Nguyễn Hoàn
Vừa thăm xong mẹ thằng bạn bước ra, trong đông đảo, ồn ào của sân bệnh viện ung bướu, tôi nghe có tiếng người gọi tên mình. Một bệnh nhân mặc đồ xanh lam của bệnh viện, dáng người nhỏ thó, ốm yếu, khuôn mặt tái xanh nhìn tôi đăm đăm rồi buộc miệng hỏi: “Hòa? Phải Hòa không?”. Tôi nhìn người đàn ông, ngờ ngợ nhưng rồi cũng kịp nhận ra: “Trời ơi, Thạch, Thạch phải không? Mấy mươi năm rồi!”. Thạch kéo tôi lại hàng ghế đá cuối góc sân bệnh viện, sát căng tin và kêu cho tôi một ly cà phê đá, còn Thạch một chai nước lọc. Chúng tôi vừa nhâm nhi vừa trầm ngâm vừa rủ rỉ không biết bao nhiêu là chuyện của ngày xưa, của bây giờ. Không ngờ giữa cái đất Sài Gòn rộng lớn, tấp nập này chúng tôi lại gặp nhau. Ở cái tuổi lục tuần, hai mái đầu đã chớm bạc nên nói chuyện với nhau có vẻ điềm đạm, từ tốn hơn, thật hơn. “Mày bị gì mà trông có vẻ sa sút thế?”, tôi buộc miệng. “Có gì đâu, tao bị đau âm ỉ hạ sườn phải, khi đến bệnh viện khám mới viết mình bị ung thư gan giai đoạn cuối. Nghe nói người như tao nhiều lắm chỉ sống vài ba tháng nữa, không biết có qua khỏi cái tết này không?”. Thằng Thạch nói với tôi giọng nhỏ nhẹ nhưng rõ, chẳng nhuốm vẻ gì bi quan cả. Qua khỏi cái tết này ư? Để mà tròn sáu mươi tuổi ư? Tôi và nó cùng tuổi với nhau. Người ta nói sáu mươi năm cuộc đời! Nhưng đó là ngày trước. Còn bây giờ xã hội văn minh hơn, cuộc sống đầy đủ hơn nên tuổi thọ của con người kéo dài hơn. Nhưng với thằng Thạch thì chắc chỉ tới cái ngưỡng ấy. Tôi nhìn chiếc lá vàng duy nhất trong vòm xanh của những dây leo trường sinh bám chặt vào thân cây bằng lăng bên cạnh ghế đá và thoáng qua thằng Thạch đang cúi xuống tư lự. Chắc không lâu nữa đâu, giống như chiếc lá vàng kia, thằng Thạch sẽ rụng xuống để đi vào cõi vĩnh hằng. Ai cũng vậy thôi. Khác chăng là kẻ đi sớm, người đi muộn. Thằng Thạch sẽ rũ bụi ra đi mà bên cạnh không vợ con, không người thân thích. Đang suy nghĩ miên man về nó thì một người đàn bà khoảng tuổi năm mươi trông có vẻ quê mùa, lam lũ tiến về phía chúng tôi nói: “Anh Thạch, đã tới giờ bác sĩ thăm khám bệnh nhân, mời anh vào phòng”. Thạch giới thiệu: “Đây là cô làm dịch vụ chăm sóc bệnh nhân. Tao thuê cô ấy chăm sóc tao từ đầu tháng, hôm mới vào bệnh viện…”. Tôi cùng Thạch theo người đàn bà đi về phía dãy phòng dài nằm ở cuối bệnh viện. Trước khi ra về, tôi nói sẽ vào với Thạch luôn vì đã nghỉ hưu, không bận bịu gì nhiều. Thạch nhìn tôi, xót xa, u uẩn.
Tôi và Thạch cùng quê. Quê tôi có ngôi thành cổ lâu đời của Vương Quốc Chămpa, có tháp Chăm rêu phong, trầm mặc. Có tháp đứng một mình, có tháp đứng thành chùm trên những ngọn đồi sỏi đá cằn cỗi. Có điều lạ là trên những địa cuộc tháp Chăm đều có chùa Việt mọc lên sau này. Có lẽ do phong thủy nơi đó phù hợp với nơi đặt cơ ngơi tâm linh chăng? Làng chúng tôi cũng vậy. Chùa Nhị Tháp nằm bên sườn một ngọn đồi thấp, nơi đó ngày trước có hai ngôi tháp đứng sát bên nhau. Chùa nằm ở phía Tây làng, nơi vắng vẻ. Những vỉa đá trên đồi đất, có tảng to như ngôi nhà, có tảng to như căn phòng, bây giờ nằm rải rác trong khu vườn chùa. Vì vậy cho nên đồi tháp còn có tên là đồi Đá Nhảy. Chùa có khuôn viên rộng, có tường đá ong bao quanh. Mái tam quan lợp ngói âm dương của cổng chùa nằm bên trên những bậc thềm đá núi xanh được người xưa đẽo gọt khá công phu. Chùa tuy nằm ở nơi u tịch nhưng vào những ngày rằm, mồng một hoặc những ngày lễ tết, khách thập phương, thiện nam tín nữ đến ngoạn cảnh, cúng viếng khá đông.
Vào một đêm đông mưa gió của sáu mươi năm về trước, nghe tiếng kêu thảm thiết từ phía cổng tam quan, sư cô và sư nữ xách cây đèn bước ra thì thấy bên ngạch cửa cổng tam quan một người phụ nữ tóc tai ướt nhẹp, tay ẵm đứa bé còn đỏ hỏn. Quả phụ giọng nói yếu ớt, van xin: “Bạch sư cô. Sư cô rũ lòng từ bi cứu vớt hai mẹ con…”. Hai vị sư dìu người phụ nữ vào chùa. Đứa bé vẫn còn khóc yếu ớt. Sau khi lau khô mặt mũi tóc tai cho cháu bé, cho mình và uống tách trà nóng từ vị sư nữ đưa cho, người phụ nữ thút tha, thút thít nói: “Bạch sư cô, con mới sinh cháu được ba hôm, không tiền, không thuốc thang, đau yếu… nên liều ẵm cháu đến chùa, mong sư cô cưu mang làm phước…”. Sư cô an ủi người phụ nữ và hứa sẽ lo cho hai số phận đã có duyên tìm đến Phật. Rồi mẹ con người phụ nữ được sư cô cho ở gian phòng kho phía sau chùa, nơi mà trước đó chứa các thứ đồ gỗ, đá lỉnh kỉnh qua những lần xây dựng tu bổ chùa còn sót lại. Nhưng người phụ nữ ấy chỉ tá túc ở chùa võn vẹn có bảy ngày rồi chết vì bị bệnh sản hậu dù các vị sư nữ tận tình thuốc thang. Đứa bé lớn lên ở chùa nhờ những thìa cháo của các sư nữ chính là thằng Thạch. Nó ốm yếu, nhỏ con, nhưng biết ăn rất sớm, biết đi rất sớm và biết nói cũng sớm hơn mọi đứa trẻ khác. Khi thằng Thạch lên sáu thì sư cô gửi nó lên tu tập ở chùa Bảo Phúc, một ngôi chùa nam ở làng bên. Tôi và thằng Thạch học cùng lớp, cùng trường tiểu học. Được sư ông ở chùa kèm cặp nên thằng Thạch học hành chăm chỉ, lanh lẹ hơn tôi. Chuyện trò với tôi, thỉnh thoảng thằng Thạch chen mấy câu chữ nhà Phật tôi nghe không hiểu lắm. Tuy mặc đồ chùa, đầu cạo trọc nhưng thằng Thạch chơi chung với bạn bè những trò chơi nghịch ngợm. Những ngày nghỉ học, thằng Thạch thường rủ tôi xuống chùa nữ, nơi nó đã sống những năm đầu đời. Chín mười tuổi, với chiếc ná đeo tòong teng ở cổ, tôi thường đi bắn lũ chim trên các tàng cây. Đến chùa Nhị Tháp, tôi không dám đeo chiếc ná vào cổ, sợ các sư trông thấy, mà cất vào bị quần. Ra phía sau chùa, nơi có căn phòng kho mà thằng Thạch ở lúc nhỏ, nghe tiếng chim dồng dộc kêu ríu rít trên những chiếc tổ đan hình cái đãy treo lủng lẳng trên những nhánh cây sầu đông cao, tôi rút ná ra. Khi sắp sửa bắn con chim có bộ lông vàng sậm đứng trên miệng tổ thì tiếng chuông chùa vọng ra làm tôi khựng lại. Thằng Thạch hỏi sao tôi không bắn. Tôi lắc đầu và xếp ná bỏ vào bị. Thằng Thạch thọc túi quần tôi rút ná ra. Và nó bắn liên tiếp nhiều viên đá cuội vào các tổ chim. Chim kêu táo tác, bay tứ tản nhưng chẳng rớt con nào.
Lên trung học đệ nhất cấp tôi và thằng Thạch có thêm nhiều trò chơi khác. Một vỉa đá ong lớn ở giữa dòng sông quê tôi giống như một đảo chìm là tòa thành mà lũ trẻ chúng tôi chia thành hai phe bơi lội đánh giặc giả chiếm thành thật vô cùng thỏa thích. Đã có lần vì do đau mới khỏi tôi đã tham gia đánh giặc nước, do đuối sức bơi không nổi tôi đã chìm nghỉm uống nước sông đầy bụng may mà thằng Thạch kịp thời vớt được đẩy tôi vào bờ. Mặc dù thằng Thạch nhỏ con hơn tôi, nhưng nhìn nó bơi lội dưới sông tôi thấy nó không khác nào Lý Công Uẩn thời Lý. Có những trò chơi, thú vui khác đáng lẽ nó không nên tham gia thì đúng hơn, ví dụ như câu cá thì nó rất mộ. Đi câu với tôi, mỗi đứa một cần thì nó luôn là người câu được cá nhiều hơn tôi. Hình như nó là tay sát cá. Câu xong nó giao hết cá cho tôi vì nó ăn chay đã quen rồi. Có lần hai đứa ngồi câu bên một cái ao rộng sau mưa lũ ếch, nhái, ễnh ương kêu nghe như âm nhạc trổi dậy ở chốn đồng quê. Thằng Thạch tâm sự với tôi khi chỉ cho tôi xem một con nhái bén có nước da xanh vàng ngồi trên chiếc lá môn, và một con ếch cốm ngồi bên bụi cỏ mép nước, nó nói: “Giữa con nhái bén nhỏ nhắn và con ếch to mập kia tao thích con nhái bén hơn, vì nó lanh lẹ gấp nhiều lần so với con ếch chậm chạp, khù khờ”. Nghe nó nói, tôi hơi chột dạ bởi tôi nghĩ câu nói của nó mang tính chất so sánh ám chỉ giữa tôi và nó. Tôi cúi xuống lấy một cục đất nhỏ ném về phía hai con vật. Nghe động con nhái bén nhảy biến vào bụi cỏ rậm mất hút, còn con ếch cốm vẫn ngồi yên giương mắt ngó bâng quơ. Tôi giở cây cần câu đưa miếng mồi về phía miệng con ếch cốm, nó vẫn cứ ngồi yên không chịu đớp mồi, một lúc lâu khi miếng mồi tôi điều chỉnh qua sợi dây cước rơi đúng vào lưng nó, nó mới chảy vào lùm cỏ dại trước mặt.
Chúng tôi lên Trung học đệ nhị cấp đúng vào thời điểm Mỹ leo thang chiến tranh ném bom miền Bắc, đánh phá miền Nam ác liệt. Ở quê tôi vùng xôi đậu, ban ngày Quốc gia, ban đêm Cộng sản. Bạn bè chúng tôi nhiều đứa bỏ học. Tôi và thằng Thạch vẫn cứ trụ vững. Nhưng do chùa nó không có nhiều sư, nên nó thỉnh thoảng hay nghỉ học để theo sư cụ đi cúng ở những nơi xa. Sư phụ đã già yếu nếu không có nó trợ giúp thì cũng gặp nhiều khó khăn trên vấn đề đi lại. Người ta thường thấy trên chiếc mô bi lét cà tàng, thằng Thạch chở sư phụ nó đi về những nốt trầm trên chốn làng quê yên tĩnh. Sau những lần đi cúng ấy nó thường mang đến trường những bịch bánh ngọt, hoa quả, mời lũ bạn. Và nó cũng đỏ mặt lên khi mấy đứa bạn gái khen nó biết thương người!
Tôi và nó những ngày ôn thi tú tài cũng thường hay ghé chùa Nhị Tháp. Hồi nhỏ, lần đầu tiên vào chùa, tôi đã thấy một tượng đầu người bằng đá đội mũ, trông vẻ mặt của một trung niên đẹp, phương phi được thờ ở một cái bàn nhỏ đặt trước chánh điện bên dưới tượng Phật Di Đà. Lần đầu tiên vào chùa ấy, thấy tôi đăm chiêu nhìn cái đầu người bằng đá kích cỡ như đầu người thật tôi hơi sờ sợ, thì sư cô nói với tôi: “Tượng đầu người này có từ thời còn hai ngôi tháp cổ, qua nhiều đời gìn giữ cất giấu mới tồn tại đến ngày nay đó”. Không biết sự tích của pho tượng như thế nào. Chỉ biết tượng đầu người linh thiêng lắm. Thiện nam tín nữ tới chùa cầu duyên, cầu con thường đốt nhang khấn vái pho tượng này. Một tảng đá hình thuẫn trông như quả trứng to có chiều dài khoảng sáu mét, chiều cao khoảng 3 mét nằm ngang phía trước mặt phòng kho nơi Thạch ở ngày trước cũng làm cho tôi ngạc nhiên vô cùng.
Hết bậc trung học tôi thi đậu tú tài một. Còn thằng Thạch thì bỏ chùa đi biền biệt sau khi sư cụ trụ trì chết vì già yếu. Có người nói Thạch nhảy núi theo cộng sản.
Sau 1975, Thạch lù lù về quê. Nó mua một ngôi nhà ngói nhỏ. Nó tham gia vào chính quyền xã và leo lên chức Trưởng ban Tài chính. Trong đợt cải tạo tư sản, nó làm rất mạnh tay. Thật ra xã tôi là một xã thuần nông chỉ có vài chục người buôn bán nhỏ ở khu vực quanh chợ, cũng chỉ là mua bán nhỏ nhưng tất cả đều bị kiểm kê tài sản. Nhiều gia đình khốn đốn vì bị đoàn kiểm kê tịch thu vàng bạc. Làm việc đâu được 5 năm ở xã, thì thằng Thạch bị phát hiện là man khai lý lịch. Một cán bộ ở tỉnh về xã công tác đã tát vào mặt nó mấy tát và bảo nó là thằng chiêu hồi. Người cán bộ tố cáo nó thoát ly lên cứ được bố trí vào đơn vị ông nhưng chỉ được một tuần đã bỏ trốn vì không chịu nổi kham khổ và sợ chết. Nó bị đuổi việc, rồi bán nhà đi biệt tăm.
Ở sân bệnh viện ung bướu, tôi hỏi về cái sự biệt tăm ấy của nó, nó nói: “Tao sống rày đây mai đó, như lúc trước. Chạy xích lô, ba gác ở Sài Gòn. Làm nghề đẽo đá tạc tượng ở Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng. Rồi chạy xe ôm. Trong đời, tao đã làm nhiều điều dại dột. Con nhái bén có mặt trên khắp các ao hồ, vệ đê, bờ cỏ, cánh đồng, để rồi cuối đời cũng tan biến vào đá mà thôi”! Sao không tan biến vào đất, mà là tan biến vào đá? Tôi bật cười và cho rằng trước đây thằng Thạch đã từng làm nghề đục đẽo đá nên đá đã quệnh vào người nó !
Lần thăm cuối cùng, tôi đã vào đến tận giường nằm của nó. Thấy tôi ở cửa phòng chị nhân viên chăm sóc cho Thạch nháy mắt bảo tôi vào. Trên giường bệnh thằng Thạch như cố nén cơn đau ở vùng bụng phều phào với tôi rằng: “Tao sắp đi rồi. Đây là số tiền còn lại cuối đời của tao, mày dùng số tiền này để hỏa thiêu tao tại đài hóa thân Hoàn Vũ rồi chịu khó đem nắm tro tàn về quê đặt ở chùa Nhị Tháp. Tao có viết kèm lá thư gửi cho sư cô. Năm nay sư cô đã hơn chín mươi tuổi rồi nhưng nghe nói còn minh mẫn lắm. Sư cô nhân đức sẽ tiếp nhận nắm tro tàn của tao và tha tội cho tao…”, Thạch nói như hụt hơi và chìa bì thư dày cộm trước mặt tôi. Tôi cầm bì thư và hứa với nó: “Tao sẽ làm theo những điều trăn trối của mày. Mày yên tâm!”.
Tối hôm đó thằng Thạch ra đi. Tôi vuốt mắt nó. Chị nhân viên chăm sóc nó mấy tháng trời khóc thút thít. Tôi làm thủ tục và cùng chị đưa xác nó đến lò thiêu. Cũng ngày hôm đó tôi ôm cái bình sứ tròn đựng nắm tro tàn của nó lên xe về quê để giao cho sư cô đặt vào chùa Nhị Tháp.
Sư cô đọc thư của thằng Thạch, trầm ngâm: “Thiện tai, thiện tai. Không ngờ hai vật thần ngàn năm là tượng đá đầu người và hai khối đá lin ga của chùa là do nó trộm. Không biết nó bán được bao nhiêu tiền mà làm việc thất đức vậy. Nó hám tiền, tới nơi cưu mang nó để ăn trộm mà các sư trong chùa đêm mưa gió ấy không hề hay biết. Nó sám hối tội lỗi của mình trước khi chết thì quả là muộn mằn. Nó gốc gác hoang đàng. Giáo lý nhà chùa đã không cải hóa được nó”.
Sư cô ôm chiếc bình sứ đựng tro tàn của thằng Thạch đi về phía mặt lưng của chánh điện và đặt vào bệ thờ. Trên bệ thờ ảnh của những người quá cố được thân nhân của họ gửi vào chùa với hằng mong là linh hồn của họ được tiêu diêu miền cực lạc. Chỉ duy nhất trên bệ thờ là chiếc bình đựng tro tàn của thằng Thạch. Vì ở quê tôi người chết là chôn vào đất chứ chưa có thủ tục hỏa thiêu.
Sư cô đếm số tiền mấy chục triệu còn lại của tôi trao kèm theo lời của thằng Thạch là để chùa giúp đỡ người khốn khó và để tu sửa chùa. Sư cô yêu cầu tôi ghi rõ, số tiền, tên người gửi, ngày gửi và ký tên vào sổ vàng của chùa. Tôi thấy đôi mắt của sư cô dưới đôi chân mày bạc trắng thật buồn.
Buổi tối hôm đó tôi về lại Sài Gòn. Trong âm thanh xình xịch của tàu hỏa, tôi thoảng nghe văng vẳng tiếng của sư cô: “Cái bình sứ đựng tro tàn của thằng Thạch đã bị kẻ trộm đột nhập vào chùa lấy mất, tìm khắp nơi không thấy …”. Và tôi lơ mơ thấy thằng Thạch, trong bộ đồ bệnh nhân đào một cái hang dưới tảng đá lớn trước nhà kho của chùa, nơi nó ở hồi nhỏ, bê cái bình sứ đựng tro tàn của nó đặt sâu vào trong hang lấp đất lại rồi biến mất. Phía trước mặt của tảng đá có đục khắc một hàng chữ: “Tên tội đồ mất gốc, vô cảm, hám tiền, dám bán cả thần thánh, đáng tội đá đè ngàn năm”.
N.H
Những thân phận người buồn quá.
Mê Trần gian mê vật chất!Thỏa cho bản năng rồi tiêu tan thân!Tàn tro thân xác biến mất!”Đá đè không thoát cục đất nhà chùa!”Lạ lùng hư thực một giấc mơ-Buồn!?
Viết dễ đọc hơn so với những truyện ngắn trước đây của Nguyễn Hoàn.
Thầy Hoàn ơi,đã vui thú điền viên chưa ?