Huỳnh Ngọc Nga

Ảnh Dương Minnh Long
Như vòng tròn thiên định của bánh xe vận hành vũ trụ, tháng tư thêm lần nữa lại đáo hồi. Tháng Tư, tháng định mệnh của quê hương Việt Nam, tháng có ngày đầu để nhớ một người đi và tháng có ngày cuối để khép ghi một trang sử. Người đi là Trịnh công Sơn, chàng nhạc sĩ tài hoa, đa hệ lụy và trang sử là chuyện kể hơn phần tư thế kỷ chiến tranh huynh đệ của một dân tộc mà sự rẻ phân, chia cách hình như đã là mệnh số phải vương mang khi Tổ tiên họ từ thuở hồng hoang đã bày chuyện phân chia, kẻ ở lại non cao, người tìm về biển rộng.
Ngày 1 và ngày 30 liên kết để tạo thành một tháng tư, chàng họ Trịnh và ngày tàn một cuộc chiến vương víu nhau để thành một cuộc tranh cải đúng sai không dứt của người đời mà sách nhà Phật gọi là một cuộc đảo điên, thứ đảo điên của thế nhân thường tình và trong đó cái “Tôi” luôn ngổ ngáo đứng đầu vì ai cũng cho mình hay, mình đúng.
Là người Việt chắc chẳng ai quên quá khứ VN của những ngày khói lửa trước năm 1975, thời mà báo chí hai miền Nam -Bắc mỗi ngày dầy đặc những tin báo tử ngoài biên cương, tin họp bàn sau hậu trường chính trị. Một dãy non sông hoa gấm bị ngăn đôi bởi giòng sông Bến Hải như lập lại chuyện sông Gianh của hai họ Trịnh – Nguyễn tự ngàn xưa. Trong bối cảnh tang thương đó một cái tên bỗng xuất hiện bằng một con người nho nhả với những áng thơ, những giòng nhạc hiền hòa ngợi ca tình người, tình yêu và thở than thân phận một dân tộc đang sống triền miên binh biến bởi khí giới ngoại bang. Người sinh bất phùng thời, nhưng nhạc sinh quá hợp tình, hợp cảnh nên con người Trịnh công Sơn và nhạc Trịnh công Sơn trở thành thân quen gần gủi khắp chốn, khắp tầng trong giai đoạn đó.
Người xưa thường nói bất cứ chuyện gì nếu có lúc khởi đầu thì cũng có khi chung cuộc, vấn đề chỉ là chuyện thời gian. Sông Gianh thôi làm bờ chia cắt sau gần trăm năm thù hận thì sông Bến Hải cũng hả hê sóng dội reo mừng ngày được xóa bỏ lằn ranh sau hơn ba mươi năm cho Bắc Nam nối lại một nhịp cầu, cho dù để có kết quả đó đã phải bao nhiêu người cười, kẻ khóc, đó là ngày 30.4.1975, ngày miền Bắc ca vang bài ca chiến thắng, ngày miền Nam nhìn rõ bộ mặt thật của bạn Đồng Minh lúc nóc tòa Đại sứ Mỹ thôi không còn cờ sọc-sao bay. Và cũng chính ngày lịch sử này Trịnh công Sơn trở thành đề tài cho hai giòng chảy của một con sông khi ông ôm đàn lên đài truyền hình miền Nam hát bài “Nối Vòng Tay Lớn” mừng phút lụn tàn của ngọn lửa chiến tranh. Người bên ni bảo chàng là “Việt cộng nằm vùng”, kẻ bên nớ coi chàng như một nhạc sĩ khuôn mẫu điển hình thương dân mến nước. Cuộc đời chàng như nước sông Thương kể từ đấy, bên đục, bên trong xuôi ngựoc hai giòng.
Chiến tranh tàn không phải mọi sự đau buồn cũng tàn theo, như ngày xưa Nguyễn Quang Trung khi bình định được Bắc hà , xóa tan một chuổi dài thịt xương quê hương chia cắt nhưng vẫn không ngăn được lòng sân hận của vua tôi Lê chiêu Thống để cho họ một sớm, một chiều thành kẻ bán nước cầu vinh, và như cho dù Nguyễn Gia Long có thống nhất được VN cũng không thống nhất được tâm tư nhân dân trăm họ để đừng có người tưởng nhớ triều Nguyễn Quang Trung mà quên đi cái tâm nhỏ nhen độc ác của Nguyễn Ánh khi đào mồ phá cốt di hài Nguyễn Huệ. Đó là chuyện thường tình của thắng-bại chiến tranh. Chuyện thường tình đó tái lập lại trong chính cuộc hôm nay và áp đảo lên thân phận chàng họ Trịnh khi người dân Việt thêm lần nữa diễn tuồng kẻ ở, người đi lúc cờ vàng ba sọc đỏ nhường chổ cho cờ đỏ sao vàng phất phới bay trên khắp miền Nam. Gia đình, bè bạn chàng đa số tìm về những vùng đất xa xôi bằng danh nghĩa đi tìm hai tiếng tự do. Chàng vẫn ở lại chấp nhận chính phủ mới và chịu tiếng rủa nguyền “phản bội” của một số người ra đi. Có sao đâu ? Cuộc đời há chẳng từng cho chàng bao nhiêu tiếng hát đôi khi yêu thương vậy thì trách phiền chi lúc phải đón những tiếng nói đôi khi ngậm ngùi. Chàng chỉ cần biết mình vẫn chưa quay lưng bỏ nước mà đi là đủ rồi. Tự do hay tù ngục, trung kiên hay phản bội, được tưởng thưởng hay bị bạc đải, tất cả chỉ là những ngôn từ, vinh nhục cuộc đời nầy thay đổi như thời tiết nắng mưa, chỉ có cái tâm vô thể ngàn đời không suy xuyển, và chàng, chàng sống vì cái tâm đó chứ không bằng những ngôn từ của miệng lưỡi thế nhân. Nếu ở lại với quê huơng để đồng cam cộng khổ cùng mọi người trong những năm tháng đầu gian nan của một đất nuớc tả tơi vì bom cày, đạn xéo thì chàng chẳng xấu hổ gì với sự phỉ báng của những người đã ra đi.
Những người đi họ có cái lý của họ, cái lý của những vì sao bị đổi ngôi, của một cuộc đổi đời mà kẻ thắng trên cao, người thua dưới thấp và họ cũng như chàng là người của miền đất mất màu cờ, họ và chàng có khác chăng chỉ ở lòng tin. Những người đi không tin trái tim kẻ thắng, họ nghĩ rằng họ bị cướp đi nhũng gì họ đã có, đó là nữa phần đất nước hình chữ S, và họ không chấp nhận chung trời cùng ông chủ mới, cho dù đó là những người ráp nối nữa phần bên kia chữ S để nó toàn vẹn không còn bị cắt chia và cho dù đó là những người cùng chủng tộc, màu da với họ. Chuyện đấu tố ngoài Bắc trong mùa Cách Mạng tháng 8 năm xưa; chuyện từng đoàn quân, cán, chính miền Nam vào trại cải tạo ròng rả bao năm sau ngày thống nhất; chuyện trưng thu nhà cửa, đất đai; chuyện những nghĩa trang chiến sĩ miền Nam bị cày xới, dời đổi; chuyện trí tuệ nơi trường ốc được định phân trên tờ sơ yếu lý lịch, tất cả khiến họ sợ hải và sự vượt thoát là con đuờng họ chọn để tiếp nối những người may mắn hơn họ đã ra đi trước ngày 30.4.75. Bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu tang thương mà những người vượt biển đã gặp, hải tặc đồng lõa với phong ba đã cướp đi hàng ngàn mạng sống thuyền nhân trên măt đại dương cộng với những tủi nhục trong thời gian dài chờ đợi ở những trại tạm cư nơi xứ ngừoi. Hận thù gia tăng theo máu và nước mắt để nguyền rủa những kẻ không cùng chung chí hướng với họ, và trong những kẻ đó, nổi bật nhất là chàng họ Trịnh.
Chàng bị khinh bỉ, nguyền rủa vì chàng tin lương tâm con người vẫn còn để kẻ thắng, người bại cuối cùng nhận ra họ là những đứa con cùng cha mà quên hận thù và cùng nắm tay nhau xây dựng lại ngôi nhà Việt Nam sau bao năm đổ nát dù phải vượt qua trùng điệp thử thách của thời gian, của lòng kiên trì chịu đựng để san bằng mọi cách biệt Bắc –Nam. Và hơn thế nữa, chàng không muốn làm người gian trá trong chính những bài nhạc của chàng vì chàng há đã chẳng từng mơ ước đoàn tàu xuyện Việt nối Hà Nội – Huế – Saigon trên một tuyến dài? Há chàng đã chẳng từng hoài vọng đêm sông Hương, ngày Cữu Long để chờ Hồng Hà góp hội Trùng Dương hay sao? Đó là hình ảnh của một Việt Nam thống nhất, nay giấc mơ đã thành thì sao lại phải ra đi. Sau chiến tranh chẳng có nơi đâu không tan tác, con nguời dù Nam hay Bắc ai cũng như ai, cũng xương thịt tầm thường thì tránh sao được những nghi ngại, thanh trừng, gạn lọc sau ngày chung cuộc. Gia Long xưa há chẳng cày xới mộ Quang Trung? Côn Đảo xưa há chẳng là ngục tù đọa đày bao người theo phương Bắc? Những cuộc Cách Mạng lịch sữ trên thế giới có bao giờ tiết kiệm máu xương đồng bào, đồng loại đâu? Sau mỗi cơn chấn động làm thế nào tránh được những đổ nát đau thương? Đất nước của chàng cần sự kiên nhẩn đợi chờ, chờ những bàn tay xây dựng trong câu ca Bắc, Trung, Nam ơi đoàn kết một miền để nghe tiếng hòa bình trên môi những người Việt nghèo khốn sau bao nhiêu năm chờ đợi đã lâu.
Quả thật vậy, trong một thời gian không bao lâu, Việt Nam như hoàn toàn lột xác đến không ngờ cho dù chưa tẩy xóa hết nhiều tệ đoan xã hội mà trong đó hối lộ, tham nhủng, cường quyền là những tệ đoan cố hữu của con người trong bất cứ hoàn cảnh xã hội nào dù đông hay tây, nam hay bắc. Kẻ ở, người đi có dịp hội tụ đoàn viên, chàng gặp lại bè bạn cũ, người thân xưa, nhìn những giấc mơ hòa bình đang dần dần hiện thực, không chỉ với đoàn tàu xuyên Việt, với ruộng vàng màu lúa, đất nở ngàn cây trên dãi đất hình chữ S thân yêu mà còn với danh hiệu, màu cờ Việt Nam bay tỏa khắp năm châu bằng những chiếc huy chương vàng, bạc ở những kỳ Thế vận, những chương trình thi Toán, những Đại hội điện ảnh đó đây; nông, lâm, hải, khoáng sản VN xuất cảng thi nhau đứng trên những bực cao của thứ hạng thế giới (gạo, cà phê…). Chương trình truyền hình của VN dành cho đồng bào hải ngoại đuợc phát sóng khắp nơi như những lời ru mời gọi, đánh thức tình hoài vọng quê nhà của khách ly hương và từ đó người về một ngày một đông thêm, vết thương huynh đệ dù chưa thành sẹo vì vẫn còn đau nhức của những người bị mất mát quá nhiều nhưng cơ hồ đã liền da kín thịt sau hơn bốn mươi năm thống nhất để mọi người thấy ít ra ngày 30 .4.75 không phải là một ngày chỉ gây câu thương hải tang điền. Các thành quả đó đã thuyết phục đuợc một số người đi năm xưa quay trở lại, nhưng cũng còn khá nhiều người vẫn không thay đổi thành kiến từ bấy lâu nay và sự nghi ngờ, chia cách vẫn còn trong tâm trí họ.
Nhưng, như lời hẹn của đời Cát Bụi, như tiếng thở than trong Một Cỏi Đi Về, Trịnh công Sơn vĩnh viễn giả từ quán trọ trần gian để về với hư không khi tuổi chưa hẳn bước sâu vào thềm cửa “cổ lai hy”, khi chưa thấy Việt Nam chính thức gia nhập WTO mở đầu cho một trang sử mới của nền kinh tế nước nhà. Nghĩa tử là nghĩa tận, cả nuớc đưa chàng về thiên thu bằng biển người, rừng hoa hòa trong tiếng nhạc của chàng trong khi bên kia ngàn trùng những đại dương xa thẳm một số người hỉ hả thấy “kẻ phản bội” không còn nữa trên cỏi đời nầy. Chàng chết đi nhưng nhạc chàng vẫn sống, người ta hát nó như những việc làm quen thuộc hàng ngày và hàng năm cứ đến ngày giổ chàng thì trống kèn vang động, thứ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược giữa kẻ ở trong nước, người ngoài chân mây; đây thương bằng tiếng nhớ, đó hận bằng lời khinh, tất cả cũng vì ngày 30 tháng tư, vì bài ca Nối Vòng Tay Lớn chàng hát trong ngày lịch sử đó, bài ca nối liền Bắc- Trung -Nam nhưng chưa nối được trái tim người đi, kẻ ở cho dù đã bao phen nước chảy qua cầu.
Năm nay, năm 2017, tháng tư lại về, về trong bao khó khăn tiếp nối của tình trạng kinh tế khủng hoảng khắp toàn cầu, sự khủng hoảng khởi đầu từ nước Mỹ, đối với VN thì đó là nước của thù hận hôm qua và nước của tình thân hữu hôm nay. Người dân hai quốc gia đã ngồi lại nhiều lần với nhau sau ngày 30.4 kể từ năm 1975 đến nay, không phải ngồi lại để ký những hiệp định đình chiến, hiệp ước hoà giải chiến tranh như thuở nào mà thay vào đó là những bản hợp đồng thương mại, kinh tế, những thỏa hiệp văn hoá, giáo dục, y tế, v.v…Hai kẻ thù có chung một Thái Bình dương làm biên giới nay thành hai người bạn trên nhiều lãnh vực khác nhau, thế nhưng những đồng bào của chàng ở rải rác đâu đây khắp cùng thế giới vẫn chưa nguôi chuyện cũ và chàng muôn thuở vẫn là một kẻ tội đồ trong tiềm thức họ dù rằng kẻ tội đồ đó giờ đã giả từ quán trọ trần gian, nằm xuống với đất muôn đời.
Mười sáu năm đã trôi qua kể từ ngày 1.4.2001 lúc người hát rong “về bên kia núi” và bốn mươi hai năm bóng câu qua cửa sau ngày 30.4.1975 khi chàng lên TV ôm đàn hát bài Nối Vòng Tay Lớn, người ta bảo mọi việc sẽ theo giòng thời gian tan biến vào dĩ vảng, nhưng chuyện ngày đầu và ngày cuối của tháng tư cứ sống mãi trong tiềm thức mỗi người dân Việt, sống trong tiếng nhớ thương và lời thống hận tạo nên trang sử đời chàng nhạc sĩ và đời của một dân tộc quá nhiều hờn oán, nhiêu khê. Mâu thuẩn hơn nữa, chính quyền hiện tại của người thắng năm xưa lại có lúc cấm dân hát lại bản nhạc mà ngày nào là bài hát cơ bản để kêu gọi người dân thống nhất hợp đoàn với nhau. Chuyện đời điên đảo như nắng với mưa. Thế mới biết sức mạnh của văn hoá, nhẹ như gió thoảng nhưng đủ làm kinh sợ những ai chưa đủ tự tin khả năng chăn dân, trị nước của mình.
Hậu thế mai sau chắc chắn sẽ có người đặt câu hỏi để biết đâu là sự thật giữa sự tốt lành và điều sai trái của tháng tư định mệnh nầy. Nhưng Hermann Hesse đã viết “Trong mọi sự thật, điều ngược lại cũng đúng không kém” và “Một sự thật chỉ có thể diễn tả, gói trọn trong danh từ nếu sự thật chỉ có một mặt. Mọi điều, nếu được suy tưởng và diễn tả thành danh từ thì đều là phiến diện, tức chỉ nửa phần sự thật, nó thiếu hẳn tính cách toàn vẹn, tròn đầy, nhất thể”(*), nếu thế thì những danh từ “Ngụy, Việt gian, Việt cộng, phản động, phản bội, nằm vùng v.v..” tất cả chỉ là phiến diện, tất cả đều không hoàn toàn như người ta nhận định, gán đặt, nó chỉ là nửa mặt của đồng tiền mà thôi. Vậy thì, nếu thương xin gieo hạt tốt lành bằng lời nhân ái cho các thế hệ sau gặt hái quả thương yêu của người đi trước; nếu ghét xin giữ mầm căm ghét cho riêng mình, đừng truyền lại cho đời sau những lời cay đắng, thêm buồn lòng những kẻ hậu sinh. Đẹp biết bao nếu ta thấy được nửa mặt bên kia của đồng tiền để thấy những điều trái ngược với nửa mặt bên đây và để cuối cùng ta có thể nghĩ tất cả chỉ là oan nghiệt cần đuợc tháo gở chứ không buộc thắt mãi cho rắc rối chồng chất thêm trong cuộc đời đã quá nhiều nghiệp chướng này. Hảy để cháu con ta trăm năm sau, ngàn năm sau vẫn nhìn nhau là anh em một nhà dù ngày 30.4 còn in trên trang sử cũng như chúng ta chỉ đọc lại chuyện Nguyễn – Trịnh tranh phân hay hai giòng vua Gia Long – Quang Trung thù hận như một quá khứ phải quên để cùng chung nắm tay nhau đi tới ngày mai.
Nếu ta không cao thượng được như Phật và Chúa để hòa đồng cùng nửa phần sự thật khác thì cũng đừng mang tâm sân hận mong muốn chuyện cách ngăn, chia lìa dãy đất hình chữ S như bốn mươi mấy năm xưa. Dù yêu quê hương này bằng cách nào đi nửa, chúng ta hảy bằng lòng khi Việt Nam không còn là bải chiến trường, máu xương người dân hai miền thôi không còn tuôn đổ, anh em một nhà chẳng còn cầm súng giết hại lẫn nhau. Và người thắng cuộc hảy nhớ gương lành của Đức, một đất nước cũng chia đôi, nhưng khi thống nhất chẳng ai trừng phạt ai, chẳng ai phân chia, đố kỵ ai. Được như thế ta lo chi kẻ trong người ngoài không cùng chung lòng, chung sức chống Tàu, kẻ thù muôn đời phương Bắc, kẻ mà mới hôm nào Hà Nội còn coi là bạn, mà hôm nay đã tráo trở chiếm đảo, lấn biển, ngấm ngầm phà hoại kinh tế chúng ta. VN càng chia rẽ, kẻ thù chung càng đắc chí khi thấy người Việt vẫn còn trong cảnh xáo thịt nồi da. Bấy nhiêu đó thôi đủ để ta “thèm” nghe lại giọng ca chàng họ Trịnh hát bài Nối Vòng tay Lớn và thấy ngày 30.4 thôi không là ngày oan nghiệt để biển sóng đừng xô nhau cho trọn tháng Tư bên trời còn nắng, lá trời còn xanh.
HUỲNH NGỌC NGA
Torino, ITALIA – 28.04.2017
CHÚ THÍCH : Tất cả những chữ in đậm và nghiêng la lời trong các bản nhạc của Trịnh công Sơn.
(*) Trích trong Câu Chuyện Dòng Sông của Hermann Heese, trang 141, nxb An Tiêm, tái bản lần thứ 6 năm 1974.
Đất nước mình… tội lắm… chị ơi.
Cảm ơn thiện tâm chúc mừng ngày Phật đản của Khung cuahep dành cho Bếp. Tiếc là Bếp bận quá nên ngày lễ Phật đã qua rồi bây giờ Bếp mới hồi đáp cho bạn để đáp tạ.
Thôi thì cứ coi như ngày nào cũng là ngày của Phật để Bếp hoan hỉ gửi bạn cùng gia đình lời chúc thân tâm an lạc trong mọi lúc, ở mọi nơi nghen.
Tội tổ tiên để hậu sinh lãnh hén An Hưu?
Nói thì nói vậy để chạy tội “khôn nhà dại chợ” của người Việt mình chứ thực ra tại mình không biết thương mình đó thôi. Ruột, gan,phèo,phổi, tim,óc …cơ quan nào cũng nghĩ mình là nhất chư chẳng ai chịu nghĩ rằng con người sống được nhờ tất cả các bộ phận cùng khoẻ mạnh, một cơ phận hư hao là cũng đủ ..mệt hoặc tiêu đời rồi.
Chúng ta cùng biết cầu nguyện và biết hỉ xã cho nhau chứ biết làm sao hơn đây An Hưu ơi.
Kính chúc chị ngày Phật đản an lành.
Tôi thì cứ thích nghe nhạc Trịnh còn những gì liên quan đến ông thôi để gió cuốn đi vậy. Phải không tác giả?
Có một lần Bếp cũng đã viêt như Dat Nguyen nghĩ vậy đó. Hãy nghe nhạc , đời tư của người viết nhạc mình biết để làm chi? Không lẽ vì ông không giống mình rồi mình không thèm nghe những bản nhạc quá ư tuyệt vời của ông ấy?
Bếp thấy thiên hạ đa số những ai chống Trịnh nhưng cũng hát hoài nhạc của ổng.
Ai mà không từng yêu để không thèm nghe Tình Nhớ, Tình Xa, Diễm Xưa, Đôi bờ….?
Ai mà không buồn trong chiến tranh khi nhìn thấy bạn bè,người thân nằm xuống để ngậm ngùi nghe Hát Cho Ngươi Nằm Xuống, Đại Bác Ru Đêm, ::
Và ai mà không có Mẹ để ngâm nga những ca khúc về Mẹ của ông?
Nhiều nhiêu lắm “gia tài” của TCS để lại cho đời, Bếp không cần biet ông là ngươi thế nào, chỉ cần nghe và hát những bài nhạc hiền hoà đó để cảm mến nhân tài mà thôi.
Hi hi..mỗi lần nói đến nhạc TCS là Bếp như bị xì ke hành, muốn nói về nhạc ông hoài không chán. DN và các bạn đừng cười Bếp nghen.
Đất nước tôi đất nước tôi….. thật buồn.
Lê Huỳnh đừng bi quan quá, buồn thì có buồn thiệt nhưng dân mình bốt khổ hơn dân nhữngnước Trung đông, Phi châu mà.
Chỉ cần mở rộng trài tim, cùng nhau nhìn lại con đường đã qua để biết phải làm gì con dường phía trước là mình có thể yen tâm chống Tàu A Man rồi. Nhưng không biết đến bao giờ đây?
Cười lên đi Lê Huỳnh ơi, có buồn cũng thế thôi, bàn tay người dân bé nhỏ lắm, nếu không biết nắm lại cùng nhau thì đành chịu …buồn thôi.
Xin lỗi, Bếp gõ sai rồi, “nhạc phẩm” chứ không phải nhac phấn, tại hơn 3 giờ khuya, buồn ngủ quá nên không cẩn thận.
Má Bếp(89 tuổi) mới bị té 2 lần trong 2 ngày liên tiếp, Bếp vừa về nhà hôm qua, công chuyện nhà làm không hết nên cứ ngồi máy trể hoài, vì vậy hồi đáp hơi muộn, đừng phiền nghen VHoc và các bạn.
Ngày mai Bếp gõ tiếp nha, con mắt mở hết muốn lên rồi.
Từ ngày Bếp tập tểnh viết lách, tất cả các bài viết đều được Bếp viết bằng cả tấm lòng, nhưng Biển và Sóng cón có thêm nước mắt trong tâm của Bếp vì đây là bài Bếp viết cho đất nước VN của mình vì cứ mỗì thời gian đi qua Bếp nhận ra người Việt không thương người Việt.
Bếp ngoái nhìn lịch sử, nhớ Mỹ giết Tổng Thống chân chính Ngô đình Diệm, Mỹ bỏ rơi miền Nam dù đó là đồng Minh của Mỹ, hai điều rõ rệt kia chưa đủ để người miền Nam thấy Mỹ là bạn thế nào và dù thấy nhưng vẫn nghiêng về phiá Mỹ .
Bếp cũng không quên Trung cộng được miền Bắc tôn sùng trọng nễ trong suốt thời VN nội chiến với danh nghĩa bạn láng giềng tốt bụng. Nhưng bây giờ ai cũng thấy chính Trung cộng là người xâm chiếm đảo, biển của ta, giết hại ngư dân ta, phá hoại kinh tế ta . Thế nhưng chính quyền hiện tại của VN vẫn luôn ân cần thân thiện với kẻ thù muôn thuở.
Hồi còn nhỏ, má Bếp vẫn nhắc nhở các chị em Bếp rằng, anh chị em trong nhà có giận hờn nhau đến mấy cũng là ruột thịt, không được vì người ngoài mà chia rẻ lẫn nhau, vì như vậy là “khôn nhà dại chợ”,
Bây giờ Bếp tự hỏi, Mỹ phản miền Nam nhưng người miền Nam không oán Mỹ mà lại thù “Việt Cộng”, Tàu chiếm đất ta nhưng chính phủ miền Bắc không thù Tàu mà lại theo dõi, kiêm soát , bắt bớ người Việt chống Tàu. Trước tình trạng nầy, thú thật làm sao Bếp giân Mỹ, oán Tàu cho đuợc khi chính người Việt còn không thương người Việt thì đòi hỏi chi lòng tốt của ngoại bang.
Bếp cám ơn những bạn đã can đảm bỏ thời giờ viết đôi giòng chia sẻ cùng Bếp một bài viết phản ảnh sự thật sau ngày 30.4.75 . Bếp nghe an ủi nhiều vì ít ra cũng có người chịu bị “tra tấn” để chia sẻ niềm đau “nồi da xáo thịt” mà Bếp đã dại dột trang trải cùng mọi người. Đây cũng là lời chào từ giả các bạn để Bếp rời xứ nẫu mà trở về với với gian bếp gia đình. Chân thành cảm tạ sự ưu ái các bạn đã dành cho Bếp bấy lâu nay và chuc các bạn vạn sự an lành.
———-Trước khi rời “nhà”, ngày mai rảnh rổi Bếp sẽ hồi đáp cho các bạn để không làm người vô tâm với nhưng bạn đã nhọc nhằn sẻ chia cùng Bếp.
Hãy quên những tiểu tiết của TCS, trốn lính, bài phát biểu ngày 30/04/75. Tôi không hình dung được TCS cầm súng, chỉ làm rối đội hình. Ngộ nhận là điều ai cũng gặp phải. Một con người tôi luôn xét trên mẫu số. Sự nghiệp sáng tác của ông là một mẫu số sáng ngời, khuất lấp mất những vết nhăn cuộc đời ông. Tôi không nghĩ một con người hèn mọn, tính cách lọc lừa lại nuôi nấng được một tâm hồn lãng mạn, nhân văn vậy. Gía trị lời ca còn hơn phát súng. Đề tài rộng,nên viết còn chưa thật sâu.
Hi hi..anh Nguyễn Huỳnh ơi,
Bếp chỉ là một bà Bếp dỡ, nấu nướng trong phạm vi khả năng mình, chưa thành “chef” chuyên nghiệp nên “món ăn” khó vừa miệng tất cả, bị anh cho là nhạt cũng đúng thôi.
Cám ơn anh đã đừng chân nêm nếm, Bếp sẽ cố gắng học hỏi cho
hỏa lò reo vui cùng nồi,niêu, soong, chảo nhiều hơn.
Anh và gia đình vui khoẻ, hạnh phúc nha.
Cô Nga đã không nên vì thiện cảm với nhạc của TCS nói sang chính kiến của ông ta.
Cô Nga càng đi xa hơn khi nói đến chính trị, Chính cô Nga đã vi phạm nội quy của trang Xứ Nẫu, nơi trao đổi thơ văn. Chỉ vì vậy mà cô không nhận được phản hồi của bạn đọc. Tôi đoán thế.
Cô không nên vội nói lời từ giã. Cô đừng phụ lòng những người ái mộ văn của cô. Tôi tin, những người nầy sẽ vì yêu chuộng văn chương, không tính đến quan điểm chính trị, sẽ thất vọng nếu không được tiếp tục thưởng thức tài của cô. Tôi thấy đáng tiếc lắm. Mong cô nghĩ lại.
Trương Nam Lộc
“Chính cô Nga đã vi phạm nội quy của trang Xứ Nẫu, nơi trao đổi thơ văn. Chỉ vì vậy mà cô không nhận được phản hồi của bạn đọc. Tôi đoán thế.”
Huynh WRONG! Thật sự ai mà muốn nói về chính trị ở đây, CỰC CHẲNG ĐÃ thỉnh thoảng anh chị em Xứ Nẫu muốn chia sẻ cùng nhau cho vui thôi. Còn muốn nói về chính trị thì bao la nhiều điều để nói lắm… Chúc huynh NLTrương vui ok. Thật ra trong văn chương nó bao gồm đủ mọi thứ, chứ không phải vì yêu thơ văn thôi. Nếu nói về nhạc của Mr. Trịnh, huynh có bảo đảm là thơ nhạc của nhạc sĩ không liên quan gì đến CHÍNH TRỊ?!!
Thân ái chào quynh!
SEN
Nhìn về Tây Tạng thương nước tôi
Mất Phật lâu rồi mất thật rầu
Phật Đản đã thành ngày Phật Đảng
Biểu tượng nước nhà biểu tượng SEN!
VDanh
Màu Tím Hoa Sim
Tui thíck bài ngâm ca này. Huynh nghĩ thế nào?! Xin chia xẻ?
Thân quý!
Bếp cảm ơn anh Nam Lộc nha, Bếp thực sự cảm động trước những lời chân ttình của anh nhiều lắm.
Những gì anh chia sẻ, Bếp xin ghi nhận.
Cám ơn anh đã đến. Anh và gia đình luôn an bình, vui khoẻ nghen.
biển sóng biển sóng đừng xa nhau. nhưng sóng cũng làm biển cồn cào với những nỗi đau khôn nguôi phải không chị Nga ?
Đúng vậy đó Nụ Tầm Xuân, cả hai bên đều không nương nhau mới làm sóng đau gầm thét, biển cồn cào đớn đau. Tại gió đó bạn ơi, gió tứ xa đổ đến, tạo phong ba cho sóng & biển giận hờn nhau.
Thôi, đừng nhìn phong ba của biển nữa, lấy an binh đang có ở đất liền mà sống đi bạn à.Sóng rồi sẽ tan, biển rồi sẽ lặng êm ,miọ thứ chỉ cần chờ thời gian thôi, lâu mau tùy ..trời và tùy…ta.
Chúc Nụ Tầm Xuân những ngày không có sóng và cám ơn đã “ngắm” Biển&Sóng giận hờn nhau.
Dùng từ hay quá – biển và sóng. Biển càng mênh mông sóng càng dữ dội. Cuộc đời con người cũng hệt như vậy . Trịnh Công Sơn chính là một minh chứng sinh động.
Biển và Sóng cùng thể nước, chất lỏng, biển còn thì sóng mới có, vậy mà cứ nhấp nhô xô đẩy nhau hoài, chán thiệt phải không Thượng Hiền.
Một lúc nào đó, biển êm thì sóng mới lặn để trả bình yên cho nhân thế. Nhưng biết đến bao giờ?!!! !Ông Trịnh là người lăn vào biển giữa cơn sóng động.
Bình an và vui khoẻ nghen Thượng Hiền.
Gia tài của mẹ là….. nước Việt buồn.
Buồn thiệt hén Nguyễn Trọng Thi, nhưng mình cũng nên lạc quan một chút để nhìn những đất nước đang khôn khổ hơn mình (như Syrie chẳng hạn ) mà cố găng tin tưởng vào tương lai để tiếp tục…sống thôi, chứ cứ cải lộn hoài chắc mai kia mốt nọ bị Tàu nó lợi dụng thì chừng đó còn buồn hơn.
An vui hoài nha bạn, nhất là trong ngày Phật đản hôm nay.
Cám ơn NTT đã ghé và chia sẻ.
Ngày Phật
Buồn thật đó N,Trong Thi à. nhưng mở VTV4 ra coi thấy nước mình vui lắm, lúc nào cũng lễ hội tưng bừng hà.
Thôi, lấy cái vui mà sống, nếu ta không có khả năng dìm sóng thì nương theo sóng để còn nhìn thấy biển, nếu không biển mất mà sóng cũng chẳng còn vì ta….chết chìm rồi.
Có bản nhạc xưa hay lắm , hình như của Nguyễn Ánh Chính, có câu nầy Bếp hay hát mỗi lần không thấy vui:
“Cười lên đi em ơi, cười lên để giấu giòng lệ rơi. Hảy ngước mặt nhìn đời……”
Mấy hổm rày Bếp bận tối tăm mặt mũi, nên hồi đáp quá trễ, thông cảm nghen NTThi. Cám ơn đã ghé để chia sẻ, chúc Thi mọi an lành trong cuCộ sống.
NON cao BIỂN rộng giữa TÔI lạc loài…Nơi nào cũng có ĐẤT TRỜI NGƯỜI TA Thiên hạ ”Cái Tôi” cũng nhiều bao la !TRỊNH Chỉ mỗi biết ôm đàn NGỢI CA…
…….Bên nào cũng Sống cũng THỞ thôi mà!?THỞ bằng Tình Yêu Tình Người CHAN HÒA…THỞ bằng cầu xin”Bình an đi nhé!”Trái Tim nhạc sĩ mang nguồn SAN SẺ..Lãng mạn cho đời còn VẺ XUÂN TƯƠI…TRỊNH đó-Nhạc TRỮ TÌNH Buồn muôn thuở!”MỘT CÕI ĐI VỀ”-Người Ta NHƯ BỤI…Theo GIÓ bay đi tận cuối CHÂN TRỜI…
……..SÓNG Vẫn NGÀN NĂM Vỗ giữa Biển Khơi…VỌNG ÂM muôn ngàn tiếng BUỒN XA XÔI..TRỊNH Vẫn ”Trái Tim ĐA MANG BAO HỆ LỤY”-Tình Người Nghệ Sĩ”SỐNG CHO ĐI….Không ngoài NGUYÊN THỂ TÂM Ý THIỆN???”
Chào cô bạn dễ thương luôn ưu ái cùng bè bạn, cùng xứ nẫu.
“Nang” có cách còm khả ái lắm, khiến bất cứ người viết nào cũng nghe hăng hái mà hăm hở cầm viết tiếp tục nhả tơ. Riêng Bếp cám ơn bạn thật nhiều.
Bình an hạnh phúc trong đời nghen Lê Ngọc Duyên Hằng.
“biển sóng đừng xô nhau
cho trọn tháng Tư
bên trời còn nắng,
lá trời còn xanh.” HuỳnhdoubleN
Bài thơ ngắn hay quá xá là hay bà chị! Chị Hai của RB em viết vẫn còn “phong độ” như ngày nào và có lẽ còn hay hơn.. nữa kìa. Vậy mới đúng như câu nói của ông bà ta “Gừng càng trẻ càng không cay”. Cảm ơn chị hai Hằng Ngọc Nga nhiều nhiều đã cho đọc một bài tiểu luận thật tuyệt đầy “dăn dị”.
Happy-Sad 30/4! Ngày của “Đen Đỏ”. Chắc cuối tuần này thằng em phải đi Casino để thử thời vận mới được. Đâu biết chừng kéo máy ra 3 con số “Độc Đắc”. Chúc chị của em luôn vui khỏe trẻ đẹp dễ thương nha chị Hai yêu quý. Thương mến!
PS: Mấy năm nay đã bỏ “nhà” đi phiêu bạt… Chắc kể từ nay em phải về nhà lo tu bổ lại để tu tập tiếp để lấy cho được mảnh bằng “Thuyền.. sư” chị Hai ạ at
https://nhathichgo.blogspot.com/?m=0
RB xin tạm biệt!
Hè này đi Yosemite cắm trại chơi chị Hai, được chưa?
https://www.nps.gov/yose/index.htm
Để xin gởi 4 câu thơ quá hay quá thâm thúy.. của một bậc Thiền sư Thầy Tuệ Sỹ kính yêu quý vào rừng núi cho gió cuốn bay…
Ai biết mình tóc trắng
Vì yêu ngọn nến tàn
Rừng khuya bên bếp lạnh
Ngồi đợi gió sang canh…
Thiền sư Tuệ Sỹ
Rong Biển hiền đệ,
Ha ha, chắc tại cậu là rong nổi trôi trong sóng & biển nên coi bộ cậu ưu ái với chị quá nhiều về bài viết nầy.
Ngu tỷ cám ơn hiền đệ đã cho chị niềm tin rằng quan niệm của chị không bị lẻ loi.
Bài viết nầy chị viết vào ngày giổ thứ 6 của TCS hồi mấy năm xưa, viết mà không gửi nơi đâu hết vì biết thế nào cũng bị “ăn miễng”. Năm nay, chút bức xức khi lướt qua mạng đọc những điều xuôi ngược của hai bên khiến chị đồng bóng lấy bài năm cũ ra thêm thắtcho hợp thời gian rồi gửi Sáu Nẫu nhà ta. Chị nghĩ , nếu không hợp trang Nẫu, Hiển sẽ dẹp bài nầy, còn nếu đúng là chẳng có chi để gọi là ầm ĩ thì cậu ấy sẽ đăng lên như đã từng đang rất nhiều bài mang tính cách phát biểu ý kiến, quan niệm tình hình đất nước (chị tránh dùng chữ chính trị để nghe nhẹ nhàng và vô tư hơn dù rằng trong cuộc sống nầy chính trị khó tách rời khỏi mọi người trong chúng ta. Bằng cách nầy hay cách khác, chúng ta đã làm chính trị hoặc trực tiếp hay gián tiếp, chẳng hạn như người dânkhi cầm phiếu đi bầu là đã làm chính trị rồi vì họ phải lựa chọn phe nầy, phe kia, người nầy, người nọ. Vì vậy, viết để phát biểu chuyện lịch sử không là điều sai trái, nếu đất nước nầy trọng chữ tự do trong tinh thần không phá rối.
Nhưng thôi, nói cho cùng chị thật lầm lỗi khi đưa bài viết nầy lên đây, nó trái với tinh thần Phật giáo mà chị đang học hỏi và cố gắng đi theo. Cậu biết không, trong sách Phật, có một câu hay lắm của Zengetsu, một thiền sư Trung Hoa xưa, mà chị vẫn thường hay dùng mỗi khi không muốn tranh cải để tránh xích mích, vậy mà bây giờ không biết ông ứng bà hành hay sao mà kỳ nầy chị lại quên lời dạy đó. Chị ghi lại cho chậu đọc nghen:
“…..Một vài điều, mặc dù đúng, bị coi là sai trong nhiều thế hệ. Bởi vì giá trị chân chính có thể nhận được ra sau nhiều thế kỷ, không cần thèm khát sự đánh giá nhất thời.
Hãy sống với nguyên nhân và hãy bỏ lại những thành quả cho đại luật vũ trụ vận hành. Hãy vượt qua mỗi ngày trong sự chiêm ngưỡng thanh bình”.
Hôm nay là ngày Phật Đản, chị xin lỗi tất cả các bạn vì đã vô tình “tra tấn” mọi người về một bài viết mà đúng ra chị chỉ nên gửi cho Trịnh Công Sơn mà thôi.
Chị mệt và buồnngủ quá vì gần 4 giờ sáng rồi. Ngày mai là một ngày khác hy vọng chị sẽ đem thanh thản đến cho mọi người hơn vi chị đã suy nghĩ lại rồi, cái tính con nít trong bà già gần 70 của chị vẫn còn khi giận dỗi để nói lời từ giả bạn bè (giống cậu mấy tháng trước đó nghen Rong Biển).
Ngu tỷ cám ơn hiền đệ lần nữa, chúc cậu em tốt bụng của chị mọi đièu an vui trong mùa Phật Đản.
Cảm ơn hiền tỉ của thằng em “thiên lôi” này nhiều lắm lắm chị Hai yêu quý. Nói thì nói vậy chứ thằng em của chị đã “tu” đến mức “thần nhãn TỪ BI” rồi chị Hai ạ kkkhà. Mặc dầu tạm thời không còm một thời gian thôi, chứ còn nhìn và đọc được. Nhìn bên kia là thấy bài “Chân Tình” hay đậm đà.. của chị Tư; nhìn bên nọ là thấy những bài thơ tuyệt hay của cô Chế lần đầu; nhìn về phía “Vũng Tàu” thì thấy những tác phẩm dịch đáng trân trọng và yêu quý của quynh Hiếu Tân, v.v…; chỉ đáng tiếc là nhìn qua phía bên kia thấy huynh sáu Hiển còn trôi “lềnh bềnh”, TẬU hehe; Và nhiều nhiều nhà văn thơ.. “cóm sĩ” yêu mến của trang Xứ Nẫu lắm chị Hai ạ. Rất mong chị Hai của RB vẫn còn thường có mặt trên Xứ Nẫu nha. Quý mến và Thân kính chào tất cả! Mong có ngày gặp nhau để hàn huyên.. thân tình và “NHẬU”… Good bye!
Vui khoẻ và nhớ về thăm “nhà” thường xuyên nghen RB hiền đệ.
Đất nước mình hàng nghìn năm cứ phân ly phân ly. Định mệnh chăng ?
Tại tổ tiên mình từ thuở hồng hoang đã bày chuyện chia ly nên con cháu quen điều phân rẻ đó Sơn Nguyễn.
Nói vậy cho hợp sử Việt chứ theo Bếp thì tại tính tham và háo chiến mà đôi khi dân mình quên câu “một giọt máu đào hơn ao nước lả”, quên tình huynh đệ để làm mọi cách có được lợi quyền, thế thôi.
Cám ơn Sơn Nguyễn đã ghé thăm.
Chúc mọi an bình, nhất là trong mùa Phật đản nghen.
Tự dưng thấy tội nghiệp cho TCS từ thiên tài đang trở thành tội đồ. Đời chẳng biết đâu mà lần.
VHọc thân,
Nếu biết đời để lần mà đi thì sao gọi là đời được vì đời muôn hình vạn trạng mà. Thôi, cứ sống theo giòng đời là gọn nhất, miễn mình giữ tấm lòng đừng đảo điên theo đời là đủ nhẹ nhàng rồi. Chẳng hạn ông Trịnh dù là gì đi đi nữa, chúng ta mãi quý mến con người và nhạc phẩn của ông ấy là đủ rồi. VHọc có thấy vậy không?
Cám ơn đã ghé và chia sẻ với Bếp nghen.
Chúc an vui.