Ngô Đình Hải
Cái gì cũng có lý do của nó. Nếu như mấy tháng trước, tôi không có chút hiểu lầm với một tay giang hồ ở bến xe Long Xuyên. Và nếu như tôi không phải giải thích… nặng tay với hắn, để cuối cùng một thằng vô bịnh viện, còn một thằng phải bỏ xứ, bỏ tài, lặn một hơi về Sài Gòn lánh nạn, thì đâu có gì để nói. Ở thành phố, nhờ bạn bè chạy chung thương, nhà xe cũng biết điều, lâu lâu xe lên ghé cho chút đỉnh tiền sống qua ngày. Nằm không, lớp buồn, lớp nhớ nghề, tôi lần mò hỏi thăm lung tung. May sao gặp Tâm già, anh trước chạy xe tải, hồi mới ra nghề tôi có đi lơ cho anh một thời gian, giờ lớn tuổi nên anh an phận với chiếc Bentley Mulsanne đưa đón chị Ba. Gặp tôi, anh lôi về ôm chiếc Mer. S500 của anh Ba thay cho tay tài xế cũ mới bị đuổi. Sợ tôi không quen, rồi nản, anh nói trước: “ Anh biết chú quen cơm đường cháo chợ, nhưng chạy xe nhà nó khác, giờ giấc, sinh hoạt của chủ là của mình, phải nhẫn nhục, chịu đựng, sống qua ngày, ở đây chủ nuôi ăn, tới tháng lãnh lương, xe ai nấy chạy, anh với chú không ai đỡ cho ai được đâu. Coi vậy chớ nhà giàu họ thương tiền lắm. Họ bỏ đồng bạc nào ra là đáng đồng đó, nhắm kham nỗi không?…”
Tôi ừ tuốt, có việc làm là tốt rồi, xe nào cũng xe, cũng để chạy, bịnh gì mà cữ. Vậy là tôi chính thức chui vô sống ở một cái thế giới khác, hoàn toàn mới lạ với mình. Có tôi, Tâm già bán cái luôn chuyện lau chùi, coi sóc chiếc Porsche Pa.4S nhỏ xíu của vợ chồng cô con gái lớn ở Mỹ, và chiếc mô tô Ducati 899 của cậu út đang cai nghiện ở Singapore . Mấy chuyện này nhẹ tưng, tôi gánh giùm Tâm già cho anh có dư ít thời giờ lo cho vợ con, cũng được thôi.
Ở hơn tháng, dù không cố tình, tôi cũng biết đôi chút về những con người trong căn nhà này. Ba Lờ không phải là tên cúng cơm của anh, chỉ là do giới kinh doanh địa ốc đặt ra. Kêu riết thành chết tên. Họ nói anh nhờ ba cái Lờ này mà thành danh. Ba Lờ giàu có cỡ nào thì Trời Đất biết, ngay tới anh nhiều lúc còn làm biếng nhớ coi mình có hết thảy bao nhiêu tiền, thì thiên hạ thắc mắc làm gì cho mệt óc. Trong ba cái Lờ, Lì và Liều thì anh có dư, còn cái Lờ thứ ba thì lại bắt nguồn từ một chuyện khác xưa lắc:
“ Hồi đó, ở miệt Trà Ôn, người ta nói ngó lên trời là gặp nhà Tư Thiên, tiền của và thế lực miễn bàn, còn ngó xuống đất vạch cỏ kiếm, là thấy chòi Ba Lờ. Nghèo, nhưng Ba Lờ được cái mã to con, đẹp trai như kép hát. Tới tuổi đi lính, nhờ con một, cha chết trận, còn mẹ già, nên được hoãn dịch gia cảnh, ở yên tại chỗ cà nhỏng, khỏe re. Nhà Tư Thiên có cô con gái rượu, mới 16, học hành tử tế, không hiểu Trời xui Đất khiến sao mà cái chòi Ba Lờ lại leo được lên bụng con gái nhà Tư Thiên mà nằm. Leo kiểu này là điểm ngay tử huyệt Tư Thiên rồi còn gì. Dân tình đồn ầm ỉ. Tư Thiên nổi điên, lên tiếng với anh em, bè bạn. Ngay lập tức, Ba Lờ ôm tội “dụ dỗ gái vị thành niên”, từ giã mẹ, đi gỡ lịch…Ngặt cái Ba Lờ vô trong ấp ngồi, ở ngoài này cô con gái Tư Thiên chịu không thấu, đòi tự vận tới tấp, đối đế ở nhà đành phải lo ngược cho Ba Lờ ra đặng có mà gả cho rồi…Sau năm 75, Tư Thiên thất thế, lo kiếm đường vượt biên, nhà cửa, đất đai , ruộng vườn, của nả, đương nhiên chạy qua tay vợ chồng Ba Lờ.
Chị Ba lờ thì tôi ít biết hơn, nếu không muốn nói là bù trớt. Chị đi tỉnh liên miên, nghe Tâm già nói tỉnh nào cũng có đất đai của chị, tới đồn điền cao su mà chị còn có hai ba cái. Thân hình đẫy đà, nhưng coi chị còn nhanh nhẹn và trẻ hơn cái tuổi 60 rất nhiều. Có đứa xấu miệng đồn hồi mới lên Sài Gòn làm ăn, chị Ba Lờ mang cái vốn tự có của mình đi ngoại giao khắp nơi, để gầy dựng cơ nghiệp. Ba Lờ nín thinh, coi như không biết, mà có biết thì làm gì nhau, mọi thứ của Ba Lờ đều ở đó mà ra, chôn thương trường dạy chị Ba mọc nanh, đâu còn là cô thôn nữ dễ dụ ngày nào, lên tiếng tầm bậy, có ngày về quê chăn vịt gấp!
Không tính hai đứa con đang ở nước ngoài, lâu lâu gọi về. Còn lại là ông Bẩy quản gia, hồi trẻ đi lính, bị thương thành cà thọt, cái đầu cũng không được bình thường, ở quê sống với mấy công ruộng không chịu, lên Sài Gòn…ở đợ chơi! Rồi Bà Tư nấu ăn, bà này già, khó tính, còn chảnh nên tôi ít nói chuyện. Tới con Mén, dưới quê nhà nó mười mấy mạng lớn nhỏ ở đậu trên đất chị Ba, làm mướn theo thời vụ không đủ ăn, phải gửi mỗi đứa con một nơi, con Mén lên ở cho chị Ba để sai vặt. Cuối cùng là Tâm già và tôi. Có chừng đó con người ta mà chuyện ai nấy làm, hồn ai nấy giữ. Ít thấy ai thân với ai.
Dân trong nghề gọi mấy chiếc xe nhà của chủ là xe mồ côi. Lái xe mồ côi là chấp nhận cái đơn điệu và nhàm chán sẵn có. Ngày lại ngày đều đặn. Sáng tới, chờ. Đi giao dịch, chờ. Tới nhà hàng, chờ. Khách sạn, chờ. Đi chỗ nào cũng chờ, tôi đốt thời gian của mình chỉ để ngồi chờ, nó làm tôi bực bội nhiều hơn là thấy mình nhàn hạ. Nó khác xa với những ngày tháng cũ, những con đường ngược xuôi, nhiều rủi ro và nguy hiểm nhưng tôi chịu. Ở đó những con người tôi gặp, cũ có, mới có, mỗi người là một phận đời. Năm sáu chục con người ta trên một chiếc xe luôn ồn ào, náo nhiệt, luôn háo hức và chờ đợi. Ở đó tôi có bạn có bè, có cười khóc, có hy vọng và mơ ước.Ở đây, tôi lủi thủi tối ngày với chiếc xe, tôi như lọt thỏm vào trong một cái hố rộng mênh mông và sâu thăm thẳm chứa đầy những thứ thừa mứa của người khác…
Sáng nay chị Ba lên Đà Lạt coi đất, mai mới về, tôi chở anh Ba vô sân golf Sông Bé về tới nhà thì đã quá trưa. Dẹp xe xong, tôi lò mò xuống bếp kiếm cơm, bụng cũng muốn gặp con Mén, ghẹo bậy mấy câu đỡ buồn. Nghe nói hồi mới lên nó nhỏ xíu, ở trên này có mấy năm mà giờ lớn bộn. Thấy tôi, con Mén trừng mắt một cái rồi quay đi, tôi chọc: “thôi khỏi lấy, mới ăn tô phở rồi” , nó lại trừng mắt tiếp cái nữa, rồi mang cái chén nhỏ trong tủ lạnh ra, đặt lên bàn trước mặt tôi: “ăn đi, yến đó, bổ lắm”. Sực nhớ chiều hôm qua nhà có tiệc, đồ ăn nhà hàng nấu mang lại, tôi với Tâm già không chạy, được cho về sớm. Tôi hỏi: “dư hả” Nó gật, rồi ngó ra chỗ khác nói trỏng: “tui gom mấy chén người ta ăn hỗng hết lại để dành, ăn đi cho biết, nhà giàu mới có” Tôi vẩy tay: “Khỏi! Tui mạnh như trâu, đâu cần mấy thứ này, cất đi chiều ăn” Con nhỏ lại trừng mắt, tưởng nó sắp la làng, ai dè nó cúi đầu rơm rớm nước mắt, người đâu mà…mít ướt, tôi lật đật cầm cái chén, húp mấy hơi sạch nhách, nó chỉ đợi có vậy: “ngon hông?” Tôi cười: “ không ngon, lạt và tanh tanh, khó ăn lắm, ăn không quen, hèn gì nghèo hoài” Con Mén cười theo. Không hiểu sao, hồi này, tôi khoái chọc cho con Mén cười, mà thấy cái miệng nó cười là y như rằng tôi không còn nhớ được chuyện gì ráo…Đồ ăn dư của bữa tiệc ê hề, nhưng ý như con Mén ngán bà Tư bếp, nên dọn ra cầm chừng. Ăn xong, tôi nháy nháy mắt với nó: “ tui đi uống cà phê, anh Ba dậy, qua quán kêu giùm”.
Từ quán cà phê, ngó qua nhà anh Ba bên kia đường chỉ thấy có hai cái cổng sắt dầy cui, còn lại là mấy bức tường cao nghều, lởm chởm miểng chai. Quán trưa vắng khách, có tay cò nhà quen mặt, thấy tôi ngoắc ngoắc. Tôi sà xuống kéo ghế, trên bàn hộp cơm đã ăn hết, ly cà phê đá còn toàn nước trà, tay này chắc ngồi đồng đã lâu. Tôi đốt điếu thuốc, lên tiếng trước: “Phục kích kỷ nghen” Hắn cười: “ Thì vậy, giờ này đâu a- lô được, tuồng thơm mà, phải đợi thôi, biết rồi con hỏi”
Cái này thì đi hoài với anh Ba tôi biết. Nhà vi-la, nhà lớn khu đắt địa toàn giá trên mây, tuy ở thành phố này nhiều không đếm hết, nhưng kiếm được người bán đã khó mà kiếm người mua còn khó hơn, đâu dễ có tay mua bán nhà nào cũng sẵn vài ngàn lượng vàng, dù là vàng vay ngân hàng. Anh Ba Lờ là một trong số hiếm hoi đó. Làm cò lâu ngày là phải biết gõ trúng cửa mới có ăn.
Hắn gọi cho tôi ly cà phê đá rồi tâm sự: “ ông thấy đó, như anh Ba, không muốn làm, trưa tắt máy nghỉ, vẫn có thằng chờ mang tiền tới như tui. Tiền đẻ ra tiền, không muốn đẻ nó cũng cứ đẻ, mà không chừng còn đẻ ra nhiều thứ nữa. Tiền nó đi kiếm mình, chứ mình kiếm nó gian nan lắm. Tiền nó có chân, nhưng nó toàn nịnh nhà giàu không ông ơi! Chắc tại ở đó đông vui, chứ chui vô mấy chỗ như tụi mình, lẽ loi lắm, nằm chưa ấm túi là kiếm đường đua mất rồi. Phải chi tôi có được cái nghề như ông, đi đâu cũng ngồi xe máy lạnh, tà tà sống khỏe…”
Tôi bật cười với cách nói chuyện của hắn, nghe cũng có lý, hèn gì làm cò phải rồi: “nghề chọn người chứ người chọn nghề hồi nào, ông ơi! Có nghề là có nghiệp, nuôi chó mới thấy ve! Cái nghề “chân trong chân ngoài” này, lái xe nhà cũng như đi… “ở tù thế” cho chủ, sướng ích gì! Đời tài xế nó tròn vo như cái “vô-lăng”, quẹo tới quẹo lui cỡ nào, thì tới chừng buông tay nó cũng trả về chỗ cũ thôi”. Hắn cười hì hì: “ ừa, coi như Trời cho ai nấy hưởng đi hé!”.
Quán càng lúc càng nóng và ngột ngạt, tám với hắn một hồi, tôi cám ơn ly cà phê rồi trở vô nhà. Vẫn còn sớm. Anh Ba đang nghỉ trưa. Thường thì tắt nắng anh mới ra đường. Tôi lôi chiếc ghế xếp ra kiếm chỗ có bóng cây, phê một giấc, biết đâu tối nay phải thức khuya. Chừng tới giờ anh Ba tiếp mấy tay cò lái, con Mén ra mở cổng, đi ngang tôi nó đá cái ghế nghe cạch cạch để đánh thức. Tôi thức rồi nhưng cố tình nằm im. Con nhỏ cúi xuống ngó. Bất ngờ tôi á một tiếng lớn, rồi đứng bật dậy. Con Mén té vô người tôi gọn lỏn. Con nhỏ lụi đụi làm tối ngày mà người thơm ghê. Tôi tính ôm nó cho khỏi té, lại sợ anh Ba thấy, nên đứng suội lơ. Con nhỏ trừng mắt, không biết nó có cái tật này hay chỉ trừng với tôi. Mặt đỏ bừng, nó lấy tay chỉ chỉ vô mặt tôi rồi đi tuốt. Tôi ráng nín, đợi nó đi khỏi mới dám cười một mình. Chắc chắn ngày mai nó cho tôi ăn cơm, thứ gì cũng có ớt!
Tiếp khách xong, anh Ba vừa lên xe, vừa điện thoại. Chạy lòng vòng một chập, anh mới nói tên đường. Tôi ghé qua, đón một em có hẹn trước, em này tôi thấy mặt trong chương trình ca nhạc trên ti-vi mấy lần. Rồi chạy thẳng lên Biên Hòa. Anh Ba với em ngồi sau rù rì, tôi tỉnh bơ lo chuyện của mình. Không biết anh Ba làm gì mà bất ngờ em cười rú lên: “lộn địa chỉ rồi, bỏ tay ra, dưới này là để đựng đô-la, tiền đồng chỉ được phép để ở trên này thôi!” Tôi liếc qua kiếng chiếu hậu, một bên áo em tuột xuống, ở giữa đầu vú và chiếc áo ngực còn kẹt phất phơ mấy tờ giấy năm trăm ngàn và cái mặt anh Ba đang áp gần sát vào đó!
Từ Biên Hòa tôi về tới nhà gần 2g sáng. Con Mén mắt nhắm mắt mở, quần áo xộc xệch ra mở cổng, rồi quay quả đi vào, ánh đèn xe rọi lên hai cái mông của nó đong đưa, tôi giật mình, chỉ có đàn bà mới đi kiểu đó, con này mà không có bàn tay anh Ba thò vô thì đập chết tôi, tôi cũng chịu! Tự nhiên tôi thấy xót và thương nó quá chừng…
Chiếc Bentley đi Đà Lạt về trục trặc sao đó, tôi với Tâm già đang lau xe như mọi ngày, thì chị Ba tới sau lưng: “ chú Tâm sáng nay mang xe bỏ cho “ga-ra” coi lại, rồi về đi với anh Ba. Còn chú, giao chiếc này lại cho chú Tâm, rồi lấy đỡ chiếc Porsche đi Tây Ninh với chị”. Chi Ba lịnh rồi, ai cải? Tôi ngó qua Tâm già, mừng cho anh, mang xe đi sửa, khéo thì cũng kiếm được chút cháo.
Nói tiếng đi Tây Ninh, thiệt ra là đi lên cửa khẩu Mộc Bài, tôi thì chưa, chứ Tâm già đi với chị Ba miết, cứ vài bữa rảnh, chị lại qua mấy sòng bài bên Campuchia giải trí. Tâm già ngán lắm, đậu xe ở biên giới, nắng chang chang, không biết đi đâu, không biết làm gì cho hết ngày, không lẽ ngủ hoài.
Tôi chạy mà chuẩn bị tinh thần như vậy. Ai dè tới nơi chị Ba nói: “ chú qua với chị”. Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng không hỏi. Đậu xe xong, tôi theo chị Ba vào quán cà phê gần bên, chị đưa hộ chiếu nhờ khai giùm cho một tay rồi nói gì đó, hắn a-lô, một chiếc Honda ôm chạy tới. Tôi nhìn chị Ba, chị gật đầu, tôi lẵng lặng leo lên xe.
Tay xe ôm chở tôi qua con đường đất gồ ghề, hai bên đường toàn cỏ cháy, những chiếc xe Honda chở đôi, chở ba nối tiếp nhau, người đông như đi chợ, bụi mù trời, con đường lậu qua biên giới không thấy bóng dáng của viên cảnh sát nào. Đã được dặn trước, hắn chở thẳng tôi tới trước cửa một sòng bài, có em lưu linh đón sẵn, lần này là con gái, cũng không hỏi han nhiều ngoài cái tên chị Ba Lờ, em dắt tôi vào.
Bên trong mát rượi, khác hẳn với cái nóng và bụi biên giới bên ngoài. Theo tay em, tôi thấy chị Ba đã ngồi ở một bàn cùng vài người nữa, chị đi đường chính nên tới trước, mấy chồng phỉnh bằng nhựa đủ màu trước mặt. Hai mắt chị dính chặt vào lá bài trên tay. Em lưu linh nói “sòng đó sì-dách” Rồi chỉ qua hướng khác: “bên đó là quầy ăn uống miễn phí ”. Tôi đợi chị Ba ngẩng đầu lên, giơ tay ra dấu cho chị biết, rồi đi thẳng vào đó. Tôi tự pha cho mình ly cà phê đá, đốt điếu thuốc, rồi kéo ghế ngồi ngó thiên hạ. Ngó dưới đất chán, tôi ngó lên trời, bầu trời bằng tranh vẽ, đèn đuốc sáng choang rọi xuống. Ở đây không có khái niệm đêm, lúc nào cũng là ngày. Cũng không thấy treo đồng hồ, thời gian lại càng không có nghĩa, người ta có thể chơi bài bất cứ lúc nào miễn là còn sức và còn…tiền!
Chưa thấy đói, tôi đứng dậy bước ra khỏi quầy, em lưu linh lẫn đâu mất, giờ xuất hiện: “đổi tiền hả?” Tôi chưa kịp trả lời, em giải thích: “muốn chơi phải đổi tiền đô ra phỉnh. Phỉnh đó là phỉnh chết. Chơi ăn thì nhà cái chung cho phỉnh sống. Phỉnh này mới đổi thành tiền mặt được.” Tôi gật gù, bụng nghĩ: “đổi mạng thì tôi có chứ đổi đô thì…vô phương”. Tôi đi trước, em đi bên cạnh. Sòng nào cũng có người ngồi đông nghẹt, không ai để ý tới gì khác chung quanh mình. Họ đang sống chết với những lá bài. Em lại hỏi: “binh xập xám không? Bên này xập xám có bẩy lá thôi, binh hai chi, dễ chơi lắm, không cần cao thấp đâu.” Tôi lắc đầu, đi qua sòng sì-dách, tới chỗ chị Ba ngồi, coi chị có dặn gì không.
Chắc đang ăn bài, thấy tôi chị cười: “chú ăn cơm no đi”, rồi ngoắc một tay lưu linh lại gần dặn dò. Tôi đứng lần khân một lát, không thấy chị nói gì thêm, lẳng lặng rút lui, em gái không đi theo nữa.
Tôi qua sòng ru-lét, sòng này nhiều người hơn, tôi ngó hột xí ngầu nhảy tưng tưng trong vòng tròn đang quay chưa biết lọt vô ô nào, sao thấy giống mình quá. Ba mươi mấy tuổi đầu vẫn chưa có một cái bến nào để đậu …
Tôi lựa mấy món quen mắt cho dễ ăn, vô sòng bài mà trong túi không tiền thì đúng là đi ăn chực! No nê đang chưa biết làm gì, một tay đi tới, ăn nói nhỏ nhẹ: “ chị Ba nói anh ăn xong lên phòng nghỉ, chiều về”. Vậy là khỏe, cái này nghe được. Tôi đứng dậy, theo hắn liền.
Căn phòng nhỏ, sạch sẽ. Tôi cởi cái áo thun quăng lên ghế rồi nhào xuống giường làm một giấc. Không biết được bao lâu thì có ai lay lay vai, tôi giật mình mở mắt, thấy chị Ba đang đứng cạnh giường. Tôi nhổm người: “về hả chị?”. Chị lắc đầu: “chưa đâu, chú đi tắm đi cho tỉnh ngủ”. Nghe sao làm vậy, tôi vói lấy cái áo đi vào nhà tắm. Đang tắm, tiếng chị Ba ở ngoài vọng vào: “chú biết mát-xa không?. Máu dân xe và cái tinh nghịch của thằng thanh niên trổi dậy, tôi trả lời thăm dò trong tiếng nước chảy rào rào của vòi sen: “dạ không, mát gần thì biết”. Im lặng một lúc, không nghe chị phản đối hay rầy rà gì. Tôi tắt nước, lau mình, không mặc lại quần áo, tôi quấn cái khăn tắm ngang bụng rồi bước ra. Chị Ba đang nằm trên giường, đắp mền ngang ngực, quần áo cởi ra bỏ một đống trên bàn. Chị chỉ tay: “cho chú”. Tôi nhìn thấy hai cái phỉnh màu đen nằm bên trên chiếc quần lót màu trắng. Hai miếng nhựa đáng giá gần bằng của tôi một tháng lương. Tôi thở một hơi và không để cho mình kịp suy nghĩ, tôi kéo cái mền xuống rồi leo lên đó…
Chuông điện thoại reo, tôi tuột khỏi giường, người mệt nhoài và nhớp nháp. Nghe tiếng a – lô của thằng bạn lái xe dưới Long Xuyên tôi vội hỏi gấp: “ mày hả? Đang làm gì? Chuyện sao rồi?…”
Biết tôi hỏi chuyện cũ, nó nói : “mới xuống tài, đang nhậu. Anh em nhớ biểu tao gọi cho mày. Chuyện đó êm hết rồi. Thằng nọ ra viện, về bến sống lại. Anh em cũng có xúm vô khuyên nó, chuyện cũ bỏ qua, cùng khổ với nhau, nương tựa nhau mà sống, thằng có cơm thằng có cháo. Nó chịu, thề không nhắc lại nữa. Chừng nào mày về chạy lại? Nghe nói mày mới có xe chạy hả? Xe gì?”.
Tôi nhìn qua chiếc giường, chị Ba đang say ngủ, đầu ngã qua một bên, tay chân dang thẳng cánh, tấm nệm lún xuống chịu đựng, những thớ thịt mỡ được buông thả xô lệch đủ mọi hướng. Tôi hét vào máy: “xe tăng”. Rồi bật cười ha hả một mình.
Không đợi nó nói thêm.Tôi tắt máy. Đốt điếu thuốc, tôi ngồi xuống mép giường, đầu óc hỗn độn. Mùi khói làm cho căn phòng trở nên tù túng.
Tôi cầm lấy hai cái phỉnh nhựa ngắm nghía. Trong tay tôi, màu đen của nó như sậm lại. Lờ mờ đám bụi đường cuốn theo tôi trên những con đường dài. Nó bám vào áo, nó chui vào người, trộn lẫn với mồ hôi, nó làm thành một thứ quen thuộc và thân thiết hàng ngày. Tôi nhìn thấy lớp bụi đó đang từ từ rời xa dần, mang theo những niềm vui và thanh thản, nhường chỗ cho từng hơi thở đứt đoạn, trong cái hối hả và tham lam cùng cực vừa rồi của người đàn bà đang nằm bên cạnh. Tôi nhìn thấy cái mông đong đưa và nhất là cái trừng mắt chịu đựng, cùng đường của con Mén, mà giờ tôi mới biết. Bất chợt, ruột gan tôi quặn lại, tôi lao vào nhà tắm và bắt đầu ói…Ói sạch!
Lục được một truyện ngắn tuy không mới nhưng cũng hấp dẫn
Đồng hương lúc sau nầy viết đều tay dữ hén, vừa thơ vừa văn, còn chổ đâu cho bà con chen bước đây? Nói giởn đừng tưởng thiệt rồi giận nghen cậu, Bếp mừng khi thấy ông thần tữu ưu ái cho đồng hương ngày một thăng hoa trong tất cả mọi thể loại, nhưng đừng quá nễ nang ổng mà túy lúy hoài làm buồn mợ ở nhà đó nha.
Hỏi thêm đồng hương câu nầy, cậu có đi “bụi” nhiều lắm không mà rành “đường” dữ vậy? hi hi..