Hiếu Tân
Ngày xửa ngày xưa có một ông vua..
Những câu chuyện cổ thường bắt đầu như thế. Câu chuyện này cũng xưa như trái đất, bởi vậy, nhân vật chính của nó ắt hẳn là một ông vua. Thật vậy, bạn đã từng nghe tiếng hoàng đế Templer lừng danh chưa? Chưa à? Thế thì lạ thật đấy. Danh tiếng và vinh quang của ngài, còn ai là không biết? Hoàng đế Templer cai trị vương quốc Mithman, xứ sở huyền thoại, nằm cách kinh thành Alexandria khoảng 700 dặm. Khỏi phải nói đó là một xứ sở thanh bình: dân chúng ở đấy một ngày không được múa hát ca ngợi đức vua anh minh của mình thì họ phát ốm, còn nếu cấm họ cả tháng, thì họ phát điên. Bởi thế, nào ai dám cấm họ? Toàn bộ kho từ ngữ mỹ miều của tiếng mẹ đẻ, họ đã vét cạn để tôn xưng vị hoàng đế của mình, chưa đủ, họ còn mượn thêm tiếng của nhiều dân tộc khác: Makedonia, Hy Lạp…Có lần một viên cận thần còn dám so sánh vua Templer với chính Apollo! Chuyện đến tai Apollo, vị thần ôn hoà này nổi trận lôi đình sai một sứ giả của mình, một nhà tiên tri, đóng vai ông lão hát rong lần đến xứ sở Mithman, thực thi mật lệnh.
*
Ở vương quốc Mithman, mọi sự đang tốt đẹp thì tự nhiên đức vua ngã bệnh. Một thứ bệnh lạ lùng, kỳ quái: cứ hễ chợp mắt, dù ngủ trên long sàng hay mươi phút gà gật trên ngai ngọc, nhà vua đều mơ thấy một cảnh duy nhất: đám tang của chính mình! Trong tất cả mọi giấc ngủ dài ngắn nông sâu của nhà vua, cảnh tượng đó diễn đi diễn lại hàng ngàn lần, khiến nhà vua tâm thần hoảng loạn. Khi mọi cuộc cầu cúng đều vô công, mọi thứ thuốc thang đều vô hiệu, thì dưới chân thành bỗng xuất hiện một lão già mù nghèo khổ, tự xưng là hiểu được bệnh của hoàng đế. Nhà vua cho đòi vào.
– Ta nghe nói nhà ngươi có thể chữa khỏi bệnh cho ta. Hãy chữa đi, nếu khỏi, ngươi muốn gì được nấy.
– Tôi không nói là chữa được bệnh, nhưng tôi hiểu nguồn cơn căn bệnh của nhà vua. Bệnh của nhà vua chỉ có nhà vua tự chữa lấy được mà thôi.
– Hãy nói đi, ta phải làm gì?
– Nguồn gốc căn bệnh của nhà vua là do trên thiên giới đang có một cuộc tranh cãi về việc nhà vua có phải là người không. Có một số vị thần cho rằng nhà vua không phải là người: có thể là thần, là á thần, là quỉ, là ma, là một vật siêu phàm nào đó. Các vị thần ấy đang muốn dứt bỏ nhà vua khỏi cuộc sống loài người. Vì vậy, muốn khỏi bệnh, nhà vua phải tự chứng tỏ mình đúng là người.
– Nhưng giả sử ta chính là thần thì sao?
– Thì nhà vua sẽ phải trở về Cõi Thần. Và tại đó, thực sự xứng đáng là cái gì sẽ được là cái ấy, thế thôi.
– Trời! ta không muốn từ bỏ cuộc sống trần thế một chút nào cả. Làm thế nào chứng tỏ ta đúng là người, nói mau!
– Đơn giản lắm: nhà vua có biết nhục là gì không?
– Không. Nhưng sao ngươi lại hỏi thế?
– Bởi vì cái nhục chính là một tình cảm rất thông thường của con người, ít nhiều ai chả có. Nếu vua hoàn toàn không biết đến, thì ắt vua không phải là người.
– Không. Hiển hách, vinh quang thì ta biết; nhưng nhục à, cái này..các triều thần của ta, các nhà thông thái của ta chưa hề nói cho ta biết.
Ông lão chậm rãi hướng đôi tròng mắt đục lờ về phía các triều thần:
– Vậy thì dễ lắm: nhà vua chỉ việc ra lệnh cho các triều thần nói thực những ý nghĩ sâu kín của họ về ngài, nhà vua sẽ có được cái cảm giác ấy đấy.
Quần thần run rấy. Một vài người lấm lét đưa ánh mắt căm phẫn về phía lão già. Nhà vua định mở miệng thì ông già giơ tay ngăn lại:
– Khoan. Trước hết nhà vua phải thề rằng sẽ không trị tội mà còn ban thưởng kẻ nào có thể làm cho nhà vua cảm thấy nhục.
Vua y lời.
*
Toàn bộ triều thần sợ hãi và tức giận lão già quái ác đã ra cho họ một thử thách quá sức. Cứ nghĩ đến việc phải tự mình nói những lời xúc phạm vào mặt nhà vua, họ đã thấy chân tay bủn rủn, ruột gan cuộn cả lên. Bệnh tình nhà vua thì mỗi lúc một thêm nặng. Ngay giữa ban ngày im ắng, nhà vua cũng quát bảo tìm xem đứa nào cả gan thổi kèn sáo đưa ma; nhìn mặt thằng hề của triều đinh, vua lại tưởng là quỉ sứ. Đã thế, trong lúc chờ đợi, lão già quỉ quái cứ tì tì kể ra những cảnh khủng khiếp ở Cõi Thần xảy ra với những kẻ không phải là thần.
Nào là kẻ lúc còn sống khao khát được nổi danh bạo chúa, đã đốt trụi cả một kinh thành. Bây giờ ở Cõi Thần, hắn mang một cái bụng khổng lồ, luôn phải uống cạn một hồ nước rồi lê bụng lặc lè đến phun dập lửa một cánh rừng đang cháy. Cứ hễ quay đi thì rừng lại bùng cháy, hắn hối hả chạy đến bên hồ nước đã đầy như cũ, hễ hắn tạm dừng chân thì xung quanh lại vang lên “cháy”, “cháy”. Công việc ấy, hắn phải kéo đến vĩnh cửu.
Nào là kẻ lúc sống tham quyền đã giết quá nhiều anh em bè bạn của mình. Ở Cõi Thần, hắn phải xây một lâu đài, cứ mỗi viên gạch hắn cầm lên lại biến thành một cái sọ của nạn nhân trừng trừng nhìn hắn. Lâu đài xây xong nhưng số gạch bao giờ cũng thừa ra lại biến thành đống đầu lâu gào lên: “Còn tôi nữa”, “còn tôi nữa”. Lâu đài sụp tan và hắn bắt đầu lại từ đầu, cứ thế đến vô cùng .
Ruột gan nhà vua như lửa đốt. Đã ba ngày rồi, lần lượt từng viên quan lớn bé đứng lên sỉ nhục nhà vua, nhưng thật tai hại, chưa một ai thành công cả. Những lời sỉ nhục nghe gần giống như lời ca ngợi:
– Tâu đức vua, cung điện của bệ hạ tuy là một công trình tuyệt mỹ những cũng chưa hẳn đẹp nhất hoàn cầu. Viên Tể tướng tâu.
– Trận đánh năm ngoái, thắng lợi của quân ta chưa hoàn toàn mỹ mãn. Vị nguyên soái nói.
– Trí thông tuệ của hoàng thượng, thần e có đôi khi còn lầm lẫn. Nhà thông thái trình.
– Mùa màng năm nay, thần e dân chúng ít tươi hơn năm ngoái. Viên quan thu thuế bẩm.
Vua ngơ ngác quay sang ông lão mù:
– Trẫm không hiểu như thế có phải là nhục không?
– Tôi xác nhận như thế không có gì là nhục cả.
Thế là hàng đại thần đã không làm nên trò trống gì. Những câu nói của họ chỉ nhắc bá quan nhớ đến hai nhà buôn phương xa bị treo cổ vì đã dám chê cung điện nhà vua là xấu xí, đến cuộc bại trận ê chề tơi tả khi đem quân đi cướp nước người năm ngoái, đến vụ chết đói năm vạn dân vì sưu cao thuế nặng năm nay, đến cuộc hành hình sứ thần La mã, kẻ dám cười vua là ngu dốt.
Các quan bé hơn lời lẽ có mạnh bạo hơn, nhưng vẫn chưa có ai đủ sức dâng cho vua cái cảm giác nhục nhã cần thiết nọ. Sang ngày thứ tư, vua phải ra lệnh kẻ nào không làm nhục được vua sẽ bị cách chức, và người đầu tiên có lời lẽ hạ nhục được đức vua sẽ được phong tể tướng. Các quan tướng hăng lên, bắt đầu dùng những tiếng “tên vô lại”, “kẻ sát nhân”, “thằng đểu” để mắng vua, nhưng nét mặt nhà vua vẫn thản nhiên. Có viên quan lên sỉ vả hàng giờ, kể lể việc nhà vua giết anh ruột của mình, cướp ngôi anh, cướp vợ anh ra sao, và dùng những lời lẽ thậm tệ nhất để thoá mạ nhà vua. Vua ngồi yên, chỉ hơi cau mày, lẩm bẩm.
– Thế là thế nào nhỉ? Thì bây giờ ta đã chả được làm vua đây sao? Và nàng đã chẳng làm Hoàng hậu đó là gì? Còn thằng anh ta, thì nó mục xác từ đời nào.
Cuối cùng có một viên võ quan đẹp trai đường hoàng bước lên trước mặt nhà vua, dõng dạc:
– Nàng nguyên phi kiều diễm của nhà vua có nói rằng mỗi lần vua đến, nàng có cảm tưởng phải ôm ấp một con lợn hôi thối.
Nhà vua tái mét, hỏi thất thanh:
– Làm sao mày biết?
– Nàng mới mói với tôi đêm qua.
– Ở đâu?
– Trên giường tôi.
Mặt vua cắt không còn hạt máu, ngài chỉ viên võ quan, giọng khản đặc:
– Chém chết thằng này cho ta.
Nhưng ông già mù đã giơ tay ngăn lại:
– Không! Anh ta sẽ là tể tướng. Nhà vua đã được cứu sống. Đúng, bây giờ thì tôi đã tin nhà vua là người thực.
Vua ngã sấp mặt xuống đất, rên lên:
– Trời ơi, ta được làm người với cái giá này ư?
*
Tối hôm ấy trong bữa tiệc mừng vua khỏi bệnh, nhà vua tự tay rót mời ông lão mù tiên tri một cốc rượu đỏ sẫm. Ông già đón lấy uống cạn, bỗng ngã quay ra, chết. Vua truyền mang xác ra ngoài. Nhưng khi quân lính xô đến thì chỗ ấy chẳng còn gì cả. Mà chỉ còn…xin thề chẳng nói ngoa, chỉ còn độc một nụ cười ngạo nghễ.
Mình cũng thích chi tiết nụ cười ngạo nghễ.
Ngày hôm qua đã tàn, ngày mai vẫn chưa tới.và con người vẫn còn hy vọng vào một điều gì đó Hiếu Tân ơi
Viết sâu sắc lắm anh Hiếu Tân ơi
Mình thích chi tiết chỉ còn độc một nụ cười ngạo nghễ ở cuối truyện
Ôi vua oi là vua !
DOC XONG TU DUNG NGHI NGOI LUNG TUNG CHUYEN NAY CHUYEN NO ANH HIEU TAN OI !
Ấy đừng nghĩ ngợi ‘lung tung’ chứ! Vui thôi mà
Ông già mù chấp thuận có vẽ hơi…dễ dãi! Lấy chuyện đàn bà làm nhục, chuyện khác thì không! Ông này chỉ xứng để làm… vua xứ Mithman chứ chưa xứng làm… NGƯỜI! Biết đâu chừng vì thế mà… “chỉ còn độc một nụ cười ngạo nghễ” chăng? hahaha…
Nhận xét của bạn về việc ông ta chỉ xứng làm gì rất hay. Cám ơn.
Một câu chuyện cổ đậm chất hiện đại
Càng đọc càng thấm,càng thấm càng đau nhà văn ơi !
Hình như tất cả các ông vua đều giống nhau. Quyền lực làm người ta dễ dàng tha hóa
Không phải là tất cả. Ví dụ Trần Nhân Tông. Không những không tha hoá mà còn Phật hoá.
Quyền lực mà được tạo nên bằng sự dối trá, độc đoán thì đồng thời cũng tạo ra những mầm mống của sự sụp đỗ, lụi tàn, tự diệt.
Không biết nhục thì không thể làm người mà là…thần, là thánh, là vua (!?) Và biết nhục là liều thuốc hữu hiệu để làm NGƯỜI (viết hoa).
Ui chà! Nhức đầu quá anh Hiếu Tân ơi ! Mệt anh quá đi ! 😀
Đúng là đọc nhức đầu thiệt
Huyền thoại và hiện thực đan xen đã làm cho những câu chuyện của anh Hiếu Tân vừa khó đọc vừa hấp dẫn
Trời ơi, ta được làm người với cái giá này ư?
________-
That ra cai gia do chua phai la dat qua doi voi vi vua cua dat nuoc Mithman
Chuyên ngày xưa nhưng bằng suy nghĩ đọc vẫn thấy có nhiều điều học hỏi để áp dụng được cho đời nay như thường.
Cám ơn tác giả và mong “gặp” lại trên xứ nẩu nhiều lần hơn nữa.
Cảm ơn HNN đã đọc
Ngày xửa ngày xưa….
Nhưng cái kết vẫn còn có hậu quá
Thấy sao mà chua chát thế
Chào anh Hiếu Tân!Làm con người trong sạch .tốt đẹp như thánh như thần..Khác với quỉ maTrên cõi đời nầy..Ai dám tự xưng?Trừ khi người đó chết rồi!Và,người sống gán cho….tôn vinh lên!?Nên khi sống..Làm người kiểu gì không quan trọng!Miễn là..Tâm thanh thản Lòng không áy náy buồn phiền!Một điều nữa.là…Con người không ai ra giá?Không một ai?Tự mình ra giá cho mình thôi!….Tôi thích Ông Vua nầy..Lý do..Ông là người …Bình thường trong cái bình thường]Vua chỉ là chiếc áo của ngai vàng]Với cái giận của người bình thường”Yêu không chém chết người mình yêu!”Không bình thường ..Chính là lổi thiên hạ ca tụng Vua.
“Tôi là người nên tất cả những gì thuộc về con người đối với tôi đều không xa lạ”. Và cũng thật xa lạ với tôi những gì không thuộc về con người.
Bởi vì nó thiếu đường, mật, muối..
DÙ SAO ÔNG TA CŨNG CÒN BIẾT NHỤC ANH HIẾU TÂN ƠI
Biết nhục chưa chắc đã là nhục. Không biết nhục mới…
Cũng như nghĩ mình vinh chưa hẳn đã vinh
Chuyện xứ Mithman hay chuyện có liên quan xứ ta ?
Khi viết, người viết không nghĩ chuyện xưa hay chuyện nay, xứ ta hay xứ người. Mà cố gắng tìm một sự thật phổ biến, xuyên suốt, mọi lúc mọi nơi. Vấn đề là bạn đọc có nhận nó là SỰ THẬT không, có chia sẻ gì không? Nếu có, là TG không uổng công. Bạn đọc lại xem, truyện nào cũng thế.
Chào Hiếu Tân,
Thập loại cô hồn, đọc xong CXM, tôi nghĩ chắc có thêm một loại cô hồn nữa.
Không dám nói ngoa, sau này ắt có một phiên bản mới ” Thập nhứt loại cô hồn ….chúng sanh” ( Cụ Tiên Điền chắt phải tán thán :Hậu sinh khả úy”).
Chao LMT,
co hon khong ngu yen, nen nguoi duong tran phai thao thuc.
Chuyện xưa sao giống chuyện nay quá
Truyện này viết hồi xưa (12-1989). Trùng hợp ngẫu nhiên thôi
Nụ cười ngạo nghễ cuối câu chuyện mang một ý nghĩa sâu sắc
Làm người thật khó
Đúng đó. Như mấy ông quan đầu triều trong truyện
Chỉ cần đọc tên Hiếu Tân là nghĩ ngay đến những câu chuyện ẩn dụ