- Truyện ngắn của Nguyễn Trí

Danh Khoa, Xóm nghèo
Sáng hôm ấy trời tuy lâm thâm mưa nhưng đang mùa nên lạnh lắm. Nước ở bến sông Không Bảy tràn bờ. Đường sá bùn đọng vũng nước đọng hố. Từ bờ Nam sang bờ Bắc và ngược lại không một con đò nào dám sang ngang, cả phà đưa khách cũng không. Ai muốn sang phải đợi phà lớn, cái phà chuyên trị đưa xe vận tải nặng. Chỉ có nó mới dám qua là nhờ có hai chiếc Hô bo đi kèm. Đò hoặc phà đưa khách bị cấm ngặt. Chỉ cần một cây gỗ nhỏ từ thượng nguồn theo nước về xuôi va vô là chết chắc, trong khi đó gỗ lóng được khai thác lậu bởi lâm tặc cả cây khô cổ thụ bị nước cuốn về là rất thường. Thời tiết nầy chỉ có người thân bị cấp cứu mới mạo hiểm, còn bình thường ngồi trong quán kêu đĩa mồi chai ba xị thêm vài anh vô công rỗi nghề đấu láo là hạnh phúc nhứt trần ai.
Vậy mà Ba Hoà và con gái lại sang sông.
Nhóm thợ rừng bị kẹt bởi trời mưa của vợ chồng chủ thầu Sáu Yến tụ tập trong các quán nhậu sát bến sông, nâng ly thở dài nhìn cha con Ba Hoà. Ai cũng nghe lòng ảm đạm. Một ông cha ốm o và một con bé bảy tuổi co ro trong chiếc áo mưa sao mà buồn thảm quá trời ơi. Và tất nhiên dân rừng với sự trợ giúp của ma men rôm rả bàn về thế thái nhân tình. Chuyện Ba Hoà được bày ra trên bàn nhậu. Không tay thợ rừng nào không chửi thề. Dân rừng thì trời đất họ còn mắng thì con người đâu có nghĩa chi:
– Thằng Năm Thế là khốn nạn nhất trần đời. Nó mà chết sẽ không có tay tao đào huyệt.
– Riêng tao thì không cho nó một nén hương.
Sau đó lý lịch Năm Thế được bày ra. Thằng nầy cũng không còn trẻ. Bốn mươi ngoài chứ không ít. Một vợ và hai con. Vợ Năm Thế bán cá ở bến sông. Người đàn bà nầy cũng chửi chồng là khốn nạn:
– Cha nó bán vé số, con nó đi học về cũng vé số. Nó không bao giờ cho tui lấy một đồng nuôi con. Mà mấy người biết không? Mỗi lần ra khỏi rừng là tiền triệu trong túi. Bao nhiêu nó cho gái ăn hết. Dạo nầy nó bám theo con Mai vợ Ba Hoà. Nó là chuyên gia phá hoại nhà người. Tại Ba Hoà ốm yếu lại ho hen, gặp thằng khác nó lụi một dao cho tàn đời thằng khốn nạn.
Mọi sự diễn tiến đúng như lời cô bán cá nói chứ không ngoa. Năm Thế cặp kè với vợ ba Hoà là có thiệt. Vợ Ba Hoà mới ba mấy, đẹp lắm. Tóc tai môi má đều tám điểm trên mười. Nhan sắc vậy mà kiếm sống bằng nghề rừng thì quả là trời cao không có mắt. Biết làm sao khi chả có một nghề gì trong tay, vốn liếng không, chữ nghĩa không. Vậy thì rừng là cứu cánh và xưa nay chả có nghề chi nhiều tiền bằng nghề rừng.
Ba Hoà từng là cầu thủ cấp xã chứ không ít. Lúc còn là một tiền đạo chàng uy lắm. Nhờ cái uy nầy mà cô Mai đem lòng mến mộ. Cả hai nên một cặp ai cũng trầm trồ sao mà xứng đôi vừa lứa quá. Nhưng cái tiền đạo cấp xã làm chi ra tiền? Vậy là anh cùng nàng vào rừng. Họ xem rừng như nhà, hoài thai trong rừng, đứa con gái tên Thu ra đời ở trạm xá lâm trường. Nói chung rừng tất tần tật. Và bệnh tật dẫn đến chết người cũng từ rừng mà ra. Sốt rét quật Ba Hoà tả tơi như cái mền rách. Ai cũng rứa chứ không riêng Hoà. Nhưng người ta sau cái gọi là cách nhựt hay thường nhựt của sốt là đến kinh niên. Dân kinh niên sau nóng lạnh vẫn lao động tốt. Hoà thì khác. Chả hiểu sao anh cứ gai gai sốt vào buổi chiều và khúc khắc ho.
Mấy tay có kinh nghiệm nói Hoà ơi ông lo đi bịnh viện chớ coi chừng bị lao đó. Thời nầy lao người ta dứt điểm được rồi, nhưng ông phải tuân thủ theo lịch trị bịnh, còn cứ ở trong rừng là con vi trùng Kock nó trảm ông thì chớ còn trảm luôn vợ con ông cho coi. Nhưng Hoà bỏ ngoài tai lời khuyên bảo, chả là Hoà hơn vợ trên chục cái xuân xanh. Mai ba mấy còn Hoà năm chục chẳn. Đi viện là mấy thằng thợ rừng háo sắc thiếu đàn bà dài hạn sức mấy bỏ qua. Hoà ghen lắm. Ở rừng, thiên hạ chòi trại sát nhau ở cho vui, Hoà cách chúng bạn cả mươi mét. Chuyện nửa đêm có bàn tay không sạch sẽ của một thằng ma bùn nào đó khua khoắng vợ người khác là không hề hiếm. Ở xa cho chắc. Bà Chín Nà ngoại trừ cai thầu còn là bà già vợ của Hoà khuyên:
– Con đi viện bài lao coi sao. Nếu lao thì lo mà điều trị. Bằng không con Thu nó lây thì tội cho nó lắm. Mày đi đi, vợ mày tao ngó cho. Thằng nào xớ rớ tao cho ăn rựa.
Hoà lên đường được một tuần. Khi về anh mang cả bọc các loại thuốc. Thiên hạ nhìn thuốc biết ngay Hoà bị lao. Người ta ít giao tiếp với anh hơn. Nhưng vợ chồng thì sao? Mai đâu thể không chung chòi với chồng. Và Hoà nói với vợ:
– Hết thuốc thì lên viện lấy tiếp. Em yên tâm.
Mai yên tâm không? Cô rất biết sự tác hại của loại bệnh chồng đang mang, chồng cô phải ở viện mới đúng. Nhưng ai sẽ chăm? Vợ chồng Mai đâu có chi, cái chòi ở bến sông nơi mỗi lần về phố chợ có chỗ nằm là của chủ thầu Sáu Yến. Chỉ thợ mới được ở, ai không làm cho Sáu là phải biến để nhường cho người khác. Mai đành phải tin rằng có thuốc là Hoà sẽ dứt điểm cái khúc khắc ho và những cơn sốt nhẹ vào buổi chiều. Mai tin nhưng anh em thợ không tin. Chả ai dám đến chòi của cô khi Hoà vắng mặt để khen cô đẹp nữa. Không ai đến chỉ là chuyện nhỏ, gặp cô những thằng có máu ma bùn không thèm ghẹo nữa mới là buồn hung.
Mai còn trẻ quá. Hoà không thể đáp ứng được nhu cầu thiết yếu nhất của cô. Lao phổi thì ai ham hố chi chuyện gối chăn? Vì thiếu nên Mai luôn cáu kỉnh với chồng. Hoà rất hiểu mình thiếu cái gì và vợ cần cái chi, nhưng lực bất tòng tâm rồi. Đành chịu. Hoà yêu vợ lắm. Yêu nhưng chỉ nhiều nhất ở khoản ghen. Mai nằm bên chồng mà hồn cô bên bàn nhậu của bọn thợ rừng. Bọn thợ thích cô thì thích vậy nhưng biết chồng cô bị một trong tứ chứng nan y mà không nằm viện chúng cũng e. Mai đành trơ cái hồng nhan với vắng lặng đêm trường cho đến ngày Năm Thế vào đầu quân cho Chín Nà.
Có vậy thiên hạ mới nói Thế khốn nạn chứ không hề hùa theo cô bán cá.
Thợ rừng hạng trùm Châu Đèo hỏi Minh Tàn:
– Nghe nói ông làm thịt con Mai rồi phải không Minh Tàn?
– Coi chừng cái chai vô đầu mày bây giờ. Tao chớ không phải Năm Thế à. Cái gì ăn ra ăn, cái gì cúng thì để cúng. Đồ chưa cúng mà lấy ăn là gãy họng đa con.
– Trước nghe nói con Mai kết ông lắm mà?
– Chỉ có súc vật mới lấy vợ người làm vợ mình. Nói chuyện với tao phải đâu ra đó rõ nét, cà chớn tao cho mày nằm một đống à.
– Em so ry… Giỡn chơi tí Minh Tàn ơi. Nhưng mà ông thấy Năm Thế tàn nhẫn không?
– Trước sau tao cũng cho thằng nầy một trận về tội rẽ thuý chia uyên. Nó có quyền trên bộc trong dâu với con Mai, nhưng không nên để cha con Ba Hòa lâm cảnh như thế nầy. Hơn cả tàn nhẫn, đây là một tội ác không thể tha thứ.
– Thiệt ra thì Ba Hoà…
– Ý mày là Ba Hoà hết xí quách thì nên bỏ cho xong chớ gì? Vậy còn con Thu thì sao? Vì sao con Mai chấp nhận để Ba Hoà dẫn con của nó đi mày biết không? Tất cả vì thằng Năm Thế mà ra hết.
– Theo tao là do con Mai quá mê thằng Thế.
– Đương nhiên là mê rồi. Nhưng mà mê cái gì mới được? Yêu đến mê là không có đâu con, chỉ là chuyện chiếu giường thôi. Nếu thằng Thế không xúi con Mai bỏ chồng thì làm sao dẫn đến cái kết cục nầy? Thằng Thế lợi dụng sự nhẹ dạ của đàn bà để mưu lợi cho nó mày ơi.
– Lợi ích gì?
– Bây giờ cả hai vô một cặp, tiền làm ra sẽ được nhân hai. Hiểu chưa ông con?
– Con Mai cũng cáo sa mạc, dễ gì ăn đồng bạc nó làm ra?
– Bụng đàn bà dạ con nít mày ơi… Mà thôi, phà lớn đang đưa xe qua kìa, để tao xuống bến gặp Ba Hoà chút coi.
– Coi chừng mày bị lây ho lao luôn à.
Minh Tàn xuống bến. Bên trên bọn bợm nhậu quan sát. Người ta thấy anh vuốt tóc con bé tên Thu và nói chuyện với Ba Hoà. Hoà đưa khăn lên mắt. Khóc chắc luôn. Vợ bị thằng khác cướp công khai, chia tay không khác đuổi thì không khóc mới lạ. Minh Tàn dúi cái chi đó vào túi áo bé Thu. Chắc anh ta cho con bé tiền. Phà cập bến và Ba Hoà cùng con gái bước lên. Chuyến nầy Hoà chắc chắn một đi không trở lại.
– Ông nói gì với Ba Hoà vậy? – Châu Đèo hỏi khi Minh Tàn về lại với bàn nhậu.
– Tao nói nó lo chữa bịnh mà nuôi con. Nó khóc thấy tội quá. Con Mai thiệt nhẫn tâm. Vợ chồng ăn ở với nhau gần chục năm mà chia tay không chút động lòng. Bà mẹ nó, đời chả biết đâu mà luận được nông sâu. Trước sau gì tao cũng cho thằng Thế một trận.
– Mày lấy lý do gì để cho nó một trận?
– Thích thì cho cần gì lý hay không lý.
***
Nhưng rồi ở cái bến mười ba của đời sống, hay còn gọi bến tắm ngựa còn lắm cái đoàn đoạn trường hơn chuyện vợ chồng bỏ nhau. Chuyện Mai dứt tình với chồng con so với Đức Dĩ An không mùi mẻ gì:
– Ê mày biết sao con Trinh vợ Đức Dĩ An bỏ đi không?
– Không. Sao vậy?
– Thằng Đức cặp kè với con Trâm đánh con Trinh như trái banh lông nên ra cái kết vậy.
– Hai đứa nhỏ ở với ai?
– Thằng Đức giữ. Con Trâm chả hiểu sao đâm đầu vô nuôi nhền nhện. Buồn cười thiệt. đứa thì con ruột không nuôi, đứa thì nhào vô lãnh đạn. Thế giới nầy kẻ khùng khịu nhiều hơn người tỉnh táo
– Mẹ nó… đời chả luận đâu ra được cái tình.
– Có tiền thì có tình. Xưa sao nay vậy và trăm năm sau cũng vậy.
– Thằng Đức có cái củ thìu biu. Làm đếch gì có tiền.
– Dạo nầy Minh Tàn biến đâu không thấy Châu Đèo?
– Nó ủ tờ rồi.
– Trời đất. Sao vậy?
Rằng Minh Tàn ta làm ăn kiểu tài tử lắm. Đang trụ trong rừng, ưng lên anh ta chuyển tông qua bốc xếp. Hôm ấy vào bãi Chín Nà để thu gom hàng thì xẩy ra chuyện. Mục kích cảnh Năm Thế ngoại trừ cho cô Mai ăm cù loi còn chửi luôn cả anh chị em tạm gọi là vợ.
Đang bốc Mây lên xe Minh Tàn lên giọng:
– Ê… Mày mà đánh con Mai một cái nữa là tao cho mày nằm một đống à.
– Vợ tao. Tao dạy mắc gì đến mày?
– Sư cha mày. Vợ mày là con bán cá ngoài bến sông kìa. Còn con Mai là vợ thằng Hoà. Cãi một tiếng nữa tao đập mày tức khắc.
– Tao thách mày đó.
Ái cha… Minh Tàn ngó vậy chớ du côn lắm, anh ta lừng lẫy ở bến tắm ngựa với cái gọi nói là làm. Ít cũng vài thằng bị Minh cho đo ván về các tội linh tinh. Nghe đồn anh ta có tí chút nghề nghiệp. Để xem thử thiệt không.
Mình đến trước mặt Năm Thế, hai tay be lên mặt rồi xuất ký bất ý vụt ra một trái đờ réc nhanh như sao xẹt. Sau đó mấy đòn của quyền anh được thi triển. Kutsê là móc dưới cằm lên, bạt xivin thì như bạt tai nhưng tay không xoè mà là cú đấm, choa là trên đầu giả xuống. Thế ăn cả chục đòn tay. Cuối cùng Minh Tàn tung một đá trực diện vô ngực và Năm Thế nằm một đống. Rõ ràng Minh Tàn có võ. Ai cũng ghét Năm Thế nên chả thèm can.
Nhưng sự kiện kế tiếp là Năm chả thèm tỉnh. Hắn ta thoi thóp như sắp chết. Hoảng hồn, từ tài xế lơ xe bốc xếp cai thầu Chín Nà cùng toàn thể thợ rừng nhào vô cấp cứu. Mẹ cha ơi Thế mà chết là nguy lắm. Đương nhiên kẻ giết người phải đền tội nhưng chết ở rừng nghe nói hồn sẽ không siêu. Có tụng cả ngàn thời kinh Địa Tạng cũng chịu sầu. Linh hồn ấy sẽ hoá thành con ma rừng đêm đêm nương theo gió mà hát lời buồn thảm.
Sợ quá tài xế phải chổng ben đổ sạch các cái trên thùng xe để đem Thế về xuôi. Quay đi quay lại thì Mình Tàn đã biến mất. Nguy rồi, thằng Tàn nầy trốn mất thì cả bọn cũng mệt với công quyền. Rồi đây sẽ bị triệu lên trên mà trả lời câu hỏi. Minh Tàn ơi là Minh Tàn, ông ra thú đi, thằng Thế mà chết thì ông trốn xuống địa ngục người ta cũng nắm cẳng kéo lên.
Đúng là Minh Tàn ra công an đầu thú. May quá Năm Thế không chết. Hắn ta bị bất tỉnh đúng hai ngày hai đêm ở bệnh viện huyện rồi về. Bà vợ bán cá không thèm ngó thằng chồng bạc bẽo. Ông cha bán vé số phải lấy thêm vé số đi năn nỉ để có tiền lo cho con. Minh Tàn bị tạm giam ở công an Huyện hết sáu tháng về tội đánh người không duyên cớ. Lúc về nghe chuyện anh ta hỏi:
– Con Mai đâu mà không lo cho thằng Thế?
– Nó chết rồi.
– Trời đất ơi. Sao mà chết vậy?
– Mày đi hỏi bà Tư Phụng. Tao không rành lắm.
***
Em biết không – Tư Phụng nói với Minh Tàn – Thằng Thế nó tàn nhẫn lắm em. Con Mai sau nầy cũng sốt buổi chiều và khúc khắc ho như thằng Hoà vậy. Tao biết nó bị dính lao từ thằng Hoà. Con nhỏ bị sốt hành. Mày nghĩ đi Minh Tàn, đàn ông con trai sốt quật còn thê lương huống đàn bà con gái, vậy mà thằng khốn Thế nó buộc phải đi làm. Nó còn đánh đập như mày thấy đó. Bà Chín mẹ giá con mồ côi nó ăn hiếp luôn. Thằng Thế sau khi bị mày đánh, nó bỏ luôn con Mai không ngó ngàng gì nữa.
Bữa đó con Mai sốt nặng quá chị Tư mới đưa nó lên xe về bến sông để đi viện. Trời thì mưa nên xe đâu dám chạy nhanh. Chị lấy áo mưa trùm cho con nhỏ. Xe mới tới dốc Năm Hơi con mai nắm tay chị. Mình Tàn biết nó nói gì với chị không? Nó nói hối hận quá, nhớ con Thu quá. Chắc em chết mà không gặp được con Thu quá chị Tư ơi.
Và rồi xe xuống khỏi dốc thì nó lạnh dần và chết trên tay chị.
– Tội quá Minh Tàn, nghe nói chết trong rừng linh hồn con người ta không siêu bởi thần rừng giữ lại để hầu hạ, phải không em? Nếu thiệt vậy thì tội nghiệp cho con Mai quá, Nó không có tội. Nó đâu có tội gì phải không em?
Chỉ bởi vì nghèo quá Minh Tàn à. Nghèo quá nên hai vợ chồng nó mới vào rừng. Nghèo quá nên không tiền để chăm lo cho chồng khi bệnh tật. Nghèo khiến con người ta đánh mất chính mình. Nghèo mới thật sự có tội. Phải không em?
Cái nghèo không lối thoát.
Mới đọc tập truyện mới của anh. Vừa xong. Giờ lại thêm truyện này. Sức viết thật dữ dội.
JPhải ở trrong cảng nghèo thì mới đủ dữ liệu để viết nên những câu chuyện thương cảm này
Nghèo đúng là cái tội. Những ai nghèo mới thấm thía với câu chuyện này
Hay thiệt. Bravo !
Tui nghèo mà không bần nghen đại ca Nguyễn Trí.
Nghèo thường đi với bần. Thoát được bần là thanh cao anh Nguyễn Hữu ạ.
Hỏi ngu tí tác giả ơi , vậy người nghèo cứ suốt đời chịu mãi số phận hẩm hiu vậy sao ?
Gò găng thân mến.
Không cố mà tự đứng lên sẽ hẩm hiu suốt kiếp.
Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Nhưng đọc chuyện đường rừng của Nguyễn Trí dù chẳng ăn một xu nào của rừng cũng rưng rưng nước mắt dzây.
Cám ơn Hoài Ân đã đọc và cho cảm nhận.
Người nghèo sao mà khổ quá. Buồn.
Vốn sống ngồn ngộn và tấm lòng nhân ái đã làm cho truyện của anh Nguyễn Trí thăng hoa& đi vào lòng người.
Nghe tên anh nhưng giờ mới đọc nghiêm túc. Quả là hay.
Tác giả ơi ! hay !
Đến những vạn tội sao anh Trí ?
Chuyện viết một cách giản dị nhưng nó đã làm người đọc xúc động bởi hiện thực cuộc sống. Một hiện thực khắc nghiệt mà đầy tình người,những người nghèo dưới đáy xã hội đang bị cuốn vào cơn lũ của cái nghèo không lối thoát. Buồn mà còn chút tin yêu
Viết rất hay.
Truyện phải đạo nhưng là cái đạo làm người chứ không phải “phải đạo “như quan niệm của Nguyễn Minh Châu.
Nghèo. Tôi từng nghèo. Tôi cũng rất sợ cái nghèo.
Trí tôi đang thiếu nợ. Boke ạ.
Truyện viết hay nhưng một truyện ngắn lại chứa nhiều yếu tố của tiểu thuyết thì hơi uổng.
Rất cám ơn lời bình của Khungcuahep. Sẽ cố để không cho quá nhiều chi tiết vào một truyện ngắn.
Chỉ bình một từ là đủ :Hay !
Ông viết như không viết , kể lại câu chuyện mà như là người trong truyện . Cái này gọi là thi trung hữu họa chăng ?
Rất bình dị Văn Chương Nguyễn Trí -Những Tên Nhân vật CHỌN hợp Lý -Hợp tính cách tính tình người ấy!Ẩn dụ như Triết trong Câu Văn-”Thích Cho không cần Lý”…giải?-”Bụng dạ đàn bà dạ con nít”-Mai…Hòa đã Nghèo lại Bệnh-Khổ Thân!Bởi Nghèo Mất Vợ cũng bởi BẦN-CÙNG CỰC đau Khổ phải đành CAM-CHỊU Số Kiếp BẦN HÀN Thua Thiệt!?kẽ Thời THẾ Ngồi Trước Ăn Trên!Nghèo chịu LÉP VẾ trước CÁI QUYỀN?Nghèo cũng là CÁI TỘI ”KHỐN KIẾP!”CÙNG đường Túng THẾ Thiệt Thua Thiệt…!?
Viết về cái ác cái xấu mà lạ là người ta không ghét bỏ mà cảm thông xót xa với những thân phận ấy…. những thân phận nạn nhân của cái nghèo, cái đói. Ghét là ghét cái nguyên nhân gây nên sự đói nghèo ấy.
Tôi thích ngôn ngữ truyện của Nguyễn Trí cái thứ ngôn ngữ ngồn ngộn đời thường ngồn ngộn chất sống mà không phải nhà văn nào cũng có được. Nó đơn giản mà nó sâu cay, nó tàn độc mà nó cũng ăm ắp một nỗi sầu nhân thế. Gọi nó là tuyệt chiêu chăng ?
Bình thương thôi mà Coccoc. Dúng từ tuyệt chiêu nghe lớn quá bạn ơi
Đầu năm mà đọc truyện này không cầm được nước mắt. Ước ao sao người nghèo đừng bị dồn vào chỗ tận cùng như vậy anh Nguyễn Trí ơi. Đời khổ quá rồi.
Làm lãnh đạo mà cứ thấy cái tốt hết không sửa sai cái xấu thì chưa phải lãnh đạo giỏi? Người viết văn cứ thấy một chiều tốt đẹp hết chưa phải là văn hay, có tác dụng? nên NT có những mãng đề khá thọc sâu vào đời sống.. anh từng đạt giải cũng phải… Tôi đọc ít về văn của NT, nhưng đã thấy bề dày, độ sâu và sự tỏa rộng …Mong cây bút phát triển nhiều thế mạnh hơn nữa! Tôi bạn Thanh Hiền
Đọc lời bình của T T Hiếu Thảo bổng thấy đời đẹp quá. Sẽ cố gắng hơn để không phụ lòng người đọc.
Trí
Ngòi bút cứ luồn lách tách tỉa vào những góc khuất của nhân sinh….phơi ra những nghịch cảnh và nhìn nó bằng một trái tim vị tha.
Cám ơn Vạn Hoa đã đọc và cho lời cảm nhận ưu ái.
Viết hay quá anh Trí ơi.
Cám ơn anh Nguyễn trong Thi về lời khen tặng.
Không phải hoàn toàn bởi nghèo nên con người ta lận đận đâu tác giả ơi. Bếp thấy có rất nhiều người nghèo nhưng vẫn “trồi ” đầu lên làm ăn khăm kha. Phải đổ thừa cho xã hội, cho số mệnh và cho chính cái đầu của con người tạo ra hoàn cảnh “cuối đường thê lương” mới đúng hơn,
Nguyễn Trí luôn là người thay trời vạch trần cái xấu của xã hội, cái tội của người ác, cái khổ của người nghèo (mà hiền). Viết hay nhưng đọc đầu năm nghe không vui như …khỉ chút nào hết .
Chúc mừng năm mới và sáng tác dài dài nghen Nguyễn Trí.
Vâng. Vẫn đang viết Huynh Ngoc Nga ạ. Rất cám ơn vì đã đọc truyện của Trí.