Vũ Thế Thành
Bồ đào mỹ tửu…pha lê bôi
Rượu bồ đào đựng trong chén ngọc phát sáng về đêm (dạ quang bôi) đẹp đến cỡ nào thì chưa thấy, nhưng rượu vang (đỏ) đựng trong ly pha lê thì lóng lánh, tuyệt vô cùng! Đó là chưa kể, âm thanh cụng ly nghe trong trẻo êm tai, khác xa tiếng đàn tì bà phá đám, chưa kịp nhấp môi đã dục tửu sĩ lên ngựa. Nhưng hàng pha lê nào cũng có chì với hàm lượng cao. Chì sẽ thôi vào trong rượu. Chẳng lẽ cái đẹp của ly rượu lóng lánh, êm tai lại hẩm hiu đến thế sao?
Thủy tinh nấu chảy từ cát (silica). Nhiệt độ làm nóng chảy cát rất cao, nên phải trộn thêm với những chất khác như đá vôi, potash, soda,… để làm hạ nhiệt độ chảy (chất trợ dung). Ngoài ra, có thể trộn trộn thêm những oxid khác để thủy tinh có thêm đặc tính mong muốn, như tăng độ bền nhiệt, bền hóa, chống ứng lực,…
Tới thế kỷ 17, người mới bắt đầu thêm oxid chì để nấu thủy tinh, và thế là tạo ra pha lê. Bản thân oxid chì cũng là chất trợ dung rất tốt.
Không phải thủy tinh nào có chì cũng được gọi là pha lê.
Pha lê có chỉ số khúc xạ cao hơn thủy tinh (thường) nhiều, nên mức độ phản chiếu lấp lánh rất đẹp. Nếu pha lê được tạo hình có những góc cạnh, thì độ lấp lánh càng tuyệt. Chì có khối lượng nguyên tử cao (207), nên khối lượng riêng của pha lê cao hơn thủy tinh, khi cụng ly phát ra âm thanh trong trẻo và thanh.
Thực ra, pha lê (crystal) cũng chỉ là một dạng thủy tinh thôi (không tinh thể), nhưng không hiểu vì sao người ta lại dùng chữ “crystal”, có nghĩa là tinh thể, để chỉ pha lê.
Nói tới pha lê thì dứt khoát phải là thủy tinh chì. Hàm lượng chì càng cao thì đặc tính của pha lê (độ lấp lánh, khúc xạ, tiếng kêu…) càng thể hiện rõ. Lượng chì ở pha lê có thể lên tới 40%. Để tránh nhập nhằng, Châu Âu quy định, chỉ thủy tinh có hàm lượng chì (quy thành PbO) trên 24% mới được gọi là pha lê chì (lead crystal). Còn thủy tinh dưới 24% chì được xem là hàng nhái pha lê (crystallin), và phải ghi trên nhãn đúng như thế.
Trên thị trường cũng có loại “pha lê” không chì, thay vì dùng chì, người ta dùng oxid barium và oxid kẽm thay thế. Đây cũng là loại pha lê nhái, gọi là crystal glass. Loại này nhẹ hơn và có chỉ số khúc xạ, âm thanh cụng ly không bằng pha lê thiệt.
Đằng sau vẻ đẹp…
Chì vào cơ thể sẽ đi theo đường máu đến các mô mềm như não, gan, thận, nhưng chủ yếu “định cư” lâu dài ở xương và răng. Khi cơ thể suy yếu do tuổi tác, có thai, gãy xương,..thì chì được phóng thích trở lại vào máu, đến các mô mềm, và “ngấm” vào thai nhi, nếu đang có thai.
Ngộ độc chì không phải lúc nào cũng nhận ra, triệu chứng giống như bị cúm: nhức đầu, ăn không ngon, mệt mỏi, đau khớp, đau bụng, ói mửa,… Phơi nhiễm liên tục với hàm lượng thấp, thì hệ thần kinh bị ảnh hưởng (dễ quên, trầm cảm, thiếu hồng cầu, rối loạn tâm thần và thể chất). Với lượng cao hơn, dễ bị rủi ro sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc vô sinh (đàn ông).
Thai nhi và trẻ em rất nhạy với ngộ độc chì. Chỉ cần hàm lượng nhỏ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất (thai nhi), gây hiếu động thái quá, khả năng tiếp thu kém. Ngộ độc nặng hơn thì hư thận, hại não, hôn mê và tử vong.
Thực phẩm lỏng, nhất là loại có tính acid như đồ chua, nước trái cây, nước ngọt làm chì thôi ra từ ly pha lê. Rượu vang đỏ, vang trắng, rượu mạnh các loại cũng thế. Con số do Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA- Mỹ) đưa ra, rượu vang porto (20 độ) đựng trong bình pha lê sau 2 ngày, mức chì đo được 89 microgram. Sau 4 tháng, con số này là 2.000 – 5.000. Rượu mạnh (brandy) sau 5 năm thôi ra 20.000. Thôi ra nhiều hay ít còn tùy hàm lượng chì cao thấp trong ly/bình pha lê.
Hàm lượng chì quy định trong nước uống tối đa là 50 microgram.
Cổ lai “ẩm tửu” kỷ nhân hồi?
Bà bầu, con nít nên tránh xa hàng pha lê, cả thiệt lẫn nhái cho chắc ăn. Cũng lưu ý, đồ chơi trẻ em có khá nhiều chì, nhất là đồ chơi Trung quốc. Thêm nữa, các chén tô dĩa sứ kiểu màu mè hoa lá, nhất là màu đỏ, vàng đều có chứa chì. Người ta dùng men nhẹ lửa (frit chì) để trang trí hay viền ở đồ sứ.
Với mấy tay nhậu, rượu ngon mà không có ly đẹp thì còn gì…lãng mạn. Xin cứ tự nhiên “Bồ đào mỹ tửu pha lê bôi”. Theo con số của cơ quan an toàn Canada, lượng chì thôi ra từ ly pha lê vào rượu trong thời gian bữa ăn chưa quá 0,2 ppm. Quá bèo và an toàn, nhưng đừng chơi…đắp mô cả mấy tiếng đồng hồ thì vừa phiêu vừa khó coi.
Các ly (có chân) mà các công ty rượu khuyến mãi, hay bày bán ở siêu thị chỉ là thủy tinh kiềm, nếu có chì, thì hàm lượng rất ít, mục đích để thủy tinh có độ mềm thích hợp, dễ tạo hình hơn thôi. Hàng pha lê xịn, phải vào cửa hàng chuyên bán đồ pha lê, mà cũng phải thận trọng kẻo đụng hàng nhái
Dĩ nhiên, không nên đựng rượu trong bình pha lê năm này tháng nọ, nếu không muốn số phận vận vào câu thơ cuối (thơ nhái) trong bài Lương Châu Từ: “Cổ lai ẩm tửu kỷ nhân hồi”
Vũ Thế Thành
Anh VTT viết: “Tóm lại, uống rượu với ly pha lê tuyệt đối an toàn.Điều quan trọng là đừng đựng rượu trong bình pha lê (decanter) cả năm này tháng nọ mới là kẹt.”
Lời cảnh báo này hoàn toàn hữu ích đó các bạn “uống”. Tôi từng thấy có người đựng rượu cognac trong decanter (thường làm bằng pha lê, ví dụ như của hiệu Waterford hay Bohemia) cả năm! Còn rượu vang đỏ (loại “grand cru” và lâu năm) thì nên đỗ từ chai sang decanter MỘT VÀI GIỜ trước khi uống cho rượu nó “thở” (respirer), thì chẳng sao cả. Cheers!
Bây giờ mới anh Quế Sơn thuộc loại dữ dằn, à nghen…Hè…hè…Biết cho rượu vang ”thở”, thì dù không phải dân bợm, ít ra cũng là tay chơi rượu vang rồi.
Phải cho rượu vang ”thở” (đưa oxy vào) để hương dễ bốc ra thôi, và cũng làm cho rượu vang bớt chát đi 1 chút ( balance out 3 vị : ngọt-chua-chát). Nhưng cổ chai quá nhỏ, rượu ”thở” chẳng được bao nhiêu, nên mới đổ ra các bình có cổ rộng (decanter), rồi còn lắc qua lắc lại sóng sánh (tăng diện tích tiếp xúc bề mặt)
Decanter thường làm bằng pha lê để ngắm rượu cho sướng con mắt. Nhưng tiệc rượu chỉ kéo dài vài giờ, lượng chì thôi ra không đáng kể, còn thấp hơn cả trong nước uống. Nhưng đựng rượu trong decanter năm này tháng nọ là có vấn đề.
Còn chai bình rượu bày bán (bất cứ chứa loại rượu gì), dù là chai hay bình kiểu nào, chắc chắn không phải làm bằng pha lê, vì sẽ bị mấy ông ”kiểm tra an toàn” hỏi thăm ngay.
Cám ơn lời ưu ái của anh VTT. Tôi cảm thấy tôi còn học hỏi từ anh nhiều, nhất là về mặt khoa học. Về chuyện rượu vang, thú thật là từ vài năm nay, Lực (sức khỏe + ví tiền) bất tòng Tâm !!!
Ở nước ngoài người ta cũng hay cảnh báo điều này,nhưng mức độ liều lượng có thể gây hại thì chưa đến độ phải âu lo nhiều.
Hay
Vậy mà anh VTT làm anh em bợm nhậu giật cả mình
Bài viết này dành cho bạn đọc không chuyên về an toàn thực phẩm, nên tôi không thể viết theo kiểu academic essay, khô khan với những trích dẫn và nguồn tham khảo tin cậy. Những dữ kiện khoa học trong bài là nghiêm túc và hoàn toàn có thể kiểm chứng. Ngộ độc chì không phải là chuyện mới mẻ. Có điều nó tích lũy dần, khi bộc phát ít ai để ý là do nó.
@ Cùng các bạn (nhậu).- Rượu chè là chuyện sống còn của đời người, không phải chuyện đùa. Tôi đề nghị các bạn (nhậu) đọc kỹ bài dùm, để khỏi hoang mang, uống rượu mất ngon đi.
Trích trong bài : “Hàm lượng chì quy định trong nước uống tối đa là 50 microgram”.
Một ngày trung bình uống 2 lít nước.
Trích trong bài: ”Theo con số của cơ quan an toàn Canada, lượng chì thôi ra từ ly pha lê vào rượu trong thời gian bữa ăn chưa quá 0,2 ppm”.
Thời gian bữa ăn khoảng 1 giờ, còn 0,2 ppm = 0,2 microgram. Thì nhầm nhò gì so với uống nước. Đó là chưa kể, rượu rót vào ly, là nâng ly luôn, chứ chẳng lẽ đắp mô cả tiếng đồng hồ.
Tóm lại, uống rượu với ly pha lê tuyệt đối an toàn.Điều quan trọng là đừng đựng rượu trong bình pha lê (decanter) cả năm này tháng nọ mới là kẹt.
Bà bầu (chứ không phải tất cả phụ nữ) và con nít rất dễ hấp thu chì, nên phải né chì, càng nhiều càng tốt.
Cách viết độc đáo,biến một vấn đề khô cứng thành bài viết hấp dẫn.
Bài viết hay và bổ ích. Nhưng ông Thành ơi! Liệu có như “bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng” thì tội nghiệp cuộc sống quá! Có chút… “thi vị” cũng bốc hơi mất tiêu! Mấy bữa nay thấy nhớ, định rủ ông ra quán cũ làm vài ly vang nói dóc chơi, đọc xong bài này…hết dám! hahaha…
Đọc giật cả mình,nhưng liệu tác hại có thật ghê gớm như vậy không ?
Hay mà thật sự bổ ích.
Anh Vũ Thế Thành viết kỹ thuật bằng cái nhìn văn chương thật hấp dẫn
Cám ơn nhiều. Những điều anh viết quả thật tôi chưa biết.
Viết về chuyên môn mà vẫn rất văn chương,độc đáo.
Phổ biến kiến thức sức khỏe bằng hình thức này thì quá hay
Đọc xong nghe sợ quá anh Vũ thế Thành ơi. Đúng là đàng sau cái đẹp là cái hại kinh người. Thôi thì các ông “tướng” đệ tử của ma men cứ tìm tách sứ, ly sành mà nhậu cho chắc ăn.