..
Nguyễn Huỳnh
Những năm sau sự kiện 75, cả đất nước dường như lên cơn bệnh … ốm nghén, thèm ngọt.
Quê tôi có dãi đất thổ ven chân núi, ưu tiên trồng cây sắn mì. Chỉ có một vài gia đình khấm khá mới dám trồng mía. Ba tôi bảo : Đói chết chứ thèm chỉ chảy nước miếng chơi chơi chứ không chết được!
Ông Hay là người trồng mía nhiều nhất làng. Lòng thơm thảo của ông tùy vào từng vụ mía. Năm nào nghe ông chửi : Mẹ, mía kiểu này nhổ làm tăm xỉa răng cho rồi ! Là bọn trẻ chúng tôi buồn xanh xương.
Năm nào được mùa thì xóm làng tôi rộn rã cả ngày đêm. Suốt ngày chúng tôi chực chờ ở lò che, phụ giúp phơi bả mía, hay đánh bò đi vòng vòng xoay hai ông che làm bằng gỗ. Giữa hai ông che là miệng che, người trực tiếp cho mía vào gọi là người cho che ăn, người này rất quan trọng, thường là chủ lò. Nước mía chảy vào một cái chảo bằng gang to gọi là chảo sống. Chảo nhỏ hơn đặt trên bếp lò âm dưới đất lúc nào cũng đỏ lửa gọi là chảo chết. Tôi thích ngồi chụm lửa gần cái chảo sôi sùng sục, mùi đường tỏa ra ngào ngạt. Khi đường gần tới, ông Hay múc cho chúng tôi mỗi đứa một chén nhỏ gọi là đường chài, để nguôi nguội ăn dẻo quẹo, ngọt và thanh.
Khi thu hoạch xong, ông Hay nấu một nồi chè nếp đậu đen cốt dừa bằng cái chão sống, mời cả xóm cùng ăn. Và lần nào cũng vậy, ông Đúng khùng, một người gánh cá thuê đều ăn hết một vòng các chén chè xếp quanh vành nia mới chịu đứng dậy.
Chú út tôi làm mía cho ông Hay, được chia một thạp đường nước nhỏ, dấu trong góc nhà nội. Chú trợn mắt nhìn chúng tôi :
– Tụi bây không đứa nào lén ăn vụng nghe chưa ! Nói xong ông bắt một con thằn lằn bỏ vào trong và đậy nắp lại.
Con em tôi la lên :
– Gớm ! Ai thèm !
Một hôm tôi thấy ông Chất điếc gần nhà, bắt con thằn lằn rồi bảo thằng con 3 tuổi của ông há miệng ra, ông bấm đuôi, con thằng lằng cong người chạy tọt vào miệng thằng nhỏ. Ông bảo, chữa bệnh hen suyễn. Tôi nghĩ ngay tới con thằn tằn trong thạp đường nhà nôi. Cái xác con thằn lằn nổi lềnh bềnh trên mặt lớp đường đen thui không ngăn nổi cơn thèm ngọt kinh niên của tôi. Tôi thường về nhà nội hơn. Chờ chú tôi đi khỏi, nội tôi ngủ trên chiếc võng ngoài chái hiên , tôi lẻn vào góc nhà mở nắp thạp, đẩy xác con thằn lằn sang bên rồi lấy hai ngón tay sục vào lớp đường cát nằm phía dưới mút liếm lấy liếm để.
Ba tôi lâu lâu mua về một tán đường bằng bàn tay, ông lấy dao cản thận cứa ra từng miếng nhỏ chứ không dám chặt vì sợ văng mất những mảnh nhỏ, uổng ! Tôi giành lấy dao đi rửa chỉ để lè lưỡi liếm cho tới khi thấy mùi tanh tanh của kim loại.
Ba cho mỗi dứa một cục nhỏ, xong cất trong tủ rồi dặn : Để đó ăn cơm nguội. Xế nào ngủ trưa dậy, xuống bếp lật vung nồi cơm mà thấy nắm cơm vun lên gọn gàng, một cục đường đặt ngay ngắn lên trên là tôi rất biết ơn chị tôi vô cùng.
Một lần tôi bị bệnh. Ba tôi đạp xe vào trong huyện kiếm đâu ra một lon sữa ông thọ đem về. Ba pha cho tôi một ly nhưng miệng tôi đắng ngắt nên không thấy ngon lành gì. Đứa em gái tôi đứng nhìn nuốt nước bọt, rụt rè :
– Con cũng muốn… bịnh.
Ba tôi pha cho nó một ly loãng xịch.
Tôi nói :
– Để chừng nào hết bệnh con uống!
– Bệnh mới uống sữa chứ hết bệnh thì chỉ có ăn bánh canh! – Ba tôi trừng mắt.
Ăn bánh canh là ăn đòn. Mỗi khi anh em chúng tôi bệnh, ông vừa chăm sóc vừa hăm he như vậy.
Lon sữa đặt nơi đầu giường tôi nằm, trên cái đĩa chứa nước để tránh kiến bu. Ba cẩn thận nhét giấy kín vào hai cái lổ đã đục. Em gái tôi cứ chàng ràng đi quanh. Chờ cho ba tôi đi khỏi, và chỉ chờ tôi hất đầu ra hiệu nó chụp lấy lon sữa mút chùn chụt. Sau khi khỏi bệnh, lon sữa chỉ còn lại một ít dính đáy lon, tôi lấy dao đục nắp ra, liếm sạch cái nắp rồi lấy ngón tay vét sạch lon rồi liếm sạch ngón tay. Bây giờ tôi mới thấy hối hận cho cái quyết định quá ư hào hiệp của mình, tự nhiên đâm giận con em mấy ngày.
Hồi đó buôn đường bị cấm. Một lần bà Miết bị bắt một giỏ đường nhỏ. Cả xóm vây quanh tranh cãi với các ông thuế vụ từ huyện về. Bọn trẻ chúng tôi lom lom nhìn những tán đường nho nhỏ hình hột xoài màu vàng ươm nằm trên từng lớp rươm mà thèm.
Chú út tôi kéo bọn tôi ra nói nhỏ :
– Tụi bây rinh chạy vào xóm dùm cho bả, con nít không biết ở tù đâu mà sợ !
Chúng tôi xáp lại gần, thằng Quỳnh hô 123, tôi và mấy đứa ngán chân mấy ông thuế vụ còn thằng Quỳnh ôm giỏ đường chạy tuốt vào xóm. Bà Miết sau đó cho mỗi đứa một miếng. Tôi hỏi thằng Quỳnh có lấy tán nào không, nó ngớ người vỗ đầu : Quên mất !
Ngoài ông Hay trồng mía, xóm tôi còn có ông Lê cùi trồng nữa. Mía của ông trồng ít hơn ông Hay như cái khoản thơm lòng thảo bụng vậy. Sở dĩ người ta gọi ông là Lê cùi vì cái tính keo kiệt của ông đã bị hai ông che nghiếng nát bàn tay. Thay vì người ta cho che ăn cây mía qua 2,3 lần, gấp thân mía lại cũng từng ấy lần rồi thôi, ông Lê cho che ăn tới 7,8 lần cho tới khi ông che nghẹn, con bò bước đi không nổi nữa ông mới thôi. Vì cho ăn như vậy nên cây mía sau nhiều lần gấp cụt lại như nắm tay, lại miệng che bị nghẹn nên ông cố sức đẩy qua, lỡ đà, tay rút không kịp bị che ăn nát mấy ngón tay. Máu và nước mía trộn lẫn chảy xuống cái chảo sống, nhưng ông tiếc bảo cứ nấu lên, thành đường, ngọt ráo, ai mà biết !
Còn chuyện nữa của ông Lê cùi làm một thời gian dài tôi không dám ăn đường nấu xong của ông ta, cái xác con thằn lằn chẳng thấm tháp vào đâu. Một lần ông Lê cùi gánh đường nóng trượt chân té ngã, đường nóng đổ xuống làm phỏng một bên chân của ông. Ông cho người hốt hết về đãi cát đất ra, trong đó có cả những mảnh da đỏ hỏn của ông rồi đem nấu lại.
Bọn nhỏ chúng tôi rất ghét ông Lê cùi. Cứ chờ đám mía nhà ông gần trổ cờ là rủ nhau bẻ trộm. Thằng Quỳnh hăng nhất. Tối nào nó và lũ bạn đi ngang ngõ nhà tôi hét vọng vào: Rốp rốp ! Là tôi biết chúng đang rủ đi bẻ mía trộm của ông Lê cùi. Chúng tôi phân công thằng Lựu, thằng nhát nhất đứng cảnh giới ngoài cổng nhà ông Lê cùi. Nó có biệt tài đút ngón tay trỏ và cái vào miệng, phồng má thổi lên một tiếng thì có ở tận trên đồi Đại Hàn cũng nghe được. Có động tĩnh gì thằng Lựu sẽ báo chúng tôi bằng tiếng còi lanh lãnh đó.
Tôi thường dấu những khúc mía về cho đứa em gái. Nó siếc mía phải nói là vô địch thiên hạ. Mỗi nhát siếc của nó đi tới vài ba lóng. Nó ăn rau ráu luôn cả mắt mía, hít hết chỉ còn cái bả mà kiến cũng không thèm bu. Nhìn nó ăn tôi ê hết hai hàm răng.
Một hôm chúng tôi đi bẻ mía trộm. Thằng Lựu nhất định không chịu đứng làm cảnh giác, nó nói chúng tôi đem mía về cho nó ít quá, không công bằng. Chúng tôi đành phân công thằng Bảy làm cảnh giới. Tôi đang bực mình thằng Lựu, lại thấy nó mặc chiếc quần âu bằng vải phin mới rợi nên chọc tức :
– Đi ăn trộm mà làm như đi ăn tết!
– Thì sao, má tao làm mậu dịch chứ ba mày có làm được hấu !
Mẹ nó làm mậu dịch viên cho cửa hàng hợp tác xã, ở đó có bán vải phin là loại vải xịn nhất lúc bấy giờ, bán theo tem phiếu.
Khi chúng tôi đang say sưa rôm rốp thì nghe tiếng ông Lê cùi gào lên ngoài bìa đám mía :
– Tổ cha tụi bây, mía tao trồng đổ mồ hôi sôi nước mắt mà chúng mày bẻ phá hả!
Ông vác cây rượt đuổi chúng tôi chạy tứ tán.
Về tụ tập lại dưới bãi biển mới hay thằng Bảy không thể thổi còi được vì ngón tay cái nó trước đó chặt dừa bị đứt phăng sát móng.
Tổn thất của thằng Lựu làm tôi hả hê. Nó chạy té làm rách ống quần bằng vải phin mới rợi của má nó làm mậu dịch trong cửa hàng hợp tác xã. Nó cứ lấy hai tay dán lại, ứa nước mắt : Chết tao rồi, chết tao rồi!
Chúng tôi bảo nhau về nhà kiếm mo cau bó đít.
Và không ngoài dự đoán, Ông Lê cùi vác roi tới từng nhà. Ba tôi bảo ông Lê đưa roi cho ông rồi ông đánh tôi một trận tởn tới già.
Chúng tôi không còn dám đi bẻ trộm mía nữa. Năm đó mía của ông Hay nhổ làm tăm xỉa răng được. Chỉ còn lò che của ông Lê là nổi lửa. Chúng tôi đứng xa xa thèm thuồng. Ông Lê giơ bàn tay cùi ngoắc chúng tôi lại.
– Muốn ăn đường hả ?
– Dạ.
– Tụi bây hốt hết đống bả mía này đem phơi ngoài đám đất trống kia rồi tao cho.
Chúng tôi nhanh nhảu làm, dăm mía xót sọt cả người.
Xong ông Lê cùi bảo chúng tôi bẻ mỗi đứa một nhánh cây sẽ dích mỗi đứa một miếng. Chúng tôi vác về mỗi đứa một cái cây to gần bằng cổ tay.
Ông Lê trợn mắt :
– Mấy thằng nhỏ ranh này ăn gì khôn dữ !
Ông móc ra một bó đũa, chìa cho chúng tôi mỗi đứa một chiếc. Tôi xoắn chiếc đũa giữa chảo đường đang keo, cố xoay sao cho dải đường cuộn theo chiếc đũa. Thằng Quỳnh không làm được, chỉ vài sợi chỉ đường dính theo không đủ nó liếm.
Ra về thằng Quỳnh ấm ức :
– Vác cả đống bả mía mà chỉ có liếm được vài miếng!
– Trù đi tụi bây! Thằng Bảy đề nghị, nhìn từng đứa.
Chúng tôi quay lại, đứng trên gò đất cao hướng về phía lò che lão Lê cùi, đồng thanh :
– Vái ông lò bà lè
vái cho cháy chảo hao chè
bò què che gãy
nửa đêm cháy mía
gà gáy cháy chòi
cho mất cái nòi ham ăn!
Ông Lê cùi hốt một nắm muối trong bàn tay còn lại vung về phía chúng tôi, hét to :
– Tổ cha bây, miệng ăn mắm ăn muối !
Trích trong hồi ký B Ớ T U ỔI T H Ơ, V Ề Ă N C ƠM !
Tự truyện dễ thương.
Chuyện tuổi thơ bao giờ cũng trong sáng vì đầu óc trẻ nhỏ lúc nào cũng đơn sơ, giản dị, không lung tung như người lớn.
Bạn đã đánh thức kí ức của nhiều người rồi đó .
Mình không nghĩ rằng ông Nguyễn Huỳnh này viết hay quá. Hay là những gì ông ta viết rất gần với mình?
Vế thứ 2 đúng đó bạn.
Chao ơi đã mấy chục năm chưa được thử lại món ăn thần thánh một thuở nghèo khó này. Đường lò che nóng hôi hổi thêm miếng dừa già nữa thì phải gọi là lên tiên.
Xưa ở mà có đường kết hợp. Cạy miếng dừa khô nhai trong giấc ngủ, cứ hít hà vị ngọt béo cho tới khi ngủ, bả dừa còn trong miệng tới sáng.
Viết hay như là Duyên Anh trong truyện Con sáo của em tôi mà ngày xưa mình đã có dịp đọc.
Có phải vậy không bạn? Thử so sánh thêm ở những hồi sau nhé. Tks
Thèm NGỌT nhưng không CHẾT VÌ THÈM?Chết sao được ĐỜI còn Vui lắm?Nhiều thứ khác còn nghe NGỌT LỊM?Riêng MÍA Ngọt THANH ”Ăn PHẢI Ghiền?”Ngọt THÊM nữa khi đã CHẾ BIẾN?VÀ Tôi nghe NGỌT”Bắt PHẢI Thèm”?Khác với CHUA”Thèm chảy nước miếng?”Thèm ĐƯỜNG chỉ ướt tưởng để LIẾM…Khoái Khẩu dân thèm Ngọt ĂN GHIỀN…Nhấm nháp từ từ CHẲNG NGẤU NGHIẾN…CỤC ĐƯỜNG Cứng ngắc từ Cây MÍA”Khói XIẾT Ê RĂNG”ĐỘNG Nướu mềm?Rất LẠ Cách THÈM ĐƯỜNG Của Quỳnh?”Vét sạch sành sanh CHẲNG CHỪA DÍNH…?”HẢO NGỌT dữ a…Ôi ĐƯỜNG MIẾNG!Đường CHÀI-Đường CHÈ-Đường ĂN GHIỀN???
Viết dễ thương quá anh Huỳnh ơi
Tks anh.
Có nhờ admin sửa cho THẰN LẰN, nhưng thật xấu hổ, xấu hổ
Xin được chân thành cám ơn tác giả Nguyễn Huỳnh đã chia sẽ những kỹ niệm ngọt ngào thời thơ ấu. Vô cùng cảm động. Vô cùng quý mến.
HPL
Như đã hứa đó chị. Nếu anh Hiển có thời gian, tôi lần lượt giới thiệu loạt bài hồi ký. Tôi có thể giới thiệu cho các trang khác, nhưng trang Xứ Nẫu là đồng bào tôi.
Kỷ niệm thật ngọt ngào như những giọt đường nóng hôi hổi múc ra từ lò bằng cái bả mía. Viết rất hay