Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Tám 26th, 2011

Chình mun

Cá chình thì nhiều nơi có. Đấy là những vùng cửa sông, cửa biển, đầm phá nước lợ, các hồ nuôi tôm dọc bờ biển miền Trung và ở Bình Định, nơi nào chẳng có cá chình. Cá chình thuộc họ nhà lươn, chạch nhưng thân dẹt và lớn hơn nhiều. Có con nặng hàng ký. Riêng chình mun thì chỉ có ở đầm Trà Ổ, cũng gọi là đầm Châu Trúc, thuộc huyện Phù Mỹ. Gọi là chình mun có lẽ vì da nó đen chũi, đen như gỗ mun.

Đầm Trà Ổ rất rộng, đáy đầy rong rêu và không bao giờ cạn nên là nơi các loài thủy sinh phát triển rất phong phú. Chình mun sống ở đây không nhiều nên bắt được nó không phải dễ. Chình lại sống sâu dưới lớp bùn nên càng phải có nhiều cách đánh bắt. Ngư dân Châu Trúc (Mỹ Đức), Chánh Khoan (Mỹ Lợi), các thôn xóm thuộc Mỹ Thắng đánh bắt chình mun bằng giăng câu, đóng đăng, đóng đó lớn, nơm thùng v.v…

Hai ba người ta ngồi trên ghe thuyền, dùng sào chọc, đánh rầm rầm xuống nước. Chình mun cũng như các loài cá khác thấy động thì phóng chạy. Người ta dùng chiếc nơm đan bằng tre, đường kính rộng chừng 1,5 mét chụp xuống bắt. Chình mun cũng dễ mắc câu nếu có mồi ngon như giun, tôm ươn.

Thịt chình mun ngon, thơm, nhiều đạm. Trước đây nhiều, đánh bắt dễ, bà con chở vào TP Hồ Chí Minh bán cho những người Hoa với giá khá đắt. Người Hoa ăn chình mun không bao giờ làm mất lớp nhớt ngoài da chình. Họ cho đó là thức ăn ngon và bổ.

Thông thường, bắt được chình mun, người ta để hơi ươn mới chế biến. Sau khi làm sạch, xắt chình thành từng lát mỏng độ 2 cm, ướp các loại gia vị tiêu, tỏi, ớt và nước mắm nhĩ rồi cho vào kho. Nếu làm món nhậu thì nướng. Cũng có thể um, nấu lẩu lai rai với rượu Bàu Đá hay bia cũng được. Trước kia đánh bắt còn dễ nên muốn ăn chình mun, đến các chợ Bình Dương, chợ Miễu, chợ Châu Trúc quanh khu vực đầm Trà Ổ là mua được. Bây giờ thì khó hơn vì đánh bắt nhiều, chình không kịp sinh đẻ.

Chình mun là một thứ đặc sản cần được bảo tồn. Nếu không, với kiểu khai thác “tận diệt” như hiện nay thì một ngày không xa, chình mun sẽ biến mất khỏi danh sách các loài thủy sản vùng nước lợ.

Nguồn baobinhdinh.com

. Nguyễn Văn Chương

Read Full Post »

Cuộc sống không cùng

 

Truyện Ngắn

Trần Minh Nguyệt

Ông Thịnh chống tay, nhích người nhỏm dậy liếc nhìn đồng hồ ở trên tường, đã hơn hai giờ sáng rồi – vậy là chỉ còn ba tiếng đồng hồ nữa thôi là một ngày mới lại bắt đầu. Trước khi vợ ông – bà Lan, bị bệnh ung thư phổi đi dần vào giai đoạn cuối, ông không bao giờ nghĩ rằng đêm lại dài đến thế. Nó dài dằng dặc, như vô tận, triền miên – bóng tối và sự tĩnh lặng của trời đêm càng làm cho lòng ông trở nên cô độc, và sợ hãi hơn bao giờ hết. Ông cố tình dỗ giấc ngủ, nhưng chỉ có những giấc ngủ ngắn ngủi nặng nề chợt đến chợt đi với ông mà thôi. Tiếng ho khan và kéo dài như xé tung buồng phổi của bà Lan là tiếng động duy nhất mà ông nghe được những lúc như thế này…

 

Bà Lan thời sinh viên là hoa khôi của trường Đại học Kinh tế, còn ông là chàng sinh viên Bách Khoa năng nổ, học giỏi, đàn hay và có tài giao tiếp. Hai người yêu nhau và quyết định đến với nhau không bị bất kì một sự cản trở nào. Tình Yêu đến với họ thật nhẹ nhàng, trơn láng, như cùng bước đi trên thảm hoa. Gia đình hai bên đều giàu có, cộng thêm vợ chồng ông biết cách làm ăn khoa học và thận trọng, khôn khéo – nên chẳng mấy chốc ông bà  đã có một tài sản kếch xù mà ai cũng mơ ước.

Dòng đời giống nước sông có khi hiền hòa chảy xuôi vào biển khơi, mà cũng có lúc cuồn cuộn, hung dữ như dòng nước lũ tàn phá, cuốn trôi theo mọi thứ. Dòng đời của ông bà Thịnh cũng na ná như thế: Cưới nhau đã tám năm mà không sinh được con, cả hai vợ chồng đều phải vào bệnh viện Từ Dũ xin khám nghiệm. Kết quả : ông Thịnh mạnh khỏe là vậy mà lại bị măc phải bệnh “ Vô sinh “. Bác sĩ bảo ông bị bệnh tự miễn dịch: “Các kháng thể của hệ miễn dịch tấn công những tế bào bình thường của cơ thể; những kháng thể này làm yếu hay vô hiệu hóa tinh trùng.”. Tuy vậy, ông Thịnh vẫn luôn nghe ngóng tìm thầy chạy chữa, kể cả những cách chữa tri dân gian, gia truyền được quảng cáo hay người thân giới thiệu dù phải ra tận Hà nội, biên giới Việt Trung hay bay qua Thái lan. Tất cả đều “ tiền mất mà bệnh vẫn còn mang” . Và, sau nhiều lần thụ tinh nhân tạo không thành công, ông, bà không còn hi vọng gì có con nữa.

Nhiều lần ông đề nghị bà Lan chia tay, không muốn bà vì ông mà phải chịu buồn khổ suốt đời.Ông  cảm thấy sợ hãi ánh mắt thèm khát của bà khi nhìn những đứa bé con của người khác. Những lần như vậy, bà giận dỗi, hờn khóc và không nói chuyện với ông cả tuần.  Đã có lần bà Lan đã hỏi thẳng trước lời đề nghị xa nhau của ông Thịnh : “ Nếu không phải là anh vô sinh, mà là em, anh có bỏ em để đi tìm hạnh phúc khác không?. Số vợ chồng ta vậy, mình phải chịu chứ, hay là anh không còn thương em nữa rồi? Hà tất có con mới được sống hạnh phúc sao? ”.

Ông xoay qua đề nghị bà xin con nuôi, bà cũng nhất định không chấp nhận. Có lẽ vì bà bị ảnh hưởng khi nhìn thấy hai người con nuôi hung dữ của người cô ruột .( Sau khi dượng mất, chúng ăn chơi, bài bạc rồi nợ nần chồng chất. Tài sản trong nhà bị chúng đem đi sạch, kể cả ngôi nhà che nắng che mưa chúng cũng lập mưu bày kế bán đi nốt. Rồi một đứa phải vào tù, một đứa đi biệt không biết đi đâu? . Người cô ruột đành phải về nương náu với  cha, mẹ của bà và suốt đời chỉ biết khóc than cho số phận…)

Ngôi nhà rộng thênh của ông Thịnh ở trung tâm Quận Nhất chỉ có hai vợ chồng, với người giúp việc – không có một tiếng cười đùa của trẻ con – nhưng suốt ngày ngoài đường người người  nhộn nhịp, tiếng nói cười, xe cộ ầm ầm tới khuya, nên ông bà không có dịp thấy được nỗi cô đơn  và trống vắng đang hiện hữu bên đời mình . Nhiều lúc, họ cảm thấy rất thoải mái, an bình sau những giờ làm việc căng thẳng ở công ty trong ngôi nhà sang trọng đầy đủ tiện nghi hiện đại này . Ngôi nhà được thiết kế rất mỹ thuật và thơ mộng. Đó là sự kết hợp  giữa nét rêu phong, cổ kính ở bên ngoài với nội thất tinh tế ở bên trong đậm nét Á Đông. Có cây cảnh, hồ bơi ở sân thượng, và những bể cá được xây trong nhà, với những con cá vàng đỏ xanh đủ màu tung tăng vô tư bơi lượn.  Vợ chồng ông Thịnh đã sống rất đầm ấm, hạnh phúc. trong ngôi nhà thân yêu của mình. Ngày tháng vẫn trôi qua…

 

Rồi một ngày cách đây gần một năm, bà Lan tự dưng thường bi cơn ho làm đau tức ở ngực. Uống thuốc không giảm bớt, mà ngày càng ho nhiều. Người gầy dần cùng lúc làn da cứ tái nhợt đi. Khám ở phòng mạch tư của nhiều bác sĩ nổi tiếng, uống thuốc cà tuần lễ mà chứng ho kèm sốt nhẹ của bà vẫn không khỏi mà ngày càng trầm trọng hơn.

          Ông Thịnh đưa bà đến bênh viện Chợ Rẩy xin khám tổng quát, hy vọng sẽ chữa trị dứt được bệnh nhanh chóng. Sau  khi siêu âm, xét nghiệm và chụp phim, các Bác sĩ chuyên ngành đã hội chẩn và đưa ra kết luận: Bà Lan đã bị ung thư phổi giai đoạn ba, giai đoạn “U phổi  lan đến những cơ quan gần kề, lồng ngực, cơ hoành, các mạch lớn và các u huyết cùng phía hoặc đối diện với khối u.”.

Từ khi biết mình đang đối diện gần kề với cái chết, bà Lan trở nên hoảng loạn – bà khóc lóc, bỏ ăn và mất ngủ cả đêm. Nhưng rồi những ngày bị áp lực khó khăn nhất đó cũng dần đi qua – bà trở nên quen dần với hai chữ ” ung thư”, và đôi lúc cảm thấy mình chẳng có bệnh tật gì cả.  Bà hiểu là bà đang sống chung và đang chiến đấu với nó. Bà vẫn gắng giữ sinh hoạt bình thường, thản nhiên nói cười vui vẻ để an ủi chồng, để  giảm bớt đi nỗi buồn lo đang đè nặng lên người  thân yêu nhất còn lại của đời bà. Cùng lúc, bà cũng cảm nhận được rằng, chính những giây phút hiện tại được gần kề bên chồng. thật là quý báu biết bao! Chưa bao giờ bà có được cảm giác yêu thương tràn đầy và quý báu đến thế vào mỗi sớm mai thức dậy nhìn thấy được mặt chồng…

 

Tôi là một người bạn thân của gia đình anh, chị Thịnh. Trước kia, cứ vào những ngày cuối tuần là chúng tôi tổ chức đi chơi, đi ăn uống, hát hò cùng nhau. Lúc chị đau không thể đi ra ngoài được nữa, nhà anh chị trở nên vắng vẻ.  Vào những ngày được nghỉ, tôi hay rủ đám bạn tới thăm anh chị và tổ chức những cuộc ca hát, hay đánh bài, chơi cờ vua, nấu ăn cho vui suốt buổi. Có lần chị Lan đã nói : “ Những lúc chị đau đớn, thậm chí đau nhiều đi nữa, nhưng nhìn thấy em và các bạn vui đùa, chị cũng đỡ đau nhiều lắm, Em và các bạn như tiếp thêm sức mạnh cho chị đó”. Nghe chị nói mà lòng tôi bổng ngậm ngùi, thương cảm.

Một buổi sáng chủ nhật, đang ngồi chuyện vãn với anh chị, thì điện thoại của tôi reo lên – đó là số điện thoại của cô em gái. Cô ấy  chẳng phải là em ruột, nhưng tôi luôn xem cô ấy như là một người em  ruột thịt. Cô ấy ốm đau từ nhỏ, và dường như bị chứng bệnh trầm cảm –  sống khép mình, ít tiếp xúc với ai. Không biết ngày nay cô em tôi có chuyện gì, mà nhắn tin than buồn, đòi chết đòi sống như vậy?

Tiếng cô em ở đầu dây bên kia: “ Anh ơi! Ngày nay em buồn quá, em sống không có mục đích, một cuộc sống vô dụng, em muốn chết đi cho xong. Vì chết đi là chấm dứt hết nỗi đau ở đời rồi phải không anh? ”. Tôi cảm thấy hơi khó chịu một chút, nhưng cũng nhẹ nhàng trả lời : “ Sao vậy em? Có chuyện gì vậy? Sao em bảo mình vô dụng chứ? Em là một kỉ sư giỏi, có công ăn việc làm ổn định và được mọi người yêu mến vậy mà ! ”. Tiếng cô em vẫn rền rĩ: “ Nhưng em đau nhiều quá, em rất mệt anh ơi, sống như thế này mà sống làm gì chứ anh? ”. Tôi biết  dù có nói gì lúc này thì cô em cũng không nghe, cách tốt nhất là để cô ấy bình tâm lại, nên tôi kiếm cớ cắt máy: “ Em ơi! Bây giờ anh đang phải tiếp chuyện với khách hàng – có chút việc đột xuất, tý nữa anh sẽ gọi lại cho em nhé !”.

Chị Lan ngồi yên lặng lắng nghe cuộc nói chuyện của anh, em chúng tôi. Thấy không cần thiết phải giấu chị, tôi kể với chị mọi chuyện mà tôi biết về cô em của mình. Suy nghĩ một lúc – chị nói nhỏ: “ Cô ấy cũng tội quá phải không em? Kiếp người không có ai là may mắn  hoàn toàn hết. Em gọi điện để chị nói chuyện với cô ấy được không? Chị nghĩ mình sẽ an ủi, chia sẻ được những nỗi đau của cô ấy ”. Tôi cảm thấy ngạc nhiên, nhưng chìu ý chị, cũng bấm máy gọi ….

Chị tự giới thiệu về mình và nói chuyện với em gái tôi khá lâu, rất tâm đắc – chị bảo : “ Cuộc sống này đáng quý biết bao nhiêu, em không nên bỏ cuộc khi em vẫn còn hơi thở, còn nhịp đập của con tim, không có gì là hoàn toàn bế tắc, sự việc chỉ thật sự trở nên bế tắc khi em thôi không cố gắng nữa. Đừng làm như vậy em nhé”. Ngừng lại một lát để ho và để thở, chị lại thều thào  : ” Chị hiện giờ chỉ có hai điều ước mơ, em có biết đó là gì không? “ Không biết em tôi trả lời thế nào, nhưng chị khẽ khàng nói với em mà cũng như nói với chính mình vậy : “ Chị mơ ước sống thêm hai năm nữa, năm nay chị đã 48 tuổi rồi, chỉ cần đạt đến tuổi “ Tri thiên mệnh” thôi em à. Còn mơ ước thứ hai là đó là :  Chị ước một ngày không có ho, cơ thể không bị cắn xé, quằn quại bỡi cơn ho, và chồng chị cũng không buồn và mất ngủ vì những cơn ho của chị nữa!”.  Tôi là một người quen nghề kinh doanh, luôn giấu đi cảm xúc thật của mình, luôn giữ vẻ trầm tĩnh trên nét mặt; vậy mà tôi phải quay đi để giấu đôi mắt đang đỏ hoe và rưng rưng của mình vì xúc động. Hai mơ ước đó, đối với mọi người, và ngay cả em gái tôi cũng rất đỗi bình thường – có gì đâu, nó rất nhỏ nhoi với mọi người, mà cũng là một ước mơ khó đạt dược mà chị Lan đang ngày đêm hy vọng….

Sáng nay, khi tôi đang ngồi uống cà phê cùng đám bạn thời phổ thông ở góc dường Phạm Ngọc Thạch, thì anh Thịnh gọi điện bảo tôi đến chơi, và dọn nhà giúp anh chị. Đến chơi là chuyện thường rồi, còn dọn nhà, sao phải dọn chứ?  Nhà cửa bề thế, khang trang vậy không ở -mà phải dọn đi đâu khi chị bị bệnh như thế này nhỉ?. Vội vã đến nơi, tôi thấy hai anh chị ngồi ở trên giường xếp đồ bỏ vào va li. Không để cho tôi ngạc nhiên lâu, anh cười buồn, giọng phân trần :“ Sống ở ngôi biệt thự rộng lớn này buồn quá em ơi, chị em muốn về sống ở nơi nào có tiếng cười nói của mọi người, đi ra – đi vào gặp mặt nhau… Chị muốn hàng ngày có thể nghe những âm thanh chát chúa của đời thường. Trước kia anh, chị thiết kế ngôi nhà này để tìm sự yên tĩnh sau những ngày làm việc kiếm tiền, mà giờ đây anh chị lại đâm ra sợ sự yên tĩnh em thấy có nực cười không?.” Anh cho biết, sẽ dọn đến ở ngôi nhà chung cư Thịnh Phát vừa mới mua, nhà 48 m2, như vậy là đủ với anh chị rồi. Liếc nhìn chị – anh trầm giọng: “ Anh rất sợ tiếng ho của chị hàng đêm, tiếng ho như xé lồng ngực của cô ấy làm cho ruột, gan anh cứ bồn chồn. Mà em biết đấy, cô ấy ho liên tục, thuốc uống không còn có tác dụng nhiều nữa, ho xong là cô ấy dường như ngất xỉu trên tay anh, anh không chịu nỗi em ơi”. Tôi  thật sự bàng hoàng, cũng không biết phải khuyên anh chị điều gì cho phải nữa. Đành hỏi một câu không ăn nhập vào đâu : “ Anh, chị dọn đi rồi, nhà này đóng cửa sao? ”. Anh vừa lấy thuốc cho chị uống, vừa nói : “ Đành vậy chứ biết sao hả em?  Lâu lâu  anh chạy về coi ngó thôi . Chị em lại không muốn cho ai thuê mướn gì cả!  ”.

Tôi thoáng nghĩ:  Không biết về ở nơi mới đó, anh chị có được thoải mái, yên lành hơn không? Chị có giảm bớt những cơn ho quằn quại đau đớn đã bao đêm hành hạ chị không? Nhưng tôi lại nghĩ : “ Niềm tin là một sức mạnh có thể biến chuyển điều không thể thành điều có thể trong đời người như một phép mầu! ”.  Tự nhiên, tôi nhớ đến hai điều ước mơ của chị đã tâm sự vối cô em tôi hôm nào – hi vọng chị sẽ thực hiện được hai điều ước mơ bình thường ấy cho đời mình…

Và khi rời nhà chị quay về, tôi cũng nhận ra thêm một điều rằng, trong cuộc sống –  có nhiều điều chúng ta không thể nào làm theo ý muốn của mình, vì nó ở ngoài tầm tay hữu hạn của ta. Nhưng chúng ta không được buông xuôi tất cả mà hãy dùng hai tay nắm chặt lấy những gì mà chúng ta còn có thể vươn tới, nắm được ở đây – ngay lúc này!. Hãy tự tin để tiến lên phía trước – dù con đường phía trước có ngổn ngang chông gai, trắc trở – đó cũng là con đường duy nhất mà chúng ta phải bước tới để sống cho chính mình  hôm nay và cho mọi người ngày mai…

 

Read Full Post »

Ngơ ngẩn chiều

Cao Hữu Hùng

Em  đến rộn ràng,

Rồi vội vã em lại đi!

Bỏ lại tôi,

Với thoảng hương em,

Và nỗi ngơ ngẩn lạ lùng!

Ngơ ngẩn sớm mai tiếng chào ngày mới,

Ngơ ngẩn trưa vệt nắng sân trường xưa,

Ngơ ngẩn chiều dáng người cũ xa xăm,

Tôi sợ nhất những đêm dài ngơ ngẩn,

Ngỡ rằng chỉ còn tôi một mình với hư không…

..

Mong em còn đó!

Em còn đó!

Gom hộ tôi nổi ngơ ngẩn khờ khạo,

Thổi lên trời cho gió cuốn bay đi!

..

Ơi em!

Xứ Nẫu..

Sao tôi cứ mãi ngẩn ngơ em?

Read Full Post »