Du ký của Quế Sơn
GENÈVE, THỤY SĨ
Một ngày cuối tháng bảy vừa qua, chúng tôi đặt chân xuống Genève[i]. Vào giữa buổi sáng. T. đến đón gia đình nhỏ của tôi ở phi trường Cointrin như đã hứa và hẹn trong cuộc điện thoại liên lục địa trước đó gần hai tháng, khi tôi đang ở Sài Gòn. T. là một trong những người bạn thân nhất của tôi thời hai đứa còn mài đũng quần trong giảng đường đại học rồi sau khi ra trường, vì mưu sinh mà mỗi đứa trôi dạt một nơi, hiếm khi có dịp gặp nhau. Nhưng tôi vẫn nhớ rõ là mình ở xa đã đến Genève, thành phố quê hương của T., để dự đám cưới của bạn, buổi sáng làm lễ trong một ngôi nhà thờ nhỏ ở vùng quê ngoại thành nhưng có đến hai tu sĩ chung nhau cử hành các nghi thức, một linh mục (vì T. theo đạo Thiên chúa) và một mục sư (vì cô dâu theo đạo Tin lành), rồi buổi tối thì tiệc tùng và khiêu vũ ở một nhà hàng nằm bên hồ Genève[ii], nó có bãi cỏ xanh, rộng ở mặt tiền chạy ra tận lối đi bộ dọc theo bờ hồ. Và tôi còn nhớ mãi lời ông mục sư đó, dù bây giờ không tài nào nhớ nổi mặt mũi ông: “Tôi mới là người có thẩm quyền để có thể đưa ra vài lời khuyên về cuộc sống hôn nhân cho cô dâu, chủ rể vì tôi có vợ và hai con…” đã làm cả cử tọa trong nhà thờ bật lên cười ồ, và hướng ánh mắt về ông linh mục vẫn còn đang đứng trên bục. Ông này lại không lộ vẻ bực dọc gì cả, cứ nhoẻn miệng cười cùng với mọi người, làm như quá quen với những lời chọc ghẹo kiểu đó.
Lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau, dễ chừng hơn hai mươi năm rồi, khi T. đến London (Luân Đôn) thăm và ở chơi với tôi một cuối tuần; tôi còn nhớ là đến tối chủ nhật đó, sau hai ngày rong chơi ở kinh đô nước Anh, hai đứa ngồi uống vài ly bia bitter có màu nâu sậm trong một quán pub gần nhà ga Victoria Station, nói dăm ba chuyện trên trời dưới đất cho vui miệng rồi T. nhìn đồng hồ, đứng dậy, đưa tay xách chiếc va-li nhỏ, và tôi đứng lên theo, đi cùng T. vào nhà ga. Chúng tôi bắt tay, vỗ vai nhau nói lời từ giã để T. lấy xe lửa xuống phi trường Gatwich cách đấy chừng bốn chục cây số leo lên máy bay về lại Genève còn tôi thì chui xuống trạm xe điện ngầm quay lại khách sạn. Rồi sau đó không hiểu vì lý do gì mà thư từ giữa chúng tôi lại thưa thớt dần và cuối cùng bặt tin nhau… trong khi dòng đời cứ mãi trôi, cho đến cách đây vài tháng, một người bạn khác tìm ra được địa chỉ e-mail và số điện thoại của T. để gởi cho tôi.
Tôi giới thiệu vợ con mình với T. rồi cùng nhau đẩy xe hành lý đi theo bạn ra bãi đậu xe hơi.
“Chuyện gì đã xảy ra cho mày vậy?”, T. nhìn cái đầu trọc của tôi, vừa cười vừa hỏi. Chúng tôi vẫn giữ thói quen mày tao chi tớ (tutoyer) với nhau như những ngày còn đi học. Tôi nhìn đầu T., tóc vẫn còn đầy tuy đã bạc nhiều, rồi nhún vai như muốn nói, biết làm sao được. T. quay sang vợ tôi, cũng vừa cười, vừa nói, “Ngày xưa hắn nhiều tóc lắm, dài tận vai.” Tôi dịch sang tiếng Việt cho vợ. Vợ tôi cười khi hiểu ra rồi lên tiếng, “Nhờ đó mà không tốn tiền mua lược, cả chục năm nay rồi đấy.” Tôi lại chép miệng chuyển sang tiếng Pháp cho bạn hiểu. Rõ khổ!
Trời bỗng hửng sáng khi chúng tôi ra khỏi khu vực phi trường. “Thế là mày hên lắm đó, trời còn u ám khi tao lái xe đến đây,” T. buột miệng. Genève ở độ cao gần 400 mét so với mặt biển nên không khí khá mát mẻ, dễ chịu, tuy đang giữa mùa hè. Nắng lấp lánh trên các mui xe trên đường và trải dài trên các bãi cỏ xanh ven đường. Ở một ngã tư chờ đèn xanh, T. ngoái đầu ra sau nhìn vợ con tôi, nói, “Các bạn có mệt lắm không? Có muốn tôi đưa đi một vòng thành phố trước khi về nhà không? — “Dạ, đi chứ, thằng con 13 tuổi của tôi trả lời, chúng tôi không mệt.” T. cười rồi cho xe chạy lại. — “Mày hỏi vợ con muốn xem cái gì hôm nay, Tia nước phụt[iii] hay Trụ sở Liên Hiệp Quốc?[iv]” — “Tùy mày, cái nào tiện đường thì đi, tôi trả lời, nhưng sao lại Trụ sở Liên Hiệp Quốc?” — “Tại sao à? Vì trong đó có cái Phòng Đông Dương[v], nơi hội họp và ký kết Hiệp định Genève năm 1954 đó, mà nhiều người Việt Nam đến Genève thường muốn đi xem.” — “Thật à?” — “Ừ, tao nghe đứa cháu gái làm hướng dẫn viên ở trong đó nói thế.” T. liếc nhìn đồng hồ, “Nhưng nếu mình đi tham quan nó giờ này thì tao nghĩ mình phải chịu khó xếp hàng cả tiếng đấy, mùa hè thì đông du khách lắm!” — “Vậy thì đi xem cái Tia nước phụt đi,” tôi nói. Trước đó vài tiếng đồng hồ gia đình nhỏ của tôi đã đứng chờ đợi cả giờ ở phi trường quốc tế Barcelona đông đúc để làm thủ tục check-in và qua cổng an ninh soi hành lý xách tay để lên máy bay nên bây giờ chẳng còn hứng thú gì mà chui vào đám đông để đứng sắp hàng lần nữa!
Ghi thêm ngoài lề:
Chúng tôi không có thì giờ đi xem Phòng Đông Dương trong những ngày ở Genève nhưng đây là hình ảnh của nó:

Phòng Đông Dương (nằm trong Palais des Nations) Ảnh trên internet
(more…)
Read Full Post »