Vũ Thanh
…Tín Nhi vâng lệnh lên ngay biên giới. Bấy giờ Phúc Khang An đã đem rất nhiều binh mã đóng dọc theo biên giới để thị uy, cờ xí rợp trời, khí thế dời non. Bên này, Tây Sơn cũng cho tập trung đại quân, doanh trại đóng giăng giăng hàng mấy dặm, không khí biên giới hai nước hết sức căng thẳng. Hô Hổ hầu nhận tờ biểu liền đích thân mang đến cho Thang Hùng Nghiệp. Hùng Nghiệp mở ra đọc, biểu viết có những đoạn:
“…Đốc bộ đường Tôn Sĩ Nghị là đại thần ở biên giới đáng lẽ phải tra xét kỹ, tìm nguyên do vì sao Duy Kỳ bỏ nước và vì sao tôi phải đem quân vào, rồi tâu rõ lên Đại hoàng đế, chờ ngài phân xử… Thế mà vì nghe theo lời người đến trước, Sĩ Nghị xé biểu chương của tôi ném xuống đất, rồi truyền hịch khắp trong nước, mượn tiếng khôi phục nhà Lê… Nghị điều binh qua cửa ải, chực “nhổ cỏ, nhổ cả rễ”, chém giết bừa bãi để hả dạ tham tàn. Tôi ở tít tận chân trời xa xôi, chẳng biết việc đó là do Đại hoàng đế sai khiến hay là tự kẻ bầy tôi nơi biên giới trá mệnh để cầu công?…”
“Ngày hôm ấy, quân Sĩ Nghị xông ra đánh trước, vừa mới giao phong đã vỡ chạy tán loạn, thây chết chồng chất lên nhau, đầy đồng, nghẽn sông…”
“Này, đường đường là triều đình Thiên tử lại đi so hơn thua với nước rợ nhỏ thì ắt là muốn cùng khốn binh sĩ, lạm dụng vũ lực hầu sướng khoái lòng tham tàn thì thật cái lòng của Thánh thượng không nhẫn.”
“Trong muôn một nếu can qua nối tiếp không dứt, tình thế đến nỗi nào thì thật không phải do tôi muốn, mà cũng không dám biết nữa.”
“Tôi đóng quân ở thành Long Biên, ngóng trông về cửa trời… có tờ biểu tạ tội và trần tình này, nhờ quan Quảng Tây phân tuần Tả giang binh bị đạo chuyển tâu trình giúp…
Tôi kính cẩn sai sứ sang cửa khuyết, xưng phiên thần, sửa lễ cống… Lại sẽ xin đem số người hiện còn của nhà vua mà dâng nộp để bày tỏ tấc lòng chân thật này” .
Thang Hùng Nghiệp đọc xong thất kinh nói:
– Nay không phải hai nước đánh nhau, sao hành sự toàn một giọng giận dữ? Nói thế là muốn cầu hòa hay muốn gây tiếp can qua chăng? Ông về bảo vua ông hãy viết lại, dùng lời lẽ nhã nhặn hơn để được lòng thánh thượng.
Rồi sao lại một bản, bản chính trả cho Hô Hổ hầu đem về. Theo lệ nhà Thanh, thư của sứ giả các nước khi đến biên giới không được dán kín, quan giữ biên giới xem qua rồi mới dán lại gởi về triều. Tờ biểu trần tình của Tây Sơn tuy bị trả lại nhưng bản sao vẫn được gửi về cho Càn Long. Trong thời gian qua, vì có sự lo lót của nhóm Phúc Khang An, Tôn Vĩnh Thanh và Thang Hùng Nghiệp, sủng thần Hòa Khôn đã khéo léo khuyên vua Càn Long nên chấp nhận đề nghị cầu hòa của Tây Sơn, do đó sau khi đọc tờ trần tình, Càn Long ra chỉ dụ bảo Phúc Khang An, dụ có đoạn:
““… Phúc Khang An truyền hịch dụ Nguyễn Huệ, trong sự nghiêm khắc nên mở một con đường. Nên dụ rằng: “Ngươi hối tội đầu hàng, nhưng trong biểu văn dùng từ cũng chưa ổn; Bản bộ đường đáng phải bác trả lại. Nếu tình và từ ngữ thành khẩn, lập ngôn cung thuận, sẽ giúp ngươi trần tấu, để đợi chỉ tuân hành…”
“Nguyễn Huệ như muốn khất hàng, trước hết phải đưa các quan binh tống xuất, trói những tên đã giết các Đề, Trấn đem hiến, như vậy Bản bộ đường mới có thể tâu thay để khẩn cầu Đại hoàng đế gia ân mở lượng khoan hồng… Nếu Nguyễn Huệ không lo sửa đổi ngay chỉ gởi người đến để thử, Bản bộ đường sẽ cử binh bốn lộ hội tiễu, quét sạch sào huyệt thì chẳng còn hối được nữa.”
Phúc Khang An nhận được chỉ dụ, theo lời dặn vội viết thư sai người đem đến Nam Quan. Hô Hổ hầu cho mang gấp về Thăng Long. Vua Quang Trung đọc thư xong bảo Ngô Thời Nhậm:
– Vậy là bọn chúng đã chấp thuận việc cầu hòa. Từ nay nên dùng lời lẽ nhu thuận vuốt mặt Càn Long. Khanh hãy thảo tờ biểu cầu phong giao cho Quang Hiển thay ta sang Yên Kinh nộp cống, xưng thần. Ngày mai ta phải trở về Phú Xuân để Nguyễn Ánh e dè, mọi việc bang giao, khanh cùng Phan Huy Ích và các quan bàn bạc sao cho có kết quả tốt đẹp, trừ phi là việc tối quan trọng, đừng chờ đợi ý của trẫm làm mất thời gian.
Ngô Thời Nhậm tâu:
– Thần sẽ hết sức để không phụ lòng tin cậy của hoàng thượng.
Vua Quang Trung dặn Ngô Văn Sở:
– Khanh cho người hộ tống tất cả tù binh lên biên giới trao trả lại cho Phúc Khang An. Việc quân quản ngoài này giao cho khanh cùng Ngô Thời Nhậm trông coi.
Văn Sở tâu:
– Thần tuân chỉ.
Nhà vua dặn Quang Hiển:
– Nếu Càn Long chấp thuận hòa hảo cho đến Yên Kinh gặp mặt, cháu thay mặt ta sang gặp lão, để Tín Nhi đi theo hộ tống. Hắn biết phải làm gì cho ta.
– Dạ cháu hiểu rồi.
Hôm sau Ngô Thời Nhậm dâng tờ biểu lên và tâu:
– Thần theo ý hoàng thượng dùng lời lẽ mềm mỏng, chỉ sợ tổn hại đến người. Mời hoàng thượng xem qua.
Vua Quang Trung đọc qua:
“…Thần khởi lên ở đất Tây Sơn, đầu tiên có đất Quảng Nam, vốn không có sự phân biệt cao thấp với họ Lê.
“Năm ngoái thần đã từng sai người gõ cửa quan trình bày đầy đủ duyên cớ việc gây hấn với họ Lê. Quan Trấn thủ biên cương bác thơ không đề đạt ngay lên Bệ hạ.
“Kịp khi binh ra quan ải đi chinh phạt, thì tháng Giêng năm nay thần đã ra Lê thành để hỏi duyên cớ và kêu xin quân của Thiên triều.
” Không ngờ vừa trông thấy, quan quân liền phấn khởi hăng hái tàn sát, bọn thủ hạ của thần thình lình khó bó tay chịu trói, lại gặp cầu trên sông bị gãy, quan binh bị tổn thương, kinh hoàng khôn xiết.
“Thần đã nhiều lần sai người gõ cửa quan xin tội, cùng đưa về những quan binh chưa chạy khỏi nước An Nam. Còn những kẻ đã sát hại quan Đề, Trấn thì trót đã mắt thấy nên đem xử theo pháp luật rồi.
“Thần vốn phải đích thân đến triều khuyết trần tình xin tội, nhưng vì trong nước việc binh cách dân tình chưa yên, kính cẩn sai cháu ruột là Nguyễn Quang Hiển mang theo tờ biểu vào chầu..”
Đọc xong nhà vua mỉm cười nói:
– Viết hay lắm. Lời lẽ của Càn Long và Phúc Khang An càng hống hách bao nhiêu, khanh cứ thay ta mềm mỏng bấy nhiêu để vua tôi hắn hởi dạ mà gật đầu. Trẫm chẳng màng đến những việc nhỏ mọn này đâu.
Ngô Thời Nhậm thầm phục trong lòng. Ông cúi đầu nói:
– Thần lãnh ý hoàng thượng.
Thu xếp mọi việc xong, vua Quang Trung lên đường trở lại Phú Xuân, không quên sai quân mang theo một số cành hoa đào Thăng Long về làm quà cho các hoàng hậu cùng chiếc áo dài Quan họ tặng riêng cho Hữu cung Ngọc Hân.
***
Nguyễn Hữu Điều và Vũ Huy Tấn được cử làm chánh phó sứ lo việc tiếp xúc và thương thuyết việc cầu phong đã rời Thăng Long lên Lạng Sơn giữa tháng hai năm Kỷ Dậu. Nhận được bức thư cầu phong của vua Quang Trung, Phúc Khang An bàn với Thang Hùng Nghiệp và Tôn Vĩnh Thanh:
– Nguyễn Huệ đã sợ uy chúng ta nên dùng lời lẽ hết sức nhu thuận và gửi cháu ruột sang xin cầu phong và nộp cống phẩm. Hắn cũng không quên hiếu kính chúng ta một số lớn châu báu để tạ ơn, theo ý hai ông, ta nên thu xếp thế nào?
Hùng Nghiệp nói:
– Đổi được sự an nhàn khỏi lo về binh cách, theo ý tôi chúng ta cứ đem hết số châu báu này đút lót Đại học sĩ Hòa Khôn để ông ta đề đạt lên hoàng thượng, việc ắt thành.
Tôn Vĩnh Thanh bàn:
– Theo tôi, chúng phải tạo ra một chứng cứ là nhà Lê cũ không còn nữa, như vậy mới có sự chính danh để hoàng thượng chấp thuận.
Khang An hỏi:
– Nhà Lê cũ không còn nữa là sao?
Vĩnh Thanh nói:
– Tổng đốc cứ làm như vầy…như vầy… là được.
Khang An và Hùng Nghiệp nghe mưu kế của Vĩnh Thanh nhìn nhau cả cười:
– Hay lắm! Tên Chiêu Thống nhu nhược kia hai lần bỏ mất ấn tín, thiên triều không bắt tội chết là phúc cho hắn rồi. Cứ thu xếp như vậy đi.
Bèn cho gọi Phan Khải Đức vào dặn:
– Ngươi đi gọi vua Lê đến đây gặp ta ngay.
Khải Đức vâng lệnh đến nơi an trú mời vua Lê. Chiêu Thống ngỡ Phúc Khang An cho mời mình để bàn việc ra quân nên hớn hở đến ngay. Đợi vua Lê an tọa xong, Khang An nói:
– Tôi mời Quốc vương đến đây để bàn việc tiễu phạt bọn giặc Tây.
Chiêu Thống mừng rỡ hỏi:
– Tạ ơn thiên triều thương tưởng đến kẻ thế cô này. Nếu đại công cáo thành, xin kết cỏ ngậm vành, An Nam đời đời xin làm thần tử của Thiên quốc. Khi nào ngài tổng đốc định ra quân?
Khang An đáp:
– Mọi việc đã sẵn sàng, lẽ ra tôi cho xuất quân ngay theo lời hứa với Quốc vương hôm nọ, hiềm vì mùa này nóng nực, tinh thần binh sĩ uể oải nên không tiện ra quân. Quốc vương cũng biết rồi, giặc Huệ là thứ hung dữ, binh sĩ không hăng hái thì rất khó lòng. Thành ra chúng ta hãy đợi sang Thu, tiết trời mát mẻ hãy ra quân. Tạm thời Quốc vương cùng di thần đến Quế Lâm an trú vậy.
Chiêu Thống nghe xong cố nén tiếng thở dài:
– Mọi việc đều trông cậy vào thiên triều cùng ngài Tổng đốc. Chúng tôi ráng đợi.
Thang Hùng Nghiệp lên tiếng:
– Tôi từng giao chiến với bọn giặc Tây nên nhìn thấy rất rõ điều này, không biết Quốc vương có muốn biết không?
Chiêu Thống nói:
– Xin Tả Giang binh đạo cứ nói ra.
Hùng Nghiệp làm ra vẻ lưỡng lự một chút, sau đó nói:
– Bọn Tây Sơn, đối với binh lính và tướng lãnh thiên triều còn có bụng e dè, còn đối với quân tướng của Quốc vương, chúng chẳng coi vào đâu cả. Việc binh nhung phải biết rõ điều mạnh yếu, tôi nói thật lòng, ngài Quốc vương đừng buồn.
Chiêu Thống cười giả lả:
– Quan Tả Giang binh đạo đừng ngại. Điều này bản thân tôi cũng nhìn thấy rõ.
Hùng Nghiệp thêm:
– Lần này ra quân nhất định phải làm cho bọn giặc Tây khiếp đãm, muốn vậy khí thế của liên quân chúng ta phải mạnh mẽ, hợp nhất. Tôi có ý kiến, Quốc vương và quân tướng cần vương của ngài cũng nên gióc tóc và mặc áo quần của quân đội Thanh triều, tạo sự đồng nhất. Như vậy mới mong áp đảo tinh thần bọn Tây Sơn được.
Chiêu Thống nghe nói phải gióc tóc và ăn mặc theo người Thanh thì chột dạ nói:
– Làm như thế chỉ sợ người trong nước tôi phê phán.
Phúc Khang An trấn an:
– Binh bất yếm trá. Đây chỉ là việc ngụy tạo tạm thời đánh lừa bọn Tây Sơn. Khi vào được Lê thành, Quốc vương và quần thần lại để tóc và thay quần áo của nước mình, có khó gì.
Chiêu Thống nghĩ việc để lại tóc và đổi y phục rất đơn giản nên vui vẻ nhận lời:
– Vậy chúng tôi theo ý các ông.
Khang An tiếp:
– Chúng tôi đã thu xếp mọi tiện nghi sinh hoạt cho Quốc vương và các di thần. Sau khi thực hiện việc gióc tóc, tôi sẽ cho người đưa các vị đến Quế Lâm.
Phan Khải Đức biết được ý đồ của bọn Phúc Khang An, mật bàn với Thu Cúc:
– Phúc Khang An lừa bọn Chiêu Thống phải gióc tóc, e rằng chú và cháu cũng không ngoại lệ. Ngay đêm nay cháu phải lẻn về lại Nam Quan nếu không việc giả trai của cháu tất bại lộ thì nguy.
Thu Cúc hỏi:
– Chú chịu gióc tóc làm người Mãn Thanh thật sao?
– Thế buộc phải chịu vậy, biết làm sao được. Quân trưởng có dặn, chú còn nhiều việc phải làm ở bên này. Vả lại, chú nghe Khang An nói sau chuyện bang giao hai nước, chú sẽ được chúng đề bạt về làm làm Đô ti ở Liễu Châu. Muốn làm quan nhà Thanh mà không cạo đầu đâu có được.
– Chú định ở lại bên này luôn hay sao?
– Cho đến khi nào hoàng thượng không còn cần tin tức nữa.
– Vậy chú ráng bảo trọng.
– Cháu về gặp Tín quân trưởng nói ý định của chú cho ông ta biết. Có việc cần thiết cứ liên lạc với chú.
Thu Cúc mỉm cười nói:
– Cháu chưa về nước đâu.
Khải Đức trợn mắt ngạc nhiên:
– Cháu định đi đâu?
Sắc mặt Thú Cúc chợt ửng đỏ, nói nhỏ:
– Cháu muốn xem anh Hoàng Nhi đang lưu lạc ở đâu.
– Thì ra… Theo chú biết, nó đang có mặt trong toán quân của Ô Đại Kinh đóng ở biên giới Lao Cai – Vân Nam.
– Cảm ơn chú.
Khải Đức thở dài:
– Chú đơn thân lưu lạc sang đây, ước gì có cháu ở lại… nhưng thôi, cháu nhớ mang theo ngân lượng để chi dụng. Thân gái một mình len lỏi xứ người nguy hiểm lắm đấy.
Thu Cúc rươm rướm nước mắt:
– Xong việc, chú tìm cách hồi hương. Cháu xin được làm nghĩa nữ để phụng dưỡng chú suốt đời.
Khải Đức xúc động ôm cô con gái nuôi thì thầm:
– Chú có được một cô con gái nuôi thế này cũng quá đủ để bù lại những ngày lưu vong xa xứ.
*
Chiêu Thống trở về thuật lại đề nghị của Phúc Khang An cho các quan nghe, ai nấy đều buồn rầu nhưng nghĩ đến việc phục quốc là trên hết nên mọi người cũng phải đồng ý. Hôm sau Tôn Vĩnh Thanh mời Chiêu Thống và tất cả di thần như Lê Duy Án, Trần Duy Lâm, Lê Doãn, Lê Hạo, Đinh Nhạ Hành, Phan Khải Đức… đến làm lễ gióc tóc và cấp phát quần áo người Mãn Châu để thay đổi sau đó chỉ giữ Phan Khải Đức ở lại, còn lại đưa hết về an sáp tại Quế Lâm, phủ thành tỉnh Quảng Tây.
Thu xếp xong việc vua tôi nhà Lê, Phúc Khang An cười hả hê nói với Tôn Vĩnh Thanh và Thang Hùng Nghiệp:
– Kế sách của Tôn tuần phủ thật tuyệt diệu. Bây giờ ta chỉ cần thảo một biểu chương tâu lên chắc hoàng thượng sẽ đồng ý bãi binh và chấp thuận việc cầu hòa của Nguyễn Huệ.
Tôn Vĩnh Thanh cũng vui mừng không kém:
– Lê Chiêu Thống là tên bạc nhược, dẫu chúng ta có bỏ xương máu ra đánh đuổi bọn Nguyễn Huệ thì hắn cũng chẳng giữ được nước lâu. Chi bằng tâu hoàng thượng giao nước An Nam cho Nguyễn Huệ để tránh việc can qua thì chúng ta được an thân.
Ba người đang hả hê vui sướng thì quân vào báo có Lê Quýnh vừa từ An Nam trốn sang xin gặp vua Lê Chiêu Thống. Khang An cho đòi vào. Lê Quýnh làm lễ ra mắt xong nói:
– Ty chức vì lâm bệnh ở quê nhà nên đến nay mới chạy được sang đây theo hầu đức vua.
Khang An nói:
– Vua Lê cùng tất cả quần thần dưới trướng vừa làm lễ gióc tóc và thay đổi y phục, làm thần dân của thiên triều, nay đã được an sáp tại Quế Lâm rồi. Ngươi cũng không ngoại lệ.
Lê Quýnh thất kinh hỏi:
– Tại sao chúng tôi lại phải gióc tóc và đổi y phục Thanh triều?
Khang An đáp:
– Là vì vua Lê đã bỏ ý định phục quốc, muốn làm thần tử của thiên triều nên mới xin hoàng thượng gia ân như vậy. Ngươi muốn đến hầu hạ ông ta cũng phải làm như thế mới được.
Lê Quýnh đứng lên lớn tiếng:
– Chúng tôi sang đây là muốn cầu xin quý quốc giúp chuyện phục quốc chứ không phải để xin làm người Thanh. Việc gióc tóc, đổi y phục tôi nhất định không làm.
Khang An nổi giận nạt lớn:
– Vua của ngươi còn cầu xin được làm con dân thiên triều, ngươi lại dám trái mệnh. Muốn rơi đầu ư?
Lê Quýnh trợn mắt, lớn giọng cương quyết:
– Đầu tôi có thể rơi nhưng tóc tôi không thể gióc. Da tôi có thể lột nhưng áo tôi không thể đổi.
Khang An vỗ bàn gằn giọng quát:
– Vậy thì ta hãy lột da rồi chặt đầu ngươi xuống…
Tôn Vĩnh Thanh vội lên tiếng can:
– Việc chưa thành, không nên giết người vội. Tổng đốc cứ giao hắn cho tôi.
Nói xong cho gọi tổng binh Quảng Tây là Đức Khắc Tinh Ngạch vào dặn:
– Đem hắn giam lại chờ ta xử trí sau.
Tinh Ngạch tuân lệnh bước đến lôi Lê Quýnh ra ngoài. Lê Quýnh mặt vẫn không đổi sắc, cất tiếng cười dài mắng:
– Bọn ngươi sợ quân Tây Sơn nên bày trò lừa gạt chúa ta. Có chết ta cũng không chịu nhục.
Tinh Ngạch dùng tay bóp miệng Lê Quýnh lôi đi tống vào ngục Nam Ninh. Sau đó Tôn Vĩnh Thanh cho giải Lê Quýnh về kinh giam trong ngục tối suốt mười năm trời. Việc chúa tôi nhà Lê như vậy tạm yên, Phúc Khang An viết biểu chương, kèm theo tờ biểu cầu phong của Nguyễn Quang Hiển vừa đưa sang, gởi gấp về Yên Kinh tâu lên Càn Long mọi việc. Ông cũng không quên gởi kèm số châu báu của vua Quang Trung biếu xén về cho Đại học sĩ Hòa Khôn. Người của Phúc Khang An về đến Yên Kinh, tới thẳng tư dinh gặp Hòa Khôn trao lễ vật và thư. Hòa Khôn nhìn thấy số châu báu thì cười tươi nói:
– Ngươi cứ ra quán dịch đợi tin lành. Mọi việc để ta lo.
Thời gian này Võ Anh Điện Đại học sĩ A Quế đang công cán bên ngoài nên hôm sau Hòa Khôn cùng Văn Uyên Các Đại học sĩ Kê Hoàng mang hai tờ biểu vào cung trình lên vua Càn Long. Đợi nhà vua đọc xong, Hòa Khôn tâu:
– Theo lời Phúc Khang An thì bọn vua Lê đã bỏ ý nguyện phục quốc, xin được gióc tóc và thay đổi y phục để ở lại làm thần dân của hoàng thượng. Thần lại thấy Nguyễn Huệ có lòng hối lỗi muốn quy phục thiên triều nên dâng biểu tạ tội và xin nộp cống cầu phong. Theo ngu ý của thần, hoàng thượng nên tỏ lượng biển trời, ra ân toại nguyện cho y.
Càn Long gằn giọng hỏi:
– Nhưng còn cái tội hắn dám đánh giết quan binh của thiên triều không lẽ bỏ qua không trừng phạt?
Hòa Khôn tâu:
– An Nam là bọn mọi rợ, hung dữ chẳng khác gì lũ Miến Điện, nay chúng ta vì trả hận mà đại dụng binh đao, lao sư động mã khiến bá tánh xôn xao, tốn hao quốc khố thì sao xứng với đức lớn của thiên triều. Huống chi khí số họ Lê nay đã hết, trao nước An Nam lại cho họ Nguyễn trông coi để chúng triều cống, tạo phúc cho con đỏ An Nam là việc làm tỏ rõ đức sáng của hoàng thượng vậy. Còn như hoàng thượng muốn lập uy thì buộc Nguyễn Huệ phải thực hiện một số điều kiện để hắn kiêng sợ.
– Điều kiện thế nào?
– Muôn tâu. Hoàng thượng bắt hắn phải lập miếu thờ các tướng lãnh của thiên triều đã hy sinh bên An Nam, lại buộc hắn phải đích thân sang Yên Kinh làm lễ chiêm cận để thực hiện đạo thần tử. Nguyễn Huệ được dân An Nam tặng cho danh hiệu “bách thắng tướng quân”, bắt hắn sang làm lễ chiêm cận, vậy hắn không phải là con đỏ của Thập Toàn Lão Nhân và phải quỳ gối trước hoàng thượng là gì.
Lúc này việc chiến tranh dai dẳng với Miến Điện vừa mới được giải quyết xong, nghĩ đến việc đánh An Nam chưa chắc đã thắng nổi, nếu sơ suất lần nữa thì sẽ tổn hại đến hai chữ “thập toàn” của mình không còn lối gỡ, thêm vào lời lẽ của Hòa Khôn lại khéo léo vuốt ve lòng tự tôn của nhà vua khiến Càn Long đẹp dạ phán:
– Vậy thì hãy làm theo ý của khanh. Hiện A Quế đang lo chuyện Miến Điện, trẫm giao cho khanh và Kê Hoàng lo việc An Nam. Truyền chỉ dụ của trẫm xuống cho Phúc Khang An bãi bỏ việc ra quân để lo việc tiếp nhận cầu phong . Nếu Nguyễn Huệ đã biết hối lỗi quy thuận thiên triều, chấp thuận hai điều kiện trên thì cho phép cháu của hắn đến Yên Kinh làm lễ chiêm cận trước, sang năm là lễ Đại thọ bát tuần của trẫm, Nguyễn Huệ phải thân hành sang làm lễ chiêm cận sau. Trẫm có một đứa con bách thắng như hắn cũng là một việc hay cho ngày khánh thọ. Ha…ha…
Hòa Khôn và Kê Hoàng phủ phục lãnh mệnh. Kê Hoàng thảo ngay chiếu chỉ truyền đạt mệnh lệnh của nhà vua, Hòa Khôn cho người mang gấp đến Quảng Tây. Phúc Khang An tiếp chỉ xong bảo Thang Hùng Nghiệp:
– Ông phải đích thân đến Nam Quan truyền ý chỉ của hoàng thượng, bảo Nguyễn Huệ phải hồi đáp cho nhanh để cháu hắn được tiến kinh cầu phong. Những vật tiến cống bảo chúng hãy giữ lại, đợi đến khi Nguyễn Huệ được thiên triều sắc phong chúng ta mới thu nhận được.
Biết đức vua đã chấp thuận việc cầu phong, Thang Hùng Nghiệp vô cùng mừng rỡ bèn cùng Phan Khải Đức hớn hở lên đường đến Nam Quan gặp Nguyễn Hữu Điều để trao chỉ dụ của Càn Long. Hùng Nghiệp chu đáo dặn Hữu Điều thêm:
– Hãy cấp tốc mang chỉ dụ này về Thăng Long cho vua các ông, dặn phải mau viết lại tờ biểu cầu phong. Trong ý hoàng thượng thiên triều rất muốn nhận vua An Nam là Nguyễn Huệ làm con, vậy phải lựa lời mà tâu trình. Khi có biểu cầu phong mới, ta sẽ đích thân hộ tống Quang Hiển tiến kinh để làm lễ chiêm cận hoàng thượng. Vinh dự này, bồi thần các nước khác không được hưởng đâu. Các ông hãy mau lên.
Tiễn Hùng Nghiệp và Khải Đức về xong, Hô Hổ hầu bàn với Tín Nhi:
– Hai điều kiện của Càn Long đưa ra rất nan giải, Tín quân trưởng phải đi cùng hai vị chánh phó sứ trở về Thăng Long bàn bạc với Ngô thị lang cho kỹ mới được.
Tín Nhi nhận lời cùng hai sứ giả vội vã lên đường về Thăng Long. Ngô Thời Nhậm xem xong chỉ dụ của Càn Long, họp các quan bàn bạc. Ông hỏi:
– Càn Long buộc chúng ta chấp thuận hai điều kiện, việc cho lập miếu thờ các tướng tử trận thì có thể giải quyết được, nhưng hắn buộc hoàng thượng phải sang Yên Kinh làm lễ chiêm cận thì khó mà chấp nhận. Ý các ông thế nào?
Ngô Văn Sở hỏi:
– Bọn chúng sang cướp nước chúng ta, chết là đáng tội, sao lại phải lập miếu thờ chúng? Ngô thị lang tính lẽ nào mà bảo giải quyết được?
Thời Nhậm đáp:
– Đại tư mã không muốn người Nam lập miếu thì hãy bảo người Hoa kiều họ lập, như vậy ta có mất mát gì đâu.
Ngô Văn Sở nghe xong cười lớn khen:
– Ngô thị lang quả nhiên là người biết làm chính trị. Hay lắm!
Thời Nhậm nói:
– Việc sai người Hoa lập miếu cho Sầm Nghi Đống nhờ Ngô tư mã cho người lo giùm.
Huy Ích lên tiếng:
– Theo tôi, ta cứ chấp thuận đề nghị của Càn Long để có được sự hòa hiếu cho chúng bãi binh trước đã. Việc hoàng thượng sang chiêm cận đến sang năm mới tiến hành, chúng ta có thời gian để về Phú Xuân xin chỉ thị của hoàng thượng. Tôi tin ngài sẽ có cách giải quyết.
Tín Nhi nói:
– Buộc hoàng thượng phải rời nước thân hành sang Yên Kinh chắc chắn ngài sẽ không làm, một là rất nguy hiểm, hai là ngài vốn chẳng coi bọn Càn Long ra gì, chúng ta nhất thiết không thể để hoàng thượng phải chấp thuận việc quỳ ôm gối tên vua già đó.
Tất cả đều biết Tín quân trưởng là người thân tín nhất của đức vua nên lời nói của ông ta tất không sai ý của ngài. Thời Nhậm lo lắng hỏi:
– Vậy chúng ta phải làm sao?
Tín Nhi đáp:
– Chỉ còn cách cho người thay hoàng thượng đi Yên Kinh mà thôi.
Mọi người nghe nói thất kinh. Huy Ích hỏi nhanh:
– Việc lớn như vậy, nếu Càn Long biết được hắn sẽ giết hết sứ bộ và dấy động can qua để chữa thẹn. Quân trưởng suy tính kỹ chưa?
Tín Nhi điềm nhiên đáp:
– Tất nhiên tôi suy nghĩ kỹ mới dám nói ra.
Thời Nhậm giục:
– Xin cho biết sự tính toán như thế nào.
Tín Nhi nói:
– Đến chừng đó cứ làm như vầy…như vầy… là mọi việc tất êm xuôi.
Mọi người nghe xong thở phào nhẹ nhõm, khen là diệu kế. Tuy vậy Phan Huy Ích vẫn lo lắng hỏi:
– Tuy kế này rất hay, nhưng biết đâu bọn di thần nhà Lê có mặt bên đó phát hiện ra, hô hoán lên thì sao?
Tín Nhi nói:
– Việc này Phan thị lang khỏi lo. Tất cả vua tôi nhà Lê đã bị gióc tóc và đưa đi an sáp vào một nơi rồi. Nếu cần, chúng ta đòi hỏi Càn Long phải phân tán chúng đi những nơi xa xôi để tránh bớt rủi ro là được.
Huy Ích hỏi:
– Chúng ta lấy cớ gì để đòi hỏi?
– Trước mắt ta cứ chấp thuận để lấy cho được mấy chữ “An Nam Quốc Vương” về cho hoàng thượng, chấm dứt việc binh nhung. Trong biểu thư phúc đáp việc phong vương, ngài Tả thị lang viện thêm lý do nếu hoàng thượng bỏ nước sang Yên Kinh thì sợ vua tôi nhà Lê sẽ nhơn cơ hội trở về phục quốc, đòi hỏi Càn Long phải bắt giam lỏng tất cả bọn chúng lại mới an tâm sang chiêm cận. Chừng đó, chúng buộc phải thực hiện mà thôi. Nếu không ta có lý do chính đáng khỏi phải sang chầu.
Ngô Thời Nhậm gật gù khen:
– Quả là diệu kế. Việc ắt phải thành.
Bèn viết lại tờ biểu cầu phong và biểu thư hồi đáp chấp thuận hai điều kiện của Càn Long. Tín Nhi và hai vị sứ giả mang lên Nam Quan chuyển sang biên giới. Phúc Khang An đọc qua rất hài lòng liền cho người mang gấp về kinh. Càn Long xem xong mặt rồng hớn hở bảo Hòa Khôn:
– Nguyễn Huệ đã ngoan ngoãn thần phục, chấp thuận hai điều kiện của trẫm, khanh mau thảo tờ chiếu cho phép cháu hắn là Nguyễn Quang Hiển tiến kinh cầu phong. Sai Thang Hùng Nghiệp đích thân hộ tống. Trên đường tiến kinh, bảo Hùng Nghiệp đưa Quang Hiển đến Quế Lâm để chứng kiến cảnh vua tôi nhà Lê đã bỏ chí phục quốc, xin gióc tóc làm thần dân thiên triều rồi, như vậy Nguyễn Huệ không phải lo lắng khi rời nước sang làm lễ chiêm cận. Ghi thêm cho Nguyễn Huệ mừng, trẫm đặc cách ban thưởng một chuỗi ngọc trai trị giá liên thành để làm quà.
Hòa Khôn mừng rỡ tâu thêm:
– Để vua tôi Chiêu Thống một chỗ là việc không hay, xin hoàng thượng hạ lệnh phân tán chúng đi nhiều nơi để tránh phiền phức sau này.
Càn Long nói:
– Việc ấy khanh tự lo liệu sao cho ổn thõa là được.
Hòa Khôn bèn theo ý vua Càn Long thảo tờ chỉ dụ gởi xuống Quảng Tây. Cuối chỉ dụ có đoạn:
“Trẫm lên ngôi đã hơn năm mươi năm, đối với các phiên thuộc lấy sự thành tín để cư xử. Lê Duy Kỳ nhu nhược không có khả năng, vứt ấn bỏ chạy, nếu lấy luật thiên triều về tội dám tự tiện bỏ chức vụ trấn thủ mà xử, đáng tội rất nặng. Nay nghĩ rằng y là người ngoại phiên, chỉ vì không có khả năng chớ không có vi phạm nào khác nên ra lệnh cho an sáp tại thành Quế Lâm, quyết không có việc lợi dụng khi ngươi sang đây triều kiến để thừa dịp đem Lê Duy Kỳ về nước. Đã ra lệnh cho viên tổng đốc Phúc Khang An cho viên chức hộ tống cháu ngươi là Nguyễn Quang Hiển trên đường đi qua tỉnh thành Quế Lâm, hãy thân hành đến xem quang cảnh của Lê Duy Kỳ tại đây, rồi cháu ngươi ghi chép thực trạng gửi thư cho ngươi rõ để ngươi không còn một chút nào nghi hoặc, lưỡng lự. Nay đặc biệt ban cho ngươi một xâu chuỗi minh châu, ngươi đáng được ân mệnh sắp xếp cuộc hành trình vào tháng sáu, hoặc tháng bảy năm sau, đích thân cầu khẩn tại kinh khuyết để vĩnh viễn hưởng ơn mưa móc. Gắng lên! Khâm tai! Đạo dụ đặc biệt.”
Việc hòa hiếu đến lúc này coi như đã được hai bên đồng thuận, bắt đầu tiến hành việc tiếp đón sứ bộ theo nghi lễ ngoại giao của hai nước vẫn có từ xưa nay.
Tại ải Nam Quan, nơi biên giới có xây hai ngôi công thự dùng để tiếp đón các sứ bộ giữa hai nước. Ngôi công thự bên phía Trung Quốc gọi là Chiêu Đức Đài, bên Đại Việt là Ngưỡng Đức Đài. Cách biên giới chín mươi dặm, Phúc Khang An còn cho xây một công thự khác, đặt cho một cái tên rất oai phong là Thụ Hàng thành đển đón sứ bộ Đại Việt đến nghỉ ngơi chờ tiến kinh.
Ngày 25 tháng 5, năm Kỷ Dậu, tại Chiêu Đức Đài, Phúc Khang An làm lễ tiếp sứ bộ An Nam gồm hai mươi người do chánh sứ Nguyễn Quang Hiển dẫn đầu, tiếp nhận biểu văn và cống phẩm, sau đó đưa sứ bộ về Thụ Hàng thành nghỉ ngơi.
Đến ngày 12 tháng 5 (vì năm Kỷ Dậu nhuận hai tháng 5) giao cho Thang Hùng Nghiệp cùng tổng binh Quảng Tây là Đức Khắc Tinh Ngạch hộ tống qua Quế Lâm để Quang Hiển chứng kiến tình cảnh sống của Lê Chiêu Thống, sau đó lên Yên Kinh. Trên đường từ Nam Quan đến Nam Ninh, Khang An còn cắt viên tổng binh trấn Tả Giang là Phổ Nhĩ Bảo nghiêm mật tuần tra để bảo đảm an toàn cho sứ bộ.
Trên suốt tuyến đường tiến kinh, qua gợi ý của Thang Hùng Nghiệp, sứ bộ của Nguyễn Quang Hiển được các quan tổng đốc các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Quảng, Hà Nam, Trực Lệ… tiếp đón hết sức niềm nỡ, yến tiệc liên miên, lại còn ban tặng rất nhiều vàng bạc, nhơn đó các vị đại quan kê khai gian để bòn công quỹ bỏ túi riêng. Tất nhiên Thang Hùng Nghiệp và Đức Khắc Tinh Ngạch cũng được hưởng phúc lây trong chuyến hộ tống lịch sử này.
Rềnh rang như vậy nên sứ bộ chưa đến Yên Kinh mà biểu văn phúc đáp để tạ ơn của Ngô Thời Nhậm thay mặt vua Quang Trung thảo ra đã gởi đến tay Càn Long.
Càn Long đọc xong đắc ý vuốt râu cả cười nói với Hòa Khôn:
– Thằng con “bách thắng tướng quân” của ta thật khéo biết dùng lời nhu thuận để cầu xin. Phong cho nó tước An Nam Quốc Vương là đáng lắm. Ha…ha…
Hoà Khôn phủ phục chúc mừng:
– Hoàng thượng uy vũ trùm vũ trụ, phiên thần ai nấy đều khiếp phục. Mừng hoàng thượng có được một phiên thần tài giỏi và ngoan ngoãn như An Nam Bách thắng tướng quân Nguyễn Huệ.
Càn Long rất đẹp dạ, cao hứng phán:
– Ngươi lập tức thảo tờ sách văn, phong cho hắn danh hiệu An Nam Quốc Vương. Trẫm sẽ tự tay phê tặng một bài thơ Ngự Chế để hắn giữ làm bảo vật đời đời. Tờ chiếu sắc phong và thơ Ngự Chế hãy sai người mang ngay xuống Quảng Tây dặn Phúc Khang An tuyển người thích hợp mang sang Lê thành chọn ngày tốt làm lễ sắc phong trước. Ấn tín, sắc thư thì lệnh cho đúc ngay, đợi Nguyễn Quang Hiển sau khi làm lễ chiêm cận xong mang về sau .
– Thần tuân chỉ.
Nhận được tờ biểu sắc phong, Phúc Khang An vội phái người đến Lạng Sơn báo tin để Thăng Long chuẩn bị. Lúc bấy giờ ở cả Lưỡng Quảng đều không có vị đại thần gốc Mãn Châu nào, may có quan Lễ bộ người Mãn là Thành Lâm đang công cán ở Quảng Đông, Phúc Khang An liền cử Thành Lâm làm đặc sứ lo việc sắc phong. Đúng ngày một tháng tám năm Kỷ Dậu, Thành Lâm lên đường đến Nam Quan cho người mời Hô Hổ hầu sang Chiêu Đức Đài hỏi :
– Các ông đã chuẩn bị sẵng sàng chưa? Quốc trưởng các ông hiện ở đâu?
Hô Hổ hầu đáp:
– Hoàng thượng chúng tôi đang ở Phú Xuân.
Thành Lâm nói:
– Ông về mời Quốc trưởng mau ra Thăng Long làm lễ thụ phong với thiên triều.
– Khi nào mới cử hành lễ?
– Ta nghe mùa này bên nước các ông đang rất nóng. Hai mươi hai tháng chín là ngày đại cát lại đã sang Thu mát mẻ. Ta sẽ xin Hoàng thượng Thiên triều cử hành lễ vào ngày đó. Đừng để chậm trễ.
Hô Hổ hầu đứng lên cáo từ:
– Tôi sẽ báo về Thăng Long để chuẩn bị đầu tháng chín tiếp đón đại quan.
Ngô Thời Nhậm nhận được tin báo, cử Phan Huy Ích sắp xếp việc tiếp đón sứ thần nhà Thanh thật long trọng, phần ông đích thân vào Phú Xuân để tâu trình mọi việc và xin chỉ thị. Vua Quang Trung nghe nói việc thụ phong phải được tiến hành tại điện Kính Thiên ở Thăng Long thì lắc đầu:
– Thăng Long vượng khí không còn, chúng muốn sắc phong thì vào Phú Xuân mà cử hành lễ. Việc tái thiết đất nước rất bận rộn, trẫm làm gì có thời gian rảnh rỗi để ra Thăng Long.
Ngô Thời Nhậm tâu:
– Thần sẽ đề đạt ý này đến Thành Lâm. Trường hợp chúng khăng khăng không nhượng bộ thì làm thế nào?
– Tiếp tục viện đủ lý do. Chừng nào không được, cứ theo kế của Tín Nhi mà tiến hành. Như vậy việc sang Yên Kinh chiêm cận vào năm tới càng thuận tiện hơn.
Ngô Thời Nhậm ngập ngừng hỏi:
– Trong ý Càn Long rất muốn nhận hoàng thượng là con…
Vua Quang Trung mỉm cười ngắt lời:
– Trong biểu tạ ơn phong vương, khanh cứ dùng cách xưng hô theo lễ cha con cho ông vua già đó hả hê.
Ngô Thời Nhậm hiểu ý tâu:
– Thần tuân chỉ.
Và lấy trong tay áo tờ chiếu khuyến nông dâng lên:
– Theo ý chỉ của hoàng thượng, thần đã thảo xong tờ chiếu khuyến nông. Trình hoàng thượng ngự khán.
Vua Quang Trung xem xong phán:
– Rất tốt. Sau việc cải cách ruộng đất sẽ đến cải cách văn hóa, đồng thời tổ chức quản lý dân đinh. Khanh có đề xuất gì không?
Thời Nhậm tâu:
– Thần nghe La Sơn phu tử lúc trước đã xuống núi hội kiến tức có ý ra giúp hoàng thượng. Nhơn việc xây dựng kinh đô ở Nghệ An, hoàng thượng cho lập một viện Sùng Chính ở đó giao ông ta coi ngó việc chuyển đổi các sách học chữ Hán sang chữ Nôm. Thuận tiện như vậy, việc mời ông ta xuống núi sẽ dễ dàng hơn.
– Còn việc dân đinh?
– Lập sổ kê khai tất cả dân đinh, sau đó cấp thẻ tín bài cho từng người. Như vậy, dù họ có di chuyển nơi ở, số dân đinh trong nước vẫn cố định, rất thuận tiện trong việc theo dõi, quản lý.
Vua Quang Trung khen:
– Khanh đúng là người đầy bụng kinh luân mà trời đã dành riêng để giúp trẫm vậy.
– Tạ ơn hoàng thượng khen ngợi.
– Trẫm đã quyết định phong Quang Toản làm Thái tử, Quang Thùy tước Khanh công, lãnh mười hai trấn Bắc thành , Quang Bàn tước Tuyên công, lãnh trấn Thanh Hóa. Quang Thùy tuổi còn trẻ, khanh cùng các tướng gắng giúp cho nó. Việc bang giao, trẫm để nó thay mặt, có khanh bên cạnh liệu lý giải quyết.
– Thần nguyện hết sức phò trợ cho Khanh công.
Lúc ấy có thư của Phan Văn Lân từ Nam Quan gởi về kèm theo trát mời của Thành Lâm, mời vua Quang Trung đúng ngày 22 – 9, ra Thăng Long chuẩn bị nhận sắc phong. Vua Quang Trung mỉm cười bảo Ngô Thời Nhậm:
– Khanh viết cho hắn một phúc thư, nói trẫm vì phải lo công việc sửa thành Nghệ An nên mắc bệnh, chưa ra Thăng Long được. Khi nào hết bệnh lập tức ra ngay .
Thời Nhậm viết ngay một phúc thư trao cho phu trạm đi gấp ra Nam Quan. Ngày hôm sau, Thời Nhậm cùng Võ Văn Dũng hộ tống Nguyễn Quang Thùy lên đường ra Thăng Long nhậm chức. Đến nơi vừa đúng đầu tháng chín, biết sứ bộ nhà Thanh đang nghỉ ngơi ở nhà tiếp sứ Gia Quất bên bờ bắc sông Hồng, Thời Nhậm liền mời Nguyễn Quang Thùy, Võ Văn Dũng, Loan Đại Hồi cùng hàng trăm thủ hạ sang đón vào Thăng Long. Sau khi hai bên hoàn tất những thủ tục ngoại giao, Thành Lâm nói:
– Hoàng thượng Thiên triều có chỉ thị việc phong vương phải thực hiện ở điện Kính Thiên theo lệ cũ, ngày cử lễ là hai mươi hai tháng chín, Quốc trưởng của các ông đã khỏi bệnh chưa, sao không thấy?
Thời Nhậm đáp:
– Vua của chúng tôi khi hay tin được sắc phong vội vã bỏ cả việc xây dựng thành Nghệ An, cấp tốc lên đường ra Thăng Long nhận lễ, nhưng xa giá vừa đến Đông Thành, Nghệ An thì nhuốm bệnh nên chưa ra Thăng Long được.
Thành Lâm chau mày nói:
– Việc thụ phong của Thiên triều đáng phải đặt lên trên tất cả mọi chuyện, ngày giờ đã được Hoàng thượng Thiên triều chỉ định, sao các ông lại thác bệnh mà chậm trễ như thế được?
Thời Nhậm ôn tồn đáp:
– Chúng tôi biết. Nhưng Thăng Long vượng khí đã tàn, vua của chúng tôi có ý xin ngài chánh sứ cử hành lễ sắc phong ở kinh đô mới là Nghệ An để đất nước chúng tôi được hưng vượng.
Thành Lâm lớn tiếng:
– Không thể được. Hoàng thượng Thiên triều đã chỉ thị cử hành lễ ở Thăng Long theo lệ cũ, ta sao dám thay đổi. Các ông gấp rút mời Quốc trưởng ra ngay Thăng Long, đừng để trễ ngày đã định thì mắc tội lớn với Thiên triều đấy.
Ngô Thời Nhậm đã có chủ ý nên tiếp tục mềm mỏng:
– Ngài Chánh sứ đã nhất định như vậy, chúng tôi đành phải cấp báo về Nghệ An để mời nhà vua dời giá ra đây.
Bèn hối hả sai người gấp rút lên đường đi Nghệ An. Năm hôm sau đó, Thời Nhậm mời Thành Lâm đến gặp, trao bức thư của vua Quang Trung vừa gởi ra nói:
– Không may cho chúng tôi. Hoàng thượng vừa hết bệnh đang định lên đường ra Thăng Long thì hay tin bọn Tề Ngôi hải phỉ đang rầm rộ quấy phá cửa Tư Dung và Hội An nên phải cấp tốc trở về Phú Xuân để lo dẹp loạn. Xin ngài chánh sứ xem qua rồi liệu biện.
Thành Lâm nghe nói thì mở thư ra đọc, xong thất kinh la lớn:
– Nay đã gần đến ngày chỉ định hành lễ, Quốc trưởng các ông lại còn bận dẹp loạn ở Phú Xuân thì biết đến chừng nào mới ra Thăng Long nhận sắc, ta biết phải trình tấu lên Hoàng thượng Thiên triều thế nào đây. Tội này không nhỏ đâu.
Bọn Ngô Văn Sở nghe Thành Lâm mở miệng ra là một tiếng Thiên triều, hai tiếng Thiên triều thì cười thầm trong bụng, Thời Nhậm cũng giả bộ lo sợ nói:
– Hay mời ngài chánh sứ xa mã vào Phú Xuân tiến hành lễ sắc phong, như vậy sẽ không trễ hạn kỳ của Đại hoàng đế đưa ra.
Thành Lâm nghĩ nếu nhượng bộ sẽ hạ thấp uy vũ của Đại Thanh và đắc tội với vua mình nên cương quyết từ chối:
– Không được. Việc cử hành lễ nhất thiết phải theo lệ cũ. Ta đành phải báo về xin chỉ thị của Hoàng thượng Thiên triều vậy.
Liền thảo biểu chương tấu trình việc chậm trễ sắc phong, sai bộ hạ cấp tốc mang về cho Phúc Khang An để trình lên Càn Long. Trong khi đó Ngô Thời Nhậm cũng cho người về gấp Phú Xuân báo cho vua Quang Trung hay. Trong thời gian chờ đợi chỉ thị của Càn Long, vị chánh sứ Thành Lâm tuy được tiếp đãi trọng hậu lại được tặng nhiều qùa cáp nhưng ông ta lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa, ngày ngày hỏi thăm Ngô Thời Nhậm:
– Quốc trưởng các ông đã lên đường chưa?
Thời Nhậm vẻ mặt buồn rầu lo lắng đáp:
– Chúng tôi vẫn chưa nhận được tin lành.
Mãi đến đầu tháng mười, Thành Lâm mới nhận được chỉ dụ của Càn Long. Biết nhà vua bỏ qua việc trễ nải, Thành Lâm mừng rỡ như vừa thoát khỏi tội chết, tuy trong lòng phân vân không hiểu vì sao đối với việc An Nam, Đại hoàng đế của Thiên triều lại tỏ ra rất dễ dãi như thế.
Trung tuần tháng mười, có tin báo vua Quang Trung cùng tùy tùng đang trên đường sắp ra đến Thăng Long. Nguyễn Quang Thùy dẫn bá quan ra khỏi thành nghênh đón. Hôm sau, ngày mười lăm tháng mười năm Kỷ Dậu, tại điện Kính Thiên, lễ sắc phong An Nam Quốc Vương được cử hành trọng thể.
Thành Lâm trong phẩm phục Đại Thanh tuyên chỉ:
“… Ngươi, Nguyễn Quang Bình khởi từ đất Tây Sơn, vốn dĩ mặc quần áo phương Nam, với kẻ kia vốn không có nghĩa quân thần, chỉ có tình hôn nhân, đến khi hai bên gây hấn, tình nghĩa dứt rồi, lúc vội vã chống lại, dẫu không cố ý nhưng tội lỗi không dễ xóa nhòa. Nay biết thống hối, dâng tờ biểu thiết tha, sai con làm sứ thần sang trình bày, dâng đồ cống phẩm, bản thân sang năm sẽ qua chúc thọ, không vì được phong tước để vinh quang mà để cho thần tử đang ngơ ngác lang thang có nơi nương tựa.
“Những lời trần tình ấy quả là thành thực, tuy nơi xa xôi cũng thuận quay về, huống chi vương đạo không phân biệt ai, há lại coi chỗ này hơn chỗ khác, người sống phải có kẻ chăn dắt, kẻ hòa hợp cần có gia đình, người nghèo khó được nâng đỡ, kẻ kém được vỗ về, nay phong cho ngươi làm An Nam Quốc Vương, ban cho ấn mới.
“Than ôi!
“Đời có lúc hưng lúc phế, thiên tử chiếu theo mệnh trời mà làm, không ngờ vực, không sợ hãi, người trong nước tất cả đều nghe theo để cho vương đạo tràn lan khắp cõi, truyền cho đến con cháu, không để vào tay người khác, hết lòng hết dạ chăm chỉ sớm hôm, không trễ nải việc nước, luôn luôn kính trọng oai trời để được ơn mưa móc mãi mãi.
“Khâm tai!
“Chớ bỏ qua lệnh trẫm.”
Vua Quang Trung tiếp chỉ xong truyền đại yến thết đãi Thành Lâm cùng ban tặng nhiều châu báu. Trong tiệc, Thành Lâm không ngớt lên giọng bề trên khuyên vua Quang Trung đủ điều từ thuật trị nước đến vấn đề binh cách. Nhà vua hân hoan lắng nghe, không ngớt lời cảm tạ.
Hai hôm sau Thành Lâm rời Thăng Long trở về Trung Quốc, nhà vua tỏ vẻ bịn rịn tiễn đưa, sai Nguyễn Quang Thùy cùng bá quan đưa Thành Lâm mười lăm dặm, Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân thân tiễn hơn năm dặm nữa mới trở về. Thành Lâm không khỏi hiu hiu tự đắc, viết biểu tấu trình lên Càn Long, tô vẽ thêm về chuyến đi sứ sắc phong thành công mỹ mãn, triều đình An Nam từ vua quan đến thứ dân ai nấy hớn hở vui mừng vì nhận được ơn mưa móc của thiên triều.
Tối hôm đó, các vị đại thần ở Thăng Long họp mật với nhau, Nguyễn Quang Thùy tươi cười nói:
– Anh Công Trị tài hết chỗ nói, em cứ tưởng chính phụ hoàng đang làm lễ tiếp chỉ của Càn Long.
Phạm Công Trị cười khoái trá nói:
– Nghe tên Thành Lâm một điều Thiên triều, hai điều Thiên triều lại lên mặt dạy đời, suýt chút nữa là anh bật lên cười rồi. Huênh hoang như hắn, nếu biết bị chúng ta lừa chắc sẽ độn thổ trốn biệt khỏi trần gian..ha…ha…
Thời Nhậm nói:
– Lần này chỉ gạt một mình Thành Lâm, năm tới phải qua mắt cả triều đình nhà Thanh, anh phải cẩn trọng tối đa mới được.
Ngô Văn Sở chưa tan hết niềm thống khoái trong lòng, vui vẻ nói:
– Ngô thị lang an tâm, tôi thấy Công Trị chẳng khác hoàng thượng chút nào cả. Ngay chính tôi mà không tìm ra chút sơ hở thì không ai có thể phát hiện được.
Huy Ích nói:
– Dù vậy chúng ta cũng phải cẩn thận. Ngày mai vị hoàng thượng giả này cũng nên tiền hô hậu ủng trở về Phú Xuân để thiên hạ khỏi ngờ.
Hôm sau Công Trị và tùy tùng trở về Phú Xuân. Công Trị trình tờ sách phong và bài thơ Ngự Chế của Càn Long và kể lại diễn tiến buổi lễ cho vua Quang Trung nghe. Nhà vua vui vẻ đùa:
– Vậy là từ nay cháu sẽ là An Nam quốc vương của bọn nhà Thanh, còn ta sẽ là Quang Trung hoàng đế của Đại Việt. Việc chiêm cận năm tới, cháu phải làm trò cho giỏi, lộ ra mất mạng như chơi đó.
Công Trị nói:
– Hoàng thượng an tâm, một khi bọn Phúc Khang An đã leo lên lưng cọp, nếu có lộ ra thì cho vàng đi nữa chúng cũng không dám hé môi đâu.
Quang Trung dặn Trần Văn Kỷ:
– Khanh viết một tờ biểu tạ ơn kèm một số qùa tặng, giao cho Nguyễn Hoằng Khuông và Tống Danh Lang mang sang Yên Kinh đáp lễ. Trong biểu, xin Càn Long cho mở cửa biên giới cả thủy lẫn bộ để hai nước được thông thương buôn bán.
Trần Văn Kỷ tâu:
– Theo lệ nhà Lê, nay đã gần cuối năm là thời kỳ nộp cống phẩm, ta nên góp chung hai việc vào làm một cho tiện có được chăng?
– Được. Riêng lệ cống người vàng, hôm trước ta đã dặn Ngô Thời Nhậm thảo một tờ biểu trần tình, cứ mang theo trình lên cho Càn Long, từ nay dẹp cái chuyện phi lý ấy đi.
– Dạ. Hoàng thượng.
Trích NhấtThống Sơn Hà- tập 4
Năm mới Bính Thân, năm huề vốn của tui, Vũ thanh xin chúc tất cả các bạn hữu à qú độc giả của Xứ Nẫu một năm tràn đầy niềm vui và thắng lợi.
Quang Trung đước Ấn Thụ Phong”-”An Nam Quốc Vương”-Càn Long ban cho…Danh hiệu nghe Oai thấy to!?Nhưng vẫn Nhược Tiểu trong LO cống nạp…Thăng Long rồi đến Nghệ An Vận nước vận nhà vẫn mang tình trạng”Đô hộ thống trị An Nam! Dương dương tự đắc Triều Thanh phủ Trùm”?!
Không hiểu!!!
Dù sao đi nữa người Việt chúng ta cũng có được một biểu tượng tinh thầnđể chúng ta còn nhớ còn tin và còn hy vọng. Vua Quang Trung ơi ngài mau tái sinh
Cho nên VT bỏ ăn bỏ ngủ để cố hoàn thành tác phẩm này cho kịp với tình hình đất nước đương đại Bach Dang ơi.
Sao ai cũng nhớ đến Quang Trung vậy ta ?
Đọc xong nhớ vua Quang Trung quá.
Cuốn tiểu thuyết thật dày,nhưng tôi sợ nếu in ra việc phát hành sẽ rất khó.
Sách đã được Amazon ở Hoa Kỳ phát hành khắp thế giới rồi đó Trần Minh Sơn ơi. Đăng tìm nxb trong nước phát hành đây.
Cám ơn bạn đã nhắ nhở rằng ta đã từng có một vua Quang Trung, từng thắng bọn tàu xịn không còn manh giáp.
Cảm ơn Bích Câu, T&T, và Mộc Miên. Có lẽ trong những vị anh hùng dân tộc, người mà khiến cho bọn Tàu khiếp sợ nhất đó là vua Quang Trung.
Đánh cho để dài tóc.
Đánh cho để đen răng
Đánh cho chúng chích luân bất phản
Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ.
Người phán như thế và người đã làm đúng như thế đấy.
Hay.
Thank you Khách.
Rất tâm huyết, rất kỳ công anh ạ.
Cảm ơn Hoa. Chúc vui vẻ nhé.
Ý quên khen tấm lòng thơm thảo đối với tiền nhân của một nhà văn Việt kiều như anh Vũ Thanh. Kính chúc anh một năm mới may mắn hạnh phúc tràn đầy.
Cảm ơn lời chúc của Hẽm Nhỏ. VT cũng xin chúc lại bạn một năm Bính Thân như ý. Từ ngàn xưa mỗi khi có biến nạn con dân Âu Lạc vẫn thường cất tiếng gọi Bố Lạc Long: “Bố ơi!, Bố ở đâu hãy mau về cứu chúng con” Và Bố Lạc Long Quân sẽ trở về giúp các con mình tai qua nạn khỏi. Nhờ vậy mà mấy ngàn năm nay nước Việt nhỏ bé vẫn đứng sừng sững cạnh tên khổng lồ hung ác là Trung Quốc, còn đánh co chúng bát đảo thất điên bao nhiêu bận nữa kia đấy.
Một thời đại thật hiển hách. Ngưỡng vọng ngài cầu mong ngài phù trợ cho đất nước quê hương.
Viết thật công phu, làm bật lên được nét đại nhân đại trí đại nghĩa của người.
Cảm ơn Xaque. Tất cả những chi tiết trên đều có trong sách vở của ta và của Tàu, VT chỉ sắp xếp lại cho dễ đọc mà thôi.
Tự hào thay . Giờ thấy nuối tiếc. làm sao có một vua Quang Trung thứ hai ?
Nguyễn Hoàng Phương ơi. Nguyễn Trãi từng khẳng định rằng: “Vận nước có khi cường, khi nhược, nhưng anh hùng thì đời nào cũng có”. Hãy tin tưởng vào tinh thần bất khuất ngàn đời của Việt tộc, như vậy khi nước biến sẽ có anh hùng.
Bình Định đất võ trời văn.
Vậy hãy cùng nhau chứng minh điều đó An Nhơn ơi. Vui nhé.
Quang Trung ơi ngài ở đâu ?
Ngài đi đâu rồi nhà văn Vũ Thanh ơi.
Ngài ở ngay trong lòng chúng ta Minh Phương và Cao Đạt ơi. Ngài mất đi nhưng hào khí của ngài vẫn còn đó. Việc của chúng ta là phải tiếp nối cái hào khí đó để tự cứu lấy non sông, không sợ ai, mà cũng chẳng phải nhờ cậy đến ai. Nhất Thống Sơn Hà nêu rất rõ cái hào khi này. Mong các bạn tìm đọc.
Hình như vua Quang Trung lên ngôi dịp này thì phải ?
Vua Quang Trung lên ngôi năm trước đó (Mậu Thân) để hiệu triệu toàn dân đánh đuổi quan Thanh vào năm Kỷ Dậu, Mai Hoa ơi. Thắng quân Thanh xong, ngài muốn co thời gian củng cố lại đất nước nên mới tìm cách cầu hòa. Chúc bạn vui.
Nói đúng sự thật, sợ gì phải xóa Rong Biển ơi.