Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Mười, 2021

Truyện ngắn của Nguyễn Trí

       Như hơi lé một xíu, cô bác nói, con nhỏ đó có con mắt lé kim trông duyên hết biết luôn. Như lại hơi móm móm, vụ này cũng duyên luôn. Thêm cái dáng ơi là mi nhon nên cả chục anh theo xin xách dép. Như chọn anh Dũng. Anh bô trai, tóc tai bồng bềnh và tướng tá rất là nghệ sĩ. Người vậy theo mình, mình không gật là ngu bà cố. Như nhẹ dạ non lòng nghe anh hứa cưới xong sẽ đi trăng mật ở Đà-nẵng cho Như biết cáp treo Bà-nà như thế nào. Vậy là Như cho. Được rồi Dũng đưa Thi, bạn thân của Như lên Sài gòn vi vũ vi vu. Bà nội cha thằng họ sở – Như chửi – sẽ có một ngày tao cho mày biết thế nào là lễ độ.

         Nói xong cô lên xe giường nằm cao cấp đi một hơi lên Miền Đông. Cái miền mà một bạn – cũng thân – của Như đang làm ăn. Nhỏ bạn tên Thanh. Sau một ngày ăn ngủ trong một phòng trọ hết sức là sang cả và lịch sự. Trọ mà triệu rưởi một tháng là quá xá sang. Thanh nói:

      – Ở với tao chia đôi nhà trọ điện nước. Một mình tao oải quá.

      – Ô kê.

        Sau đó Thanh dẫn Như đến Mat-xa thư giãn ra mắt bà chủ Hoàng Trinh. Ông tên Hoàng bà tên Trinh. Sau một lần nhìn lén bạn Thanh phục vụ khách mát xa qua tấm kính gắn ở cửa, Như rành nghề không cần học. Công việc cực kỳ đơn giản nên không có lương. Phục vụ viên hưởng tiền “bo” từ khách tùy vào cái gọi là “biết”thư giãn. Biết nhiều bo nhiều biết ít bo ít. Khách hầu hết là vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa, muốn được bo nhiều thì, tiếp viên nếu, không bảy không ba thì, ít nhất cũng một rưởi cái vụ vành ngoài vành trong.

       Trên đời này chả có cái chi, dù khó đến đâu mà thiên hạ làm được ta lại không. Như cũng vậy. Thanh làm được Như làm được. Với lại yêu đương với Dũng, gì chứ, vụ xoa bóp tay chân lưng cổ Như rành. Đấp bóp hả? Dễ ẹc. Với lại khách đến để thư giãn là chính chứ chân yếu tay mềm tẩm quất ra cái ôn chi. Thư giãn là chi? Xin thưa là vào tai anh – sao cho – đêm qua rủ rỉ rù rì, tiếng nặng bằng bấc tiếng chì bằng bông. Phải êm như mơ và ngọt như mía lùi. Cho anh ôm một phát lâu lâu được không cưng? Anh sáu mươi ôm em mười tám tên Như lót chữ Quỳnh sướng chết mẹ thì vài trăm bạc nghĩa lý chi. Như đã mới keng xà beng ở mat-xa thư giãn Hoàng Trinh lại dịu dàng nên ai cũng “con Như nghe… Nó bận hả? Tui chờ”. Khách nói vậy với chủ Hoàng Trinh. Nên chi Như kiếm ngày vài triệu là nùi nụi cái sự chắc.

          Có một khách trẻ trung như cành hoa hồng và hồn nhiên ánh lửa tuần nào cũng đến Hoàng Trinh hai lần và yêu cầu Như phục vụ. Đấm lưng và vỗ đầu cho anh khỏe lắm bởi anh cạo trọc. Anh có vẻ mê Như. Anh ôm Như tha thiết lắm. Vụ ôm mà tha thiết Như rành bởi Dũng từng ôm cô rất chi thiết tha:

      – Anh ở đâu? – Như hỏi.

      – Ở xứ nầy luôn cưng.

       Đó rồi anh hỏi quê quán gia đình chồng con Như ra sao. Có sao Như nói vậy. Chuyện bị tình đá bổng đá bỏ Như kể luôn. Rồi Như thút thít thiệt ơi là thiệt. Ba cái vụ nước mắt này là Thanh dạy cho Như. Dạy rằng:

       – Nước mắt đóng đinh vào tâm bọn háu gái tơ lắm mày ơi. Nhứt là bọn có tuổi. Ở nhà chúng chán con vợ già đã dơ còn hôi nên mày chớ có ngu mà nói tục với bọn nó nghe.

         Anh đầu trọc trẻ nhưng cũng bị nước mắt Như đóng đinh. Có lần anh cho Như cả triệu. Ngon ơi là ngon.

        Làm ăn được nên rằm nào, mồng một nào Thanh và Như cũng đi chùa để cầu xin ơn trên phù hộ. Phải vậy chớ. Chả phải trên trần gian ô trọc lóc nầy cái gì cũng được tối cao thiêng liêng xếp đặt cả đấy sao – và – dân gian có câu có khấn có thiêng có kiêng có lành. Lại rằng “dù xây chín bậc phù đồ, không bằng…” vậy nên ngoại trừ bỏ tiền vào mấy cái thùng công đức trong chùa, Thanh và Như còn mua chim mua cá phóng sanh. Cho ăn mày là đương nhiên thì quý vị sư ông, sư cô trong áo vàng đi khất thực lại càng đương nhiên gấp bốn lần.

        Một hôm nọ:

      – Tao nhớ ông sư này quen quen. – Nhìn một khất thực Như nói.

      – Có cha trọc đầu nào yêu cầu mày phục vụ thư giãn hem mà nhớ? Vụ thư giãn nầy thập loại chúng sanh có hết à nha.

        Sỡ dĩ Như nói quen quen là bởi khi thư giãn, đèn trong phòngrất là mờ mờ. Phục vụ và khách một lần đến xem như khỏi biết. Nhưng ba bốn dăm bảy lần thì không nhớ mà được sao. Đi qua được mấy bước Như gọi:

        – Anh Hùng… – Hùng là tên của anh đầu trọc.

        Như chăm chú quan sát và cô biết. Trăm phần trăm khất thực áo vàng là Hùng bởi y thoáng giật mình. Thiệt là tình. Thanh nói thập loại có đủ trong matxa thư giãn sao mà đúng quá. Và ngay lúc ấy Như mong gặp khách chơi đầu trọc tên Hùng xiết bao. Gặp để làm chi chả cần biết nhưng cứ gặp cái đã.

            Chủ nhật ấy anh trọc đến.

                                                                   ***

Nhưng Hùng Trọc phải chờ Như những tiếng đồng hồ mới gặp được nường. Ai từng matxa thư giãn chắc biết quy luật cho một lần xông hơi, sau đó là đá hay chân cho cái gọi là mát miết nầy. Một tiếng một phi vụ và quá giờ là phải chi thêm tiền. Giả dụ tiếng đầu một trăm bốp thì tiếng sau thêm năm chục.Với dân chơi thì ngoài trăm bạc cho một lần cũng chả là nghĩa địa gì. Nhưng chờ đợi tình nương thì chả ông nội nào không“Gớm sao mà nhớ thế…” và, đừng hòng được bập phà thuốc lá như trong thơ Hồ Dzếnh đâu mà ham. Máy lạnh mà hút thuốc cho chết vì ô nhiễm à? Được một anh giai chờ cả tiếng thì người đẹp hành “nghiệp” nầy ngón nghề phải dữ lắm. Nhưng, dân chơi bảo rằng thư giãn thì chỉ là thư giãn mà thôi, còn muốn cạn tàu hay cạn tình – a lê hấp – anh chị đi nơi khác sau khi ngã giá. Ta bà mới hỏi rằng thư giãn chỉ là thư giãn mà thôi là cái nghĩa lý gì? Nghĩa là – dân chơi trả lời – phục vụ viên chỉ được đứng xoa bóp cho khách chứ không được nằm.

        Cảm cái tình chàng trọc đầu đã chờ mình cả tiếng đồng hồ, Quỳnh Như bèn xoa cái đầu trọc của anh mà rằng:

  • Cám ơn con lừa trọc của em.

    Hùng rất khoái ba từ con lừa trọc. Chàng hỏi nàng:

  • Em moi đâu ra ba từ nầy vậy?
  • Hì hì hì…  trongphim Thủy Hử đó anh? Ba từ nầy là trại chủ Đặng Long gọi Lỗ Trí Thâm đó.
  • Vậy ha… anh đâu biết…
  • Em hỏi thiệt anh nghe.
  • Hỏi đi?
  • Bộ anh tu hả?
  • Trước có nay hết rồi.
  • Hết sao vẫn còn bình bát áo vàng đi ăn xin.
  • Anh hành nghề khất thực chứ không phải ăn xin.
  • Là sao? Có gì khác nhau đâu?
  • Khác chứ. Khất thực không xin. Ai cho thì bỏ vào bình bát chứ không xin.

         Quỳnh Như gật gật đầu… à ra thế, ra là thế… rồi cô cười khắc khắc khắc:

  • Trước anh tu ở đâu mà sao phải tu?
  • Nhà anh nghèo em út đông nên, năm tám tuổi lại là con riêng, ở không được vơi ông dượng nên má gửi anh vô tịnh xá gọi là tu tập nhưng thực ra để bớt miệng ăn thôi cưng.
  • Nhưng sao không tu nữa?

Trầm ngâm một lát con lừa trọc thú thiệt:

  • Ở tịnh xá lúc mới vào, ban ngày anh theo mấy sư ông đi khất thực. Đêm về thì tụng niệm, bốn giờ sáng là công phu khuya… mệt mỏi lắm em.
  • Tôi nghiệp con lừa trọc của em. Rồi sao nữa?
  • Để kể cho nghe… đêm đó mệt quá anh ngủ luôn trên chánh điện. Chừng hai giờ sáng giật mình tỉnh giấc thì thấy một sư ông đang chôm tiền.
  • Chôm? Tiền đâu mà chôm?
  • Trong thùng công đức chớ đâu.
  • Sao chôm được?
  • Sư ông dùng một thanh tre thiệt mõng, mõng như lá lúa vậy đó. Một đầu que  sư ông dán băng keo hai mặt rồi thọc vào thùng. Vậy là giấy bạc cứ thế vô túi. Em hiểu rồi chớ?
  • Ghê thiệt há anh? Rồi anh bắt chước và bị bắt đúng không?
  • Ừ… sau đó anh rời tịnh xá tiếp tục nghề khất thực. Nghề này ngó vậy mà nhiều tiền lắm nghe cưng. Có ngày kiếm trên triệu luôn đó.
  • Nhưng mà mưa gió thì làm sao hả cưng?
  • Anh là thợ tụng chính cho trại hàng X.
  • Thợ tụng là sao?
  • Người chết Công Giáo thì thôi chứPhật Giáo hay thờ cúng ông bà ai cũng mong linh hồn hồn ngươi chết siêu thoát nên cần thợ tụng lắm cưng. Làm nghề tụng phải sành kinh kệ là một, biết tụng là hai. Anh ở tịnh xá cả chục năm nên sành hơn cả điệu.
  • Con lừa trọc của em giỏi ghê. Tụng vậy một ngày được bao nhiêu hả anh?
  • Không tụng ngày mà tụng họ. Mỗi họ ba ngày hai đêm. Sáng trưa chiều tối mỗi buổi tụng một thời kinh Địa Tạng. Giá mỗi họ vào thời điểm nầy là một triệu rưởi. Anh một triệu còn trại hàng năm trăm.
  • Vậy suy ra mỗi ngày chỉ ba trăm?
  • Có ngày anh tụng hai đám, cá biệt ba đám luôn đó cưng. Nhứt là mùa mưa mấy ông già bà cả tha hồ cưỡi hạc về trời. Thợ tụng có giá lắm.
  • Vậy không khi nào anh hết việc?
  • Cũng có… nhưng mà chủ trại hàng có chiêu thức của họ.
  • Là sao hả con lừa trọc?

   Ba từ con lừa trọc tuôn ra từ miệng hoa nghe ngọt như mía Thanh Diệu đem lùi nên anh trai lại khai:

  • Em biết nghề ngủ thuê không?
  • Không. Là sao?
  • Ngủ thuê là khi trại hàng ế ẩm họ thuê người đến ngủ trong hòm.
  • Bà mẹ ơi… nghề chi nghe ớn vậy cưng?
  • Vậy chứ ngon tiền hơn anh luôn có đó cưng. Một đêm triệu bạc luôn đó. Nhưng mà cũng có điều kiện đi kèm.
  • Điều kiện gì?
  • Phải là con gái chưa chồng.
  • Là còn zin đó hả? Thời này kiếm đâu cho ra hả con lừa trọc?
  • Zin hay không chả biết miễn chưa chồng và trang điểm cho thiệt đẹp. Ngủ một giấc sáng ra là ẳm một triệu ngon ơ.
  • Ớn thiệt há? Đàn bà con gái ngủ trong hòm là gan cùng mình.
  • Cái gì rồi cũng quen hết cưng.

   Chuyện cứ thế mà tới nên hết giờ âu cũng phải. Khi con lừa trọc nằm yên cho Quỳnh Như tẩm quất đã qua giờ kế tiếp. Tiền đối với lừa trọc chả là cái đinh gì nhưng, ôm gái matxa và tâm sự lâu vậy là hơn cả thích đúng không thưa cô bác? Lúc cao điểm anh trọc ôm Như chặt khừ mà rằng:

  • Anh yêu em lắm Như ơi.
  • Thiệt hem?
  • Thiệt. Anh yêu em thiệt mờ…
  • Vậy ha? Vậy lấy em làm vợ đi.
  • Em nói thiệt nghe. Làm vợ anh nghe.
  • Thiệt mà… làm cái nghề như em chán lắm. Khách xem ngữ em như món hàng phá phách cho vui chứ chả ra ôn gì. Dẫn em về nhà đi anh. Em làm vợ hiền nấu cơm giặt đồ cho anh.
  • Anh chưa có nhà. Em ở phòng trọ được không?

     Nơi Như ở hiện tại tuy trọ nhưng không hề là trọ. Đó là phòng mà chủ matxa  dành chokẻ làm ra tiền cho họ. Một thiếu gia muốn đáp tại trận thì giá cả phải cao ngất trời xanh lơ, nên phòng phải sang cả như khách sạn ba sao. Có máy lạnh, giường đệm Kimdan, bàn trang điểm cao cấp… ngon vậy mới giữ được phục vụ bởi, chỉ cần làm rau xanh là quý vị đại gia bụng bự thuê nhà có sân có vườn cho Như liền. Như đi nhà trọ ư? Ngu chắc.

       Nhưng con lừa trọc tha thiết rằng anh yêu em anh yêu em lắm lắm… hôm nay ta chui rúc trong chật hẹp và hổ lốn tả pí lù của trọ nhưng mai sẽ khác đi nêu ta quyết. Em nghĩ đúng không? Như nghĩ đi nghĩ lại thấy vậy mà đúng. Nghề của cô lấy thần Bạch My làm tiên sư khách nó xem như đồ chơi nay có ngươi yêu mình vì mình chả thích lăm ru? Như mới báo với ông bà chủ về quê một tuần. Ông bà chủ rằng một tuan thôi nha gái. Lâu quá là không được à? Như theo con lừa trọc về chỗ trọ của anh và đúng một tuần cô quay về vơi matxa thư giãn Hoàng Trinh như đã hẹn.

       Mẹ cha ơi… đâu có muốn là được như ai đó dạy. Trọ của trọc đầu khất thực không bèo bọt hai mươi mét vuông với cái gác lửng mươi vuông mà diện tích cả nền cả sàn là năm chục, bếp và toi-let riêng. Làm có tiền ngu sao ở chật. Hai ngươi một phong Như chịu liền – kẹt cái – phong của cô và con lừa trọc kề bên phòng của những bốn anh trai. Bốn anh nhìn Như ngờ ngợ. Như cũng ngờ ngợ… à… Như đã nói ở trên là ở matxa thư gián Hoàng Trinh ngày như kiếm hai triệu là như bỡn, trong khi đó một xuất khách bo cho Như ba trăm. Vậy một ngày Như đấm lưng và để cho khách ôm mà ngấu véo ít từ dăm đến bảy anh. Các anh đều tha phương làm đủ thức ngành nghề kiêm sống. Độc đinh độc bộ các anh ghe thư giãn tẩy trần là tất yếu. Nhìn Như các anh ngờ ngợ cũng là tất yêu luôn.

      Và… than ôi mới thiệt là than ôi… khi Như đem chứng minh thư đến để khai báo thì cô không ngờ hay ngợ nữa mà dại gia nhà trọ nầy đã từng ngủ vơi cô trongw phòng đặc biệt ở Hoàng Trinh. Vậy nên cô lui về nơi cư ngụ cũ âu cũng là phải quá. Như biêt rằng minh không thể sinh con đẻ cháu làm mẹ làm bà như con lừa trọc của cô mơ ước. Và, một giả sư khất thực thì tương lai chỉ có ma chứ làm chi có Phật trong cái bình bát. Mà Phật là gì để làm chi Như nào có biết.

       Cô bỏ sim điện thoại đang xài. Con lừa trọcgọi mãi mà cứ ò í e thuê bao quý khách…. nên thân chinhđến Hoàng Trinh thư giãn và yêu cầu Như phục vụ. Quản lý bảo cô ấy không còn làm ở đây. Hùng buồn. Buồn lắm. Như – may quá –chả yêu thương chi con lừa trọc nên chả chi phiền não. Cô quên Hùng cái vù như quên bao gã trai khác từ thư giãn đến tình một đêm. Một ngày rất lâu sau cái ngày Như rời phòng trọ mà Hùng trú ngụ -nghĩa là đủ để – con lừa trọc quên cô luôn rồi, Như và bạn Thanh- người đưa cô vào nghề mát-xa- ngoạn du đến một ngoi chùa. Chùa có tên rất lạ là Linh Quy Xà. Chùa thờ ông Chơn Võ đâị tiên. Tích rằng ông Chơn Võ thu phục hai con yêu một rùa một một rắn. Chàu mà thờ rắn ràu ăt là lạ hơn thờ tien phạt thánh thần nên hai cô xin váo gặp trụ trì.

      Một đạo sĩ tay cầm phất trần xú quẻ bằng mu rùa rồi phán:

  • Mỗi người một nghiệp khác nhau…
  • Nghiệp là sao hả thầy?
  • Là cái duyên từ tiền kiếp. Cai nhân tốt hay xấu ta đã tạo ra từ trước trả không hết nên lấn sang kiếp này.
  • Có nghề là sao hả thầy?
  • Nghề là vinh là nhục là giàu là nghèo. Thành công thì vinh thất bại là nhục. Vậy đấy. Con làm nghề gì?
  • Thầy biết matxa thư giãn không? Matxa là nghiệp hay nghề hả thầy?

  Thầy có vẻ rành:

  • Nghìn vàng khôn đổi được mình. Lầu ca, viện hát, tan tành còn đâu?Đưa người cửa trước rước người cửa sau là nghiệp chứ không phải nghề. Muốn hóa giải phải buông bỏ và tu mới đặng.

   Nhớ tới còn lừa trọc Như lại hỏi:

  • Còn ôm bình bát khất thực là nghề hay nghiệp hả thầy?
  • Khất sĩ là những người tu hành con ạ.
  • Con không nó giới tăng lữ mà là những người đứng ở ngã ba ngã tư đèn đỏ hay trong chợ mặc áo vàng áo nâu tay ôm bình bát kiếm tiền…

   Đạo sĩ vung phất trần mà rằng:

  • Thiên cơ bất khả lộ.

                                                    Nguyễn Trí

Read Full Post »

TRẦN DZẠ LỮ

Hồi ức DỌC ĐƯỜNG VĂN NGHỆ ( Phần 60)NGÔ ĐÌNH HẢI,NHÀ VĂN RẤT SÀI GÒN

Ngô Đình Hải tốt nghiệp bằng kỹ sư Nông Nghiệp nhưng quên hỏi kỷ là anh đã thực hiện bao nhiêu công trình trên thực địa.? Mà thôi, là chuyện… nhỏ của những kỹ sư nông nghiệp .Nhưng tôi thấy Hải đã làm “thuỷ lợi” trên cánh đồng văn chương một cách cần mẫn với cả trí tuệ, trái tim… khi viết lên tâm tư mình rất người, rất đời và rất Sài Gòn bằng văn phong “tỉnh rụi” của riêng mình, có sức lôi cuốn người đọc đến lạ lùng.Giọng điệu ấy, buộc người đọc phải đọc đi đọc lại nhiều lần không chỉ truyện ngắn, truyện dài, tản văn mà kể cả thơ nữa.Anh chàng này đã từng đọc,sống và đi nhiều nên lối viết rất hiện thực, hiện sinh song không thiếu chất trữ tình, lãng mạn…của một mẫu người có tính cách như Jean-Pall Sartre, Guillaume Apollinaire và Gabri Garcia Marquez cộng lại.

Được biết trước đây, chàng từng là một thanh niên ham học và cũng “quậy” tới bến lúc biết làm thơ tặng nữ sinh.Đã từng là một Hippy Sài Gòn qua cách ăn mặc theo phong trào của thập niên 60.Có lắm nàng “mê tơi “nhưng chàng cũng có nhiều lúc thất thế trong tình trường để chìm trong men rượu…Năm 1968 Hải và Bùi Chí Vinh thành lập nhóm Hồn Trẻ -nơi quy tụ những cây viết đam mê văn nghệ của SG và lục tỉnh Nam Kỳ.Sau năm 75, chàng kỹ sư nông nghiệp trở thành giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn về mua bán xe hơi.Hoạt động thường thường nên Hải không phải là tay giàu có gì.Vả lại,trong người chàng luôn có máu của họ Lục( Lục Vân Tiên )” Giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha” nên chưa sạt nghiệp là may…

Tôi ưa tính bộc trực,thẳng thắn của Hải nên hay ghé 81 hay 64 Trần Quốc Thảo làm vài cốc bia hơi( thập niên 90, thời gian này 81 là nơi tụ hội anh hùng hảo hán văn nghệ thật và cũng đầy văn nghệ dỏm)Ngô Đình Hải thường giao du với các anh em: Vũ Ngọc Giao,Nguyễn Liên Châu,Châu Đăng Khoa,TuấnPolo, Thuỷ , tôi và một số anh chị em khác khi có dịp về SG.Hơn một năm qua không còn dịp gặp Hải và anh em nơi quán cà phê SàiGòn Phố nhưng trong lòng tôi luôn náo nức những buồi sum vầy như thế để ngồi nhắc nhớ ai còn ai mất sau đại dịch quái ác.Tuy vậy, tôi cũng hay liên lạc với Hải qua điện thoại và biết chàng đang viết truyện dài.Mừng thay!Chắc bạn đọc đang chờ đọc tác phẩm của Ngô Đình Hải-người rất Sài-Gòn? Xin giới thiệu truyện ngắn NGỬA dưới đây mà tôi ưa lắm.

NGỬA

Truyện ngắn Ngô Đình Hải

Đoạn đường ban đêm tối và vắng. Tối tới mức gần như đe dọa, bởi những thứ tồi tệ, nghi ngờ, được che đậy bên trong. Bóng tối khoan nhượng và không phân định tốt xấu!

Không ai thấy gì ở bóng tối. Người ta lo lắng, sợ hãi những thứ không thấy đó! Thường là vậy. Nỗi lo sợ với cái thấy được và cái không thấy, hoàn toàn khác nhau. Ở cái không thấy, sự sợ hãi mơ hồ, nhưng lan rộng, bao trùm lên mọi thứ! Nó làm người ta quên, hoặc cố tình quên, là chỉ cần một đốm lửa nhỏ, một chút sáng, soi vào đó, là bóng tối tan biến. Kẻ nhát gan không dám làm. Kẻ gian manh lợi dụng. Bóng tối, tối thêm. Con đường càng lúc càng vắng. Gian trá mãi, lợi dụng cũng cạn kiệt, bóng tối hao mòn. Người ta mới sực nhớ ra, đem trồng một ở đó một cây đèn đường. Có đèn, con đường tự nhiên bớt âm u. Xe cộ bắt đầu qua lại.

Cột đèn non trẻ tự hào vì điều này. Hắn thấy mình như đang thay mặt thượng đế, ban phát ánh sáng cho nhân loại. Như một thứ cứu tinh cho cái sự sống ban đêm của con đường. Ban ngày, khi mặt trời lên, hắn tự cho phép mình nghỉ ngơi, ngủ một giấc dài, mặc kệ thiên hạ. Thế giới của hắn là về đêm. Hắn thích thú, cố đứng thẳng và rọi thật xa. Chỗ nào có sự chiếu cố, ban phát của hắn, chỗ đó mang một hình ảnh khác. Ánh sáng của hắn có sức mạnh của một đạo quân, quét sạch đám âm binh lẩn quẩn. Hắn ngạo nghễ nhìn dòng người, hắn muốn đọc sự biết ơn trên mặt họ. Nhưng ngày qua ngày, điều này không xảy ra. Người ta theo cái vùng sáng của hắn, chui vào và thoát ra thật nhanh. Ai cũng hối hả, không ai để ý, không ai nhớ lại trước đây, khi chưa có hắn. Không ai dừng lại để ngắm, hay hỏi thăm hắn một câu. Có người còn chẳng quan tâm cái ánh sáng từ đâu ra, nói gì tới hắn.

Hắn bắt đầu thấy buồn và cô đơn. Hắn tự nhủ, không cần cái loại qua đường này, chúng thường là những kẻ vong ơn. Hắn dành thời gian để mắt tới những người ở gần hắn nhiều hơn. Những người mà hằng đêm, đi và về, luôn phải nhờ đến sự tận tâm của hắn. Hắn gồng mình chiếu sáng về phía những căn nhà. Như để gửi lời chào, tới những cánh cổng khép mở mỗi ngày và từng con người bên trong đó.

Mãi mê với những thứ này. Cây cột đèn quên mất, cái phía ngay dưới chân mình. Quên rằng hắn có thể thắp sáng cho nhiều thứ trừ… chính hắn. Chỗ chung quanh thân hắn nhập nhoạng. Vẫn còn hiện diện của bóng tối ở đây. Hắn hy vọng họ sẽ nhìn thấy sự hy sinh của hắn, thấy cái thiệt thòi và chịu đựng của hắn. Và khi những thứ hắn tưởng đó, chưa đi tới đâu, thì từ trong cái tối mập mờ chung quanh hắn. Một cặp trai gái còn rất trẻ dừng xe lại. Họ ngồi yên trên đó, thì thầm to nhỏ. Rồi họ hôn nhau, những cái hôn chặt và lâu. Hắn thích thú với vai trò che chắn của mình. Một lát sau, họ rời nhau. Người con gái đi bộ về phía trước. Chắc nhà cô ở gần đâu đây, và cô không muốn người nhà biết chuyện hẹn hò của mình. Chàng trai nhìn theo ngơ ngẩn, đến khi cô đi khuất mới đi. Được vài tối như vậy, rồi thôi. Hắn không gặp lại họ nữa.

Đêm khác, đúng lúc cây cột đèn không ngờ, không chờ đợi. Một gã say lò mò tới, tay vịn vào người hắn, tay kia tuột dây kéo quần, mùi xú uế lẫn mùi rượu bốc lên nồng nặc. Hắn rùng mình, một bên người ướt sũng. Hắn ngạc nhiên, hắn tức tối. Hắn không tin gã say có thể làm điều này với mình. Chưa hết, gã thuận tay ném luôn tờ báo đang cầm, xuống vũng nước vừa xả ra, rồi mới chịu bỏ đi. Thứ nước khai rình ngấm vào trang báo mở sẵn, làm mực nhòe đi và chữ theo đó tan dần…, tan dần. Nhiều người biết gã này. Có người chào gã là nhà thơ. Thì ra vậy. Tối nào gã cũng từ cái quán nhậu bình dân ở đầu đường, về qua đây. Cây cột đèn cũng có cảm tình với cái tướng đi chệnh choạng, bất cần đời của gã. Nhưng làm quen với nhau kiểu này thì tệ quá!

Gã nhà thơ đi khỏi được một lát. Từ bên trong những căn nhà gần đó. Một, rồi hai, ba người đàn bà thò ra, thay phiên nhau. Rất nhẹ nhàng, đặt dưới chân hắn mấy…bịch rác. Một thứ mùi hỗn hợp mau chóng lan ra trong không khí. Người đi đường tránh xa hắn thêm. Vài con chó hoang, ghé qua kiếm miếng ăn, tiện thể cũng xoạc chân, xả thẳng vào hắn không thương tiếc.

Người hắn bong tróc, ngứa ngáy và hôi hám tới mức hắn chỉ dám nhìn ra xa, chứ không dám nhìn lại mình.

Rồi nắng, rồi mưa, rồi năm tháng chất chồng. Cây cột đèn ngày càng tàn tạ. Hắn mơ hồ nhận ra một phần giá trị thực của mình.

Một tối, chàng trai trẻ ghé lại. Một mình. Chàng tần ngần ngó hắn, rồi ngóng về phía con đường lúc trước. Không có cái lưng áo phất phơ. Không còn tiếng bước chân hối hả. Chàng trai nhặt một miếng gạch bể gần đó, rồi bằng tất cả những chất chứa trong lòng, chàng mài lên hắn chữ HẬN. Cơn đau trong người chàng trai trút lên hắn. Cái chữ ám lên thân hắn. Cái chữ đầu tiên hắn mang trong đời. Cái chữ gây ngộ nhận và làm thành một cái tên, lại chẳng mảy may liên can gì đến hắn. Từ đó, người ta nói chuyện về hắn rất thản nhiên: qua khỏi cột đèn HẬN là tới…Kế bên cột đèn HẬN..

.Cái tên vận vào hắn. Giấc mơ về một sự thay đổi lớn dần. Hắn mệt mỏi và chán chường với công việc. Hắn luôn tự hỏi không biết mình còn đứng được bao lâu nữa!

Hắn chỉ còn trông chờ vào một phép lạ. Và rồi cô gái xuất hiện, với cái nhan sắc cũng bầm dập như hắn. Cô như một nhánh cây khô đã lâu không được tưới nước. Cô trôi dạt từ đâu lại không biết. Hắn chỉ nhớ cái buổi chạng vạng sau cơn mưa chiều, những vũng nước còn đọng lại dưới đường. Hắn vừa lên đèn, thì cô đã đứng tựa người vào hắn, lục tìm thỏi son trong chiếc túi nhỏ bên người, bôi lên đôi môi nhợt nhạt. Cô chải lại mái tóc, kéo chiếc áo cho hở thêm bộ ngực nhão nhoét, rồi ngóng ra đường. Cứ chiếc xe nào đi rề rề ngang, cô lại nhoài người ra đón, mời chào như gặp người thân. Không ai dừng hỏi han, cô lại lủi thủi quay vào nép sau lưng hắn. Thì ra cô làm điếm. Hắn đoán già, đoán non, chắc cô làm nghề này cũng khá lâu, trước không biết sao, chứ giờ chắc cùng đường mạt lộ, mới tới kiếm ăn chỗ này…

Vậy mà từ ngày có cô bầu bạn hắn vui. Hắn thấy mình gần với loài người hơn. Hắn chú ý đến sinh hoạt của cô nhiều hơn. Đêm nào cô ra trể, hay bắt được khách, dắt nhau vào cái nhà trọ rẻ tiền nào đó. Hắn bồn chồn, hắn trông ngóng cô trở lại. Hắn thèm được nhìn thấy nụ cười méo xệch và hiếm hoi của cô khi đếm mấy đồng tiền nhàu nát, hay khi cô cúi gằm đầu ăn tô mì gõ, rồi hắt phần nước lèo còn sót vào chân hắn. Từ ngày có cô, những túi rác tự động dời đi nơi khác. Cũng không còn ai ghé xả lên người hắn. Hắn trở lại vững chãi và tự tin hơn. Hắn thầm cảm ơn cô, vì tất cả những thứ cô mang lại, và cầu mong mọi thứ cứ mãi như thế…

Mùa mưa năm đó, có cơn bão lớn vào thành phố, mưa dầm dề từ sáng. Mặt trời lấp ló, mặt trời âm u và mặt trời tắt sớm. Gió ào ào thổi, hàng dây điện chằng chịt trên đầu hắn chao đảo, chạm vào nhau kêu í ới, lửa nhoáng lên từng chập. Hàng dây níu vào hắn, lôi hắn theo. Đất dưới chân hắn rung lên, nứt rạn. Hắn cố hết sức đứng cho khỏi ngã. Nhưng khó quá, lần đầu tiên hắn cảm thấy rõ rệt nhất, sự già nua của mình.

Cơn gió chợt dừng lại, mưa nhẹ hơn rồi dứt. Người hắn nghiêng hẵn về một bên. Chung quanh hắn tối lại, hắn cũng không còn chút ánh sáng nào để phát ra. Hắn như tê liệt. Cứ thế hắn đỗ xuống từ từ. Không biết ngày mai người ta có dựng hắn dậy, hay sẽ mang hắn đi vứt bỏ ở một nơi nào khác. Mặc kệ, đằng nào thì hắn cũng sắp chết. Hắn ngửa mặt lên nhìn bầu trời, mây đen đã tan, mặt trăng sớm còn ở xa, chiếu chút sáng vàng vọt xuống. Hắn thấy trăng đẹp vô cùng. Hắn bắt đầu cầu nguyện. Lòng thành của hắn được chứng. Nàng đang đi về phía hắn. Không ai ra ngoài vào giờ này. Chỉ có cái đói lôi kéo. Nàng nhìn hắn ái ngại, rồi nhìn ra đoạn đường vắng hoe. Hắn nghe tiếng thở dài của nàng. Ông trời chắc cũng nghe. Gã thi sĩ say rượu ngày thường đi ngang là đi một nước. Bữa nay gã chợt dừng lại, ngó nàng đăm đăm. Cô gái lên tiếng trước: “đi không?” Gã gật gật: “…mà bao nhiêu?” “Bao nhiêu cũng được”. Nàng vừa nói vừa kéo gã lại gần. Gã thọc tay vào túi quần, lôi hết mấy đồng tiền trong đó đặt vào tay nàng: “ở đây hả?”. Cả hai sát vào nhau, nhấp nhô. Nàng tựa lưng vào cây cột đèn, nửa đứng nửa ngồi. Gã say trút hết sức lực, hì hục thở. Cây cột đèn trân mình chịu đựng. Mặt trăng trốn mất dạng. Hai cái bóng dính chặt. Rồi cũng xong. Một tay kéo quần, một tay vẫn nắm chặt tiền, nàng nói: “đi…tui mời anh tô mì…” Gã say xua xua tay, rồi gập người ói thốc, ói tháo lên người hắn. Cô gái điếm vỗ vỗ lên cây cột đèn, không biết để cảm ơn hay chào từ biệt, rồi đi thẳng. Gã say ráng đứng dậy, loạng choạng đi theo sau.

Trong đống thức ăn nhầy nhụa gã vừa ói, những thứ thực sự của chính gã vừa trào ra không kiểm soát, cứ nhấp nháy những dòng chữ, thứ chữ không giống chút nào, với cái chữ trên tờ báo, trong vũng nước đái hôm nọ.May mà gã còn ói được..

NĐH

……

thơ chàng:THƠ NGÔ ĐÌNH HẢI

,

DỤ DỖ

hay là mình cứ yêu nhau đi em

để có khóc thì khóc chung một lúc

có giông bão còn nắm tay nhau được

chứ cuốn trôi rồi ai nói ai nghe

hay là mình cứ ở chung đi em

cho năm tháng cạn có nơi nương tựa

cho những đoạn đời cháy trong bếp lửa

biết đâu còn hơi ấm một nồi cơm

hay là mình cứ ngủ chung đi em

nhà còn mái che đâu mà e ngại

hong cây lá ướt cho nhau cùng sưởi

mơ thấy bên ngoài bóng một quê hương

hay là mình cứ đi chung thôi em

xa thật khuất chỗ ta đang mắc cạn

về sông cũ làm lục bình trôi dạt

hoa nở tím buồn cũng bớt cô đơn…

NHANG KHÓI

cuối năm nhớ quá , lên chùa cũ

tìm bóng em ngồi tụng Pháp Hoa

sư hỏi : ” sao không vào mà lễ ?

“thưa : ” thiếu tiếng ai kia niệm Di Đà ! “

chỗ ấy còn thơm hương Bồ Tát

mà , giang hồ bụi cứ theo chân

sợ vô tình chạm tan đi mất

lỡ một hồi kinh với mõ chuông

nam mô , tình dẫu coi như nghiệp

cũng có cho mình được chút duyên

xin gửi khói nhang trong chánh điện

người ở bên ngoài đỡ nhớ thêm .

.BỮA NHẬU GÓP

Đám bạn cũ gặp nhau rủ nhậu

Đứa nào có gì góp nấy

Một tên chìa ra chai rượu gạo

– Tao góp “nước mắt quê hương” cho nó mau say

Cho quên đi cái trống rỗng của tháng ngày

Ly rượu nhỏ lọt thỏm trong lòng bàn tay

– Tao góp mấy tiếng cười

Cho những giấc mơ thấy đường về trong đêm tối

Tên khác dốc cạn ly không nói

Lặng thinh đếm coi còn thiếu mấy chỗ ngồi

– Tao góp thời tuổi trẻ xa xô

iChiến tranh đã qua lâu mà mất mát còn hoài

– Tao góp bằng Tú Tài đôi

Công ăn học đem ra đứng chợ trời

– Tao góp những cuộc tình ngây dại

Yêu mà sợ chiếc khăn sô trên đầu người con gái

Tên khác cúi mặt không nhìn ai

Lẩm bẩm góp câu

– Lũ chúng mình sinh nhầm thời!

Tên nữa móc túi đặt lên bàn mấy tờ tiền giấy

– Tụi mày đừng ngại, trong đó toàn nước mắt và mồ hôi

Tên còn lại cho tao góp với

Cái thứ thèm uống cho trôi

Thứ không thuộc về mình lâu rồi

Thứ người ta định nghĩa là…Cuộc đời!

Có mỗi chai rượu mà chừng đó mồi Phải say thôi!..

.*TIỂU SỬ NGÔ ĐÌNH HẢIKỹ sư Canh Nông, Bắc di cư, sinh Hải Phòng, sống và lớn lên ở Sài Gòn. Nhóm thơ Hồn Trẻ với BCVinh (1968). Viết tự do. Đã xuất bản: Nhỏ ơi(thơ), Đời ơi (thơ), Ngửa (tập truyện ngắn), Còn&Mất (truyện dài).Đang in: Tôi ơi (thơ), Nghiệt (tập truyện), Phù Hư (tập truyện), Giang hồ khô nước mắt (tiểu thuyết).Tôi nghĩ và hy vọng Ngô Đình Hải còn mãi tư duy để đi,sống và viết như câu nói nổi tiếng của nhà hiền triết Descartes: Tôi tư duy nên tôi tồn tại( I think,therefore I am).Trần Dzạ Lữ( Xuyên Mộc 16.10.2021)Hình : Nhà văn NĐH

Read Full Post »

Cái chữ về đâu

Nguyễn Đình Sinh

.

Ngày ấy con mải mê cái chữ

Đỗ vào cấp ba cả xã có vài người

Cha bảo khổ quá ở nhà thôi con ạ

Ai nuôi con khi bố mẹ đã già

.

Mẹ nuốt nước mắt vào tim

Đời mẹ tảo tần tìm cơm áo

Học nữa rồi cái chữ về đâu

Ôm mộng nhiều vỡ mộng càng đau

.

Những năm hạn ruộng sâu nứt nẻ

Cây lúa khô tức tưởi nghẹn đòng

Mưa muộn về lụt ngập trắng đồng

Lúa con gái chưa chồng chết uổng

.

Để được học con phải làm kiếm sống

Cái chữ theo con dãi nắng dầm sương

Năm nào con cũng đứng nhất trường

Cầm giấy khen mẹ rưng rưng khóc

.

Cái chữ theo con lên đường đánh giặc

Rồi lại lên bục giảng cùng con

Thắp sáng bao tâm hồn trí tuệ

Chắp cánh bay cho những cuộc đời

.

Mỗi khi con trở lại thăm quê

Dù lễ hương có sắm đủ đầy

Bây giờ con báo hiếu ai đây

Cho con xin – quỳ ngàn lạy… bên Người

Read Full Post »

Trương Anh Tú

“Đẹp sao những loài hoa

Đã một lần thật sống

Để đi hết bầu trời

Của tận cùng sự sống

”…-Bài thơ NHỮNG MÙA HOA ANH NÓI với bản dịch tiếng Anh “THE FLOWER SEASONS YOU MENTIONED” của dịch giả Võ Thị Như Mai (hiện là giáo viên tại Úc).

-NHỮNG MÙA HOA ANH NÓI(Một mẩu đối thoại)-

.

Tôi tìm những bông hoa

Nồng nàn từ đồng nội

Hương được hong từ gió

Sắc được hái từ mây

Cả hoa và cả lá

Từ giọt sương vơi đầy.

.

Cô bán hàng nghĩ ngợi

Không có đâu anh ơi

Những bông hoa ở đây

Được nuôi từ lồng kính…

.

Trăm hoa cùng một sắc

Nghìn cánh cùng một hương

Nở rồi tàn cùng lúc

Sợ mặt trời, gió sương

.

.- Đẹp sao những loài hoa

Đã một lần thật sống

Để đi hết bầu trời

Của tận cùng sự sống!

.

Tôi yêu những mùa hoa

Nhựa căng từ lòng đất

Hương được hong từ gió

Sắc được hái từ mây

Cả hoa và cả lá

Từ giọt sương vơi đầy.

.

Cô bán hàng tư lự

Chợt buồn rồi xa xôi

Những mùa hoa anh nói

Phải tự trồng, anh ơi!* * * * *

THE FLOWER SEASONS YOU MENTIONED(a dialogue poem)

I’m looking for Flowers that

Impassioned from Meadow

Fragrance extracted from Wind

Colours mingled from Cloud

Both Flowers and Leaves

Interspersed from Dew Droplets

.

.The florist raised her eyebrows

There are no such Flowers

The flowers we sell here

Growing in a greenhouse…

.

Hundred flowers of the same colour

Thousand petals of the same fragrance

At the same time bloom and wither

Fragile from Sun, Wind and Dew Drops.

.

– How gorgeous those flowers

Have been worth living once

Blossoming all over Sky

Till the end of life!

.

I love those flower seasons

Sap nourished from Soil

Fragrance extracted from Wind

Colours mingled from cloud

Both Flowers and Leaves

Interspersed from Dew Droplets

.

The florist seemed to ponder

Her heart sank, eyes settled yonder

The flower seasons that you mentioned

Must be grown your own, Sir.

*By TRUONG ANH TUtranslation into English by Võ Thị Như Mai

Read Full Post »

Thu vô ngôn

Trần Thoại Nguyên

.

Thu rừng thông lặng câm

Đồi cỏ hoa âm thầm,

Vầng trăng khuya vàng lạnh

 Đáy hồ in thu tâm.

.


Lá úa ngàn thu phai

Cầu sương phủ sông dài 

Thu muôn đời không nói 

Chỉ lệ sầu thu rơi!

.


Rưng rưng hồn hoa cúc

Gió thoảng hương biệt ly 

Gác vắng tiêu sầu khúc 

Lòng nhớ bạn cố tri. 

.


Thu bàng bạc chung trà

Ly rượu đời tài hoa

 Cùng vầng trăng huyễn mộng 

Sương mờ mái chùa xa.

.


Thu trên đỉnh linh hồn

Trời Không. Thu vô ngôn 

Ráng chiều thu Đá Trắng

Phượng Hoàng đỏ hoàng hôn.

Read Full Post »

Elena Pucillo Truong

           (Nguyên tác tiếng Ý: Donare un momento di serenita’)

                               Bản dịch của Trương Văn Dân

            Trong xe khá yên lặng nhưng bên ngoài mưa đang rơi rất mạnh.

Những đám mây đen rủ ren nhau từ buổi chiều bây giờ đang phóng thích hơi nước tích tụ thành một cơn mưa xối xả, mọi vật xung quanh mờ mịt vì màn đêm cũng vừa buông xuống, ánh sáng chỉ lóe lên từng chặp nhờ đèn pha từ những chiếc xe hơi chạy ngược chiều.

Tôi muốn chợp mắt một chút để nghỉ ngơi nhưng xe cứ nhảy dựng vì ổ gà, luồng sáng chiếu lên mặt kính làm chói mắt và tiếng còi xe inh ỏi liên tục nhấn lên nên giấc ngủ không thể nào đến được.

            Thoạt đầu tôi còn nghe tiếng nói chuyện của Nga, Kim Đức và cô bạn Hồng Hoa ngồi ở băng sau, còn bên cạnh là chồng tôi đang trao đổi với Châu và Tự, chú em rể đang ngồi  bên cạnh tài xế. Nhưng về sau, có lẽ vì quá mệt nên mọi người im lặng, ngủ gà ngủ gật hay buông trôi theo ý nghĩ của mình.

Vì đã trễ nên trước khi về thành phố Qui Nhơn chúng tôi cho xe dừng lại ở một quán cháo vịt.    

Hơi nóng và mùi thơm bốc lên từ tô cháo làm chúng tôi tỉnh ngủ. Cảm giác như vừa nhận được một sự trợ gíup, không chỉ hâm nóng cơ thể mà còn cả tinh thần.

Hôm ấy không phải là một ngày dễ dàng… nhưng sự mệt mỏi của tôi còn do những buồn phiền từ những ngày trước đó.

Chuyến công tác từ thiện lần này được chúng tôi chia làm nhiều đợt: Buổi sáng di chuyển bằng xe máy đến trung tâm trợ giúp các em bé ở thị trấn Bình Định và buổi chiều đi phát gạo và tiền cho những bệnh nhân nghèo đang chạy thận ở bệnh viện Qui Nhơn. Ngày cuối chúng tôi phải đi xa, đến thị trấn Phú Phong để phối hợp chương trình cùng các bạn trong gia đình Phật tử.

Chúng tôi đã đi trên những con đường nhỏ hẹp và đầy bụi dưới cái nóng kinh hồn, bầu trời chỉ thỉnh thoảng mới có một cụm mây, để mang đến chút niềm vui cho những người bất hạnh. Nhưng cũng may là về chiều trời mới đổ mưa, điều này giúp chúng tôi tránh phải lội bùn hay gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng về đến nhà. Điều đầu tiên mà tôi ao ước là được tắm rửa để xóa đi những mệt nhọc và cơn buồn ngủ. Dòng nước ấm làm trôi đi những bụi bặm trong ngày nhưng những ý nghĩ thì vẫn còn đọng lại.  

Từ đôi mắt tôi chảy xuống ngoài những giọt nước còn có thêm vị mặn của nước mắt. Tôi  không thể nào xóa đi trong tâm trí những khuôn mặt co quắp vì đau khổ hay nỗi xót xa khi thấy những thân thể teo tóp, biến dạng vì bệnh tật trong những cuộc đời bất động, những con người im lìm, không thể tự túc nhưng ánh mắt vẫn còn ánh sáng. 

 Đó đây vang lên những những nụ cười của các trẻ em câm điếc cùng những đôi mắt để bày tỏ lòng tri ân, bởi vì để cảm ơn không cần phải dùng lời; Đôi mắt đầy lệ của bà mẹ 90 tuổi bị con cái bỏ rơi, của người đàn ông còn trẻ nhưng thân mang trọng bệnh mà không tiền chạy chữa, ông đâu còn có tương lai. Rồi còn đôi mắt đẫm ướt của một cô gái trẻ đang mang thai, một thân một mình nên không biết định mệnh sẽ đưa về đâu.

 Ôi bao nhiêu đau khổ toát lên từ bàn tay sần sùi, chai sạn của người đàn ông mà tôi đã nắm lấy để an ủi, mấy tháng trước ông còn làm việc ở một công trường hay bàn tay đen đúa của một bà nông dân suốt đời cúi gập mình trên ruộng gieo mạ để nuôi sống gia đình và cũng để nuôi sống cả chúng ta.

Tôi đã siết chặt những bàn tay biến dạng vì viêm khớp, có nhiều nút sưng to như trên những cành cây cổ thụ hay những bàn tay trắng xanh và mỏng manh như cánh hoa hồng của những em bé, có lẽ do sống nhiều thời gian giữa bốn bức tường, vì sợ ánh sáng hay không còn muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Tôi đã ôm chầm lấy em bé mồ côi mẹ ngay từ ngày sinh đẻ hay lau khô những giọt nước mắt của những người không còn cử động.

Những cuộc đời bị cầm tù trong thân thể vì thiếu chân để trốn chạy, thiếu tay để tự vệ hoặc yêu thương. Họ không thể ôm lấy một ai để bày tỏ lòng yêu mến hay cảm nhận được hơi ấm của tình người!

Nhưng tôi nghĩ là mọi thứ còn kinh khủng hơn vì thiếu những cử chỉ thân thiện. Thường thì không ai có thời gian để ban tặng một vòng ôm. Đối với nhiều bác sĩ hay y tá thì chỉ có sự chẩn bệnh, trị liệu là quan trọng. Tất cả đều được khái quát hóa và người bệnh chỉ là một kẻ chiếm một giường nằm, nếu may mắn có được một chiếc giường để ngả lưng. Và điều này hiện nay phổ biến trên toàn thế giới, bệnh nhân đang trở thành một con số và mất đi bản sắc của mình vì chẳng ai còn quan tâm đến họ như một con người, không ai cần nhớ đến quá khứ, cuộc đời hay nỗi cô đơn của họ. Người ta dễ dàng quên đi là những cụ già này, những bệnh nhân kia cũng là người và từng có một đời sống đầy phẩm giá. Trong tình huống đó, cuối cùng thì giàu, nghèo chẳng có khác gì nhau, khi người ta không còn cảm nhận là mình đã từng hiện hữu. Tôi chợt nhớ đến bài thơ “Mới hôm qua thôi[1] của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và hiểu là sự đau khổ làm đã làm những  diễn ngôn trở thành vô ích.

Đầu óc tôi bỗng hiện lên hình ảnh một bà cụ, lúc bà vừa nấu xong một nồi cơm, đang đặt lên bàn thờ vài quả trứng chiên, một điã rau xào cùng bát canh rau vì hôm ấy là ngày giỗ chồng. Khi thấy chúng tôi, bà liền mời ăn cơm với bà. Tôi biết đó là cách mà bà muốn cảm ơn về món quà của chúng tôi mang lại nên ai nấy cũng đều vô cùng xúc động.

Ôi, bao nhiêu đau khổ trong những cuộc tồn sinh của bà! Mỗi ngày lặng lẽ trôi qua, bà không nhìn thấy một ai và chỉ trao đổi vài lời với một chú mèo con, chân bị cột vào thanh giường vì nếu nó chạy mất thì bà sẽ không còn biết vì ai để sống. Đợi chờ. Bà luôn đợi chờ một ai đến,  có thể đó là một bà hàng xóm ghé qua thăm và có mang cho bà tô cháo. Thỉnh thoảng lắm mới có những khuôn mặt lạ và họ đã để lại cho bà một vòng ôm, truyền cho bà chút hơi ấm đặc biệt qua hai bờ vai mảnh khảnh, rung theo tiếng nấc và đến từ trái tim khao khát tình người.

Tôi lau mặt và nhìn thấy trong gương đôi mắt đỏ của mình. Tôi giặt vội quần áo để loại bỏ mồ hôi và bụi đường và sau khi phơi ở hành lang, tôi bước lên giường để ngả lưng.

Nhưng những ý nghĩ vẫn còn nằm đó! Tôi không thể nào chặn nổi những ý nghĩ cứ  trỗi dậy trong đầu.

Trong trí tôi vẫn còn đọng lại hình ảnh một bà cụ già, trên người mặc chiếc áo màu tím, cầm cây gậy trúc cao hơn đầu mình chống ra cổng vẫy tay chào khi chúng tôi từ giã và sắp bước lên xe đậu ở phía bên kia lề đường. Đứng tựa người vào gậy, lưng dựa vào hàng rào, bà vẫy tay chào lần nữa để tỏ lòng biết ơn vì năm nay chúng tôi vẫn còn nhớ đến bà.

Mấy năm trước chúng tôi cũng đã gặp bà, luôn gầy ốm nhưng trong ánh mắt không thiếu tia sáng của nghị lực và lòng can đảm. Tôi còn nhớ bà và một bà cụ khác cũng ở gần nhưng năm nay đã không còn nữa. Chiếc phong bì dành cho bà cụ này chúng tôi đã dành cho một gia đình khác cũng đang cần giúp đỡ.

Khi tham dự vào một công tác thiện nguyện thì tôi không thích chụp hình, thế nhưng lần này thì chú Tự đã ghi hình và có lúc còn quay phim, mục đích lưu lại để chuyển cho những bạn ở xa đã đóng góp tiền bạc nhưng không tham dự được. Có bạn biết một vài trường hợp và nhờ chúng tôi thay mặt giúp đỡ. Nhưng có lẽ hiện thực mà chúng tôi chứng kiến còn nằm ngoài những trí tưởng tượng của họ. Bằng những đồng tiền nhiều nguồn, có thể góp được từ những buổi làm thêm, của một bà cụ già hay của một đôi vợ chồng trẻ gửi về để làm công đức cho đứa con gái vừa mới ra đời, tiền hoa hồng của một cô sinh viên làm thêm trong những giờ rảnh rổi, tất cả góp lại và gửi về để chúng tôi có thể đại diện họ mang lại một chút niềm vui cho những người khốn khổ. Mỗi người đều muốn đóng góp phần của mình, ít hay nhiều không quan trọng vì phát xuất từ những tấm lòng.

Tất nhiên tôi không thể nào đo lường được những bận rộn và lo âu của Nga, Xuân, Nguyệt, Kim Đức, Hoa, Hảo… để tổ chức về chuyến thiện nguyện này, dù đã nghe rất nhiều cuộc điện thoại, thấy nhiều lần trao đổi qua email, FB, tham khảo ý kiến của các bạn trong gia đình Phật tử Tây Sơn như anh Lộc, Như Trang… để xem xét các trường hợp, và bổ sung vào danh sách những người cần giúp.

Những đóng góp cá nhân tuy nhỏ nhưng mọi người đều cùng làm nên cũng đã giúp được nhiều người.

Tối đó tôi không thể nào dỗ được giấc ngủ. Đầu óc tôi cứ miên man nghĩ về những phận người, những cụ già hay em bé bị bỏ rơi, cô độc và bệnh tật. Tất nhiên không chỉ là những người mà tôi vừa thấy, vì trong thế giới này, chỉ cần mở một trang báo là thấy những hoàn cảnh như thế càng ngày càng tăng. Nguyên nhân có thể rất nhiều, nhưng với những người khốn khổ thì nào có quan trọng gì, cuối cùng cũng chỉ là đau khổ, đói khát, chết chóc và cô độc.

Khi chúng tôi đến trung tâm người khuyết tật thể chất và tâm thần thì có một người đàn ông đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh lúc tôi đến trao cho ông chiếc phong bì. Vẫn nằm yên, mặt quay vào vách, ông cầm phong bì rồi ném ra xa. Sau vài lần như vậy thì cô y tá bảo tôi đừng quan tâm vì ông ta rất bất thường.

Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được cái bờ vai của ông ấy, và cái cách mà ông từ chối người lạ mặt. Thái độ của ông chính là sự khước từ cái thế giới này và chỉ chấp nhận nhìn vào mắt của những người đồng cảnh ngộ. Sự chọn lựa của ông là không thèm nhìn vào sự thật của bệnh tình.

Có thể là chỉ khi nhìn vào bức vách trắng thì ông ta mới tin rằng mình là một người bình thường, là có thể sống một cuộc đời khác, tưởng tượng vẽ lên bức vách đó những ý tưởng, những nhân vật hay sự kiện mà chỉ mình ông biết để tạo ra một thế giới riêng biệt và vẹn toàn.

Có lẽ ông không điên, không hề, và đã tự tìm ra cách để giảm bớt đau khổ, đã tìm thấy một cách giải quyết những vấn đề hiện sinh của mình để có thể tiếp tục sống.

Nếu ông ta quay lại, giả sử ông đã nhìn vào mặt tôi, có lẽ ông sẽ nhìn thấy trong mắt tôi bao niềm thương cảm và sẽ hiểu ra tình trạng của mình, như thế thì có khác gì ông ta đã  hủy diệt cái thế giới siêu thực mà ông đã khó nhọc tạo ra?

Tất nhiên tôi phải tôn trọng sự chọn lựa của ông và cần tìm hiểu lý do của thái độ khác thường đó, vì thật ra biên giới của sự bình thường và điên loạn rất đỗi mong manh.

Vì chính tôi cũng đã nhiều lần dập mạnh cánh cửa vào mặt cái thế giới tàn nhẫn này! Nhưng dù thế nào thì qua những an ủi và trợ giúp trong những ngày qua, có lẽ chúng tôi cũng đã gửi được một thông điệp hy vọng và an lành.

Có thể đây chỉ là một niềm an ủi nhỏ nhoi, nhưng chỉ sau những suy tư ấy mà tôi đã chìm vào giấc ngủ.

Sài Gòn, Ottobre 2019


[1] https://www.dohongngoc.com/web/huom-huom/nhung-nguoi-tre-la-lung-canh-mai-san-truoc/moi-hom-qua-thoi/

Read Full Post »