho thành phần trí thức trong thời điểm về sau.

Trong Một mình, nhân vật chính là Hữu, một công chức thuộc lớp người trung niên, tương đối tân tiến. Hữu khác hẳn hai người trước, anh ta có học, ở thị thành và đi làm trong vị trí xác định, lương bổng vững vàng. Nhưng Hữu cũng không hơn gì những người kia. Vì sao?

Một mình viết năm 1963, không biết ở thời điểm ấy, Võ Phiến tiếp cận triết học hiện sinh như thế nào, nhưng Hữu là nhân vật tiểu thuyết đầu tiên của ông có cái nhìn hiện sinh. Nếu trong cuốn La nausée-Buồn Nôn, Sartre mô tả Roquentin như một nhân vật không ngừng ý thức thấy thân xác mình và ý thức ấy càng rõ, thì anh ta càng cảm thấy ghê tởm. Cảm giác buồn nôn là trạng thái xẩy ra khi con người ý thức được sự hiện hữu của thân xác mình. Sartre thuật lại cái cảm tưởng buồn nôn đó, trong đầu một gã đàn ông, mà sự cô đơn và nhàn rỗi, khiến hắn chú ý đến những dữ kiện sống sượng nhất của đời sống.

Trong Một mình của Võ Phiến không thấy buồn nôn gì cả, nhưng Hữu cũng là một công chức sống dư giả, nhàn rỗi, vì nhàn rỗi nên càng ngày anh ta càng soi thêm vào cái cơ thể mình để xem nó hoạt động như thế nào, và Hữu luôn luôn thấy mình bệnh. Càng ngắm nhìn sờ mó, soi xét thể xác mình, Hữu càng thấy nỗi khó chịu gia tăng, và sự nhận thức của anh ta theo đà kéo sang người vợ và anh ta cũng thấy Quỳnh đáng ghét, nếu không muốn nói là “buồn nôn”, hiểu theo nghĩa của Sartre. Từ đó Hữu quyết định tạm thời ngừng hoạt động sinh lý với vợ trong hai tháng. Võ Phiến theo sát Hữu ngày đêm: từ những câu chuyện vô thưởng vô phạt ban ngày ở sở, ở nhà, đến những suy nghĩ, những động tác đêm hôm trên giường với vợ hay với cô gái điếm. Tất cả được ghi lại hết không bỏ sót mảy may. Hữu càng tiến sâu vào sự sa đọa tinh thần và thể xác, càng thấy rõ mình chỉ có “một mình”, không thể có một thứ “công-tắc” nào khác: không ai hiểu, không ai yêu. Quỳnh làm bổn phận người vợ. Nga cô gái điếm chung đụng với Hữu vì tiền. Sự cô đơn của Hữu, kẻ thấy mình chỉ có độc “một mình” trong thế giới hiện hữu xung quanh, là một thử nghiệm rất mới mà nhà văn đưa ra ở thời điểm 1963.

Nhân vật đặc biệt nhất là anh Bốn Thôi. Bốn Thôi vừa là những dư thừa cặn bã mà xã hội khinh bỉ thải ra, nhưng đồng thời Bốn Thôi cũng lại là căn cước, là linh hồn và thể xác của cái xã hội đó, thậm chí là thần tượng, là anh hùng của xã hội đó nữa. Một xã hội đạo đức giả trốn mình trong các giá trị bệnh hoạn, không tưởng, gọi chung là tổ quốc. Phải bảo vệ tổ quốc. Nhưng thật ra cả hai bên đều xâu xé tổ quốc, đều bắn phá tổ quốc, đều dày xéo tổ quốc bằng bom đạn ngoại bang, bằng chính bàn tay mình bóp cò súng người.

Những nét trầy trụa của tổ quốc khắc trên mặt Bốn Thôi: “Ngót hai mươi năm trời rồi, gần như hồi nào anh cũng phải cầm vũ khí trong tay: anh né viên đạn của bên này, tránh viên đạn của bên kia, đỡ ngọn roi của bên nọ… Và anh cũng lại đánh trả nữa. Và nét mặt anh thì lúc nào tuồng như cũng rầu rầu, nguội lạnh như một người ngoại cuộc.

Vậy mà những hoạt động của anh đã làm ra tình hình của xứ sở. Ở Hoa-thịnh-đốn, ở Mạc-tư-khoa, ở Bắc-kinh, Tân-đề-li, Vọng-các, Ba-lê v.v… ở khắp các nơi trên thế giới người ta theo dõi anh, bàn tán về anh. Người ta đem anh ra so sánh với người dân Đức ở Bá-linh, người dân Lào ở Vạn-tượng… người ta dòm ngó, dò xét cử chỉ của anh, cân nhắc, đánh giá sự can đảm của anh. Xung quanh hành động của anh chắc chắn có những cuộc mặc cả, những trù hoạch bố trí, những mưu mô âm thầm giữa nước này nước nọ. Và cũng có cả những lời hô hào, cổ võ, những tuyên bố lớn tiếng về nhiều vấn đề quan trọng, lý tưởng cao đẹp” (Tùy bút 2, trang 114-115).

Đấy là mặt tiền, mặt thấy được, mặt “quốc tế”. Về mặt hậu, Bốn Thôi hay tổ quốc hiện ra như một gã dớ dẩn, gã khùng trong làng. Anh có sáu đời vợ, nhưng anh ta lại là người bất lực, và cái thú duy nhất của Bốn Thôi là vặt lông mũi:

“Bốn Thôi tìm được cách tiêu khiển và mơ mộng trong việc vặt lông mũi. Đó là một cử chỉ nhỏ nhặt không ai để ý đến, nhưng rất quan hệ trong cuộc sống riêng của anh. Vì không phải là chuyện làm tốt, chuyện điểm trang gì, cho nên Bốn Thôi không bao giờ dùng đến cái gương. Hễ cứ lúc nào rảnh việc là anh đưa tay lên mũi, rờ rẫm, thăm dò, rình rập từng sợi lông mọc thò ra ngoài; vẻ mặt anh chăm chỉ đăm chiêu. Sự vặt nhổ như thế không phải không có lúc đau đớn, vì vậy có những khi anh nhăn nhíu mặt mày; những khi cho các ngón tay tìm kiếm, vẻ mặt anh khổ sở khó nhọc. Và đối với người ngoài thì cử chỉ đó còn có vẻ kỳ cục, tục tằn, khó coi, càng tăng thêm vẻ dớ dẩn của anh” (Tùy bút 2, trang 72-73).

Bốn Thôi là nhân vật tiểu thuyết kỳ lạ thứ ba sau A Q của Lỗ Tấn và Chí Phèo của Nam Cao. Nhưng trái hẳn với hai nhân vật kia, nếu Lỗ Tấn và Nam Cao đều chiếu vào những khiá cạnh bất bình thường của nhân vật, thì ngược lại Võ Phiến chiếu vào những khía cạnh bình thường nhất để tạo sự bất thường. Bởi không có người đàn ông nào là không một lần làm cử chỉ vặt lông mũi. Nhưng khi Võ Phiến chiếu kính hiển vi vào việc này, mô tả nó trên một trang sách, làm lộ tất cả bản ngã của nó ra, thì nó trở thành bất bình thường, thô lỗ, và kỳ cục. Nhổ lông mũi hoặc ngoáy tai, ngoáy mũi, khạc nhổ, là những cử chỉ mà bất cứ người nào cũng làm, nhưng là những cử chỉ không đẹp mắt, người ta chỉ làm khi một mình, bởi giáo dục xã hội dạy như vậy. Khi đứa nhỏ biết thò tay ngoáy mũi, thì cha mẹ nó bảo không được làm như thế, phải dùng mùi xoa hỉ mũi. Nhưng Bốn Thôi cứ khơi khơi làm cái việc khó coi này một cách công khai, chăm chỉ, hết sức tỉ mỉ, trước công chúng, là vì anh chưa được hưởng nền giáo dục nào cả. Nói khác đi Bốn Thôi là con người thuần túy trần truồng, con người người chưa bị xã hội hoá.

Nhưng điểm đặc biệt là nếu ta nhìn vào xã hội ta hiện nay, thì không chỉ có một Bốn Thôi mà chúng ta cũng lại thấy hằng hà sa số Bốn Thôi khác, ví dụ một vị chính khách đi công du nước ngoài, trong một buổi họp chính trị hay văn hoá cấp cao, thản nhiên ngồi ngoáy mũi trước bàn đàm thoại. Ấy là một vị Bốn Thôi thuần tuý.

Tất nhiên, để bào chữa, chúng ta có thể cãi đây là một phần của dân tộc tính, một cử chỉ tự nhiên, phơi bày bản chất con người trần trụi. Và thiên tài của Võ Phiến là ở chỗ đó: Chỉ cần mấy nét, Bốn Thôi đã phản ánh cái phần dân tộc tính xa xưa nhất, phần chưa được xã hội hoá ấy của dân tộc. Cử chỉ của Bốn Thôi, nếu nhìn từ phía con người xã hội hoá, là một cử chỉ bệ rạc. Nhưng nếu nhìn từ góc độ dân tộc tính, thì đó là cái gì đáng yêu, phải bảo tồn, không thể đụng chạm được, không thể thay đổi được. Mặc cho Việt kiều băn khoăn, ngượng ngập khi phải thông dịch cho một vị chính khách có những cử chỉ “chân chất” rất Bốn Thôi trong bàn họp quốc tế.

Khi Võ Phiến tạo ra nhân vật Bốn Thôi, cách đây nửa thế kỷ, chắc ông chưa tiên đoán được tình trạng Bốn Thôi “mở rộng” như bây giờ, mà ông cũng không muốn mỉa mai ai, ông chỉ chiếu kính hiển vi vào một cử chỉ tầm thường của một nhân vật quê mùa, một cá nhân chưa được xã hội hoá. Bốn Thôi biểu hiện thái độ người làng xã, chưa bước ra khỏi thôn mình, chỉ sống khoanh vùng trong không gian kín, chưa quen giao tiếp với người bên ngoài. Võ Phiến không có thái độ khôi hài, chế giễu mà ông muốn đưa ra cái bi đát nằm sau. Cử chỉ của Bốn Thôi, được ông phân tích như một hành động tự xoá mình trước công chúng, nghĩa là Bốn Thôi “vẫn ngồi trước mặt mọi người mà như không hề hiện diện trước một ai, vẫn có đó mà như không có, như là đang sống ở một thế giới nào xa cách tận đâu đâu, anh lặn chìm rất sâu khuất vào trong sự cô đơn của mình, dứt hết mọi liên hệ xung quanh mình và không buồn áy náy lo lắng gì về thái độ của mọi người” (trang 73).

Đối với Bốn Thôi, vặt lông mũi chỉ là một cách chữa bệnh bối rối và cô đơn. Để trốn cô đơn, Bốn Thôi thu mình trong một cử chỉ khó coi và bất cần thiên hạ. Nếu áp dụng tâm lý này vào vị chính khách chăm chỉ ngoáy mũi giữa một bàn tiệc, ở nước ngoài, thì cũng thấy ngay đó một cử chỉ cô đơn và bối rối. Ông cũng hệt như Bốn Thôi, là một người bình thường, làm những cử chỉ bình thường, với những cái đau bình thường.

Một ví dụ nữa: gan bàn chân Bốn Thôi bị nứt nẻ, nhất là về mùa rét, phải làm việc ngoài đồng, đất bùn nhét vào các vết nẻ làm anh đau đớn, nhưng thay vì chữa chạy, anh cứ ỳ ra. Khi người vợ thứ nhì là chị Lộc, nhìn thấy những vết nẻ, chị bèn lấy dầu rái dùng cái que, nhét vào các vết nứt ở gan bàn chân và anh đỡ đau. Chị Lộc là khía cạnh thứ nhì của dân tộc tính: cái gì cũng dầu rái, dầu rái chữa bách bệnh. Ở quê Bình Định, nguời ta dùng dầu rái, ở những nơi khác, người ta thay dầu rái bằng dầu cù là. Và đó là đặc tính thứ hai của người Việt.

Bốn Thôi bị bất lực mà anh không biết. Anh cưới cả thảy 6 người vợ, chỉ có chị Lộc là trung thành với anh suốt cuộc đời ngắn ngủi của chị. Còn bốn người đàn bà kia, mỗi người chỉ ở được ba bẩy hăm mốt ngày là bỏ đi. Người vợ cuối cùng lanh hơn, cho anh một bầy con và như thế là anh Bốn Thôi nuôi cả một gia đình con cái đầm ấm hạnh phúc.

Đọc Lại thư nhà, đọc đi đọc lại, lần nào chúng ta cảm thấy như có cái gì vừa xúc động, vừa rờn rợn, như Võ Phiến đã đi vào từng lỗ chân lông của nguời Việt, đi sâu vào dân tộc tính Việt, bởi phần đông người Việt đều thấy mình anh hùng, mà không biết mình bất lực. Bị lừa bịp mà không biết mình bị lừa bịp. Còn ở trong tình trạng làng xã, kể cả những người đi ra ngoại quốc đã lâu, mà vẫn không thấy mình chưa thoát khỏi tình trạng làng xã. Khư khư giữ thế đứng của Bốn Thôi, khép mình trong sự tự mãn, và do dó, bị tha hoá ngầm mà không biết.

Võ Phiến với bốn nhân vật tiểu thuyết đã trình bày sự tha hoá của bốn người đàn ông, bốn nền móng xã hội: nông dân, trung lưu, nho học và tây học, trong một giai đoạn giao thời, nhưng qua họ, ông đã vẽ nên sự trì trệ , sự tha hoá chung của dân tộc.

Tạp văn Võ Phiến

Võ Phiến tài tình trong tạp văn. Tập Đất nước quê hương hội tụ phần lớn những bài hay nhất của ông. Ý là một trong những sở trường của Võ Phiến: ông giầu ý và giầu liên tưởng. Tùy bút của Võ Phiến xây dựng trên hai yếu tố đó. Ông chụp lấy một sự, một ý bất kỳ, ví dụ như: mắm, bọt trà, bánh tráng, hay… Quang Trung làm khởi điểm. Bất kể những «vật» ấy có thể chất khác nhau: lỏng, đặc, cứng hoặc… vua. Rồi ông “cầm” lấy “cái vật” ấy như ta cầm một hòn đá ném xuống nước, từ điểm rơi sẽ có hằng hà sa số những vòng tròn đồng tâm loang ra trong liên tưởng: ông có thể đi từ chiếc bánh tráng, tiếng trống Bình-định đến vua Quang Trung …, từ hạt bọt trà đến sự khăng khít sống chung của hai người đàn ông cùng yêu một người đàn bà; từ hũ mắm cua chua đến vết chân chị Lộc, đến những bất hạnh của anh Bốn Thôi; từ giáng điệu “rụp rụp” của người chủ quán đến tính sởi lởi của người miền Nam, đến ngôn ngữ miền Nam… Cứ thế ông bàn đi, tán lại. Đôi khi ông nói phứa. Ông đem những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm nhận xét, kinh nghiệm đọc, đem lịch sử, ngôn ngữ, ký ức vào tạp văn để vẽ nên bản sắc sâu xa và thầm kín của dân tộc. Ông vừa bàn, vừa tán, vừa luận… một cách dí dỏm, châm biếm, mỉa mai, không cần chính xác. Cái quyến rũ đến từ chỗ bất ngờ, ỡm ờ, khả nghi, tin cũng được mà chẳng tin cũng được.

Được hỏi về kinh nghiệm viết văn, Tchékhov cho biết: bất cứ một vật, một sự kiện gì, cũng có thể làm đề tài cho ông, ví dụ đang ngồi nói chuyện, mà bạn chỉ vào cái gạt tàn thuốc lá trên bàn, bạn bảo ông ấy viết về cái gạt tàn thuốc lá thì ngày hôm sau, bạn có thể đọc một truyện ngắn về cái gạt tàn thuốc lá. Võ Phiến có chỗ giống Tchékhov.

Về động lực nào thúc đẩy viết văn, Lâm Ngữ Đường có lối giải thích rất hóm hỉnh, ông bảo: người ta viết văn vì có con trùng nó đục khoét trong bụng, thành ra cứ phải viết, nếu không viết thì không thể chịu được. Võ Phiến có lần giải thích ông viết vì có yêu cầu đặt bài. Mỗi dịp bị chủ báo giục, là lại có bài. Tóm lại, viết văn là một chuyện vừa bị trùng ăn trong bụng, hay nói văn hoa hơn, là bị bức xúc, cắn rứt, vật vã, hoặc nói hoành tráng hơn, là vì sứ mệnh đòi hỏi. Nhưng có lẽ hai cái vụ trùng ăn và chủ báo thục giục là đúng hơn cả, bởi nếu không bị thúc thì chưa chắc anh đã nhả ngọc phun châu. Võ Phiến có chỗ giống Lâm Ngữ Đường.

Thử mường tượng cảnh: nhà văn nào trong bụng cũng đầy trùng như Lâm Ngữ Đường. Những con trùng ấy thoát ra bằng cách nào? Bằng cách phải có kẻ đặt bài. Vậy khi có động cơ đặt bài là các con trùng sửa soạn xuất hành. Và khi có chủ đề, do bất cứ ai đặt, như Tchékhov nói, là bọn trùng thừa dịp tẩu thoát, thế là có ngay một bài. Võ Phiến còn nghiệm thấy là cái thứ trùng ấy nó như cái giếng, càng múc lại càng đầy. Tạp văn của Võ Phiến là tổng hợp những yếu tố trên, cho nên tự thân, nó đã cho chúng ta cái cảm giác khinh khoát, bay nhẩy, tự nhiên, phóng khoáng, hoạt náo, chuyển động, không ngừng. Ví dụ, đề tài “chửi” là một trong những kiệt tác của ông, chúng ta thử tìm cách mổ xẻ xem tiến trình chửi này được hình thành như thế nào.

Tình cờ có sự nghĩ đến chủ đề “chửi”. Nghiã là có thể do chủ báo đặt bài, do đọc tác phẩm Ngôn ngữ và thân xác của Nguyễn Văn Trung, do đọc A.Q của Lỗ Tấn hay do đọc một cái tin trên báo nói về việc linh mục Trương Đình Hoè ở Pháp đang soạn một luận án tiến sĩ về ý nghiã cái chửi ở Việt Nam… Từ những do này, mới có bài chửi. Nhưng trong những do liệt kê trên thì có một do chính, đó là do đọc tác phẩm của Nguyễn Văn Trung. Trong cuốn “Ngôn ngữ và thân xác” của Nguyễn Văn Trung có một chương mổ xẻ cái chửi khá ngoạn mục trên bình diện triết học, tác giả phân tích và định loại một cách khoa học và sâu sắc về bản chất và ý nghiã của mỗi tình huống chửi. Vậy thủ phạm là Nguyễn Văn Trung.

Bài Chửi của Võ Phiến là một liên văn bản chửi, đi từ lập luận triết học về chửi, qua tác dụng trong ngôn ngữ A.Q, bằng phương pháp luận của Lâm Ngữ Đường. Tất nhiên Võ Phiến không đi theo con đường triết học, bởi ông rất ghét sự rắm rối. Ông chỉ dùng kết quả điều tra về bản chất và chủng loại chửi của Nguyễn Văn Trung để chiếu xuống trường hợp Lỗ Tấn bằng một lối luận hóm hỉnh rất Lâm Ngữ Đường. Qua ba thao tác ấy, ông đã sáng tạo ra tác phẩm chửi của Võ Phiến. Nghệ thuật tạp văn của Võ Phiến, do đó là một hợp chủng tài tình nhiều phong cách văn hoá trong một sự luận. Nền chính trong tạp văn là luận. Mỗi nhà tạp văn có một lối luận khác nhau.

Ví dụ Lâm Ngữ Đường có lối luận như thế này, về ẩm thực:

“Khổng Tử hiểu rõ thiên tính của con người, cho nên chỉ kể có hai thị dục lớn nhất là danh dưỡng và sinh dục, tức như nói nôm na thì là ăn uống và trai gái. Nhiều người đã khắc chế được sắc dục nhưng chưa có vị thánh nào khắc chế được ẩm thực quá bốn năm giờ liền. Cứ cách ít giờ thì trong óc ta nhất định nổi lên điệp khúc bất biến này: Bao giờ ăn đây?” (Sống đẹp, trang 47).

Vài trang sau ông viết tiếp:

“Muốn chiếm được lòng của người đàn ông thì nên theo con đường từ bao tử của họ. Khi nhục thể được thoả mãn rồi thì tinh thần bình tĩnh, khoan khoái hơn và người ta hoá ra đa tình, đa cảm hơn. Các bà thường phàn nàn rằng các đấng phu quân ít khi để ý đến những chiếc áo mới, giày mới hoặc kiểu tô lông mày mới của mình. Nhưng có bao giờ các bà phàn nàn rằng các ông không để ý đến món bíp-tếch ngon hoặc món trứng tráng ngon không? Lòng ái quốc là gì, nếu không phải là lòng yêu những món ngon mà mình được ăn hồi nhỏ” (Sống đẹp, trang 49).

Và trở về với kinh nghiệm của mình, ông viết:

“Mười năm trước tôi đã thử hoạt động chính trị, nhưng chỉ bốn tháng rồi tôi phải bỏ vì tự nhận ra ngay rằng mình không phải là hạng ăn thịt, mặc dầu vẫn thích món bíp-tếch. Đặc tính của loài ăn thịt là thích chiến đấu, mưu mô, lừa gạt, thao túng, đẩy lui kẻ thù; họ làm những việc đó một cách hào hứng, khéo léo, nhưng tôi thú thực rằng không tán thưởng thủ đoạn đó một chút nào cả.” (Sống đẹp, trang 53).

Trong những nhà viết tạp văn thì Võ Phiến gần gũi nhất với Lâm Ngữ Đường. Cả hai đều hóm hỉnh, đều chống cộng mà lại rất duy vật. Lấy tiếp ví dụ bài Chửi vì bài này tổng hợp tất cả thiên tài Võ Phiến trong sự luận. Trong bài Chửi, lập luận chia ra làm ba hồi, theo một chiến thuật rõ ràng:

1- Hồi một : so sánh và phân biệt hai tình huống khác nhau, giữa chửi và cãi :

“Chửi là một cách xung đột bằng lời. Và chỉ bằng lời thôi, chứ không phải bằng những lý luận do lời nói phô diễn ra. Do đó, chửi nhau khác với cãi nhau.

Hai kẻ cãi cọ cố thắng địch bằng lý lẽ. Dĩ nhiên khi đôi bên đã to tiếng, mặt mày đã sưng sỉa lên, thì giá trị luận lý của những câu cãi thường không xuất sắc. Lúc bấy giờ ở mỗi người chỉ có tình cảm sôi sục hoành hành, chứ lý trí không còn sáng suốt bình tĩnh để đi sâu vào những suy luận tinh tế nữa. Dù sao, nội dung một cuộc cãi nhau cũng là lý luận; kẻ thua cuộc là kẻ “bí”. Để khỏi bí, người cãi phải lắng nghe, theo dõi lời lẽ của đối phương, hầu tìm cách bắt bẻ.

Chửi nhau thì trái lại, không cần nghe gì ở đối phương cả. Cơ sự đã bùng nổ, mạnh bên nào nấy chửi, lấy hơn. Kết thúc cuộc chửi lộn không ai thua vì bí. Thua ở đây có nghĩa hoặc là không đủ hơi sức để tiếp tục nên phải ngừng lời trước, hoặc là phải lãnh những lời nặng của đối phương mà vốn liếng hiểu biết của mình ít oi không cho phép trả lại những đòn nặng tương đương.”

Sau khi đã phân biệt rõ ràng chửi và cãi khác nhau như thế nào. Kết luận của hồi một: cãi thiên về lý và chửi là thiên về đánh.

2- Hồi hai: mô tả nội dung và thực chất của tác động chửi:

“Như thế, một trận chửi lộn giống như một trận đánh lộn. Một đằng vung tay vung chân vung cây vung gậy đập loạn xạ xuống kẻ thù; một đằng đập loạn xạ bằng lời. Đồ nọ, đồ kia, quân súc sinh… Đó là những đòn quất xuống, mong cho kẻ địch bị đau, không mong kẻ địch phải bí. Việc thiết yếu trong trận chiến này là đánh thật mạnh và làm thế nào để chịu đựng nổi những cú đánh của đối phương. Đánh được mạnh hay không là tùy cái vốn kiến thức chuyên môn của kẻ chửi. Để chịu đòn người ta cố gắng để khỏi phải nghe tiếng nói kẻ thù: hoặc bịt tai lại, hoặc chửi to và liền hơi để lấp lóng. Trong trường hợp không chửi lại người ta làm bộ phớt tỉnh, làm lơ, tỏ vẻ như không hề nghe thấy tiếng chửi của đối phương, như những tiếng đó không ăn nhằm gì, không đụng chạm và làm tổn thương mình chút nào.

Phương thức tấn công cũng như phương thức phòng vệ của chửi lộn cho thấy nó gần với chiến tranh, mặc dù phương tiện của chửi lộn là lời nói vốn có công dụng giúp cho hiểu nhau (…)

Hồi hai phô bày tất cả những ưu điểm và nhược điểm của sự chửi.

3- Hồi ba : đào sâu vào tâm lý của hành động chửi.

Khi chửi, tình cảm trong lòng là thứ tình cảm ngùn ngụt của lúc lâm trận, tư thế bên ngoài là tư thế hầm hầm của chiến đấu, dự tính của hành động là những dự tính cực đoan ác liệt; tuy vậy rốt cuộc bạo động thực sự không xẩy ra, tổn thương cụ thể không hề có.

Bảo chửi là hành hung thì quá đáng: kẻ chửi chưa có hành động hung dữ. Nhưng bảo chửi chỉ là ước muốn điều dữ cho kẻ khác thì lại không đủ: kẻ chửi đã đi quá sự ước muốn suông. (…)

Bởi không ra tay làm được những điều mình mong muốn cho nên người chửi thường ước mong quá trớn. Trong một trận chửi, có thể nghe kê khai liên tiếp các việc, nào là bắt kẻ địch ăn cái này cái kia, nào là nhét cái này cái kia vào mồm kẻ địch… Giá có thể xông tới thực hiện lấy một chuyện thôi trong bấy nhiêu chuyện thì đã đủ hả giận rồi. Chính vì không làm một chuyện nào cả nên mới ao ước nhiều đến thế.

Một phần vì không phải đánh nhau bằng chân tay gậy gộc, không nhằm một cái đích xác thịt cụ thể; mà đánh nhau bằng lời nên được tha hồ vung vít vào những mục tiêu rộng lớn. Một phần khác, vì đánh bằng lời, bằng tưởng tượng, không thoả mãn được ước muốn, nên người chửi có khuynh hướng đi quá xa: sau khi dày xéo đối thủ, hắn còn xâm phạm tới tất cả những gì là quý trọng thân yêu nhất của đối thủ. Việc đụng chạm tới mồ mả, tổ tiên kẻ thù, có lẽ là do đó” (Chửi, Tùy bút 1, trang 90-93-94).

Như vậy bài chửi của Võ Phiến là rất công phu, bài bản, có nhập có xuất, chứ không phải là sự tình cờ, hú họa, tào lao; một thứ chửi chính luận, nghiêm trọng, có tính toán, có tiến thoái, có tâm lý, có phân tích, nói nôm na là chửi theo lối Bắc.

Một thứ chửi như vậy đòi hỏi ở độc giả một thái độ nghiêm chỉnh: Nếu đọc nó mà bạn muốn cười thì nụ cười ở đây cũng phải là chín chắn, bài bản, chính luận, nghiã là không được xô bồ lộ liễu, cười hô hố như khi nghe một người pha trò, mà là cái cười thầm, cười tủm tỉm, cười nụ, cười quay vào trong, một lúc mới cười, sau khi đã nghiền ngẫm, nói chung là cười… bác học, có đường lối, có suy nghĩ.

Một sự cười bình tĩnh như vậy đòi hỏi những phân tích sâu xa hơn: Nụ cười ở đây, phát sinh từ một sự tréo cẳng ngỗng toàn diện : tức là sự kiện thô tục nhất trong ngôn ngữ là chửi được mô tả bằng những lời lịch sự, sang trọng, trí giả, hàn lâm, lập luận đầy triết lý với những ngôn từ khoa học, chính xác, đại loại như: lý luận xuất sắc, tình cảm sôi sục, khuynh hướng đi quá xa, dự tính của hành động, vốn kiến thức chuyên môn, suy luận tinh tế, lý trí sáng suốt, v.v… Tóm lại, sự chửi và sự đánh đã được nâng lên hàng ngũ đối tác ở tầm cao nhất, hữu nghị nhất, đồng thời cũng được trình bày một cách nghiêm chỉnh nhất. Sự chửi được xếp ngang hàng với sự đánh, trở thành hai mục tiêu cao cả của đời sống. Tác giả dùng những phương pháp luận như khoa học so sánh để lý giải sự khác biệt giữa hai yếu tố phân lập: một bên là chửi thề, một bên là đánh lộn, được nâng cấp thành chửi đổng và chiến tranh. Một bên là bạo mồm, một bên là bạo lực, mỗi bên đều biểu dương cá tính dân tộc với niềm tự hào muôn thủa.

Cá tính dân tộc trổ lên trong những bức tự hoạ như thế, sau cái cười, là sự cay đắng, bi quan tuyệt đỉnh về con người qua ngôn ngữ.

Trong truyện, văn Võ Phiến trung hoà, neutre, giữ khoảng cách với những cảnh huống mô tả, ông không kéo độc giả về phe mình. Tuy đưa ra những nhân vật bi đát như anh Bốn Thôi, ông tú Từ Lâm, như ông Ba Thê Đồng Thời, như Hữu, nhưng Võ Phiến không hề bắt ta phải nhỏ lệ. Nếu độc giả có dư nước mắt thì đó là những giọt nước mắt chẩy vào trong, những giọt lệ không rơi ngoài tim mình như lời thơ Thanh Tâm Tuyền. Sự rơi vào trong ấy nhiều khi đau đớn hơn những giọt lệ ngoài Tương Phố.

Nếu trong truyện Võ Phiến, tính chất bi đát là vị cay cuối cùng còn đọng lại, thì trong tạp văn Võ Phiến, cái cười là dư vị. Và đằng sau cái cười, nếu độc giả còn muốn đi thêm bước nữa, mới thấy cái bi đát ẩn trong lòng giọt lệ cuối cùng.

Paris tháng 5/ 2008 – tháng 11/2008

Thụy Khuê

Read Full Post »

Cửa Khách Thử

Gọi là Cách Thử, Cửa Thử, Kẻ Thử hay Khách Thử là tùy từng người với cách giải thích hơi lung linh biến động một chút. Có sao đâu, điều này chỉ khoác lên sắc áo nhiều mầu cho một cơ thể đất đai cổ tích, một trong những địa danh vào loại xưa nhất trong lịch sử văn hóa người Việt Đàng Trong.

images94158_chutieu1Chú tiểu chùa Ông Núi dẫn đường. (Ảnh: Hoàng Tuấn)

(more…)

Read Full Post »

Nguyễn Thái Dương


Mười năm trời hít thở với thi ca
Chưa viết nổi cho cha dòng lục bát
Dù biết vậy nhưng cách gì khác được
Câu thơ con đuối sức đến dường nào!
.
Con ở thị thành, còn cha ở non cao
Nỗi ray rứt se vào đôi mắt ngó
Đưa tay với trên thượng tầng cư xá
Một chòm mây bạc trắng cuối trời xa

Ơi chòm mây trong điển cố thi ca
Người xưa đứng chỉ tay vào thương nhớ:
Đấy là nơi cha ta đang ở
Còn bây giờ, con ngước mặt nhìn thôi!
.
Đôi mắt con bất lực mất rồi
Đưa hai tiếng cha ơi vào lục bát
Ôi hai tiếng kêu lên thì dễ thật
Mà viết ra, cứ ngượng nghịu thế nào
.
Con ở thị thành, còn cha ở non cao
Kẻ cầm bút; người cầm cày, cầm cuốc
Cha thì tự hào nhà có phúc
Mà sao con xấu hổ quá cha ơi!
.
Nâng chén cơm lên, đã thấy bóng cha rồi
Cái hình bóng bên nương còm cõi ấy
Mười năm trời, ngòi bút con run rẩy
Viết về cha, là bị gãy giữa chừng
.
Cứ mỗi chiều, nhìn mây trắng bâng khuâng
Đưa tay với, chẳng cách gì với nổi
Cha là bầu trời thơ; thơ con là hạt bụi
Con lẫn vào cha từ bé đến muôn đời…

1984

Read Full Post »

Tiếng địa phương là tiếng nói chỉ phổ thông ở một địa phương, thường là một tỉnh, tuy nhiên cũng có nhiều tiếng chỉ dùng ở một vùng nhỏ và dĩ nhiên chỉ có người địa phương đó mới hiểu, mới áp dụng hàng ngày. Và đối với họ, đó là nét riêng rất thân thương. Ở tỉnh ta có khá nhiều tiếng địa phương, tượng trưng nhất là hai tiếng “nẫu” và “bậu”.Các địa phương khác thường gọi người Bình Định là dân “xứ nẫu”, vì từ “nẫu” là một đặc trưng trong ngôn từ của người Bình Định. Có một lần tôi vào TP Hồ Chí Minh, đến chợ Bến Thành mua một xấp vải. Trong khi tiếp xúc, trả giá, qua ngôn ngữ, chủ sạp hàng là một phụ nữ đứng tuổi đã nhận ngay ra tôi là người đồng hương Bình Định, nên từ việc mua bán lại biến thành cuộc thăm hỏi. Người bán hàng xởi lởi, mời mọc trò chuyện, hỏi thăm chuyện “ngoài mình”. Chị say sưa giới thiệu mình cũng là người “xứ nẫu”, hiện giờ ở đâu làm ăn ra sao. Có lẽ cái sung sướng, vui vẻ của kẻ “ở xa gặp người quen” như lời thơ cổ “Tha hương ngộ cố tri” nên chị đã thoải mái trao đổi với tôi bằng ngôn ngữ địa phương Bình Định, như: “chàu rày ở ngoài mình thế nào?”, “làm ăn chắc cũng tày người ta !”, “nẫu làm ăn có đặng không?”…Ngoài người Bình Định, tiếng “nẫu” còn được dùng tại vài nơi ở tỉnh Phú Yên. Ngược dòng thời gian, từ khi nhà Lê mở rộng bờ cõi về phương Nam thì Bình Định và Phú Yên thời ấy cùng một trấn. Thế nhưng, cùng nguồn gốc từ miền Bắc di cư vào nhưng tại sao tiếng “nẫu” và một số tiếng địa phương khác chỉ có ở Bình Định mà không có ở các địa phương khác? Lật lại những trang từ điển cũ của các tác giả Trương Vĩnh Ký và Thanh Nghị xuất bản trước năm 1945, thì chỉ có chữ “Nậu” và chữ “Bậu” chứ không có chữ “Nẫu”.Theo đó, nậu (dt xưa): bọn; tụi; người khác – của nậu chứ không phải của mình; – Đầu nậu: chef de bande.Một lối giải thích khác cũng có lý: Người miền Bắc phát âm dấu nặng (.) thì người Bình Định lại nghe thành âm dấu ngã (~). Có lẽ vì thế mà từ “nậu” thành “nẫu” chăng!Câu ca dao phổ biến là:Ai về nhắn với nậu nguồn Măng le gởi xuống,cá chuồn gởi lên.Tiếng “nậu” nghe cũng khá thân thương, lại vừa có âm điệu trong câu, ai về nhắn với “nậu nguồn” – nghe êm hơn là “nẫu nguồn”. Còn có cách lý giải khác là: cảnh vật và nước uống có ảnh hưởng nhiều trong giọng nói, nên việc lẫn lộn giữa dấu ngã và dấu nặng là lẽ thường.Trong thơ ca Bình Định, chúng ta vẫn thường gặp tiếng “nẫu”. Dù là người di cư hay người chính gốc địa phương thì tình yêu luôn đến với họ:Thương chi cho uổng công tình Nẫu về xứ nẫu, bỏ mình bơ vơ.Hoặc:Ghe hư còn để dấu dầm Nẫu đi đâu vắng dấu nằm còn đây.Từ “nẫu” trong Vè Thủy trình của lái ghe bầu cũng là một ví dụ:“…Giáp đầm Thị Nại, hãy còn sử xanhVô chợ ăn bún song thầnHỏi mua nón ngựa để dành về quêThiếu gì hải vị sơn khêVào nam ra bắc ê hề ngựa xeNói chơi sợ nẫu cười chêCó say đất khách mới mê nết người…”.Bài vè khá dài nhưng có đầm Thị Nại, bún song thần (song thằn) và nhất là câu: “Nói chơi sợ nẫu cười chê” cũng đủ xác định bài này có xuất xứ từ người Bình Định.Chữ “nẫu” còn đi vào trong thơ mới:Nẫu và tuiChắc gì lìa tử đã mau nguôiMột độ lìa sanh cũng ngậm ngùiMuối mặn, nẫu còn chiêm chiếp thíchGừng cay tui ngỡ hít hà vuiNẫu hờn nẫu giận tui xin nẫuTui dỗi tui buồn nẫu bỏ tuiXa nẫu ngày rày tui bị hạnDuyên xưa không có rặc tình xui.(Hà Giao)Bài thơ rất rõ nét “xứ nẫu”.Đứng về mặt ngữ pháp, “nẫu” là đại danh từ, ngôi thứ ba, tương đương với chữ “nó”, “họ”, “người ấy”,…Còn với chữ “Bậu”, theo từ điển cũ của hai tác giả kể trên thì: Bậu (dt xưa): tiếng thân kêu vợ mình – Bậu nói với anh, không bẻ lựu hái đào/ Lựu đâu bậu bạc, đào nào bậu cầm tay. (Ca dao)Tiếng “Bậu” cũng là đại danh từ, ngôi thứ hai, tương đương với anh, em – tiếng “Bậu” nghe thân thương, tình tứ hơn:Tai nghe em bậu lấy chồngBất tỉnh nhơn sự, dậm chân kêu trời.Có nỗi buồn nào hơn khi được tin người yêu đi lấy chồng! Buồn đến bất tỉnh nhơn sự! Phải chăng là ngã xỉu, hay chết đứng như Từ Hải. Ngược lại, khi em bậu từ chối lời cầu hôn của kẻ khác thì:Tai nghe em bậu chồng hồi Cũng tày anh ních một bầu rượu ngon.Tâm sự của chàng giờ đây lại khác hẳn, lại sung sướng như một cuộc rượu say túy lúy đầy hạnh phúc.Trong tình yêu, dù là người giàu hay người nghèo, quê hay tỉnh, trí thức hay bình dân đều có tâm trạng giống nhau. Khi yêu thường nhớ nhung:Tai nghe gà gáy ó oLòng thương em bậu ốm o gầy mòn.Thương yêu, nhớ nhung đến gầy ốm xác ve thì có lẽ đích thị là bệnh tương tư rồi. Còn khi đã yêu nhau mà phụ nhau thì:Bậu ra cho khỏi tay taCái thân bậu nát cái da bậu mòn.“Thương nhau lắm, cắn nhau đau” là vậy. Yêu nhau mà hai người hai ngả thì: Xa xôi chưa kịp nói năngTừ qua đến bậu như trăng xế chiềuTrăng tàn, tình tan – nhưng người trai còn nhắc:Trâm vàng giắt chặt còn rơiHuống chi em bậu ở đời làm sao?Tiếng địa phương Bình Định còn khá nhiều, đặc biệt, chúng đã đi vào thơ ca dân gian, tạo một sắc thái riêng cho tiếng địa phương Bình Định. Xin nêu vài ví dụ:Chàu rày không gặp đặng anhTrăm hoa cũng héo mấy nhành cũng khô.Hoặc:Tai nghe em bậu chồng hồiCũng tày anh ních một bầu rượu ngon.Những chữ “chàu rày”, “đặng”, “bậu”, “tày”, “ních” và nhiều tiếng khác nữa mang sắc thái Bình Định rất rõ. Ôi nẫu ơi, bậu ơi – thương lắm!

và chú bé mua chậu kiểng để trồng hoa ngày tết

Bài Lê Phúc Liêm Ảnh Hoàng Tuấn

Read Full Post »

Buổi chiều còn đọng những giọt nắng vàng trên những cành cây gòn cao lêu nghêu, xương xẩu, cành cây chìa ra cứng nhắc giữa vòm trời sẫm tối trông giống như cánh tay dang rộng, bất động, vạch nét đen đậm im lìm. Chỗ Nhật đứng cỏ cây đã nhuốm hẳn bóng tối chập choạng đìu hiu giữa bụi bờ lau lách hoang dại phủ ngập. Trước mặt Nhật là những soi bắp đã mọc cao, những đám bông vải đã khô nứt vỏ bông trắng trông điểm rõ trong khoảng tối âm u. Vượt lên trên những thân bắp, đám bông vải đã nở, những chiếc cột xi măng cốt sắt của khu chợ cách khoảng đều đặn đen đúa, rêu mốc. Nhật đếm thấy có mấy dãy cột đã bị đào xới để dễ trồng trọt, có mấy cột bị mòn gãy cong quập xuống một cách ảo não, phiền muộn. Thường ngày, buổi chiều, những buổi chiều mênh mông vắng lặng giữa cỏ cây hoang tịch, Nhật đứng nhìn mấy chiếc cột chợ đã bị phá hoại, mấy soi bắp cao dần, và những đám bông vải nở khô bông trắng; thấy lòng trống trải, bình thản hết sức. Trống trải như bầu trời, và yên lặng như cây cỏ. Trong những phút quay về đắm hồn trong từng ngõ ngách bụi bờ tịch mịch, Nhật cạnh nhớ tới đời sống mình bấy lâu: ngơ ngác và ảo não quá. Chính những buổi chiều ra đứng giữa bãi cỏ trước nhà, nhìn ngó mông lung ở mấy soi bắp, đám bông vải, hàng gòn, cột chợ, lau lách, bầu trời ; Nhật mới cảm nhận được hết nỗi lẻ loi, lạc lõng của mình trong gần một năm nay. Một năm đầy tai biến, đổi thay, lận đận, bơ phờ.. Và, cũng trong những buổi chiều như vậy, Nhật đã khóc cho mẹ anh, cho dì anh, cho những đứa em khốn khó thơ dại như một bầy thỏ bạch. Người mẹ dáng cao, nụ cười đen láy , hàm răng nhuộm đều, tóc bới, áo vải nâu thâm, cuống quít bên đàn con nheo nhóc như một con gà tình nghĩa vừa kiếm mồi cho bầy con, vừa nơm nớp lo sợ đàn diều, đàn quạ. Còn bà dì, gần nửa đời người góa bụa không có một mụn con lây lất trôi dạt tới bên mẹ Nhật như một cùng đường, một bến cuối cho đời sống dừng lại. Bà đã mãn nguyyện yên thân bên gia đình Nhật để cúi xuống với bao nỗi nhọc nhằn mong đắp đổi chút êm ấm an vui của một túp lều còn hồng ánh lửa, còn vọng tiếng cười. Từ ngày có dì tới, Nhật thấy thương xót mẹ hơn qua dáng dấp hao gầy, buồn thảm của người dì rất đổi giống mẹ: dáng cao, răng đen, tóc bới, áo vải thô nâu. Hai chị em đã gặp lại nhau sau mấy năm biền biệt chỉ để nhìn rõ sự lạc lõng, cô quạnh, âu sầu. Mẹ có bao giờ ngờ rằng có ngày mẹ sẽ gặp lại dì với bao đau xót đó không? Ngày rời gia đình theo chồng của ai cũng huy hoàng, phấn khởi bên muôn ngàn câu chúc tụng, giữa những giấc mộng êm đềm, nhưng ngày cuối của đời người có mấy ai còn giữ được nụ cười thưở trước?

Dì Nhật. thì mới nửa đời người, đã héo hắt, khổ lụy; còn mẹ Nhật thì đôi mắt đã mờ dần sau bao mong ngóng xa vời nơi rừng sâu núi thẳm. Bây giờ, mẹ , dì, những đứa em; tất cả đã im ngủ, đã bỏ đi, đã xa mờ như núi rừng. Nụ cười lấp lánh hàm răng đen, mớ tóc bới cao, tấm áo vải xi ta nâu cờn rách nghèo khó đã mất. Đã lặng chìm đâu đó trong những bờ bụi, hào rạch, bóng đêm. Tất cả nay đã thành mây bay mỗi sớm, gió thổi mỗi chiều, trăng sáng mỗi đêm. Và Nhật bỗng thấy đời mình còn lại chỉ biết thiết tha, chìm đắm với gió, mây, trăng, và cây cỏ nồng nàn.
Nhật ngồi xuống bãi cỏ tươi mượt, mát rượi. Con đường dẫn lên ga trơ trọi những hòn sỏi trắng cạnh những cây lá hoang sơ lan tràn, lấn át, phủ lấp. Có dôi chỗ những nhánh cây mọc dài ra, ngăn giữa đường. Những dây leo nhãn lồng bò ngoằn ngoèo trổ bông tím trái vàng che khuất lớp đá sỏi giữa lộ ở xa trông như một lớp cỏ xanh. Con đường này, chính trên con đường hoang vu cô tịch này, Nhật đã mỗi chiều đi qua, lặng lẽ, thơ thẩn, dàu dàu như sắc lá hoàng hôn. Như nắng vàng tàn tạ. Nhật đã đi hết con đường lau lách qua khỏi nghĩa địa trập trùng, để đến ngồi trên thềm sân ga vắng tanh nhìn hút mắt con đường sắt hoen rỉ hai chiều mà ước mơ tưởng nghĩ tới những giấc mộng hoang đường có một chuyến tàu ghé bến chở anh trong một toa tàu rộn ràng tiếng cười đi mất vào một bến bờ nào đó không có bên cuộc sống. Nhưng ga vẫn vắng bặt, chuyến tàu mơ mộng không nghe kéo còi, con đường sắt hoen rỉ trơ vơ chìm dần vào bóng tối mịt mù; lúc đó Nhật mới đứng dậy, chậm chạp, thơ thẩn quay trở lại nghĩa địa, qua con đường mập mờ cây cỏ, về nhà.
Có một buổi chiều từ ga trở về, Nhật không theo lối cũ để qua nghĩa địa, và con đường vắng vẻ kia. Anh đi vòng xuống cửa Tây để vào Thành. Có lẽ Nhật không muốn phải đi mãi trên ngõ đường buồn bã, ghê rợn nọ: Anh sợ những nấm mộ bỏ hoang đất bày dấu đạn, và những nhánh cây tua tủa vướng mắc gót chân như có bàn tay nào vô tình giữ lại. Cửa Tây: con đường dẫn vào thành Đồ Bàn, thành nội, vùng đất mênh mông, dãy gòn lớp lớp kết trái dày đặc, hoa trắng nở đầy, gió lùa mênh mang, dấu tích rực rỡ một thời Chiêm Vương, Chiêm nương ẩn hiện. Giữa cõi bao la của đất trời, những bông gòn trắng rơi nhẹ, bay bay, lãng đãng như những chùm hoa mong manh, từ tay những Chiêm nương trên cổng thành thả xuống. Gió âm thầm đưa những cụm bông gòn, thổi dạt dào mùi hương những bông hoa dại kết tụ của bầu trời đầy hoa trái hiền dịu, cách biệt. Vào trong thành, Nhật ngỡ như mình đi lạc vào một chốn nào êm ái, thơ mộng, bình yên quá. Cỏ cây hoa trái một màu tươi tốt nguyên vẹn không hề có bàn tay người lay động. Màu xanh ngút trong tầm mắt. Xa xa, những chiếc cổng đồ sộ, loang lỗ, rêu mốc sừng sững cô độc với năm tháng mịt mờ, dâu bể. Nhật đi lan man giữa cõi yên lành khôn cùng đó với ý nghĩ rằng mình đã trở về, sống lại thuở đời hoang dã, lạnh lùng, đơn độc của mấy nghìn năm trước.
Một trái gòn khô rơi phía trước mặt Nhật, anh cúi xuống nhặt: trái gòn đã nức hẳn vỏ, lớp bông trắng đã bay đi gần hết. Nhật nghĩ, có lẽ đã quá ngày hái gòn rồi. Bấy năm, những trái gòn được hái đúng ngày nhưng gần hai năm nay, những trái gòn đã bị bỏ quên bởi những trận oanh tạc và càn quét của Pháp mỗi ngày một tiến sâu vào những làng cách xa bờ biển. Tới lúc nhà cửa, ruộng vườn còn bỏ lại, thì những trái gòn có đáng gì để cho người ta tiếc nghĩ đến đâu? Vậy mà những năm trước, ít ai được quyền nhặt, hái những trái gòn này cả. Họ có bao giờ nghĩ tới lúc những trái gòn bị gió cuốn bay đi gần hết, và rụng rải rác giữa đất cát bụi bờ hoang vắng này, mà đừng cãi cọ, tranh giành ồn ào ? Thói thường vẫn vậy, người ta thường bị lôi cuốn bởi những đòi hỏi lợi lộc trước mắt mà hiếm khi chịu nghĩ xa hơn một tí. Chỉ một hai năm thôi, những trái gòn này đã là một thứ bị bỏ quên, không cần thiết nữa.
Nhật bỗng nhận ra bóng một người thấp thoáng, ẩn hiện sau những thân gòn, những bụi cây cạnh ngôi chùa cổ đã sập đổ. Anh bước dần về hướng đó: một người lạ nào đã lẩn quẩn trong thành? Từ sau những bận khu phố bị bỏ bom lửa, bị oanh tạc ngày đêm, anh chưa hề gặp bóng người nào lui tới trong thành: Người nấn ná ở đây đã bỏ theo đoàn người tản cư lên sâu những miệt núi. Ngay ở xóm Nhật, sự còn lại của anh và một vài gia đình lẻ tẻ, khốn khó, là một nỗi tuyệt vọng, liều lĩnh, thí mạng với bom và đạn. Ở trong thành, vốn ít người, tất cả đã gồng gánh, dắt díu nhau ra đi từ mờ mờ sáng, sau buổi chiều, cả xóm bị dội bom, đốt cháy gần trọn nhà cửa. Nhật vạch từng lùm cây, bụi cỏ, dõi mắt tìm sau những hàng gòn sù sì, to lớn. Bóng người vượt thoăn thoắt qua những thân gòn, người lom khom, bé nhỏ. Nhật bỗng reo lên : Ê, nhỏ, thằng nhỏ… Thằng nhỏ nghe tiếng gọi vang dội đứng khựng lại, ngơ ngác, láo liêng, chợt nhìn thấy Nhật, nó mỉm cười. Nó cúi xuống nhặt những trái gòn dưới chân, chờ đợi.
Nhật cười với thằng bé :
-Nhặt được nhiều không em?
Thằng nhỏ ngửng đầu cười lộ hai chiếc răng gãy :
-Nhiều, nhiều lắm à …
-Em nhặt về làm gì mà nhặt nhiều vậy ?
-Chị Cơ sai em đi nhặt gòn, chị ấy nói nhiều chừng nào giỏi chừng đó mà.
Nhật ngó nét mặt thơ ngây nhưng đã sạm đen màu kham khổ của thằng bé, thấy nó dễ thương lạ lùng. Nhất là đôi mắt của thằng nhỏ: Đôi mắt mở to, tròn, đen láy dưới hàng lông mi dài. Mái tóc hớt carê lởm chởm không ngay ngắn. Nó mặc một chiếc áo đen, nhiều lỗ vá, kỹ lưỡng, và một cái quần cụt trắng đã ngã màu đất. Nhìn những mảnh vải vá cẩn thận chằn chịt, Nhật biết chắc nó cũng được cưng chìu, lo lắng nhiều. Những tấm áo quần rách được chằm vá lại cũng là một điều hiếm hoi với những đứa nhỏ. Nhật xoa vào đầu thằng nhỏ, cười lớn :
-À, chị Cơ, bây giờ chị Cơ đâu rồi ?
Thằng bé ngước lên nhìn Nhật kỹ hơn, giọng ngạc nhiên :
-Bộ anh quen chị Cơ tui hả ? Chị Cơ ở nhà chớ đâu ở đây mà hỏi ?
Nhật vẫn giữ giọng nói trong tiếng cười cợt cũ :
-Quen , quen chứ . Mà nhà em ở đâu, xa không?
Thắng nhỏ xoay người lại, đưa tay chỉ?
-Đó, nhà tui ở trong cổng thành kia kìa…
Nhà tui ở trong cổng thành kia kìa: À, thì ra căn nhà của thằng nhỏ, của người con gái tên Cơ nào đó chui đục ở trong một cổng thành. Cái cổng thành đồ sộ trăm nghìn lớp đá vững chắc nọ làm một nơi trú ẩn kiên cố dưới những làn đạn oanh tạc của những đoàn máy bay Pháp thì thật là tuyệt. Căn nhà, chiếc cổng thành Đông cỏ mọc um tùm bốn phía, sớm chiều chim sáo dập dìu làm tổ trên nóc, là nơi dừng lại của gia đình thằng nhỏ từ một vùng biển gió cát khốn đốn nghèo xơ. Nhật đã không ngờ, một miền đất mà người vừa hãi hùng rời bỏ lại là vùng đất yên lành, là cõi sống cho gia đình người con gái có cái tên rất nên thơ: Mỵ Cơ, Huỳnh Thị Mỵ Cơ.
Nhật đi theo những bước chân của thằng nhỏ trở lại “căn nhà”, chiếc cổng thành trơ trọi trống trải, như đi theo sự dẫn dắt tình cờ rộn rã. Từ giữa con đường bưng bít những cây ổ tàu, vú dẻ, hoa dại, Nhật đã trông thấy Mỵ Cơ – người chị nhu hiền, e lệ. Trông thấy chị, thằng nhỏ chạy tới, trên vai mang nặng bao gòn đã nhặt được. Nhật giữ từng bước đi chậm, thực chậm, cốt ý để cho thằng nhỏ trả lời nỗi ngạc nhiên của người chị bé nhỏ kia.
Thấy Nhật tới gần, Cơ nói :
-Anh cũng ở trong thành ?
Nhật nhìn thằng nhỏ, cười :
-Tôi là chủ thành mà. Hồi nãy tôi đã nói chuyện với chú em rồi.
Cơ cười theo Nhật. Tôi chủ thành mà, chắc nàng cũng cảm thấy yên vui khi biết được, trong khu thành mênh mông cây cỏ này, còn có những người lưu lạc, lang thang, bơ vơ như nàng. Sự khổ cực lạc loài bao giờ cũng dễ đem lại nỗi gần gũi tha thiết cho hai cảnh ngộ cùng số phận. Một thoáng, tự dưng Nhật nhìn người con gái với ánh mắt khác lạ: Anh coi nàng như một đứa em tội nghiệp cần được cưng chiều, cần được vỗ về, an ủi. Những đứa em gái của anh nếu còn sống, cũng bằng tuổi nàng.
Thằng nhỏ bỏ đi vào phía trong cổng thành với bao gòn khô. Bóng nó mất hút, im lìm sau những bụi cây phía trước cổng. Trông nó rất giống một con thỏ chui vào hang. Nó là một con thỏ con. Trong hang đó còn những thỏ mẹ, thỏ chị nữa. Con thỏ chị đang rụt rè, bỡ ngỡ trước mặt anh đây. Con thỏ có đôi mắt to, tròn, đen lấp lánh. Có đôi má hồng, có mớ tóc mượt, có nốt ruồi nhỏ dưới khóe môi tươi. Nhìn suốt từ tóc tới chân Cơ một lượt, Nhật hỏi:
-Bác đi đâu rồi ?
Cơ ngước đầu lên, cười má lúm đồng tiền :
-Má đi qua bên kia sông…
Một buổi tối trăng lên thực sớm, thực trong, thực lạnh, Nhật nghĩ tới Cơ và chiếc cổng thành hoang vu giữa cỏ cây u tịch. Nhớ tới Cơ như nhớ đến hình ảnh êm dịu cuối cùng còn lại giữa lớp lớp lau lách phiền muộn. Trong nỗi cô độc mỏi mòn lòng người dễ yếu mềm xúc động. Nhật nhận thấy, bóng dáng Cơ khó lãng quên được trong giòng nhớ tưởng vu vơ mỗi chiều. Những giây phút êm ả hiếm hoi với nàng trong chiếc cổng thành ấm cúng của khoảng đời bạc bẽo, trống không đã vô tình khắc đậm lên trí nhớ Nhật đến nỗi anh cứ ngỡ là đã cùng nàng trải qua ngàn ngày thênh thang thơ mộng. Huỳnh Thị Mỵ Cơ, con thỏ xinh xắn, người chị bé bỏng rụt rè, tấm thân lưu lạc, đứa con gái miền biển sôi động mịt mù gió cát, bây giờ đã là ánh lửa ấm áp nhất sưởi ấm anh nửa đời dong ruổi còn lại. Nàng như một nàng tiên giáng trần kịp lúc để cứu vớt Nhật ra khỏi nỗi thất vọng của những buổi chiều thơ thẩn trong con đường quấn quít cây lá, khu nghĩa địa lạnh lẽo, sân ga buồn tênh không còn nghe tiếng còi tàu nào vọng lại cho ước mơ được một lần nhìn thấy. Từ ngày gặp thằng nhỏ, có Cơ, Nhật đã thấy sợ hãi con đường bụi rậm hoang dại dẫn lên ga.
Trăng sáng vằng vặt trên cao soi rõ nỗi vắng lặng mênh mông của cây cỏ chung quanh. Những chiếc trụ cột của dãy chợ đằng xa trông lâu như những thân người dựng đứng, chờ đợi. Những nhánh gòn in rõ nét giữa khoảng trời bao la, nhuộm vàng ánh sáng, cũng lặng lẽ, đìu hiu quá. Nhật nhìn xuống con đường dẫn ra phố: Trong ánh trăng rộn rã trong vắt kia, anh không còn nhìn thấy một bóng dáng nào. Những gia đình nào ở lại chắc đã trở về với công việc quanh quẩn trong nhà, trước sân. Nhật quyết định: Phải vào thành.
Qua khỏi con đường nhỏ phủ nhập cỏ, anh đi vội vã giữa hai dãy phố hoang phế, âm thầm. Thỉnh thoảng. Nhật quay ngó lại những căn nhà quen đã đổ sập, cháy đen, rồi lại cắm cúi bước. Bước. Bước. Bước cho nhanh vào trong thành. Ở đây, chung quanh chẳng còn gì để nhìn ngó, trông đợi. Nhật bỗng nghe tiếng chân mình gấp gáp vội vàng, anh lại ngửng đầu nhìn ngó chung quanh: Những chiếc cột cháy đen, những bức vách ngã sập một nửa, vài căn nhà còn sót cửa đóng im ỉm, những đống gạch vụn lồ lộ, từng mảnh áo quần lay động, những tiếng chân chuột chạy lạt sạt, vài chú mèo lang thang; tất cả như đang nghe ngóng, dõi theo từng bước chân khua động của Nhật. Trăng vẫn sáng. Trăng vẫn lạnh. Trăng vẫn Bình yên. Nhật vừa bước, vừa ngước nhìn mảnh trăng tỏ trên đầu.
Tới cửa thành đầu tiên để dẫn vào thành nội, Nhật chợt dừng hẳn lại: Màu trăng ở trong thành có vẻ gì khác lạ với ánh trăng dưới phố. Trăng ở đây rực rỡ, êm ái hơn. Ánh sáng không nhuốm chút vàng vọt héo hắt như giữa hai dãy phố tan hoang, ảo não dưới kia. Trăng sáng ở trong thành một màu tươi thắm, bao la, dịu dàng đến ngây ngất. Nhật chui vào trong cổng thành, đi sâu vào thành nội. Anh đi nhìn bóng mình loáng thoáng bên bóng của những hàng gòn, nhánh gòn in rõ trên đường. Anh đi nhớ tới con thỏ dịu hiền, đưa con gái miền biển nước da đen chắc, người chị cam phận nhỏ nhoi, đôi mắt mở to tròn đen láy, nốt ruồi nhỏ điểm dưới khóe môi tươi. Hình ảnh Cơ như càng sáng rõ hơn trong nỗi tưởng nhớ của Nhật. Chừng như ánh trăng trong tươi thắm chung quanh đã giúp anh chắp nối, tìm kiếm thêm từng mảnh vụn nồng nàn thắm thiết về nàng.
Nhật nhận ra chị em Cơ đang ngồi trên tản đá phía trước cổng thành. Giữa màu xanh của cây cỏ bị nhuốm ánh trăng, tản đá nổi rõ màu trắng, và dáng Cơ trông lung linh, mơ hồ như một tấm tranh vẽ nhòe. Thấy được Nhật, Cơ lên tiếng hỏi sau chuỗi cười dòn dã :
-Anh Nhật, anh Nhật kia…Anh Nhật tới chơi à ?
Vâng, anh Nhật không tới chơi mà anh Nhật tới thăm Cơ vì nhớ quá. Anh Nhật tới vì nhớ, không phải vì đi chơi. Từ ngoài đó vào đến đây chơi ban đêm thực là một chuyện anh chưa làm trước đây bao giờ. Nhật đến ngồi trên tản đá, cạnh thằng Cương(thằng nhỏ, em Cơ). Cương ngồi sít vào chị, tay khác chống xuống tản đá, nhìn Nhật cười thẹn thuồng. Chắc thằng nhỏ cũng biết Nhật nhớ chị mình? Nó đã chẳng nằng nặc theo hỏi Nhật sao anh tới nhà em hoài vậy, anh Nhật, đó sao ? Nhật xoa tay lên đầu nó, thấy nó rất giống chị: Ưa cười rụt rè, hay cúi đầu phân vân. Nhật cầm cánh tay trần gầy ốm của nó:
-Má đâu rồi Cương ?
-Má ở trong nhà …
Cơ bỗng cười lớn :
-Em đã dạy nó cái cổng thành không phải là “nhà” mà cứ kêu “nhà” với cửa hoài …
Nhật nói:
-Thì trước đây là cổng thành, bây giờ là nhà không được sao? Gọi như Cương mà đúng, nơi mình trú ngụ, thì gọi là nhà được hết, lại hay nữa.
Cơ cười, xoay lại nhìn em:
-Anh bênh nó nữa mà…
Nhật rủ chị em Cơ đi bộ về ngã sông Trường Thi một lát cho mát, Cơ chịu liền. Cương lẵng lặng đi theo chị. Đi hết quảng đường ngắn đắp cao trên bờ thành, ba người rẽ xuống con hẻm nhỏ dẫn xuống một ngôi xóm nhỏ, bỏ hoang, cây cối mọc lan tràn hiu quạnh. Đi giữa những hàng tre dày lã ngọn, bóng trăng mơ hồ, gió dìu dặt lay động những cành tre nhỏ. Nhật nghe như mình đi vào cõi êm ái, riêng rẽ nào đó không dấu chân người. Không còn những ưu tư, xao động, đau xót. Cơ ngoan ngoãn rụt rè bên anh, trong bóng tối mờ nhạt của những bóng trăng loang lỗ, rất giống đứa em gái nặng lòng. Còn Cương, từ khi rời tản đá, rời cổng thành, nó lặng lẽ như một cái bóng âm thầm, tội nghiệp. Cơ bỗng nói, thường ngày mẹ qua đây để thăm một người thím ở mãi tận trong cái xóm gần núi, nàng ít khi được mẹ cho đi theo. Nàng không ngờ, ở mãi trong hóc núi kia, vẫn còn có người sống. Bám núi mà sống như thuở người du mục. Nhật bảo cái xóm này lúc xưa đông đảo người ở lắm, từ sau ngày bị bỏ bom, oanh tạc liên tiếp, họ bỏ trốn hết trơn. Xóm làng không có người ở, trông dễ sợ, và buồn bã quá. Cơ cười, anh cũng sợ nữa à ? Từ ngày về sống dưới cổng thành lẻ loi, hoang dã này, em không còn sợ hãi như bấy khi nữa. Hồi còn ở dưới quê, chỉ toàn thấy biển, cát, và hàng dương thôi. Đi tản cư lần hồi hết miền này tới miền khác, được thấy nhiều, phải sống cô độc giữa đồng, dưới chân núi, lâu rồi thấy quen hết. Nàng kể lại những cảnh đẹp ở quê nàng: Đó là một xóm miền biển. Từ nhà trông ra biển, một bãi cát rộng, một hàng dương dày, những chiếc thuyền buồm, những tấm lưới đen giăng mắc, đám dân đen đúa hiền hậu, những buổi sớm đi bộ ra bãi cát, thơ thẩn dưới hàng dương mà nhìn từng đợt sóng vỗ êm đềm, những chiều tà ngồi với mẹ và bạn bè đón trăng hóng gió dưới gốc dương cao vút, trên bãi cát trắng mịn, rủ Cương chạy đi đuổi còng bắt còng… Nàng kể lại một mạch tất cả những chuyện cũ từng hình ảnh chất chồng, nối tiếp khiến Nhật không nhớ rành mạch, thứ tự được. Anh chỉ nhớ được một điều : Giọng nàng kể thực tha thiết, triền miên. Qua giọng kể, những tiếng cười, những hình ảnh chắp vá, Nhật cũng hình dung được bóng dáng nàng nồng nàn ở một cái xóm kề biển nào đó rất thơ mộng. Anh bị xúc động và phấn khởi cũng bởi cái giọng nàng nhiều hơn là những kỷ niệm mơ hồ, êm ấm xa lơ nào đó. Thỉnh thoảng, qua ánh trăng chiếu xuyên những cành tre thưa, Nhật cố ý nhìn lâu trên nét mặt nàng . Đó là một khuôn mặt đầm ấm, dịu dàng.
Đứng bên này bờ sông nhìn bên kia bờ sông ánh trăng rực rỡ, bằn bặt, mênh mông trên một thảm cây lá màu xanh thẫm, nhung mượt. Rất xa, những túp nhà tranh thấp, lẩn khuất lờ mờ bên những bờ bụi, cây lá vươn cao. Dãy núi tận cuối xóm đen hẳn, như một con vật khổng lồ nằm im lìm, bao quanh cánh đồng, làng mạc. Cơ chợt kéo tay Nhật, chỉ xuống dòng nước lặng lờ, một lớp khói sương phủ kín mờ ảo, vương vắt. Dòng sông lạnh băng. Khói sương phủ nhẹ. Cạnh dòng sông nhuốm màu óng ánh của ánh trăng bạc, bãi cát nổi trắng ngần trông lâu như lớp vải mỏng căng đầy, rung rinh, chuyển động. Gió từ hướng sông thổi hắt hơi nước, mang nỗi vắng tanh của làng xóm hiu quạnh, đem hơi thở của trùng điệp cỏ cây tới, tự dung, cả hai người cùng muốn quay trở lại. Hai bàn tay đã nắm chặt trong nỗi cô độc nghìn trùng này.
Khi đưa Cương vào thành, Cơ vẫn còn thấy mẹ ngồi nhặt bông gòn ra khỏi vỏ dưới ánh đèn dầu dừa lù mù. Nàng hỏi sao mẹ không mang ra giữa sân, có ánh trăng, có mát hơn không. Bà ngước lên nhìn Cơ, ánh mắt sáng dưới ánh đèn đỏ, nụ cười nhẫn nại bao dung, nói ra ngoài lâu, mẹ bị lạnh. Ánh trăng trong, gió rộn rã, cỏ cây vắng vẻ quá, có thể sẽ làm mẹ bị lạnh. Một nỗi lạnh lùng được toát ra từ những nhớ tưởng sum vầy, đoàn viên cũ. Mẹ đã nghĩ gì từng đêm ngồi làm việc lặng lẽ bên ánh đen dầu lù mù, cô độc đó ? Nếu biết được hết những xót xa, ray rứt đã cam chịu trong lòng mẹ, chắc là nàng sẽ buồn lắm.
Cơ ngồi xuống bên cạnh mẹ, ngước nhìn bà, giọng cười trong vắt:
-Con đi chơi trong thành với anh Nhật một chút, nghe má ?
Bà dừng tay làm, quay lại nhìn Nhật mỉm cười :
-Đừng dẫn em đi xa, nghe con ?
-Dạ.
Cơ đứng dậy:
-Con đi quanh quẩn trong thành thôi…
Hai người nắm tay, đi về hướng ngôi chùa cổ. Đó cũng là con đường duy nhất dẫn ra giữa thành, giữa những hàng gòn cao, đơm bông trắng như tuyết. điểm trên những nhánh gòn dài, đen, những trái bông gòn nở trắng trông như một đóa hoa tinh khiết dưới ánh trăng bàng bạc. Ở xa, Nhật đã nhìn thấy dày đặt những trái bông gòn trắng mịn nở đầy cành. Phía dưới, một vùng bao la cây cỏ lấp lánh, một màu tối, êm ả lạnh lùng. Giữ tay Cơ trong tay mình, anh cảm thấy như được chuyền dẫn tới tâm hồn vô vàn niềm vui, và hy vọng. Những niềm vui và hy vọng mà suốt trong tuổi thanh xuân, anh chưa hề bắt gặp, tìm thấy.
Họ bắt đầu đi dưới những hàng gòn cao. Hai chiếc bóng thấp thoáng, nhỏ bé, im lặng như cây cỏ. Ánh trăng dõi theo, soi rọi từng bước chân dè dặt, khép nép. Thỉnh thoảng, gió thổi bay tung mái tóc thả dài, óng ả của Cơ. Nàng đưa tay cuốn lại mớ tóc rối. Nhật nói :
-Em có tưởnng tượng nỗi cũng chính trong ngôi thành này đã có một thời huy hoàng, tấp nập những Chiêm nương lui tới không?
Cơ ngước lên nhìn chậm vào mặt Nhật:
-Bây giờ hoang tàn quá, em khó mơ tưởng được.
Nhật vẫn mắt nhìn mông lung vào cỏ cây, khoảng trống phía trước:
-Anh thì khác, mỗi bận vào thành, anh lại bị cái cô tịch này ám ảnh, nhắc anh tưởng nghĩ tới những lúc trước, thật xa…
-Anh thường nghĩ tới những hình ảnh gì nhất ?
-Anh nghĩ tới một thời xao động, vàng son của một triều đại. Cảnh vua Chiêm xênh xang áo mão, bầy tôi ra vào tấp nhập, và những Chiêm nương xinh đẹp trong những tấm áo màu loạn sắc cười nói ríu rít trong những ngày hội…
Tiếng Cơ cười ròn rã :
-Vậy anh có mê cô nào không?
Nhật đi chậm hẳn lại, hôn nhẹ lên mái tóc ẩm lạnh của Cơ :
-Cái đó thì dĩ nhiên rồi. Anh còn mơ sẽ được cùng một Chiêm nương nào đó đi dạo, vào một đêm trăng tròn, bây giờ thì anh đã toại nguyện rồi…
Cơ cười thầm, cười rúc rích bên Nhật. Ánh trăng chênh chếch ngã về hướng Tây, gió về khuya nghe lạnh thấm thía. Nhật chỉ cho Cơ nhìn thấy cái nền đất cao, nơi đó một dấu tích còn lại, mình tới đó ngồi một lát, rồi về. Và, hai người rẽ vào đám cỏ cao. Cỏ cây dày đặt trên những con đường Chiêm nương đã đi. Cỏ cây mọc hoang vu trên nền xưa là đền đài của một tiểu quốc kiêu hùng nhưng vô cùng lạc lõng, bất hạnh. Cỏ cây rồi sẽ mọc lan tràn, tịch liêu khắp chốn. Ngay bây giờ, lúc này, cỏ cây đã bao phủ bốn bề, tốt xanh trong tâm hồn Nhật.
Cơ ngồi xuống bực thềm, cạnh những ngọn cỏ mướt. Nhật đứng từ nền cao, hướng nhìn về bốn phía: Đông, tây, nam, bắc, tất cả cũng đều bị cỏ cây và nỗi đìu hiu xâm chiếm. Nhật cúi xuống đặt một bàn tay lên vai Cơ. Nàng quay lại, ngước lên. Nhật cúi lên hôn đôi má nàng, hôn lên đôi mắt mở to tròn đen láy, hôn lên nốt ruồi cạnh khóe môi tươi, hôn lên con thỏ hiền hậu, hôn lên người chị bé bỏng rụt rè buổi chiều nào mới gặp. Nhật ngồi xuống, cảm thấy thân thể nhẹ hẫng, ngây ngất…
Trăng mê man, bất tận vẫn còn sáng rực rỡ trong thành Đồ Bàn.

Mang Viên Long

Read Full Post »

 

Đã từ lâu tôi rất muốn viết về ông, biết rằng đây là một việc rất khó vì – Ông, một  nhà văn Việt Nam viết văn thuần thục 3 ngôn ngữ: Việt, Pháp, Anh; một nhà báo từng cộng tác với nhiều báo chí trong và ngoài nước; một người có 70 năm đi dạy học thì có một số lượng học sinh nhiều đến thế nào…; khối lượng và giá trị những tác phẩm ông đã viết; tuổi đời của tôi chưa bằng một nửa tuổi đời của ông…. Thôi thì, xin làm một người kể chuyện về một người qua tiếp xúc, trao đổi và qua những tài liệu thu thập được về ông.Từ điển Văn học (bộ  mới) – NXB Thế giới, 2004 (trang 330), Hà Nội có tên ông: “Cung Giũ Nguyên. (Sinh 1909). Nhà giáo dục, nhà báo, nhà văn Vit Nam”. Khi đọc gần hai trang tiểu sử và tác phẩm của ông, tôi đã điện thoại báo cho ông và, một ngày đầu tháng 4/2005 tôi có dịp đến thăm ông tại nhà riêng ở số 60 Hoàng Văn Thụ, Nha Trang.

Cung_Giu_Nguyen

Hôm ấy, trong căn phòng khách nhỏ bài trí đơn sơ nhưng trang trọng – trên tất cả các mặt bàn đều có những bình hoa;  câu chuyện giữa tôi và ông đã bắt đầu bằng những điều chưa rõ về ông trong Từ điển Văn học (b mi). Ông tỏ ý tiếc là việc biên tập có vài sai sót:

– Trước tiên về việc chuyển họ Hồng thành họ Cung không phải vì cùng họ với Hồng Tú Toàn mà do là khi Vua Tự Đức lên ngôi, vì ngài húy Hồng Nhậm, nên những ai có họ Hồng phải sửa lại. Sau này có những người đã bỏ họ Cung  để trở lại họ Hồng, nhưng cũng có những người để tránh việc sửa chữa những giấy tờ hộ tịch phiền phức cứ để họ Cung, dù vẫn biết mình họ Hồng. Việc sửa họ ấy, tôi ngạc nhiên là thợ sắp chữ ở Trung Hoa cũng biết; trên mấy tờ báo ở Hương Cảng, trong bài đăng tên những người từ Việt Nam qua hội kiến với Cựu Hoàng Bảo Đại. Dựa theo danh sách viết chữ La Mã họ tên hành khách chuyến máy bay, tên của tôi đã không viết CUNG, mà viết đúng HỒNG (= không có nghĩa là đỏ,  mà với bộ Thủy bên trái, có nghĩa là Lớn).

Một điều đáng tiếc khác là: trong Từ điển Văn học có viết : “Le fils de la Balaine (tiểu thuyết, Paris, 1956) – cun này được Đe Xôn Đa Oanfisơ (De Sohn das Walfischs) dch ra tiếng Vit vi nhan đ Người con ca Cá Ông hay Kẻ tha t ông Nam Hi (NXB Văn hc, Hà Ni, 1999)”. Có sự sai lạc về phiên âm nhan đề và hành văn. Nên ghi lại cho rõ là, quyển Le Fils de la Baleine ra mắt ở Pháp năm 1956, đã được nhà văn Đức dịch ra tiếng Đức với nhan đề DER SOHN DAS WALFISCHS và được xuất bản năm 1957 tại (NXB) Helmut Kossodo Verlag, Frankfurt & Genf (Genève)”.

Điều thứ ba ông có ý tiếc là quyển Tự điển không nói đến những tác phẩm quan trọng của ông như THÁI HUYỀN, LE BOUJOUM, tập thơ TEXTE PROFANE (Bản văn trần tục)… ; hay, bỏ sót những quyển đã có từ lâu như tiểu luận: Volontés d’existence (Những ý chí sinh tồn) – (NXB France-Asie, Sài Gòn 1954).

***

Cung Giũ Nguyên sinh ngày 20/11/1909, tại Huế. Họ thật là họ Hồng cùng họ với Hồng Tú Toàn người khởi xướng cuộc cách mạng nông dân miền Nam Trung Hoa và lập Thái Bình Thiên Quốc, trị vì ở Nam Kinh từ 1851 đến 1863. Vì lý do chính trị hay kinh tế – tổ tiên của ông, người Phúc Kiến đã kiều cư qua lập nghiệp tại Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX. Tại đây, họ Hồng cùng với nhiều họ Trung Hoa khác lập ở Bao Vinh, Thừa Thiên, phố Thanh Hà sau thành làng Minh Hương, và sau đó đều được xem là người Việt Nam. Thân phụ Cung Giũ Nguyên là ông Cung Quang Bào, một Đốc học. Thân mẫu là Nguyễn Phước thị Bút, trưởng nữ quận công Hồng Ngọc và cháu nội Ngài Nguyễn Phước Miên Lịch, An Thành Vương, con út Vua Minh Mạng, có lần làm Nhiếp chánh Thân thần.

Sinh trưởng trong một gia đình nghèo và đông con, học xong trung học tại trường Quốc học Huế những năm 1922-1927, ông phải từ bỏ giấc mộng học trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội để đi làm việc. Ông nói:

– Về vẽ thì tôi đã may mắn gặp hai thầy rất tốt là thầy Tôn Thất Sa và thầy Georges Leloup….

Những bức tranh hiện treo trong phòng khách nhà ông đều do ông vẽ từ bức chân dung của mẹ ông cho đến bức chân dung của ông, của vợ ông…Căn nhà số 60 Hoàng Văn Thụ hiện nay là căn nhà của cha ông mua, ban đầu là nhà tranh và được xây thành nhà gạch từ năm 1929 cho đến bây giờ.

Năm 1928 ông được bổ làm trợ giáo tập sự tại trường Nam tiểu học Nha Trang, nhưng đến đầu năm 1930 bị bãi chức, vì lý do chính trị. Đó là năm đánh dấu khúc quanh cuộc đời của ông. Sau đó ông phiêu lưu vào Sài Gòn, Đà Lạt, Huế, Nha Trang…

– Trong thời gian bốn năm mà tôi làm hơn bảy nghề. Tôi viết báo, viết sách, làm gia sư, làm kế toán cho một hãng sửa xe của người Pháp, làm thư ký cho một đồn điền cao su ở Xuân Lộc, bán hàng, đã có lúc tôi định đi theo gánh cải lương nhưng bị từ chối vì khi nghe tôi ca thử một bài Tứ Đại Oán, nghệ sĩ Năm Châu đã thành thật khuyên tôi nên chuyển nghề khác, tôi cũng đã làm thợ sửa ảnh…

Năm 1936, người cha mất (cuộc đời ông vẫn luôn tiếc là cha ông đã ra đi quá sớm không để cho ông có thì giờ chứng minh ông đã trở lại nối nghiệp thầy giáo). Vì trách nhiệm đối với gia đình, ông về lại Nha Trang và năm 1941 trở lại nghề dạy học. Ông đã dạy các môn Việt văn, Hán văn, La tinh, Pháp văn, Anh văn, Sử địa, Kinh tế học, Triết học, Văn học… ở các trường Kim Yến, Collège de Nha Trang, Võ Tánh, Lê Quý Đôn….

Từ năm 1955-1975, ông làm Hiệu trưởng trường Trung học đệ nhị cấp Lê Quý Đôn, Nha Trang. Từ 1972-1975, Giáo sư thỉnh giảng Viện đại học Cộng đồng Duyên hải, Nha Trang. Từ 1989 đến 1999,  ông là Giáo sư thỉnh giảng môn ngôn ngữ và văn chương Pháp tại khoa Pháp văn, Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Ông còn tham gia nhiều công tác xã hội ở Nha Trang, Sài Gòn; đã từng làm Deputy Camp Chief of Gilwel, London, phụ tá Trại trưởng Trại Huấn luyện Hướng đạo Quốc tế, Gilwell, Anh Quốc, và làm Trại trưởng Hướng đạo Việt Nam…

Ông đã viết hàng ngàn bài báo cộng tác với các báo: Đông Pháp thi báo, Sài gòn mi (Sài gòn), Nam Phong (Hà Nội), Đông Dương mi (L’Indochine Nouvelle, Sài gòn), Pháp Việt (France – An Nam), Nhật báo Huế (La Gazette de Huế), Tân văn (Sài gòn), Hội tho (Symposium, Syracuse), Sách báo nước ngoài (Book Abroad, Oklahoma, Hoa Kỳ), Pháp Á (France-Asie, Sài gòn),  Bách Khoa (Sài gòn), Diễn đàn (La Tribune, Sài gòn)….

Năm 1939, ông làm Chủ bút nguyệt san song ngữ Tương lai tạp chí, Nha Trang. Năm 1939–1942, ông làm Chủ bút Nhật báo Châu Á buổi chiều  (Le Soir d’Asie, Sài gòn). Từ 1954, ông đảm nhận Chủ bút tuần báo Báo chí viễn Đông (La Presse d’Extrême – Orient, Sài gòn).

Cuộc đời viết văn của ông đánh dấu bằng tác phẩm đầu tay là một truyện ngắn nhan đề là Tình ái mỹ đăng trên tờ Đông Pháp thi báo, Sài gòn năm 1928.

Trong thư mục tác phẩm đã in và chưa in của ông có đến gần trăm cuốn. Có thể kể đến như:

– Về tiếng Việt: Một người vô dụng (Tín Đức thư xã, Sài gòn, 1930); Nhân tình thế thái (tập truyện ngắn, Phổ thông văn xã, Gia  Định, 1931); Nợ văn chương (Nhà in Châu Tịnh, Vinh, 1934) ; Những ngày phiêu bạt (ký), Nửa gánh tang bồng, Một chuyến về…

– Về tiếng Pháp: ông được thế giới biết đến nhiều vào những năm 1950 – 1960 với các tác phẩm Le fils de la Balaine (tiểu thuyết, Paris, 1956), Le Domaine Maudit (tiểu thuyết, Fayard, Paris, 1961), Volontés d’existence (France-Asie, Sài gòn 1954)…; riêng Le Boujoum (roman Dallas, Tesax, USA, 2002 – tái bản) ông viết sau này ….

Le fils de la Balaine đã được nhiều nhà phê bình văn học nổi tiếng trong và ngoài nước đánh giá cao. Daniel-Rops, viện sĩ Hàn Lâm Pháp nhận xét: “Với một Cung Giũ Nguyên, có thể cạnh tranh với một Pourrat, một Ramuz, một Giono, một Monique Saint-Hélier…, đó là điều mới lạ”. Le fils de la Balaine được tái bản ở Canada năm 1978 và được Nguyễn Thành Thống dịch sang tiếng Việt với tựa đề Kẻ tha t ca ông Nam Hi (NXB Văn học, Hà Nội 1995).

Le Domaine Maudit (Đất dữ) cũng được nhiều nhà phê bình chú ý. Nhà văn Võ Hồng đã viết về cuốn sách (đăng trên Bách Khoa, Sài gòn ngày 15-6-1962) như sau: “Văn của tác giả viết tự nhiên mà có nhiều thú vị… Những triết lý nhân sinh cũng được trình bày dưới hình thức đơn giản nhưng thầm kín… Le Domaine Maudit lấy khung cảnh Việt Nam nhưng câu chuyện có thể xảy ra ở bất cứ nước nào có sự tranh chấp giữa các ý thức hệ, nghĩa là giữa những quan niệm khác nhau về hạnh phúc và tình yêu”.

Volontés d’existence (Những ý chí sinh tồn) thuộc về loại tiểu luận gồm ba bài. Bài thứ nhất trình bày căn nguyên giải phóng cá nhân và dân tộc Việt Nam. Bài thứ hai trình bày nền văn chương Việt Nam và bài thứ ba bàn đến nỗi lòng bi đát của Nguyễn Du. Ba bài quy tụ chung quanh một ý chính: những ý chí sinh tồn của con người Việt Nam và dân tộc Việt.

Tác phẩm Le Boujoum, dày 756 trang, một tác phẩm đầy triết lý ông viết  từ năm 1976 đến năm 1980 và chính ông đã dịch sang tiếng Việt với tựa đề là Thái Huyền (NXB Đại Nam, California, 1994). Ông viết Le Boujoum để tặng người bạn thân suốt gần nửa thế kỷ của ông là Raoul Serène (đã nói ở trên), mà ông gọi tên là Sếu. Trong lời tựa cuốn sách, ông viết: “ng như vi nhng người bn thân khác, khi xa cách và nht là trong nhng năm sau này thiếu nhng gp g thường xuyên và cuc chuyn trò hu ích, tôi có nhng bc thư dài cho Sếu và kèm theo thư, cũng có nhng trang trích các sách tôi đã hoàn thành hay đang soạn tho, đ cho bn theo dõi đi sng c th ca mình và cũng đ thăm dò phn ng ca bn v nhng tác phm mình, s thói t ph, ch quan khiến mình có nhn đnh sai lm v giá tr ca chúng. Tình thân hữu thật s cho phép, và khuyến khích, nhng phê phán thng thn, dù cho có khi là tàn nhn, không ch v công vic và c v nhng phương din khác. Đây không phi là du hiu ca s đ k ganh ghét, mà là ca s thương yêu tht s, mt ước mun xây dng ln nhau theo đường dáng đi, hay ít ra cũng tránh cho nhau nhng o giác v bn thân cũng như v s nghip”.

Le Boujoum hay Thái Huyền cũng đã được nhiều nhà phê bình văn học ngoài nước chú ý. Người ta đánh giá: từ Le fils de la Balaine đến Le Boujoum là một khoảng cách lớn, kể về văn phong lẫn chiều sâu tác phẩm.

Cả cuộc đời ông là một sự phấn đấu rèn luyện, tìm và trao tặng tri thức, chủ yếu là tự học và học mãi. Ông nói :

– Đọc sách, đối với tôi, là một lối tránh mệt nhọc, khỏi phấn đấu, vì bẩm sinh yếu đuối. Từ cái bắt buộc, tôi tìm ra thích thú với sách. Tôi đã gặp nhiều may mắn, có cơ hội làm bạn với sách. Về việc cần phải học, tôi lập chí ngay khi tuổi gọi là trưởng thành và bước vào đời. Tôi thích lập kế hoạch, cũng như học sinh cần có dàn bài để viết luận văn. Cần, một phương pháp để học hỏi, về bất cứ môn gì.

Một điều may mắn khác cho việc học hỏi của tôi, là được ngao du đó đây, đến nhiều nước, có dịp biết nhiều thư viện, viện bảo tàng lớn, những nơi thờ phụng nhiều tôn giáo, tiếp xúc với nhiều giới, từ thượng lưu đến giới chai chén dân bụi đời chỉ xài tiếng lóng (argot)….

Bước sang tuổi 97, ông vẫn còn miệt mài làm việc với chiếc máy vi tính mỗi ngày mà không cần người phụ giúp. Hoàn thiện những bản thảo đang dang dở, hệ thống lại toàn bộ tác phẩm, dịch ra tiếng Việt những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp… Khối lượng công việc thì đồ sộ mà quỹ thời gian còn quá ít! Thế nhưng, ông nói:

– Không viết nữa thì làm gì! Đời người như một miếng da lừa, mỗi ngày nó teo tóp đi một chút. Dân gian thường nói cá ươn, ươn từ cái đầu. Con người cũng vậy, phải bắt cái đầu nó làm việc đừng để nó hư. Nên sống lạc quan và biết cười.

Nói về việc sống thọ, ông kể câu chuyện vui:

– Tôi đươc biết, theo lời mẹ kể lại sau này, tôi sinh ra không tốt tướng, gầy yếu, thầy thuốc, thầy bói cho biết trước là không thọ. Tôi ngủ hay giật mình vì một tiếng động nhẹ. Nghe theo thầy, mẹ tôi tìm mua một cái “búa thiên lôi” là một miếng nham thạch màu xanh tím, hình lưỡi búa, mẹ làm một bọc cho búa và để dưới cái gối của tôi. Phương thuốc của “thầy” quả là linh nghiệm, từ đó tôi hết giật mình khi ngủ, kể cả những khi có giông tố và sấm sét. Nhưng có điều đáng buồn là đầu tôi mãi mãi bị lép như đầu cá chai. Đó là giá con người thường phải trả. Nhân vô thập toàn, được cái này phải mất cái kia….

Trọn một thế kỷ dành cho các việc tự học, đi, viết và dạy học. Phương châm sống của ông gói gọn trong 4 từ nguyên hanh lợi trinh. Ông giải thích với tôi: “Nguyên là nguồn gốc – bất kỳ một việc gì cũng phải truy tìm cho được nguồn gốc và giải thích câu hỏi tại sao. Hanh là hanh thông – vượt lên những khó khăn; khi gặp khó khăn ta chia vấn đề ra thành những vấn đề nhỏ, từ vấn đề nhỏ chia thành những vấn đề nhỏ nữa và giải quyết từ từ. Li là lợi ích, lợi ích của mình phải gắn liền với lợi ích của người khác, những điều viết ra làm sao cho nhiều người trên thế giới đọc được. Trinh là hòa hợp. Hòa hợp ở đây có 3 ý: hòa hợp với thượng tôn, hòa hợp với tha nhân và hòa hợp với chính mình. Trong mỗi con người đều tồn tại ông thiện và ông ác, nhờ thượng tôn và những người xung quanh giúp đỡ để hòa hợp với chính mình”.

Tôi hỏi ông câu hỏi cuối cùng về nhận định của ông khi giới trẻ bây giờ không thích đọc sách? Ông đã trả lời bằng một câu trong Le Boujoum: “Cuộc đời không có chấm dứt, từ không đến có, rồi lại từ có đến không, qua những giai đoạn thành, thịnh, suy hủy, rồi thành, từ khôn đến càn, rồi lại từ càn đến khôn, qua những giai đoạn thiếu âm, thái dương, thái âm, thiếu dương, mà vật lý học cho thấy qua điển hình của vòng Mobius… Một ngày kia người ta sẽ trở lại việc đọc sách”.

Đó là câu nói khẳng định rất tự tin của ông – một người sống trọn một thế kỷ (ông mất ngày 7 tháng 11.2008) có rất nhiều biến động với một cuộc đời sôi nổi và đầy sáng tạo.

Đào Thị Thanh Tuyền

Read Full Post »

Có một lần ở tại nhà trọ của Lư ở phố Hàm Long, tôi cười hỏi Lưu Trọng Lư: -Lư ơi, bài thơ Tiếng thu có phải thật của cậu không? Có Nguyễn Xuân Huy ngồi đấy, Lư ”cười như nắc nẻ”: -Thằng này mơ mộng thật! Mi tưởng bài đó của Thế Lữ à? -Thế Lữ làm gì nổi 1 bài thơ như thế. Nhưng tao có đọc 1 bài thơ của 1 thi sĩ Nhật Bổn, giống hệt bài thơ của mày, và bài thơ Nhật cũng tựa đề là Tiếng thu. Lưu Trọng Lư ngó Xuân Huy: -Huy, mầy thấy thằng Vỹ nó điên không? Huy bảo tôi: -Mầy muốn chép tao đọc cho chép. Đây là 1 bài tanka nổi tiếng: Oku yama ni Monoji fumi wake Naku zhika no Koe kiku toki zo Aki wa kanashiki Tác giả là Sarumaru, thế kỷ VIII. Bài thơ này, Michel Revon có dịch ra Pháp văn trong quyển Anthologie des poètes japonais (Ed-Hachette) Combien triste est l’automne Quand j’entends la voix Du cerf qui brame En foulant et dispersant les feuilles des érables Dans les profondeurs de la Montagne. Karl Petit, trong quyển La poésie japonaise (Ed-Seghers) lại dịch đảo ngược lại, nhưng đúng theo nguyên văn bài thơ Nhật: Aux profondeurs de la Montagne Ecartant et foulant les feuilles d’érables Le cerf brame Et à l’entendre ainsi Ah! Que l’automne m’est lourdement triste! Dịch đúng nghĩa ra Việt văn: Trong núi rừng sâu Ta nghe tiếng xào xạc Con nai vàng ngơ ngác Đạp trên lá bàng khô Ôi buồn làm sao! Lưu Trọng Lư cãi liền: -Bài tao còn đoạn trên: Hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong lòng người cô phụ. Tôi cười: -Cậu làm bài thơ này hồi năm nào? -Mới đây. -Mới đây, và mấy năm nay trong nước mình làm gì có cuộc chiến tranh, có ”kẻ chinh phu”, có ”người cô phụ”? Tôi cho rằng việc cậu ghép thêm 3-4 câu đó vào bài thơ của Saramaru để thay đổi đôi chút, nhưng cậu lại lấy trọn vẹn bản chính của Saramaru. Lưu Trọng Lư không cãi nữa, nhưng Nguyễn Xuân Huy cười: -Kết luận: Les grands esprits se rencontrent! (từ ”Nguyễn Vỹ-Văn thi sĩ tiền chiến”, NXB Hội Nhà văn in lại, 1994)

muathu3lr0

TRÂN ĐĂNG KHOA: CÓ PHẢI BÀI THƠ TIẾNG THU, LƯU TRỌNG LƯ SAO CÓP CỦA NƯỚC NGOÀI?

Người đầu tiên vu cho Lưu Trọng Lư cái việc làm rất không lấy gì làm đẹp này là ô.Nguyễn Vỹ trong cuốn “Văn thi sĩ tiền chiến”. Cứ như ô.Nguyễn Vỹ thì Tiếng thu chính là bài tanka của thi sĩ Nhật bản nổi tiếng Sarumaru ở thế kỷ VII. Nguyên văn bài tanka thế này: Oku yama ni/ Monoji fumi wake/ Naku shika no/ Koe kiku zo/ Aki wa kanashiki Cũng theo Nguyễn Vỹ, bài thơ này được 2 nhà thơ Pháp dịch sang tiếng Pháp. Bản của Michel Revon in trong cuốn Anthologie des poètes japonais (Ed.Hachette) nguyên văn như sau: Combien triste est l’automne/Quand j’entends la voix/ Du serf qui brame/En foulant et dispersant les feuilles des érables/Dans les profondeurs de la Montagne Mùa thu buồn làm sao/ Khi tôi nghe tiếng/ Của con hươu đực thé lên (rền rĩ, kêu trong mùa giao phối)/ Làm tung tóe và dẫm lên những chiếc lá thích/ Trong những nơi sâu thẳm của núi. Bản dịch thứ 2 là của nhà thơ Karl Petit, in trong cuốn La poésie japonaise (Ed.Seghers) mà theo ô.Nguyễn Vỹ là đã dịch đảo ngược, nhưng lại đúng với nguyên văn bản tiếng Nhật: Aux profondeurs de la Montagne/Ecartant et foulant les feuilles d’érables/Le cerf qui brame/Et à l’entendre ainsi/ Ah! que l’automne m’est lourdement triste! Ở những nơi sâu thẳm của Núi/ Làm tung tóe và dẫm lên những chiếc lá thích/ Con hươu đực thé lên (rền rĩ, kêu trong mùa giao phối)/Và nghe thấy điều đó như thế/ Chao ôi, mùa thu với tôi buồn nặng trĩu. Còn bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư thì nguyên văn như thế này: Em không nghe mùa thu/ Dưới trăng mờ thổn thức/ Em không nghe rạo rực/ Hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong lòng người cô phụ/ Em không nghe rừng thu/Lá thu kêu xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/Đạp trên lá vàng khô. Tất cả là như vậy đấy. Mới hay Tiếng thu của Lưu Trọng Lư và bài tanka Nhật của Sarumaru là 2 tác phẩm hoàn toàn khác nhau. Chúng chẳng có họ hàng gì với nhau cả. Vậy mà suốt nửa thế kỷ nay, người ta cứ a dua nhau, người nọ nói theo người kia, cho rằng Lưu Trọng Lư đã sao chép của nước ngoài. Cái nghi án văn chương rất oan khuất ấy cứ bám riết lấy Lưu Trọng Lư cả cho đến khi ông đã nằm dưới 3 thước đất. Người khảo sát văn bản này, nhà phê bình trẻ Hoàng Xuân Tuyền, dù có giỏi tiếng Nga và biết tiếng Pháp, nhưng để thận trọng hơn, anh đã tìm đến nhà thơ Tế Hanh nhờ thẩm định lại. Tế Hanh rất giỏi tiếng Pháp, ông đã dịch nhiều thơ thế giới qua tiếng Pháp, cũng là người cùng thời với Lưu Trọng Lư. Tế Hanh đã kinh ngạc kêu lên: “Ô lạ nhỉ. Bài thơ này chẳng có liên quan gì đến Tiếng thu. Sao lại đổ vấy cho anh Lư sao cóp?”. Sở dĩ có nghi án ấy là vì Nguyễn Vỹ. Sau khi phê phán Lưu Trọng Lư lấy thơ Nhật bản, Nguyễn Vỹ đã đưa ra bằng cớ là bản dịch của mình, nhưng thực ra Nguyễn Vỹ đâu có dịch, ông lấy luôn bài thơ Tiếng thu tráo vào rồi kêu ầm lên là bắt được kẻ gian, những người nhẹ da, u mê tin theo thì chúng ta chả trách làm gì, nhưng những nhà thơ từng giỏi tiếng Pháp, những nhà phê bình nghiên cứu có tiếng là uyên thâm, cũng tin theo, rồi lẵng nhẵng nói theo, mà cứ nói đi nói lại mãi. Đấy mới thực sự là chuyện lạ ở thời đại bùng nổ thông tin này. (VNQĐ 12/2002)

Goi-mua-thu-ve-117275-1

NGUYỄN NAM TRÂN: TIẾNG THU

Riêng tặng anh Đinh Văn Thạnh, người bạn chưa quen.

Một người thân ở Paris, gần đây có viết Mail hỏi tôi xem bài Tiếng Thu (1939) nổi tiếng của Lưu Trọng Lư (1912-1991) có lấy cảm hứng từ một bài thơ xưa của Nhật không? Anh ấy đã đọc ở tờ báo Kỹ Nguyên Mới ở Mỹ cho biết nhà văn Nguyễn Vỹ có lần hỏi bạn ông là Lưu Trọng Lư về điều đó. Lưu Trọng Lư trả lời không là không nhưng Nguyễn Vỹ vẫn chưa hết mối ngờ và đem theo nó vào tận Sài Gòn . Thực tình nếu trí nhớ chưa phản bội tôi thì chính tôi cũng đã có cơ hội đọc điều nầy trong mục Mình Ơi của báo Phổ Thông do cô Diệu Huyền (một biệt hiệu của Nguyễn Vỹ) phụ trách. Báo Phổ Thông thời đó có vài cựu sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản đóng góp khá thường xuyên và được quần chúng, trong số đó có tôi, khá yêu chuộng và lòng mến mộ nước Nhật của tôi cũng bắt nguồn từ đó.Giai thoại Tiếng Thu được kể ra qua cuộc đối thoại giữa Ông Tú và Bà Tú. Ông bà Tú không phải là những nhân vật hư cấu, có chăng là ..cô hàng bán vịt lộn đôi khi xuất hiện trong đó. Bà Tú là nhân vật có thực ngoài đời, em gái ông Vỹ. Ông Trần Tú, chồng bà, gốc ngoài Quảng như ông Vỹ, là một người bạn của cha tôi hồi còn ở Đơn Dương gần Đà Lạt. Một người con của hai ông bà, chị Kim Thoa, là bạn học với tôi năm lớp nhì tiểu học. Theo nội dung của bài báo trên Phổ Thông thì Lưu Trọng Lư có thể đã mượn ý của một bài thơ cổ của người Nhật nhưng qua một bản dịch tiếng Pháp vì ông Lư không biết tiếng Nhật. Tôi bèn suy ra thơ cổ của Nhật Bản thì chỉ có tanka và tập thơ tanka căn bản phải là Kokin Waka-Shuu (Cổ Kim Hòa Ca Tập). Nhân một ngày thứ bảy rỗi việc, tôi mới ra quán sách trong supermarket ở Tôkyô đọc cọp bản của nhà Chuô Kôron và tình cờ có thêm một số ít tin tức về bài tanka liên quan xa gần đến Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư. Trước hết phải nói là những thông tin của Nguyễn Vỹ rất chính xác vì ông có chua âm Nhật của bài thơ bên cạnh bài báo xuất bản ở Mỹ mà người thân của tôi ở Paris đã đọc. Nguyên tác : Okuyama ni (Trong núi sâu) (5) Momiji fumiwake (Đạp lên lá phong đỏ rẽ lối đi) (7) Naku shika no (Của nai kêu) (5) Koe kiku toki zo (Chính là khi nghe tiếng) (7) Aki ga kanashiki (Mùa thu buồn làm sao) (7) Chúng ta đều biết người Nhật thích thể thơ 5 chữ 7 chữ như Việt Nam thích 6,8. Những bài hát Nhật ăn tiền bây giờ cũng theo thể 5,7. Đọc thơ Nhật như bài nầy thì nên đi ngược từ câu cuối thì mới rõ nghĩa. Vâng, bài nầy đã tìm thấy trong phần Thu Ca của tập Kokin Waka Shuu (Cổ Kim Hòa Ca Tập), một tuyển tập thơ quốc âm Tanka (Đoản Ca) của Nhật. Vào đầu thời Hei-an, văn chương chữ Hán chiếm địa vị độc tôn và thơ quốc âm Waka bị đẩy lùi vào bóng tối. Thế nhưng, Waka không vì thế mà mai một hẳn, nó chỉ trở thành một hình thức thơ để tỏ tình cảm riêng tư, sinh hoạt luyến ái nam nữ hay tình tự dân gian. Tập Kokin Waka Shuu (Cổ Kim Hòa Ca Tập) là tập thơ quốc âm đầu tiên đã được soạn để tiến lên vua theo sắc chiếu, còn được lược xưng là Kokin Shuu (Cổ Kim Tập). Do bọn các ông Ki-no-Tsurayuki (Kỷ, Quán Chi), Ki-no-Tomonori (Kỷ, Hữu Trắc), Ôshikôchi-no-Mitsune (Phàm Hà Nội, Cung Hằng), Mibu-no-Tadamine (Nhiệm Sinh, Trung Lĩnh) soạn khoảng năm Engi (Diên Hỷ) thứ 5 (905) theo sắc lệnh của thiên hoàng (thứ 60) Daigô (Đề Hồ, trị vì 897-930). Đây là tập thi tuyển Waka đầu tiên được soạn theo chiếu chỉ và là qui phạm cho những tập soạn theo chiếu chỉ các đời sau.Thi tập nầy gồm 12 quyển, thu thập ước chừng trên 1100 bài thơ, có kèm hai bài tựa (Jo), một viết bằng Kana (tức bài Kanajo) do Ki-no-Tsurayuki và bài kia bằng chữ Hán (Manajo) do Ki-no-Yoshimochi (Kỷ, Thục Vọng) viết. Đặc biệt trong bài tựa viết bằng Kana, không những thuyết về sự hoà điệu giữa cái Tâm và thi Từ mà còn chủ trương về vai trò đối đầu của Waka với thơ chữ Hán, nói lên được ý thức dân tộc của người soạn ra nó. Kokin Waka Shuu chia thành nhiều bộ (bộ lập=budate) tùy theo chủ đề: Xuân (thượng, hạ), Hạ, Thu (thượng, hạ), Đông, Hạ (chúc tụng), Ly Biệt, Ki Lữ (lữ hành), Vật Danh, Luyến (Tình Yêu), Ai Thương, Tạp (thượng, hạ), Tạp Thể (thượng, hạ) Đại Ca Sở Ngự Ca.Về thể điệu, phần lớn là những bài ngắn (Tanka), có một ít bài dài (Chôka hay Naga-uta) và thơ đối đáp (Sedôka). Như đã nói, bài thơ chúng ta đang bàn đến có chép trong phần chủ đề về mùa thu (Thu Ca). Về tác giả, sách cho biết “không biết là ai” nhưng chua thêm ”Trong tập Hyakunin Isshuu (Bách Nhân Nhất Thủ, tức một tập chọn mỗi người nổi tiếng một bài ) thì bảo tác giả là Sarumaru Dayu (Viên Hoàn Đại Phu) một nhân vật truyền thuyết có tên trong 36 nhà thơ thời cổ (Tam Thập Lục Ca Tiên) đã soạn”. Hyakunin Isshuu được nhiều người cho là công trình biên soạn của Fujiwara Sadaie (còn đọc là Teika, tức Đằng Nguyên Định Gia) vào khoảng năm 1235 và thơ dựa trên Hyakunin Shuuka (Bách Nhân Tú Ca) tức thơ hay của trăm nhà mà ông đã chọn để viết trên giấy họa để trang trí dinh thự một vương hầu. Hyakunin Isshu (quen gọi tắt là Hyakuninshu) chọn của 100 tác giả mỗi người một bài thơ và lấy những bài đó ở các thi tập soạn theo sắc chiếu, tính từ Kokin-Waka-Shuu (Cổ Kim Hòa Ca Tập) cho đến Shoku-Gosen-Shuu (Tục-Hậu Tuyển Tập). Những bài thơ trong tập sách nầy đều đặc sắc nên được truyền bá rộng rãi về sau dưới mọi hình thức nghệ thuật. Chẳng hạn vào đầu thời Edo, có trò chơi Utagaruta (Ca Gia Lưu Đa) tức trò chơi “ai nhanh tay” bốc những quân bài ( Uta=thơ ca; karuta = Carte ) có in câu dưới của bài thơ trong Hyakunin Isshu là thắng cuộc. Người Nhật hầu như ai cũng biết bài (tạm gọi là) Thu Ca nầy vì nó có trên một trong 100 quân bài của trò chơi đó. Khi giám khảo ngâm câu trên trong yomifuda tức quân bài để đọc thì phải biết mà bốc quân bài có ghi câu dưới trong torifuda tức là quân để bốc. Đây là một trò chơi tao nhã rất phổ biến trong quần chúng vào dịp Tết nhất cho đến tận giờ. Sách đã dẫn (Kokin Waka Shuu, bản Chuô Kôron) cho rằng câu đầu và câu thứ hai không xác định nai hay là người đạp trên lá (đỏ chứ không phải vàng vì Momiji chữ Hán viết là Hồng Diệp tức là lá màu đỏ của cây phong vào thu). Có lẽ là cá hai nhưng cái mơ hồ đó làm tăng thi vị.Hơn nữa, nai của ông Lư nên thơ hơn vì không kêu để gọi nai cái (hay gọi đàn) như nai Nhật mà chỉ im lặng, ngơ ngác đạp lá vàng khô. Không riêng Lưu Trọng Lư, Huy Cận cũng đã viết: Nai con gót lẩn trong mù, Xuống rừng nẽo thuộc nhìn thu mới về. Nai và mùa thu là một chủ đề thường thấy trong tập Kokin Waka-Shuu nầy nhưng bên Tàu thời ấy (Đường) cũng có những bài thi vị dính líu xa gần với nai và núi vắng như Lộc Sài của Vương Duy : Không sơn bất kiến nhân Đản văn nhân ngữ hưởng Phản cảnh nhập thâm lâm Phục chiếu thanh đài thượng Theo người thân tôi ở Paris cho biết thì sau khi nghe Nguyễn Vỹ « kết tội », Lưu Trọng Lư đã giẫy nẫy lên « Nhưng bài thơ tao còn có chinh phu, cô phụ kia mà » vv…Người bạn Paris cho biết thêm là một thân nhân của ông Lư bảo rằng ông ta làm bài thơ nói trên sau khi xem một bức sơn mài có cảnh nai ở trong rừng. Ngoài ra, theo nguồn tin thân cận khác, nhà phê bình văn học Đặng Tiến nói ông Lư đã chịu ảnh hưởng Thu Thanh Phú của Âu Dương Tu. Điều này làm tôi tự hỏi phải chăng một bài thơ thu rất hay của một nhà thơ triều Nguyễn là Thu Dạ Lữ Hoài Ngâm của cụ Đinh Nhật Thận, còn có thể là gạch nối giữa Âu Dương Tu và Lưu Trọng Lư chăng ? Vẫn người thân của tôi ở Paris lại nhắc đến Chanson d’Automne, một tác phẩm trứ danh của Pháp mà ai cũng nằm lòng từ lúc ngồi trên ghế trường trung học.Thơ viết về mùa thu nhiều lắm. Thế thì, ông Lư sanh sau đẻ muộn nầy lấy cảm hứng ở đâu để viết Tiếng Thu đây ? Khi tôi có dịp may gặp nhà thơ Xuân Diệu ở Paris một vài năm trước khi ông mất và có hỏi : Thế bác viết : Tuổi học trời xa, Huế cũng đi, Mấy bài thơ cũ thật tiên tri. Bạn vàng thuở trước nên ông cả, Gái nhỏ khi nao thoắt dậy thì. Có lấy cảm hứng từ hai câu : Đồng học thiếu niên đa bất tiện Ngũ Lăng cừu mã tự khinh phì không ? (vì Xuân Diệu rất sành thơ Đường: con ông đồ Nghệ, đã viết những bài như Nhị Hồ, đã dịch và vác ba lô đi nói chuyện về thơ Đường khắp nơi) thì được ông trả lời « Không. Có thể đó là cái hồn thơ nho nhỏ của « thằng » Xuân Diệu đã gặp được cái hồn thơ vĩ đại của cụ Đổ Phủ ở chổ nào đó thôi ». Cho nên chuyện ông Lưu Trọng Lư có biết bài thơ Nhật kia không thì không quan trọng. Trước hết ông Lư có đủ tài để làm thơ hay như khi ông viết về mùa hạ : Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời, Lúc người con sống tôi lên mười. Mỗi lần nắng mới gieo ngoài nội, Áo đỏ người đem trước dậu phơi. Hay mùa đông : Em chỉ là người em gái thôi, Người em sầu mộng của muôn đời Tình em như tuyết giăng đầu núi, Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời. thì có gì mà chẳng làm được một bài thơ hay về mùa thu, cũng hay như Vần Thơ Sầu Rụng nói về mùa xuân với “những ngày lạnh rớt gió vèo trong cây”. Cái quan trọng ở đây là ông Lư đã đẻ ra được cái hình ảnh « con nai vàng ngơ ngác ».Nếu ông lấy cảm hứng từ thơ Nhật thì thi nhân Waka nào đó phải còn phải cảm ơn Lưu Trọng Lư nữa, vì dù có mô phỏng cổ nhân, ông đã đưa hồn thơ Nhật Bản đến cho người Việt Nam. Cũng như Nguyễn Khuyến đã đem Thu Hứng của Đổ Phủ vào thơ Việt khéo đến nổi người ta khó lập ra quan hệ “liên văn bản” giữa: Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái (Nguyễn Khuyến) Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ (Đổ Phủ) Phải tinh ý lắm mới nhận ra. Hơn nữa, ông Lư cũng đã đem vào bài thơ nầy một chủ đề mùa thu khác như mùa thu của chờ mong thường thấy trong văn học Trung Hoa, Việt Nam và cả Nhật Bản (rạo rực, chinh phu, cô phụ) như ông đã nói rất đúng. Ngoài ra, cái độc đáo của ông là lối đặt câu hỏi (không nghe?), tiếng động mùa thu (thổn thức, xào xạc) như tiếng thu mà Âu Dương Tu, văn nhân đời Tống đã bắt gặp giữa một đêm mất ngủ trong Thu Thanh Phú, hay linh hồn réo rắt của làn gió thu nghe như tiếng vĩ cầm trong Chanson d’Automne của Paul Verlaine (1844-1896): Les sangots longs Des violons De l’automne Blessent mon coeur D’une langueur monotone… Chưa hết. Tôi nghĩ mùa thu đã nhập vào hồn thơ nhân loại. Thi ca toàn cầu hóa trước khi kinh tế bắt đầu vượt biên giới quốc gia. Mới đây, tôi lại thấy người Trung Quốc dịch bài Waka chủ đề Thu Ca nầy sang tiếng Trung và một giáo sư Nhật Bản dịch thơ Lưu Trọng Lư sang tiếng Nhật. Vậy xin chép lại cả hai bài thơ dịch để quý độc giả thưởng thức. Bài Waka dịch ra tiếng Trung với nhan đề Thâm Sơn Hồng Diệp, Đàn Khả dịch (Nhật Bản Cổ Thi Nhất Bách Thủ (Riben Gushi Yibai Shou) do nhà Xuất Bản Văn Học Ngoại Quốc, Bắc Kinh in năm 1985. Theo Đàn Khả, dựa trên bài tựa bằng chữ Hán của Kokin Shuu do Ki no Yoshimochi (Kỷ Thục Vọng), bài thơ nầy do Ôtomo no Kuronushi (Đại Hữu Hắc Chủ), thi nhân khoảng tiền bán thời Heian (794-1188) viết theo một bài thơ trước đó của Sarumaru Dayu (Viên Hoàn Đại Phu), như đã nói trên, là một nhân vật chưa chắc đã có thực: Thâm sơn hồng diệp mãn địa phiêu Túc đạp hồng diệp lộ điều điều Văn đạo lộc minh thanh ai khổ Bi cảm phong hàn thu khí cao Núi sâu lá đỏ rụng đầy Chân khua xác lá dặm dài về đâu Nai kêu ai oán gieo sầu Hơi thu lạnh buốt tầng cao ngập lòng (Nguyễn Nam Trân dịch) Dịch giả giải thích đây là tâm sự của một người đang ở giữa đường đời, như đứng giữa rừng sâu lá đỏ, dưới trời thu lạnh lẽo, tiền lộ mịt mùng, lạc lõng không biết về đâu.Theo lối dịch nầy, chỉ có người đạp trên lá đỏ và chỉ nghe tiếng nai vọng đến từ xa.Lối dịch thế nầy không trung thành với nguyên tác cho lắm, nhưng xem ra cũng có một thi vị riêng. Ngoài ra, vào một buổi chiều trong thư viện, tôi nhân tò mò đọc vài trang của quyển sách nhan đề Lối Vào Văn Học Đông Nam Á (Tônan-Azia Bungaku no Shôtai, Sei-unsha, Tôkyo, 2001), thấy trong phần thi văn Việt Nam, giáo sư Kawaguchi Ken-ichi đã dịch Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư ra Nhật Ngữ như sau: Urumu tsuki no shita ni Kimi wa kikazuya Susurinaite iru aki wo Ura wakitsuma no kokoro ni Kimi wa kikazuya Senjô ni yukishi otto no omokage e no Yamigataki omoi wo Aki no mori ni Kimi wa kikazuya Samayou shika ga kareba wo fumu Sono kasokeki oto wo (Aki no oto) Tuy bản dịch chưa đạt như ý chúng ta muốn nhưng phải nói ông giáo Nhật nầy là người có trình độ và phải rõ về cả hai nền văn học vì ít nhất ông là giáo sư Việt Ngữ Đại Học Ngoại Ngữ Đông Kinh, chuyên gia văn học. Thế mà chẳng nghe ông gợi ra một câu hỏi nhỏ về khả năng của nguồn cội Waka bài Tiếng Thu khi ông dịch nó qua tiếng nước ông. Điều đó chứng tỏ Lưu Trọng Lư, nói dại là có chịu ảnh hưởng bài Waka chăng nữa, đã thành công vì “che mắt” được cả giáo sư văn chương kia. Để kết luận, tuy phân tích của Nguyễn Vỹ rất cần cho nghiên cứu văn học nhất là văn học đối chiếu nhưng nếu thế, lập luận của ông cần phải có thêm chứng cứ có tính khoa học và khách quan hơn, nhất là khi luận điểm đó đã bị chính tác giả phủ nhận. Riêng ở cương vị một người thưởng thức, tôi lại muốn đồng ý với Xuân Diệu khi họ Ngô viết (lâu ngày quên đích xác thế nào): Ai đi phân tích một làn hương Hay bản cầm ca, Tôi chỉ mơ, tôi chỉ thương, chỉ chuồi theo dòng ảo tưởng Như thuyền ngư phủ lạc trong sương. mà tôi nghĩ thích hợp cho bài Tiếng Thu nầy. Tôkyô, 4/2004, một ngày nắng nhưng nhiều gió. Nguyễn Nam Trâniếng thu: Nguyễn Vỹ-Trần Đăng Khoa-Nguyễn Nam Trân Đăng bởi cavenui on Tháng Chín 20, 2009 Nai mua thu NGUYỄN VỸ Có một lần ở tại nhà trọ của Lư ở phố Hàm Long, tôi cười hỏi Lưu Trọng Lư: -Lư ơi, bài thơ Tiếng thu có phải thật của cậu không? Có Nguyễn Xuân Huy ngồi đấy, Lư ”cười như nắc nẻ”: -Thằng này mơ mộng thật! Mi tưởng bài đó của Thế Lữ à? -Thế Lữ làm gì nổi 1 bài thơ như thế. Nhưng tao có đọc 1 bài thơ của 1 thi sĩ Nhật Bổn, giống hệt bài thơ của mày, và bài thơ Nhật cũng tựa đề là Tiếng thu. Lưu Trọng Lư ngó Xuân Huy: -Huy, mầy thấy thằng Vỹ nó điên không? Huy bảo tôi: -Mầy muốn chép tao đọc cho chép. Đây là 1 bài tanka nổi tiếng: Oku yama ni Monoji fumi wake Naku zhika no Koe kiku toki zo Aki wa kanashiki Tác giả là Sarumaru, thế kỷ VIII. Bài thơ này, Michel Revon có dịch ra Pháp văn trong quyển Anthologie des poètes japonais (Ed-Hachette) Combien triste est l’automne Quand j’entends la voix Du cerf qui brame En foulant et dispersant les feuilles des érables Dans les profondeurs de la Montagne. Karl Petit, trong quyển La poésie japonaise (Ed-Seghers) lại dịch đảo ngược lại, nhưng đúng theo nguyên văn bài thơ Nhật: Aux profondeurs de la Montagne Ecartant et foulant les feuilles d’érables Le cerf brame Et à l’entendre ainsi Ah! Que l’automne m’est lourdement triste! Dịch đúng nghĩa ra Việt văn: Trong núi rừng sâu Ta nghe tiếng xào xạc Con nai vàng ngơ ngác Đạp trên lá bàng khô Ôi buồn làm sao! Lưu Trọng Lư cãi liền: -Bài tao còn đoạn trên: Hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong lòng người cô phụ. Tôi cười: -Cậu làm bài thơ này hồi năm nào? -Mới đây. -Mới đây, và mấy năm nay trong nước mình làm gì có cuộc chiến tranh, có ”kẻ chinh phu”, có ”người cô phụ”? Tôi cho rằng việc cậu ghép thêm 3-4 câu đó vào bài thơ của Saramaru để thay đổi đôi chút, nhưng cậu lại lấy trọn vẹn bản chính của Saramaru. Lưu Trọng Lư không cãi nữa, nhưng Nguyễn Xuân Huy cười: -Kết luận: Les grands esprits se rencontrent! (từ ”Nguyễn Vỹ-Văn thi sĩ tiền chiến”, NXB Hội Nhà văn in lại, 1994) TRÂN ĐĂNG KHOA: CÓ PHẢI BÀI THƠ TIẾNG THU, LƯU TRỌNG LƯ SAO CÓP CỦA NƯỚC NGOÀI? Người đầu tiên vu cho Lưu Trọng Lư cái việc làm rất không lấy gì làm đẹp này là ô.Nguyễn Vỹ trong cuốn “Văn thi sĩ tiền chiến”. Cứ như ô.Nguyễn Vỹ thì Tiếng thu chính là bài tanka của thi sĩ Nhật bản nổi tiếng Sarumaru ở thế kỷ VII. Nguyên văn bài tanka thế này: Oku yama ni/ Monoji fumi wake/ Naku shika no/ Koe kiku zo/ Aki wa kanashiki Cũng theo Nguyễn Vỹ, bài thơ này được 2 nhà thơ Pháp dịch sang tiếng Pháp. Bản của Michel Revon in trong cuốn Anthologie des poètes japonais (Ed.Hachette) nguyên văn như sau: Combien triste est l’automne/Quand j’entends la voix/ Du serf qui brame/En foulant et dispersant les feuilles des érables/Dans les profondeurs de la Montagne Mùa thu buồn làm sao/ Khi tôi nghe tiếng/ Của con hươu đực thé lên (rền rĩ, kêu trong mùa giao phối)/ Làm tung tóe và dẫm lên những chiếc lá thích/ Trong những nơi sâu thẳm của núi. Bản dịch thứ 2 là của nhà thơ Karl Petit, in trong cuốn La poésie japonaise (Ed.Seghers) mà theo ô.Nguyễn Vỹ là đã dịch đảo ngược, nhưng lại đúng với nguyên văn bản tiếng Nhật: Aux profondeurs de la Montagne/Ecartant et foulant les feuilles d’érables/Le cerf qui brame/Et à l’entendre ainsi/ Ah! que l’automne m’est lourdement triste! Ở những nơi sâu thẳm của Núi/ Làm tung tóe và dẫm lên những chiếc lá thích/ Con hươu đực thé lên (rền rĩ, kêu trong mùa giao phối)/Và nghe thấy điều đó như thế/ Chao ôi, mùa thu với tôi buồn nặng trĩu. Còn bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư thì nguyên văn như thế này: Em không nghe mùa thu/ Dưới trăng mờ thổn thức/ Em không nghe rạo rực/ Hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong lòng người cô phụ/ Em không nghe rừng thu/Lá thu kêu xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/Đạp trên lá vàng khô. Tất cả là như vậy đấy. Mới hay Tiếng thu của Lưu Trọng Lư và bài tanka Nhật của Sarumaru là 2 tác phẩm hoàn toàn khác nhau. Chúng chẳng có họ hàng gì với nhau cả. Vậy mà suốt nửa thế kỷ nay, người ta cứ a dua nhau, người nọ nói theo người kia, cho rằng Lưu Trọng Lư đã sao chép của nước ngoài. Cái nghi án văn chương rất oan khuất ấy cứ bám riết lấy Lưu Trọng Lư cả cho đến khi ông đã nằm dưới 3 thước đất. Người khảo sát văn bản này, nhà phê bình trẻ Hoàng Xuân Tuyền, dù có giỏi tiếng Nga và biết tiếng Pháp, nhưng để thận trọng hơn, anh đã tìm đến nhà thơ Tế Hanh nhờ thẩm định lại. Tế Hanh rất giỏi tiếng Pháp, ông đã dịch nhiều thơ thế giới qua tiếng Pháp, cũng là người cùng thời với Lưu Trọng Lư. Tế Hanh đã kinh ngạc kêu lên: “Ô lạ nhỉ. Bài thơ này chẳng có liên quan gì đến Tiếng thu. Sao lại đổ vấy cho anh Lư sao cóp?”. Sở dĩ có nghi án ấy là vì Nguyễn Vỹ. Sau khi phê phán Lưu Trọng Lư lấy thơ Nhật bản, Nguyễn Vỹ đã đưa ra bằng cớ là bản dịch của mình, nhưng thực ra Nguyễn Vỹ đâu có dịch, ông lấy luôn bài thơ Tiếng thu tráo vào rồi kêu ầm lên là bắt được kẻ gian, những người nhẹ da, u mê tin theo thì chúng ta chả trách làm gì, nhưng những nhà thơ từng giỏi tiếng Pháp, những nhà phê bình nghiên cứu có tiếng là uyên thâm, cũng tin theo, rồi lẵng nhẵng nói theo, mà cứ nói đi nói lại mãi. Đấy mới thực sự là chuyện lạ ở thời đại bùng nổ thông tin này. (VNQĐ 12/2002) NGUYỄN NAM TRÂN: TIẾNG THU Riêng tặng anh Đinh Văn Thạnh, người bạn chưa quen Một người thân ở Paris, gần đây có viết Mail hỏi tôi xem bài Tiếng Thu (1939) nổi tiếng của Lưu Trọng Lư (1912-1991) có lấy cảm hứng từ một bài thơ xưa của Nhật không? Anh ấy đã đọc ở tờ báo Kỹ Nguyên Mới ở Mỹ cho biết nhà văn Nguyễn Vỹ có lần hỏi bạn ông là Lưu Trọng Lư về điều đó. Lưu Trọng Lư trả lời không là không nhưng Nguyễn Vỹ vẫn chưa hết mối ngờ và đem theo nó vào tận Sài Gòn . Thực tình nếu trí nhớ chưa phản bội tôi thì chính tôi cũng đã có cơ hội đọc điều nầy trong mục Mình Ơi của báo Phổ Thông do cô Diệu Huyền (một biệt hiệu của Nguyễn Vỹ) phụ trách. Báo Phổ Thông thời đó có vài cựu sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản đóng góp khá thường xuyên và được quần chúng, trong số đó có tôi, khá yêu chuộng và lòng mến mộ nước Nhật của tôi cũng bắt nguồn từ đó.Giai thoại Tiếng Thu được kể ra qua cuộc đối thoại giữa Ông Tú và Bà Tú. Ông bà Tú không phải là những nhân vật hư cấu, có chăng là ..cô hàng bán vịt lộn đôi khi xuất hiện trong đó. Bà Tú là nhân vật có thực ngoài đời, em gái ông Vỹ. Ông Trần Tú, chồng bà, gốc ngoài Quảng như ông Vỹ, là một người bạn của cha tôi hồi còn ở Đơn Dương gần Đà Lạt. Một người con của hai ông bà, chị Kim Thoa, là bạn học với tôi năm lớp nhì tiểu học. Theo nội dung của bài báo trên Phổ Thông thì Lưu Trọng Lư có thể đã mượn ý của một bài thơ cổ của người Nhật nhưng qua một bản dịch tiếng Pháp vì ông Lư không biết tiếng Nhật. Tôi bèn suy ra thơ cổ của Nhật Bản thì chỉ có tanka và tập thơ tanka căn bản phải là Kokin Waka-Shuu (Cổ Kim Hòa Ca Tập). Nhân một ngày thứ bảy rỗi việc, tôi mới ra quán sách trong supermarket ở Tôkyô đọc cọp bản của nhà Chuô Kôron và tình cờ có thêm một số ít tin tức về bài tanka liên quan xa gần đến Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư. Trước hết phải nói là những thông tin của Nguyễn Vỹ rất chính xác vì ông có chua âm Nhật của bài thơ bên cạnh bài báo xuất bản ở Mỹ mà người thân của tôi ở Paris đã đọc. Nguyên tác : Okuyama ni (Trong núi sâu) (5) Momiji fumiwake (Đạp lên lá phong đỏ rẽ lối đi) (7) Naku shika no (Của nai kêu) (5) Koe kiku toki zo (Chính là khi nghe tiếng) (7) Aki ga kanashiki (Mùa thu buồn làm sao) (7) Chúng ta đều biết người Nhật thích thể thơ 5 chữ 7 chữ như Việt Nam thích 6,8. Những bài hát Nhật ăn tiền bây giờ cũng theo thể 5,7. Đọc thơ Nhật như bài nầy thì nên đi ngược từ câu cuối thì mới rõ nghĩa. Vâng, bài nầy đã tìm thấy trong phần Thu Ca của tập Kokin Waka Shuu (Cổ Kim Hòa Ca Tập), một tuyển tập thơ quốc âm Tanka (Đoản Ca) của Nhật. Vào đầu thời Hei-an, văn chương chữ Hán chiếm địa vị độc tôn và thơ quốc âm Waka bị đẩy lùi vào bóng tối. Thế nhưng, Waka không vì thế mà mai một hẳn, nó chỉ trở thành một hình thức thơ để tỏ tình cảm riêng tư, sinh hoạt luyến ái nam nữ hay tình tự dân gian. Tập Kokin Waka Shuu (Cổ Kim Hòa Ca Tập) là tập thơ quốc âm đầu tiên đã được soạn để tiến lên vua theo sắc chiếu, còn được lược xưng là Kokin Shuu (Cổ Kim Tập). Do bọn các ông Ki-no-Tsurayuki (Kỷ, Quán Chi), Ki-no-Tomonori (Kỷ, Hữu Trắc), Ôshikôchi-no-Mitsune (Phàm Hà Nội, Cung Hằng), Mibu-no-Tadamine (Nhiệm Sinh, Trung Lĩnh) soạn khoảng năm Engi (Diên Hỷ) thứ 5 (905) theo sắc lệnh của thiên hoàng (thứ 60) Daigô (Đề Hồ, trị vì 897-930). Đây là tập thi tuyển Waka đầu tiên được soạn theo chiếu chỉ và là qui phạm cho những tập soạn theo chiếu chỉ các đời sau.Thi tập nầy gồm 12 quyển, thu thập ước chừng trên 1100 bài thơ, có kèm hai bài tựa (Jo), một viết bằng Kana (tức bài Kanajo) do Ki-no-Tsurayuki và bài kia bằng chữ Hán (Manajo) do Ki-no-Yoshimochi (Kỷ, Thục Vọng) viết. Đặc biệt trong bài tựa viết bằng Kana, không những thuyết về sự hoà điệu giữa cái Tâm và thi Từ mà còn chủ trương về vai trò đối đầu của Waka với thơ chữ Hán, nói lên được ý thức dân tộc của người soạn ra nó. Kokin Waka Shuu chia thành nhiều bộ (bộ lập=budate) tùy theo chủ đề: Xuân (thượng, hạ), Hạ, Thu (thượng, hạ), Đông, Hạ (chúc tụng), Ly Biệt, Ki Lữ (lữ hành), Vật Danh, Luyến (Tình Yêu), Ai Thương, Tạp (thượng, hạ), Tạp Thể (thượng, hạ) Đại Ca Sở Ngự Ca.Về thể điệu, phần lớn là những bài ngắn (Tanka), có một ít bài dài (Chôka hay Naga-uta) và thơ đối đáp (Sedôka). Như đã nói, bài thơ chúng ta đang bàn đến có chép trong phần chủ đề về mùa thu (Thu Ca). Về tác giả, sách cho biết “không biết là ai” nhưng chua thêm ”Trong tập Hyakunin Isshuu (Bách Nhân Nhất Thủ, tức một tập chọn mỗi người nổi tiếng một bài ) thì bảo tác giả là Sarumaru Dayu (Viên Hoàn Đại Phu) một nhân vật truyền thuyết có tên trong 36 nhà thơ thời cổ (Tam Thập Lục Ca Tiên) đã soạn”. Hyakunin Isshuu được nhiều người cho là công trình biên soạn của Fujiwara Sadaie (còn đọc là Teika, tức Đằng Nguyên Định Gia) vào khoảng năm 1235 và thơ dựa trên Hyakunin Shuuka (Bách Nhân Tú Ca) tức thơ hay của trăm nhà mà ông đã chọn để viết trên giấy họa để trang trí dinh thự một vương hầu. Hyakunin Isshu (quen gọi tắt là Hyakuninshu) chọn của 100 tác giả mỗi người một bài thơ và lấy những bài đó ở các thi tập soạn theo sắc chiếu, tính từ Kokin-Waka-Shuu (Cổ Kim Hòa Ca Tập) cho đến Shoku-Gosen-Shuu (Tục-Hậu Tuyển Tập). Những bài thơ trong tập sách nầy đều đặc sắc nên được truyền bá rộng rãi về sau dưới mọi hình thức nghệ thuật. Chẳng hạn vào đầu thời Edo, có trò chơi Utagaruta (Ca Gia Lưu Đa) tức trò chơi “ai nhanh tay” bốc những quân bài ( Uta=thơ ca; karuta = Carte ) có in câu dưới của bài thơ trong Hyakunin Isshu là thắng cuộc. Người Nhật hầu như ai cũng biết bài (tạm gọi là) Thu Ca nầy vì nó có trên một trong 100 quân bài của trò chơi đó. Khi giám khảo ngâm câu trên trong yomifuda tức quân bài để đọc thì phải biết mà bốc quân bài có ghi câu dưới trong torifuda tức là quân để bốc. Đây là một trò chơi tao nhã rất phổ biến trong quần chúng vào dịp Tết nhất cho đến tận giờ. Sách đã dẫn (Kokin Waka Shuu, bản Chuô Kôron) cho rằng câu đầu và câu thứ hai không xác định nai hay là người đạp trên lá (đỏ chứ không phải vàng vì Momiji chữ Hán viết là Hồng Diệp tức là lá màu đỏ của cây phong vào thu). Có lẽ là cá hai nhưng cái mơ hồ đó làm tăng thi vị.Hơn nữa, nai của ông Lư nên thơ hơn vì không kêu để gọi nai cái (hay gọi đàn) như nai Nhật mà chỉ im lặng, ngơ ngác đạp lá vàng khô. Không riêng Lưu Trọng Lư, Huy Cận cũng đã viết: Nai con gót lẩn trong mù, Xuống rừng nẽo thuộc nhìn thu mới về. Nai và mùa thu là một chủ đề thường thấy trong tập Kokin Waka-Shuu nầy nhưng bên Tàu thời ấy (Đường) cũng có những bài thi vị dính líu xa gần với nai và núi vắng như Lộc Sài của Vương Duy : Không sơn bất kiến nhân Đản văn nhân ngữ hưởng Phản cảnh nhập thâm lâm Phục chiếu thanh đài thượng Theo người thân tôi ở Paris cho biết thì sau khi nghe Nguyễn Vỹ « kết tội », Lưu Trọng Lư đã giẫy nẫy lên « Nhưng bài thơ tao còn có chinh phu, cô phụ kia mà » vv…Người bạn Paris cho biết thêm là một thân nhân của ông Lư bảo rằng ông ta làm bài thơ nói trên sau khi xem một bức sơn mài có cảnh nai ở trong rừng. Ngoài ra, theo nguồn tin thân cận khác, nhà phê bình văn học Đặng Tiến nói ông Lư đã chịu ảnh hưởng Thu Thanh Phú của Âu Dương Tu. Điều này làm tôi tự hỏi phải chăng một bài thơ thu rất hay của một nhà thơ triều Nguyễn là Thu Dạ Lữ Hoài Ngâm của cụ Đinh Nhật Thận, còn có thể là gạch nối giữa Âu Dương Tu và Lưu Trọng Lư chăng ? Vẫn người thân của tôi ở Paris lại nhắc đến Chanson d’Automne, một tác phẩm trứ danh của Pháp mà ai cũng nằm lòng từ lúc ngồi trên ghế trường trung học.Thơ viết về mùa thu nhiều lắm. Thế thì, ông Lư sanh sau đẻ muộn nầy lấy cảm hứng ở đâu để viết Tiếng Thu đây ? Khi tôi có dịp may gặp nhà thơ Xuân Diệu ở Paris một vài năm trước khi ông mất và có hỏi : Thế bác viết : Tuổi học trời xa, Huế cũng đi, Mấy bài thơ cũ thật tiên tri. Bạn vàng thuở trước nên ông cả, Gái nhỏ khi nao thoắt dậy thì. Có lấy cảm hứng từ hai câu : Đồng học thiếu niên đa bất tiện Ngũ Lăng cừu mã tự khinh phì không ? (vì Xuân Diệu rất sành thơ Đường: con ông đồ Nghệ, đã viết những bài như Nhị Hồ, đã dịch và vác ba lô đi nói chuyện về thơ Đường khắp nơi) thì được ông trả lời « Không. Có thể đó là cái hồn thơ nho nhỏ của « thằng » Xuân Diệu đã gặp được cái hồn thơ vĩ đại của cụ Đổ Phủ ở chổ nào đó thôi ». Cho nên chuyện ông Lưu Trọng Lư có biết bài thơ Nhật kia không thì không quan trọng. Trước hết ông Lư có đủ tài để làm thơ hay như khi ông viết về mùa hạ : Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời, Lúc người con sống tôi lên mười. Mỗi lần nắng mới gieo ngoài nội, Áo đỏ người đem trước dậu phơi. Hay mùa đông : Em chỉ là người em gái thôi, Người em sầu mộng của muôn đời Tình em như tuyết giăng đầu núi, Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời. thì có gì mà chẳng làm được một bài thơ hay về mùa thu, cũng hay như Vần Thơ Sầu Rụng nói về mùa xuân với “những ngày lạnh rớt gió vèo trong cây”. Cái quan trọng ở đây là ông Lư đã đẻ ra được cái hình ảnh « con nai vàng ngơ ngác ».Nếu ông lấy cảm hứng từ thơ Nhật thì thi nhân Waka nào đó phải còn phải cảm ơn Lưu Trọng Lư nữa, vì dù có mô phỏng cổ nhân, ông đã đưa hồn thơ Nhật Bản đến cho người Việt Nam. Cũng như Nguyễn Khuyến đã đem Thu Hứng của Đổ Phủ vào thơ Việt khéo đến nổi người ta khó lập ra quan hệ “liên văn bản” giữa: Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái (Nguyễn Khuyến) Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ (Đổ Phủ) Phải tinh ý lắm mới nhận ra. Hơn nữa, ông Lư cũng đã đem vào bài thơ nầy một chủ đề mùa thu khác như mùa thu của chờ mong thường thấy trong văn học Trung Hoa, Việt Nam và cả Nhật Bản (rạo rực, chinh phu, cô phụ) như ông đã nói rất đúng. Ngoài ra, cái độc đáo của ông là lối đặt câu hỏi (không nghe?), tiếng động mùa thu (thổn thức, xào xạc) như tiếng thu mà Âu Dương Tu, văn nhân đời Tống đã bắt gặp giữa một đêm mất ngủ trong Thu Thanh Phú, hay linh hồn réo rắt của làn gió thu nghe như tiếng vĩ cầm trong Chanson d’Automne của Paul Verlaine (1844-1896): Les sangots longs Des violons De l’automne Blessent mon coeur D’une langueur monotone… Chưa hết. Tôi nghĩ mùa thu đã nhập vào hồn thơ nhân loại. Thi ca toàn cầu hóa trước khi kinh tế bắt đầu vượt biên giới quốc gia. Mới đây, tôi lại thấy người Trung Quốc dịch bài Waka chủ đề Thu Ca nầy sang tiếng Trung và một giáo sư Nhật Bản dịch thơ Lưu Trọng Lư sang tiếng Nhật. Vậy xin chép lại cả hai bài thơ dịch để quý độc giả thưởng thức. Bài Waka dịch ra tiếng Trung với nhan đề Thâm Sơn Hồng Diệp, Đàn Khả dịch (Nhật Bản Cổ Thi Nhất Bách Thủ (Riben Gushi Yibai Shou) do nhà Xuất Bản Văn Học Ngoại Quốc, Bắc Kinh in năm 1985. Theo Đàn Khả, dựa trên bài tựa bằng chữ Hán của Kokin Shuu do Ki no Yoshimochi (Kỷ Thục Vọng), bài thơ nầy do Ôtomo no Kuronushi (Đại Hữu Hắc Chủ), thi nhân khoảng tiền bán thời Heian (794-1188) viết theo một bài thơ trước đó của Sarumaru Dayu (Viên Hoàn Đại Phu), như đã nói trên, là một nhân vật chưa chắc đã có thực: Thâm sơn hồng diệp mãn địa phiêu Túc đạp hồng diệp lộ điều điều Văn đạo lộc minh thanh ai khổ Bi cảm phong hàn thu khí cao Núi sâu lá đỏ rụng đầy Chân khua xác lá dặm dài về đâu Nai kêu ai oán gieo sầu Hơi thu lạnh buốt tầng cao ngập lòng (Nguyễn Nam Trân dịch) Dịch giả giải thích đây là tâm sự của một người đang ở giữa đường đời, như đứng giữa rừng sâu lá đỏ, dưới trời thu lạnh lẽo, tiền lộ mịt mùng, lạc lõng không biết về đâu.Theo lối dịch nầy, chỉ có người đạp trên lá đỏ và chỉ nghe tiếng nai vọng đến từ xa.Lối dịch thế nầy không trung thành với nguyên tác cho lắm, nhưng xem ra cũng có một thi vị riêng. Ngoài ra, vào một buổi chiều trong thư viện, tôi nhân tò mò đọc vài trang của quyển sách nhan đề Lối Vào Văn Học Đông Nam Á (Tônan-Azia Bungaku no Shôtai, Sei-unsha, Tôkyo, 2001), thấy trong phần thi văn Việt Nam, giáo sư Kawaguchi Ken-ichi đã dịch Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư ra Nhật Ngữ như sau: Urumu tsuki no shita ni Kimi wa kikazuya Susurinaite iru aki wo Ura wakitsuma no kokoro ni Kimi wa kikazuya Senjô ni yukishi otto no omokage e no Yamigataki omoi wo Aki no mori ni Kimi wa kikazuya Samayou shika ga kareba wo fumu Sono kasokeki oto wo (Aki no oto) Tuy bản dịch chưa đạt như ý chúng ta muốn nhưng phải nói ông giáo Nhật nầy là người có trình độ và phải rõ về cả hai nền văn học vì ít nhất ông là giáo sư Việt Ngữ Đại Học Ngoại Ngữ Đông Kinh, chuyên gia văn học. Thế mà chẳng nghe ông gợi ra một câu hỏi nhỏ về khả năng của nguồn cội Waka bài Tiếng Thu khi ông dịch nó qua tiếng nước ông. Điều đó chứng tỏ Lưu Trọng Lư, nói dại là có chịu ảnh hưởng bài Waka chăng nữa, đã thành công vì “che mắt” được cả giáo sư văn chương kia. Để kết luận, tuy phân tích của Nguyễn Vỹ rất cần cho nghiên cứu văn học nhất là văn học đối chiếu nhưng nếu thế, lập luận của ông cần phải có thêm chứng cứ có tính khoa học và khách quan hơn, nhất là khi luận điểm đó đã bị chính tác giả phủ nhận. Riêng ở cương vị một người thưởng thức, tôi lại muốn đồng ý với Xuân Diệu khi họ Ngô viết (lâu ngày quên đích xác thế nào): Ai đi phân tích một làn hương Hay bản cầm ca, Tôi chỉ mơ, tôi chỉ thương, chỉ chuồi theo dòng ảo tưởng Như thuyền ngư phủ lạc trong sương. mà tôi nghĩ thích hợp cho bài Tiếng Thu nầy. Tôkyô, 4/2004, một ngày nắng nhưng nhiều gió.

Nguyễn Nam Trân

Read Full Post »

Older Posts »